Có thể lấy lại Hoàng Sa?
04.02.2014
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa vào giữa tháng 1 vừa rồi, chúng ta thấy hai hình ảnh trái ngược nhau: Trong khi ở hải ngoại, cộng đồng người Việt tổ chức các buổi lễ tưởng niệm một cách long trọng ở nhiều địa phương khác nhau, ở trong nước, ngược lại, ngoài vài buổi họp mặt và một số cuộc biểu tình nho nhỏ, chủ yếu ở Sài Gòn và Hà Nội, do dân chúng tổ chức, về phía chính quyền, chỉ có im lặng. Không những im lặng, họ còn phá rối và trấn áp các cuộc xuống đường biểu dương lòng yêu nước của một số trí thức và thanh niên. Trước đó, chính quyền thành phố Đà Nẵng hứa sẽ tổ chức một buổi thắp nến truy điệu những người đã hy sinh trong trận chiến chống lại Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974 nhưng cuối cùng, cũng huỷ bỏ.
Nhìn rộng hơn, trong nhiều năm qua, liên quan đến vấn đề Hoàng Sa, có hai thái độ khác nhau: Một, về phía chính quyền, người ta hoàn toàn né tránh; nếu phải phát biểu, chỉ phát biểu một cách dè dặt, ấp úng, chung chung, không gắn liền với một mục tiêu và một chiến lược nào cả. Hai, về phía đối lập, từ trong nước ra đến hải ngoại, không ít người đặt vấn đề: cần phải chiếm lại Hoàng Sa hoặc bằng giải pháp quân sự hoặc qua con đường pháp lý, với sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc.
Theo tôi, cả hai thái độ ấy đều sai.
Trước hết, thành thực mà nói, ở vị thế của một nước nhỏ; không những nhỏ mà còn yếu, không có cách gì chúng ta có thể lấy lại được Hoàng Sa từ trong tay Trung Quốc.
Về phương diện pháp lý, dù chúng ta có cả hàng ngàn trang tài liệu lịch sử chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam từ cả mấy trăm năm trước, chúng ta cũng không thể thuyết phục được Trung Quốc và thế giới. Tất cả các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên thế giới lâu nay chỉ có thể được giải quyết bằng tương quan lực lượng, chủ yếu là lực lượng quân sự. Không có cơ quan nào, kể cả Liên Hiệp Quốc, có thể ra lệnh cho quốc gia này trả lại vùng đất đã chiếm đóng cho một quốc gia khác, nhất là khi quốc gia chiếm đóng lại là một quốc gia lớn và, đặc biệt, mạnh. Trong lịch sử, Liên Hiệp Quốc chỉ có khả năng can thiệp vào các cuộc tranh chấp của các quốc gia nhỏ và yếu, chịu nhiều lệ thuộc từ bên ngoài.
Về phương diện quân sự, ai cũng thấy rõ một điều: Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc. Tương quan lực lượng giữa hai nước không giống thời 1979, lúc Trung Quốc còn nghèo và yếu và lúc Việt Nam còn nhận được sự trợ giúp khá nhiệt tình của Liên Xô vốn, thời ấy, còn là một trong hai siêu cường quốc lớn nhất thế giới.
Hơn nữa, nên lưu ý: chiến tranh trên biển khác hẳn chiến tranh trên đất liền. Đánh nhau trên đất liền, ngoài vũ khí, còn nhiều yếu tố khác chi phối kết quả, ví dụ, chiến thuật, lòng dũng cảm, và quan trọng nhất, thời gian cũng như sự đoàn kết của mọi người, với nó, người ta có thể phát động chiến tranh nhân dân. Hình thức chiến tranh nhân dân ấy không thể áp dụng trên biển. Không thể đánh du kích trên biển. Trên biển, yếu tố chủ đạo để dẫn đến thắng lợi chỉ có một: vũ khí. Mà vũ khí thì, dù Việt Nam có đổ ra bao nhiêu tiền để mua, cũng không thể địch lại Trung Quốc. Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu xung đột quân sự xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc, để có thể chiến thắng, Việt Nam chỉ có một cách duy nhất: kéo cuộc chiến ấy vào đất liền. Chứ không phải trên các hòn đảo xa xôi ngoài Biển Đông.
Không thể chiếm lại được Hoàng Sa, nhưng chọn thái độ im lặng và né tránh như cái điều chính quyền Việt Nam hiện nay đang làm cũng là sai.
Sai, thứ nhất, đối với Trung Quốc, sự im lặng hay né tránh của Việt Nam là một món quà tuyệt hảo dành cho Trung Quốc, vốn chỉ muốn lần khân kéo dài để đặt thế giới vào cái thế đã rồi, kiểu cứt trâu lâu hóa bùn, theo cách nói dân gian của Việt Nam. Với thời gian, sự chiếm đóng của Trung Quốc trên Hoàng Sa trở thành một sự kiện lịch sử, một điều có vẻ như hiển nhiên, đương nhiên, không thể đảo ngược được.
Sai, thứ hai, đối với quốc tế, việc im lặng hay né tránh của chính quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa đồng nghĩa với việc thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo ấy, và cùng với nó, trên một phần của Biển Đông. Sự thừa nhận, dù một cách mặc nhiên ấy, sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trên hai mặt trận khác: Một, chống lại con đường lưỡi bò do Trung Quốc áp đặt; và hai, hình thành những liên minh quốc tế có khả năng chống trả lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Sai, thứ ba, đối với dân chúng Việt Nam, việc im lặng hay né tránh ấy dễ tạo ấn tượng xấu là chính quyền hoặc bán nước hoặc nhu nhược và bất lực trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Cả ba trường hợp ấy đều làm hoen ố hình ảnh của nhà cầm quyền; với sự hoen ố ấy, họ mất dần vai trò lãnh đạo, và từ đó, tính chính đáng của chế độ. Trong lịch sử, không có chế độ nào tồn tại được lâu dài khi tính chính đáng ấy bị mất cả. Vấn đề chỉ là thời gian.
Bởi vậy, đối diện với vấn đề Hoàng Sa, người Việt nói chung, đối diện với một nghịch lý: Một mặt, không thể chiếm lại, ít nhất trong điều kiện hiện nay hoặc vài thập niên trước mắt; mặt khác, lại không thể im lặng hay né tránh vấn đề ấy.
Cuối cùng, lựa chọn khả thi duy nhất là: trong lúc vẫn duy trì hòa bình, người Việt vẫn phải tiếp tục lên tiếng trên mọi phương tiện và ở mọi phạm vi, từ quốc nội đến quốc tế. Việc lên tiếng ấy có nhiều cái lợi:
Một, nó nuôi dưỡng lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền của dân chúng. Trong ý nghĩa này, Hoàng Sa không còn là một quần đảo nhỏ xíu và xa lắc nữa mà là một biểu tượng của lãnh thổ và của lịch sử: Ngay cả khi không hoặc chưa thể lấy lại được, nó vẫn tiếp tục là một ám ảnh trong lương tâm mọi người, một món nợ không ai được quên.
Hai, nó là cơ hội để đoàn kết dân chúng trong cả nước. Lâu nay, nói đến đoàn kết, người ta thường chỉ chú ý đến việc tuyên truyền mà quên đi một số điều kiện căn bản: một cộng đồng hay một dân tộc chỉ có thể đoàn kết trên nền tảng một ký ức (memory) chung, một tưởng tượng (imagination) chung và và một tự sự (narrative) chung. Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 là ký ức. Việc bảo vệ và tái chiếm Hoàng Sa là một tưởng tượng. Toàn bộ các câu chuyện liên quan đến những ký ức và những tưởng tượng ấy là một tự sự. Tự sự ấy, một mặt, tạo nên tính chính đáng của chế độ; mặt khác, làm cho mọi người, vốn thuộc những thành phần, giới tính, giai cấp và địa phương khác nhau, gần lại với nhau hơn. Sự gần gũi và đoàn kết ấy chính là sức mạnh của một dân tộc.
Ba, với, chỉ với, những tự sự ấy, Việt Nam mới có thể tạo được một bản sắc trên trường quốc tế, để, mọi người, khi nhìn về Việt Nam, biết rõ Việt Nam đang muốn gì và đang làm gì. Bản sắc ấy chính là điều kiện thiết yếu để tạo nên tình hữu nghị và mọi liên minh cần thiết. Không có tình bạn nào được xây dựng trên sự dao động hay nhạt nhòa về bản sắc cả. Từ mấy năm nay, Việt Nam đang nỗ lực hình thành các đối tác chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới. Tham vọng ấy chỉ có thể trở thành một hiện thực, từ đó, sức mạnh cho Việt Nam nếu, và chỉ nếu, khi Việt Nam có một thái độ và cùng với nó, một tự sự bảo vệ và xây dựng đất nước rõ ràng.
Chủ quyền trên Hoàng Sa và trận hải chiến năm 1974 đã thuộc về quá khứ. Nhưng nó vẫn là một vấn đề thời sự, mãi mãi là một vấn đề thời sự, đồng thời là một thách thức lớn đối với nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
Nhìn rộng hơn, trong nhiều năm qua, liên quan đến vấn đề Hoàng Sa, có hai thái độ khác nhau: Một, về phía chính quyền, người ta hoàn toàn né tránh; nếu phải phát biểu, chỉ phát biểu một cách dè dặt, ấp úng, chung chung, không gắn liền với một mục tiêu và một chiến lược nào cả. Hai, về phía đối lập, từ trong nước ra đến hải ngoại, không ít người đặt vấn đề: cần phải chiếm lại Hoàng Sa hoặc bằng giải pháp quân sự hoặc qua con đường pháp lý, với sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc.
Theo tôi, cả hai thái độ ấy đều sai.
Trước hết, thành thực mà nói, ở vị thế của một nước nhỏ; không những nhỏ mà còn yếu, không có cách gì chúng ta có thể lấy lại được Hoàng Sa từ trong tay Trung Quốc.
Về phương diện pháp lý, dù chúng ta có cả hàng ngàn trang tài liệu lịch sử chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam từ cả mấy trăm năm trước, chúng ta cũng không thể thuyết phục được Trung Quốc và thế giới. Tất cả các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên thế giới lâu nay chỉ có thể được giải quyết bằng tương quan lực lượng, chủ yếu là lực lượng quân sự. Không có cơ quan nào, kể cả Liên Hiệp Quốc, có thể ra lệnh cho quốc gia này trả lại vùng đất đã chiếm đóng cho một quốc gia khác, nhất là khi quốc gia chiếm đóng lại là một quốc gia lớn và, đặc biệt, mạnh. Trong lịch sử, Liên Hiệp Quốc chỉ có khả năng can thiệp vào các cuộc tranh chấp của các quốc gia nhỏ và yếu, chịu nhiều lệ thuộc từ bên ngoài.
Về phương diện quân sự, ai cũng thấy rõ một điều: Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc. Tương quan lực lượng giữa hai nước không giống thời 1979, lúc Trung Quốc còn nghèo và yếu và lúc Việt Nam còn nhận được sự trợ giúp khá nhiệt tình của Liên Xô vốn, thời ấy, còn là một trong hai siêu cường quốc lớn nhất thế giới.
Hơn nữa, nên lưu ý: chiến tranh trên biển khác hẳn chiến tranh trên đất liền. Đánh nhau trên đất liền, ngoài vũ khí, còn nhiều yếu tố khác chi phối kết quả, ví dụ, chiến thuật, lòng dũng cảm, và quan trọng nhất, thời gian cũng như sự đoàn kết của mọi người, với nó, người ta có thể phát động chiến tranh nhân dân. Hình thức chiến tranh nhân dân ấy không thể áp dụng trên biển. Không thể đánh du kích trên biển. Trên biển, yếu tố chủ đạo để dẫn đến thắng lợi chỉ có một: vũ khí. Mà vũ khí thì, dù Việt Nam có đổ ra bao nhiêu tiền để mua, cũng không thể địch lại Trung Quốc. Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu xung đột quân sự xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc, để có thể chiến thắng, Việt Nam chỉ có một cách duy nhất: kéo cuộc chiến ấy vào đất liền. Chứ không phải trên các hòn đảo xa xôi ngoài Biển Đông.
Không thể chiếm lại được Hoàng Sa, nhưng chọn thái độ im lặng và né tránh như cái điều chính quyền Việt Nam hiện nay đang làm cũng là sai.
Sai, thứ nhất, đối với Trung Quốc, sự im lặng hay né tránh của Việt Nam là một món quà tuyệt hảo dành cho Trung Quốc, vốn chỉ muốn lần khân kéo dài để đặt thế giới vào cái thế đã rồi, kiểu cứt trâu lâu hóa bùn, theo cách nói dân gian của Việt Nam. Với thời gian, sự chiếm đóng của Trung Quốc trên Hoàng Sa trở thành một sự kiện lịch sử, một điều có vẻ như hiển nhiên, đương nhiên, không thể đảo ngược được.
Sai, thứ hai, đối với quốc tế, việc im lặng hay né tránh của chính quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa đồng nghĩa với việc thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo ấy, và cùng với nó, trên một phần của Biển Đông. Sự thừa nhận, dù một cách mặc nhiên ấy, sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trên hai mặt trận khác: Một, chống lại con đường lưỡi bò do Trung Quốc áp đặt; và hai, hình thành những liên minh quốc tế có khả năng chống trả lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Sai, thứ ba, đối với dân chúng Việt Nam, việc im lặng hay né tránh ấy dễ tạo ấn tượng xấu là chính quyền hoặc bán nước hoặc nhu nhược và bất lực trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Cả ba trường hợp ấy đều làm hoen ố hình ảnh của nhà cầm quyền; với sự hoen ố ấy, họ mất dần vai trò lãnh đạo, và từ đó, tính chính đáng của chế độ. Trong lịch sử, không có chế độ nào tồn tại được lâu dài khi tính chính đáng ấy bị mất cả. Vấn đề chỉ là thời gian.
Bởi vậy, đối diện với vấn đề Hoàng Sa, người Việt nói chung, đối diện với một nghịch lý: Một mặt, không thể chiếm lại, ít nhất trong điều kiện hiện nay hoặc vài thập niên trước mắt; mặt khác, lại không thể im lặng hay né tránh vấn đề ấy.
Cuối cùng, lựa chọn khả thi duy nhất là: trong lúc vẫn duy trì hòa bình, người Việt vẫn phải tiếp tục lên tiếng trên mọi phương tiện và ở mọi phạm vi, từ quốc nội đến quốc tế. Việc lên tiếng ấy có nhiều cái lợi:
Một, nó nuôi dưỡng lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền của dân chúng. Trong ý nghĩa này, Hoàng Sa không còn là một quần đảo nhỏ xíu và xa lắc nữa mà là một biểu tượng của lãnh thổ và của lịch sử: Ngay cả khi không hoặc chưa thể lấy lại được, nó vẫn tiếp tục là một ám ảnh trong lương tâm mọi người, một món nợ không ai được quên.
Hai, nó là cơ hội để đoàn kết dân chúng trong cả nước. Lâu nay, nói đến đoàn kết, người ta thường chỉ chú ý đến việc tuyên truyền mà quên đi một số điều kiện căn bản: một cộng đồng hay một dân tộc chỉ có thể đoàn kết trên nền tảng một ký ức (memory) chung, một tưởng tượng (imagination) chung và và một tự sự (narrative) chung. Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 là ký ức. Việc bảo vệ và tái chiếm Hoàng Sa là một tưởng tượng. Toàn bộ các câu chuyện liên quan đến những ký ức và những tưởng tượng ấy là một tự sự. Tự sự ấy, một mặt, tạo nên tính chính đáng của chế độ; mặt khác, làm cho mọi người, vốn thuộc những thành phần, giới tính, giai cấp và địa phương khác nhau, gần lại với nhau hơn. Sự gần gũi và đoàn kết ấy chính là sức mạnh của một dân tộc.
Ba, với, chỉ với, những tự sự ấy, Việt Nam mới có thể tạo được một bản sắc trên trường quốc tế, để, mọi người, khi nhìn về Việt Nam, biết rõ Việt Nam đang muốn gì và đang làm gì. Bản sắc ấy chính là điều kiện thiết yếu để tạo nên tình hữu nghị và mọi liên minh cần thiết. Không có tình bạn nào được xây dựng trên sự dao động hay nhạt nhòa về bản sắc cả. Từ mấy năm nay, Việt Nam đang nỗ lực hình thành các đối tác chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới. Tham vọng ấy chỉ có thể trở thành một hiện thực, từ đó, sức mạnh cho Việt Nam nếu, và chỉ nếu, khi Việt Nam có một thái độ và cùng với nó, một tự sự bảo vệ và xây dựng đất nước rõ ràng.
Chủ quyền trên Hoàng Sa và trận hải chiến năm 1974 đã thuộc về quá khứ. Nhưng nó vẫn là một vấn đề thời sự, mãi mãi là một vấn đề thời sự, đồng thời là một thách thức lớn đối với nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
No comments:
Post a Comment