Tuesday, September 17, 2013

Đôi lời nói thêm về bản đồ các cột mốc biên giới Việt-Trung

Đôi lời nói thêm về bản đồ các cột mốc biên giới Việt-Trung



Sau khi Bauxite Việt Nam và Dân Luận công bố bản đồ các cột mốc biên giới đất liền Việt Trung ở đâyở đây, chúng tôi thấy cần nói rõ thêm một số điều về các bản đồ này như sau.

Trong quá trình theo dõi bài phỏng vấn của GDVN với TS Trần Công Trục về vấn đề biên giới Việt – Trung cùng các trao đổi giữa ông và ông Mai Thái Lĩnh, chúng tôi có tìm được ‘Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Trung của chính phủ CHXHCNVN và chính phủ nước CHNDTH’ (sau đây gọi tắt là Nghị định thư) ngày 18 tháng 11 năm 2009 đăng trên trang web của Thư viện pháp luật (TVPL). Nghị định thư  này có nêu đầy đủ toạ độ của các cột mốc và các điểm đặc biệt mà đường biên giới đi qua. Vì thế, chúng tôi nảy ra ý định dùng phần mềm vẽ bản đồ để thể hiện các cột mốc và điểm đặc biệt này trên một bản đồ nền có sẵn biên giới nhằm góp một cái nhìn khác trên góc độ bản đồ về vấn đề biên giới Việt Trung.

Về bản đồ nền, chúng tôi tạm dùng bản đồ lấy từ CIA World DataBank II của chính phủ Hoa Kì do bản đồ này có độ phân giải khá cao và cũng có đường biên giới có sẵn đáng tham khảo.
Về dữ liệu, khi lọc xong các toạ độ lấy từ bản Nghị định thư đăng trên TVPL, chúng tôi phát hiện có một số toạ độ có nhiều khả năng bị gõ nhầm số. Vì thế, chúng tôi truy tìm các nguồn khác đáng tin hơn, kể cả nguồn của Trung Quốc,[1] cuối dùng chúng tôi tìm được bản Nghị định thư dưới dạng scan có chữ kí giáp lai từng trang (có vẻ của ông Hồ Xuân Sơn - phía VN và ông Vũ Đại Vĩ -phía TQ). Toàn văn Nghị định thư này nằm trong công báo của Chính phủ từ số 634+635 tới số 640+641. Chúng tôi cũng tìm được bảng kê toạ độ các cột mốc trong công báo số 680+681. Bảng kê này chỉ là bản văn pdf thường (không phải bản scan nên không có chữ kí giáp lại từng trang). Kiểm tra ngẫu nhiên một số toạ độ cột mốc giữa bảng kê này với Nghị định thư thì thấy đều trùng khớp. Do đó, chúng tôi quyết định dùng bảng này để xử lí số liệu và sau đó có đối chiếu lại với số liệu mà chúng tôi đã xử lí dựa trên bảng của TVPL. Kết quả là tuyệt đại đa số các toạ độ cũng đều ăn khớp nhau, ngoại trừ những chỗ sai dễ thấy do gõ nhầm số.[2]

Có tất cả 1378 số dùng gọi tên các cột mốc cùng với một cột mốc gốc đặt tại giao điểm của biên giới Việt-Trung-Lào không đánh số (chúng tôi tạm gọi là cột mốc 0). Sau khi xử lí các văn bản, chúng tôi đựợc 2084 toạ độ, bao gồm 113 toạ độ của các điểm đặc biệt mà đường biên giới đi qua như đã nêu và 1971 toạ độ các cộc mốc. Do có một số cột mốt là cột mốc đôi hoặc mốc ba đặt tại các vị trí hai bờ sông hoặc có thêm một cột mốc nơi hợp lưu sông và có cả các cột mốc có nhiều cột mốc phụ nữa (gồm cột mốc đơn, kép và phụ) nên số cột mốc nhiều hơn 1378.

Với dữ liệu xử lí được, dùng phần mềm chuyên dụng chúng tôi tạo được các bản đồ như đã công bố. Mặc dù dữ liệu có vẻ đáng tin cậy nhưng tính chính xác của bản đồ nền cũng như phần mềm được chọn chỉ ở mức tốt nhất theo khả năng và điều kiện mà cá nhân có thể có được. Lưu ý rằng một sai sót nhỏ trên bản đồ nền hoặc phần mềm vẽ bản đồ có thể sẽ có ảnh hưởng lớn đến dộ chính xác và chất lượng của bản đồ làm ra. Chẳng hạn chỉ cần sai khác 1’ về vĩ độ sẽ tương đương với sai lệch trên thực địa khoảng 1 hải lí ≈ 1 852 m theo hướng Bắc-Nam, sai khác 1’ về kinh độ có thể tạo ra sai lệch khoảng 1 720 m (≈ 1852 m × cos22°[3]) theo hướng Đông Tây.

Với các bản đồ vừa đưa công bố trên Dân Luận có độ phân giải cao hơn, khi xem với mức phóng đại chừng 300-400%, bạn đọc có thể phát hiện được một vài điểm không hợp lí, chẳng hạn như cột mốc 0 đáng lẽ nằm tại giao điểm của 3 đường biên giới Việt-Trung-Lào, như đã nêu, thì lại lệch đi thấy được về phía Đông - Bắc,[4] dù rằng cũng ở bản đồ này cột mốc1378 cuối cùng có vẻ được đặt đúng ở phía Đông Nam bãi Dậu Gót (Heng Shi Sha Zhou) như mô tả trong Nghị định thư.
Để có thể rút ra một kết luận nào đó, có lẽ cần phải dùng nhiều bản đồ nền khác và các phần mềm vẽ bản đồ khác để kiểm chứng, đặc biệt là bản đồ nền tin cậy dựa trên toạ độ các cột mốc trong các bản đồ kèm theo công ước Pháp-Thanh (công ước mà hai nước đã thống nhất làm căn cứ trong đàm phán biên giới).

Cũng lưu ý thêm rằng kèm theo Nghị định thư có Phụ lục 1 gồm 35 mảnh bản đồ với tỉ lệ khá cao 1:50 000, nhưng với các bản đồ rời như thế và hơn nữa chúng cũng không có đường biên giới cũ[5] để đối chiếu nên khó cho ta có cái nhìn tổng thể như những bản đồ chúng tôi vừa công bố.

Như đã nêu, các bản đồ vừa công bố chỉ có tính tham khảo và lấp đi phần nào khoảng trống thông tin mà đáng lẽ các cơ quan chức năng liên quan của chính phủ, nơi có đầy đủ dữ liệu và phương tiện để thực hiện chất lượng và chính xác hơn các bản đồ thế này và cũng có trách nhiệm công bố nhưng vì một lí do nào đó đến nay vẫn bỏ trống.





[1] Chúng tôi đã tìm bằng google với từ khoá ‘中华人民共和国政府和越南社会主义共和国政府关于中越陆地边界的勘界议定’(THNDCHQ chính ph hòa VNXHCNCHQ chính ph quan vu Trung Vit lc đa biên gii đích khám gii ngh đnh thư) nhưng chỉ tìm được Hip đnh v chế đ qun lí biên gii đt lin Trung –Việt (中华人民共和国政府和越南社会主义共和国政府关于中越陆地边界管理制度的协定) cũng kí ngày 18/11/2009 và có đề cập tới Nghị định thư này trên nhiều trang web, đặc biệt là trang web của Bộ Ngoại giao TQ (http://www.fmprc.gov.cn/mfa_chn/ziliao_611306/tytj_611312/tyfg_611314/t812100.shtml). Với khả năng tiếng Trung hạn chế chúng tôi đành tạm dừng ở đó.
[2] Sau khi có góp ý, TVPL vừa thông báo cho chúng tôi biết  là đã cập nhật bản chỉnh sửa trên mạng (email trao đổi chúng tôi còn đang lưu).
[3] Các cột mốc biên giới Việt – Trung có vĩ độ trong khoảng 21°30’ đến 23°30’ nên để ước tính chúng tôi dùng số trung bình là 22° và tạm coi quả đất như có dạng hình cầu.
[4] Kiểm tra với google maps thì cũng thấy tình hình tương tự xảy ra cho cột mốc 0, nhưng lệch đi theo hướng Bắc Tây- Bắc so với vị trí đúng.
[5] Xem các bản đồ mịnh hoạ trong bài Tóm tắt Nghị định thư về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc đăng trên trang web của Đảng CSVN.


No comments: