Thursday, December 31, 2020

Sáng chế ra TQ (Lời giới thiệu)

 

_____________________________________________________________________


TRUNG QUỐC

ĐƯỢC SÁNG CHẾ

NHƯ THẾ NÀO?









BILL HAYTON


YALE UNIVERSITY PRESS

NEW HAVEN AND LONDON

________________________________________________


Mục lục


Danh sách hình minh họa

Lời cám ơn

Giới thiệu

1 Sáng chế tên Trung Quốc

2 Sáng chế Chủ quyền.

3 Sáng chế tộc Hán

4 Sáng chế Lịch sử Trung Quốc

5 Sáng chế dân tộc Trung Quốc

6 Sáng chế tiếng Trung 

7 Sáng chế Lãnh thổ Quốc gia.

8 Sáng chế Yêu sách biển

Phần kết luận

Ghi chú về Những nhân vật có ảnh hưởng

Hướng dẫn đọc thêm,

Mục lục


______________________________________________

LỜI CẢM ƠN

Xiexie (Tạ Tạ) - Cảm ơn 



Cuốn sách này bắt đầu trong quán bar của khách sạn Omni New Haven và một cuộc trò chuyện với Bradley Camp Davis của Đại học Bang Eastern Connecticut. Qua một vài chai Newcastle Brown Ale, chúng tôi đã thảo luận về lịch sử khó khăn của vùng biên giới Việt Nam. Tại một thời điểm, Bradley đã trả lời một trong những câu hỏi ngây thơ của tôi về biên giới thế kỉ 19 với dòng chữ: “Điều đó phụ thuộc vào việc bạn hiểu Trung Quốc có nghĩa là gì”. Đó là một khoảnh khắc quay cuồng. Sau nhiều năm suy nghĩ, giao động, nghiên cứu và viết, cuốn sách này là kết quả của cuộc trò chuyện đó. Tôi hi vọng bạn sẽ thấy nỗ lực của tôi để hiểu 'bạn hiểu Trung Quốc có nghĩa là gì' cũng hấp dẫn như tôi đã thấy.

Không điều nào trong những gì sau đây có thể xảy ra nếu không có thư viện của Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi ở London: đối với tôi, một cổng chính dẫn đến một bình diện ý thức mới. Xin gửi lời cảm ơn của tôi đến tất cả những người làm việc ở đó. Khi tôi bước những bước đầu tiên đầy lo lắng vào thế giới trí tuệ này, tôi đã được khích lệ rất nhiều bởi những cuộc thảo luận của tôi với những người tham gia tại một hội nghị do Kreddha tổ chức tại Đại học California, Davis vào tháng 9 năm 2016. Tại đó tôi đã gặp Michael van Walt van Praag, Miek Boltjes, Arif Dirlik nay đã mất của Đại học Oregon và Timothy Brook của Đại học British Columbia, đều hào phóng ủng hộ tham vọng của tôi.

Họ chỉ là những người đầu tiên trong danh sách dài các học giả đã trả lời nhiều câu hỏi ngây thơ nữa. Đặc biệt tôi xin cảm ơn: Tim Barrett của SOAS; Chad Berry của Đại học Alabama; May Bo Ching của Đại học Thành phố Hong Kong; Chris P.C. Chung của Đại học Toronto; Pamela Kyle Crossley của Đại học Dartmouth; Stephen Davies của Đại học Hong Kong; Frank Dikötter của Đại học Hong Kong; Josh Fogel của Đại học York; Ge Zhaoguang của Đại học Fudan; Michael Gibbs Hill của Đại học William và Mary; Tze-ki Hon của Đại học Thành phố Hong Kong; Chris Hughes của Trường Kinh tế London; Bruce Jacobs của Đại học Monash; Thomas Jansen của Đại học Wales Trinity Saint David; Elisabeth Kaske của Đại học Leipzig; Cheng-Chwee Kuik của Đại học Quốc gia Malaysia; Jane Leung Larson của diễn đàn Học bổng Baohuanghui; James Leibold của Đại học La Trobe; Victor Mair của Đại học Pennsylvania; Melissa Mouat của Đại học Cambridge; Peter Perdue của Đại học Yale; Edward Rhoads của Đại học Texas ở Austin; Julia Schneider của Đại học College Cork; Rich Smith của Đại học Rice; Rachel Wallner của Đại học Northwestern; Jeff Wasserstrom của Đại học California, Irvine; và Peter Zarrow của Đại học Connecticut.

George Yin của Swarthmore College là một nguồn tư vấn tuyệt vời cho nhiều câu hỏi về dịch thuật và từ nguyên của tôi. Geoff Wade đã giúp tôi biết đúng đằn những thứ thời Minh. Evan Fowler và Trey Menefee đã tư vấn cho tôi phần Hong Kong; Erik Slavin đã đưa tôi đi dạo quanh Yokohama và Jeremiah Jenne đã giúp tôi rất nhiều ở Bắc Kinh. Paul Evans, Brian Job và Yves Tiberghien của Đại học British Columbia đã tổ chức và giúp đỡ tôi tại Vancouver. Cháu cố của Timothy Richard, Jennifer Peles và người viết tiểu sử của ông, Eunice Johnson nay đã mất, đã giúp tôi nghiên cứu về cuộc đời và công việc của nhà truyền giáo-giáo dục này.

Tôi gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người tại Nhà xuất bản Đại học Yale, đặc biệt là Heather McCallum vì đã dám đánh liều với cuốn sách này; Marika Lysandrou, người đã chăm sóc tôi trong quá trình viết; Clarissa Sutherland và Percie Edgeler, đã  quản lí quá trình xuất bản; và Charlotte Chapman vì đã biên tập nghiêm ngặt bản thảo. Ba trọng tài ẩn danh đã đưa ra những nhận xét cực kì hữu ích về bản thảo, xin cảm ơn.

Các đồng nghiệp BBC của tôi đã dung thứ việc nghiên cứu khuya khoắt của tôi và gia đình tôi đã cho phép tôi đi xa. Vợ tôi, Pamela Cox, là một nhà sử học thật sự và đã chỉ cho tôi cách trở thành một nhà sử học như thế nào. Xin dành tình yêu thương cho cô. Các con của chúng tôi, Tess và Patrick, đã cho nguồn động viên và hạnh phúc. Cảm ơn bạn; bây giờ bạn có thể ngồi lại vào bàn ăn.


Colchester, tháng 3 năm 2020

______________________________________

LỜI GIỚI THIỆU


Trung Quốc (TQ) sẽ trở thành loại đất nước nào? Chúng ta biết rằng TQ lớn về dân số và, nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, nó sẽ mạnh về kinh tế và bạo về quân sự. Nhưng siêu cường này sẽ hành xử như thế nào? Nó sẽ đối xử với người dân của chính nó, các láng giềng và phần còn lại của thế giới như thế nào? Trung Quốc là một trong hai quốc gia có dân số hơn một tỉ người, lực lượng vũ trang lớn, vũ khí hạt nhân và các tranh chấp biên giới đầy biến động. Nhưng trong khi ít người coi Ấn Độ là mối đe dọa đối với ổn định quốc tế, thì Trung Quốc lại chế ngự suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích và nhà bình luận. Có điều gì đó khác biệt về Trung Quốc. Trong khi nhiều người coi sự trỗi dậy của nó là một cơ hội - cho giao thương, đầu tư, lợi nhuận và phát triển - thì ít người nghĩ như vậy mà không có sự dè dặt. Trung Quốc là loại nước nào? Nó sẽ tạo ra loại thế giới nào?

Có một câu trả lời lười nhác cho câu hỏi này, một câu trả lời đã trở thành cẩm nang cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhiều nhà bình luận. Nó chỉ đơn giản là viện đến ‘thế kỉ quốc sỉ’. Vào ngày 18 tháng 10 năm 2017, Tập Cận Bình (TCB) đứng trước biểu tượng búa liềm khổng lồ tại Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tóm tắt cẩm nang này trong một đoạn văn. "Với lịch sử hơn 5 000 năm, dân tộc chúng ta đã tạo ra một nền văn minh huy hoàng, có những đóng góp đáng kể cho nhân loại và trở thành một trong những dân tộc vĩ đại trên thế giới", ông nói với khán giả của mình.

Nhưng với cuộc Chiến tranh Nha phiến năm 1840, Trung Quốc chìm trong bóng tối của nội loạn và ngoại xâm; người dân TQ, bị tàn phá bởi chiến tranh, nhìn thấy quê hương của mình bị chia cắt và sống trong nghèo đói và tuyệt vọng. Với sự ngoan cường và anh hùng, vô số những người yêu nước tận tụy đã chiến đấu, vượt lên trước những khó khăn, và cố gắng bằng mọi cách có thể được tìm cách cứu đất nước. Nhưng dù với những nỗ lực của mình, họ đã bất lực trong việc thay đổi bản chất của xã hội trong nước Trung Quốc cũ và tình cảnh tuyệt vọng của người dân Trung Quốc.1

Đó là một cách nhìn kì dị về quá khứ. Nó được dựa trên ý tưởng rằng, trong suốt một thế kỉ, người dân Trung Quốc là nạn nhân không may của xâm lược của ngoại bang, và giữ một vai trò nhỏ bé trong vận mệnh của chính họ. Dễ thấy tại sao một đảng chính trị độc tài lại thấy điều đó hữu ích. Với việc cướp lấy quyền đại diện người dân Trung Quốc, họ tránh phải hỏi hoặc trả lời những câu hỏi khó về thay đổi xảy ra thế nào. Theo đó, phiên bản lịch sử của TCB  là phiên bản được dạy trong các trường học Trung Quốc, và cũng là phiên bản mà nhiều người bên ngoài Trung Quốc đã đi đến đồng ý. Tuy nhiên, hầu hết mọi khía cạnh của nó đã bị thách thức bởi nghiên cứu gần đây. Thật không may, những hiểu biết sâu sắc được nghiên cứu này mở khóa không được bao gồm trong cuộc đối thoại chính thống về Trung Quốc: chúng bị bỏ quên trong các thư viện và các hội thảo học thuật chuyên môn. Trong cuốn sách này, tôi sẽ cố gắng đưa chúng rakhỏi chỗ khuất. Tôi sẽ cho thấy cách nhìn của Tập Cận Bình về Trung Quốc không phải là một biểu hiện phi thời gian về 'tính Trung Hoa' có từ thời 'xa xưa' mà là một phát minh hiện đại như thế nào. Bản sắc chủng tộc của Trung Quốc hiện đại, ranh giới và thậm chí cả ý tưởng về một ‘quốc gia-dân tộc' đều là những thứ được làm mới từ cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20.

Trong cuốn sách này, tôi sẽ cố gắng chỉ ra cách Trung Quốc đi đến việc tự nghĩ về mình là 'Trung Quốc' như thế nào. Tôi sẽ nhìn vào những cách mà giới tinh hoa Trung Quốc áp dụng những ý tưởng xa lạ, bắt đầu từ khái niệm về chính ‘Trung Quốc’, trước khi tiếp tục xem xét các ý niệm phương Tây về chủ quyền, chủng tộc, dân tộc, lịch sử và lãnh thổ đã trở thành một phần của tư duy tập thể Trung Quốc như thế nào. Tôi sẽ chỉ ra cách mà các khái niệm  cốt lõi đã được các trí thức Trung Quốc nhận lấy từ nước ngoài, và được điều chỉnh để tạo ra và củng cố huyền thoại của một đất nước và con người thống nhất 5 000 năm. Đây không chỉ đơn thuần là một bài tập học thuật. Chúng ta không thể hiểu các vấn đề hiện nay về biển Đông, Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong, và cuối cùng là chính Trung Quốc, nếu không hiểu cách nhìn hiện đại hóa này đã được giới tinh hoa của nước này nhận lấy như thế nào và các vấn đề trong tương lai được gắn vào nó như thế nào. Trung Quốc ngày nay hành xử theo cách mà họ hành xử phần lớn là do những lựa chọn được các trí thức và nhà hoạt động cách đây một thế kỉ thực hiện và vì những ý tưởng mà họ thừa nhận và tuyên truyền đã được đông đảo người dân đón nhận để thay đổi cả một đất nước. Những cách mà những ý tưởng này được tranh cãi giữa các nhóm lợi ích chính trị đối địch và cách chúng được giải quyết vẫn còn sống chung với chúng ta ngày nay.

Trung Quốc không phải là độc nhất trong việc này. Mỗi ‘nhà nước-dân tộc’ hiện đại - Đức, Thổ Nhĩ Kì, Ý và Anh, chỉ nêu một vài - đều trải qua quá trình này. Đối với nhà sử học Arif Dirlik, một nhà Marxist gốc Thổ Nhĩ Kì, vấn đề này rất quen thuộc. Quá trình mà Đế chế Thanh cũ tiến triển thành Trung Quốc hiện đại gần như song hành với sự chuyển đổi của Đế chế Ottoman thành Thổ Nhĩ Kì chỉ vài năm sau đó. Một quá trình bề ngoài có vẻ đơn giản - một sự thay đổi bạo lực chính phủ - thực sự đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong cách hiểu của xã hội về thế giới, về mối quan hệ giữa người cai trị và người bị trị và theo nghĩa của những từ mô tả những gì đang diễn ra. Chính một bài báo của Dirlik, về cái tên Trung Quốc, đã thôi thúc tôi mở cuốn sách này với việc viết về chủ đề đó. Bài báo của ông đã chứng minh rằng sự thay đổi từ đế chế cũ sang quốc gia-dân tộc hiện đại thật ra đi theo hướng ngược lại. Thay đổi bắt đầu với từ ngữ. Khi những người trí thức phải vật lộn để giải thích và giải quyết các vấn đề do việc hiện đại hóa nhanh chóng tạo ra, họ đã tạo ra những từ mới - hoặc chỉnh sửa nghĩa của những từ cũ - để mô tả tình trạng mới. Những từ mới đó kết tinh những cách nhìn mới về xã hội và làm thay đổi các quan hệ giữa kẻ thống trị và người bị trị. Kết quả là chính phủ bị lật đổ.

Tôi gặp Dirlik một lần duy nhất: ông mất ngay vào lúc tôi bắt đầu viết cuốn sách này. Một số người thấy Dirlik khó tính nhưng tôi thích ông và ông đã mở mắt cho tôi về vấn đề này. Dirlik tin rằng sự xuất hiện của những ý tưởng làm nền tảng cho Trung Quốc hiện đại không phải là một câu chuyện lịch sử mù mờ mà là một vấn đề đang diễn ra tiếp tục làm sống động các hành động của một siêu cường mới nổi. Khi nhìn vào Trung Quốc, chúng ta thấy trên thực tế, thắng lợi của một nhóm nhỏ người, khoảng một thế kỉ trước, đã tạo ra những ý tưởng mới về bản chất của xã hội và chính trị, rồi thuyết phục phần còn lại của đất nước - và thế giới rộng lớn hơn - tin vào chúng. Những ý tưởng này là sự pha trộn lộn xộn các quan niệm hiện đại của phương Tây về các quốc gia, dân tộc, lãnh thổ và biên giới với các quan niệm truyền thống về lịch sử, địa lí và trật tự xã hội đúng lẽ.

Trong khi cuốn sách này viết về ‘việc sáng tạo ra Trung Quốc', tôi không cố tácht riêng Trung Quốc ra để chỉ trích đặc biệt. Tất cả các quốc gia hiện đại đều trải qua quá trình ‘sáng tạo' này: ghi nhớ và quên đi một cách có chọn lọc các khía cạnh trong quá khứ của họ để đưa ra một cách nhìn về tương lai có vẻ bề ngoài là mạch lạc và thống nhất. Tôi viết điều này tại một Vương quốc Anh bị thiêu đốt bởi các tranh luận về Brexit. Mỗi ngày, chúng tôi thấy các chính trị gia và nhà bình luận nhớ hoặc quên một cách có chọn lọc các khía cạnh trong mối quan hệ của Anh với lục địa Châu Âu hoặc với đảo Ireland, hoặc liên minh Anh với Scotland để tạo nền tảng ‘đáng tin’ cho chương trình chính trị của họ. Những câu hỏi bị đè nén lâu nay về chủ quyền, bản sắc và sự thống nhất đã bùng nổ ra công khai và trở thành nguồn cảm xúc và sự đối đầu mới. Cách đó hàng ngàn dặm, Hong Kong đang trong biển lửa và ít nhất một triệu người Hồi giáo Turkey đang bị giam giữ trong các ‘trại cải tạo’. Bối cảnh và hậu quả rất khác nhau nhưng chúng có chung nguồn gốc: mâu thuẫn giữa chủ quyền, bản sắc và sự thống nhất vốn do quốc gia-dân tộc  tạo ra.

Hầu hết du khách đến Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh đều đi vào qua các cổng từng được các nước triều cống, sứ thần và các quan chức cấp dưới sử dụng. Đi qua những bức tường đỏ khổng lồ, họ bắt gặp lớp hết phòng thủ này đến lớp phòng thủ khác thực lẫn tượng trưng. Lớp đầu tiên có dạng một cái hào được đặt theo hình cánh cung quay ngược, hướng về phía nam như một lời cảnh báo cho kẻ thù của hoàng đế. Qua khỏi hào là sân lớn từng tổ chức các buổi lễ của triều đình; rồi tới điện Thái Hòa, nơi các hoàng đế lên ngôi; và sau đó là điện Bảo Hòa, nơi hoàng đế dùng bữa tối với những người đứng đầu các phái bộ triều cống. Tiếp tục đi về phía bắc dọc theo trục trung tâm của thành phố sẽ đưa du khách đến những khu vực nội cung: Cung Càn Thanh, nơi chứa các phòng của hoàng đế, điện Giao Thái, nơi tổ chức lễ trọng và Năm mới, và sau đó, cuối cùng là Cung Khôn Ninh. Tòa nhà này ban đầu được xây dựng để làm nơi ở của các hoàng hậu nhưng vào năm 1645, sau khi chiếm được Bắc Kinh, nhà Thanh đã chuyển cho nó một mục đích mới.

Nhà Thanh là người Mãn: kẻ xâm lược từ phía đông bắc. Họ có tiếng nói riêng, chữ viết riêng, và theo tôn giáo của riêng mình: một hình thức shaman giáo. Những thứ này vẫn là ngôn ngữ và tôn giáo chính thức của triều đình cho đến khi triều đại này sụp đổ vào năm 1912. Cũng giống như người Anh ở Ấn Độ hoặc người Ottoman ở Ả Rập, tầng lớp tinh hoa thuộc hoàng đế tìm cách duy trì cảm giác biệt lập của họ. Đặc biệt, cư dân của Tử Cấm Thành vẫn duy trì nhiều nghi lễ mà tổ tiên của họ đã từng tuân theo ở vùng núi phía đông bắc. Họ tập bắn cung với cung tên của mình, họ nhảy múa theo phong cách Mãn Châu và, trong cung Khôn Ninh đã chuyển mục đích sử dụng, họ làm lễ cúng tế gia súc.

Hàng ngày, sau khi buổi cúng sáng theo truyền thống shaman, hoàng gia sẽ tập trung ở sảnh trung tâm của Cung điện trong khi một con lợn được đưa đi. Con vật sau đó bị giết thịt và thịt của nó đã được nấu chín phần nào. Thịt mỡ chưa thật chín  được chuyển vòng quanh cho các thành viên giới quý tộc Mãn Châu tụ họp tham dự, họ tranh nhau để nhận được những miếng thịt ngon nhất. Cung điện trở nên bẩn thỉu, sàn nhà vương vãi mỡ và xà nhà nồng nặc mùi thịt lợn luộc.2 Điều này không thành vấn đề đối với hoàng gia. Đó là một nơi riêng tư, thiêng liêng không cho người ngoài vào. Nó riêng tư đến mức tòa nhà cũng được sử dụng làm gian buồng trăng mật của hoàng đế - có lẽ là sau khi nó đã được dọn sạch sẽ. Những gì đã xảy ra trong Cung điện vẫn không lọt ra ngoài.

Lề thói này vẫn tiếp tục cho đến cuộc cách mạng 1911/12, nhưng những người bảo vệ cho Tử Cấm Thành hiện nay vẫn phủ nhận mặt này về cuộc sống của hoàng gia. Nó không phù hợp với hình ảnh như thường nghĩ của một hoàng đế Trung Hoa. Thiên tử, theo lệ thường, được hình dung là ngồi thanh thản trên ngai vàng uy nghi, không ngồi xổm trên sàn nhà dính dầu mỡ. Nhưng bằng cách phủ nhận hoặc giảm thiểu lịch sử Mãn Châu về Cung điện, những hướng dẫn viên du lịch này đang thực hiện vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính hợp pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. CHNDTH tự coi mình là nhà cai trị mới nhất của một nhà nước Trung Quốc với lịch sử liên tục từ hàng thiên niên kỉ trước. Lịch sử này, theo quan điểm của họ, làm cho CHNDTH trở thành một nhà cầm quyền chính đáng trên một lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Thái Bình Dương đến Trung Á: nó làm nền tảng cho quyền cai trị của CHNDTH đối với Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, Mãn Châu và Đài Loan. Nó cũng trao cho CHNDTH thẩm quyền xác định ai là người Trung Quốc và họ phải cư xử như thế nào.

Tuy nhiên, như lịch sử Cung Khôn Ninh đã cho thấy, trong 268 năm, ‘Trung Quốc’ lại là một tỉnh bị chinh phục của đế chế Mãn Thanh. Chính người Mãn Châu đã mở rộng sự cai trị nhà nước họ đến tận dãy Himalaya và vùng núi Tân Cương. Đợt chuyển đổi năm 1912 đã lộn ngược đế chế này từ trong ra ngoài. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc nắm quyền thống trị toàn bộ vùng đất vốn là một đế chế chủ yếu không-Trung Hoa. Họ cũng nắm quyền quyết định ai là người Trung Quốc, tính Trung Quốc của họ phải được thể hiện như thế nào, họ phải nói ngôn ngữ nào, v.v. Ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là những người kế tục họ. Đảng Cộng sản có một quan điểm đơn nhất về ý nghĩa của Trung Quốc và của người Trung Quốc là gì và dường như kiên quyết áp đặt nó, bất kể hậu quả. Hết lần này đến lần khác, đảng biện minh cho hành động của mình bằng cách viện dẫn một cách nhìn đặc thù, được chính trị hóa về quá khứ. Nếu chúng ta muốn hiểu các hành động trong tương lai của Trung Quốc, chúng ta cần hiểu nguồn gốc của cách nhìn này. Cuốn sách này truy nguồn các câu trả lời tới giai đoạn khoảng một thế kỉ trước đây khi mà trật tự đế quốc cũ sụp đổ và 'quốc gia-dân tộc' hiện đại xuất hiện từ đống đổ nát.

* * *

Vài lời về thuật ngữ. Một số người có thể phản đối từ 'sáng chế’ (invention)' trong tiêu đề của tôi. Các nhà sử học chuyên nghiệp sẽ sử dụng từ 'xây dựng' (construction), nhưng một cuốn sách về 'xây dựng Trung Quốc' có nguy cơ bị xếp vào loại sách về công trình dân dụng. Ý  nghĩa của tôi muốn nói vẫn như vậy. Tôi không khẳng định rằng Trung Quốc được sáng chế ra từ hư không nhưng ý tưởng về Trung Quốc như là một lãnh thổ thống nhất với lịch sử liền mạch đã được tích cực xây dựng / sáng chế ra từ một mớ bằng chứng mâu thuẫn bởi các cá nhân hành động trong những hoàn cảnh đặc thù của thời đại họ. Những ý tưởng, lập luận và tự sự mà họ vay mượn, điều chỉnh và khẳng định là sản phẩm của thời kì đó nhưng vẫn tiếp tục hướng dẫn hành động của giới lãnh đạo Trung Quốc cho đến ngày nay.

Tôi cũng đã cố gắng tránh sử dụng từ ‘China' (Trung Quốc) trừ khi nó thích hợp - thường là từ thời kì sau khi Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố thành lập vào năm 1912. Sử dụng nó trước ngày này là rơi vào bẫy dân tộc chủ nghĩa trong việc phóng chiếu các từ ngữ (và ý nghĩa của chúng) về thời quá khứ mà chúng không thuộc về. Điều này mở ra câu hỏi về cách chính xác mà chúng ta nên quy cái mảnh bề mặt trái đất này theo thời gian như thế nào. Dirlik đã sử dụng thuật ngữ “vùng đất trung tâm Đông Á’ (East Asian Heartland), rất hữu ích nhưng không ngắn gọn. Cho khoảng thời gian từ năm 1644 đến năm 1912, tôi thường sử dụng thuật ngữ  ‘Đại quốc Thanh' (Qing Great-State), vay mượn của Timothy Brook. Brook lập luận rằng “Đại quốc”, hay Da Guo, là một hình thức cai trị độc nhất của Nội Á và là từ ngữ mà các quốc gia, từ thời Mông Cổ trở đi, đã dùng để mô tả chính họ. Vì lí do này, nó thích hợp hơn thuật ngữ phương Tây 'empire’ (đế chế).3 Tôi đã phiên âm nhiều từ ghép của Trung Quốc thành các âm tiết riêng lẻ trong lần sử dụng đầu tiên. Mặc dù điều này có thể làm những độc giả đã biết tiếng Trung khó chịu, nhưng nó có thể giúp ích cho những người không biết tiếng Trung.

Cuối cùng, tôi cần nói rõ rằng đây là một công trình tổng hợp. Nó dựa trên nghiên cứu tiên phong của một thế hệ học giả mới trong vài thập kỉ qua. Các trường phái 'Tân Thanh sử’ và 'Hán học phê phán' và những trường khác đã cho phép chúng ta nhìn những câu hỏi cũ bằng con mắt mới. Tôi đã ghi công nhiều người trong các học giả này trong phần chính cuốn sách  và nhiều người hơn trong Lời cảm ơn nhưng đối với những ai muốn biết chi tiết hơn, có một danh sách đầy đủ trong phần Đọc thêm. Tôi mang ơn hiểu biết chuyên sâu của họ. Việc kiểm tra lại quá khứ của người Trung Quốc chỉ có thể thực hiện được nhờ tự do học thuật được các trường đại học ở Bắc Mỹ, Úc, Châu Âu và Nhật Bản cung cấp. Những vấn đề này không thể được giải quyết ngay trong bản thân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: các câu hỏi về chủ quyền, bản sắc và sự thống nhất vẫn còn quá nhạy cảm. Cuốn sách này cố gắng giải thích tại sao.

_____

1. Xi Jinping, Report at the 19th National Congress of the Communist Party of China, China Daily, 18 October 2017, Xinhua, http://www.chinadaily.com.m/qingdao/2017-11/04/content_35234206.htm 

2. Geremie R. Barmé, The Forbidden City, Cambridge, MA: Harvard University Press, 2011.

3. Timothy Brook, Great States: China and the World, London, Profile Books, 2019.


_________________

Xem song ngứ: Mở đầu

Lời mở đầu                  Chương 5                

Chương 2                    Chương 6               

 Chương 1                    Chương 7                  

 Chương 3                    Chương 8                              

 Chương 4                   Kêt luận.                    



Sáng chế ra Trung Quốc (Ch. 2: Chủ quyền)

Chuong 2

 SÁNG CHẾ CHỦ QUYỀN 

zhuquan - chủ quyền

 


Thứ sáu ngày 18 tháng 12 năm 2009. Các nhà lãnh đạo của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tập trung tại địa điểm tổ chức hội nghị lớn nhất của Scandinavia, Trung tâm Bella, ở ngoại ô phía nam Copenhagen. Họ đã đi đến việc kí kết một thỏa thuận quốc tế về chống khủng hoảng khí hậu trên thế giới. Thủ tướng Anh gọi nó, với chút cường điệu, là ‘hội nghị quan trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai’, nhưng các cuộc đàm phán không diễn ra tốt đẹp. Người đồng cấp Trung Quốc (TQ) của ông, Ôn Gia Bảo, không chịu rời khách sạn, nại cớ có một số hành động ngoại giao kém lịch sự. Thay vào đó, ông đã cử thứ trưởng ngoại giao He Yafei (何亚非: Hà Á Phi) đến ngồi bàn đầu để đàm phán với Gordon Brown, Barack Obama, Angela Merkel, Nicolas Sarkozy, Manmohan Singh và các nhà lãnh đạo khác. Đó là một sự xúc phạm có tính toán.

Các nước phát triển đã cam kết cắt giảm 80% lượng khí thải carbon và tài trợ cho nỗ lực của các nước đang phát triển trong việc làm giảm lượng khí thải của họ. Hoa Kì đã đưa ra 100 tỉ đô la. EU đang đề nghị cắt giảm 30% lượng khí thải vào năm 2020. Các nước đang phát triển muốn đưa ra điều gì để đổi lại? Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong một năm nhưng tới ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh thì ngay cả về điều này họ vẫn bế tắc. Các quan chức và đại biểu đã dành 10 ngày trước đó để thảo luận các chi tiết. Những người đứng đầu chính phủ, cùng với ông Phi, đã thương thảo trong 10 giờ. Một bản ghi âm, được thực hiện trong các ô phiên dịch, tiết lộ những gì xảy ra tiếp theo. Barack Obama đã nói thẳng với Hà Á Phi: ‘Nếu không có ý thức về sự có qua có lại’, ông cảnh báo, ‘sẽ rất khó để chúng ta có thể tiến lên một cách có ý nghĩa.’

Obama biết rằng bất cứ thỏa thuận nào mà ông đạt được tại Copenhagen đều sẽ phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt ở nước Mĩ. Bất kì hiệp ước nào cũng phải được đa số 2/3 Thượng viện phê chuẩn, một phép thử đã làm Hiệp ước Kyoto thất bại vào năm 1997. Tại sao tiền của người đóng thuế Mĩ lại phải được gửi ra nước ngoài để giúp các nước không sẵn sàng có sự  hi sinh cho chính mình? Và làm thế nào những người đóng thuế đó có thể biết rằng các chính phủ khác đang hành động theo phe của họ trong cuộc mặc cả? Do đó, chính quyền Obama đã muộn màng quyết định đưa vào thỏa thuận một điều khoản đảm bảo rằng các cam kết về khí hậu của các quốc gia, viết theo thuật ngữ là 'có thể đo lường, báo cáo được và có thể kiểm chứng được'. Tuy nhiên, điều này là quá quắt đối với TQ. Hà Á Phi đã thuyết giảng cho các nhà lãnh đạo về lịch sử Cách mạng Công nghiệp, đổ lỗi cho các nước giàu về vấn đề khí hậu. Angela Merkel bực tức chỉ ra rằng ngay cả khi tất cả các quốc gia giàu có cắt giảm lượng khí thải của họ xuống 0, TQ vẫn phải cắt giảm để ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Hà Á Phi sau đó nhấn mạnh rằng ngay cả các mục tiêu của các nước giàu cũng phải loại ra khỏi thỏa thuận. Các nhà lãnh đạo khác tỏ ra hoang mang. Sự nhượng bộ duy nhất mà TQ đưa ra là một cam kết mơ hồ về việc bắt đầu cắt giảm khí thải 'càng sớm càng tốt'. Hà Á Phi sau đó yêu cầu giải lao để hỏi ý kiến ​​của Ôn Gia Bảo. Cuộc họp không bao giờ được triệu tập lại. Các nhà lãnh đạo khác cho rằng đó đã là kế hoạch ngay từ đầu.

Theo lời của Lars-Erik Liljelund, Tổng giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển, 'TQ không thích những con số'.1 Nhưng sẽ chính xác hơn nếu nói rằng chính phủ TQ đã kịch liệt phản đối những con số đã được quốc tế thống nhất, cùng với một chế độ kiểm tra để xác minh những con số đó. Kết quả duy nhất mà phái đoàn TQ sẵn sàng chấp nhận tham gia là 'trao đổi thông tin quốc tế' tự nguyện.2 Nhưng ngay cả thỏa hiệp đó cũng bị chặn lại và tất cả những gì mà các nhà lãnh đạo hợp nhau lại có thể làm là 'ghi chú' tài liệu. Theo lời của Mark Lynas, người có mặt trong phòng báo cho các đảo quốc nhỏ có nguy cơ cao nhất do mực nước biển dâng cao là 'TQ đã phá hỏng thỏa thuận Copenhagen'.3 Hệ quả là các ống khói trên thế giới liên tục thải ra carbon và các lớp băng của nó tiếp tục tan chảy.

Ngày 12 tháng 12 năm 2015: 6 năm sau, gần như đến hiện nay, và ở một thủ đô châu Âu khác, mọi thứ đã khác. 195 quốc gia, cộng với Liên minh châu Âu, đã đồng ý điều mà Tổng thư kí Liên hợp quốc Ban Ki-moon gọi là 'một chiến thắng huy hoàng cho con người và hành tinh của chúng ta'. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt đó? Nói vắn tắt, các chính sách về biến đổi khí hậu của thế giới đã co lại có chú ý tới những lo ngại của TQ về chủ quyền. Tại Copenhagen, hầu hết thế giới đều mong muốn các mục tiêu được quốc tế đồng ý và ràng buộc về mặt pháp lí trong việc giảm lượng khí thải carbon. Họ không hiểu được sự phản đối của TQ. Trong những năm sau đó, họ đã hiểu ra và thay đổi cách tiếp cận của mình.

Chìa khóa thành công của hội nghị Paris là 'Các đóng góp do quốc gia quyết định'. Mỗi quốc gia sẽ đặt ra mục tiêu giảm lượng thải carbon của riêng mình, quá trình này sẽ là tự nguyện và sẽ không có cơ quan thực thi nào bắt buộc chính phủ nào phải hành động. TQ đã trì hoãn thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu trong 6 năm bước ngoặt để đảm bảo rằng họ không thể bị một thế lực bên ngoài ép buộc làm điều gì đó mà họ nói là họ cũng muốn làm. Đó là nguyên tắc ‘chủ quyền' không thể thương lượng.5

Chủ quyền là một khái niệm xuất hiện ở châu Âu vào thế kỉ 14 và trở thành nền tảng của luật quốc tế phương Tây. Nó còn xa mới trở thành một ý tưởng bản địa của TQ tuy nhiên nó đã trở thành nền tảng của các quan hệ quốc tế của TQ. Vào ngày 17 tháng 10 năm 2017, Tập Cận Bình (TCB) đã có bài phát biểu kéo dài 3 tiếng rưỡi trước đại hội mỗi 5 năm của Đảng Cộng sản TQ (ĐCSTQ). Khoảng giữa bài phát biểu, ông đã công bố 14 nguyên tắc cơ bản mới ‘làm nền tảng cho nỗ lực duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ trong thời kì mới’. Nguyên tắc thứ 13 được tuyên bố là 'Thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại'. Cụm từ này và cách diễn dịch thay thế, 'vận mệnh chung cho nhân loại', có vẻ trống rỗng và mơ hồ đối với người nước ngoài nhưng chúng có ý nghĩa cụ thể đối với TCB và ĐCSTQ. Chúng mô tả một tương lai mà trong đó các quốc gia có chủ quyền được đặt ở trung tâm của các quan hệ quốc tế, không bị can thiệp vào công việc nội bộ. Trên thực tế, đây là một cuộc tấn công nhằm vào trật tự đa phương của các tổ chức quốc tế, các liên minh và chủ quyền chung từng đã cố áp dụng để quản lí thế giới kể từ năm 1945. Bắc Kinh đang khó chịu với một số biện pháp can thiệp và hạn chế do các khái niệm hiện hành về luật pháp quốc tế bó buộc và tìm cách định nghĩa lại chúng. Và khi TQ trở nên có ảnh hưởng hơn, cách nhìn của họ về cách sắp xếp lại thế giới cũng sẽ có ảnh hưởng hơn.

Cách nhìn của ĐCSTQ về 'tương lai chung' này là di sản của quá khứ và là kết quả của sự va chạm giữa các ý tưởng của châu Âu về luật pháp quốc tế và các ý tưởng của Nhà Thanh về vị trí của nó như là zhong guo (nước chính giữa), trung tâm của thế giới. Cuộc chạm trán đau thương này, buộc một đế chế đang suy tàn trước mũi súng, đã sinh ra một thứ hỗn hợp gây tò mò, chủ nghĩa chính thống-chủ quyền (sovereignty-fundamentalism) của TQ, mà Bắc Kinh coi là khuôn mẫu cho một trật tự thế giới mới.

Người Mĩ đầu tiên được một vua TQ tiếp đến Bắc Kinh vào ngày 9 tháng 1 năm 1795. Ông tên là Andreas Everardus van Braam Houckgeest vốn là người Hà Lan như cái tên ông cho thấy. Trong 14 năm, ông làm việc cho Công ti Đông Ấn Hà Lan (VOC) ở Canton (Quảng Châu) và Macao nhưng đến năm 1783, ông định cư ở Charleston, Nam Carolina và trở thành công dân của đất nước mới độc lập. Với kiến ​​thức về trồng lúa, ông đã lập một đồn điền nhưng không thành công. Đến năm 1790, ông quay trở lại châu Á làm việc cho công ti một lần nữa.

Năm 1794, người Hà Lan này biết được sự thất bại của đoàn sứ’ cấp cao của Anh tới triều đình nhà Thanh năm trước và bắt đầu tìm cách xoay chuyển tình thế có lợi cho giao thương của họ. Nhà quý tộc người Anh George Macartney đã được chính quyền ở London ủy nhiệm để yêu cầu hoàng đế Càn Long quyền giao thương ‘công bằng và bình đẳng’ và thỉnh cầu nhà vua thiết lập quan hệ ngoại giao trên cơ sở bình đẳng. Đó là một chuyến mạo hiểm tốn kém. Để gây ấn tượng với hoàng đế, Bá tước Macartney đã mang theo ba con tàu chứa đầy những kì quan hiện đại, trong số đó có một cung thiên văn cơ khí, một cỗ xe vua mới và một khinh khí cầu. Người ta đã viết nhiều về sự thất bại của Macartney. Hoàng đế không ấn tượng với việc bá tước không chịu quỳ lạy ông ta và Macartney được trả về với một lời nhắn cho Vua George III rằng Thiên quốc ‘sở hữu tất cả mọi thứ ở mức dồi dào’ và ‘không cần phải nhập khẩu các sản phẩm của người nước ngoài'. Yêu cầu về quyền giao thương không được chấp thuận và ý tưởng về quan hệ ngoại giao bình đẳng thậm chí là không hiểu được.7

Van Braam nhìn thấy cơ hội và bắt đầu lập kế hoạch cho nhiệm vụ của riêng mình. Ông biết rằng năm 1795 là kỉ niệm thứ 60 ngày Hoàng đế Càn Long lên ngôi nhà Thanh và ông đã liên hệ với các chỗ quen biết tại Quảng Châu để dàn xếp cho một lời mời đến dự buổi lễ đó. Phái đoàn của ông đã mất 47 ngày lạnh giá để thực hiện chuyến hành trình dài 2 000 km bằng xe và kiệu đến Bắc Kinh. Họ đến đúng lúc lễ Tết âm lịch. Không giống như người Anh, họ đã không gói quà đúng cách và theo lời kể của van Braam, 'Không một món hàng nào thoát khỏi tình trạng hư hỏng.’ Nhưng cũng không giống như người Anh, họ đến sẵn sàng tuân thủ mọi yêu cầu về việc quỳ lạy của hoàng gia. Trên thực tế, họ thậm chí còn đi xa hơn: họ đã thực hiện một vụ lừa đảo quốc tế.

Màn kịch đã được nhà sử học Richard J. Smith rà soát lại Ông đã cho thấy cách van Braam dâng Hoàng đế Càn Long một thông điệp rất hạ mình từ vua Hà Lan, ‘[chúng tôi là những người nước ngoài] đều đã bị biến đổi bởi ảnh hưởng văn minh của TQ’, thông điệp tiết lộ. ’Trong suốt lịch sử, chưa từng có một vị quân vương nào có danh tiếng vô song như bệ hạ đang có, vị hoàng đế kiệt xuất của tôi.’ Đáp lại, Càn Long đã tặng quà với hi vọng rằng chúng ‘củng cố lòng trung thành và sự chính trực, giữ gìn việc cai quản tốt trong vương quốc của quý quốc vương và khiến quý quốc mãi mãi xứng đáng với sự quý trọng của trẩm.’ Vấn đề duy nhất của cuộc trao đổi ngoại giao này là nhà vua Hà Lan không thực sự tồn tại: năm 1795 là thời của Cộng hòa Hà Lan. Tuy nhiên, van Braam cho rằng cách cai trị hiện đại không có khả năng gây ấn tượng với hoàng đế, vì vậy ông đã sáng chế ra một vị vua có thể gửi các cống phẩm cần thiết.

Chi tiết về những cuộc gặp gỡ ban đầu này giữa các chính phủ châu Âu và triều đình nhà Thanh đã được tranh cãi nhiều nhưng có một điều rõ ràng là nhà cầm quyền nhà Thanh không tự thể hiện mình là thành viên bình đẳng của một cộng đồng quốc tế gồm các quốc gia có chủ quyền riêng biệt. Các nghi thức triều đình của họ đã định vị họ ở đỉnh cao của hệ thống thứ bậc. Sự lựa chọn bản đồ của họ đã cho thấy rõ điều này. Như Smith lưu ý, nhà Thanh đã bỏ đi các bản đồ mà các linh mục Dòng Tên đã vẽ cho các vua nhà Minh trong thế kỉ 16 và 17 và ra lệnh làm những bản đồ mới. Những bản đồ này miêu tả các quốc gia láng giềng này và thậm chí cả châu Âu và châu Phi xa xôi như những phần phụ nằm ở rìa phía tây của vương quốc của họ. Năm 1795, hoàng đế Càn Long có thể thực sự tin rằng Hà Lan tự coi mình là nước triều cống cho đại quốc của ông.

Sau khi đánh lừa hoàng đế và triều đình, van Braam và đồng bọn có thể đã cười một mình khi họ thực hiện chuyến hành trình không thoải mái về nước. Tuy nhiên, theo quan điểm của hoàng đế, điều đó không thành vấn đề: nghi thức triều đình đã được tuân thủ. Những người nước ngoài đã tự phục tùng khi tiếp kiến hoàng đế, do đó xác nhận rằng Càn Long thực sự là vua của 'mọi thứ dưới gầm trời' hay theo tiếng Trung là tianxia (thiên hạ). Địa vị của ông với tư cách là hoàng đế của nước trung tâm, zhong guo (TQ), đã được củng cố bởi sự phục tùng của các vị khách nước ngoài. Khán giả chính của các nghi lễ triều cống không phải là người nước ngoài mà là người trong nước. Họ xác nhận tính hợp pháp của hoàng đế, đế chế của ông, quan lại của ông và hệ tư tưởng Nho giáo. Như nhà Hán học John Fairbank đã từng viết, ‘Vua TQ tuyên bố cai trị toàn bộ nhân loại theo thiên mệnh. Nếu phần còn lại của nhân loại không thừa nhận quyền cai trị của ông thì ông có thể mong đợi TQ thừa nhân trong bao lâu ?’10 Thiên hạ không có ranh giới chính thức: nó có khả năng toàn cầu. Sự khác biệt duy nhất trong thiên hạ là giữa những người hoa có văn hóa, những người chấp nhận sự cai trị khôn ngoan của hoàng đế và những người không chấp nhận - bọn man di. Trong thế giới Sinitic (Trung Hoa), di có thể tự nâng mình trở thành hoa nếu họ chấp nhận các quy tắc của nền văn hóa và trật tự ‘Nho giáo’ được xác định.11

Không có nhiều lợi ích kinh tế cho nước Đại Thanh trong nghi thức triều cống. Triều đình tiếp đón các đoàn sứ, một số đoàn có thể rất lớn, trong vài tuần và sau đó ban cho họ nhiều tặng vật. Các đoàn sứ sẽ mang theo một lượng tương đối nhỏ cống phẩm cho giới thượng lưu: thường là những mặt hàng quý hiếm như ngà voi, gỗ đàn hương và đá quý. Đổi lại, họ sẽ nhận được lượng hàng hóa thương mại lớn hơn nhiều mà họ có thể bán ở quê nhà. Toàn bộ quá trình này rất tốn kém và nặng nề, nhưng triều đình thấy nó đáng giá, trên thực tế là cần thiết. Các lợi ích mang tính biểu tượng và chính trị. Đối với các nước 'chư hầu' triều cống, lợi ích trực tiếp và có tính tiền bạc hơn. Ngoài những món quà có giá trị mà các sứ thần nhận được từ triều đình, các thương nhân có thể đi cùng với đoàn sứ để bán hàng hóa và sản phẩm nước mình trên đường đi. Nhưng các nước chư hầu cũng nhận được một phần thưởng vô hình. Cũng giống như sự thừa nhận của họ đối với hoàng đế trung quốc đã khẳng định vai trò của ông, sự công nhận của ông đối với họ cũng khẳng định vị thế chính trị của họ.

Ngược lại, giới tinh hoa phương Tây nhận thấy không có lợi ích gì từ hình thức quan hệ này. Việc hoàng đế công nhận địa vị chư hầu của họ chẳng có ý nghĩa gì. Thay vào đó, nó được coi là một mối đe dọa, như một nỗ lực nhằm áp đặt địa vị phụ thuộc lên các nước độc lập đầy hãnh diện, mà một số trong đó gần đây đã đấu tranh chống lại sự thống trị của nước ngoài ở quê nhà. Hậu quả của những cuộc chiến đó vẫn còn đang lan tràn trên toàn cầu và cuối cùng sẽ phá hủy các ảo tưởng phi thế gian về thiên hạ của hoàng đế .

Năm 1808 nước Pháp của Napoléon xâm lược Tây Ban Nha, phế truất vua và bắt giữ thái tử Tây Ban Nha. Trong vòng vài tháng, các thuộc địa của Tây Ban Nha ở châu Mĩ trong cơn lửa. Các nhóm quý tộc và sĩ quan quân đội nắm lấy quyền kiểm soát các thành phố và tuyên bố độc lập ở Venezuela, Colombia và Mexico. Các cuộc giao tranh tiếp tục diễn ra trong một thập kỉ cho đến năm 1825, khi tất cả các thuộc địa lục địa loại bỏ quyền cai trị của Tây Ban Nha. Trong số nhiều tổn thất của cuộc giao tranh này là tính toàn vẹn của đồng tiền Tây Ban Nha châu Mĩ, đồng peso. Trước các cuộc chiến tranh giành độc lập, đồng peso đã có tiếng vượt trội về chất lượng: nó được biết là chứa 90% bạc ròng và được đánh giá cao trên khắp thế giới.

Các thương nhân TQ yêu thích nó, đặc biệt là những đồng xu có ‘mặt người nước ngoài' của Vua Charles III hoặc con trai ông Charles IV. Kế toán của Công ti Đông Ấn Anh đã lưu ý hồi thập kỉ 1990 rằng các thương nhân TQ đã sẵn sàng trả cho đồng tiền 'Carolus' cao hơn gần 9% cho thỏi bạc thật mang đi được, dễ nhận biết và không cần kiểm tra chất lượng kim loại: Carolus đã được tin cậy. Cũng có các đồng tiền khác, trong đó có đồng của Pháp và Hà Lan, nhưng chúng được giao dịch với mức chiết khấu trung bình 15% so với Carolus. Tiền mặt Tây Ban Nha là vua. Thương nhân Bắc Mĩ đã kiếm được nhiều  lợi nhuận khi bán đồng tiền bạc sang TQ: 2 247 tấn tiền đã được vận chuyển ngang qua Thái Bình Dương từ năm 1808 đến năm 1833.

Tuy nhiên, như nhà sử học kinh tế Alejandra Irigoin chỉ ra, các cuộc chiến tranh giành độc lập của người Mĩ gốc Tây Ban Nha đã làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của đồng peso. Để tài trợ cho cuộc chiến của họ, giới tinh hoa đối lập đã làm tiền giả. Tệ hơn nữa, các nhà cách mạng Latinh đã đúc tiền xu mà không có hình đầu của vua Tây Ban Nha. Kích thước và chất lượng của những đồng peso này rất đa dạng, tùy thuộc vào nơi chúng được sản xuất. Đây không chỉ là vấn đề đối với Tây Ban Nha và phần châu Mĩ thuộc Tây Ban Nha. Nó cũng có tác động lớn ở TQ.

Giá trị của đồng peso bắt đầu lung lay. Vào những năm 1820, đồng 'Carolus' cũ với hình đầu của nhà vua có giá trị cao hơn 30% so với trọng lượng tương đương của nó trong một thỏi bạc. Tuy nhiên, giá của các đồng tiền sau cách mạng lại đi theo hướng ngược lại: các thương nhân TQ định giá chúng thấp hơn 15% so với bạc thỏi.12 Niềm tin vào đồng tiền suy yếu, khiến các nhà giao dịch khó thực hiện các giao dịch, cho vay hoặc đi vay. Thương nhân tích trữ những đồng tiền cũ hơn và tẩy chay những đồng mới. Nhu cầu về đồng bạc mới từ châu Mĩ đã giảm xuống. Đến năm 1828, nhập khẩu chỉ bằng 15% so với vài năm trước đó. Và khi nguồn cung đồng peso đáng tin cậy giảm đi , giá bạc thỏi ở TQ đã tăng lên. Các cuộc chiến tranh cách xa hàng ngàn dặm ở châu Âu và châu Mĩ Latin đã có một tác động lớn đến nền kinh tế ở TQ.

Lúc này, triều đình nhà Thanh yêu cầu nộp thuế bằng bạc thỏi, không phải bằng tiền đồng. Họ đúc tiền bằng đồng và đặt tỉ giá hối đoái chính thức giữa chúng và cách đo bạc tiêu chuẩn của riêng mình: giá chính thức 1000 đồng tiền đồng mua được  1 lượng kuping (庫平: khố bình  - tiêu chuẩn kho bạc) bạc. Tuy nhiên, khi nguồn cung tiền xu Carolus cạn kiệt vào cuối những năm 1820, giá một lượng khố bình bạc đã tăng lên mức 1 400 đồng tiền đồng. Nông dân được trả bằng đồng tiền đồng ngày càng khó mua được bạc và tụt hậu với thuế. Thu nhập của chính phủ giảm theo tương ứng. Vì không còn đồng tiền  bạc tiêu chuẩn cho giao thương xa, chi phí kinh doanh cũng tăng vọt và việc cho vay trở nên khó khăn hơn. Cầu giảm và thất nghiệp tăng. Khi giá bạc tăng lên, giá của hàng hóa được tính bằng bạc giảm xuống: một trường hợp giảm phát kinh điển.

Cú sốc này làm những khó khăn kinh tế hiện có tăng thêm. Dân số của vương quốc Thanh (ít nhất) đã tăng gấp đôi so với thế kỉ trước trong khi diện tích đất canh tác chỉ tăng một nửa. Mặc dù có các loại cây trồng mới, chẳng hạn như ngô, đậu phộng và khoai lang, đã được đưa từ châu Mĩ Tây Ban Nha vào, đại quốc này bắt đầu thiếu lương thực. Việc sử dụng đất thâm canh quá mức đã làm giảm độ phì nhiêu của đất, tăng xói mòn và lũ lụt ở hạ lưu. Thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn, việc làm trở nên khan hiếm, và tham nhũng và quản lí yếu kém khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nhiều cuộc nổi dậy nghiêm trọng nổ ra ở một số tỉnh. Sự ổn định bề ngoài trong triều đình của hoàng đế Càn Long che đậy sự bất ổn ngày càng tăng bên ngoài. Hoàng đế có thể đã 'không có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm của người nước ngoài' nhưng hàng triệu nông dân đã đói. Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn do hậu quả của những nhà sản xuất nước ngoài đó, làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với xuất khẩu lụa và bông của TQ. Tóm lại, vào thời điểm cháu trai Càn Long, hoàng đế Đạo Quang, lên ngôi vào năm 1820, đại quốc này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Cũng có một vấn đề khác. Thương nhân nước ngoài trước đây đã kiếm được lãi cao từ việc buôn bạc. Vì thương nhân TQ ưa thích đồng peso bạc trong khi người bên ngoài TQ thích bạc thỏi, nên tiền được tạo ra trong việc buôn tiền: đổi cái này lấy cái kia. Irigoin lập luận rằng việc này diễn tiến tốt cho đến khi nguồn cung tiền đồng đáng tin cậy cạn kiệt vào năm 1828. Chỉ sau đó, những kẻ buôn tiền mới chuyển sang một loại hàng hóa khác. Năm 1828, 18 000 rương thuốc phiện được xuất khẩu sang TQ, nhưng đến năm 1839, con số này đã tăng hơn gấp đôi lên 40 000 rương.13 Những chiếc thuyền ‘cua nhanh’ có cả buồm lẫn chèo để nhanh chóng đi qua các vùng nước nông ven biển đã chuyển hàng lậu cho khách hàng trên bờ và đến các thành phố xa trong nội địa. Thuốc phiện đã là một phần của cuộc sống thượng lưu, từ hoàng đế trở xuống, trong nhiều năm, nhưng việc nhập khẩu quy mô lớn trong thập kỉ 1830 mới được coi là mối đe dọa đối với xã hội.

Vào năm 1839, những rắc rối với ngân sách chính phủ buộc Đạo Quang phải ban hành một chỉ dụ có vẻ bề ngoài vừa phải mà khi nhìn lại, đó là một cái đinh đầu tiên đóng lên nắp quan tài thiên hạ. Các đoàn sứ triều cống đã trở nên quá đắt đỏ: thương nhân thường xuyên lợi dụng để kiếm lợi với cái giá triều đình nhà Thanh phải trả. Các nước An Nam (Việt Nam ngày nay), Xiêm La (Thái Lan ngày nay) và quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu - ngày nay là phần phía nam của Nhật) từ đó trở đi chỉ được phép gửi cống phẩm cho triều đình 4 năm một lần thay vì hàng năm hoặc mỗi nửa năm.14 Theo nhà sử học Nhật Takeshi Hamashita, điều này có hai mục đích: tiết kiệm tiền qua việc giảm núi 'hàng ban tặng' cho các đoàn sứ đến cống và tăng nguồn thu từ thuế với việc biến cống nạp thành giao thương. Thương nhân sẽ phải trả nhiều thuế hơn, và nguồn thu đó sẽ phải nộp cho chính quyền trung ương thay vì bị các quan chức ở các cảng xén bớt. Sự cần thiết về kinh tế đã làm suy yếu các mối liên kết giữ trật tự tôn ti trong khu vực với nhau.

Đây là một thời điểm sáng suốt khác thường của triều đình: thừa nhận thực tế. Thương nhân TQ, Đông Nam Á và châu Âu đã kiếm được lợi nhuận lớn qua việc bỏ qua các thủ tục triều cống và giao dịch trực tiếp với quan lại và thương nhân địa phương. Có lẽ nổi tiếng nhất là William Jardine và James Matheson, những 'thương nhân xuyên quốc gia' nằm ngoài sự kiểm soát của bất kì chính phủ nào, họ đã sử dụng các kho nổi để buôn hàng lậu vào TQ trị giá hàng triệu bảng Anh, kể cả thuốc phiện, đáp ứng nhu cầu mà các kênh chính thức không đáp ứng được.

Năm 1834, chính phủ Anh đã chấm dứt độc quyền thương mại của Công ti Đông Ấn (Anh) với TQ, cho phép các thương nhân xuyên quốc gia được tự do hơn. Động thái của Đạo Quang nhằm đưa các thương nhân này và đồng phạm của họ xung quanh bờ biển trở về dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh. Vấn đề đối với triều đình nhà Thanh là có rất nhiều người ở các tỉnh ven biển quan tâm đến việc làm giàu cho bản thân hơn là số thuế thu được của triều đình, đã chống lại. Cuộc chiến giữa vùng trung tâm và bờ biển dẫn đến cái mà nhà Hán học người Mĩ James Polachek gọi là một sự dao động từ chỗ cứng nhắc khắc nghiệt, bài ngoại sang chủ nghĩa cơ hội cộng tác rồi quay trở lại'.15 Cuộc đấu tranh này dao động qua lại suốt những thập kỉ sau đó ngay cả khi trật tự quốc tế ngày càng chuyển đổi nhiều hơn đi ngược lợi ích của Bắc Kinh. Phản kháng dẫn đến ‘chiến tranh thuốc phiện' vào năm 1840, thất bại dẫn đến hòa giải, phản kháng tiếp tục dẫn đến một cuộc 'chiến tranh thuốc phiện' khác vào năm 1860 và thất bại dẫn đến hòa giải tiếp theo, v.v. Vào cuối thế kỉ này, triều đình nhà Thanh đã buộc phải chính thức công nhận vị thế mình bị suy giảm: sẽ không còn là ‘nước trung tâm', trung quốc nữa. Hoàng đế sẽ không còn cai trị 'mọi thứ dưới vòm trời' - thiên hạ - mà chỉ đơn thuần một quốc gia có chủ quyền trong số nhiều quốc gia có chủ quyền.

Năm 1844, một sinh viên 21 tuổi gốc gác ở Hợp Phì, một thành phố ở thung lũng trù phú của sông Dương Tử, tham dự kì thi vào trường do bạn học cũ của cha mình tổ chức. Đó là điển hình của sự nuôi dạy đặc quyền mà Li Hongzhang (Lí Hồng Chương) đã được hưởng. Cha anh là quan lớn trong ban trừng phạt, một chức sắc triều đình, và Chương đã được hưởng một nền giáo dục khá thoải mái. Đặc quyền của gia đình là rõ ràng từ việc chọn thầy học cho Chương. Người đó là Zeng Guofan (Tăng Quốc Phiên), một ngôi sao đang lên trong chính quyền nhà Thanh. Phiên đã đậu kì thi jinshi (tiến sĩ), kì thi cấp cao nhất của hoàng gia, ở độ tuổi trẻ trung nổi bật 27 và sau đó được giao làm một trong 33 thư kí của Nội các: các cố vấn thân cận nhất của hoàng đế. Với cương vị  thư kí, Phiên đã giúp soạn thảo các chỉ dụ của triều đình và các văn bản khác chỉ đạo đại quốc. Một thời gian thành công với cương vị thư kí thường mở ra cánh cửa cho các chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, trước khi họ có thể thăng lên trong hệ thống thứ bậc, các cựu bí thư thường phải dành thời gian giám sát các ứng viên cho các kì thi cấp tỉnh - đó là cách Phiên trở thành thầy của Chương.

Đó là một lựa chọn sáng suốt của gia đình Chương. Chỉ ba năm sau, Chương đứng thứ ba trong kì thi tiến sĩ, ở tuổi thậm chí còn trẻ hơn mới 24, và được nhận vào viện Hàn Lâm, một vinh dự dành cho những ứng viên sáng giá. Viện là cơ quan thư kí của triều đình nhưng cũng là cơ quan gìn giữ hệ tư tưởng Nho giáo chính thức của bộ phận nhà nước Sinitic. Các học giả của nó được kì vọng sẽ đưa ra các giải thích về kinh sách cũ để hướng dẫn hoàng đế và triều đình trong quá trình bàn thảo của họ. Thành công trong kì thi tiến sĩ đòi hỏi một kiến ​​thức kinh sách sâu sắc nhưng ít tỏi về các hứ khác. Những sách vở đó được cho là đủ để hướng dẫn một vị  quan trong công việc và một hoàng đế trong việc cai trị của mình. Không có chỗ cho sự đổi mới và không có ham muốn với kiến ​​thức mới: chỉ những người đã làm việc qua hệ thống thi cử mới có quyền diễn giải kinh sách cũ và đưa ra lời khuyên. Những 'thư lại' (quan-học giả) này đã hình thành nên cái lõi của nhà nước Thanh và tự coi mình như những người bảo vệ một hệ thống tín ngưỡng vượt trội về mặt đạo đức. Vị trí của họ trong xã hội phụ thuộc vào sự độc quyền đối với kiến ​​thức này và họ cố gắng duy trì nó. Họ nghi ngờ sự thay đổi, thù địch với người nước ngoài và không chút quan tâm đến thế giới bên ngoài.

Lí Hồng Chương cũng có quan điểm tương tự nhưng khác ở một thuộc tính chính. Ông có tham vọng theo một cách rất phi Nho giáo. Cao 1,92m, ông vượt trội hơn các đồng nghiệp của mình và tạo ấn tượng với mọi người ông gặp. Ông sẽ tiếp tục một sự nghiệp đáng chú ý. Hai năm sau khi ông qua đời, một trong những người ngưỡng mộ phương Tây tuyên bố rằng, 'Viết tiểu sử của Li Hung-chang [Lí Hồng Chương] là viết lịch sử thế kỉ 19 ở TQ. Tác giả, Alicia Little, một nhà vận động xã hội và vợ của một nhà truyền giáo, khẳng định ông là 'người duy nhất ở TQ mà các sứ thần nước ngoài thấy có thể trao đổi được', nhưng bà cũng lưu ý rằng 'nhiều người cùng thời với ông ... đã thấy ở ông chỉ là kẻ hủy diệt danh dự của đất nước'.16 ​​Chính vai trò trung gian giữa các cấp cao nhất của triều đình nhà Thanh và thế giới rộng lớn hơn đã khiến ông trở thành nhân vật chủ chốt trong quá trình chuyển đổi từ thế giới thiên hạ sang thế giới chủ quyền. Và chìa khóa cho sự chuyển đổi này là mối quan hệ của Chương với một số người Mĩ hàng đầu, trong đó có một cựu tổng thống và một cựu ngoại trưởng.

Chương bắt đầu theo học với Phiên chỉ vài năm sau cuộc chạm trán đẫm máu đầu tiên của vương quốc Thanh với hỏa lực hải quân Anh. Thất bại trong 'Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất' đã dẫn đến việc kí kết Hiệp ước Nam Kinh vào tháng 8 năm 1842. Bên cạnh Quảng Châu (Canton), nhà Thanh đồng ý mở thêm bốn cảng cho Anh buôn bán. Họ cũng buộc phải nhượng vĩnh viễn đảo Hong Kong cho Anh và phải trả 21 triệu ‘đô la’ (thực ra là đồng peso Carolus) tiền bồi thường cho số thuốc phiện bị chính quyền Quảng Châu phá hủy và chiến phí. (Tất nhiên, người Anh không bồi thường cho khoảng 20 000 người chết trong chiến tranh hoặc hàng ngàn người khác bị thương hoặc bị hành hung.) Quan trọng nhất đối với quan hệ tương lai của TQ với thế giới, nhà Thanh đồng ý rằng việc buôn bán sẽ 'tự do' - trên các tuyến đường giao thương thay vì qua triều cống; rằng các quan chức Anh sẽ có quyền cư trú tại các cảng hiệp ước và liên lạc trực tiếp với quan lại địa phương; và công dân Anh sẽ không phải tuân theo những gì họ coi là luật man rợ của nhà Thanh. Cuối năm đó, trong hành động ‘ngoại giao sài lang’ đầu tiên của mình, Hoa Kì đã yêu cầu được hưởng không những quyền mà người Anh vừa đấu tranh được. Sau từ chối ban đầu, vào năm 1843, hoàng đế ban rằng các nhượng bộ sẽ được áp dụng như nhau cho tất cả người nước ngoài.17 Cả Phiên và Chương đều không giữ bất kì vai trò gì trong cuộc Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất nhưng di sản của nó sẽ xác định phần còn lại của cuộc đời họ. Những ý tưởng mới, ngoại lai sẽ kích động sự quyến rũ trong nước và sự li khai ở nước ngoài. Các cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại buộc quan lại nhà Thanh phải nhờ đến sự giúp đỡ của người nước ngoài. Phiên sẽ vươn lên địa vị anh hùng và Chương sẽ vươn lên theo đuôi, chỉ để bị tố cáo là kẻ phản bội lúc lẩm cẩm tuổi già.

Đầu năm 1851, một đe dọa đối với sự cai trị của nhà Thanh nghiêm trọng hơn Hải quân Hoàng gia Anh rất nhiều đã xuất hiện ở tây nam TQ, được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế tồi tệ và tình trạng thiếu lương thực ngày càng tăng. Một nhóm phiến quân theo thần học Cơ đốc giáo pha trộn với chủ nghĩa không tưởng xã hội chủ nghĩa và lòng căm thù tầng lớp cai trị Mãn Thanh tự xưng là 'Thái bình Thiên quốc’, Taiping Tianguo (太平天國)- hay còn được gọi là loạn Thái Bình. Đến tháng 3 năm 1853, Thái Bình chiếm được thành phố Nam Kinh ngay dưới thung lũng Dương Tử chỗ nhà của Chương ở Hợp Phì 40 000 cư dân Mãn ở đó đã bị thảm sát. Nam Kinh trở thành thủ đô của Thái Bình trong 11 năm tiếp theo. Tháng 1 năm 1854, họ đã chiếm được Hợp Phì.18 Anh trai của Tăng Quốc Phiên đã bị giết trong một nỗ lực tái chiếm thành phố không thành công vào năm 1858. Đến năm 1860, tất cả hoặc một phần của 5 tỉnh dọc theo sông Dương Tử và các phụ lưu của nó đều nằm dưới sự kiểm soát của Thái Bình.

Cùng lúc với việc chiến đấu sống còn với Thái Bình, triều đình nhà Thanh cũng bị chính phủ Anh và Pháp, với sự ủng hộ ngầm của Hoa Kì, thúc ép phải nhượng bộ nhiều hơn cho việc buôn bán tự do. Các vi phạm Hiệp ước Nam Kinh đã dẫn đến các cuộc đối đầu mới và trận pháo kích vào thành phố cảng Quảng Châu và sau đó là Thiên Tân, cửa ngõ vào Bắc Kinh. Tháng 6 năm 1858, dưới áp lực của vũ khí phương Tây, các quan chức ở Thiên Tân đã kí hiệp ước mới với những kẻ tấn công, trao cho họ quyền tiếp cận nhiều cảng hơn, quyền đi lại dọc theo sông Dương Tử cùng quyền đi lại, buôn bán và truyền đạo Cơ đốc trên khắp đất nước. Đáng chú ý hơn, các hiệp ước cũng cho phép chính phủ các nước thành lập phái bộ ngoại giao ở Bắc Kinh. Người nước ngoài muốn được đối xử như những nước có chủ quyền ngang bằng, chứ không phải chư hầu.

Tuy nhiên, điều đáng nói là các quan chức ở Thiên Tân không coi các hiệp ước là những cam kết long trọng và lâu dài. Một trong những người kí tên, một người tộc Mãn tên là Guiliang (桂良: Quế Lương), đã viết một ghi nhớ cho hoàng đế, trong đó ông nói không úp mở rằng, ‘Các hiệp ước hòa bình với Anh và Pháp không thể được coi là hiện thực. Mấy tờ giấy này chỉ đơn giản là một phương tiện để quân đội và tàu chiến nước ngoài rời khỏi bờ biển.’19 Đó rõ ràng không phải là cách người Anh và người Pháp nhìn nhận. Hai năm sau, các hiệp ước vẫn chưa được triều đình nhà Thanh phê chuẩn nên vào năm 1860, một lực lượng viễn chinh Anh-Pháp đã rời  lên tàu ra đi từ Hong Kong để buộc nhà Thanh phải làm điều đó. Đó sẽ là hành động cuối cùng của 'Chiến tranh Thuốc phiện lần thứ hai'.

Quân xâm lược đã vượt qua các tuyến phòng thủ của nhàThanh trên sông Hải Hà và cho tàu tiến về Bắc Kinh. Họ chặn các chuyến hàng chở gạo đến kinh đô và sẵn sàng san bằng thành phố. Hoàng đế Xianfeng (咸豐: Hàm Phong, con trai của Đạo Quang mất năm 1850) chạy trốn khỏi Bắc Kinh, để lại người em cùng cha khác mẹ là Yixin (奕訢: Dịch Hân) để đối phó với người Anh và người Pháp. Đối mặt với mối đe dọa kép của Thái Bình và người châu Âu, nhà Thanh đã đồng ý một thỏa thuận do một phái viên người Nga, Nikolay Pavlovich Ignatiev đề xuất. Ông hứa sẽ làm trung gian với người Anh và người Pháp, miễn là nhà Thanh đồng ý với các yêu cầu của Nga. Trên thực tế, Ignatiev không có có ảnh hưởng gì với London hay Paris cả, nhưng nhà Thanh vẫn bất chấp kí kết làm mất đi những quyền đối với 130 000 dặm vuông phần màu mỡ nhất của Siberia.20 Cũng có ý nghĩa đối với quan hệ đối ngoại tương lai của đại quốc, ngày 24 tháng 10 năm 1860 Dịch Hân kí Công ước Bắc Kinh với người Anh và ngày hôm sau một văn kiện tương tự với người Pháp.

Theo Công ước đó, nhà Thanh nhượng cho Anh khoảng 20 dặm vuông lãnh thổ trên bán đảo Cửu Long, đối diện đảo Hong Kong. Nó cũng mở cửa cảng Thiên Tân cho giao thương với nước ngoài. Quan trọng hơn, triều đình thừa nhận quyền của người nước ngoài được có cơ sở thường trú ngoại giao tại Bắc Kinh: họ sẽ không cần phải trải qua những chuyến đi dài bằng xe từ Quảng Châu đến Bắc Kinh. Người châu Âu không coi mình là đại diện của các nước chư hầu mà là các nước bình đẳng trong một hệ thống quốc tế, nhưng nhà Thanh vẫn không thể hiểu cũng như không chấp nhận sự sắp xếp này. Cách nhìn của họ vẫn là thiên hạ, ​​với hoàng đế có vị thế như một nhà cai trị hợp pháp 'mọi thứ dưới vòm trời'. Cuộc đấu tranh giữa hai thế giới quan này sẽ xác định nửa thế kỉ cai trị cuối cùng của nhà Thanh và Lí Hồng Chương sẽ là nhân vật chủ chốt trong câu chuyện.

Đường phố tràn đầy khổ đau. Một phụ nữ trung niên ngồi trên lề đường gào khóc. Tiếng khóc của cô ấy cắt ngang sự nhộn nhịp của Bắc Kinh hiện đại, nhưng không ai đến giúp cô. Có rất nhiều người xung quanh có thể giúp được nhưng không ai muốn. Xa hơn một chút dọc theo con hẻm, một phụ nữ trẻ ngồi trên chiếc ghế thấp giơ một dòng chữ dài trên một tờ giấy lớn cho mọi người xem. Xung quanh cô là những người đàn ông có vẻ ngoài hung tợn, tất cả đều la mắng và chỉ trỏ lên án cô. Người duy nhất bảo vệ cô là một phụ nữ nông dân ngồi trên xe lăn, hét lại những kẻ hung tợn. Thật khó để biết họ là bọn du đảng hay an ninh mặc thường phục. Có lẽ cả hai.

Nguyên nhân của tất cả những điều tồi tệ này nằm phía dưới kia Dongtangzi Hutong: (東塘子胡同: Đông đường tử Hồ đồng) một tòa nhà thấp gần như ẩn khuất sau một bức tường cao màu xám. Tất cả những gì có thể nhìn thấy từ đường phố là một mái ngói cũ. Số 49 là văn phòng khiếu nại chính thức của Bộ Công an TQ. Đây là nơi mà các công dân TQ đương thời đến để tìm cách đòi đền bù những hành vi lạm dụng của cảnh sát. Cơ hội thành công hẳn là rất bé nhỏ, tuy nhiên, có một hàng người ngắn bên ngoài văn phòng này vào chiều tháng 9 này, nối đuôi nhau bên dưới một tấm bảng bằng đá đặt trên tường, dòng chữ tiết lộ lịch sử của cung điện bất hạnh này.

Bây giờ có vẻ khó tin nhưng tòa nhà này đã từng là tâm điểm của cuộc sống quốc tế ở Bắc Kinh. Vào nửa sau của thế kỉ 19, đây là trụ sở của Tổng lí Nha môn, ‘bộ ngoại giao’ đầu tiên được thành lập để quản lí các quan hệ với bọn người man di từ biển đến. Ngày nay, nó bị thấy chìm xuống do khung cảnh xung quanh: bị che khuất bởi 'Khách sạn Legendale’ (Tửu điếm Truyền Kì), được xây dựng theo kiểu bánh sinh nhật của trùm phát xít, và một trung tâm mua sắm theo phong cách thời nhà Thanh có tên Jinbao Place (quảng trường Kim Bảo). Phía đàng góc là một cung điện nhà Thanh giả: nhà câu lạc bộ Bắc Kinh của Câu lạc bộ Đua ngựa Hong Kong. Trong khi lớp nhà giàu mới được phà đưa đón tới lui những cung điện sang trọng này, một hoạt cảnh đau buồn lại diễn ra ở con hẻm phía sau. Lịch sử không lặp lại chính nó nhưng nó chắc chắn theo cùng vần.

Tổng lí Nha môn được thành lập ngày 13 tháng 1 năm 1861, một hành động mà triều đình nhà Thanh bị áp đặt như một hệ quả của chiến tranh thuốc phiện lần 2.21 Các cường quốc Châu Âu đã yêu cầu thanh toán 8 triệu lượng bạc phải trả thành nhiều đợt từ nguồn thu hải quan tại các cảng hiệp ước.22 (Anh và Pháp không chút ngại ngần đòi nhà Thanh phải chi trả cho cuộc xâm lược chính đất nước của họ.) Ba quan chức triều đình đã đàm phán và kí kết Công ước Bắc Kinh đề nghị hoàng đế thành lập một chi nhánh mới của triều đình để giám sát việc thực hiện nó. Tuy nhiên, họ không coi đó là một sự sắp xếp lâu dài. Trong bản ghi nhớ gởi cho triều đình, họ viết, 'Ngay sau khi các chiến dịch quân sự [chống loạn Thái Bình và các loạn khác] và công việc của các nước khác nhau được đơn giản hóa, văn phòng mới này sẽ bị bãi bỏ và các chức năng của nó sẽ chuyển ngược về đại Hội đồng quản lí sao cho phù hợp với hệ thống cũ.'

Cả ba quan chức đều là đại quan người Mãn: Dịch Hân, người được biết đến với tên tiếng Trung là Gong [恭親王: Cung thân vương]; Hada Guwalgiya (哈达 瓜尔佳: Hà Đạt Qua Nhĩ Giai - tiếng Trung là Quế Lương) - cha vợ của Dịch Hân và là viên quan đã bác bỏ Hiệp ước Thiên Tân năm 1858; và Suwan Guwalgiya (蘇完 瓜尔佳: Tô Hoàn Hà Đạt Nhĩ Giai -tiếng Trung là Wenxiang [文祥: Văn Tường]).23 Dịch Hân / Cung kêu gọi cơ quan mới được đặt tên là ‘phòng quản lí ngoại quốc vụ’ nhưng ông phải đối mặt với sự phản đối liên tục từ các thư lại bảo thủ trong triều đình, vốn không chấp nhận thực tế mới. Họ muốn hạ thấp tầm quan trọng của cơ quan mới và ra lệnh gọi nó là ‘phòng quản lí ngoại thương vụ' - có nghĩa là phủ nhận vai trò ngoại giao của nó. Cung thân vương đã vận động để thay đổi điều này nhưng chỉ thành công một nửa. Do đó, phòng này thường được biết đến với cái tên nghe có vẻ nhạt nhẽo là ‘phòng Quản lí Tổng hợp’, hoặc, theo tiếng Trung là Tổng lí Nha môn. Sự thiếu ăn khớp về kì vọng là rõ ràng, vì các nhà ngoại giao Anh có liên hệ với Nha môn ngay lập tức gọi nó là’ phòng Ngoại giao'. Nhà Thanh quyết tâm ‘xát muối vào vết thương’ để làm cho người Anh cảm thấy mình thấp kém hơn. Phòng này nằm ở một khu phố phía sau xa triều đình - trong văn phòng cũ của 'Sở đúc tiền' ở Đông đường tử Hồ đồng. Những khách nước ngoài đầu tiên của Nha môn sẽ mô tả nó là 'nhỏ, bất tiện' và 'bẩn thỉu, kém vui và cằn cỗi'.24 Khách hiện đại vào địa điểm đầy đau buồn này có thể vẫn sẽ đồng ý như vậy.

Cung thân vương, Văn Tường và Quế Lương hi vọng có thể ngăn chặn mối đe dọa từ châu Âu qua việc biến Tổng lí Nha môn thành kênh duy nhất mà các chính phủ nước ngoài có thể giao tiếp với triều đình. Tuy nhiên, không chỉ những yêu cầu ngoại giao được chuyển qua Tổng lí Nha môn. Văn phòng này cũng trở thành một cánh cổng mà qua đó giới thượng lưu thời cuối nhà Thanh gặp gỡ thế giới rộng lớn hơn. Một trong những hoạt động đầu tiên của mình, Tổng lí Nha môn đã mở trường cao đẳng Tongwen Guan (同文館: Đồng Văn quán) cho các thông ngôn vào năm 1862. Trường đã thuê các giáo viên nước ngoài và sau đó bắt đầu dịch sách và ý tưởng sang tiếng Trung. Trong số đó có những luận thuyết về cái mà người phương Tây gọi là 'luật quốc tế'. Khái niệm này hoàn toàn xa lạ với ba người Mãn trên vốn đã gặp nó ở phía họng của súng đại bác Anh-Pháp vào năm 1860, nhưng họ nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của nó đối với những kẻ tấn công của họ. Họ muốn biết thêm về nó.

Khi hoàng đế Hàm Phong qua đời vào tháng 8 năm 1861, Cung thân vương đã góp phần tổ chức một cuộc đảo chính, trên thực tế, trao quyền lực cho vợ của Hàm Phong, Thái hậu Từ Hi. Con trai của bà, khi đó mới 5 tuổi, chính thức trở thành hoàng đế Tongzhi (同治: Đồng Trị) nhưng chắc chắn không là người thực sự nắm quyền. Thái hậu Từ Hi đã cai trị sau hậu trường, như bà sẽ làm trong nửa thế kỉ tiếp theo. Thành công của Cung đã đưa phe cải cách của ông lên vị trí quyền lực trước triều đình nhưng phe bảo thủ lại có sức mạnh về chiều sâu. Có những đội quân gồm các thư lại ở vị trí quyền lực trên khắp đất nước, tất cả đều phụ thuộc vào việc họ tiếp tục độc quyền giảng dạy kinh sách cổ điển để có thu nhập và ảnh hưởng.

Trong khi tất cả những điều này đang diễn ra ở Bắc Kinh, thì một cuộc đấu tranh đẫm máu hơn đã đạt đến đoạn kết xung quanh Thượng Hải. Không ai có thể thống kê số người chết do cuộc nội chiến Thái Bình nhưng những dự phỏng tốt nhất là ít nhất 20 triệu - con số này nhiều hơn hàng nghìn lần so với số người chết trong hai cuộc Chiến tranh Thuốc phiện. Không thể tự cung cấp hậu thuẫn quân sự đầy đủ, triều đình nhà Thanh ở Bắc Kinh đã ủy quyền cho các lãnh đạo cấp tỉnh như Tăng Quốc Phiên thành lập các đội quân của riêng họ để chống lại quân phiến loạn. Phiên và các đồng nghiệp của mình đã sử dụng các chức vụ chính thức và mạng lưới không chính thức của họ để thu thập tiền gây quỹ và trang bị cho các đơn vị quân đội. Những đội quân cấp tỉnh mới này đã giành được một số chiến thắng nhưng họ không thể ngăn chặn được quân Thái Bình. Khi quân phiến loạn tiến về cảng Thượng Hải, giới tinh hoa của thành phố hoảng loạn tìm đến người nước ngoài để được giúp đỡ. Ngoài 3 000 quân Anh, Ấn và Pháp đang đóng trong thành phố theo hệ thống cảng của hiệp ước, họ đã tuyển mộ thêm 3 000 người TQ dưới sự chỉ huy của lính đánh thuê nước ngoài để thành lập cái gọi là ‘Thường Thắng quân’. Sau đó, vào cuối năm 1861, Phiên ra lệnh cho Lí Hồng Chương tuyển mộ một đội quân mới từ tỉnh Anhwei (nay là An Huy) quê hương ông và tiến về Thượng Hải.25

Tháng 4 năm 1862, thế giới của Chương đã thay đổi. Ông và 'đội quân An Huy' của mình lên một đội tàu hơi nước nhỏ của Anh do các thương nhân ở Thượng Hải thuê tiến về thành phố. Ở đó, lần đầu tiên ông bắt gặp sự hiện đại hóa của phương Tây. Chương chứng kiến ​​vũ khí và kỉ luật quân sự của châu Âu đã tiêu diệt quân nổi dậy. Qua nhật kí và thư từ của ông chúng ta biết rằng ông gần như ngay lập tức quyết tâm mang sức mạnh loại đó về cho xã hội của mình. Nhưng ông vẫn là một 'thư lại' tận xương tuỷ: ông không quan tâm đến việc trở nên ‘Tây'. Ngày 23 tháng 4 năm 1862, ông viết thư để nói với Phiên rằng ông sẽ giữ cho quân của mình tách biệt với quân châu Âu và cố gắng tự cường, không trộn lẫn với người nước ngoài.

Chương có lẽ đã học được cụm từ ‘tự cường’ từ chính Phiên. Năm trước Phiên đã được một thư lại có tư tưởng cải cách chuyển sang chỉ huy quân đội tên là Feng Guifen (馮桂芬: Phùng Quế Phân) thuyết phục. Phân rất đau khổ trước nỗi sỉ nhục của đất nước mình dưới tay người nước ngoài và đã viết một bộ sưu tập các bài luận, trong đó ông lập luận, 'Chúng ta chỉ có một điều để học hỏi từ bọn man di: tàu dầy và súng tốt.’26 Đây là những ý tưởng sẽ định hướng cho cái được gọi là 'phong trào tự cường’ do Phân, Phiên và Chương đi tiên phong - học các kĩ thuật của người nước ngoài trong khi vẫn tránh xa ý tưởng của họ.

Hai ngày sau khi viết bức thư đó cho Phiên, Chương được bổ nhiệm làm quyền tổng đốc tỉnh Giang Tô, bao gồm cả Thượng Hải. Đến tháng 8 năm 1862, ông hoảng hốt khi phát hiện ra rằng các thương nhân TQ trong khu vực cảng hiệp ước của thành phố thích được người nước ngoài cai trị hơn là chính phủ của họ. Trong một lá thư gửi cho một nhà tự cường hàng đầu khác, Zuo Zongtang (左宗棠: Tả Tông Đường hay được biết đến với cái tên Tướng Tả, nổi tiếng về gà), ông viết: ‘Lòng của quan và dân đã đi theo người nước ngoài từ lâu rồi.’ 27 việc Chương phẫn nộ đối với quyền lực của người nước ngoài, và mong muốn làm chủ các công cụ của quyền lực đó, chỉ tăng lên trong thời gian cần đè bẹp loạn Thái Bình hai năm sau đó.

Tháng 3 năm 1863 Chương được bổ nhiệm làm quyền ủy viên giao thương các cảng phía nam. Đây là công việc mà triều đình đã tạo ra cùng lúc với Tổng lí Nha môn, và chức năng của nó cũng tương tự: quản lí người nước ngoài. Hai ủy viên thương mại, một cho các cảng hiệp ước phía nam và một cho phía bắc, được kì vọng là ‘người đối phó bọn man di' của triều đình, kiểm soát các đặc quyền miễn cưỡng thừa nhận dưới vũ khí của phương Tây. Chương trở nên thuyết phục rằng, dù tuyên bố chỉ quan tâm về thương mại, những người nước ngoài lại quyết tâm chiếm thêm lãnh thổ. Cuối năm đó, ông cảnh báo một người bạn, 'rắc rối tầm xa là người phương Tây. Dù vĩ đại như Hoa Hạ, thì cũng đã quá yếu và đi đến chỗ tắc nghẽn này.'28

Nhưng Chương cũng bực bội vì thái độ của các đồng liêu. Mùa xuân năm 1864, ông đã viết thư trực tiếp cho Tổng lí Nha môn, phàn nàn rằng các thư lại đồng liêu của ông đã 'đắm chìm trong việc luyện tập viết luận và viết thư pháp bằng chữ nhỏ và chữ thường' thay vì giải quyết các vấn đề thực tế hiện tại  Triều đình cần đi đầu trong việc ra lệnh cho họ nghiên cứu công nghệ mới. Theo ý tưởng của Phùng Quế Phân, ông nói với họ ưu tiên là 'học phương pháp của người phương Tây mà không cần phải luôn sử dụng người của họ.’ Cung thân vương đồng cảm chuyển thư lên vua nhưng không có hành động gì được thực hiện.

Vài tháng sau, vào ngày 19 tháng 7 năm 1864, thủ đô Nam Kinh của quân nổi dậy Thái Bình cuối cùng đã rơi vào tay đội  quân tỉnh của Phiên. Đó là một trận đánh cực kì tàn khốc. Đội quân được trả lương thấp của Phiên đã được thả lỏng. Khoảng 100 000 người có thể đã bị giết, hầu hết là sau khi đầu hàng. Trẻ em và người già bị tàn sát, phụ nữ bị lấy làm chiến lợi phẩm, thành phố bị cướp phá và toàn bộ các khu phố bị sang bằng.29. TTheo cách nhìn của Phiên, cần có chút thông cảm đối với những người đã đảo lộn nhiều thế kỉ hành xử đúng theo kiểu Nho giáo.

Khi mối đe dọa Thái Bình biến mất, chính quyền trung ương cuối cùng có thể chuyển sang vấn đề xây dựng lại một xã hội tan tác và giải quyết thách thức mà người phương Tây đặt ra. Ba thập kỉ, từ năm 1864 cho đến cuộc chiến tranh với Nhật Bản vào năm 1894, sẽ là kỉ nguyên tự cường. Một lực lượng ưu tú đang hiện đại hóa, bao gồm những người như Phiên, Chương, Phân và những người ủng hộ họ ở kinh đô, sẽ làm việc với người nước ngoài để tạo ra các cửa hàng máy móc, một hải quân hiện đại và một quân đội chuyên nghiệp mà họ đã đầu tư nhiều hi vọng và uy tín vào. Tất cả sẽ bị tiêu tan.

Những người tự cường đã giành thế chủ động sau Chiến tranh nha phiến lần hai, cuộc đảo chính năm 1861 và thành công chống loạn Thái Bình nhưng tại Bắc Kinh, họ vấp phải sự phản đối thâm căn cố đế. Việc thành lập Tổng lí Nha môn và trường Đồng Văn quán, đã được phê duyệt một cách miễn cưỡng nhưng các cơ sở này hầu như không hoạt động. Trường cao đẳng được thiết kế để dạy một thế hệ thông ngôn có thể giao tiếp với người Anh và người Pháp. Các nhà tài trợ nhà Thanh ban đầu muốn giữ khoảng cách với người phương Tây nhưng sau một vài tháng, họ đã đi đến kết luận rằng, ‘vì không có người TQ nào có kiến ​​thức về ngoại ngữ ... chúng ta không thể tránh khỏi việc tìm kiếm những người phù hợp trong số những người nước ngoài.’30 (Cần lưu ý rằng 'nước ngoài' ở đây có nghĩa là 'châu Âu', vì nhà Thanh đã có người phiên dịch cho các ngôn ngữ khác nhau được nói trong đại quốc của họ.)

Hai giáo viên ngôn ngữ đầu tiên được trường thuê là các nhà truyền giáo người Anh, những người quan tâm đến việc thành lập một trường truyền giáo để giảng đạo Cơ đốc ở Bắc Kinh hơn là đào tạo các thông dịch viên chính thức. Cả hai đều đã học tiếng Trung ở các vùng khác của nước này, không ai nói được tiếng phổ thông và cả hai đều từ chức sau một năm. Chất lượng của học sinh khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nhìn chung, họ là những ứng viên kém hứa hẹn nhất, vì những người có tham vọng hơn muốn tập trung vào việc học kinh sách truyền thống để thăng tiến qua bộ máy quan lại của nhà Thanh.31

Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi tổng thanh tra mới của Sở Hải quan Đế quốc TQ, Robert Hart, bắt đầu quan tâm. Ông phụ trách tổ chức chuyển tiền từ thuế nhập khẩu cho Tổng lí Nha môn - một phần để trả cho Anh và Pháp 'bồi thường’ cho cuộc chiến tranh gần đây, một phần để chi trả cho các chi phí của triều đình. Dù là một phần của bộ máy hành chính nhà Thanh, nhưng Sở Hải quan thực sự do người nước ngoài - người Anh, người Pháp, người Mĩ và người Phổ - quản lí và tạo ra thu nhập đáng kể. Hart, do đó, có ngân sách cũng như động cơ để cải thiện chất lượng của các quan chức mà ông đang giao dịch. Phong cách cá nhân của ông dường như cực kì phù hợp với công việc và người đàn ông Bắc Ireland này đã xây dựng một mối quan hệ dễ dàng với các đối tác trong Tổng lí Nha môn.

Ngay từ đầu, Hart đã quyết định rằng các quan chức nhà Thanh cần biết thêm về luật pháp quốc tế của phương Tây. Theo nhật kí của ông, vào ngày 15 tháng 7 năm 1863, ông bắt đầu dịch luận thuyết bằng tiếng Anh đầu tiên về chủ đề: 'Các yếu tố của Luật Quốc tế' (Elements of International Law) của luật sư và nhà ngoại giao người Mĩ Henry Wheaton. Cuối tháng đó, ông đã trình bày một vài phần cho Tổng lí Nha môn . Họ quan tâm đến quyền của các phái đoàn ngoại giao ở các thủ đô nước ngoài - có lẽ là vấn đề cấp bách nhất vào lúc đó đối với các cường quốc phương Tây. Nhà sử học Richard J. Smith đã xem xét nhật kí của Hart và phát hiện ra rằng trong suốt mùa hè năm 1863, ông tiếp tục dịch các phần của Wheaton và giao chúng cho Nha môn.32 Lúc này, Cung thân vương, theo lời kể của chính ông, đã có  ấn tượng rằng người nước ngoài có thể muốn giữ bí mật văn bản quý giá đó của họ. Tuy nhiên, Hart lại rất muốn chia sẻ nó.

Ông không phải là người duy nhất. Năm đó, Pháp đã bắt đầu tiến vào nơi mà Bắc Kinh coi là một trong những nước chư hầu của họ: An Nam (Việt Nam ngày nay). Ngày 14 tháng 4 năm 1863, quân Pháp buộc hoàng đế Việt Nam kí Hiệp ước Huế đầu tiên, nhượng một phần đất nước cho Pháp. Điều này đã thúc đẩy Tổng lí Nha môn tìm hiểu hướng dẫn cho loại hiệp ước này với Anson Burlingame, Bộ trưởng Mĩ tại Bắc Kinh. Theo nhà sử học ngôn ngữ học người Mĩ Lydia Liu, Burlingame đã khuyến nghị đọc Wheaton. Ông phát hiện ra rằng một nhà truyền giáo người Mĩ, William A. P. Martin, cũng đang thực hiện bản dịch với sự trợ giúp  của bốn tín đồ Cơ đốc giáo người TQ.33 Martin vốn đã rất nổi tiếng với các nhà ngoại giao Mĩ: ông là người phiên dịch cho phái đoàn Hoa Kì tại các cuộc đàm phán về Hiệp ước Thiên Tân năm 1858. Trên thực tế, bản sao cuốn sách Wheaton của Martin đã được đại biểu Mĩ ở đó là William B. Reed trao cho ông. Qua lời kể của mình, Martin coi việc dịch luật quốc tế như một phần mở rộng sứ mạng truyền giáo của mình, 'một công việc có thể đưa chính phủ vô thần này đến việc công nhận của Thiên Chúa và công lí vĩnh cửu của Ngài ', như ông đã nói sau này.34

Martin phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn thông thường trong dịch thuật ngôn ngữ. Trên thực tế, ông đã cố gắng làm cho một thế giới quan có thể hiểu được đối với mọi người từ một thế giới quan hoàn toàn khác. Ông phải tạo ra những từ mới để thu hẹp khoảng cách. ‘Những từ và cách diễn đạt này có vẻ kì quặc và cồng kềnh,’ ông viết trong lời tựa cho một cuốn sách sau này, ... [nhưng] chúng ta sẽ nhận ra rằng các dịch giả đã thực sự thực hiện điều tốt nhất có được.' 35 Chính Martin là người đưa ra ý tưởng về 'chủ quyền' cho các quan chức nhà Thanh nhưng ông phải làm như vậy bằng cách dùng lại một từ cũ với một nghĩa khác. Qua cách dịch của Martin, từ tiếng Trung có nghĩa là 'chủ quyền' đã trở thành zhuquan (主權). Từ này có nguồn gốc cổ xưa - nó xuất hiện trong Guanzi (管子: Quản tử), một quyển sách thế kỉ 7 trước CN - nhưng trong đó nó có một nghĩa khác. Như William Callahan đã lưu ý, hồi đó zhu (chủ) không có nghĩa là nhà nước mà là ‘người cai trị’, ‘chủ nhân 'hay thậm chí là ‘chủ sở hữu'. Martin chọn chữ quan (quyền) có nghĩa là 'quyền' nhưng về mặt lịch sử nó có nghĩa là 'quyền lực', với ngụ ý rằng quyền lực này có thể là độc đoán hoặc có tính cơ hội. Do đó, nghĩa đen của chủ quyền có thể vừa là ‘quyền lực hợp pháp của nhà nước’, vừa là ‘quyền lực độc đoán của người cai trị'. Trong Quản tử từ này được sử dụng trong bối cảnh của một cảnh báo: 'Nếu thực thi quá nhiều chủ quyền , thì sẽ thất bại.’36 Sự tương đương qua chế tạo này giữa các khái niệm phương Tây về ‘chủ quyền’ và các ý nghĩa khác nhau được thể hiện trong chủ quyền của TQ giúp giải thích một số ‘quan điểm chính thống về chủ quyền’ đương đại của TQ? Nếu người TQ hiện đại sử dụng từ này với hàm ý chỉ ‘quyền lực của người cai trị ', thì chủ quyền chỉ có thể là tuyệt đối chứ không thể tương đối. Người cai trị nào lại muốn quyền lực của họ giảm đi? Từ sự khác biệt đó xuất hiện một khuôn khổ quan hệ quốc tế khác: 'cộng đồng có chung vận mệnh'.

Tháng 10 năm 1863, sau nhiều tháng vật lộn với những khó khăn trong việc dịch thế giới quan này sang thế giới quan khác, Martin cuối cùng đã đến trình bày thành quả hoàn thành cho văn phòng 'nhỏ, thiếu tiện nghi' của Tổng lí Nha môn ở Đông đường tử Hồ đồng. Martin là bạn của Hart và việc giới thiệu tại Nha môn thật dễ dàng. Ở đó, họ đã trao bốn tập sách của Wheaton đã dịch cho Cung, Văn Tường và các đồng liêu của họ.

Cung chắc chắn quan tâm đến công trình của Wheaton nhưng những người bảo thủ trong triều đình thì không. Bản dịch có thể không khi nào được xuất bản cả nếu nó không bàn về Câu hỏi Schleswig-Holstein (câu hỏi về địa vị của 2 tỉnh Schleswig và Holstein  đối với Đan Mạch, Phổ và Áo - ND). Mùa xuân năm 1864, xung đột giữa Đan Mạch và Phổ về quyền sở hữu hai tỉnh Bắc Âu này đã lan đến cảng Thiên Tân. Đại sứ mới của Phổ đến đó trên một chiếc tàu chiến và nhanh chóng bắt giữ ba tàu buôn Đan Mạch. Cung sử dụng kiến ​​thức mới có được trong sách của Wheaton để lập luận rằng một hành động như vậy bên trong lãnh hải của quốc gia khác là bất hợp pháp. Ông đã rất ấn tượng khi thấy người Phổ thừa nhận điều này, thả các con tàu và thậm chí bồi thường cho người Đan Mạch.37 Sau sự việc đó, ngày 30 tháng 8 năm 1864, Cung đã viết một bản ghi nhớ cho triều đình, cho rằng điều đó cho thấy công dụng của cuốn sách bí ẩn này và nhận định rằng nó có chứa 'luật lệ có thể kiểm soát các lãnh sự nước ngoài ở một mức độ đáng kể, và đây chắc chắn là một điều hữu ích'.

Nhưng mặc dù Cung quan tâm đến việc sử dụng cuốn sách của Wheaton như một công cụ để quản lí người nước ngoài, ông không thấy lí do gì để nó chi phối hành vi của triều đình mình. Trong một bức thư, ông đảm bảo với hoàng đế rằng những lập luận của Wheaton sẽ không ảnh hưởng gì đến đại quốc. Ông giải thích: 'Các thượng thư của bệ hạ đã ngăn cản cố gắng [của Martin] kêu gọi chúng ta làm theo cuốn sách qua việc nói với ông ấy rằng TQ có luật pháp và thể chế riêng và việc làm theo các cuốn sách nước ngoài là điều bất tiện.’ Cung sau đó kết thúc nhận xét của mình với việc báo cho triều đình rằng ông đã phê duyệt ngân sách 500 lượng bạc để biên tập và xuất bản tác phẩm của Martin.38 Martin đã đề nghị Cung viết lời tựa cho bản dịch nhưng ông từ chối. Có vẻ Cung không muốn bị gắn kết công khai với những tư tưởng ngoại lai. Tổng lí Nha môn thậm chí không xuất bản cuốn sách. Như nhà Hán học Thụy Điển Rune Svarverud ghi nhận, việc đó đã được thực hiện vào năm 1864, thông qua một nhà xuất bản trực thuộc một trường truyền giáo do chính Martin thành lập ở Bắc Kinh.39.

Năm sau, Martin được bổ nhiệm làm giáo viên tiếng Anh tại Đồng Văn quán và năm 1867, ông được bổ nhiệm làm giáo sư luật quốc tế ở đó. Chính từ thời kì này trở đi, trường thông ngôn đã trở thành một cỗ máy biến đổi trí tuệ trong các bộ phận dễ tiếp thu của giới thượng lưu nhà Thanh. Tuy nhiên, họ chiếm rất nhiều trong thiểu số đó. Có sự phản kháng quyết liệt đối với những nỗ lực của Cung, và của những người tự cường khác, từ trong hàng ngũ thư lại.

Người bảo thủ chính là nhân vật lỗi lạc Wo Ren (倭仁: Oa Nhân, đôi khi được viết là Wojen). Oa Nhân là một người tộc Mông Cổ đã vượt qua chế độ thi cử nắm giữ đồng thời một số chức vụ quan trọng nhất của đại quốc. Oa Nhân đã xây dựng hình ảnh công chúng như một người ngay thẳng và ngoan cường, luôn khuyến khích việc tuân thủ nghiêm ngặt các kinh sách Nho giáo. Một câu chuyện châm biếm kể rằng ông thành lập 'Hội ăn cám’ để tránh khoái cảm ăn bột mì trắng. Nhưng chức vụ cao cũng mang lại bổng lộc cao và có tin đồn rằng Oa Nhân là một kẻ đạo đức từng lén thưởng thức những món ăn ngon và thậm chí hút thuốc phiện. Ông bị hoàng đế Hàm Phong giữ khoảng cách - hoàng đế thậm chí đã phái Oa Nhân đến Turkestan xa xôi trong một thời gian. Tuy nhiên, sau khi hoàng đế mất vào năm 1861 và cuộc đảo chính sau đó của Từ Hi, ông đã nhanh chóng giành được nhiều vị trí cao. Đến năm 1866, ông không chỉ là đại thư kí, giám sát Hội đồng thu nhập, mà còn là chủ tịch Hội đồng Thẩm sát, chủ tịch Hội đồng Công trình, viện trưởng viện Hàn lâm và là thầy dạy riêng cho con hoàng đế.40

Cuộc xung đột giữa Cung và Oa Nhân kết tụ vào tháng 3 năm 1867 về việc liệu quan lại cấp dưới và các học giả tại viện Hàn lâm có nên được khuyến khích nghiên cứu các môn học mới như toán học và thiên văn học tại Đồng Văn quán hay không. Oa Nhân phản đối với lí do 'nhu cầu cơ bản của quốc gia là đạo đức của người dân chứ không phải kĩ năng kĩ thuật'.41 Ông cũng cho rằng trường thông ngôn không nên sử dụng người nước ngoài: tính toàn vẹn của Nho giáo vẫn phải giữ tối cao. Vua bác bỏ những lập luận của Oa Nhân và để tỏ rõ sự không hài lòng, đã bổ nhiệm Oa Nhân vào hội đồng quản trị Tổng lí Nha môn để ông có thể tìm hiểu thêm về các vấn đề đối ngoại. Ông cầu xin được tha lỗi, nói rằng bản chất ông là một người bảo thủ và chưa sẵn sàng cho vai trò mới. Ông viện sức khỏe yếu và sau đó, vào ngày ông sắp nhận chức, dường như đã ngã ngựa, bị thương ở chân. Sau đó Oa Nhân từ chức tất cả các vị trí chính thức ngoại trừ thầy dạy cho vị hoàng đế trẻ tuổi và biến mất khỏi cuộc sống công.

Tuy nhiên, sự hi sinh của Oa Nhân đã mang lại một chiến thắng đáng kể cho 'những người theo thuyết tân Nho giáo'. Như nhà sử học sinh ra tại Hồng Kông David Pong nhận xét, Thái hậu Từ Hi có thể đã ủng hộ Cung chống lại Oa Nhân cũng như Tổng lí Nha môn chống lại những người chỉ trích bảo thủ nhưng bà không sẵn sàng thách thức trực tiếp các thư lại. Ý tưởng yêu cầu các quan chức học ở Đồng Văn quán chết đi trong im lặng. Tổng lí Nha môn về sau báo cáo rằng, ‘từ khi Oa Nhân đưa ra phản đối, các thư lại đã tập hợp thành nhiều nhóm và âm mưu cản trở [Đồng Văn quán]. ... Kết quả là không ai đến dự thi vào Nha môn.' Triều đình đã chọn ủng hộ sự chính thống của Nho giáo và chống lại việc học hỏi về thế giới rộng lớn hơn. Mặc dù những lập luận này xoay quanh việc nghiên cứu về 'các vấn đề phương Tây' - xi yang wu (西洋務: tây dương vụ)- chúng cũng ngầm bác bỏ bất kì động thái nào nhằm thay đổi thế giới quan cơ bản của triều đình. Người nước ngoài có thể đã thâm nhập được vào vương quốc Thanh và rút tỉa nhiều nhượng bộ về thương mại nhưng cách nhìn thế giới của họ vẫn giữ khoảng cách: được quản lí thông qua Tổng lí Nha môn.

Điều này được xác nhận bởi chính thư từ của triều đình. Các hiệp ước được kí kết tại Thiên Tân năm 1858 có các điều khoản cho phép một trong hai bên yêu cầu sửa đổi sau 10 năm. Khi ngày đó đến gần vào cuối năm 1867, Dịch Hân / Cung là tác giả của một chỉ dụ của triều đình gửi các quan tỉnh cao cấp nhất trong nước từng có một số kinh nghiệm giao dịch với người nước ngoài. Ông muốn họ cho lời khuyên: họ nghĩ người nước ngoài sẽ đòi hỏi điều gì và triều đình nên đáp ứng như thế nào? Mười bảy quan chức đã trả lời, trong đó có Lí Hồng Chương, Tăng Quốc Phiên  và Tả Tông Đường. Cuộc trao đổi bí mật này cho chúng ta biết rất nhiều điều về quan điểm của triều đình về thế giới. Điều đáng chú ý nhất là các quan chức này ít hiểu biết về những thay đổi diễn ra xung quanh họ đến mức nào. Cơ sở cốt yếu của thế giới quan đế quốc vẫn giữ nguyên: nhà Thanh là trung quốc, trung tâm của thế giới, và vẫn vượt trội về văn hóa và đạo đức so với bọn người man di. Trong nhận định chua chát của nhà sử học người Mĩ về TQ, Knight Biggerstaff, nêu 'Một kẻ bị đánh gục vì sự thiếu hiểu biết và mù quáng của mình.’ Chỉ có Chương, Phiên và Đường mới chứng tỏ được sự hiểu biết thực sự về những vấn đề nghiêm trọng mà đất nước của họ phải đối mặt khi đối phó với những cường quốc phương Tây hung hãn này.’42 Nhưng họ có thể làm cách nào? Theo lời của nhà sử học Canada John Cranmer-Byng, 'TQ đang bị hoàn cảnh và sự yếu kém của chính mình buộc vào một hệ thống quốc tế mà người TQ không tin vì theo quan điểm của họ, hệ thống này không biện minh được về mặt đạo đức.’43

Như thực tế cho thấy, những người phương Tây hiếu chiến không yêu cầu bất kì sửa đổi nào cho các hiệp ước 1858. Nhìn chung, thập kỉ 1860 là thời kì hợp tác giữa các cường quốc phương Tây với nhà Thanh. Người châu Âu và người Mĩ đã được hưởng quyền giao dịch có được qua cưỡng bức và những người tự cường đang cố gắng xây dựng lại hệ thống phòng thủ của đại quốc bị tàn phá bởi chiến tranh bằng công nghệ của người nước ngoài. Các cảng hiệp ước là đầu cầu nhỏ của của sự hiện đại, nhưng các 'nhà tân Nho học' đang duy trì lập trường đang có ở mọi nơi khác. Hai thế giới quan tồn tại song song với nhau.

Sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài tại các cảng của hiệp ước (cùng với sự ổn định chính trị trở lại ở Mĩ Latinh) đã có một tác động khác. Từ khoảng năm 1853 đồng tiền bạc Mexico đáng tin cậy bắt đầu tràn vào nền kinh tế nhà Thanh một lần nữa. Các vấn đề kinh tế của việc chuyển đổi giữa đồng tiền đồng và bạc bắt đầu giảm bớt. Đồng thời, mọi người đã đào lấy số bạc tiết kiệm được mà họ đã tích trữ và chôn giấu trong thời loạn Thái Bình lên. Khi nguồn cung peso tiếp tục trở lại, nền kinh tế phục hồi. Và khi nguồn bạc trở nên nhiều hơn, thương nhân phương Tây đã bỏ việc buôn bán thuốc phiện. Thay vào đó, nguồn cung cấp thuốc tự trồng trong nước tăng vọt. Vào cuối những năm 1860, thuốc phiện trồng trong nước nhiều hơn cây nhập khẩu.44.

Những năm tháng miễn cưỡng chung sống không kéo dài quá thập kỉ đó. Ngày 21 tháng 6 năm 1870 tin đồn về việc các trại trẻ mồ côi Công giáo bắt cóc trẻ em, kết hợp với phản ứng quá nóng vội của một lãnh sự Pháp, đã dẫn đến Thảm sát Thiên Tân, trong vụ này có khoảng 60 tín đồ Cơ đốc giáo, cả TQ lẫn ngoại quốc, bị giết. Người châu Âu đòi bồi thường. Khi các tàu chiến của Pháp đến gần thành phố, triều đình đã giao cho Lí Hồng Chương nhiệm vụ giải quyết khủng hoảng. Ông được bổ nhiệm làm Tổng đốc Trực Lệ, tỉnh có chứa Thiên Tân. Một số kẻ bị cáo buộc gây bạo loạn đã bị hành quyết, một đoàn sứ đi xin lỗi đã được phái đến Pháp và sự cuồng loạn đã giảm bớt. Trong vòng ba tháng sau khi đảm nhận vai trò ở Trực Lệ, Chương cũng được bổ nhiệm làm giám sát các cảng phía Bắc và được thăng chức lên "ủy viên hoàng gia", hay qinchai (欽差: khâm sai).45

Điều này khiến Chương trở thành một trong những vị quan quyền lực nhất đất nước. Cùng với Thiên Tân, Trực Lệ bao gồm tất cả các vùng đất xung quanh Bắc Kinh, và với tư cách là người giám sát các cảng phía Bắc, Chương chịu trách nhiệm về mọi giao dịch với người nước ngoài tại các cảng hiệp ước phía bắc Thượng Hải. Trong một phần tư thế kỉ tiếp theo, nếu là người phương Tây và muốn đến Bắc Kinh, dù về địa lí hay chính trị thì đều phải đi qua lãnh thổ của Chương. Và một người phương Tây đã vượt qua được rồi có ảnh hưởng sâu sắc đến cả Chương và thông qua Chương, đến các quan hệ của TQ với thế giới rộng lớn hơn.

William N. Pethick đã chiến đấu trong giai đoạn cuối của Nội chiến Hoa Kì. Cùng thời điểm Thái Bình bị đánh bại ở Nam Kinh năm 1864, anh gia nhập Đội kị binh New York thứ 25 làm binh nhì. Anh đã chiến đấu qua Thung lũng Shenandoah dưới quyền của Tướng Sheridan cho đến khi trung đoàn của anh được giải thể vào tháng 6 năm 1865. Anh hẳn đã tìm kiếm một cuộc phiêu lưu xa hơn, cuối năm đó, ở tuổi 19, anh khởi hành đi đến TQ. Một tường thuật nói rằng anh đã nhận được thư giới thiệu của Tổng thống Lincoln với 'đại sứ' Mĩ tại Bắc Kinh, Anson Burlingame.46 Một tường thuật khác cho biết Pethick ban đầu làm việc cho một nhà kinh doanh của Anh. Dù điều nào đúng, Pethick sau đó đã đi du lịch. Ông đi lang thang trong hai năm, trải qua hàng ngàn dặm đường, học nhiều tiếng Trung địa phương và đắm mình trong nền văn hóa địa phương. Khi trở về Bắc Kinh, Chương dường như đã yêu cầu một cuộc gặp với Pethick.47

Hai người sẽ vẫn là bạn bè cho đến khi họ qua đời, cách nhau vài ngày, vào năm 1901. Năm 1872 Pethick được bổ nhiệm làm lãnh sự Mĩ tại Thiên Tân và cũng khoảng thời gian đó, ông cũng là một trong những nhân viên riêng của Chương.48 Đến tháng 11 năm 1874 Robert Hart của Sở Hải quan đã mô tả ông là ‘một trong những nhân viên hữu ích và đáng tin cậy nhất của Chương '. 49. Vai trò kép này khiến ông trở thành trung gian lí tưởng giữa Hoa Kì và Chương, và triều đình nhà Thanh thông qua Chương. Trong khi phần lớn thời gian của ông dành cho việc giải quyết các cơ hội thương mại và tranh chấp thương mại, Pethick cũng nhận thấy mình là trung tâm của các quan hệ đối ngoại của TQ. Thông qua Pethick, Chương lôi kéo Hoa Kì vào bốn cuộc khủng hoảng quốc tế trong 20 năm sau đó. Mỗi can thiệp của Mĩ sẽ loại bỏ dần vị trí của nhà Thanh ở trung tâm của thiên hạ và buộc nó phải chấp nhận, ít nhất là trong hình thức bề ngoài, các quy tắc về chủ quyền và luật pháp quốc tế phương Tây. Đây không phải là một chiến lược có chủ đích đối với cá nhân Pethick hay Washington nói chung, nó chỉ đơn giản là hệ quả của cách người Mĩ nhìn thế giới.

Vào những năm 1870, Chương, với tư cách vừa là một nhà Nho vừa là một quan chức nhà Thanh, đã chấp nhận như là thế giới quan tự nhiên xem hoàng đế ở Bắc Kinh là trung tâm của trật tự khu vực với quyền lực đối với quan lại, thần dân và các nước triều cống tỏa ra xa về mọi hướng. Trên lí thuyết, 6 quốc gia vẫn thường xuyên triều cống cho ông: An Nam (Việt Nam), Choson (Triều Tiên), Nam Chưởng (Lào), Lưu Cầu (quần đảo Ryukyu), Xiêm La (Thái Lan) và Miến Điện (Myanmar). Một số nước khác cũng triều cống nhưng ít thường xuyên hơn (đoàn sứ triều cống cuối cùng của Nepal đến vào cuối năm 1908). Tuy nhiên, các quan hệ đã suy yếu trong một thời gian nào đó  do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và sau đó là chính trị của nhà Thanh. Tuy nhiên, 'hệ thống triều cống’, hay đúng hơn là ý tưởng về thiên hạ mà nó dựa vào, vẫn là hệ tư tưởng chính thức của nhà nước. Nó củng cố quyền cai trị của hoàng đế. Ngay cả đoàn sứ Macartney bất hạnh năm 1793 đã được quản lí triều đình ghi nhận là ‘đoàn triều cống’ của Anh, mặc dù điều đó mâu thuẫn với toàn bộ quan điểm của chuyến đi.50 Theo lời của John Cranmer-Byng, ‘Sự phá vỡ hệ thống thế giới truyền thống của TQ diễn ra nhanh hơn sự xói mòn của các giả định mà chính  trật tự đó dựa vào.'51 Giới tinh hoa nhà Thanh đơn giản là không thể hiểu được điều gì đang xảy ra.

Thế giới của họ dù sao cũng đang trượt đi. Trong loạn Thái Bình, Xiêm La và Lào đơn giản là đã ngừng gửi cống: các đoàn sứ cuối cùng của mỗi nước được tiếp vào năm 1853. Thương nhân TQ và Đông Nam Á nhận thấy rằng họ có thể kiếm nhiều tiền hơn qua việc chỉ đơn thuần buôn bán qua lại giữa Đông Nam Á và các cảng hiệp ước mới. Năm 1862, ngay khi cuộc nổi dậy Thái Bình bị dập tắt, chính quyền nhà Thanh đã cố gắng khôi phục lại mối quan hệ cũ. Tổng đốc Quảng Đông kiến ​​nghị chính phủ Xiêm nối lại các đoàn sứ triều cống. Yêu cầu đã bị lờ đi.52 Xiêm đã rời khỏi hệ thống triều cống.53 Lào cũng ra đi.

Nước kế tiếp sụp đổ là vương quốc Lưu Cầu (Ryukyu). Tháng 3 năm 1879, Nhật Bản sáp nhập Ryukyu, chuỗi đảo trải dài giữa Nhật Bản và Đài Loan. Giới thượng lưu Ryukyu rất tức giận. Trong khoảng 250 năm, với việc buôn bán trực tiếp giữa Nhà Thanh và Nhật Bản bị cấm, họ đã đóng vai trung gian và hưởng lợi. Người Nhật có ảnh hưởng lớn hơn trong vương quốc này nhưng họ vẫn khuyến khích người Ryukyu tiếp tục triều cống cho Bắc Kinh để giữ cho thương mại lưu thông. Người Ryukyu đã làm như vậy cho đến khi Hoàng đế Quang Tự lên ngôi vào tháng 4 năm 1875.54 Tháng sau, chính phủ Nhật ra lệnh ngừng các đoàn sứ triều cống, trước sự không hài lòng của người Ryukyu, họ đã liên tục kiến ​​nghị với chính quyền nhà Thanh để được trợ giúp. Không có sự giúp đỡ nào xảy ra. Những nhà cai trị quần đảo này đang sắp sửa rời khỏi thế giới thiên hạ và bước vào thế giới của 'chủ quyền.’

Bản dịch tiếng Trung của William Martin  bộ sách luật của Wheaton đã được dịch sang chữ kanbun cho độc giả Nhật Bản trong vòng một năm kể từ khi xuất bản năm 1864 tại Bắc Kinh. Người Nhật ngay lập tức nhận thấy giá trị của nó và khoảng 20 ấn bản khác nhau đã được xuất bản trong 20 năm sau đó, bao gồm cả bản dịch tiếng Nhật đầy đủ vào năm 1876.55 Trái ngược hoàn toàn với những nghi ngờ mà nó dấy lên trong các quan chức cấp cao của nhà Thanh, cuốn sách đã được hoan nghênh hết mình và được chấp nhận ở Tokyo. Thông điệp cơ bản của nó, rằng các quốc gia có chủ quyền và độc lập đúng đắn, đều phù hợp với những ý tưởng mới đang lưu hành ở Nhật Bản về vị thế thích đáng của nó trong khu vực. Những ý tưởng này đã xuất hiện sau khi đất nước bị Hải quân Hoa Kì buộc phải mở cửa vào những năm 1850. Lúc đó có một phe phái hiếu chiến trong chính trường Nhật Bản đang tìm cách học hỏi từ người châu Âu và giống như họ, giành được một đế chế. Họ bắt đầu thèm muốn những vùng đất xung quanh và bước đi đầu tiên của họ là đặt chân vào Ryukyu. Những người theo chủ nghĩa bành trướng đã học được từ Wheaton và biến những lập luận của ông thành lợi thế của họ.

Việc sáp nhập vào Nhật Bản là một sự việc đã rồi; vua Ryukyu bị lưu đày và vương quốc của ông ta bị nhập vào Nhật Bản. Triều đình nhà Thanh phải quyết định cách ứng phó. Có Ryukyu như một nước triều cống không mang lại lợi ích tài chính. Tháng 5 năm 1878, Chương đã nói như vậy trong một thư gửi đại sứ nhà Thanh tại Tokyo, He Ruzhang (何如璋: Hà Như Chương). 56 Tầm quan trọng của mối quan hệ nằm ở tính biểu tượng của nó. Việc sáp nhập là vi phạm trật tự khu vực và là một sự xúc phạm đối với hoàng đế. Hơn nữa, vị vua bị phế truất của Ryukyu đã trực tiếp kêu gọi sự trợ giúp. Nếu trật tự truyền thống được duy trì, Bắc Kinh có nghĩa vụ phải trợ giúp. Bấy giờ cũng có những câu hỏi về realpolitik (chính sách thực dụng). Sau gần 4 thập kỉ bị phương Tây can thiệp, các quan lại hàng đầu của nhà Thanh tin rằng việc nhượng các đảo có thể sẽ mời gọi thêm xâm lược.

Chương và Cung đã tranh luận về phản ứng của họ. Chương cảm thấy quần đảo này không đáng để tranh giành, và đã chọn cách dùng ngoại giao và triển khai luật pháp quốc tế. Điều đầu tiên của hiệp ước mà Chương đã tự mình đàm phán và kí kết với chính phủ Nhật Bản vào năm 1871 nêu rõ: 'Trong tất cả những gì liên quan đến việc sở hữu lãnh thổ của một trong hai quốc gia, hai Chính phủ sẽ đối xử với nhau một cách lịch sự phù hợp, không vi phạm dù là nhỏ nhất hay lấn sang mỗi bên. 57 Theo quan điểm của Chương, Nhật Bản đã vi phạm hiệp ước và ông đã chỉ thị cho đại sứ Hà Như Chương viết thư phản đối. Tuy nhiên, thư của đại sứ Chương, có ngôn ngữ quá nghiêm túc, thấm nhuần trật tự cũ, đến nỗi người Nhật không chấp nhận thảo luận thêm về vấn đề này.

Nhưng sau đó William Pethick đã có một ý tưởng. Chỉ huy cũ của ông, hiện là cựu tổng thống, Ulysses S. Grant, đang thực hiện một chuyến công du thế giới sau 8 năm ở Nhà Trắng. Ngày 6 tháng 5 năm 1879 Grant cập cảng Quảng Châu (Canton) trước khi đi đến Hạ Môn, Thượng Hải, Thiên Tân và Bắc Kinh. Ông không ấn tượng với những gì nhìn thấy. Ngày 6 tháng 6, ông đã viết thư từ Bắc Kinh cho người bạn Adolph E. Borie, 'Chúng tôi đã ở Capitol này được ba ngày và đã thấy tất cả những gì có thể thấy, và chỗ quý giá đó ít đáng quan tâm.... Tientsin (Thiên Tân) là một thành phố đông dân hơn Thượng Hải và bẩn thỉu hơn nhiều.'58 Cùng đi với ông trong chuyến đi đó là William Pethick. Pethick giới thiệu ông với Chương và hai người đã thảo luận về những cách mà Grant có thể làm trung gian trong cuộc tranh chấp Ryukyu. Theo nhà nghiên cứu người Mĩ Chad Berry, Chương có lẽ tin rằng Grant, với tư cách là một người Mĩ chống đế quốc, từng tham chiến để gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, sẽ thông cảm với quan điểm của TQ.

Tại Bắc Kinh, Grant gặp thân vương Cung, có nói với ông rằng ông này muốn tình hình trở về nguyên trạng trước đây, với việc Nhật Bản từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Ryukyu. Khi trở về Thiên Tân, ông có một cuộc gặp khác với Chương. Chương đã dựa trên kiến ​​thức của mình về các điều ước quốc tế để tranh luận về vụ này nhưng Grant đã chỉ ra một mâu thuẫn. Khi dựa vào Hiệp ước Trung-Nhật năm 1871, Chương hình như đang nói rằng Ryukyu là một phần của TQ. Nhưng khi dựa vào hiệp ước 1853 giữa Ryukyu và Hoa Kì, ông đã lập luận rằng Ryukyu là một quốc gia riêng biệt. Chương đã cố ngụy tạo vấn đề khi mô tả Ryukyu là một 'thế lực bán phụ thuộc'. Grant đồng ý giúp nhưng muốn có điều đổi lại: một thỏa thuận hạn chế người TQ nhập cư vào Mĩ. Hơn 100 000 người TQ đã đến Mĩ trong hai nhiệm kì của Grant và phản ứng từ người da trắng là rất lớn. Cam kết ngăn chặn nhập cư TQ sẽ giúp ích rất nhiều cho tham vọng của Grant có nhiệm kì tổng thống thứ ba. Sau cuộc gặp cuối cùng của họ vào ngày 13 tháng 6, Chương yêu cầu Pethick nói với Grant rằng ông sẵn sàng thực hiện thỏa thuận theo những đường hướng đó.

Sau đó Grant đến Nhật Bản, rất ấn tượng về sự hiện đại hóa nhanh chóng của đất nước, ông khen nước này 'tự do và khai sáng' trong nhật kí cá nhân của mình. Sự tương phản với TQ là rõ ràng và cảm tình của ông dường như đã thay đổi. Bất kì mong muốn nào mà Grant có thể có để thúc đẩy các lập luận của TQ đều tan biến. Theo nhà sử học về quan hệ Trung - Mĩ Michael H. Hunt, trong cuộc gặp với các quan chức Nhật Bản vào tháng 7 năm 1879, Grant đã đề xuất một cách phân chia Ryukyu. Grant sống trong thế giới quan về các quốc gia có chủ quyền và các ranh giới đã được thỏa thuận. Ý tưởng rằng một quốc gia có thể có hai chủ là không thể hiểu được. Nhưng có lẽ ông biết rằng điều này sẽ gây tranh cãi quá lớn để thể hiện trực tiếp, vì lá thư của ông gửi cho thân vương Cung và thủ tướng Nhật Bản chỉ khuyến nghị rằng phía TQ nên rút lại bức thư xúc phạm trước đó của đại sứ Hà Như Chương và hai bên nên gặp nhau để thảo luận thêm. Sau đó ông về nước. 59.

Phải mất một năm cuộc họp mới thực sự diễn ra. Vào ngày 15 tháng 8 năm 1880, thân vương Cung gặp đại sứ Nhật Bản tại Tổng lí Nha môn. Sau hai tháng đàm phán, họ đã đạt được thỏa hiệp theo đường hướng mà Grant đã đề xuất trước đó với người Nhật: phân cắt Ryukyu. TQ sẽ nhận hai hòn đảo cực nam của Ryukyu còn Nhật Bản sẽ giữ phần còn lại. Nhật Bản cũng sẽ được hưởng quy chế 'tối huệ quốc' - quyền thương mại ở TQ giống như các cường quốc phương Tây. Nhưng khi Chương nghe về thỏa thuận này, ông đã phản đối dữ dội. Như ông nói với Grant trong một bức thư vào tháng 2 năm 1881, ông ‘cho rằng việc chia sẻ tài sản của một vị vua triều cống mà đối với vua đó TQ không hề bất bình là không hợp với phẩm giá của TQ. Quả vậy, sau khi phản đối việc Nhật Bản sáp nhập Ryukyu, TQ không thể đột nhiên quay lưng và tham gia vào một hành động mà ngay từ đầu đã bị TQ lên án là độc đoán mà không đánh mất lòng tự tôn và lòng tự trọng đối với phần còn lại của thế giới.' Chương vẫn sống trong một thế giới tri thức về thiên hạ. Những gì ông cần là duy trì trật tự biểu tượng của việc triều cống. Không có nó, trật tự chính trị của đại quốc Thanh sụp đổ. Làm sao có thể tự xưng là trung tâm-của-thế giới nếu TQ không thể bảo vệ các chư hầu của mình? Tuy nhiên, không có cuộc đàm phán nào diễn ra và Nhật Bản củng cố quyền kiểm soát của mình đối với toàn bộ Ryukyu. TQ không chấp nhận việc đồng tình loại bỏ chư hầu của mình nhưng dù vậy cũng đã để mất nó. Đối với Chương, đây là một bài học quan trọng về cách thức hoạt động của luật pháp quốc tế phương Tây. Nó không có giá trị gì trừ khi có quyền lực đằng sau nó để thực thi các luật lệ.

Vào mùa hè năm 1880, trong khi các cuộc thảo luận về Ryukyu vẫn đang diễn ra, Chương đã nghe về một vị khách Mĩ khác đến khu vực này. Trung tướng Robert W. Shufeldt đã được cử đi trên tàu USS Ticonderoga sau một nghị quyết của Thượng viện hai năm trước đó kêu gọi Hoa Kì đàm phán một hiệp ước với Triều Tiên. Triều Tiên vẫn là 'vương quốc ẩn cư' và đóng cửa với người phương Tây, nhưng Shufeldt đã đến thăm Nagasaki để nhờ người Nhật giúp đỡ. Lãnh sự TQ tại thành phố đã chuyển tin này cho Thiên Tân và Chương bắt đầu hình thành kế hoạch. Thông qua hai vai trò của Pethick với tư cách là nhân viên riêng và đại diện ngoại giao Hoa Kì, Chương đã mời Shufeldt đến thăm.

Chương lo ngại về chủ nghĩa bành trướng của Nhật Bản và tham vọng của Nga ở phương Đông. Giống như Ryukyu, Triều Tiên là một nước triều cống truyền thống của trung quốc , và cũng giống như Ryukyu, Nhật Bản cũng có tham vọng ở đó. Theo cách của người phương Tây, chính phủ Nhật Bản đã điều tàu chiến đến bờ biển Triều Tiên vào năm 1876 và buộc triều đình kí hiệp ước quốc tế đầu tiên của mình. Triều Tiên miễn cưỡng đồng ý mở hai cảng cho thương nhân Nhật Bản và cho phép một đại sứ cư trú tại Seoul.60 Với những gì đang xảy ra ở Ryukyu, Chương nghi ngờ rằng tham vọng của Nhật Bản ngày càng sâu đậm hơn. Trong cuộc trò chuyện với Shufeldt vào ngày 26 tháng 8 năm 1880, có lẽ là do Pethick thông dịch, Chương đã đề cập đến những lo lắng này và ngỏ lời giúp đỡ các nỗ lực ngoại giao của Mĩ tại Triều Tiên. Có vẻ như Chương đã cố gắng ‘dùng man di để kiểm soát man di’ bằng cách đưa Hoa Kì, một quốc gia dường như không có ý định thù địch với TQ, vô hiệu hóa các hoạt động của người Nhật và người Nga. Theo lời kể của Shufeldt, Chương cũng đang tìm kiếm sự trợ giúp của Mĩ trong việc xây dựng lực lượng hải quân của mình và đề nghị Shufeldt có thể đảm nhận vai trò làm chỉ huy của lực lượng này.

Mối quan hệ chính thức của triều đình nhà Thanh với các chư hầu luôn được 'Ban Nghi lễ', cấp cao nhất trong 6 bộ của triều đình, giải quyết. Các quy trình nghiêm ngặt đã được tuân thủ để duy trì thứ bậc trong quan hệ - như Andreas van Braam đã phát hiện ra 90 năm trước. 'Ban đã quản lí quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul trong nhiều thế kỉ nhưng vào mùa xuân năm 1881, vai trò này được chuyển giao cho Tổng lí Nha môn. Đồng thời, hoàng đế viết thư cho vua Triều Tiên và khuyến khích ông kí hiệp ước với Hoa Kì. Những động thái này, rõ ràng là theo chỉ thị của thân vương Cung, có vẻ tầm thường nhưng chúng có thể thể hiện cho một sự thay đổi cơ bản trong quan hệ đối ngoại của triều đình. Triều đình không còn có thể cho rằng mối quan hệ theo nghi thức cũ là đủ. Bắc Kinh cần phải chơi trò với chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, mục đích sâu xa hơn của Cung và Chương là dùng người phương Tây để giữ chân người Nhật và do đó duy trì quan hệ triều cống truyền thống.

Shufeldt trở lại Thiên Tân vào tháng 7 năm 1881. Không nhận được hồi âm từ Seoul nên ông buộc phải đợi. Chỉ đến tháng 12, ông mới biết rằng Chương đã thuyết phục được triều đình Triều Tiên đồng ý kí hiệp ước. Vào tháng 2, Shufeldt đến Bắc Kinh để gặp đại diện ngoại giao Mĩ, Chester Holcombe, và chuẩn bị một bản dự thảo. Văn bản của họ không đề cập đến địa vị triều cống của Triều Tiên: đó là một tài liệu dựa trên các khái niệm chủ quyền của phương Tây. Nhưng đó không phải là cách mà cả thân vương Cung lẫn Lí Hồng Chương nhìn thấy tình hình. Thứ nhất, họ nhấn mạnh rằng hiệp ước sẽ phải được đồng ý ở Bắc Kinh trước khi nó thể đem trình bày cho người Triều Tiên và thứ hai, phiên bản của Chương quy định rằng Triều Tiên sẽ vẫn là một nước triều cống.

Cách diễn đạt của Chương khiến người Mĩ bối rối. Điều khoản đầu tiên trong phiên bản hiệp ước của ông nói rằng 'Choson [朝鮮: Triều Tiên], là một quốc gia lệ thuộc đế quốc TQ, tuy nhiên từ trước đến nay đã thực hiện chủ quyền của riêng mình trong mọi vấn đề hành chính nội bộ và quan hệ đối ngoại.’ Điều này có thể có nghĩa đối với Chương, nhưng đối với người Mĩ, hai nửa của câu này chỏi nhau. Chủ quyền chẳng có nghĩa gì nếu không có độc lập. Tuy nhiên, Chương cho biết việc đưa điều đó vào là không thể thương lượng. Rõ ràng điều mà ông thực sự muốn là Hoa Kì công nhận quyền độc tôn của nhà Thanh đối với Triều Tiên. Đáp lại, Shufeldt nhấn mạnh rằng nếu Triều Tiên có các quyền lực về chủ quyền thì Mĩ có quyền thương lượng với họ một cách độc lập với TQ. Đây là sự khác biệt quan trọng giữa quan điểm thế giới của nhà Thanh và của phương Tây.

Cuối cùng, vào ngày 10 tháng 4 năm 1882, Lí Hồng Chương đã đưa ra một quyết định khẩn cấp với những tác động to lớn. Ông đồng ý xóa cách viết của ông khỏi văn bản. Trên thực tế, ông thừa nhận việc chấm dứt địa vị triều cống của Triều Tiên và một thỏa thuận chính trị khu vực trong đó Triều Tiên có thể độc lập đưa ra các lựa chọn chủ quyền của riêng mình trong quan hệ đối ngoại. Điều an ủi là sau khi hiệp ước được kí kết, vua Triều Tiên có viết một bức thư riêng cho Tổng thống Mĩ, trong đó nêu rõ rằng hiệp ước đó đã được thực hiện với sự đồng ý của chính phủ TQ. Đó là lá sung che chắn giúp bảo vệ danh giá của nhà Thanh. Ngưỡng tới hạn đã bị vượt qua. Chương rất nóng lòng muốn có Hoa Kì làm đối tác để giảm thiểu ảnh hưởng của Nhật Bản tại Triều Tiên, đến nỗi ông đã hi sinh quan hệ triều cống truyền thống và mở ra cánh cửa chủ quyền của Triều Tiên. Từ các nguồn khác, và hành vi sau đó của Chương, chúng ta biết rằng ông cảm thấy rằng ông có thể tiếp tục duy trì bản chất của quan hệ triều cống thông qua các cuộc tiếp xúc cá nhân với triều đình Triều Tiên. Tuy nhiên, cuối cùng thì điều này đã không xảy ra và hình thức quan hệ chủ quyền mới đã thay thế hình thức cũ.

Một tháng sau, trên tàu USS Swatara , thả neo ở cửa sông Seoul, hiệp ước được thỏa thuận giữa Chương và Shufeldt đã được trình bày cho một phái đoàn Triều Tiên. Chương đã cử một viên  quan TQ chủ trì sự kiện này nhưng Shufeldt đã trực tiếp trình cho vua Triều Tiên một bức thư của Tổng thống Chester Arthur, với tư cách một chủ quốc gia với một chủ quốc gia khác, và yêu cầu trả lời theo cùng cách. Người Triều Tiên không phản đối và hiệp ước đã được kí kết trên bãi biển vào ngày 22/5. Hai ngày sau đó một bức thư từ nhà vua đến nhưng nội dung của nó mâu thuẫn với hiệp ước khi nói rằng, ‘Nước Choson [Triều Tiên] là một nước lệ thuộc TQ, nhưng việc quản lí các công việc chính phủ, trong và ngoài nước, luôn được giao cho chủ quốc gia.' Như vậy, triều đình Triều Tiên đã trình bày một phiên bản quan hệ của họ với Bắc Kinh phù hợp với phiên bản của Chương và theo cái nhìn của người Mĩ, cũng không kém phần trái khoái.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực mà Shufeldt bỏ ra chỉ thu lại được rất ít. Hiệp ước đã được Thượng viện Hoa Kì phê chuẩn vào cuối tháng 7 và hai bên đã trao đổi đại sứ. Công dân Hoa Kì được phép buôn bán và sinh sống tại các cảng mở nhưng rất ít người trong số họ thực sự làm như vậy. Nhiệm vụ của Shufeldt phần lớn bị chính quyền Arthur và giới truyền thông lờ đi, và ông không nhận được nhiều lời cảm ơn vì những nỗ lực của mình. Thậm chí ông còn không có được một vị trí trong lực lượng hải quân của Chương. Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây khác đã chứng kiến ​​thành quả của ông và trong vòng vài tháng sau khi kí kết trên bãi biển, Anh, Đức, Ý, Pháp và Áo đều có hiệp ước riêng với Triều Tiên. Chương có thể hi vọng chiến lược sử dụng 'bọn man di’ phương Tây để kiểm soát Nhật Bản đã thành công. Nó đã không kéo dài.

Nước triều cống tiếp theo rơi vào ảnh hưởng của nước ngoài là Việt Nam, mà nhà Thanh và người Pháp tiếp tục gọi là An Nam. Quân Pháp đã chiếm thành phố Sài Gòn năm 1859 nhưng vẫn muốn nhiều hơn. Năm 1862/3, họ buộc vua Tự Đức của Việt Nam nhượng ba tỉnh miền Nam làm Nam Kì thuộc Pháp. Năm 1874, Pháp đã áp đặt thêm ‘'Hiệp ước Hòa bình và Liên minh'. Điều 2 nêu rõ 'thừa nhận chủ quyền của vua An Nam và toàn bộ nền độc lập của ông ấy đối với mọi thế lực ngoại bang dưới bất kì hình thức nào', trong khi tại Điều 3, vua An Nam lại cam kết đưa chính sách đối ngoại của mình ăn khớp với chính sách đối ngoại của Pháp’.61 Hiệp ước đã chấm dứt quan hệ triều cống cũ thông qua một thứ hư cấu ngoại giao minh bạch: ý niệm rằng An Nam là một quốc gia độc lập thực hiện sự lựa chọn của chính mình. Trên thực tế, Việt Nam đã trở thành một quốc gia được Pháp bảo hộ. Nước này đã phái đoàn sứ triều cống cuối cùng đến Bắc Kinh vào năm 1880.62 Nhưng, một lần nữa, người Pháp lại muốn nhiều hơn, đặc biệt là các tuyến đường thương mại về phía bắc vào tỉnh Vân Nam: vùng tây nam xa xôi của vương triều nhà Thanh.

Khi vua Tự Đức mất vào tháng 7 năm 1883, một cuộc khủng hoảng chính trị đã xảy ra sau đó. Chỉ trong hơn một năm, Việt Nam có 5 vị hoàng đế, hầu hết đều bị giết khi tại vị. Giữa lúc hỗn loạn, một vị hoàng đế đã kí hiệp ước chấp nhận sự bảo hộ của Pháp đối với Bắc Kì, khu vực có biên giới giáp với Vân Nam. Quân đội Pháp bắt đầu tiến vào. Lần này, triều đình ở Bắc Kinh cho rằng họ có thể sử dụng vũ lực quân sự để ngăn một nước triều cống khác bị vuột khỏi tay. Họ tài trợ cho các đơn vị và băng đảng bán chính quy khác nhau như 'Cờ đen' để đối đầu với Pháp.63 Nhận thức được rằng mình cũng cần hậu thuẫn ngoại giao, Lí Hồng Chương lại quay sang Mĩ lần nữa.

Lúc này, đại diện của Mĩ tại Bắc Kinh là John Russell Young, trước đây là phóng viên từng tháp tùng Ulysses S. Grant trong chuyến công du lớn của ông. Young đã sử dụng các mối quan hệ chính trị của mình để được phái trở lại châu Á với tư cách là một nhà ngoại giao và đang tìm kiếm một cuộc khủng hoảng để tạo nên tên tuổi. Tháng 8 năm 1883, khi mây đen tụ lại, ông báo cáo lại với Washington về một cuộc trò chuyện tiết lộ mà ông đã thực hiện với Chương.

Young: Tại sao TQ không xác định lãnh thổ của mình?

Chương: Các giới hạn của đế chế đã được xác định rõ ràng. Có TQ và có các nước chư hầu của TQ. Các nước chư hầu này được tự quản, ngoại trừ việc họ phải trung thành với hoàng đế; vốn đã được thỏa mãn qua các hành động cống và nghi lễ.

Young: Trong thời hiện đại và theo các hình thức văn minh thịnh hành ngày nay, không có thể chế nào có tư cách là các nước triều cống: một thuộc địa cũng là một phần của đế chế giống như thủ đô. ... Đây là luật lệ của các quốc gia văn minh. TQ nên làm theo đó và tự cứu mình khỏi sự bối rối qua việc củng cố đế chế của mình và để thế giới biết chính xác giới hạn lãnh thổ của mình.

Chương: Tôi không hiểu lí do tại sao các quốc gia bên ngoài cần phải phá hủy các quan hệ đã có giữa TQ và các quốc gia xa xôi này hàng nhiều năm.64

Sự không ăn khớp trong thế giới quan là điều hiển nhiên. Young có thể đã phản đối những gì người Pháp đang làm nhưng ông đồng ý với cơ sở mà họ dựa vào để làm những điều đó.

Young khuyên Chương không nên tìm cách chống lại quân đội Pháp, lời khuyên mà Chương vui lòng thực hiện vì ông muốn bảo toàn hạm đội phía bắc của mình để đối mặt với thách thức từ Nhật Bản. Chương thích thương lượng hơn và nhờ Young làm người trung gian. Tuy nhiên, người Pháp không quan tâm; họ chỉ đơn giản yêu cầu công nhận các yêu sách lãnh thổ của họ ở An Nam và Bắc Kì và một khoản bồi thường tài chính lớn. Triều đình nhà Thanh từ chối, vì vậy, tháng 8 năm 1884, Pháp thực hành lại truyền thống pháo hạm của châu Âu để buộc tuân thủ. Trong khi đó, người Pháp buộc Việt Nam phải cắt đứt quan hệ triều cống với nhà Thanh. Ngày 30 tháng 8 năm 1884, trước sự chứng kiến ​​của các nhà ngoại giao Pháp, triều đình đã hủy con dấu chính thức mà nhà Thanh ban cho triều đình Việt Nam vào năm 1804. Sáu kilo bạc chạm khắc đẹp đẽ đã bị nấu chảy thành một thỏi tròn xấu xí.65

Người Pháp đã buộc Việt Nam phải cắt đứt quan hệ triều cống với Bắc Kinh nhưng phải nã pháo thêm để thuyết phục Bắc Kinh từ bỏ Việt Nam. Tuy nhiên, sự phản đối nội bộ ở Pháp và một số thành công của TQ trước quân đội Pháp ở Bắc Kì đã làm thui chột tham vọng của Paris. Young vẫn cố gắng hòa giải nhưng thành công duy nhất của ông là thuyết phục được Chương từ bỏ sự phản đối công nhận chủ quyền của Pháp đối với Việt Nam. Thực ra chính tổng  thanh tra Hải quan Robert Hart, người đã thuyết phục người Pháp chấp nhận ngừng bắn để đổi lấy sự công nhận quyền kiểm soát của họ đối với An Nam và Bắc Kì. Hiệp ước được kí kết tại Thiên Tân vào ngày 9 tháng 6 năm 1885. Một nước triều cống khác đã biến đi.

Điều thú vị là người Anh đã có một cách tiếp cận khác. Cuối năm 1885, họ phát động Chiến tranh Anh-Miến lần thứ ba và chiếm lấy những khu vực của Miến Điện mà họ đã không chiếm được trong các cuộc xâm lược lần thứ nhất và thứ hai. Anh chính thức thôn tính cả nước vào ngày 1 tháng 1 năm 1886. Tuy nhiên, không giống như Pháp, Anh cho phép Miến Điện tiếp tục gửi cống phẩm cho Bắc Kinh 10 năm một lần. Điều khoản đầu tiên của Công ước giữa Anh và TQ liên quan đến Miến Điện và Tây Tạng, được kí kết tại Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 7 năm 1886, làm rõ điều này, trong khi điều khoản thứ hai nói rằng 'trong mọi vấn đề ... Anh sẽ được tự do làm bất cứ điều gì mà Anh cho là phù hợp và thích đáng'.66 Đối với người Anh, ‘triều cống’ là một mẫu biểu tượng vô nghĩa có thể chấp nhận được trong khi họ tiếp tục việc của đế chế. Đối với triều đình nhà Thanh thì ngược lại: biểu tượng là điều quan trọng đối với triều đình. Như được biết sau này, không có phái bộ nào thực sự được gửi từ Miến Điện do Anh chiếm đóng và một hiệp địnhị khác, được thỏa thuận vào năm 1897, đã chính thức kết thúc nghi thức đó. Tuy nhiên, trong thập kỉ đầu tiên đó, diện mạo vẫn được giữ như cũ.67

Sau khi An Nam sụp đổ, những người bảo thủ ở Bắc Kinh đã nắm lấy thế chủ động. Một số lượng lớn thư lại cấp thấp và cấp trung đã thành lập 'đảng Thanh Lưu' - Qingliu Dang (清流黨) - lên án phản ứng thụ động đối với người Pháp và yêu cầu có hành động quân sự. Họ không có kinh nghiệm đối phó với người nước ngoài, cũng như chiến tranh hiện đại, nhưng họ  lại khăng khăng cho rằng việc quay trở lại với các giá trị Nho giáo là đủ để bảo vệ bờ cõi. Dưới áp lực,  Thái hậu Từ Hi đã sa thải hoặc trừng phạt tất cả các thành viên của Tổng lí Nha môn - kể cả Dịch Hân / Cung. Chương xoay sở thoát được sự chỉ trích phần lớn nhờ vào quan hệ cá nhân của ông với Từ Hi. Lực lượng của ông đã đưa bà thành thế lực đứng sau ngai vàng vào năm 1861 và trong suốt những năm tự cường khiến họ vẫn là đồng minh của nhau. Ông cũng dung túng việc bà phung phí và lạm dụng công quỹ nhà nước.

Một số hậu quả của sự xa hoa của bà vẫn còn ở vùng ngoại ô phía tây bắc của Bắc Kinh cho mọi người xem. Vào một ngày đẹp trời, Cung Mùa hè Hoàng gia khổng lồ, với những ngọn núi giả và hồ nước nhân tạo, những cây cầu đá và những ngôi đền hoành tráng, thu hút hàng nghìn du khách: nhiều hơn những gì người ta từng được phép nhìn thấy nó vào thời Từ Hi. Trong 5 năm sau 1889, hàng triệu lượng bạc trong khoản thu của chính phủ đáng lẽ phải được chi cho các con tàu đã bị chuyển sang chuẩn bị cho sinh nhật lần thứ 60 của thái hậu, vào năm 1894. Ẩn mình xa về phía Tây của địa điểm này là Học viện Hải quân cũ. Ngày nay, các bảng hiệu du lịch trước những tòa nhà thấp màu xám kể lại câu chuyện: 'Được xây dựng vào năm 1886, đây là một trường học đặc biệt để đào tạo sĩ quan hải quân cho lực lượng vũ trang nhà Thanh. Nó cũng được dùng như một bình phong cho thái hậu Từ Hi chuyển ngân quỹ hải quân để xây dựng lại Cung Mùa hè. ... Các sinh viên đã thực hiện nhiều cuộc diễn tập hải quân cho thái hậu Từ Hi trên hồ và đảm nhận nhiệm vụ kéo Du Thuyền Hoàng gia của bà bằng một chiếc thuyền hơi nước để đi vòng quanh hồ. Con thuyền hơi nước vẫn còn được lưu giữ ở đó, cũng như một sảnh đường bằng đá cẩm thạch có hình dạng một chiếc thuyền. Như nhà sử học hải quân Sarah Paine lưu ý, sảnh đường có dạng thuyền 'là sự đóng góp duy nhất của thái hậu Từ Hi cho hạm đội TQ từ năm 1889 đến năm 1894.'68 Con thuyền bằng đá cẩm thạch tồn tại lâu hơn nhiều so với những thứ khác của hải quân, chẳng bao lâu gặp kết cục tồi tệ dưới tay người Nhật.

Nguyên nhân trước mắt của cuộc chiến tranh với Nhật Bản là địa vị của Triều Tiên. Những nỗ lực của Chương trong việc dùng man di phương Tây để trị man di Nhật Bản đã không ngăn được phe chủ chiến ở Tokyo cố giành quyền kiểm soát bán đảo này. Trong suốt thập kỉ 1880, hai cường quốc đối địch này đã âm mưu với những người ủng hộ họ bên trong giới thượng lưu Triều Tiên để kích động đảo chính và phản đảo chính. Vào ngày 3 tháng 6 năm 1894, vua Triều Tiên Gojong, yêu cầu quân đội TQ giúp trấn áp một cuộc nổi loạn khác. Điều này cho người Nhật cái cớ mà họ đang tìm kiếm. Vào giữa tháng 6, 6 000 quân Nhật đã tiến vào Seoul. Các chính trị gia Nhật Bản nói về nhiệm vụ của đất nước họ là dẫn dắt vương quốc nhỏ bé kia đi theo con đường văn minh và thoát khỏi địa vị triều cống truyền thống. Ngày 23 tháng 7, quân Nhật ập vào cung vua ở Seoul, bắt vua Gojong làm con tin và yêu cầu triều đình tiến hành một loạt cải cách. Chính phủ mới sau đó đã từ bỏ địa vị là nước triều cống của nhà Thanh.

Ở Bắc Kinh, phe bảo thủ đòi phải có hành động. Họ tin chắc rằng đại quốc hùng mạnh của họ có thể đè bẹp đế chế mới nổi phía bên kia biển. Thư lại thuộc đảng Thanh Lưu đã nuôi dưỡng sự ủng hộ của hoàng đế Quang Tự, lúc này đã 23 tuổi, và trở thành một bên tham chiến. Mặt khác, Chương biết rằng lực lượng của mình không thể sánh được với quân Nhật đã hiện đại hóa và tìm cách tránh xung đột. Thay vào đó, ông đã cố gắng để lôi kéo bọn man di phương Tây can thiệp một lần nữa. Họ không quan tâm. Thật ra, họ cảm thấy rất đồng tình với sứ mệnh hiện đại hóa của Nhật Bản. Sau nhiều thập kỉ thất bại trong việc thuyết phục nhà Thanh cải cách, người phương Tây cảm thấy rằng một thất bại nhức nhối sẽ làm họ cho sáng mắt ra. Không lâu lắm thì điều đó đã đến. Ngày 25 tháng 7, quân Nhật đánh chìm một tàu binh TQ và làm hư hại hai chiếc khác. Một tuần sau, Nhật Bản chính thức tuyên chiến và nhà Thanh đáp trả theo cùng cách. Trong tuyên bố của mình, hoàng đế Quang Tự đã chủ định dùng từ xúc phạm xưa nay wo-ren (矮人: nuỵ nhân) - bọn lùn - 6 lần để chỉ người Nhật.

Chiến tranh hóa ra là một cuộc dạo chơi cho bọn người lùn. Hết trận này đến trận khác, trên biển và trên bộ, quân Thanh không thể địch nổi quân Nhật. Đến cuối tháng 10, quân Nhật đã kiểm soát bán đảo Triều Tiên. Tháng 11, họ chiếm được căn cứ hải quân tại Port Arthur ở phía đông của vịnh Bột Hải và tháng 2 năm 1895, chiếm căn cứ hải quân chính khác tại Weihaiwei (威海衛: Uy Hải Vệ), ở phía tây. Đường đi tới Bắc Kinh đã rộng mở. Phản ứng đầu tiên của triều đình là chối bỏ tất cả những gì đang xảy ra. Thứ hai là đổ lỗi những thất bại cho Chương và nỗ lực hiện đại hóa của ông. Chức tước của ông đã bị tước bỏ và nếu thái hậu Từ Hi không nhận ra rằng bà cần lực lượng của Chương để bảo vệ kinh đô, thì ông đã bị xử tử. Thay vì vậy, ông được giao nhiệm vụ đàm phán về việc đầu hàng nhục nhã, làm ông ô danh mãi mãi.

Ngày 19 tháng 3 năm 1895 Chương cùng với một đoàn tùy tùng hơn 100 người đã đến cảng Shimonoseki của Nhật Bản. Giữa đám đông có một cố vấn được thuê đắt giá, một người Mĩ khác, cựu ngoại trưởng Hoa Kì, John W. Foster. Sau khi rời chức vụ, Foster đã hoạt động như một cố vấn cho phái bộ ngoại giao TQ ở Washington và lại được kí hợp đồng để hướng dẫn Chương vượt qua những điều phức tạp của luật pháp quốc tế ở Shimonoseki. Ban đầu Chương đề nghị với người Nhật rằng hai bên cứ bỏ qua luật pháp quốc tế và cùng nhau làm việc với tư cách người cùng 'chủng tộc da vàng’ để chống lại người phương Tây. Người Nhật không chấp nhận. Họ định triển khai ý tưởng của Wheaton và các công trình của ông để phá bỏ trật tự triều cống cũ.

Foster có thể đã được Chương thuê, nhưng ông thuộc một thế giới trí thức, trong đó 'trật tự tự nhiên’ của quan hệ quốc tế không có chỗ cho các hệ thống triều cống. Ông sẽ đóng chiếc đinh cuối cùng vào cổ  quan tài trật tự khu vực cũ. Ngày 5 tháng 4, ông thay mặt Chương soạn thảo một bản trả lời bốn điểm cho dự thảo hiệp ước hòa bình của Nhật Bản. Điểm đầu tiên là đồng ý Triều Tiên được độc lập hoàn toàn và trọn vẹn, chấm dứt quan hệ triều cống chính thức cuối cùng của nhà Thanh. Điều tệ hơn đã nối tiếp theo sau. Quân Nhật đã xâm lược Đài Loan vào ngày 25 tháng 3 và việc nhượng lại đảo này đã được thêm vào danh sách đòi hỏi của Nhật Bản. Điều này còn nhục nhã hơn cả việc mất Triều Tiên, vì Đài Loan là một tỉnh, không phải là một nước chư hầu triều cống. Nhưng, đối mặt với sức mạnh quân sự áp đảo, Chương và Foster không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đồng ý.

Ngày 17 tháng 4 năm 1895, gần đúng 100 năm sau khi Andreas Everardus van Braam Houckgeest triều cống cho hoàng đế Càn Long, thế giới nhà Thanh đã bị đảo lộn. Trong một khách sạn nhỏ ở Shimonoseki, chính khách hàng đầu của đại quốc, Lí Hồng Chương, tổng đốc Trực Lệ, thượng thư Thương mại biển Bắc, đại thư kí của điện Văn Hoa (文華殿) và là thầy dạy của thái tử, đã buộc phải  chính thức công nhận rằng hoàng đế của ông không phải là người cai trị 'mọi thứ dưới vòm trời' mà chỉ đơn giản là người đứng đầu một nước, khá yếu ớt, được bao quanh bởi nhiều nước khác. Chương và con trai nuôi của mình, với tư cách là đại diện của thiên triều, đã kí hiệp ước Shimonoseki (Mã Quan) công nhận nền độc lập của Triều Tiên, nhượng đảo Đài Loan và trả 7 500 tấn bạc cho Nhật Bản. Đó là một sự sỉ nhục hoàn toàn - tồi tệ đến mức Chương không thể đối mặt với triều đình để giải thích. Thay vào đó, ông đã cử Foster đến Bắc Kinh.

Đây là lần đầu tiên Đại Hội đồng triều đình nhà Thanh gặp một phái viên nước ngoài. Foster không ấn tượng với cuộc gặp gỡ. Đối với ông, điều đó chứng tỏ lí do tại sao nước Đại Thanh lại rơi vào tình trạng hỗn độn mà nó có, đặc biệt là khi ông phát hiện ra rằng thầy dạy của hoàng đế, Weng Tonghe (翁同龢: Ông Đồng Hòa), không biết gì về lịch sử các cuộc chiến tranh châu Âu và cách chúng đã dẫn đến việc hình thành luật quốc tế phương Tây. Tuy nhiên, cuối cùng, Đại Hội đồng đã đồng ý đối mặt với thực tế: hiệp ước là phương sách thay thế duy nhất cho việc tiếp tục bị sỉ nhục quân sự. Triều đình đã cố gắng giữ bí mật các chi tiết của Hiệp ước Shimonoseki. Tuy nhiên, nhiều chi tiết đã bị lộ ra ngoài và 2 500 thư lại đã kí kiến ​​nghị phản đối. Hai trong số những nhà tổ chức của phe phản đối là những nhà cải cách thẳng thắn Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu.

Đảng Thanh Lưu quyết tâm ghim lỗi cho Chương. Họ thúc ép triều đình khẳng định rằng người kí lệnh bàn giao Đài Loan cho Nhật Bản là cháu vừa là con nuôi của Chương tên Li Jingfang (李經方: Lí Kinh Phương). Chương lo ngại rằng người thân của mình có thể bị giết bởi các thư lại Đài Loan đang giận dữ vì các điều khoản của hiệp ước, nên ông một mực yêu cầu Foster cùng đi với Lí Kinh Phương đến buổi lễ. Ngày 30 tháng 5 năm 1895, hai người đã gặp người Nhật ở ngoài khơi Đài Loan. Họ thậm chí không lên bờ mà kí chỉ dụ trên tàu Yokohama Maru của Nhật, neo đậu ngoài khơi cảng Keelung (基隆: Cơ Long).70

Trật tự thế giới nhà Thanh đã kết thúc. Sau những thất bại đó, các sứ thần phương Tây lợi dụng nhu cầu cần được hậu thuẫn chính trị của nhà Thanh để giành lấy nhiều nhượng bộ của triều đình. Họ không còn bị tiếp đãi như là bọn man di hạng hai ở các tòa nhà ngoại vi nữa. Từ năm 1894, họ sẽ được tiếp đón ngang hàng trong điện Văn Hoa (文華殿: Văn Hoa điện) ở trung tâm Tử Cấm Thành. Phải mất một thế kỉ - từ tháng 2 năm 1795, khi một hoàng đế nhà Thanh có thể tin rằng một vương quốc Hà Lan đã đến dâng cống cho trung quốc của mình, cho đến tháng 4 năm 1895, khi Lí Hồng Chương, theo lời khuyên của các cố vấn Mĩ, cuối cùng đã thừa nhận rằng TQ bây giờ đã được bao quanh bởi các quốc gia độc lập có chủ quyền. Sự công nhận chính thức về điều này xảy ra vào năm 1901, sau khi loạn Quyền phỉ bị đè bẹp, khi Tổng lí Nha môn chính thức được đổi tên thành Bộ Ngoại giao (Waiwubu/ 外交部) và có địa vị giống như 6 bộ truyền thống của triều đình.

Chương là người bị buộc phải nắm lấy trách nhiệm nhưng vai trò của ông đã che phủ một thế kỉ thất bại. Nhà nước Đại Thanh đã mục ruỗng từ bên trong. Trước thất bại đó, Chương không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ các quy tắc mới của trật tự quốc tế. Ông trở thành người trung gian giữa sức mạnh của vũ khí phương Tây và các chuẩn mực của thế giới nhà Thanh. Ông đã không làm như vậy một mình. Ở mỗi giai đoạn trong quá trình đó, ông đều được tư vấn bởi những người bên ngoài - chủ yếu là người Mĩ: Pethick, Grant, Shufeldt, Young và Foster. Những người này không có cách nghĩ nào về thế giới khác hơn theo hướng 'chủ quyền', một thế giới trong đó các quốc gia độc lập có ranh giới chính thức đối xử với nhau trên cơ sở luật pháp.

Chương có thể thấy rằng đây chỉ là một nửa của bức tranh. Ông cũng có những lập luận pháp lí nhưng đối mặt với hỏa lực vượt trội, dù của châu Âu hay của Nhật, luật pháp chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Trong trật tự thế giới mới, chỉ có kẻ mạnh mới chiến thắng: luật pháp mà không có sức mạnh chẳng có ý nghĩa gì; mạnh thắng đúng. Chương hiểu điều này nhưng các đối thủ của ông trong triều đình, các thư lại bảo thủ, đảng Thanh Lưu và những người khác vốn coi mình như là kẻ  ủng hộ truyền thống thì không khi nào thấy thuyết phục. Đối với họ, thiên hạ và sự ưu việt về mặt đạo đức mà nó vừa đòi hỏi vừa tạo ra là trật tự tự nhiên.

Từ đó, điều này là nguồn gốc của 'thuyết chính thống về chủ quyền' của TQ đương thời: một sự lai tạp giữa chủ nghĩa sô vanh Nho giáo và chủ nghĩa pháp lí Mĩ. Nó kết hợp những ý tưởng tiền hiện đại về tính ưu việt văn hóa của trung quốc  với những ý tưởng của phương Tây về biên giới cố định và nền độc lập. Nằm tại trung tâm của nó là một sự khác biệt mang tính triết học: từ tiếng Trung cho chủ quyền, zhuquan (主權), mang nghĩa đen là 'quyền lực của người cai trị' - nó chú trọng phía trong nước chứ không phải quốc tế. Chủ quyền bảo đảm sự tiếp tục một nền văn hóa vượt trội về mặt đạo đức trong việc bảo vệ các ranh giới bất khả xâm phạm. Trên thực tế, đó là thiên hạ có kiểm soát qua hộ chiếu - thiên hạ trong một quốc gia. Đây không phải là một ý tưởng có thể dung thứ cho sự can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia mà là một bảo đảm cho điều ngược lại: loại các quốc gia khác và 'các chuẩn mực quốc tế' của các quốc gia đó ra, dù là về nhân quyền hay biến đổi khí hậu.

Những kí ức về các nghi lễ triều cống vẫn là cơ sở cho những ý tưởng về tính chính đáng chính trị ở TQ cộng sản. Giới lãnh đạo Bắc Kinh thường xuyên áp dụng việc thực hiện các nghi thức về sự nể trọng quốc tế như một yếu tố quan trọng trong chuyển tải thông điệp chính trị trong nước của họ. Số lượng, quy mô và vị thế của các phái đoàn tham dự 'Diễn đàn Vành đai và Con đường', hoặc hội nghị thượng đỉnh G20, được công bố rộng rãi và giúp vào việc trao 'thiên mệnh’ hiện đại cho Đảng Cộng sản. Ngược lại, những bình luận chỉ trích về hoạt động của đảng bị chặn khỏi mắt người dân. Ý tưởng về các phái đoàn quốc tế đi qua vùng đất của tổ tiên, 'đo lường, báo cáo và xác minh' lượng khí thải carbon của họ và sau đó nói với thế giới rằng Bắc Kinh không sống theo một tiêu chuẩn quốc tế đã được thống nhất vẫn còn là điều không được hoan nghênh. Do đó, việc khẳng định chủ quyền trên hết mọi thứ là một phương cách để tránh bị thiếu tôn trọng và đánh mất tính hợp pháp trong nước.

Wang Huning (王滬寧: Vương Hỗ Ninh) là bộ não đằng sau Tập Cận Bình, ông cũng từng là nhà lí thuyết đằng sau những người tiền nhiệm của TCB là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ông hiện đang ngồi ở đỉnh cao trong đời sống chính trị ở TQ: trong ban Thường vụ Bộ Chính trị. Là một giáo sư luật tại Đại học Fudan (復旦: Phục Đán), cuốn sách đầu tiên của ông có tựa đề Guojia Zhuquan (国家主权)- ‘Chủ quyền quốc gia’.71 Trong đó, ông lập luận rằng từ chủ quyền trong tiếng Trung có trước khái niệm chủ quyền của phương Tây.72 Chúng ta đã đánh vòng trở lại vị trí ban đầu. Những người tiền nhiệm của Ninh đã chiến đấu vô vọng để ngăn chặn khái niệm chủ quyền bắt rễ ở Bắc Kinh. Bây giờ Ninh khẳng định TQ đã sáng chế ra nó và muốn sở hữu cũng như kiểm soát ý nghĩa của nó. Ông đã chọn cách bỏ qua vai trò của Wheaton và Martin, những người đã bỏ công để đưa trung quốc vào thế giới hiện đại qua việc tái tạo ý nghĩa của từ 主權 (chủ quyền). 'Việc lờ đi có tính chiến lược' này về vai trò trung gian của người nước ngoài cho phép Ninh thực hiện dự án triết học rộng lớn hơn: lấp đầy các khái niệm phương Tây với ý nghĩa TQ để củng cố các kế hoạch của Bắc Kinh về một thế giới dựa trên ý niệm về một ‘cộng đồng có chung vận mệnh'. Nó ăn khớp khít khao với phiên bản thiên hạ hiện đại, trong đó Bắc Kinh một lần nữa lại nằm ở vị trí cao nhất của hệ thống thứ bậc khu vực, hoặc thậm chí toàn cầu. Đó là một hệ thống thứ bậc mở cho tất cả các nước, miễn là các nước đó biết vị trí của mình.

___________

1. John Vidal and Jonathan Watts, ‘Agreement Finally Reached: Copenhagen 9.30 a.m., Saturday 19 December 2009', The Observer, 20 December 2009. 

2. John M. Broder and Elisabeth Rosenthal, ‘Obama Has Goal to Wrest a Deal in Climate Talks', New York Times, 17 December 2009. 

3. Mark Lynas, 'How do I know China wrecked the Copenhagen deal? I was in the room', The Guardian, 22 December 2009. 

4. Robert Falkner, 'The Paris Agreement and the New Logic of International Climate Politics, International Affairs’, 92/5, pp. 1107–25 (2016). 

5. François Godement, Expanded Ambitions, Shrinking Achievements: How China Sees the Global Order, London: European Council on Foreign Relations, 2017, p. 10. 

6. Opening ceremony of the 19th CPC National Congress, http://live.china.org.cn/2017/10/17/opening-ceremony-of-the-19th-cpc-nationalcongress/  

7. Jonathan Spence, The Search for Modern China, New York: W. W. Norton & Co., 2001, p. 122. 

8. George R. Loehr, ‘A. E. van Braam Houckgeest: The First American at the Court of China', Princeton University Library Chronicle, 15/4 (Summer 1954), pp. 179-93. 

9. André Everard Van Braam Houckgeest, An Authentic Account of the Embassy of the Dutch East-India Company, to the Court of the Emperor of China, in the Years 1794 and 1795 (Vol. 1), Cambridge: Cambridge University, ‘Tributary Trade and China's Relations with the West’, Far Eastern Quarterly, 1/2 (February 1942), p. 135. 

11. Zhiguang Yin, 'Heavenly Principles? The Translation of International Law in 19th century China and the Constitution of Universality', European Journal of International Law, 27/4 (1 November 2016), pp. 1005–23. 

12. Alejandra Irigoin, ‘A Trojan Horse in Daoguang China? Explaining the Flows of Silver In and Out of China', LSE Working Paper No. 173/13, London School of Economics, 2013. 

13. Jonathan Spence, Chinese Roundabout: Essays in History and Culture, New York: W. W. Norton, 1992, pp. 233-5. 

14. Takeshi Hamashita, ‘Tribute and Treaties: East Asian Treaty Ports Networks in the Era of Negotiation, 1834-1894', European Journal of East Asian Studies, 1/1 (2001), p. 61. 

15. James M. Polachek, The Inner Opium War, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1992, p. 2. 

16. Alicia E. Neve Little, Li Hung-Chang: His Life and Times [1903], Cambridge: Cambridge University Press, 2010, p. 1. 

17. Pär Kristoffer Cassel, Grounds of Judgment: Extraterritoriality and Imperial Power in Nineteenth-Century China and Japan, Oxford; New York: Oxford University Press, 2012. 

18. Tobie Meyer-Fong, ‘Urban Space and Civil War: Hefei, 1853–1854', Frontiers of History in China, 8/4 (2013), pp. 469-92. 

19. Dong Wang, China's Unequal Treaties: Narrating National History, Lanham, MD: Lexington Books, 2005, p. 17. 

20. S.C.M. Paine, The Sino-Japanese War of 1894–1895: Perceptions, Power, and Primacy, Cambridge: Cambridge University Press, 2005, pp. 70–71. 

21. Ssu-yü Teng and John King Fairbank, China's Response to the West: A Documentary Survey, 1839-1923, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1979, p. 47. 

22. Richard J. Smith, Robert Hart and China's Early Modernization: His Journals, 1863-1866, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1991, p. 99. 

23. Pamela Kyle Crossley, Orphan Warriors: Three Manchu Generations and the End of the Qing World, Princeton, NJ: Princeton University Press, 1990, p. 143. 

24. Smith, Robert Hart and China's Early Modernization, p. 100. 

25. Kwang-ching Liu, ‘The Confucian as Patriot and Pragmatist: Li Hung-chang's Formative Years, 1823-1866', Harvard Journal of Asiatic Studies, vol. 30 (1970), pp. 5-45. 

26. Teng and Fairbank, China's Response to the West, p. 53 

27. Liu, “The Confucian as Patriot and Pragmatist', p. 18. 

28. Ibid., p. 30. 29. William Charles Wooldridge, ‘Building and State Building in Nanjing after the Taiping Rebellion', Late Imperial China, 30/2 (2009), pp. 84-126. 

30. Melissa Mouat, "The Establishment of the Tongwen Guan and the Fragile SinoBritish Peace of the 1860s', Journal of World History, 26/4 (2015), p. 741. 

31. Ibid. 

32. Smith, Robert Hart and China's Early Modernization, p. 283. 

33. Yin, 'Heavenly Principles?', p. 1013. 

34. Lydia Liu, The Clash of Empires: The Invention of China in Modern World Making, Cambridge, MA: Harvard University Press, 2004, p. 116. 

35. Ibid., p. 128. 

36. William A. Callahan, Contingent States: Greater China and Transnational Relations, Minneapolis; London: University of Minnesota Press, 2004, pp. 76-7. 

37. Liu, Clash of Empires, p. 123.

 38. Teng and Fairbank, China's Response to the West, p. 98. 

39. Rune Svarverud, International Law as World Order in Late Imperial China: Translation, Reception and Discourse 1847– 1911, Leiden: Brill, 2007, p. 91. 

40. http://www.dartmouth.edu/~qing/WEB/WO-JEN.html 

41. David Pong, Shen Pao-chen and China's Modernization in the Nineteenth Century, Cambridge: Cambridge University Press, 2009, p. 146. 

42.  Knight Biggerstaff, “The Secret Correspondence of 1867–1868: Views of Leading Chinese Statesmen Regarding the Further Opening of China to Western Influence', Journal of Modern History, 22/2 (June 1950), pp. 122–36. 

43. J. L. Cranmer-Byng, 'The Chinese Perception of World Order', International Journal, 24/1 (Winter 1968-9), pp. 166–71. 

44. Chris Feige and Jeffrey A. Miron, “The Opium Wars, Opium Legalization and Opium Consumption in China', Applied Economics Letters, 15/12 (2008), pp. 91113. 

45.Jennifer Rudolph, Negotiated Power in Late Imperial China: The Zongli Yamen and the Politics of Reform, Ithaca, NY: Cornell University East Asia Program, 2008, p. 222. 

46. ‘American Who Advised Li-Hung-Chang is Dead', New York Times, 21 December 1901.

 47. ‘Li Hung-Chang's American Secretary For 25 Years: A Power Behind The Throne In China', St Louis Post-Dispatch, 5 August 1900. 

48. Michael H. Hunt, The Making of a Special Relationship: The United States and China to 1914, New York: Columbia University Press, 1983, p. 118; Chad Michael Berry, 'Looking for a Friend: Sino-U.S. Relations and Ulysses S. Grant's Mediation in the Ryukyu/Liuqiu ITIF Dispute of 1879', thesis, University of Ohio, 2014, https://etd.ohiolink.edu/!etd.send_file?accession=osu397610312&disposition=inline

49. Richard J. Smith, ‘Li Hung-chang's Use of Foreign Military Talent: The Formative Period, 1862-1874’, in Chu, Samuel C. and Kwang-ching Liu (eds), Li Hung-chang and China's Early Modernization, London: M.E. Sharpe, 1994, p. 137. 

50. J. K. Fairbank and Merle Goldman, China: A New History, Cambridge, MA: Harvard University Press, 2006, p. 196. 

51. J. L. Cranmer-Byng, “The Chinese View of Their Place in the World: An Historical Perspective', China Quarterly, 53 (January, March 1973), pp. 67–79. 

52. Jennifer Wayne Cushman, Fields From the Sea: Chinese Junk Trade with Siam During the Late Eighteenth and Early Nineteenth centuries, Ithaca, NY: Cornell University Press, 1993, pp. 137–41. 

53. Takeshi Hamashita 'The Tribute Trade System and Modern Asia', chapter 6 in Kenneth Pomeranz (ed.), The Pacific in the Age of Early Industrialization, Farnham: Ashgate, 2009. 

54. Hyman Kublin, "The Attitude of China during the Liu-ch’iu Controversy, 1871– 1881', Pacific Historical Review, 18/2 (May

1949), pp. 213-31. 

55. Liu, Clash of Empires, p. 106; Svarverud, International Law as World Order, p. 93. 

56. Li Hongzhang, Fu He Zi’e' 覆何子峨 ('Reply to He Zi'e [He Ru Zhang]'), 30 May 1878, in Li Wenzhong gong quanzi: Yeshu han’gao 李文忠公全集:譯署函稿 (Complete Works of Li Wenzhong [Li Hongzhang]: Translation Office Letters), vol. 5, Taipei: Wenhai chubanshe (1962), 8/4, p. 191. 

57. The Sino-Japanese Friendship, Commerce and Navigation Treaty, 13 September 1871 http://www.fas.nus.edu.sg/hist/eia/documents_archive/tientsin-treaty.php 

58. Letter from Ulysses S. Grant to Adolph E. Borie, 6 June 1879, The Papers of Ulysses S. Grant: October 1, 1878-September 30, 1880, p.146, https://books.google.co.uk/books?id=3zBLjHeAGBOC&l 

59. Hunt, Making of a Special Relationship, p. 121.

60. Charles Oscar Paullin, ‘The Opening of Korea by Commodore Shufeldt’, Political Science Quarterly, 25/3 (September 1910), pp. 470-99. 

61. The Directory and Chronicle for China, Japan, Corea, Indo-China, Straits Settlements, Malay States, Sian, Netherlands India, Borneo, the Philippines, &c, Hongkong Daily Press Office, 1882, p. 319; U.S. Government Printing Office, 1876 House Documents, Volume 15; Volume 284, p. 263. 

62. Oscar Chapuis, The Last Emperors of Vietnam: From Tu Duc to Bao Dai, Westport, CT: Greenwood Press, 2000, p. 61. 

63. Bradley Camp Davis, Imperial Bandits: Outlaws and Rebels in the China-Vietnam Borderlands, Seattle: University of Washington Press, 2016. 

64.  'Peking Dispatch no. 230 (confidential)', 8 August 1883, quoted in Robert Hopkins Miller, The United States and Vietnam 1787–1941, Forest Grove, OR: University Press of the Pacific, 2005, pp. 95-6. 

65. K. W. Taylor, A History of the Vietnamese, Cambridge: Cambridge University Press, 2013, p. 475. 

66. The Directory and Chronicle for China, Japan, Corea, Indo-China, Straits Settlements, Malay States, Sian, Netherlands India, Borneo, the Philippines &c, Hongkong Daily Press Office, 1888. 

67.J.J.G. Syatauw, Some Newly Established Asian States and the Development of International Law, The Hague: Martinus Nijhoff, 1961, p. 123; Frank Trager, 'Burma and China', Journal of Southeast Asian History, 5/1 (1964), p. 39. 

68. Paine, Sino-Japanese War of 18941895, p. 191. 

69. Ibid., p. 121.

70. Niki Alsford, Transitions to Modernity in Taiwan: The Spirit of 1895 and the Cession of Formosa to Japan, London: Routledge, 2017. 

71.  Yi Wang, Wang Huning: Xi Jinping's Reluctant Propagandist, www.limesonline.com , 4 April 2019, http://www.limesonline.com/en/wanghuning-xi-jinpings-reluctant-propagandist 

72. Haig Patapan and Yi Wang, ‘The Hidden Ruler: Wang Huning and the Making of Contemporary China', Journal of Contemporary China, 27/109 (2018), pp. 54-5.

_____

Xem bản song ngữ: Chapter 2: The Invention of Sovereignty

Lời mở đầu                  Chương 5                

Chương 2                     Chương 6               

 Chương 1                    Chương 7                  

 Chương 3                    Chương 8                              

 Chương 4                   Kêt luận.