Gót chân Achilles của Trung Quốc ở Đông Nam Á
(bài đã đăng trên basam.info 02/11/ 2013)
Tác giả: Benjamin Schreer, ASPI
Người dịch: Huỳnh Phan
01-11-2013
Bình luận gần đây về việc Tổng thống Barack Obama hủy bỏ vào phút cuối chuyến đi của ông đến cuộc họp APEC tại Bali và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Brunei phản ánh áp đảo lối suy nghĩ cổ điển ‘tổng bằng không’. Dư luận chung là tính đáng tin của việc Mĩ ‘xoay trục’ đã bị xói mòn nhiều thêm nữa, và rằng Trung Quốc đã sử dụng sự vắng mặt của Obama để củng cố vị trí của mình với các quốc gia ASEAN.
Tuy nhiên, chính trị quốc tế hầu như không theo động lực nhị phân như vậy. Trên thực tế, vì nhiều lí do, mục tiêu của Bắc Kinh nhằm tăng cường vị thế của mình trong khu vực Đông Nam Á với cái giá mà Washington phải chịu rất có nhiều khả năng thất bại. Thứ nhất, các nhà lãnh đạo khu vực đều hiểu rất rõ rằng chuyến đi Đông Nam Á của Tổng thống bị hủy không đồng nghĩa với một sự thay đổi trong chiến lược châu Á của Hoa Kì. Các cường quốc khu vực chính như Malaysia và Indonesia thừa nhận việc Obama ở nhà là chuyện bắt buộc. Thay vào đó, Ngoại trưởng John Kerry đã tham dự cả hai cuộc họp và đã đưa ra thông điệp chính mà các nước Đông Nam Á muốn nghe: Mĩ hi vọng Trung Quốc và các nước láng giềng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông một cách hòa bình.
Thứ hai, thông điệp này làm lộ gót chân Asin của Trung Quốc ở Đông Nam Á: trong khi các nước ASEAN có tranh chấp đang mong muốn đàm phán, Bắc Kinh lại không sẵn sàng thỏa hiệp về chủ quyền lãnh thổ quá đáng của nước này ở Biển Đông. Tại Brunei, Thủ tướng Trung Quốc Lí Khắc Cường không những lặp lại rằng Bắc Kinh có ‘các quyền không thể tranh cãi’ bên trong đường ‘chín đoạn’ mà ông còn cảnh báo các nước không trực tiếp có dính dáng, kể cả Úc và Nhật Bản, phải đứng ngoài các tranh chấp này. Như vậy, Trung Quốc không đạt được nhiều tiến bộ trong việc thuyết phục các nước Đông Nam Á về thiện ý của mình. Nói một cách đơn giản, hành vi quyết đoán của họ trong Biển Đông đã gây ra hao hụt hầu như khó khôi phục về lòng tin giữa Bắc Kinh và các nước ASEAN. Nó cũng mở ra một con đường cho các đấu thủ bên ngoài như Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường vai trò an ninh ở Đông Nam Á.
Thứ ba, kết quả là một số quốc gia Đông Nam Á tỏ dấu hiệu về hành vi ‘cân bằng bên trong’ và ‘bên ngoài’ chống lại Trung Quốc. Với hậu thuẫn chủ yếu của Nga, Việt Nam đang phát triển các thành phần khả năng ‘chống tiếp cận/ từ chối khu vực’ (anti-access/area-denial – A2/AD) để bù vào việc tăng cường lực lượng biển trong khu vực của Trung Quốc. Sau nhiều thập kỉ lo lắng về vấn đề an ninh nội bộ, Philippines đang cố gắng xây dựng một vị thế ‘phòng thủ đáng tin tối thiểu’ chống Trung Quốc. Những nước khác rõ ràng đang tìm cách che chắn khả năng có căng thẳng nhiều hơn ở Biển Đông. Chẳng hạn, Singapore mời Mĩ triển khai bốn tàu chiến ven biển. Họ cũng có khả năng chọn máy bay Joint Strike Fighter làm máy bay chiến đấu kế tiếp của mình, điều này sẽ tăng cường việc hợp tác quân sự với Mĩ.
Thứ tư, các diễn giải cho rằng sự vắng mặt của Obama là bằng chứng cho sự thiếu chuyên tâm về tái cân bằng là có vấn đề. Có hai lập luận chính thường được đưa ra. Một là Washington đang quá bận rộn với Trung Đông và hai là Hoa Kì không còn tiền để tài trợ cho việc chuyển trục về châu Á – Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc. Lập luận đầu không nhận thấy được rằng Mĩ vẫn còn là một cường quốc toàn cầu với trách nhiệm toàn cầu – đơn giản là vì phát biểu gần đây của ông Obama trước Đại hội đồng LHQ đề cập quá ít về châu Á – Thái Bình Dương so với Trung Đông không có nghĩa là Mĩ đột nhiên thiếu quan tâm đối với châu Á.
Lập luận thứ hai cũng không thuyết phục. Mặc dù có sức ép lên ngân sách quốc phòng của Mĩ, Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục chuyển các hệ thống quân sự quan trọng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hồi đầu tháng 10, các quan chức Mĩ đã thông báo rằng Hoa Kì sẽ triển khai máy bay dọ thám không người lái Global Hawk đến Nhật Bản vào đầu năm 2014. Và vào năm 2017 thủy quân lục chiến sẽ bắt đầu triển khai F – 35B tới Nhật Bản, đánh dấu sự triển khai máy bay chiến đấu Joint Strike lần đầu bên ngoài nước Mĩ. Ngoài ra, thủy quân Lục chiến Mĩ đang xây dựng một căn cứ chỉ huy cao cấp mới trên đảo Palawan ở Philippines để giám sát Biển Đông. Đường băng trên đảo sẽ được nâng cấp để có thể phục vụ việc không vận chiến lược của Mĩ (và có khả năng cho máy bay chiến đấu). Nói cách khác, Philippines là bước mới nhất trong chiến lược của Mĩ để tăng cường sự hiện diện luân phiên của thủy quân lục chiến trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, làm phức tạp đáng kể kế hoạch hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Cuối cùng, các đồng minh của Mĩ có vẻ sẵn sàng gánh vác nhiều hơn để hậu thuẫn việc xoay trục của Mĩ. Úc là một ví dụ. Thủ tướng Abbott vừa công bố quyết định của Chính phủ Úc chia sẻ chi phí tài chính cho sự hiện diện tăng cường của thuỷ quân Lục chiến Mĩ ở Bắc Úc. Đồng thời, cách tiếp cận nồng nhiệt của ông với Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản – đồng minh châu Á quan trọng khác của Mĩ – tại hội nghị thượng đỉnh, bao gồm việc thừa nhận rằng Tokyo cần phải đóng vai trò an ninh khu vực tích cực hơn, đã làm ông nhận lãnh nhiều nhận xét gay gắt tại Bắc Kinh.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là Úc, các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của Mĩ hiện nay đang trong tiến trình chống Trung Quốc. Nhưng họ có một lợi ích cốt lõi trong việc duy trì sự hiện diện của Mĩ trong khu vực và có nhận thức sâu sắc về thời điểm bước vào vị trí. Trung Quốc còn quá xa mới tới chỗ làm suy sụp vị thế của Mĩ ở Đông Nam Á.
Benjamin Schreer là một nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI)
No comments:
Post a Comment