Tuesday, August 19, 2014

Vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam

Xung đột biên giới giữa Campuchia và Việt Nam


Ramses Amer (1997)

......................................................................

Bối cảnh

Sau khi Campuchia độc lập năm 1953 và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thành lập vào giữa năm 1950, tranh chấp biên giới tạo ra căng thẳng trong quan hệ song phương nhưng không dẫn đến xung đột quân sự nóng. Khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với VNCH năm 1963, Campuchia biện minh hành động của mình trên cơ sở rằng người thiểu số Khmer ở VNCH bị chèn ép bởi các chính sách áp bức mà nhà chức trách Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, bất đồng về vấn đề biên giới chắc chắn đã góp phần vào việc làm tệ hại hơn các quan hệ song phương. Khi Thái tử Norodom Sihanouk, năm 1966 và năm 1967, tìm kiếm một cam kết vững chắc của Việt Nam tôn trọng biên giới "hiện có" của Campuchia, một phản ứng tích cực đã đến cả từ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam (Bắc Việt) lẫn Mặt Trận Giải Phóng (MTGP), trái ngược với chính phủ VNCH - VNCH không đưa ra sự công nhận như vậy.

Thái tử Sihanouk duy trì mối quan hệ thân mật với VNDCCH và MTGP, cho phép họ vận chuyển thiết bị chiến tranh qua miền đông Campuchia và không chống đối việc thành lập các mật khu dọc biên giới với VNCH. Sau khi thái tử Sihanouk bị lật đổ vào năm 1970, mối quan hệ giữa Campuchia và VNCH đã cải thiện nhưng điều này không kéo dài vì chính quyền trung ương ở Campuchia dần dần mất quyền kiểm soát đất nước. Một sự phát triển song song cũng đã diễn ra ở VNCH. Chiến tranh ở hai nước đã kết thúc với chiến thắng về phía các lực lượng cộng sản vào mùa xuân năm 1975.

Hầu như ngay lập tức sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, xung đột vũ trang đã nổ ra dọc theo biên giới chung trên đất liền và trên các đảo trong vịnh Thái Lan. Tình hình được đưa vào vòng kiểm soát vào tháng 6 năm 1975, sau một cuộc họp cấp cao tại Hà Nội, và tình hình tương đối ổn định được duy trì vào nửa cuối năm 1975 và năm 1976. Năm 1976, hai bên đã nỗ lực mở ra các đàm phán, nhưng các cuộc thảo luận đã phá vỡ ngay ở cuộc họp trù bị do ý kiến khác nhau về việc ai có thể đề xuất thay đổi đến việc phân định biên giới chung. Phía Campuchia tuyên bố có quyền đơn phương đề xuất thay đổi và tuyên bố rằng Việt Nam vi phạm quyền này qua việc đưa ra các đề xuất.

Đầu năm 1977 các cuộc đụng độ vũ trang dọc theo biên giới đất liền bắt đầu một lần nữa với Campuchia chủ động trong một động thái khẳng định yêu sách chủ quyền đối với lãnh thổ do Việt Nam kiểm soát mà Campuchia cho là của họ. Các cuộc xung đột vũ trang leo thang, và khi quan hệ song phương nói chung trở nên xấu đi, Việt Nam bắt đầu phản công. Cuộc xung đột quân sự cuối cùng dẫn đến việc Việt Nam can thiệp quân sự vào cuối tháng 12 năm 1978 và lật đổ chính phủ Khmer Đỏ của Campuchia. Sau đó, một chính quyền mới - Cộng hòa Nhân dân Campuchia (PRK) - được thành lập với sự trợ giúp của Việt Nam. Trong giai đoạn thập niên 1980 Việt Nam và PRK đã kí một số thỏa thuận liên quan đến đường biên giới chung: Một thỏa thuận về "vùng nước lịch sử" đã được kí kết vào ngày 7 tháng 7 năm 1982. "Vùng nước lịch sử" được xác định là nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc và quần đảo Thổ Chu về phía Việt Nam và bờ biển của tỉnh Kampot và đảo Poulo Wai (Ko Way) về phía bên Campuchia. Thỏa thuận này quy định rằng hai nước sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để xác định biên giới biển trong khu vực vùng nước lịch sử "vào một thời điểm thích hợp". Theo thỏa thuận này, trong khi chưa có giải pháp như vậy, hai nước sẽ tiếp tục coi đường Brévié - một đường thẳng hướng ra biển vạch từ điểm cuối cùng của biên giới đất liền trên bờ biển, lập một góc 126° với hướng Bắc kinh tuyến và dành một vành đai 3 km quyền chủ quyền vòng quanh bờ biển phía bắc của đảo Phú Quốc – vẽ vào năm 1939 làm đường phân chia các đảo trong khu vực vùng nước lịch sử. Ngoài ra, hai bên cũng đồng ý rằng việc khai thác của khu vực sẽ được quyết định bởi "thỏa thuận chung". Tiếp theo đó là việc kí kết hiệp ước về việc giải quyết vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam và Hiệp định về quy chế biên giới vào ngày 20 tháng 7 năm 1983 tại Phnom Penh.

Theo hiệp ước hai bên nhất trí coi "đường biên giới hiện tại" giữa hai nước là biên giới quốc gia, được xác định trên bản đồ tỉ lệ 1/100.000 do Sở địa dư Đông Dương xuất bản thông dụng trước năm 1954 hoặc vào một ngày rất gần 1954. Phân định biên giới đất liền và biển sẽ được thực hiện trong tinh thần "bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau" vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Cuối cùng, ngày 27 tháng 12 năm 1985 Hiệp ước phân định biên giới Việt Nam-Campuchia đã được hai nước kí kết và được Hội đồng Nhà nước Việt Nam phê chuẩn vào ngày 30 tháng 1 năm 1986 và được Quốc hội PRK phê chuẩn ngày 7 tháng 2 năm 1986. Nguyên tắc chi phối việc giải quyết tranh chấp biên giới giữa hai nước là tôn trọng "đường ranh giới hiện tại," cụ thể là "đường vốn tồn tại vào thời điểm" độc lập. Đường này được hai nước giữ lại theo nguyên tắc "uti possidetis" (làm chủ cái đang có). Hai bên cũng tuyên bố rằng biên giới chung "trên đất liền và trên vùng nước lịch sử" dựa trên đường biên giới vẽ trên bản đồ 1/100.000 thông dụng trước năm 1954 hoặc cho đến năm đó. Tình trạng hiện tại của các thỏa thuận này là không chắc chắn, sau những thay đổi trong lãnh đạo chính trị ở Campuchia sau cuộc tổng tuyển cử do Liên Hiệp Quốc tổ chức vào tháng 5 năm 1993.....
................................................................

Một số nhận xét

Campuchia và Việt Nam đang cố quản lí các vấn đề có tranh chấp thông qua đàm phán chính thức và như là một phần của quá trình này hai bên đã quyết định thành lập các nhóm chuyên gia để xử lí với các tranh chấp song phương chẳng hạn như vấn đề lãnh thổ và cư dân Việt Nam sống tại Campuchia. Thông cáo chính thức từ các cuộc họp cấp cao giữa Campuchia và Việt Nam cho thấy hai nước đã đồng ý giải quyết vấn đề biên giới và các khác biệt liên quan đến vấn đề đó một cách hòa bình thông qua đàm phán. Nếu những vấn đề xảy ra dọc theo biên giới chung thì cách tiếp cận là tìm cách giải quyết chúng trước nhất ở cấp địa phương, và nếu không đạt tới giải pháp ở cấp đó thì báo cáo vấn đề lên cấp trung ương.

Về phía Việt Nam có vẻ chỉ có một nguồn quyền lực làm ra chính sách đối ngoại, cụ thể là chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản đang cầm quyền. Ở Campuchia tình hình khác biệt. Nhìn chung, chính phủ theo đuổi chính sách nhằm duy trì quan hệ song phương tốt đẹp với Việt Nam và như là một phần trong chính sách đó các tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua đàm phán.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian tháng 1 đến tháng 7 năm 1996, hai cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề biên giới là điều thường thấy trong chính phủ liên minh. Thủ tướng thứ nhất là Hoàng tử Ranariddh nhiều lần cáo buộc Việt Nam xâm lấn lãnh thổ Campuchia dọc theo biên giới đất liền và, dù tuyên bố chuộng giải pháp hòa bình các vấn đề biên giới hơn, ông không loại trừ việc sử dụng lực lượng vũ trang nếu cách tiếp cận hòa bình thất bại, trong khi đó Thủ tướng thứ hai Hun Sen lại giữ lập trường mềm mỏng hơn, kiềm chế không cáo buộc Việt Nam công khai và luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới. Trong bối cảnh này cần lưu ý rằng chính phủ Campuchia đã bị áp lực của báo chí Campuchia đòi phải có một lập trường cứng rắn về vấn đề biên giới.

Ngoài ra còn có hai diễn viên chính trị quan trọng khác, cũng biểu thị thái độ ít tích cực đối với Việt Nam. Thứ nhất là Quốc vương Sihanouk từng mâu thuẫn trong phát biểu của ông về Việt Nam; lúc thì ông lập luận ủng hộ quan hệ tốt hay có cải thiện [với Việt Nam], lúc khác, đặc biệt là vào năm 1994, ông lại cáo buộc Việt Nam gậm nhắm lãnh thổ Campuchia và dời các cột mốc biên giới. Diễn viên thứ hai là đảng Dân chủ Campuchia (PDK) đã liên tục theo đuổi chính sách độc hại chống Việt Nam.

Nhận định theo các báo cáo của Thủ tướng thứ nhất Campuchia từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1996 những vấn đề dọc theo biên giới chung là do việc Việt nam xâm lấn lãnh thổ Campuchia gây ra. Việt Nam bác bỏ có bất kỳ sự xâm lấn nào như vậy. Vấn đề cốt lõi là xác định những gì thực sự đã diễn ra tại khu vực biên giới. Trong bối cảnh này, một số bài báo trên báo chí Campuchia rất đáng chú ý.

Một bài báo đăng trên tờ Reaksmei Kampuchea ngày 31 tháng 1 năm 1996 đề cập đến một cảnh báo, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ho Sok gửi các quan chức tỉnh Takeo - đặc biệt là ở huyện Boreicholasa – từng đã cho dân Việt Nam thuê "đất nông nghiệp" của Campuchia. Tỉnh trưởng và Phó tỉnh trưởng được yêu cầu điều tra và ngừng ngay kiểu cách "làm ăn không phù hợp" này của các quan chức và cảnh sát cấp huyện. Theo bài báo, một quan chức cảnh sát cấp tỉnh đã nói rằng đất đã được cho người Việt Nam thuê và canh tác trong nhiều năm rồi. Ngày 04 tháng 2 năm 1996 cũng trên tờ báo đó có một bài viết về tình hình ở tỉnh Kandal tiếp giáp với tỉnh An Giang của Việt Nam. Bài báo đã trích lời "Giám đốc Công an cấp tỉnh Kandal" phát biểu rằng Kandal có thể phải đối mặt với vấn đề tương tự như ở hai tỉnh Svay Rieng và Takeo nhưng đối với các hành động do chính quyền địa phương thực hiện.

Các biện pháp được thực hiện bao gồm ngăn chặn người dân không được cho nông dân Việt Nam thuê đất. Hơn nữa, theo báo cáo các quan chức huyện và xã ở khu vực giáp ranh Việt Nam đã gặp gỡ đồng nhiệm Việt Nam hàng tháng và các cuộc họp cấp tỉnh đã được tổ chức mỗi sáu tháng. Những vấn đề không thể giải quyết được ở cấp huyện và xã đã được chuyển cho cấp tỉnh và nếu vẫn không thể giải quyết được cũng đã được chuyển lên cấp trung ương. Cuối cùng, bài báo trích lời giám đốc cảnh sát nói rằng biên giới với Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng ở một số khu vực của tỉnh Kandal và rằng chính quyền hai tỉnh này [Kandal, An Giang] xem các khu vực đó là "vùng trắng" mà cả hai bên đều ít lui tới.

Hai bài báo này chỉ ra rằng việc Campuchia cho người Việt Nam thuê đất đã diễn ra ít nhất là ở hai tỉnh Svay Rieng và Takeo. Có khả năng là kiểu cách làm ăn như vậy bị Thủ tướng thứ nhất quy là Việt Nam xâm lấn lãnh thổ Campuchia. Bài viết về tình hình ở tỉnh Kandal và cơ chế áp dụng để xử lí tình hình biên giới dọc theo biên giới giữa tỉnh Kandal và tỉnh An Giang cho thấy một cách giải quyết tình hình dọc theo phần còn lại của biên giới Campuchia-Việt Nam.

Xét các yếu tố này, lí do đằng sau những lời buộc tội liên tục của Hoàng tử Ranariddh đối với Việt Nam có lẽ nằm trong nền chính trị nội bộ Campuchia và việc sử dụng các vấn đề đối ngoại trong bối cảnh đó, hơn là nằm trong việc Việt Nam xâm chiếm lãnh thổ Campuchia. Cần lưu ý rằng những lời hô hào chính trị chống Việt Nam là một nét chung tại Campuchia và nó có nhiều khả năng sẽ là chủ đề trung tâm trong cuộc bầu cử sắp tới (bầu cử địa phương dự kiến vào năm 1997 và bầu cử cả nước dự kiến vào năm 1998) với các đảng chính trị đang cố gắng tận dụng tình cảm chống ViệtNam trong cử tri. Điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện lại những cáo buộc đối với Việt Nam liên quan đến các hoạt động trong khu vực biên giới mà các hoạt động này có thể gây ra căng thẳng trong quan hệ song phương và gây nguy hiểm cho cư dân Việt Nam sống tại Campuchia. Điều này, đến lượt nó, sẽ gây ra nhiều căng thẳng hơn trong quan hệ với Việt Nam.

Nếu tập trung sự chú ý vào các khía cạnh kĩ thuật của các tranh chấp biên giới đất liền chứ không phải các khía cạnh chính trị, đó có vẻ là câu hỏi về cắm mốc biên giới (demarcation) hơn là phân định biên giới (delimitation).[*] Nhận định này dựa trên giả định rằng hai bên chấp nhận biên giới đất liền do chính quyền thực dân Pháp để lại làm cơ sở cho biên giới hiện tại. Theo đó thì biên giới đất liền sẽ không bày ra bất kì vấn đề nghiêm trọng nào về các khu vực tranh chấp, nhưng việc cắm mốc ranh giới sẽ là một quá trình lâu dài và tốn thời gian ngay cả khi quan hệ song phương là tốt.

Xung đột biên giới trên biển trong vịnh Thái Lan phức tạp hơn. Đường Brévié do người Pháp để lại, vốn chủ yếu giải quyết vấn đề các đảo trong khu vực, được coi là phân định hành chính chứ không phải là phân định biên giới. Vì vậy, các cuộc đàm phán là cần thiết để giải quyết vấn đề mà thực chất đó là một câu hỏi về các yêu sách chồng lấn. Trong thập niên 1980 mô hình thoả thuận giữa CHND Kampuchea (PRK) và Việt Nam là xem khu vực tranh chấp như là "vùng nước lịch sử" chung và cùng hợp tác với nhau trong các khu vực như vậy, trong khi việc phân định thoả đáng sẽ tuỳ thuộc vào đàm phán.





[*] Việc cắm mốc biên giới dự định hoàn thành cuối năm 2014 và sẽ hoàn thiện các văn bản pháp lí vào năm 2015, việc in bản đồ biên giới đã kí hợp đồng 3 bên giữa VN,CPC và công ti Blom có trụ sở ở Oslo (Norway) năm 2011 (PVS)
=====================================

Quan điểm của phía Việt Nam
(theo ông LÊ MINH NGHĨA, Cố Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ CHXHCNVN 
đăng trên chuyên trang Tuổi Trẻ ngày 26/4/2009)

Trước năm 1964, quan điểm cơ bản của phía Campuchia về biên giới lãnh thổ giữa hai nước là đòi Việt Nam trả lại cho Campuchia 6 tỉnh Nam Kỳ và đảo Phú Quốc.

Từ năm 1964 - 1967, Chính phủ Vương quốc Campuchia do Quốc trưởng Norodom Sihanouk đứng đầu chính thức đề nghị Việt Nam công nhận Campuchia trong đường biên giới hiện tại, cụ thể là đường biên giới trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 với 9 điểm sửa đổi, tổng diện tích khoảng 100km2. Trên biển, phía Campuchia đề nghị các đảo phía Bắc đường do Toàn quyền Brévié vạch năm 1939 là thuộc Campuchia, cộng thêm quần đảo Thổ Chu và nhóm phía Nam quần đảo Hải Tặc.
Trong năm 1967, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chính thức công nhận và cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong đường biên giới hiện tại (công hàm của Việt Nam không nói tới vấn đề chủ quyền đối với các đảo trên biển và 9 điểm mà Campuchia đề nghị sửa đổi về đường biên giới trên bộ).

Ngày 27-12-1985, Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia trên cơ sở thỏa thuận năm 1967. Thi hành Hiệp ước, hai bên đã tiến hành phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới từ tháng 4-1986 đến tháng 12-1988 được 207 km/1137 km; tháng 1-1989 theo đề nghị của phía Campuchia, hai bên tạm dừng việc phân giới cắm mốc.

Trên biển, ngày 7-7-1982 hai chính phủ ký Hiệp định thiết lập vùng nước lịch sử chung giữa hai nước và thỏa thuận: sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp để hoạch định đường biên giới trên biển, lấy đường gọi là đường Brévié được vạch ra năm 1939 với tính chất là đường hành chính và cảnh sát làm đường phân chia đảo giữa hai nước.

