Chuong 5
SÁNG CHẾ DÂN TỘC TRUNG HOA
Zhonghua minzu - dân tộc Trung Hoa
Cuối tháng 8 năm 2018, một vị khách đặc biệt đã được hướng dẫn tham quan một kì quan kĩ thuật của Trung Quốc trên dãy Himalaya Tây Tạng. Đập Zangmu (藏木: Tạng Mộc) nằm trên sông Yarlung Tsangpo (雅鲁藏布: Nhã Lỗ Tạng Bố) cao hơn 3000 mét so với mực nước biển. Khi mở ra vào năm 2015, đây là nhà máy thủy điện có độ cao cao nhất trên thế giới, tạo ra 500 megawatt mỗi giờ, tăng gấp đôi sản lượng điện của Tây Tạng. Nguồn điện đảm bảo đã thu hút những khách hàng mới của khu vực: các công ti khai thác mỏ, một tuyến tàu cao tốc chạy sát biên giới với Ấn Độ và các phát triển du lịch hạng sang. Và tiếp theo sau họ là những người di cư từ các vùng đất thấp đến.
Vị khách đến thăm con đập ngày hôm đó là bậc thánh thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng, Panchen Lama (Ban Thiền Lạt Ma). Hoặc có thể không phải vậy, vì Gyaltsen Norbu là Ban Thiền Lạt Ma do chính phủ Trung Quốc lựa chọn. Năm 1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong đã chọn một cậu bé khác, Gedhun Choekyi, làm Ban Thiền Lạt Ma nhưng cậu ta ngay lập tức bị các quan chức Trung Quốc bắt đi. Bây giờ cả hai Ban Thiền Lạt Ma này đều đang bị Trung Quốc giam giữ. Sự khác biệt giữa họ là Gyaltsen Norbu thường xuyên được phô ra trước các phương tiện truyền thông quốc gia đi viêng các dự án xây dựng và tương tự, trong khi Gedhun Choekyi không hề xuất hiện 25 năm nay. Hai người đàn ông này là những con tốt trong cuộc chiến giành trái tim và khối óc của người dân Tây Tạng của nhà nước Trung Quốc.
Theo các phương tiện truyền thông chính thức, thông điệp mà Ban Thiền Lạt Ma Trung Quốc gửi đến người dân trong chuyến thăm của mình là ‘Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, với đồng chí Tập Cận Bình (TCB) làm cốt lõi, rất coi trọng công tác tôn giáo và dành tình yêu thương cho những người có đạo.’1 Ông nói với một cuộc tụ tập của Hội Phật giáo chính thức rằng họ phải 'đề cao sự lãnh đạo của đảng, kiên quyết phản đối chủ nghĩa chia rẽ, chú ý kết hợp Phật giáo với tri thức hiện đại và học tập chính sách, và là cầu nối giữa đảng và chính phủ để đoàn kết và kết nối với tín đồ'. Sau đó, ông được chụp hình trước đập Tạng Mộc, xác nhận thành quả của 'sự phát triển xã hội’.
Đây chính xác là vai trò mà Đảng Cộng sản mong đợi Ban Thiền Lạt Ma thực hiện. Đó là cách mà vị Ban Thiền Lạt Ma trước đã đóng vai, ít nhất là trong một thời gian. Năm 1949, trong khi Tây Tạng vẫn còn độc lập, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 được một quan chức đảng tên là Tập Trọng Huân liên lạc và sau đó giúp lập kế hoạch cho cái mà chính phủ Trung Quốc vẫn gọi là giải phóng Tây Tạng bằng Quân đội Giải phóng Nhân dân vào năm 1950. Tuy nhiên, vào năm 1962, sau khi chỉ trích tác động của các chính sách cộng sản đối với người Tây Tạng, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã bị tước danh hiệu, bị tố cáo và bị cầm tù cho đến năm 1982. Tuy nhiên, trong những năm cuối đời, ông đã được phục chức và nối lại quan hệ với Tập Trọng Huân. Lúc đó ông Huân đã trở thành phó thủ tướng của đất nước phụ trách công tác dân tộc, tôn giáo và 'Mặt trận thống nhất’. Hai người đã hợp tác để đảo ngược nhiều chính sách từng gây ra rất nhiều đau khổ. Họ cũng tạo ra một bộ máy hành chính dân tộc-Tây Tạng địa phương để thay mặt cho Bắc Kinh quản lí trung thành khu tự trị. Khi Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đột ngột qua đời vào năm 1989, phó thủ tướng đã viết một bài điếu văn dài trên tờ báo chính thức của đảng, Nhân dân Nhật báo, mô tả tình bạn 40 năm của họ và 'tình yêu của Ban Thiền Lạt Ma đối với Đảng Cộng sản'. Sau nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các sắc dân thiểu số ở phía bắc và phía tây của đất nước, Tập Trọng Huân đã đi đến cái nhìn rằng tốt hơn là để cho các nhóm thiểu số tự quản lí công việc của họ, miễn là họ vẫn trung thành với đảng. Đó là một lập trường hoàn toàn khác so với lập trường mà con trai ông, nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, TCB, đang áp dụng.
12. Cha của Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân cùng với Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 ở thành phố Tây An trong khi ông này đi công du Bắc Kinh, ngày 22 tháng 4 năm 1951. Tập Trọng Huân ủng hộ quyền tự chủ lớn hơn cho các dân tộc thiểu số, trái ngược hoàn toàn với các chính sách hiện tại của con trai ông.
13. Tôn Dật Tiên (giữa) đứng bên vợ là Soong Ching-ling (Tống Khánh Linh) và Mikhail Borodin, cố vấn chính trị của Liên Xô (đeo kính) ở Quảng Châu, năm 1923. Tại đại hội vài tuần sau đó, Quốc dân đảng, dưới ảnh hưởng của Borodin, sửa đổi nguyên tắc chủ nghĩa dân tộc của nó trước sự phản đối của Tiên và nhà tlí luận của ông là Uông Tinh Vệ.
Ngày 22 tháng 3 năm 2018, TCB đã có bài phát biểu bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc với tựa đề được dịch sang tiếng Anh là ‘The Communist Party will always be the backbone of the Chinese people and the Chinese nation” (Đảng Cộng sản sẽ luôn là trụ cột của nhân dân Trung Quốc và dân tộc Trung Quốc). Ở hầu hết các nước, 'dân tộc' (nation) và 'nhân dân' (people) được coi là như nhau, nhưng việc TCB liên tục sử dụng hai từ này đi đôi với nhau trong cụm từ 'Zhongguo renmin yu zhonghua minzu' (Trung Quốc nhân dân dữ Trung Hoa dân tộc) cho chúng ta biết rằng có điều gì đó khác biệt về ý nghĩa của chúng trong tiếng Trung và sẽ biến đi khi chúng được dịch sang tiếng Anh. Những độc giả đã đọc được đến đây sẽ cảnh giác sự phân biệt giữa Zhongguo (Trung Quốc) và Zhonghua (Trung Hoa), mặc dù cả hai đều được dịch sang tiếng Anh là 'China’: Zhong-guo là cách diễn tả cho ‘nước trung tâm’, trong khi Zhong-hua có hàm ý về dân tộc mạnh hơn nhiều. Renmin (nhân dân) thường được dịch là 'people' (người dân) nhưng các học giả đã tranh luận dài dòng về cách dịch minzu (dân tộc), chủ yếu là do nguồn gốc lẫn lộn của từ này.
Zhongguo renmin (nhân dân TQ) có các liên kết rõ ràng với Đảng Cộng sản. Trong những năm đầu của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH), nó là một mảnh từ vựng tiêu chuẩn. 'Nhân dân TQ' là một thực thể chính trị, là thành viên của bốn giai tầng được ưa chuộng đứng về phía đảng: công nhân, nông dân, tư sản dân tộc và tiểu tư sản. Quốc kì thể hiện mỗi giai tầng bằng một ngôi sao nhỏ. 'Nhân dân', trong công thức này, loại trừ kẻ thù của đảng: địa chủ, tư sản và những người ủng hộ Quốc dân đảng (Guomindang hoặc Kuomintang / KMT).2
Trái lại, Zhonghua minzu (dân tộc Trung Hoa) liên quan nhiều hơn đến ngôn ngữ của kẻ thù. Nó làm nền tảng cho hệ tư tưởng của Quốc dân đảng và nổi bật trong các tác phẩm thời chiến của lãnh tụ Tưởng Giới Thạch (TGT). Trong cuốn sách Vận mệnh của Trung Quốc năm 1943, TGT mô tả một dân tộc Trung Hoa - Zhonghua minzu (中華民族) - được hợp thành từ nhiều 'nguồn’ khác nhau, nhưng đều tạo thành một chủng tộc duy nhất vì tất cả đều là con cháu của cùng một tổ tiên.3 Họ có thể đã chia thành Hán, Mãn, Tạng, Mông và Hồi trong suốt 5000 năm trước, nhưng số phận không thể tránh khỏi của họ là tái hợp lại thành một dân tộc Trung Hoa duy nhất. TGT cũng khẳng định rằng các biên giới tự nhiên của dân tộc Trung Hoa hoàn toàn trùng khớp với các biên giới ở kích cỡ lớn nhất của Đại Thanh quốc.
Vào thời điểm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên án công thức này. Những ý tưởng tập thể của nó bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các chính sách của Liên Xô và quan điểm của Joseph Stalin. Năm 1931, đảng này thậm chí còn tuyên bố rằng các 'dân tộc' - và họ nêu cụ thể người Mông Cổ, người Hồi và người Tây Tạng, cùng những tộc người khác - có quyền li khai khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm họ nắm quyền vào năm 1949, đảng này đã xét lại quan điểm của mình. Đến năm 1950, họ kiên quyết trở thành một nước cộng hoà đa sắc tộc trong ranh giới hiện có của nó. Điều tốt nhất mà 'các nhóm thiểu số có óc ‘li khai’ có thể hi vọng là quyền tự chủ. Ngay khi nắm quyền, CHNDTH đã kêu gọi các nhà nhân chủng học phân loại dân tộc theo mô hình của Liên Xô và vào năm 1954, các nhà nghiên cứu đã đưa ra con số hơi tùy tiện là 56, bao gồm Hán, Tạng, Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), Mông, Mãn và các nhóm thiểu số nhỏ hơn nhiều.4
Chỉ đến giữa những năm 1980, ý tưởng về một dân tộc Trung Hoa mới bắt đầu được các nhà lí thuyết cộng sản chấp nhận. Một nhà tiên phong đặc biệt là Fei Xiaotong (費孝通: Phí Hiếu Thông), một trong những nhà nhân chủng học đã tham gia vào dự án phân loại dân tộc ban đầu 30 năm trước đó. Ông nói về một 'cấu trúc nhất thể đa nguyên': mỗi nhóm có thể có những đặc điểm nhận dạng riêng nhưng đặc điểm chính của nhóm đó phải là Trung Hoa. Điều này được hình thành dựa trên một quan điểm của quá khứ rất giống với quan điểm của Tưởng Giới Thạch - rằng tiến trình lịch sử Trung Quốc là câu chuyện của các nhóm dân tộc riêng biệt hợp nhất thành một.
Trong suốt những năm 1990, khi hệ tư tưởng cộng sản chính thống thoái trào, các tuyên bố của Đảng Cộng sản ngày càng tô vẽ từ 'dân tộc' bên cạnh từ ‘nhân dân'. Ví dụ, tháng 10 năm 2000, trong một bài phát biểu kỉ niệm 50 năm Chiến tranh Triều Tiên, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã nói về những người lính bảo vệ 'phẩm giá dân tộc'. Năm sau, dân tộc Trung Hoa đã xuất hiện vài lần trong một bài phát biểu của Giang Trạch Dân chính thức chào mừng các nhà tư bản gia nhập đảng. Họ từng không là một phần trong 'nhân dân' của Mao Trạch Đông nhưng giờ đây họ đã được bao gồm trong 'dân tộc' của Giang Trạch Dân.5
Tư duy mới này càng được gán thêm tính cấp bách bởi các vụ bạo lực và biểu tình sắc tộc ở Tây Tạng và Tân Cương trong những năm 2000. Một số ít nhân vật rất có ảnh hưởng ở CHND Trung Hoa đã xem ý niệm dân tộc tách biệt là mối đe dọa đối với tương lai của đất nước. Một số người, chẳng hạn như giáo sư Ma Rong (马戎: Mã Nhung) ở Đại học Bắc Kinh và Giáo sư Hu Angang (胡鞍鋼: Hồ An Cương) của Đại học Thanh Hoa, cảnh báo rằng việc khuyến khích sự khác biệt sắc tộc có thể dẫn đến việc đất nước tan rã giống như cách mà Liên Xô và Nam Tư bị chia cắt vào những năm 1990. Kết quả là họ đi đến ủng hộ một giải pháp thay thế triệt để - một cách tiếp cận 'nồi súp tan chảy’ (melting pot) trong đó sự khác biệt về sắc tộc sẽ bị xóa bỏ vì lợi ích của sự thống nhất của một 'dân tộc Trung Hoa’ duy nhất.
Nếu được làm theo, đây sẽ là sự phủ nhận trực tiếp các chính sách do Tập Trong Huân thực hiện và được CHNDTH theo đuổi trong nhiều thập kỉ. Đáng chú ý, một trong những người ủng hộ chính của cách tiếp cận này dường như lại là con trai của ông Huân, TCB. TCB đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của cái mà ông gọi là 'năm đồng nhất' bắt buộc đối với tất cả công dân Trung Quốc. Họ phải đồng nhất với tổ quốc, với dân tộc Trung Hoa (Zhonghua minzu), với văn hóa Trung Quốc, con đường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc và với chính Đảng Cộng sản. Điều này chỉ có thể có ý nghĩa nếu TCB tin rằng có một dân tộc duy nhất với một nền văn hóa duy nhất. Nhưng người Hán và người Tạng, cùng với người Duy Ngô Nhĩ và nhiều nhóm khác, nói các ngôn ngữ khác nhau, viết bằng các chữ viết khác nhau và sống theo những cách sống khác nhau. Vậy, có một dân tộc Trung Quốc duy nhất hay có một số dân tộc khác nhau tập hợp lại dưới một dân tộc duy nhất? Tìm câu trả lời cho câu hỏi này đã là một vấn đề nan giải đối với chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ngay từ lúc bắt đầu.
Ngày 13 tháng 1 năm 1897, Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn hay Tôn Văn), sau này là tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc, đã đến nhà bảo tàng Madame Tussauds ở London để xem hoạt cảnh mới mở: tác phẩm sáp Vua John đang kí Đại HIến chương (Magna Carta).6 Thật ra, ông tới đó để nói lời cảm ơn. Ba tháng trước đó, ông đã bị bắt cóc và giam giữ trong tòa nhà của phái bộ ngoại giao Trung Quốc ở West End của thành phố. Trong 12 ngày, các quan chức cố gắng gây áp lực buộc Tôn Văn phải thú nhận tội phản bội. Họ đe dọa sẽ đưa ông ra khỏi nước này và hành quyết ông, nhưng không nhất thiết phải theo trình tự đó. Tuy nhiên, Tôn Văn đã cố gắng mua chuộc lính gác người Anh trong phái bộ ngoại giao gửi dùm thư tới người bạn và thầy giáo y khoa cũ, tiến sĩ James Cantlie. Cantlie sau đó nhận được một án lệnh habeas corpus (buộc đi hầu toà) của Tòa án Tối cao, yêu cầu phái bộ ngoại giao thả Tôn Văn. Magna Carta, trên thực tế, đã cứu sống Tôn Văn.7
Các báo Anh đăng tải câu chuyện. Tôn Văn đã trở thành người nổi tiếng, thậm chí còn hơn thế nữa khi cuốn sách Kidnapped in London ((Bị bắt cóc ở London) của ông được xuất bản cùng thời điểm với chuyến đi đến Madame Tussauds. Với một đòn quyết định, chính quyền nhà Thanh đã biến một nhà bất đồng chính kiến thành một ngôi sao toàn cầu. Cho đến lúc đó, Tôn Văn vẫn chậm chạp trong việc xây dựng phong trào đối lập. Xing Zhong Hui - ‘Hưng Trung Hội' - ông đã lập ở Hawaii hai năm trước (xem Chương 1) có một ít người ủng hộ; cuộc nổi dậy do ông cùng tổ chức ở Quảng Châu năm 1895 đã thất bại, với hầu hết những người mưu đồ đều bị bắt; và các thư lại có tư tưởng cải cách không muốn dây dưa gì với một kẻ kích động mới nổi, được học với các nhà truyền giáo như ông. Trong một cuộc phỏng vấn với một nhà báo Anh ngay sau khi được trả tự do, Tôn Văn đã nói rõ rằng mục tiêu của ông là hoàn toàn khác với mục tiêu của những người cải cách: 'Chúng tôi đã thay đổi ý tưởng của mình để tạo ra một cuộc cách mạng và làm triều đại hiện tại biến đi', ông giải thích.8 Tôn Văn nói thêm rằng ông thấy việc tầng lớp quan lại tham nhũng cũng là một phần lớn của vấn đề như những người cai trị nhà Thanh. Ông cực đoan đến mức Timothy Richard, khi đó đến London, chẳng dây dưa gì với ông.9
Chúng tôi biết rất chi tiết những gì Tôn Văn đã làm trong suốt 8 tháng ông ở lại London vì chính phủ Trung Quốc đã thuê một công ti thám tử để theo dõi ông khắp chốn. Ngày 5 tháng 12 năm 1896, ông được cấp một thẻ vào phòng đọc tại Bảo tàng Anh theo sự giới thiệu của Bá tước Robert Kennaway Douglas, một nhà ngoại giao người Anh đã nghỉ hưu, người đứng đầu bộ phận phương Đông của thư viện. Tôn Văn dành hầu hết thời gian trong thư viện, đọc nhiều sách về chính trị và thời sự.10 Ông nắm bắt được những ý tưởng thời thượng của Thuyết Darwin Xã hội do Herbert Spencer và Thomas Huxley quảng bá. Đây là những ý tưởng mà Yan Fu (嚴復: Nghiêm Phục) đã dịch một phần sang tiếng Trung hai năm trước đó, từng đã khơi dậy suy nghĩ của một thế hệ những người cấp tiến (xem Chương 3).11 Chúng cũng sẽ được cho thấy là nền tảng cho những ý tưởng tiếp theo của Tôn Văn về tính dân tộc.
Tuy nhiên, khi mùa xuân ở Anh chuyển sang mùa hè, Tôn Văn nói lời tạm biệt với người dẫn chương trình James Cantlie và đến Canada và sau đó đến châu Á. Các thám tử do phái bộ ngoại giao thuê vẫn bám sát ông trong suốt cuộc hành trình, báo cho Bắc Kinh về những nỗ lực của Tôn Văn trong việc quyên tiền và sự ủng hộ từ cộng đồng người Hoa ở Bắc Mĩ, đặc biệt là hai thành phố Vancouver và Victoria. Một kết quả thành công trong việc gây quỹ là ông đã có thể nâng cấp khoang hành khách của mình từ hạng trung thành 'phòng quốc gia' cho chặng cuối cùng của cuộc hành trình.12 Bị cấm rời Hong Kong sau vai trò trong Cuộc nổi dậy ở Quảng Châu, Tôn Văn đã chọn sống lưu vong ở Nhật Bản. Ông đến Yokohama vào ngày 10 tháng 8 năm 1897, ở đó ông được giới thiệu và nhanh chóng hoà nhập với những người Nhật đồng cảm thuộc nhiều thành phần - từ những người ủng hộ chủ nghĩa liên Á 'chủng tộc da vàng' đến những người siêu cực đoan, bao gồm một số bộ trưởng chính phủ. Điều này cho phép ông tiếp cận với nhiều nguồn tài trợ từ những người, mà sau Chiến tranh Trung-Nhật và vì nhiều lí do khác nhau, muốn nhìn thấy nhà Thanh kết thúc.13
Nguồn tài trợ thêm đến từ cộng đồng người Hoa ở Yokohama, đặc biệt khi những người ủng hộ Tôn Văn thành lập một trường học mới. Họ coi dự án như một cơ hội để thu hẹp khoảng cách về tư tưởng và văn hóa giữa những người cải cách và những người cách mạng. Họ đã tìm cách liên hệ với Lương Khải Siêu và mời ông làm hiệu trưởng đầu tiên. Tuy nhiên, Siêu quá bận rộn với việc biên tập tờ báo cải cách của mình ở Thượng Hải. Thay vào đó, thầy và là đồng minh của Siêu là Khang Hữu Vi, một học giả có những diễn giải lại Nho giáo cấp tiến đã gây xôn xao dư luận, đã đề xuất một số ứng viên khác. Vi cũng gợi ý cho ngôi trường một cái tên bắt nguồn từ những bài đọc không tưởng của ông trong các kinh sách xưa: đó là Datong Xuexiao (大同學校: Đại Đồng học hiệu), ‘Trường Đại Đồng’. Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiện giữa nhà cải cách Siêu, và nhà cách mạng Văn chỉ kéo dài vài tháng. Khi chủ trương của Siêu trở nên có ảnh hưởng lớn, ông trở nên thân thiết hơn với hoàng đế ở Bắc Kinh. Mối liên hệ của ông với những nhà cách mạng lưu vong đã trở thành một điều xấu hổ, đặc biệt là trong thời kì Cải cách Trăm ngày vào mùa hè năm 1898. Các đồng minh của Siêu ở Yokohama đã cấm Văn đến trường mà chính ông đã góp tay thành lập và những người ủng hộ ông tài trợ.
Sự chia rẽ tiếp tục trầm trọng hơn cho đến khi thái hậu Từ Hi đảo chính hoàng đế và chống lại những cải cách của ông vào ngày 22 tháng 9 năm 1898. Cả Vi và Siêu đều phải trốn khỏi đất nước. Đặc vụ Nhật Bản đã giải cứu Siêu từ Thiên Tân và sau đó đón Vi ở Hong Kong. Họ đưa hai ông đến Yokohama, mà trong vài tháng sau tháng 11 năm 1898, họ cố gắng lập ra một liên minh chính trị giữa những người cải cách và cách mạng ở đó.Tuy nhiên, Vi vẫn chưa chuẩn bị để làm việc với 'tên cướp vô học' say mê chủ nghĩa duy vật phương Tây. Văn cũng không kém phần thù địch với tên Nho giáo thối tha bị ám ảnh bởi những lí thuyết vô nghĩa.14. Trong vòng vài tháng, người Nhật đã mất kiên nhẫn với Vi và vào tháng 3 năm 1899, ông rời Nhật đi Canada để tìm kiếm bè bạn đồng cảm hơn trong cộng đồng người Hoa ở đó.
Sự ra đi của Vi khiến cho một tình bạn khó có thể xảy ra phát triển giữa nhà cải cách thầy tu Lương Khải Siêu, người ủng hộ sự đoàn kết của 'chủng tộc da vàng’ chống lại người da trắng, và Tôn Văn nhà cách mạng mà tổ chức Hưng Trung Hội của ông đã quyết tâm ‘đánh đuổi người Mãn'. Những thiện cảm của Siêu bắt đầu hướng tới cách mạng, trong khi Văn tiếp thu nhiều ý tưởng của Siêu về dân tộc. Hai người thậm chí còn là tác giả của một số bài báo chung trên tờ báo mà Siêu hiện đang biên tập từ Yokohama, Qingyibao ('Thanh Nghị báo’).15 Nỗi ám ảnh chung của họ là nỗi sợ hãi của người theo chủ nghĩa Darwin xã hội về sự ttận diệt của chủng tộc da vàng dưới bàn tay của người da trắng. Cũng cùng tầm quan trọng là cả hai đều không có thời gian cho sự phân biệt chủng tộc của người Hán của những người như Chương Bỉnh Lân. Siêu coi người Mãn là một phần của chủng tộc da vàng giống như người Hán, còn Văn phản kháng người Mãn trong tư cách là một tầng lớp ưu tú thối nát chứ không như là một nhóm chủng tộc. Đầu năm 1902, Văn từ chối cùng Lân triệu tập một cuộc họp để kỉ niệm ‘sự sụp đổ của TQ’ Mãn Thanh. Trong một bài phát biểu sau đó, Lân phàn nàn rằng Văn 'hoàn toàn thiếu sự hết lòng với ý tưởng cứu tộc Hán'.16 Cùng có kẻ thù chung và cùng sống ở Yokohama, ý tưởng của Siêu và Văn đã phát triển cộng sinh. Trong khi Siêu, học giả ‘bên trong' nghĩ về dân tộc Trung Hoa mà ông muốn tạo ra, thì Văn, nhà hoạt động 'bên ngoài' lại nghĩ về quốc gia tương lai mà ông muốn lãnh đạo. Tuy nhiên, cả hai giấc mơ đều xoay quanh ý tưởng của Siêu về dân tộc.
Lương Khải Siêu đã đặt ra thuật ngữ minzu (dân tộc), trong một bài luận thuyết năm 1903, với nghĩa đen là 'dòng giống con người'. Siêu đã chọn nó như một từ tương đương cho khái niệm 'Nation' trong tiếng Đức của Johann Bluntschli mà qua Bluntschli muốn nói (một cách khó hiểu) tới từ tiếng Anh 'people’. People/Nation của Bluntschli trở thành minzu (dân tộc) của Siêu. Cũng khó hiểu không kém, Bluntschli đã sử dụng từ tiếng Đức 'Volk' theo nghĩa của từ tiếng Anh 'nation'. Siêu dịch nation/Volk là guomin (quốc dân). Đối với Siêu, có thể có nhiều dân tộc trong một quốc gia và một dân tộc thậm chí có thể tồn tại xuyên biên giới. Mặt khác, Guomin (quốc dân) mô tả các công dân của một quốc gia.17 Nguồn gốc lẫn lộn này vẫn còn đánh dấu tư tưởng và chính sách của CHNDTH đối với người thiểu số ở Tây Tạng, Tân Cương và những nơi khác khi các nhà lãnh đạo hiện đại của nó cố gắng vật lộn với cùng những vấn đề mà những người theo chủ nghĩa cải cách và cách mạng vào những năm 1900 phải đối mặt - làm thế nào để dung hoà giấc mơ của họ về một dân tộc thuần nhất với thực tế của một đế chế đa dạng.
Phà từ thành phố Vancouver của Canada đến phần phía nam của đảo Vancouver đi theo một tuyến thẳng nhưng đầy nguy hiểm qua các đảo có nhiều rừng của biển Salish. Nó chạy ngoằn ngoèo qua các eo biển và lách tránh những con tàu đang hoạt động và các du thuyền thưởng ngoạn, cho đến khi vào bến tại Vịnh Swartz. Ngay trước khi nó đến bến, hành khách ngồi phía cảng đã được chiêm ngưỡng một khung cảnh bề ngoài của một thái ấp tư nhân: đảo Than, hiện là tài sản của gia đình Shields, nhà công nghiệp Canada. Tuy nhiên, chỉ hơn một thế kỉ trước, hòn đảo hẻo lánh này là chỗ ẩn náu mà Khang Hữu Vi trốn lánh để thoát những kẻ ám sát được cả nhà Thanh lẫn chính phủ Nhật Bản thuê mướn. Thái hậu Từ Hi muốn ông chết vì có thiện cảm với vị hoàng đế đang bị giam cầm, trong khi người Nhật muốn loại ông ra khỏi đường đi để nhà cách mạng do họ lựa chọn, Tôn Dật Tiên, có thể khống chế phong trào chính trị lưu vong. Tuy nhiên, chính phủ Anh muốn giữ ông ta sống với hi vọng rằng nỗ lực cải cách của ông có thể thành công. Họ cung cấp bảo vệ ở Hong Kong, ngăn chặn âm mưu ám sát của các đặc vụ Nhật Bản ở Singapore và cho ông một cảnh sát bảo vệ ở Canada.
Tiếng tăm của Vi đã đến cảng Victoria trước ông. Khi con tàu chở ông từ Nhật Bản cập cảng vào ngày 7 tháng 4 năm 1899, ông đã lập tức trả lời phỏng vấn cho hai tờ báo địa phương, kêu gọi cải cách chính trị ở Trung Quốc và yêu cầu chính phủ Anh can thiệp ủng hộ cải cách. (Tuy nhiên, khi những lời nhận xét này được in lại trên báo của Lương Khải Siêu, phần nói về việc yêu cầu sự giúp đỡ của Anh đã bị cắt bỏ.) Ông đã được phó thống đốc bang British Columbia và nhiều chức sắc khác tiếp đón và có bài phát biểu trước đông đảo khán giả ở các khu phố Tàu của Victoria và Vancouver. Lần đầu tiên ông nói về sự cần thiết của lòng yêu nước để gắn kết Hoa kiều với quê hương của họ bên kia bờ đại dương.
Nhưng dù chính phủ Anh sẵn sàng bảo vệ Vi, họ vẫn không muốn thúc ép cải cách chính trị lên Đại Thanh quốc. Vi đến London vào tháng 5 và tháng 6 năm 1899 để vận động can thiệp quân sự nhưng thất vọng trở về Canada. Thay vào đó, ông và các doanh nhân Trung Quốc tại bang Victoria thành lập Baohuanghui (dịch nghĩa 'Hội Bảo Hoàng' nhưng được biết đến trong tiếng Anh như là Chinese Empire Reform Association (Hội Cải cách đế quốc Trung Hoa) nhằm tổ chức cộng đồng huaqiao (hoa kiều) ủng hộ cải cách. Họ đã chọn làm phương châm, ' Bao zhong, bao guo, bao jiao ' (‘bảo chủng, bảo quốc, bảo giáo’, với từ ‘giáo’ Vi muốn nói là Nho giáo). Vi được tôn làm chủ tịch của Hội, với Lương Khải Siêu là phó chủ tịch. Sau đó Vi lui về đảo Than để suy ngẫm và viết lách.18 Ngày 19 tháng 9 năm 1899, ông sáng tác một bài thơ về nơi trốn lánh của mình:
Một khách lạ trôi dạt từ nơi cách xa hai mươi ngàn li,
Tóc mai dài bạc ở tuổi bốn mươi,
Quay đầu nhìn Dải Ngân hà và ngắm ánh trăng sáng;
Hiếm nhất trên đảo Than là trò chuyện với người cùng thôn;
Xấu hổ khi làm cho hàng xóm bàng hoàng trước những rắc rối và thảm họa của đảng ta;
Xấu hổ vì đã không làm được gì cho đồng hương;
Sợ rằng đây có thể là cuộc li lương mãi mãi... 19
Biết mình không được hoan nghênh ở Nhật Bản nên phần lớn thời gian vài năm sau đó Vi sống ở các vùng khác nhau của Đế quốc Anh. Năm 1900, ông ở Singapore, năm 1901 ở Penang và Malaya, và năm 1902, ông viết tác phẩm lớn nhất của mình, Datongshu (‘大同書: Đại đồng thư, cùng tên với trường học ở Yokohama) khi sống ở ga đồi Indian vùng Darjeeling. Cuốn sách đã đưa ra một cách nhìn không tưởng về một xã hội tương lai, trong đó các ranh giới xã hội xung quanh gia đình, giới tính, giai cấp, dân tộc và nghề nghiệp sẽ nhạt nhoà đi và thế giới có thể sống hoà làm một. Vi không thấy chủ nghĩa dân tộc có giá trị gì, thay vào đó ông muốn thấy các quốc gia hợp nhất để tạo thành các liên bang khu vực và sau đó thành một quốc gia toàn cầu với quốc hội và quân đội riêng của mình.20 Tuy nhiên, đó là một cách nhìn phân biệt chủng tộc về tương lai. Vi đã dự kiến những chủng tộc da sậm sẽ được biến đổi thông qua kết hôn, di cư và triệt sản. Người da trắng và da vàng kết hôn với người châu Phi sẽ được trao huy chương vì sự phục vụ của họ.21 Cuối cùng thì chủng tộc toàn cầu mới sẽ có sức mạnh thể chất của người da trắng và các kĩ năng tinh thần của người da vàng.
Vi chỉ cho xuất bản hai chương đầu của Đaị đồng thư lúc ông còn sống,22 và trước công chúng, ông tiếp tục ủng hộ giải pháp của Nho giáo cho các vấn đề của Đại Thanh quốc: mọi nỗ lực phải được thực hiện để cứu hoàng đế và thiết lập chế độ quân chủ lập hiến theo đường hướng của Anh. Tuy nhiên, dù mong muốn rõ ràng về sự bình đẳng toàn cầu, ông không muốn đối phó với quần chúng. Thay vào đó, ông đã tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nhân Hoa Kiều ở nước ngoài và giới thượng lưu khoa cử ở quê nhà. Nhóm đầu được khuyến khích thành lập các công ti mới thông qua việc liên kết hoa kiều trên khắp Bắc Mĩ để cung cấp quỹ cho hội, nhóm sau được cổ vũ giữ vững lập trường vì hoàng đế.
Tuy vậy, dù là một học giả lỗi lạc, Vi vẫn bị cấm đến Hoa Kì bởi Đạo luật Loại trừ Trung Quốc do Tổng thống Arrthur đưa ra vào năm 1882. Không thể tự mình vận động hoa kiều ở Mĩ cho ‘Hội Bảo Hoàng’, năm 1903 Vi đã cử hai người ủng hộ thân cận nhất thay ông thực hiện công việc. Lương Khải Siêu dường như không gặp khó khăn gì khi nhập cảnh vào đất nước này và trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 10 đã được các cộng đồng người Hoa trên khắp Hoa Kì và Canada đón nhận.Vi cũng phái con gái của mình, Kang Tongbi (康同璧: Khang Đồng Bích), từng thành lập các chi nhánh phụ nữ của hội ở British Columbia, bang Washington, San Francisco, Chicago và, vào ngày 20 tháng 10, tại thành phố New York.23
Siêu đã đi vòng quanh nước Mĩ trong nhiều tháng. Tuy nhiên, trải nghiệm này dường như đã khiến ông hết ảo tưởng về những giá trị của hệ thống chính trị của Mĩ. Trong khi thưởng ngoạn những bông hoa mùa xuân ở Washington DC và ấn tượng trước những tòa nhà cao tầng của New York, ông cũng nhìn thấy những khu phố Tàu quá đông đúc và mất vệ sinh. So sánh các thành phố của Mĩ với những thành phố đã biết ở quê nhà, ông rút ra kết luận rằng cái lỗi nằm ở người Trung Quốc vốn chưa sẵn sàng cho nền dân chủ cộng hoà. ‘Bây giờ nếu chúng ta áp dụng quy tắc đa số thì sẽ giống như tự sát cả nước. Tự do, chủ nghĩa hợp hiến, chủ nghĩa cộng hoà, tất cả những thứ này sẽ giống như mặc bộ quần áo mùa hè sang trọng vào mùa đông: chắc chắn là đẹp nhưng lạc lõng.... Nói ngắn gọn, hiện giờ người dân Trung Quốc phải chấp nhận sự cai trị độc đoán và không xứng đáng với tự do.'24 Ông vẫn tin rằng chủ nghĩa cộng hoà là hình thức chính quyền cao nhất nhưng cho đến khi người Trung Quốc sẵn sàng cho nó, chế độ quân chủ lập hiến sẽ phải là con đường phía trước.
Siêu quay lại Nhật Bản quyết tâm trở lại cho một quá trình chuyển đổi từ từ sang nền dân chủ và điều này đã gây nên một cuộc chia tay cay đắng với Tôn Dật Tiên. Sẽ không còn các bài viết chung nữa. Cuộc chiến ý thức hệ giữa Hội Bảo hoàng quân chủ của Vi và những kẻ mưu đồ cách mạng của Tôn Văn ngày càng trở nên tồi tệ và trở thành cuộc chiến toàn cầu vì lòng trung thành của cộng đồng người hoa kiều ở Bắc Mĩ, Đông Nam Á, Úc và nơi khác. Ban đầu, lợi thế nằm ở Vi. Ông có tầm vóc uyên bác và thông điệp của ông về Nho giáo, lòng trung thành với nhà Thanh và sự thay đổi dần dần đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cộng đồng Hoa kiều giàu có nhất. Tôn Văn thiếu tất cả những lợi thế này nên ông buộc phải điều chỉnh thông điệp chính trị của mình để thu hút thêm nhiều người theo đuổi phong trào cách mạng: ông đã thêm vào một khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan hơn nhiều. Trong suốt năm 1904, nhóm của ông đã phân phát hàng ngàn bản cuốn sách bài Mãn dữ dội của Trâu Dong, Quân Cách mạng (xem Chương 3). Trong đó, Dong kêu gọi người Hán 'tiêu diệt hơn 5 triệu người thuộc tộc Mãn có sừng và có lông, tẩy rửa 260 năm đau đớn khắc nghiệt và khó nguôi ngoai, để đất đai của tiểu lục địa Trung Quốc trở nên trong sạch.' 25 Cho đến thời điểm này, Tôn Văn vẫn cảnh giác với chủ nghĩa dân tộc của tộc Hán. Ông dường như chỉ dùng nó như một chiến thuật để thu hút người ủng hộ tránh xa chủ nghĩa dân tộc dòng giống da vàng của Vi và Siêu.
Các cuộc tranh cãi giữa những người cải cách và cách mạng, những người ủng hộ chủng tộc da vàng và những người ủng hộ chủng tộc Hán, đã thống trị cộng đồng lưu vong ở Nhật Bản và các cộng đồng hoa kiều rộng lớn hơn ở Đông Nam Á và Bắc Mĩ trong thập kỉ tiếp theo. Trong khi Siêu viết và suy nghĩ, Văn mưu tính và hành động. Với hi vọng mang lại một cuộc cách mạng, ông đã thực hiện đủ mọi thỏa thuận với các hội kín, các lãnh chúa trong nước và các thế lực nước ngoài. Vào cuối tháng 8 năm 1905 Văn đã tạo ra một bước đột phá. Ông, Chương Bỉnh Lân và các nhà cách mạng đối thủ khác đã cố gắng gạt bỏ những khác biệt của họ và thành lập Zhongguo Tongmenghui - (Trung quốc Đồng Minh hội). Vào ngày 12 tháng 10 năm 1905 Văn đã phác thảo những ý tưởng của Đồng minh hội trong ấn bản đầu tiên của tờ báo của mình, Minbao (Dân báo). Đó là: minzuzhuyi - chủ nghĩa dân tộc (nghĩa đen, ‘thuyết về dân tộc'); minquanzhuyi - chủ nghĩa dân quyền (nghĩa đen, ' thuyết về quyền của nhân dân'); và minshengzhuyi - chủ nghĩa dân sinh (nghĩa đen, ‘thuyết về dân sinh’). Ba 'chủ nghĩa' này cuối cùng được gọi là 'nguyên tắc Tam Dân'.
Mặc dù bây giờ 3 chủ nghĩa này đã cố kết trong các phe chính trị khác nhau, chủ nghĩa dân tộc rõ ràng mang dấu ấn suy nghĩ của Siêu. Trong bài luận năm 1903 của mình, Siêu đã chọn từ minzu (dân tộc) tương đương với 'people’ and ‘guomin' (quốc dân) cho 'nation'. Đối với Siêu, một quốc dân có thể bao gồm một số dân tộc và, vì tương lai của chủng tộc da vàng phụ thuộc vào sự thống nhất của tất cả các nhóm trong Đại Thanh quốc, ông đã biện giải cho một 'chủ nghĩa dân tộc lớn', một da-minzuzhuyi (chủ nghĩa đại dân tộc) để mang kết hợp các nhóm này lại với nhau. Văn, một người thực hành hơn là một nhà tư tưởng, đã vay mượn từ Siêu nhưng điều chỉnh các từ ngữ của ông ta để thuận tiện cho chính trị. Đối với ông, minzu cuối cùng sẽ có nghĩa là 'dân tộc' (nation).
Nhà sử học James Leibold đã lập luận rằng từ nationalism (chủ nghĩa dân tộc) trong tiếng Anh không đủ để giải thích ý của Văn muốn nói.26 Văn đang trong tình cảnh chênh vênh về chính trị. Trâu Dong khó có thể xem là nhà cách mạng duy nhất công khai ủng hộ việc diệt chủng người Mãn Châu. Một số người cũng kêu gọi từ bỏ các tỉnh Tây Tạng, Tân Cương, Mãn Châu và Mông Cổ cho người dân bản địa của họ để biến nước cộng hoà tương lai trở thành một khu vực thuần Hán. Tuy nhiên, Văn đã đồng ý với Siêu về sự cần thiết phải bảo tồn lãnh thổ của đại quốc. Ngay từ năm 1894, Văn đã viết thư cho quan nhà Thanh là Lí Hồng Chương (xem Chương 2) kêu gọi triều đình ‘tranh đua với phương Tây bằng việc chiêu mộ người dân đến khai khẩn vùng đất hoang dọc biên giới rộng lớn của đại quốc'.27 Năm 1900, để thể hiện sự quyết tâm trong việc duy trì lãnh thổ của đất nước tương lai (mà lúc đó ông gọi là Trung Quốc), Văn đã viết một danh sách dài tất cả những nơi nên được đưa vào biên giới của nó: mọi nơi dưới sự cai trị của nhà Thanh, từ tây Tây Tạng đến đông Mãn Châu. Ưu tiên của Văn là nước cộng hoà tương lai nên kế thừa và bảo tồn lãnh thổ của Đại Thanh quốc.
Bằng cách nào đó, Văn cần phải giữ được sự ủng hộ của Chương Bỉnh Lân, người cộng tác của mình trong Đồng minh hội, và những người Hán phân biệt chủng tộc khác, đồng thời, duy trì giấc mơ của chính ông về một nhà nước tương lai bao gồm tất cả các khu vực có các sắc dân không là người Hán sinh sống. Đây là vấn đề tư tưởng lớn nhất mà các nhà cách mạng phải đối mặt và Văn đã giao nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp cho một sinh viên mới đến tên là Wang Jingwei (汪精衞: Uông Tinh Vệ).
Vệ là một học giả 19 tuổi và là một chuẩn quan chức của tỉnh Quảng Đông được chính quyền nhà Thanh cử đi học 'Tây học' tại Đại học Hosei ở Nhật Bản vào cuối năm 1904. Khi đến đó, Vệ trở nên quyết tâm trong việc lật đổ những người bảo trợ của mình. Anh gia nhập Đồng minh hội ngay sau khi hội được thành lập và đóng góp đầu tiên của anh cho Dân báo đã được lan truyền qua các ấn bản đầu tiên và thứ hai. Đó là một bài báo dài gồm hai phần dành riêng cho việc giải quyết vấn đề của Tôn Văn. Trong đó, Vệ dùng cách phân biệt ‘people’ (dân tộc) với 'nation' (quốc dân) của Vi và hỏi liệu một ‘quốc dân’ có thể bao gồm nhiều hơn một 'dân tộc' hay không. Anh lập luận rằng người Mãn rõ ràng là một dân tộc khác, nhưng chẳng phải người Hán đã đồng hóa thành công những dân tộc khác trong quá khứ sao? Có phải là không hợp lí khi sự cai trị của người Mãn chấm dứt, thì họ cũng sẽ bị đồng hóa? Người Hán là 'tộc chủ' (zhu-ren / 主人: chủ nhân) mà tất cả các dân tộc khác của vương quốc Thanh sẽ hợp nhất để tạo thành dân tộc mới.28
Mặt khác, do kết quả của những đi tới Bắc Mĩ, niềm tin chính trị vững chắc của Siêu là Đại Thanh quốc cần một chương trình cải cách từ từ chứ không phải cách mạng. Điều này buộc ông phải lập luận rằng sự phân chia giữa Hán và Mãn đã phá sản, loại bỏ nhu cầu thay đổi chính trị mang tính cách mạng. Ông cho rằng quá trình hoà nhập chủng tộc này sẽ tạo ra một Zhonghua minzu (dân tộc Trung Hoa) mới để cứu chủng tộc và đất nước. Chuyến đi Hoa Kì dường như đã thuyết phục ông về tầm quan trọng của 'nồi súp tan chảy' về văn hóa và ông đã viết về sự cần thiết của các dân tộc khác nhau 'cùng tan chảy trong cùng một lò nung’.29 Trái lại, Uông Tinh Vệ và Tôn Văn tin rằng người Mãn chưa bị đồng hóa và do đó phải bị lật đổ trước khi dân tộc Trung Hoa có thể được tạo ra. Điểm chung của cả những người theo chủ nghĩa cải cách và cách mạng là họ coi sự đa dạng sắc tộc chỉ là một hiện tượng tạm thời sẽ bị loại bỏ bởi sức mạnh đồng hóa của người Hán. Họ cũng đồng ý rằng ưu tiên hàng đầu là bảo tồn lãnh thổ của đại quốc. Đối với Văn, đối với Siêu và đối với CHNDTH ngày nay, tổ chức của lãnh thổ này sẽ có thứ bậc rõ ràng. Có một Trung Quốc cốt lõi - Văn gọi nó là Zhina Benbu (中國本部: Trung Quốc bản bộ [TQ thuần túy]) - và có bốn vùng phụ thuộc của nó, hay còn gọi là shudi (属地: thuộc địa): Mãn Châu, Mông Cổ, Tây Tạng và Tân Cương. Đây sẽ là cơ sở chính trị mà sau đó, Văn sẽ xác định dân tộc của mình và quốc gia của dân tộc đó. Bất kể bên nào giành chiến thắng trong trận chiến chính trị, bên theo chủ nghĩa cải cách hay bên cách mạng, thì phương án cho các khu vực ‘không-Hán' của Đại Thanh quốc - Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Mãn Châu và Mông Cổ - đều như nhau: hoà nhập vào quốc gia tương lai và sự đồng hóa sắc tộc.
Hóa ra, mối đe dọa lớn nhất đối với phong trào chính trị cải cách do Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu dẫn đầu không đến từ các đối thủ cách mạng của họ mà từ chính triều đình nhà Thanh. Khi thập niên 1900 mở ra, thái hậu Từ Hi đã đồng ý với nhiều cải cách mà Siêu đã từng vận động, và bà từng phản đối kịch liệt vào năm 1898. Lệnh cấm kết hôn Hán-Mãn được dỡ bỏ vào năm 1902, cải cách trường học được công bố vào năm 1904, các kì thi truyền thống cho bộ máy hành chính bị bãi bỏ vào năm 1905, và năm 1906 các quan chức được cử ra nước ngoài để nghiên cứu hiến pháp của các nước khác. Có vẻ như sự thay đổi căn bản đã được tiến hành mà không cần tới Vi và Siêu. Sức mạnh lập luận của họ bắt đầu suy giảm và gần như hoàn toàn sụp đổ vào ngày 14 tháng 11 năm 1908 khi hoàng đế Quang Tự, người mà phong trào của họ đã cố gắng 'bảo vệ’, qua đời ở tuổi 37. Kể từ khi ông bị giam và dì của ông, Từ Hi, qua đời vào ngày hôm sau, những người chỉ trích bà ta tự động cho rằng khi nằm trên giường bệnh, bà đã sắp xếp để đầu độc hoàng đế, và cháu trai hai tuổi của ông, Phổ Nghi, được chọn làm người kế vị.
Việc kêu gọi 'bảo vệ' cậu bé hoàng đế Phổ Nghi chẳng có ý nghĩa gì đối với bất cứ ai, kể cả Khang Hữu Vi. Nội dung gây xúc cảm trong câu chuyện của những người cải cách đã cạn kiệt và thế chủ động chuyển sang phe cách mạng. Sau năm 1909, những người ủng hộ giàu có của Vi ở Bắc Mĩ nhanh chóng chuyển lòng trung thành sang Văn. Văn đã nhận tiền của họ và sử dụng nó để phát động nhiều cuộc nổi dậy vũ trang lặp đi lặp lại. Tất cả đều thất bại nhưng mỗi cuộc nổi dậy đều làm tăng uy tín của ông. Tình hình chính trị dường như đã đi vào bế tắc cho đến khi quân đội ở phía đông nam thành phố Vũ Xương nổi dậy vào ngày 10 tháng 10 năm 1911. Hội Đồng minh Cách mạng của Văn thật ra không liên quan gì đến cuộc binh biến ban đầu, nhưng khi nó lan rộng, phong trào nở rộ và vào cuối năm đó, số phận của Nhà Thanh đã được định đoạt.
Trong sự hỗn loạn của hai tháng đó, sự phân biệt chủng tộc Hanzu của Chương Bỉnh Lân và Trâu Dong đã được thể hiện bằng máu trên đường phố. Lấy khẩu hiệu Geming Paiman (革命排滿 : Cách mạng bài Mãn)- theo nghĩa đen, những người theo Tôn Văn đã gây ra bạo lực khủng khiếp cho người tộc Mãn ở nhiều nơi. Điều này bắt đầu với cuộc nổi dậy ban đầu ở Vũ Xương. Phe cách mạng báo cáo rằng chỉ có khoảng 20 chiến binh của họ bị giết, so với hơn 500 người Mãn.30 Nhà sử học Edward Rhoads đã xác định được 10 thành phố từng xảy ra các vụ thảm sát. Mười hai ngày sau Vũ Xương, cách mạng lan tới Tây An và khoảng 10 000 người, một nửa dân số Mãn, đã bị giết trong những cuộc tàn sát bừa bãi. Các vụ giết người hàng loạt khác đã diễn ra ở Phúc Châu, Hàng Châu và Thái Nguyên, nơi có thể có tới 20 000 người đã chết.31 Tại Trấn Giang và Nam Kinh, các đơn vị đồn trú đã đầu hàng không kháng cự, tuy nhiên người Mãn vẫn bị giết với số lượng lớn và các khu dân cư của họ bị phá hủy. Cá nhân người Mãn bị nhận diện ra do hình dạng của cái đầu được cho là phẳng của họ, bởi cách họ nói hoặc bởi đôi chân không bị bó của phụ nữ. Người bị giết ngay tại chỗ không đếm xuể.32
Nhiều lãnh đạo tỉnh lo sợ rằng cuộc bạo động diệt chủng này có thể trở nên không ngăn chặn được và kêu gọi phe cách mạng lên án và ngăn chặn. Chính trong bầu không khí đó, một công thức khác về dân tộc Trung Hoa đã nổi lên bên trên: ý tưởng về một 'nước cộng hoà năm sắc tộc' - ngũ tộc cộng hoà. Ý tưởng này, được hình thành từ những năm đầu của Trung Hoa Dân Quốc, có thể có nguồn gốc từ các trang của một tạp chí khác được những người lưu vong ở Nhật Bản xuất bản vào những năm 1900. Điều khiến tờ báo 'Đại Đồng’ (Datongbao: Đại Đồng báo) này trở nên khác biệt là các biên tập viên của nó đều là những nhà cải cách và là người dân tộc Mãn. Việc lựa chọn tên cho thấy rõ ảnh hưởng của các tư tưởng tân Nho giáo của Khang Hữu Vi nhưng các tác giả của nó không phải là người không tưởng. Họ sợ hãi trước sự trỗi dậy của tư tưởng bài Mãn, và những tác động của nó đối với họ và gia đình. Trong 7 số báo mà họ đã xuất bản vào năm 1907 và 1908, họ đã tìm cách giải quyết vấn đề quan hệ Hán-Mãn. Họ ủng hộ chế độ quân chủ lập hiến và dân chủ nghị viện, nhưng quan trọng nhất là họ tìm cách 'hợp nhất Mãn, Hán, Mông, Hồi và Tạng thành một quốc dân'. Ảnh hưởng của ý tưởng về 'nhiều dân tộc trong một quốc dân' của Lương Khải Siêu là rõ ràng,33 nhưng trong khi Siêu cuối cùng muốn trộn tất cả dân tộc thành một Zhonghua minzu (dân tộc Trung Hoa) duy nhất, các tác giả ở báo Đại Đồng muốn năm nhóm được công nhận là các zu (tộc: dòng họ) khác nhau và kêu gọi sự bình đẳng giữa các tộc, trong tư cách là các nhóm.
Họ đã làm việc từ bên trong, nhưng cũng điều chỉnh mạnh mẽ tầm nhìn về đại quốc do Hoàng đế Càn Long đặt ra hơn một thế kỉ trước đó. Đó là một khuôn khổ trong đó năm nhóm dân - Mãn, Hán, Mông, Hồi và Tạng - mỗi nhóm được xác định bởi các chữ viết mà họ sử dụng, và mỗi nhóm tương ứng với một lãnh thổ cụ thể, có thể cùng tồn tại trong đại quốc trong khi duy trì tín ngưỡng và hệ thống quản trị của riêng mình. Đây là những gì Pamela Crossley đã gọi là 'quy tắc đồng thời'.34 Ví dụ, người Tây Tạng có thể là Phật tử và chấp nhận quyền lực của các Lạt Ma nhưng vẫn là thần dân của hoàng đế. Đổi lại, hoàng đế có thể công khai thực hành Phật giáo, lễ bái trong chùa Lạt Ma ở Bắc Kinh và tỏ ra là một nhà lãnh đạo hào hùng của người Tạng. Ông cũng có thể xuất hiện như một khả hãn đối với người Mông Cổ và một nhà cai trị Nho giáo đối với người Hán. Hệ thống đủ linh hoạt để mỗi nhóm cảm thấy tự chủ, nhưng là một phần của toàn bộ. Sự đổi mới xuất hiện trong các trang của báo Đại Đồng là thay vì lòng trung thành cá nhân với hoàng đế, trong thế giới hiện đại, năm tộc nên cảm thấy trung thành với Zhongguo (TQ) mà tất cả họ đều là quốc dân của nó.
Họ cho rằng đây là một cách sắp đặt có thể giữ đất nước lại với nhau cả về mặt dân tộc lẫn lãnh thổ. Trong những tháng cuối cùng đầy sôi bỏng của năm 1911, đó cũng là một thỏa hiệp mà những người cách mạng buộc phải chấp nhận. Họ không trong vị thế nắm quyền vì triều đình vẫn còn nắm các lực lượng quân sự trung thành và nhiều chỉ huy cũ của triều đình đã li khai để tạo lập các thái ấp độc lập của riêng họ. Quan trọng hơn, viễn cảnh về một nước cộng hoà do người Hán thống trị thay thế đại quốc đa sắc tộc khiến các hoàng tử Mông Cổ lo sợ phải tuyên bố độc lập vào tháng 12. Tây Tạng cũng đang đi trên con đường độc lập với các cuộc giao tranh đang diễn ra và Tân Cương trên thực tế đã trở thành khu tự trị dưới quyền một lãnh chúa địa phương. Hơn một nửa lãnh thổ của đại quốc này đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh.
Tôn Dật Tiên và những người cách mạng biết rằng họ phải thương lượng để đạt được quyền lực với cả triều đình nhà Thanh lẫn với các lãnh chúa địa phương. Một trung gian chính là nhà cải cách tộc Mãn, Yang Du (杨度: Dương Độ), cũng từng học ở Nhật Bản và là một trong những người ủng hộ báo Đại Đồng năm 1907/8. Ông đã chia sẻ những ý tưởng của báo này về cải cách và bình đẳng nhóm sắc tộc. Đến năm 1911, ông trở lại Bắc Kinh và gần gũi với cả lãnh chúa phương bắc Viên Thế Khải, người đã trở thành tể tướng của triều đình, lẫn với Uông Tinh Vệ, nhà lí luận của Tôn Văn.35 Điều đó đặt ông vào vị trí then chốt trong việc tác động đến thỏa hiệp kết thúc Đại Thanh quốc và mở đầu Dân quốc. Vào thời điểm đó, cả triều đình lẫn phe cách mạng đều không tin vào một thỏa thuận chính trị trong tương lai dựa trên sự bình đẳng giữa 5 tộc. Đối với triều đình, đại quốc là có thứ bậc: với người Mãn đứng đầu. Mặt khác, các nhà cách mạng không sẵn sàng công nhận bất kì nhóm nào về mặt chính trị; mọi người chỉ đơn giản là một phần của Zhonghua minzu (dân tộc Trung Hoa) duy nhất.
Sau khi đi qua Bắc Mĩ và châu Âu, Tôn Dật Tiên trở về Thượng Hải vào ngày Giáng sinh năm 1911, đúng lúc các cuộc đàm phán đang đạt đến điểm đỉnh. Vào ngày 29 tháng 12, nhà đàm phán phe cách mạng Wu Tingfang (伍廷芳: Ngũ Đỉnh Phương) đã đưa ra nhượng bộ quan trọng: người Mãn, người Mông, người Hồi và người Tạng sẽ được đối xử bình đẳng với người Hán.36 Quốc gia tương lai sẽ là một 'nước cộng hoà năm tộc' - wuzu gonghe (五祖共和: ngũ tộc cộng hoà). Không bên nào muốn điều này ngay từ đầu, nhưng đó là thỏa hiệp mà họ đã đi đến. Như James Leibold đã cho thấy, đó là kết quả mà Tôn Văn buộc phải chấp nhận trong hoàn cảnh cụ thể của tháng 12 năm 1911.37 Phần thưởng của Văn đến vào ngày 1 tháng 1 năm 1912, khi ông được đại hội đại biểu cách mạng suy tôn là tổng thống lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc mới. Tuy nhiên, ông đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình về thành phần dân tộc của quốc gia trong bài phát biểu nhậm chức. ‘Cốt tủy của quốc gia tồn tại trong dân tộc của nó. Sự hợp nhất các lãnh thổ Hán, Mãn, Mông, Hồi và Tạng thành một quốc gia duy nhất cũng có nghĩa là sự hợp nhất của các tộc Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng và các tộc [zu] khác thành một dân tộc duy nhất (yiren). Có thể nói đây là sự thống nhất dân tộc.' Tôn Văn, giống như Siêu, trong tim vẫn là một 'người muốn làm tan chảy'.
Chỉ vào ngày cuối cùng của triều đại nhà Thanh, ngày 12 tháng 2 năm 1912, khi triều đình chính thức nhượng quyền nhân danh hoàng đế cậu bé Phổ Nghi, ngôn ngữ về năm dân tộc - minzu - mới được sử dụng lần đầu tiên.38 Việc nhượng quyền đã thực hiện trong một tuyên bố đã được các nhà cách mạng ở Thượng Hải viết ra, do Viên Thế Khải ở Bắc Kinh chỉnh sửa và sau đó được thái hậu Longyu (隆裕: Long Dụ), mẹ nuôi của hoàng đế, vợ góa của vua trước và cháu gái của Từ Hi tuyên bố. Khải bổ sung hai quy định quan trọng vào chiếu thoái vị của phe cách mạng: thứ nhất, giới quý tộc Mãn, Mông, Hồi và Tạng hiện có sẽ được giữ nguyên và thứ hai, tôn giáo của các dân tộc thiểu số sẽ được bảo vệ. Do đó, hai nền tảng chính của sự tách biệt sắc tộc sẽ được Dân quốc mới duy trì.
Tôn Văn chỉ giữ chức tổng thống lâm thời 10 tuần trước khi nhường lại cho Viên Thế Khải, đang dọa sử dụng quân đội của mình chống lại cách mạng. Mười tuần đó được đánh dấu bằng một cuộc tranh chấp kết tinh những bất đồng cơ bản trong chính sách của Dân quốc về chủng tộc và dân tộc: nên có gì trên cờ của quốc gia mới? Văn đã rất rõ ràng về ý thích của mình. Ngược về năm 1895, người bạn thời thơ ấu của Văn là Lu Haodong (陸皓東: Lục Hạo Đông) đã tạo ra một biểu ngữ bầu trời xanh với mặt trời trắng (qingtian bairi / 青天白日: thanh thiên bạch nhật) cho cuộc nổi dậy đầu tiên chống lại nhà Thanh ở Quảng Châu. Khi cuộc nổi dậy thất bại, Đông bị bắt và bị xử tử, trở thành thánh tử đạo đầu tiên của cuộc cách mạng theo quan điểm của Văn. Tôn Văn đã khẳng định rằng lá cờ của Đông là lá cờ được Đồng minh hội chấp nhận khi các nhóm cách mạng hợp nhất vào năm 1905 và đã đấu tranh mọi cách để thay đổi nó.39
Do đó, lá cờ được xác định rõ ràng với Văn, với tổ chức và niềm tin của ông. Nhưng đó chỉ là một trong số nhiều ứng viên cho vai trò này. Một số người theo chủ nghĩa dân tộc Hán đã sử dụng một lá cờ có 18 ngôi sao, mỗi ngôi sao cho một tỉnh (hiện đại) của nhà Minh trước đây, điều này ngầm loại trừ bất kì đề cập nào đến các vùng không thuộc Hán. Một lá cờ khác chỉ đơn giản mang chữ tiếng Trung 漢 cho 'Hán'. Cuối cùng, lá cờ được Dân quốc chấp nhận vào ngày 10 tháng 1 nhằm biểu thị điều ngược lại: sự thống nhất hài hoà của 5 dân tộc trong một quốc gia mới. Nó bao gồm 5 sọc màu. Sọc trên cùng màu đỏ tượng trưng cho người Hán, bên dưới có màu vàng cho người Mãn, màu lam cho người Mông, màu trắng cho người Hồi và cuối cùng là màu đen cho người Tạng.
14. Tôn Dật Tiên đứng bên những lá cờ của nước Trung Hoa Dân quốc mới thành lập. Ở bên phải, cờ 'Năm tộc dưới một liên minh' và ở bên trái, cờ 18 sao 'Sắt Máu' của quân đội Dân quốc. Vào ngày 15 tháng 2 năm 1912, ngày triều đình nhà Thanh chính thức từ bỏ quyền lực, Siêu đã đến lăng mộ Xiaoling (Hiếu lăng) của Chu Nguyên Chương, người sáng lập triều đại nhà Minh, để kỉ niệm ngày cáo chung của chế độ 'Tartar' (Thát Đát) cùng với những người ủng hộ cách mạng.
Nguồn gốc chính xác của lá cờ là bí ẩn. Nhà sử học văn hóa Henrietta Harrison cho biết ban đầu nó được sử dụng làm cờ hải quân cho các quan nhỏ và sau đó được Cheng Dequan (程德全: Trình Đức Toàn), tổng đốc tỉnh Giang Tô (bao quanh Thượng Hải) chấp nhận, ông được nhà Thanh bổ nhiệm nhưng là người tộc Hán chuyển sang phe cách mạng và tuyên bố thành phố Tô Châu độc lập vào tháng 11 năm 1911.40 Chính lực lượng của ông đã chinh phục Nam Kinh và dù lá cờ của họ trên danh nghĩa là đa sắc tộc, đã tàn sát những cư dân Mãn đã đầu hàng.41 Một trong những phụ tá của Văn, thủ lĩnh của Đồng minh hội ở Thượng Hải, Chen Qimei (陳其美: Trần Kì Mĩ) cũng đã chấp nhận nó. Ông cho rằng với việc thể hiện tộc Mãn trên lá cờ, quan lại nhà Thanh sẽ có thể ủng hộ Dân quốc.
Do đó, lá cờ có hai lợi thế so với lựa chọn theo ý thích của Văn. Nó được coi là không đảng phái và cũng bao gồm năm dân tộc. Nhưng theo quan điểm của Văn, cả hai lí do đó đều là tiêu cực. Ông tiếp tục phản đối nó rất lâu sau khi bị buộc phải từ chức tổng thống. Bề ngoài, ông phản đối đối với gợi ý cho rằng màu sắc trên lá cờ hàm chứa một hệ thống tôn ti về chủng tộc, nhưng phản đối thực sự của ông là ý tưởng về dân tộc riêng biệt. Trong một bài phát biểu vào năm 1920, ông nói với cử tọa của mình, 'Cụm từ 5 dân tộc là không phù hợp', và kêu gọi các dân tộc khác nhau kết hợp với nhau thành một Dân tộc Trung Hoa duy nhất, giống như ở Mĩ, vốn là sự pha trộn của các dân tộc châu Âu khác nhau và bây giờ chỉ hình thành một dân tộc Mĩ'.42
Khi Viên Thế Khải chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời của Dân quốc vào ngày 10 tháng 3 năm 1912, các đại biểu đại diện cho mỗi người trong số 5 dân tộc cúi đầu trước ông ta và lá cờ mới. Trên thực tế, đó là một phiên bản hiện đại hóa của nghi lễ triều cống trước đây, ngoại trừ việc dưới thời nhà Thanh, các đoàn triều cống đến từ các lãnh thổ khác nhau, trong khi giờ đây họ đến từ các nhóm dân tộc khác nhau sống trong một lãnh thổ duy nhất: Trung Hoa Dân quốc. Trên thực tế, Dân quốc đang sụp đổ. Một tháng sau lễ tuyên thệ nhậm chức, quân đội Tây Tạng dưới sự lãnh đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đánh đuổi các đơn vị trú đóng của Trung Quốc. Một vài tháng sau đó, Tổng thống Viên Thế Khải đã phái một lực lượng mới để giành lại quyền kiểm soát, nhưng lực lượng này không thể khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma khuất phục. Thay vào đó, Khải cố gắng phục hồi các kĩ thuật cai trị cũ của nhà Thanh. Ông đã gửi hai lá thư thân thiện cho Đức Đạt Lai Lạt Ma phong tặng các tước hiệu cũ của nhà Thanh cho ông. Vào cuối tháng 10, bản tin nhà nước chính thức của Dân quốc, Peking Gazette (Công báo Bắc Kinh), đã tuyên bố một cách lạc quan, “Giờ đây khi Dân quốc đã được thiết lập vững chắc và năm dân tộc đã đoàn kết sâu rộng thành một gia đình, Đức Đạt Lai Lạt Ma tự nhiên cảm động với cảm giác gắn bó sâu sắc với mẫu quốc.' Theo đại diện ngoại giao của Anh tại Tây Tạng, Charles Bell, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời bằng cách nói rằng ông không muốn nhận các tước hiệu, nói thêm rằng ông có ý định cai trị Tây Tạng một cách độc lập.43 Bell và người Anh đặc biệt ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Họ mong muốn giữ Tây Tạng như một quốc gia đệm trung lập giữa Dân quốc mới và lãnh địa đế quốc của họ ở Ấn Độ. Càng có thể tách Tây Tạng ra khỏi sự kiểm soát của Bắc Kinh thì họ càng cảm thấy an toàn hơn và họ cảnh báo Khải đừng cố thực hiện một cuộc xâm lược toàn diện.
Trong khi đó, dù bị đẩy khỏi chức vụ tổng thống, Văn vẫn theo đuổi giấc mơ dân tộc Trung Hoa của mình. Ông vẫn cực kì nổi tiếng trong dân thành thị và mặc dù có lập trường khác nhau trên hầu hết các vấn đề, Viên Thế Khải rõ ràng thích có Văn làm đồng minh hơn là kẻ thù. Khi Văn từ Thượng Hải đến Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 8 năm 1912, ông được chào đón như thể ông vẫn còn là nguyên thủ quốc gia, với một vệ sĩ danh dự, một bữa tiệc và một chỗ trú khổng lồ. Ngày hôm sau, Văn, các nhà lãnh đạo còn lại của Đồng minh hội và các nhà lãnh đạo của một số đảng cải cách nhỏ hơn đã đến một địa điểm của Kinh kịch, Hội quán Huguang (湖廣: Hồ Quảng), để dự đại hội thành lập đảng chính trị mới của họ, Guomin Dang - 'Quốc dân đảng’.44
Quốc dân đảng đã thông qua một chương trình hành động chính trị 5 điểm, trong đó rất quan trọng là ‘thực hiện nghiêm ngặt việc đồng hoá chủng tộc [zhongzu tonghua / 種族同化: chủng tộc đồng hoá]'. Theo quan điểm của Văn, điều này sẽ diễn ra thông qua một quá trình dung hợp (ronghe / 融合), một khái niệm có nguồn gốc từ thời Văn ở trong Phòng đọc của Bảo tàng Anh ở London, 14 năm trước, khi ông nghiên cứu các ý tưởng của Thuyết Darwin xã hội. Vài ngày sau đại hội, Văn trình bày điều này trong một bài phát biểu tại Câu lạc bộ Quảng Đông - Hồ Nam ở Bắc Kinh. Ông lập luận: 'Sự tiến hóa của thế giới phụ thuộc vào việc học cách tiến từ dã man đến văn minh’. Các nguyên tắc của Darwin sẽ đảm bảo rằng những dân tộc văn minh hơn sẽ được tự nhiên lựa chọn hơn là những dân tộc tiếp tục hoạt động như muông thú. Vì người Hán sở hữu 'tri thức văn minh' nhất, họ có nhiệm vụ dẫn dắt các dân tộc thiểu số thấp kém hơn thoát khỏi man rợ và tiến vào văn minh. Ông gọi nhiệm vụ này là ganhua (感化: cảm hóa), mà James Leibold dịch là "cải cách thông qua các ví dụ về sự vượt trội về đạo đức’. Tôn Văn nói với khán giả của mình rằng các nhà lãnh đạo của Tây Tạng và Mông Cổ chỉ li khai khỏi Dân quốc vì họ không hiểu những lợi ích của nó: ‘Trình độ giáo dục của họ vẫn chưa đầy đủ... chúng ta chỉ có thể giúp họ dần dần thấy điều gì là đúng đắn, ông nói một phóng viên.45
Theo Văn, cách hiệu quả nhất để mang lại sự hoà trộn các dân tộc vào nhau là khuyến khích việc người Hán văn minh di cư đến các vùng biên giới còn man rợ. Và chìa khóa cho kế hoạch của ông là phát triển đường sắt đến những vùng xa xôi của Dân quốc - một kế hoạch mà ông phác thảo ban đầu trong bản đồ doi ông vẽ vào năm 1900. Tổng thống Viên Thế Khải có thể không đặc biệt quan tâm đến việc hoà trộn thành một dân tộc mới, nhưng chắc chắn ông hiểu tầm quan trọng chiến lược của việc kiểm soát biên giới. Trong tháng ở Bắc Kinh, Văn đã có 13 cuộc gặp gỡ dài với Khải, bàn về quốc phòng, đối ngoại, cải cách nông nghiệp và phát triển công nghiệp. Giữa các cuộc họp này, Khải đã bổ nhiệm Văn làm 'giám đốc đường sắt' và cấp cho ông ta ngân sách 30 000 đồng nguyên mỗi tháng, cùng với toàn quyền lập kế hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia và đàm phán các khoản vay với người nước ngoài để chi trả cho việc đó. Tuần sau đó, Văn rời Bắc Kinh trên chuyến tàu cũ của thái hậu Từ Hi để bắt đầu chuẩn bị cho nhiệm vụ phía trước. Ông nói với nhà báo người Úc đi cùng, William H. Donald, rằng ông sẽ xây dựng 100 000 km đường ray mới trong vòng 10 năm để nối Tân Cương và Tây Tạng với phần còn lại của đất nước. Khi Donald nói với ông rằng các tuyến đường khó thể làm được vì có các dãy núi cao, Văn có vẻ khẳng định rằng bất cứ nơi nào có đường mòn trâu bò đi lại thì có thể làm đường sắt được. Văn nói với một nhà báo Pháp rằng kế hoạch này sẽ tiêu tốn khoảng 16 tỉ franc và ông đang tìm kiếm các nhà cho vay nước ngoài để biến nó thành hiện thực.46 Đối với Văn, điều rất quan trọng hơn nhiều là chi tiền vào việc nối các vùng biên giới phía tây bắc với 'Trung Quốc thuần túy', và do đó bảo tồn lãnh thổ của Đại Thanh quốc cho Dân quốc, hơn là các dự án khả thi hơn ở các vùng thuộc Hán của đất nước. Tuy nhiên, dù ông hết sức mong muốn xây dựng nó, nhưng không có người cho vay. Dù vậy, Văn vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình, kể cả sau tháng 7 năm 1913, khi Khải sa thải ông khỏi công việc khi sự khác biệt chính trị giữa họ chuyển thành nội chiến.47
Mất quyền lực và sống trong tình trạng bán nghỉ hưu ở Thượng Hải, Văn tiếp tục mơ về đường sắt và chủ nghĩa dân tộc. Vào cuối thập kỉ đó, ông đã thảo ra hai tác phẩm lớn: ‘Kiến quốc phương lược’ (Jianguo fanglue / 建國方略) và ‘Tam Dân chủ nghĩa’ (San Min Zhuyi / 三民主義) được biết đến nhiều hơn. Hai cuốn này nên được xem như bạn đồng hành. Trong ‘Kiến quốc phương lược’ (sau này được xuất bản bằng tiếng Anh là ‘The International Development of China’), ông đã dựa trên biên giới nước Mĩ làm cơ sở cho ý tưởng của mình. Văn kêu gọi một kế hoạch 'trồng trọt và di dân' lớn và buộc hàng chục nghìn nông dân không có đất đai và binh lính chuyển đến các vùng biên giới để khai hóa dân cư. Trong 'nguyên tắc Tam dân', Tôn Văn đã mượn định nghĩa của Lương Khải Siêu về hai hình thức chủ nghĩa dân tộc - hẹp và rộng - để nói rằng, cho đến nay, 'Chúng ta chỉ đạt được khía cạnh tiêu cực của minzuzhuyi (民族主義: dân tộc chủ nghĩa)', và phải đi xa hơn nữa để đạt được mặt tích cực, 'đối với tộc Hán phải hi sinh huyết thống, lịch sử và bản sắc mà họ rất tự hào và hợp nhất với các tộc Mãn, Mông, Hồi và Tạng với tất cả lòng chân thành trong một lò luyện duy nhất để tạo ra một trật tự mới của Dân tộc Trung Hoa, giống như Mĩ đã tạo ra chủ nghĩa dân tộc dẫn đầu thế giới qua việc hoà trộn vài chục dân tộc khác nhau: da đen và da trắng.’
Vào tháng 10 năm 1919, Văn thành lập một đảng mới với tư cách là tổ chức kế tục Quốc dân đảng, Trung Hoa Quốc dân đảng (Đảng Quốc dân Trung Hoa) nhưng phải đến tháng 1 năm 1924, đảng này mới triệu tập đại hội đầu tiên và lấy 'nguyên tắc Tam Dân' của Tôn Văn làm tuyên ngôn của mình. Họ đã tiến hành họp trong điều kiện chiến tranh, gặp nhau tại trường Đại học Sư phạm Quốc gia Quảng Châu ở phần duy nhất của đất nước mà họ kiểm soát: vùng xa phía nam. Dưới ảnh hưởng của các cố vấn Liên Xô mới do Joseph Stalin cử tới, nguyên tắc ‘chủ nghĩa dân tộc’ - minzuzhuyi - đã bị sửa đổi đáng kể. Nó không kêu gọi 'hoà trộn’ nhiều dân tộc thành một nhưng hứa hẹn rằng tất cả sẽ được đối xử bình đẳng. Tuy nhiên, điều này không thể hiện sự thay đổi đầu óc của Văn. Các tài liệu được tìm thấy trong các kho lưu trữ của Nga cho chúng ta biết rằng lời văn về các dân tộc riêng biệt sống trong một quốc gia duy nhất hoàn toàn là việc làm của các cố vấn Liên Xô và được chèn thêm lên trên các phản đối của Tôn và nhà lí luận của ông ta là Uông Tinh Vệ.48
Bốn ngày sau, Văn có bài phát biểu đầu tiên trong một loạt các bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Quảng Châu mà ông vừa thành lập. Tách xa các cố vấn Liên Xô, ông đã trực tiếp nói ngược với bản tuyên ngôn. Ông nói với các cử tọa rằng, không giống như các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc có một minzu (dân tộc) duy nhất tạo thành một guojia (quốc gia: biểu hiện Nho giáo của dân tộc) duy nhất. Dù thừa nhận có những dân tộc khác trong nước trên thực tế, ông nói rằng họ có thể không được kể tới vì họ sẽ bị đồng hóa vào tộc Hán thượng đẳng: 'Dân tộc Trung Hoa tổng cộng có 400 triệu người. Trong số đó chỉ có vài triệu người Mông, một triệu người Mãn và vài triệu người Tạng cùng vài trăm nghìn người Thổ Nhĩ Kì theo đạo Hồi, tổng cộng không quá 10 triệu người không là người bản địa. Do đó, xét trên đại đa số, chúng ta có thể nói rằng 400 triệu người Trung Quốc hoàn toàn thuộc tộc Hán (Hanzu), có chung huyết thống, ngôn ngữ, tôn giáo và phong tục - một dân tộc thuần khiết duy nhất.’49
Nói tóm lại, Tôn Văn không có thời gian nào cho những ý tưởng của cố vấn Liên Xô về các dân tộc thiểu số sống cạnh nhau trong sự bình đẳng trên danh nghĩa. Ông tin vào thuyết Darwin xã hội và sự cần thiết để tộc Hán gộp các sắc dân thiểu số vào một chủng tộc Trung Hoa, có thể cạnh tranh và đánh bại bọn đế quốc da trắng. Niềm tin của ông vào thuyết Darwin xã hội mạnh mẽ đến mức ông tin rằng quá trình đồng hóa sẽ diễn ra theo cách tự nguyện, không dùng vũ lực hay sự ép buộc. Điều này dẫn ông tới lập luận rằng ‘quá trình tự nhiên này đã diễn ra trong nhiều thế kỉ và Mãn Châu, Mông Cổ, Tây Tạng và Tân Cương đều đã trở thành Trung Quốc vì các dân tộc của các vùng này ngưỡng mộ văn hóa người Hán. Trong bài giảng thứ sáu, ông gợi ý rằng 'sức mạnh đồng hóa' này cuối cùng có thể mở rộng đến tận An Nam, Bhutan, Borneo, Miến Điện, Triều Tiên, Nepal, Đài Loan và tất cả các nước triều cống trước đây, để gộp tất cả vào trong một nước đại Trung Quốc thống nhất.
Tôn Văn mất năm 1925 và một năm sau đó, Tưởng Giới Thạch tự lập mình làm nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Quốc dân đảng. Đến năm 1928, Quốc dân đảng đã chiếm được Bắc Kinh và thành lập chính phủ quốc gia. Một trong những hành động đầu tiên của đảng này là bỏ đi 'lá cờ năm màu' được dùng 16 năm trước, và thay thế nó bằng một phiên bản thiết kế 'Bầu trời xanh, Mặt trời trắng' được Văn yêu thích. Sau đó, tại đại hội lần thứ ba vào năm 1929, đảng từ bỏ tuyên ngôn năm 1924 cũng như cam kết về quyền tự quyết cho các nhóm thiểu số. Có vẻ như đảng này sẽ thực hiện lí tưởng của Văn về một dân tộc Trung Hoa duy nhất. Tuy nhiên, một lần nữa, thực tế của việc kiểm soát các biên giới đã đan xen vào. Đáp ứng yêu cầu của các lãnh đạo chính trị địa phương và nhận thức được mối đe dọa từ các thế lực nước ngoài, chính phủ mới của Dân quốc bắt đầu quá trình thành lập các tỉnh đặc biệt ở Nội Mông và các khu vực có người Tạng sinh sống.50 Sau đó, họ tạo ra các khu tự trị cho 'Nội Tây Tạng (Khu tự trị đặc biệt Xuyên Biên (川邊) vào năm 1939 và vào năm 1947, cho Nội Mông.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, việc xây dựng đường sắt mà Văn đã từ lâu đề cao đã bắt đầu chuyển ước mơ về sự ‘hoà trộn’ dân số của ông thành hiện thực.51 Trong 40 năm đầu của thế kỉ 20, 25 triệu người Hán chuyển tới ba tỉnh đông bắc và dù hầu hết những người định cư này sau đó đã rời đi, người Mãn đã trở thành sắc dân thiểu số nhỏ ở đó. Quê hương của người Mãn trước đây, nơi người Hán chính thức bị cấm sinh sống cho đến thập niên 1860, trở thành lãnh thổ của người Hán. Người Mãn đã bị đồng hóa và tiếng Mãn, vốn vẫn là ngôn ngữ chính thức của Nhà Thanh cho đến khi kết thúc, gần như hoàn toàn biến mất.
Người Mông Cổ hiện nay cũng là một nhóm thiểu số nhỏ ở Nội Mông, mặc dù khu vực này đã được tuyên bố là tự trị. Họ chiếm chưa đầy 1/5 dân số gồm 24 triệu người của khu tự trị. Mặc dù họ không bị đồng hóa ở mức độ như người Mãn, nhưng số lượng người vẫn còn nói, đọc và viết được tiếng Mông Cổ đang giảm dần.52
Tân Cương và Tây Tạng lại là một câu chuyện khác, chủ yếu là vì hai nơi này ở xa các trung tâm dân cư chính, thách thức về khí hậu và khó xây dựng đường sắt đến. Đường vào Tân Cương mất hơn một thập kỉ để xây dựng và việc kết nối với thủ phủ Urumqi của tỉnh chỉ được mở vào năm 1966. Tỉnh này được CHNDTH tuyên bố là một khu tự trị vào năm 1955 nhưng trong những năm sau đó, dân số người Hán đã tăng từ khoảng 10 % lên đến 40 % dân số vào thời điểm điều tra dân số năm 2010. Các sắc dân Hồi nói tiếng Thổ Nhĩ Kì, viết chữ Ả Rập, vẫn chiếm đa số, nhưng chỉ có vậy. Kết nối đường sắt đến Tây Tạng thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành và chỉ đến được thủ đô Lhasa (拉薩: Lạp Tát) vào năm 2006. Do đó, dân số người Hán vẫn còn tương đối nhỏ trong Khu tự trị Tây Tạng, mặc dù đã phát triển nhanh hơn rất nhiều ở khu vực có người Tạng sinh sống trong lịch sử nhưng được kết nối tốt hơn ở các tỉnh Thanh Hải và Tứ Xuyên. Tuy nhiên, ở cả Tân Cương lẫn Tây Tạng, người Hán tập trung ở các thị trấn và thành phố có kết nối đường sắt, nơi có thu nhập và mức sống cao hơn.
Trong những thập kỉ thường xuyên bạo lực kể từ cuộc cách mạng 1911/12, chính sách của nhà nước Trung Quốc đối với các dân tộc ở bốn vùng lãnh thổ phụ thuộc xoay chuyển, đôi khi rất kịch tính, giữa các lập trường đối địch của Viên Thế Khải và Tôn Dật Tiên. Đã có những khoảng thời kì dài khi sự khác biệt giữa các dân tộc được dung thứ, thậm chí được khuyến khích và những thời kì khác khi nhà nước chuyển sang chế độ 'hoà tan' để cố gắng xóa bỏ sự khác biệt nhân danh dân tộc Trung Hoa. Văn tin rằng công việc hoà tan sẽ đạt được với những con số tuyệt đối: 'Không quan trọng nếu có những xáo trộn dọc theo vùng biên giới', ông nói với một phóng viên vào tháng 5 năm 1912. ‘Họ chỉ là một thiểu số cực kì nhỏ, không phải là một lực lượng đủ mạnh để làm loạn’ 53 Một thế kỉ sau, sự lạc quan theo chủ nghĩa sô vanh của ông đã được chứng minh là đúng trong một số trường hợp nhưng không đúng trong những trường hợp khác.
Ngày 13 tháng 8 năm 2018, gần như cùng lúc với Ban Thiền Lạt Ma đi tham quan các dự án xây dựng ở Tây Tạng, một quan chức Trung Quốc ít được biết đến trước đây tên là Hu Lianhe (Hu Lianhe 胡联合: Hồ Liên Hợp) đã làm toàn cầu phải chú ý tại Geneva. Đối với sự xuất hiện của ông trước Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ phân biệt chủng tộc, Hợp được liệt kê bình dị như là một quan chức cấp cao của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản. ‘Kẻ chủ mưu đàn áp’ có thể là một danh hiệu tốt hơn, vì Hợp là bộ não đằng sau chiến dịch an ninh ở Tân Cương bắt đầu vào đầu năm 2017 và, vào thời điểm ông ta xuất hiện, đã dẫn đến hơn một triệu người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) và những người Hồi nói tiếng Thổ Nhĩ Kì khác bị giam trong 1 200 trại 'cải tạo' xa xôi. Hợp nói với ủy ban rằng điều này không có gì đáng lo ngại. Các trại này là 'trung tâm giáo dục nghề nghiệp và đào tạo việc làm', mà ở đó những kẻ cực đoan có thể được 'trợ giúp để họ phục hồi và tái hoà nhập vào xã hội’54. Các cựu tù nhân không đồng ý khi mô tả sự tra tấn về thể xác và tinh thần mà họ phải chịu đựng dưới bàn tay của những người thẩm vấn sau hàng rào thép gai.
Cuộc ra tay rộng lớn trong trại là một phản ứng trước một số cuộc tấn công của các phần tử cực đoan Duy Ngô Nhĩ nhắm vào các thành viên của người Hán. Giọt nước tràn li dường như là vụ giết hại 5 thường dân gần thị trấn chiến lược Hotan (和田: Hoà Điền) ở tây nam Tân Cương vào tháng 2 năm 2017. Quan chức địa phương được chỉ thị nhận diện bất kì ai có dấu hiệu ‘tư tưởng cực đoan, có thể bao gồm việc đeo khăn trùm đầu, để râu hoặc chỉ trích nền giáo dục tiếng Hán’. Kết quả là, khoảng 10% dân số người lớn đã bị giam giữ trong các trại và chịu áp lực nhiều tháng (hoặc lâu hơn) cho đến khi họ thuyết phục được lính canh rằng họ từ bỏ chủ nghĩa li khai và chấp nhận những lời dạy của Đảng Cộng sản. Đồng thời, lực lượng an ninh được triển khai với số lượng rất lớn trên toàn tỉnh. Xe bọc thép, cảnh sát bán quân sự trên xe mô tô và lực lượng đặc biệt phô diễn qua Hoà Điền, thủ phủ Urumqi và bất kì nơi nào khác mà đảng cảm thấy không an toàn về khả năng kiểm soát của mình.
Hồ Liên Hợp là nhân vật chủ chốt trong việc suy nghĩ lại chính sách dân tộc ở Trung Quốc. Sau khi nhận bằng tiến sĩ tại trường Đảng cho luận án chống khủng bố, ông được ban Chính trị và Pháp luật Trung ương của đảng này tuyển vào và sau đó được biệt phái vào Trung tâm Nghiên cứu Chống Khủng bố tại một viện nghiên cứu do quân đội điều hành, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Trung Quốc. Ông trở thành cố vấn hàng đầu của đảng về chống khủng bố và tham gia soạn thảo luật chống chủ nghĩa cực đoan. Sau đó, vào năm 2004, ông kết hợp với giáo sư Hồ An Cương, nhà phê bình hàng đầu về hiện thân đầu tiên của chính sách dân tộc của CHNDTH, tại Đại học Thanh Hoa. Hợp và Cương đã cùng nhau viết hơn chục bài báo về sự cần thiết của một cách tiếp cận mới.55 Hồ Liên Hợp cho biết đã phát triển 'thuyết về ổn định', một thứ đòi hỏi có 'sự chuẩn hóa hành vi của con người'.
Đặc biệt, Hợp và Cương chú trọng vào Tây Tạng và Tân Cương, cảnh báo rằng nếu không có hành động kiên quyết, đất nước này sẽ mất đi sự trung thành của dân bản địa ở đó và phải đối mặt với số phận giống như Liên Xô. Như một tiếng vọng trực tiếp của Lương Khải Siêu và Tôn Dật Tiên một thế kỉ trước, họ kêu gọi chính phủ áp dụng ‘nồi tan chảy' và hoà trộn 56 dân tộc thành một dân tộc Trung Hoa duy nhất. Trong một bài báo năm 2011, họ kêu gọi đảng loại bỏ tất cả các quyền dựa trên nhóm, cải thiện kết nối giữa các khu vực người thiểu số sinh sống và phần còn lại của đất nước (nghĩ tới đường sắt), tăng cường sử dụng ngôn ngữ quốc gia chuẩn và tăng cường di dân trên tất cả các vùng của đất nước.56
Ngày 28 tháng 9 năm 2014, cách tiếp cận này đã nhận được sự ủng hộ chính thức của Tập Cận Bình. Phát biểu tại ‘Diễn đàn Công tác Dân tộc Trung ương', ông nói rõ rằng sẽ có một sự thay đổi hướng, rằng Đảng Cộng sản sẽ quan tâm nhiều hơn đến hội nhập và ít hơn đến việc thể chế hóa sự đa dạng. Theo tường thuật, ông nói 'Chúng ta không nên tiếp tục với những gì đã thối rữa'. Diễn đàn đã thông qua một cách tiếp cận mới đối với các vấn đề dân tộc, một phiên bản mềm mỏng hơn của ‘hoà trộn’ chính thức được gọi là ‘pha trộn’ - jiaorong (交融: giao dung). Nó tuân theo cách thức của Hợp và Cương; chính sách tăng cường dịch chuyển lao động để đưa người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ đến làm việc trong các nhà máy ở các khu vực người Hán của đất nước, xây dựng các cộng đồng dân tộc hỗn hợp, thúc đẩy hôn nhân giữa các sắc tộc, v.v.57
Điều này đã được chính thức hóa tại Đại hội Đảng năm 2017, quyết nghị đưa khái niệm 'hình thành một ý thức tri giác tập thể mạnh mẽ cho dân tộc Trung Hoa' trong Điều lệ của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, Tập Cận Bình và những người ủng hộ ‘thế hệ thứ hai' của chính sách dân tộc đang đấu tranh chống lại sự đối kháng thâm căn cố đế. Thực tế đơn giản là CHNDTH vẫn phân loại người dân thành các dân tộc khác nhau cho chúng ta thấy rằng dự án xây dựng dân tộc mà Lương Khải Siêu và Tôn Dật Tiên mơ ước đã không thành công, dù đã gắng thực hiện hơn một thế kỉ. Tuy nhiên, khi TCB chống lại di sản tư tưởng và quan liêu của Viên Thế Khải, Joseph Stalin và cha ruột của mình, ông dường như quyết tâm hoàn thành một nhiệm vụ vốn bắt đầu vào năm 1903 với việc sáng chế ra ý tưởng về một dân tộc Trung Hoa duy nhất ngay từ đầu.
_______________
1. United Front Work Leading Group Office of the Tibet Autonomous Region Committee of the Communist Party of China, “Panchen Erdeni Visits Shannan for Buddhist Activities', 28 August 2018, http://www.xztzb.gov.cn/news/1535419327828.shtml (accessed 2 March 2020).
2. W.J.F. Jenner, 'Race and History in China’, New Left Review, 1 September 2001, p. 55.
3 Chiang Kai-shek, China's Destiny, Westport, CT: Greenwood Press, 1985, p. 13.
4. Thomas Mullaney, Coming to Terms with the Nation: Ethnic Classification in Modern China, Berkeley, CA: University of California Press, 2011.
5.Jenner, 'Race and History in China', p. 77.
6. Lai To Lee and Hock Guan Lee (eds), Sun Yat-Sen, Nanyang and the 1911 Revolution, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2011, pp. 18-19.
7, Patrick Anderson, The Lost Book of Sun Yatsen and Edwin Collins, London: Routledge, 2016, pp. 22–3.
8. Daily News, ‘The Politics of Sun Yat-sen: Why His Head is in Peril, 26 October 1896, quoted in Anderson, Lost Book of Sun Yatsen, p. 15.
9. Harold Schiffrin, Sun Yat-sen and the Origins of the Chinese Revolution, Berkeley, CA: University of California Press, 1968, p. 128.
10. Marie-Claire Bergère (trans. Janet Lloyd), Sun Yat-sen, Stanford, CA: Stanford University Press, 1998, pp. 65-6.
11. James Leibold, 'Positioning “Minzu”’ Within Sun Yat-Sen's Discourse Of Minzuzhuyi', Journal of Asian History, 38/2 (2004), p. 168.
12. Schiffrin, Sun Yat-sen, p. 139.
13. Ibid., p. 148.
14. Bergère, Sun Yat-sen, pp. 77–8.
15. Leibold, 'Positioning ‘Minz’‘, p. 170.
16. Kenji Shimada, Pioneer of the Chinese Revolution: Zhang Binglin and Confucianism, Stanford, CA: Stanford University Press, 1990, p. 28.
17. Julia C. Schneider, Nation and Ethnicity: Chinese Discourses on History, Historiography, and Nationalism (1900s1920s), Leiden: Brill, 2017, pp. 80-82.
18. Cheng Zhongping, ‘Kang Youwei's Activities in Canada and the Reformist Movement Among the Global Chinese Diaspora, 1899–1909', Twentieth-Century China, 39/1 (2014).
19. ‘Jane Leung Larson, ‘Kang Youwei: A Drifting Stranger from 20,000 Li Away', Baohanghui Scholarship (blog) 2 June 2013, https://baohuanghui.blogspot.com/2013/06/a-drifting-stranger-from-20000-liaway.html (accessed 2 March 2020).
20. Jonathan D. Spence, The Gate of Heavenly Peace: The Chinese and Their Revolution, Harmondsworth: Penguin, 1982, pp. 35-6.
21. Frank Dikötter, The Discourse of Race in Modern China. Oxford: Oxford University Press, 2015, p. 56.
22. Marc Andre Matten, Imagining a Postnational World: Hegemony and Space in Modern China, Leiden: Brill, 2016, p. 241.
23. 'Life and Legacy of Kang Tongbi', Barnard, https://barnard.edu/headlines/life-andlegacy-kang-tongbi
24. Xiaobing Tang, Global Space and the Nationalist Discourse of Modernity: The Historical Thinking of Liang Qichao, Stanford, CA: Stanford University Press, 1996, p. 139.
25. Zou Rong, The Revolutionary Army: A Chinese Nationalist Tract of 1903, Paris: Éditions de l'École des Hautes Études en Sciences Sociales, 1968, p. 58.
26. Leibold, ‘Positioning “Minzu”’, p. 174.
27. Ibid., p. 186.
28. So Wai Chor, ‘National Identity, Nation and Race: Wang Jingwei's Early Revolutionary Ideas, 1905-1911', Journal of Modern Chinese History, 4/1 (2010), pp. 63-7.
29. Leibold, ‘Positioning “Minzu”’, p. 176.
30. Ma Mingde, ‘Tang Hualong in the 1911 Revolution', in Joseph W. Esherick and C. X. George Wei (eds), China: How the Empire Fell, London; New York: Routledge, 2013, p. 141.
31. James Leibold, ‘Xinhai Remembered: From Han Racial Revolution to Great Revival of the Chinese Nation', Asian Ethnicity, 15/1 (2014), p. 3.
32. Edward Rhoads, Manchus and Han: Ethnic Relations and Political Power in Late Qing and Early Republican China, 1861– 1928, Seattle: University of Washington Press, 2000.
33. Ibid., pp. 114-16.
34. Pamela Kyle Crossley, A Translucent Mirror: History and Identity in Qing Imperial History, Oakland, CA: University of California Press, 1999.
35. Gray Tuttle, Tibetan Buddhists in the Making of Modern China, New York: Columbia University Press, 2007, p. 61.
36. Rhoads, Manchus and Han, p. 214.
37. Leibold, 'Positioning “Minzu”’, p. 180.
38. Tuttle, Tibetan Buddhists, p. 62.
39. Tjio Kayloe, The Unfinished Revolution: Sun Yat-Sen and the Struggle for Modern China, Singapore: Marshall Cavendish International (Asia), 2018.
40. Henrietta Harrison, The Making of the Republican Citizen: Political Ceremonies and Symbols in China 1911–1929, Oxford: Oxford University Press, 2000, p. 101.
41. Li Xizhu, ‘Provincial Officials in 1911/12', in Joseph W. Esherick and C. X. George Wei
(eds), China: How the Empire Fell, London; New York: Routledge, 2013.
42. Leibold, 'Positioning “Minzu”’, p. 181.
43. Tuttle, Tibetan Buddhists, p. 64.
44. Bergère, Sun Yat-sen, p. 228.
45 Leibold, ‘Positioning “Minzu”, pp. 184
46. Bergère, Sun Yat-sen, p. 236.
47. Richard Louis Edmonds, ‘The Legacy of Sun Yat-Sen's Railway Plans', China Quarterly, 421 (1987).
48. Leibold, 'Positioning “Minzu”’, p. 197.
49. Ibid., p. 191.
50. James Leibold, Reconfiguring Chinese Nationalism: How the Qing Frontier and its Indigenes Became Chinese, Basingstoke: Palgrave Macmillan, 2007, p. 58.
51. Edmonds, ‘Legacy of Sun Yat-Sen's Railway Plans’.
52. Chien-peng Chung, ‘Comparing China's Frontier Politics: How Much Difference Did a Century Make?', Nationalities Papers, 46/1 (2018), p. 166.
53. Leibold, 'Positioning “Minzu”’, p. 183.
54. Xinhua, 'Slandering Xinjiang as “No Rights Zone” Against Fact, Chinese Official Told UN Panel’, China Daily.com, 14 August 2018, http://www.chinadaily.com.cn/a/201808/14/WS5b7260a6a310add14f385a92.html
55. James Leibold, ‘Hu the Uniter: Hu Lianhe and the Radical Turn in China's Xinjiang Policy’, ChinaBrief, 18/16 (10 October 2018).
56. James Leibold, “The Spectre of Insecurity: The CCP's Mass Internment Strategy in Xinjiang’, China Leadership Monitor, Hoover Institution (1 March 2019).
57. James Leibold, 'A Family Divided: The CCP's Central Ethnic Work Conference', ChinaBrief, 14/21, Hoover Institution (7 November 2014).
_____________________________
Xem bản song ngữ ở đây:
No comments:
Post a Comment