Thursday, October 22, 2015

Bắc Kinh vươn tới vị thế trên tay về quân sự ở Châu Á

Bắc Kinh vươn tới vị thế trên tay về quân sự ở Châu Á
(Beijing Reaches for Military Upper Hand in Asia)

Khoảng cách nhanh chóng thu hẹp lại làm tăng thêm rủi ro cho Mĩ trong việc chống lại Trung Quốc

ANDREW BROWNE
WSJ (20/10/2015)

At a military parade Sept. 3 to commemorate the end of World War II, China displayed for the first time the DF-21D antiship ballistic missile, designed specifically to target approaching U.S. aircraft carriers.
 Tại cuộc diễu binh ngày 3 tháng 9 để kỉ niệm kết thúc Thế chiến II, Trung Quốc lần đầu phô ra  tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D, được thiết kế đặc biệt có mục tiêu nhắm vào các tàu sân bay Mĩ. Ảnh: EUROPEAN PRESSPHOTO AGENCY


ĐÀI BẮC- Năm 1996, khi Trung Quốc cố dọa cử tri Đài Loan với việc bắn tên lửa gần đảo này, Tổng thống Mĩ Bill Clinton đã nhanh chóng điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới. Thông điệp thẳng tuột của ông cho Bắc Kinh: hãy xéo đi.

Mĩ lúc đó đang có sức mạnh ở tột đỉnh, còn Trung Quốc hầu như không có khả năng tự vệ trên biển và trên không, do đó, Lầu Năm Góc có thể có thừa sức để hành động nghênh ngang. Một cuộc xung đột, nếu Trung Quốc đần độn tới mức kích động lên, có thể phô lộ sự lạc hậu về  quân sự kinh niên của họ. Nếu đối đầu, Bắc Kinh buộc phải chịu thua.

Hiện nay, một cuộc khủng hoảng đang tích tụ ở Biển Đông đối với công việc xây đắp đảo đồ sộ của Trung Quốc làm nổi rõ sự thay đổi một cách đầy kịch tính cán cân quân sự ở Đông Á, không chỉ đối với Đài Loan mà ở mọi chỗ nằm trong tầm tên lửa, máy bay chiến đấu và tàu ngầm của Trung Quốc. Mĩ không lẫn tránh; họ hiện đang trù tính một cuộc thách thức hải quân ngày nào đó quanh quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã trang bị một đường băng đủ dài để máy bay quân sự đáp xuống trên một trong những mặt bằng do nạo vét. Nhưng Nhà Trắng đang rối bù về những rủi ro trong nhiều tháng nay.

Đừng trông mong các tàu sân bay. Chúng hiện là mục tiêu của tên lửa đạn đạo chống tàu hoạt động đầu tiên của thế giới. Bên cạnh đó, khống chế nhanh không phải là một phần của bất kì kế hoạch trò chơi hợp lí nào chống lại Trung Quốc ngày nay, kể từ năm 1996 chi tiêu quân sự của họ tăng lên trung bình hàng năm là 11%, thu hẹp khoảng cách quân sự với Mĩ nhanh hơn so với hầu như bất cứ ai có thể nghĩ tới.

Thay vào đó, Lầu Năm Góc thấy mình trong tình thế lưỡng nan: làm sao triển khai tối thiểu sức mạnh hải quân trong khi vẫn truyền tải được tín hiệu răn đe tới Bắc Kinh. Một lựa chọn là phái các tàu chiến ven biển tối tân nhưng vũ trang tương đối nhẹ đang đóng ở Singapore.

Mặc dù quần đảo Trường Sa không chút gì hơn một nhóm các rạn đá, đảo san hô và bãi cát ở rải rác, chúng đã trở thành những biểu tượng cụ thể trong một cuộc đấu tranh địa chính trị lớn hơn nhiều. Độ tin cậy về an ninh mà Mĩ bảo đảm cho các đồng minh châu Á đang bị đe doạ.

Tuy nhiên, bất cứ hành động nào mà Lầu Năm Góc quyết định làm sẽ chiếu sáng các lựa chọn quân sự đang thu hẹp của Washington  - và khả năng của Trung Quốc trong việc định hình các hành động của Mĩ. Theo một nghiên cứu gần đây của Rand Corp, trong vòng 5 đến 15 năm tới "Châu Á sẽ chứng kiến biên giới thống trị của Mĩ lùi ra xa dần."

