Wednesday, October 30, 2013

“CÁI GIÁO PHÁI” NẦY LÀ GIÁO PHÁI GÌ ?

“CÁI GIÁO PHÁI” NẦY LÀ GIÁO PHÁI GÌ ? (Bài 1)

Đôi lời: Không thể có lời nào hơn để nói thêm, rằng đây đích thị là một BẢN ÁN cho chế độ của thứ “giáo phái quái dị”, là những nhát dao sắc lẹm phanh thây con quái vật mà không nói ra, ai cũng biểt cái tên ghê rợn của nó. Bản án cũng đã nói thay cho bao uất hận ngút trời của nhân dân trong bao nhiêu năm qua!
BT

Bài 1: Những cái nhất của “cái giáo phái”

1Hồ Ngọc Nhuận
“Cái giáo phái” nầy viết  trong ngoặc kép và với chữ “cái” đứng đầu.
Để phân biệt nó với các giáo phái thông thường.
 “Cái giáo phái” nầy nó không tự nhận ra mình là một giáo phái. Mà nếu có ai nhận ra thì chắc nó phải lộn gan lên đầu.
Nó lại tự nhận là một tổ chức chánh trị. Nhưng người dân dứt khoát không ai coi nó là một tổ chức chánh trỊ  đúng nghĩa. Bởi không có một tổ chức chánh trị nào xứng đáng với tên gọi nầy, trong một nền dân chủ đáng gọi là dân chủ, mà  lại vỗ ngực tự phong mình là lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, vĩnh viễn một nhân dân lẽ ra phải đứng trên đầu mình. Lại bắt người dân ngày đêm phải nuốt những giáo điều do nó tụng, phải  hứng những đòn phép ác liệt nó giáng xuống nếu trái mệnh.
Thứ chánh trị của “cái giáo phái” tự nhận là một tổ chức chánh trị nầy là tối kỵ hai chữ “chánh trị”. Các tổ chức chánh trị trước sau, cũ mới, cả những tổ chức một thời làm tay chân cho nó , đều bị nó diệt. Không  được tự do có những hoạt động chánh trị, người dân như vậy đã bị nó tước mất ít nhất phân nửa quyền làm dân, làm người. Ngay cả khi các  lãnh đạo tối cao nối tiếp của nó giựt mình thấy  rằng nó  “phải đổi mới hay là chết”, thì nó vẫn dứt khoát không đổi mới về chánh trị, dù biết rằng không đổi  mới chánh trị thì người dân sẽ phải chết, đất nước sẽ phải mất. Nhưng  dân chết, nước mất, mà nó vẫn hy vọng mãi mãi còn thì nó hý hửng gật ngay!
Người dân từ lâu đã ngán đến tận cổ cái trò hề lố lăng “treo đầu heo bán thịt chó” dưới mấy cái chiêu bài giả hiệu tự do, dân chủ, pháp quyền và nhiều chiêu bài tương tự khác của nó.
Tự nhận là một tổ chức chánh trị mà đi ngăn cấm, không cho bất cứ một  tổ chức chánh trị nào  hoạt động để cùng chung lo việc nước thì đích thị nó phải  là một tổ chức chánh trị mạo danh.
Cướp hết các quyền  con người, quyền công dân, áp đặt một chế độ ngu dân chưa từng thấy trong lịch sử thì đích thị nó phải là một tổ chức chánh trị tiếm danh.
Độc quyền nắm hết báo chí, nó kềm cặp không cho người dân có tiếng nói độc lập tự do. Nhưng khi người dân buộc phải tự tìm diễn đàn để nói, kể cả để có kiến nghị thẳng thắn với nó, thì  bị nó chụp mũ là cùng phe với các thế lực thù địch, để đưa ra xử tội. Hành động  đó  cùng nhiều chủ trương hành động tương tự khác của nó dứt khoát không là của một tổ chức chánh trị xứng danh, mà ít nhất cũng là  của một thứ “Taliban đột biến”.
Nó  tự nhận là một tổ chức chánh trị, mà từ  tổ chức, suy nghĩ, rao giảng, hành động, phản  ứng, đối xử , sinh hoạt, kỷ luật…nhất nhất đều theo những khuôn mẫu lề luật riêng của một  giáo phái  thuộc loại quá khích nhất. Cho đến  các tập quán hay quan hệ xã hội, như hôn lễ, tang ma, tưởng nhớ tổ tiên ông bà …nó cũng có những nghi thức ràng buộc riêng, thường là bị tổ chức của nó theo dõi kiểm tra rất  gắt. Vốn bản tính độc tôn nó rất dị ứng với các tôn  giáo và các vấn đề tôn giáo. Đặc biệt các phần tử  ở trong các ngành nhạy cảm của bộ máy  cầm quyền dưới sự lãnh đạo tuyệt  đối toàn diện của nó thì đừng hòng có người yêu, cưới vợ lấy chồng là người có đạo.
Một  hệ thống  cầm quyền ở một nước dân chủ với nhiều tổ chức chánh trị, văn hóa, xã hội, kinh tế… đa dạng  cùng vận hành, ở bất cứ đâu, đều có thể có tốt và có xấu, với nhiều mức độ khác nhau, tùy nhiều góc độ khác nhau. Nhưng cái hệ thống cầm quyền với một tổ chức chính trị duy nhất của “cái giáo phái”, do “cái giáo phái” chủ trương ngu dân đang làm chủ, là chỉ có xấu, và ngày càng xấu xa hơn. Toàn dân ai cũng chán ngán nhận thấy các thế hệ nối tiếp  trong cái guồng máy cầm quyền toàn trị do “cái giáo phái” độc tôn áp đặt trong nhiều chục năm qua, là có nhiều đối tượng thiếu học nhất, mà thừa bằng cấp nhất, so với suốt quá trình lịch sử dân tộc. Chỉ riêng cái nhứt kép nầy đã  là một mối nguy tiềm tàng không nhỏ đối với đất nước. Huống hồ lại có quá nhiều cái nhất khác trong quá nhiều  đối tượng của “cái giáo phái”. Như  thiếu lương thiện nhất, mà thừa tham lam nhất. Như “điếc” nhất mà  nói láo nhiều nhất. Như thiếu trung thành với dân với nước nhất, và thừa phản bội nhất.
Danh sách những cái thiếu nhất và thừa nhất của nhiều thế hệ nối tiếp trong hệ thống cầm quyền do “cái giáo phái” áp đặt lên dân còn dài, kể hoài không hết. Như  thiếu minh bạch nhất mà thừa  đen tối nhất . Như thiếu khoan dung độ lương nhất, mà thừa thâm độc gian ác nhất. Hay như đớn hèn nhất mà nhiều tước vị nhất trong nhiều đối tượng nhất, so với suốt quá trình lịch sử dân tộc.
Tất cả các đối tượng nầy thường được các ông bà lãnh đạo của “cái giáo phái” luôn miệng gọi là những phần tử “thoái hóa biến chất”. Và gọi đó là một  “thành phần không nhỏ”, chỉ  là “không nhỏ” thôi chớ không gọi là lớn, theo đánh giá trước sau như một, trong nhiều chục năm liền,  của chính các ông bà nầy. Mặc dầu các ông bà thừa biết, trong tiếng nước ta, có nhiều thứ lúc nhỏ gọi  khác, lúc lớn gọi khác. Như con trâu lúc nhỏ gọi là con nghé, con bê khi lớn gọi là con bò. Còn cái “thành phần không nhỏ” nầy của các ông bà là cái thứ gì mà sau nhiều  chục năm nó vẫn cứ  mãi là cái  lùn nhùn “không nhỏ không lớn”?
Như vậy là phải cộng  thêm một cái nhất kép nữa cho “cái giáo phái”: giả nai nhất mà cũng trâng tráo nhất. Cứ gọi mãi là  “một thành phần không nhỏ” khi nó đã phình to đến độ chiếm hết cả không gian, không có nơi nào cấp nào mà không bị nó chiếm. Cứ “giảng” mãi  là biến chất  bộ phận, khi đó chính là bản chất toàn phần. Người dân, vì phải triền miên ngạt thở với những thứ thoái hóa biến chất đã trở thành phổ biến, sau cùng cũng nhận ra cái “bản mặt” của chế độ.
Chỉ cần một lần gặp nhau giữa hai cái nhất nêu trên đây, trong một thời gian ngắn, cũng đủ gây tai họa cho đất nước. Huống hồ là nhiều lần gặp giữa nhiều cái “nhất”, triền miên trong nhiều chục năm dài, thì thảm họa diệt vong làm sao tránh khỏi ?
Lịch sử cổ kim đông tây đã từng nêu danh muôn thuở nhiều nhà chép sử ở nhiều nơi đã can đảm nói lên sự thật lịch sử hay chân lý khoa học, dù phải đón nhận cái chết vô cùng tàn nhẫn từ những tên hôn quân bạo chúa vô đạo nhất. Còn ở đây thì ngược lại. Ở đây   là sự gặp nhau giữa hai cái nhất, mà một cái là đớn hèn nhất, trong cổ máy cầm quyền có nhiều tước vị nhất của “cái giáo phái” độc tôn toàn trị. Do sự gặp gỡ nầy mà lịch sử dân tộc chẳng những không được trung thực ghi chép, mà còn bị cưỡng ép, vò bóp không thương tiếc, cả với những trang ràng ràng thời đại rạng ngời nhất. Lịch sử mấy ngàn năm của đất nước hầu như đã bị thu tóm lại  trong mấy mươi năm lịch sử của “cái giáo phái”, lại còn trắng trợn bỏ đi mấy ngày giỗ lớn của dân tộc tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc trong mấy cuộc chiến gần đây chống giặc bá quyền bành trướng phương Bắc. Đó chẳng những là âm mưu bịt mắt nhân dân, mà còn là nhẫn tâm đầu độc nhiều thế hệ trẻ, không trừ con cháu họ. Đó là chưa kể đến sự gặp nhau giữa  hai cái nhất  khác, tự mãn nhất  và trơ trẽn nhất, với  những bộ mặt nhơn nhơn,  với những tiếng cười hềnh hệch, trên cùng một trang sử, trên nhiều trang sử bị đánh cắp.
Đó là chưa kể các loại sách sử của “cái giáo phái”, do “cái giáo phái”viết , dùng làm “sách  thánh” bắt buộc cho mọi người, kể cả cho các nạn nhân nhiều đợt, nhiều đời, nhiều loại của nó, thì đành chờ… một ngày nào đó, như  các ngày  đã diễn ra ở …đâu đó không xa lắm, vào cuối  những năm 80, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi những tấm màn đen u ám  che khuất  đất nước vạn vật  bị xé toạc, để sự thật lịch sử hiện nguyên hình, để các nhà chép sử chân chính trong ngoài nước được trung thực làm nhiệm vụ của họ.
Quyết định xây dựng đường xe điện ngầm (metro) ở Saigon, trong khi vẫn không ngừng ồ ạt biến miền Nam và cả nước  thành  một “nền văn minh xe gắn máy” lệ thuộc ngày càng chặt  vào các nước sản xuất, quyết định thành lập nhà máy điện hạt nhân ở Phan Rang, trong những điều kiện khí hậu môi trường địa lý bất trắc luôn  đe dọa cả khu vực với  những tai họa khó lường … cũng  là kết quả của sự gặp nhau giữa hai cái nhất, mà  một là  tham lam nhất,  trong giới  lãnh đạo “cái giáo phái” cầm quyền mà  vật tổ là “đồng  tiền nặng”. Đăc biệt dự án nhà máy điện hạt nhân  ở Phan Rang, trong những năm trước mắt,  sẽ là sự sống chung ép uổng giữa các phế tích trăm năm ở địa phương  với  các phế phẩm độc hại ngàn năm của các nhà máy điện hạt nhân lạc hậu được người của “cái giáo phái” mua mảo đem về  từ đâu đó, mà không cần giám định, hay có  giám định cũng đố biết. Kế đến sẽ là sự hẹn hò dành sẵn  cho các thế hệ tương lai với một cuộc phiêu lưu hạt nhân vô định, lành dữ không ai biết, cũng không cần biết…
Với những cái nhất như nêu trên, cùng với quyền lực độc tôn trùm thiên hạ trong nhiều chục năm qua, “cái giáo phái” ngày càng có những đường lối, chủ trương, chiến lược, quyết sách, hành động,  âm mưu, thủ đoạn, dự án… đi ngược  lại các quyền lợi của đất nước, dân tộc. Trên tất cả các lãnh vực. Về giáo dục, về văn hóa, về tài chánh, về kinh tế, về y tế xã hội, về môi trường…Đặc biệt về an ninh quốc phòng. Hãy nhìn về thảm cảnh quê hương biên giới phía Bắc đã bị buông tay cho quân thù tha hồ ngoạm nuốt. Hãy nhớ đến nỗi nhục các quần đảo quê hương  trên biển đã bị bọn giặc biến thành quận huyện của chúng. Hãy lặng nghe vùng  đất Tây Nguyên chiến lược quê ta đang gồng lên nổi giận dưới những nhát cuốc, nhát rìu báng bổ của bọn lính Tàu đội lốt thợ mỏ và vợ con chúng…
Mặc dầu “cái giáo phái” luôn miệng khoe khoang câu thần chú “phê và tự phê” của nó là một thứ phép mầu vạn năng dùng để khống chế “cái thành phần không nhỏ” có nhiều cái nhất của nó. Nhưng kỳ thật ai cũng biết đó chính là cái thứ phù phép  đặc truyền quen thuộc mà  cả “cái giáo phái”, cả “cái bộ phận không nhỏ” của nó thường dùng chung để cùng hóa giải, hòa giải, dung dưỡng, nuôi dưỡng lẫn nhau.
Người dân từ lâu đã biết tỏng “cái giáo phái” nó không thể, cũng không muốn, làm cho  “cái bộ phận không nhỏ” có nhiều cái nhất của nó biến mất. Tại sao ?
Trước hết là vì nó cần âm binh, nên người dân thường xuyên phải chịu cảnh loạn âm binh. Để giữ được và giữ mãi vị trí độc tôn, một mình ngồi trên tất cả, “cái giáo phái” đã không ngừng vận dụng bùa phép, “sái đậu thành binh”. Để tiện sử dụng, sai khiến, làm rào bảo vệ. Không  ai  là không biết cái giống âm binh chúng phá phách như thế nào.Nhất là những âm binh các pháp sư thả ra mà không thu về.Không thu về vì nhiều lý do : một là quên ; hai là vì để mất “tay ấn” do ăn chơi sa đà quá độ, bị đám âm binh đàn em chúng lờn ; ba là bị chúng nắm thóp “ăn” gấp nhiều lần hơn bọn chúng, hoặc  là tiếp tay nối giáo cho một thế lực giấu mặt nào đó; bốn là vì mãi bận lo đấu phép với nhau để tranh giành ảnh hưởng bên trong “cái giáo phái”,khiến đám âm binh được thể đi phá làng phá xóm ; năm là, _ và đây có lẽ là lý do chủ yếu _, do chủ trương để mặc. Bởi nếu diệt hết âm binh thì lấy gì làm tay chân vây cánh , làm bảo vệ ?
Kế đến là vì kẻ muốn làm Trời thường hay làm quỷ…“Cái giáo phái” luôn tự vỗ ngực mình là bực thầy của phép biện chứng, nó thừa biết hễ là con người thì có tốt và có xấu. Chỉ có Trời mới hoàn toàn tốt. Nó không là trời, mà là người. Nhưng thứ người này luôn muốn làm Trời, ngồi trên trị vì thiên hạ cho đến muôn đời, mà nó gọi là lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, và bắt mọi người phải tuân phục như tuân mệnh trời. Như vậy thì nó cũng không phải là người bình thường. Vậy nó là cái thứ gì ? Được biết thế gian xưa nay có một loài  thụ sinh có nhiệm vụ phù hộ con người, nhưng không chịu làm, lại muốn làm trời. Theo đức tin của những tín đồ  một số tôn giáo lớn trên thế giới thì đó là loài quỷ.
Kế đến nữa, theo sách sử có ghi, thì con người cũng có thể tự biến thành quỷ đối với đồng loại, khi ỷ công cậy quyền. Từng cậy thế một thời góp công loại trừ yêu quỷ cỡi cổ dân lành, kẻ cậy công đắc thời cứ tự tung tự tác rồi tự biến mình thành yêu quỷ hồi nào không hay. Ỷ công càng lớn, cậy quyền càng nhiều thì lộng hành hơn cả quỷ sứ, và hết thuốc chữa.
Không phải là thầy bói, hay thầy pháp, nhưng ai  cũng có thể đánh cược được rằng không sớm cắt đứt với đám âm binh, với đám yêu quái là con đẻ của chính  mình thì ngày tàn của  kẻ “sái đậu thành binh” ắt phải đến  sớm .
Chính “cái giáo phái” cũng biết vậy, mà làm sao ? Khi mà tất cả  bọn họ trước sau vẫn chỉ là một ? Chính “cái giáo phái” cũng biết vậy nên cơ ngơi các thứ, tương lai các đời…đã được nó lo thủ sẵn các nơi an toàn ở đâu đó, từ lâu./. 
26-10-2013
Hồ ngọc Nhuận
(Kỳ sau, Bài 2 : Vườn địa đàng của “cái giáo phái”).
—-
* Tác giả từng là dân biểu đối lập thời Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, nguyên Giám đốc chánh trị – chủ bút nhật báo Tin Sáng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.  Xem: Hồ Ngọc Nhuận (Wikipedia).

Monday, October 28, 2013

'Tối hậu thư' của một đảng viên về hưu gởi TBT và BCHTW Đảng CSVN

Thư của Lê Trấn Gia
Hà Nội ngày 28 tháng 10, 2013
Kính gửi:  Ông Tổng bí thư
Đồng kính gửi175 ông bà ủy viên ban chấp hành TƯ Đảng CS Việt Nam

Chi bộ đảng chúng tôi bao gồm những người cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu cán bộ viên chức, trong số chúng tôi, có người đã từng tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều người trong chúng tôi đã để lại trên chiến trường năm xưa một phần xương máu của mình. Trong chi bộ của chúng tôi cũng có không ít người từng được nhân dân gọi là “quan chức cao cấp”. Chi bộ hưu trí của chúng tôi sinh hoạt định kỳ hàng tháng theo đúng chỉ đạo của đảng ủy cấp trên, và chúng tôi cũng tranh thủ các buổi sinh hoạt đảng để được trao đổi với nhau về con người, thời cuộc, về đất nước Việt Nam yêu dấu.
Thưa các ông các bà, thừa nhận rằng trong rất nhiều năm, các đảng viên chúng tôi đã từng khá bằng lòng với cuộc sống của mình, đã nhìn nhận quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước mình là một quá trình tất yếu. Trong một thời gian dài chúng tôi khá vui mừng với sự cải thiện rõ rệt trong đời sống vật chất và tinh thần, không những của các đảng viên trong chi bộ chúng tôi, mà nhìn chung trong phạm vi toàn xã hội. Về vật chất, thay vì ăn no mặc ấm là ăn ngon mặc đẹp, là tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, hiện đại. Về tinh thần, đời sống tinh thần ngày càng được cải thiện, nhiều người dân, đã có thể thông qua các phương tiện hiện đại, tiếp cận tới các giá trị tinh thần đủ loại, không chỉ trong phạm vi đất nước, mà còn trong phạm vi trên toàn thế giới. Tầm nhìn được mở rộng, kiến thức được nâng cao…Phải thừa nhận rằng, so sánh với cuộc sống trong thời kỳ chiến tranh hay thời bao cấp, thì cuộc sống hiện nay đã có sự khác biệt rất lớn. Bộ mặt đất nước đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Các đô thị và nhiều vùng nông thôn đã được đổi thay theo hướng hiện đại, văn minh…v.v.
Trong một thời gian dài, chúng tôi đều có nhận định chung là có thể lúc nọ lúc kia, trong bộ máy của Đảng nhà nước tuy cũng có những sai lầm, thiếu sót, nhưng thành quả đạt được là không thể chối cãi, và chúng tôi có thói quen cho đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của đảng…Và dường như hầu hết chúng tôi đều thỏa mãn và đồng tình với cách tuyên truyền, huấn thị của TƯ đảng về việc triển khai đường lối của đảng vào cuộc sống. Đa số chúng tôi đều không có nhiều thắc mắc với tiến trình đổi mới của đất nước, đặt lòng tin rất nhiều về sự thành công của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Chúng tôi đã từng tự hào là đảng viên đảng cộng sản!
Thưa các ông các bà, trong một vài năm gần đây, tình hình kinh tế, xã hội của đất nước có nhiều biến động theo chiều hướng tiêu cực. Với những nguồn thông tin khách quan và rộng lớn mà chúng tôi thu thập được trong nước và trên thế giới, thì chợt nhận ra rằng, chúng ta đã tự ru ngủ nhau trong một thời gian quá dài. Hệ quả là chúng tôi với tư cách đảng viên cộng sản, đã tự cho phép mình làm quen với các tệ nạn nhũng nhiễu, tham nhũng xảy ra trong xã hội. Cứ bất kỳ ở đâu cán bộ có quyền là chỗ đó có tiêu cực. Các khái niệm phong bì, phong bao, lót tay dường như là một sinh hoạt không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngay, trong việc xin cho, kể cả những việc xin cho đã được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật, pháp quy. Từ công an giao thông đến thuế vụ, môi trường, từ hải quan đến bệnh viện, đến trường học… hầu hết các nơi giải quyết chế độ chính sách, đâu đâu cũng phải “bồi dưỡng”, phải “bôi trơn”. Mọi người dân trong đó có các đảng viên chúng tôi dần quen với các hiện tượng này và đã trở thành những kẻ đồng lõa cho các hành vi hối lộ, tham nhũng.
Nhưng thưa các quý vị, đến những năm gần đây, khi các hiện tượng tiêu cực tham nhũng đã trở thành những đại dịch, khi tình hình kinh tế, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng thì những người đảng viên chúng tôi mới dường như bừng tỉnh, tự hỏi chúng ta đang ở đâu? Vị trí nào trên thế giới? Chúng ta là ai? Và đang làm những gì?...
Sự thật phũ phàng làm chúng tôi dần tỉnh ngộ khi biết rằng đất nước đang tụt hậu nhanh chóng về mọi mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, …so với các nước khác trong khu vực. Sự tụt hậu này rõ ràng không thể đổ lỗi cho chiến tranh, và cũng không thể đổ lỗi cho ảnh hưởng tư duy bao cấp của ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa của các nước đàn anh như Liên Xô, Đông Âu. Họ đã bị sụp đổ gần 30 năm nay rồi. Chúng tôi thật sự đau xót khi không thể phủ nhận nguyên nhân của hiện tượng tụt hậu này chính là bắt nguồn ở những đảng viên chúng ta, không loại trừ những đảng viên đã về hưu như chúng tôi, những người tự coi là lực lượng tiên phong trong xã hội. Trước tiên, chúng tôi xin đưa ra những nhận định chủ quan của chúng tôi, về từng lĩnh vực quan trọng nhất trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước để chúng ta suy xét một cách khách quan nhưng thẳng thắn hiện trạng mà chúng ta đang đối mặt:
1.     Về kinh tế
Theo thông tin từ nguồn tin chính thức của những nhà nghiên cứu của Đảng và nhà nước thì kinh tế Việt Nam hiện nay đang ở mức độ phát triển ngang với Singapore những năm 60 thế kỷ trước, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore (theo Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới) …. Nền công nghiệp chủ yếu vẫn ở mức độ gia công, chế biến thô sơ, lấy công làm lãi là chính. Về nông nghiệp, khai khoáng, chủ yếu vẫn là xuất hàng thô, hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp, năng suất lao động bình quân xã hội là thấp. Cơ cấu nền kinh tế mất thăng bằng, lệch lạc, không bền vững, khả năng cạnh tranh của nên kinh tế thấp.
2.     Đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, các tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp, tội phạm gia tăng, đạo đức ứng xử giữa con người với con người xuống cấp nghiêm trọng. Hình ảnh của người Việt Nam ngày càng xấu đi trước con mắt của bạn bè quốc tế, thậm chí trở thành vấn nạn của một số quốc gia khu vực như hiện tượng người Việt bỏ trốn, làm ăn phi pháp ở nước ngoài, người Việt ăn cắp, ăn trộm, làm nghề mại dâm phi pháp diễn ra tràn lan, đến mức độ nhiều cửa hàng nơi công cộng như ở Nhật, ở Hàn Quốc đã phải viết những biển cảnh báo bằng tiếng Việt! Điều này trở thành vết nhơ vô cùng đáng xấu hổ, không những đối với người đang sống như chúng ta mà còn làm ô uế đối với cả tổ tiên, cha anh, những người đã khuất. Văn hóa thì thiếu định hướng quy hoạch, phát triển theo kiểu xô bồ, ngẫu hứng, thua kém tụt hậu so với hầu hết các nước trong khu vực.
Về an ninh trật tự an toàn xã hội thường xuyên xảy ra các vụ việc nổi cộm, khiếu kiện đông người, xung đột tranh chấp đất đai, thương nhân Trung Quốc thả sức vào lũng đoạn thị trường cài bẫy làm hại nền sản xuất, rối loạn đời sống của người dân , gây biết bao những hệ lụy, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, trật tự và an ninh xã hội ở khắp nơi khắp chốn. Các tổ chức tội phạm hoành hành nhiều nơi. Tham nhũng đã trở thành một vấn nạn ngày càng nguy hại đối với đất nước. Đã qua biết bao kỳ đại hội Đảng, biết bao kỳ họp ban chấp hành TƯ, biết bao nghị quyết của TƯ đảng, của chính phủ, hiện tượng tham nhũng không những không được đẩy lùi mà còn ngày càng phát triển và thấm sâu vào mọi ngóc ngách của xã hội, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Hiện tượng tham nhũng đã tạo ra một lối sống khá đặc thù của đất nước trong nhũng năm gần đây và là nguyên nhân của rất nhiều hiện tượng tiêu cực khác. Nó hủy hoại mọi thứ, từ kinh tế, đến đạo đức, đến văn hóa, đến an ninh quốc phòng…Hiện tượng chạy chức chạy quyền cũng là hệ quả tất yếu của tham nhũng. Có tham nhũng mới có chạy chức chạy quyền và ngược lại. Để được thăng chức, lên chức cũng mất tiền, ngay cả để xin được những vị trí có thể bắt nạt được dân là mất tiền, từ chân nhân viên văn phòng phường xã, đến vị trí của cảnh sát giao thông đứng đường cho đến thuế vụ, hải quan, vị trí nào càng dễ bắt nạt dân thì càng mất nhiều tiền để có được xuất làm việc. Các hợp đồng lớn nhỏ, đặc biệt lấy nguồn từ kinh phí ngân sách đều bị phết phẩy phần trăm. Theo chúng tôi biết, các hợp đồng đầu tư công cho các công trình cơ sở hạ tầng ở cấp địa phương và TƯ đều phải cộng tiêu cực phí ở mức độ 30% trở lên. Mọi khoản mua sắm trang thiết bị máy móc đều bị kê giá. Và động lực từ khoản phết phẩy đã đẩy nhiều đầu tư công vào lãng phí tiêu cực, hiện tượng chạy ngân sách trở nên phổ biến. Kính thưa các quý vị việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, từ công trình lớn đến công trình nhỏ, đến năng xuất lao động, đến tài sản quốc gia … nhưng đặc biệt làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước và hủy hoại nhanh chóng tới kỷ cương, tới đạo đức xã hội và cả hệ thống chính trị. Hậu quả sẽ rất nặng nề và lâu dài, triệt tiêu mọi sinh lực, nguyên khí của đất nước. Thí dụ trong báo cáo của chính phủ trước quốc hội trong kỳ họp Quốc hội khóa 13 có nêu ra con số nợ xấu trong ngành ngân hàng là khoảng trên 200 nghìn tỷ, nhưng chúng tôi nghe ý kiến từ một quan chức “dày dặn kinh nghiệm” đang tham dự kỳ họp Quốc hội này đưa ra nhận định một cách tưng tửng rằng con số khổng lồ này hoàn toàn không đáng ngại, có gấp đôi như thế vẫn không đáng ngại! Ông ta nhận định: “Người ta có thể giải quyết nhanh gọn trong vòng một vài năm khoản nợ xấu này bằng cách các ông to bà lớn, các nhóm lợi ích chỉ cần dành một nửa số tiền tham nhũng mà họ thu hoạch được theo thông lệ thì chỉ sau 1 đến 3 năm toàn bộ nợ xấu của VN sẽ được xử lý hết, vì đa số nợ xấu là do nhóm lợi ích gây ra, bao gồm các tập đoàn nhà nước và các nhóm lợi ích tư nhân đang được các quan chức lớn của đảng và nhà nước đứng đằng sau hỗ trợ bảo kê. Ngay cả tình trạng đóng băng bất động sản và hiện tượng trì trệ trong một số ngành sản xuất, đối với các nhóm lợi ích, cũng chỉ là hiện tượng nhất thời. Họ hoàn toàn có thể xoay chuyển được, khi mà các vị quan chức cấp cao của Đảng và nhà nước chống lưng cho các nhóm lợi ích này bằng cách tiếp tục hỗ trợ họ tham gia vào việc sử dụng các khoản đầu tư công dưới hình thức nhận thầu, đấu thầu hình thức ….một khi mà chính phủ xoay sở được tiền !.”
Mặc dù tiêu cực, tham nhũng lan tràn như vậy, nhúng chúng tôi vẫn muốn đánh giá thật công bằng các thành quả do chính sách của đảng và nhà nước mang lại. Xem cái gi tốt thì giữ lại, cái gì xấu phải loại bỏ.
Song, lại một lần nữa, chúng tôi giật mình khi một thành viên trong chi bộ chúng tôi, vốn là cán bộ chủ chốt của ngành thống kê, đưa ra một con số là tổng số nợ công và tổng đầu nước ngoài trực tiếp và gián tiếp trong vòng khoảng 20 năm vừa qua như sau :
-        ODA không hoàn lại:  6,67  tỷ đô la Mỹ
-        Vay ODA ưu đãi: 30,83 tỷ đô la Mỹ
-        Các khoản vay ưu đãi từ nước ngoài: 21,27 tỷ đô la Mỹ
-        Các khoản vay được chính phủ bảo lãnh: 14 tỷ đô la Mỹ
-        Trái phiếu địa phương: 0,7 tỷ đô la Mỹ
-        Tổng dư nợ của doanh nghiệp nhà nước: 62 tỷ đô la Mỹ
-        Tổng đầu tư nước ngoài FDI: 222 tỷ đô la Mỹ
-        Đầu tư gián tiếp của nước ngoài: khoảng 30 tỷ đô la Mỹ
Vậy chúng tôi thử hỏi các nhà kinh tế học rằng, với số tiền vay mượn và tiền vốn của nước ngoài khổng lồ như vậy, thì kết quả mà nhân dân và xã hội Việt Nam nhận được cho tới nay là thành tích đáng mừng hay chỉ là kết quả quá khiêm tốn. Phải chăng hiệu quả đầu tư của toàn xã hội là quá thấp? Chỉ số ICOR của VN so với các nước trong khu vực ra sao? Thua kém thế nào? Phải chăng một phần không nhỏ tiền đầu tư đã chảy vào túi bọn tham nhũng, vào lãng phí do sự kém cỏi vô trách nhiệm của giới lãnh đạo? Do vậy, có thể nhận định, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính phủ trong thời gian vừa qua, thực chất là đã làm tiêu hao và lãng phí một số lượng của cải vật chất và tiền bạc khổng lồ của nhân dân và của đất nước! Những kết quả được thể hiện ở việc nâng cao đời sống nhân dân, hay sự phát triển về cơ sở hạ tầng, hay sự biến đổi bộ mặt các đô thị và một số khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo …, chỉ là hệ quả đương nhiên phải có khi một số lượng tiền đầu tư khổng lồ như nói ở trên được đưa vào xã hội và nền kinh tế!
Với số tiền khổng lồ đã được đầu tư như vậy trong những năm qua, nhưng rõ ràng tình hình kinh tế đất nước hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức phát triển rất khiêm tốn, còn xa mới đạt được như các nước khác trong khu vực.Vào những năm 80 của thế kỷ trước tuy nền kinh tế đất nước còn rất nghèo nàn lạc hậu nhưng nợ công của nước ta lúc bấy giờ cón rất thấp, có thể nói là chưa đáng kể. Nhưng ngày nay con số này đang tăng lên đến chóng mặt, nếu tính đúng tính đủ thì đã vượt GDP! Với thực tế đáng buồn này có thể buộc chúng ta phải thừa nhận rằng trong hơn 2 thập kỷ vừa qua, chúng ta đã cùng lúc tham ô tiền của của quá khứ và ăn cắp tiền của tương lai! Hỡi ôi! Chúng tôi rất mong muốn nhân định này là sai vì nó quá phũ phàng! Nhưng nếu đúng, chúng tôi và tất cả các đảng viên chân chính trên toàn cõi Việt Nam phải đủ dũng cảm để đối mặt với sự thực đau đớn này để biết đường mà hành động! Xin các nhà khoa học, các nhà kinh tế cần phải có đánh giá lại một cách tổng quan, đầy đủ và khách quan để xác định một cách trung thực nhất rằng từ ngày đất nước đổi mới đến nay chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu tiền và đã thu lại được gì?. Có tương xứng hay không? Chúng ta phải kiểm toán lại toàn bộ nền kinh tế. Người dân Việt Nam không thể chấp nhận cho những người lãnh đạo kém đức, kém tài tiếp tục lợi dụng ánh hào quang của quá khứ và bắt con cháu chúng ta phải è lưng trả nợ cho các hành vi tham nhũng, lãng phí và dốt nát.
Thưa các quý ông quý bà, chúng tôi muốn gửi tới quý ông quý bà những suy nghĩ chân thành và thẳng thắn nhất mà theo chúng tôi là nguyên nhân đã dẫn đến hiện tượng đau lòng và vô cùng nguy hiểm này:
Người ta nói thực tiễn là thước đo chân lý. Với những thực tế tụt hậu, xuống cấp nói trên, thì đảng cộng sản Việt Nam, và cụ thể là các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam trong hai thập niên vừa qua phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Không thể đổ lỗi cho khách quan. Tại sao ở các quốc gia khác, có những điều kiện về mặt địa lý, thiên nhiên kém ưu đãi hơn đất nước Việt Nam nhưng họ ngày càng vượt xa chúng ta.Vậy phải chăng những thành tích mà Đảng đã lãnh đạo đất nước trong hai thập kỷ qua đã đạt được là những “thành tích ngược”! Chúng tôi thật sự đau lòng thấy rằng đây là trách nhiệm của toàn Đảng, trong đó có chúng tôi. Sự kiêu ngạo, dốt nát, hiếu thắng, tư duy giáo điều và cả sự hèn nhát nữa là nguyên nhân cội rễ. Chúng ta luôn tự vỗ ngực là theo lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học Mác Lênin, nhưng trong thực tế, chính chúng ta là những kẻ duy ý chí nhất, chủ quan nhất, thiển cận nhất. Khi thực tiễn đã chối bỏ sự thành công của hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu và Liên Xô (cái nôi và thành trì của chủ nghĩa xã hội trước đây) thì rõ ràng những người cộng sản chân chính lẽ ra phải rút ra từ thực tế khách quan này những sai lầm, những bất cập trong học thuyết Mác Lênin và phải tự thay đổi mình nếu không nói là tự lột xác để đạt được mục tiêu tối thượng của chủ nghĩa xã hội là vì hạnh phúc của dân, vì sự phát triển của đất nước. Chúng ta vẫn ra rả hô khẩu hiệu “của dân, do dân, và vì dân”, nhưng thực tế đã chứng minh rằng lợi ích của Đảng ngày càng tách rời lợi ích của nhân dân, của dân tộc và của đất nước. Đảng càng chậm đổi mới về lý luận bao nhiêu thì ngày càng bộc lộ sự áp đặt chuyên quyền về mặt tư tưởng lên xã hội bấy nhiêu. Như vậy tất yếu Đảng phải xây dựng và duy trì một bộ máy nhà nước kìm kẹp sự phát triển của đất nước, và hạn chế sự phát huy dân chủ, sáng tạo của người dân. Chúng ta đã càng ngày càng vi phạm một cách trắng trợn, thô thiển quyền và lợi ích của người dân. Đứng trước tình hình ngặt nghèo của nền kinh tế trên bờ sụp đổ, đại hội 6 của đảng đã phải (lúc đó đất nước vẫn còn chịu ảnh hưởng của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu) thay đổi một số quan điểm rất cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin, đó là chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang việc chấp nhận áp dụng một khái niệm cơ bản của nền kinh tế thị trường. Từ việc cổ súy quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đả phá quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, sang việc chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần. Các kỳ đại hội tiếp theo, khi mà phe XHCN tan vỡ, Đảng đã phải tiếp tục tháo gỡ rất nhiều khái niệm cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin, như việc tuy chưa loại bỏ hoàn toàn khái niệm bóc lột của chủ nghĩa tư bản, nhưng Đảng đã bắt đầu chấp nhận và làm theo cách quản lý của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cả ở tầm vĩ mô cũng như vi mô, và hơn thế nữa,chúng ta còn học hỏi cách tổ chức xã hội theo hướng nhân văn của nhiều nước tư bản phát triển. Cụ thể, cho đến những năm 2000, thì đảng cộng sản Việt Nam đã cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân (theo khai niệm cũ tức là cho phép “bóc lột”). Mặc dù đảng cộng sản vẫn cố gắng bấu víu vào một số khái niệm cuối cùng của học thuyết Mác Lênin để muốn chứng minh rằng con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn bằng việc cổ xúy kinh tế nhà nước, mà cụ thể, theo nhiều người hiểu một cách thô thiển là ưu đãi các công ty, tập đoàn có vốn nhà nước, dành cho thành phần kinh tế này sự ủng hộ về mọi mặt: hành lang pháp lý, tiền vốn, sự độc quyền, thị trường…! Nhìn lại quá trình trải qua các đại hội Đảng, chúng ta đã rất vất vả tự trói vả tự cởi trói cho mình. Biết bao những cuộc hội thảo, tranh luận, và những cái giá phải trả trên thực tế, Đảng cộng sản VN về mặt tư tưởng và lý luận vẫn chuyển biến môt cách ì ạch, miễn cưỡng, hệ quả là trong suốt hai thập kỷ qua, không phải là Đảng tạo ra bước đi sáng tạo, đột phá để dẫn dắt đất nước đi lên, mà là thực tế đã kéo lê Đảng phải chạy theo! Cụ thể là chỉ khi trên thực tế đã phát sinh ra những tình huống, những đòi hỏi không thể làm khác được, buộc Đảng phải tự cởi trói tự loại bỏ đi những khái niệm, những nguyên tắc đã quá lỗi thời, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế và của các vấn đề chính trị, xã hội theo đúng quy luật của sự phát triển. Từ khi đảng cộng sản TQ đưa ra khẩu hiệu là “xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu TQ”, mà các nhà lý luận không ai có thể định nghĩa được kiểu TQ là kiểu gì, thì đảng ta cũng đưa ra một khái niệm “xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội”, một khái niệm rất mơ hồ, mà các nhà chính trị, các nhà kinh tế học, các chuyên gia, mỗi người giải thích theo một cách. Dường như khái niệm xã hội chủ nghĩa chỉ là động tác cố gắng vớt vát lại cái hơi hướng gọi là chủ nghĩa xã hội của chế độ. Chính vì cái lờ mờ và tùy tiện này, nên đất nước đã phải trả giá rất đắt. Nhiều vị lãnh đạo trong Đảng đã diễn giải “định hướng xã hội chủ nghĩa” tức là ưu ái các doanh nghiệp nhà nước, coi họ là “quả đấm thép”, là “xương sống của nền kinh tế”, và đương nhiên khi đã là quả đấm thép, là xương sống thì sẽ có những ưu ái khác biệt, khác hẳn các doanh nghiệp không phải của nhà nước, và đã tạo ra một môi trường theo kiểu “nuôi dưỡng kiêu binh”, một đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp được chiều chuộng và bị lạm dụng cho các mục tiêu cá nhân của những vị lãnh đạo của Đảng và nhà nước , chúng dần dần biến thành những nhóm lợi ích bao gồm lãnh đạo đảng và nhà nước – doanh nghiệp nhà nước - các doanh nghiệp tư nhân trong phe cánh, để chia chác tài nguyên của đất nước, chia chác những ưu đãi, những thị phần quan trọng, chia chác những nguồn tài chính của đất nước…v.v. Những xu hướng vô cùng nguy hiểm và xấu xa này là được che đậy bởi khẩu hiệu định hướng xã hội chủ nghĩa !!!
Lẽ ra, trong hoàn cảnh hệ thống chủ nghĩa xã hội trên thế giới sụp đổ, thì những người cộng sản VN nếu thực sự trung thành với lý tưởng của mình là vì dân vì nước thì phải tìm ra con đường mới để đưa đất nước tiến lên, đưa dân tộc trở nên giàu có. Nhưng rất tiếc trên thực tế thì “cái gọi là những người cộng sản” hoặc là do ấu trĩ, hoặc là do hư hỏng, đã cố tìm cách níu kéo những tư duy đã lỗi thời của quá khứ, và họ đã phản bội lại mục tiêu tối thượng của mình. Họ chỉ tìm cách ru ngủ mình, ru ngủ nhân dân bằng những khái niệm mơ hồ với những khẩu hiệu rỗng tuếch. Với thực tế này, Đảng cộng sản đã trở thành trở ngại của sự phát triển, của tiến bộ , là nơi nuôi dưỡng những ung nhọt. Chúng tôi thật sự choáng váng khi nhận biết được là các vị lãnh đạo của đảng, và đặc biệt là ông tổng bí thư, đã không nhận ra thực tế phũ phàng này mà lại tiếp tục ru ngủ mình và ru ngủ người khác bằng các bài thuyết giáo ngớ ngẩn dến mức kỳ cục. Xin hãy đọc lại bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng trong chuyến đi thăm Cuba vừa qua. Chúng ta thấy sự lặp lại một cách lố bịch những tư tưởng giáo điều mà người ta chỉ sử dụng vào trước những năm 70 của thế kỷ trước. Chúng tôi không hiểu nổi tại sao người lãnh đạo cao nhất của đảng lại bất chấp mọi thực tế, bất chấp sự vận động của thực tế khách quan đến như vậy! Đội ngũ hàng nghìn những cán bộ tuyên huấn do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu trong suốt mấy thập niên vừa qua đã làm gì, đã tạo được cái gì mới, để cho chủ nghĩa Mác Lênin có thể sống được với thực tế phát triển của nhân loại, ngoài việc lặp đi lặp lại như những con vẹt nghễnh ngãng với thời cuộc. Chẳng thế mà trong đợt góp ý sửa đổi hiến pháp năm 1992 vừa rồi, Đảng mà người đứng đầu là ông tổng bí thư đã sử dụng bộ máy tuyên truyền viên hùng hậu, cùng các phương tiện thông tin đại chúng trong toàn quốc để đưa ra đủ loại biện minh cho việc phải đưa vào hiến pháp nội dung “lực lượng vũ trang phải trung thành với đảng”. Thật kỳ lạ! Sự ép buộc này chỉ có thể lý giải bằng một cách duy nhất, là các vị lãnh đạo cao cấp của đảng đang sợ những đảng viên của chính mình (trong hàng ngũ sĩ quan và hạ sĩ quan thì 100% là đảng viên) hiện đang làm việc trong các lực lượng vũ trang chống lại họ! Thật là hài hước và châm biếm! Và nếu họ sợ như vậy, tại sao lại phải phơi bầy lên một đạo luật cơ bản của đất nước các vấn đề nội bộ đáng đau lòng của Đảng. Phải chăng không còn cách nào khác để giải quyết các vấn đề nội bộ trong đảng, thì phải phơi nó lên hiến pháp trước toàn dân và trước cộng đồng quốc tế?! Và liệu quy định như vậy trong hiến pháp thì lực lượng vũ trang hay các đảng viên trong lực lượng vũ trang có từ bỏ việc chống lại lãnh đạo đảng không?! Sự lú lẫn của ông tổng bí thư lên đến cực điểm khi dám phát biểu công khai là Hiến pháp được xếp vị trí thứ hai sau cương lĩnh đảng!!! Nhận định này cực kỳ phi chính trị, cực kỳ thiếu hiểu biết, hóa ra khẩu hiệu “của dân, do dân, vì dân và vì tổ quốc” là láo toét!
Thưa các quý vị, rõ ràng trên thực tế đã khẳng định tình trạng quy hoạch nhân sự của đảng đã bị hư hỏng nghiêm trọng từ rất lâu, bắt đầu từ việc quy hoạch các vị trí đứng đầu của đảng: Tổng bí thư, BCT, BCH TƯ. Chúng tôi thấy trong hội nghị TƯ 8 vừa rồi, các quý vị đã thành lập nhiều tiểu ban, trong đó có tiểu ban nhân sự để chuẩn bị cho đại hội 12. Cảm nhận của những đảng viên chúng tôi là lại bắt đầu một đợt chạy chức, chạy quyền rất náo nhiệt từ nay đến đại hội, mà BTC TƯ là sân khấu chính cho cuộc đua, giống như các kỳ đại hội trước đây.
Kính thưa các quý vị, đảng đã yếu kém như vậy thì làm sao chính phủ mà 100% là đảng viên và là ủy viên TƯ lại không tham nhũng lãng phí được. Chúng ta lấy thí dụ của ông Dương Chí Dũng, ông Phạm Thanh Bình: họ phải tìm cách tạo dựng ra nhu cầu giả cho việc mua sắm, đầu tư để xin tiền nhà nước mua tàu cũ, mua ụ nổi để kê giá, để chia chác. Chắc các quý vị cũng thừa hiểu những loại như Dương Chí Dũng đang nhung nhúc trong bộ máy đảng và nhà nước ta hiện nay. Chúng ta hãy nhìn lại cái gọi là cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng trong suốt nhiều thập kỷ qua, và đặc biệt đã dâng lên thành cao trào được thể hiện trong các hội nghị TƯ 4, 5, 6 vừa qua. Thật khôi hài, ông TBT đã khởi động một chiến dịch có thể gọi là công khai và mạnh mẽ nhất chống tham nhũng. Nghị quyết TƯ 4, 5 được nhân dân và các đảng viên chúng tôi rất hy vọng vào sự kiên quyết của những bàn tay trong sạch của Đảng nhằm loại đi những ung bướu cấp tính trong bộ máy của Đảng va nhà nước, nhưng hội nghị TƯ 6, 7 và 8 đã cho một kết quả hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi bảo nhau, nếu chi bộ chúng tôi mà có kiểu phê và tự phê giống như BCT và BCH TƯ đã làm trong hội nghị TƯ 6 thì chắc chắn đã bị đảng ủy cấp trên xếp vào chi bộ yếu kém và phải thay dổi lại ban lãnh đạo của chi bộ. Việc rõ ràng đến như vậy mà dường như TBT và nhiều vị ủy viên bộ chính trị trong BCH TƯ không cảm thấy xấu hổ, và vẫn giao giảng huấn thị toàn Đảng phải tổ chức phê và tự phê theo gương BCT! Chúng tôi xin phép được nói thẳng, khẩu hiệu phê và tự phê chỉ là khẩu hiệu đầu lưỡi, chỉ là sự lên gân hình thức trong một thời gian rất ngắn nhằm tự lừa dối mình và lừa dối nhân dân. Còn việc tự khen mình và khen lẫn nhau, kéo bè kéo cánh mới là bản chất, mới là sinh hoạt thường xuyên của Đảng, của ban lãnh đạo đảng va chính phủ hiện nay!!!
Thưa các quý vị, Đảng kém như vậy, chính phủ tham nhũng như vậy, thì làm sao có thể đảm bảo được độc lập cho đất nước, làm sao có thể giữ vững được an ninh quốc phòng. Hãy nhìn vào hiện tượng Đảng ngăn cản người dân đứng ra tổ chức tưởng niệm những liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc là một ví dụ điển hình. Tại sao lại hèn nhát đến như vậy? Người dân Việt Nam không bao giờ muốn gây chiến, không ủng hộ chủ nghĩa dân tộc quá khích. Nhưng quyền được tưởng nhớ và tôn vinh những người con của đất nước đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc là quyền tối thiểu của mỗi người dân cũng bị đe dọa tước mất, phải chăng đó là thông điệp của Đảng muốn gửi tới nhân dân rằng nếu Trung Quốc có xâm lược Việt Nam một lần nữa thì người dân hãy cúi đầu làm nô lệ, không được chiến đấu để bảo vệ tổ quốc nữa? Một hiện tượng nữa cũng phải nhắc tới để thấy rõ sự hèn nhát, kém cỏi của bộ máy lãnh đạo: trong dịp quốc tang đại tướng Võ Nguyên Giáp, việc ấn định ngày tổ chức lễ quốc tang là do lãnh đạo Đảng chủ động xác định, ấy vậy mà khi thủ tương Trung Quốc Lý Khắc Cường chưa kịp hạ cánh xuống sân bay Nội Bài thì chính quyền thành phố Hà Nội đã xua người đi kêu gọi nhân dân hạ cờ rủ xuống khi mà buổi lễ an táng vẫn chưa kết thúc. Tại sao lại phải hèn nhát đến như vậy? Thủ tướng Trung Quốc đến Việt Nam thì cũng phải biết tôn trọng người Việt Nam chứ. Nếu mà có tư duy kém cỏi, nhược tiểu như vậy thì mua tàu ngầm kilo, mua SU30, SS300, khu trục hạm Đinh Thiên Hoàng để làm gì? Muốn chống giặc ngoại xâm thì phải có lòng kiêu hãnh và khí phách chứ! Giặc Mỹ, giặc Pháp thua Việt Nam chỉ vì điều này. Nguyên lý sơ đẳng như vậy mà tại sao lãnh đạo đảng ngày nay không ý thức được? Các vị lớn tiếng nói đến việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, sao các vị không nghĩ tới việc xây dựng lòng tin với người dân của mình?
Thưa các quý vị, Đảng không được lấy lý do là vì sự ổn định chính trị của đất nước làm cái cớ để làm những việc xằng bậy, yếu kém và vô liêm sĩ như vậy! Ổn định chính trị là rất cần thiết đối với mọi quốc gia, nhưng giữ ổn định là để đưa đất nước tiến lên, chứ không phải để kìm hãm kéo lui đất nước về mọi mặt như hiện nay!
Chúng tôi rất chia sẽ với những câu kết của bút danh Bùi Minh Quốc khi viết về lễ quốc tang đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài Một vài suy nghĩ về "hiện tượng" những ngày quốc tang đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng “Sẽ đến lúc sự giả dối, sự ngu dốt, sự hèn nhát và các toan tính bẩn thỉu sẽ bị quét sạch ra khỏi đất nước này.”
Thưa các ông các bà lãnh đạo đảng và nhà nước, các ông các bà có hiểu rằng nếu các ông các bà tiếp tục có thái độ thờ ơ với dân với nước như những ngày vừa qua thì chính người dân Việt Nam, trong đó có cả các đảng viên cộng sản như chúng tôi sẽ vùng lên, sẽ không để cho các ông các bà làm trò hề tổ chức đại hội đảng thêm một lần nữa, sẽ không có đại hội lần thứ 12 nữa đâu! Người dân Việt Nam sẽ không cho phép các ông các bà tiếp tục tham ô của quá khứ và ăn cắp của tương lai. Chúng tôi đã đều lớn tuổi, nhưng chúng tôi sẵn sàng hiến dâng phần đời còn lại của mình để giúp con cháu cùng hàng triệu người dân Viêt Nam anh hùng đứng lên quét sạch những loại rác rưởi của dân tộc, của đất nước! Trong tai chúng tôi bây giờ văng vẳng lời của bài hát diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi “Diệt phát xít, diệt bầy chó đê hèn của chúng, tiến lên nền dân chủ cộng hòa. Đồng bào tuốt gươm vùng lên…” Các ông các bà có tin là một cuộc cách mạng giống như cuộc cách mạng tháng tám năm 1945 sẽ nổ ra rất sớm hay không?
Chúng tôi yêu cầu lãnh đạo Đảng phải tự thay đổi lập tức ngay từ bây giờ, thậm chí phải tự lột xác, thì mới còn hy vọng vớt vát lại phần nào niềm tin đối với nhân dân, mới có cơ hội để chuộc lỗi với các sai lầm đã mắc trong thời gian vừa qua, mới không phụ với sự hy sinh của hàng triệu con người đã ngã xuống cho đất nước, cho dân tộc vì lý tưởng của đảng là độc lập, thống nhất tổ quốc, là xây dựng một đất nước hùng cường, một dân tộc hiển vinh, một đời sống dân chủ, tự do hạnh phúc….

Hà Nội, 28 tháng 10 năm 2013

Friday, October 25, 2013

Đất nước hai bên vĩ tuyến

Đất nước hai bên vĩ tuyến

(đã đăng trên basam.info ngày 26/10/2013)
Parallel Worlds - The Economist
Tác giả: Simon Cox

Vĩ tuyến 38, phân cách bắc nam, là đường phân chia quan trọng nhất của Triều Tiên. Nhưng nó chỉ là một trong nhiều đường như vậy, Simon Cox nói.
Vào một đêm xao động hồi tháng 4 năm 1970, ông Lee Jae- geun, một trong số 27 ngư dân Hàn Quốc trên một tàu đánh cá trong biển Hoàng Hải, đã chợt tỉnh sau một cơn mộng mị. Ông nằm mơ thấy rằng Triều Tiên bị ba đợt sóng khổng lồ ập vào, đợt sau mạnh hơn đợt trước. Đợt sóng cuối cùng quét dạt núi, làm xứ sở chìm trong nước và đất đai bị chia cắt. Ông nghĩ đó là một điềm xấu.
Và điều đó đã chứng minh. Vài đêm sau, một tàu tuần tra của Bắc Triều Tiên chặn tàu đánh cá của họ khoảng 50 dặm về phía nam của đường giới hạn phía Bắc, biên giới biển còn tranh chấp giữa hai nước Triều Tiên. Nhân viên tuần tra vũ trang đã lên tàu đánh cá và bắt cóc hết số người trên tàu. Hầu hết số người này sau đó đã được trả về trong năm đó, nhưng Bắc Triều Tiên đã có một mưu đồ lớn lao hơn đối với ông Lee, hi vọng sẽ đào tạo ông ta thành một gián điệp. Chuyện đó xảy ra ba thập niên trước khi ông trốn thoát.
Sự chia cắt bắc – nam vẫn còn là bi kịch lâu dài của Triều Tiên. Sự chia cắt này do các cường quốc Đồng minh, giải phóng đất nước này thoát khỏi ách thống trị tàn bạo kéo dài 35 năm của Nhật Bản, áp đặt vào năm 1945. Năm 1950 nó đã gần như bị xóa bởi một đợt sóng quân đội Bắc Triều Tiên quét xuống bán đảo này dưới sự chỉ huy của Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), một nhà lãnh đạo được Liên Xô hậu thuẫn tồn tại lâu hơn chính đất nước Liên Xô. Rồi thì một làn sóng quân đội khác, chủ yếu là Mỹ nhưng chiến đấu dưới ngọn cờ Liên Hiệp Quốc, đảo ngược dòng lũ Bắc Triều Tiên. Cuối cùng các lực lượng của Liên Hiệp Quốc không chống đỡ nổi làn sóng thứ ba của quân đội Trung Quốc đẩy họ lùi trở lại vĩ tuyến 38, đường vĩ tuyến quy chiếu đến nay vẫn còn chia cắt hai nước Triều Tiên. Rốt cuộc tất cả mọi người gần như ai ở đâu ở đó.
Trên đất liền đường ranh giới được phân định cẩn thận và bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng trên biển biên giới không phân biệt được cả trên thực tế lẫn pháp lý, vướng víu vào các tranh chấp, xâm lấn và bắt cóc. Chính phủ Hàn Quốc biết có hơn 500 công dân nước này bị bắt cóc từ năm 1955 vẫn còn trong tình trạng mất tích.
Ông Lee không còn là một trong số những người đó, nhưng đất nước mà ông thoát để tới không phải là đất nước mà ông đã để lại sau lưng nhiều thập niên trước đây. Kinh tế, chính trị và văn hóa tất cả đều đã thay đổi tới mức không còn nhận ra được nữa. Khi còn thiếu niên, ông Lee đã từng là một cậu bé chạy việc cho cảnh sát Seoul và biết mọi ngóc ngách của thành phố. Nhưng trong đô thị mênh mông mà ông trở lại sau 30 năm, ông “không biết nổi trái phải là phía nào”, ông nói.
H1Khi ông bị bắt, thu nhập đầu người của Hàn Quốc khoảng 2.000 USD một năm (tính theo sức mua), ngang ngửa với Bắc Triều Tiên vào thời điểm đó. Là một ngư dân, ông Lee dễ dàng được kể vào tầng lớp trung lưu. Vào thời điểm ông trở về hồi năm 2000, thu nhập đầu người của Hàn Quốc đã tăng gần mười lần (xem biểu đồ trong ảnh). Trong năm 2010, đất nước này đã trở thành một trong số 15 nước trên thế giới với GDP hơn 1 nghìn tỉ USD.
Hai năm sau khi ông Lee bị bắt, Hyundai bắt đầu đưa vào hoạt động một xưởng đóng tàu ở thành phố Ulsan, phía Nam thị trấn quê của ông Lee. Xưởng này bây giờ là xưởng đóng tàu lớn nhất trên thế giới. Các cần cẩu Goliath đỏ câu những tấm thép kích thước 20 m × 40 m ở chín phân xưởng cạn, đóng các con tàu container lớn và các con tàu tinh xảo cho khách hàng từ 48 quốc gia. Các ngành công nghiệp có tính cạnh tranh quốc tế như thế này đã giúp cho Hàn Quốc thành nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ bảy trên thế giới.
Và không chỉ có hàng hóa. Thay cho những đợt sóng ám ảnh giấc mơ của ông Lee, một đợt sóng phim ảnh, âm nhạc và phim kịch Hàn Quốc đã tràn ngập châu Á và bắt đầu lan tràn ra xa hơn. Hàn Quốc, từ lâu là chủ thể chịu ảnh hưởng của nước ngoài, bây giờ đang ảnh hưởng lại những nước khác. Một trong những nhà ngoại giao của họ đang đứng đầu Liên Hiệp Quốc. Lady Gaga mặc thời trang của họ. Ca sĩ nhạc rap Hàn Quốc Psy đã tạo ra clip trên YouTube clip được xem nhiều nhất cho tới nay. Thậm chí ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Triều Tiên, âm nhạc và kịch Hàn Quốc lan truyền rộng rãi, dù lén lút, trên các thẻ nhớ và đĩa DVD. Giới trẻ đang diện tóc theo kiểu như anh em miền Nam của họ.
Hồi năm 1970 Hàn Quốc do Park Chung-hee (Phác Chánh Hi) cầm quyền, con gái ông là Park Geun –hye (Phác Cận Huệ), bây giờ thành Tổng thống. Nhưng trong những năm qua nền chính trị mà bà đứng đầu đã tiến xa gần như  nền kinh tế. Cha bà lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính vào năm 1961, sau đó đã giải tán Quốc hội và đưa ra một hiến pháp mới độc tài vào năm 1972. Con gái của ông, ngược lại, thắng cử tổng thống tháng 12 năm ngoái trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng, thành Tổng thống  thứ sáu của Hàn Quốc tính từ năm 1987. Bà giành được tỉ lệ cao nhất của cuộc bầu cử tính từ chiến thắng của cha bà vào năm 1971.
Điều nhắc nhở buốt nhói
Nếu người Hàn Quốc muốn nhắc nhở chính mình về sự tiến bộ mà họ đã được hưởng, họ chỉ cần nhìn về phía bắc, nơi người dân có chiều cao trung bình thấp hơn đến 8cm và tuổi thọ kém hơn 12 năm. Triều đại họ Kim của Bắc Triều Tiên hiện đang ở thế hệ thứ ba, với  việc chuyển giao quyền lực năm 2011 cho Kim Jong Un (Kim Chính Vân), có thể chưa đầy 30 tuổi (không ai biết chắc) nhưng làm kiểu làm cách cử chỉ của mình và bắt chước cử chỉ của ông nội Kim Il Sung. Sản lượng ngũ cốc đất nước này, bị suy sụp vào giữa thập niên 1990, chỉ mới lấy lại mức có được hồi năm 1982. Một tổ chức phi chính phủ đến thăm hi vọng để cải thiện năng suất một nông trại tập thể đã phải dùng lại kỹ thuật nông nghiệp không còn được sử dụng ở miền Nam trong nhiều thập niên. Để giúp các thiết bị điện của họ đối phó với những sự trồi sụt về điện thế của miền Bắc, họ đã phải đặt mua một máy ổn áp không còn thấy ở miền nam từ thập niên 1980.
Khi thoát về miền nam, ông Lee đã đạt được sự đoàn tụ cá nhân mà cả nước ông vẫn còn né tránh. Nhưng ông không thấy việc này dễ dàng. Ở miền Bắc, ông đã từng là một thợ cơ khí, làm động cơ tàu thủy, nhưng khi ông tìm việc làm tương tự ở miền Nam, ông thấy rằng công việc đó bây giờ đã được thực hiện bằng máy. Tuy nhiên, tình trạng khó khăn của ông, nhiều người Hàn Quốc lớn tuổi cũng đang gặp phải ,do họ không xoay xở để theo kịp với một nền kinh tế hiện phức tạp hơn nhiều.
Hàn Quốc không sử dụng tốt nhất các công nhân lớn tuổi, hiện đang chiếm một tỉ lệ ngày càng tăng trong dân số cả nước. Nhiều người bị buộc phải nghỉ hưu sớm thay vì được đào tạo hay huấn luyện lại. Ngược lại, giới trẻ có học vấn quá mức, họ túi bụi trong các lớp luyện thi đắt tiền và dành nhiều năm để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Các gia đình cạnh tranh với nhau trong một cuộc chạy đua giáo dục cũng tàn hại giống như cạnh tranh quân sự với miền bắc. Thêm nhiều mãnh bằng là một vé để được việc làm tốt nhất, và các việc làm tốt nhất vẫn tập trung vào chính phủ, các ngân hàng và các chaebol (các tập đoàn lớn thuộc sở hữu gia đình).
Thế hệ trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc phải đối mặt với một gánh nặng gấp ba lần. Họ phải chăm sóc người già – đang ngày càng tăng về số lượng, chăm sóc giới trẻ – nuôi ăn học rất đắt tiền, và sau cùng, có lẽ là lo cho người Bắc Triều Tiên – sẽ hội nhập vào nền kinh tế nếu hai miền Triều Tiên thống nhất vào lúc nào đó. Nản chí vì những gánh nặng này, nhiều phụ nữ Hàn Quốc đang hoãn việc sinh con và có ít con hơn. Sinh suất quốc gia đã giảm xa hơn và nhanh hơn so với hầu hết các nước khác. Dân số, đã vượt quá 50 triệu năm ngoái, dự kiến sẽ giảm xuống dưới con số đó lần nữa vào khoảng năm 2045.
Nhiều thanh niên Hàn Quốc đang cố quên đi mối quan hệ của họ với miền bắc. Lớp ông bà và cố của họ bận rộn với kẻ thù cộng sản, sự sợ hãi căm ghét của hai lớp này vẫn chưa nguôi do bị tuyên truyền mạnh bạo trong những năm dưới sự cai trị độc tài. Thế hệ sinh ra trong thập niên 1960, được gọi là thế hệ 386 trong mối liên tưởng tới vi mạch 386 của Intel, đều dồn sự chú ý tới miền Bắc, cho rằng sự nhiệt tình chống cộng đã làm cho hòa giải và thống nhất đất nước thành bất khả. Ngược lại, thanh niên miền nam ngày nay, cảm thấy ít gắn bó với những người ở phía bên kia vĩ tuyến 38. Họ đang kín đáo trấn an rằng bây giờ việc thống nhất đất nước dường như chỉ là một khả năng xa xôi. Họ không cháy bỏng với lòng căm thù miền Bắc, họ cũng không lãng mạn hoá nó, như một số người cánh tả lớn tuổi thường làm như vậy. Họ chỉ việc phớt lờ nó. Nhưng miền Bắc không cho phép mình bị phớt lờ.
Nguồn: The Economist

Saturday, October 19, 2013

SO SÁNH BIÊN GIỚI MỚI Ở KHU VỰC NAM QUAN VỚI BẢN ĐỒ CỦA QUÂN ĐỘI MỸ

SO SÁNH BIÊN GIỚI MỚI Ở KHU VỰC NAM QUAN VỚI BẢN ĐỒ CỦA QUÂN ĐỘI MỸ

Phạm Quang Tuấn và Phan Văn Song


(Các tác giả cảm ơn Dương Danh Huy đã thảo luận và góp ý về vấn đề này và cộng tác trong việc soạn bản đồ các mốc biên giới.)

Bài đã đăng trên Diễn ĐànBauxite Việt Nam


Lưu ý:


(a) Hai chữ tắt AMS và NĐT dùng nhiều trong bài được định nghĩa ở ngay đoạn đầu.


(b) Chữ "ải" (ải Nam Quan) chỉ một chỗ hẹp giữa hai sườn núi, còn "cửa" (cửa Nam Quan) chỉ kiến trúc xây nơi đó để kiểm soát biên giới.


Trong một bài trước [1] chúng tôi đã giới thiệu một số bản đồ biên giới Việt-Trung dựa theo bản đồ của quân đội Mỹ (Army Map Service, AMS) xuất bản năm 1964 [2], với những mốc giới mới tính toán theo Nghị định thư về cắm mốc biên giới 2009 (NĐT) [3]. Bản đồ này dựa theo bản đồ tỷ lệ 1:25 000 của Sở Địa dư Đông Dương (Service Geographique de l'Indochine, SGI) thời Pháp thuộc, nên có nhiều khả năng phản ánh đúng biên giới thời đó theo quan điểm của Pháp về Công ước Pháp-Thanh. Xin tạm gọi biên giới vẽ trên bản đồ AMS là "biên giới AMS".


Chúng tôi cũng đã lưu ý độc giả rằng bản đồ AMS có những sai số có thể lên tới 200 m, nên muốn so sánh đích xác hai biên giới thì cần phải điều chỉnh lại vị trí các mốc theo địa hình mô tả trong NĐT nhằm giảm thiểu sai số. Trong bài này chúng tôi sẽ điều chỉnh vị trí mốc giới ở khu vực Đồng Đăng - Nam Quan để xem so với biên giới AMS Việt Nam đã được gì mất gì nơi đó.


PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SỰ KHÁC BIỆT BIÊN GIỚI


Vì khu vực Nam Quan là một vùng nhạy cảm, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt và thu hút sự chú ý của tất cả những người quan tâm về biên giới cũng như của quần chúng nói chung, nên mọi phân tích phải đặc biệt cẩn trọng và có những tiêu chuẩn khách quan.


Chúng tôi dùng Adobe Photoshop, đặt bản đồ AMS lên một lớp (layer), đặt bộ mốc giới vẽ theo NĐT lên một lớp khác, rồi di chuyển lớp mốc nhiều khoảng cách khác nhau (nhưng phần lớn vẫn trong vòng sai số khoảng 200 m [1] của bản đồ AMS). Tức là khi di chuyển các mốc, vị trí tương đối giữa chúng không thay đổi. Sau đó, chúng tôi đối chiếu với NĐT xem những nét địa hình (landmark) như sông suối, đỉnh núi, đường lộ, đường sắt, v.v. ở các mốc có giống như NĐT mô tả hay không.


Làm như vậy tức là chúng ta đã giả thiết rằng, ít ra trong một khu vực vài km, địa hình (vị trí tương đối của sông suối, đồi núi, đường lộ, đường sắt, v.v.) được thể hiện một cách chính xác trên bản đồ AMS.


Vị trí đông-tây (kinh độ) của bộ mốc có thể xác định khá chính xác trên bản đồ vì hai mốc 1116-1117 (cách nhau 85 m) nằm hai bên Quốc lộ 1 và hai mốc 1121-1122 (cách nhau 72 m) nằm hai bên một con suối và đường sắt cách nhau khoảng 60 m. Mỗi lần di chuyển bộ mốc chúng tôi đều điều chỉnh kinh độ cho phù hợp những điều trên. Vì vậy chúng ta có thể tập trung vào việc tìm vị trí bắc nam.


Gần Nam Quan có rất nhiều mốc nằm trên những đỉnh núi: mốc 1095, 1101, 1102, 1110, 1113, 1120, 1124, 1126, 1129 và cũng có vài đỉnh núi nằm trên đường biên giới mà NĐT có nêu rõ toạ độ dù không có cắm mốc. Ngoài ra còn những cột mốc nằm trên sống núi, trên yên ngựa, những đoạn đi qua khe suối v.v. có thể giúp điều chỉnh vị trí của biên giới. Để độc giả dễ dàng theo dõi, chúng tôi có trích phần trong NĐT nói về các cột mốc và cách vẽ biên giới khu vực này trong Phụ lục.


Tuy nói là xê dịch bộ mốc trên bản đồ, nhưng phải hiểu là chúng tôi chỉ xê dịch bản đồ chứ không thay đổi toạ độ các mốc (vì chúng đã được hai nước chính thức thỏa thuận). Chẳng hạn, xê dịch bộ mốc 100 m về phía nam trên bản đồ có nghĩa là dịch bản đồ 100 m về phía bắc.


VỊ TRÍ BIÊN GIỚI MỚI


Chúng tôi đã thử nhiều cách để làm địa hình quanh các mốc phù hợp với NĐT.


Cách thứ nhất: chúng tôi giữ nguyên vị trí các mốc như đã tính toán từ các tọa độ trong Nghị định thư và vẽ trong bài trước [1]. Cách này giả thiết rằng bản đồ AMS thể hiện tọa độ các địa hình một cách chính xác, không có sai số hệ thống (systematic error). Theo cách này, biên giới mới cách biên giới AMS hơn 200 m về phía nam trên Quốc lộ 1.


Bản đồ 1 cho thấy thấy các mốc 1101, 1102, 1110, 1113, 1120, 1124, 1126, 1129 và điểm 364 m giữa hai mốc 1118 và 1119 không nằm trên đỉnh núi như theo NĐT. Vì vậy, có thể kết luận rằng cách này kém chính xác và có thể bác bỏ.



Bản đồ 1: Giữ nguyên vị trí các mốc mới


Cách thứ hai: chúng tôi đặt cột "km 0" nằm trên biên giới AMS. Tuy cách này di chuyển cột mốc hơn sai số 200 m của bản đồ, nhưng cần phải kiểm tra vì báo chí và nhân viên nhà nước CHXHCN Việt Nam đã phát biểu nhiều lần rằng mốc 1118 hoặc km 0 (hai điểm này có vĩ độ gần trùng nhau, chỉ lệch nhau chừng 15 m theo hướng bắc-nam, tương đương với 0,3 mm trên bản đồ tỷ lệ 1:50 000) trùng với biên giới cũ [4, 5]. Nếu biên giới AMS thể hiện chính xác biên giới cũ, và nếu chúng ta không mất gì ở ải Nam Quan trong hiệp ước 1999 như theo các phát biểu trên, thì cách này sẽ cho ta thấy vị trí của biên giới mới một cách khá chính xác.


Bản đồ 2 cho thấy trong tất cả các mốc mà NĐT ghi là ở trên đỉnh núi, không có mốc nào nằm như vậy trong bản đồ vẽ theo cách này. Ngoài ra, cũng không có suối nào đi qua giữa hai mốc 1125 và 1126 như trong NĐT. Do đó có thể kết luận rằng cách này không chính xác và có thể bác bỏ.



Bản đồ 2: Đặt cột km 0 nằm trên biên giới AMS


Cách thứ ba: chúng tôi xê dịch biên giới 100m về phía nam (so với biên giới trên bản đồ AMS) trên Quốc lộ 1. Cách này dựa theo mô tả sau trong Bị vong lục 1979 [6]: "Cũng tại khu vực này, phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100 mét trên đường quốc lộ để xóa vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột ki-lô-mét 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100 mét, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này".


Bản đồ 3 cho thấy trong các mốc mà NĐT ghi là nằm trên đỉnh núi, chỉ có mốc 1120 và 1124 thỏa mãn điều kiện này. Do đó cách này kém chính xác và có thể bác bỏ.



Bản đồ 3: Dịch biên giới 100m về phía nam trên Quốc lộ 1


Cách thứ tư: chúng tôi xê dịch bộ mốc từng chục mét, cho tới khi có sự trùng hợp thỏa đáng nhất giữa địa hình quanh các mốc với các mô tả trong NĐT. Khi dịch chuyển các mốc tới vị trí 75 m về phía Nam chúng tôi đạt được sự trùng hợp tối đa(Bản đồ 4). Điều này có nghĩa là trên bản đồ AMS  các chi tiết địa hình và biên giới  đã được thể hiện lệch về phía Nam 75 m so với vị trí thực của chúng. Khoảng cách này vẫn nằm trong vòng sai số của bản đồ [1].



Bản đồ 4: Dùng địa hình để điều chỉnh vị trí các mốc


Ở vị trí này, các mốc 1095, 1102, 1110, 1113, 1124, đỉnh 436 m (giữa mốc 1110 và 1111) và đỉnh 364 m (giữa mốc 1118 và 1119, đề chữ 371 trên bản đồ AMS) đều nằm trên các đỉnh núi (sai số dưới 30 m) đúng như mô tả trong NĐT. Riêng mốc 1120, theo NĐT, cũng nằm trên một đỉnh núi nhưng bản đồ AMS không thể hiện có núi ở vị trí này. Tuy nhiên, kiểm tra lại bản đồ nhỏ tỷ lệ 1:10 000 trong bản đồ 29 đăng trên Công báo số 642-649 của chính phủ Việt Nam thì quả có một núi nhỏ ở đó, mà bản đồ AMS không vẽ tuy địa hình chung quanh thì tương tự (xin xem đoạn sau). Những mỏm núi nhỏ có thể không xuất hiện trên bản đồ AMS nếu bề cao của chúng ít hơn cách biệt độ cao (20 m) giữa các đường đẳng cao (contours).  Mốc 1101 nằm hơi chếch một đỉnh (cách chừng 40 m). Chỉ có hai mốc 1126, 1129 không nằm trên đỉnh núi như trong NĐT. Có thể là những khu này ở xa nên đo đạc không còn chính xác, nhưng cũng có thể vì lý do tương tự như trường hợp mốc 1120.


Mốc 1115 đi tới mốc 1116 theo sống núi từ tây sang đông. Mốc 1125 và 1126 nằm hai bên suối. Những nét địa hình này đều đúng như trong NĐT. Độc giả có thể tự kiểm tra những nét khác.


Ngoài ra địa hình chung quanh biên giới mới ở khu vực Hữu Nghị Quan (mốc 1116-1122) còn có thể so sánh trên bản đồ nhỏ, tỷ lệ 1:10 000 ở góc trên bên phải của bản đồ 29 trong Công báo [7] (Bản đồ 5). Địa hình trên hai bản đồ (của chúng tôi và từ Công báo) rất giống nhau, vị trí của các đỉnh, suối, đường sắt v.v. đều tương tự.



Bản đồ 5. So sánh chi tiết địa hình khu vực mốc 1116-1122


Tương tự, bản đồ nhỏ ở khu vực mốc 1103/1-1108 cho thấy địa hình bản đồ biên giới mới của chúng tôi rất xít xao với địa hình trong bản đồ tỷ lệ 1:5000 của Công báo (Bản đồ 6), biên giới mới bọc sát quanh một đầm lầy và qua vài đỉnh nhỏ.



Bản đồ 6. So sánh chi tiết địa hình khu vực mốc 1103/1-1108.


Chúng tôi kết luận rằng bản đồ 4 thể hiện chính xác (trong vòng khoảng 30 m) vị trí của các mốc giới mới trên bản đồ AMS. Đặc biệt, đỉnh núi ghi "371" trên bản đồ 5 có một mốc địa trắc (hình tam giác) là một điểm để các nhà địa trắc dùng để tính tọa độ chuẩn cho vùng đó, nên vị trí biết rất chính xác. Bản đồ 7 giống Bản đồ 4 nhưng vẽ thêm đường biên giới mới giữa các mốc, biên giới này lấy từ bản đồ của NĐT và được chồng lên các mốc, cho thấy là vị trí tương đối của các mốc mà chúng tôi vẽ bằng phần mềm là chính xác. Hai bản đồ này sẽ được dùng trong phần còn lại của bài.



Bản đồ 7. So sánh biên giới mới với biên giới trên bản đồ AMS


VỊ TRÍ ẢI NAM QUAN TRONG BẢN ĐỒ AMS CÓ CHÍNH XÁC KHÔNG?


Người đọc có thể tự hỏi là bản đồ AMS có thể hiện chính xác vị trí ải Nam Quan không, vì nếu không thì khó kết luận là Việt Nam đã nhượng bộ bao nhiêu, ít ra là dọc theo đường Quốc lộ 1. Để chứng tỏ là AMS thể hiện vị trí ải Nam Quan một cách chính xác, chúng tôi xin đưa hình 1 dưới đây, cho thấy cửa Nam Quan từ một tấm ảnh thời Pháp, chụp từ phía Việt Nam (vì thấy cổng nhỏ phía Việt Nam trước cổng lớn phía Trung Hoa). Điều đáng chú ý là trước khi tới ải, có một khu đất trũng ở phía đông (d) giữa hai ngọn đồi (f, g) khiến đường lộ phải vòng sang trái (phía tây) ở điểm c.



Hình 1. Địa hình ải Nam Quan cũ so với bản đồ AMS


So sánh tấm ảnh đó với bản đồ AMS trên hình 1, ta thấy các nét địa hình này được diễn tả đầy đủ. Nếu đứng ở điểm X gần cạnh dưới bản đồ thì sẽ thấy được cảnh trong ảnh. Điểm a là mốc 18, b là cửa Nam Quan, d là khu đất trũng (vạch đỏ trên bản đồ). Cột km 0 bây giờ ở khoảng trong khóm chuối (e), góc dưới bên trái. Địa hình phía nam biên giới mới (km 0) không có những nét nói trên. Chúng ta có thể kết luận rằng vị trí ải Nam Quan cũ trên bản đồ AMS là chính xác so với địa hình.


Ý NGHĨA VỀ LÃNH THỔ VÀ QUÂN SỰ CỦA SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BIÊN GIỚI MỚI VÀ BIÊN GIỚI AMS


Bản đồ 4 và 7 cho thấy là, so với biên giới AMS, biên giới mới đã lấn về phía nam một cách đáng kể trong khu vực này. Trên Quốc lộ 1, so với bản đồ AMS, biên giới đã lùi khoảng 290 m về phía Nam. Trên đường sắt Bằng Tường-Đồng Đăng, biên giới đã lùi khoảng 360 m về phía Nam. Giữa hai mốc 16 và 17 cũ (khoảng mốc 1103 và 1114 mới), Việt Nam đã mất khoảng 3/4 km2 (theo ước lượng của chúng tôi). Phía đông bắc của mốc 1129 Việt Nam cũng mất một vùng đất đáng kể so với biên giới AMS.


Về mặt địa hình, biên giới AMS ở Nam Quan đi dọc theo một sống núi theo hướng tây đông, qua một thung lũng (cửa ải nằm đâu đó trong thung lũng này) và tiếp tục đi lên một ngọn đồi. Địa hình biên giới mới cũng tương tự, chỉ khác là biên giới mới đi theo một sống núi khác nằm về phía Nam khoảng 300 m, và biên giới mới còn lùi thêm về phía nam vài chục mét nữa dọc đường sắt.


Hình 2 so sánh biên giới mới và biên giới AMS trên một tấm không ảnh của Google Earth. Ảnh chụp nghiêng nên cho ta hình ảnh về địa hình. Hai đường biên giới vẽ sơ lược theo 3 chiều nên lên xuống cùng địa hình. Đường vàng mỏng là biên giới do Google Earth vẽ (chúng tôi có nhiều bằng chứng rằng họ cũng vẽ biên giới theo bản đồ AMS nên nó cũng bị dịch khoảng 75 m về phía nam). So sánh không ảnh với bản đồ AMS ở dưới, ta dễ dàng nhìn ra những nét địa hình. Mỗi điểm quan trọng trên hai biên giới đều đánh số hay chữ để dễ so sánh.



Hình 2. Không ảnh Google Earth (trên) so sánh với bản đồ AMS. Trên không ảnh, đường đỏ là biên giới mới, đường tím là biên giới AMS.


Cả trên bản đồ lẫn không ảnh, phía đông ải Nam quan cũ là hai ngọn đồi sát nhau (đồi kép), biên giới AMS chạy từ ải (f) lên đỉnh phía nam (g). Phía đông biên giới mới (điểm 3, có mũi tên của Google Earth chỉ vào tọa độ của km 0) là một ngọn đồi đơn độc (điểm 5). Không thể lẫn lộn được hai ngọn đồi đó. Không ảnh từ trên chụp thẳng xuống cho thấy rõ điều này (Hình 3).



Hình 3. Không ảnh Google Earth cho thấy rõ đồi kép ở biên giới AMS (đường tím) và đồi đơn ở biên giới mới (đường đỏ)


Như đã thấy, biên giới ở Nam Quan đã lùi về phía nam khoảng 300 m. Ở đây 300 m này rất quan trọng. Về mặt địa hình, Nam Quan là một "ải kép", vì thung lũng chứa quốc lộ thắt lại ở hai điểm cách nhau 300 m: điểm bắc là ải Nam quan cũ, điểm nam là km 0 bây giờ (xem không ảnh hình 2 và 3). Phía bắc và nam "ải kép" này là những thung lũng tương đối rộng. Hai bên mỗi ải là những đồi hay sống núi có thể dùng để quan sát hoặc khống chế bên kia.


Với biên giới AMS, Việt-Trung chia nhau các cao điểm hai bên ải Bắc (sống núi c-d-e-f và đỉnh g trên hình 2), còn Việt Nam chiếm các cao điểm hai bên ải Nam (sống núi 2-3 và đỉnh 5). Điều này cho ta một lợi thế rất lớn khi có xung đột, giúp ta kiểm soát sự ra vào ở cửa ải. Với biên giới mới, tình thế đã đảo ngược, bên TQ kiểm soát các cao điểm sau ải (mới) và chia các cao điểm hai bên ải (mới) với VN.


Dọc phía tây quốc lộ có những khác biệt cũng rất quan trọng về mặt quân sự. Biên giới AMS chạy từ đỉnh núi (c) ở phía tây ải cũ rồi quay về hướng nam và chạy dọc một sống núi rất cao (b-a và tiếp tục về hướng tây), sống núi này khống chế thung lũng của QL 1 suốt dọc gần 1 km. Biên giới mới ở về phía đông biên giới AMS, chạy dọc lưng chừng sườn núi (từ 2 đến 1 và tiếp tục về hướng tây nam), phần dưới về Việt Nam, phần trên thuộc Trung Quốc. Như vậy, với biên giới mới Trung Quốc  kiểm soát tất cả các đỉnh núi và sống núi dọc ải và đường quốc lộ ra biên giới: một lợi thế rõ rệt về mặt quân sự và là điều mà họ không có được với biên giới AMS.


Hình 4 là không ảnh Google Earth vùng từ Đồng Đăng tới Nam Quan, nhìn nghiêng 35° và trục cao độ tăng gấp đôi cho rõ địa hình. Vị trí các mốc biên giới do Google Earth đặt lên theo tọa độ trong NĐT. Ta thấy từ mốc 1114 về phía bắc, bản đồ AMS vẽ hai bên chia nhau sống núi thì bây giờ Trung Quốc chiếm các cao điểm. Từ mốc 1114 về phía Nam, bản đồ AMS vẽ rặng núi hoàn toàn bên Việt Nam thì bây giờ hai bên chia nhau sống núi. Có những công sự lớn của TQ ở vùng lấn qua Việt Nam, bọc trong các mốc 1103/1 tới 1114. Có thể nói là cửa ngõ Việt Nam suốt từ Nam Quan tới Đồng Đăng theo biên giới mới bị áp chế hay đe dọa.



Hình 4. Không ảnh Google Earth vùng biên giới từ Đồng Đăng tới Nam Quan, với vị trí các mốc mới. Đường vạch đỏ là biên giới AMS.


Phía đông bắc ải Nam Quan, từ mốc 1123 tới mốc 1128 (bản đồ 7), tình trạng cũng tương tự. Suốt dọc đoạn này biên giới mới đã lấn về phía Việt Nam khoảng 100-300 m, biên giới AMS nằm trên sống một rặng núi cao, biên giới mới nằm lưng chừng sườn núi phía VN, tức là Việt Nam đã mất tất cả các cao điểm.


Nếu biên giới AMS phản ánh đúng biên giới lịch sử thì việc để mất các vị trí quan yếu về mặt quốc phòng như thế này vào tay Trung Quốc, một nước láng giềng lớn từng nhiều lần xâm lấn ta bằng võ lực, là một điều khó thể biện minh được.


VỀ VỊ TRÍ CÁC CỘT MỐC 18 VÀ 19 CŨ


Trên bản đồ AMS, vị trí của mốc 18 cũ (nằm trên một sống núi phía Tây ải Nam Quan) có thể không chính xác vì theo biên bản của toán cắm mốc Pháp Thanh, mốc này được đặt ở trên (bên) đường đi Đồng Đăng, phía trước (tức là phía Nam) cửa Nam Quan 100 m (à 100 m en avant de la porte de Nam-Quan sur le chemin de Dong-Dang) [8]. Dù vậy, vị trí của mốc này (và đoạn biên giới qua nó) vẫn cách cửa Nam Quan 100 m như biên bản cắm mốc.


Còn mốc 19 thì nằm trên đỉnh ngọn đồi ngay phía Đông cửa ải, trong khi đó, theo báo chí nhà nước và nhân viên bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam phụ trách vấn đề biên giới thì mốc 19 nằm ở vị trí của mốc 1118 mới như đã nói trong phần trên. Hai vị trí này cách nhau khoảng 250 m và nằm trên hai ngọn đồi khác nhau. Theo biên bản cắm mốc đã nói, thì mốc 19 phải nằm ở trên một đỉnh đồi ("sur le sommet placé face du fort chinois de Kouei-Tao"). Ngoài ra, mốc 19 trong bản đồ AMS thì ở một đỉnh đồi, nhưng mốc 1118, mà theo báo chí và nhân viên nhà nước Việt Nam thì trùng với mốc 19 cũ, lại ở cao độ 320,6 m trên sườn một ngọn đồi cao 364 m. Khó mà tin đội cắm mốc Pháp Thanh đã phạm một nhầm lẫn về cao độ tương đương với một tòa nhà 15 tầng! Ngọn đồi mà bộ Ngoại giao VN cho là mang mốc 19 (1118 mới) là một điểm trắc địa, tức là trên đỉnh có đặt một mốc dấu nào đó dùng để định chuẩn tọa độ, nên các nhà làm bản đồ chắc chắn biết chính xác vị trí của nó và khó có thể nhầm lẫn với một ngọn đồi khác cách đó 300 m. Hơn nữa,bản đồ AMS thể hiện ngọn đồi đó hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam (vị trí của mốc trắc địa cũng nói lên điều này). Khó có khả năng xảy ra việc những người làm bản đồ lại nhầm lẫn một ngọn đồi có chứa cột mốc biên giới với một ngọn đồi tách rời nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của một bên.


Như vậy, ít có khả năng là mốc 19 trên bản đồ AMS nằm sai vị trí và điều này có nghĩa là có nhiều khả năng mốc đó đã bị dời khoảng hơn 250 m về phía Nam, sang một ngọn đồi khác sau này. Chúng ta nên nhớ là ngọn đồi này đã bị Trung Quốc chiếm một thời gian dài, và ngay cả lúc đàm phán vẫn bị họ chiếm đóng, nên khả năng là họ đã di chuyển cột mốc không phải là nhỏ. Nhà nước Việt Nam cần phải giải thích vì lý do gì họ đã không khẳng định vị trí của mốc 19 như trên bản đồ AMS, một vị trí phù hợp hơn với biên bản cắm mốc, mà lại khẳng định một vị trí vừa không phù hợp với biên bản (vì không nằm trên đỉnh núi) vừa rất thiệt thòi cho Việt Nam.


KẾT LUẬN


1. Bản đồ 4 và 7, mà chúng tôi đã điều chỉnh theo địa hình và kiểm chứng bằng nhiều cách, có thể coi là trình bày chính xác (trong vòng chừng 30 m) vị trí của biên giới 1999 trên bản đồ AMS mà quân đội Mỹ vẽ năm 1964, dựa theo bản đồ của Pháp.


2. Trên Quốc lộ 1, biên giới đã lùi khoảng 290 m về phía Nam.


3. Trên đường sắt Bằng Tường-Đồng Đăng, biên giới đã lùi khoảng 360 m về phía Nam so với biên giới trên bản đồ AMS. Nhiều khu vực lân cận bị mất trên dưới 1 km vuông.


4. So với bản đồ AMS thì Việt Nam đã mất hầu hết những cao điểm (đỉnh và sống núi) chung quanh ải Nam quan và dọc Quốc lộ 1 cho tới Đồng Đăng, và chỉ còn giữ những sườn núi thấp.


4. Có khả năng là cột mốc 19 cũ đã bị dời hơn 250 m về phía nam, qua một ngọn đồi khác, khiến biên giới quanh đó cũng di chuyển theo.



TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Dương Danh Huy, Phạm Quang Tuấn, Phan Văn Song (2013) So sánh vị trí cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc với bản đồ của quân đội Mỹ. http://boxitvn.blogspot.com.au/2013/10/so-sanh-vi-tri-cot-moc-bien-gioi-viet.html, https://danluan.org/tin-tuc/20131007/so-sanh-vi-tri-cot-moc-bien-gioi-viet-nam-trung-quoc-voi-ban-do-cua-quan-doi-my.




[3] Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Việt Nam - Trung Hoa. Công báo, Chính phủ CHXHCN Việt Nam, 634+635 tới số 640+641. http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-36_2010_SL-LPQT-(5924)?cbid=6117


[4] Báo QĐND viết: "Đường biên giới đi qua Km0 rồi đến mốc 19 cũ và đến điểm cách điểm nối ray 148 mét về phía Bắc. Hiện nay ta đã cắm mốc 1116 và 1117 đối xứng với nhau qua quốc lộ 1A của Việt Nam, và mốc 1118 trùng vị trí mốc 19 (cũ). Như vậy, đường biên giới lịch sử tại khu vực này không những đã được tôn trọng mà còn được cụ thể hóa bằng một hệ thống cột mốc mới hiện đại".  http://www.qdnd.vn/qdndsite/en-us/75/48397/print/Default.aspx


[5] Ông Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời phỏng vấn: "Hiệp ước 1999 đã xác định đường biên giới đi qua Km 0, qua mốc 19 cũ do Pháp và nhà Thanh cắm và qua điểm nằm cách điểm nối ray 148 m về phía bắc"   http://phapluattp.vn/237883p0c1013/cam-moc-bien-gioi-tai-cua-khau-huu-nghi.htm.


[6] Bị vong lục của Bộ ngoại giao nước CHXHCNVN về việc nhà cầm quyền Trung Quốc gây khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam ở vùng biên giới, 15/3/1979.


[7] Bản đồ biên giới đất trên liền giữa nước CHXHCN Việt nam và nước CHND Trung Hoa. Công báo, Chính phủ CHXHCN Việt Nam, 142+149. http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-36_2010_SL-LPQT-%285924%29?cbid=8248


[8] Trương Nhân Tuấn (2009) Biên Giới Việt Nam: vùng tiếp giáp tỉnh Quảng Tây. http://thongluan.co/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4102.
________________________________________________________


PHỤ LỤC: Trích Nghị Định Thư mô tả biên giới trong khu vực Đồng Đăng-Nam Quan
Mốc giới số 1095 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 536,71m, tọa độ địa lý 21° 59’ 31,093” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 01,621” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1095, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, đến mốc giới số 1096. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,223km.
Mốc giới số 1096 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt tại thung lũng, có độ cao là 500,47m, tọa độ địa lý 21° 59’ 23,876” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 00,800” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1096, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, đến mốc giới số 1097. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,253km.
Mốc giới số 1097 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 519,99m, tọa độ địa lý 21° 59’ 15,759” vĩ độ Bắc, 106° 40’ 59,436” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1097, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, đến mốc giới số 1097/1. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,094km.
Mốc giới số 1097/1 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 525,25m, tọa độ địa lý 21° 59’ 12,691” vĩ độ Bắc, 106° 40’ 59,339” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1097/1, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, cắt qua khe, đến mốc giới số 1097/2. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,165km.
Mốc giới số 1097/2 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 524,59m, tọa độ địa lý 21° 59’ 07,331” vĩ độ Bắc, 106° 40’ 59,769” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1097/2, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam - Đông Nam, đến mốc giới số 1098. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,228km.
Mốc giới số 1098 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, cạnh đường mòn, có độ cao là 472,07m, tọa độ địa lý 21° 59’ 00,617” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 03,096” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1098, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam - Đông Nam 207m, đến điểm có độ cao 508m (tọa độ địa lý 21° 58’ 54,50” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 06,13” kinh độ Đông), sau đó theo đường sống núi, hướng chung Nam - Đông Nam, đến mốc giới số 1099. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,559km.
Mốc giới số 1099 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, cạnh đường mòn, có độ cao là 352,12m, tọa độ địa lý 21° 58’ 45,641” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 12,568” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1099, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông Nam, đến mốc giới số 1100. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,655km.
Mốc giới số 1100 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, cạnh đường mòn, có độ cao là 427,07m, tọa độ địa lý 21° 58’ 32,279” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 28,777” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1100, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông Nam, đến mốc giới số 1101. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,620km.
Mốc giới số 1101 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 483,41m, tọa độ địa lý 21° 58’ 23,132” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 41,110” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1101, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, đến mốc giới số 1102. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,144km.
Mốc giới số 1102 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 483,23m, tọa độ địa lý 21° 58’ 18,479” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 41,781” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1102, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Tây Nam, đến mốc giới số 1102/1. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,132km.
Mốc giới số 1102/1 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 406,05m, tọa độ địa lý 21° 58’ 16,031” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 38,003” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1102/1, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam - Đông Nam, đến mốc giới số 1102/2. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,086km.
Mốc giới số 1102/2 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 399,14m, tọa độ địa lý 21° 58’ 13,408” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 39,026” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1102/2, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, cắt qua một đường mòn, đến điểm có độ cao 470m (đo trên bản đồ), sau đó theo đường sống núi, hướng chung Tây Nam, đến mốc giới số 1103. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,576km.
Mốc giới số 1103 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, có độ cao là 333,73m, tọa độ địa lý 21° 58’ 00,423” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 29,282” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1103, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung là hướng Nam, đến mốc giới số 1103/1. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,374km.
Mốc giới số 1103/1 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 371,35m, tọa độ địa lý 21° 57’ 50,349 vĩ độ Bắc, 106° 41’ 30,442” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1103/1, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông - Đông Bắc 21m, đến điểm có độ cao 382m trên đỉnh núi (tọa độ địa lý 21° 57’ 50,60” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 31,10” kinh độ Đông), sau đó theo đường thẳng hướng Đông 43m, đến mốc giới số 1103/2. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,064km.
Mốc giới số 1103/2 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, cạnh đường mòn, có độ cao là 347,15m, tọa độ địa lý 21° 57’ 50,396” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 32,564” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1103/2, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông Bắc, đến điểm có độ cao 361m (tọa độ địa lý 21° 57’ 52,73” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 35,56” kinh độ Đông), sau đó theo đường thẳng, hướng Đông - Đông Nam, đến mốc giới số 1104. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,142km.
Mốc giới số 1104 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt ở phía Tây đường cái từ Cốc Nam (Việt Nam) đến Long Huai (Trung Quốc), có độ cao là 311,30m, tọa độ địa lý 21° 57’ 52,450” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 36,536” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1104, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, cắt qua đường cái từ Cốc Nam (Việt Nam) đến Long Huai (Trung Quốc), đến mốc giới số 1105. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,018km.
Mốc giới số 1105 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt ở phía Đông đường cái từ Cốc Nam (Việt Nam) đến Long Huai (Trung Quốc), có độ cao là 312,24m, tọa độ địa lý 21° 57’ 52,477” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 37,169” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1105, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, đến mốc giới số 1106. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,064km.
Mốc giới số 1106 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 359,50m, tọa độ địa lý 21° 57’ 52,564” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 39,392” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1106, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung là hướng Nam, đến mốc giới số 1107. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,278km.
Mốc giới số 1107 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, cạnh đường mòn, có độ cao là 349,00m, tọa độ địa lý 21° 57’ 43,879” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 40,948” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1107, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông - Đông Bắc, đến mốc giới số 1108. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,127km.
Mốc giới số 1108 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 418,39m, tọa độ địa lý 21° 57’ 45,315” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 45,103” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1108, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông Nam, đến mốc giới số 1109. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,132km.
Mốc giới số 1109 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, có độ cao là 369,28m, tọa độ địa lý 21° 57’ 42,149” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 48,174” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1109, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông - Đông Nam, đến mốc giới số 1110. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,313km.
Mốc giới số 1110 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 412,29m, tọa độ địa lý 21° 57’ 37,392” vĩ độ Bắc, 106° 41’ 56,223” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1110, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Bắc, đến điểm có độ cao 436m (tọa độ địa lý 21° 57’ 42,86” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 03,91” kinh độ Đông) sau đó theo đường sống núi, hướng chung Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1111. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,574km.
Mốc giới số 1111 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, có độ cao là 407,72m, tọa độ địa lý 21° 57’ 49,014” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 07,858” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1111, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung là hướng Bắc, đến điểm có độ cao 430m (đo trên bản đồ), sau đó theo đường thẳng, hướng Đông Nam, đến mốc giới số 1112. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,284km.
Mốc giới số 1112 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, cạnh đường mòn, có độ cao là 404,38m, tọa độ địa lý 21° 57’ 54,797” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 10,083” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1112, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Nam, đến điểm có độ cao 430m (đo trên bản đồ), sau đó theo đường sống núi, hướng chung Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1113. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,536km.
Mốc giới số 1113 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 462,77m, tọa độ địa lý 21° 58’ 05,022” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 18,931” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1113, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Bắc, đến mốc giới số 1114. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,354km.
Mốc giới số 1114 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 390,14m, tọa độ địa lý 21° 58’ 12,413” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 28,406” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1114, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, đến mốc giới số 1114/1. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,044km.
Mốc giới số 1114/1 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 360,47m, tọa độ địa lý 21° 58’ 12,392” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 29,923” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1114/1, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Bắc, đến mốc giới số 1114/2. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,222km.
Mốc giới số 1114/2 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 347,79m, tọa độ địa lý 21° 58’ 19,589” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 29,658” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1114/2, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Bắc, đến mốc giới số 1114/3. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,128km.
Mốc giới số 1114/3 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 376,79m, tọa độ địa lý 21° 58’ 23,707” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 29,078” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1114/3, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Tây - Tây Bắc, đến mốc giới số 1114/4. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,053km.
Mốc giới số 1114/4 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 397,11m, tọa độ địa lý 21° 58’ 24,670” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 27,540” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1114/4, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Bắc, đến mốc giới số 1115. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,141km.
Mốc giới số 1115 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 421,69m, tọa độ địa lý 21° 58’ 29,263” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 27,763” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1115, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông - Đông Nam, qua điểm có độ cao 359m, đến điểm có độ cao 334m (tọa độ địa lý 21° 58’ 25,57” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 39,35” kinh độ Đông), sau đó theo đường thẳng hướng Đông, đến mốc giới số 1116. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,398km.
Mốc giới số 1116 là mốc đơn, loại lớn, làm bằng đá hoa cương, có gắn quốc huy, đặt trên sườn núi, phía Tây đường cái từ cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) đi Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), có độ cao là 312,30m, tọa độ địa lý 21° 58’ 25,419” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 40,798” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1116, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, qua Km0, cắt qua đường cái từ cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) đi Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), đến mốc giới số 1117. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,085km.
Mốc giới số 1117 là mốc đơn, loại lớn, làm bằng đá hoa cương, có gắn quốc huy, đặt trên sườn núi, phía Đông đường cái từ cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) đi Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), có độ cao là 312,50m, tọa độ địa lý 21° 58’ 25,138” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 43,744” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1117, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông - Đông Bắc, đến mốc giới số 1118. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,034km.
Mốc giới số 1118 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sườn núi, có độ cao là 320,63m, tọa độ địa lý 21° 58’ 25,625” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 44,789” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1118, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung là hướng Nam, qua điểm có độ cao 364m (tọa độ địa lý 21° 58’ 22,87” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 45,52” kinh độ Đông), đến mốc giới số 1119. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,165km.
Mốc giới số 1119 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 350,96m, tọa độ địa lý 21° 58’ 20,386” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 45,328” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1119, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung là hướng Đông, đến mốc giới số 1120. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,201km.
Mốc giới số 1120 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 320,91m, tọa độ địa lý 21° 58’ 20,184” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 51,888” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1120, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, đến mốc giới số 1121. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,062km.
Mốc giới số 1121 là mốc đơn, loại lớn, làm bằng đá hoa cương, có gắn quốc huy, đặt trên dốc núi, có độ cao là 294,96m, tọa độ địa lý 21° 58’ 19,949” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 54,029” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1121, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, cắt qua một con suối và đường sắt từ Đồng Đăng (Việt Nam) đi Bằng Tường (Trung Quốc), đến mốc giới số 1122. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,072km.
Mốc giới số 1122 là mốc đơn, loại lớn, làm bằng đá hoa cương, có gắn quốc huy, đặt ở phía Đông đường sắt từ Đồng Đăng (Việt Nam) đi Bằng Tường (Trung Quốc), có độ cao là 294,33m, tọa độ địa lý 21° 58’ 20,001” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 56,545” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1122, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, đến điểm có độ cao 315m ( tọa độ địa lý 21° 58’ 20,02” vĩ độ Bắc, 106° 42’ 57,75” kinh độ Đông), sau đó theo đường sống núi, hướng chung Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1123. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,259km.
Mốc giới số 1123 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 354,12m, tọa độ địa lý 21° 58’ 26,722” vĩ độ Bắc, 106° 43’ 00,748” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1123, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông - Đông Bắc, qua điểm có độ cao 368m (tọa độ địa lý 21° 58’ 26,90” vĩ độ Bắc, 106° 43’ 07,17” kinh độ Đông), đến mốc giới số 1124. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,472km.
Mốc giới số 1124 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi Co Mìn, có độ cao là 403,68m, tọa độ địa lý 21° 58’ 32,425” vĩ độ Bắc, 106° 43’ 14,054” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1124, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Bắc, cắt qua một đường mòn, đến mốc giới số 1125. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,320km.
Mốc giới số 1125 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 368,86m, tọa độ địa lý 21° 58’ 40,967” vĩ độ Bắc, 106° 43’ 20,436” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1125, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Bắc - Đông Bắc, cắt qua một con suối, đến mốc giới số 1126. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,113km.
Mốc giới số 1126 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi nhỏ, có độ cao là 360,80m, tọa độ địa lý 21° 58’ 44,032” vĩ độ Bắc, 106° 43’ 22,579” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1126, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Bắc, cắt qua khe, đến mốc giới số 1127. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,272km.
Mốc giới số 1127 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 430,25m, tọa độ địa lý 21° 58’ 50,717” vĩ độ Bắc, 106° 43’ 28,775” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1127, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1128. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,941km.
Mốc giới số 1128 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 610,97m, tọa độ địa lý 21° 59’ 13,022” vĩ độ Bắc, 106° 43’ 42,315” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1128, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1129. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,994km.
Mốc giới số 1129 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 612,69m, tọa độ địa lý 21° 59’ 41,964” vĩ độ Bắc, 106° 43’ 49,942” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1129, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1130. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,311km.
Mốc giới số 1130 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 550,78m, tọa độ địa lý 21° 59’ 50,422” vĩ độ Bắc, 106° 43’ 55,901” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1130, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Bắc, cắt qua khe, đến mốc giới số 1131. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,327km.