Với Chính phủ Campuchia thành lập sau khi ký Hiệp ước hòa bình về Campuchia năm 1993 , năm 1994, 1995 Thủ tướng Chính phủ hai nước đã thỏa thuận thành lập một nhóm làm việc cấp chuyên viên để thảo luận và giải quyết vấn đề phân giới giữa hai nước và thảo luận những biện pháp cần thiết để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực biên giới nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước. Hai bên thỏa thuận trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về biên giới thì duy trì sự quản lý hiện nay.
Thực hiện thỏa thuận giữa Thủ tướng Chính phủ hai nước nhân dịp Thủ tướng Ung Huốt sang thăm Việt Nam đầu tháng 6-1998, nhóm chuyên viên liên hợp về biên giới Việt Nam - CPC đã họp tại Phnom Pênh từ ngày 16 đến 20-6-1998. Trong cuộc họp này, hai bên đã trao đổi về việc tiếp tục thực hiện các hiệp ước, hiệp định về biên giới giữa hai nước đã ký trong những năm 1982, 1983, 1985. Hai bên đã dành nhiều thời gian thảo luận một số vấn đề về quan điểm của hai bên liên quan đến biên giới biển và biên giới trên bộ với mong muốn xây dựng đường biên giới giữa hai nước trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác lâu dài.
Hai bên đã thống nhất kiến nghị lên chính phủ hai nước tiến hành thành lập Ủy ban liên hợp với những nhiệm vụ:

- Soạn thảo Hiệp ước về hoạch định biên giới biển và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia trình lên chính phủ hai nước.
- Chỉ đạo việc phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới.
- Giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp định về quy chế biên giới giữa hai nước.

Qua trao đổi về đường biên giới biển, phía Campuchia kiên trì quan điểm muốn lấy đường do Toàn quyền Brévié vạch ra tháng 1-1939 làm đường biên giới biển của hai nước.

Ta đã nói rõ là ta không chấp nhận đường Brévié làm đường biên giới biển giữa hai nước vì:

1. Đường Brévié không phải là một văn bản pháp quy, chỉ là một bức thư (lettre) gửi cho Thống đốc Nam Kỳ đồng gửi cho Khâm sứ Pháp ở Campuchia. Văn bản đó chỉ có mục đích giải quyết vấn đề phân định quyền hành chính và cảnh sát đối với các đảo, không giải quyết vấn đề quy thuộc lãnh thổ;

2. Cả hai bên không có bản đồ đính kèm theo văn bản Brévié vì vậy hiện nay ít nhất lưu hành 4 cách thể hiện đường Brévié khác nhau: đường của Pôn Pốt, đường của Chính quyền miền Nam Việt Nam, đường của ông Sarin Chhak trong luận án tiến sĩ bảo vệ ở Paris sau đó được xuất bản với lời tựa của Quốc trưởng Norodom Sihanouk, đường của các học giả Hoa Kỳ.

3. Nếu chuyển đường Brévié thành đường biên giới biển thì không phù hợp với luật pháp quốc tế, thực tiễn quốc tế, quá bất lợi cho Việt Nam và nên lưu ý là vào năm 1939 theo luật pháp quốc tế lãnh hải chỉ là 3 hải lý, chưa có quy định về vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa thì đường Brévié làm sao có thể giải quyết vấn đề phân định lãnh hải theo quan điểm hiện nay và phân định vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.
Phía Việt Nam đã đề nghị hai bên thỏa thuận: áp dụng luật biển quốc tế, tham khảo thực tiễn quốc tế, tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trên vùng biển hai nước để đi đến một giải pháp công bằng trong việc phân định vùng nước lịch sử, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của hai nước.
---------------------------

Bản đồ vùng nước lịch sử theo HIệp ước  7/7/1982
(có vẽ thêm ranh giới biển giả định - trung tuyến)


1 comment:

Unknown said...

Đặt vấn đề sau phán quyêt "phân chia công bằng" giữa bangladesh-myanmar-ấn độ giành cho bangladesh "đường phân chia thẳng" liên hệ với campuhia-việt nam thì có khả năng không? campuchia mở đường phân chia không theo đương brevie hay phân chia trung tuyên nữa mà theo " phân chia công bằng" xét theo yếu tố bât lợi địa lý campuhia thì họ có khả năng không? giành khu vực biển phía nam đảo thổ chu đến đường phân chia việt- mã và yêu cầu các đảo của việt nam trong vịnh thái lan kể cả Phú Quốc chỉ có 12 hải lý nhằm có lợi cho campuhia.Câu hỏi của tôi là có khả năng này không? nếu có xác suât thành công của campuchiaa như thế nào?