Thursday, January 9, 2020

Gốc tích đường chữ U

Nguồn gốc rắc rối hiện nay ở Natuna hay gốc tích đường hình chữ U

Bill Hayton

Image

Tranh chấp về việc ai có quyền đánh cá ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna. Khu vực này là chỗ đường chữ U của Trung Quốc chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia được vẽ từ Natuna.

 Image
EEZ của Indonesia được tuyên bố phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Indonesia có quyền đối với tài nguyên vươn tới 200 hải lí từ lãnh thổ có người ở. Nhưng đường chữ U của Trung Quốc từ đâu ra? (Bản đồ: @madeandi)

Image

đường chữ U của Trung Quốc được chính phủ Trung Hoa Dân quốc  (THDQ/ROC) xuất bản lần đầu tiên vào đầu năm 1948. Các cuộc thảo luận về việc vẽ đường này như thế nào bắt đầu sau Thế chiến thứ hai.
@Chris_PC_Chung kể câu chuyện ở đây https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/0097700415598538

Image

Hai nhân vật chủ chốt, được Bộ Nội vụ THDQ sử dụng để tư vấn cho các yêu sách lãnh thổ sau chiến tranh, là các nhà địa : Zheng Ziyue 鄭資約 (Trịnh Tư Ước) và Fu Jiaojin 傅角今 (Phó Giác Kim).

Image

Hai người này đã vẽ phiên bản đầu tiên của đường chữ U - một bản đồ phác họa trình bày trong một cuộc họp liên ngành của ROC vào ngày 25 tháng 9 năm 1946.

Image

Nhưng đường này từ đâu ra? Cả Trịnh Tư Ước lẫn Phó Giác Kim đều là sinh viên của giáo sư Địa lí tự học Bạch Mi Sơ tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh vào cuối những năm 1920. Họ đã sao lại một đường ông đã vẽ vào năm 1936.

Image

Bạch Mi Sơ đã xuất bản ‘Trung Hoa kiến thiết tân đồ’ 中華建設新 vào năm 1936, trong đó ông xác định các yêu sách đối với lãnh thổ hiện đại của Trung Quốc – vốn đang bị tranh chấp ở nhiều khu vực. Ông vẽ một đường màu đỏ, đậm nét vòng quanh theo ông nghĩ là ranh giới chính đáng của Trung Quốc.

Image

Nhưng Bạch Mi Sơ không biết nhiều về biển Đông. Bản đồ của ông đầy những hòn đảo không tồn tại – mà bao quanh chúng ông vẽ đường ranh giới màu đỏ của mình. Các ‘đảo’ đó gồm bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ngoài khơi Việt Nam, bãi James  ngoài khơi Borneo và bãi Cá Ngưa (Seahorse Shoal) ngoài khơi Philippines.

 Image

Tên tiếng Trung cho tất cả các thể địa lí này chỉ đơn thuần là dịch hoặc phiên âm tên tiếng Anh: Vanguard Bank = Qianwei Tan (Tiền Vệ than); James Shoal = Zengmu Tan (Tăng Mẫu than); Seahorse Shoal = Haima Tan (Hải Mã than).

 Image

Bạch Mi Sơ đã lấy những cái tên này từ bản dịch danh sách các tên do một ủy ban chính phủ ROC thực hiện vào năm 1934. Ủy ban đã chọn dịch các từ tiếng Anh ‘bank’ và‘ shoal, với chữ tiếng Trung ‘tan , có nghĩa là‘ sandbank’.
Image 
Bạch Mi Sơ dường như đã cho rằng tất cả những ‘tan’ (than) này là những hòn đảo trên mặt nước và vẽ đường đỏ của ông bao quanh chúng. Nhưng trên thực tế, tất cả là các thể địa lí này đều nằm dưới mặt nước. Đây là lí do tại sao Trung Quốc hiện yêu sách các đảo không tồn tại là lãnh thổ của mình. [Hình ảnh cho thấy một buổi lễ tuyên thệ của HQTQ tại bãi ngầm James].

Image

Vì sao Ủy ban ROC lại chọn danh sách các tên đảo đó? Họ chỉ đơn giản là sao chép nó từ quyển Danh Mục của phòng Thủy văn Vương quốc Anh (UK Hydrographic Office China Sea Directory) năm 1906!
 Image
Có vẻ họ cũng đã dựa vào một bản đồ được công bố bởi công ti London @StanfordsTravel năm 1918. [So sánh bản đồ 1918 với bản đồ ROC 1948 bên dưới]
 Image

Đường mà Bạch Mi Sơ đã vẽ xung quanh Seahorse Shoal, James Shoal và Vanguard Bank vào năm 1936 dựa trên các thể địa lí ngầm vẽ trên bản đồ Stanford Stanford năm 1918.

Image

Đường này đã được hai sinh viên của ông, Trịnh Tư Ước và Phó Giác Kim vẽ theo, và được chuyển cho chính phủ Trung Hoa Dân Quốc năm 1946. Đây là cái đường hiện đang gây ra răc rối cho cả khu vực, bao gồm cả Indonesia.

Image

Vì vậy, quả khôi hài như có vẻ như vậy, vấn đề hiện nay của Indonesia với Trung Quốc ở biển Đông là kết quả của kĩ năng dich kém và khả năng làm bản đồ tồi ở Trung Quốc trong những năm 1930. Yêu sách Bắc Kinh dựa trên sự dốt nát.

Saturday, January 4, 2020

TRƯỚNG HẢI VÀ NAM HẢI

TRƯỚNG HẢI VÀ NAM HẢI


Vừa qua khi phản bác hồ sơ thềm lục địa mở rộng của Malaysia và mới đây phản bác tố cáo của Indonesia về việc xâm nhập trái phép EEZ của quần đảo Natuna, Tàu+ đều viện dẫn rằng họ sở hữu HS, TS..., họ có ‘quyền lịch sử’ ở biển Đông... Để chứng minh về quyền sở hữu, Tàu+ lập luận rằng họ đã phát hiện, đặt tên trước... với việc lấy những cái tên (thật ra ko biết phải tên hay chỉ là mô tả vì chữ viết Tàu ko có kiểu chữ hoa và ngày xưa ko cả có dấu câu) mù mờ trong các đoạn trích cắt đầu, xén đuôi từ sách vở xưa rồi phán đó là tên của chỗ này chỗ kia, ví dụ ‘khi đầu’ (崎头 qitou)(1) [trong biển trướng] tức là những chỗ đá nhấp nhô chìm nổi ngoài biển [trướng], Tàu+ cho rằng đó là tên riêng Qitou để chỉ tất cả các đảo ở biển Đông. Còn biển Đông ông cha họ khi thì gọi là ‘Trướng hải’ (涨海 Zhanghai), khi thì gọi là ‘Nam hải’ (南海 Nanhai), lúc khác thì gọi là ‘Nam dương’ (南洋 Nanyang)...
Về cái ‘tên’ Trướng hải hay biển Trướng, theo Roderich Ptak(2) thì cho đến gần đây vẫn chua có kết luận cuối cùng về cách giải thích từ này và việc thảo luận về nó vẫn đang tiếp diễn. Trong nghiên cứu chi tiết trước đó về từ này, Ptak giải thích rằng zhanghai - một từ ông không dịch khác hơn là “biển zhang” (“Zhang Meer”) - là một từ mô tả các vùng biển ngoài khơi Quảng Đông, xung quanh đảo Hải Nam, và vịnh Bắc Bộ. Cuối cùng, từ này bao gồm hầu hết các khu vực biển từ Quảng Đông đến Ấn Độ Dương. Theo đó, zhanghai không nhất thiết chỉ một khu vực biển cụ thể, mà là một tên gọi mơ hồ cho một khu vực biển không xác định.
Còn Joseph H. Charignon trong một chuyên khảo dài(3) cũng cho rằng "tên gọi này (Nam hải) có từ xa xưa và đã xuất hiện trong chương Vũ cống (禹貢) của kinh Thư (書經), tất nhiên lúc đầu nó có nghĩa rất rộng, giống như từ cùng nghĩa của nó là Trướng hải (Zhǎng hǎi 漲海). Theo 胡渭 Hồ Vị(4) , người sống vào thời trước công nguyên, Nam hải (biển Nam) bắt đầu từ phủ Triều Châu (潮州) [Quảng đông] và trải dài hơn 6 hoặc 7 ngàn lí từ đông sang tây. Dưới cái tên Trướng hải (biển Trướng), nó vẫn giữ cách nhìn nhận này cho đến ngày nay, nhưng trong các tài liệu của các triều Tống, Đường và vài triều đại trước đó, cách gọi Nam hải (biển Nam) và Trướng hải thường được sử dụng theo một nghĩa hạn chế chỉ dùng để chỉ biển nội địa trải dài về phía tây của bán đảo Trường Sơn; do hai cái tên này dễ gây nhầm lẫn nên một số tác giả đã thay bằng các cái tên khác chính xác hơn, chẳng hạn như biển Tế Lan (Xì lán 細蘭海) biển Bồ Bôn (Pú bēn 莆奔大海) và biển nước ngọt [淡水洋 (đạm thuỷ dương) hoặc 淡洋 (đạm dương)]." Như vậy, Trướng hải và Nam hải có thể còn chỉ một biển từng tồn tại xưa kia ở phia tây dãy Trường Sơn (khá bất ngờ!) như tác giả đã cố gắng chứng tỏ sự tồn tại của nó theo sử sách Tàu [và cả phương Tây lẫn Ả Rập]. Xin ghi lại đây một số điều dễ theo dõi mà tác giả dùng để chứng minh:
1. Tấn thư ghi:
(a) “Vào thời nhà Hán, Lâm Ấp (Lín yì 林邑, nay là Quảng Bình đến Quảng Nam) ban đầu là lãnh thổ của huyện Tượng Lâm (Xiàng lín 象林縣); đây là nơi mà Mã Viện đúc [và dựng] cột [đồng]. TỪ NƯỚC NÀY ĐẾN NAM HẢI LÀ 3 000 LÍ ...”
(b) “Phù Nam cách Lâm Ấp hơn 3 000 lí về phía tây và nằm trên một vịnh lớn của biển [nội địa] (在海西大灣中 tại hải tây đại loan trung). Lãnh thổ của nó trải dài hơn 3 000 lí từ bắc tới nam, cũng như từ đông sang tây. Nước này có nhiều thành có tường bao quanh, cung điện. Người ở đây xấu xí, da đen, tóc xoăn, để mình trần và đi chân không; tính tình chất phát và ngay thẳng, không trộm cắp. Họ chăm chỉ làm việc đồng áng, trồng lương thực một năm dùng trong ba năm. Ngoài ra, họ rất giỏi trong việc chạm khắc; làm ra các đồ dùng nhà bếp, nhất là họ sử dụng tiền ...” (5).
* Nam hải trong đoạn đầu tiên, nói ở điểm (a) cách Lâm Ấp (nay là An Nam) 3 000 lí, chúng ta thấy ngay rằng nó không thể là cái biển Nam hải theo nghĩa rộng, mà Lâm Ấp chạy doc theo bờ biển của nó; nó nhất thiết phải tương ứng với cái vịnh lớn của đoạn thứ hai, nói ở điểm (b), và nằm ở ranh giới phía đông của Phù Nam vốn được ghi nhận là cũng cách 3 000 lí về phía tây.
2. Lương thư ghi:
“Cách biên giới phía nam của Phù Nam hơn 3 000 lí là nước Đốn Tốn (Dùn xùn 頓遜國), nằm trên một bán đảo miền núi [在海崎上 tại hải khi thượng] và có chiều dài 1 000 lí, kinh đô cách biển 10 lí. Ở đó có 5 vua đều là chư hầu triều cống của Phù Nam. Đốn Tốn quan hệ với Giao Châu (交州) qua biên giới phía đông (vịnh Thái Lan); có thể giao tiếp với Ấn Độ và Parthia qua biên giới phía tây (Ấn Độ Dương); người từ tất cả các nước bên ngoài biên giới của chúng ta đều đến đó để buôn bán. Nhờ đó Đốn Tốn vươn xa ra đại dương cả 1 000 lí, TRONG KHI TRƯỚNG HẢI, KHÔNG CÓ BỜ BIỂN NƯỚC SÂU, KHÔNG CÒN CÓ THỂ ĐI LẠI BẰNG THUYỀN LỚN ...” (6)
“Người ta còn bảo rằng BIỂN TRƯỚNG LÀ RANH GIỚI PHÍA ĐÔNG CỦA PHÙ NAM. Trong biển này có một vùng đất châu thổ rộng mà nước người Bồ (諸蒲國: Chư Bồ quốc) nằm trên đó; phía đông nước này là đảo Mã Ngũ (馬五大洲).”
* Đốn Tốn trải dài toàn bộ chiều dài từ bắc tới nam dọc theo đại dương; do đó sẽ hợp lí khi đặt nó ở đầu phía bắc của bán đảo Malaysia, và có thể nói thêm theo cách nó được mô tả, rằng nó đánh dấu từ phía đó là vùng đất của đế chế Phù Nam. Hai bờ biển phía tây và phía đông của nó, có tàu thuyền thường xuyên lui tới, nhưng bờ biển phía đông không thể là của biển Trướng theo nghĩa rộng, biển đó chạy từ Champa đến Trung Quốc, vì khi đó sẽ chẳng có nghĩa gì khi nói rằng biển này không có bờ biển có thể tiếp cận được, rằng không còn tàu thuyền lớn chạy trên đó. Do đó cách gọi tên này phải được hiểu theo nghĩa hẹp, như được cho thấy trong phần tiếp theo của câu chuyện; chỉ nói về biển Trướng khi có dính dáng đến Phù Nam, đối tượng chính của Ghi chép này (Notice), và để giải thích tại sao việc buôn bán không còn vận chuyển đến biển Trướng này. Từ đó, có vẻ như chúng ta có thể giả định rằng vận may lớn của Nam Kì không xảy ra trước khi người Ả Rập và Trung Quốc đến đó vào thời nhà Đường [618-927].
3. Mã Đoan Lâm, trong Ghi chép về Ấn Độ,(7) có câu này: “Miền đông Ấn Độ giáp với một biển lớn về phía đông; nó nằm cạnh Phù Nam (nay là Xiêm-Campuchia) và Lâm Ấp (nay là bắc An Nam); NÓ CHỈ NGĂN CÁCH VỚI HAI NƯỚC NÀY BỞI MỘT BIỂN NHỎ.” Mặc dù, theo Tân Đường thư, miền đông Ấn Độ sẽ giữ vai trò như một giới hạn phía tây cho nước Phiếu (Biāo 驃國), có vẻ rằng, trong câu nêu trên, miền đông Ấn Độ, do ở lân cận Phù Nam nên phải bao gồm Miến Điện; dù như thế nào, cái biển nhỏ này ngăn cách nó với Phù Nam và Lâm Ấp nên nhất thiết phải nằm về phía bắc của Phù Nam và phía tây của Lâm Ấp; đó là những gì chúng tôi cố gắng thể hiện trên bản đồ khi tìm dấu vết “nửa trên của biển nội địa” ở phía bắc dãy núi Dangrek (ở khu vực biên giới Thái- Campuchia và Lào).
4. Chu Khứ-Phi trong cuốn Lĩnh Ngoại đại đáp, nói rằng “VỀ PHÍA TÂY CỦA CHAMPA, CHÂN LẠP (NGUYÊN THUY) VÀ VÂN NAM CÓ MỘT BIỂN có tên là biển Tế Lan [Xì lán 細蘭海], và trong biển này có đảo Tế Lan.- Champa đã được biết; Chân Lạp (nguyên thủy) được Tân Đường thư đặt ở phía tây bắc của Lâm Ấp, tức là Champa; còn Vân Nam, được biết từ Tống sử là nó phải chạy đến tận Champa và tiếp giáp với nước này. Một biển Tế Lan, nằm ở phía tây của ba xứ này, không thể lấy tên của nó là tên của xứ Tế Lan mà theo các nhà địa lí Ả Rập nằm ở Arakan hoặc ở Bago (Miến Điện), chứ chưa nói đến Tích Lan Colombo, đặc biệt là khi người Ả Rập và Trung Quốc đều thống nhất trong cách gọi bán đảo An Nam là Xi-lan.
5. Một tài liệu sau này, thời nhà Minh nêu rằng “Ở PHẦN TÂY NAM CỦA VÂN NAM, ĐẤT HOANG TRẢI DÀI RA XA VÀ NHIỀU VÙNG ĐỒNG BẰNG RỘNG LỚN VẪN CHƯA SỬ DỤNG; BÊN BỜ BIỂN CÓ NHIỀU VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC VÀ NHIỀU LÙM BỤI; đó là xứ của bọn di Bác (Bó 僰夷)(8) sinh sống”. - Tiếp tục về phía đông, tại nơi mà sông Cửu Long chảy vào nước Lào thuộc Pháp, các bản đồ hiện đại đều có in dọc biên giới cụm từ 让洪地方 (NHƯỢNG HỒNG ĐỊA PHƯƠNG), có nghĩa là ‘vùng ngập nước’ (9) . — Trong phần giữa lưu vực sông Cửu Long, cả ở phía đông lẫn phía tây, nhiều đồng bằng rộng lớn không có chỗ gò cao, ngay cả ngày nay, vào mỗi mùa hè đều bị lũ lụt phủ kín(10) , nếu tính đến khả năng lắng bùn kinh khiếp của con sông lớn này thì sẽ không ngạc nhiên rằng một biển nội địa xưa mà diện tích ngày càng giảm bớt đi, có thể đã tồn tại cho tới thời trung cổ.
6. Các tài liệu hiện đại như “Đông Tây Dương Khảo” (1618) và “Quảng Đông-thông chí” (thế kỉ XVII) VẪN CÒN ĐẶT XIÊM (THÁI LAN) NẰM BÊN NAM HẢI; quyển đầu ghi: “xưa kia Xiêm là một phần của Xích Thổ và của Bà La Lạt (Pó luó lá 婆羅剌)”; còn quyển sau nói: “Biên giới của Xích Thổ chính là biên giới của Xiêm; phía đông, có Bà La Lạt; phía tây, có Bà La Sa (Pó luó suō 婆羅娑); phía nam là nước Ha La Đán (Hē luó dàn 訶羅旦); VỀ PHÍA BẮC, NÓ CHẠY TỚI TẬN BIỂN 大海 (đại hải).(11)
Dĩ nhiên, những điều trên chỉ rút từ sử sách xưa mà các sử quan và các tác giả xưa, nhất là của Tàu thường chép y nguyên của người đi trước ít có nhận xét, phê phán và cũng khó có điều kiện đẻ kiểm chứng thực tế. Do đó, cần phải dùng các kiến thức địa chất, khảo cổ, sinh hoá... kiểm tra lại để xác nhận hoặc bác bỏ sự tồn tại của cái biển đang bàn. Dù trường hợp nào xảy ra thì khẳng định ‘Nam hải’ hay ‘Trướng hải’ là biển Đông vẫn là một khẳng định bấp bênh: nếu kiêm lại đúng thì 2 tên này có thể chỉ cái biển nội địa đó, nếu sai thì rõ ràng sử sách mà họ đem ra dẫn chứng không đáng tin vì đã mô tả cái không có trong thực tế.

----------
(1) Lấy từ đoạn trich đầy đủ sau trong Dị vật chí của Dương Phu thời Hậu Hán (25 - 220 CE): “Trướng hải khí đầu thuỷ thiển nhi đa từ thạch KIẾU NGOẠI NHÂN THỪA ĐẠI BẠC GIAI DĨ THIẾT CỐ CHI chí thử quan dĩ từ thạch bất đắc quá” 涨海崎头水浅而多磁石徼外人乘大舶皆以铁锢之至此关以磁石不得过 (Có nhiều đá mấp mô trong biển trướng, và ở đó nước cạn và có rất nhiều đá nam châm. NGƯỜI NƯỚC NGOÀI GIA CỐ THUYỀN LỚN CỦA HỌ BẰNG CÁC TẤM KIM LOẠI. Khi họ đến vùng biển này thì không thể vượt qua được vì bị đá nam châm hút). BNG Tàu+ lúc đầu chỉ trích phần trước chỗ in hoa, mới đây trích tới hết chỗ in hoa. Cách trích như vậy khiến người đọc rất dễ ngộ nhận rằng đây là điều nghiêm túc chứ không phải là điều lạ lùng, khó có thể có thật như tên truyện ngầm cho thấy (dị vật: thứ/vật kì lạ, không bình thường - ở đây là biển có nhiêu đá nam châm, có lực từ mạnh đến nỗi hút thuyền không đi được!) và dấu đi chi tiết người nước ngoài chứ không phải người Tàu đã đi thuyền tới đây.
(2) “Zhanghai. Raum und Konzept: Von den Anfängen bis zur Tang-Zeit”(Trướng hải. Khoảng biển và ý niệm: Từ đầu cho tới thời Đường), trong: Müller, Höllmann, và Gui 2004, 241-253 (theo Johannes Kurtz)
(3) La Grande Java de Marco Polo en Cochinchine, Bulletin de la Société des Études Indochinoises, 1929 (đã dịch xong, sẽ công bố sau)
(4) Hồ Vị, “Explication du chapitre Yu-kong” (Lí giải về thiên Vũ cống), q. 12, tr. 25 r° và v°.
(5) Tấn thư, q. 97, tr. 10 V° và 12 r°; bản dịch của toàn bộ tài liệu được P. Pelliot đưa ra, B.E.F.E.O. 1903, tr. 254.
(6) Câu cuối cùng này là gây tranh cãi nhất: bản dịch được d’H. Saint Denys đưa ra, Méridionaux, tr. 445; G. Schlegel, T.B. năm 1899, tr. 34-35; P. Pelliot, B.E.F.E. O. 1903, tr.263. Trong số các học giả này, hai người đầu có chép lại nguyên văn tiếng Trung, mà chúng tôi báo lại cho bạn đọc,vì cần phải đọc nó.
(7) Mã Đoan Lâm, q. 338, tr. 15 r°, toàn bộ ghi nhận đó được S. Julien dịch, Mélange de géoraphie asiatique (Tạp lục về địa lí châu Á), tr. 50 và các trang kế tiếp.
(8) G. Soulie, B.E.F.E.O. 1908, tr. 345.
(9) Ví dụ như “ bản đồ hành chính mới của tỉnh Vân Nam 雲南分縣新圖 (Vân Nam phân huyện tân đồ) mới phát hành gần đây của “Nhà in Thương mại Thượng Hải”
(10) Mission Pavie (Nhóm truyền giáo Pavia): Géographie et Voyages, t, III, của Capitaine Cupet.
(11) G. Schlegel, Thông báo 1899, tr. 161. - Những giới hạn này được rút ra, từng chữ một, từ Tuỳ thư, q. 81, tr. 1 v°, nhưng Xích Thổ rộng hơn nước Xiêm hiện nay; về phía Đông, nó chạy tới bờ biển phía tây của biển, vì có Ha La Đán ở phía nam, tức là Đồ Bà. Hai nước sau, Ha La Đán và Đồ Bà ở trên cùng bán đảo, vì trong Tống sử có nói rằng Ha La Đán nằm trên đảo Đồ Bà 治闍婆洲 (trị Đồ Bà châu)- Xem G. Schlegel, như trên. tr. 159.

Năng lượng mặt trời nổi dọc theo sông Mekông

Năng lượng mặt trời nổi dọc theo sông Mekông bị chặn với nhiều đập thuỷ điện?

Analysis: Floating solar power along the dammed-up Mekong River
(bản dịch đã đăng trên Tiếng Dân ngày 24/12/2019)

David Brown

  • Năm nay, hệ thống phát điện mặt trời nổi đầu tiên ở Đông Nam Á đã được triển khai trên một hồ chứa ở Việt Nam.
  • Các hệ thống năng lượng mặt trời nổi đang được đua vào các kế hoạch tổng thể năng lượng của Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines cũng như Việt Nam, và vào các tính toán của các ngân hàng đầu tư.
  • Công nghệ này đưa ra một phương án khác thay cho các dự án thủy điện mới.


Trong khoảng hơn hai thập kỉ, nhiều đợt báo động đã nổi lên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nó đang chịu tác động dồn dập bởi biến đổi khí hậu, bởi sự phát triển ồ ạt của các đập thượng nguồn, bởi các tập quán canh tác không bền vững và không phù hợp, bởi lòng tham và quyết tâm chính trị. Sự trừng phạt mà đồng bằng này đang gánh chịu đã được báo cáo rõ ràng, đầu tiên là trong các bài nghiên cứu học thuật, kế đó là trong các ấn phẩm chuyên ngành và lời kêu gọi của các tổ chức phi chính phủ.
Bây giờ có một sự đồng thuận: Một thảm họa môi trường đang diễn ra một cách khó dừng được trên 75.000 km² vùng đất thấp màu mỡ có tiếng ở Việt Nam và Campuchia, nơi sinh sống của khoảng 35 triệu nông dân và ngư dân. Các phương tiện truyền thông lớn đang đưa ra các cáo phó bi thương cho sông Mê Kông.
Tuy nhiên, vào mùa thu của một năm mà lũ sông Mê Kông đến muộn hơn bao giờ hết, có lí do để tin rằng một công nghệ đột phá và lực lượng thị trường sẽ tạo điều kiện cho hệ thống thủy văn và hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long tránh khỏi bị xáo trộn không đảo ngược được. Quy lại như thế này: Công nghệ sản xuất điện mặt trời chi phí thấp, dễ nhân rộng đã loại trừ ưu thế kinh tế để xây thêm các dự án thủy điện nữa.
Một hệ thống phát điện mặt trời nổi, hệ thống đầu tiên ở Đông Nam Á, đã được triển khai trong năm nay trên một hồ chứa ở phía nam miền trung Việt Nam. Dự án Đa Mi 47,5 megawatt được một khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á cấp vốn và được một công ty con của công ty điện lực EVN xây dựng.
Đa Mi không phải là một dự án trình diễn nhờ dựa vào nhiều trợ cấp, mà là một phản ứng rất thích ứng vì áp lực thực tế của thị trường. Để kích thích việc chuyển sang sản xuất điện mặt trời, chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo EVN, công ti điện lực quốc gia, trả 9,35 US cent mỗi kilowatt giờ trong 20 năm cho bất kì dự án nào được đưa vào hoạt động trước ngày 30 tháng 6 năm 2019. Đối với các nhà điều hành Nhà máy thủy điện Đa Mi, tính kinh tế của việc tích hợp hệ thống năng lượng mặt trời với đập thủy điện hiện có rất hấp dẫn. Giàn pin mặt trời rộng 50 ha (124 mẫu Anh), mỗi tấm pin nghiêng theo một góc được tính toán chính xác để tối đa hóa mức thu năng lượng mặt trời, bắt đầu cung cấp điện cho lưới điện quốc gia Việt Nam vào tháng 5.
Do giá của các tấm pin quang điện mặt trời đã giảm rất mạnh trong thập kỉ qua và do việc lắp đặt với ‘quy mô tiện ích công’ (utility-scale ≥ 10 megawatts) có thể được hoàn tất trong vài tháng, các dự án này hiện đang cạnh tranh với các dự án than, khí đốt, thủy điện hoặc hạt nhân. Việc chế tạo các tấm pin mặt trời và chi phí trữ điện bằng ắc-quy, dự kiến sẽ giảm nhiều hơn nữa. Các giàn  năng lượng mặt trời nổi được dựng trên các hồ chứa của các đập thủy điện, hiện có hiệu quả đặc biệt về mặt chi phí: không phải mua mặt bằng, đơn giản trong việc nhân rộng khi nhu cầu tăng, cơ sở hạ tầng truyền tải có sẵn và việc phát điện có thể được tối ưu hóa bằng cách chủ yếu dựa vào năng lượng quang điện khi có ánh sáng ban ngày và thủy điện vào ban đêm.
Các hệ thống năng lượng mặt trời nổi đang được ghi vào kế hoạch tổng thể về năng lượng của Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines cũng như Việt Nam, và vào các tính toán của các ngân hàng đầu tư.

Năng lượng mặt trời nổi với quy mô lớn hơn, công suất đỉnh 400 MW, cũng được xem là giải pháp thay thế cho dự án thủy điện khổng lồ trên sông Mê Kông ở phía đông Campuchia. Vào năm 2014, nỗi lo ngại ngày càng tăng đối với tác động sinh thái của dự án đập Sambor đã thuyết phục chính phủ Campuchia thực hiện một nghiên cứu về các thiết kế thay thế nó. Nghiên cứu này được Viện Di sản Thiên nhiên (Natural Heritage Institute, hay NHI) có trụ sở tại California hoàn tất ba năm sau đó, đã khẳng định dự án đập Sambor này là một thảm họa sinh thái không có giải pháp môi trường nào có thể đối phó được. Đáng chú ý, NHI đã tìm thấy một phương án thay thế hoàn toàn khác, giàn quang điện mặt trời nổi trên hồ chứa Se San 2 gần đó, có thể cung cấp điện cho lưới điện Campuchia với chi phí vòng đời thấp hơn bất kì kịch bản nào của kế hoạch Sambor, và không có tác động môi trường đáng kể.
Chỉ trên cơ sở kinh tế và tài chính, kế hoạch thủy điện Sambor sẽ phải chết. Tuy nhiên, Campuchia là một đất nước ở giai đoạn đầu của công nghiệp hóa; nhu cầu năng lượng của nước này tăng 15-20% mỗi năm. Nước này là một đồng minh trên thực tế của Trung Quốc, nhờ vậy Trung Quốc ngăn chặn Việt Nam hoặc Thái Lan lèo lái Campuchia theo hướng khác. Tham nhũng trong chính quyền đầy rẫy. Khiếu kiện của công dân dường như không gây ấn tượng với chính quyền Phnom Penh. Nếu các ngân hàng nhà nước Trung Quốc vẫn sẵn sàng cho các công ti Trung Quốc vay khoản tiền mặt cần thiết để xây đập Sambor và Stung Treng, một đập gây tranh cãi khác ở thượng nguồn, liệu Phnom Penh có khả năng từ chối không?
Lào vẫn mơ ước làm giàu từ xuất khẩu điện. Mặc dù nước này cũng đang xem xét đề xuất năng lượng mặt trời nổi của NHI, dù kinh tế của thủy điện u ám hơn bao giờ hết và các khoản nợ chồng chất với Sinohydro và các nhà thầu Trung Quốc khác đã không làm giảm bớt sự nhiệt tình của Viêng Chăn trong việc làm chủ khoảng 200 đập sản xuất điện. Các nước láng giềng cũng chưa rút lại lời hứa sẽ nhập khẩu một lượng lớn điện của Lào. Được biết Thái Lan đã cam kết tăng mức nhập khẩu điện của Lào, từ mức khoảng 4000 MW hiện tại lên 9000 MW vào năm 2025; trong khi đó, Việt Nam có kế hoạch lấy 5000 MW vào năm 2030; và Campuchia vừa hứa sẽ lấy 2400 MW bắt đầu vào năm 2024 từ các nhà máy điện than hiện đang được xây dựng tại Lào.
Ở Việt Nam, nơi mà hầu như không có một con sông nào bên trong biên giới mà không có đập, ý kiến chuyên gia giờ đã chuyển mạnh sang chống lại các dự án thủy điện trên sông Mê Kông và các nhánh của nó. Như thường được đưa tin trên báo chí địa phương Việt Nam, các đập ở Trung Quốc, trên các nhánh của sông Mê Kông ở các vùng cao của Việt Nam, và trên hết sông này đến sông khác ở Lào, đã làm nghẽn đi dòng phù sa màu mỡ đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hàng năm và làm cạn kiệt nguồn cá ở đó.






Vek Kmeang lái con thuyền của anh lên con kênh giữa hai hòn đảo trên sông Mê Kông ở Campuchia lúc hoàng hôn. Khu vực đảo này dự kiến sẽ bị chìm trong nước nếu đập thủy điện Sambor được xây dựng theo kế hoạch. Hơn 19.000 người sẽ phải di dời bởi hồ chứa nước. Ảnh: Rod Harbinson/ Mongabay.

Trớ trêu là một công ty kĩ thuật và xây dựng có quan hệ chặt chẽ với chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã thông báo rằng họ sẽ bắt đầu xây một nhà máy điện và đập trị giá 2 tỷ đô la, 1400 MWP trên sông Mê Kông ngay trên Luang Prabang năm 2020; công ty Chart Karnchang của Thái Lan dự kiến sẽ là một nhà thầu phụ lớn.
Campuchia và Lào, nước láng giềng phía thượng nguồn, sẵn sàng nhận viện trợ nước ngoài nhằm phủ xanh lưới điện của họ, nhưng cả hai nước này không cảm thấy có nhiều nghĩa vụ phải hạn chế dấu vết carbon. Nói tóm lại, mặc dù việc tạo ra điện từ than hoặc đập trên sông, đang ngày càng không mang lại lợi ích kinh tế, nhưng hai cách cũ này vẫn còn sức lôi kéo lớn.
Việc đưa vào lưới các dạng điện này, không chút chắc chắn công nghệ tốt sẽ đẩy lùi được công nghệ xấu, đặc biệt ở quy mô đáp ứng nhu cầu năng lượng đang phát triển nhanh chóng của khu vực lục địa Đông Nam Á.
Tuy nhiên, các nhà môi trường vẫn có thể mơ mộng. Một trong số đó là kỹ sư Mĩ gốc Việt, Phạm Long. Từ năm 1995, Quỹ Sinh thái Việt (Viet Ecology Foundation) của ông Long đã tích cực đối thoại giữa các chuyên gia trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài và các đối tác tại Việt Nam. Bây giờ ông đang thúc giục các nhà hoạch định chính sách ở Campuchia xem xét điều mơ ước của ông về một nhà máy năng lượng mặt trời nổi 28,5 GWP trên hồ lớn nhất Đông Nam Á, Tonle Sap (Biển Hồ).
Dự án “Mặt trời trên hồ” của ông Long táo bạo về quy mô: Ông đề xuất một dự án mặt trời nổi với quy mô được nâng lên hàng năm theo nhu cầu năng lượng đang tăng của Campuchia cho đến khi nó lớn gấp 590 lần nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời Đa Mi ở Việt Nam đã đề cập ở trên, lớn gấp 70 lần nhà máy năng lượng mặt trời do NHI đề xuất trên hồ chứa hạ lưu Se San 2 của Campuchia, như là một phương cách thay thế cho dự án thủy điện Sambor, và tương đương với 47 nhà máy phát điện chạy bằng than cỡ trung bình.
Tonle Sap là một địa điểm lí tưởng cho một giàn năng lượng mặt trời nổi: Đó là một trong những nơi nắng nhất ở Đông Nam Á. Các tấm pin nghiêng về phía nam một góc 14 độ sẽ nhận được 2034 kilowatt giờ chiếu xạ trên một mét vuông mỗi năm.
Ông Long dự kiến rằng một hệ thống năng lượng mặt trời nổi trên hồ Tonle Sap có thể được xây với mức gia tăng diện tích 34 km² mỗi năm để theo kịp cơn khát điện của Campuchia. Ông Long giả định rằng, giá của các tấm pin mặt trời, hiện khoảng $800 / kilowatt giờ, sẽ giảm 2% mỗi năm và giá ắc quy trữ điện cũng sẽ giảm. Ngoài ra, cộng thêm chi phí vận hành và bảo trì, cùng chi phí kết nối với lưới điện quốc gia của Campuchia, ông Long tính toán rằng, giàn năng lượng mặt trời nổi có thể đáp ứng tất cả nhu cầu năng lượng của Campuchia từ năm 2020 đến năm 2045, và có thể xa hơn, với chi phí sản xuất diện qui dẫn là 7,73 US cent mỗi kilowatt giờ. Chi phí đó tương đương với chi phí xây nhiều đập mới trên dòng chính sông Mê Kông, và chưa bằng một nửa số tiền mà người tiêu dùng Campuchia hiện phải trả tiền điện.
Khi các tổn thất tránh được – bảo tồn thủy sản nội địa và đất nông nghiệp, và tạo việc làm cho dân số ven sông của Campuchia – được xét tới, giá điện năng được cân bằng từ dự án Mặt trời trên Hồ, theo tính toán của ông Long, giảm xuống chỉ còn 4,93 cent mỗi kilowatt giờ.
Ông Long không gợi ý ai sẽ cung cấp 31 tỷ đô la Mĩ mà ông ước tính sẽ cần để xây dựng dự án hồ Tonle Sap 330 km², 28,5 GWp. Các ngân hàng Trung Quốc sẽ sẵn sàng tài trợ cho một giàn năng lượng mặt trời nổi khổng lồ như họ đã từng cho vay để thực hiện các dự án thủy điện không? Điều đó hoàn toàn có thể nghiệm ra được; các nhà máy của Trung Quốc sản xuất hơn 60% nguồn cung cấp tấm pin mặt trời toàn cầu và kĩ sư của họ có nhiều kinh nghiệm xây dựng các cánh đồng năng lượng mặt trời. “Đó sẽ là một cơ hội lớn cho người Trung Quốc, chứng tỏ cho láng giềng của họ thấy rằng họ là những người anh em tốt”, ông Long nói.
Nếu không phải Trung Quốc, có thể các ngân hàng và nhà thầu phát triển phương Tây có thể bị thuyết phục để đẩy mạnh cơ hội có một không hai này giúp tránh thảm họa sinh thái và thu lợi từ việc này. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có nhiều khả năng là họ sẽ tập trung vào ý tưởng năng lượng mặt trời nổi do NHI đề xuất, vốn muốn thúc đẩy các nhà máy thủy điện hiện có và các hồ chứa của chúng – 5 ở Campuchia và 9 ở Lào – để sản xuất thêm 5 gigawatt điện.
Greg Thomas, Giám đốc điều hành của NHI, giải thích rằng, việc đặt các giàn năng lượng mặt trời nổi ở cùng một chỗ với các nhà máy thủy điện hiện có, làm sản lượng điện tăng gần gấp đôi và giảm sự biến đổi của nó. Điều này là do hai chế độ phát điện bổ sung nhau. Ban ngày, các tuabin thủy điện có thể được hạ xuống, trừ khi cần thiết để cân bằng sự sụt giảm sản lượng điện mặt trời do các đám mây bay ngang qua gây ra. Ban đêm, tận dụng nguồn nước được thêm vào các hồ chứa lúc ban ngày, các tuabin có thể được chạy ở tốc độ cao hơn.
Thomas nói thêm rằng, việc thêm năng lượng mặt trời cho các đập hiện có, sẽ cho phép Lào đáp ứng được các mục tiêu xuất khẩu năng lượng đầy tham vọng của họ qua việc xây ít đập hơn, mang lại nguồn điện bổ sung lên dây dẫn nhanh hơn rất nhiều và với chi phí thấp hơn đáng kể.
Liệu những người ra quyết định ở Vientiane và Phnom Penh sẽ từ bỏ các dự án thủy điện mà họ đã chuẩn thuận từ nhiều năm trước, trước khi các tác động môi trường được hiểu một cách thoả đáng và khi các giải pháp năng lượng mặt trời và gió thay thế còn khó có thể tưởng tượng ra?
Ở Campuchia, Thủ tướng Hun Sen và một vài trợ lí được tin cậy, độc quyền ra quyết định. Kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia sắp được cập nhật, một lần nữa rất có thể sẽ là một mớ hổ lốn các khả năng. Tình trạng thiếu điện kinh niên là một sự kìm hãm đối với sự tăng trưởng kinh tế của Campuchia, và hiểu biết thông thường cho rằng, cái được xây sẽ là bất cứ thứ gì mà ai đó sẵn sàng tài trợ với giá điện do EDC, công ty điện lực quốc gia, định ra. Tính cấp thiết của việc có thêm năng lượng đưa lên lưới sẽ làm năng lượng mặt trời được ưa chuộng hơn, đặc biệt là năng lượng mặt trời nổi, nhưng để điều đó trở thành một phần lớn của giải pháp, EDC sẽ phải cải thiện khả năng ổn định lưới điện.
Khi việc phát điện ở ‘quy mô tiện ích công’ từ gió và nắng (nổi hay không) được đẩy mạnh ở Thái Lan và Việt Nam, chính phủ Lào sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Họ phải đối mặt với khả năng rất thực tế là chi phí sản xuất điện giảm nhanh bên trong biên giới của chính họ, sẽ khiến cả Thái Lan lẫn Việt Nam bỏ ngang các cam kết mua điện từ Campuchia, nơi đã từng mang hi vọng sẽ là “Bình điện của Đông Nam Á”. Trong trường hợp đó, phát triển thuỷ điện thêm trên sông Mê Kông và các nhánh của nó, sẽ không còn có khả năng được cấp vốn.
Tác giả David Brown từng là nhà ngoại giao Hoa Kì, hiện viết các bài bình luận về vấn đề Việt Nam và các khu vực lân cận.