Sunday, August 18, 2013

Lấy cái bất bình thường làm cái bình thường

CẦN MỘT NỀN TẢNG TRIẾT LÝ TỐT CHO TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM

Posted by basamnews on August 18th, 2013
Chu Chỉ Nam 
Trung Quốc và Việt Nam, trên bình diện quốc nội, thì không thể nào có một sự phát triển đúng mức, có thể huy động tất cả những tiềm năng nhân sự quốc gia và một sự hài hòa xã hội; trên bình diện quốc tế, thì không thể nào có được một sự hòa bình, không những với những nước láng giềng, mà còn với cả thế giới; nếu hai nước còn giữ nền tảng triết lý sai trái Marx-Lenin. Vì vậy 2 nước này cần phải thay đổi triết lý này bằng một nền tảng triết lý đúng, dựa trên sự tự nhiên, bình thường của con người, trên những giá trị nhân bản, toàn cầu.
Lý thuyết triết học Marx sai trái và lỗi thời
 Sau gần 100 năm áp dụng lý thuyết Marx, hậu quả là cả trăm triệu người chết: chết không phải chỉ vì chống đối lý thuyết này, chống đối đảng cộng sản, mà chết nhiều nhất lại là sự thanh trừng trong nội bộ đảng, rồi mới tới số người chết ở ngoài đảng, ngoài quốc gia cộng sản.
Chỉ riêng điều này đã minh chứng quá rõ, quá đủ sự sai trái của triết lý Marx.
 Triết lý, định nghĩa một cách đơn giản và bình dân, là cách tự nhìn mình, nhìn người, nhìn xã hội, nhìn vạn vật, để sau đó tìm ra một cách sống, một quan niệm sống tốt đẹp nhất, hài hòa nhất, với chính mình, với người chung quanh. Điều này đúng với cá nhân và đúng với cả một tập đoàn, quốc gia xã hội.
Từ đó, chúng ta đi đến một nhận xét là triết lý Marx sai trái, không tốt, cho cá nhân và cho quốc gia xã hội. Nó có tính cách bệnh hoạn, nhìn sai sự vật, không giúp cho con người phát triển, không những không đúng mức, mà còn không hài hòa, tự mâu thuẫn với chính mình và mâu thuẫn với người chung quanh.
 Thật vậy, triết lý của Marx không những vô cùng không tưởng, mà còn sai trái, phản con người, phản thiên nhiên, phản sự thật, lấy cái bất bình thường làm cái bình thường, làm đảo lộn tất cả những gì thuộc về con người, làm cho những người theo lý thuyết này không còn là con người, mà là người đến từ hành tinh khác, chỉ mang trong đầu óc ý nghĩ “Phải đập phá tất cả những cái gì thuộc về hành tinh con người “, như nhà văn hào đoạt giải Nobel Nga Soljennytsine đã nhận xét.
Triết lý, quan niệm về lịch sử, về xã hội của Marx, có thể nói, đã được tóm gọn khá đầy đủ trong quyển sách Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng sản. Tuy nhiên Marx viết quyển sách này lúc còn rất trẻ và trong một thời gian rất ngắn, chỉ có mấy tuần.
Thật vậy, vào năm 1847, một số tổ chức, hội đoàn đấu tranh cho xã hội, thợ thuyền đã nhóm họp Đại Hội ở Luân Đôn, mà người ta cho đây là tiền thân của Quốc tế Cộng sản sau này.
Lúc này, Marx đã phải sống cuộc đời tỵ nạn ở Bỉ ( Bruxelles), vì hoàn cảnh tiền bạc, gia đình, không thể tham dự, người đại diện cho Marx là Engels. Trong Đại hội, Engels được chỉ định làm thư ký, ghi chép tất cả những phát biểu của những đại biểu, sau đó bản ghi chép được đưa cho Marx, để viết bản tuyên ngôn. Marx cứ chần chờ không viết, mặc dầu có nhiều lời thúc dục của ban thư ký Đại hội. Cuối cùng ban này đã cảnh cáo Marx, nếu không viết thì hãy trao bản ghi chép lại, để người khác viết. Lúc Đó Marx mới bắt đầu viết vào cuối năm 1847, trong ba tuần, sau đó được xuất bản ở Anh, vào năm 1848. 
Điều này chứng tỏ Marx rất thông minh. Đó là điểm đáng khen. Nhưng điểm đáng trách đó là viết quá vội vã, ở vào một tuổi quá trẻ, 29 tuổi, vì Marx sinh năm 1818, chưa đủ kinh nghiệm, suy nghĩ chín chắn, viết có tính cách lãng mạng, không tưởng, hứng khởi, nhiệt tình, hơn là suy nghĩ, kiểm chứng, có tính cách khoa học, mặc dầu Marx tự nghĩ và cho rằng những điều mình viết ra là khoa học. 
Không cần tìm đâu xa, chỉ cần xem câu mở đầu của bản Tuyên Ngôn: “Lịch sử của tất cả mọi xã hội từ xưa đến nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp.“ (L’Histoire de toute socìété jusqu’à nos jours est l’histoire de la lutte des classes) (K. Mars – Le manifeste du Parti communiste – trang 19 – Nhà xuất bản Union générales d’ Editions – Paris -1962). 
Ở vào tuổi chưa đầy 30, dù có thông minh đến mấy chăng nữa, chắc chắn Marx cũng không thể nào đọc hết lịch sử của tất cả những xã hội nhân loại. Đây là đơn giản hóa, tổng quát hóa lịch sử. Thêm vào đó, Marx đưa ra định luật « Đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử «, chia xã hội ra làm 2 giai cấp, giai cấp sở hữu phương tiện sản xuất và giai cấp không có phương tiện sản xuất, biến xã hội thành một cuộc chiến không ngừng.
Quan niệm bạo động lịch sử là quan niệm lấy cái gì bất bình thường làm cái bình thường. Con người nói riêng và ngay một quốc gia, xã hội nói chung, bình thường là họ sống hòa bình. Chỉ khi nào bất đắc dĩ, bất bình thường, họ bị bắt buộc chấp nhận bạo động và muốn chiến tranh. 
Tiếp đến là triết lý duy vật biện chứng của Marx. Thực ra thì Marx lấy toàn phần tư tưởng biện chứng lịch sử (Dialectique historique) của Hégel, chỉ khác ở chỗ là Hégel áp dụng cho tư tưởng, còn Marx áp dụng cho kinh tế, xã hội. 
Chữ biện chứng ( Dialectique) lấy nguồn từ chữ Hy lạp ( Dialegein) có nghĩa lúc đầu là nói chuyện, lý luận, nghệ thuận nói chuyện, nghệ thuật lý luận, gồm có Đề, Phản Đề và Tổng Đề ( Thèse, Anti these et Synthèse), được Socrate dùng để nói chuyện với dân, nêu ra những mâu thuẫn của người đối thoại, nhất là giới bình dân, để gợi ý cho họ, để làm cuộc đối thoại trở nên phong phú, tiếp đó là được những người của trường phái hùng biện và ngụy biện dùng để nói lên sự mâu thuẫn của đối phương, để tìm cách chiến thắng họ. 
Sau này được Hégel  áp dụng cho tiến trình tư tưởng, cho rằng tư tưởng đi từ Đề  tới Phản Đề rồi tới Tổng Đề, và Tổng Đề lại trở thành Đề, có một Phản Đề khác chống lại, để đi đến Tổng Đề. Cứ như vậy, tư tưởng con người đi từ chỗ chủ quan đến chỗ khách quan.  Hégel còn mang áp dụng cho tiến trình lịch sử, nhưng vẫn trong lãnh vực tư tưởng. Còn Marx thì lấy tất cả tiến trình lịch sử này của Hégel, nhưng áp dụng cho vật chất, cho đấu tranh giai cấp, mà Marx gọi là Duy vật biện chứng.
Có thể nói triết học Tây phương đã từ bỏ vai trò khiêm nhượng ( l’humilité ) của mình, mà tiêu biểu là Socrate (470 – 399 trước Tây lịch ), với câu nói khiêm nhường: “ Cái điều tôi biết là tôi không biết gì cả.” (Ce que je sais, c’est que je ne sais rien ) để bước sang thời kỳ kiêu hãnh (l’arrogance), bắt đầu với Hégel (1770 – 1831 ) rồi K. Marx (1818 – 1883), học trò của Hégel, và Nietzsche (1844 – 1900). 
Những người này không còn tính khiêm nhường của triết học cổ điển Tây phương bắt đầu từ Socrate qua Saint Augustin tới Kant, mà trở nên kiêu hãnh, không những cho rằng mình biết mình, mà còn biết xã hội, lịch sử, tiến trình lịch sử, không những biết về quá khứ, hiện tại, mà cả tương lai, qua quá trình biện chứng lịch sử của Hégel và quá trình duy vật biện chứng lịch sử của Marx. Với Nietzsche, thì con người không còn là con người bình thường mà là con người Siêu Nhân, qua quan niệm Surhomme của ông. 
Từ thời Hégel tới giờ, chúng ta thấy gì qua lịch sử, nhất là lịch sử Âu châu. 
Hégel đã mang quan niệm biện chứng lịch sử của mình áp dụng cho lịch sử Âu châu, nhất là lịch sử Pháp, qua cuộc Cách mạng Pháp 1789 và tiến trình của nó. Ông cho rằng xã hội Pháp lúc đó là Đề, cuộc Cách mạng 1789 là Phản Đề và Tổng Đề là Napoléon Bonaparte (1769 – 1821), với những lời khen ngợi hết cỡ vị hoàng đế Pháp này của Hégel. Chính Hégel đã tìm cách chứng kiến Napoléon, khi ông tiến quân vào Ìéna (Đức).
Kết quả Tổng hợp lịch sử của Hégel, chúng ta thấy gì: Đó là Napoléon đã gieo rắc chiến tranh khắp Âu châu, rồi sau đó bị các nước Âu châu hạ bệ. 
Marx cũng mang quan niệm duy vật biện chứng sử quan của mình áp dụng cho lịch sử. Ông cũng dùng lịch sử Âu châu và đặc biệt là lịch sử Pháp như Hégel, nhưng ông cho rằng Tổng đề của lịch sử là Công xã Paris. Nhưng hậu quả của quan niệm triết lý lịch sử này là ra sao?
Đó là 100 triệu người là nạn nhân của chế độ cộng sản trong thế kỷ vừa qua, như những nhà sử gia, ông S. Courtois, N. Werth, J. L. Panné, A. Pczkowski, B. Bartosek và J.L. Margolin, trong Quển Sách đen về Chủ nghĩa Cộng sản (Le livre noir du communisme – nhà xuất bản Robert Lăffont – 1997), đã chứng minh. Cũng chính vì vậy mà gần đây Quốc Hội Âu châu đã biểu quyết Quyết nghị 1841 kết án chế độ cộng sản là chế độ diệt chủng. 
Còn quan niệm Siêu nhân của Nietzsche thì như thế nào? 
Quan niệm này đã được Hitler lấy lại, đổi thành quan niệm Siêu Chủng tộc ( Super race) cho rằng chủng tộc Aryen là siêu chủng tộc mà đại diện là dân tộc Đức. Kết quả : Hitler đã là một trong những nguyên nhân chính của trận Thế Chiến thứ Hai, với 50 triệu nạn nhân, trong đó có 6 triệu dân Do Thái bị giết từ lệnh của Hitler và các bộ hạ của ông. 
Từ đó chúng ta mới nhìn rõ ra rằng quan niệm triết học, triết lý chính trị giữ một vai trò rất quan trọng, không những cho cá nhân, mà còn cho quốc gia xã hội, cho sự phát triển và hòa bình không những ở nội địa, mà cả quốc tế. 
Ngoài việc lấy cái bất bình thường làm cái bình thường cho rằng lịch sử nhân loại là bạo động, đi theo chân Hégel, thiếu tinh cách khiêm nhượng của những nhà triết học cổ điển trước kia, Marx còn bị lầm lẫn là quá tin vào khoa học, không biết rằng “ Khoa học mà không có lương tâm, chỉ là sự phá hoại của tâm hồn “ (Science sans conscience n’est que ruine de l’ ame ) (Rabelais – Pantagruel), hơn nữa cho rằng những điều mình viết là khoa học, đưa đến chỗ lừa dối những người đồ đệ và những người theo lý thuyết của mình, khiến họ trở thành nạn nhân và đau đớn cho Marx, vì sau cùng ông cũng là nạn nhân của chính ông.
Thật vậy, sau khi viết xong quyển Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng sản, nhiều lần Marx viết và tuyên bố là sẽ tìm cho thợ thuyền một phương tiện đấu tranh có khoa học. Marx muốn biến khoa học kinh tế, một khoa học nhân văn, thành một khoa học chính xác. Nhưng Marx bị lâm vào ngõ cụt, làm việc không tưởng. Đây là là một trong những nguyên nhân chính cắt nghĩa tại sao Marx bỏ cả cuộc đời viết quyển Tư Bản luận (le Capital), gồm 3 quyển, mà Marx chỉ có thể hoàn thành quyển đầu nói về giá trị hàng hóa.
Nhiều người nịnh bợ Marx cho rằng ông không thể hoàn thành quyển Tư Bản luận là vì ông thận trọng, so đo từng chữ viết một. Không phải thế. Ông không thể hoàn thành vì ông tự đặt mình trong ngõ cụt, muốn biến khoa học kinh tế, một khoa học nhân văn, thiếu chính xác, thành khoa học chính xác, như toán học. Điều này còn được chứng minh thêm là cuối cuộc đời, Marx đã bỏ công học hỏi và nghiên cứu toán học. 
Nói đến duy vật biện chứng của Marx, mà không nói đến qui luật tất yếu của lịch sử, thì cũng là một điều thiếu sót, vì sự kình chống giữa giai cấp chủ và giai cấp thợ càng ngày càng trở nên gay gắt, chỉ có thể vượt qua bằng một cuộc cách mạng bạo động, vì giai cấp chủ càng ngày càng giàu có và càng ít, giai cấp thợ càng ngày càng nghèo và càng đông, hố ngăn cách càng ngày càng lớn, sẽ dẫn đến cách mạng bạo động tất yếu. 
Marx viết: “ Vũ khí mà giai cấp tư sản dùng để hạ bệ chế độ phong kiến, nay quay lại chống chính họ. Giai cấp tư sản không những tạo ra những vũ khí chống họ, mà họ còn tạo ra những người sử dụng vũ khí này: thợ thuyền hiện đại, giai cấp vô sản.” (K. Marx – Sách đã dẫn – trang 27). 
Suốt cuộc đời Marx ngồi chờ đợi cách mạng tất yếu, lúc đầu hy vọng nó sẽ xẩy ra ở Anh, sau đó quay sang hy vọng ở Đức, rồi Marx chết vào năm 1883, lúc 65 tuổi. 34 năm sau, Lenin làm “ Cách mạng cộng sản “, áp dụng lý thuyết của Marx. Thực ra đây là một cuộc đảo chánh thì đúng hơn, mà người thực hiện cuộc đảo chánh này không phải là Lenin, mà là Trotski. 
Vào lúc đó, đang là thời kỳ cuối của Đệ Nhất Thế Chiến, gồm 2 phe: Phe Trục gồm Đức, đế quốc Áo Hung và Thổ Nhĩ Kỳ; bên kia là Phe Đồng minh, gồm Pháp, Anh, Nga, sau đó có Hoa kỳ. Càng về sau, Đức thấy là không thể một lúc đương đầu với 2 mặt trận: mặt trận đông bắc với Nga, và mặt trận tây nam với Pháp, muốn dồn lực lượng xuống tây nam. Lợi dụng cơ hội, lúc đó Lenin đang sống lưu vong ở Thụy sĩ, liền tuyên bố: “ Hòa bình bằng bất cứ giá nào. Ngay dù phải nhượng đất để có quyền, chúng ta cũng sẽ làm”. Chính vì vậy mà Bộ Tham mưu Đức đã giúp Lenin tiền bạc, đưa từ Thụy sĩ về Nga. Với số tiền này, Lenin đã đưa cho Trotski mở khóa huấn luyện những đội cảm tử làm cách mạng. Và Trotski đã làm cuộc đảo chính vào tháng 10/19717. Đảo chính là chữ mà Trotski dùng lúc ban đầu. Ông viết: “ Sau một đêm ngủ, thức giấc dậy, dân Moscou đã thấy bộ mặt của thành phố thay đổi. Cuộc đảo chính làm 7 người chết và 50 người bị thương.” 
Cuộc đảo chính này chẳng có sự tham dự của nhân dân và thợ thuyền như tuyên truyền cộng sản sau này rêu rao. 
Vì đi theo triết lý bạo động lịch sử, đấu tranh giai cấp, nên ngay từ đầu trong nội bộ đảng cộng sản do Lenin lập ra, đã có những sự đấu đá, thanh trừng lẫn nhau khốc liệt, mà nạn nhân đầu tiên là Lenin.
Vào cuối đời, Lenin bị bệnh giang mai, do nhiều sử gia và bác sĩ nói. Tuy nhiên vào lúc đó chưa có thuốc trụ sinh để chữa trị, người ta chỉ dùng độc dược để giảm con đau, mỗi khi lên cơn. Người lo chăm sóc Lénie không ai hơn là Staline. Một khi biết Lenin không còn tin tưởng mình nữa, Staline đã cho Lenin uống quá liều thuốc, đưa đến cái chết, như lời tố cáo của vợ Lnin. Cuộc đấu đá to lớn thứ nhì đó là giữa Trotski và Staline. Sau cùng Trotski đã thua, đổi họ, đổi tên, chạy trốn sang Mễ tây cơ. Tuy nhiên, Staline vẫn cho người dò hỏi, sau đó giết Trotski. 
Cộng sản Tàu và cộng sản Việt Nam cũng vậy, thanh trừng nội bộ bằng cách này hay cách khác.   
Một nền tảng triết lý tốt cho Trung Quốc và Việt Nam 
 Người bình dân Việt Nam có câu “ Nghĩ làm sao, chiêm bao làm vậy “.
Đức Đạt Lai Lạt ma, trong một cuộc đối thoại với một nhà thần học người Brazil, Leonardo Boff, có nói:
“Hãy suy tư cẩn thận vì Tư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói.
Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động.
Hãy hành xử cẩn thận vì Hành Động sẽ biến thành Thói quen.
Hãy chú trọng Thói Quen vì chúng hình thành Nhân Cách.
Hãy chú trọng Nhân Cách vì nó hình thành Số Mệnh,
và Số Mệnh của anh sẽ là Cuộc Đời của anh
Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật.”
 Số mệnh là do chính anh tạo ra cho anh qua cách suy nghĩ, lời nói và việc làm thường ngày của anh. Điều này không những đúng với mỗi cá nhân, đối với giai tầng lãnh đạo, mà còn đúng với cả một quốc gia, dân tộc.
Suy nghĩ, tư tưởng đây chính là khởi đầu của triết lý. Suy nghĩ, tư tưởng, triết lý sai, thì hành động sẽ sai. 
Suy nghĩ, tư tưởng, triết lý chủ trương bạo động, thì hành động trở nên bạo động. Thêm vào đó, Marx chủ trương vứt bỏ mọi đạo đức cổ truyền, ngay dù những giá trị cổ truyền còn có giá trị và hơn thế nữa còn có tinh cách toàn cầu: “ Bởi lẽ đó, chủ nghĩa cộng sản loại bỏ tất cả những chân lý muôn thuở; nó loại bỏ tôn giáo và đạo đức thay vì cải tạo nó, nó đi ngược lại tất cả mọi sự phát triển lịch sử trước đó “ (K. Marx Sách đã dẫn – trang 44). Vì thế xã hội cộng sản, không còn đạo đức, kỷ cương bị đảo lộn, con người tìm cách cấu xé lẫn nhau, những vụ chém giết nhau vì tiền, con giết cha, giết mẹ, thầy hiếp dâm học trò, là chuyện bình thường, cũng là vì đi theo lời dạy của Marx. 
Bởi lẽ đó, quả là một điều cấp bách, đối với những xã hội cộng sản còn lại, đặc biệt là Trung Quốc và Việt nam, phải mau chóng từ bỏ triết học Marx-Lenin làm nền tảng cho chế độ, thay thế bằng một nền tảng triết học khác. 
Vậy đâu là nền tảng triết học mới cho 2 nước trên ? 
Có người cho rằng để tạo ra một nền tảng triết lý mới thật là khó khăn.
Không phải hoàn toàn như vậy. Chúng ta cứ xét sự phát triển thành công, hài hòa của Nhật và những nước mới như Nam Hàn, Đài Loan, Singapour, rồi chúng ta suy nghiệm và tìm ra triết lý nền tảng: 
Kinh nghiệm của những nước phát triển Á châu, hiện nay, bắt đầu bởi Nhật, người ta thấy rõ rằng để phát triển cần phải có sự hài hòa giữa cũ và mới, giữa những cái tốt đẹp của truyền thống giáo dục, đạo đức cổ truyền và sự du nhập gạn lọc những cái hay, cái đẹp của thế giới bên ngoài. Nói một cách khác đi, chúng ta có thể ví đời sống văn hóa, văn minh của một dân tộc như một cái cây: rễ cây là quá khứ, cần phải đi sâu vào lòng đất để hút nhựa, thân cây là hiện tại cần phải to lớn để chuyển nhựa, cành lá là tương lai, phải rườm rà để hút cái hay thập phương. Quan niệm vứt bỏ quá khứ như triết lý của Marx chẳng khác nào chặt rễ cây, làm sao cây có thể sống, nói chi đến lớn mạnh. 
Ở điểm này, khi xét sự phát triển của Nhật từ trước đến giờ, chúng ta thấy rõ nhất. Nếu nói đến quốc gia phát triển thứ nhì thế giới, thì chính là nước Nhật, chứ không phải là Trung Quốc, vì người ta chỉ nói đến tổng sản lượng quốc gia, vì tổng sản lượng của Trung cộng là 6 988,5 tỷ $, của Nhật là 5 855,4 tỷ, sau Hoa kỳ là 15 064,8 tỷ. Sở dĩ như vậy là vì dân Tàu đông tới 1,353 tỷ người; trong khi dân Nhật là 128,1 triệu. Nếu tính theo sản lượng bình quân đầu người hàng năm, thì Nhật gấp gần 9 lần Trung cộng, với con số 45 773,8 $, trong khi Trung cộng là 5 163,9 $, Hoa kỳ là 48 147,2 $. ( Theo Le Monde – Le Bilan du Monde – Edition 2012). Hơn thế nữa, xã hội Nhật là một xã hội phát triển về đủ mọi mặt, về vật chất và cả về tinh thần. Dân Nhật được coi là một trong số dân có văn hóa, đạo đức nhất. Chỉ cần lấy hình ảnh của một em bé trong trận động đất ở Fukushima vừa qua chúng ta cũng rõ. Em bé là một trong những trăm ngàn nạn nhân, mất gia đình, mất cha mẹ, anh chị em. Em đứng xếp hàng để được phát thức ăn, những người lớn đã thấy tội nghiệp, nhường em. Nhưng em từ chối. Từ đó, nhìn vào Trung cộng và Việt nam hiện nay, theo triết lý “ duy vật “ của Marx, con người coi con người như kẻ thù, cấu xé lẫn nhau, tìm đủ mọi cách để có tiền, tham nhũng, hối lộ, làm hàng giả, đâm chém nhau chỉ vì mấy trăm, mấy chục $, nói chi đến việc xắp hàng thứ tự.
Nhiều người, khi nói đến sự phát triển của Nhật, chỉ nghĩ đến thời Minh trị Thiên Hoàng, lên ngôi năm 1848, và bắt đầu công cuộc cải cách từ đây. Điều này không sai. Nhưng chưa đủ. Nước Nhật từ thế kỷ thứ 6, với hoàng tử Shotoku (574 – 622), đã biết tổng hợp đạo giáo, gồm Thần giáo tức đạo dân gian Nhật, Phật giáo và Nho giáo, trong tinh thần này là đã có sự phối hợp hài hòa giữa cái gì của mình và cái của người đến từ những nước chung quanh như Tàu và Ấn độ. Hơn thế nữa hoàng tử Shotoku còn cho ra đời một hiến pháp, vào năm 604, trong đó có câu: “ Chúng ta không tất yếu là triết nhân quân tử, và người khác cũng không tất yếu là kẻ ngu. Tất cả chúng ta là những người bình thường. “ ( Nous ne sommes pas nécessairement des sages et les autres ne sont pas nécessairement des sots. Nous sommes tous des hommes ordinaires). Khác hẳn với những người tự cho mình là « Đỉnh cao trí tuệ của loài người tiến bộ «, nhưng tụt hậu về mọi phương diện, từ vật chất đến tinh thần. 
Nước phát triển thứ nhì ở châu Á phải nói đến Nam Hàn, về cả vật chất lẫn tinh thần, vì cũng biết giữ lại những giá trị tốt đẹp cổ truyền và đồng thời nhập cảng gạn lọc những cái gì hay của thế giới. Tổng sản lượng của Nam Hàn là 1 163,8 tỷ$, với dân số là 49 triệu người, sản lượng tính theo đầu người hàng năm là 23 749,2 $, gấp hơn 4 lần Trung Quốc. Nam Hàn hiện nay đứng đầu trong nhiều lãnh vực khoa học. Chỉ cần lấy lãnh vực điện thoại cầm tay là lãnh vực khoa học cao cấp hiện giờ. Hãng Samsung đứng đầu về con số sản xuất, sau mới là hãng Apple của Hoa kỳ, thứ ba mới là hãng Nokia của một nước bắc Âu. Không những thế, về tinh thần, giới lãnh đạo Nam hàn được coi là giới lãnh đạo có liêm sỉ, tự trọng và trong sạch nhất. Chỉ cần nói đến trường hợp một vị cựu tổng thống nam Hàn, vì dính dáng tới tham nhũng, không phải ông, mà là người nhà của ông, vói 50 000$, mà ông đã tự tử.
Từ đó nhìn sang Trung Quốc và Việt Nam, giới lãnh đạo cao cấp, có ai là không tham nhũng, không phải là 50 000 $ mà cả tiền triệu $, tích  lũy tài sản lên tới bạc tỷ $, thế mà miệng vẫn rêu rao chống tham nhũng, chống hối lộ. 
Liêm sỉ, nhân cách con người để ở đâu ? Phải chăng vì « Triết lý duy vật « đã cướp mất ? 
Chúng ta chỉ cần nhìn 2 nước Nam Hàn và Bắc Hàn thì rõ. Một nước tôn trọng giá trị đạo đức cổ truyền, đồng thời thu nhập những cái hay cái đẹp một cách gạn lọc của tây phương. Một nước nhập cảng không suy nghĩ triết lý Marx, chối bỏ tất cả những tốt đẹp cổ truyền, năm nào cũng bị đe dọa bởi đói kém, đưa một người miệng còn hơi sữa lên làm lãnh tụ, rồi tìm đủ mọi cách để trét phấn, bôi son, nào là «  Thiên tài về chiến lược « , «  Lãnh tụ tối cao của dân tộc « v.v… 
Tấm gương đã quá rõ, thế mà ở Trung Quốc và ở Việt nam vẫn còn có người bám vào triết lý Marx-Lenin. 
Không nói đâu xa, chúng ta cứ trở về 2 nền Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, trước năm 1975, thì chúng ta cũng thấy rõ. Trước năm 1975, miền Nam Việt nam, với 2 nền Cộng hòa, phát triển hài hòa về cả 2 mặt vật chất và tinh thần, hơn cả Nam hàn và Đài Loan, nước phát triển thứ 3 hiện nay của châu Á, với tổng sản lượng là 504,6 tỷ $, dân số là 23,2 triệu dân, sản lượng tính theo đầu người là 21 591,8$. Trước năm 75, chính Đài loan đã bắt chước áp dụng luật Người cày có ruộng, của nền Đệ Nhị Cộng hòa miền Nam. Về thể chế chính trị, miền Nam không thể sánh với những nước dân chủ tân tiến, nhưng miền Nam có một thể chế tương đối dân chủ nhất trong vùng, chỉ sau Nhật bản.
Chính những nhà kinh tế cộng sản, như Lê đăng Doanh, trong một bài phỏng vấn trên đài BBC, phải công nhận rằng, sau 75, ông vào miền quê miền Nam, ông đã nhận thấy một sự phát triển không ngờ của hạ tầng cơ sở kinh tế miền nam. Thế rồi cộng sản vào, phá hủy tất, theo đúng như triết lý của Marx, không những vật chất, qua những cuộc “Đánh tư bản, mại sản”, mà cả tinh thần, đốt sách, vứt bỏ tất cả những cái hay cái đẹp của văn hóa cổ truyền, làm cho xã hội Việt Nam ngày hôm nay không còn căn bản đạo đức, sống xô bồ, chen chúc, đạp lên nhau để tồn tại, trên đủ mọi phương diện, mọi lãnh vực, từ giới lãnh đạo, đến người dân đen. Tham nhũng hối lộ hoành hành, bất công càng ngày càng to lớn. 
“ Nghĩ làm sao, chiêm bao làm vậy “, xin nhắc lại câu châm ngôn Việt nam.
Dựa trên nền tảng triết học nào, thì sự phát tiển xã hội sẽ theo tinh thần triết lý đó. 
Triết lý của Marx lấy sự bất bình thường làm sự bình thường qua quan niệm đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử, thêm vào đó lại có một số người cộng sản, nhất là giới lãnh đạo, hiểu chủ nghĩa “ Duy vật “ ở nghĩa thấp nhất là tôn sùng vật chất, chạy theo vật chất, tiền bạc, làm cho xã hội Trung Quốc và Việt Nam đi đến tình trạng ngày hôm nay.
Bởi lẽ đó, để có một sự phát triển hài hòa, bớt bất công tham nhũng, ở quốc nội, và có thể sống hòa bình với quốc ngoại, thì hai nước này nên vứt bỏ triết lý Marx-Lenin, bắt chước những nước Nhật, Nam Hàn, Đài loan, dựa trên một nền tảng triết học, tôn trọng những giá trị nhân bản, toàn cầu cổ truyền, đồng thời thâu nhận một cách khôn ngoan, gạn lọc những cái gì hay của thế giới.    

Paris ngày 17/08/2013
 Chu Chi Nam

No comments: