Chương 3
SÁNG CHẾ TỘC HÁN
Zhongzu - chủng tộc
Chỗ ở của Tổng lãnh sự Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) tại San Francisco là một trong những khu bất động sản thông minh nhất trong thành phố. Số 85 St Elmo Way nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ nhìn xuống Thái Bình Dương, ban đầu được xây dựng cho nhà phát triển của khu dân cư giàu có Monterey Heights. Khu vườn của nócó hai cây bách lớn che bóng mát và các bậc thang dẫn đến ngôi nhà có một cặp sư tử đá lớn chầu hai bên. Tổng thể đó là một địa điểm ấn tượng cho việc mở tiệc tùng. Ngày 5 tháng 12 năm 2015, nhân dịp buổi tiếp đón các bậc cha mẹ có con nuôi từ Trung Quốc (TQ) ở Bay Area, Tổng lãnh sự TQ, Luo Linquan (罗林泉: La Lâm Toàn) có điều mà ông gọi là 'thông điệp đặc biệt’ cho nhóm trẻ em đến dự: 'Các cháu lớn lên nói tiếng Anh, sống trong gia đình người Mĩ và có cha mẹ yêu dấu người Mĩ. Tuy nhiên, đôi mắt đen, mái tóc đen và làn da xạm của cháu đều nhắc nhở rằng cháu là người TQ. Tôi muốn cho các cháu biết rằng TQ, đất nước các cháu sinh ra, không bao giờ quên các cháu,' ông nói với chúng. Ông tìm cách lôi kéo công dân TQ không phải dựa trên hộ chiếu mà lôi kéo công dân nước ngoài mà dựa trên chủng tộc của họ.1
Trước đó vài tháng, một nhà ngoại giao TQ khác đã gây ra một sự cố quốc tế khi bày tỏ tình cảm tương tự. Đại sứ TQ tại Malaysia, Huang Huikang (黄惠康: Hoàng Huệ Khang), đã tổ chức một cuộc dạo chơi dọc theo Phố Petaling, trung tâm của Khu Phố Tàu ở Kuala Lumpur. Việc định ngày giờ đã được cân nhắc. Ngày 25 tháng 9 năm 2015 trước ngày những người theo chủ nghĩa sô-vanh dân tộc-Mã Lai định diễu hành qua khu vực này một ngày và cộng đồng này đang ở tình trạng xung đột. Đứng giữa những gian hàng nhộn nhịp trong chợ, Hoàng Huệ Khang đọc to một phát biểu đã chuẩn bị trước. ‘Đối với hành vi xâm phạm lợi ích quốc gia của TQ, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp TQ có thể gây tổn hại đến mối quan hệ hữu nghị giữa TQ và nước sở tại, chúng tôi sẽ không ngồi yên', ông nói với các nhà báo. 'TQ mãi mãi là quê hương của người gốc Hoa ở Malaysia.' Các cửa hàng và quầy hàng dọc phố Petaling không do công dân TQ mà chủ yếu do công dân Malaysia gốc Hoa điều hành. Đại sứ Khang không có quyền hạn cũng như không có trách nhiệm đối với cộng đồng này nhưng đã tự mình lên tiếng bênh vực các thành viên chủng tộc TQ'.2
Vào năm 2014, 'Vụ Hoa kiều’ của chính phủ TQ đã công bố kế hoạch tạo ra một mạng lưới toàn cầu gồm các' Trung tâm Dịch vụ Hoa kiều' ở 60 nước trên thế giới.3 Tại thời điểm viết bài, mạng lưới này đã có văn phòng ở ít nhất 60 thành phố: từ London và Paris đến Houston, Caracas, Cape Town, Yangon và nhiều nơi nữa. Trong khi nhiều quốc gia duy trì các văn phòng lãnh sự để trợ giúp công dân của họ ở nước ngoài, mục đích của các Trung tâm Dịch vụ Hoa kiều lại hoàn toàn khác. Năm 2018, trách nhiệm của Vụ Hoa kiều được chuyển từ chính phủ TQ sang 'Ban Công tác Mặt trận Thống nhất’ - tổ chức của Đảng Cộng sản TQ có nhiệm vụ chính thức là xây dựng sự ủng hộ cho Đảng Cộng sản và vô hiệu hóa kẻ thù chính trị của Đảng. Điều 31 trong bộ các quy định của Đảng Cộng sản được ban hành vào tháng 9 năm 2015 nêu rõ rằng một trong những mục tiêu chính của Mặt trận Thống nhất 'là sử dụng Hoa kiều để giúp phát triển và hiện đại hóa đất tổ ... đánh bại chủ trương li khai của Đài Loan và thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân TQ với nhau, giữa nhân dân TQ và thế giới'.4. Mặt trận Thống nhất được nhân vật quyền lực thứ tư trong Bộ Chính trị của đảng trực tiếp giám sát, và một sách hướng dẫn về Mặt trận Thống nhất được tờ Financial Times xem được vào năm 2017 đã nói rõ rằng: “Sự đoàn kết của người TQ trong nước đòi hỏi sự đoàn kết của con cái người Hoa ở nước ngoài.'5 Rõ ràng là Đảng Cộng sản có ý định sử dụng những người mà họ gọi là ‘người TQ ở nước ngoài' (overseas Chinese) trong việc ủng hộ các chủ trương của họ cả trong lẫn ngoài nước.
Cụm từ tiếng Anh 'overseas Chinese' rất nhập nhằng. Nó có thể chỉ cả công dân của CHNDTH ở nước ngoài lẫn những người có tổ tiên là người TQ vốn là công dân của các nước khác. Trong tiếng Trung có hai từ khác nhau tương ứng với mỗi nhóm này, waiji huaren (外籍華人: ngoại tịch hoa nhân) và huaqiao (hoa kiều), nhưng các quan chức TQ hiếm khi sử dụng cụm từ đầu. Trong hết phát biểu này đến phát biểu khác, họ thể hiện sự hiểu biết về tính TQ (Chinese-ness) rõ ràng là theo chủng tộc. Đó không phải là về việc một ai đó giữ hộ chiếu nào mà là về ‘huyết thống’ của họ.
Từ mà các quy định của Mặt trận Thống nhất sử dụng cho người TQ ở nước ngoài là huaqiao (Hoa kiều). Như chúng ta đã thấy trước đó, cái tên hua (Hoa) nổi lên như một mô tả văn hóa có nghĩa đen là ‘nở hoa’ (efflorescent) hoặc ‘văn minh’ (civilised), nhưng nó đã được dùng để chỉ người TQ. Qiao (kiều) có nghĩa là ‘người tạm trú' (sojourner) - người tạm thời rời khỏi đất nước và một ngày nào đó sẽ trở về. Khi Tập Cận Bình đọc bài phát biểu bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ 19 vào tháng 10 năm 2017, ông đã sử dụng cụm từ haiwai qiaobao (海外侨胞: hải ngoại kiều bào) - nghĩa đen là 'anh chị em ở nước ngoài'. Ý nghĩa là như nhau: không kể tổ tiên của một người nào đó rời khỏi nước bao lâu, hoặc đã là công dân của một nước khác bao nhiêu thế hệ, họ vẫn còn là Hoa và vẫn có nghĩa vụ đối với quê cha đất tổ. TCB nói với đại hội rằng: 'Mục đích của việc làm việc với kiều bào hải ngoại là thúc đẩy sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa [Zhonghua minzu ].'6
Người có uy tín hàng đầu về lịch sử của Hoa kiều, giáo sư Wang Gungwu (王赓武: Vương Canh Vũ) thuộc Viện Đông Á ở Singapore, lập luận rằng từ hoa kiều được đặt ra vào đầu thế kỉ XX vì các lí do chính trị.7- Cho đến tận năm 1893, sẽ bị coi là bất hợp pháp khi thần dân nhà Thanh rời khỏi đế chế mà không được cho phép. Những người đã ra nước ngoài để buôn bán hoặc làm việc thường bị coi là những kẻ sống ngoài vòng pháp luật hoặc thậm chí là những kẻ phản quốc. Trong thế kỉ 19, khi số người rời khỏi đất nước bất hợp pháp bắt đầu tăng lên, một thái độ cảm thông hơn đã xuất hiện trong công chúng. Việc gọi họ là hua-ren (hoa nhân) hoặc hua-min (hoa dân)- ''dân hoa' - để phân biệt họ với những người ngoại quốc man di đã trở nên thông dụng. Thái độ chính thức đối với họ bắt đầu thay đổi từ những năm 1870 khi các nhà ngoại giao đầu tiên của nhà Thanh được cử ra nước ngoài và biết được điều kiện sống thường khốn khổ của những người di cư. Một trong số đó là Huang Zunxian (黃遵憲: Hoàng Tuân Hiến), nhà cải cách mà chúng ta đã gặp ở Chương 1, người đã từng làm việc ở Tokyo, San Francisco, London và Singapore, đặt ra từ hoa kiều có hàm ý rằng những người di cư chỉ ở nước ngoài tạm thời và trong trường hợp cần thiết và họ xứng đáng được bảo vệ chính thức. Từ năm 1902, triều đình nhà Thanh bắt đầu yêu cầu các nhà ngoại giao của mình gửi báo cáo chính thức về điều kiện sống của họ.
Tuy nhiên, từ Hoa kiều chỉ được sử dụng phổ biến sau năm 1903 khi các nhà cách mạng muốn lật đổ nhà Thanh sử dụng nó như một phương tiện để tôn vinh các cộng đồng ở hải ngoại vốn là nguồn bảo trợ chính cho họ. Một trong những nhà tuyên truyền hàng đầu của họ, Zou Rong (鄒容: Trâu Dong), 18 tuổi, đã viết một bài tiểu luận mang tính dân tộc, ‘Quân Cách mạng’ (革命軍: Geming Jun), khi còn là một sinh viên ở Nhật Bản. Một sinh viên ở Nhật Bản khác, Zhang Binglin (章炳麟: Chương Bỉnh Lân), đã sáng tác ‘Bài ca cách mạng’ . Trong cả hai bài, họ đều hô hào đồng hương hoa kiều của mình ngưng hưởng thụ sự giàu có vô nghĩa, nhận lấy nguồn gốc chủng tộc và lật đổ bọn áp bức Mãn Thanh. Bài luận thuyết của Dong đã được tái bản hàng chục lần trong thập kỉ sau đó và bài hát của Lân được biểu diễn vô số lần. Từ hoa kiều đã trở thành phần chủ chốt trong lời kêu gọi của các nhà cách mạng tới các nhà tài trợ của họ ở nước ngoài. Từ này nói với họ rằng họ là một phần của một cộng đồng người hoa toàn cầu và phải có bổn phận đối với nó.
Một phần để cố chống lại lời kêu gọi này, và một phần là do các động thái của các chính quyền thuộc địa khác ở Đông Nam Á trong việc cấp cho hoa nhân quyền công dân địa phương, chính phủ nhà Thanh đã thông qua Luật Quốc tịch vào năm 1909. Luật này dựa trên quan hệ huyết thống - nguyên tắc jus sanguinis - rằng quyền công dân có được là theo tổ tiên, không phải theo nơi sinh ra. Luật nói rằng ngay cả khi hoa nhân lấy quốc tịch địa phương, họ sẽ vẫn trở thành thần dân của nhà Thanh nếu họ về 'nước'. Nói cách khác, định nghĩa thần dân nhà Thanh đã trở thành một định nghĩa chủng tộc.8 Điều này đã tạo ra nhiều vấn đề cho hoa nhân ở Đông Nam Á trong suốt những thập kỉ sau đó. Tình trạng công dân kép của họ vừa là công dân thực tế của quốc gia mà họ sinh sống nhưng cũng là công dân tiềm năng của TQ đã trở thành nguyên nhân gây nghi ngờ. Mãi đến những năm 1970, ở Đông Nam Á nền chính trị thời Chiến tranh Lạnh bắt buộc hầu hết các hoa nhân phải có quốc tịch địa phương và phải để quan hệ của họ với TQ trở nên héo tàn. Vào khoảng thời gian đó, từ hoa kiều phần lớn đã không còn được sử dụng ở Đông Nam Á để được thay thế bằng từ ít nặng nề hơn huayi (華裔: hoa duệ - con cháu người hoa).9. Tuy nhiên, khái niệm mang tính chủng tộc về bản sắc Hoa kiều vẫn tồn tại ở chính TQ và đã trỗi dậy trở lại với sự đi lên của Tập Cận Bình và Mặt trận Thống nhất đầy quyết đoán. Nó có khả năng tạo ra những vấn đề mới cho người TQ ở nước ngoài. Ngày 1 tháng 2 năm 2018, TQ bắt đầu cấp giấy phép cư trú 5 năm cho Hoa kiều. Các quy định về thị thực hiện nay nói rằng người nộp đơn chỉ cần một tổ tiên người TQ là đủ điều kiện và không giới hạn số thế hệ tổ tiên có thể đã sống ở TQ. Các quan chức TQ thường mô tả cộng đồng người TQ ở nước ngoài là 60 triệu người.10 CHNDTH hiện dường như đang coi tất cả số đó là ‘dân TQ’.
Thái độ sở hữu chủ đối với người TQ ở nước ngoài nổi lên từ nhiều tranh luận trước đó, một thế kỉ trước, về việc tính TQ nên được định nghĩa như thế nào. Trong bối cảnh của thời đại, và dưới ảnh hưởng nặng nề của các tư tưởng châu Âu, bản sắc đã trở nên có tính chủng tộc. Vai chính trong quá trình này do hai nhân vật mà chúng ta vừa gặp, Hoàng Tuân Hiến và Chương Bỉnh Lân, đảm nhận. Chương này kể câu chuyện về các đóng góp của họ trong quá trình sáng chế ra hai chủng tộc: đầu tiên là ‘ tộc da vàng’ và sau đó là "tộc Hán".
Năm 1855, những tranh chấp âm ỉ kéo dài giữa các cộng đồng ở tỉnh Quảng Đông phía nam đã nổ ra thành một cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 12 năm. Hai nhóm đối thủ được biết đến tại địa phương là người Hakka (客家: Khách Gia)- nghĩa đen là ‘người khách’ - và người Punti (本地: Bản Địa)- nghĩa đen là người ‘tại chỗ'. Hai cái tên cho thấy cơ sở của cuộc xung đột: người Bản Địa tự coi mình là cư dân tại chỗ của tỉnh, với các quyền được thiết lập từ lâu đối với các vùng màu mỡ và thịnh vượng hơn của nó. Người Khách Gia đã di cư vào khu vực này trong vài thế kỉ và bị hạn chế ở những khu vực kém màu mỡ và xa xôi hơn. Người Bản Địa coi thường người di cư Khách Gia bằng các từ ngữ phân biệt chủng tộc: thực tế gọi họ là chó. Không như người Bản Địa, phụ nữ Khách Gia làm việc cùng với đàn ông và không bó chân. Làm việc chăm chỉ đã cho phép họ cải thiện vị trí xã hội và, trong một nỗ lực cải cách xã hội vào thế kỉ 19, chính quyền nhà Thanh đã khuyến khích một số người Khách Gia di cư đến các khu vực giàu có hơn. Kết quả là sự cạnh tranh về tài nguyên ngày càng tăng - với những hậu quả có thể đoán trước được. Dọc theo nhánh tây của sông Châu Giang, hai cộng đồng đối địch này đã tự vũ trang và cuối cùng tấn công lẫn nhau. Trong thập kỉ tiếp theo , cuộc chiến tranh Khách Gia - Bản Địa đã giết chết hơn 100 000 người.11 Cuộc chiến trở nên bao trùm trong Loạn Thái Bình (xem Chương 2) và chỉ bị quân chính phủ dập tắt bằng bạo lực đáng kể.
Cho đến ngày nay, có những ngôi làng lân cận ở Quảng Đông với dân Bản Địa và Khách Gia vẫn còn chia rẽ bởi di sản của cuộc chiến tranh thế kỉ 19 đó. Người Bản Địa vẫn coi thường người Khách Gia và người Khách Gia vẫn than phiền về sự phân biệt đối xử. Ngôn ngữ họ nói, tiếng Quảng Đông và tiếng Hẹ, phần lớn không thể hiểu được với nhau và hai cộng đồng này theo các tôn giáo khác nhau và tuân theo các phong tục xã hội khác nhau. Họ khác với nhau nhiều hơn, chẳng hạn, người Serb với người Croatia ở Balkan. Tóm lại, họ là hai tộc người khác nhau. Vào năm 1905, một sách giáo khoa mới của Quảng Đông đã nói rõ ràng rằng hai nhóm trên thực tế là hai chủng tộc khác nhau. Trong thời kì cách mạng đầy biến động, hệ lụy là khả năng gây ra diệt chủng. Nó đã kích động các thành viên nổi trội của cộng đồng người Khách Gia cố chứng tỏ rằng sách giáo khoa sai: đó là người Khách Gia có cùng nguồn gốc với người Quảng Đông / Bản Địa và do đó cũng giống như một thành phần trong cùng một chủng tộc.12 Người đề xuất chủ chốt cho sự bênh vực này là Hoàng Tuân Hiến, lúc đó là một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu và cũng là một nhà thơ đáng kính. Thật phù hợp khi đây sẽ là sự can thiệp cuối cùng của Hoàng Tuân Hiến vào cuộc sống công cộng bởi vì, có thể nói, ông là người đầu tiên đưa cách nghĩ chủng tộc hiện đại vào TQ. Ông đã giới thiệu với những người đồng hương của mình ý tưởng về 'chủng tộc da vàng'.
Lí do tại sao người châu Âu bắt đầu nghĩ về người Đông Á như người ‘da vàng' vẫn còn mờ mịt. Michael Keevak thuộc Đại học Quốc gia Đài Loan đã truy ra ý tưởng này khởi nguồn từ nhà thực vật học thế kỉ 18 Carl Linnaeus, người đã cố phân loại tất cả các dạng sống và tạo ra một loại đặc biệt cho Homo asiaticus có đặc điểm xác định là 'tính vàng' (yelllowness). Sau đó, vào thế kỉ 19, nhà nhân chủng học người Pháp Paul Broca đã tìm cách đo lường và chuẩn hóa màu da và tuyên bố 'người Mông Cổ' có da vàng. Tuy nhiên, điều này dựa trên việc phát minh ra ý tưởng rằng ngay từ đầu đã có một nhóm người được gọi là 'người Mông Cổ'. Đó là một sáng kiến của nhà giải phẫu học người Đức Johann Friedrich Blumenbach, một trong những nhà sưu tập sọ người giỏi nhất thế kỉ 18. Trong bản in năm 1795 của cuốn sách De generis human varietate nativa , ông lập luận rằng các góc cạnh trên khuôn mặt những hộp sọ này chứng tỏ sự tồn tại của một hệ thống thứ bậc về chủng tộc. Ông tuyên bố sự tồn tại của 5 chủng tộc riêng biệt, theo thứ tự 'thoái hóa': Da trắng (Capca), Mĩ bản địa, Malay, Mông Cổ và sau đó là châu Phi. Ông liên kết mỗi chủng tộc với một màu cụ thể: trắng, đồng, nâu vàng, vàng và đen tương ứng. Theo Keevak, đây là thời điểm mà 'chủng tộc' Mông Cổ được sáng tạo ra và được cho là da vàng. Đó là một chủng loại rộng và được định nghĩa mơ hồ nhưng Blumenbach chắc chắn rằng nó bao gồm cả người TQ và người Nhật.13
Tại sao một quan chức nhà Thanh như Hoàng Tuân Hiến lại nghĩ người dân của mình là một phần của 'chủng tộc da vàng' là một câu chuyện thậm chí còn phức tạp hơn. Trên khắp Đông Á, đã có những truyền thống lâu đời về việc tôn kính tổ tiên và truy tìm gốc gác dòng họ từ quá khứ sâu xa. Từ tiếng Trung cho dòng họ là zu (族: tộc).14. Một trong những nhà sử học hàng đầu trong thời kì này, Pamela Kyle Crossley, đã lập luận rằng dưới thời hoàng đế Càn Long, vào cuối thế kỉ thứ 18, Nhà Thanh đã chuyển sang phân loại chủng tộc rõ ràng đối với các thần dân của mình. Thuật ngữ mà họ chọn sử dụng cũng là tộc. Kyle lập luận rằng cách dịch tiếng Anh tốt nhất cho tộc trong ngữ cảnh này là 'race’ (chủng tộc), vì nó mang trong mình ý tưởng về ‘bản sắc bất biến, được xác định theo phả hệ với các thuộc tính văn hóa, tâm lí và đạo đức cố định’.15
Các vua nhà Thanh có gốc gác từ những bộ lạc bán du mục từ những vùng đất thưa thớt dân cư dọc theo biên giới của TQ, Nga, Triều Tiên và Mông Cổ ngày nay. Vào đầu thế kỉ 17, một thủ lĩnh của một trong những dân tộc này - người Jurchen (女眞: Nữ Chân) - tên là Nurgaci, (努爾哈赤: Nỗ Nhĩ Ha Xích) đã thống nhất các nhóm cư dân đồng bằng khác nhau dưới sự cai trị của ông và bắt đầu mở rộng lãnh thổ của mình về phía nam. Con trai và là người kế vị của ông, Hung Taiji (皇太極: Hồng Thái Cực) , tiếp tục quá trình này và ra lệnh rằng từ đó trở đi Nữ Chân phải tự gọi mình là Manju (滿族: Mãn tộc), hay trong tiếng Anh là 'Manchu'. Ông cũng chọn một cái tên mới cho triều đại của mình: Qing (清: Thanh), nghĩa là 'trong trẻo'. Năm 1635, để củng cố quyền lực của mình, Hồng Thái Cực đã chia thần dân của mình thành các nhóm quân sự, được gọi là 'kì':(旗: cờ) một nhóm cho người Mãn, một nhóm cho người Mông Cổ và nhóm khác cho những người định cư đã trung thành với ông. Nhóm cuối này được gọi là Han-jun (漢軍: Hán quân). Jun có nghĩa là 'lính’ và từ Hán là một mô tả về dân tộc - nhưng nó không phải là một từ được sử dụng bởi những người được gọi là Hán . Nhà nghiên cứu Yang Shao-Yun (楊劭允: Dương Thiệu Duẫn) ở Singapore đã lập luận rằng việc sử dụng cái tên Hán đã xuất hiện trong một dân tộc Nội Á, người Xianbi (鮮卑: Tiên Ti), vào thế kỉ 4 hoặc 5 CN. Người Tiên Ti có một kí ức dân gian về thời Tiền Hán và sử dụng cùng cái tên này để mô tả những người sống dọc theo biên giới phía nam của họ. Từ Tiên Ti, cái tên này sau đó lan sang các nhóm du mục Nội Á khác: Khitan (Khiết Đan), Mông Cổ và Nữ Chân.16 Như chúng ta đã thấy trong Chương 1, Hán không phải là một từ đã được chính 'người Hán' sử dụng; họ thường tự gọi mình là thần dân của một triều đại cụ thể hay tổng quát hơn là Hoa - văn minh.
Vì vậy, ngay cả trước khi người Mãn Châu chinh phục Bắc Kinh và lật đổ nhà Minh vào năm 1644, họ đã tạo ra một hình thức phân loại trong cấu trúc nhà nước của họ. Các đơn vị kì khác nhau được giữ tách biệt với dân thường. Các chủng loại Mãn (từ Mãn tộc) và Hán quân không được xác định chính thức nhưng có ranh giới giữa họ dựa trên tổ tiên của các thành viên của họ. Quan trọng hơn là ranh giới giữa các đơn vị kì - những người được gọi chung là qi (旗: kì) - và phần còn lại của dân số, những người được gọi là thường dân - min (民: dân). Tuy nhiên, từ giữa thế kỉ 18 trở đi, triều đình chuyển sang phân định chính thức sự khác biệt trong dân số. Điều này có thể đã được thúc đẩy bởi sự gần gũi mà những kẻ chinh phục và người bị chinh phục thấy mình đang sống với. Kỉ luật trong người Mãn đang bị phá vỡ, sự vi phạm luật lệ ngày càng gia tăng và phản ứng của triều đình là áp đặt trật tự thông qua sự tách biệt. Như nhà sử học Edward Rhoads đã chỉ ra, những quy định này kéo dài đến tận thập niên 1900: người Mãn buộc phải sống trong các khu riêng biệt, thường có tường bao quanh của thành phố, họ chính thức bị cấm tham gia buôn bán và việc kết hôn giữa kì và dân cũng bị cấm.17
Do đó, việc sử dụng từ Hán như một dấu hiệu chủng tộc dường như đã bắt đầu từ các nhà cai trị nước ngoài từ phía bắc xâm lược 'đất Hán': Tiên Ti, Mông Cổ và Mãn Châu. Đó là cách họ mô tả các thần dân mới bị chinh phục. Tuy nhiên, một khi đã trở thành vua của người Hán, họ cẩn thận chứng tỏ tính hợp pháp của mình với người dân bị chinh phục qua việc áp dụng bề ngoài các nghi lễ của chính quyền truyền thống Sinitic (Trung Hoa) tại các khu vực 'đất Hán' trong đại quốc của họ. Qua việc tuân theo những nguyên tắc này, họ có thể tự coi mình là văn minh theo ngôn ngữ của Nho giáo: hợp nhất chính họ và thần dân của họ dưới cái lộng của từ Hoa. Nhưng qua việc duy trì địa vị riêng biệt và đặc quyền của họ như là kì, giới tinh hoa người Mãn đã tạo điều kiện cho một cuộc cách mạng dựa trên chủng tộc vào đầu thế kỉ 20.
Vào giữa thế kỉ 19, việc các nhà lí thuyết xã hội châu Âu thuộc mọi loại nhìn thế giới theo khía cạnh chủng tộc đã trở thành thông lệ. Trong số những người có ảnh hưởng nhất là nhà triết học và tự nhiên học người Anh Herbert Spencer, người đã cấy khái niệm tiến hóa trong sinh học vào xã hội học. Mục đích của Spencer là mô tả cách xã hội có thể tiến tới sự hoàn hảo thế nào. Ông lấy ý tưởng từ Charles Darwin và Jean-Baptiste Lamarck về tác động của áp lực tiến hóa đối với các cá nhân và áp dụng chúng cho toàn nhóm. Chính ông chứ không phải Darwin, là người vào năm 1864 đã đặt ra cụm từ 'sự sống sót của những người thích nghi nhất'. Spencer đã mượn tiểu tựa của quyển On the Origin of Species (Về nguồn gốc các loài) của Darwin - 'sự bảo tồn các chủng tộc được ưu ái trong cuộc đấu tranh sinh tồn' - và biến nó thành trọng tâm trong lí thuyết xã hội của mình.18 Toàn bộ cách nhìn của ông được hình thành dựa trên tư duy chủng tộc : ‘Sự tương phản giữa các chủng tộc về hình dạng, màu da và đặc điểm, không lớn hơn sự tương phản về phẩm chất đạo đức và trí tuệ của họ', như ông đã đưa nó vào tác phẩm lớn đầu tiên của mình, Social Statics (Tĩnh học xã hội), xuất bản lần đầu vào năm 1851.19
6. Nhà ngoại giao kiêm nhà thơ Hoàng Tuân Hiến (giữa) cùng một số người trong gia đình. Ông là một trong những người tiên phong trong tư tưởng chủng tộc da vàng vào cuối thời nhà Thanh nhưng sau đó đã giúp đảm bảo rằng người Hakka (Khách Gia) được xếp loại là một phần của 'tộc Hán'.
7. Sự phát triển của tư duy tiến hóa ở Trung Quốc. Charles Darwin cho rằng có một cuộc đấu tranh sinh tồn giữa các cá thể trong một loài. Nhà cải cách xã hội người Anh Thomas Huxley đã chuyển điều này thành một cuộc cạnh tranh giữa các nhóm. Nghiêm Phục lấy ý tưởng của Huxley để lập luận rằng khoa học đã chứng minh rằng ‘chủng tộc da vàng’ bị khóa trong cuộc chiến sống mái với ‘chủng tộc da trắng’
Ý tưởng của Spencer đã vượt ra khỏi nước Anh. Chúng đã được một số người nhiệt tình chấp nhận ở Hoa Kì và cả ở Nhật Bản nơi mà ý tưởng này đến đó vào thời kì lên men chính trị. Ít nhất 32 bản dịch các tác phẩm của Spencer đã được xuất bản bằng tiếng Nhật từ năm 1877 đến năm 1900 và nhiều bài báo ngắn hơn của ông đã được đăng lại trên các báo và tạp chí. 20 Ý tưởng của Spencer đã nuôi dưỡng phong trào 'Tự do và Dân quyền' của Nhật Bản, một liên minh mới của các thương nhân và những người nông dân giàu đang đòi giải phóng khỏi kiểu cách phong kiến cũ và quyền lớn hơn cho cá nhân. Giới tinh hoa truyền thống đã giữ vững lập trường của mình trong một thời gian và những tranh luận về những ý tưởng của Spencer đã thống trị đời sống chính trị Nhật Bản trong hai thập niên 1870 và 1880.
Quan sát cặn kẽ cảnh tượng đảo lộn này là nhà ngoại giao bậc ba tại Phái bộ TQ ở Nhật Bản, Hoàng Tuân Hiến. Hiến khác thường theo một số cách. Ông là một người Khách Gia gốc ở Quảng Đông và gia đình của ông đã kiếm tiền từ kinh doanh - đặc biệt là cho vay tiền - trước khi mất gần hết trong Loạn Thái Bình thiên quốc và cuộc chiến Khách Gia - Bản Địa. Năm 1870, ông đã đến thuộc địa Hong Kong của Anh, vừa thấy ấn tượng lẫn bị xúc phạm bởi sự sang trọng và phức hợp của một thành phố ngoại quốc nằm trong vương quốc nhà Thanh. Điều đó dường như đã gây ra cảm giác thất vọng đối với các thư lại nhà Thanh và sự thiếu hiểu biết của họ về thế giới bên ngoài đai dương. Ông đã thể hiện điều này trong những bài thơ ông viết cho bạn bè của mình. Tuy nhiên, đến năm 1876, ông sống ở Bắc Kinh và lo học chuẩn bi kì thi của triều đình. Cha ông, đang làm quan chức trong Bộ Nông nghiệp ở đó, đã đưa ông đến Chefoo (芝罘/ Zhifu: Chi Phù; nay được gọi là Yên Đài), ở đó Hiến gặp Li Hongzhang (李洪章: Lí Hồng Chương), lúc đó đã vững vàng là tổng đốc của Zhili (直隸: Trực Lệ) và phụ trách các cảng phía Bắc. Việc được giới thiệu với Lí Hồng Chương và những người thân cận của ông cuối cùng đã mở ra cánh cửa dẫn vào con đường làm quan chức nhà Thanh. Sau 9 năm học tập, Hiến đã đỗ các kì thi của triều đình.
Từ những bài thơ ông sáng tác vào thời điểm đó, có vẻ như Hiến đã coi mình như một đồng minh của Lí Hồng Chương và những nỗ lực của những người tự cường nhằm hiện đại hóa đất nước. Theo quan điểm của học giả Nhật Bản Noriko Kamachi, Hiến là một trong những thư lại đầu tiên công khai thách thức khái niệm 'nước trung tâm’ của nhà Thanh. 'Bây giờ thế giới là một, đừng quá tự quan trọng về trung quốc,' ông viết năm 1876. Trong thời kì này, thơ ông hướng đến một kỉ nguyên mới về tình bạn giữa người dân Đế quốc Thanh và người nước ngoài - 'Đông Tây một nhà', một dòng thơ ghi. Cảm giác hi vọng này, kết hợp với sự trợ giúp từ những người bạn mới quyền thế của mình, đã khiến ông tìm kiếm công việc không phải trong bộ máy chính phủ ở trong nước mà là trong phái đoàn đi nước ngoài đầu tiên của nhà Thanh. Một người bạn của cha ông, một người Khách Gia khác, đã được cử làm trưởng phái đoàn đi Nhật Bản và một mực yêu cầu Hiến phải đi cùng trong vai trò cố vấn. Đó là một công việc được trả lương cao: mỗi tháng ông kiếm được số tiền mà một quan tòa địa phương cấp thấp có thể phải kiếm trong một năm.21
Hiến đến Tokyo vào cuối năm 1877 với tư cách là một thành viên của phái đoàn ngoại giao nhà Thanh đầu tiên đến cư trú ở đó. Việc thành lập phái đoàn, trong mắt những người bảo thủ trong triều đình, là một bước đi nhục nhã: trật tự đúng lẽ là các chư hầu đến viếng hoàng đế, chứ không phải ngược lại. Nhưng ngay từ khi ông đến, Hiến thấy rõ rằng người Nhật đã áp dụng cách nhìn của châu Âu về quan hệ quốc tế: Nhật Bản coi mình ngang hàng với TQ. Tất cả những điều này Hiến đều báo cáo lại cho Lí Hồng Chương ở Thiên Tân và Zongli Yamen (總理衙門: Tổng lí nha môn, coi như ‘bộ ngoại giao’) ở Bắc Kinh. Nhưng Hiến đã làm nhiều việc hơn là soạn thảo các thư từ ngoại giao. Ông đã sáng tác những bài thơ và bắt đầu viết một cuốn sách về những cải cách của Nhật Bản. Hiến không nói được tiếng Nhật và một số quan chức và trí thức ông gặp không nói được tiếng Trung. Tuy nhiên, cả hai bên đều có thể hiểu được chữ viết tiếng Trung nên hai bên đã tthực hiện 'bút đàm': viết chữ ra giấy cho bên kia đọc.
Hiến trở thành một nhà quan sát nhạy bén, có khi là người ủng hộ và đôi khi là nhà phê bình của 'phong trào Tự do và Dân quyền’, đọc và bình luận về các tiểu luận châu Âu mà họ đã dịch và xuất bản - trong đó có tác phẩm của Herbert Spencer. Trong số những người mà ông có thảo luận với có Sone Toshitora, một cựu sĩ quan hải quân đã trở thành lãnh đạo của một tổ chức Liên Á, Shin-A sha . Sone tin rằng Nhật và TQ nên cùng nhau chống lại phương Tây và Nhật Bản nên đi đầu. Trong khi Hiến đồng ý về sự cần thiết phải hỗ trợ nhau và tham gia vào một số hoạt động của Sone, ông đương nhiên cảm thấy rằng TQ nên dẫn đầu. Tuy nhiên, ông dường như đã hấp thụ một số tình cảm 'liên Á'; Đặc biệt, ông bắt đầu sử dụng thuật ngữ Yaxiya (亞細亞: Á Tế Á ) - phiên âm tiếng Trung từ phiên âm tiếng Nhật của từ phương Tây 'Asia'. Ông tin rằng người châu Á đang phải chịu đựng sự săn đuổi của phương Tây và họ nên đoàn kết nhau để chống lại.
Vào mùa xuân năm 1879, Hiến đã trình bày một tuyển tập gồm 154 bài thơ, cùng với nhiều bài bình luận khác nhau về sự hiện đại hóa thần kì của Nhật Bản cho Tổng lí nha môn. Nó được Tongwen Guan (同文館: Đồng Văn quán / Trường Cao đẳng Phiên dịch ở Bắc Kinh) xuất bản vào mùa đông năm đó. Quan trọng hơn, nó đã được tái bản vào năm sau bởi một tờ báo tiếng Trung có trụ sở tại Hồng Kông, Xunhuan Ribao (循環日報: Tuần Hoàn nhật báo: Hsünhuan Jih-pao), do Wang Tao (王韜: Vương Thao), một trong những nhà cải cách lưu vong nổi tiếng nhất thời kì này biên tập.
Quan điểm của Hiến bắt đầu đến được với nhiều đối tượng. Một trong những bài thơ đầu tiên trong tuyển tập mô tả người TQ và Nhật có 'cùng văn hóa và cùng chủng tộc' - tongwen (種文:đồng văn), tongzhong (同種: đồng chủng). Đây là phiên bản tiếng Trung của một thành ngữ Nhật ngụ ý rằng hai dân tộc nên cùng nhau chống lại người da trắng. Tuy nhiên, đối với Hiến, nó có một ý nghĩa khác: người Nhật là hậu duệ của người TQ.
Từ tiếng Trung mà Hiến chọn tương đương với 'chủng tộc' - zhong (種: chủng) - là một cách tân. Như nhà Hán học Frank Dikötter đã nhận xét, ban đầu nó có nghĩa là 'hạt giống' hoặc ‘giống’ khi áp dụng cho thực vật hoặc động vật. Hiến đã sử dụng nó để chỉ các loại người khác nhau.22 Trong một bài thơ khác, viết ở Nhật Bản nhưng chỉ được xuất bản sau đó, ông đã đề cập rõ ràng đến 'chủng tộc da vàng'. ‘Các nước phương Tây trở nên mạnh hơn và hung hăng hơn; họ biến người da đen thành nô lệ và dần dần tới quanh chủng tộc da vàng' ông viết trong 'Cherry Blossoms' (Đào nở).23 Chính thông qua con đường quanh co này mà ý tưởng của Herbert Spencer về chủng tộc bắt đầu được chuyển tới một đối tượng mới: những người đang đòi cải cách hệ thống chính trị nhà Thanh.
Hiến tiếp tục hoàn thiện Nhật Bản luận trong một thập kỉ nữa, đồng thời viết và xuất bản những bài thơ mới. Tuy nhiên, bến đỗ tiếp theo trong sự nghiệp ngoại giao của ông sẽ làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của ông về chủng tộc. Ông tin rằng cạnh tranh, chứ không phải hợp tác, là trật tự quốc tế tự nhiên và chỉ những người khoẻ nhất mới tồn tại được. Giống như Herbert Spencer, ông đã trở thành một người theo 'thuyết Darwin xã hội'. Ngày 30 tháng 3 năm 1882 Hiến đến San Francisco để đảm nhận chức vụ Tổng lãnh sự TQ tại thành phố này. Không giống như những người kế nhiệm hiện đại, ông không được sống ở một nơi xa hoa của thành phố. Chỉ hơn một tháng sau khi Hiến đến, Tổng thống Chester A. Arthur đã kí Đạo luật Loại trừ TQ, cấm lao động TQ nhập cư. Đây là những người đã trốn khỏi quê hương bất hợp pháp để tránh chiến tranh cùng kiếp nghèo và không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chịu đựng mức lương thấp và điều kiện tồi tệ để sống còn. Lao động có tổ chức coi họ là một mối đe dọa và đang đẩy mạnh để 60 000 công nhân TQ đã ở California phải bị trục xuất hàng loạt. Trong khi đó, lao động vô tổ chức đang gây ra vô số lạm dụng đối với từng người di cư TQ.
Đáp lại, Hiến đã viết một bài thơ dài 'bày tỏ sự phẫn nộ của tôi'. Nó cho thấy quan điểm phân biệt chủng tộc của ông về thế giới đã đông cứng lại như thế nào vào năm 1882 và có lẽ bao gồm việc một tác giả TQ sử dụng lần đầu tiên cụm từ: 'chủng tộc da vàng':
Người của mọi quốc gia, dân của mọi đất nước,
Được tự do định cư ở những vùng đất biên cương.
Các chủng tộc vàng, trắng, đỏ và đen
Sẽ sống bình đẳng với người dân Mĩ ...
Trên năm châu lục, mỗi một chủng tộc chỉ nghĩ đến mình,
Họ trừ khử nhau, ghét nhau và nguyền rủa nhau.
Thế giới ngày nay không phải là một thế giới của đại hòa hợp,
Chỉ có thể dựa vào trí thông minh và sức mạnh của chính mình để tự bảo vệ trước kẻ khác ...
Thiên quốc của chúng ta và chủng tộc da vàng
Đã trở thành trò cười cho tất cả các nước trên thế giới.
(Hi vọng rằng chúng ta sẽ không quá tẻ nhạt như nô lệ Châu Phi vốn sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì do số phận mang đến.) 24
Hiến đã thực hiện nhiệm vụ tổng lãnh sự của mình ở San Francisco trong ba năm với khốn khó ngày càng tăng và sau đó từ chức trong tuyệt vọng. Tháng 9 năm 1885, gần hết nhiệm kì của ông, 28 thợ mỏ TQ đã bị một đám đông da trắng sát hại ở Rock Springs, Wyoming. Di sản của việc Mĩ đối xử với người TQ di cư sẽ làm nhiễm độc quan hệ giữa hai nước trong một thời gian dài, tạo cớ cho bạo lực chống lại các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo và các hành động chống chủ nghĩa Tây phương khác.
Thế giới quan của Hiến càng trở nên u ám hơn. Việc mất Việt Nam vào tay Pháp vào năm 1885 đã thúc đẩy ra đời một bài thơ có dòng này: ‘Kẻ yếu trở thành miếng mồi của kẻ mạnh bởi lưỡi dao chạm trổ’. Vỡ mộng, ông dành ba năm sau đó để tang cho mẹ và viết cuốn Nhật Bản luận. Cuối cùng, ông đã trình bày nó, cùng với lời giới thiệu của Lí Hồng Chương, cho Tổng lí Nha môn vào năm 1888. Tuy nhiên, Nha môn sau đó nằm dưới sự kiểm soát của những người bảo thủ, sau cuộc thanh trừng những người cải cách sau chiến tranh Trung-Pháp, và họ không quan tâm đến việc truyền bá thông điệp của cuốn sách rằng Đế chế Thanh phải noi gương Nhật Bản và phải trải qua sự thay đổi triệt để. Hiến đã thất vọng một cách cay đắng. Chuyên luận sẽ chỉ được xuất bản - bởi một công ti tư nhân ở Quảng Đông - tiếp sau Chiến tranh Trung Nhật 7 năm sau đó. Ông tự an ủi mình bằng cách tạm trú ở Bắc Kinh một năm để tìm việc làm mới ở bộ ngoại giao. Ông đã dành nhiều giờ để thảo luận với các quan chức cấp dưới, những người đồng cảm với ý tưởng của ông về cải cách, trong đó có học giả 30 tuổi, Kang Youwei (康有為: Khang Hữu Vi). Bằng cách này, nhiều ý tưởng của ông về Thuyết Darwin Xã hội và thế giới có tính chủng tộc đã trở thành một phần của phong trào cải cách sẽ phát triển trong thập kỉ sau.
Cuối cùng, Hiến đã vận động thành công và ông được bổ nhiệm làm cố vấn cho phái bộ ngoại giao TQ ở London. Ông đến đó vào tháng 3 năm 1890 nhưng nhận thấy mình không có nhiều việc phải làm: thư từ ít ỏi, ít Hoa kiều để bảo vệ và không có đủ tiếng Anh để có thể giao tiếp với người dân địa phương. Chán nản và nhớ nhà, ông chớp thời cơ rời đi và trở thành tổng lãnh sự ở Singapore vào tháng 10 năm 1891. Tại đây, ông đã gây ra xích mích nghiêm trọng với chính quyền thuộc địa Anh với việc cấp hộ chiếu TQ cho những người gốc Hoa đang sống dưới sự cai trị của Anh. Là tiền thân của những tranh chấp ngày nay, có vẻ như quan điểm dựa trên chủng tộc của ông về thế giới đã xung đột trực tiếp với quan điểm của các chính phủ khác.
Chỉ sau Chiến tranh Trung-Nhật, Hiến mới trở thành một nhân vật nổi bật. Ông được gọi về từ Singapore trong cuộc giao tranh vào tháng 11 năm 1894 và dành hai năm rưỡi tiếp theo để làm việc cho tổng đốc Liangjiang (兩江: Lưỡng Giang) - khu vực xung quanh và bao gồm cả Thượng Hải - phụ trách 'Văn phòng Ngoại giao' của cá nhân ông. Điều này giúp Hiến có nhiều cơ hội để quảng bá ý tưởng của mình và mưu sự với các quan chức cùng chí hướng. Ông trở thành một phần của nhóm 'cải cách tiệm tiến' trong bộ máy hành chính, đồng thời duy trì quan hệ với Lí Hồng Chương đang bị thất sủng. Ông gặp và trở thành bạn tốt của cây viết Liang Qichao (梁啓超: Luơng Khái Siêu), 23 tuổi và bổ nhiệm ông này làm biên tập viên của Shi Wu Bao (時務報: Thời vụ báo), một tạp chí ủng hộ cải cách mà ông đã tài trợ và đồng sáng lập. Số đầu tiên của nó được xuất bản vào ngày 9 tháng 8 năm 1896 và phát hành 10 ngày một lần cho đến khi nó bị dập tắt hai năm sau đó. Số lượng phát hành của nó đã tăng lên 10 000 và ảnh hưởng của nó - và thông qua đó là quan điểm của Siêu và Hiến - lan rộng trong giới tinh hoa có tư tưởng cải cách. Họ tranh luận về những thay đổi trong giáo dục, quản lí nhà nước và các vấn đề kinh tế. Nhưng Hiến cũng cố gắng giữ được mối quan hệ tốt đẹp với các quan chức chủ chốt trong triều đình. Cùng tháng mà tạp chí ra mắt, Hiến được triệu tập đến yết kiến riêng với hoàng đế. Hoàng đế yêu cầu ông giải thích làm thế nào mà Anh và Nhật Bản đã trở nên mạnh hơn nhà Thanh, và Hiến đã nhân cơ hội này để giảng giải về sự cần thiết của các chính sách mới. Hiến đã trở thành một trong những nhà cải cách có ảnh hưởng nhất trong đế chế. Nhưng điều đó không kéo dài.
Tháng 1 năm 1898 Khang Hữu Vi, người cổ vũ to tiếng nhất cho cải cách chính trị trong nước và là đối tác thảo luận của Hiến, được triệu tập đến Tổng lí Nha môn để giải thích các đề xuất cải cách của ông. Vào tháng Hai, vị hoàng đế 17 tuổi đòi đọc cuốn Nhật Bản luận của Hiến và vào tháng Sáu, hoàng đế đã ban hành một sắc dụ tuyên bố sự khởi đầu của cái gọi là Cải cách Trăm ngày. Khang Hữu Vi được bổ nhiệm vào Tổng lí Nha Môn và Hiến làm bộ trưởng về Nhật Bản. May thay, trước khi có thể nhận việc, Hiến bị bệnh kiết lị và đang nghỉ bệnh khi thái hậu Từ Hi và các đồng minh của bà trong số những người bảo thủ trong triều đình phát động cuộc đảo chính, bỏ tù hoàng đế và hủy phong trào cải cách. Thái hậu đã ra lệnh bắt giữ Hiến ở Thượng Hải nhưng cộng đồng phương Tây trong thành phố đã phẫn nộ trước cách đối xử với nhà cải cách nổi tiếng và cùng với chính phủ Nhật Bản, yêu cầu hủy bỏ lệnh này. Triều đình dịu đi và Hiến được phép về hưu ở quê nhà, nổi tiếng nhưng mộc mạc. Đến lúc đó, những ý tưởng của Hiến về 'chủng tộc da vàng' đã lan rộng khắp phong trào cải cách và đến tận các tầng lớp trên của bộ máy quan lại. Nhưng sau năm 1898, những người khác sẽ thúc giục cải cách, và ý tưởng về chủng tộc, theo những hướng mới.
Cái chết của cha là một bi kịch đối với Yan Fu (嚴復: Nghiêm Phục), 12 tuổi, nhưng điều đó đã đẩy anh tới con đường mà cuối cùng, khiến anh trở thành một trong những tác giả quan trọng nhất của TQ cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20. Nếu cha anh không ngã xuống, Nghiêm Phục có lẽ đã gia nhập bộ máy thư lại, nơi mà trong mọi khả năng, hoàn cảnh đã thúc đẩy anh chống lại tất cả những ý tưởng mà anh được biết đến. Thay vì vậy, anh bị ném từ cuộc sống sang cả thư sinh xuống tình trạng túng quẫn và khốn cùng. Người dạy kèm mà cha anh thuê cho đã bị cho nghỉ, mẹ anh chỉ giữ được gia đình sống với nhau qua việc bán hàng may vá và Nghiêm Phục đã lấy vợ năm 14 tuổi. Không đủ khả năng đi học theo kinh sách Nho giáo, cuộc sống tăm tối trong các thung lũng nhiều cây cối rậm rạp ở tỉnh Phúc Kiến mời mọc.25
Nhưng sau đó một trong những người bạn cũ của cha anh đã bước vào với một đề nghị được chào đón, mặc dù chỉ tốt bậc nhì. Shen Baozhen (沈葆楨: Trầm Bảo Trinh) cũng gốc Phúc Kiến, đã cùng với Zeng Guofan (曾國藩: Tăng Quốc Phiên) chiến đấu chống quân nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc và sau đó, giống như Phiên, trở thành một người ủng hộ tích cực cho chủ trương 'tự cường’ - sử dụng các phương pháp phương Tây để duy trì sự cai trị của nhà Thanh. Tuy nhiên, khi loạn Thái Bình Thiên Quốc bị nghiền nát, Trinh đã nghỉ phép để chính thức để tang mẹ mình, theo phong cách truyền thống của một nhà Nho sùng đạo. Trong khi thực hiện nhiệm vụ đối nội, những người tự cường đã thuyết phục triều đình thuê các kĩ sư nước ngoài dạy thế hệ công nhân lành nghề mới cách đóng tàu và làm ra vũ khí. Hai kho vũ khí hiện đại đã được lập: một ở Thượng Hải dưới quyền Lí Hồng Chương và kho còn lại ở Phúc Châu dưới quyền Zuo Zongtang (左宗棠雞: Tả Tông Đường, Tướng Tso [Tả]), tổng đốc Phúc Kiến và Chiết Giang. Li Hồng Chương thuê các kĩ sư và sĩ quan quân đội Anh trong khi tướng Tả (vốn ghét người Anh) thuê người Pháp. Chuyên gia của hai nước từng gây ra thất bại nhục nhã cho vương quốc Thanh vào năm 1860 nay lại được nước này thuê để xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại có thể chống lại những kẻ tấn công trong tương lai.
Tả Tông Đường cần một quan chức nhà Thanh để giám sát những người nước ngoài trong xưởng đóng tàu và vào tháng 11 năm 1866, Trinh được thuyết phục chỉ để tang nửa thời gian và trở lại công vụ.26 Trong 8 năm tiếp theo, dưới sự lãnh đạo của ông, xưởng đóng tàu Phúc Châu đã trở thành nơi Giáo sư Benjamin Elman của Princeton gọi là ‘liên doanh công nghiệp hàng đầu ở TQ cuối thời nhà Thanh’.27 Đóng tàu chỉ là một phần công việc của xưởng đóng tàu. Nó cũng được giao nhiệm vụ đào tạo những người sẽ đóng và vận hành chúng. Trở ngại đầu tiên phải vượt qua là việc tìm kiếm những ứng viên phù hợp, vì hầu hết các gia đình có giáo dục đều muốn con của họ bước vào con đường thư lại hơn là để tâm trí bị ‘Tây học' làm hoen ố. Cuối cùng, Trinh quyết định thu hút sinh viên bằng một khoản tiền hậu hĩnh và hứa hẹn về một công việc được trả lương cao. Điều đó là quá đủ cho Nghiêm Phục 14 tuổi.
Trong điều kiện giáo viên có được, các kiến trúc sư hải quân được đào tạo bằng tiếng Pháp trong khi các nhà hàng hải và sĩ quan tàu được đào tạo bằng tiếng Anh. Phục chọn học 'Trường tiếng Anh’, một quyết định mang tính định mệnh. Giáo viên của anh là James Carroll, trước đây thuộc Đại học Hải quân Hoàng gia tại Greenwich ở Anh và Phục có vẻ đã học tập chăm chỉ. Ông tốt nghiệp năm 1871 và sau đó đi biển, theo tàu đi về phía nam xa tận Singapore và về phía bắc tới tận Nhật Bản. Sau 6 năm làm sĩ quan hải quân, các thầy hướng dẫn của ông đã đề nghị ông - cùng với 11 sĩ quan khác - theo học thêm tại Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia. Năm 1877, ông đến nhà một trong số ít ỏi thần dân nhà Thanh ở Luân Đôn. Ở đó, ông trực tiếp gặp phải sự phân biệt đối xử. Ngài Edward Fanshawe, Đô đốc Chủ tịch của trường, ra lệnh rằng khách phải sống, ăn uống và giao lưu bên ngoài khu vực trường thay vì chung với các sĩ quan Anh.28 Phục thấy viêc bầu bạn đồng cảm hơn trong con người của Guo Songtao (郭嵩焘: Quách Tung Đảo), sứ giả đầu tiên của nhà Thanh tại London, vốn chỉ mới đến cư trú ở đó vào năm trước. Hai người đã dành nhiều đêm dài để tranh luận về nguồn gốc của sự giàu có và quyền lực của nước Anh và vạch ra những quy định cấp tiến cho sự thay đổi ở quê nhà. Dù có sự phân biệt chủng tộc, Phục đã chọn học năm thứ hai tại trường đại học thay vì tham gia thủy thủ đoàn của một tàu chiến Anh như những người cùng thời với ông. Có vẻ như ông thích tận dụng tối đa các cơ hội để đọc và học có ở London khi đó. Phục về nước vào năm 1879 để đảm nhận vị trí giáo viên tại xưởng đóng tàu Phúc Châu, nhưng người bảo trợ của ông, Trầm Bảo Trinh, đã qua đời vào năm đó. Lí Hồng Chương nhìn thấy cơ hội và ông đã chiêu mộ Phục về dạy tại học viện mà Lí Hồng Chương điều hành - Học viện Hải quân phía Bắc ở Thiên Tân. Ông đã dành một thập kỉ ở đó và trở thành giám đốc của nó vào năm 1890.
Thông thạo tiếng Anh và bị cuốn hút bởi sự trỗi dậy của nước Anh từ chỗ ít được biết tới đến thống trị thế giới, Phục đã dành cả thập kỉ này để tìm kiếm câu trả lời. Làm thế nào TQ có thể lấy lại sức mạnh của mình? Ông đã tìm thấy câu trả lời trong Herbert Spencer. Năm 1881 Phục đọc cuốn The Study of Sociology (Nghiên cứu xã hội học) của Spencer. 29. Toàn bộ cuốn sách dựa trên những ý tưởng phân biệt chủng tộc của Spencer. Ngay từ đầu Spencer đã chế nhạo ý tưởng rằng 'một Aristotle [có thể] sinh ra từ một người cha và một người mẹ các góc trên mặt 50 độ’ và lập luận rằng ‘nguồn gốc của vĩ nhân phụ thuộc vào một chuỗi dài các ảnh hưởng phức tạp vốn tạo ra chủng tộc mà vĩ nhân xuất hiện trong đó’.30 Về sau, ông lập luận rằng chiến tranh 'dự một phần lớn’ trong việc nâng các chủng tộc lên một giai đoạn cao hơn qua việc giết chết đi những người kém mạnh khoẻ hơn. Spencer tuyên bố mình là một người theo Charles Darwin nhưng quan điểm của ông về sự tiến hoá gần với quan điểm của Jean-Baptiste Lamarck: ông tin rằng sự thích nghi về thể chất và tinh thần phát triển do những thay đổi trong hành vi có thể được truyền lại cho các thế hệ tiếp theo về mặt sinh học: ‘Qua sự đối kháng không ngừng giữa các cộng đồng người, nhỏ hay lớn, đã có một nền văn hóa tương hỗ về trí thông minh thích nghi, một nền văn hóa tương hỗ về những đặc điểm tính cách nhất định không bị đánh giá thấp và một nền văn hóa chung về sức mạnh cơ thể.'31
Năm 1892, nhà truyền giáo người Anh John Fryer ( đã có thời gian ngắn làm giáo viên tại trường Cao đẳng Phiên dịch Đồng Văn quán vào năm 1863) đã công bố bài báo được cho là đầu tiên bằng tiếng Trung gợi ra việc phân chia loài người thành các chủng loại dựa trên màu da.32 Fryer đã thành lập và biên tập tạp chí, Gezhi Huibian (格致彙編: Cách trí vị biên, có tên tiếng Anh là 'Chinese Scientific Magazine') nhằm mang tư duy khoa học phương Tây đến với công chúng TQ. Trong bài báo năm 1892, Fryer đã giải thích những phát triển mới nhất trong tư duy chủng tộc ở châu Âu. Nó cho thấy sự tồn tại của 5 chủng tộc: Mông Cổ, Da trắng (Caucase), Phi, Malay và Da đỏ Mĩ, mỗi chủng tộc có màu da khác nhau: nâu đỏ (zhe), trắng, đen, nâu và đồng. Như Frank Dikötter đã chỉ ra, điều này có thể phù hợp với những ý tưởng hiện có của TQ về sự khác biệt. Số 5 có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ trong văn hóa TQ, mô tả số lượng giác quan, hương vị, nguyên tố và phương hướng. 'Người Mông Cổ' của Fryer không phải ‘da vàng’ nhưng trong quá trình sôi động lúc đó, không mất nhiều thời gian để những ý tưởng về chủng tộc này hợp nhất. Theo truyền thống, vàng là màu của trung tâm cùng với ‘bọn man di ở bốn phía' được phân bổ các màu xanh, trắng, đỏ và đen. Không tốn nhiều nỗ lực trí tuệ để điều chỉnh một số ý tưởng này vào hoàn cảnh mới.
Phục dường như đã mệt mỏi trong suốt thập kỉ 1880 và đầu thập kỉ 1890. Mặc dù đã được Lí Hồng Chương sử dụng, nhưng dường nhưng ông nghĩ rằng toàn bộ cách nghĩ 'tự cường' chỉ là một sự lãng phí thời gian. Chán nản, ông tìm đến thuốc phiện và ruợu. Chính thất bại trong Chiến tranh Trung-Nhật đã thúc đẩy ông hành động: 'có những thứ nghẹn trong ngực, tôi phải nôn ra', như sau này ông viết.33 Những lề thói cũ đã dẫn TQ tới rệu rã và thất bại, phải được thay thế bằng những cách thức mới dựa trên những ý tưởng của phương Tây: ‘Khoa học, sự chân thành và chính trực làm nên nền tảng cho xã hội trật tự", ông tuyên bố.
Đập nước bị vỡ vào đầu năm 1895. Một tạp chí mới được những người cải cách trong giới thượng lưu của Thiên Tân thành lập, Zhibao (直報: Trực báo), đã cho Phục chỗ để công bố liên tiếp bốn bài chính luận. Nơi tòa báo đóng nằm trong một cảng hiệp ước đã cho nhà xuất bản và tác giả sự bảo vệ trước chính quyền nhà Thanh và cho phép Nghiêm Phục thoát khỏi sự chỉ trích. Từ tháng 2 đến tháng 5 năm 1895, các bài chính luận đã giới thiệu cho độc giả những ý tưởng của Herbert Spencer về chủng tộc và cái được gọi là ‘thuyết Darwin xã hội’. Tuy nhiên, đó không thực sự là mục đích chính của họ. Theo lời của nhà Hán học James Pusey, Nghiêm Phục 'đưa Darwin vào không phải vì lí do khoa học mà với tư cách là một nhân chứng phương Tây về sự cần thiết của thay đổi'.34. Nghiêm Phục muốn cải cách và cũng giống như ở Nhật Bản một thập kỉ trước đó, những ý tưởng của Spencer đã cho ông cơ sở để lí giải về điều đó. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa Spencer ở Nhật và Spencer trong cách viết của Nghiêm Phục.
Các nhà cải cách Nhật Bản thích Spencer vì Spencer sử dụng Darwin để biện minh cho ý tưởng của mình về cuộc đấu tranh sinh tồn giữa các cá nhân. Nghiêm Phục lấy ý tưởng về đấu tranh sinh tồn nhưng lại biến nó thành đấu tranh giữa các nhóm. Để giải thích các ý tưởng, Phục đã phải tạo ra các từ tương đương trong tiếng Trung cho các thuật ngữ mà thuyết Darwin xã hội sử dụng. Đặc biệt, ông cần một cách dịch cho 'natural selection' (chọn lọc tự nhiên). Ông chọn wu jing tian ze (物競天擇 : vật cạnh, thiên trạch) - nghĩa đen là 'vật tranh, trời chọn'. Phục giải thích ý nghĩa của cụm từ là 'chỉ những chủng tộc thích ứng mới tồn tại'.35 Đây là một sự bóp méo ý nghĩa ban đầu của Darwin - rằng những cá nhân khỏe mạnh nhất sẽ truyền lại gen của họ cho các thế hệ kế tiếp - nhưng nó phù hợp với suy nghĩ của Phục về sự thay đổi xã hội - rằng các nhóm là đầu tàu của lịch sử, một quan điểm được hình thành bởi những quan sát của ông về xã hội Anh và những năm ông là một nhà quan sát đầy phẫn uất về chính trị nhà Thanh.
Mục đích của Phục là rõ ràng từ phần kết luận của bài chính luận thứ hai, 'Về nguồn gốc của sức mạnh' (原強 Nguyên cường), được công bố vào khoảng từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 3 năm 1895. Được viết dưới ánh sáng của những thất bại đáng kinh ngạc do Nhật Bản gây ra cho quân Thanh, ông lập luận, 'Nếu chúng ta muốn... chống lại kẻ thù ngoại bang của mình, chúng ta phải... thành lập quốc hội tại thủ đô và để mỗi tỉnh, huyện bầu ra các quan chức của mình'. Theo quan điểm của Phục, cách duy nhất để khiến người dân sẵn sàng chiến đấu vì đất nước và đánh bại kẻ thù là trao cho họ quyền điều hành đất nước. Do đó, câu hỏi lớn được đặt ra là 'người dân' là ai?
Để trả lời câu hỏi này, Phục đã mượn ý tưởng về 'chủng tộc da vàng' từ Hoàng Tuân Hiến. Ông phàn nàn rằng người Mãn cai trị đại quốc của họ như một tầng lớp chủ chốt riêng biệt kể từ khi họ chinh phục được vào năm 1644 và lập luận rằng, đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ 'chủng tộc da trắng', điều đó cần phải thay đổi. Phục cho rằng, dù chiến lược có chủ ý của giới chủ chốt nhà Thanh là giữ họ tách biệt với phần lớn dân số, thực tế họ là một phần của cùng một dân tộc, cùng một chủng tộc: ‘Hiện nay trên trái đất chỉ có 4 chủng tộc lớn: da vàng, da trắng, da nâu và da đen. . . . Người Mãn [Manchu], Mông [Mongo], và người Hán ngày nay đều thuộc chủng tộc da vàng... Do đó zhong guo [TQ] từ xưa chỉ do một chủng tộc cai trị. Nó chưa bao giờ rơi vào tay người ngoài.' Từ tiếng Trung mà Phục chọn cho 'chủng tộc' giống với từ mà Hiến sử dụng: zhong (chủng). Ông dùng nó để lập luận rằng rào cản giữa Mãn và Hán phải được phá bỏ.
Thú vị khi lưu ý rằng Lí Hồng Chương đã lên tàu đi đàm phán với Nhật Bản tại Shimonoseki vài ngày sau khi ‘Nguyên cường’ được công bố trên Trực báo . Có thể dễ dàng tưởng tượng rằng ông đã mang theo một bản của tờ báo đó và rằng đó là lí do tại sao ông cố gắng thu hút những người đồng nhiệm Nhật Bản trên cơ sở là họ cùng là thành viên của 'chủng tộc da vàng' tại Shimonoseki. Việc người Nhật cho ông một khoảng thời gian ngắn chiêm nghiệm hẳn đã chứng tỏ cho Lí Hồng Chương thấy điểm yếu của ý tưởng này.
Tuy nhiên, mĩ từ ‘chủng tộc da vàng’ tiếp tục thúc đẩy các nhà cải cách trong suốt thập kỉ sau đó. Tháng 8 năm 1896 Nghiêm Phục gặp Hoàng Tuân Hiến khi ông đang đi đến Bắc Kinh để gặp hoàng đế. Trong vài năm sau đó, hai người thường xuyên viết thư cho nhau, trao đổi ý kiến về chủng tộc và cải cách.36 Năm 1897, Phục lập hai tạp chí ở Thiên Tân - nhật báo Guowen Bao (國聞報 : Quốc văn báo) và tuần báo Guowen Huibian (國聞彙編: Quốc văn vị biên') 37 - để truyền bá ý tưởng của mình. Năm 1898, “bản dịch” của ông - thực ra là một cách diễn giải - bài giảng năm 1893 của nhà cải cách xã hội người Anh Thomas Huxley về “Tiến hóa và Đạo đức” được xuất bản với tên Tianyan Lun (天演論: Thiên diễn luận). Huxley cực lực phản đối chủ nghĩa cá nhân của Spencer và thay vì vậy, nhấn mạnh sự đoàn kết của nhóm. Điều đó thậm chí còn được nhấn mạnh hơn khi Phục chuyển nó lại. Như Dikötter chỉ ra, Phục đã lấy ý tưởng cạnh tranh của Spencer và ý tưởng hợp tác của Huxley rồi kết hợp cả hai ý tưởng này với ý tưởng của riêng ông về chủng tộc để lập luận rằng 'khoa học' nói với chúng ta rằng ‘chủng tộc da vàng’ bị khóa trong một cuộc chiến sống chết với 'chủng tộc da trắng' và sẽ kết thúc trong tình trạng giống như 'chủng tộc da đen’ và ‘chủng tộc da đỏ’ trừ khi tiến hành cải cách chính trị.
Các bài viết của Nghiêm Phục đã trở nên vô cùng ảnh hưởng: chúng được coi là đại diện đích thực của thuyết Darwin ở TQ trong nhiều năm. Mãi đến năm 1919, bản dịch đầy đủ của Origin of Species (Nguồn gốc các loài) của Darwin mới được xuất bản bằng tiếng Trung. Trong khi đó, chính việc Nghiêm Phục trình bày cách diễn giải của Huxley và Spencer về Darwin đã đặt ra các điều kiện tranh luận cho cả những người theo chủ nghĩa cải cách như Lương Khải Siêu và những nhà cách mạng như Tôn Trung Sơn. Theo lời của James Pusey trong bài nghiên cứu China and Charles Darwin, cách Nghiêm Phục viết về chủng tộc 'đã giúp mở ra cánh cửa cho một thế hệ có cách suy nghĩ không hay về chủng tộc'. 38
Ngày 15 tháng 4 năm 2018 và hội trường lớn của Đại học New South Wales, Leighton Hall, có 600 thành viên của cộng đồng 'Hoa kiều' của Úc. Trên bức tường đá hoa bóng loáng treo một bức ảnh khổng lồ của một nhân vật thần thoại, hay đúng hơn là một bức ảnh của một tượng khổng lồ thật ở thành phố Xinzheng (新鄭: Tân Trịnh) thể hiện một nhân vật thần thoại: Hoàng Đế. Đây là sự kiện hàng năm do 'Hội luật sư người Úc gốc Hoa' tổ chức, đó là một nhóm được thành lập, theo cách nói của chính họ là, ‘nhằm nâng cao sự hiểu biết giữa các quốc gia'. Tuy nhiên, quốc gia duy nhất mà hiệp hội quảng bá là CHNDTH. Trong số những người tham dự sự kiện hoặc gửi tin nhắn chúc mừng có cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott, toàn quyền bang New South Wales và nhiều thị trưởng và ủy viên hội đồng địa phương. Đó là một ví dụ điển hình về loại công việc mà “Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản TQ đảm nhiệm - xây dựng mối liên kết giữa tổ quốc, Hoa kiều với các chính trị gia và nhân vật có ảnh hưởng của địa phương. Tổ chức chính của Mặt trận Thống nhất ở Úc, 'Hội đồng Australia vi sự nghiệp Thúc đẩy Hòa bình Thống nhất TQ', là tổ chức hậu thuẫn sự kiện này, cũng như một số nhóm văn hóa khác có liên kết với Mặt trận Thống nhất. Trong số những người tổ chức có Deng Li, một nhà báo của truyền thông nhà nước TQ, và sự kiện này, giống như những sự kiện khác trước đây và kể từ đó, đã được tổ chức kỉ niệm trọng thể trên trang web riêng của Mặt trận Thống nhất.39.
Mục đích của sự kiện ở Sydney là để kết nối những người tham gia với một cuộc tụ họp lớn hơn nhiều diễn ra xung quanh tượng đó ở Tân Trịnh: một lễ hội cúng tế vua Hoàng Đế trong thần thoại tại nơi sinh thần thoại vào sinh nhật thần thoại của ông - ngày thứ ba của tháng ba âm lịch, năm 2698 TCN. Đó là một trong 6 cuộc tụ họp tương tự vào cùng ngày: những cuộc tụ họp khác ở Hồng Kông, Macao, Đài Loan, San Francisco và Vancouver. Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2006, các lễ hội ở Tân Trịnh đều nhằm mục đích xây dựng ý thức cộng đồng với Hoa kiều. Chủ đề chính thức của họ là 'ccùng gốc gác, cùng tổ tiên, cùng nguồn cội, hòa bình và hòa hợp'.40 Mục đích của buổi lễ ‘cốt lõi’ ở Tân Trịnh, theo truyền thông nhà nước TQ, là ‘xây dựng một ngôi nhà tâm linh để cầu nguyện cho việc đại phục hưng đất nước Trung Hoa', một thông điệp đã được các trang tin tức trực tuyến và các đài truyền hình hải ngoại của TQ, CCTV International và Phoenix TV phát đi khắp thế giới.
Trong những năm sau khi lễ cúng tế Hoàng đế được khai mở ở Tân Trịnh vào năm 2006, các nhà tổ chức đã nghĩ ra một hình thức cụ thể cho lễ hội, nó đã trở thành hình mẫu cho những nơi khác trên khắp thế giới. Chín sự kiện diễn ra theo trình tự, trong đó có nhạc, vũ và cầu nguyện, tôn vinh Hoàng Đế là 'Tổ tiên của dân tộc TQ '. Đó là một trường hợp điển hình về cái mà nhà sử học người Anh Eric Hobsbawm từng gọi là ‘sự sáng chế truyền thống’. Hoàng Đế đã được định vị như một nhân vật thống nhất toàn cầu: một người tiêu biểu cho tất cả người TQ ở khắp mọi nơi và một công cụ tư tưởng cho Đảng Cộng sản TQ. Đó là điểm đến của cuộc hành trình bắt đầu từ một thế kỉ trước với những suy nghĩ của một chàng trai trẻ gốc ở Hàng Châu tên là Zhang Binglin (章炳麟: Chương Bỉnh Lân).
Chúng ta đã gặp Chương Bỉnh Lân trong Chương 1: thư sinh Nho học trở thành tác giả theo chủ nghĩa cải cách sau khi TQ thua Nhật Bản năm 1895, và sau đó là một kẻ kích động cách mạng sau cuộc đàn áp quốc tế loạn Quyền phỉ vào năm 1900/01. Như chúng ta đã thấy, diễn tiến chính trị của ông được hình thành dựa trên sự thay đổi mạnh mẽ trong suy nghĩ của ông về chủng tộc. Nói ngắn gọn, Lân đã sáng chế ra ý tưởng về 'Hán tộc'. Như giáo sư Lịch sử TQ sinh tại Hong Kong, Chow Kai-wing (周佳榮: Chu Giai Vinh), nhận xét: ‘Trước năm 1899, mô tả của Lân về cuộc đấu tranh của TQ chống lại các cường quốc châu Âu chủ yếu dựa trên ý tưởng về cuộc chiến giữa hai chủng tộc “da trắng” và “da vàng”.' Ông chấp nhận một số lí thuyết ‘gốc phương Tây’ của nhà phương Đông học người Pháp Albert Terrien de Lacouperie - rằng chủng tộc da trắng và da vàng có chung nguồn gốc ở Lưỡng Hà - nhưng đã đảo ngược lại với việc cho rằng người da trắng là hậu duệ của người da vàng. Năm 1898, sau khi đọc bài viết của Nghiêm Phục, ông đã công bố bài giới thiệu về tư duy chủng tộc của Herbert Spencer trên một tạp chí cải cách, Changyanbao (昌言報: Xương Ngôn báo).41 Về mặt chính trị, ông theo lập luận cải cách của Hiến và Phục.42 Nhưng tháng 5 năm 1899, từ nơi an toàn ở Nhật và sau đó là Thượng Hải, ông đã viết một bài báo gọi hoàng đế là 'Hoàng đế khách', tô đậm nguồn gốc ‘rợ' của nhà Thanh, và vào đầu năm 1900, cuốn Qiushu (訄書: Cầu thư ‘’Sách về sự khẩn cấp') của ông đã không úp mở kêu gọi lật đổ chính quyền Mãn Thanh.
Lân gặp khó khăn về hệ tư tưởng. Thái độ ‘Khổng giáo’ được triều đình và những người cải cách cùng chia sẻ rằng tính hợp pháp chính trị đến từ một nền văn hóa khai sáng và bất kì ai, kể cả những người man di, đều có thể trở thành Hoa với việc nhận lấy nền văn hóa đó. Người Mãn có thể là Hoa nhiều như người Hán. Nhưng sau khi khẳng định rằng người Mãn là vấn đề, Lân cần có cơ sở để lập luận chống lại thuyết văn hóa. Ông đã tìm thấy nó trong một bài bình luận lịch sử vào thế kỉ 4 trước CN có tên là Zuozhuan, (左傳: Tả truyện) mà - theo Lân - đã cho thấy rằng các quan hệ họ hàng quan trọng hơn văn hóa. Vì 'man di' không cùng một 'loại', nên họ không thể có lòng trung thành như người Hán. Ông đã sử dụng từ zu ( 族: tộc) - có nghĩa là ‘dòng họ’- như một dấu hiệu của sự khác biệt. Dòng họ là một vấn đề nhức nhối trong thế kỉ 19 đầy biến động. Nhà Thanh cần các 'kì nhân' (người thuộc các ‘kì’) tỏ rõ tổ tiên của họ và, như Frank Dikötter đã chỉ ra, nhiều gia đình Hán đã xây dựng gia phả lâu đời như một chiến lược sinh tồn: để minh chứng phả hệ của họ và cũng để tăng cường mối quan hệ họ hàng của họ với hàng xóm. Trên khắp đất nước, các nhóm dòng họ thường xuyên dính dáng vào các mối thù hận bạo lực, từ các cuộc tranh chấp nhỏ giữa các gia tộc đến các cuộc xung đột quy mô lớn như cuộc chiến Khách Gia - Bản địa.43 Tộc, khi đó, đã gói gọn một ý tưởng mạnh mẽ. Chương Bỉnh Lân đã lấy tộc và phóng to nó từ địa phương lên quốc gia: người Hán trở thành Hán tộc và người Mãn thành Mãn tộc. Hai nhóm này là hai dòng tộc đối địch và do đó xung đột giữa họ không chỉ trở nên dễ hiểu mà còn hợp lí.
Để làm được điều này, ông đã gán ghép những ý tưởng của châu Âu về sự tiến hóa và chủng tộc. Trong Cầu thư, ông lập luận rằng cả chủng tộc da trắng lẫn chủng tộc da vàng đều thông minh, nhưng người da vàng văn minh hơn. Người Hán thuộc ‘chủng tộc da vàng’ nhưng ông đã tạo ra ý tưởng về tên của chủng tộc' - zhong xing (種姓: chủng tính) - để chứng minh rằng họ khác với người Mãn. Từ chủng tính là rút gọn các chữ trong 'chủng tộc’ và 'tính thị' (tên họ). Hán và Mãn có thể thuộc cùng một chủng, nhưng họ không thuộc cùng chủng tộc, và tên dòng họ là một cách quan trọng để phân biệt hai tộc này. Đây không phải là sự đổi mới duy nhất trong Cầu thư. Trong đó, ông cũng đã trao cho thế giới di sản lâu dài của mình, quan niệm rằng tổ tiên của tất cả người Hán là Huangdi (黃帝): Hoàng Đế.
Ngay sau khi xuất bản Cầu thư, ông đã đi đến việc dứt khoát tách khỏi những người cải cách. Quân đội 8 nước chiếm Thiên Tân vào ngày 14 tháng 7 năm 1900 và, không giống như những người theo chủ nghĩa cải cách vốn một lòng bảo vệ triều đình nhà Thanh, Lân đã chối bỏ nó. Trong một cuộc biểu tình mang tính biểu tượng cao, ông ấy đã cắt bỏ ‘bính tóc'- kiểu tóc tết bím áp dụng cho tất cả thần dân nam thời Thanh nếu không tết sẽ bị giết - trước cuộc biểu tình của những người cải cách vào ngày 3 tháng 8. Sau đó, ông đã viết một bài báo có tựa đề ‘Diễn ngôn đúng về sự thù hận đối với người Mãn’ cho tạp chí cách mạng đầu tiên Guominbao (國民報: Quốc dân báo), có trụ sở tại Nhật Bản. Ông viết, ông không muốn giết người Mãn, nhưng ông muốn họ phải bị đuổi trở về Mãn Châu, vùng đất đông bắc nơi họ xuất phát . Về điều này, ông là một người khá ôn hòa trong số những người cách mạng. Đã có một số tranh cãi cho một cuộc diệt chủng chống người Mãn. Trong khi Hoàng Tuân Hiến, Nghiêm Phục và những nhà cải cách khác kêu gọi chính quyền nhà Thanh phá bỏ rào cản giữa các thành viên của cùng một 'chủng tộc da vàng', Trương Bỉnh Lân và các đồng chí cách mạng của ông lại tranh cãi rằng chủng tộc cần quan tâm là Hán và có không có chỗ cho Mãn.
Có một sự khác biệt chính giữa óc phân biệt chủng tộc phương Tây và óc phân biệt chủng tộc ‘phương Đông’. Trong khi hầu hết nhưng người phân biệt chủng tộc châu Âu tranh luận về mặt sinh học, không có sự khác biệt rõ ràng về màu da hoặc góc mặt giữa người Hán và người Mãn. Nhưng Lân cần một cơ sở lí luận để phân định ranh giới giữa hai nhóm mà ông đang cố tạo ra. Ông đã tìm thấy nó trong logic của dòng tộc. Ông đã tận dụng quá trình đào tạo ban đầu của mình để trở thành một học giả kinh sách cũ và tìm kiếm qua các văn bản cổ. Ông đã tìm thấy câu trả lời trong sách vở thế kỉ 2 trước CN của sử gia Tư Mã Thiên, người đã mở đầu câu chuyện kể bằng cuộc đời của Hoàng Đế. Đối với Lân, vị vua này trở thành shi zu (始祖: thủy tổ) - tổ tiên ban đầu - và 24 cái họ của các con trai ông (theo Tư Mã Thiên) là các chủng tính ban đầu của người Hán . Gần 5000 năm sau, toàn bộ Hán tộc mạnh mẽ 450 triệu người có thể được hình dung là con cháu của Hoàng Đế - Huangdi zisun (黃帝子孫: Hoàng Đế tử tôn).
Giống như hầu hết các ý tưởng mới về chính trị được đón nhận, thuyết dân tộc - chủng tộc của Lân đã lấy những ý tưởng đã có từ trước - huyền thoại về Hoàng Đế, tầm quan trọng của dòng tộc, sự thù ghét chính quyền, v.v. - và tạo ra một hệ tư tưởng mới từ hỗn hợp đó. Do hậu quả của việc triều đình nhà Thanh không chống được các thế lực đồng minh trong Loạn quyền phỉ năm 1900, khái niệm này đã trở nên thành công đến mức chỉ trong vòng vài năm, những lập luận của những nhà cải cách như Hoàng Tuân Hiến, Nghiêm Phục và Lương Khải Siêu đã biến đi thành gần như không còn phù hợp. Đến tháng 12 năm 1906, những ý tưởng mới có thể chỉ việc thay thế những ý tưởng cũ. Viết trong bản in thứ hai của Minbao (民報: Dân báo),tờ báo ủng hộ cách mạng mà ông biên tập, Hu Hanmin (胡漢民: Hồ Hán Dân) ‘mượn các chuyên mục về Thuyết Darwin Xã hội của chính Nghiêm Phục để chứng minh rằng người Mãn chỉ đơn thuần là một dân tộc thấp kém và rằng TQ chỉ có thể phát triển mạnh mẽ khi chủng tộc Hán chiếm ưu thế', theo lời của người viết tiểu sử của Nghiêm Phục, Benjamin Schwartz.44 Tại cuộc họp cùng tháng để kỉ niệm ngày thành lập Dân báo, Lân kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách hô vang 'Dân báo muôn năm ! Hán tộc muôn năm !’ Khái niệm về ‘chủng tộc da vàng’ vốn có thể chứa tất cả các cư dân của Đông Á đã bị loại bỏ thay bằng một khái niệm chủng tộc hẹp hơn nhiều cố tình loại trừ những người bên ngoài Hán tộc mới được tưởng tượng ra.
Cái hay của ý tưởng 'Hán tộc' đối với những người cách mạng là nó đã tạo ra một cộng đồng khổng lồ gồm những người ủng hộ tiềm năng có thể được huy động để chống lại kẻ thù đã được tuyên chiến: tầng lớp thống trị Mãn Châu. Nếu Mãn tộc bị loại, thì Mông tộc (người Mông Cổ) và các dân tộc thiểu số không nói tiếng Trung cũng vậy. Các nhóm bản địa bị hạ xuống địa vị của 'người da nâu' hoặc 'người da đen' mà Thuyết Darwin xã hội dự đoán chỉ có một số phận: họ có thể bị coi như không có trong cuộc đấu tranh sắp tới. Càng ngày, những người cách mạng - chủ yếu là nam sinh trẻ tuổi sống lưu vong ở Nhật - trộn lẫn những ý tưởng cũ về dòng họ - tộc - với những ý tưởng chủng tộc mới về chủng tộc sinh học - chủng. Sự hợp nhất giữa chủng và tộc đã được thực hiện qua nhan vật tưởng tượng Hoàng Đế: Huangdi trở thành cha già của chủng tộc. Tuy nhiên, câu hỏi về ai là hay không là thành viên của chủng tộc không phải lúc nào cũng dễ trả lời.
Với tình cảm cách mạng dâng cao, chính phủ nhà Thanh đã có một số nỗ lực cải cách muộn màng, bao gồm, các quy định mới về giáo dục tiểu học năm 1904. Họ quy định rằng các trường học phải thúc đẩy 'tình yêu dân tộc' thông qua 'giáo dục về nơi chôn nhau cắt rốn' bên cạnh những thứ khác. Nhiều trí thức địa phương đổ xô xuất bản 'địa phương chí' riêng về các phủ, huyện, khu và tổng với hi vọng quảng bá thế giới quan của họ cho thế hệ trẻ và có thể kiếm lợi nhuận từ việc bán sách. Theo May-bo Ching (程美宝: Trình Mĩ Bảo), giáo sư lịch sử tại Đại học Thành phố Hồng Kông, chính trị của những người này dàn trải trên phạm vi rộng từ các thư lại truyền thống đến các nhà cải cách và cách mạng. Trong khi 'địa phương chí' là một hình thức xuất bản lâu đời, chính quyền nhà Thanh đã quy định vào năm 1905 rằng các ấn bản cải cách cần phải thêm vào thông tin mới. Ngoài lịch sử và địa lí cơ bản, mỗi địa phương chí phải bao gồm thông tin chi tiết về các chủng tộc khác nhau (nghĩa đen là ren lei (人類: nhân loại)- 'loại người') và thị tộc (shi zu (氏族) - nghĩa đen là họ và dòng tộc) của họ.45
Hướng dẫn cũng chỉ rõ rằng các nhà biên soạn địa phương chí cần phải quyết định xem ai được tính là thần dân của đế chế - một qi min (旗民: kì dân) (một từ mới làm chìm đi sự khác biệt giữa các thành viên của đơn vị kì quân - kì - và dân thường - dân). Có ba tiêu chí: họ không thể là tín đồ của 'tôn giáo khác', chẳng hạn như Cơ đốc giáo hoặc Hồi giáo; họ phải làm một trong 4 nghề truyền thống: sĩ, công, nông, thương; và họ không thể là thành viên của 'chủng tộc khác' - ta zhong (他種: tha chủng). Quy định chỉ rõ rằng tha chủng bao gồm người Hồi (người Hồi giáo), người Miêu (Hmong), người Choang (Thái) và một số dân tộc thiểu số được nêu tên khác. Qua việc liệt kê những nhóm này là 'người ngoài', trên thực tế, nhà Thanh nói rằng những người khác đều là người trong nhà, dù Hán, Mãn hay Mông. Vì vậy, đến năm 1905, nhà Thanh thậm chí đã bắt đầu thay thế ý tưởng về tộc, vốn đã cấu trúc quân đội và bộ máy quan lại của họ trong gần 300 năm, để ủng hộ các ý tưởng cải cách về chủng- chủng tộc.
Tuy nhiên, một cuộc tranh cãi năm đó chứng tỏ sự tùy tiện của toàn bộ khái niệm về chủng tộc Hán và đưa người tiên phong về tư duy chủng tộc của TQ, Hòang Tuân HIến, trở lại với công chúng lần cuối. Câu hỏi ai là hay không là người Hán có thể gây chia rẽ cực độ, đặc biệt là ở tỉnh Quảng Đông, nơi những cư dân lớn tuổi vẫn nhớ về cuộc chiến tranh Khách Gia - Bản địa. Những người biên soạn các địa phương chí khác nhau đã có những quan điểm khác nhau. Ví dụ, hai huyện, Shixing (始興: Thủy Hưng) và Xingning (興寧: Hưng Ninh) , đều có số lượng lớn người nói tiếng Khách Gia: Hưng Ninh chí đề cập đến thực tế này nhưng Thủy Hưng chí thì không. Vấn đề trở nên gay gắt khi một tác giả có thiện cảm với cách mạng, Huang Jie (黃節: Hoàng Tiết), xuất bản 'Sách giáo khoa về lịch sử địa phương Quảng Đông.46 Hoàng Tiết đã đồng sáng lập ‘Quốc túy bảo tồn hội’ (國粹保存會 Guocui baocun hui) vào năm trước để thúc đẩy thay đổi chính trị, với cảm hứng từ quan điểm bảo thủ về quá khứ. Óc kháng Thanh của xã hội đã kết hợp nhiệt huyết cách mạng với Thuyết Darwin Xã hội lo ngại rằng chủng tộc Hán phải được bảo tồn khỏi nguy cơ diệt vong. Hội lập luận, điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua việc huy động văn hóa xưa. Hoàng Tiết và các thành viên Hội Bảo tồn Quốc túy của ông đã nhìn thấy cơ hội trong cải cách giáo dục để chuyển đổi tư duy của thế hệ mới với việc cung cấp cho họ 'sách giáo khoa ‘quốc túy’.47
Sách giáo khoa Lịch sử Quảng Đông năm 1905 của Hoàng Tiết đã nói một cách không che đậy rằng, 'Trong số các chủng tộc ở Quảng Đông có Khách Gia và Hoklos (河洛: Hà Lạc) vốn không phải là người Quảng Đông và không thuộc chủng tộc Hán.' Điều này đã khiến Hoàng Tuân Hiến tức giận, lúc đó đang sống tĩnh lặng trong cảnh bị xua đuổi trong tỉnh, và kích động ông cùng với các thư lại Khách Gia, tổ chức một 'Hội Điều tra Nguồn gốc của Người Khách Gia'. Hội đã sử dụng tất cả ảnh hưởng của mình để vận động cơ quan quản lí giáo dục của tỉnh, cuối cùng, cơ quan này đã đồng ý loại câu đó ra khỏi cuốn sách. Hoàng Tuân Hiến mất vào tháng 3 năm 1905 nhưng cuộc đấu tranh của ông vẫn tiếp tục. Dù các sách giáo khoa khác được xuất bản đã đặc biệt loại bỏ người Khách Gia khỏi thành phần người Hán, đến năm 1907, chính quyền tỉnh mới đồng ý loại bỏ tất cả các phần xúc phạm đó. Như vậy, trong hành động cuối cùng của mình, Hoàng Tuân Hiến đã chứng tỏ sự rỗng tuếch của khái niệm 'tộc Hán' qua việc cho thấy nó có thể được mở rộng hoặc thu hẹp không phải bởi khoa học mà bởi áp lực chính trị từ những người có ảnh hưởng. Kể từ đó, người Khách Gia và người Hà Lạc sẽ là người Hán.
Nhưng dù rỗng tuếch hay không, ý tưởng về một tộc Hán đã trở thành vũ khí lợi hại nhất của các nhà cách mạng. Nó cho phép họ tạo ra liên minh giữa các quan chức biết chữ và nông dân mù chữ. Nó không còn đủ để trở thành một tộc Hoa có văn hóa, hay một thành phần của 'chủng tộc da vàng' - sự thay đổi chỉ có thể đến từ người Hán, con cháu của Hoàng Đế. Từ năm 1900 trở đi, nhờ sáng tạo của Chương Bỉnh Lân, cách mà các cộng đồng người Hoa tự gọi mình bắt đầu thay đổi. Sự thay đổi đó sẽ tồn tại lâu dài. Con cháu của hoa kiều định cư ở nước ngoài trước năm 1910 thường vẫn còn tự gọi mình là người ‘Hoa ' cho đến ngày nay. Họ đang sử dụng một 'định nghĩa ‘văn hóa học’ về bản thân mà Hoàng Tuân Hiến, Nghiêm Phục và Lương Khải Siêu đã nhận ra. Ngược lại, những người sống ở CHNDTH hoặc Đài Loan có nhiều khả năng tự gọi mình là người 'Hán'.
Nhưng rõ ràng là Ban Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản TQ muốn thay đổi điều này. Việc quảng bá lễ Hoàng Đế trong các cộng đồng người hoa kiều là một ví dụ rõ ràng về một chiến lược chính trị nhằm thay đổi căn cước và lòng trung thành của họ. Khi một lãnh sự TQ ở San Francisco đưa ra lời kêu gọi về lòng trung thành đối với công dân Mĩ dựa trên di truyền về gen, ông ta đang làm như vậy trên cơ sở thuyết dân tộc chủng tộc của Chương Bỉnh Lân. Điều này cũng đúng với việc cấp thị thực cư trú cho con cháu của những người di cư thế hệ thứ n. Thay vì chỉ đơn giản là tự hào là người Hoa và có mối liên hệ tổ tiên với các làng quê ở các tỉnh xa xôi, ban lãnh đạo ở Bắc Kinh muốn những đối tượng này xem mình là con cháu của vua Hoàng Đế và trung thành với dòng tộc của ông, ngày nay được hóa thân vào nước CHNDTH
Do số người tham dự các sự kiện kiểu Mặt trận Thống nhất thường chỉ vài trăm người, một phần rất nhỏ trong số khoảng 60 triệu 'Hoa kiều', có vẻ an toàn khi nói rằng thông điệp này chỉ thu hút một thiểu số. Tuy nhiên, với việc thu dụng những nhân vật quan trọng trong cộng đồng người ở nước ngoài và với việc thống trị tự sự toàn cầu về bản chất của 'tính Trung Hoa', các hoạt động của Mặt trận Thống nhất có thể có tác động lớn hơn nhiều trên toàn thế giới so với các con số đơn thuần có thể gợi ra.
__________
1. Lia Zhu, ‘Families Thanked For Opening Homes', China Daily USA, 7 December 2015, http://usa.chinadaily.com.cn/us/201512/07/content_22653417.htm
2. Yap Jia Hee, 'Chinese Ambassador Visits Petaling Street on Eve of Rally, Malaysia Kini, 25 September 2015, https://www.malaysiakini.com/news/313484 ; ChinaPress.com.my., ‘“亲望亲好,邻望邻好” 黄惠康:两国关系良好’, 28 September 2015, http://www.chinapress.com.my/20150928/ 親望親好望都好黃惠康兩國關係良好
3. China News Network, 'The Overseas Chinese Affairs Office Will Build 60 "China Aid Centers” Around the World', 19 March 2014.
4. Xinhua, Central Committee of the Communist Party of China Issues “Regulations on Chinese Communist Party United Front Work (Trial)”, 22 September 2015, translation, http://www.xinhuanet.com/politics/201509/22/c1116645297_5.htm
5._James Kynge, Lucy Hornby and Jamil Anderlini, Inside China's Secret "Magic Weapon” for Worldwide Influence,' Financial Times, 26 October 2017, https://www.ft.com/content/fb2b3934=bo04-11e7-beba-5521c713abf4.
6. Xi Jinping, “Secure a Decisive Victory in Building a Moderately Prosperous Society in All Respects and Strive for the Great Success of Socialism with Chinese Characteristics for a New Era,' 19th National Congress of the Communist Party of China, Beijing, 18 October 2017, http://www.xinhuanet.com//politics/19cpcnc/2017-10/27/c_1121867529.htm
7. Wang Gungwu, Community and Nation: Essays on Southeast Asia and the Chinese, Singapore: Heinemann Educational Books (Asia), 1981, pp. 123-5.
8. Wang Gungwu, “A Note on the Origins of Hua-ch’iao', in Wang, Community and Nation, pp. 118–27.
9. Huang Jianli, 'Chinese Overseas and China's International Relations', in Zheng Yongnian (ed.), China and International Relations: The Chinese View and the Contribution of Wang Gungwu, London: Routledge, 2010, p. 147.
10. An Baijie, 'Overseas Chinese Can Help Build Belt, Road', China Daily, 13 June 2013, http://www.chinadaily.com.cn/china/201706/13/content 29.719481.htm
11. Harry J. Lamley, Hsieh-Tou: ThePathology of Violence in Southeastern China', Ch’ing-shih wen-ti, 3/7 (1977), pp. 1-39, https://muse.jhu.edu/ (accessed 14 January 2019).
12. May-bo Ching, ‘Literary, Ethnic or Territorial? Definitions of Guangdong Culture in the Late Qing and Early Republic', in Tao Tao Liu and David Faure (eds), Unity and Diversity: Local Cultures and Identities in China, Hong Kong: Hong Kong University Press, 1996. p. 58; Jessieca Leo, Global Hakka: Hakka Identity in the Remaking, Leiden: Brill, 2015, p. 47.
13. Michael Keevak, Becoming Yellow: A Short History of Racial Thinking, Princeton, NJ: Princeton University Press, 2011, pp. 57–65.
14. Chow Kai-wing, 'Imagining Boundaries of Blood: Zhang Binglin and the Invention of the Han “Race” in Modern China', in Frank Dikötter (ed.), The Construction of Racial Identities in China and Japan, London: Hurst & Co., 1997.
15. Pamela Kyle Crossley, The Qianlong Retrospect on the Chinese-martial (hanjun) Banners', Late Imperial China, 10/1 (June 1989), pp. 63-107.
16. Yang Shao-Yun, 'Becoming Zhongguo, Becoming Han: Tracing and Reconceptualizing Ethnicity in Ancient North China, 770 BC-AD 581', MA thesis, National University of Singapore, 2007.
17. Edward Rhoads, Manchus and Han: Ethnic Relations and Political Power in Late Qing and Early Republican China, 1861– 1928, Seattle: University of Washington Press, 2000, chapter 1.
18. Herbert Spencer, The Principles of Biology, Volume 1, London: Williams & Norgate, 1864-7, p. 444.
19. Herbert Spencer, Social Statics, New York: D. Appleton & Co., 1865, p. 46.
20. Michio Nagai, 'Herbert Spencer in Early Meiji Japan', Far Eastern Quarterly, 14/1 (1954), pp. 55–64. Nagai was later Japan's minister of education.
21. Noriko Kamachi, Reform in China: Huang Tsun-hsien and the Japanese Model, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1981, pp. 3–29.
22. Frank Dikötter, The Discourse of Race in Modern China, Oxford: Oxford University Press, 2015, p. 41.
23. Kamachi, Reform in China, p. 300, fn 49.
24._J. D. Schmidt, Within the Human Realm: The Poetry of Huang Zunxian 1848–1905, Cambridge: Cambridge University Press, 1994, p. 246.
25. Benjamin I. Schwartz, In Search of Wealth and Power: Yen Fu and the West, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1964, pp. 22-6.
26. David Pong, Shen Pao-chen and China's Modernization in the Nineteenth Century,
Cambridge: Cambridge University Press, 2009, pp. 108–28.
27. Benjamin A. Elman, “Toward a History of Modern Science in Republican China', in Jing Tsu and Benjamin A. Elman (eds), Science and Technology in Modern China, 1880s-1940s, Leiden: Brill, 2014, p. 22.
28. Junyu Shao, “Chinese Learning for Fundamental Structure, Western Learning for Practical Use?” The Development of Late Nineteenth Century Chinese Steam Navy Revisited', unpublished PhD thesis, King's College, London, 2015, p. 117.
29. Schwartz, In Search of Wealth and Power, p. 33.
30. Herbert Spencer, The Study of Sociology, London: Henry S. King & Co., 1873, pp. 34-5.
31. Ibid., pp. 193-4.
32. Melissa Mouat, “The Establishment of the Tongwen Guan and the Fragile Sino-British Peace of the 1860s', Journal of World History, 26/4 (2015), p. 745.
33. Schwartz, In Search of Wealth and Power, p. 33.
34. James Reeve Pusey, China and Charles Darwin, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1983, p. 8. 35. Ibid., p. 61.
36. Schmidt, Within the Human Realm, p. 17.
37. Schwartz, In Search of Wealth and Power, p. 82.
38. Pusey, China and Charles Darwin, p. 67.
39. ‘Àodàlìya huáqiáo huárén juoxing gong bài xuânyuán huángdì dàdia n” (Australian overseas Chinese hold a ceremony to worship the Xuanyuan Yellow Emperor), 16 April 2018, http://www.zytzb.gov.cn/gathwxw/42451.jhtml
40. Chen Mingjie, ‘Major Ceremonies to Worship the Yellow Emperor Held Majestically Around the Globe', China Times, 16 April 2018, https://www.chinatimes.com/cn/newspapers/2018041600014.9-260302
41. Dikötter, Discourse of Race, p. 101.
42. Chow, ‘Imagining Boundaries of Blood'.
43. Dikötter, Discourse of Race, p. 70.
44. Schwartz, In Search of Wealth and Power, p. 184.
45. May-bo Ching, 'Classifying Peoples: Ethnic Politics in Late Qing Native-place Textbooks and Gazetteers', in Tze-ki Hon and Robert Culp (eds), The Politics of Historical Production in Late Qing and Republican China, Leiden: Brill, 2007, pp. 69–70.
46. Ching, 'Literary, Ethnic or Territorial?'; Ching, 'Classifying Peoples', pp. 69–70.
47. Laurence A. Schneider, Ku Chieh-kang and China's New History: Nationalism and the Quest for Alternative Traditions, Berkeley, CA: University of California Press, 1971, pp. 34-5.
_______
Xem thêm: Bản song ngữ
No comments:
Post a Comment