Saturday, January 16, 2021

Sáng chế ra Trung Quốc (Ch. 6: tiếng Trung)

 Chuong 6

SÁNG CHẾ TIẾNG TRUNG 

guoyu-quốc ngữ

 

Đối với hàng chục triệu người hâm mộ, cá vò viên là hương vị đặc trưng của Hong Kong. Đối với hầu hết khẩu vị người nước ngoài, độ dai của nó có thể gây lúng túng. Quá trình giã kéo dài thịt cá sống tạo thành một hỗn hợp xốp mà những người bán hàng trộn với bột gạo và vo thành viên tròn vui mắt. Một số đầu bếp vỉa hè luộc chúng trong nước nóng và xiên chúng vào que. Những người khác chiên chúng trong dầu rồi rưới nước sốt lên. Đối với những người tĩnh mộng, kết quả chỉ đơn thuần là thứ thức ăn kết dính từ thịt loại cá tạp thu được khi đánh bắt, nhưng đối với người Hong Kong thực sự, cá vò viên đường phố là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa thành phố địa phương.


Và không có thời điểm nào tốt hơn để thưởng thức món cá vò viên Hong Kong đúng điệu hơn Tết âm lịch. Lễ hội theo mùa này đã làm nhiều người đại lục chuyển đến Khu tự trị đặc biệt Hong Kong trong vài năm qua nhớ lại. Đối với người Hong Kong tại chỗ, nó giống như quay đồng hồ trở về thời điểm trước năm 1997, khi người đại lục bị hàng rào cao và đội tuần tra của người Anh ngăn lại. Và không có nơi nào tốt hơn để thưởng thức món cá vò viên Hong Kong vào dịp năm mới âm lịch hơn ở Sham Shui Po (深水埗: Thâm Thủy Phụ), một khu phố lao động cao tầng phía bắc Kowloon (Cửu Long), chỗ cư trú cũ của nhiều người tị nạn từ đại lục. Trong ba ngày, những người bán hàng rong không có giấy phép đã dựng các quầy hàng dọc theo các con phố ồn ào để phục vụ cho những người vui chơi: công nhân lương thấp bán thức ăn nhẹ giá rẻ. Hoạt động kinh doanh của họ là bất hợp pháp nhưng thường là cảnh sát nhắm mắt làm ngơ. Dù gì thì đó cũng vào dịp lễ hội.


Thứ Hai, ngày 8 tháng 2 năm 2016 không phải là một đêm ăn cá vò viên điển hình trong năm mới. Vào thời điểm tối thứ Hai bước sang sáng thứ Ba, 44 cảnh sát đã bị thương và 24 người đã bị bắt. Điều đó bắt đầu bằng một cuộc trấn áp vào các quầy hàng ‘bất hợp pháp’, do các quan chức của Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm của thành phố tổ chức. Để thoát, những người bán hàng rong chạy về phía nam đến Mong Kok (芒角: Mạng Giác), khu phố mua sắm và giải trí, đôi khi được mô tả là nơi sầm uất nhất trên trái đất và cũng là ‘trái tim thật sự’ của Hong Kong . Họ họp chợ trên Phố Portland, khu vực đèn đỏ nằm song song với khu mua sắm chính trên đường Nathan. Tuy nhiên, không lâu sau khi các quan chức đến doạ bắt giữ bất cứ ai điều hành một quầy hàng. Những người bán hàng rong rút vào các hẻm nhỏ. Sân khấu cho đối đầu được thiết lập. Một nhóm người biểu tình xuất hiện và bắt đầu hộ tống những người bán hàng rong quay trở lại Phố Portland. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng, mang theo khiên tự chế, mặt nạ và biểu ngữ. Một cuộc đối đầu kéo theo, các đội chống bạo động của cảnh sát đã được gọi đến, và kết quả là một trận chiến trên đường phố kéo dài 10 giờ với dùi cui, gạch, chai và hai viên đạn được bắn lên không.


Khi các đội dọn vệ sinh đường phố quét dọn đống đổ vỡ, rõ ràng đây không thực sự là cuộc chiến tranh giành quyền bán cá vò viên bất hợp pháp trên đường phố. ‘Cuộc bạo loạn cá vò viên’ năm 2016 là sự bảo vệ 'tính địa phương', một sự bùng phát phản kháng lại chính phủ ở Bắc Kinh vốn được cho là đang cố gắng đồng nhất hóa văn hóa dân tộc và theo đó xóa bỏ lối sống vốn làm người Hong Kong thấy đặc biệt. Điều đó xảy ra trong một khu vực gai góc, đầy điều ác với một thế giới ngầm do các băng nhóm Triad (Thiên Địa hội) đối thủ tranh giành khiến việc xác định nguyên nhân chính xác của sự cố khó khăn, nhưng có một chút nghi ngờ rằng nằm dưới cuộc bạo loạn là một cảm giác bức hại văn hóa mạnh mẽ. Người địa phương, bao gồm người ủng hộ cho một nhóm tự gọi mình là ‘người bản địa Hong Kong’, đã quyết biến những người bán dạo cá vò viên thành một biểu tượng bản sắc mới - một chủ nghĩa dân tộc Hong Kong đối lập với phiên bản hống hách của đại lục. Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai như một đội tấn công chính trị, không phải chống lại những người bán hàng rong mà để đè bẹp một phong trào ly khai mới chớm nở.


Khi Anh chiếm lấy hòn đảo đá Hong Kong như một phần chiến lợi phẩm từ ‘Chiến tranh thuốc phiện’ năm 1840, dân số  bản địa bao gồm một vài làng chài. Theo kiểu điển hình, người Anh đã thiết lập một chính quyền thuộc địa chỉ hoạt động bằng tiếng Anh. Trong thế kỉ rưỡi tiếp theo, hàng trăm nghìn người đại lục chạy đến thành phố để thoát khỏi đói nghèo, chiến tranh và loạn lạc tại quê nhà, mang theo các phương ngữ vùng miền khác nhau của họ. Nhưng phải đến năm 1974, cuối cùng người Anh mới bớt gay gắt với phản kháng của công chúng và cho phép sử dụng tiếng Trung như một ngôn ngữ chính thức. Tuy nhiên, họ không nói rõ phải sử dụng hình thức tiếng Trung nào, chủ yếu là vì không hề có tranh chấp: tiếng Quảng Đông là thứ tiếng được đa số cư dân nói. Và ở dạng chữ viết, người Hong Kong sử dụng chữ Hán truyền thống chứ không phải chữ giản thể do những người cộng sản ở đại lục đưa ra sau năm 1956.


Về mặt chính thức, không có thay đổi nào đối với sự sắp xếp này, mặc dù Hong Kong đã được bàn giao cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) vào năm 1997. Chữ Hán truyền thống vẫn được sử dụng trên các biển báo trên đường và các tòa nhà công cộng và tiếng Quảng Đông vẫn được sử dụng trong chính quyền và Hệ thống luật pháp. Có một số từ ngữ và hình thức diễn đạt nhất định chỉ có ở tiếng Quảng Đông và chúng được phổ biến rộng rãi thông qua ngôn ngữ chính thức và không chính thức. Tuy nhiên ‘người địa phương’ Hong Kong, như những người biểu tình ở Mong Kok tin rằng Ban lãnh đạo Cộng sản ở Bắc Kinh có ý định thay đổi điều này. Họ chưa bao giờ được tuyên bố chính thức, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy chiến dịch ‘ẩn giấu' chống lại tiếng Quảng Đông - và chống lại chính ý tưởng về bản sắc Quảng Đông - đang được tiến hành.


Một năm sau khi bàn giao, chính quyền Hong Kong đã quyết định rằng phiên bản tiếng Trung chính thức của lục địa, Putonghua (普通話: Phổ thông thoại), sẽ trở thành một môn học bắt buộc đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, nó được dạy như một thứ tiếng 'nước ngoài', có lẽ chỉ một giờ học mỗi tuần. Mười năm sau, chính quyền thành phố bắt đầu khuyến khích các trường học đưa tiếng Phổ thông thành ngôn ngữ giảng dạy. Từ năm 2008, các trường được cấp thêm kinh phí nếu họ đồng ý dạy tất cả các môn học bằng tiếng Phổ thông. Ngày càng tăng, các bậc cha mẹ Hong Kong bắt đầu chọn những trường này cho con cái của họ, với hi vọng rằng việc thông thạo tiếng Phổ thông sẽ giúp họ kiếm được việc làm tốt hơn.Điều này dường như đã làm gia tăng khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái của họ, với những người Hồng Kông trẻ tuổi đang bực bội khi phải học bằng tiếng Phổ thông. Đối với một số người, điều đó có vẻ có hệ quả ngược với hệ quả được dự định: đặt họ vào con đường hướng tới sự phản kháng hơn là hòa nhập với đại lục.


Cùng lúc đó, nỗi lo sợ về tương lai của tiếng Quảng Đông cũng xuất hiện ở đại lục. Thành phố Quảng Châu (‘Canton’ theo tiếng Quảng Đông) là nơi chủ trì Đại hội thể thao châu Á vào tháng 11 năm 2010. Vào tháng 7 năm đó, Ủy ban thành phố của Hội nghị Hiệp Chính Nhân dân Trung Quốc (HNHCNDTQ-cơ quan tập hợp Đảng Cộng sản và các tổ chức địa phương khác trong một mặt trận thống nhất) khuyến nghị rằng các đài truyền hình chính của tỉnh nên thay đổi chương trình phát sóng từ tiếng Quảng Đông sang tiếng Phổ thông kịp thời cho trận đấu. Luật của CHNDTH đòi hỏi tất cả các kênh truyền bằng vệ tinh chỉ được phát bằng tiếng Phổ thông, vì vậy thay đổi này sẽ cho phép đài truyền hình Quảng Châu hưởng lợi từ việc phân phối qua vệ tinh. Ủy ban lập luận rằng điều này sẽ giúp cho nó có lượng khán giả lớn hơn nhiều, cả bên trong Trung Quốc lẫn ở nước ngoài xem, nâng cao danh tiếng quốc tế của tỉnh. Theo Ủy ban, điều đó cũng sẽ cho phép những người nước ngoài đã học tiếng Phổ thông hiểu được tin tức.1


Nhóm báo chí địa phương Southern Daily, khi đó được biết đến với tư tưởng độc lập, bắt đầu đưa tin về câu chuyện, ngay lập tức gây phản ứng trong diễn đàn thảo luận trực tuyến của họ và các nơi khác. Những người đóng góp nói về niềm tự hào của họ khi nói tiếng Quảng Đông, về việc nó gần với tiếng Trung cổ điển hơn đến dường nào, nó là một ngôn ngữ quốc tế với 100 triệu người nói trên khắp thế giới như thế nào và về tiếng Phổ thông phát âm nghe tệ hại như thế nào . Chiến dịch của Bắc Kinh chống lại tiếng Quảng Đông được một số người thể hiện như một chiến dịch chống lại chính văn hóa địa phương, với nhiều người nói rằng họ tin rằng mục đích cuối cùng của Chính phủ đã loại bỏ hoàn toàn tiếng Quảng Đông. Cũng có những lời chỉ trích về những người di cư từ các khu vực khác đã chuyển đến Quảng Châu và không học tiếng Quảng Đông. Tác giả của đề xuất của HNHCNDTQ cũng chính là một người di cư như vậy. Người dân địa phương đã đặt tên cho những người này: 'bei lao' (北佬: bắc lão)-'bọn bắc' theo tiếng Phổ thông , trong tiếng Quảng Đông nghe rất giống với  ‘bọn bắc trục lợi’ (北利: bắc lơi).3


Ngày 25 tháng 7, cuộc biểu tình đã diễn ra ngoài đời thực, ở các đường phố thực của Quảng Châu. Ít nhất 2 000 người (có người nói là 10 000 người) đã tập trung bên ngoài ga tàu điện ngầm Giang Nam Tây để bày tỏ sự tức giận của họ. Một cuộc biểu tình khác với hàng trăm người đã được tổ chức một tuần sau đó tại Công viên Nhân dân của thành phố và một cuộc mít tinh đoàn kết được tổ chức cùng lúc ở Hong Kong.4. Một phong trào toàn-Quảng Đông dường như đang hình thành. Đáp lại, chính quyền Quảng Châu đã rút lại quyết định. Đề xuất tiếng Phổ thông của ủy ban đã bị đài truyền hình bác bỏ, kênh truyền hình đã bị ngắt khỏi mạng vệ tinh và các vận động viên và khán giả của Đại hội thể thao châu Á bắt buộc phải nhận tin bằng tiếng Quảng Đông.


Tuy nhiên, đó chỉ là một cuộc rút lui chiến thuật. Ngày 30 tháng 6 năm 2014, bản tin hàng giờ của đài truyền hình Quảng Châu đã chuyển từ tiếng Quảng Đông sang tiếng Phổ thông.5 Đài cũng đã thay bốn người đọc tin nói tiếng Quảng Đông bằng người nói tiếng Phổ thông. Sau đó, vào tháng 9, hầu hết các chương trình gốc của nó đã chuyển sang tiếng Phổ thông. Một người trong cuộc nói với tờ báo South China Morning Post có trụ sở tại Hong Kong ‘Việc này đang được thực hiện một cách lặng lẽ, không có bất kì quảng cáo hoặc thông báo chính thức nào cho khán giả.’6 Chiến lược mới được các nhà phê bình so sánh với chuyện ngụ ngôn luộc ếch từ từ. Kết quả là một chiến thắng khác trong chiến dịch dài hơi nhằm khẳng định một quốc ngữ duy nhất trên toàn bộ lãnh thổ của CHNDTH. Nhưng điều đó có thể làm ngạc nhiên một số độc giả muốn biết chiến dịch này còn bao xa nữa mới hoàn thành.


Tháng 4 năm 2017, Bộ Giáo dục Trung Quốc và cơ quan của nó, được gọi bằng tiếng Anh là the State Language Commission7 (Ủy ban Ngôn ngữ Nhà nước - chính thức là Ủy ban Quốc gia Công tác Ngôn ngữ và Chữ viết),8 đặt mục tiêu 80% công dân Trung Quốc nói tiếng Phổ thông vào năm 2020. Thật vô lí: cơ hội dạy cho 140 triệu người nói được  một ngôn ngữ mới trong ba năm là rất ít, nhưng đó là chỉ dấu về sự cấp thiết mà Đảng Cộng sản thấy ở nó đối với công cuộc xây dựng đất nước. Cách đây khá lâu vào năm 1982 một điều khoản mới đã được đưa vào hiến pháp quốc gia bắt buộc nhà nước phải ‘thúc đẩy việc sử dụng tiếng Phổ thông trên toàn quốc’. Hơn một phần tư thế kỉ sau, thông báo của Bộ Giáo dục là một thừa nhận rằng sự thay đổi này có rất ít tác dụng: gần một phần ba dân số, khoảng 400 triệu người, không nói được ngôn ngữ quốc gia. Khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong và Quảng Châu (chưa kể đến sự phản kháng nghiêm trọng hơn nhiều ở Tây Tạng và Tân Cương) cho thấy, ý tưởng về một quốc ngữ đã không được chào đón trên toàn quốc.


Ở tất cả những nơi này, ngôn ngữ là một biểu tượng đáng tự hào. Nó là một lời nhắc nhở rằng có những bản sắc khu vực, thậm chí quốc gia, có trước bản sắc 'Trung Quốc' hiện đại vốn mới được đưa ra từ Bắc Kinh và Nam Kinh trong thế kỉ vừa qua. Các cuộc biểu tình trên đường phố Hong Kong trong năm 2019, do người dân lo ngại về việc trở thành đối tượng của hệ thống luật pháp không công bằng của đại lục, đã trở nên bạo lực vì lãnh đạo đại lục không đồng ý cho phép chính quyền địa phương thỏa hiệp với những người chỉ trích. Cuộc chiến chính trị đằng sau hậu trường đã được nhận thức như một cuộc tấn công vào ý thức khác biệt của người Hong Kong, ý thức về bản thân của họ. Và điều đó dường như là cố ý. Có rất ít không gian ở Trung Quốc của Tập Cận Bình cho những khác biệt về bản sắc văn hóa. Ngôn ngữ đã trở thành một chiến trường giữa xe lăn đường của chủ nghĩa dân tộc và nền đá cứng của sự khác biệt địa phương. Nhưng đây không phải là một hiện tượng mới: nó quay trở lại ý tưởng ban đầu của một quốc ngữ ngay từ đầu. Và nó lên đến đỉnh điểm với cuộc chiến giữa hai ông họ Vương và họ Uông xem ai là đúng.


Trụ sở mới của Bảo tàng Lịch sử Thượng Hải trước đây là Câu lạc bộ Đua xe của thành phố. Vào đầu thế kỉ 20, tòa nhà này là pháo đài của sức mạnh văn hóa đế quốc, nhưng giờ nó có mục đích mới: khẳng định ý thức về tính-Thượng Hải trải dài tới tận 'thời xa xưa’. Bằng một động thái nhẹ nhàng nhưng triệt để, các cuộc triển lãm kể câu chuyện về sự xuất hiện của một nền văn minh địa phương hơn là một nền văn minh ‘quốc gia’: một 'nền văn hóa Châu thổ sông Dương Tử' hơn là một 'nền văn hóa Trung Quốc'. Có hộp sọ của một người đàn ông từ nền văn hóa Majiabang (馬家浜: Mã Gia Banh) 6 000 năm tuổi và nét chạm khắc tinh xảo trên ngà voi từ nền văn hóa Liangzhu (良渚: Lương Chử) 4000 năm trước, nhưng không có chiến binh đất nung ở bất kì chỗ nào. Ở mỗi tủ trưng bày, cha mẹ chăm chú đọc lời giải thích và lớn tiếng giải thích ý nghĩa của chúng cho các con trong các thanh âm chỏi nhau của các ngôn ngữ địa phương: tiếng Thượng Hải, tiếng Quảng Đông, tiếng Phổ thông, mà không có ngôn ngữ nào trong số đó những người chế tạo ra những đồ tạo tác cổ đại này hiểu được.


Người Lương Chử là ai? Chúng ta biết rất ít về họ, nhưng các nhà di truyền học, ngôn ngữ học, khảo cổ học và nhân chủng học đang bắt đầu ghép lại bức tranh. Những hài cốt người được tìm thấy tại địa điểm này đã được chứng minh là có dấu chỉ di truyền (genetic marker) trên nhiễm sắc thể nam vốn đặt  họ trong nhóm 'Y haplogroup O1'. Mặc dù khoa học vẫn đang phát triển, nhóm haplogroup này (một nhóm dân cư được cho là có chung tổ tiên) có liên quan chặt chẽ với những người nói ngôn ngữ loại Tai-Kadai và Austronesian thấy có ở Đông Nam Á.9 Nói cách khác, giả thuyết hiện tại cho rằng những cư dân đầu tiên của Thượng Hải và đồng bằng sông Dương Tử đã từ Đông Nam Á di cư đến đó bằng cách đi vòng quanh bờ biển và nói một ngôn ngữ có nhiều điểm chung với các dân tộc ở phía nam hơn là ở phía bắc. Với nguồn cá dồi dào, sự dễ dàng đi lại bằng thuyền và đất đai màu mỡ mà các đồng bằng các sông cung cấp, không có gì ngạc nhiên khi việc định cư của con người lan nhanh bằng đường biển hơn là đường bộ. Người Dương Tử trồng lúa mà có thể họ đã mang theo từ Đông Nam Á, trái ngược với những người phương Bắc trồng kê quanh sông Hoàng Hà. Những người trồng lúa Austronesian này đã cư trú hàng thiên niên kỉ trước khi những người nói các nhóm ngôn ngữ khác đến chung sống hoặc chinh phục họ. Nghiên cứu mới do giáo sư Kong Qingdong (孔慶東: Khổng Khánh Đông) thuộc Viện Động vật học Côn Minh lãnh đạo dường như xác nhận điều này. Nhóm của ông phát hiện ra rằng khoảng 10 000 năm trước, dân cư ở lưu vực sông Hoàng Hà và vùng hạ lưu sông Dương Tử và sông Châu Giang tách biệt nhau về mặt di truyền. Kết luận gây tranh cãi của ông là cả ba địa điểm đều có thể tuyên bố được gọi là tổ tiên của người Trung Quốc như nhau.10

Kết quả ngày nay về sự định cư thời tiền sử này là kiểu ngôn ngữ xung quanh vùng bờ biển Trung Quốc hoàn toàn khác với kiểu ngôn ngữ được tìm thấy trong nội địa. Tiếng Thượng Hải, tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến (nói ở tỉnh Phúc Kiến và Đài Loan) và nhiều ngôn ngữ khác ít được biết đến hơn dựa trên gốc rể trải dài tới tận quá khứ xa xôi và sự phát triển của nó chỉ có thể được tái tạo lại một cách cẩn thận và một số phỏng đoán. Sự đồng thuận hiện tại là các ngôn ngữ hiện đại được sử dụng ở các thành phố Hong Kong, Thượng Hải và Hạ Môn - và hầu hết các vùng ở giữa - là kết quả của những ảnh hưởng pha trộn từ đông nam và đông bắc Á, một quá trình vẫn đang tiếp diễn.11 Một số nhà ngôn ngữ học nói về các 'tầng lớp' ngôn ngữ gần giống như các tầng lớp đá, với các hạt mới chảy vào từ nhiều hướng, được đặt trên các cấu trúc mới và trộn lẫn vào các thành tạo mới. Có quá nhiều ảnh hưởng đến từ phía bắc trong hai thiên niên kỉ qua đến nỗi khó có thể phát hiện ra các tầng lớp ban đầu. Tuy nhiên, có những từ, những cấu trúc ngôn ngữ và những cách phát âm trong các ngôn ngữ miền Nam này có nhiều điểm chung với các nước láng giềng Việt Nam và Thái Lan hơn là với tiếng Phổ thông được  chính thức bắt buộc.


Nhà ngôn ngữ học Trung Quốc Lü Shuxiang (吕叔湘: Lữ Thúc Tương), một trong những người biên soạn đầu tiên bộ ‘Từ điển tiếng Trung đương đại' trong thập kỉ 1950, từng ước tính rằng có khoảng 2000 dạng  ‘tiếng Trung' được nói trên khắp Trung Quốc và Đài Loan.12 Dù người nói một số dạng có thể hiểu người nói dạng khác mà không gặp quá nhiều khó khăn, nhà Hán học Mĩ quá cố Jerry Norman từng ước tính rằng có tới 400 dạng không thể hiểu được lẫn nhau.13 Về  sau ông viết  'Một người nói phương ngữ Bắc Kinh không thể hiểu một người nói tiếng Quảng Đông tốt hơn một người Anh có thể hiểu một người Áo khi mỗi người sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Phương ngữ Mân Hải Nam khác với phương ngữ Tây An giống như tiếng Tây Ban Nha khác tiếng Rumani.'14 Làm thế nào để mô tả chính xác mối quan hệ giữa các kiểu nói khác nhau này là một vấn đề về chính trị không kém về ngôn ngữ. Như nhà ngôn ngữ học người Nga Max Weinreich đã có lời châm biếm nổi tiếng, ‘Một ngôn ngữ là một phương ngữ với lục quân và hải quân.’ Dù là chuyện hiển nhiên khi mô tả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Rumani như là hai ngôn ngữ khác biệt, chính phủ Trung Quốc vẫn khẳng định rằng tiếng Mân Hải Nam và tiếng Tây An chỉ đơn thuần là hai phương ngữ của một ngôn ngữ duy nhất được sử dụng bởi một quốc gia duy nhất.

Có một từ trong tiếng Phổ thông lách né những khó khăn này: fangyan (方言: phương ngôn) - nghĩa đen là ‘ngôn ngữ địa phương’. Các học giả Trung Quốc không gặp vấn đề chính trị nào khi sử dụng nó vì nó có thể có nghĩa là  ‘ngôn ngữ lẫn phương ngữ.’ Họ thường thừa nhận 7 phương ngôn chính được nói ở Trung Quốc: tiếng Phổ thông , tiếng Việt 粤 (bao gồm cả tiếng Quảng Đông), tiếng Ngô 吴 (bao gồm cả  tiếng Thượng Hải), tiếng Mân 闽 (bao gồm cả tiếng Phúc KIến), tiếng Khách Gia 客家, tiếng Cống/Cám 赣 (ở tỉnh Giang Tây) và tiếng Tương 湘 (ở tỉnh Hồ Nam). Có những ví dụ lịch sử về từ mà phương ngôn được dùng để mô tả cả những khác biệt nhỏ giữa cách nói địa phương lẫn sự khác biệt lớn giữa ngôn ngữ địa phương và ngôn ngữ châu Âu. Nhà ngữ học người Mĩ Victor H. Mair đã sáng tạo ra từ ‘topolect’ như một từ tương đương trong tiếng Anh cho phương ngôn. Nó mô tả một cách nói gắn bó với một địa điểm cụ thể (có thể khác nhau về kích cỡ) nhưng không cần phải xác định chính xác nó khác biệt như thế nào hoặc liệu đó có phải là ngôn ngữ được công nhận của một thực thể chính trị hay không. Do đó, Mair cảnh cáo việc sử dụng cụm từ ‘tiếng Trung’ vì việc lựa chọn ngôn ngữ duy nhất nào cho ‘người Trung Quốc’ nói là hoàn toàn có tính chính trị. Ông ấy thích nói về một nhóm ‘Sinitic’ các topolect có một quan hệ nào đó với nhau nhưng không nhất thiết xuất phát từ một gốc chung.


Cho đến thời hiện đại, không có từ tiếng Trung nào để chỉ 'language’ (ngôn ngữ). Có một từ để chỉ chữ viết - wenzi (文字: văn tự) - và một từ để chỉ lời nói - yuyan (語言: ngữ ngôn) - và ý nghĩa của chúng rất khác biệt.15 Mair lập luận rằng phần lớn các topolect Sinitic không bao giờ là ngôn ngữ viết; về mặt lịch sử, các topolect này được người không biết chữ nói. Ngôn ngữ viết - 'tiếng Trung kinh điển’ hoặc wen (văn) - theo định nghĩa, chỉ được người biết chữ sử dụng. Nó chỉ được viết và đọc; không có dạng nói. Cũng có dạng lời nói văn hoa, được gọi là guanhua (官話: quan thoại), được quan lại sử dụng. Tên của nó có nghĩa đen là 'lời nói của quan'. Người nước ngoài dường như đã không phân biệt được dạng nói và dạng viết của quan lại. Kết quả là cả chữ viết cổ điển, văn, lẫn dạng nói, quan thoại, đã được gọi chung là 'Mandarin'. Từ 'Mandarin'  (Quan thoại) thông qua từ tiếng Bồ Đào Nha mandar , 'ra lệnh', nhưng với các kết nối với từ tiếng Mã Lai mantri, mà chính nó lại được mượn từ tiếng Hindi-Urdu và có nghĩa là ‘quan chức’. ‘Quan thoại’, do đó, là cách dịch tốt của 'lời nói của quan.’16 Ngôn ngữ viết, văn, là một ingua franca (ngôn ngữ phổ biến) mà các nhà nho và quan lại trên khắp đế chế có thể đọc được. Nó giữ một vai trò tương đương với tiếng Latin trong đế chế La Mã - nó là một phương tiện giao tiếp và cai trị. Đại đa số người dân La Mã không hề biết đọc tiếng Latin, nhưng những người cai quản cuộc sống của họ thì biết đọc.Wen (Văn) cũng giống như vậy.


Nhưng cũng có một sự khác biệt chính giữa tiếng Latin và văn. Mặc dù có một dạng lời nói được giới thượng lưu sử dụng (quan thoại), lời văn của văn cũng có thể sử dụng các âm-từ (word-sound: tiếng) hoàn toàn khác theo các topolect địa phương để đọc to. Lệnh của triều đình và chiếu  chỉ khác của trung ương sẽ được viết thành văn ở Bắc Kinh và sau đó, trên thực tế, ‘được dịch’ để có thể hiểu được ở các thành phố, thị trấn và làng mạc của đế chế. Theo thời gian, các từ trong các topolect địa phương được liên kết với các chữ trong quan thoại, do đó chúng có vẻ đang quy tới cùng một ngôn ngữ. Ví dụ về một tình huống tương đương, hãy tưởng tượng Liên minh châu Âu ra lệnh rằng tất cả các ngôn ngữ châu Âu phải được viết bằng emojis (biểu tượng cảm xúc). Người nói tiếng Anh có thể nói ‘fish’ (cá), người nói tiếng Pháp nói 'poisson' và người Croatia nói 'riba’, nhưng tất cả sẽ có chung một chữ viết.

Nhưng ngay cả tiếng quan thoại cũng không phải là ngôn ngữ chính thức của nhà Thanh. Quan thoại chỉ được sử dụng để giao tiếp trong lãnh thổ Sinitic (‘Trung Quốc thuần túy’). Các phần khác của đế chế sử dụng các chữ viết khác nhau: chữ  Tây Tạng, chữ Thổ Nhĩ Kì và chữ Mông Cổ. Triều đình dùng ngôn ngữ riêng của mình để điều phối các bộ phận lệ thuộc, như có thể thấy rõ trong một tủ trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thượng Hải. Triển lãm 222 có chứa 'Bức trướng của hoàng đế tặng cha mẹ của Lu Xixiong (陆锡熊: Lục Tích Hùng)', chủ biên bộ bách khoa toàn thư lớn của triều đại nhà Thanh. Bức trướng có từ năm 1780 là một cuộn gấm lụa bằng vàng và bạc. Phía vàng kim được trang trí lộng lẫy với thư pháp quan thoại, nhưng phía bạc hoàn toàn bằng một văn tự khác: ngôn ngữ hành chính của triều đình nhà Thanh.

15. Một cuộn lụa được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Thượng Hải. Lưu ý hệ thống chữ Mãn (trái) được sử dụng cùng với các chữ tiếng Trung. Tài liệu là 'Phong tặng của Hoàng gia cho cha mẹ của Lục Tích Hùng', năm 1780.

Ngay đến cuối thời Đại Thanh quốc năm 1912, ngôn ngữ chính thức không phải là tiếng quan thoại ‘Trung Hoa’ mà là tiếng Mãn, ngôn ngữ của những người từ phía đông bắc chinh phục đế chế nhà Minh và tiếp tục sáp nhập Mông Cổ, Tây Tạng và Tân Cương vào trong vương quốc của họ. Luôn có một 'khu tiếng Mãn’ trong viện Hàn Lâm, cơ quan thư kí của triều đình. Tất cả các tài liệu của chính phủ phải được viết bằng ngôn ngữ này và tất cả các bản ghi nhớ trình hoàng đế được trưng bày trong đó. Có các kho lưu trữ riêng cho các tài liệu bằng tiếng Mãn và cho các ngôn ngữ khác. Ngay cả sau khi hầu hết người 'Mãn' đã ngừng nói tiếng Mãn trong cuộc sống hàng ngày của họ, hàng trăm thư lại vẫn bận rộn với việc dịch các sắc chỉ và báo cáo chính thức từ tiếng Mãn sang các ngôn ngữ khác và ngược lại. Hoàng đế tiếp tục nói với quan lại và sứ thần bằng tiếng Mãn và trách phạt một số người không thể nói được tiếng Mãn.17 Bức trướng được trao cho cha mẹ của Lục Tích Hùng chỉ là một trong hàng chục ngàn ví dụ về chủ trương đa ngôn ngữ chính thức. Thật ra, trong tiếng quan thoại thì tiếng Mãn thường được gọi như là ngôn ngữ quốc gia’ - guoyu (國語:quốc ngữ). Những thay đổi văn hóa đầu thế kỉ 20 và cuộc cách mạng 1911/12 sẽ đảo ngược hoàn toàn tình trạng này. Trên thực tế, tiếng quan thoại trở thành quốc ngữ và tiếng Mãn biến mất .


Cho đến khi kết thúc, Đại Thanh quốc không cần tới quốc ngữ (national language) vì không có quốc gia Thanh. Triều đình chỉ cần một ngôn ngữ nhà nước (state language) để quản lí đế chế đa ngôn ngữ và đa chủng tộc của mình. Mãi cho đến khi Tôn Dật Tiên, Lương Khải Siêu và những người cùng thời với họ tưởng tượng ra một quốc gia Trung Hoa trong hiện thực trong hai thập kỉ 1890 và 1900, câu hỏi về quốc ngữ thậm chí còn chưa được nghĩ đến. Và số phận của cuộc thảo luận đó bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi một loạt câu hỏi khác về ngôn ngữ được các trí thức khác đặt ra cùng lúc đó.


Nhiều nhà cải cách đổ lỗi thất bại trong cuộc Chiến tranh Trung Nhật năm 1894/5 cho sự yếu kém trong giáo dục của đế quốc. Ngay cả lính Nhật cấp dưới cũng có thể đọc mệnh lệnh và bản đồ, không giống như lính phía đối phương nhà Thanh. Nhưng những người cải cách cũng nhìn thấy một lí do sâu xa hơn: ở các nước khác, giáo dục đại chúng đã dựng xây dân tộc. Một nhà canh tân hóa Nhật Bản, Ueda Kazutoshi, đã học ở Berlin và Leipzig vào thập kỉ 1890, nơi ông đã chấp nhận lập luận của các nhà lí luận ngôn ngữ Đức rằng tiếng mẹ đẻ 'đại diện cho tinh thần nội tại của dân tộc'. Năm 1898, Ueda được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cục Giáo dục Đặc biệt của Nhật Bản với nhiệm vụ tạo ra một ngôn ngữ quốc gia thống nhất giữa lời nói và chữ viết. Điều này dính dáng tới việc tiêu chuẩn hóa và hạn chế việc sử dụng các chữ Hán truyền thống (kanji), xác lập ngôn ngữ của tầng lớp thượng lưu Tokyo thành  tiêu chuẩn quốc gia chung và khuyến khích sử dụng cách nói tại chỗ này trong các tác phẩm viết.18


Trong khi đó, những nhà truyền giáo như Timothy Richard đang thuyết giảng tấm gương của Nhật Bản trên các trang của Wanguo Gongbao (萬國公報: Vạn quốc công báo) và các trang báo khác (xem Chương_4). Cuốn Nhật Bản luận của Hoàng Tuân Hiến, được tái bản vào năm 1895 (xem Chương_3), cũng là nguồn cảm hứng chính cho các nhà cải cách nhà Thanh. Thông điệp của họ rất rõ ràng: giáo dục đại chúng thông qua trường học, thư viện và báo chí sẽ đoàn kết và làm cho đất nước vững mạnh. Kiến nghị cải cách năm 1895 của Khang Hữu Vi và 'Đề xuất cải cách toàn diện' năm 1896 của Lương Khải Siêu đều kêu gọi mở rộng giáo dục và sự cần thiết phải học hỏi từ Nhật Bản, và thông điệp này đã được Hoàng đế Quang Tự đón nhận. Một trong những hành động cuối cùng của ông trước khi bị người dì của ông đảo chính là ban hành một chiếu chỉ kêu gọi có nhiều bài dịch hơn từ tiếng Nhật và cử sinh viên đến Nhật Bản để học cao hơn. Sau cuộc đảo chính của thái hậu Từ Hi và sự sụp đổ của cuộc Cải cách Trăm ngày, thực sự đã có một cuộc di cư đầy kịch tính đến Nhật Bản, nhưng chỉ trong số những nhà cải cách trốn chạy tìm sự sống. Tuy nhiên, sau khi chính Từ Hi bắt đầu đưa ra các cải cách trong thập kỉ 1900, chính phủ đã cử số lượng sinh viên đến đó học tập ngày càng nhiều. Trong thập kỉ tiếp theo, họ đã có cái nhìn trực tiếp về tác động của hiện đại hóa ngôn ngữ đang diễn ra ở Nhật Bản dưới sự chỉ đạo của các quan chức như Ueda Kazutoshi. Những người có đầu óc cấp tiến hơn đã khung vấn đề này vào thuyết Darwin Xã hội: như một sự lựa chọn giữa cải cách và diệt vong. Như họ thấy, ngôn ngữ là trung tâm của vấn đề. Một số người cho rằng tiếng Trung chỉ đơn giản là không thích ứng được với sự tồn vong của quốc gia : nó không thể đáp ứng với các khái niệm hiện đại, mất quá nhiều thời gian để học và do đó khiến quá nhiều người mù chữ và bị tước đi năng lực.

Cuốn sách của Hoàng Tuân Hiến đã giới thiệu phiên bản tiếng Nhật về niềm tin của các nhà lí thuyết người Đức về sự cần thiết phải có ‘sự tương đồng giữa lời nói và chữ viết’ với độc giả Trung Quốc lần đầu tiên. Ông đã dịch cụm từ này - qua tiếng Nhật - là yan wen heyi (言文和意: ngôn văn hòa ý). Hiến lo ngại về sự khó khăn của việc học các chữ Hán cổ điển và sự xa cách của chúng với ngôn ngữ nói trong trò chuyện hàng ngày. Ông lưu ý rằng Anh và Pháp đã trở thành những quốc gia mạnh sau khi từ bỏ tiếng Latin và thay vào đó, viết bằng ngôn ngữ mà người dân nói. Nhật đã làm theo sau khi bổ sung chữ kanji với chữ viết phiên âm, được gọi là kana trong tiếng Nhật.

Tuy nhiên, lập luận của Hiến chứa đựng hai hàm ý chỉ ra tương lai của cải cách ngôn ngữ theo hai hướng khác nhau. Chúng thường được cho là chỉ cùng một thứ nhưng sự khác biệt giữa chúng sẽ là cơ sở cho việc tạo ra ngôn ngữ quốc gia Trung Quốc trong tương lai. Hiến kêu gọi  cả cho một kiểu viết hiện đại sử dụng các chữ Hán truyền thống lẫn cho một cách viết chỉ  ra cho người nói cách phát ra âm của ngôn ngữ - một chữ viết ghi âm.19. Hiểu rằng trên thực tế, đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau đưa chúng ta tới trung tâm của nỗi khó khăn mà những người cải cách đang gặp phải.


Ý tưởng về một chữ viết Sinitic ghi âm đã thực sự được lan truyền trong một thời gian. Các nhà truyền giáo Cơ đốc và các nhà ngoại giao nước ngoài đã tạo ra các phiên bản của riêng họ để giúp cho việc truyền bá tôn giáo và thu thập thông tin. Hệ thống 'Wade-Giles', do các quan chức Anh Thomas Wade và Herbert Giles là tác giả, đã trở thành tiêu chuẩn của Anh. Tuy nhiên, nó không đủ tốt cho người bản ngữ và việc họ tìm kiếm các phương cách thay thế vẫn tiếp tục. Những gì họ chia sẻ là tham vọng đổi các chữ Hán truyền thống mà mỗi chữ thể hiện cho một từ (trên thực tế là một 'morpheme' - hình vị), thay bằng các kí hiệu thể hiện cho các âm thực tế được phát ra của từ. Ví dụ: thay vì chữ thể hiện cho mèo hoặc khái niệm sợ, một chữ viết ghi âm sẽ biểu thị các âm 'm' và  ‘èo’ hoặc ‘s’ và ‘ợ’'. Tuy nhiên, mặc dù có sự đa dạng và khéo léo, tất cả các hệ thống ghi âm đều gặp phải cùng một vấn đề vốn đã hiển nhiên ngay từ đầu.


Lu Zhuangzhang (盧戇章: Lư Tráng Chương), một tín đồ Cơ đốc giáo ở thành phố Hạ Môn thuộc tỉnh ven biển Phúc Kiến, là người đầu tiên chính thức công bố kế hoạch cho một hệ thống chữ viết phiên âm. Chương đã thử nghiệm ý tưởng này trong hơn một thập kỉ khi làm công việc phiên dịch cho các thương nhân nước ngoài và sau đó cho nhà truyền giáo người Anh, John Macgowan.20 Chương đã giúp Macgowan tạo ra một từ điển Hạ Môn-Anh vào năm 1883, nhưng sau đó, vào năm 1892, ông đã xuất bản hướng dẫn của riêng mình về topolect này có tựa đề ‘Cách viết ghi âm mới nhanh nhất của Trung Quốc trong phương ngôn Hạ Môn’. Chương đã điều chỉnh các chữ cái trong bảng chữ cái Latin để sáng chế ra tổng cộng 62 kí hiệu phát âm mới. Trong số đó có 15 kí hiệu biểu thị âm đầu của mỗi âm tiết và 47 biểu thị âm cuối. Thật không may cho Chương, những kí hiệu không quen thuộc và sự phức tạp rất khó nắm bắt và bảng chữ cái của ông không tạo ra được bất kì tác động nào. Tuy nhiên, ý tưởng của ông vẫn tiếp tục sống sót. Năm 1895, Vạn quốc công báo của Timothy Richard đã đăng bài luận của Chương về ' Nền tảng của Cải cách' trong đó ông đã kêu gọi một loại chữ viết ghi âm. Bài viết cho rằng bảng chữ cái, và việc phổ cập chữ viết phổ biến mà nó tạo điều kiện, đã làm cho các xã hội phương Tây trở nên mạnh mẽ và nên được mô phỏng ở Trung Quốc. Năm 1898, Chương đã gửi hệ chữ viết ghi âm của mình cho triều đình để xem xét trong các cải tổ của hoàng đế Quang Tự. Một lần nữa, nó không giành được sự ủng hộ. Thật vậy, phản hồi chính thức mô tả nó là không đầy đủ và lạ lùng.21


Vấn đề chính đối với kế hoạch của Chương là, mặc dù có thể là một cách tốt để học nói theo kiểu cách Hạ Môn, nhưng nó không ích cho người nói tiếng Bắc Kinh, tiếng Quảng Đông, tiếng Thượng Hải hoặc bất kì topolect nào khác. Các bảng chữ cái ghi âm khác được phát triển trong vài năm sau đó cũng chịu cảnh tương tự về cùng vấn đề. Học giả Trung Quốc Ni Haishu (倪海曙: Nghê Hải Thự) đã xác định được 29 hệ thống đối thủ được công bố từ năm 1892 đến năm 1910.22 Đồng nghiệp người Mĩ Jing Tsu tin rằng có nhiều hơn, bao gồm một số do hoa kiều (người Trung Quốc sống bên ngoài Trung Quốc) công bố.23 Một số người trong đó sử dụng các kí hiệu dựa trên các chữ Hán, giống như hệ thống chữ kana của Nhật Bản . Một số khác sử dụng các chữ cái La Mã, giống như cách mà tiếng Việt đã trở thành tiếng La Mã hóa vào khoảng thời gian đó. Nhưng không hệ nào trong số đó lại đáp ứng tốt cho mọi topolect. Chính hành động cố gắng viết ra cách phát âm đã làm rõ điều mà việc sử dụng các chữ đã che giấu - sự đa dạng tuyệt đối của các cách nói địa phương.


Bảng chữ cái duy nhất tạo ra tác động đáng kể trong thời kì này được đề xuất bởi một người trong chính phủ, một quan chức cấp dưới có quan hệ tốt tại 'Ban nghi lễ' của triều đình nhà Thanh. Hãy gặp ông họ Vương: Wang Zhao (王照: Vương Chiếu). Ông nội của Chiếu là một vị tướng bị giết trong Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất và gia đình vẫn có bạn bè trong giới có ảnh hưởng. Tuy nhiên, không ai trong số họ có thể bảo vệ Chiếu sau khi ông công khai ủng hộ các cải cách năm 1898. Cũng như nhiều người khác, ông buộc phải lưu vong ở Nhật Bản. Không giống như hầu hết người khác, ông nhận ra rằng mình không thích bầu bạn với các nhà cải cách khác và lén trở lại cảng Thiên Tân cải trang thành một nhà sư. Tại đây, ông mở một trường dạy ngôn ngữ dưới một tên giả và bắt đầu nghiên cứu bảng chữ cái phiên âm của riêng mình. Ông đã công bố nó vào năm 1901 như là 'Bộ vần phương ngôn phía bắc' như một trợ giúp cho những người mù chữ viết phương ngôn của họ. Có vẻ như ở giai đoạn này, đó là tất cả những gì Chiếu muốn kế hoạch của mình đạt tới. Không giống như hệ chữ viết của Chương, hệ chữ của Chiếu dựa trên các chữ Hán truyền thống, dù có hình thức đơn giản hơn nhiều. Giống như hệ của Chương, chữ viết của ông có 62 kí hiệu nhưng với 50 biểu thị phần đầu của âm tiết và chỉ có 12 mô tả phần cuối.


Tham vọng của Chiếu sau đó lớn dần. Ông chuyển đến Bắc Kinh và mở một trường học mới ở đó. Năm 1904, ông tìm kiếm và nhận được sự ân xá chính thức từ triều đình cho các hoạt động cải cách trước đó, cho phép ông chuyển vào trong giới quan lại lần nữa. Chuyện thường gặp là một người bạn của một người bạn của Chiếu là con trai của Viên Thế Khải, tổng đốc tỉnh Trực Lệ, tỉnh bao quanh Bắc Kinh. Viên Thế Khải trở thành người ủng hộ quan trọng nhất cho bộ vần của Chiếu. Năm 1904 Khải cho phép tài trợ để đào tạo giáo viên, xuất bản sách đọc và phổ biến việc sử dụng nó trong quân đội. Đến năm 1906, tham vọng của Chiếu càng lớn hơn. Trong phiên bản cuốn sách được xuất bản năm đó, Chiếu đã điều chỉnh lời tựa để vờ rằng bộ vần này dựa trên hướng dẫn phát âm đầu thế kỉ 18, ngụy trang nguồn gốc thực sự của nó trong topolect của nông dân địa phương. Sách báo bắt đầu được in với bảng chữ cái và năm 1907 việc sử dụng nó đã lan tới Bắc Kinh.


Nhưng sau đó, như nhà sử học Elisabeth Kaske đã phát hiện ra, vấn đề bắt đầu xảy ra. Mặc dù bộ vần có thể được sử dụng ở Bắc Kinh và thủ phủ Bảo Định của tỉnh Trực Lệ, nó không có tác dụng ở Thiên Tân, dù chỉ cách đó 100 km. Cách phát âm đơn thuần là quá khác biệt. Đã có những nỗ lực để điều chỉnh hệ chữ viết và phổ biến việc sử dụng nó đến Nam Kinh và các thành phố khác, nhưng chúng đã tàn lụi. Không có lãnh đạo tỉnh nào khác nhiệt tình với hệ thống này như Viên Thế Khải. Có vẻ họ nhận ra khó khăn của việc tạo ra một bảng chữ cái ghi âm có thể mô tả cách phát âm của toàn bộ đất nước. Chính phủ trung ương cũng không quan tâm. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản các nhà cải cách đưa ra các đề xuất mới. Nhưng trong khi những nỗ lực đầu tiên để tạo ra các chữ viết ghi âm là dành cho các topolect ở phía nam và đông nam, Kaske đã lưu ý rằng, sau năm 1908, chỉ có các chữ viết cho ‘tiếng  Bắc Kinh' được đề xuất.24


Tuy nhiên, vào thời điểm đó, một phản ứng chống lại các chữ viết ghi âm đang tập hợp được sự ủng hộ. Việc đó bắt đầu vào năm 1906 với các bài báo trên tờ báo Thượng Hải Zhongwai Ribao (中外日報: Trung ngoại nhật báo), cho rằng các chữ viết ghi âm dành cho những topolect khu vực làm tổn hại cho sự thống nhất của đất nước. Ngay sau đó Lương Khải Siêu ngưng sự  ủng hộ của chính mình cho các chữ viết ghi âm và vào tháng 4 năm 1907, ông đã viết một bài báo cho Học báo với tựa đề 'Phân tích nguồn gốc của quốc văn’ (Guowen yuyuan jie/國文語源解: Quốc văn ngữ nguyên giải), lập luận rằng chính cách viết các chữ Hán truyền thống đã đoàn kết đất nước chúng ta, và thông qua nó các đặc điểm của nhân dân ta được mở ra và tiếp nối'.25 Như chúng ta đã thấy trong Chương 5, Siêu là người đã làm hơn bất cứ ai trong việc  tưởng tượng dân tộc thành hiện hữu và ông đi đến việc tin rằng một dân tộc thống nhất cần có một tiếng mẹ đẻ thống nhất - giống như các nhà lí thuyết người Đức đã giải thích với Ueda Kazutoshi: một dân tộc với một nhà nước và một ngôn ngữ. Sứ mệnh quốc gia này sẽ bị hủy hoại bởi sự tồn tại của các chữ viết ghi âm, vì loại chữ viết này đã chứng minh rõ ràng rằng tiếng mẹ đẻ còn lâu mới thống nhất.


Thay vì vậy, những người dân tộc chủ nghĩa đã khung lại toàn bộ câu hỏi về ngôn ngữ. Vì dân tộc Trung Quốc duy nhất và quốc gia Trung Quốc duy nhất của nó chỉ có thể có một ngôn ngữ Trung Quốc duy nhất, nên trường hợp hàng trăm kiểu nói khu vực phải chỉ đơn giản là con cháu của một cha mẹ. Theo quan điểm của những người dân tộc chủ nghĩa này, vô số dạng ‘Sinitic’ đều chỉ đơn thuần là tiếng địa phương. Ý tưởng rằng những phương ngôn này có thể có nguồn gốc khác nhau đã không được xem xét. Những người dân tộc chủ nghĩa đã né tránh vấn đề về sự tồn tại của các ngôn ngữ khác nhau với việc khẳng định rằng khó khăn chỉ đơn thuần là khó khăn về cách phát âm. Những phương ngữ con cháu đó cần được đưa vào nếp trở lại.


Việc lập thuyết của phương Tây về ngôn ngữ vẫn còn sơ khai vào thời điểm này, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc vốn đặc trưng cho tư duy của người châu Âu vào cuối thế kỉ 19. Tuy nhiên, đây là những ý tưởng đã định hướng cho các nhà cải cách tiếng Trung. Năm 1898 nhà cấp tiến Chương Bỉnh Lân đã giúp người bạn của mình là Zeng Guanquan (曾广铨: Tăng Quảng Thuyên, cháu trai của tướng nhà Thanh Tăng Quốc Phiên - xem Chương 2) dịch một luận văn điển hình của thuyết Darwin xã hội của Herbert Spencer có tựa đề 'Progress: Its Law and Cause’ (Tiến bộ: Quy luật và Nguyên nhân) cho tạp chí Changyanbao (昌言報: Xương ngôn báo). Dù không nói được  tiếng Anh, Lân nhận ra sự tương đồng trong lập luận của Spencer về sự tiến hóa của ngôn ngữ với các khái niệm phân tích văn bản truyền thống của Trung Quốc. Mục đích của Spencer là chỉ ra cách thức mà quá trình tiến hóa và thích nghi đã biến đổi một cách tự nhiên một dân số thuần nhất duy nhất thành một số nhánh khác nhau theo thời gian. Spencer đã dùng ví dụ trong ngôn ngữ để nói lên quan điểm của mình: nguồn gốc chung đã sinh ra hàng trăm ngôn ngữ hậu duệ qua nhiều thế kỉ. Chương Bỉnh Lân đã sử dụng cái nhìn sâu sắc này để lập luận rằng mô hình của các topolect bên trong 'Trung Quốc thuần túy’ (lãnh địa cũ của nhà Minh) chỉ đơn giản là kết quả của sự đa dạng hóa từ một tổ tiên chung.


Lân sử dụng những ý tưởng vay mượn của châu Âu này cho một số mục đích. Mục đích đầu tiên của ông là lập luận rằng mô hình ngôn ngữ đã cho thấy sự tồn tại của dân tộc Trung Quốc. Trong một bài báo dài có tựa đề 'Phương ngôn mới' (Tân Phương ngôn), đăng trên một số ấn bản của Guocui Xuebao (國粹學報: Quốc túy Học báo) trong thời gian từ tháng 10 năm 1907 đến tháng 8 năm 1908, Lân đã cố gắng chỉ ra rằng các từ ngữ thấy có trong phương ngữ khu vực thật ra có nguồn gốc từ các từ thấy có trong các từ điển từ thời Hán, hai thiên niên kỉ trước. Lân lập luận, vì có một mối liên hệ tiến hóa liên tục giữa ngôn ngữ xa xưa này và kiểu dáng ngoại sinh ngày nay, sự đa dạng không nên là nguyên nhân gây lo ngại: nó chỉ đơn giản là hệ quả của tiến bộ.26 Ông giải thích rằng mục đích của ông khi đưa ra lập luận này rõ ràng ‘để đoàn kết người dân.'27


Tuy nhiên, việc Lân bảo vệ sự đa dạng cũng là một cuộc tấn công tiềm tàng đối với nền văn hóa ‘phía bắc’. Trong ấn bản năm 1904 của cuốn sách phản Thanh Cầu thư , ‘Sách về sự khẩn cấp”, Lân đã lập luận chống lại việc áp đặt cách phát âm chuẩn Bắc Kinh trên toàn quốc bởi vì, theo quan điểm của ông, cách nói phương bắc đã bị ô nhiễm qua nhiều thế kỉ bởi các cuộc xâm lược của ‘người Tartar’ (韃靼: Thát Đát) Trung Á. Cách tiếp cận tài liệu lịch sử ‘lựa và trộn’ (pick and mix) của Lân cho phép ông lập luận rằng cách phát âm thuần khiết nhất thật sự là của tỉnh Hồ Bắc. Ông đã đảo ngược hệ thống thứ bậc của người Bắc Kinh: trung tâm văn hóa thật sự của Trung Quốc là phía nam. Do đó, ông yêu cầu một cách phát âm quốc gia dựa trên phương ngữ của khu vực xung quanh thủ đô Nam Kinh của nhà Minh trước đây, bao gồm cả nơi ông sinh ra, Hàng Châu.

Quan điểm của Lân về sự tiến hóa ngôn ngữ dựa trên quan điểm rộng hơn của ông về sự tiến hóa chủng tộc. Trong Cầu thư, Lân tán thành lí thuyết của giáo sư Ngôn Ngữ Đông Dương thuộc Đại học London, Terrien de Lacouperie. De Lacouperie khẳng định đã tìm thấy đủ các điểm tương đồng giữa nền văn hóa cổ Lưỡng Hà và nền văn hóa thời kì đầu của Trung Quốc để xác định rằng vua Hoàng Đế, trên thực tế, là một vị vua Babylon có tên là Kudur-Nakhunte, ông đã di cư về phía đông vào thế kỉ 23 TCN. Điều này dường như giải thích cách một nền văn hóa nguyên thủy đơn nhất đã đến trung quốc nhiều thiên niên kỉ trước và trở nên đa dạng trong nhiều thế kỉ sau đó. Đối với Lân, điều này là sự xác nhận về sự tồn tại của một dân tộc duy nhất từ ​​thời cổ xưa.

Mặc dù lí thuyết de Lacouperie khá nhanh chóng bị mất tín nhiệm, nhưng quan điểm về lịch sử dân tộc này - rằng có một điểm khởi đầu duy nhất cho một nền văn hóa Trung Quốc thuần nhất - vẫn còn kéo dài. Thật vậy, nó đã trở thành trung tâm của toàn bộ dự án của người theo chủ nghĩa dân tộc. Ý tưởng rằng có thể có nhiều nguồn văn hóa, rằng việc di cư đến trung quốc và quanh bờ biển có thể đến từ các nguồn khác nhau và vào các thời điểm khác nhau, không phải là một phần trong cuộc trò chuyện của những người dân tộc chủ nghĩa. Thay vì vậy, họ tranh nhau để đưa ra các khẳng định về nguồn gốc của nền văn hóa dân tộc duy nhất nào là đích thực nhất. Và, giống như hầu hết các đồng chí cách mạng của mình vào thời điểm đó, Lân tin rằng nền văn hóa duy nhất đó được thể hiện tốt nhất thông qua việc viết chữ truyền thống.28

Nhưng đây không phải là quan điểm được tất cả các nhà cách mạng chia sẻ. Đối với một số người, chữ Hán - và mọi thứ mà chữ này thể hiện - là vấn đề. Họ không quan tâm đến việc tạo một bộ chữ mới hoặc giới thiệu bảng chữ cái để làm cho ngôn ngữ Trung Quốc dễ học hơn. Đúng vào thời điểm Lân đăng bài viết dài của mình về sự tiến hóa của các topolect tiếng Trung, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ Trung Quốc đang sinh sống ở châu Âu đã kêu gọi thay thế tất cả các topolect đó bằng ngôn ngữ Esperanto mới được phát minh. Họ nhìn thấy chữ Hán truyền thống và ngôn ngữ kinh điển gắn bó chặt chẽ với kinh sách cổ điển của Nho giáo, lề lối suy nghĩ truyền thống và toàn bộ bản chất tụt hậu của xã hội Trung Quốc. Họ muốn thay đổi toàn bộ xã hội, và điều đó có nghĩa là loại bỏ toàn bộ ngôn ngữ Trung Quốc.


Lân cảm thấy có nghĩa vụ phải phản hồi. Trên sách báo, ông bảo vệ mạnh mẽ văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết, dù ông thừa nhận rằng có chỗ cần hoàn thiện. Ông đề nghị điều chỉnh hệ thống kí hiệu phiên âm truyền thống được gọi là fanqie (反切: phiên thiết) để giúp người học ghi nhớ âm của các chữ, tạo ra một cách thể hiện bản địa (sử dụng ví dụ trước đó, từ ‘mèo’ thông qua các âm ‘m' và ' èo’). Sau đó Lân đã dành một khoảng thời gian để phát triển phiên bản hệ thống phiên thiết của riêng ông. Giống như một số đề xuất cải cách ngôn ngữ khác, đề xuất của Lân đòi hỏi có hai loại kí tự: một cho phụ âm đầu và một cho nguyên âm. Không giống như những hệ khác, hệ thống của Lân dựa trên các vần (rhyme) có trong sách vở thế kỉ thứ 10 và 11. Là một học giả về ngôn ngữ, Lân nhấn mạnh rằng các kí hiệu của ông là xác thực hơn nhiều so với bất kì đối thủ nào. Nhược điểm lớn là chúng có ít liên quan đến cách mọi người thật sự nói vào đầu thế kỉ 20. Tuy nhiên, sau một năm tranh luận, Lân và những người theo chủ nghĩa vô chính phủ tạm ngừng tranh luận.  Năm 1909, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ thừa nhận rằng việc đưa Esperanto trở thành ngôn ngữ quốc gia là không thực tế (mặc dù một số người khác tiếp tục áp dụng nó cho đến những năm 1930) và rằng việc phát âm các chữ tiếng Trung phải được chuẩn hóa trên toàn quốc. Quan trọng nhất, cả hai phía đều đồng ý rằng cách phát âm tiếng Bắc Kinh là tởm lợm và không nên làm thành tiêu chuẩn quốc gia.

Trong khi các nhà cách mạng lưu vong mưu tính ở nước ngoài, các nhà cải cách ở Bắc Kinh đã bắt đầu thay đổi hệ thống giáo dục quốc gia theo mô hình phương Tây. Năm 1902, Quy chế trường học quốc gia đầu tiên được ban hành, định ra một chương trình giảng dạy mới. Một bộ quy chế sửa đổi, chế định việc thành lập các trường học (chỉ dành cho nam sinh), được ban hành vào năm 1904. Bộ Giáo dục được thành lập vào tháng 12 năm 1905 và năm 1907 một luật mới cho phép thành lập trường học cho nữ sinh. Tuy nhiên, việc thực hiện luật lệ và quy định mới này rất không đồng đều. Ở các tỉnh do các quan chức có tư tưởng cải cách kiểm soát và những quan chức đó có thực quyền thì có nhiều tác dụng hơn. Cải cách cũng có giới hạn của nó: chính phủ tiếp tục yêu cầu học sinh học kinh sách Nho giáo và thuộc lòng chữ Hán cổ điển. Ở một số nơi, đặc biệt là ở các trường nữ, một hình thức sáng tác văn học hiện đại hơn đã được cho phép, nhưng nhìn chung câu hỏi về việc đọc các chữ trên in trang sách như thế nào vẫn chưa được giải đáp.


Sau đó, tháng 4 năm 1909, Bộ Giáo dục đã đồng ý một 'Chương trình Hành động về định chế’ quy định rằng các quan chức phải bắt đầu biên soạn sách giáo khoa tiếng Quan thoại mới vào năm sau. Tuy nhiên, cuối năm sau, các thành viên của Hội đồng Tư vấn quốc gia mới được thành lập đã yêu cầu thay đổi. Dưới ảnh hưởng của các nhà lí thuyết ngôn ngữ quốc gia người Nhật (và do đó người Đức), họ kêu gọi tiếng Mandarin- quan thoại - được đổi tên thành 'guoyu' - quốc ngữ. Biết rõ rằng ‘quốc ngữ' còn rất xa mới có ‘tính quốc gia’, họ cũng kêu gọi có các nghiên cứu thích đáng về ngữ pháp và cách phát âm cũng như về việc in từ điển và sách giáo khoa. Nhưng không cần đợi kết luận của những nghiên cứu này, họ cũng kêu gọi đưa vào bộ vần của Vương Chiếu trên toàn quốc để chuẩn hóa cách phát âm. Sự khác biệt giữa ‘lời nói’ và 'ngôn ngữ' đã bị xóa. Câu hỏi phải làm gì về sự đa dạng của các topolect địa phương đã được hoàn toàn bị khung lại. Trọng tâm bây giờ là tính  thống nhất của ‘quốc ngữ'.29.

Tháng 7 và tháng 8 năm 1911, tại một trong những hoạt động cuối cùng của mình, Bộ Giáo dục của Nhà Thanh đã triệu tập ‘Hội nghị Giáo dục Trung ương’ để bắt đầu quá trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi ngôn ngữ. Trong kết luận của mình, các đại biểu đã kêu gọi Bộ nên thành lập ‘Ủy ban nghiên cứu ngôn ngữ quốc gia’ thật sự chứ không phải chỉ nói về nó. Họ cũng đồng ý về ‘tính thống nhất của quốc ngữ’ với một cách phát âm được thống nhất trên toàn quốc. Dù có sự tức bực lớn của các đại biểu phía Nam, hội nghị đã bỏ phiếu lấy topolect Bắc Kinh làm cơ sở cho ‘cách phát âm cho cả nước’, mặc dù có một số nhân  nhượng đối với biến thể địa phương.

Trớ trêu là người phụ trách tiến trình này lại là một người gốc ở tỉnh Trực Lệ tên là Gao Yutong (高毓浵: Cao Dục Đồng) mà  tiếng địa phương của ông rất khó hiểu đối với hầu hết những người tham gia khác đến nỗi một bài báo đã đặt câu hỏi liệu có ai 'thực sự hiểu được bài phát biểu dài hai giờ của ông.’30 Tuy nhiên, điều đó không thực sự quan trọng, bởi vì trong vòng 6 tháng sau khi hội nghị kết thúc, nhà Thanh đã bị lật đổ.

Nhưng vấn đề vẫn không biến mất: thay vào đó, nó trở nên xúc cảm hơn. Dưới thời nhà Thanh, câu hỏi về ngôn ngữ là một cuộc thảo luận về hiệu quả, việc học tập và cách tốt nhất để củng cố quốc gia. Dưới thời Dân quốc, nó đã trở thành một cuộc thảo luận về bản sắc cơ bản. Những người theo chủ nghĩa dân tộc - trải dài trên phạm vi chính trị từ Lương Khải Siêu đến Tôn Dật Tiên đến Chương Bỉnh Lân - đã triệu một quốc gia trở về trong thực tại và theo quan điểm của họ, một quốc gia cần cả một quốc gia-dân tộc lẫn một quốc ngữ. Đây là một mệnh lệnh mà nhiều, nhưng không phải tất cả, phong trào dân tộc chủ nghĩa trên toàn cầu chia sẻ trong thời kì này. Ví dụ: Ấn Độ vẫn chưa có một ‘quốc ngữ’ duy nhất cho đến ngày nay. Ở Ấn Độ, các bang khác nhau có quyền chọn ngôn ngữ chính thức của mình với kết quả là hiến pháp quốc gia công nhận 22 ngôn ngữ địa phương cùng với tiếng Anh. Đây không phải là kết quả mà những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc sẵn sàng nghĩ đến. Sau hàng thập kỉ phân rã nội bộ và bị đế quốc chiếm đất, với  Mông Cổ tuyên bố độc lập và các lãnh chúa địa phương tách khỏi sự kiểm soát của trung ương, yêu cầu nổi trội của họ là thống nhất. Họ nhận ra sự căng thẳng giữa các bản sắc địa phương mạnh mẽ, thậm chí bản sắc quốc gia, và mong muốn tạo ra một tính dân tộc Trung Quốc duy nhất. Ngôn ngữ là một cách để áp đặt một bản sắc duy nhất lên một dân tộc - ngay cả khi dân tộc đó chưa biết rằng nó tồn tại.


Chỉ 5 tháng sau khi tuyên bố nước Dân quốc mới, Bộ Giáo dục mới đã triệu tập một ‘Hội nghị Giáo dục Lâm thời’. Ở một mức độ nào đó, nó là sự tiếp nối của hội nghị một năm trước đó: nhiều người trong số người tham dự đều như trước. Tuy nhiên, bầu không khí đã hoàn toàn khác. Kinh sách Nho giáo đã bị loại bỏ khỏi chương trình giảng dạy ở trường và được thay thế bằng một đặc trưng giáo dục mới ‘thực dụng, quân sự và thẩm mĩ’. Trong những kết luận của hội nghị là “Đề xuất việc chấp nhận về loại chữ viết ghi âm’ vốn là một yêu cầu thực sự để Bộ triệu tập một hội nghị khác để giải quyết, một lần và dứt điểm vấn đề phát âm. Đây sẽ là sự kiện mà tại đó vấn đề này sẽ đi đến giai đoạn quyết liệt.


Ý tưởng tổ chức hội nghị là từ Wu Zhihui (吳稚暉: Ngô Trĩ Huy), một trong những người theo chủ nghĩa vô chính phủ sống tại Paris, từng đã kêu gọi xóa bỏ tiếng Trung Quốc và thay thế nó bằng tiếng Esperanto. Huy ghét Nho giáo và truyền thống, đồng thời có tiếng là một ‘kẻ nổi danh về chửi rủa'. Trong nhiều bài báo trong những năm 1900, ông đã gọi người Mãn là một ‘tộc chó đẻ', gọi thái hậu Từ Hi thái hậu là một ‘con điếm’ và một 'mụ phù thủy già tàn tạ', và các bài báo của Lương Khải Siêu là ‘thuần đánh rắm' và ‘phân chó thối tha.'31 Đây là người mà Bộ Giáo dục đã chọn để dẫn dắt nước Dân quốc mới đạt được sự đồng thuận về ngôn ngữ.


Huy có một kế hoạch hành động đơn giản vốn được phác thảo trong một bài báo năm 1909. Đầu tiên, một ủy ban gồm các nhà thông thái sẽ quyết định một hệ thống các kí hiệu ngữ âm để thể hiện cho các âm đích thực của ngôn ngữ. Thứ hai, các chuyên gia sẽ quyết định mỗi một trong số hàng nghìn chữ Hán phải được phát âm chính xác như thế nào. Kết quả sẽ là một hướng dẫn có hệ thống và được thống nhất một cách dân chủ đối với 'cách phát âm quốc gia'. Tất nhiên, thực tế sẽ không đơn giản chút nào. 'Hội nghị thống nhất cách đọc' đã khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 2 năm 1913 với những ý định tốt nhất. Vào thời điểm kết thúc, ngày 22 tháng 5, nó đã chứng kiến ​​một cuộc đấu tranh giành quyền tối cao địa phương kết hợp với một cuộc đụng độ lớn về cái tôi và tạo ra một di sản cay đắng về ngôn ngữ sẽ tồn tại trong nhiều thập kỉ.

Tám mươi chuyên gia đã được triệu tập đến Bắc Kinh. Kế hoạch ban đầu là mời hai đại biểu cho mỗi tỉnh để đảm bảo tính công bằng nhưng cuối cùng hầu hết những người tham dự đã được chọn vì tình trạng tinh thông hoặc các quan hệ chính trị của họ. Khoảng một nửa được Bộ chọn và số còn lại do chính quyền tỉnh chọn. Vào ngày đầu tiên, 47 người đàn ông trung niên, mặc đồ kiểu Tây pha trộn với áo choàng truyền thống, tập trung tại tòa nhà Bộ Giáo dục ngay bên ngoài bức tường phía Tây của Tử Cấm Thành. Trong số họ có một số người tham gia tích cực nhất vào các cuộc tranh luận về ngôn ngữ hai thập kỉ trước, gồm nhà ‘cải cách chữ viết’ đầu tiên Lư Tráng Chương và tác giả có quan hệ tốt của bộ vần Bắc Kinh, Vương Chiếu. Một số đã có hệ thống chữ viết ghi âm của riêng họ để quảng bá, một số hệ sử dụng các chữ cái Latin, một số hệ khác sử dụng các kí hiệu kiểu kana của Nhật Bản và các dạng viết tắt khác. Đây là vấn đề đầu tiên. Mỗi người đều muốn đi vào lịch sử với tư cách là người có ý tưởng cách mạng hóa việc dạy và viết tiếng Trung.


Sau những tranh luận gay gắt kéo dài, hệ thống cuối cùng giành được sự ủng hộ của toàn hội nghị phần lớn dựa trên hệ thống do Chương Bỉnh Lân đề xuất. Điều này chủ yếu là do hơn một phần tư số đại biểu là những người cấp tiến ở các tỉnh ven biển phía đông như Chiết Giang và Giang Tô, từ nơi gốc gác của Lân. Trong thập kỉ trước, so với hầu hết các đại biểu khác, họ đã tiếp xúc nhiều hơn với các nhà truyền giáo và những người truyền bá tư tưởng nước ngoài khác, sống lưu vong ở Nhật và đã đóng những vai trò lớn hơn trong phong trào cách mạng. Họ đến hội nghị với một bộ ý tưởng rõ ràng, đặc biệt là ủng hộ cách tiếp cận ngôn ngữ mang tính dân tộc của Lân. Họ sẽ không đồng ý với một hệ thống chữ viết ghi âm kiểu phương Tây hoặc Nhật Bản, giải pháp phải đích thực là giải pháp của Trung Quốc. Điều này đã thuyết phục hội nghị lựa chọn một hệ thống dựa trên sách vở xưa cả 1 000 năm.


Sau khi thống nhất về các kí hiệu, nhiệm vụ tiếp theo là thống nhất về âm mà mỗi kí hiệu thể hiện. Đây là lúc các bản sắc địa phương đối thủ thực sự bắt đầu làm mọi việc khó lên. Không thể có cách hợp lí hoặc trung lập để giải quyết tranh chấp về các cách khác nhau để nói một từ chẳng hạn như 'cá' trong các topolect khác nhau. Đây không phải là câu hỏi về 'cách phát âm', như những người cải cách ngôn ngữ theo chủ nghĩa dân tộc muốn giả vờ như vậy - đây là về việc chọn một từ của topolect này thay vì của topolect khác. Các đại biểu từ các tỉnh ven biển phía đông Giang Tô và Chiết Giang, bao gồm cả người tổ chức hội nghị và chủ tọa Ngô Trĩ Huy, coi topolect Bắc Kinh là tởm lợm - quá ô nhiễm bởi ảnh hưởng của ‘Thát Đát’. Trong một bài báo, trước đây Huy đã so sánh nó với tiếng chó sủa. Trong bài báo này, Huy được một đại biểu Giang Tô khác ủng hộ, một nhà dịch thuật kiêm triết học. Hãy gặp ông Uông: Wang Rongbao (汪荣宝: Uông Vinh Bảo). Bảo đã từng học tại trường Thông ngôn của Tổng lí Nha môn và sau đó ở Nhật.32 Năm 1906, ông là quan nhà Thanh, từng soạn thảo thư từ chối cho những ý tưởng cải cách chữ viết của Lư Tráng Chương, gọi chúng là 'quái gở'.33 Gần đây hơn, ông đã sắp xếp các từ trong bài quốc ca mới của Dân Quốc. Huy và Bảo đứng đầu nhóm vận động hành lang Giang Tô, tranh cãi để cho topolect phía đông của chính họ trở thành cách phát âm quốc gia được thống nhất.


Ở góc đối diện là ông Wang thứ nhất của chúng ta, Vương Chiếu, trước đó đã được chọn làm phó chủ tịch hội nghị. Thực tế, ông đã trở thành người phát ngôn cho những người nói tiếng Bắc Kinh. Vương Chiếu có thể đã thua trong trận đấu về sự lựa chọn chữ viết ghi âm nhưng ông có chỗ đứng vững chắc hơn khi lựa chọn cách phát âm, đặc biệt là vì tình bạn riêng của ông với Viên Thế Khải, tổng đốc cũ của Trực Lệ, người đã từng quảng bá bộ vần của Chiếu và hiện là tổng thống của Dân Quốc. Nhưng Uông Vinh Bảo, đã không từ bỏ trận đấu. Khi hội nghị diễn ra, cuộc đấu tranh giữa hai đối thủ ngôn ngữ chính - topolect Ngô có gốc ở Giang Tô và Chiết Giang và topolect Bắc Kinh - đã bùng lên thành trận đấu cá nhân giữa hai ông họ Uông và họ Vương.


Các cuộc tranh luận kéo dài hơn một tháng mà không có hướng giải quyết. Tình hình trở nên tồi tệ đến mức, trong một phiên họp nhiều tranh cãi, chủ tịch Ngô Trĩ Huy đột nhiên hét lên: 'Tôi không thể chịu đựng được điều này nữa' và từ chức. Vương Chiếu thay chỗ của ông. Sau đó, Chiếu này đã giở thủ đoạn bẩn thỉu. Ông triệu tập một cuộc họp tất cả các đại biểu ngoại trừ những người từ Giang Tô và Chiết Giang. Ông nói với họ rằng những người phía Đông đang cố muốn biến topolect của họ thành quốc ngữ và rằng những người phía Bắc và người phía Nam phải đoàn kết để ngăn chặn cái mà ông gọi là ‘thảm họa quốc gia'. Sau khi tạo ra một ‘cuộc họp thống nhất  kín', sau đó ông đã triệu tập cuộc họp toàn thể hội nghị, hội nghị này đồng ý thay đổi hệ thống bỏ phiếu. Thay vì mỗi đại biểu có một phiếu bầu ngang nhau, mỗi tỉnh sẽ có một phiếu. Bị trúng đòn, sức mạnh của nhóm Giang Tô - Chiết Giang đã bị suy giảm. Kết quả bị la hét.34


Vương Chiếu sau đó cố gắng gây áp lực để phe phía Đông im lặng bằng cách đe dọa cũng bỏ đi ra. Ông chọc tức các đối thủ của mình bằng cách tuyên bố  mỉa mai sự kiện này là ‘Hội nghị Giang Tô - Chiết Giang’. Sau đó, khi mọi thứ dường như không thể tồi tệ hơn, họ bỏ đi ra. Một cách phù hợp, chính sự khác biệt về phương ngữ đã gây ra cuộc đối đầu quyết liệt làm nghiêng cán cân chính trị tại hội nghị. Tại một thời điểm, ông Bảo thảo luận với một đại biểu khác của Giang Tô xem có nên gọi xe kéo hay không. Từ cho xe kéo ở Thượng Hải là 'huangbao che’ (黃包車: hoàng bao xa). Đối với tai Vương Chiếu ở phía bắc’, nó nghe giống như 'wangba dan' (旺八蛋: vượng bác đản)- từ có nghĩa là ‘đồ khốn’ (nghĩa đen là ‘trứng của con rùa’) trong tiếng Bắc Kinh. Ông rất tức giận. Vương Chiếu xắn tay áo lên và chuẩn bị đánh nhau với Uông Vĩnh Bảo trên sàn hội nghị. Bảo sau đó bỏ trốn khỏi cuộc họp, không hề quay lại. Và đó là dấu chấm hết cho sức mạnh ngăn chặn của topolect phía đông / tiếng Thượng Hải / tiếng Ngô. Giờ thì đã rõ ràng cách phát âm phía bắc trở thành tiêu chuẩn cho quốc ngữ.


Trong những tuần tiếp theo, ủy ban đã bỏ phiếu về ‘cách phát âm’ mới cho 6 500 chữ. Trong một số trường hợp, điều này thực sự chỉ là về cách phát âm, nhưng trong nhiều trường hợp khác, đó là việc chọn một từ của một topolect hơn là của những topolect khác. Với hệ thống bỏ phiếu hiện đang thiên vị người phía Bắc, kết quả phần lớn là một kết luận đã biết trước. Tuy nhiên, kết quả không phải là một chiến thắng toàn diện cho tiếng Bắc Kinh. Mặc dù hầu hết các từ và cách phát âm của topolect Ngô đều bị loại ra, nhưng hội nghị vẫn cho phép các phiên bản đánh vần ghi âm địa phương hóa. Kí hiệu cho một âm khác không thấy có trong tiếng Bắc Kinh cũng đã được bao gồm vào, điều này theo cách nào đó để xoa dịu người nói topolect Nam Kinh. Có một số thay đổi khác, dẫn đến thỏa hiệp. Kết quả cuối cùng là một bộ phát âm giống với tiếng quan thoại  Mandarin cũ hơn là topolect riêng của Bắc Kinh. Một số gọi nó là 'Blue-Green Mandarin' (Quan thoại Lam-Lục) - không phải thứ này cũng không phải thứ kia.35


Dưới sự lãnh đạo của Vương Chiếu, hội nghị tiếp tục đưa ra một số yêu cầu với Bộ Giáo dục: Bộ giáo dục nên ban hành ngay bảng chữ cái ghi âm đã được thống nhất, thành lập các phòng để đảm bảo mọi người phải học nó và biến nó thành phương tiện giảng dạy tiêu chuẩn trong trường học. Tuy nhiên, vào giữa năm 1913, nền chính trị của Trung Hoa Dân Quốc rơi vào khủng hoảng. Song Jiaoren, (宋敎仁: Tống Giáo Nhân) một trong những nhà lãnh đạo có uy tín nhất của Quốc dân đảng, đã bị ám sát vào tháng 3, trong khi hội nghị đang diễn ra. Nhiều người cho rằng tổng thống Viên Thế Khải đã ra lệnh giết. Sau đó, vào tháng 7, để nhắc nhở về sức mạnh tiếp tục của bản sắc địa phương, 7 tỉnh phía nam - những nơi mà quân cách mạng còn mạnh nhất, trong đó có Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông - đã nổi lên chống lại tổng thống Viên Thế Khải. Tuy nhiên, cuộc ‘cách mạng thứ hai’ của họ nhanh chóng bị đè bẹp, và sau đó, chính phủ Viên Thế Khải đã áp đặt chủ nghĩa bảo thủ làm mới lại, chú trọng nhiều hơn vào Nho giáo và rất ít chú trọng đến quốc ngữ. Bên ngoài một nhóm nhỏ các nhà hoạt động ngôn ngữ, các nghị quyết của Hội nghị Phát âm đã bị lãng quên. Nhưng vào tháng 6 năm 1916, Viên Thế Khải mất và chỉ trong hơn một thập kỉ, Dân quốc bị cát cứ thành thái ấp do các lãnh chúa đối địch. Cơ hội áp đặt một quốc ngữ lên các thế lực địa phương này là rất ít. Do đó, các topolect địa phương sẽ tiếp tục được nói mà không bị can thiệp. Phải mất nhiều năm trước khi các nhà cải cách ngôn ngữ dân tộc chủ nghĩa có thể thực thi các kết quả của hội nghị năm 1913.


Vào tháng 7 năm 1916, một nhà biên soạn sách giáo khoa trẻ  trong Bộ Giáo dục, Li Jinxi (黎锦熙; Lê Cẩm Hi), cùng với một số quan chức thất vọng khác, đã thành lập ‘Hội Nghiên cứu Quốc ngữ’ (國語研究會 / Guoyu Yanjiuhui) để thúc đẩy thay đổi mà chính phủ ít có khả năng để thực thi.36 Họ viết bài cho các tờ báo nhưng ít ảnh hưởng đến chính sách. Tháng 2 năm 1917, Hội đã mở cửa cho công chúng gia nhập và nhanh chóng thu hút hầu hết những đấu thủ chính trong các cuộc thảo luận về ngôn ngữ quốc gia trước đó. Lương Khải Siêu đã tham gia, còn cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã chuyển làm hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, Cai Yuanpei (蔡元培: Thái Nguyên Bồi) cũng vậy, trở thành thư kí của hội. Cũng như hội nghị phát âm, nhiều thành viên có gốc gác ở các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang; thực tế, trụ sở chính của nó là ở trường dành cho người di cư Giang Tô ở Bắc Kinh.


Tháng 11 năm 1918, trên thực tế, Hội đã được sáp nhập vào Bộ Giáo dục.. Phó chủ tịch Hội, Zhang Yilin (張一麐: Trương Nhất Lân), được chỉ định làm người đứng đầu cái gọi là 'Ban trù bị cho việc thống nhất ngôn ngữ quốc gia' (國語統一籌備會 / Guoyu Tongyi Choubeihui). Ban này đã tổ chức phiên họp đầu tiên vào ngày 21 tháng 4 năm 1919 và đồng ý ba ưu tiên: thúc đẩy bảng chữ cái ghi âm đã được hội nghị năm 1913 đồng ý, thay thế cách viết cổ điển (聞言 / wenyan : văn ngôn) bằng phong cách bản ngữ gọi là baihua (白話: bạch thoại), và biên soạn một từ điển quốc gia duy nhất bao gồm mọi từ tiếng Trung được viết từ thời cổ xưa đến hiện tại. 37 Ban đã khởi xướng làn sóng tư tưởng mới. Hai tuần sau cuộc họp đầu tiên, vào ngày 4 tháng 5, sinh viên đã tập trung tại cổng Thiên An Môn của Tử Cấm Thành để phản đối các điều khoản của hiệp định hòa bình Versailles. Từ đó, họ đi bộ về phía đông tới nhà của Cao Rulin (曹汝霖: Tào Nhữ Lâm), giám đốc ngân hàng nhà nước, và đốt cháy nhà ông. ‘Phong trào 4 tháng 5’ sau đó quét sang lĩnh vực văn hóa, loại bỏ những ý tưởng cũ và mang lại những cách viết và cách làm nghệ thuật mới. Nhiều nhân vật hàng đầu của phong trào này là những gương mặt quen thuộc từ cuối thời kì cách mạng của phong trào ngôn ngữ mới.


Trong số đó có Hu Shi (胡適: Hồ Thích), một người phía đông khác, được cử đi học nông nghiệp ở Hoa kì năm 19 tuổi. Khi còn học tại Đại học Cornell, ông bỏ nông nghiệp và chuyển sang học triết học và văn học, sau đó tiếp tục học thêm tại Đại học Columbia. Năm 1917, ông mang về nước những ý tưởng mới tiếp thu được về ngôn ngữ và dân tộc và được giao một vị trí trong khoa triết học của Đại học Bắc Kinh để từ đó cổ vũ chúng. Trong những thập kỉ sau đó, Hồ Thích trở thành người ủng hộ hàng đầu cho một ngôn ngữ quốc gia duy nhất.


Ngay sau khi đến Bắc Kinh, ông đã viết một bài báo có tựa đề ‘Một đề xuất ​​thử nghiệm cho việc cải cách văn học', nêu ra 8 yêu cầu đối với cách viết hiện đại. Bài báo được đăng trên tạp chí 'Thanh niên mới', do Chen Duxiu (陳獨秀: Trần Độc Tú), một trong những đồng nghiệp của Thích tại Đại học Bắc Kinh, biên tập. Hầu hết bài báo là một lập luận cho việc viết 'theo cách nói' - cái đã được gọi là bạch thoại . Nhưng về cuối bài, ông gợi cho thấy sự ủng hộ của ông đối với cơ sở phía bắc của bạch thoại qua việc đề cập đến một số truyện đã có được viết dưới dạng phương ngữ như ‘Thủy hử’ (水滸) ‘Tây du kí’ (西遊記). Ông đã tiếp tục điều này, vào tháng 4 năm 1918, với một bài báo về 'Cách mạng văn học có tính xây dựng - Văn học quốc ngữ', trong đó ông đặt ra khẩu hiệu gói gọn sứ mệnh của mình, ‘Chỉ với văn học quốc ngữ thì mới có thể có quốc ngữ văn học.’ Sau đó, vào năm 1922, Hồ Thích thành lập tạp chí riêng, Guoyu Yuekan (國語月刊:  Quốc ngữ nguyệt san). Trong một ấn bản đặc biệt dành riêng cho vấn đề cải cách chữ viết tiếng Trung, ông lập luận, 'Trong việc thúc đẩy cải cách lời nói và chữ viết, các học giả và nhà văn nên hiểu rằng nhiệm vụ của họ là quan sát xu hướng trong lời nói của người dân, chấp nhận các đề xuất cải cách của người dân và đưa ra công nhận chính thức các đề xuất đó.’


Tất cả những can thiệp này đều dành cho ước mơ của Hồ Thích về việc thống nhất lời văn và lời nói tiếng Trung để tạo ra một quốc ngữ thật sự theo mô hình của các quốc gia-dân tộc phương Tây. Nhưng nhiều năm sau khi phát biểu, Hồ Thích thừa nhận rằng ngay từ đầu ông đã thiên lệch: ông đã nghĩ rằng ‘quốc ngữ phải là một topolect phía bắc ngay từ đầu.’ Trong những bình luận năm 1958, ông đã phát họa lập luận của mình: 'Nếu người ta vẽ một đường thẳng từ Cáp Nhĩ Tân ở vùng cực đông bắc [của Trung Quốc] thẳng tới Côn Minh [ở tây nam Trung Quốc], đường thẳng này sẽ dài hơn 4 000 dặm. Dọc theo 4 000 dặm này, không ai cảm thấy cần phải thay đổi lời nói của mình, bởi vì ngôn ngữ họ nói là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới. Đây là quốc ngữ . Đây là thủ đô của chúng ta ... do tổ tiên chúng ta để lại.'38 Đường tưởng tượng của Hồ Thích, trên thực tế, sẽ phân cách miền bắc và miền tây 'Trung Quốc thuần túy' với các phần phía nam và phía đông của nó. Về mặt ngôn ngữ, đường của Hồ Thích thực hiện hai điều. Thứ nhất , nó khẳng định rằng có một cách ‘nói miền Bắc' duy nhất, bất chấp mọi khác biệt tồn tại dọc theo cái trục dài 4 000 dặm đó. Thứ hai, nó đặc biệt loại ra 6 trong 7 topolect thường được thừa nhận: Việt, Ngô, Mân, Khách Gia, Cám Tương (chưa nói tiếng Tạng, tiếng Mông Cổ và các thứ tiếng thiểu số khác). Thực tế, thông điệp của Hồ Thích cho họ là 'Nếu muốn trở thành một phần của dân tộc thì phải nói tiếng Bắc Kinh.'


Tuy nhiên, một sự đồng thuận đang hình thành giữa những người cải cách ngôn ngữ. Đến năm 1926, 'Ban trù bị Thống nhất Ngôn ngữ Quốc gia' đã có quyết định về câu trả lời cho câu hỏi chính mà họ phải đối mặt. Theo một trong những thành viên của ban, Zhao Yuanren (赵元任:  Triệu Nguyên Nhiệm), ban chỉ đơn giản là ‘quyết định rằng chúng ta tốt hơn là nên lấy cách nói của thành phố Bắc Kinh. Và vì vậy, chúng tôi chỉ tìm hiểu người dân [ở Bắc Kinh] thực sự nói thế nào.’39 Điều khiến việc này xảy ra được là một thay đổi ở trung tâm trong hội nghị Giang Tô - Chiết Giang. Nhiều nhân vật hàng đầu bao gồm cả những người như Hồ Thích, dường như đã quyết định rằng nhiệm vụ áp đặt một ngôn ngữ thỏa hiệp mà không ai nói được một cách tự nhiên sẽ khó hơn nhiều so với việc chọn một ngôn ngữ gần với thứ mà hơn một nửa dân số đã nói. Đó là một quyết định hợp lí, và lặp lại chính sách của những nhà cải cách ngôn ngữ ở Nhật, Đức và những nơi khác, đã biến cách nói ở thủ đô của họ thành ngôn ngữ quốc gia. Những người theo chủ nghĩa dân tộc về ngôn ngữ ở Bắc Kinh sẽ cố gắng đảo ngược quy trình được Chương Bỉnh Lân (và Herbert Spencer) mô tả và san bằng sự đa dạng thành một ngôn ngữ quốc gia duy nhất. Không có vấn đề cho phép các toppolect địa phương nổi lên như là các ngôn ngữ thay thế.


Năm 1928, 'thời kì cát cứ' kết thúc với chiến thắng của Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Lần đầu tiên những người Quốc dân đảng thực sự nắm chính quyền và những người cải cách ngôn ngữ có quyền lực để đưa các tuyên bố của họ thành hiện thực. Thái Nguyên Bồi trở lại chức vụ làm người đứng đầu Hội đồng Đại học, cơ quan thay thế Bộ Giáo dục, và vào tháng 12, Ban trù bị được thành lập lại và tái hoạt động. Khi những người Quốc dân đảng cố gắng để thực sự tạo ra một dân tộc duy nhất mà họ đã tranh cãi trong suốt thập kỉ trước đó, câu hỏi về quốc ngữ lại một lần nữa được chuyển lên hàng đầu. Một tập  'Từ vựng về cách phát âm quốc gia' được xuất bản vào năm 1932, định ra ‘cách phát âm quốc gia mới’ - xin guoyin (新國音: tân quốc âm)- của hàng ngàn chữ theo topolect Bắc Kinh. Quốc ngữ - guoyu - mới đã đến, được định nghĩa là âm của topolect Bắc Kinh với ngữ pháp và từ vựng của phương Bắc. Công việc còn xa mới hoàn thành. Quá trình này phải bắt đầu lại một lần nữa sau chiến thắng của Cộng sản vào năm 1949 và các sự kiện sau đó lặp lại rất sát với những gì đã xảy ra sau năm 1912. Chính kể từ đó, nhà cầm quyền mới mới đưa cải cách ngôn ngữ thành ưu tiên. Phiên họp đầu tiên của Hội Cải cách Chữ viết Trung Quốc mới (Zhongguo Wenzi Gaige Xiehui /中國文字改革協會: TQ văn tự cải cách hiệp hội) được tổ chức 10 ngày sau khi nước CHNDTH được tuyên bố thành lập.40 Hội tự đưa ra một danh sách các nhiệm vụ tương tự như các nhiệm vụ được đưa ra cho hội nghị ngôn ngữ năm 1913: tìm một hệ thống để viết ra âm của ngôn ngữ theo đúng ngữ âm, đơn giản hóa các chữ Hán và chính quy hóa một ngôn ngữ thống nhất cho Trung Quốc trên cơ sở phương ngữ miền Bắc. Tháng 10 năm 1955, Hội được chuyển thành một tổ chức của chính phủ trung ương, được đổi tên thành Ủy ban Cải cách Chữ viết Trung Quốc (Zhong guo Wenzi Gaige Weiyuanhui / 中國文字改革委員會) và đưa ra các khuyến nghị dẫn đến định nghĩa chính thức của quốc ngữ mới. Ngày 6 tháng 2 năm 1956, sau 6 năm thảo luận, chính phủ đã đưa ra định nghĩa của Putonghua (普通话: Phổ thông thoại) hay ‘tiếng Phổ thông’. Hầu như giống y với quyết định của Ban trù bị cho việc thống nhất ngôn ngữ quốc gia 35 năm trước: 'tiếng Phổ thông lấy các phương ngữ phía bắc làm phương ngữ cơ bản, hệ thống âm vị học Bắc Kinh làm chuẩn mực phát âm, và tìm kiếm các chuẩn mực ngữ pháp của nó từ các công trình hiện đại mẫu mực trong bạch thoại.’41 Các đặc điểm đã từng được thiết lập trước đó một thế hệ, hướng đi cũng như cũ - và sự phản kháng cũng khó vượt qua.

16. Lễ thành lập chính phủ Quốc dân đảng mới tại Nam Kinh, ngày 18 tháng 4 năm 1927. Đầu tiên bên trái hàng ghế đầu là Tưởng Giới Thạch. Ngô Trĩ Huy ngồi thứ tư từ trái sang. Ông chủ trì Hội nghị thống nhất cách đọc các phát âm năm 1913. Là một người từng theo chủ nghĩa vô chính phủ với khuynh hướng tục tĩu, ông không phải là lựa chọn tốt nhất cho một vai diễn nhạy cảm như vậy. Thứ ba từ bên phải là Hồ Hán Dân, biên tập viên của tạp chí cách mạng Dân báo và là một trong những cố vấn tư tưởng của Tôn Dật Tiên.


Ngày 26 tháng 10 năm 1955, ba tháng trước khi tiếng Phổ thông được chính thức thừa nhận, một bài báo trên tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hướng dẫn người dân hiểu mối quan hệ giữa topolect địa phương và tiếng Phổ thông. Bài báo viết, 'tiếng Phổ thông phục vụ nhân dân cả nước, và các phương ngữ phục vụ người dân trong một khu vực. Phổ cập tiếng Phổ thông không có nghĩa là xóa đi các phương ngữ một cách giả tạo mà là giảm dần phạm vi sử dụng của phương ngữ. Điều này phù hợp với quy luật khách quan của tiến bộ xã hội.’42 Không rõ ai đã viết ra những 'quy luật khách quan của tiến bộ xã hội' nhưng có lẽ chúng đã truyền cảm hứng cho các tác giả của một đạo luật được ban hành ở Thượng Hải năm 1985 có quy định rằng từ đó trở đi việc học tập ở thành phố sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Phổ thông. Năm 1992 quy định được tăng cường yêu cầu học sinh phải báo cáo bè bạn nói tiếng Thượng Hải. Các chiến dịch đã được tổ chức để loại bỏ các cụm từ tiếng Thượng Hải trên các biển báo và trong các lĩnh vực khác của đời sống công cộng. Tuy nhiên, tiếng Thượng Hải vẫn sống sót.


Tuy nhiên, sự thành công của chiến dịch ủng hộ tiếng Phổ thông, cùng với sự di cư của hàng triệu 'người bên ngoài’ từ các tỉnh khác vào Thượng Hải, đã tạo ra phản ứng ‘địa phương chủ nghĩa'. Lo ngại về sự suy giảm văn hóa vùng miền đã khiến một số nhân vật địa phương kêu gọi phải có các  nỗ lực bảo tồn nó. Năm 2010, chính quyền thành phố bắt đầu âm thầm khuyến khích việc giảng dạy tiếng Thượng Hải. Năm 2013, một nghệ sĩ của Đoàn Hài kịch Thượng Hải, Qian Cheng (钱诚: Tiền Thành), đã đưa ra một đề ​​nghị với Ủy ban của Hội nghị Hiệp Chính Nhân dân Trung Quốc Thượng Hải kêu gọi giảng dạy tiếng Thượng Hải cho trẻ em mẫu giáo. Để đáp lại, Ủy ban Giáo dục Thành phố đã bắt đầu một dự án thí điểm vào năm 2014, với 20 trường mẫu giáo công lập và khoảng 100 trường phổ thông sử dụng tiếng Thượng Hải.43 Đó là dấu hiệu cho thấy tiếng Phổ thông đã trở nên thống trị như thế nào trong 15 năm trước khiến topolect địa phương đã được đưa vào trở lại dưới dạng ngôn ngữ thứ hai, thay vì ngôn ngữ mẹ đẻ như nó đã từng một thế hệ trước. Tuy nhiên, ‘Dự án Di sản Thượng Hải’ phải cẩn thận. Vì Bộ Giáo dục đã quy định rằng các môn học chỉ có thể được giảng dạy bằng tiếng Phổ thông, việc sử dụng tiếng Thượng Hải chỉ giới hạn trong các trò chơi, lời chào và các khía cạnh xã hội khác của cuộc sống nhà trường.44.

Mặc dù chính quyền trung ương có vẻ đã sẵn sàng để chấp nhận việc bảo tồn một số topolect địa phương, nhưng cũng có giới hạn đối với mức độ du di. Năm 2017, một nhà quảng bá tiếng Quảng Đông nổi tiếng, tác giả và người dẫn chương trình truyền hình Quảng Châu, Rao Yunsheng (饶云生: Nhiêu Vân Sinh), có vẻ đã vượt qua lằn ranh. Ông đã cố gắng giới thiệu một cuốn sách giáo khoa tiếng Quảng Đông dạy nói và viết tại trường tiểu học Ngũ Dương  ở Quảng Châu. Cuốn sách của ông bao gồm một dạng La Mã hóa âm để giúp trẻ em đọc và học. Theo báo chí địa phương, ông Sinh nói rằng chính quyền địa phương đã vào cuộc để ngăn chặn việc sử dụng cuốn sách này. Ông không thể bình luận gì thêm.45 Có vẻ rằng dù việc dạy trẻ em nói một topolect địa phương bây giờ có thể được chấp nhận, nhưng việc dạy chúng đọc nó như một ngôn ngữ viết vẫn bị cấm.


Ở cả Thượng Hải lẫn Quảng Châu, chính sự thịnh vượng địa phương đã tạo ra các vấn đề đối với chính sách quốc ngữ. Cả hai nơi này đều trở nên mạnh mẽ về kinh tế và do đó có thể khẳng định mức độ tự chủ đối với chính quyền trung ương. Đồng thời, cả hai đều thu hút một lượng lớn người di cư từ các vùng khác của đất nước, không nói được topolect của địa phương. Chính quyền trung ương kêu gọi các thành phố hoà nhập những người mới đến qua việc đề cao tiếng Phổ thông, và do đó đồng thời hoà nhập thành phố với quốc gia. Tuy nhiên, ở cả hai thành phố này, điều đó đã tạo ra phản ứng dữ dội khiến người dân địa phương bất bình với việc mất đi tính đặc trưng địa phương. Điều này tạo ra đòi hỏi chính quyền địa phương phải thực hiện các bước để bảo vệ bản sắc địa phương, khiến chính quyền thành phố phải xung đột với các chỉ đạo tầm quốc gia.

Chính sách ngôn ngữ quốc gia của Trung Quốc có vẻ vừa thành công vừa thất bại. Mặc dù tiếng Phổ thông là ngôn ngữ quốc gia trong các trường học và số lượng người có thể nói được ngôn ngữ này đang tăng lên, chính sách này dường như cũng đang kích động các nỗ lực hậu thuẫn cho việc bảo vệ các topolect địa phương. Ngày càng tăng, cuộc chiến đang diễn ra trong các lĩnh vực của cuộc sống mà chính quyền trung ương khó kiểm soát, đặc biệt là Internet. Diễn đàn trực tuyến xôn xao với các thảo luận về bản sắc địa phương và các vấn đề của người di cư trong trò chơi mèo vờn chuột với các nhà quản lí. Ở Thượng Hải trong những năm 2010, một số diễn giả topolect địa phương đã đề cập đến những người mới đến là 'YPs ', ying pan (硬盘: ngạnh bàn), nghĩa là ' đĩa cứng '. Nhà sản xuất đĩa cứng máy tính lớn nhất tại địa phương là một công ty có tên là West Data có các chữ cái đầu là 'WD' viết tắt cho từ wai di (外地: ngoại địa), nghĩa là 'không phải địa phương'. 46 Đáp lại những trò như thế này, vào năm 2014, cơ quan quản lí truyền thông chính thức, Cục Quản lí Nhà nước về Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Phim và Truyền hình đã ban hành một lệnh cấm chính thức đối với việc sử dụng các trò chơi chữ trong các chương trình phát sóng. Lệnh này cũng đã bị chế nhạo và việc thực thi là ở mức tối thiểu.47


Những người nói tiếng Quảng Đông đã trở thành những chuyên gia trong việc né tránh kiểm duyệt. Họ có thể sử dụng cụm từ tiếng Quảng Đông có nghĩa là 'gã miền Bắc’ giống như một cách phát âm giống với cụm từ 'kẻ trục lợi miền Bắc'. Nếu muốn chỉ trích Đảng Cộng sản, họ có thể sử dụng cụm từ 'ngựa bùn cỏ'- cao ni ma, (草泥馬 / cǎo ní mǎ), nói nghe gần giống như (操你媽 / cāo nǐ mā) 'đ* mẹ mày' trong tiếng Quảng Đông. Do đảng thường được ví là ‘mẹ’ của dân, nên cụm từ này cũng có ý rằng ‘đ* đảng’. Nếu họ muốn chỉ trích sự tuyên truyền của đảng họ có thể sử dụng mỉa mai cách phát âm tiếng Quảng Đông của tên bộ phim truyền hình yêu nước, 'Bravo, Nước tôi’ - lai hoi liu, ngo dik gwok (利害了, 我的國: lợi hại liễu, ngã đích quốc)- chính nó lại bắt nguồn từ một cụm từ được các tổ chức cộng sản sử dụng trên mạng xã hội,'Bravo, anh bạn' - Li hai le, wo de ge (厲害了, 我的哥: lệ hại liễu, ngã đích ca)

Dù vậy có vẻ như là triển vọng cho topolect sẽ phụ thuộc vào mức độ quan trọng về mặt kinh tế của topolect đó. Có rất nhiều người nói tiếng Thượng Hải và tiếng Quảng Đông có đủ nguồn lực - tài chính và chính trị - để tổ chức việc phòng vệ. Tuy nhiên, không phải tất cả các cách nói địa phương đều dễ dàng chống lại bước tiến của tiếng Phổ thông . Việc Tập Cận Bình lên nắm quyền và 'Giấc mơ Trung Hoa' của ông về thống nhất dân tộc cho thấy rằng động lực áp đặt quốc ngữ trên toàn quốc sẽ tiếp tục. Ủy ban Ngôn ngữ Nhà nước Trung Quốc nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa công việc của họ và lời kêu gọi chính thức về phục hưng dân tộc Trung Hoa. Trong ‘Đề cương Kế hoạch Quốc gia Trung và Dài hạn về Cải cách và Phát triển Ngôn ngữ và Chữ viết (2012–2020)’, Ủy ban khẳng định, ‘Việc thiết lập toàn diện một xã hội thịnh vượng một cách ôn hòa, xây dựng ngôi nhà tinh thần chung cho người dân Trung Quốc, nâng cao sức mạnh mềm văn hóa của đất nước, và tăng tốc quá trình hiện đại hóa giáo dục đều đặt ra những yêu cầu mới đối với nhiệm vụ ngôn ngữ và chữ viết.’48


Điều này dường như gói gọn lại lời thúc giục kép đã thúc đẩy những nỗ lực của các nhà cải cách trong việc xây dựng một ngôn ngữ quốc gia duy nhất trong suốt hơn một thế kỉ. Một là mong muốn làm cho nhà nước hiệu quả hơn và nhân dân mạnh hơn, thông qua một ngôn ngữ có thể thúc đẩy được việc xóa mù chữ trong đại chúng và việc giao tiếp giữa các cộng đồng đa dạng. Hai là mong muốn có tính dân tộc về xây dựng một 'ngôi nhà tinh thần chung'. Chìm sâu trong dự án ngôn ngữ là nỗi sợ rằng Trung Quốc có thể đơn giản là quá đa dạng để có thể hợp lại với nhau. Đây là một nỗi sợ có nguồn gốc sâu xa, nhưng nó vẫn còn quá nhạy cảm để nói to lên. Chúng ta chỉ có thể nghe thấy tiếng vọng của nó khi TCB và các nhà lãnh đạo khác nói về sự cần thiết có một 'đất nước hài hòa về văn hóa’ và không ngừng kêu gọi 'đoàn kết'. Bất hòa và mất đoàn kết là mối quan tâm-không-ai-được-nêu-tên. Ý tưởng rằng Hong Kong hoặc Đài Loan - hoặc Quảng Châu hay Thượng Hải - có thể có bản sắc riêng của chính họ mạnh hơn bản sắc dân tộc Trung Quốc là không thể tưởng tượng được theo nghĩa đen đối với những người lãnh đạo nước CHNDTH.


Thừa nhận những suy nghĩ nổi loạn như vậy là mở ra cánh cổng trí tuệ cho việc quay lại sự hỗn loạn: quay lại thời đại lãnh chúa của những năm 1910 và 1920, hoặc lùi xa hơn là trở lại thời chiến quốc. Sự tan rã quốc gia có thể còn xa nhưng dù sao cũng phải thường xuyên đấu tranh chống lại. Năm 1991, chủ tịch tỉnh Quảng Đông, Ye Xuanping (叶选平: Diệp Tuyển Bình), bị giới lãnh đạo Đảng Cộng sản trung ương coi là một nhân vật quá mạnh ở địa phương. Để an toàn họ đã đề bạt ông lên một chức vụ trái với ý muốn, chủ yếu có tính nghi thức ở Bắc Kinh như một cách loại bỏ ông và phe cánh khỏi cơ cấu quyền lực địa phương. Điều tương tự đã xảy ra vào năm 2012 tại thành phố Trùng Khánh khi bí thư Đảng Cộng sản địa phương Bạc Hi Lai bị lột chức vì lo ngại rằng thái ấp địa phương của ông nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền trung ương. Nỗi sợ rằng các lực li tâm có thể xé vụn 'đại quốc' mới luôn hiện hữu, làm dấy lên sự căng thẳng liên tục của trung tâm về sự thống nhất qua việc kêu gọi một nền văn hóa duy nhất.


Động lực này có thể truy ngược về một chuỗi các nhà cải cách ngôn ngữ từ Hoàng Tuân Hiến vào cuối thế kỉ 19, thông qua hai ông họ  Vương và Uông nổ ra vào năm 1913, cho tới các thành viên của Ban trù bị cho việc thống nhất của ngôn ngữ quốc gia và những người kế tục cộng sản trong Hội Cải cách Chữ viết Trung Quốc, sau đó phát triển thành Ủy ban Ngôn ngữ Nhà nước Trung Quốc ngày nay. Đằng sau họ là những người dân tộc chủ nghĩa về ngôn ngữ ở Nhật và Đức mà từ họ ý tưởng về một 'ngôn ngữ quốc gia' - quốc ngữ - đã xuất hiện, trong công thức ‘một quốc gia, một dân tộc, một ngôn ngữ’ (一國家, 一民族, 一語言). Và, như những người biểu tình ở Hong Kong đều biết rõ, khẩu hiệu đó đã được tiếp thêm năng lượng mới dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.

__________

1. Xinhua, 'Proposal for News in Mandarin Angers Guangzhou Citizens', 9 July 2010, http://www.china.org.cn/china/201007/09/content_20463001.htm; Sihua Liang, Language Attitudes and Identities in Multilingual China: A Linguistic Ethnography, Cham: Springer, 2015, pp. 5

2. Xuesong Gao, “Cantonese is Not a Dialect” : Chinese Netizens' Defence of Cantonese as a Regional Lingua Franca', Journal of Multilingual and Multicultural Development, 33/5 (2012), p. 459. 3. Ibid., p. 459. 

4. Verna Yu and SCMP Reporter, 'Hundreds Defy Orders Not to Rally in Defence of Cantonese', South China Morning Post, 2 August 2010, https://www.scmp.com/article/721128/hundreds-defy-orders-not-rally-defencecantonese 

5. Rona Y. Ji, “Preserving Cantonese Television & Film in Guangdong: Language as Cultural Heritage in South China's Bidialectal Landscape', Inquiries Journal, 8/12 (2016), http://www.inquiriesjournal.com/articles/1506/3/preserving-cantonese-television-andfilm-in-guangdong-language-as-culturalheritage-in-south-chinas-bidialectallandscape  

6. Mimi Lau, ‘Guangdong TV News Channel Quietly Changing from Cantonese to Putonghua', South China Morning Post, 11 July 2014, https://www.scmp.com/news/china/article/1552398/guangdong-tv-news-channelquietly-changing-cantonese-putonghua

7._Xinhua, 'China to Increase Mandarin Speaking Rate to 80%’, 3 April 2017, http://english.gov.cn/state_council/ministries/2017/04/03/content_2814.75615766970.htm  

8. Minglang Zhou and Hongkai Sun (eds),  Boston; London: Kluwer Academic Publishers, 2004, p. Language Policy in the People's Republic of China: Theory and Practice Since 1949,30. 

9. Dan Xu and Hui Li, ‘Introduction', in Dan Xu and Hui Li (eds), Languages and Genes in Northwestern China and Adjacent Regions, Singapore: Springer, 2017, p. 3. 

10. Stephen Chen, ‘Beyond the Yellow River: DNA Tells New Story of the Origins of Han Chinese', South China Morning Post, 23 May 2019. 

11. Jerry Norman, Chinese, Cambridge: Cambridge University Press, 1988, chapter 1. 

12. Victor H. Mair, “What is a Chinese "Dialect/Topolect”?', Sino-Platonic Papers, 29 (September 1991).

13. Norman, Chinese, pp. 2; 183. 14. Ibid., pp. 15-16. 

15. Elisabeth Kaske, The Politics of Language in Chinese Education: 1895–1919, Leiden: Brill, 2008, p. 32. 

16. Mair, “What is a Chinese "Dialect/Topolect”?', pp. 11-12. 

17. Murata Yujiro, “The Late Qing “National Language” Issue and Monolingual Systems:

Focusing on Political Diplomacy', Chinese Studies in History, 49/3 (2016), pp. 108–25. 

18. Kaske, Politics of Language, pp. 24-6. 

19. Ibid., pp. 91–3. 

20. John DeFrancis, Nationalism and Language Reform in China, Princeton, NJ: Princeton University Press, 1950, p. 33. 

21. Yixue Yang, ‘Language Reform and Nation Building in Twentieth-Century China', Sino-Platonic Papers, 264 (December 2016), pp. 74-6. 

22. Ni Haishu, “Qieyinzi', in Zhongguo da baike quanshu, Yuyan wenzi, Beijing/Shanghai: Zhongguo da baike quanshu chubanshe, 1988, pp. 315-17, http://www.chinaknowledge.de/Literature/Script/qieyin.html

 23. Jing Tsu, Sound and Script in Chinese Diaspora, Cambridge, MA: Harvard University Press, 2010, p. 23. 

24. Kaske, Politics of Language, p. 146. 

25. Quoted in ibid., p. 122. 

26. Ibid., p. 366. 

27. Ibid., pp. 356–7. 

28. Ibid., p. 378. 

29. Ibid., p. 292. 

30. Ibid., p. 293. 

31. Christopher Rea, The Age of Irreverence: A New History of Laughter in China, Oakland, CA: University of California Press, 2015, pp. 97–101. 

32. Kaske, Politics of Language, pp. 407;410. 

33. DeFrancis, Nationalism and Language Reform, p. 57. 

34. Tsu, Sound and Script, p. 194; S. Robert Ramsey, The Languages of China, Princeton, NJ: Princeton University Press, 1987, pp. 7-8. 

35. DeFrancis, Nationalism and Language Reform, p. 66.

36. Kaske, Politics of Language, p. 428; Peter Peverelli, The History of Modern Chinese Grammar Studies, Berlin: Springer, 2015, p. 28. 

37. Kaske, Politics of Language, p. 463; Peverelli, History of Modern Chinese Grammar Studies, pp. 28-9. 

38. Quoted in Tsu, Sound and Script, p. 196. 

39. David Moser, A Billion Voices: China's Search for a Common Language, London: Penguin Books, 2016, p. 27. 

40. John DeFrancis, ‘Language and Script Reform in China', in Joshua A. Fishman (ed.), Advances in the Sociology of Language, vol. II: Selected Studies and Applications, The Hague; Paris: Mouton, 1972, p. 458. 

41. Harriet C. Mills, ‘Language Reform in China: Some Recent Developments', Far Eastern Quarterly, 15/4 (August 1956), pp. 521-7. 

42. People's Daily, 26 October 1955, quoted in Longsheng Guo, “The Relationship Between Putonghua and Chinese Dialects', in Minglang Zhou and Hongkai Sun (eds), Language Policy in the People's Republic of China: Theory and Practice Since 1949, Boston; London: Kluwer Academic Publishers, 2004, pp. 45–6. 

43:  Yanyan Li, “The Teaching of Shanghainese in Kindergartens, PhD dissertation, Benerd School of Education, 2015, pp. 49-52. 

44. Qing Shao and Xuesong (Andy) Gao, ‘Protecting Language or Promoting Dis-citizenship? A Poststructural Policy Analysis of the Shanghainese Heritage Project,’ International Journal of Bilingual Education and Bilingualism, 22/3 (2019), pp. 352-64. 

45. Mark MacKinnon, ‘Mandarin Pushing Out Cantonese', Globe and Mail (Toronto), 20 November 2009, https://www.theglobeandmail.com/news/world/mandarin-pushing-outcantonese/article4293285 ; He Huifeng, 'Why Has Cantonese Fallen Out of Favour with Guangzhou Youngsters?', South China Morning Post, 12 March 2018, https://www.scmp.com/news/china/society./article/2136237/why-has-cantonese-fallenout-favour-guangzhou-youngsters  

46. Shao and Gao, ‘Protecting Language', p. 357. 

47. Moser, A Billion Voices, p. 90.

48. Quoted in Natalia Riva ‘Putonghua and Language Harmony: China's Resources of Cultural Soft Power', Critical Arts, 31/6 (2017), pp. 92–108.

______________________________

Xem bản song ngữ: Chapter 6: The Invention ofChinese language

Lời mở đầu                  Chương 5                

Chương 2                     Chương 6               

 Chương 1                    Chương 7                  

 Chương 3                    Chương 8                              

 Chương 4                   Kêt luận.  


No comments: