Wednesday, July 6, 2016

Tại sao có quá nhiều nước có yêu sách chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông?

Tại sao có quá nhiều nước có yêu sách chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông?

Các yêu sách tranh chấp nhau dựa trên lịch sử, địa lí và luật pháp - nhưng sức mạnh quân sự trần trụi là con át chủ bài

(Why do so many countries have claims to territory in the South China Sea?)

Cary Huang (Hoàng Trung Thanh)
SCMP (03/07/2016)



Tất cả các tranh chấp lãnh thổ giữa 6 nước láng giềng châu Á ở biển Đông, rốt cuộc, liên quan đến ba ngành học: lịch sử, địa lí và luật pháp.

Hầu hết các đảo, đá, rạn san hô và bãi cát ngầm được yêu sách đều không có người ở và một số thậm chí nằm dưới mặt nước khi triều thấp. Toàn bộ chúng chỉ gồm một vài cây số vuông nhưng trải rộng trên 2 triệu cây số vuông biển bao bọc bởi “đường chín vạch” của Trung Quốc, với Trung Hoa đại lục, Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan đều có yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần của nhiều chuỗi đảo và vùng biển lân cận.

Điều đó làm cho một bối cảnh phức tạp mà ngay cả một phán quyết sắp đưa ra của Tòa Trọng tài Thường trực có thể không có khả năng giải quyết.

Các tranh chấp không chỉ là về bản đồ và lòng tự hào dân tộc mà còn về các quyền độc quyền của một nước đối với tài nguyên thiên nhiên ở các vùng biển xung quanh và dưới đáy biển, và về quyền chủ quyền trong việc quản lí tàu thuyền và máy bay của các quốc gia khác đi qua khu vực này, khu vực có chứa một số tuyến đường biển nhộn nhịp nhất và quan trọng nhất của thế giới.

Dư Mậu Xuân (Maochun Miles Yu), giáo sư lịch sử quân đội và hải quân Đông Á tại Học viện Hải quân Hoa Kì, nói rằng tất cả các bên tranh chấp đều sử dụng một, hai hoặc cả ba ngành học này để hậu thuẫn cho các lập luận của họ, nhưng các tranh chấp đều thu về một câu hỏi: điều gì làm một nước đủ tiêu chuẩn là chủ sở hữu chủ quyền đúng lẽ của một số đảo ở biển Đông.

“Đối với Trung Quốc, biện minh là những đề cập lịch sử trong các sách vở xưa; đối với Philippines, Malaysia và những nước khác, đó là sự gần gũi về mặt địa lí; đối với Việt Nam, đó là việc tích cực cai quản từ thế kỉ thứ 17 mà điều đó đúng ra phải cho Hà Nội quyền sở hữu các đảo này”, Dư Mậu Xuân nói.

Trung Quốc nói rằng các đảo này đã được bàn luận từ thế kỉ thứ 4 trước Công nguyên trong các sách vở xưa như Dật Chu thư, Kinh Thi, Tả truyện, và Quốc ngữ, mặc dù chúng chỉ được mô tả một cách bao hàm như là một phần của “lãnh thổ phía Nam”.

Các nhà sử học Trung Quốc nói rằng nhiều tên khác nhau đã được sử dụng để mô tả các đảo này từ thời nhà Đường (618-907) đến thời nhà Thanh (1644-1912).

Trong thời kì Trung Hoa Dân Quốc, chính phủ đã đưa vào bản đồ hơn 291 đảo, đá ngầm, và các bãi cạn tiếp sau vào những khảo sát trong thập niên 1930 và sau đó công bố một bản đồ có đường chín vạch vào năm 1947.

Sau cuộc cách mạng năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thừa kế yêu sách do Trung Hoa Dân Quốc đưa ra. Và vào năm 1958, Bắc Kinh đã ban hành một tuyên bố quy định lãnh hải của mình trong đường chín vạch, bao bọc quần đảo Trường Sa. Thủ tướng Bắc Việt lúc đó là Phạm Văn Đồng, đã gửi công hàm cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai bày tỏ sự ủng của Bắc Việt đối với lập trường của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc vận động ngoại giao và quan hệ công chúng để huy động sự ủng hộ cho yêu sách của họ trước khi có phán quyết của tòa án quốc tế dự kiến vào ngày 12/7 trong một vụ kiện chống lại Trung Quốc do Philippines khởi xướng.

Ngày 09 Tháng 5, Trung Quốc công bố một bài viết dài, do Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Quốc hội và cựu thứ trưởng ngoại giao, và Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch của Viện Nghiên cứu Nam Hải (biển Đông) đồng tác giả, giải thích lập trường của Trung Quốc. Họ viết “Các đảo ở biển Đông và vùng nước xung quanh chúng do người Trung Quốc xưa phát hiện, đặt tên, và sử dụng đầu tiên, cũng như được các chính phủ kế tiếp quản lí và đã được coi là lãnh thổ và vùng biển vốn có của đất nước từ thời xa xưa, như được chứng minh trong rất nhiều hồ sơ lịch sử, sách vở địa phương và bản đồ”.

Bài viết, công bố trên cả hai tạp chí The National Interest ở Hoa Kì và tạo chí China Newsweek, nói rằng cộng đồng quốc tế - trong đó có Mĩ - trong lích sử đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này, cho đến gần đây.

Nhưng Mohan Malik, giáo sư về an ninh châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương của Honolulu, nói rằng xét về “bằng chứng pháp lí”, phần lớn các chuyên gia luật quốc tế đều đã kết luận rằng yêu sách của Trung Quốc về quyền sở hữu/danh nghĩa lịch sử (historical title) đối với biển Đông, bao hàm quyền chủ quyền trọn vẹn cùng với việc bằng lòng cho các nước khác đi ngang qua, là không hợp lệ.

Benjamin Herscovitch, giám đốc nghiên cứu Chính sách Trung Quốc, một công ti phân tích và tư vấn chính sách đóng ở Bắc Kinh, nói rằng Bắc Kinh vẫn chưa làm rõ ý nghĩa của yêu sách lãnh thổ lịch sử của họ bao bọc bởi đường chín vạch, mà ông nói là luôn không rõ ràng trong lịch sử và vẫn như vậy, dù gần đây Bắc Kinh có nỗ lực đưa ra biện minh.

Ông hỏi “Đó là yêu sách cho toàn bộ các vùng nước bên trong đường này hoặc chỉ đơn giản là các đảo và các thể địa lí khác? Nó liên quan đến Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một bên kí kết, như thế nào? Vùng nước bên trong đường chín đoạn là lãnh hải hay chỉ đơn thuần là EEZ (vùng đặc quyền kinh tế)?”

Herscovitch, là một chuyên gia về ngoại giao châu Á và an ninh khu vực, cho biết Việt Nam cũng sử dụng tài liệu lịch sử để làm chỗ dựa cho yêu sách của mình, qua việc nói rằng họ có tài liệu chứng minh họ đã tích cực cai quản cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỉ 17.

Một bên chính khác trong khu vực là Philippines, viện dẫn sự gần gũi về địa lí đối với quần đảo Trường Sa là cơ sở chính cho yêu sách chủ quyền đối với một phần của nhóm đảo này.

Cả Philippines lẫn Trung Quốc cũng đòi chủ quyền bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) – cách Philippines hơn 160 km một ít và cách Trung Quốc 800 km.

Malaysia và Brunei cũng đòi chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông mà họ nói là lọt vào vùng đặc quyền kinh tế của họ, như quy định của UNCLOS.

Allen Carlson, phó giáo sư về chính quyền tại Đại học Cornell, nói biển Đông hiện nay đã bị cuốn đi với một hỗn hợp của các yêu sách  pháp lí quốc tế tương phản và nhiều câu chuyện lịch sử, của năng lực hải quân đang phát triển và tình cảm dân tộc. Carlson nói “Tình trạng này có vẻ đang tạo ra một cái gì đó giống như một hợp chất dễ bốc hơi trong vùng biển này, một hợp chất mà có thể chỉ cần một chút chất xúc tác là bùng cháy”.

Dư Mậu Xuân nói rằng lí lẽ của Trung Quốc là yếu nhất so với các bên tranh chấp khác vì đơn giản là người ta không thể chỉ dùng những đề cập trong sử sách về những nơi xa xôi làm biện minh chính cho các yêu sách chủ quyền hiện nay. “Nếu không, Marco Polo từng nói về Trung Quốc cho dân Ý vào thế kỉ thứ 13, điều đó có biện minh cho Ý yêu sách chủ quyền đối với Trung Quốc được không? Dĩ nhiên là không,” ông nói.

UNCLOS đã được tất cả các quốc gia ven biển chủ yếu có lợi ích ở biển Đông kí kết và phê chuẩn, nó cần giúp đem lại sự chắc chắn cho khung pháp lí áp dụng cho toàn khu vực. Tuy nhiên, các tranh chấp pháp lí và lãnh thổ vẫn kéo dài.

Dư Mậu Xuân nói rằng luật biển quốc tế hiện đại và quyền tài phán lãnh thổ coi trọng việc quản lí tích cực và sự gắn kết về địa lí (mở rộng tự nhiên của thềm lục địa là một ví dụ).

Không giống như các nước khác, yêu sách của Trung Quốc không dựa trên yêu sách đối với các đảo hoặc các thể địa lí cụ thể khác theo quy định của luật biển năm 1982 của LHQ, mà dựa trên một bản đồ lịch sử Trung Quốc chính thức nộp cho Liên Hiệp Quốc vào năm 2009. Bản đồ đó có đường chín vạch, tạo thành một hình chữ U chạy xuống bờ biển phía đông của Việt Nam vòng qua phía bắc Indonesia rồi tiếp tục chạy về phía bắc đến bờ biển phía tây của Philippines. Nhiều chuyên gia cho rằng đường chín vạch không phù hợp với luật biển năm 1982 của LHQ, luật này không chấp nhận yêu sách dựa trên lịch sử.

Nhưng Herscovitch nói rằng luật pháp quốc tế ít quan trọng trong tranh chấp biển Đông. Công ước của LHQ cũng vận hành hơi khác vì nó cũng chỉ ra rằng đất đai khám phá có thể chấp nhận được nếu là terra nullius (đất không thuộc về một quốc gia cụ thể) có nghĩa là đất mà không có quốc gia nào hành xử chủ quyền. Do đó, người ta có thể lập luận rằng quốc gia nào thực hiện quyền kiểm soát không bị thách thức đối với đất đai như thế thì yêu sách nó loại trừ tất cả các quốc gia khác dựa trên việc các quốc gia này “từ bỏ” quyền thách thức của họ. Theo quy định như vậy, không một quốc gia có thể chịu”từ bỏ” quyền của mình.

Trung Quốc kiểm soát hữu hiệu hầu hết các đảo, mặc dù là tương đối muộn dự phần khi đến chiếm đóng lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa.

Đài Loan chiếm một đảo trong quần đảo Trường Sa trước tiên sau Thế chiến II, và Philippines, Việt Nam và Malaysia tiếp theo sau.Theo Mira Rapp-Hooper, nghiên cứu viên cao cấp trong chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm New American Security thì tất cả các nước này đều xây các tiền đồn và đường băng trên lãnh thổ họ yêu sách. Bắc Kinh bắt đầu điều động nhân sự để chiếm các rạn đá và đảo trong khu vực trong những năm 1980.

Từ năm 2012, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nằm dưới  quyền kiểm soát của Trung Quốc, trong khi Trung Hoa đại lục, Việt Nam, Philippines và Malaysia đều kiểm soát các đảo ở quần đảo Trường Sa, với Đài Loan kiểm soát một đảo.

Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, cho biết trong một bài viết trên The Diplomat vào ngày 06 tháng 5 rằng Việt Nam chiếm 21 thể địa lí trong quần đảo Trường Sa, Philippines 9, Trung Quốc 7, và Malaysia 5.

Các nhà phân tích nói rằng vấn đề chủ quyền không thể giải quyết được theo luật pháp quốc tế, và cũng không nằm trong phạm vi thẩm quyền của tòa [trọng tài]. 

Herscovitch nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) trên những mảng lớn của biển Đông. Ông nói “Luật pháp quốc tế có thể làm đường chín vạch và chính sách rộng lớn hơn về biển Đông của Trung Quốc thành phi pháp trong mắt của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế nói chung là bất lực khi đối mặt với quyết tâm và ưu thế về sức mạnh quân sự trần trụi của Trung Quốc.”

No comments: