Wednesday, July 24, 2013

Tại sao Trung Quốc sẽ không đưa vấn đề quần đảo Trường Sa ra Liên Hiệp Quốc

Nhân dịp các thẩm phán vụ Philippines kiện Trung Quốc vừa họp chuẩn bị  cho vụ án, xin giới thiệu bài viết của luật sư Ted Lagjuatan về phiên toà giả định tương tự như thế cách đây 2 năm (lúc Philippines chưa nộp hồ sơ kiện TQ):

Ted Laguatan (INQUIRER.net – 27/7/2011)

Dựa trên luật biển quốc tế cũng như các luật lệ có liên quan khác, Trung Quốc biết rằng nếu họ kiến nghị Tòa án Quốc tế của Liên Hiệp Quốc hay Tòa Quốc tế về Luật biển để khẳng định yêu sách mù mờ của họ đòi sở hữu tất cả mọi thứ trong biển Đông (còn gọi là biển Tây Philippines) thì cơ hội họ thắng kiện gần giống như là có tuyết rơi ở sa mạc Sahara.

Cả hai Tòa án này đều có thẩm quyền phù hợp trong giải quyết các vấn đề về chủ quyền liên quan đến lãnh thổ biển giữa các nước  - chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.

Hãy tưởng tượng điều gì có nhiều khả năng xảy ra nhất nếu quả Trung Quốc đưa vụ việc của họ ra Tòa án quốc tế và đại diện của Trung Quốc - tạm gọi ông ta là ông Lí – đang đứng trước Chánh án Chủ toạ phiên Toà. Hãy xét kịch bản sau:

Chánh án: "Ông hãy vui lòng cho Tòa biết dựa trên cơ sở nào ông đưa ra yêu sách đòi gần như toàn bộ biển Đông (còn gọi là biển Tây Philippines) hoàn toàn thuộc về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa?"

Ông Lí: "Cảm ơn Ngài. Yêu sách của chúng tôi dựa trên các sự kiện lịch sử là toàn bộ khu vực này đã thuộc về chúng tôi từ thời nhà Hán."

Chánh án: "Ông định chứng minh điều này bằng cách nào?"

Ông Lí: ". Tôi sẽ trình Tòa một bản đồ cổ gần 2000 năm của triều nhà Hán cho thấy các ranh giới của vương quốc Hán"

Chánh án: "Nhằm mục đích bàn luận hãy cùng giả sử là Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và các nước xung quanh khác là các tỉnh hoặc một phần của nhà Hán vào thời đó, thậm chí ngay cả khi bản đồ ông đang nắm thật ra có thể chỉ là một bản đồ hàng hải, không thực sự xác định các ranh giới của nhà Hán. Theo hiểu biết của tôi về lịch sử của Trung Quốc thì nhà Hán kéo dài từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công Nguyên. Đúng thế không?"

Ông Lí: "Thưa ngài, đúng thế."

Chánh án: "Ông Lí, tôi giả định rằng ông cũng biết tới Đại đế Alexander, ông vua trẻ của Macedonia, người từng chinh phục phần lớn thế giới khi xưa."

Ông Lí: "Thưa Ngài, tôi có biết."

Chánh án: "Vào lúc ông ta mất hồi năm 323 trước Công nguyên, vương quốc của Alexander bao gồm Hy Lạp, Syria, Ba Tư nay là Iran, Ai Cập và một phần của Ấn Độ. Ông Lí, ông có biết rằng Macedonia, đất nước của Alexander - bây giờ có tên là Cộng hòa Macedonia không?"

Ông Lí: "Nếu Ngài cho biết như vậy, thưa Ngài."

Chánh án: "Được! Ông có vẻ hiểu biết lịch sử. Tôi giả định rằng ông cũng biết qua về với đế chế La Mã từng tồn tại trong hơn một ngàn năm."

Ông Lí: "Cảm ơn Ngài, tôi có đọc lịch sử."

Chánh án: "Ông Lí, thế thì chắc ông biết rằng vào lúc thịnh nhất của mình Đế chế La Mã bao gồm hầu hết châu Âu và nhiều vùng của châu Phi và châu Á."

Ông Lí: "Thưa Ngài, tôi biết."

Chánh án: "Kể từ thời Alexander, đế chế La Mã và nhà Hán đến nay– theo dòng thời gian và các sự kiện lịch sử, các nước độc lập khác nhau đã xuất hiện ở châu Âu, châu Phi và châu Á - mà bây giờ các nước đó đều có lãnh thổ riêng của chính mình . Đây là một thực tế mà tất cả chúng ta đềuphải chấp nhận, phải vậy không ông Lí?"

Ông Lí: "Chúng ta không thể phủ nhận thực tế, thưa Ngài."

Chánh án: "Này ông Lí, một thực tế không thể phủ nhận khác là đế chế của Alexander, đế chế La Mã và vương quốc Hán không còn tồn tại nữa – nhận xét đó của tôi có đúng không?

Ông Lí: " Thưa Ngài, đúng ạ."

Chánh án: "Ông Lí, bây giờ với tất cả sự trung thực, ông có nghiêm túc tin rằng nếu Cộng hòa Macedonia và chính phủ Ý đến trước Tòa này và kiến nghị chúng tôi phải khẳng định rằng họ sở hữu các vùng lãnh thổ của các quốc gia độc lập kia vì các quốc gia đó từng là một phần của đế chế của Alexander hay đế chế La Mã - rằng chúng tôi nên được thuyết phục để chấp nhận các kiến nghị đó hay không"?

Ông Lí: "Tôi hiểu những gì Ngài đang đạt tới, thưa Ngài Chánh án - nhưng hầu hết những gì chúng tôi yêu sách như là của chúng tôi đều là khu vực biển chứ không phải đất."

Chánh án: "Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa không phải là đất sao? Dù sao, chẳng phải thực tế là Trung Quốc là một nước tham gia kí kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và phê duyệt Công ước này ngày 06 tháng 7 năm 1996, do đó đồng ý bị ràng buộc bởi các điều khoản của nó - và có phần trong đó quy định rằng bất cứ thứ gì trong phạm vi 200 hải lí tính từ đường cơ sở của một nước thì thuộc về nước đó sao?

Ông Lí: "Trung Quốc quả đồng ý với những quy định đó vào thời điểm mà Trung Quốc chưa nhận thức hết những hậu quả của UNCLOS đụng chạm sâu xa tới lợi ích quốc gia của mình."

Chánh án: "Tôi sẽ nói không giữ kẽ ông Lí nhé. Điều ông muốn nói là vào thời điểm đó, thế giới, trong đó có Trung Quốc, vẫn chưa biết rằng có những mỏ dầu và khí tự nhiên sẽ được tìm thấy trong phạm vi lãnh thổ của các nước láng giềng. Bây giờ, vì biết rõ điều này nên ngay cả khi Trung Quốc biết là mình xâm phạm và làm trái luật pháp quốc tế thì Trung Quốc vẫn sử dụng sức mạnh cưỡng chế của nước lớn, quân sự hay những thứ khác của mình - để giật lấy những trữ lượng khổng lồ tài nguyên dầu khí từ lãnh thổ của các nước láng giềng nhỏ hơn, yếu hơn, nghèo hơn – những nước rất cần các tài sản này để cải thiện hoàn cảnh của người dân của họ.

Viết thêm: Xem xét tất cả các sự kiện và luật pháp áp dụng được hiện có, khả năng là tòa án của Liên hợp quốc sẽ tuyên bố rằng kiến nghị của Trung Quốc là không có giá trị.

Mặc dù có các yêu cầu của Philippines, các nước láng giềng và Hoa Kì đưa vấn đề chủ quyền biển Tây Philippine ra Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã kiên quyết từ chối làm như vậy. Thay vào đó, họ liên tục tham gia vào trò chơi cân não, sử dụng chiến thuật đe dọa, khăng khăng cho rằng tất cả mọi thứ trong toàn bộ biển Tây Philippines đều của họ và cũng cho rằng vấn đề này là không thể thương lượng.

Bằng cách đó, con rồng đói dầu khổng lồ tìm cách đánh đòn cân não các quốc gia láng giềng để buộc họ phải chấp nhận các thỏa thuận dàn xếp song phương không công bằng - không có sự tham gia Liên hợp quốc hay Hoa Kì. Philippines, Việt Nam và các nước láng giềng khác đừng để phải rơi vào cái bẫy này. Các nước này nên đoàn kết và tạo ra một liên minh và kiên quyết đòi hỏi - với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, với các biện pháp quân sự nếu cần- rằng Trung Quốc phải tôn trọng các quyền và không được đụng tới di sản quốc gia của mình.

Phần được hoan nghênh náo nhiệt nhất trong bài phát biểu về Tình hình quốc gia của Tổng thống Benigno Simeon Aquino là sự khẳng định mạnh mẽ của ông rằng những gì thuộc về Philippines vẫn là của Philippines. Tất cả mọi người đều hiểu điều ông muốn nói: Philippines sẽ kiên định chống lại chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc và các trò chơi cân não cố để giật lấy nguồn tài nguyên  năng lượng và biển của chúng ta.

Sự khác biệt lớn làm sao khi có một vị tổng thống đáng tin cậy cung cấp sự lãnh đạo tinh thần và chăm lo lợi ích của quốc gia thay vì một người sẵn sàng bán sạch di sản của đất nước cho mục đích cá nhân.


Ghi chú: Luật sư danh dự bang California (California State Bar) Ted Laguatan là một trong những luật sư tốt nhất trong cả nước. Ông là một trong 29 luật sư Hoa Kỳ đượcchính thức công nhận liên tục trong hơn 20 năm như một chuyên gia chuyên gia về Luật Di Trú.

No comments: