Monday, October 3, 2016

CÁC ĐẢO NHÂN TẠO TRUNG QUỐC LỚN HƠN (VÀ LÀ VẤN ĐỀ LỚN HƠN) LÀ BẠN NGHĨ

CÁC ĐẢO NHÂN TẠO TRUNG QUỐC LỚN HƠN (VÀ LÀ VẤN ĐỀ LỚN HƠN) LÀ BẠN NGHĨ

THOMAS SHUGART
War On the Rocks (21/09/2016)


Chắc hẵn bạn đã nghe tin tức - Trung Quốc đã nạo vét các rạn san hô và tạo ra các đảo nhân tạo ở biển Đông với mục đích thực thi yêu sách đối với "chủ quyền không thể tranh cãi" theo "đường 9 vạch” của họ, và đã ngang ngược tiếp tục làm như vậy khi đối mặt với việc kết án của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague. Trong khi các phản ứng của Hoa Kì và các quốc gia khác đối với chiến dịch xây dựng đảocủa Trung Quốc khá ồn ào, một số nhà phân tích và các chuyên gia của Hoa Kì phần lớn coi nhẹ hậu quả tiềm ẩn những đảo mới này lên cán cân quyền lực trong khu vực. Một nghiên cứu RAND gần đây đã nêu:

[C]ác cơ sở này có thể chứa năm, bảy tên lửa SAM và máy bay chiến đấu ... [nhưng] chúng không phải là một yếu tố quan trọng trong các hoạt động quân sự cường độ cao chống lại các lực lượng của Hoa Kì sau vài giờ đầu tiên của một cuộc xung đột.

Nhà phân tích khác đã tuyên bố rằng khả năng những căn cứ mới có thể làm thay đổi cán cân quyền lực chỉ là huyền thoại, nêu rằng, "Trong thời đại công kích chính xác, mỗi một và hầu như mọi mục tiêu cố định đều có thể bị phá hủy một cách dễ dàng." Nhưng sự kết hợp tiềm năng các năng lực chống tàu và phòng không hàng đầu của Trung Quốc - cùng với quy mô đơn thuần đến choáng của việc xây đắp đảo của Trung Quốc – đòi hỏi phải xem xét nghiêm túc tác động tiềm ẩn của các đảo giả này lên chính sách ngoại giao và kế hoạch dự phòng của Mĩ, cũng như sự cần thiết phải thực hiện tất cả các biện pháp có thể có để ngăn chặn việc quân sự hoá toàn bộ của họ.

Làm thành chuyện lớn ở quần đảo Trường Sa: các sân bay mới Trung Quốc chỉ ra quyết tâm lớn về lực lượng

Trong khi chính phủ Trung Quốc liên tục tuyên bố rằng các dự án bồi tạo đất của họ là nhằm cho các mục đích phi quân sự, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam đoan rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa chúng, hình ảnh gần đây cho thấy việc xây dựng quy mô lớn các sân bay và các cơ sở căn cứ. Việc xây dựng căn cứ đáng kể nhất tập trung vào cái mà tôi gọi là "ba lớn": Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi), và Vành Khăn (Mischief). Cả ba trong số những đảo mới này sẽ có đường băng khoảng 10 000 feet, cảng nước sâu, và có đủ nhà chứa máy bay được gia cố cho 24 máy bay chiến đấu cũng như máy bay ném bom, chở dầu, và máy bay cảnh báo sớm trên không. Cũng có ý nghĩa là các cơ sở phục vụ sân bay khác mà Trung Quốc dường như đang xây dựng. Như một ví dụ, so sánh sơ qua kích thước của khu vực sân bay Chữ Thập với kích thước của một căn cứ máy bay chiến đấu Trung Quốc ở đại lục (Căn cứ không quân Toại Khê [Suixi], xem hình 1) cho thấy rằng cơ sở này có lẽ được xây dựng để phục vụ một đơn vị cỡ một trung đoàn máy bay chiến đấu Trung Quốc (chú ý, Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi các đơn vị không quân của họ thành kiểu các lữ đoàn đa máy bay, nhưng phân tích về quy mô này tạm dừng ở đây). Người ta có thể nhìn thấy trên cả ba đảo lớn này sự hiện diện của các đường chạy 400 mét cùng với các sân tennis và bóng rổ, cũng như nhiều toà nhà có thể sẽ là doanh trại, trụ sở, nhà xưởng, nhà kho. Trung Quốc thậm chí còn thảo luận công khai kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân di động để cung cấp điện cho các đảo. Với hơn 24 nhà chứa máy bay được xây dựng trên mỗi căn cứ của "ba lớn", điều này sẽ cho phép toàn bộ các máy bay chiến đấu của một trung đoàn Trung Quốc điển hình được duy trì trên mỗi đảo. Những thứ này dường như không có mục đích dùng làm các sân bay nhỏ cho máy bay thỉnh thoảng đến thăm. Chúng trông giống như các căn cứ máy bay chiến đấu lớn về cấu tạo.
 scs-islands-fig-1
Hình 1: Đá Chữ Thập (trên) so với Căn cứ không quân Toại Khê (dưới) - nơi có một trung đoàn máy bay chiến đấu PLAAF Flanker. (cùng tỉ lệ).

Người ta có thể nghĩ rằng chắc chắn Trung Quốc không có kế hoạch cho máy bay đóng trên các đảo này với ý định sử dụng chúng để chống lại sự can thiệp của Hoa Kì. Xét cho cùng "một phi đội Su-27 bay khỏi ‘căn cứ’ Chữ Thập có nhiều khả năng sẽ thành sắt vụn bốc khói trong vòng vài giờ sau khi nổ ra một cuộc xung đột ở biển Đông." Nhưng nếu đó không phải là mục đích thì tại sao lại xây dựng tới ba? Ngay cả trước khi xây dựng các đảo này, Trung Quốc có thể dễ dàng áp đảo các đối thủ trong khu vực với các nhóm tàu hải quân hành động trên mặt biển, một tàu sân bay và máy bay trú đóng trên đất liền. Nếu như Trung Quốc chỉ xây một căn cứ đảo với hàng chục máy bay thì họ vẫn sẽ có được sự vượt trội còn lớn hơn so với các đối thủ địa phương. Nhưng thay vì vậy, Trung Quốc xây dựng ba đảo, mỗi đảo với các cơ sở có vẻ đủ lớn để chứa một trung đoàn máy bay chiến đấu (hoặc lữ đoàn) và máy bay yểm trợ. Đặt điều đó vào bối cảnh, ba trung đoàn không quân như vậy trên ba đảo này cộng lại sẽ tạo thành một sư đoàn máy bay chiến đấu, một đội hình bao gồm khoảng 17 000 nhân viên, một nổ lực cho thấy rằng Trung Quốc có lẽ có một kẻ thù lớn hơn trong đầu.

Che dấu: Triển khai các hệ thống A2 / AD của Trung Quốc có thể xảy ra qua đêm.

Nếu Trung Quốc xây dựng "ba lớn" để có thể ngăn chặn hoặc chống lại sự can thiệp khu vực của Mĩ thì kế hoạch của họ có thể sẽ bao gồm việc triển khai hệ thống của các hệ thống chống truy cập / từ chối khu vực (A2 / AD) "phản can thiệp" (thuật ngữ của Trung Quốc) vốn đã gây nhiều quan ngại tại Hoa Kì. Với việc triển khai gần đây các tên lửa HQ-9 mặt-đối-không (SAM, xem hình 2), tên lửa hành trình chống tàu (ASCM) YJ-62máy bay chiến đấu J-11 ở đảo Phú Lâm (tiền đồn của Trung Quốc trong quần đảo Hoàng Sa), có thể dự đoán họ cũng sẽ có những triển khai như thế ở "ba lớn", có lẽ có thêm các tên lửa đạn đạo công kích chính xác mặt-đối-mặt (SSM) và tên lửa hành trình tấn công đất (LACM) của lực lượng tên lửa của PLA (trước đây được gọi là Quân đoàn pháo binh 2). Nhìn vào các vòng cung phạm vi tác dụng tạo thành (xem hình 3) cho thấy, trong một cú đánh, Trung Quốc sẽ có một chiếc ô SAM lồng vào nhau và hỗ trợ lẫn nhau trên hầu hết quần đảo Trường Sa, cũng như phủ ASCM trên phần trung tâm của biển Đông. Ngoài ra, nơi quân đội Mĩ trước đây có thể hoạt động bên ngoài các sân bay đơn sơ miền nam Philippines nằm ngoài tầm tên lửa đạn đạo thông thường hoặc tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, Trung Quốc bây giờ sẽ có khả năng tấn công với các tên lửa đạn đạo tấn công đất DF-21C hoặc tên lửa hành trình CJ -10, các cơ sở và các sân bay của Mĩ và đồng minh trên khắp Philippines và thậm chí đến Singapore.
 scs-islands-fig-2
Hình 2: Pháo SAM HQ-9 triển khai ở đảo Phú Lâm. Lưu ý các vùng đất và cấu trúc mới được xây dựng mở rộng ở phần đông bắc của đảo.

scs-islands-fig-3
Hình 3: Vòng cung tầm bắn miêu tả vùng bao phủ tiềm năng của tên lửa SAM HQ-9, ASCM YJ-62, và tên lửa đạn đạo DF-21 từ các căn cứ đảo lớn của Trung Quốc trên biển Đông .

Khu vực biển Sulu và Celebes vốn sẽ là nơi ẩn náu các tàu sân bay của Hoa Kì , nằm ngoài tầm của tên lửa đạn đạo (ASBM) chống tàu DF-21D, bây giờ có thể nằm trong tầm của ASBM phóng từ căn cứ đảo. Sự phát triển này sẽ tiếp tục thách thức khả năng các tàu sân bay của Hoa Kì và cánh không quân của họ hoạt động trong phạm vi tấn công không tiếp thêm nhiên liệu (khoảng 500 hải lí) với mức rủi ro vừa phải trong một chiến dịch ở quần đảo Trường Sa.

Hình ảnh đó sẽ trở nên tồi tệ hơn khi Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa một căn cứ đảo tương tự tại bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm lấy từ Philippines năm 2012 và gần đây đã chứng kiến có hoạt động gia tăng. Tầm phủ A2 / AD của Trung Quốc lúc đó sẽ bao gồm gần như toàn bộ các khu vực yêu sách thuộc đường 9 vạch.

Một lưu ý cuối cùng, vì tất cả các A2 / AD hàng đầu của Trung Quốc cơ động trên đường, một triển khai lớn của chúng gần như có thể xảy ra qua đêm - cả "ba lớn " đều có bến cảng nước sâu có vẻ có thể đáp ứng việc vận chuyển hàng có gắn bánh xe, một lần duy nhất có khả năng có thể vận chuyển các nhân viên, xe tải và phương tiện vận chuyển cần thiết.

Một mục đích điên rồ? Căn cứ không quân trênđảo trong thời đại công kích chính xác

Trung Quốc có thể nghiêm túc kì vọng các căn cứ đảo này tồn tại được lâu khi đối mặt với sự can thiệp của Hoa Kì không? Hãy xét ba điều:

1.       Trung Quốc đang thực hiện một nổ lực nghiêm túc dưới dạng "ba lớn."
2.       Trung Quốc đã liên tục theo dõi quân đội Hoa Kì trong vài thập niên qua. Quân đội và các lãnh đạo của họ quen thuộc với khả năng của Hoa Kì.
3.       Những người lãnh đạo quân đội Trung Quốc không phải là những kẻ điên. Họ sẽ có biện pháp để bảo đảm các căn cứ của họ có cơ hội sống sót đủ lâu trong chiến đấu để thành vấn đề.
Về điểm thứ nhất ở trên, phải hiểu các đảo đó lớn cỡ nào và điều đó nói gì về quyết tâm của Trung Quốc. Khi đọc về chiến dịch bồi đắp của Trung Quốc, một điệp khúc điển hình là bao nhiêu ngàn acre đã được xây dựng. Nhưng hãy xét một vài so sánh: Chữ Thập khó xem là một đường băng nhỏ nằm trên một rạn san hô. Như đã trình bày ở trên, các cơ sở của nó có kích thước gần như một căn cứ máy bay chiến đấu trên đất liền điển hình và nó có một bến cảng khá lớn. Xu Bi lại lớn hơn gần 50 % về diện tích và bao bọc một bến cảng nước sâu rộng hơn hai dặm. So sánh hình ảnh của Xu Bi với Cảng Trân Châu (Pearl Harbor) (Hình 4) cho thấy đó là một kiến trúc rất lớn mà Trung Quốc đã tạo ra từ đầu.

scs-islands-fig-4
Hình 4: Xi Bi (phía trên bên trái), phần chính của căn cứ hải quân Cảng Trân Châu (dưới bên phải, cùng tỉ lệ).

Kế đó, hãy xét Vành Khăn. So với các đảo và các dự án bồi đắp đất của các bên tranh chấp khác trong khu vực, Vành Khăn vượt trội hơn rất nhiều. Toàn bộ các cơ sở lớn nhất của các bên yêu sách khác gộp lại đặt vừa vặn vào một nửa đầm phá lớn của Vành Khăn. Như một điểm so sánh, chu vi đất của Vành Khăn gần bằng chu vi của District of Columbia (thủ đô Mĩ). Trung Quốc rõ ràng đang đặt cược rất lớn vào các căn cứ đảo mới của họ.

scs-islands-fig-5
Hình 5: Vành Khăn với các sân bay của các bên tranh chấp khác trong quần đảo Trường Sa: Thị Tứ (Philippines), Trường Sa (Việt Nam), Hoa Lau (Malaysia) và Ba Bình (Đài Loan) (phía trên bên trái), District of Columbia (phía dưới bên phải , cùng tỉ lệ).

Giả sử chúng ta coi rằng Trung Quốc đã chú ý đến khả năng công kích chính xác của Mĩ (và họ đã thế), những hành động nào Trung Quốc có thể đang hoạch định để đảm bảo tính hiệu quả của các căn cứ đảo của mình trong một cuộc xung đột cường độ cao? Trước tiên, hãy xét một lần nữa rằng tất cả các hệ thống vũ khí chống can thiệp cao cấp thảo luận ở trên là các hệ thống di động. Nếu chúng đặt trên mỏm cát nhỏ thì sự việc đó không tác dụng gì nhiều, nhưng đặt trên các đảocó kích cỡ như Xu Bi hoặc Vành Khăn thì chúng sẽ không còn là các mục tiêu cố định kiên gan nằm một chỗ chờ để bị vũ khí tấn công tiêu diệt có hệ thống. Chu vi của Vành Khăn dài hơn tám dặm. Nếu bạn lái xe quanh nó ở tốc độ trên đường cao tốc sẽ phải mất gần 10 phút. Rất nhiều công trình kiến trúc sẽ lướt ngang qua cửa sổ xe bạn trong thời gian đó, tất cả thứ đó Trung Quốc có thể sử dụng để phân tán các hệ thống di động ra tới điểm mà kẻ tấn công không thể trông mong có thể chỉ việc phủ kín đảo bằng chất nổ cao (ít nhất là loại phi hạt nhân) hòng tiêu diệt chúng. (Cũng hãy tưởng tượng sự đau đầu khi nhắm mục tiêu có sự hiện diện của một nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động có thể thêm vào hỗn hợp.) Ngay cả khi máy bay Mĩ có thể hoạt động bên trên mà không bị thiệt hại khi đối mặt với hàng chục máy bay chiến đấu Trung Quốc và tên lửa SAM cao cấp thì thành công cũng không đảm bảo: Trong kinh nghiệm trước đây của Mĩ khi săn tìm tên lửa di động gần như không bị thách thức ưu thế trên không (chiến tranh vùng Vịnh năm 1991), "trong 42 lần ... khi các máy bay tiêm kích thấy được các bệ phóng di động TEL, chỉ trong 8 trường hợp là họ có thể có được các mục tiêu đủ tốt đưa ra lệnh bắn."

Thật ra, khả năng của hệ thống A2 / AD di động hòa nhập vào một hậu cảnh phức tạp đã khiến một số nhà phân tích đánh giá rằng chúng có thể giữ thế thượng phong so với các nền tảng tấn công chính xác trong một số trường hợp:

Xe tải có thể ẩn trong rừng hoặc giữa các tòa nhà ... với số lượng lớn các cấu trúc kiểu Quonset-hut (nhà mái kim loại cong dạng nửa hình trụ), mờ đục với radar, có thể làm chỗ ẩn giấu khi cần nhưng sẽ hầu như luôn trống không và do đó không hiệu quả để tấn công. Các mồi nhử dễ tìm và rẻ tiền khác ... một công ty tư nhân của Nga đã phát triển toàn bộ mồi bơm phồng pháo tên lửa phòng không S-300 ... Cuối cùng, các mục tiêu mặt đất có giá trị cao có thể tự bảo vệ mình với hệ thống bảo vệ trạm tầm ngắn, bao gồm súng radar điều khiển.

Và rốt lại, chúng ta có thể nhìn thấy cái gì đang được xây dựng trên các đảo lớn này ngay lúc này? Chúng ta thấy "các cấu trúc lục giác chưa rõ" có khả năng có thể là các tháp để gắn súng hoặc các tên lửa tầm ngắn. Chúng đang được xây làm đẹp mỗi góc của đảo (trường bắn?). Mỗi ô lục giác gần như cùng kích thước và hình dạng của các khẩu súng phòng không đặt ở tiền đồn nhỏ hơn của Trung Quốc tại Ga Ven. Điều này có thể chỉ ra rằng mỗi góc của các đảo lớn này cuối cùng sẽ được trang bị với hệ thống phòng thủ điểm gồm nhóm năm, sáu súng hoặc dàn phóng tên lửa tầm ngắn (xem hình 6). Sử dụng tên lửa tầm ngắn chống máy bay chống tên lửa hành trình bay đến bắt chước chiến thuật phòng thủ dùng để bắn hạ các kamikazes (máy bay thần phong Nhật) bay đến trong Thế chiến II. Về bản chất, mối đe dọa có thể tương đương: máy bay nhỏ chở đầy chất nổ bay vào từ hướng biển với tốc độ cận âm với một phi công quyết tâm cao.

scs-islands-fig-6
Hình 6: Hệ thống IAds với pháo phòng không tầm ngắn lai, được phát triển bởi NORINCO, một nhà cung cấp quốc phòng của Trung Quốc.

Cũng đáng để xem xét là các căn cứ đảo của Trung Quốc đang được xây dựng từ đầu trong thời đại công kích chính xác và do đó có thể có biện pháp đối phó thích hợp được "nấu nướng" từ đầu. Như ví dụ, các khuyến nghị gần đây của các nhà phân tích thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá ngân sách trong việc giảm mức độ thương tổn của các loạt  đạn khai hoả hướng dẫn chính xác bao gồm:

1.       Hoạt động từ "cụm" căn cứ "khiến kẻ địch phải làm loãng các cuộc công kích của họ lên trên nhiều mục tiêu hơn và ... tăng khả năng phòng thủ của chúng bằng cách tận dụng hệ thống phòng không và tên lửa hỗ trợ lẫn nhau nằm trong mỗi cụm." (Xem bao phủ chồng nhau như cho thấy ở trên.)
2.       Tăng khả năng phục hồi căn cứ bằng cách phân tán các cơ sở quan trọng và gia cố các mục tiêu giá trị cao tiềm năng, buộc các đối thủ sử dụng nhiều vũ khí thâm nhập hơn. (Xem các nhà chứa máy bay được gia cố bên trên cũng như những gì có thể là nhiều acre bồn nhiên liệu ngầm trãi rộng ra như cho thấy trong hình 7.)
3.       Chuyển hướng phòng không và tên lửa tầm ngắn đến tầm trung để tăng mật độ hệ thống phòng không và tên lửa và tạo ra sự trao đổi chi phí thuận lợi hơn. (Ví dụ, đổi đạn pháo phòng không điểm lấy TLAMs và JASSMs giá triệu đô la.)

scs-islands-fig-7
Hình 7: Các bồn nhiên liệu dưới lòng đất được gia cố đang xây dựng trên Xu Bi?

Không có Giải đáp dễ dàng

Với sức mạnh chiến đấu đủ mang ra thi thố, các căn cứ đảo mới của Trung Quốc sẽ dễ bị áp đảo. Loại vấn đề về A2 / AD này là một vấn đề đang được giải quyết thông qua những nỗ lực như khái niệm hoạt động truy cập phối hợp (JOAC), khái niệm cho Truy Cập và vận động phối hợp trong các khu biển chung toàn cầu (JAM-GC), và chiến lược bù đắp thứ ba. Câu hỏi đặt ra là đòi hỏi sẽ thêm bao nhiêu nỗ lực và rủi ro nữa một khi các đảo này đều vũ trang đầy đủ, và cần thời gian bao lâu để vô hiệu hoá chúng trong loạt khai hoả cốt yếu đầu tiên trong một cuộc xung đột cường độ cao? Không có vẻ rằng nỗ lực đó sẽ là tầm thường như nhiều người đã nghĩ.

Để đảm bảo Mĩ tiếp tục có năng lực đáp ứng đầy đủ theo các cam kết hiệp ước và duy trì các quy tắc luật biển trong biển Đông với cái giá chấp nhận được, cần có hành động. Đầu tiên, Mĩ cần phải làm rõ kì vọng của mình rằng Trung Quốc sẽ giữ lời hứa không tiến hành quân sự hoá quy mô lớn các tiền đồn ở biển Đông của họ, trong khi tiến hành tăng cường các hoạt động tự do đi lại để củng cố những tác động thực tế của phán quyết toàn diện của The Hague chống lại Trung Quốc. Có lẽ một số cuộc khảo sát độ sâu đáy bên trong đầm phá Xu Bi và Vành Khăn để xác định độ sâu sau nạo vét của họ - xét cho cùng, chúng là vùng biển quốc tế. Thứ hai, Hoa Kì phải đẩy mạnh việc thực hiện các khái niệm hoạt động và chiến lược tiếp cận thuận lợi phối hợp thảo luận ở trên cũng như phát triển các hệ thống vũ khí liên quan, và cho thấy đang làm như vậy. Cuối cùng, vì việc xây dựng "ba lớn " sắp hoàn thành, Hoa Kì cần phải quan sát cẩn thận để phát hiện bất kì dấu hiệu cho thấy một triển khai lực lượng A2 / AD lớn sắp diễn ra, và có cách phản ứng có kế hoạch vạch trước đầy đủ của toàn bộ chính phủ sẵn sàng để ngăn chặn nó. Lãnh đạo quân sự và chính trị của Hoa Kì cần xác định trong vài tháng tới chính xác họ sẵn sàng đi xa tới đâu để ngăn chặn việc vũ trang quy mô lớn các đảo. Đó sẽ chỉ là phản đối ngoại giao thôi hay Washington sẵn sàng thực hiện một cái gì đó giống như kiểu khủng hoảng tên lửa Cuba? Có khả năng có một loạt các lựa chọn trung gian mà có lẽ các nhà hoạch định chính sách chưa khám phá hết.

Một số nhà quan sát Trung Quốc nói rằng Trung Quốc chơi cờ vây (vi kì), trong khi Mĩ có xu hướng là người chơi poker – thách đối thủ mình đặt cược. Bằng nỗ lực vươn ra vị trí táo bạo mới ở biển Đông, mục tiêu của Trung Quốc có thể là tăng thêm tiền đặt cược lên tới điểm buộc Hoa Kì phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: đặt một đống chip trên bàn với nguy cơ tổn thất rất lớn hoặc xếp bài lại bỏ về nhà. Hoa Kì cần phải làm những gì cần làm bây giờ để đảm bảo rằng ván bài không đi tới điểm đó.



Thomas Shugart là nhà nghiên cứu quân sự cấp cao tại Trung tâm An ninh mới của Mĩ và là sĩ quan chiến tranh tàu ngầm của Hải quân Hoa Kì. Các ý kiến bày tỏ ở đây là của tác giả, không đại diện cho quan điểm chính thức của Hải quân Hoa Kì, Bộ Quốc phòng, hoặc chính phủ Hoa Kì.

Ảnh: Danny Yu, CC

No comments: