Showing posts with label biển Hoa Đông. Show all posts
Showing posts with label biển Hoa Đông. Show all posts

Tuesday, November 3, 2015

Vì sao các hoạt động FON của Mĩ ở Biển Đông có lí?

Vì sao các hoạt động FON của Mĩ ở Biển Đông có lí?
Chương trình Tự do Hàng hải của Hải quân Mĩ là một biểu hiện quan trọng của luật pháp quốc tế.

Jonathan G. Odom
The Diplomat (31/10/2015)

(Bản dịch đã đăng trên anhbasam ngày 3/11/2015)

Chương trình Tự do Hàng hải (FON) của Mĩ gần đây đã thu hút được sự chú ý đáng kể tại Hoa Kì và cộng đồng quốc tế. Trong giai đoạn có sự chú ý tập trung này, một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các hoạt động FON (FONOP) của Mĩ. Tác giả trước đây đã vạch ra tính chính đáng và tính hợp pháp của Chương trình FON của Mĩ, gồm cả các FONOP được tiến hành như một phần của chương trình đó. Nhiều nhà quan sát khác cũng đã đặt câu hỏi về tính thích hợp và sự khôn khéo của các FONOP của Mĩ, đặc biệt là ở Biển Đông. Ví dụ điển hình là bài phê bình gần đây của tiến sĩ Sam Bateman của Australia, trong bài đó ông cáo buộc rằng các FONOP của Mĩ ở Biển Đông là "khó biện minh" (not make sense). Bài này tiếp theo sau một bài viết tương tự mà ông công bố vào tháng 6 năm 2015. Dù tiến sĩ Bateman nêu ra một số câu hỏi đúng về tình hình đang diễn ra ở Biển Đông, ông đã đưa ra nhiều giả định không chính xác đối với một số điểm về các FONOP của Mĩ và cũng phạm sai lầm đối với một số điều khác. Dưới đây là một nỗ lực chỉnh lại cho đúng những chỗ sai trái đó, dựa trên kinh nghiệm trước đây của tác giả với Chương trình FON của Mĩ ở các cấp độ hành động , vùng tác chiến, và chính sách của quân đội Mĩ.

Why US FON Operations in the South China Sea Make Sense
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ, USS Lassen, đang trên đường tới vùng biển Thái Bình Dương.
Nguồn ảnh: Hải quân Mỹ.

Đòi hỏi về minh bạch không bắt đầu với Mĩ

Trong phân tích của tiến sĩ Bateman về tình hình Biển Đông, có thể hiểu được việc ông xoáy sự chú ý vào đòi hỏi minh bạch nhưng không may ông xoáy sai hướng. Cụ thể, ông phàn nàn, "Không rõ Washington đang phản đối cái gì ở Biển Đông." Chắc chắn, sự thiếu rõ ràng là một thành phần trong vấn đề Biển Đông phức tạp này, và chúng tôi đã lập luận trước đó rằng sự minh bạch hơn có thể giúp cải thiện tình hình tổng thể ở Biển Đông. Tuy nhiên, sự cần thiết về minh bạch hơn không bắt đầu với Washington, mà với các bên có yêu sách - và đặc biệt là với Bắc Kinh.

Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ ý nghĩa của đường chữ U. Đó là khẳng định chính thức của Hoa Kì, Singapore, Indonesia, và một số nước không yêu sách khác. Đó thậm chí còn là đánh giá của Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải quốc gia Trung Quốc, ông có viết trong cuốn sách hồi năm 2013 rằng các cuộc tranh luận về đường chữ U của Trung Quốc "sẽ còn tiếp tục nếu Trung Quốc vẫn im lặng và tiếp tục mập mờ về yêu sách của mình." Mới gần đây và có lẽ quan trọng nhất, đó cũng là khẳng định của Tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc, Toà đã nêu rằng việc "Trung Quốc không làm rõ ý nghĩa của đường chín đoạn" là một “thực tế”.

Lạ lùng là tiến sĩ Bateman lại có thể làm được một điều mà chính phủ nhiều nước, tòa án quốc tế, và các nhà quan sát lão luyện không thể làm được. Tháng 2 năm 2014, tiến sĩ Bateman chỉ trích điều trần trước Quốc hội Mĩ của Trợ lí Ngoại trưởng Daniel Russel qua việc nói rằng Russel đã cho thấy ông "thiếu kiến thức" về việc đường chữ U của Trung Quốc là gì. Cụ thể, tiến sĩ Bateman nói rằng đường chữ U là một "cách vẽ địa lí vắn tắt lỏng lẻo để nói rằng chúng tôi yêu sách chủ quyền các đảo và các thể địa lí, nó không thực sự chất vấn các nước khác vốn đã thiết lập vùng đặc quyền kinh tế bên trong đường chín vạch, hoặc thực sự có ranh giới biển với nước láng giềng." Dù điều này có thể là cái mà Tiến sĩ Bateman giả định nó muốn nói, không thấy có tuyên bố hoặc tài liệu chính thức nào do Trung Quốc đưa ra để hậu thuẫn cho giải thích của ông. Hơn nữa, thông lệ luật pháp quốc tế trong thiết lập yêu sách về lãnh thổ và biển không vận hành theo cách "vẽ địa lí vắn tắt lỏng lẻo".

Ngoài ra, Trung Quốc đã không làm rõ bản chất cụ thể của các thể địa lí mà họ yêu sách ở Biển Đông cũng như các khu vực biển mà Trung Quốc khẳng định rằng những thể địa lí đó được hưởng, có bao gồm những thể địa lí mà họ mới thực hiện việc tôn tạo [reclamation] (tức là bồi đắp mở rộng các khu đất được hình thành tự nhiên) và việc “đôn cao” [clamation] (tức là, xây dựng đảo nhân tạo trên các bãi triều thấp và các thể địa lí ngầm). Lúc này lúc khác, đại diện chính thức của Trung Quốc chỉ nói rằng Trung Quốc có "chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa [Trường Sa] và các vùng biển liền kề." Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ nói rõ những thể địa lí nào ở Biển Đông là đảo được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), những thể địa lí nào là đá (rock) chỉ được hưởng lãnh hải, và những thể địa lí nào là đảo nhân tạo bảo đảm chỉ có tối đa một vùng an toàn 500 mét. Dù trong luật lãnh hải năm 1992, Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng đường cơ sở thẳng cho toàn bộ bờ biển và tất cả các đảo, họ chưa vẽ ra hoặc công bố đường cơ sở cho bất kì thể địa lí nào trong nhóm đảo Trường Sa như theo đòi hỏi của Điều 16 của UNCLOS. Và thậm chí sau khi Hoa Kì tiến hành cuộc FONOP tuần này, Trung Quốc vẫn mập mờ về bản chất cụ thể của các thể địa lí trong quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh những thể địa lí mà họ yêu sách.

Washington đã cố rõ ràng về nhiều vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông, và có thể cũng rất cần rõ ràng hơn về các khía cạnh khác trong tương lai. Nhưng tiến sĩ Bateman cũng nên kêu gọi Bắc Kinh chính thức làm rõ những thứ mà họ đang yêu sách ở Biển Đông chính xác là gì và nêu rõ cơ sở của chúng theo luật pháp quốc tế cho việc đưa ra các yêu sách đó.

FONOP của Mĩ thách thức các yêu sách biển quá đáng chứ không phải các yêu sách chủ quyền mâu thuẫn nhau

Tiến sĩ Bateman cũng giả định rằng các hoạt động FON của Mĩ có thể có ý định dùng để "phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các thể địa lí có tranh chấp." Một lập luận như vậy đơn giản hoá quá mức tình hình Biển Đông vốn là một ví dụ điển hình về một vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế liên quan đến các tranh chấp địa lí. Thực tế là tình hình Biển Đông bao gồm nhiều loại hình tranh chấp quốc tế: (1) các yêu sách chủ quyền lãnh thổ tranh chấp nhau, (2) các yêu sách biển chồng lấn và tranh chấp nhau, và (3) các yêu sách biển thái quá.

Điều quan trọng là phải hiểu được bản chất của những tranh chấp đó, vì các loại tranh chấp khác nhau áp dụng các bộ phận luật pháp quốc tế khác nhau. (Luật tập tục [customary law] về chủ quyền áp dụng cho loại tranh chấp thứ nhất, trong khi luật biển quốc tế áp dụng cho hai loại sau.)

Thích đáng hơn với giả định thiếu chính xác của tiến sĩ Bateman, điều quan trọng là phải hiểu được các loại tranh chấp khác nhau ở Biển Đông vì nhiều chính sách quốc gia khác nhau của Mĩ áp dụng cho tình huống phức tạp đó cùng một lúc. Đối với tranh chấp chủ quyền lãnh thổ mà Hoa Kì không phải là một bên, chính sách của Hoa Kì thường là không đứng về bên nào trong các nước yêu sách chủ quyền lãnh thổ mà kêu gọi các bên tranh chấp giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Đồng thời, đối với các yêu sách biển thái quá, Hoa Kì sẽ áp dụng chính sách FON đã có lâu nay.

Như một vấn đề thực hành, việc áp dụng cùng lúc nhiều chính sách của Mĩ diễn ra thế nào? Hãy xét quần đảo Hoàng Sa ở nửa phía bắc của Biển Đông như một ví dụ. Có nhiều bên yêu sách (tức là, Trung Quốc, Đài Loan, và Việt Nam) khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, tất cả ba bên yêu sách đều đề ra những điều hạn chế trong các vùng biển xung quanh các thể địa lí đó mà Hoa Kì đã đánh giá là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Ví dụ, mỗi một trong ba bên yêu sách đều ban hành luật quốc gia cố tìm cách hạn chế quyền đi qua vô hại (innocent passage) của tàu chiến nước ngoài. Khi tiến hành một FONOP để thách thức những yêu sách biển thái quá đó, Hoa Kì không đứng về bên nào trong các bên yêu sách chủ quyền các thể địa lí đó, mà Hoa Kì thách thức các yêu sách biển quá đáng mà mỗi bên yêu sách đang khẳng định trong các vùng nước xung quanh những thể địa lí này. Về bản chất, một FONOP của Mĩ xuyên qua những vùng biển xung quanh những thể địa lí đó có thể tính là một "thách thức – ba" (three-fer).

Còn về tình huống khi nhiều nước ven biển yêu sách chủ quyền cùng một thể địa lí nhưng chỉ một bên trong đó có yêu sách biển quá đáng xung quanh thể địa lí đó thì sao? Một lần nữa, Hoa Kì tập trung việc thách thức vào yêu sách biển quá đáng mà không đứng về bên nào có tuyên bố chủ quyền xung khắc nhau. Trong Biển Hoa Đông lân cận, quần đảo Senkaku là một tình huống có tính chất như vậy. Trung Quốc (gọi quần đảo này là Điếu Ngư [Diaoyu]) và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền đối với những thể địa lí đó. Dù Nhật Bản đã vẽ đường cơ sở thẳng dọc theo các phần của bờ biển các đảo chính của mình, một số trong đó Hoa Kì thấy là quá đáng, Nhật Bản không đưa ra yêu sách biển nào quá đáng ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku. Ngược lại, tháng 9 năm 2012, Trung Quốc đã vẽ một cách không phù hợp đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo này. Hoa Kì đã đưa ra một phản kháng (demarché) với Trung Quốc tháng 3 năm 2013 như là một phần của Chương trình FON Mĩ, thách thức đường cơ sở không phù hợp xung quanh quần đảo Senkaku. Phản kháng nêu, "Hoa Kì sẽ không đứng về bên nào đối với chủ quyền tối thượng của quần đảo Senkaku. Bất kể yêu sách chủ quyền thế nào, luật pháp quốc tế không cho phép vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh các thể địa lí này." Như vậy, bất kì FONOP nào của Mĩ trong vùng lân cận quần đảo Senkaku sẽ thách thức yêu sách biển quá đáng đó mà không đứng về phe nào trong vấn đề các yêu sách chủ quyền xung khắc nhau đối với chính các thể địa lí này.

Về vấn đề cụ thể của FONOP của Mĩ xung quanh các thể địa lí tôn tạo/đôn cao ở  Biển Đông, tác giả hoan nghênh nỗ lực gần đây của Shannon Tiezzi trong việc tháo gỡ vấn đề phức tạp về điều mà các FONOP cụ thể đó đang thực sự thách thức là gì.

FONOP của Hoa Kì không phân biệt đối xử

Tiến sĩ Bateman cũng giả định rằng Hoa Kì sẽ tiến hành "các hoạt động FON chỉ chống lại các yêu sách của Trung Quốc" ở Biển Đông. Nhưng giả định đó cũng không chính xác. Chương trình FON của Mĩ không phân biệt đối xử đối với các nước - nó tập trung vào những yêu sách mà mỗi nước riêng lẻ khẳng định. Chương trình này thách thức tính chất thái quá của các yêu sách biển, bất kể bản chất mối quan hệ giữa Hoa Kì với các nước ven biển có yêu sách. Trong thực tế, nếu xem lại các báo cáo hàng năm của FON sẽ thấy rằng Hoa Kì thường xuyên thách thức như nhau các yêu sách biển thái quá của đối thủ cạnh tranh, đối thủ tiềm tàng lẫn đồng minh và đối tác.

Trong nhiều thập kỉ, chính phủ Mĩ đã thách thức về mặt ngoại giao và bằng hành động các yêu sách biển quá đáng của các nước ven biển trong mọi khu vực trên thế giới. Chúng bao gồm các thách thức đối với yêu sách biển quá đáng của nhiều nước quanh Biển Đông. Trên thực tế, trước khi chương trình FON Mĩ được chính thức thành lập vào cuối những năm 1970, Hoa Kì đã phản đối ngoại giao yêu sách biển quá mức của Cộng hòa Philippines vào năm 1961. Khi xem lại các báo cáo hàng năm về Tự do Hàng hải của Bộ Quốc phòng (DoD) sẽ thấy rằng các hoạt động FON của Mĩ trong những năm gần đây đã được tiến hành một cách nhất quán không phân biệt đối xử chống lại yêu sách biển thái quá không những của Trung Quốc mà còn của Malaysia, Philippines, Đài Loan, và Việt Nam.

Với lịch sử của Chương trình FON của Mĩ như thế, sẽ hợp lí khi giả định rằng Hoa Kì sẽ tiếp tục thách thức những yêu sách quá đáng trong tương lai. Sự khác biệt duy nhất là Hoa Kì có thể sẽ thách thức ít hơn các yêu sách của một số trong các nước ven biển đó, đặc biệt là của Philippines và Việt Nam. Nhưng đó không phải là vì Hoa Kì đang đứng về phe nào hoặc phân biệt đối xử nghiêng về bên này hoặc chống lại bên khác mà bởi vì hai nước này đã ban hành luật biển quốc gia trong vài năm qua (Philippines năm 2009, Việt Nam năm 2012) vốn đã chỉnh sửa thành công một số trong các yêu sách biển thái quá có từ lâu của họ phù hợp với luật pháp quốc tế. Như vậy, việc Hoa Kì sẽ thách thức yêu sách biển trong khu vực hay không phụ thuộc nhiều hơn vào việc Trung Quốc và các bên yêu sách khác có duy trì hoặc chỉnh sửa các yêu sách biển quá đáng của mình hay không.

FONOP của Mĩ là có chủ ý về bản chất nhưng không phải là khiêu khích có chủ ý

Tiến sĩ Bateman cũng đặc tả không công bằng các FONOP của Mĩ như là "các khiêu khích có chủ ý." Ộng cáo buộc chính phủ Mĩ có ý định kích động phản ứng từ một nước ven biển. Tuy nhiên, ông không cung cấp bằng chứng hậu thuẫn cho khẳng định này. Như đã bàn trước đây, FONOP của Mĩ - cũng như các thành tố khác của Chương trình FON của Mĩ - là có chủ ý về bản chất. Đó là, chúng được hoạch định kĩ lưỡng, duyệt xét lại về mặt pháp lí, được phê duyệt đúng cách, và được thực hiện một cách chuyên nghiệp. Nhưng chúng không có ý định khiêu khích. Thay vào đó, chúng có ý định cho thấy Mĩ không ngầm chấp nhận các yêu sách biển quá đáng do các nước khác đưa ra. Chấp nhận ngầm/mặc nhận (asquiescence: im lặng/không có phản ứng được coi là chấp nhận) không phải là một khái niệm mới mà đúng hơn là một nguyên tắc đã được thiết lập vững chắc từ lâu của luật pháp quốc tế.

Khi nói đến vấn đề khiêu khích, tiến sĩ Bateman một lần nữa chuyển sang một trọng tâm có ích, nhưng lại hướng sự chú ý sai chỗ. Hành động cố ý của nước nào là nguồn gốc nẩy sinh phản ứng của các nước khác? Chính cái nước ven biển đã quyết định đưa ra một yêu sách biển cố phủ nhận hoặc hạn chế quyền tự do trên biển được đảm bảo cho các nước khác. Ví dụ, Trung Quốc đã ban hành một đạo luật quốc gia hạn chế quyền đi qua vô hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của mình. Tuy nhiên, Điều 24 của UNCLOS nêu rõ rằng nước ven biển không được "áp đặt các đòi hỏi đối với các tàu nước ngoài mà tác dụng thực tế là phủ nhận hoặc làm suy yếu quyền đi qua vô hại." Với quy định rõ ràng này của luật quốc tế thì các nước khác trông cậy vào cái gì? Một số nước có thể giữ im lặng vì một số lí do nào đó. Nhưng có thể dễ đoán trước được rằng các nước khác, chẳng hạn như Hoa Kì, sẽ thách thức hành động đơn phương đó của nước ven biển, bằng các phản đối ngoại giao và thực hiện việc đi qua trên thực tế. Trong ý nghĩa đó, các yêu sách biển quá đáng mới là hành động có chủ ý làm nảy sinh phản ứng từ những nước khác.

FONOP của Mĩ bảo vệ ý nghĩa về Luật quốc tế áp dụng được như mong muốn

Tiến sĩ Bateman cũng cáo buộc Hoa Kì về "việc cố quay ngược đồng hồ đối với chế độ EEZ đã được cẩn thận cân bằng" trong UNCLOS. Có lẽ, với nhận xét này ông có ý định làm một lời chỉ trích đối vối lập trường hay cách tiếp cận pháp lí của Hoa Kì. Tuy nhiên, trong tư cách một người không là luật sư hay phát biểu về các vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế, Tiến sĩ Bateman có thể không nhận ra rằng đó đúng là những gì một nước nên làm trong việc áp dụng luật quốc tế đúng cách: dựa vào lời văn gốc và lịch sử đàm phán của một điều ước để bảo toàn tính toàn vẹn của các quy định pháp luật phản ánh trong điều ước đó.

Luật quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Vienna về Luật điều ước, vạch ra các cách thức đã được thiết lập cho các nước giải thích và áp dụng các điều ước quốc tế. Cụ thể, bộ phận luật [quốc tế] này hỏi các nước phải giải thích một điều ước theo "ý nghĩa thông thường" của các từ ngữ của nó, trong “ngữ cảnh của chúng," và dưới "ánh sáng của đối tượng và mục đích của điều ước." Bộ phận luật quốc tế này cũng chấp nhận, nếu một điều khoản cụ thể của một điều ước "không rõ ràng hoặc tối nghĩa" thì các nước có thể tham khảo các phương cách giải thích bổ sung, kể cả lịch sử đàm phán điều ước. Tương tự như vậy, các nước không được phép diễn giải lại các quy định của luật pháp trong điều ước trái với ý nghĩa thông thường của chúng, tách chúng ra khỏi ngữ cảnh, hoặc bỏ qua đối tượng, mục đích, và lịch sử đàm phán của điều ước.

Đối với vấn đề cụ thể về EEZ, Hoa Kì dựa trên những quy tắc diễn giải quốc tế đã được thừa nhận, chính xác là để đề cao và giữ gìn cái "chế độ đặc quyền kinh tế đã được cẩn thận cân bằng" phản ánh trong UNCLOS. Khái niệm độc đáo (sui generis) về EEZ nảy sinh do một số nước ven biển tìm cách bảo vệ các nguồn tài nguyên trong vùng biển trong vòng 200 hải lí đầu tiên dọc theo bờ biển của mình, và EEZ là một kết quả thương thảo nhằm đảm bảo các quyền lợi liên quan đến tài nguyên kinh tế cho các nước ven biển, nhưng mặt khác cũng bảo toàn các quyền tự do hiện có mà các nước khác được hưởng. Nó không tạo ra một khu vực an ninh – thật ra, các nỗ lực tìm cách chuyển đổi nó thành khu vực an ninh trong quá trình đàm phán UNCLOS đã bị cố ý bác bỏ. Ngữ cảnh của UNCLOS cũng có liên quan. Ví dụ, lời lẽ trong UNCLOS cấm các nước không được thu thập thông tin có thể "gây phương hại đến quốc phòng, an ninh của một nước ven biển," trong lãnh hải một nước ven biển, nhưng không có quy định tương đương hạn chế các hoạt động tương tự trong EEZ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Đại sứ SingaporeTommy Koh, chủ tịch của hội nghị Liên Hiệp Quốc đàm phán và ký kết UNCLOS tuyên bố năm 1984: "Không ở chỗ nào nó nêu rõ liệu một nước thứ ba có thể hoặc không thể tiến hành các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước ven biển. Nhưng, theo cách hiểu thông thường thì lời văn mà chúng tôi đàm phán và nhất trí cho phép các hoạt động đó được tiến hành."

Trái lại, chỉ trích trước đâygần đây của tiến sĩ Bateman về FONOP của Mĩ dường như bỏ qua "đồng hồ" này (tức là lời văn và lịch sử đàm phán UNCLOS) khi nói đến quyền đi qua vô hại. Chẳng hạn, ông chất vấn liệu quyền đi qua vô hại có đảm bảo cho các tàu chiến hay không. Nhưng quyền đi qua vô hại được đặt ra trong một tiểu mục của UNCLOS có tên, "Những quy định áp dụng cho tất cả tàu thuyền." (Nhấn mạnh thêm vào.) Và, do đó, không có gì ngạc nhiên khi cũng chính Đại sứ Koh phát biểu: "Tôi nghĩ rằng Công ước khá rõ ràng về điểm này. Tàu chiến, giống như các tàu khác, có quyền đi qua vô hại trong lãnh hải, và không có đòi hỏi nào buộc tàu chiến phải có được sự chấp thuận trước hoặc thậm chí thông báo của nước ven biển."

Biết rằng quyền đi qua vô hại là một quyền mà tất cả các tàu, kể cả tàu chiến, đều được hưởng, vấn đề là: các thông số quy phạm pháp luật về quyền đó là gì? Lời văn của UNCLOS đòi hỏi việc đi qua vô hại của một con tàu phải "liên tục và nhanh chóng" (Điều. 18). Đối với đòi hỏi mà hơn 100 nước trên thế giới đã đàm phán và ký kết trong suốt hơn mười năm đàm phán, tiến sĩ Bateman đã thêm vào một cách khó giải thích một đòi hỏi bổ sung rằng việc đi qua [vô hại] của tàu chiến cũng phải "thẳng tắp" (direct) - mà không giải thích nguồn gốc cho đòi hỏi bổ sung đó. Nhưng, như Pete Pedrozo, một trong những đồng nghiệp của tôi đã viết tinh gọn đáp trả chỉ trích trước đó của tiến sĩ Bateman, "Chẳng có điều nào trong UNCLOS gợi ý rằng một con tàu thực hiện việc đi qua vô hại phải chạy theo một đường thẳng từ điểm A tới điểm B."

Ngoài ra, lời văn trong UNCLOS đòi hỏi việc đi qua "vô hại" phải ngưng không được thực hiện một danh sách 12 hoạt động cụ thể có thể làm "phương hại đến an ninh của các nước ven biển" (Điều. 19). Trong số các hoạt động bị cấm là con tàu can dự vào bất kì việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thu thập thông tin chống lại nước ven biển, hoặc can thiệp vào hệ thống thông tin liên lạc của nước ven biển. Mặc dù danh sách cụ thể của hoạt động bị cấm này có tính chất gói trọn mọi thứ (exhaustive), tiến sĩ Bateman cho rằng chỉ việc "phái" tàu chiến nước ngoài đi qua lãnh hải của nước khác "có thể là một hành vi vi phạm quyền đi qua vô hại." Lí thuyết mà ông cho là đúng là cách mạng trong bản chất và sẽ làm mất hiệu lực trên thực tế danh sách nêu ở Điều 19 của Công ước. Tuy nhiên, một lần nữa, ông không giải thích ý thích cá nhân của ông được chuyển hóa thành luật quốc tế ở chỗ nào. Như chuyện đương nhiên, ông cũng không cung cấp bằng chứng nào cho thấy rằng quân đội Mĩ đã can dự vào bất kì hành động nào trong số 12 hoạt động bị cấm trong khi tiến hành FONOP để bảo toàn quyền đi qua vô hại. Tóm lại, lời lẽ xa gần đó là không có căn cứ về pháp lí và thựctế.

FONOP của Mĩ kì vọng các nước khác tuân theo Luật Quốc tế một cách nhất quán

Một trong những khẳng định vô lí nhất của tiến sĩ Bateman là nỗ lực phân biệt vụ tàu Trung Quốc mới đây chạy ngang qua lãnh hải của Mĩ quanh quần đảo Aleutian gần Alaska với vụ Mĩ tiến hành FONOP gần các thể địa lí tôn tạo/đôn cao ở Biển Đông. Cụ thể, ông lập luận, "Trong khi điều tàu tuần tra vào lãnh hải của nước khác đặc biệt là để chứng tỏ quyền được đi ngang qua có thể là một hành vi vi phạm quyền đi qua vô hại, các tàu Trung Quốc đã thực hiện việc đi qua thẳng tắp." Như chuyện hiển nhiên, lời giải thích của tiến sĩ Bateman phớt lờ thực tế rằng hải quân Trung Quốc mới kết thúc việc tập trân với hải quân Nga mấy ngày trước chuyến đi qua vô hại, và tàu chiến của Trung Quốc đã phải đi chệch đáng kể ra khỏi lộ trình của họ sau đó để tiến hành cái mà Tiến sĩ Bateman đặc tả như việc "đi qua thẳng tắp". Quan trọng hơn, nó bỏ qua thực tế chính trị rằng quan điểm của Trung Quốc về luật pháp quốc tế có thể đang trong quá trình phát triển, ít nhất là khi liên quan đến các đại dương ngoài Đông Á.

Mười năm trước đây,cũng chính tiến sĩ Bateman dự đoán như sau: "Đã có những kì vọng rằng Trung Quốc, khi phát triển về tầm vóc như một cường quốc biển, có thể chuyển đổi từ địa vị của một nước ven biển sang địa vị của một cường quốc biển tìm cách mở rộng tối đa các quyền tự do theo luật biển. Tuy nhiên, theo cách nhìn của tôi, điều này ít có khả năng xảy ra. Vị thế của Trung Quốc về các vấn đề này của luật biển là bám rể quá chặt. Thay vì chuyển đổi vị thế của mình, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục với các chính sách hiện có của họ, hoặc thậm chí tăng cường chúng hơn nữa."

Tuy nhiên, trong thập kỉ qua một Trung Quốc đang trỗi dậy với các lợi ích tăng thêm trên toàn thế giới đã và đang dần tiến gần tới một nan đề trên biển: Trung Quốc sẽ tiếp tục coi chính mình thuần là một nước ven biển dễ bị xâm hại đối với các mối đe dọa bên ngoài? Hoặc Trung Quốc sẽ nắm lấy tầm quan trọng của việc gìn giữ quyền tự do trên biển nhằm bảo vệ tốt hơn lợi ích mở rộng của mình?

Bất chấp dự báo của tiến sĩ Bateman mười năm trước, các hành động gần đây của Trung Quốc trên biển gợi ra rằng họ đã chọn tự do hàng hải "tối đa", ít nhất là khi họ muốn nói tới tự do cho các đại dương nằm trong khu vực biển của các nước khác. Một thực tế khó chối cãi là hải quân Trung Quốc, trong vài năm qua, đã nhiều lần tiến hành các hoạt động quân sự trong EEZ của Mĩ (quanh Guam và Hawaii), Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ. Đồng thời, các tàu chiến của Trung Quốc cũng đã thực hiện quyền đi qua vô hại trong lãnh hải của một số nước, trong đó có Hoa Kì. Khi bị chất vấn về những hoạt động và việc đi qua đó của Hải quân Trung Quốc, các quan chức Trung Quốc đã không phủ nhận các sự việc đó.

Tất nhiên, mọi nước phải áp dụng luật quốc tế, bao gồm cả luật biển, một cách nhất quán - dù hành động trong các khu vực biển của mình hoặc trong các khu vực biển của các nước khác. Phản ứng của Mĩ đối với việc Trung Quốc đi ngang qua biển gần đây và các hoạt động của họ trong các vùng biển của nhiều nước khác, trong đó có cả những hoạt động tiến hành bên trong các khu vực biển của Mĩ, đã được tôn trọng vì nó phù hợp với luật pháp quốc tế. Với việc đi qua đó cũng như các hoạt động đã thực hiện của quân đội Trung Quốc, cuộc tranh luận pháp lí về các hoạt động quân sự của Mĩ trong EEZ của Trung Quốc và việc tàu chiến Mĩ tiến hành quyền đi qua vô hại trong lãnh hải của Trung Quốc đã kết thúc. Bất Kì nỗ lực nào tìm cách giải thích khác đi chỉ đơn thuần sẽ là một nỗ lực xảo ngôn pháp lí. (cụm từ ‘xảo ngôn pháp lí’ [legal rhetoric], theo tác giả có nghĩa là sử dụng các điều khoản của điều ước ngoài ngữ cảnh thích hợp để gán ép các lập luận chính trị hoặc đưa ra các lập luận mâu thuẫn với hành động của mình.)

FONOP của Mĩ thách thức các điều hạn chế đơn phương hơn là chấp nhận xảo ngôn mê hoặc

Nói về điều này, tiến sĩ Bateman dường như đã chấp nhận một số các xảo ngôn pháp lí của Trung Quốc dựa trên vẻ bề ngoài. Một ví dụ về một xảo ngôn như vậy là khi tiến sĩ Bateman nói rằng "Trung Quốc đã nhiều lần chối bỏ rằng họ tạo ra một mối đe dọa [đối với Tự do hàng hải]." Tuy nhiên, ta nên thận trọng trong việc chấp nhận sự phủ nhận bằng lời như vậy, và thay vì vậy nên xem xét cả lời nói lẫn hành động của Trung Quốc trong tư cách một nước ven biển.

Trong hai thập kỉ qua, Trung Quốc đã ban hành một trong các chế độ pháp lí toàn diện nhất về các yêu sách biển quá đáng so với bất kì nước ven biển nào trên thế giới. Trung Quốc đã vẽ không đúng cách đường cơ sở thẳng dọc theo toàn bộ bờ biển lục địa của mình, dù UNCLOS chỉ cho phép sử dụng các đường cơ sở như vậy trong những tình huống đặc biệt. Trung Quốc đã vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Senkaku, dù UNCLOS chỉ chấp nhận quyền đó cho nước quần đảo mà thôi. Trung Quốc hạn chế quyền đi qua vô hại của tàu chiến nước ngoài trong lãnh hải của mình, dù UNCLOS đảm bảo quyền đó cho tất cả các tàu thuyền. Trung Quốc đã áp đặt hạn chế an ninh trong vùng tiếp giáp lãnh hải của họ, dù UNCLOS chỉ cho phép thực thi bốn dạng hạn chế theo luật pháp quốc gia mà thôi (đó là, tài chính, di trú, vệ sinh môi trường, và hải quan). Và Trung Quốc hạn chế các hoạt động nước ngoài trong EEZ của họ, dù UNCLOS thiết lập EEZ để bảo vệ "quyền chủ quyền" liên quan đến tài nguyên. Dù một số nước ven biển trên thế giới đã đưa ra các yêu sách biển quá đáng thuộc một hoặc hai trong số bốn dạng này, Trung Quốc là một trong bảy nước ven biển trên toàn thế giới có một "bộ đầy đủ” (full-house) các yêu sách biển quá đáng ảnh hưởng đến tự do trên biển được bảo đảm cho các nước khác ở mỗi khu vực biển của mình.

Tệ hơn nữa, chế độ pháp lí của Trung Quốc cho các yêu sách biển quá đáng là một chế độ đang có khuynh hướng đi sai hướng. Một số nước ven biển có thể đưa ra lập luận rằng các yêu sách biển quá đáng của họ chỉ đơn giản là các luật lệ kế thừa, có trước ngày phê chuẩn UNCLOS và không còn hiệu lực. Nhưng Trung Quốc đã tiếp tục tạo ra các yêu sách biển quá đáng mới trong những năm gần đây, chẳng hạn như đường cơ sở thẳng không đúng cách quanh quần đảo Senkaku vào năm 2012 và vùng nhận dạng phòng không rộng quá mức ở Biển Hoa Đông vào năm 2013.

Như vậy, bất chấp có sự đảm bảo bằng lời của Trung Quốc, các văn bản luật pháp và các hoạt động khác của họ không làm Hoa Kì và các nước khác yên tâm rằng Trung Quốc không tạo ra một mối đe dọa cho sự tự do trên biển trong vùng biển và vùng trời Đông Á, kể cả những vùng biển và vùng trời ở Biển Đông.

Lời kết

Điểm gây rối rắm nhất do tiến sĩ Bateman tạo ra là cách ông cố tối thiểu hoá những gì đang bị đe dọa khi nói đến yêu sách biển quá đáng của Trung Quốc. Cụ thể, ông nói, "Đó gần như là một chuyện vặt mà một sự cố nguy hiểm giữa quân đôi Trung Quốc và Mĩ có nguy cơ nảy ra từ đó." Đây không phải là chuyện vặt mà là chuyện lớn.

Các nước trên thế giới, kể cả Hoa Kì và Trung Quốc, dành hơn một thập kỉ để đàm phán UNCLOS. Hoa Kì không phải là một thành viên của Công ước (nhưng thừa nhận sẽ là); tuy nhiên, Hoa Kì từ lâu đã xem các quy tắc trong Công ước như phản ánh luật tập tục có tính ràng buộc. Hơn nữa, quân đội Hoa Kì và Trung Quốc đều rõ ràng công nhận UNCLOS như là bộ quy tắc cần áp dụng, với Hoa Kì công nhận rằng Trung Quốc là một thành viên [UNCLOS] và Trung Quốc thừa nhận rằng Hoa Kì "hậu thuẫn và tuân thủ pháp luật tập quán quốc tế như được phản ánh" trong UNCLOS. (Việc chỉ ra rằng Hoa Kì không phải là một bên tham gia UNCLOS chỉ đơn thuần là một cách để ghi điểm tu từ -. nhưng điều đó không làm cho những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế quyền tự do hàng hải đảm bảo cho tất cả các nước, trong đó có Hoa Kì, giảm đi tính đúng đắn)

Bộ phận luật [quốc tế] phản ánh trong UNCLOS là một sự cân bằng chủ ý các lợi ích giữa nước ven biển và các nước sử dụng biển. Nó phải được tôn trọng trên toàn cầu. Nó phải được tuân theo một cách nhất quán. Trong bối cảnh này, việc ngầm chấp nhận cho hành động của bất kì nước ven biển nào có ý định làm suy giảm sự tự do của các vùng biển được luật hóa trong UNCLOS không phải là một lựa chọn chấp nhận được. Việc không chấp nhận ngầm là các nguyên lí cơ bản của Chương trình FONcủa Mĩ, bao gồm cả FONOP được tiến hành theo chương trình đó. Chế độ luật quốc tế cơ bản và phổ quát này sẽ được phép tháo dỡ cho phù hợp với mong muốn của một nước? Nếu chế độ luật quốc tế này được phép làm cho méo mó bởi những ham muốn đơn phương của một nước nào đó thì chế độ luật quốc tế nào sẽ có nguy cơ kế đó? Đây không phải là "chuyện vặt", tiến sĩ Bateman ạ. Rất nhiều thứ đang bị đe doạ.

Commander Jonathan G. Odom là một luật sư của Hải quân Mĩ. Hiện nay, ông là Giáo sư Luật tại College of Security Studies thuộc the Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies tại Honolulu, Hawaii, ở đó ông dạy luật quốc tế, luật an ninh quốc gia, chính sách đại dương, và an ninh biển. Từ năm 2012 đến tháng 8 năm 2015, ông giữ chức vụ Cố vấn chính sách đại dương trong Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng. Từ năm 2008 đến 2012, ông giữ chức  phó cố vấn pháp lí cho Chỉ huy trưởng bộ  chỉ huy Thái Bình Dương. Ngoài ra, cần lưu ý, trong chuyến đi đầu tiên của ông trong Hải quân mười tám năm trước đây, ông triển khai đến biển và cung cấp tư vấn về luật quốc tế khi con tàu mà ông phục vụ tiến hành ba FONOP ở Biển Đông. Đây là quan điểm riêng của ông và không nhất thiết phản ánh vị thế của Bộ Quốc phòng Mĩ hoặc bất Kì thành phần nào của Bộ

Tuesday, February 25, 2014

Mĩ không có giải đáp cho sách lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc

Mĩ không có giải đáp cho sách lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc
Robert Haddick
(bài dịch đã đăng trên Tia Sáng 25/2/2014)

John Mearsheimer gần đây cho rằng Trung Quốc (TQ) đang theo đuổi ở châu Á đìều mà Hoa Kì đã thực hiện ở châu Mĩ Latinh: bá chủ khu vực. Khi theo đuổi mục tiêu đó, TQ tiếp tục cố gặm nhấm từng chút một lãnh thổ ở biển Hoa Đông và biển Đông, kiểu làm này, được gọi cắt từng miếng salami-slicing [hay như ta diễn đạt là ‘tằm ăn dâu’].

Sách lược ‘tằm ăn dâu’ của TQ đã tăng tốc trong vài năm qua. Trong năm 2012, TQ thành lập "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm, một hòn đảo trong chuỗi đảo Hoàng Sa mà TQ chiếm đoạt của Việt Nam Cộng Hoà bằng vũ lực vào năm 1974. TQ tuyên bố rằng thành phố Tam Sa sẽ là trung tâm hành chính của toàn bộ khu vực biển đảo họ yêu sách ở Biển Đông, kể cả các yêu sách trong nhóm đảo Trường Sa. Các cơ sở quân sự và bán quân sự nhỏ trên đảo Phú Lâm củng cố hình ảnh chính đáng về chủ quyền mà TQ đang cố lập - một hình ảnh mà các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines thiếu các nguồn lực để làm theo. Chỉ mới tháng trước, TQ đã cho một tàu tuần tra bán quân sự 5000 tấn trú đóng thường trực ở đảo Phú Lâm.
Sách lược ‘tằm ăn dâu’ nhắm vào lãnh thổ Philippines cũng đang tỏ ra có kết quả. Vào tháng 4/2012, hải giám TQ và các tàu tuần duyên Philippines đã bắt đầu một cuộc dằng co giành bãi cạn Scarborough nằm cách Luzon khoảng 230 km mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Thiếu nguồn lực vật chất để duy trì sự hiện diện liên tục, tuần duyên Philippines cuối cùng đã rút lui để TQ nắm quyền kiểm soát rạn san hô này. Chính quyền TQ sau đó căng dây rào rạn san hô và  ngăn chặn ngư dân Philippines quay trở lại.

Với bãi cạn Scarborough bị chiếm giữ, cuộc thi thố không cân sức giữa TQ và Philippines đã di chuyển đến đảo Ayungin (bãi Cỏ Mây) trong quần đảo Trường Sa, còn được gọi bãi ngầmThomas II. Một bài báo tháng 10/2013 trong tạp chí New York Times mô tả cuộc dằng co giữa một đội tàu hải giám hiện đại TQ và một đội lính thuỷ đánh bộ Philippines. Tám lính thuỷ đánh bộ bám trụ gần như trong điều kiện sau thảm hoạ, sống lây lất như “Mad Max” trên con tàu đổ bộ rỉ sét, hư hỏng thời thế chiến mà Philippines cố ủi mắc cạn trên đảo để làm chỗ đặt chân cuối cùng cho Philippines, trong vòng vây TQ.

Trong cuộc phỏng vấn tháng 5/2013 trên truyền hình TQ, Thiếu tướng Trương Triệu Trung (Zhang Zhaozhong) của Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ đã mô tả "chiến lược cải bắp" mà TQ đang sử dụng trong biển Đông. Theo tướng Zhang, chiến lược cải bắp gồm việc bao vây một hòn đảo đang tranh chấp với vòng trong vòng ngoài tàu đánh cá , tàu ngư chính, tàu hải giám, và tàu chiến của TQ sao cho "hòn đảo bị bao bọc hết lớp này tới lớp khác như một bắp cải." Về việc giành lãnh thổ của Philippines, tướng Zhang nói chúng ta nên làm những điều như vậy nhiều hơn trong tương lai. Đối với những đảo nhỏ này, chỉ có một vài binh bính có thể đóng chốt trên mỗi đảo, nhưng ở đó không có thức ăn hoặc ngay cả nước uống cũng không có. Nếu chúng ta thực hiện chiến lược cải bắp, thì không thể chuyển thức ăn và nước uống tới đảo được. Nếu không được cung ứng một hoặc hai tuần, lính đóng quân sẽ tự rời khỏi đảo. Một khi họ đã rời đi, họ sẽ không bao giờ có thể quay trở lại.

Ở biển Hoa Đông, va chạm giữa TQ và Nhật Bản trong tranh chấp đảo Senkaku / Điếu Ngư đang nóng lên trong nhiều năm qua. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các cuộc xâm nhập của tàu chính phủ TQ trong vùng lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku đã bắt đầu tăng tốc vào cuối năm 2012 và trung bình có khoảng 5 lần xâm nhập mỗi tháng trong khoảng thời gian đầu năm 2013.

Tháng 11/2013 đã có tuyên bố đột ngột của TQ về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên phần lớn biển Hoa Đông, kể cả trên quần đảo Senkaku. Một vài ngày sau đó, ở biển Đông, một tàu chiến TQ gần như đụng phải tàu tuần dương tên lửa có hướng dẫn USS Cowpens, một tín hiệu bất bình với việc tàu tuần dương này dòm ngó tàu sân bay mới của TQ đang chạy thử nghiệm. USS Cowpens sau đó rút đi, người Mĩ hẳn không muốn liều lĩnh để thành một cuộc chạm trán. Cuối cùng, vào tháng 1/2014, một cơ quan địa phương TQ ở Hải Nam đã ban hành lệnh đòi hỏi các tàu đánh cá nước ngoài hoạt động trong biển Đông (cách xa vùng đặc quyền kinh tế của TQ) trước hết phải có giấy phép đánh bắt của họ.

Một ví dụ khác về cố gắng của TQ để thiết lập nhận thức về chủ quyền ở biển Đông là nỗ lực phát triển kinh tế trong khu vực. Tháng 8/2012, Tổng công ti quốc gia dầu khí ngoài khơi TQ (CNOOC), công ty quốc doanh khai thác dầu khổng lồ mời các các công ti khoan dầu khí nước ngoài đấu thầu các lô ở biển Đông nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ). Thật ra, trước đây Việt Nam đã từng hợp đồng cho thuê một số trong các lô này. Tương tự như vậy, TQ và Philippines cũng từng đụng độ về dầu khí ven đảo Palawan.

Hàng loạt trò ‘tằm ăn dâu’ dù chưa liệt kê đủ cho thấy TQ đang gắng hoàn tất ba mục tiêu:
1.    TQ sử dụng lợi thế vật chất về tàu dân sự, bán quân sự, và quân sự để tạo ra một hình ảnh hiện diện vượt trội và lâu bền, so với các đối thủ yếu hơn như Việt Nam và Philippines. Mục tiêu là tạo ấn tượng về tính hợp pháp duy nhất và đúng lúc về chủ quyền.
2.    TQ hi vọng tạo dựng được các chỉ dấu truyền thống về thẩm quyền nhà nước. Các chỉ dấu này bao gồm việc các tàu hải giám bán quân sự và tàu hải quân tuần tra liên tục, lập Văn phòng Chính phủ ở những nơi như đảo Phú Lâm, lập cơ sở và đơn vị trú đóng bán quân sự và quân sự, ban hành lệnh và quy định hành chánh, và thiết lập các hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước như CNOOC.

3.    Các sự kiện như việc thành lập ADIZ ở biển Hoa Đông và việc gần như đụng tàu sân bay USS Cowpens được bày vẽ để cố tình làm tăng thêm rủi ro cho các hoạt động của Mĩ và đồng minh trong khu vực, với mục tiêu làm cho những hoạt động đó tốn kém hơn và thưa dần đi. Khi mức độ hiện diện của Mĩ và đồng minh giảm xuống, ảnh hưởng của TQ và tính chính đáng của yêu sách của họ sẽ tăng lên.

Phản ứng của Mĩ
Chính phủ Mĩ không có phản ứng rõ rệt đối với sách lược ‘tằm ăn dâu’ của TQ. Các quan chức Mĩ, trong đó có Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mĩ, Đô đốc Samuel Locklear, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kì đã bày tỏ sự hối tiếc về tuyên bố ADIZ của TQ, và khẳng định ý định tiếp tục các hoạt động quân sự thông thường của Mĩ trong vùng nhận dạng đó và các nơi khác trong khu vực. Tuy nhiên, TQ đã không phải chịu trừng phạt nào cho hàng loạt các hành động của họ. Liên quan đến các yêu sách tranh chấp nhau ở hai biển này, chính sách chính thức của Washington là các nước láng giềng của TQ tự lo liệu - Hoa Kì sẽ không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Hoa Kì cũng phản đối việc sử dụng cưỡng chế trong giải quyết tranh chấp. Nhưng mỗi hành động ‘tằm ăn dâu’ riêng lẻ của TQ đều được hiệu chỉnh cẩn thận để lọt xuống dưới ngưỡng mà hầu hết các nhà quan sát bên ngoài sẽ xem như là cưỡng chế công khai.

Không vấp phải phản kháng nào đối với hành động của mình, TQ chắc chắn sẽ tiếp tục sách lược ‘tằm ăn dâu’. Phần lá dâu gặm nhấm tương lai của TQ có thể bao gồm:

•    Máy bay thám sát không người lái TQ tuần tra trên quần đảo Senkaku

•    TQ đổ bộ dân phản kháng lên quần đảo Senkaku

•    Máy bay chiến đấu TQ ngăn chặn và hộ tống các máy bay Nhật Bản quá cảnh vùng ADIZ của TQ ở biển Hoa Đông.

•    Tuyên bố ADIZ của TQ ở một số phần của biển Đông

•    Khám xét, bắt giữ tàu đánh cá Việt Nam hoặc Philippines vì không tuân thủ chính sách đánh bắt cá của TQ

•    Ngăn chặn việc tiếp tế hoặc thay thế các đơn vị trú đóng Philippines trên bãi Cỏ Mây hoặc đơn vị trú quân khác trong quần đảo Trường Sa

•    Máy bay và tàu TQ tạo thêm các quấy rối với tàu chiến và máy bay tuần tra Mĩ và Nhật Bản.

Với những hành động kiểu này, TQ hi vọng sẽ từng bước tạo ra "các sự kiện mới trên thực địa" và tăng nhận thức về nguy cơ trong tâm trí của những nhà ra quyết định của Mĩ và đồng minh, tất cả đều được tính toán để xảy ra mà không gây ra cuộc đối đầu nào.

Lí thuyết về thành công của Mĩ cho đến nay
Người ta sẽ nghĩ rằng hành động ‘tằm ăn dâu’ tiếp nữa của TQ sẽ kéo căng sự kiên nhẫn của các nhà hoạch định chính sách Mĩ và đồng minh. Tuy nhiên, kiên nhẫn vẫn đang là chính sách bề nổi của Hoa Kì. Theo Kurt Campbell, trợ lí Ngoại trưởng Mĩ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trong nhiệm kì đầu của chính phủ Obama bằng cách lôi kéoTQ vào hệ thống quốc tế hiện hành, một hệ thống mà từ vẻ bề ngoài TQ hưởng lợi lớn trong ba thập kỉ qua, TQ sẽ chấp nhận và hậu thuẫn hệ thống đó (G. John Ikenberry, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton, bênh vực cho vị thế này trong một tiểu luận về Ngoại giao. Trớ trêu thay, tiểu luận này xuất hiện năm 2008, đúng ngay khi sách lược ‘tằm ăn dâu’ của TQ bắt đầu tăng tốc). Ngoài ra, Campbell giả định rằng các nhà lãnh đạo TQ sẽ thấy rằng Mĩ và các nước láng giềng của TQ, thông qua cách thức nhẹ nhàng và nhẫn nại của họ, không đặt ra một mối đe dọa an ninh cho TQ. Và có lúc họ nhận ra rằng, hành động ‘tằm ăn dâu’ của TQ sẽ kết thúc.

Thái độ quyết đoán của TQ rõ ràng đang khơi mào một phản ứng an ninh mạnh mẽ toàn khu vực.Hợp tác an ninh đang phát triển nhanh chóng, từ Ấn Độ qua Đông Nam Á và Úc, và lên đến Nhật, nhằm cân bằng sức mạnh quân sự của TQ. Chi tiêu và mua sắm của quân đội các nước khác trong khu vực dự kiến sẽ nhảy vọt tương tự nhau trong 5 năm tới. Các quan chức Mĩ có thể kết luận rằng hoạt động như vậy càng xảy ra, gánh nặng an ninh của Mĩ trong khu vực càng nhẹ đi. 

Với nhẫn nhịn, các nhà hoạch định chính sách Mĩ đã cố gắng tránh những nan đề an ninh tồi tệ trong đó các quan ngại về an ninh sẽ khiến hai hay nhiều cường quốc thành đối thủ cạnh tranh nhau, với hậu quả là chạy đua vũ trang tăng tốc và lãng phí. Sự nhẫn nhịn của Mĩ có thể là một nỗ lực có ý tốt để tránh một hậu quả như vậy ở Đông Á. Nhưng khi mà TQ cứ tiến tới trong hiện đại hoá quân đội và ‘sách lược tằm ăn dâu’, các nhà hoạch định chính sách Mĩ sẽ sớm phải đối mặt với việc buộc phải thừa nhận TQ là một cường quốc ở châu Á và rằng sách lược nhẫn nhịn đã thất bại, rõ ràng sẽ có nghĩa là quay trở lại việc răn đe và trông cậy vào tính hữu ích của sức mạnh quân sự của Mĩ và đồng minh để duy trì sự ổn định. Các quan chức Mĩ sẽ bào chữa rằng họ không bao giờ từ bỏ răn đe như là một chính sách - họ sẽ trỏ vào việc tái cân bằng châu Á và cam kết đưa 60 % lực lượng không hải quân Mĩ đóng trong khu vực làm bằng chứng. 

Phục hồi biện pháp răn đe sẽ đòi hỏi Đô đốc Locklear và Harris và các cấp trên dân sự của họ phải thẳng thắn hơn với quân đội, đồng minh, và bản thân họ đối với mục đích và nhiệm vụ cụ thể của lực lượng trú đóng ở đó của họ cũng như những thiết bị, huấn luyện cần thiết cho công việc của họ là gì. Hiện nay, Hoa Kì chưa có giải đáp cho sách lược ‘tằm ăn dâu’ của TQ. Phải có thay đổi nào đó!

Robert Haddick là nhà nghiên cứu độc lập hợp đồng cho Sở chỉ huy các hoạt động đặc biệt của Hoa Kì. Ông viết ở đây với tư cách cá nhân. Vào tháng 9/2014, Nhà in học viện Hải quân Mĩ sẽ xuất bản cuốn sách của Haddick về sự trỗi dậy thành cường quốc quân sự của TQ và chiến lược của Mĩ ở Đông Á.Dịch: Phan Văn Song
Hiệu đính: Lê Vĩnh Trương

Monday, June 10, 2013

Mĩ phớt lờ các tranh chấp biển đảo ở châu Á là liều lĩnh


Donald Gross, Pacific Forum CSIS

Đối với hầu hết người Mĩ, các yêu sách mâu thuẫn của các nước châu Á đối với các đảo nhỏ ở biển Hoa Đông và biển Hoa Nam (biển Đông) là một màn diễn phụ làm phân tán sự chú ý khỏi những vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng hơn ở Syria, Afghanistan, Bắc Triều Tiên và các nơi khác. Nhưng nhiều sự kiện gần đây cho thấy rằng việc Hoa Kì bỏ qua những tranh chấp biển đảo là đánh liều.


Hôm 9 tháng 5, một tàu tuần duyên Philippines đã nã súng một tàu đánh cá Đài Loan bị cho là đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trong vụ việc mà Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu gọi là ‘giết người một cách lãnh đạm’, lính Philippines đã bắn chết một ngư dân 65 tuổi trúng đạn ở lưng.

Hậu quả vụ việc đối với hai nước này là rất đáng kể. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III bác bỏ cáo buộc giết người nhưng đã đưa ra một ‘lời xin lỗi cá nhân’ cho vụ việc mà ông cho là ‘không có chủ ý’. Đài Loan bác bỏ lời xin lỗi và cáo buộc Philippines ‘thiếu chân thành và không đáng tin cậy’ trong việc hợp tác  điều tra. Trong khi đó, Đài Loan phái tàu hải quân đến khu vực để bảo vệ ngư dân của mình.

Phản ứng chính thức của Hoa Kì nhiều lắm là chỉ ở mức tối thiểu, với việc người phát ngôn của Bộ Ngoại giao tuyên bố rằng Hoa Kì 'hi vọng [Philippines] sẽ tiến hành’ điều tra, trong lúc đó đại sứ Mĩ tại Philippines cho biết ‘chúng tôi biết những điều này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán . ... Chúng tôi vui mừng rằng họ sẽ giải quyết những việc này như những nền dân chủ giải quyết với nhau.’

Câu hỏi thực sự là liệu Hoa Kì có thể an nhiên tự tách mình ra khỏi cuộc xung đột giữa hai đồng minh này hoặc thậm chí khỏi cuộc tranh chấp gây tranh cãi hơn giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku / Điếu Ngư hay không.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ngư dân chết đó là một người Trung Quốc bị giết vì ‘rủi ro’ và ‘không có chủ ý’ là do lực lượng hải quân Nhật Bản? Hoặc chuyện gì sẽ xảy ra nếu tàu hải tuần của Trung Quốc ở biển Đông bắn chết một nhân viên Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản? Thậm chí tệ hơn, Mĩ sẽ làm gì nếu một cuộc đụng độ chết người xảy ra giữa máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản và máy bay của Trung Quốc?

Hoa Kì đã trở thành con tin của chính sách cứng rắn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, kẻ đã ma mảnh sử dụng cuộc tranh chấp đảo để kích động tình cảm dân tộc và củng cố vị thế chính trị trong nước của ông ta.

Trong tình huống xảy ra cuộc đối đầu với tàu hoặc máy bay tuần tra của Trung Quốc, Abe đã thể hiện rõ rằng Nhật Bản sẽ phản ứng quyết liệt - có nghĩa là, họ sẽ bắn trước và hỏi sau - để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản. Điều đó có khả năng sẽ lôi kéo lực lượng quân sự Mĩ vào để hậu thuẫn cho Nhật Bản, dựa trên cách giải thích hiện tại của chính quyền Obama về nghĩa vụ của Mĩ theo hiệp ước phòng thủ Mĩ-Nhật - mặc dù Mĩ không công nhận chủ quyền pháp lý của Trung Quốc hay của  Nhật Bản đối với các đảo tranh chấp.

Thật kém may mắn nếu Hoa Kì phải bị bó vào việc bảo vệ yêu sách của Tokyo đối với các đảo mà họ có được bằng chinh phục trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1895.
Một tình huống tương tự xảy ra vào năm 2004 khi Đài Loan thực hiện những hành động có thể kích động một cuộc chiến tranh với Trung Quốc và lôi kéo Hoa Kì vào bởi nghĩa vụ của hiệp ước. May mắn là chính quyền Bush đã cảnh báo Đài Loan kiềm chế hành vi hung hăng của họ và tránh được một cuộc xung đột.

Không thiếu các đề xuất từ các chuyên gia chính sách, ở Hoa Kì và Châu Á, về cách làm thế nào để giảm bớt, tháo ngòi và cuối cùng là giải quyết các tranh chấp về đảo ở biển Hoa Đông và biển Hoa Nam. Chuyên gia Richard Bush của Brookings đã viết một cách sâu sắc về những cách để ngăn chặn các tình huống 'bi thảm' mà ông tin rằng có thể xảy đến giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong tranh chấp đảo. Chuyên gia cao cấp Mark Valencia của Nautilus đã vạch ra các quy định chi tiết cho một Bộ quy tắc ứng xử để giảm nguy cơ xung đột ở biển Đông.

Tôi đã lập luận rằng có thể đạt tới một giải pháp  nếu Mĩ thương lượng để Trung Quốc rút tất cả các lực lượng của họ hiện đang can dự vào việc tuần tra lãnh thổ Nhật Bản ra khỏi một khu vực an ninh xác định xung quanh Nhật Bản. Trong bất kì trường hợp nào, tất cả các nước có dính dáng tới các tranh chấp đảo đều nên nộp yêu sách của mình cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển phân xử. Cho đến nay chỉ có Philippines theo đuổi cách tiếp cận thứ hai này.

Sự thật đáng buồn là các đề xuất của chuyên gia sẽ không ra tích sự gì nếu quốc gia hiện đang chế ngự khu vực châu Á - Thái Bình Dương – là Hoa Kì - vẫn tiếp tục nhìn hướng khác khi mối đe dọa về xung đột vũ trang nghiêm trọng đối với các đảo nhỏ nẩy nở ra. Bày tỏ ‘hi vọng’ và đưa ra ‘khuyến khích’ cho các nước châu Á tự giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp khó khăn này là không xứng đáng với một đất nước có sức mạnh chính trị, ngoại giao và quân sự để thúc đẩy và đạt tới giải pháp cho xung đột. Không cần phải nói, một thái độ chủ yếu là né tránh cũng ít có tác dụng củng cố vị thế của Mĩ trong khu vực.

Donald Gross là thành viên cao cấp tại Diễn đàn Thái Bình Dương, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao, và là tác giả của The China Fallacy: How the US Can Benefit from China’s Rise and Avoid Another Cold War (Kẽ hở về Trung Quốc: Mĩ có thể hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và Tránh Một cuộc chiến tranh lạnh khác như thế nào) (Bloomsbury, 2013).