Saturday, March 15, 2014

Google đang mã hóa việc tìm kiếm trên toàn cầu. Đó là điều tệ hại cho NSA và kiểm duyệt Trung Quốc

Google đang mã hóa việc tìm kiếm trên toàn cầu. Đó là điều tệ hại cho NSA và kiểm duyệt Trung Quốc.

Posted by Basam on March 14th, 2014
Tác giả: Craig Timberg và Jia Lynn Yang
Người dịch: Huỳnh Phan
12-3-2014
H1Google đã bắt đầu mã hóa thường xuyên việc tìm kiếm trên mạng (web search) thực hiện ở Trung Quốc, đặt ra một thách thức mạnh bạo mới đối với hệ thống hùng hậu của nước này về kiểm duyệt Internet và theo dõi người dùng cá nhân đang xem trực tuyến những gì.
Công ty cho biết, bước chuyển này là một phần của việc mở rộng trên toàn cầu về công nghệ bảo mật được thiết kế nhằm ngăn chặn việc giám sát của các cơ quan tình báo chính phủ, cảnh sát và các tin tặc mà với các công cụ có sẵn đầy rẫy họ có thể xem email, các tìm kiếm và các cuộc chuyện trò video khi nội dung đó không được bảo vệ an toàn.
Tường lửa Trung Quốc, như người ta thường gọi hệ thống kiểm duyệt của họ, từ lâu đã chặn việc truy tìm các thông tin mà họ cho là nhạy cảm về mặt chính trị. Việc Google ngày càng dùng thêm mã hóa có nghĩa là những nhân viên theo dõi chính phủ không thể phát hiện khi người dùng tìm kiếm các từ nhạy cảm, chẳng hạn như ” Đức Đạt Lai Lạt Ma” hay ” Thiên An Môn”, vì mã hóa làm cho chúng hiện ra dưới dạng chuỗi các con số và chữ cái không đọc được.
Trung Quốc – và các quốc gia khác, chẳng hạn như Ả Rập Saudi và Việt Nam, kiểm duyệt Internet ở cấp quốc gia – vẫn sẽ có thể chọn cách ngăn chặn hoàn toàn các dịch vụ tìm kiếm của Google. Nhưng các chính phủ này sẽ gặp phải khó khăn hơn trong việc lọc nội dung với các từ tìm kiếm cụ thể. Họ cũng sẽ bị rắc rối hơn trong việc xác định những người đang tìm kiếm thông tin về các chủ đề nhạy cảm là ai, các chuyên gia nói.
Bước phát triển này là hậu quả mới nhất (và có lẽ bất ngờ nhất) của việc Edward Snowden năm ngoái tung ra các tài liệu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, chi tiết hoá mức độ giám sát Internet của chính phủ. Google và các công ty công nghệ khác đã đáp ứng bằng những khoản đầu tư to lớn mới trong việc mã hóa trên phạm vi toàn thế giới.
Các quan chức Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi về quyết định của Google thường xuyên mã hóa tìm kiếm ở đó, nhưng bước chuyển đó có nguy cơ nhồi thêm căng thẳng từ lâu giữa công ty công nghệ cao này của Mỹ và quốc gia đông dân nhất thế giới.
“Dù nguyên do là gì, điều này sẽ giúp các cư dân mạng Trung Quốc truy cập được thông tin mà họ chưa bao giờ thấy trước đây”, Percy Alpha, người đồng sáng lập của GreatFire.org, một nhóm nhà hoạt động giám sát tường lửa Trung Quốc nói. “Đó sẽ là điều gây nhức óc cho các cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các công ty khác sẽ theo gương Google đưa việc mã hóa thành mặc định”.
Alpha, giống như các thành viên khác của nhóm này sử dụng một tên giả để tránh né chính quyền Trung Quốc, lưu ý rằng Google đã bắt đầu mã hóa trình tìm kiếm ở nước này hơn hai tháng sau khi GreatFire.org công khai thách thức công ty này làm điều đó trong một bài xã luận được tờ Guardian của Anh đăng hồi tháng 11.
Bài viết này tung ra để đáp ứng lại bài phát biểu của Chủ tịch điều hành Google, Eric Schmidt, trong đó ông nói: “Chúng tôi có thể kết thúc việc kiểm duyệt của chính phủ trong vòng một thập kỷ” qua việc mở rộng mã hóa. GreatFire.org cho biết Google không cần phải đợi tới10 năm mà có thể mã hóa tất cả các trình tìm kiếm ở Trung Quốc nhanh hơn nhiều.
Google phủ nhận rằng kích động của nhóm này đã ảnh hưởng tới quyết định triển khai công nghệ mã hóa ở Trung Quốc, qua việc nói rằng họ đã bắt đầu hồi tháng 2 vì những lý do không có liên quan. Công ty này cũng cho biết thêm rằng tất cả tìm kiếm thực hiện ở hầu hết các trình duyệt hiện đại sẽ được mã hóa trong những tháng sắp tới. Ngày hoàn thành cho việc triển khai trên toàn thế giới vẫn chưa rõ.
“Các tiết lộ hè năm ngoái đã vạch rõ nhu cầu tăng cường hệ thống mạng của chúng tôi. Trong số nhiều cải tiến chúng tôi đã thực hiện trong những tháng gần đây là việc đưa mã hóa trình tìm kiếm Google thành mặc định trên toàn thế giới”, người phát ngôn Niki Christoff cho biết trong một tuyên bố gửi qua email. “Điều này được xúc tiến dựa trên công trình của chúng tôi trong vài năm qua trong việc tăng số lượng các dịch vụ được mã hóa một cách mặc định và khuyến khích ngành công nghiệp này áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mạnh mẽ hơn”.
Phần lớn Google đã rút ra khỏi Trung Quốc đại lục năm 2010, chuyển nhiều hoạt động kinh doanh tới vùng Hồng Kông bán tự trị sau khi từ chối tuân theo lệnh kiểm duyệt trình tìm kiếm hoặc chuyển chúng tới các trang web ưa thích hơn –  điều mà đối thủ cạnh tranh còn ở lại vẫn làm.
Kể từ đó, tỉ lệ của Google trên thị trường tìm kiếm ở Trung Quốc đã giảm xuống thấp tới mức 5%, theo công ty nghiên cứu thị trường Tư vấn Marbridge đóng ở Bắc Kinh. Đại đa số người sử dụng Internet ở đó sử dụng công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc, ngay cả trên các điện thoại dùng hệ điều hành Android của Google.
Điều này có nghĩa rằng tác động của việc sử dụng mã hóa gia tăng của Google có thể chỉ giới hạn trong tầm với của nó vì những người sử dụng Google ở Trung Quốc – điển hình là những người am hiểu công nghệ và giới trẻ – thường đã biết cách qua vượt qua Tường lửa.
“Những người có hiểu biết kỹ thuật cao không thực sự cần một công cụ khác để né tránh kiểm duyệt,” Jason Q. Ng, tác giả của “Bị chặn trên Weibo: Điều gì bị ngăn trở trên Twitter phiên bản TQ (và vì sao?)” [“Blocked on Weibo: What Gets Suppressed on China’s Version of Twitter (and Why)] cho biết.
Google đã bắt đầu cho một số người dùng có thể chọn trình tìm kiếm được mã hóa năm 2010 và thực hiện việc bảo vệ tự động cho nhiều người sử dụng tại Hoa Kỳ năm 2012. Công ty bắt đầu mã hóa dòng thông tin truyền giữa các trung tâm dữ liệu của nó sau khi tờ The Washington Post và tờ The Guardian, dựa trên các tài liệu do Snowden cung cấp, năm ngoái đã tường thuật về phạm vi rộng lớn của Internet bị Cơ quan An ninh Quốc gia và các đồng minh của nó lén đọc. Microsoft và Yahoo ngay sau đó đã theo bước với các sáng kiến tương tự.
Ở các nơi khác trên thế giới, và đặc biệt ở những người sử dụng các trình duyệt cũ tìm kiếm mã hóa đã đến chậm hơn. Firefox, Safari và trình duyệt Chrome của chính Google cho phép mã hóa tự động, nhưng Internet Explorer thế hệ cũ của Microsoft – vẫn còn phổ biến ở Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới – thì chưa. Internet Explorer 6, ra mắt vào năm 2001 và không phù trợ tìm kiếm mã hóa của Google, sử dụng cho 16 % của lưu lượng truy cập Internet của Trung Quốc, theo NetMarketShare.com , tổ chức chuyên theo dõi việc sử dụng.
Bước chuyển đưa việc mã hóa thành thường lệ có thể châm ngòi phản ứng dữ dội từ chính quyền Trung Quốc vốn liên tục cải tiến Tường lửa để ngăn chặn dòng thông tin có nội dung không mong muốn và cũng để duy trì khả năng giám sát người sử dụng Internet ở Trung Quốc.
“Tường lửa là một mục tiêu luôn di động”, Richard Clayton, nhà nghiên cứu bảo mật máy tính cho các trường Đại học Cambridge, Anh, chuyên nghiên cứu việc lọc Internet của Trung Quốc cho biết. “Họ đang liên tục cải tiến”.
Kiểm duyệt đặt ra một chướng ngại cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng để mở rộng ra quốc tế vì họ không có được tiếp cận đáng tin cậy tới các trang web với người xem toàn cầu, như là Facebook. Khó có thể xác định chính phủ sẽ chặn điều gì vào một ngày nào đó.
“Ở Trung Quốc, rất nhiều thứ giống như thế,” Jiang Tao, người sáng lập CSDN, một cộng đồng phát triển phần mềm Trung Quốc cho biết. “Bạn không biết điều gì bạn có thể làm, cái gì bạn không thể làm. Không ai nói cho bạn biết cả”.
Việc Google ngày càng dùng thêm mã hóa có thể đẩy Trung Quốc tới chỗ ngăn chặn hoàn toàn trình tìm kiếm của Google hoặc thậm chí tất cả các dịch vụ do công ty này cung cấp. Mặc dù Google có thị phần ở Trung Quốc nhỏ hơn rất nhiều so với ở những nơi khác trên thế giới, nó vẫn được các công ty quốc tế và một số người khác sử dụng rộng rãi, có nghĩa là có thể có những hậu quả kinh tế đối với việc ngăn chặn hoàn toàn.
Một chọn lựa khác sẽ là cái mà các chuyên gia gọi là “tấn công giữa đường” sẽ cho phép kiểm duyệt Trung Quốc chặn dòng thông tin được mã hóa và giải mã nó trước khi nó đi tới các máy chủ của Google. Đối với nhiều người sử dụng, một cuộc tấn công như vậy rất dễ thấy vì trình duyệt của họ sẽ cảnh báo rằng các thông tin liên lạc đã bị đọc trước khi đến người nhận của nó. Người sử dụng sẽ tuỳ nghi tiếp tục với truy vấn này, ngay cả khi biết đã bị tấn công giữa đường, tuy nhiên việc bảo mật nhờ mã hóa của Google không còn nữa.
Những người ủng hộ quyền riêng tư, từ lâu đã chỉ trích Google, nói rằng việc họ mở rộng sử dụng mã hóa sẽ không có tác dụng ngăn chặn việc chính công ti này theo dõi các cuộc viếng trên mạng, email và các truy vấn tìm kiếm của người sử dụng. Thông tin như vậy sẽ giúp công ti định hướng quảng cáo, nguồn doanh thu chính của họ.
“Việc chuyển tới mã hóa càng nhiều càng tốt là điều tốt, nhưng thực sự tôi nghĩ rằng Google chỉ phô trương thôi,” Jeff Chester, giám đốc điều hành của Trung tâm vì Dân chủ kĩ thuật số, một nhóm vận động có trụ sở tại Washington cho biết.
William Wan và Li Qi đóng góp cho bài viết này từ Bắc Kinh.

No comments: