III – Bàn thêm về con đường của chủ nghĩa xã hội
(Xin đăng lại đoạn trích này trong bài Vượt lên khúc quanh của lịch sử trong loạt bài 'Chữ Tín' của tg Nguyễn Trung, cựu đại sứ VN tại TL)
Xin dành cho việc nghiên cứu lý luận cho những công trình lý luận. Trong phần này chỉ xin dựa vào thực tiễn của cuộc sống nêu lên một số ý kiến để tham khảo.
Nói tóm tắt, tôi muốn nhìn nhận sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản (CNCS) và học thuyết Marx như một bước phát triển trong lịch sử tư duy của nhân loại. Về nhiều phương diện, còn có thể xem CNCS là một nỗ lực của nhân loại tìm đường giải phóng mình ra khỏi quá trình phát triển không ít máu và nước mắt của chủ nghĩa tư bản ở vào thời kỳ đã mở đường ra toàn cầu, vì một tương lai tốt đẹp hơn của tự do. Tính đến khoảng hai thập kỷ đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới II, lý tưởng giải phóng này đã chinh phục được 1/3 nhân loại: Đó là các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào các nước thuộc địa giành độc lập dân tộc.
Song lý tưởng lãng mạn và cuộc sống thực là hai thực thể khác nhau. Mô hình thể chế chính trị của các nước XHCN ra đời từ lý tưởng lãng mạn này là “nhà nước chuyên chính vô sản + kinh tế kế hoạch hóa tập trung + công hữu tư liệu sản xuất”. Mô hình này không thực hiện được lý tưởng lãng mạn của giải phóng và tự do, nên thất bại. Cuối cùng nó tha hóa thành nhà nước độc tài toàn trị, với mọi tệ hại khủng khiếp vượt ra ngoài trí tưởng tượng. Các nước xã hội chủ nghĩa LXĐÂ tự sụp đổ từ bên trong như một lẽ tất yếu.
Tuy nhiên, khát vọng giải phóng và tự do của con người không bao giờ ngừng nghỉ, thua keo này, bày keo khác, vì đó là lẽ sống. Khát vọng này tìm đường đi tiếp trong muôn ngả khác của cuộc sống, trong từng bước tiến bộ mới hàng ngày của văn minh nhân loại. Đã có chứng minh rất thuyết phục: Chông gai, xương máu, rác rưởi làm đau khổ cuộc đời này còn nhiều khắp nơi. Nhưng, nhờ vào sự phát triển mọi mặt của cuộc sống, các giá trị cao đẹp của con người và cuộc sống xã hội được phát huy tới đâu, con người được giải phóng và hoàn thiện tới đó trên con đường bất tận của chân, thiên, mỹ. Chỉ có các triết lý đúng đắn của các giá trị và các giá trị, chứ không có thứ chủ nghĩa nào trên đời này có thể giúp con người thành công trên con đường nó phải đi.
Tôi nghiệm thấy như vậy, có niềm tin như vậy, sống theo như vậy, và như thế đối với tôi là đủ.
Tôi không quan tâm chuyện có hay không có xu thế tất yếu loài người sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, vì – theo tôi – nó xa vời và quá huyễn hoặc, nếu có thì cũng là là câu chuyện của hàng trăm năm tới, hàng nghìn năm tới. Ai giữ niềm tin vào xu thế tất yếu này, tôi tôn trọng, coi đó là niềm tin tôn giáo của họ, tôi không tham gia tranh luận đúng / sai làm gì. Nhưng nếu muốn đem thứ niềm tin tôn giáo này áp lên đất nước, thì đây lại là vấn đề của cả nước, phải do cả nước quyết định.
