Xin dừng lại những lời trách cứ
(23/6/2008)
Trong ý kiến ngắn đóng góp về Lạc đường và “Những ‘Lã Bất Vi’ của thời đại mới” của Đào Hiếu, ông Dương Phẩm viết: “Đáng trách là trí thức miền Nam có một nửa nước nếm mùi cộng sản mà vẫn còn nhắm mắt đi theo cộng sản khi Lênin đề ra chiến lược nhuộm đỏ thế giới bằng chiêu bài ‘giải phóng dân tộc’.”
Tôi cho rằng đây là một lời chê trách thiếu công bình, bởi vì ngay cả bây giờ với khoảng cách thời gian hơn 30 năm nhìn lại, với nhiều điều bí mật đã được giải mã, với việc truy câp thông tin dễ dàng hơn rất nhiều… mà những người đầu đã bạc hoặc ít ra tóc đã hai màu với học vị đầy mình vẫn còn tranh cãi nhau chưa ngã ngũ. Trong khi đó, những trí thức mà ông Dương Phẩm phê phán, lúc đó tuổi đời còn trẻ, kiến thức, kinh nghiệm không nhiều, ngay cả cách nghĩ, cách phán đoán cũng không thể đủ già dặn và cuộc sống nóng rát lúc đó cũng không dừng lại để chờ ai, thì đòi hỏi họ có một lựa chọn “đúng đắn” là không thực tế. Ngay cả khi “thoảng thấy chút mùi cộng sản” (thoảng vì điều kiện thông tin lúc đó không như ngày nay) thì họ cũng có thể dễ dàng bỏ qua, vì cho đó chỉ là mùi gắn liền với thời chiến tranh. Tác giả Tiêu Dao Bảo Cự đã nêu lên trường hợp riêng của mình mà tôi cho là rất tiêu biểu (cho trí thức tham gia cộng sản):
“Tôi vốn không tôn thờ bất cứ thần tượng nào và cũng không có thời gian nghiên cứu sâu về chủ nghĩa. Đơn giản chỉ vì muốn chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự can thiệp của ngoại bang, đòi tự do dân chủ, chống bất công áp bức (một ‘lý tưởng cộng sản’ đã có sức hấp dẫn hàng triệu người trên thế giới trong một giai đoạn, không phải chủ nghĩa và chế độ cộng sản như đã từng có). Sau các cuộc đấu tranh đường phố với sinh viên học sinh không có hiệu quả như mong muốn, trong các phe phái ở miền Nam lúc đó, tôi nghĩ chỉ có Mặt trận Giải phóng (MTGP) là có khả năng làm được điều mình mong muốn. Dĩ nhiên, tôi cũng không có điều kiện tìm hiểu sâu về MTGP và quyết định phải dấn thân vì sự bức xúc của tâm trạng và thời thế trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng.
Trong cuộc chiến tranh trước đây, mọi người ở hai miền Nam-Bắc đều đã lựa chọn hay bị lựa chọn (theo tôi hầu hết ‘bị lựa chọn’ – Huỳnh Phan), không ai thoát khỏi dòng cuốn của lịch sử. Sau 1975 dù mọi chuyện đã ngã ngũ, khi nhìn lại, nhiều người vẫn còn nhìn nhận khác nhau vì miền Bắc đã thắng trận, thống nhất đất nước nhưng lại xây dựng một chế độ và xã hội quá tệ hại. Những người thuộc Việt Nam Cộng hòa cho rằng dù thất bại, mình vẫn có chính nghĩa vì đã chiến đấu bảo vệ miền Nam, một chế độ xã hội có tự do dân chủ hơn hiện nay. Những người thuộc thành phần thứ ba, theo MTGP và ngay cả một số người ở miền Bắc cũng cho rằng mình bị lừa bịp, phản bội. Nếu sau 1975, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có dân chủ tự do, nhận thức của mọi người sẽ không chia rẽ đến thế. Nhưng lịch sử không có chữ ‘Nếu’.”
Tôi cho rằng nhiều bạn đọc cũng như tôi hết sức thấm thía về chữ “Nếu” này, và tôi nghĩ rằng những người tham gia vào phe “quốc gia” do những ràng buộc về điều kiện và môi trường sống của mình cũng đã lựa chọn hoặc bị lựa chọn tương tự như thế. Nếu quả thật ông Dương Phẩm và những người có cùng quan điểm, vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng đó đã thấy rõ được “mùi cộng sản” và đã lựa chọn một cách có ý thức để đứng vào hàng ngũ “quốc gia” thì tôi vô cùng ngưỡng mộ. Tôi cho rằng những người có lòng với đất nước hiện nay (kể cả người có kinh nghiệm) ở trong nước và hải ngoại, dù có điều kiện mọi mặt tốt hơn, nhất là về mặt thông tin, vẫn phải gặp khó khăn lúng túng khi muốn lựa chọn một tổ chức để tham gia cuộc vận động dân chủ hoá đất nước (hiện nay có rất nhiều tổ chức, nhất là ở hải ngoại, nhưng các tổ chức này thường khi lại tố cáo lẫn nhau, rất khó phân biệt giả chân). Thư của nhà văn Dương Thu Hương gửi cho Linh mục Chân Tín, Phan Văn Lợi… cũng phản ánh phần nào thực tế đó. Vì vậy, chuyện “lạc đường” của Đào Hiếu hay của bất cứ ai đã từng theo cộng sản cũng là chuyện bình thường, không có gì đáng để chê trách hay phê phán cả. Tôi hoàn toàn tán đồng với quan điểm của tác giả Tiêu Dao Bảo Cự: “… dù sao đi nữa, dù là vô tình, chúng tôi đã góp phần ‘đúc nên cỗ máy này’, theo cách nói của Bùi Minh Quốc. Chúng tôi tự thấy có trách nhiệm phải góp phần giải quyết những vấn nạn đối với đất nước do cỗ máy này tạo ra.” Và tôi mong mỏi những người cho rằng mình đã có lựa chọn đúng (chữ “Nếu” của Tiêu Dao Bảo Cự trên thực tế đã không xảy ra) có lẽ cũng nên có một thái độ trách nhiệm tương tự.
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=13506&rb=12
No comments:
Post a Comment