Wednesday, January 27, 2021

Sáng chế ra Trung Quốc (Ch. 7: Lãnh thổ quốc gia)

 Chuong 7

SÁNG CHẾ LÃNH THỔ QUỐC GIA

lingtu - lãnh thổ 

 

Ngày 14 tháng 5 năm 2018 bắt đầu giống như bất kì ngày thứ Hai nào khác đối với các giám đốc điều hành của hãng Gap China, nhưng trong vòng vài giờ, những lo lắng thông thường về việc quản lí một chuỗi cửa hàng quần áo đang mở rộng trong một thị trường phát triển nhanh đã bị thay bằng sự hoảng loạn. Vào thời điểm mọi người đã về nhà, các ông chủ của công ti bị buộc phải công bố một lời xin lỗi khó hiểu. Họ đi ngủ với mong mỏi đã làm đúng mức trong việc làm lắng dịu cuộc phản đối trực tuyến do một chiếc áo thun ngắn tay trị giá $7,99 được bán trong một cửa hàng đại lí của nhà máy cách đó 11 000 km gây ra. Thứ Hai hôm đó, các giám đốc điều hành nhận lấy một cảm ứng hung bạo vào chứng loạn thần kinh về lãnh thổ của Trung Quốc đương đại.

Một vài tháng trước đó, Gap đã phát hành một loạt áo thun có ý cho khách hàng được thể hiện chút tự hào về địa phương. Loạt hàng này bao gồm áo có in tên ‘Trung Quốc', ' Nhật Bản', 'San Fran' và 'Paris' ở mặt trước và mặt sau. Hầu hết các thiết kế đều được minh họa bằng cờ của quốc gia liên quan, nhưng phiên bản Trung Quốc thì khác: nó có bản đồ. Một người yêu nước Trung Quốc tinh mắt, chọn một số quần áo giảm giá sau chuyến đi đến thác Niagara phía Canada, nhận thấy rằng bản đồ trên chiếc áo thun 'Trung Quốc' không bao gồm đầy đủ các yêu sách lãnh thổ của đất nước. Khi họ chứng minh với sự trợ giúp của một bức ảnh có chú thích, bản đồ của Gap đã bỏ sót các đảo ở biển Đông, các khu vực trên dãy Himalaya do Ấn Độ chiếm đóng và đặc biệt là đảo Đài Loan.

Bài đăng của một khách du lịch theo chủ nghĩa dân tộc trên trang mạng xã hội Weibo (Vi bác) của Trung Quốc có thể đã không được chú ý nếu không được blogger nổi tiếng 7sevennana nhặt ra. Cho đến thời điểm đó, cô được biết đến nhiều nhất với việc bình luận về các trò chơi máy tính khi mặc áo hở vai. Tháng 5 năm 2018 cô ấy định vị lại mình là một người yêu nước. Khi chuyển bức ảnh áo thun cho hàng nghìn người theo dõi, cô đã thêm thông điệp của chính cô gửi tới Gap: 'Nếu quý vị kiếm được tiền từ Trung Quốc, tại sao quý vị không thể cẩn thận về vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc?' Gap nhanh chóng thấy mình đang gặp rắc rối. Ngay từ hôm đó, những lời kêu gọi tẩy chay các cửa hàng Gap bắt đầu lan truyền trên Weibo. Đội quân kiểm duyệt trực tuyến của chính phủ đã không hề có cố gắng nào để ngăn chặn họ. Nhiều người ủng hộ tẩy chay đã khẳng định rằng Gap hẳn đã cố tình chọn cách làm bẽ mặt đất nước này với việc chọn bản đồ thay vì chọn cờ cho thiết kế. Có lẽ đó là vì áo thun được in ở Ấn Độ hoặc Đài Loan, họ gợi ý. Các cáo buộc dày lên.

Đối với một công ti có 136 cửa hàng, trong đó có một trung tâm thương mại rộng 1 900 mét vuông trên đường Tây Nam Kinh, Thượng Hải, không mở cửa thậm chí trong một năm, chưa kể 200 nhà thầu phụ sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc,1 rõ ràng hệ lụy là hiển hiện. Thực tế thương mại đòi hỏi công ti phải xin lỗi. Trước khi hết phương cứu vãn, Gap China đã lớn tiếng tuyên bố trong tuyên bố riêng trên Weibo rằng họ 'tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc', rằng chiếc áo thun 'do sai sót không phản ánh đúng bản đồ của Trung Quốc' và rằng công ti ‘chân thành xin lỗi vì lỗi vô ý này'. Những chiếc áo thun đã được thu hồi khỏi các kệ hàng ở Trung Quốc và các cửa hàng trực tuyến ở mọi nơi khác. Những lời đe dọa tẩy chay đã biến mất và những người yêu nước trên Weibo đã tự vỗ về mình vì hoàn thành tốt công việc.

Những sự cố như vậy ngày càng trở nên phổ biến. Gap không phải là công ti duy nhất gặp rắc rối vì thiếu sót trong việc công nhận các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tháng 1 năm 2018, chuỗi khách sạn Marriott cũng đã phải xin lỗi sau khi liệt kê Đài Loan và Tây Tạng là hai quốc gia riêng biệt trong một cuộc điều tra ý kiến khách hàng. Cùng lúc đó, một số hãng hàng không nước ngoài liệt kê Đài Loan là một 'quốc gia’ riêng biệt đã buộc phải chỉnh lại trang web của họ. Tháng 3 năm 2019 MAC, thương hiệu mĩ phẩm thuộc sở hữu của Estée Lauder, đã phải xin lỗi sau một email gửi đến khách hàng ở Hoa Kì đã không đưa Đài Loan vào bản đồ của Trung Quốc.2

Ngày 27 tháng 4 năm 2017, Quốc hội chỉ làm công việc đóng dấu của Trung Quốc đã thắt chặt ‘Luật Khảo Sát và làm Bản đồ’ của đất nước để ‘nâng cao nhận thức của cộng đồng về lãnh thổ quốc gia' bên cạnh nhưng điều khác. Người phát ngôn của Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc, He Shaoren (何紹仁: Hà Thiệu Nhân), nói với các nhà báo rằng việc vẽ sai ranh giới của đất nước 'gây thiệt hại về mặt khách quan cho tính toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của chúng ta'.3 Tháng 2 năm 2019, chính phủ đã đi xa hơn với các quy định cụ thể về việc in bản đồ trong sách báo ở Trung Quốc nhằm bán ra thị trường nước ngoài. Mỗi bản đồ sẽ đòi hỏi có sự cho phép của các quan chức cấp tỉnh và không bản đồ nào được phép phân phối trong nước. Khả năng một công dân Trung Quốc có thể nhìn thấy một bản đồ thể hiện một phiên bản trái phép các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia đến nỗi nó biện minh cho sự can dự của ‘Nhóm công tác quốc gia chống ấn phẩm khiêu dâm và bất hợp pháp', theo quy định này.4 Để tỏ rõ quan điểm này, vào tháng 3 năm 2019, chính quyền thành phố cảng Thanh Đảo đã cho hủy 29 000 bản đồ tiếng Anh dùng để xuất khẩu vì chúng thể hiện Đài Loan là một quốc gia riêng biệt.5

Trung Quốc còn lâu mới là quốc gia duy nhất lo ngại về biên giới của mình. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mức độ mà sự lo lắng về những biên giới đó đã trở thành bệnh rối loạn thần kinh cả nước. Các tuyên bố của chính phủ đã liên kết rõ ràng các luật và quy định về làm bản đồ năm 2017 và 2019 với chiến dịch 'giáo dục lòng yêu nước' của nhà nước. Một phần mục đích của họ là hướng dẫn việc giảng dạy học sinh theo cái nhìn đúng đắn về đất nước.

Thông điệp từ giới lãnh đạo quốc gia nhắc nhở một cách ám ảnh người dân rằng cách duy nhất để trở thành một người yêu nước Trung Quốc là nhiệt thành trong việc đưa Đài Loan ‘quay trở lại’ dưới sự kiểm soát của đại lục; kiên định rằng Trung Quốc là chủ sở hữu hợp pháp của mọi đảo đá và san hô ở biển Đông; đòi Nhật Bản giao lại quần đảo Điếu Ngư / Senkaku và kiên quyết các yêu sách chủ quyền tối đa ở dãy Himalaya. Các phương tiện truyền thông chính thức liên tục nhắc nhở công dân về các yêu sách lãnh thổ của nhà nước, khuyến khích họ tự mình gắn bó với những yêu sách đó và nuôi dưỡng cảm giác bị tổn thương và hổ thẹn đối với những tranh chấp biên giới chưa được giải quyết. Sự hoang tưởng về biên giới quốc gia ở Trung Quốc không chỉ là nỗi ám ảnh của những người chơi trò chơi trực tuyến hay những người yêu nước trên Weibo, mà nó là trọng tâm của chính nhà nước. Các bài phát biểu của Tập Cận Bình nói rõ rằng tầm nhìn của ông về việc phục hưng quốc gia chỉ có thể hoàn thành khi tất cả lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Nhưng câu chuyện về việc làm thế nào mà một số vùng lãnh thổ được coi là ‘đúng lẽ’ của Trung Quốc trong khi những vùng khác thì không lại không hề đơn giản. Trong thế kỉ 20, một số khu vực được coi là các bộ phận ‘tự nhiên’ của đất nước, chẳng hạn như là Ngoại Mông, đã bị buông bỏ trong khi những nơi khác đã từng bị từ bỏ, đặc biệt là Đài Loan, lại được đòi phải lấy lại. Khi Đế chế nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, hầu hết các biên giới của nó chỉ là tưởng tượng hơn là hiện thực. Ngoại trừ một số chỗ, nơi mà các đế quốc Nga, Pháp hoặc Anh đã buộc họ phải xác định.Trong những thập kỉ sau cuộc cách mạng, tầng lớp tinh hoa quốc gia ở Bắc Kinh lần đầu tiên phải 'chỉnh lại' lãnh thổ quốc gia. Đây là một quá trình phải diễn ra trên thực địa nhưng cũng trong trí tưởng tượng của quốc gia. Các bản đồ phải được vẽ nhưng cũng không kém quan trọng là cái nhìn thế giới được thể hiện trên các bản đồ đó phải được khắc sâu vào tâm trí của mọi người. Sự lo lắng về tính dễ bị xâm phạm của những đường biên giới đó đã được cố tình tạo ra ngay từ đầu. Có những lo sợ về các đe dọa từ nước ngoài nhưng cũng có những mơ tưởng bành trướng và những toan tính chính trị. Câu chuyện về việc sáng chế ra lãnh thổ của Trung Quốc hiện đại - và những lo lắng về lãnh thổ - khởi đầu từ một thế kỉ trước, sau chiến tranh và với sự tiếp xúc khoa học địa lí phương Tây. Nó kết thúc bằng việc tái khám phá Đài Loan, việc nó kết nối lại với đất liền và sau đó là việc nó li khai.

Phần lãnh thổ quan trọng cuối cùng bị triều đình nhà Thanh chính thức từ bỏ đã được kí kết vào ngày 17 tháng 4 năm 1895. Hiệp ước mà Lí Hồng Chương đã đồng ý tại cảng Shimonoseki của Nhật nhượng Đài Loan và quần đảo Pescadore (Bành Hồ) ngoài khơi bờ biển, ‘cho Nhật Bản vĩnh viễn và với chủ quyền trọn vẹn’ (xem Chương 2). Chỉ hơn một tháng sau, quyền tổng đốc đảo này, một người dân đại lục, cùng một số quan chức và thương nhân, tuyên bố độc lập dưới tên 'Cộng hòa Đài Loan' thay vì phục tùng sự cai trị của Nhật Bản. Họ hi vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ của Anh và Pháp nhưng người châu Âu không thấy có lợi trong việc can thiệp và nước Cộng hòa này sụp đổ chỉ 11 ngày sau khi được tuyên bố. Tuy nhiên, việc phản kháng vẫn tiếp tục. Phải mất thêm 5 tháng nữa quân Nhật mới chiếm được tất cả các thành phố và 5 năm nữa trước khi ttàn dư băng đảng cuối cùng hoàn toàn bị nghiền nát.6

Trong suốt chiến dịch kéo dài này, triều đình nhà Thanh không chịu cung cấp bất kì sự trợ giúp nào cho các thần dân cũ của mình ở tỉnh cũ. Thực tế, sự ủng hộ vật chất cho nước Cộng hòa phản loạn này đã bị cấm một cách rõ ràng bởi một sắc lệnh của triều đình vào tháng 5 năm 1895.7 Số phận của Đài Loan đơn giản là không đủ quan trọng để Bắc Kinh có đánh liều xung đột thêm với Nhật Bản. Nửa thế kỉ sau 'Chiến tranh thuốc phiện' lần thứ nhất, triều đình nhà Thanh đã bị buộc phải chấp nhận tính chất ràng buộc của các hiệp ước quốc tế. Họ đã kí kết từ bỏ các quyền của mình đối với lãnh thổ này và đó là kết cục của nó. Tuy vậy, số phận của Đài Loan đã không trở thành một vụ gây tranh cãi. Mặc dù việc tách hòn đảo ra khỏi thân thể của đại quốc là một đòn mạnh giáng vào uy tín của triều đình, nó hầu như không làm xáo trộn dân chúng nói chung. Quan hệ của đại lục với Đài Loan trong năm 1895, tốt nhất có thể được mô tả là ‘nửa tách rời'. Ngay cả sau khi sáp nhập một phần vào năm 1684, nhà Thanh đã coi đảo này như một chốn biên cương nguy hiểm, chủ yếu là cho thổ dân hoang dã và bệnh tật chết người. Triều đình chỉ tuyên bố nó là một tỉnh 200 năm sau, vào năm 1885, sau cuộc chiến với Pháp. Đài Loan tiếp tục là một tỉnh chỉ trong một thập kỉ, trước khi nó được nhượng cho Nhật tại Shimonoseki.8

Sau khi kí kết hiệp ước, các quan chức nhà Thanh gần như hoàn toàn không để ý tới những diễn biến ở Đài Loan. Đảo này bị mất, theo cùng cách mà các mảnh lãnh thổ khác đã bị mất đi qua kí kết các hiệp ước khác. Năm 1858, nhà Thanh đã nhượng 500 000 km² phần đất phía bắc sông Amur cho Nga thông qua Hiệp ước Aigun.9 Sau đó, thông qua các 'hiệp ước bất bình đẳng khác', họ buộc phải cho phép các cường quốc châu Âu thiết lập các thuộc địa nhỏ quanh bờ biển. Đài Loan dường như đã ra đi theo cùng cách; không có cách nào khả thi để giành giật lại nó khỏi nanh vuốt của Nhật Bản. Khoảng hơn 2 triệu thần dân nhà Thanh trên đảo, chủ yếu là những người nói tiếng Phúc Kiến và tiếng Quảng Đông, cùng với thổ dân, đã trở thành thần dân thuộc địa của Nhật Bản.

Đáng ngạc nhiên, có lẽ, cùng vô tâm về số phận của Đài Loan cũng là đặc điểm của phong trào cách mạng. Tôn Dật Tiên (Tôn Văn) và các đồng chí của ông không hề đòi trả lại đảo này cho nhà Thanh kiểm soát. Cho đến nay, theo như chúng ta biết, không có lúc nào cá nhân Tôn Văn quan tâm đến việc chống lại sự thống trị của Nhật Bản, mặc dù nó tiếp tục âm ỉ. Đối với Tôn Văn, Đài Loan do Nhật Bản kiểm soát với vai trò là một căn cứ để từ đó lật đổ Nhà Thanh thì quan trọng hơn là một bộ phận tương lai của Dân quốc. Chúng ta có thể thấy điều này trong hành vi của ông năm 1900. Năm đó, Tôn Văn rời Nhật Bản và đi vòng quanh Đông Nam Á để tìm kiếm sự ủng hộ cho một cuộc nổi dậy đã được dự tính ở tỉnh Quảng Đông. Ông thất vọng: cả những người theo chủ nghĩa cải cách kiên định lẫn lãnh đạo cộng đồng các địa phương đều không coi trọng ông. Thay vào đó, khi trở lại Nagasaki, ông đã tham gia vào một âm mưu của Nhật Bản nhằm chiếm cảng Amoy (Hạ Môn ngày nay). Dưới sự bảo trợ của Tokyo, Tôn Văn đã đặt trụ sở tại Đài Loan và ra lệnh cho các lực lượng cách mạng của mình tụ tập đông đảo xung quanh căn cứ hậu thuẫn chính của họ ở Quảng Châu. Tuy nhiên, trong một động thái hấp tấp điển hình, Tôn Văn đã thay đổi kế hoạch vào phút cuối, chuyển hướng người tranh đấu đến Amoy, nơi ông dự định tham gia cùng họ với một chuyến hàng vũ khí Nhật Bản. Tuy nhiên, người Nhật đã trở nên lo ngại sẽ kích động phản ứng của Nga và đã rút lại toàn bộ kế hoạch. Lực lượng nổi dậy của Tôn Văn bị cô lập, bị đánh bại và bị tiêu diệt.10

Bất chấp  việc bị phản bội ở Amoy, Tôn Văn tiếp tục coi chính phủ Nhật Bản là nhà bảo trợ chính của mình, và phong trào cách mạng tiếp tục không chú ý đến vấn đề Đài Loan. Những người cải cách cũng không mấy quan tâm đến đảo này. Khi một nhà hoạt động hàng đầu của Đài Loan, Lin Xiantang (林獻堂: Lâm Hiến Đường), gặp Lương Khải Siêu ở Nhật Bản vào năm 1907, Siêu khuyên ông không nên hi sinh mạng sống để chống lại sự cai trị của Nhật Bản, vì đại lục sẽ không thể giúp đỡ. Do cả hai không ai nói được tiếng của người kia, Siêu phải giao tiếp với Đường qua 'bút đàm'. Điều này chỉ làm cho thông điệp của Siêu trở nên sắc bén hơn: 'Chúng ta) vốn cùng một gốc, nhưng giờ thuộc hai quốc gia khác nhau.'11 Triều đình nhà Thanh, các nhà cách mạng và những người theo chủ nghĩa cải cách đều có cùng quan điểm: Đài Loan đã bị nhượng theo hiệp ước và Trung Quốc đã mất nó. Có vẻ đáng chú ý, dù địa vị chính trị của đảo này ngày nay tạo ra sự thu hút, nhưng trên thực tế hòn đảo đã biến mất khỏi các cuộc thảo luận chính trị trong thập kỉ trước cách mạng 1911/12. Ngay cả sau cách mạng, khi Tôn Văn không còn cần đến sự hậu thuẫn của Nhật nữa, ông và những người ủng hộ vẫn tiếp tục phớt lờ số phận của Đài Loan.

Trong khi một số nhà cách mạng sẵn sàng nhượng đi các lãnh thổ ngoại vi của nước Đại Thanh để tạo ra một quốc gia thuần 'Hán' ở trung tâm, thì Tôn Văn và Lương Khải Siêu cùng chia sẻ quyết tâm đảm bảo rằng Dân quốc sẽ kế thừa tất cả lãnh thổ của đế chế cũ. Các khu vực ‘không-Trung Hoa’ (Mãn Châu, Mông Cổ, Tây Tạng và Tân Cương) chiếm hơn một nửa lãnh thổ và chứa các tài nguyên thiên nhiên quan trọng. Nhưng để bày tỏ mong muốn bảo vệ lãnh thổ quốc gia, Văn, Siêu và những người ủng hộ họ đã phải tạo ra những từ mới để mô tả nó.

Có một số từ chỉ 'nơi chốn' trong tiếng Trung, nhưng không có từ nào có nghĩa là lãnh thổ, với hàm ý có quyền sở hữu và chủ quyền. Từ truyền thống là jiangyu (疆域: cương vực), có nghĩa đen là ranh giới (jiang / 疆) của bờ cõi vương quốc (yu / 域: vực). Trong thời các vương triều vực trải ra xa cùng mức với quyền lực của hoàng đế và vì vậy, trên lí thuyết, ít nhất có thể bao gồm cả các nước triều cống và chư hầu.12 Ý nghĩa của nó rất mơ hồ và chắc chắn không hàm ý sự tồn tại của một biên giới xác định.

Một từ mới cho 'lãnh thổ' đi vào tiếng Trung từ tiếng Nhật, đặc biệt là từ bản dịch tiếng Nhật của một văn bản của nhà xã hội học người Anh-Darwin Herbert Spencer (xem Chương 3). Trong bản dịch năm 1883 cuốn Political Institutions,(Thể chế chính trị) của Spencer, Sadashiro Hamano đã chọn hai chữ kanji ryo-do - nghĩa đen là ‘vùng đất được cai quản’ - tương đương với 'lãnh thổ'. ​​Là hiệu trưởng của Đại học Keio, Hamano là một nhân vật có thẩm quyền và cách dịch của ông nhanh chóng lan truyền thành cách dùng phổ biến. Mười lăm năm sau, khi Lương Khải Siêu dịch cuốn tiểu thuyết Cuộc gặp gỡ kì lạ với những người phụ nữ xinh đẹp của Tokai Sanshi từ tiếng Nhật sang tiếng Trung cho tờ Qingyibao (清議報: Thanh Nghị báo), ông đã cũng sử dụng hai chữ này.13 Trong tiếng Trung cổ điển, chúng được phát âm là ling-tu (領土: lãnh thổ) nhưng có cùng một nghĩa - 'vùng đất được cai quản’. Lãnh thổ do đó mang nghĩa rõ ràng của một đất nước có chủ quyền, nằm trong một biên giới xác định.

Từ đó, từ này được một trong những môn đồ của Tôn Dật Tiên là Hồ Hán Dân tiếp thu. Một trong những vai trò của Dân trong phong trào cách mạng Đồng minh hội là cung cấp những biện giải lí thuyết cho các chính sách của Tôn Văn.14 Dân giải thích về những hàm ý chính trị của lingtu trong một bài báo dài (‘Tinh cảm bài ngoại và Luật quốc tế- 排外與國際法: Bài ngoại dự quốc tế pháp), được in trên một số ấn bản của tờ Dân báo của những người cách mạng trong suốt năm 1904 và 1905. Ông đã lập luận rằng chủ quyền lãnh thổ - lingtu zhuquan (領土主權) - là nền tảng của luật quốc tế và rằng, về mặt logic, các nhà cách mạng cần phản đối các 'hiệp ước bất bình đẳng' do các thế lực nước ngoài đòi hỏi. Ý tưởng của Dân - và những từ mới của ông - phần lớn dựa trên cuốn sách 1 000 trang của một học giả pháp lí Nhật, Takahashi Sakue, có tựa đề Luật quốc tế trong thời bình , được xuất bản năm trước. Cuốn sách của Takahashi, bản thân nó lại là tóm lược của một số tác phẩm phương Tây được in trong vài thập kỉ trước đó.15 Nói cách khác, niềm đam mê lãnh thổ mới được tìm thấy của phong trào cách mạng là hậu duệ trực tiếp của các thuyết dân tộc chủ nghĩa châu Âu cuối thế kỉ 19.

Thế hệ con cháu của bậc tổ tiên Âu Á này nổi lên trong các cuộc tranh luận về hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc (THDQ) một thập kỉ sau đó. 'Hiến pháp lâm thời' do các đồng minh của Tôn Dật Tiên viết ngay sau cuộc cách mạng và được tổng thống mới được dựng lên, Viên Thế Khải, phê duyệt vào ngày 11 tháng 3 năm 1912, đưa ra chi tiết tương đối chính xác cái mà nó tin lãnh thổ của Dân quốc phải là gì. Trên thực tế, hiến pháp này nói rằng nhà nước mới kế thừa các ranh giới của Đại Thanh quốc như còn đứng vững khi cách mạng nổ ra. Điều 3 chỉ đơn giản nói rằng “Lãnh thổ của THDQ bao gồm 22 tỉnh, Nội và Ngoại Mông, và Tây Tạng.'16 Việc lựa chọn '22' tỉnh là rất có ý nghĩa vì Đài Loan là tỉnh thứ 23. Biết rằng lời văn trong hiến pháp vẫn còn đưa ra yêu sách đối với Ngoại Mông, bất chấp nó đã tuyên bố độc lập ba tháng trước đó, đối với Tây Tạng bất chấp cuộc nổi dậy đang diễn ra ở đó, và đối với Tân Cương bất chấp nó độc lập trên thực tế vào thời điểm đó, điều này dường như là bằng chứng rõ ràng rằng Dân quốc đã chính thức từ bỏ mọi yêu sách với Đài Loan.

Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 1914, khi Viên Thế Khải, cựu tướng lãnh nhà Thanh, người đã buộc Tôn Dật Tiên từ chức vào năm 1912, ban hành một ‘Hiệp ước Hiến pháp’ mới cho đất nước, định nghĩa về lãnh thổ quốc gia đã được thay đổi. Điều 3 trở thành sự lặp lại rõ ràng là dư thừa 'Lãnh thổ [lingtu] của THDQ vẫn giữ nguyên như cương vực [jiangyu] của đế chế cũ.’17 Dù có các từ mới, định nghĩa hiến pháp năm 1914 về lãnh thổ đơn giản là tránh né một câu hỏi khác về mức độ chính xác của cương vực đế chế cũ.

Sau khi Viên Thế Khải mất năm 1916, Hiệp ước bị đình chỉ và hiến pháp đầu tiên được khôi phục lại. Vì vậy, từ ngày 29 tháng 6 năm 1916, định nghĩa về lãnh thổ quốc gia trở lại như trước với '22 tỉnh, Nội và Ngoại Mông, Tây Tạng và Tân Cương'. Nhưng 7 năm sau đó, Dân quốc đã quay trở lại sự lặp lại. Hiến pháp được phê duyệt vào ngày 10 tháng 10 năm 1923 đã thay thế Điều 3 bằng dòng chữ ' Lãnh thổ [guotu / 國土- quốc thổ, nghĩa đen là ‘đất quốc gia’] của THDQ dựa trên cương vực [jiangyu ] vốn có của nó'.18 Một lần nữa, không có định nghĩa nào về lãnh thổ hoặc cương vực được đưa ra. Tám năm sau đó, 'Hiến pháp lâm thời' mới do chính phủ Tưởng Giới Thạch (TGT) ban hành vào ngày 1 tháng 6 năm 1931 đã tạo ra một thỏa hiệp. Điều 1 kết hợp sự mơ hồ và tính cụ thể với việc nêu rằng , ‘Lãnh thổ [lingtu ] của THDQ bao gồm các tỉnh khác nhau cùng Mông Cổ và Tây Tạng’,19 nhưng số tỉnh để ngõ không xác định. Đến năm 1931, Thanh Hải đã bị buộc phải tái hợp nhất vào đất nước trong tư cách một tỉnh. Mông Cổ và Tây Tạng đã độc lập với Dân quốc trong gần hai thập kỉ cho đến thời điểm này nhưng TGT vẫn tuyên bố chủ quyền. Đáng chú ý, Đài Loan vẫn không được xét tới. Bản hiến pháp cuối cùng của Dân quốc được ban hành trước cuộc nội chiến thậm chí không cố đưa ra định nghĩa lãnh thổ quốc gia. Bản được thông qua ngày 25 tháng 12 năm 1946 chỉ nói, ở Điều 4, rằng ‘Lãnh thổ của THDQ theo ranh giới quốc gia hiện có sẽ không bị thay đổi trừ khi có nghị quyết của Quốc hội. '20

17. Tôn Dật Tiên (ngồi) với Tưởng Giới Thạch trẻ, người mà ông vừa bổ nhiệm làm Chỉ huy Học viện Quân sự Whampoa (Hoàng Phố), đứng ngay sau ông, năm 1924.

Việc tiến đi lùi lại trong hiến pháp này cho thấy rằng trong suốt thời kì này và thậm chí về sau, có một khó khăn đáng kể trong việc quyết định chính xác ranh giới đất nước nên được vạch ra ở đâu. Một số câu hỏi cơ bản cần được trả lời trước tiên, chủ yếu là: đâu là ranh giới của nước Đại Thanh mà THDQ được kế thừa bề ngoài vào năm 1912? Những người canh tân hóa Quốc dân đảng nghĩ rằng có một câu trả lời đơn giản cho câu hỏi đó dựa trên quan điểm về biên giới mà họ có được thông qua tiếp xúc với các cường quốc và chuyên gia nước ngoài. Thực tế không hề đơn giản.

Trên thực tế, Đại Thanh quốc đã dựng nên một liên bang đa sắc tộc, trong đó năm ‘khu vực chữ viết’ - Trung, Mãn, Mông, Tạng và Thổ - được cai trị riêng biệt thông qua các cấu trúc khác nhau và theo các quy tắc khác nhau. Đó là một cách tiếp cận được biết trong tiếng Trungjimi (羈糜: ki mi) - kiềm chế lỏng lẻo (lỏng cương) - mặc dù các phương pháp cai quản của nhà Thanh sẽ thay đổi tùy thuộc vào dân tộc mà họ đang đối phó.21 Tuy nhiên, sứ mệnh của những nhà cách mạng như Tôn Dật Tiên là tạo ra một quốc gia-dân tộc thống nhất duy nhất được cai trị từ trung ương thông qua một bộ cơ cấu và quy tắc duy nhất. Như chúng ta đã thấy ở Chương 5, Viên Thế Khải, người đã lên nắm quyền thông qua hệ thống đế quốc cũ, quen thuộc với các kĩ thuật cai trị truyền thống hơn là với những ý tưởng mới của những người theo Quốc dân đảng Tây học. Bản năng bảo thủ đã khiến ông hướng tới một định nghĩa ‘mù mờ’ hơn về nhà nước, trong khi việc các nhà canh tân hoá tìm kiếm sự rõ ràng về câu hỏi có tính quốc gia này đã dẫn họ đi tìm kiếm điều gì đó chính xác hơn. Nhưng họ càng cố áp đặt sự thống nhất lên những người cai trị địa phương mạnh mẽ thì các lãnh chúa càng li khai, gây ra sự cát cứ của chính quốc gia mà họ đang cố gắng thống nhất.

Đế chế Thanh chỉ chính thức xác định biên giới của mình ở những nơi mà nó bị các cường quốc khác buộc phải làm như vậy: từ Hiệp ước Nerchinsk năm 1689, đã vạch một đường ranh giới với Nga ở phía đông bắc, đến Hiệp ước năm 1894 với Vương quốc Anh, phân định một phần ranh giới với Miến Điện ở phía tây nam.22 Ở nơi khác, tình hình còn xa mới rõ ràng: ranh giới của cương vực - jiangyu - trải dài đến đâu? Vào cuối thời hoàng đế Càn Long năm 1796, triều đình nhà Thanh đã nhận triều cống từ 13 vị vua có lãnh thổ nằm xa hơn về phía tây ngoài tỉnh Tân Cương và cũng từ vua Gurkha bên ngoài Tây Tạng dù không có vị vua nào nằm dưới sự cai trị của nhà Thanh.23 Như vậy, cương vực có bao gồm các nước này không? Mặt khác, ngay cả bên trong cương vực nhà Thanh, triều đình đã thực thi quyền kiểm soát đối với các vùng xa xôi có dân cư thưa thớt thông qua những người cai trị địa phương mà quyền kiểm soát riêng và lòng trung thành của họ không phải là tuyệt đối. Ví dụ, khu vực Kham (康: Khương) ở phía đông Tây Tạng, từ lâu đã được cai trị bởi các thủ lĩnh tự trị mà trên danh nghĩa dưới quyền của những vị vua đóng đô tại Lhasa (拉薩: Lạp Tát) và thông qua họ, dưới quyền của hoàng đế ở Bắc Kinh thậm chí càng trên danh nghĩa hơn.24 Mặc dù các quan chức nhà Thanh đóng ở một vài nơi chiến lược, nhưng nhiều khu vực rộng lớn không được giám sát. Một chiến dịch quân sự nhằm áp đặt quyền cai trị trung ương đối với Khương vào các năm 1745/6 là một thất bại đắt giá. Quy tắc 'lỏng cương' đã được khôi phục.

Do đó, chúng ta sẽ thấy những nỗ lực của nhà Thanh nhằm kiểm soát khu vực trung tâm châu Á trong thế kỉ 19 không phải là những nỗ lực để bảo vệ lãnh thổ của họ khỏi sự săn đuổi của người ngoài mà là những động thái cạnh tranh không ngừng (một 'cuộc cờ lớn') giành nhau lãnh thổ và ảnh hưởng giữa 3 đế quốc: nhà Thanh từ phía đông, Nga từ phía bắc và phía tây và Anh từ Ấn Độ ở phía nam. Trong suốt thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, cả ba đều tranh nhau để giành lấy sự ủng hộ hoặc thống trị đối với hàng chục nhà cai trị địa phương, lãnh chúa và các loại lãnh đạo khác - tinh thần và thế tục. Chúng ta có thể thấy một tác động của sự cạnh tranh gia tăng này trong việc thay đổi nghĩa của từ bianjiang (邊疆: biên cương) trong tiếng Trung. Nhà sử học James Leibold ở Australia đã chỉ ra cách thức mà nó được dùng để chỉ khu vực trung gian giữa hai quốc gia vào thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19. Tuy nhiên, vào cuối thế kỉ 19, ở một số nơi, nó có nghĩa là đường vạch của một biên giới xác định.25

Triều đình Mãn Thanh, những người kế thừa truyền thống thống cai trị Nội Á, đã biết cách chơi cuộc cờ này. Họ có quan hệ với các dân tộc Nội Á khác trải ngược về nhiều thế hệ trước. Tuy nhiên, nước Dân quốc mới đang cố gắng áp đặt một trật tự chính trị hoàn toàn khác dựa trên khuôn mẫu của phương Tây về chủ quyền và biên giới cứng. Các nhà lãnh đạo của nó có nghĩa vụ phải tìm ra câu trả lời cho bianjiang wenti (邊疆問題: biên cương vấn đề) - câu hỏi về biên giới. Họ phải 'chỉnh' lãnh thổ quốc gia thế nào khi quốc gia đang trong quá trình tan rã? Nhưng cũng có một câu hỏi lớn hơn: làm sao quốc gia mới có thể khiến người dân của mình cảm thấy trung thành với nhau và với những nơi mà họ chưa từng thấy, gần như chắc chắn sẽ không bao giờ đến nhưng vẫn được cho là quan trọng đối với sự tồn vong của quốc gia? Cả hai nhiệm vụ này được đưa ra cho một lớp các nhân tố mới đặc biệt: các nhà địa lí.

Người được coi là cha đẻ của ngành địa lí học hiện đại ở Trung Quốc là con út trong gia đình có 6 người con ở ngoại ô Shaoxing (紹興: Thiệu Hưng), một thành phố nổi tiếng với rượu gạo ở cửa sông Qiantang (錢塘: Tiền Đường), phía nam Thượng Hải. Đất đai và thị trường giàu có của vùng châu thổ sông rất tốt cho gia đình Zhu Kezhen (竺可桢: Trúc Khả Trinh). Tổ tiên đã làm ruộng qua nhiều thế hệ, nhưng khi các thành phố ven biển mở rộng và số lượng đô thị tăng lên, cha của Khả Trinh nhận ra rằng làm một người buôn bán sẽ có một cuộc sống tốt hơn hơn là làm một người trồng lúa. Đến năm 3 tuổi, Khả Trinh đã trở thành đứa con cưng của cha mẹ. Trong khi các anh chị em của anh chuẩn bị cho cuộc sống lao động chân tay, Khả Trinh lại được hướng tới việc theo đuổi trở thành trí thức. Anh được gửi đến một trường tư thục ở Thượng Hải, cách đó 150 km, và sau đó thậm chí xa hơn về phía bắc, đến Thiên Tân, để theo học trường Cao đẳng hầm mỏ Tangshan (唐山: Đường Sơn).26

Được hưởng lợi từ những thuận lợi tự nhiên của môi trường địa phương của mình và sự bùng nổ kinh tế của vùng ven biển, Trúc Khả Trinh sau đó lại nhận được cơ may từ chính trị quốc tế. Sau cuộc nổi dậy năm 1900 được phương Tây gọi là loạn Boxer (Quyền phỉ), chính quyền nhà Thanh đã buộc phải bồi thường 450 triệu lượng bạc cho các cường quốc phương Tây. Chính phủ Hoa Kì đã đòi 25 triệu đô la, một số tiền mà ngay cả các nhà ngoại giao của chính họ ở Bắc Kinh cũng coi là quá đáng - có lẽ gấp đôi so với thiệt hại thực tế mà công dân Hoa Kì và chính phủ của họ đã gánh chịu trong bạo lực. Trong suốt những năm 1900, áp lực đã gia tăng đối với chính quyền của Theodore Roosevelt phải làm gì đó để giảm bớt gánh nặng nợ nần chồng chất lên chính quyền nhà Thanh. Đến năm 1909, một thỏa hiệp xuất hiện: khoản vượt quá, khoảng 11 triệu đô la, được đưa vào một quỹ để chi trả cho việc học tập của sinh viên Trung Quốc. Điều này được cho là sẽ có lợi cho cả sinh viên Trung Quốc và các trường đại học Mĩ trong khi cũng chuyển hướng các thành viên tương lai của tầng lớp thượng lưu Trung Quốc ra khỏi Nhật Bản và hướng về Hoa Kì.27 Một trong những người đầu tiên được chuyển hướng là Trúc Khả Trinh, người thứ 28 nhận được Học bổng Bồi thường Quyền phỉ.

Năm 1910, ở tuổi 20, Khả Trinh đến Đại học Illinois để theo học ngành nông học. Nhưng ông đã không đến Hoa Kì để trở thành một nông dân giỏi hơn. Ông muốn trở thành một nhà khoa học và sau khi nhận bằng, ông đã đăng kí học tiến sĩ khí tượng học tại Harvard. Tại đó, người giám sát ông là Robert DeCourcy Ward, giáo sư khí hậu đầu tiên của Mĩ. Tuy nhiên, tầm nhìn của Ward rộng hơn thời tiết rất nhiều. Năm 1894, ông đồng sáng lập Liên đoàn Hạn chế Nhập cư và các ý kiến ​​học thuật của ông kết hợp khí tượng học với thuyết ưu sinh: ông tin rằng khí hậu quyết định văn minh. Ông khẳng định rằng trong mùa màng của vùng ôn đới của hành tinh ‘có nhiều điều bí mật, ai có thể nói có bao nhiêu về nó? - về năng lượng, tham vọng, sự tự lực, công nghiệp, sự tiết kiệm, về cư dân.’ Ngược lại, ở vùng nhiệt đới, khí hậu đang hoạt động mạnh mẽ, và 'tiến bộ tự nguyện về hướng một nền văn minh cao hơn là không hợp lí để mong đợi.'28 Kết quả là theo quan điểm của Ward, hoàn toàn chính đáng cho người da trắng từ vùng ôn đới đến phát triển các vùng nhiệt đới trên quả đất, thậm chí với lao động nô lệ nếu cần thiết. Ông đặc biệt ấn tượng với khả năng lao động ‘cu li’ của người Trung Quốc trong mọi điều kiện. Khả Trinh nhiệt tình tiếp nhận tất cả các lí thuyết này, lấy được Tiến sĩ và trở về Trung Quốc vào năm 1919 để trở thành giáo sư địa lí đầu tiên tại Đại học Sư phạm Vũ Xương, chuyển đến Đại học Sư phạm Đông Nam ở Nam Kinh vào năm sau.29

Tại Nam Kinh, ông đã truyền lại những ý tưởng này cho thế hệ các nhà địa lí Trung Quốc thứ hai, những người sẽ dành cả sự nghiệp để giúp xây dựng nhà nước mới. Theo lời của một nhà sử học thời kì này, Zhihong Chen (陈志宏: Trần Chí Hoành), 'Ảnh hưởng của Ward thể hiện rõ ràng trong các tác phẩm của Khả Trinh.’30 Thuyết quyết định về môi trường của giáo sư người Mĩ đã đưa ra một cơ sở khoa học mới cho sự phân biệt chủng tộc của người Hán thịnh hành thời bấy giờ và giúp thiết lập các thông số cho ngành địa lí mới nổi. Theo Khả Trinh, Vĩ độ ôn đới của TQ đã ban cho người dân nước này (Zhongguo-ren: TQ nhân) màu da trung gian và khả năng thích nghi mạnh mẽ bất thường với mọi loại môi trường. Theo lí luận của ông,

Những người quen với khí hậu nhiệt đới không thể chịu đựng được mùa đông ở vùng ôn đới ... Những người đã quen với khí hậu ôn đới không thể chịu được thời tiết nhiệt đới hoặc lạnh giá ... Nhưng người Trung Quốc chúng ta là một ngoại lệ! Bất kể môi trường nóng hay lạnh mức náo, ở đó có dấu chân của người Trung Quốc. ... Khi đào Kênh Panama, chỉ có người Trung Quốc chúng ta tiếp tục làm việc không mệt mỏi và hiệu quả, khi công nhân nước ngoài thậm chí không thể làm việc được. Chính vì vậy người nước ngoài gọi người Trung Quốc là ‘hiểm họa da vàng.’ Đây cũng là một tia nắng ban mai cho người Trung Quốc chúng ta trong tương lai!

Trong số nhiều sinh viên của Khả Trinh tại Nam Kinh trong những năm 1920 có Zhang Qiyun (thường được ghi là Chang Chiyun / 張其昀: Trương Kì Quân). Trong ba thập kỉ sau đó, Quân sẽ nhân hóa việc tìm kiếm lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc. Quân sẽ giúp xác định nó, tuyên truyền nó, khảo sát nó, tư vấn cho chính phủ về việc bảo vệ nó nhưng sau đó, cuối cùng, trốn khỏi nó. Trong quá trình học tập và sau đó là sự nghiệp chính trị, ông sẽ đặt những hiểu biết của mình vào việc phục vụ cuộc đấu tranh sinh tồn của dân tộc. Trong quá trình này, ông đã ràng buộc số phận của mình và của các ông chủ chính trị của mình, với Đài Loan.31

Trương Kì Quân tham dự lớp học địa lí đầu tiên của Trúc Khả Trinh vào năm 1920. Ba năm sau anh tốt nghiệp và gia nhập vào đội ngũ Báo chí Thương mại ở Thượng Hải, nơi anh của một trong những người bạn học của anh là một biên tập viên đã thành danh.32 Biên tập viên Chen Bulei (陳步磊: Trần Bố Lôi) cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị dân tộc chủ nghĩa. Cùng với nhau, Quân, Lỗi và Trinh tạo thành một nhóm có ảnh hưởng ở nơi giao thoa giữa học thuật, báo chí và tuyên truyền. Cùng nhau, bộ ba này đã đưa địa lí vào trung tâm của tư duy chính trị Trung Quốc và đưa nó phục vụ cho của sứ mệnh dân tộc chủ nghĩa của Quốc dân đảng.

Quân đã dành bốn năm tiếp theo để viết sách giáo khoa địa lí được sử dụng trong hầu hết các trường học ở Trung Quốc cuối thập niên 1920 và sau đó.33 Hồi kí của ông cho thấy Trinh là người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nội dung sách. Sau đó, Trần Bố Lôi trở thành biên tập tờ Shangbao (商報 : Thương báo), ông đã mời Quân viết bình luận về các chủ đề địa lí. Năm 1927, theo đề nghị của Trinh, Quân được bổ nhiệm làm giảng viên địa lí tại Đại học Trung ương ở Nam Kinh.

Mười năm tiếp theo, 'thập niên Nam Kinh', là khoảng thời gian có nhiều thay đổi sâu sắc trong cả chính trị lẫn hệ thống giáo dục của THDQ. Quốc dân đảng chiếm được Nam Kinh và Thượng Hải vào tháng 3 năm 1927 và trong vòng 18 tháng, đảng này đã nắm quyền kiểm soát cả nước trên danh nghĩa. Với việc TGT được đưa lên làm chủ tịch, Chính phủ Quốc dân đảng bắt đầu áp đặt cách nhìn thống nhất quốc gia của họ lên đất nước: cách nhìn nghiêng về ý tưởng của Tôn Dật Tiên về một Trung Hoa dân tộc thuần nhất hơn là dung nạp sự khác biệt của Viên Thế Khải. Hệ tư tưởng về ‘đất nước của năm chủng tộc’, vốn đã định hướng cho quốc gia từ năm 1912, đã bị bãi bỏ. Vào ngày 29 tháng 12 năm 1928, như một dấu hiệu của ý định, quốc kì chính thức được thay đổi từ các sọc màu của 'năm chủng tộc', đã treo từ khi Dân quốc ra đời, thành một lá cờ đỏ với hình lá cờ ban đầu 'Bầu trời xanh, Mặt trời trắng' của Đồng minh hội được Tôn Dật Tiên ưa thích đặt ở góc trên trái. Nó vẫn là lá cờ của THDQ (ở Đài Loan) cho đến ngày nay. Chủ nghĩa dân tộc mới này đã xác định toàn bộ cách tiếp cận của THDQ đối với vấn đề biên giới và tình cảnh của các dân tộc thiểu số sống ở các khu vực biên giới.

Theo cách nhìn của chính phủ mới, biên giới phải được ‘cứu’ bằng cách đảm bảo rằng cư dân của nó trở thành những công dân trung thành của THDQ. Mặc dù đâylà được cho là kỉ nguyên ‘tự quyết’ - Tổng thống Hoa Kì Woodrow Wilson đã tuyên bố phải như vậy vào năm 1918 - Quốc Dân đảng không có ý định đưa ra sự lựa chọn như thế cho cư dân Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ hay Mãn Châu. Trong mắt họ, quyền tự quyết được dành cho dân tộc Trung Hoa trong cuộc đấu tranh chống các thế lực ngoại bang. Đó không phải là cuộc tranh luận học thuật đơn thuần mà là một cuộc đấu tranh một mất một còn, vì một trong những thế lực đó, Nhật Bản, đã triển khai lập luận 'quyền tự quyết' cho sự cáo chung đế quốc của họ. Các quan chức Nhật Bản nêu bật sự khác biệt về sắc tộc bên trong nước Đại Thanh để lập luận rằng những nhóm đó có quyền tự quyết và li khai khỏi một nước Dân quốc do người Hán thống trị. Họ tuyên bố sẽ đề cao nguyên tắc này vì trên thực tế, họ đã sáp nhập Mãn Châu vào năm 1931 và khuyến khích sự li khai ở Mông Cổ và Tân Cương.

Trong hoàn cảnh đó, Quốc dân đảng đã biến việc nghiên cứu lịch sử và địa lí thành vũ khí. Năm 1928, Giám đốc Bộ Tuyên truyền của chính phủ Nam Kinh, Dai Jitao (戴季陶 : Đái Quý Đào - kiêm hiệu trưởng Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu), đã kêu gọi thành lập khoa địa lí ở tất cả các trường đại học lớn của đất nước, cho rằng chúng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quốc gia. Khoa địa lí đầu tiên được thành lập vào năm 1929 tại Đại học Trung ương, nơi Trương Kì Quân đã là thành viên. Trong 8 năm sau đó, các khoa địa lí đã được thành lập tại 9 trường đại học lớn khác. Hầu hết trong số đó đều có giảng viên là các học sinh cũ của Trúc Khả Trinh.34 Sinh viên tốt nghiệp các khoa này được dành riêng để phục vụ nhà nước và công tác biên giới. Nhà sử học Trung Quốc Ge Zhaoguang (葛兆光: Cát Triệu Quang) đã mô tả thời kì này trong học thuật là 'cứu quốc áp đảo khai sáng’ (jiuwang yadao qimeng / 救亡壓倒啟蒙: cứu vong áp đảo khải mông). Nhiều chuyên gia đã dùng những năm 1920 để nghiên cứu sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc và lịch sử còn tranh cãi của biên giới đất nước hoặc thay đổi quan điểm công khai của họ hoặc đi vào im lặng vào cuối những năm 1930, khi mối đe dọa từ Nhật Bản ngày càng gia tăng. Họ bao gồm các nhà địa lí, sử gia và nhân chủng học nổi tiếng như Liu Yizheng (柳詒徵: Liễu Di Trưng), Gu Jiegang (顧頡剛: Cổ Hiệt Cương) và Fei Xiaotong (費孝通: Phí Hiếu Thông). Họ, và những người khác, đã chọn 'cứu quốc' trước ‘khai sáng.’35

Cho đến năm 1927, giáo dục phổ thông đã được giới tinh hoa địa phương kiểm soát và rất đa dạng về nội dung và chất lượng. Ngay cả trước khi họ nắm quyền trên cả nước, giới lãnh đạo Quốc dân đảng đã nhận ra tầm quan trọng của giáo dục trong nỗ lực xây dựng quốc gia mới. Hội nghị toàn đảng lần thứ tư vào tháng 1 năm 1928 tuyên bố rằng ‘giáo dục thực sự là vấn đề sống còn đối với công dân Trung Quốc’ và phải đóng một vai trò trung tâm trong cuộc chiến của đảng chống lại các ‘hệ tư tưởng sai trái’ (chẳng hạn như chủ nghĩa cộng sản).36 Vài tháng sau, vào tháng 5 năm 1928, ngay sau khi thành lập 'Chính phủ quốc gia của Quốc dân đảng ở Nam Kinh, đảng đã triệu tập 'Hội nghị giáo dục toàn quốc lần thứ nhất'. Hội nghị quyết định thông qua một chương trình giảng dạy quốc gia mới cho các trường học dựa trên ‘nguyên tắc Tam Dân’ của Tôn Dật Tiên: Dân tộc, Dân chủ và Dân sinh. Trong vòng vài tháng, Quốc dân đảng đã chiếm được Bắc Kinh và rất nhanh chóng bắt đầu áp dụng một 'chương trình giảng dạy tạm thời' mới trên toàn quốc. Từ năm 1929 tất cả các trường học được kì vọng sẽ khơi dậy cho học sinh tình cảm yêu nước mãnh liệt, đặc biệt được huy động thông qua việc giảng dạy lịch sử và địa lí.37 Học sinh được kì vọng học tập các vùng miền của đất nước, ‘để bồi dưỡng tinh thần dân tộc.’

Một đóng góp lớn cho phong trào giáo dục yêu nước này là loạt sách giáo khoa do Trương Kì Quân viết. Năm 1928, Tạp chí Thương mại đã xuất bản một cuốn sách có tên là Benguo Dili (本國地理: Bản quốc Địa lí) – 'Địa lí nước ta'. Thông điệp chính của nó là Trung Quốc đã hình thành một đơn vị tự nhiên dù có kích cỡ khổng lồ và đa dạng . Sử dụng sự đào tạo về địa lí của mình, Quân chia đất nước thành 23 vùng tự nhiên dựa trên môi trường và cách sống của cư dân. Sau đó, ông so sánh chúng và nói với các học sinh rằng, chẳng hạn, đồng bằng sông Dương Tử là tốt cho trồng trọt nhưng không có khoáng sản; Sơn Tây giàu than nhưng lại quá khô hạn cho nông nghiệp; Mãn Châu có nhiều rừng trong khi Mông Cổ tốt cho chăn nuôi, v.v. Sau đó, ông nói với các học viên trẻ rằng sự đa dạng này thực sự là bằng chứng về sự cần thiết phải thống nhất đất nước, vì mỗi phần khác nhau là một phần thiết yếu của một tổng thể cố kết.38

Tuy nhiên, ‘tổng thể’ mà Quân miêu tả trong sách giáo khoa là một lãnh thổ mà trên thực tế không hề tồn tại. Cuốn sách chứa nhiều bản đồ khác nhau của đất nước được vẽ trên nền trống để phần còn lại của thế giới biến mất khỏi tầm nhìn. Đường vạch đen đơn chỉ ranh giới quốc gia bao gồm những khu vực rộng lớn không thực sự nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ: các quốc gia độc lập Mông Cổ và Tây Tạng. Tuy nhiên, Quân mô tả chúng như một phần tự nhiên của Dân quốc. Thực tế sẽ được làm tương thích như thế nào với bản đồ không được giải thích với học sinh. Đáng chú ý, với quan điểm chính trị hiện nay, có một thiếu sót lớn: Đài Loan không được vẽ trong bất kì bản đồ quốc gia nào trong sách giáo khoa. Có vẻ như, theo quan điểm của Quân, hình dạng 'tự nhiên' của nước Cộng hòa giống hệt như hình dạng của Đế chế nhà Thanh khi nó sụp đổ vào năm 1911. Mông Cổ được bao gồm vào, còn Đài Loan thì không. Các đảo đá và rạn san hô ở biển Đông hoàn toàn không được thể hiện.

Đây không phải là những ý tưởng bên lề; cuốn sách Bản quốc Địa lí của Quân đã có tác động rất lớn. 10 ấn bản đã được in trước tháng 7 năm 1930, thêm 7 ấn bản nữa in sau năm 1932 và nó được tôn vinh là một trong ba cuốn sách giáo khoa quan trọng nhất của đất nước vào thời điểm đó.39 Nó còn xa mới là ví dụ duy nhất. Hàng chục sách giáo khoa địa lí đã được in trong những năm 1920 và 1930 và tất cả đều không tính đến Đài Loan, trong khi lại nhấn mạnh tầm quan trọng của Mông Cổ và Tây Tạng. Bản thân Quân, trong một cuốn sách giáo khoa khác do ông tham gia viết vào năm 1933, Waiguo Dili (外國地理: Ngoại quốc Địa lí)- 'Địa lí nước ngoài'- mô tả người dân Đài Loan là 'trẻ mồ côi' bị mẹ ruột là dân tộc Trung Hoa Zhonghua minzu, bỏ rơi và bị mẹ kế là Nhật Bản bạo hành.40

Quân, và các tác giả khác của những cuốn sách này, là những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người đã tìm cách khơi gợi cảm xúc về lòng trung thành với quốc gia và lãnh thổ của nó trong trái tim đối tượng trẻ của họ. Họ phải đối mặt với một vấn đề vừa mang tính sư phạm vừa mang tính chính trị sâu sắc. Làm thế nào họ có thể thuyết phục, chẳng hạn một đứa trẻ ở một thành phố lớn ven biển cảm thấy có mối liên hệ nào với người chăn cừu ở Tân Cương? Tại sao chúng lại có mối liên hệ với nhau? Mục đích chung của môn địa lí nhân văn là giải thích môi trường khác nhau đã tạo ra các nhóm có nền văn hóa khác nhau ra sao. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc đòi hỏi tất cả các nhóm khác nhau này phải cảm thấy là một bộ phận của một nền văn hóa duy nhất và trung thành với một quốc gia duy nhất. Câu đố này để tuỳ cho các nhà địa lí dân tộc chủ nghĩa giải quyết. Họ tìm ra hai cách chính để làm như vậy. Một nhóm tác giả sách giáo khoa chỉ đơn giản nói rằng tất cả công dân Trung Quốc đều như nhau: họ là thành viên của một chủng tộc ‘da vàng’ và một quốc gia duy nhất và không cần giải thích gì thêm. Tuy nhiên, nhóm thứ hai thừa nhận rằng các nhóm khác nhau đã tồn tại nhưng thống nhất vì một điều gì đó lớn hơn. Trong nhóm này, một số tác giả đã sử dụng ý tưởng 'chủng tộc da vàng', một số sử dụng ý tưởng về một nền văn hóa Hoa văn minh chung, trong khi những người khác nhấn mạnh tính 'tự nhiên' của biên giới thật (physical) của đất nước.

Các tác giả sách giáo khoa lập luận rằng câu trả lời cho ‘câu hỏi biên giới' là để làm cho cư dân ‘văn minh' lên. Một người, Ge Suicheng (葛綏成: Cát Tuy Thành, làm việc cho  bên xuất bản đối thủ nhưng cũng có tinh thần dân tộc là Công ti xuất bản Trung Hoa), thấy mình phải đối mặt với tình thế khó xử giống như Quốc dân đảng Cả hai đều cần phải nhấn mạnh sự bình đẳng trên lí thuyết của tất cả các nhóm dân tộc đồng thời biện minh cho việc họ hòa nhập vào một dân tộc Trung Hoa duy nhất dựa trên văn hóa 'Hán'.41 Theo quan điểm của Thành, việc nghiên cứu địa lí nên làm cho các dân tộc khác nhau của đất nước yêu vùng miền quê hương cụ thể của họ nhưng cũng kết nối họ về mặt tình cảm với lãnh thổ quốc gia rộng lớn hơn. Nhưng trong khi chờ đợi, theo lời trong sách giáo khoa của ông, 'Chúng ta nên khẩn trương thúc đẩy việc tiếp thu và cải biến văn hóa người Mông Cổ, người Hồi [giáo] và người Tây Tạng để họ không bị bị bọn đế quốc dụ dỗ, [và chúng ta nên] chuyển cư dân [người Hán] đến vùng biên giới để định cư…’42

Sách giáo khoa năm 1928 của Trương Kì Quân cũng mang đậm dấu ấn chủ nghĩa sô vanh chủng tộc. Một phần thông điệp của cuốn sách tới hàng triệu độc giả trẻ tuổi rằng đất nước đang trên hành trình từ man rợ đến văn minh và rằng chốn biên cương hoang dã, nơi các dân tộc thiểu số sinh sống, cần phải được thuần hóa và phát triển. Cuốn sách bao gồm một bảng các nhóm dân tộc khác nhau cho thấy họ đã được đồng hóa như thế nào với 'cơ thể chính' (zhuti / 主體: chủ thể) người Hán. Trong một mô tả về người Miêu ở phía tây nam, Quân viết, ‘Họ duy trì các phong tục rất cổ xưa và hoàn toàn không tương thích với người Hán. Xóa bỏ sự man rợ và thay đổi phong tục tập quán là trách nhiệm của người Hán.’ Đối với Quân, người Hán cung cấp 'chuẩn mực' mà các nhóm khác cần phải được so sánh theo đó để đánh giá mức độ văn minh của họ: họ phải được làm thành 'Hán'. Ông chia sẻ quan điểm của Trúc Khả Trinh rằng khí hậu là yếu tố quyết định sự lan rộng của nền văn minh. Trong cuốn sách giáo khoa năm 1933, ông đã nhận xét rằng ở phía tây nam tỉnh Vân Nam, dân bản địa sống ở vùng đất thấp nóng ẩm trong khi người Hán (Hán nhân) sống trên cao nguyên mát hơn. Ở vùng núi phía tây bắc, ngược lại, người Hán sống ở các thung lũng khí trời ấm áp trong khi người bản xứ sống ở vùng cao lạnh hơn. Do đó, điều tự nhiên là Hán nhân sống ở vùng ôn đới, không bị ảnh hưởng bởi môi trường ‘suy thoái’, nên phát huy ảnh hưởng của họ đối với người thiểu số - tu-ren (土人: thổ nhân).43 Các sách giáo khoa khác cũng đưa ra quan điểm tương tự, nhấn mạnh lập luận của Tôn Dật Tiên rằng người Hán chiếm 90% dân số của đất nước và việc các nhóm khác bị đồng hóa là điều đương nhiên (xem Chương 5).44

Những lập luận này có thể bắt nguồn từ những lập luận của Lương Khải Siêu vài thập kỉ trước (xem Chương 4). Siêu đã tạo ra một câu chuyện về tính liên tục: sự mở rộng của một lãnh thổ văn minh ra bên ngoài từ cái nôi của nó ở thung lũng sông Hoàng Hà. Các nhà địa lí mới đã cố viết chương cuối cùng, sự lan tỏa của nó ra đến tận rìa của Dân quốc. Họ cũng mượn từ Siêu ý tưởng rằng một vài con sông và dãy núi tạo thành ranh giới ‘tự nhiên’ cho quốc gia. Đây là lập luận được Cát Tuy Thành triển khai trong sách giáo khoa năm 1933 của ông và Lü Simian (呂思勉: Lữ Tư Miễn - làm việc tại cả Nhà in Thương mại lẫn nhà xuất bản Trung Hoa). Kĩ thuật có tính thơ văn nhất chỉ đơn giản là so sánh hình dạng của đất nước được tưởng tượng với hình dạng của một cây thu hải đường hoặc lá dâu đặt nằm trên cạnh của nó. Cảng Thiên Tân trở thành cuống lá của chiếc lá với ‘gân’ chính chạy về phía tây như một đường đối xứng tới tận Kashgar ở Tân Cương và xa hơn nữa. Tất nhiên, sự đối xứng chỉ có nghĩa nếu bao gồm cả Ngoại Mông và Tây Tạng còn Đài Loan bị loại ra. Hai nhà sử học Robert Culp và Peter Zarrow đã ghi lại nhiều ví dụ trong các sách giáo khoa địa lí khác sử dụng các lập luận và các tương tự khác nhau, đôi khi mâu thuẫn để thuyết phục học sinh về ‘tính tự nhiên’ của các biên giới giả định của Dân quốc.45

Một chủ đề luôn có mặt trong những cuốn sách giáo khoa này là mối đe dọa từ những người nước ngoài đang gặm nhắm ở rìa đất nước. Nó được củng cố thông qua các bài học ở trường về 'lãnh thổ' bị mất trong thế kỉ trước. Giáo viên có thể sử dụng một dạng bản đồ dân tộc chủ nghĩa đặc biệt của Trung Quốc - ‘bản đồ quốc sỉ'. Hàng chục bản đồ như vậy đã được Nhà jn Thương mại, Nhà xuất bản Trung Hoa và các công ti khác xuất bản trong những năm 1910, 1920 và 1930, khi thì trong sách giáo khoa và tập bản đồ và khi thì làm áp phích để trưng bày trong lớp học và các tòa nhà công cộng. Các bản đồ này thường miêu tả đất đai 'bị nhượng’ cho các quốc gia láng giềng trong thế kỉ trước với màu sắc tươi sáng.46 Có một mục đích chính trị rõ ràng đằng sau việc tạo ra những bản đồ này. Chúng phục vụ cho việc làm ​​triều Nhà Thanh mất đi tính hợp pháp - qua việc thể hiện sự thất bại trong ‘bảo vệ đất nước’ và do đó hợp pháp hóa phe cách mạng. Nhưng chúng cũng cố tình tạo ra cảm giác lo lắng về sự dễ bị xâm hại của biên giới quốc gia để thúc đẩy lòng trung thành với nước Dân quốc mới. Điều đó dường như có tác dụng với một Mao Trạch Đông trẻ. Về sau, ông nói với nhà báo Mĩ Edgar Snow rằng việc nghe về quốc sỉ đã khiến ông trở thành một nhà hoạt động.47 Không chỉ Mao. Đây là sự ra đời của cơn loạn thần kinh lãnh thổ quốc gia.

Các nhà địa lí học lấy ý tưởng dân tộc chủ nghĩa về ‘lãnh thổ’ - lingtu - và phóng chiếu nó trở lại thời 'cương vực' - jiangyu - lúc mà chỉ có một ít biên giới cố định. Một bản đồ về quốc sỉ trong sách giáo khoa năm 1933 của Cát Tuy Thành cho thấy những khu vực rộng lớn ở Trung Á, Siberia và đảo Sakhalin là lãnh thổ bị mất vào tay Nga. Bản đồ có thể đã thể hiện các khu vực khác nhau là 'lãnh thổ', 'các nước triều cống' hoặc 'các nước chư hầu' nhưng tất cả đều được phân loại như vốn dĩ là ‘của Trung Quốc’. Ý tưởng rằng, vào thời gian các lãnh thổ này ‘bị mất ', những vùng lãnh thổ này có thể là những khu vực tranh chấp không có sự trung thành rõ ràng với bất kì đế chế cụ thể nào không phải là một phần nằm trong bài học. Chúng được trình bày đơn giản là vùng đất 'Trung Quốc' đã bị đánh cắp. Cát Tuy Thành kêu gọi các công dân trẻ đọc sách giáo khoa của ông nên làm những gì họ có thể làm để phục hồi toàn bộ lãnh thổ đã mất này. Nhưng có phải điều này có nghĩa là lãnh thổ ‘bị mất’ này nên được đưa vào ranh giới hợp pháp của quốc gia hay không? Hình dạng của đất nước vào thời điểm đó có tự nhiên hay không? Những câu hỏi này thậm chí còn không được đặt ra trong sách giáo khoa chứ chưa nói đến được trả lời. Điều quan trọng đối với các tác giả như Thành là khuyến khích học sinh cảm nhận được cảm giác mất mát, cảm giác tập thể về 'quốc sỉ’ và từ đó phát triển sự gắn bó yêu nước đối với đất nước. Lo lắng về sự mất mát lãnh thổ là một phần cơ bản của dự án giáo dục dân tộc ngay từ đầu.

Sự lo lắng càng tăng thêm vì không ai, thậm chí các nhà địa lí, biết biên giới thực sự ở đâu. Nhà sử học Diana Lary đã chỉ ra rằng ở tỉnh Quảng Tây, phía tây nam, đường biên giới chính xác gần như không thích hợp như thế nào. Mặc dù đã đồng ý với các nhà cai trị thuộc địa Pháp ở Đông Dương vào năm 1894, theo như các quan chức Dân quốc lo ngại, biên giới chỉ là một nơi nào đó trên núi: cao, hẻo lánh và khó tới được. Nhà nước thường quản lí các nhóm thiểu số ở vùng cao nguyên phía Nam thông qua một hệ thống được biết như tusi (土司: thổ ti), trong đó các nhà lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về hành động của người dân của họ.48 Biên giới phần lớn là không xứng hợp. Vì vậy, chừng nào mà họ không gây rắc rối cho chính quyền, người dân miền núi thường được để yên. Theo lời của Lary, ‘Thế giới Trung Hoa kết thúc ngay trước vùng đất biên giới.’49 (Mọi thứ sẽ thay đổi. Đây cũng là biên giới mà hàng nghìn binh lính Trung Quốc và Việt Nam đã hi sinh trong cuộc chiến vào năm 1979.)

Năm 1928, nhà địa lí thuỷ tổ Trúc Khả Trinh tuyên bố rằng bản đồ học Trung Quốc kém bản đồ học châu Âu khoảng một thế kỉ. Vào thời điểm đó, hầu hết các bản đồ có được công khai vẫn dựa trên các cuộc khảo sát 200 năm trước từ đầu thời nhà Thanh.50 Tháng 1 năm 1930 chính phủ đã ban hành chính thức 'Điều lệ Thẩm tra bản đồ đất và biển' (Shuilu ditu shencha tiaoli / 水陆地图审查条例: Thủy lục địa đổ thẩm tra điều lệ), chỉ thị cho Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Hải quân, Bộ Giáo dục và Ủy ban Mông Cổ và Tây Tạng làm việc cùng nhau chính thức hóa bản đồ của đất nước. Tuy nhiên, không có gì thực sự xảy ra, cho đến ngày 7 tháng 6 năm 1933, khi Ủy ban Thẩm tra Bản đồ Đất và Biển chính thức tổ chức cuộc họp đầu tiên.51 (Xem Chương 8 để biết thêm về Ủy ban này.)

Do chính phủ không có hành động nào, một số học giả và các tổ chức tư nhân đã cố gắng lấp đầy khoảng trống. Năm 1930, nhân viên cấp cao của tờ báo có ảnh hưởng ở Thượng Hải Shenbao (申報: Thân báo) đã thảo luận về việc tổ chức một chuyến đi đến biên giới để kỉ niệm tờ báo tròn 60 năm. Họ đề nghị hai thành viên có tiếng của Cơ quan Khảo sát Địa chất Quốc gia Trung Quốc, Ding Wenjiang (丁文江: Đinh Văn Giang) và Weng Wenhao (翁文灏: Ông Văn Hạo), và một nhà vẽ bản đồ, Zeng Shiying (曾世英: Tăng Thế Anh), sẽ dẫn đầu nỗ lực này. Tuy nhiên, trong cuộc họp lập kế hoạch thì rõ ràng là không ai biết biên giới thực sự ở đâu. Giang nói với những người tham dự: 'Nếu chúng ta muốn tổ chức thành công một chuyến đi nghiên cứu biên giới Trung Quốc, trước tiên chúng ta cần một bản đồ.... Chưa ai vẽ được một bản đồ đầy đủ và chính xác về toàn bộ đất nước. Do đó, trước khi tổ chức chuyến đi, trước hết chúng ta nên làm công việc phác thảo bản đồ Trung Quốc.’ Vì thế, kế hoạch kỉ niệm chuyển biến thành dự án xuất bản tập bản đồ quốc gia mới. Kết quả là tờ báo xuất bản Bản đồ mới của THDQ (中華民國新地圖 /Zhonghua minguo xinditu: THDQ tân địa đồ) vào năm 1934.52

Tập bản đồ đã được sản xuất tốt và bán chạy nhất. Do không có bất kì ấn phẩm tương đương nào do chính phủ sản xuất, nó đã trở thành tiêu chuẩn quốc gia mãi cho đến tận những năm 1950.53 Tuy nhiên, ở hầu hết các nơi, việc miêu tả các khu vực biên giới của bản đồ này chỉ là việc hư cấu . Như là tiêu chuẩn bấy giờ trong các bản đồ của Trung Quốc vào lúc đó, Tây Tạng và Ngoại Mông được mô tả như những bộ phận không tách rời của đất nước trong khi Đài Loan thì không. Đường chấm - vạch đen rõ chạy quanh Dân quốc là biểu hiện của sự khao khát hơn là thực tế. Như học giả Mĩ Owen Lattimore, đã khám phá những khu vực này trong thập niên 1920 và thập niên 1930, đã viết, ‘Biên giới đường vạch chỉ trên bản đồ theo quy ước luôn cho thấy, khi nghiên cứu trên thực địa, là một khu vực chứ không phải là một đường.'54 Theo phát biểu gần đây hơn của một nhà sử học người Mĩ khác, James Millward, biên giới là một quá trình, không phải là một địa điểm.55 Các khu vực rộng lớn luôn để mở cho bất đồng và xung đột.

19. Năm 1934, tờ Thân báo xuất bản một tập bản đồ của Trung Quốc để giáo dục người dân về đất nước. Các nhà vẽ bản đồ của nó bao gồm Ngoại Mông và Tây Tạng vào trong lãnh thổ quốc gia, mặc dù cả hai đều độc lập vào thời điểm đó, nhưng họ không bao gồm Đài Loan vốn đã được nhượng cho Nhật Bản.

Tháng 12 năm 1928, chính phủ đã ra lệnh cho mỗi tỉnh và huyện phải biên soạn ‘phương chí’ mới - fangzhi (方志) - của khu vực dưới sự quản lí của mình. Phương chí là một công cụ được xác lập của chính quyền địa phương từ nhiều thế kỉ trước nhưng hiện thân mới này dự định được tạo ra theo kiểu cách địa lí hiện đại: được vẽ ra với sự trợ giúp của các chuyên gia mới được đào tạo bằng cách sử dụng bản đồ chính xác và số liệu thống kê. Cần phải tập trung đặc biệt vào các khu vực 'biên giới', nơi sự kiểm soát của chính phủ yếu kém.56

Việc chú trọng vào các phương chí khớp với Trương Kì Quân. Ông vừa đồng sáng lập một tạp chí học thuật mới, Dili Zazhi (地裡雜誌: Địa lí Tạp chí ) để quảng bá môn địa lí nhân văn ở các trường trung học.57 Đầu năm 1929 Quân đã viết một bài báo trên Tạp chí Địa lí lập luận rằng thế hệ phương chí mới này sẽ giúp thúc đẩy ‘tình tự quê hương' trong người dân. Theo quan điểm của ông, đây sẽ là một sự phát triển tích cực bởi vì, 'Tình tự quê hương là cơ sở cho lòng yêu dân tộc.' Trong một ấn bản khác của Tạp chí Địa lí, ông kêu gọi chương trình giảng dạy địa lí trường trung học phải dựa trên Nguyên lí Dân tộc của Tôn Dật Tiên. Ông ngày càng có ảnh hưởng: 'Những đề xuất gợi ý cho các tiêu chuẩn giáo trình địa lí cấp trung học' của ông, được xuất bản sau đó vào năm 1929, đã được Bộ Giáo dục chấp nhận làm cơ sở của Chương trình giảng dạy mới. Các gợi ý có hai phần chính: giải thích điều kiện tự nhiên và phong tục xã hội của mọi nơi trên đất nước để nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, và giải thích tình hình quốc tế mà đất nước nằm trong đó. Do đó, ông lập luận, 'lòng yêu nước và khát vọng cứu dân tộc sẽ tự động phát triển.'58 Đề cao tinh thần dân tộc đã trở thành mục đích trong các hoạt động địa lí của Quân.

Những đóng góp này đã đưa công trình của Quân vào tầm chú ý của các nhân vật cấp cao trong Quốc dân đảng, và vào tháng 12 năm 1930, ông được ban chấp hành của tổ chức này mời gia nhập vào đảng, có thể theo gợi ý của biên tập viên cũ của ông, Trần Bố Lôi. Lỗi đã gia nhập Quốc dân đảng vào tháng 2 năm 1927, và nhanh chóng trở thành nhà tuyên truyền hàng đầu của đảng.59 Quân từ chối lời mời, nhưng vào ngày 1 tháng 11 năm 1932, ông trở thành một trong 40 thành viên sáng lập 'Ủy ban Kế hoạch Quốc phòng' của chính phủ,60 được thành lập để đáp lại việc người Nhật xâm lược Mãn Châu vào tháng 9 năm 1931, và cũng để chống lại tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng ở Tân Cương. Mục đích chính của nó là tư vấn về các vấn đề chiến lược như sự sẵn sàng về quân sự và kinh tế. Quân được giao hai nhiệm vụ trong Ủy ban, bằng chứng về vai trò kép của các nhà địa lí trong giai đoạn này. Ban đầu, ông được giao phụ trách biên soạn sách giáo khoa địa lí của đất nước, với sứ mệnh khắc sâu vào giới trẻ những giá trị đúng đắn cho sự sinh tồn của quốc gia. Dưới quyền Quân, chương trình giảng dạy địa lí trở nên rõ ràng hơn, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.61 Sau đó, vào tháng 9 năm 1934, Quân được bổ nhiệm làm ‘trưởng ban địa lí’ trong một cuộc điều tra kéo dài hai năm về biên giới phía tây bắc của đất nước: các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ và Thanh Hải.62

Đó là một nhiệm vụ học thuật có tầm quan trọng chiến lược. Với việc Tây Tạng đã giành được độc lập trên thực tế và Tân Cương được cai trị bởi các lãnh chúa, chính quyền Nam Kinh cần biết liệu các tỉnh xung quanh có thể cũng cố tìm cách li khai hay không. Các nhà địa lí cũng được giao nhiệm vụ thảo kế hoạch phát triển kinh tế của khu vực để kết nối nó chặt chẽ hơn với trung tâm. Toàn bộ công việc được cho là một hoạt động bình thường nhưng vào tháng 12 năm 1934, trong khi nghiên cứu ở Cam Túc, Quân đã bộc lộ mình là một học giả hơn là một chính trị gia. Ông đã có bài phát biểu về công việc của Ủy ban Kế hoạch Quốc phòng, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển kinh tế của khu vực đối với an ninh quốc gia. Trong đó, ông so sánh công việc của chính mình với công việc của một học giả thời nhà Minh, Gu Yanwu (顧炎武: Cố Viêm Vũ), người mà ba thế kỉ trước, đã đã soạn tài liệu Tianxia junguo libingshu (天下郡國利病書: Thiên hạ quân quốc lợi bệnh thư ‘Về điểm mạnh và điểm yếu của nhiều nơi khác nhau dưới gầm trời’) để giúp bảo vệ biên giới phía tây bắc không bị xâm lược.63 Điều này dẫn đến một loạt các bài báo đưa tin về các hoạt động được cho là bí mật và Quân thấy mình đang gặp rắc rối lớn.

Bốn tháng sau, Ủy ban được tổ chức lại thành ‘Ủy ban Tài nguyên Quốc gia’ và đặt dưới quyền Ủy ban Quân sự của chính phủ và Quân được chuyển trở lại học viện. Tuy nhiên, không lâu sau đó, trước khi mạng lưới địa lí Quốc dân đảng cho ông phục hồi. Bạn cũ của ông là Trần Bố Lôi, lúc đó, làm tham mưu trưởng cho TGT.64 Tháng 4 năm 1936, Lỗi vận động TGT bổ nhiệm Trúc Khả Trinh làm hiệu trưởng Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu. Một tuần sau khi Trinh nhận chức, ông đã đề nghị Quân làm Trưởng khoa Lịch sử và Địa lí của trường đại học.95 Có lẽ để biết ơn, cuối cùng Quân đã đồng ý gia nhập Quốc dân đảng vào tháng 7 năm 1938, theo lời đề nghị của Trần Bố Lôi. Trong 10 năm sau đó, ông sẽ kết hợp sự nghiệp chính trị với học thuật của mình, trong khi vẫn còn là nhân vật cao cấp tại Đại học Chiết Giang.66

Trong khi đó, tình hình quốc gia đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nhật đã xâm lược ‘Trung Quốc thuần túy’ vào tháng 7 năm 1937 và cuối năm đó lực lượng của họ đã chiếm được Bắc Kinh, Thượng Hải và Nam Kinh. Khi cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc, TGT đã thúc giục sử dụng địa lí và lịch sử làm công cụ để truyền bá tư tưởng Quốc dân đảng trong giới trẻ đất nước. Ngày 28 tháng 8 năm 1938, Tưởng có bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp đầu tiên cho Quân đoàn Huấn luyện Trung ương (một tổ chức bán quân sự nhằm đào tạo các sĩ quan quân đội và công chức cấp cao) ở thành phố Hán Khẩu, trong đó ông nói với người tham dự:

Nhân dân ta nếu không biết đến lịch sử vẻ vang của dân tộc ta thì làm sao cảm nhận được hết nỗi nhục của chúng ta hôm nay? Nếu người dân không thông thuộc địa lí đất nước ta thì làm sao có được quyết tâm khôi phục lại lãnh thổ đã mất của chúng ta? Từ hôm nay trở đi, chúng ta không được đi trên con đường tai hại này nữa: chúng ta phải tuyệt đối coi trọng giáo dục lịch sử và địa lí, khơi dậy tinh thần yêu nước bảo vệ đất nước của công dân, và khởi động vận mệnh mới tươi sáng, chói lọi của nhân dân ta!

Theo đó, chương trình giảng dạy của các trường đại học, sau đó là các trường sơ trung (trung học cơ sở) và cao trung (trung học phổ thông), đã được sửa đổi để thêm vào cả môn lịch sử và địa lí, 'để kích thích sự quả quyết của học sinh’ và quyết tâm phục hưng dân tộc chúng ta'.67

Tháng 12 năm 1939, khi quân Nhật tiến về phía nam và phía đông, Quân được mời nói chuyện với TGT về việc di tản Đại học Chiết Giang đến một địa điểm an toàn hơn. Tuy nhiên, có vẻ như cả hai đã không thật sự gặp nhau mãi cho đến hơn một năm sau đó. Vào ngày 15 tháng 3 năm 1941, họ đã ăn tối ở Trùng Khánh, cùng với Trần Bố Lôi. Theo nhật kí của họ, cả nhóm đã nói chuyện về ‘giáo dục lịch sử và địa lí... cũng như vấn đề biên giới'. Nhà địa lí và thống chế đã tạo nên một tình bạn bền chặt: họ có cùng quê, và TGT đã mô tả Quân trong nhật kí của mình là 'đáng mến.’ Đối với Quân, kết quả chính là khoản tài trợ 50 000 đô la để thành lập một tạp chí học thuật mới, Sixiang yu shidai (思想與時代: Tư tưởng dữ Thời đại). Sau đó, Quân trở thành cố vấn địa chính trị của TGT trên thực tế. Năm 1942, ông xuất bản cuốn sách về 'Sự phát triển quốc tế của Trung Quốc' và một cuốn sách khác về 'Vấn đề Đông Bắc' (đề cập đến việc Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu). Trong suốt năm 1942 và 1943, ông đã viết một loạt bài báo về ‘Lịch sử quân sự Trung Quốc' cho tạp chí 'Hội Tư tưởng đương đại', trình bày về tầm quan trọng của hoàn cảnh địa lí đối với thành công quân sự.68 Sau đó, tháng 6 năm 1943 và theo đề nghị của Khả Trinh, Quân được cử đến Mĩ như một thành viên của một phái đoàn học thuật do Bộ Ngoại giao mời. Thời gian lưu trú 6 tháng ban đầu của ông được gia hạn cho đến mùa thu năm 1945. Các ấn phẩm của ông ở đó bao gồm một cuốn có tựa là 'Khí hậu và con người ở Trung Quốc' phản ánh lại các nghiên cứu ban đầu của Trúc Khả Trinh hàng thập kỉ trước 69, và là cuốn sách nhỏ đầu tiên cho một nhóm tư vấn mới được thành lập ở New York, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, về 'Tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc'.70 Ông trở thành nhân vật chủ chốt trong việc giải thích vị trí địa lí của Trung Quốc cho các quan chức Mĩ đồng thời đưa ra ý tưởng cho chính phủ Quốc dân đảng về chính sách tương lai.71

Không chút ngạc nhiên là cuộc xâm lược của Nhật Bản đã buộc TGT phải chú ý hơn đến địa chính trị. Trong phần đầu của năm 1938, người Nhật bắt đầu chiếm đóng khu vực giữa Bắc Kinh và Nam Kinh, và vào ngày 25 tháng 3, họ đã cố chiếm lấy trung tâm giao thông quan trọng Tai'erzhuang (台兒莊: Đài Nhi Trang), nằm khoảng giữa đường Bắc Kinh và Nam Kinh. Trận chiến xảy ra trùng với Đại hội toàn quốc bất thường của Quốc dân đảng, do TGT triệu tập để phê chuẩn quyền kiểm soát quân sự trên thực tế của ông trong chính phủ. Vào ngày 1 tháng 4, đại hội đã chuẩn y, chỉ định ông làm ‘tổng chỉ huy’ của đảng. Khi giao tranh bùng phát ở Đài Nhi Trang, cuộc họp ở Hán Khẩu đã thảo luận về chính sách đối ngoại của chính phủ và cách giải quyết chiến tranh.72 Trong các bài phát biểu và nghị quyết, chúng ta thấy sự xuất hiện của các ý tưởng địa chính trị của TGT. Trong bài phát biểu về ‘Cuộc kháng chiến chống Nhật và tương lai của Đảng chúng ta’, TGT lập luận, ‘Chúng ta phải tạo điều kiện cho Triều Tiên và Đài Loan khôi phục nền độc lập và tự do của họ, và giúp họ trong việc tăng cường quốc phòng của THDQ và củng cố nền tảng cho hòa bình ở Đông Á.’ Đáng chú ý, dù ông lưu ý rằng Đài Loan từng là một phần lãnh thổ (lingtu) thuộc chủ quyền của Trung Quốc trong quá khứ, nhưng ông không kêu gọi sáp nhập lãnh thổ nào vào TQ.73 Điều quan trọng là vị trí chiến lược của hai vùng lãnh thổ này và vai trò tiềm năng của chúng như là các quốc gia vùng đệm trên biên giới của đất nước.

Khi nhìn lại, điều đáng chú ý là điều này hầu như không có tranh cãi vào thời điểm đó. Đảng Cộng sản từ lâu đã ủng hộ độc lập cho Đài Loan hơn là tái sáp nhập vào Trung Quốc. Tại đại hội lần thứ 6 vào năm 1928, đảng này đã công nhận người Đài Loan là một dân tộc riêng biệt. Tháng 11 năm 1938, hội nghị toàn thể của đảng đã quyết tâm xây dựng một mặt trận thống nhất kháng Nhật giữa người Trung Quốc với người Triều Tiên, người Đài Loan với các dân tộc khác', ngầm vạch ra sự phân biệt giữa người Đài Loan và người Trung Quốc. Vào thời điểm này, theo quan điểm người Cộng sản, người Đài Loan là một minzu (dân tộc) riêng biệt.74 Điều này kéo dài tới đầu những năm 1940 với các bài báo của cả Chu Ân Lai vào tháng 7 năm 1941 lẫn của nguyên soái Chu Đức vào tháng 11 năm 1941, mô tả tương lai Đài Loan giải phóng như một quốc gia-dân tộc riêng biệt. Ngay cả khi Đảng Cộng sản tuyên chiến với Nhật Bản vào tháng 12 năm 1941, thông báo của họ đã liệt kê người Đài Loan tách biệt với người Trung Quốc.75

Quan điểm về sự tách biệt này của Đài Loan đã tạo nên sự đồng thuận trong chính trị Trung Quốc ít nhất cho đến năm 1942. Ba điều sau dường như đã làm tình hình thay đổi. Thứ nhất, Hoa Kì tham chiến vào tháng 12 năm 1941, và có thể hình dung tới sự thất bại của Nhật Bản. Chỉ sau đó chính phủ Quốc dân đảng mới chính thức tuyên chiến với Nhật Bản và đơn phương không thừa nhận Hiệp ước Shimonoseki. Theo đó, suy nghĩ của TGT chuyển sang địa chính trị thời hậu chiến. Thứ hai, TGT đang tìm cách chuyển hướng các nỗ lực chiến tranh của Nhật với việc thúc đẩy tình trạng bất ổn ở các khu vực dưới sự kiểm soát của họ, chẳng hạn như Đài Loan.76 Và ​​thứ ba, một số ít người Đài Loan, những người đã chạy trốn khỏi chế độ thực dân Nhật Bản sống lưu vong trên đại lục, đang tích cực vận động Quốc dân đảng coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Hàng chục tổ chức lưu vong nhỏ người Đài Loan đã được thành lập ở Trung Quốc trong những năm 1920 và 1930, nhưng họ chỉ bắt đầu đoàn kết và giành được ảnh hưởng chính trị sau khi chiến tranh với Nhật Bản bắt đầu. Việc có thể nói được tiếng Nhật khiến những nhà hoạt động này trở nên rất hữu ích trong cả tình báo lẫn công việc tuyên truyền, một thứ giúp họ tiếp cận với giới lãnh đạo quân đội. Nhiều người trong số họ cũng đã được người Nhật đào tạo về các phương pháp y tế mới nhất và cung cấp các dịch vụ bệnh viện phía sau chiến tuyến. Một bác sĩ, Weng Junming (翁俊明: Ông Tuấn Minh), người đã gia nhập Đồng minh hội của Tôn Dật Tiên năm 1912 khi còn là một học sinh 19 tuổi, đã trở thành một nhân vật chủ chốt. Tháng 9 năm 1941, một liên minh nhiều nhóm nhỏ Đài Loan đã cùng nhau thành lập Liên đoàn Cách mạng Đài Loan, được Quốc dân đảng chính thức công nhận vào tháng 6 năm 1942.

Vào thời điểm này, cuộc thảo luận của Quốc dân đảng về Đài Loan đã thay đổi tận gốc rể. Vào giữa năm 19442, đảng bắt đầu sử dụng từ quang phục (guangfu / 光復), một từ mang ý nghĩa dân tộc đặc biệt. Quang phục đã được sử dụng trong thời nhà Đường (618-906) để mô tả việc giành lại quyền kiểm soát vùng đất đã bị người nước ngoài chinh phục trước đây. Việc so sánh mình với nhà Đường đã mang lại cho Quốc dân đảng một kích thích tuyên truyền hữu ích trong thời kì đen tối của cuộc chiến tranh với Nhật Bản và gia tăng sự thù địch với Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, điều thú vị cần lưu ý là đảng cảm thấy nó bị buộc phải tìm ra lí do cho quang phục - đó không là một bước đi hợp lí theo mọi cách. Nghiên cứu của nhà sử học Steve Phillips cho thấy rằng họ đã làm như vậy theo nhiều cách: qua việc khêu gợi ý tưởng về tinh thần đoàn kết chủng tộc (rằng người Đài Loan thuộc dòng máu Hán), qua tiền lệ lịch sử (hai thế kỉ cai trị của nhà Thanh), qua sự bất hợp pháp của Hiệp ước Shimonoseki và qua khẳng định rằng quang phục là thứ mà người dân Đài Loan mong muốn.78

Tuy nhiên, có vẻ như từ các bài viết của TGT thì mong muốn của ông sáp nhập Đài Loan vào nước Dân quốc chủ yếu là do địa chính trị thúc đẩy. Tháng 11 năm 1942 ông bắt đầu soạn thảo tuyên ngôn thời hậu chiến, tuyên ngôn có độ dài bằng cuốn sách Vận mệnh của Trung Quốc (Zhongguo zhi mingyun 中國之命運 : Trung Quốc chi mệnh vận) với sự giúp đỡ của các người viết giúp, trong đó quan trọng nhất là Trần Bố Lôi.79 Lời văn cũng cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của các nhà địa lí. Trương Kì Quân đã là bạn riêng với TGT trong khoảng hai năm vào giai đoạn này và cho đến tháng 6 năm 1943 mới rời đi Hoa Kì, ba tháng sau khi cuốn sách được xuất bản.80 Vận mệnh của Trung Quốc nói về việc đất nước hình thành 'một đơn vị khép kín' và 'mỗi một vùng [có] đất đai và tài nguyên thiên nhiên đặc biệt của riêng mình' và với 'sự phân công lao động... phần lớn được xác định bởi điều kiện vật chất của chúng'. Dư âm của những cuốn sách giáo khoa trước đó của Quân là rất rõ ràng. Sau đó, cuốn sách chuyển sang câu hỏi về vấn đề quốc phòng. 'Nếu ngay cả một khu vực bị chiếm đóng bởi một chủng tộc khác [yizu / 異族: dị tộc], thì toàn bộ dân tộc và toàn bộ đất nước mất đi các rào cản tự nhiên để tự vệ. Vì vậy, Đài Loan, Bành Hồ, bốn tỉnh phía đông bắc, nội và ngoại Mông, Tân Cương và Tây Tạng đều là những thành trì bảo vệ sự tồn vong của quốc gia.'81 Có một cách nhìn sô vanh về quốc gia ở đây: để bảo vệ 'Trung Quốc', các khu vực xung quanh cần được kết hợp vào hệ thống phòng thủ của nó, bất kể thành phần dân tộc của họ.

Do đó, dường như trong suốt năm 1942, Đài Loan đã trở nên quan trọng đối với TGT và Quốc dân đảng, cả như một bức tường thành chống lại sự xâm lược của nước ngoài lẫn như là bằng chứng về quyết tâm chấm dứt sỉ nhục quốc gia. TGT cũng bắt đầu thúc giục các lãnh thổ khác phải được trả lại cho Dân quốc. Ông vận động những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ ủng hộ cho yêu sách chủ quyền của ông đối với Tây Tạng và tìm cách để Anh sớm trao trả Lãnh thổ mới của Hồng Kông.82 Người Anh không sẵn sàng nhượng bộ bất cứ điểm nào, nhưng họ lại muốn thấy Nhật Bản trả lại Mãn Châu và Đài Loan. Thoả hiệp đã được đóng dấu tại Hội nghị Cairo giữa TGT, Churchill và Roosevelt vào tháng 11 năm 1943. Do đó, việc quang phục của Đài Loan đã được xếp đặt.

Và điều đó xảy ra vào năm 1945. Ngày 9 tháng 9, Tướng Isayama Haruki, tham mưu trưởng Nhật tại Đài Loan, bay đến Nam Kinh để chính thức đầu hàng. Lực lượng Quốc dân đảng cuối cùng đã đến đảo này vào ngày 25 tháng 10. Tuy nhiên, có rất nhiều người ở Đài Loan không muốn bị sáp nhập vào Dân quốc. Một số được hưởng lợi từ sự chiếm đóng của Nhật Bản, một số phản đối sự tham nhũng của Quốc dân đảng, trong khi những người khác chỉ đơn giản là không ưa những người nhập cư từ đại lục. Làm vấn đề thêm rắc rối, cảm xúc địa phương đã bị Chen Yi (陳儀: Trần Nghi), quan chức mà TGT bổ nhiệm làm tổng toàn quyền mới của đảo này, xử lí kém cỏi và sự bất mãn tăng thêm. Các cuộc biểu tình cuối cùng nổ ra vào ngày 28 tháng 2 năm 1947 và bị đáp ứng với bạo lực cực độ. Đến cuối tháng 3, ít nhất 5 000 người Đài Loan (có người nói 20 000) đã bị quân lính đại lục của Trần Nghi giết chết. Tất cả những điều này đã làm suy yếu những tuyên ngôn dân tộc chủ nghĩa về thống nhất vốn làm cơ sở cho những lời kêu gọi quang phục .

18. Lãnh đạo Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch với nhà địa lí Trương Kì Quân ở Đài Loan những năm 1950. Quân thuộc thế hệ thứ hai của các nhà địa lí Trung Quốc hiện đại. Chính ông là người thuyết phục Tưởng rút về Đài Loan vào năm 1949.

Tuy nhiên, trong vòng hai năm sau khi xảy ra vụ thảm sát, đảo này trở nên quan trọng đối với sự sinh tồn của Quốc dân đảng. Khi Đảng Cộng sản giành được ưu thế trong cuộc nội chiến, suy nghĩ của TGT chuyển sang câu hỏi về sự sống còn. Đâu là nơi tốt nhất cho chính phủ của ông rút lui về? Ông nghiêng về phía tây nam, xung quanh thủ đô thời chiến của mình là Trùng Khánh hoặc đảo Hải Nam. Cuối năm 1948, ông tham khảo ý kiến ​​cố vấn địa chính trị của mình, Trương Kì Quân. Quân biến sự hiểu biết của mình về địa lí khu vực của đất nước thành một danh sách mong muốn cho vị trí cố thủ cuối cùng của đảng. Nó đòi hỏi một nơi có thể dễ dàng phòng thủ nhưng nằm trong khoảng cách xa đất liền; nơi đó màu mỡ cho nông nghiệp và đủ lớn để nuôi sống vài triệu người, có cơ sở hạ tầng phát triển tốt và cơ sở công nghiệp, và phần lớn là không có những người ủng hộ Đảng Cộng sản. Theo ý kiến ​​của nhà địa lí, lựa chọn tốt nhất là Đài Loan.83

Quân đã đúng. Trùng Khánh và Hải Nam thất thủ nhưng Đài Loan vẫn giữ được. Cuối cùng, lí do vì sao mà Đài Loan có một chính phủ khác với CHNDTH, và vì sao ngày càng có nhiều lời lớn tiếng kêu gọi đảo này chính thức tuyên bố độc lập, là bởi từ lời khuyên của một giáo sư địa lí của Đại học Chiết Giang. Chính Quân cuối cùng đã rời Thượng Hải đến Đài Loan vào tháng 5 năm 1949, cùng lúc với lực lượng Cộng sản sắp ập vào thành phố. Thầy và người đỡ đầu của ông là Trúc Khả Trinh, bị rơi rụng khỏi Quốc dân đảng, đã chọn ở lại Thượng Hải và sống dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản. Hai ông không hề gặp lại nhau. Khi đến Đài Loan, Quân trở thành nhân vật cấp cao trong Quốc dân đảng được tổ chức lại của TGT. Ban đầu, ông được giao phụ trách các vấn đề hành chính và hậu cần,84 và lần lượt trở thành thành viên của Quốc hội, Tổng thư kí Ủy ban Trung ương Quốc dân đảng và sau đó là Bộ trưởng Bộ giáo dục. Công việc cuối cùng của ông là thành lập 'Đại học Văn hóa Trung Quốc' ở Đài Bắc. cố sức làm cho đảo này trở nên Trung Quốc hơn - một dạng quang phục trí thức.


Thứ Ba, ngày 26 tháng 3 năm 2019 là một ngày đáng tự hào đối với giám đốc và nhân viên của Trường Kinh tế London (London School of Economics - LSE). Một tác phẩm điêu khắc mới của nghệ sĩ Mark Wallinger trúng giải Turner đã được công bố ngay bên ngoài trung tâm sinh viên vừa mới hoàn thành. Tác phẩm của Wallinger có tên là Thế giới xoay lộn ngược, một mô tả theo nghĩa đen của tác phẩm. Nó khắc họa một quả địa cầu, cao khoảng 4 mét, nằm tựa lên Bắc Cực, với Nam Cực phía bầu trời. Tiêu đề đề cập đến cuộc Nội chiến thế kỉ 17 của Anh và việc đảo lộn của một trật tự cũ. Theo lời của Wallinger: ‘Đây là thế giới, như chúng ta biết từ một góc nhìn khác. Quen thuộc, lạ lẫm và có thể chịu sự thay đổi.’ Tác phẩm của Wallinger thường đề cập đến chủ nghĩa dân tộc. Công việc ủy thác 2001 của ông tại triển lãm nghệ thuật Venice Biennale, Oxymoron, có cờ Anh với các màu đỏ, trắng và xanh dương thông thường được thay bằng màu xanh lá cây, trắng và cam của cờ Ireland. Giám đốc của LSE, Minouche Shafik, nói với các nhà báo về buổi ra mắt tác phẩm điêu khắc địa cầu đó rằng tác phẩm này phản ánh sứ mệnh của học viện, nơi mà việc nghiên cứu và giảng dạy 'thường có nghĩa là nhìn thế giới từ những quan điểm khác lạ'.

Nhưng một nhóm sinh viên đã không được chuẩn bị để nhìn thế giới từ một quan điểm khác. Trong vòng vài giờ sau khi khánh thành, một số sinh viên từ CHNDTH nhận thấy rằng Đài Loan có màu hồng trong khi Trung Quốc lại màu vàng. Đài Bắc được đánh dấu bằng một hình vuông màu đỏ, biểu thị thủ đô quốc gia, thay vì chấm đen được sử dụng cho các thành phố của tỉnh. Họ phản đối với giám đốc và yêu cầu tác phẩm phải được thay đổi. Theo quan điểm của họ, ý định của nghệ sĩ là không thích đáng: Đài Loan cũng phải màu vàng như trên đại lục. LSE đang phải đối mặt với một 'thời khắc của Gap'. Sinh viên từ CHNDTH chiếm 13% tổng số sinh viên tại LSE,85 vì vậy một cuộc tẩy chay có thể gây hủy hoại. Đồng thời, sinh viên Đài Loan của trường và những người ủng hộ họ cũng tập hợp lại. Họ chỉ ra rằng tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, đã tốt nghiệp LSE, một sự việc đã được nhà trường bơm thổi khi bà đắc cử. Hai ngày sau, tác phẩm nghệ thuật đã được mở rộng bao gồm một thông báo nêu rõ, 'LSE cam kết ... đảm bảo rằng tất cả mọi người trong cộng đồng của chúng ta được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng như nhau.'86

Một cuộc họp về khủng hoảng đã được triệu tập, dưới sự chủ trì của Shafik và bao gồm các đại diện từ Ban Giám đốc của trường, Văn phòng Truyền thông Nội bộ và Trung tâm Niềm tin, cùng với hai sinh viên Trung Quốc, một sinh viên Đài Loan, cũng như một sinh viên Israel và một sinh viên Palestine (những người đã nổi giận về cách mô tả Trung Đông). Các sinh viên Trung Quốc sau đó cố mở rộng việc thảo luận, nói rằng họ cũng rất tức giận về cách mô tả biên giới Trung-Ấn. Theo một sinh viên Đài Loan có mặt tại đây, Shafik dường như ‘đã lấy sổ ghi chép’ của cô ấy vào thời điểm này.87 Chính Wallinger đã tránh né bình luận với truyền thông, ngoại trừ một cuộc phỏng vấn với tờ báo sinh viên LSE, The Beaver, trong đó ông nói, ‘Có rất nhiều khu vực tranh chấp trên thế giới, đó chỉ là sự thật.’ Các cuộc tranh luận tiếp tục trong vài tháng cho đến tháng 7 năm 2019, LSE và Wallinger đã có một nhượng bộ nhỏ. Họ đã thêm một dấu hoa thị bên cạnh tên 'Rep. China (Taiwan)' trên tác phẩm và cũng có một bảng bên dưới ghi rõ 'Có nhiều biên giới tranh chấp và nhà điêu khắc đã chỉ ra một số với dấu hoa thị.'88 Nhưng Đài Loan vẫn giữ màu riêng biệt: LSE và nghệ sĩ giữ vững thần kinh của mình. Họ không ‘tạo ra một Gap’ và tác phẩm điêu khắc tiếp tục thể hiện thực tế chính trị hơn là một phiên bản lí tưởng hóa của 'nước Trung Quốc tối đại’ như những người yêu nước trực tuyến và không trực tuyến tưởng tượng ra.

Biên giới và các lãnh thổ được xác định chính thức là một sáng tạo hiện đại của châu Âu được giới tinh hoa châu Á áp đặt và áp dụng trong suốt một thế kỉ đầy bạo lực. Chủ nghĩa dân tộc mới của Trung Quốc xuất hiện từ đống đổ nát của Đế chế nhà Thanh thể hiện như một mong muốn được trở thành một 'quốc gia bình thường', bình đẳng với các cường quốc công nghiệp và là một phần của hệ thống quốc tế. Những người theo chủ nghĩa dân tộc đã thực hiện việc lựa chọn mà không thật sự nhận ra rằng họ đã làm như vậy. Với việc chọn thực thi một yêu sách của Trung Quốc đối với một vùng lãnh thổ đa sắc tộc, một quyết định dựa trên một chủ nghĩa sô vanh Hán mới, họ buộc nước Dân quốc phải mở rộng phạm vi của mình tới những vùng xa xôi nhất, biên lề nhất. Thực chất đây là một chủ nghĩa thực dân mới: mở rộng sự cai trị Trung Quốc 'Hán' tới những nơi mà trước đây họ chưa từng vươn tới. Bản đồ và khảo sát của các nhà địa lí dẫn đường và sách giáo khoa cũng như bản đồ quốc sỉ của họ đã xây dựng sự hậu thuẫn cho dự án ngay ở trung tâm. Các nhà địa lí và Quốc dân đảng đã hợp tác với nhau để biến những ranh giới tưởng tượng thành hiện thực và tạo ra một lãnh thổ quốc gia - một lingtu - cả trên thực địa lẫn trong óc người dân. Họ đã làm như vậy qua việc tạo ra nỗi sợ về mất mát, về sự sỉ nhục, điều này tiếp tục làm sống động chính sách của Trung Quốc cho đến ngày nay.

THDQ chỉ chính thức công nhận nền độc lập của Mông Cổ theo các điều khoản của Hiệp ước Hữu nghị Trung-Xô năm 1946, và sau một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó người Mông Cổ trên danh nghĩa thực hiện quyền tự quyết. Biên giới giữa Trung Quốc và Nga, bề ngoài đã được đồng ý vào năm 1689 với Hiệp ước Nerchinsk, cuối cùng chỉ được giải quyết vào ngày 14 tháng 10 năm 2008 với một thỏa thuận về các đảo ở sông Amur. Biên giới giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam, mặc dù đã được thống nhất vào năm 1894, nhưng chỉ được chính thức phân giới vào năm 2009. Tây Tạng bị cưỡng bức sáp nhập vào CHNDTH vào năm 1950, đưa một nhà nước Trung Quốc mặt đối mặt với Ấn Độ lần đầu tiên. Như những người mua áo thun ở thác Niagara đều biết rõ, việc tiếp tục không có thỏa thuận ở Himalaya có khả năng kích động chiến tranh toàn diện giữa hai quân đội vũ trang với hạt nhân. Việc li khai của Đài Loan là một cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Và kế đó còn có các ranh giới trên biển. Nhưng đó là một chương khác.

__________

1. _Gap Inc., Gap Inc. Company-Operated Store Count by Country 2017, http://www.gapinc.com/content/dam/gapincsite/documents/Gap%20Inc.%20Company%20Owned%20Store%20Count%20by%20Country.pdf; Gap Inc., Gap Inc. Factory List April 2019, https://www.gapincsustainability.com/sites/default/files/Gap%20Inc%20Factory%20List.pdf (accessed 2 March 2020). 

2. ‘MAC Apologizes for Omitting Taiwan on Map of China in Promotional Email, Global Times, 10 March 2019, http://www.globaltimes.cn/content/1141581.shtml 

3. Christian Shepherd, 'China Revises Mapping Law to Bolster Territorial Claims', Reuters, 27 April 2017 

4. Zhang Han, China Strengthens Map Printing Rules, Forbidding Publications Printed For Overseas Clients From Being Circulated in the Country', Global Times, 17 February 2019. 

5. Laurie Chen, ‘Chinese City Shreds 29,000 Maps Showing Taiwan as a Country', South China Morning Post, 25 March 2019, https://www.scmp.com/news/china/society/article/3003121/about-29000-problematicworld-maps-showing-taiwan-country

6. A. J. Grajdanzev, 'Formosa (Taiwan) Under Japanese Rule', Pacific Affairs, 15/3 (September 1942), p. 312; Andrew Morris, “The Taiwan Republic of 1895 and the Failure of the Qing Modernizing Project, in Stéphane Corcuff and Robert Edmondson (eds), Memories of the Future: National Identity Issues and the Search for a New Taiwan, Armonk, NY: M.E. Sharpe, 2002; Harry J. Lamley, 'The 1895 Taiwan Republic: A Significant Episode in Modern Chinese History', Journal of Asian Studies, 27/4 (1968), pp. 739-62 

7. Alan M. Wachman, Why Taiwan? Geostrategic Rationales for China's Territorial Integrity, Stanford, CA: Stanford University Press, 2007, p. 69. 

8. Ibid., pp. 50-60. 

9. S.C.M. Paine, Imperial Rivals: China, Russia, and Their Disputed Frontier, Armonk, NY: M.E. Sharpe, 1996, p. 352. 

10. Marie-Claire Bergère (trans. Janet Lloyd), Sun Yat-sen, Stanford, CA: Stanford University Press, 1998, pp. 92–6. 

11. Shi-Chi Mike Lan, “The Ambivalence of National Imagination: Defining “The Taiwanese” in China, 1931-1941', China Journal, 64 (2010), p. 179. 

12._Marc Andre Matten, Imagining a Postnational World: Hegemony and Space in Modern China, Leiden: Brill, 2016, p. 126. 

13. Jingdong Yu, 'The Concept of “Territory” in Modern China: 1689-1910', Cultura: International Journal of Philosophy of Culture and Axiology, 15/2 (2018), pp. 7395. 

14. So Wai Chor, ‘National Identity, Nation and Race: Wang Jingwei’s Early Revolutionary Ideas, 1905-1911', Journal of Modern Chinese History, 4/1 (2010), p. 73. 

15. Matten, Imagining a Postnational World, pp. 88-9. 1

6. Republic of China, ‘The Provisional Constitution of the Republic of China', American Journal of International Law, 6/3, Supplement: Official Documents (July 1912), pp. 149-54. 

17. William L. Tung, The Political Institutions of Modern China, The Hague: M. Nijhoff, 1964, p. 326. 

18. Matten, Imagining a Postnational World, p. 152. But see Tung, Political Institutions of Modern China, p. 332, for an alternative translation. 

19. Matten, Imagining a Postnational World, p. 152; Tung, Political Institutions of Modern China, p. 344.

 20. Tung, Political Institutions of Modern China, p. 350; Matten, Imagining a Postnational World, pp. 152–3. 

21. James Leibold, Reconfiguring Chinese Nationalism: How the Qing Frontier and its

Indigenes Became Chinese, Basingstoke: Palgrave Macmillan, 2007, p. 4. 

22. Frank Trager, ‘Burma and China', Journal of Southeast Asian History, 5/1 (1964), pp. 38-9. 

23. Ning Chia, 'Lifanyuan and Libu in the Qing Tribute System, in Dittmar Schorkowitz and Ning Chia (eds), Managing Frontiers in Qing China: The Lifanyuan and Libu Revisited, Boston: Brill, 2016, p. 168.

 24. Yingcong Dai, The Sichuan Frontier and Tibet: Imperial Strategy in the Early Qing, Seattle: University of Washington Press, 2011, p. 124. 

25. Leibold, Reconfiguring Chinese Nationalism, p. 11. 26. Chiao-Min Hsieh and Jean Kan Hsieh, Race the Rising Sun: A Chinese University's Exodus During the Second World War, Lanham, MD: University Press of America, 2009, p. 103. 

27. Michael H. Hunt, “The American Remission of the Boxer Indemnity: A Reappraisal', Journal of Asian Studies, 31/3 (May 1972). 

28. Zhihong Chen, ‘Climate's Moral Economy’: Geography, Race, and the Han in Early Republican China', in Thomas S. Mullaney et al. (eds), Critical Han Studies: The History, Representation, and Identity of China's Majority, Berkeley, CA: University of California Press, 2012, p. 76-8.

29. Hsieh and Hsieh, Race the Rising Sun, p. 104. 

30. Chen, “Climate's Moral Economy”, p. 90. 

31. Zhihong Chen, ‘The Frontier Crisis and the Construction of Modern Chinese Geography in Republican China (1911– 1949)', Asian Geographer, 33/2 (2016).

 32. Timothy Cheek, The Intellectual in Modern Chinese History, Cambridge: Cambridge University Press, 2015, p. 134. 

33.e.g. Zhang Qiyun, Chuzhong jiaokeshu rensheng dili [Human Geography for Junior Middle Schools], 3 volumes, Shanghai: Shanghai Commercial Press, 1925. 

34. Chen, ‘Frontier Crisis', p. 156; Zhihong Chen, “Stretching the skin of the Nation: Chinese Intellectuals, the State and the Frontiers in the Nanjing Decade (1927– 1937), PhD dissertation, University of Oregon, 2008, p. 197.

 35. Ge Zhaoguang, What is China? Territory, Ethnicity, Culture and History, Cambridge, MA: Belknap Press, 2018, pp. 86-93. 

36. Chiu-chun Lee, ‘Liberalism and Nationalism at a Crossroads: The Guomindang's Educational Policies 1927– 1930', in Tze-ki Hon and Robert Culp (eds), The Politics of Historical Production in Late Qing and Early Republican China, Leiden: Brill, 2007, p. 303.

37. Hsiang-po Lee, 'Rural-Mass Education Movement In China, 1923–1937, PhD thesis, University of Ohio, 1970, pp. 60-61. 

38. Robert Culp, Articulating Citizenship: Civic Education and Student Politics in Southeastern China, 1912–1940, Cambridge, MA: Harvard University Press, 2007, pp. 85-7. 

39. Fangyu He, 'From Scholar to Bureaucrat: The Political Choice of the Historical Geographer Zhang Qiyun', Journal of Modern Chinese History, 10/1 (2016), p. 36. 

40. Lan, ‘The Ambivalence of National Imagination'. 

41. Peter Zarrow, Educating China: Knowledge, Society and Textbooks in a Modernising World, 1902–1937, Cambridge: Cambridge University Press, 2015, p. 239. 

42. Culp, Articulating Citizenship, p. 81. 

43. Chen “Climate's Moral Economy”, pp. 80-81. 

44. Zarrow, Educating China, p. 242. 

45. Culp, Articulating Citizenship, chapter 2; Zarrow, Educating China, chapter 8. 

46. William A. Callahan, ‘The Cartography of National Humiliation and the Emergence of China's Geobody', Public Culture, 21/1 (2009). 

47. Wachman, Why Taiwan?, p. 86. 

48. Laura Hostetler, Qing Colonial Enterprise: Ethnography and Cartography in Early Modern China, Chicago: University of Chicago Press, 2001, pp. 117–20. 

49. Diana Lary, ‘A Zone of Nebulous Menace: The Guangxi/Indochina Border in the Republican Period', in Diana Lary (ed.), The Chinese State at the Borders, Vancouver: University of British Columbia Press, 2007.

50. Chen, ‘Stretching the Skin’, pp. 196–7. 

51. Li Jinming and Li Dexia, ‘The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note', Ocean Development & International Law, 34 (2003), p. 289. 

52. Shenbao, Zhonghua minguo xinditu (New Maps of the Chinese Republic), Shanghai: Shenbao, 1934, preface. 

53. Chen, 'Stretching the Skin', p. 205; Shenbao, “New Maps'; Chi-Yun Chang, “Geographic Research in China', Annals of the Association of American Geographers, 34/1 (March 1944), p. 47. 

54. Owen Lattimore, “The Frontier In History' (1955), in Owen Lattimore, Studies in Frontier History: Collected Papers, 1928–1958, London: Oxford University Press, 1962, pp. 469–70. 

55. James A. Millward, 'New Perspectives on the Qing Frontier', in Gail Hershatter, Remapping China: Fissures in Historical Terrain, Stanford, CA: Stanford University Press, 1996, pp. 114-15. 

56. Chen, ‘Frontier Crisis', p. 153.

57. The other co-founder was a colleague of his at Zhongyang University, Hu Huanyong, also a former student of Zhu Kezhen. 

58. Chen, ‘Frontier Crisis'. 

59. Dahpon D. Ho, ‘Night Thoughts of a Hungry Ghostwriter: Chen Bulei and the Life of Service in Republican China', Modern Chinese Literature and Culture, 19/1 (2007), p. 14; Cheek, Intellectual in Modern Chinese History, p. 134. 

60. He, ‘From Scholar to Bureaucrať, pp. 35-51.

61. Zarrow, Educating China, p. 221. 

62. Chen, ‘Stretching the Skin', p. 203. 

63. Chen, 'Frontier Crisis, p. 155. 

64. Ho, 'Night Thoughts of a Hungry Ghostwriter', p. 14. 

65. He, ‘From Scholar to Bureaucrat', p. 37. 

66. Ibid., p. 41. 

67. Li Xiaoqian, “Predicament and Responses: Discussions of History Education in Early Modern China', Chinese Studies in History, 50/2, (2017), p. 161. 

68. Chi-Yun Chang, 'Geographic Research in China', pp. 58-9. 

69. Chi-Yun Chang, Climate and Man in China', Annals of the Association of American Geographers, 36/1, 1946, pp. 44-73.

70. Chang Ch‘i-yün, ‘The Natural Resources of China', No. 1. Sino-international Economic Research Center, 1945. 

71. He, 'From Scholar to Bureaucrať, p. 43.

72. Nelson Trusler Johnson, Letter from the Ambassador in China to the Secretary of State, 26 April 1938, Foreign Relations of the United States Diplomatic Papers, 1938, The Far East, volume III, document 154, https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1938v03/d15414232 

73. Frank S. T. Hsiao and Lawrence R. Sullivan, ‘The Chinese Communist Party and the Status of Taiwan, 1928–1943', Pacific Affairs, 52/3 (1979), p. 463; Steve Phillips, 'Confronting Colonization and National Identity: The Nationalists and Taiwan, 1941– 45', Journal of Colonialism and Colonial History, 2/3 (2001); Steve Tsang, ‘From Japanese Colony to Sacred Chinese Territory: Putting the Geostrategic Significance of Taiwan to China in Historical Context’, unpublished paper, 2019. 

74. Hsiao and Sullivan, 'Chinese Communist Party', p. 446. 

75. Wachman, Why Taiwan?, pp. 88-90. 

76. Xiaoyuan Liu, Partnership for Disorder: China, the United States, and their Policies for Postwar Disposition of the Japanese Empire 1941-1945, Cambridge University Press, 1966, p.65.

77. J. Bruce Jacobs, ‘Taiwanese and the Chinese Nationalists, 1937-1945: The Origins of Taiwan’s “Half-Mountain People” (Banshan ren)’, Modern China, 16/84 (1990)

78. Phillips, ‘Confronting Colonization'. 

79. Among others who assisted was Tao Xisheng, a former professor who served on several key committees within the government, then defected to Wang Jingwei's pro-Japanese government and then returned to the GMD in early 1940. Until 1925, he was a relatively unknown legal historian and an editor at the Commercial Press. 

80. It was published on 10 March 1943. 

81. Phillips, “Confronting Colonization'. NB the Chinese text is different from the English-language version published in 1947. 

82. Melvyn C. Goldstein, A History of Modern Tibet, Berkeley, CA: University of California Press, 2007, pp. 314-49; Simon L. Chang, ‘A “Realist” Hypocrisy? Scripting Sovereignty in Sino-Tibetan Relations and the Changing Posture of Britain and the United States', Asian Ethnicity, 26 (2011), pp. 325-6. 

83. Chen Ching-Chang (陳錦昌), 'Record of Chiang Kai-shek's retreat to Taiwan' (蔣中正遷台記), Taipei: Xiangyang wenhua, 2005, p. 50.

 84. He, ‘From Scholar to Bureaucrať, p. 46. 85. LSE Undergraduate and Postgraduate Students Headcount: 2013/14-2017/18, https://info.lse.ac.uk/staff/divisions/Planning-Division/Assets/Documents/StudentStatistics-2018.pdf 

86. CNA, 'Lúndūn zhèng jīng xuéyuàn gõnggòng yìshù jiāng bao táiwān huà wéi zhôngguó vàijiāo bù kàngyì, 7 April 2019, https://www.cna.com.tw/news/firstnews/201904040021.aspx (accessed 2 March 2020). 

87. Isabella Pojuner, 'China-Taiwan Tension Feeds LSE Globe Furore', BeaverOnline, 6 April2019, https://beaveronline.co.uk/china-taiwantension-feeds-lse-globe-furore 

88. Keoni Everington, ‘LSE ignores Chinese cries, adds asterisk next to Taiwan on globe', Taiwan News, 10 July 2019, https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3742226 (accessed 2 March 2020).


______________________________

Xem bản song ngữ: Chapter 7: The Invention of a National Territory

Lời mở đầu                  Chương 5                

Chương 2                     Chương 6               

 Chương 1                    Chương 7                  

 Chương 3                    Chương 8                              

 Chương 4                   Kêt luận.