Cái mà người ta thường nói về con đường của chủ nghĩa xã hội, về định hướng xã hội chủ nghĩa, về các học thuyết và chủ nghĩa liên quan đến chủ đề này, về chủ nghĩa Mác – Lênin… với tính cách là các lý thuyết dẫn dắt mô hình phát triển quốc gia… đã từng gây tranh cãi quyết liệt ở nơi này nơi nọ trên thế giới. Chính F. Engels khi còn sống đã không dưới một lần phản biện lại Tuyên ngôn Cộng sản và phong trào cộng sản. Cuộc tranh cãi này đã đi tới hồi kết ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa LXĐÂ cũ khi chuyển đổi chế độ, bằng cách từ bỏ lãng mạn đã theo đuổi, quay lại lựa chon con đường đi chung của nhân loại là “kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự”, với các mức thực hiện được rất khác nhau trong từng quốc gia này.
Tôi cho rằng câu chuyện “con đường của chủ nghĩa xã hội” như thế là ngã ngũ, thiên hạ đã tổng kết khá thuyết phục.[4] Câu chuyện “con đường” này chỉ còn đang tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc, Việt Nam… Song thực chất đây lại là chuyện chính trị và chuyện ý thức hệ, mà ngay cả cái gọi là chuyện ý thức hệ thì cuối cùng cốt lõi vẫn là chuyện chính trị.
Nhìn lại, ta có được bức tranh tổng thể của con đường xã hội chủ nghĩa trên thế giới: (a) các nước LXĐÂ cũ đã xóa bỏ “cả gói” mô hình XHCN (bao gồm cả các đảng dựng lên chế độ XHCN ở những quốc gia này) để quay lại lựa chọn con đường chung của nhân loại, (b) Trung Quốc chỉ xóa bỏ con đường XHCN nhưng giữ nguyên đảng, vì yêu cầu thống trị toàn Trung Quốc và yêu cầu trở thành siêu cường Đại Hán, (c) Việt Nam hiện giữ nguyên đảng, điều chỉnh lại con đường thành “định hướng XHCN” để bảo toàn chế độ toàn trị với kết quả như thực trạng đất nước hôm nay. Cho dù bức tranh tổng thể này có những mảng màu khác nhau như vậy, song vẫn toát lên sự thực cốt lõi là mô hình của CNXH như đã dựng nên đã hoàn toàn phá sản ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa. Sự thật là như thế, và nên nhận định dứt khoát như thế trong tư duy cải cách, để gạt bỏ mọi điều còn lấn cấn, để nghĩ và hành động theo hướng dẫn của trí tuệ và các giá trị, chứ không phải là của ý thức hệ. Nói tất cả vì con người, nói tổ quốc là trên hết, nhất thiết nên để cho trí tuệ và các giá trị quyết định hành động của mình.
Xin nhắc lại, cái gọi là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thực chất chỉ là chủ nghĩa tư bản đặc sắc đại Hán mang khát vọng siêu cường. Nếu nhìn về phương diện đối ngoại, còn phải nói chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc mang nhiều tính chất của thứ chủ nghĩa thực dân mới đặc sắc Trung Quốc mà dư luận thế giới đã phải thừa nhận là nó nguy hiểm hơn và vượt xa chủ nghĩa thực dân mới thế kỷ 20 trên mọi phương diện. Thứ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc này đang theo đuổi khát vọng bành trướng chẳng những uy hiếp các nước láng giềng mà còn trở thành vấn đề của cả thế giới. Hiểu Trung Quốc là một chuyện, chính sách đối ngoại của nước ta đối với Trung Quốc là chuyện khác. Có hiểu thật đúng Trung Quốc, mới có khả năng tìm ra con đường cho nước ta thực được hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, láng giềng tốt với Trung Quốc mà nước ta luôn mong muốn.
Ở nước ta, những mục tiêu được đề ra cho xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thập kỷ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập thống nhất đã thất bại, dẫn tới phải tiến hành đổi mới kinh tế từ đại hội VI năm 1986, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội được điều chỉnh lại thànhđịnh hướng xã hội chủ nghĩa. Trong gần ba thập kỷ tiếp theo, con đường định hướng xã hội chủ nghĩa này mang lại cho đất nước chỗ đứng như hôm nay và đã được trình bày khái quát trong loạt bài viết này. Hiện nay đất nước ta đứng trước đòi hỏi bức xúc phải thay đổi toàn diện theo hướng cải cách duy tân, để phát triển trên con đường dân tộc và dân chủ. Nói một cách khác, nước ta cũng phải tìm cách trở lại đi chung con đường của cả nhân loại, đó là phát triển đất nước thông qua thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự. Từ sau đại hội IX đã có sự thừa nhận nửa vời đối với đòi hỏi khách quan này, đó là thêm cái vỹ ngữ “định hướng XHCN” vào kinh tế thị trường, vào nhà nước pháp quyền, đồng thời thôi không nói đến chuyên chính vô sản nữa. Song cái “đuôi” (“vỹ ngữ”) thêm vào này trên thực tế lại là cái “đầu”, bởi vì nó có sức mạnh lũng đoạn kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền, qua đó nó biến dạng nghiêm trọng toàn bộ hệ thống pháp luật, đạo đức và kỷ cương của đất nước. Một số học giả của đảng đã đề nghị đưa khái niệm “xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa” vào hệ thống chính trị, nhưng đến nay chưa được chấp nhận. Thêm vào những cái “đuôi” để đối phó như vậy, chung cuộc chỉ dựng lên được cho đất nước: Chế độ chính trị toàn trị + nền kinh tế thị trường kém phát triển như hôm nay + môi trường tự nhiên bị xâm phạm nghiêm trọng (cũng có ý nghiên cứu cho rằng Việt Nam đang ở thời kỳ của chủ nghĩa tư bản hoang dã).
Nhìn về lâu dài và khi điều kiện cho phép, có nhiều vấn đề của lịch sử nhất thiết phải nghiên cứu cho rành rẽ để tiếp tục tạo ra chỗ đứng vững chắc và tầm nhìn đúng đắn trong việc cân nhắc đại sự của đất nước. Cả một quá khứ đã đặt Việt Nam lên đường ray của chủ nghĩa xã hội suốt bốn thập kỷ như thế đang để lại để trang trải rất nhiều vấn đề và hệ quả cho hôm nay cũng như cho tương lai. Đó là sự thật khách quan.
Song cuộc sống của đất nước không thể chờ đợi, trong khi đó năng lực làm việc của con người chỉ có hạn. Do đó nên tập trung sức lực cho tiến hành cải cách với tinh thần khép lại quá khứ, nhưng không trốn tránh giải quyết những vấn đề sống còn của đất nước do quá khứ để lại. Cần bình tĩnh và tỉnh táo đặt ra cách tiếp cận này, đơn giản vì không thể nôn nóng cùng một lúc giải quyết mọi việc, mà toàn là những việc nhạy cảm, bức xúc, nóng bỏng, nhiều việc chưa có lời giải...
Tối ưu nhất là đảng chủ động huy động trí tuệ cả nước dựng nên một chiến lược cải cách duy tân đất nước, kế hoạch tổng thể thực hiện chiến lược này, lộ trình tiến hành. Đồng thời, đảng cần vận động toàn dân – trước hết là đảng viên – trau dồi hiểu biết và phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cải cách duy tân đất nước với tinh thần Diên Hồng.
Cải cách đòi hỏi một cuộc vận động, giáo dục, học tập sâu rộng và lâu bền trong toàn quốc. Cứ nhìn công sức và nguồn lực đã bỏ ra cho nhiệm vụ “giữ vững định hướng” – như qua các đợt học tập chính trị, qua đợt vận động quá nhiều hình thức giả dối cho việc sửa đổi hiến pháp, vân vân.., có thể nói dứt khoát: Đất nước dù còn nghèo, song hoàn toàn không thiếu nguồn lực cho thực hiện cuộc vận động vỹ đại này để phục vụ sự nghiệp cải cách duy tân đất nước, bắt đầu từ học tập. Chỉ có chuyện nguồn lực này cố ý được sử dụng cho những mục đích khác! Sử dụng nguồn lực như thế là sự lãng phí đầy tội lỗi, là sự tham nhũng cơ hội của đất nước…
Đất nước ta, dân tộc ta đã phải chịu đựng quá nhiều tàn phá và đau thương rồi. Bây giờ, ngay trong cải cách và sau đó, không cần thiết phải mất thêm một giọt máu, không cần thêm một sự tàn phá, không cần phải có thêm một trận chiến tương tàn! Người Việt với người Việt là con một nhà, là anh em, hãy tất cả cho cải cách! Hãy tha thứ cho nhau và vì nhau để cải cách thành công bằng được! Hãy giúp nhau hiểu biết để ai cũng có thể tham gia vào sự nghiệp đổi đời chính bản thân mình và đổi đời đất nước mình! Hãy bảo vệ nhau và hợp tác với nhau đến cùng cho cải cách duy tân đất nước! Ê chề trước thiên hạ vì nghèo hèn, danh dự dân tộc bị xúc phạm, tất cả như thế là quá đủ rồi! Hãy quyết bảo nhau trong cải cách: Thiên hạ làm được thì người Việt ta cũng làm được!
Lại hỏi: Trước sau đảng vẫn khước từ cải cách duy tân đất nước thì sao?
Đáp: Câu hỏi này đã trả lời rồi.
Thay lời kết: Thông điệp của nhân dân
Một nhân vật lịch sử, một anh hùng dân tộc sống mãi trong lòng dân. Sự kiện dân làm đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói lên rất rõ điều này. Cả nước đã nói lên điều này, không có gì phải bàn thêm nữa.
Song việc hàng triệu người dân cả nước trực tiếp chia tay với Đại tướng một cách thành kính, tha thiết, không chỉ biểu thị một tấm lòng với người đã khuất, mà còn là lời gửi gắm, lời nhắn nhủ.., và nhất là còn là một lời nhắc nhở không thể bỏ qua đối với người còn sống.
Hàng triệu người trong cả nước, không ai bảo ai, cũng chẳng ai đứng ra tổ chức, tất cả cùng nhau trang nghiêm tiễn đưa Đại tướng, trong một trật tự tự giác chưa từng thấy… Sự việc này trịnh trọng nói lên ý chí của nhân dân, biểu thị mãnh liệt quyết tâm và khả năng của nhân dân trong việc thực hiện ý chí của mình. Không gì có thể cản nổi! Xưa nay hiếm thấy một đám tang nào như thế dành cho một đảng viên từ khi đảng còn trứng nước, một vị tướng được nhân dân coi là của mình, một con người nhân dân ngưỡng mộ. Cả nước được chứng kiến: Ý chí trở thành triệu người một khối, lừng lững, hòa bình… Hiếm thấy một đám tang nào nói lên nhiều điều như thế đối với cả nước, nhất là trong bối cảnh của đất nước hôm nay.
Tôi thầm hiểu, thế nào là nhân dân muôn người như một trong một nguyện vọng, trong một ý chí, trong một hành động. Nói đến cải cách duy tân đất nước hôm nay, nếu khởi xướng lên được với tất cả tinh thần và nội dung thiêng liêng của sự nghiệp đổi đời này, đất nước ta chắc chắn sẽ có nhân dân muôn người như một, trong một ý chí, trong một hành động.
Tôi tin rằng sẽ có một ngày như vậy./.
Võng Thị - Hà Nội, ngày 01-03-2014
---------------------------------------------------------------------------------------
[4] Nguyễn Trung: Diễn văn của Tổng thống Joachim Gauck kỷ niệm 150 năm đảng Dân Chủ Xã Hội Đức, http://viet-studies.info/NguyenTrung/MguyenTrung_DienVanTongThongDuc.htm
No comments:
Post a Comment