Thật vậy, khi các nhà chiến lược quân sự Mĩ trù tính việc thực hành "Tự do hàng hải" bằng cách phái tàu chạy vào trong vòng 12 hải lí của các đảo do Trung Quốc tự tạo, điều trên hết trong suy nghĩ của họ là làm thế nào để tránh sa vào một cuộc xung đột. Đó không phải là vì Hoa Kỳ có bất kì nguy cơ bị thua nào - trong hầu hết các tình huống không dùng vũ khí hạt nhân, quân đội Mĩ vẫn vượt xa quân đội Trung Quốc - mà vì cái giá huỷ hoại có thể xảy ra.

Một cuộc xung đột với Trung Quốc sẽ không giống như bất kì cuộc xung đột nào mà Mĩ từng phải đối mặt kể từ Thế chiến II. Kể từ đó, Mĩ cũng chưa từng phải đối mặt với một kẻ thù có khả năng đe dọa các tàu sân bay và tàu ngầm của họ - biểu tượng kép về sức mạnh và uy tín của Mĩ.

Và Mĩ chưa từng đánh nhau với một kẻ thù có khả năng chiến tranh mạng - hay có vũ khí hạt nhân.



Hơn nữa, mặc dù Mĩ vẫn dẫn đầu một quân đội kinh khiếp trên tổng thể, Trung Quốc lại nắm giữ con chủ bài: địa lí. Sự gần gủi với các điểm nóng của Đông Nam Á, bao gồm cả Đài Loan và quần đảo Trường Sa, bù trừ phần lớn các lợi thế công nghệ của Mĩ. Bắc Kinh không phải tìm cách sánh với Mĩ từng loại vũ khí một để đảo ngược tình thế đối với Washington và bắt đầu chế ngự sân sau của mình.

Chắc chắn là quân đội của Trung Quốc chưa từng được thử thách từ sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào năm 1979, và trong nhiều lĩnh vực trọng yếu Mĩ vẫn còn đi trước nhiều thập kỉ . Ví dụ, Trung Quốc chỉ có 10 máy bay bồn dùng để tiếp nhiên liệu cho máy bay phản lực; Mĩ có 475.

Nhưng thời điểm đảo ngược cán cân đang đến gần hơn. Nghiên cứu của Rand cho biết một cuộc xung đột ở Đài Loan vốn chỉ cách bờ biển Trung Quốc 100 dặm, nhưng cách lục địa Hoa Kỳ hàng ngàn dặm, sẽ là một "biến động ngắn, gay gắt và có lẽ dữ dội với những thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai bên."

Theo Bộ Quốc phòng Mĩ, Trung Quốc hiện có ít nhất 1 200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn thuộc loại đã rót vào vùng biển xung quanh Đài Loan hồi năm 1996 lúc đảo này đang chuẩn bị bỏ phiếu bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên.

Sau đó, Bắc Kinh cũng hi vọng làm cử tri sợ hãi để bác bỏ ứng cử viên Quốc Dân Đảng đang cầm quyền, Lee Teng-hui (Lí Đăng Huy), người mà họ sợ sẽ dẫn Đài Loan theo con đường tìm kiếm độc lập. Kế hoạch này bị phản tác dụng: Lí Đăng Huy giành được đa số phiếu bầu.

Tháng 1 tới, Đài Loan đi vào bầu cử lần nữa, và một lần nữa Trung Quốc đang lo ngại về ứng cử viên đang dẫn trước Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn), đảng của bà công khai gắn kết với những người ủng hộ độc lập, mặc dù chính bà đã nói rõ bà ủng hộ nguyên trạng.

Trung Quốc cho đến nay đã tạm ngưng chiến thuật bắt nạt đối với Đài Loan, mặc dù họ đang gia tăng các cảnh báo về hành động của hải quân Mĩ ở Trường Sa; một bài bình luận của Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc sẽ phản ứng "một cách thích hợp và dứt khoát." Một cuộc đấu tranh giành quyền làm chủ ở Đông Á đang diễn ra, và các xu thế quân sự đều theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

No comments: