Saturday, October 31, 2020

SÁNG CHẾ RA TRUNG QUỐC (KẾT LUẬN)

KẾT LUẬN

Zhongguo Meng - Giấc mộng Trung Quốc

(THE iNVENTION OF CHINA)
Bill Hayton

Tặng gì cho một tổng bí thư đảng cộng sản có mọi thứ? Đó là vấn đề mà Angela Merkel gặp phải khi tiếp đón Tập Cận Bình (TCB)  tại Berlin vào cuối tháng 3 năm 2014. Để giải quyết vấn đề này, nhân viên của bà đã chọn một món quà bất thường: một bản đồ in ở Đức năm 1750. Bản đồ đó là bản sao của một bản đồ được nhà vẽ bản đồ Jean Baptiste Bourguignon d'Anville người Pháp vẽ cho một tập bản đồ được xuất bản tại Paris năm 1735. Chính nó lại là một bản sao - của một tập bản đồ được chuẩn bị trình cho Hoàng đế Khang Hi nhà Thanh vào năm 1718. Tập bản đồ đó chắc chắn là một bản gốc, kết quả của công trình khảo sát đáng chú ý kéo dài 10 năm do các quan chức nhà Thanh đảm nhận, với sự cố vấn của các nhà khoa học-linh mục Dòng Tên do Vua Pháp cử đến - đó là cách mà các bản sao được tạo ra ở Paris 17 năm sau đó. Các bản gốc của bản đồ Bourguignon d'Anville được bán với giá cao tại các nhà đấu giá quốc tế: vài nghìn đô la một bản. Bản in năm 1750 của Đức ít giá trị hơn. Văn phòng thủ tướng Merkel có lẽ chỉ trả khoảng $ 500 cho nó, cộng với việc làm khung. Bản đồ gốc của hoàng đế là vô giá.

Tập bản đồ Khang Hi-Dòng Tên được đặt tựa tiếng Trung là Hoàn dư toàn lãm đồ (皇輿全覽圖 Huangyu quanlan tu)- 'Bản đồ toàn cảnh vương quốc’. Triều đình thấy không cần định cụ thể nước nào đã được vẽ ra, vì quốc gia này không có tên: 'vương quốc’ là đủ. Chỉ có bản dịch tiếng Pháp đòi hỏi  người vẽ bản đồ phải thêm tên cho các nước. Tập bản đồ Khang Hi-Dòng Tên bao gồm các bản đồ chi tiết của từng tỉnh nhà Thanh, cùng với một tập bản đồ khác cho thấy toàn bộ vương quốc và các xứ xung quanh nó: từ biển Caspi ở phía tây đến đảo Sakhalin ở phía đông. Nhưng đó không phải là tấm bản đồ được các quan chức của Merkel chọn để tặng cho TCB. Thay vào đó, họ trao cho vị khách của mình bản sao của một bản đồ khác có tên bằng tiếng Latin Regni Sinae - 'Vương quốc Trung Hoa'.

Các bức ảnh chụp buổi trao tặng trong văn phòng thủ tướng cho thấy Angela Merkel chủ động chỉ ra một số chi tiết của bản đồ trong khi Tập Cận Bình với khuôn mặt lạnh tuyền đứng nhìn từ xa. Không chắc rằng ông ta đã khó chịu vì việc chọn bản đồ rẻ tiền hơn, bản của Đức, hoặc vì những gì nó miêu tả. Có rất nhiều khả năng ông bị kích thích bởi những gì nó không thể hiện ra. Bản đồ Regni Sinae có phụ chú là Sinae Propriae - 'Trung Quốc thuần túy” - và chỉ bao gồm các tỉnh cũ của nhà Minh. Do đó, nó không bao gồm hầu hết các lãnh thổ khác mà nhà Thanh giành được: Mãn Châu, Mông Cổ, Tây Tạng và Tân Cương. Làm cho mọi thứ tồi tệ hơn, Đài Loan đã được vẽ bằng một màu sắc khác biệt.

Phái đoàn Trung Quốc (TQ) không biết phải phản ứng thế nào. Nghi thức đòi hỏi lời cảm ơn thích hợp, nhưng đây không phải là một món quà để được mừng đón ở quê nhà. Đó chỉ đơn giản là cử chỉ thiện chí trong trắng hay cố ý hạ nhục của chính phủ Đức? Các biên tập viên báo đài nhà nước TQ đã lúng túng và giải quyết nó theo cách truyền thống của nhà nước độc đảng: họ ngụy tạo tin. Họ tường thuật việc tặng tấm bản đồ nhưng sau đó đã thay bức ảnh bản đồ thực sự mà Merkel đã tặng cho TCB bằng một tấm bản đồ hoàn toàn khác, một bản đồ khắc họa yêu sách lãnh thổ lớn hơn nhiều. Bản đồ này thực ra được nhà vẽ bản đồ người Anh John Dower vẽ hơn một thế kỉ sau đó, vào năm 1844, và bao gồm Tây Tạng và Tân Cương do nhà Thanh chinh phục hồi thế kỉ 18 vào trong biên giới của đế chế.2 Thực ra, bản đồ cho thấy biên giới được vẽ rộng hơn nhiều so với biên giới hiện tại của CHNDTH. Sự thiếu chính xác này không thành vấn đề đối với giới truyền thông TQ. Thậm chí, giáo sư Vương Nghĩa Nguy (王义桅),  chủ nhiệm Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nhân Dân danh giá, cũng đã dây vào. Ông viết một bài báo đăng trên trang mạng của Yale Global về ý nghĩa đối với quan hệ Đức -Nga của việc Merkel tặng TCB bản đồ cho thấy lãnh thổ Nga nằm trong biên giới TQ.3

Bề ngoài, đây có thể chỉ là một giai thoại gây cười, nhưng nó cũng thể hiện sự lo lắng và hoang tưởng ẩn nấp bên dưới bề mặt của nền chính trị TQ đương thời. Nếu như TCB tặng cho Merkel một tấm bản đồ nước Phổ thế kỉ 18, không chứa  phần lớn miền Tây nước Đức, thì vật đó sẽ chỉ được coi như một vật quý thú vị thôi. Mặt khác, ý thức về bản thân của CHNDTH còn quá mong manh để thừa nhận rằng hình dạng đất nước họ có thể khác 300 năm trước. Không được phép tranh luận về 'lợi ích cốt lõi’ của quốc gia về tính toàn vẹn lãnh thổ và kết quả là sự phủ nhận vô lí đối với bất kì bằng chứng lịch sử nào có thể là cơ sở cho một câu chuyện khác về quá khứ. Phiên bản lịch sử duy nhất được chấp nhận là phiên bản được sáng chế ra phù hợp với nhu cầu của sự lãnh đạo hiện tại của Đảng Cộng sản.

Đảng phụ thuộc vào những tự sự được sáng chế này. Khi rút ra khỏi chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao vào cuối thế kỉ 20, đảng đã tìm kiếm những cách thức mới để tạo ra lòng trung thành của người dân. Một nền tảng then chốt cho quyền cai trị của đảng đã trở thành 'tính chính đáng từ thành tựu’: đem lại mức sống ngày càng cao cho hầu hết dân số của đất nước. Tuy nhiên, những người vô sản và tư sản không thể chỉ sống bằng cơm gạo và đảng cũng đã tìm kiếm một ý tưởng chỉ đạo mới để lấp đầy tâm hồn họ và lãnh đạo họ đi đúng hướng. Thuốc phiện mới cho nhân dân sẽ là chủ nghĩa dân tộc - không phải là loại khiến đám đông diễu hành qua các đường phố, mà là một loại chính thức, được những người ở chóp bu định ra khi nhấn mạnh tính thuần nhất và sự tuân phục.

Như nhà xã hội học người Anh Anthony D. Smith lập luận từ lâu, bản sắc dân tộc được hình thành dựa trên những huyền thoại lịch sử. Huyền thoại có mục đích xã hội: chúng chia tách những người tin theo với những người không tin. Huyền thoại vô lí đến mức nào không quan trọng; tin nó khiến một người nào đó trở thành người trong nhóm và tạo cho họ một căn cước để phân biệt họ với những người bên ngoài. Rất có thể một đột biến gen nào đó trong quá khứ xa xưa đã ban tặng cho bộ não con người khả năng tin vào những huyền thoại vô lí, và do đó vô tình cho họ một lợi thế tiến hóa. Một đột biến gen giúp củng cố bản sắc và sự gắn kết của nhóm có khả năng mang lại cho các thành viên của nhóm đó cơ hội sống sót cao hơn so với những người không cùng chính kiến ​​đơn lẻ ngồi ngoài trong hoang dã. Như Herbert Spencer chắc chắn đã nhận ra, có nhiều khả năng chọn lọc tự nhiên sẽ đảm bảo đột biến tin vào huyền thoại được truyền sang các thế hệ tiếp theo hơn là DNA của người không cùng chính kiến.

Trên hết, đối với một quốc gia theo chủ nghĩa Lenin, đang tìm kiếm sự phục tùng chính trị từ một dân số hơn một tỉ người, chủ nghĩa dân tộc chính thức đã cho thấy là một công cụ rất hữu ích. Đảng Cộng sản TQ đã chuyển mục đích sử dụng dự án dân tộc chủ nghĩa nguyên thuỷ được những người như Lương Khải Siêu và Tôn Dật Tiên khởi đầu từ những năm 1890. Sau đó, một số tương đối nhỏ người - chủ yếu là những thanh niên lang thang trong một thế giới mới đầy bất trắc - đã dành nhiều thập kỉ để phát triển các huyền thoại dân tộc mới có thể thúc đẩy các thế hệ tiếp theo. Những huyền thoại này sẽ xác định ai ở trong và ai ở ngoài dân tộc TQ. Giống như những người dân tộc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi, Lương khải Siêu, Tôn Dật Tiên và các nhân vật khác trong cuốn sách này nhấn mạnh vào việc 'san bằng’ những khác biệt bên trong đất nước mới để làm nổi rõ sự khác biệt với những người bên ngoài.

Trong những năm 1930, thông qua báo chí, lớp học và việc kiểm soát cuộc tranh luận công khai, Quốc Dân đảng đã có thể khắc sâu một bộ kí ức tập thể mới trong công dân của nước Cộng hòa mới.  Nói chung, đó không phải là những sáng chế hoàn chỉnh; chúng tạo ra sức mạnh cảm xúc của họ bằng cách huy động nhiều niềm tin đã có từ trước và chuyển chúng vào việc phục vụ cho mục đích dân tộc chủ nghĩa, như chúng ta đã thấy trong cuốn sách này. Các ý tưởng mới về chủng tộc, lịch sử, dân tộc, ngôn ngữ và lãnh thổ đã được trình bày như là các hiệu đính cập nhật đơn giản có tính khoa học hơn các chân lí cũ. Những ý tưởng này mang lại cơ hội tiến bộ tập thể cho dân tộc và đổi mới cá nhân cho các thành viên trong nhóm: ai lại không muốn tham gia vào?

Vì vậy, khi Đảng Cộng sản phải trải qua một cuộc khủng hoảng gần như thảm khốc về tính chính đáng vào năm 1989 sau cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn và vụ thảm sát sau đó, không có gì ngạc nhiên khi đảng quay sang chủ nghĩa dân tộc để đưa xã hội TQ gắn bó trở lại với quyền lãnh đạo của mình. 'Chiến dịch Giáo dục Yêu nước' được đưa ra lần đầu tiên hai năm sau Thiên An Môn, vào tháng 8 năm 1991. Các hướng dẫn được ban hành ba năm sau đó khẳng định rằng chiến dịch nhằm nâng cao tinh thần dân tộc, tăng cường sự gắn kết, nuôi dưỡng lòng tự tôn và tự hào dân tộc, củng cố và phát triển Mặt trận yêu nước thống nhất tới mức độ rộng rãi nhất có thể có được, hướng và tập hợp lòng yêu nước của quần chúng vào sự nghiệp vĩ đại xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ'.5 Theo lời của Uông Tranh (汪 铮), người đầu tiên phân tích về chiến dịch này, nó ‘thể hiện một bước chuyển lớn trong Chính trị về  bản sắc của Bắc Kinh', chủ yếu qua việc thể hiện TQ như là nạn nhân lâu năm và phương Tây là kẻ xâm lược lâu năm của họ. Chương trình giảng dạy mới đã làm nhẹ đi lịch sử của cuộc nội chiến TQ và cuộc xung đột trong thế kỉ 20 của Đảng Cộng sản với Quốc Dân đảng (qua đó gửi đi một thông điệp mới về sự đoàn kết dân tộc giữa những chia rẽ chính trị) và thay vào đó, nhấn mạnh các chia rẽ khác qua việc tô đậm những xung đột trước đó giữa 'TQ' và các cường quốc phương Tây.

Các giám đốc của Chiến dịch Giáo dục Yêu nước đã sao chép một số kĩ thuật của những người theo chủ nghĩa dân tộc thời kì đầu để truyền đạt kì ức tập thể mới, và tăng cường các kĩ thuật đó bằng sức mạnh của nhà nước độc đảng. Họ sử dụng báo chí, sách giáo khoa và diễn ngôn công khai để thiết lập các thông số về những gì có thể và không thể nói được về quá khứ. Họ cũng huy động truyền hình, phim ảnh và các phương tiện truyền thông trực tuyến cho mục đích này và sử dụng kỉ luật đảng và sức mạnh pháp luật để đảm bảo việc tuân thủ. Lấy một ví dụ tiêu biểu cho nhiều ví dụ. Vào năm 2006, tuần báo Băng Điểm của Đoàn Thanh niên Cộng sản đăng một bài báo chỉ trích về bước ngoặt mới trong lịch sử chính thức, nó đã bị đóng cửa trong hai tháng. Bài báo của Viên Vĩ Thì (袁伟时), một giáo sư triết học nghỉ hưu, đã so sánh phiên bản lịch sử mới đang được giảng dạy trong các trường học của đất nước với việc 'uống sữa sói'. ‘Nếu những trẻ thơ ngây này nuốt phải những viên thuốc giả, thì chúng sẽ sống với những định kiến trong cuộc sống của chính mình và đi vào con đường sai trái ', ông lập luận. Đảng không đồng ý và chỉ cho phép tạp chí mở cửa trở lại nếu nó in một bài báo dài phản bác quan điểm của giáo sư.

Dưới thời Tập Cận Bình, đảng đã tăng mạnh tư sự này. Vào ngày 29 tháng 11 năm 2012, ngay sau khi được bầu làm tổng bí thư, TCB đã có bài phát biểu tại Bảo tàng Quốc gia TQ ở Quảng trường Thiên An Môn, trong đó ông tiết lộ ý tưởng lớn của mình, 'Giấc mộng Trung Quốc’ [Zhongguo Meng]. Ông tuyên bố, 'Đạt được sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa [Zhonghua minzu] là giấc mộng lớn nhất của dân tộc Trung Hoa trong thời hiện đại.’ Nhiều cách diễn giải đã được đưa ra cho ý nghĩa của điều mà TCB cho là ‘'phục hưng dân tộc' nhưng một trong những lời giải thích có thẩm quyền nhất là của Diêm Học Thông (阎学通), viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh có nói rằng mục tiêu của họ là 'khôi phục vị thế quốc tế lịch sử của TQ' .7

Như chúng ta đã thấy trong cuốn sách này, có rất nhiều ý tưởng được gói gọn trong cụm từ đó (‘khôi phục vị thế quốc tế lịch sử của TQ’). Diêm Học Thông muốn nói gì với ‘khôi phục’ hoặc ‘TQ’ hoặc 'vị thế'? Thời kì lịch sử nào là điểm quy chiếu của ông? Cũng trong cùng một cuộc phỏng vấn, ông đề cập đến triều đại nhà Hán cách đây 2 000 năm, nhà Đường cách đây 1 000 năm và phần đầu của triều đại nhà Thanh, 300 năm trước. Nó đòi hỏi một trí tưởng tượng dân tộc chủ nghĩa để coi ba quốc gia hoàn toàn khác nhau này đều cùng đại diện cho một 'TQ' cốt yếu, phi thời gian. Nó thể hiện cách mà mọi nhóm chọn cách tự coi mình là một quốc gia tạo dựng ra những huyền thoại xung quanh mình và nếu họ thành công, sẽ xây dựng lại quốc gia xung quanh những huyền thoại đó. Các quốc gia Đông Á trước đó (các triều đại) đã làm đúng y điều này: họ tìm cách thể hiện mình là người kế thừa hợp pháp cho những tiền thân đã không còn được tin cậy. Những người Cộng sản, cũng như những người Quốc dân đảng trước họ, cũng không khác.

Tất cả mọi sáng chế này sẽ đưa TQ tới đâu? Việc TQ tự cho mình là một nền văn minh bị đối xử thiếu công bằng nhưng cao trọng, trung tâm tự nhiên theo sắp xếp thứ bậc của các quốc gia châu Á, đã khiến nước này hành động theo những cách gây áp bức đối với người dân của họ, gây lo lắng cho các nước láng giềng và gây bất ổn cho hòa bình và an ninh khu vực. CHNDTH hiện là một nước chủng tộc thống trị (ethnocracy)- một quốc gia được xác định theo chủng tộc - vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng bởi những huyền thoại dân tộc chủ nghĩa được tạo dựng vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20. Dưới thời Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản đã nỗ lực để áp đặt các ranh giới ngày càng chặt chẽ hơn đối với các biểu hiện hợp pháp của tính Trung Hoa (Chinese-ness).

TCB và các lãnh đạo quanh ông đã ngày càng chú trọng đến 'bốn đặc điểm nhận dạng', và đã thêm vào một đặc điểm thứ năm. Họ nhấn mạnh rằng tất cả công dân TQ phải đồng nhất với tổ quốc, với dân tộc Trung Hoa (Zhonghua minzu), với văn hóa TQ, con đường XHCN TQ - và bây giờ là với chính Đảng Cộng sản TQ. Hầu như không cần phải nói rằng đảng coi bất kì gợi ý nào rằng một người Tây Tạng hoặc một người Uyghur có thể thích sống dưới chính quyền khác hơn, rằng một người Mông Cổ có thể không sẵn sàng chấp nhận quan điểm thuần nhất về dân tộc, rằng những người nói các thứ tiếng địa phương có thể không muốn nói tiếng Phổ thông (Putonghua), hoặc bất kì ai trong số họ có thể không chấp nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đều là phản quốc. Như chúng ta đang thấy ở Hồng Kông (vào thời điểm viết bài), vấn đề của Tập Cận Bình là Đảng Cộng sản càng lo lắng về tình trạng phân hóa quốc gia, thì càng cố gắng áp đặt sự đoàn kết dân tộc và càng tạo ra phản ứng theo hướng ngược lại. Cuối cùng, cách đáp ứng duy nhất của họ dường như là cưỡng bức, vũ lực và giám sát hàng loạt, như việc giam cầm hơn một triệu người Ngô Duy Nghĩ trong các 'trung tâm cải tạo' trong năm 2019, cho thấy.

Độc tôn văn hóa cưỡng bức đã tạo thành một sợi dây chính trong dự án dân tộc chủ nghĩa TQ từ khi nó xuất hiện vào cuối thế kỉ 19. Nhưng vấn đề là xác định Dân tộc Trung Hoa như thế nào đã làm đau đầu các nhà tư tưởng cũng như các nhà chính trị trong nhiều thập kỉ. Trong một thời gian dài, dưới ảnh hưởng của Liên Xô, Đảng Cộng sản đã sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt, dời lại việc tạo nên một dân tộc thuần nhất duy nhất vào tương lai xa. Tuy nhiên, trước sự tan rã của Liên Xô và Nam Tư, một số nhà lí thuyết TQ đã tranh luận gay gắt về một cách tiếp cận mới - một 'nồi hòa tan’ (melting pot) trong đó những khác biệt sẽ bị xóa bỏ vì lợi ích đoàn kết dân tộc. Tập Cận Bình dường như đã nghe theo họ.

Sau vụ Thiên An Môn, khi hệ tư tưởng cộng sản chính thống thoái bộ, các tuyên bố của Đảng Cộng sản ngày càng đề cao từ ‘dân tộc’' bên cạnh từ 'nhân dân' truyền thống hơn. Trong khi nhân dân chỉ bao gồm những người theo chủ nghĩa xã hội, thì ‘dân tộc’ có thể bao gồm những người thuộc mọi tầng lớp, miễn là họ tuân theo định nghĩa của Bắc Kinh về những cái mà ‘dân tộc’ tin phải là. Kể từ khi TCB lên nắm quyền vào cuối năm 2012, đảng đã nâng mạnh về tính đồng đều của dân tộc. CHNDTH càng nhấn mạnh phiên bản của chính họ về quá khứ, thì càng có ít chỗ cho các phiên bản khác. Một hệ quả là cuộc sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết đối với các nhóm thiểu số hoặcngười bất đồng chính kiến ​​thuộc bất kì dạng nào. Họ vừa bị coi là mối đe dọa đối với tự sự này, vừa là trở ngại cho quá trình hiện đại hóa và bị đối xử theo cách tương ứng.

Chúng ta nên gọi là hệ tư tưởng chính trị mới này, một hệ tư tưởng có đặc điểm gồm một nhà lãnh đạo 'cốt lõi' duy nhất, đòi hỏi kiên trì về sự thuần nhất dân tộc, không dung thứ các khác biệt, đảng trị chứ không phải pháp trị, chính sách kinh tế tập thể, chú trọng kỉ luật và một hệ tư tưởng dựa trên biệt lệ về chủng tộc- tất cả được hậu thuẫn bởi một nhà nước giám sát khổng lồ, là gì? Đảng Cộng sản TQ từ lâu đã nói về việc xây dựng 'chủ nghĩa xã hội với đặc sắc TQ'. Tập Cận Bình bây giờ dường như quan tâm hơn đến việc xây dựng ‘chủ nghĩa xã hội dân tộc với đặc sắc TQ’.

TQ tự thể hiện với chúng ta trong thế kỉ 21 giống với phương Tây hơn là nước này hay phương Tây nói chung nhận biết. Thay vì là một quốc gia đại biểu cho 'các giá trị châu Á', trên thực tế lại là một quốc gia theo khuôn mẫu phương Tây với các sứ mệnh về bản sắc, chủ quyền, chủ nghĩa dân tộc và mở rộng lãnh thổ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta nhìn vào cách nó nổi lên: về bản chất, đó là một kiến trúc nước ngoài. Có hai đường dẫn chủ yếu. Giai đoạn đầu bị người nước ngoài khống chế bên trong vương quốc Thanh: các nhà truyền giáo, quân nhân và sứ thần ngoại giao. Giai đoạn thứ hai, và quan trọng hơn, bị những người lưu vong và hoa kiều (huaqiao) khống chế bên ngoài lãnh thổ nhà Thanh - dù ở Nhật, Mĩ hay Đông Nam Á. Họ ngoái nhìn quê hương của họ với những nhạy cảm có được ở nước ngoài. Họ là những người đã dịch những ý tưởng nước ngoài về một nơi được gọi là 'China' thành một nơi được gọi là TQ (Zhongguo). Khi nhìn vào TQ ngày nay, chúng ta thấy sự cụ thể hóa các quan điểm của phương Tây về một quốc gia đã được một tầng lớp tinh hoa hiện đại hóa chấp nhận và diễn giải nó rồi được họ trình bày cho một dân tộc vừa mới được định nghĩa gọi là 'người TQ'.

Các quốc gia châu Âu đã trải qua một thế kỉ đẫm máu - 1848 đến 1945 - để giải đáp các câu hỏi về dân tộc và quốc gia và nhà nước-dân tộc. Những nỗ lực của họ để làm cho quốc gia ăn khớp với dân tộc đã dẫn đến hai cuộc thế chiến; những nỗ lực của họ để làm cho dân tộc khớp với quốc gia thường dẫn đến nạn diệt chủng. Cuối cùng, các chính phủ châu Âu đã đồng ý giảm nhẹ những thúc bách dân tộc chủ nghĩa và hình thành các cấu trúc bên trên dân tộc có tính hợp tác để tránh bị hủy hoại trong tương lai. Họ cũng phân cấp quyền lực và tạo ra các hệ thống liên bang để tạo thêm không gian cho các nhóm thiểu số. Kết quả dẫn tới nhiều thập kỉ hòa bình, tự do và thăng hoa trong thịnh vượng. CHNDTH dường như chưa sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm đó. Câu hỏi mà thế giới phải đối mặt là liệu ban lãnh đạo của họ có đang đi theo hướng ngược lại: quay xuống con đường tăm tối quen thuộc về phía chủ nghĩa phát xít hay không.

Những vấn đề mà các nước láng giềng của TQ phải đối mặt xuất phát từ hai quan điểm về quá khứ trái ngược nhau của nước này. Quan điểm đầu, TQ tự coi mình theo cách đế quốc, là trung tâm tự nhiên của Đông Á, mà ở đó biên giới là thứ yếu đối với quyền lực. Quan điểm thứ hai, TQ tự nhìn nhận mình theo hệ Westphalia, quyết tâm sáp nhập mọi mảnh lãnh thổ, mọi mỏm đá và đá ngầm vào trong biên giới quốc gia 'thiêng liêng' của tổ quốc. Các nước láng giềng thích mọi thứ theo chiều ngược lại: một thái độ theo hệ Westphalia hơn đối với quyền lực - giữ nó trong biên giới của riêng mình - và một thái độ ít chính thống (xơ cứng)  hơn đối với các tranh chấp lãnh thổ - thỏa hiệp vì lợi ích hòa bình.

Sức mạnh kinh tế và quân sự của TQ khiến các nước láng giềng lo lắng, nhưng sự lo lắng càng trở nên tồi tệ hơn do thái độ đế quốc của Bắc Kinh đối với khu vực ngoại vi. Tháng 7 năm 2010, tại một cuộc họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Dương Khiết Trì, đã nhìn thẳng vào người đồng nhiệm Singapore, George Yeo, và nhắc nhở ông rằng 'TQ là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, và đó chỉ là một sự thật.’ Rõ ràng có rất nhiều người, ở mọi tầng lớp trong xã hội TQ, tin rằng quốc gia họ không chỉ đơn giản là 'nước đứng đầu trong các nước ngang bằng', mà sử dụng một cách nhìn đặc thù về quá khứ để biện minh cho một quan điểm đế quốc mới. Nó trở nên tồi tệ hơn bởi những biểu hiện của chủ nghĩa sô vanh Đại Hán đối với người nước ngoài và cũng bởi việc coi 'Hoa kiều' ở những nước này là 'đồng minh chủng tộc' và là công cụ của chính sách nhà nước.

Hiểu được nguồn gốc của chủ thuyết chính thống xơ cứng (fundamentalism) về lãnh thổ của TQ sẽ rất quan trọng đối với hòa bình khu vực. Việc hung hăng theo đuổi yêu sách  đối với những mỏm đá nhỏ và rạn san hô ngầm,việc  nâng vị thế của Đài Loan lên thành câu hỏi về sự tồn tại và các khiêu khích thường xuyên trên dãy Himalaya đều có thể truy nguyên từ quyết tâm của Lương Khải Siêu và Tôn Dật Tiên trong việc kế thừa biên giới của nhà Thanh. Tuy nhiên, khi sàng lọc bằng chứng một cách cẩn thận có thể thấy rằng những ranh giới 'thiêng liêng' này phần lớn là những đường ranh mới trong thế kỉ 20 do trí tưởng tượng  dân tộc chủ nghĩa mơ mộng vẽ ra.

Đây là một trong những điều trớ trêu của tình trạng đương thời của TQ. Mặc dù không chấp nhận sự can thiệp của nước ngoài vào công việc của mình, nhưng nỗi ám ảnh về chủ quyền và thái độ xơ cứng của TQ đối với lãnh thổ là những ý tưởng rõ ràng từ nước ngoài. Nhân danh ‘phục hưng dân tộc', TQ của Tập Cận Bình đang áp dụng thái độ và hành vi của các cường quốc đế quốc mà ông ta đáng lẽ phải xóa đi di sản. Các lợi ích ngày nay của nước này đang bị hủy hoại bởi việc theo đuổi các mục tiêu xuất phát từ cách nhìn lệch lạc về lịch sử. Sự phát triển trong tương lai của TQ đòi hỏi quan hệ hòa bình với các nước láng giềng phía Đông và phía Nam, nhưng những nước láng giềng đó sẽ không tin cậy một quốc gia dường như có ý định thay đổi hiện trạng lãnh thổ. Và trong khi giới lãnh đạo ở Bắc Kinh khẳng định rằng lãnh thổ này đã thuộc về TQ ‘từ thời xa xưa’, những độc giả đã đọc được tới đây sẽ hiểu rằng quan điểm này về biên giới và ý tưởng về chủ quyền tuyệt đối là một sáng chế hiện đại rõ rệt.

Vào đầu thế kỉ 20, cư dân thành thị của đất nước này phải vật lộn với vấn đề người TQ có nghĩa là gì. Họ chưa bao giờ tự gọi mình bằng cái tên như vậy trước đây và không rõ ai được bao hàm trong định nghĩa của nó. Các cường quốc châu Âu và Nhật Bản đã cho họ một câu trả lời - qua việc xâm phạm lãnh thổ mà những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc khẳng định là quê hương đúng lẽ của người dân họ. Tự sự về sự mất mát hàm ý đòi hỏi việc khôi phục: một hành động nào đó trong tương lai sẽ khôi phục lãnh thổ 'bị cắt rời' về lại tổ quốc và cùng nhau cứu nguy cho dân tộc. Là người TQ đích thực, thuộc về dân tộc này, có nghĩa là phải bị tổn thương vì việc đất đai bị chiếm lấy và coi đó là một sự tấn công vào phẩm giá của mọi người trong nhóm. Các yêu sách kiểu dân tộc chủ nghĩa đối với lãnh thổ đã trở thành dấu hiệu của sự thuộc về. Bằng chứng đóng một vai trò thứ yếu so với cảm xúc. Chúng ta vẫn đang sống với tác động của những yêu sách cảm tính đó.

Khu vực và thế giới nên phản ứng thế nào với những huyền thoại lịch sử này? Các huyền thoại đó cần được nghiêm túc coi như là động cơ thúc đẩy hành vi của TQ chứ không như là các tuyên bố về sự thật lịch sử, và chưa tới mức coi như là hướng dẫn cho trật tự đúng đắn của xã hội hoặc quan hệ khu vực. Quá nhiều người đã bị thu hút vào: có rất nhiều nhà bình luận nước ngoài hài lòng với những dòng sáo rỗng về '5 000 năm văn minh vượt trội’ hay ‘tính thống nhất của chủng tộc Hán', mà không hề hiểu những khái niệm này đến từ đâu. Kết quả là, chủ nghĩa dân tộc TQ được họ chấp nhận thoải mái. Một quốc gia tin rằng mình có một nền văn minh vượt trội, dân số của họ tiến triển tách biệt với phần còn lại của nhân loại và có một vị trí đặc biệt ở đầu bảng trật tự đế quốc sẽ luôn bị các nước láng giềng và thế giới rộng lớn hơn coi là mối đe dọa. Chủ nghĩa dân tộc của TQ cũng bị chỉ trích nhiều như bất kì hình thức nào khác: chẳng hạn như của Đức, Thổ Nhĩ Kỳ hay Anh. Tôi hi vọng những câu chuyện trong cuốn sách này sẽ giúp củng cố những lập luận phản bác cho người đọc.

Họ phải, nói theo Mao, tìm kiếm sự thật từ các sự kiện. Có thể là khi các quan chức CHNDTH nói về các vấn đề lãnh thổ, dân tộc, chủng tộc và lịch sử, thì phản ứng hiệu quả nhất sẽ là tiếng cười và lời chế nhạo.

'Giấc mộng Trung Hoa' của Tập Cận Bình mang lại gì cho thế giới? Ngày càng có cảm giác nó giống như một giấc mơ từ những năm 1930: một công thức cho những hoài niệm hủy diệt. Nó được dựa trên quan điểm về quá khứ đã được hình thành cách đây một thế kỉ trong những hoàn cảnh rất cụ thể và bị ảnh hưởng bởi các khái niệm châu Âu mà hiện nay hầu hết châu Âu đều buông bỏ. Mong muốn có được sự thuần nhất ở trong nước và có được sự tôn trọng ở nước ngoài đã dẫn đến việc đàn áp ở trong nước và việc đe dọa ở nước ngoài. TQ của TCB không phải là một nơi hạnh phúc. Đất nước giáo điều và cưỡng ép, âu lo và không chắc chắn, e rằng sự thống nhất của nó có thể bị bung vỡ bất cứ lúc nào. Những huyền thoại sẽ giữ nó với nhau trong một thời gian, nhưng những đường nứt gãy bên trong dân tộc Trung Hoa (Zhonghua minzu) đã có từ đầu.

-----------

1.  https://www.swaen.com/antique-mapof.php?id=22295 

2.  Marijn Nieuwenhuis, ‘Merkel's Geography: Maps and Territory in China', Antipode, 11 (June 2014), https://antipodefoundation.org/2014/06/11/maps-and-territory-in-china/
3.  Wang Yiwei, 'Economic Interests Attract China to Russia, Not Edgy Policies', YaleGlobal, 3 February 2015, https://yaleglobal.yale.edu/content/economic-interests-attract-china-russia-not-edgypolicies 
4.  Xem, chẳng hạn, Dean H. Hamer, The God Gene: How Faith Is Hardwired into Our Genes, New York: Doubleday Books, 2004
5. Zheng Wang (Uông Tráng), Never Forget National Humiliation: Historical Memory in Chinese Politics and Foreign Relations, New York: Columbia University Press, 2014, p. 99.
6. Zheng Wang, ‘National Humiliation, History Education, and the Politics of Historical Memory: Patriotic Education Campaign in China', International Studies Quarterly, 52 (2008), p. 784.

__________

Xem song ngữ: Kết luận

Lời mở đầu                  Chương 5                

Chương 2                     Chương 6               

 Chương 1                    Chương 7                  

 Chương 3                    Chương 8                              

 Chương 4                   Kêt luận.