Sunday, October 26, 2014

Điểm sách của Bill Hayton: Biển Đông và cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á

Điểm sách của Bill Hayton: Biển Đông và cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á

Tác giả: David Brown

Trong bất cứ danh sách rút gọn nào về những điều làm đau đầu toàn thế giới thì việc Trung Quốc tìm kiếm bá quyền ở biển Đông nhất định phải có trong đó cùng với vấn đề biến đổi khí hậu, thánh chiến người đạo Hồi và virus ebola. Có vẻ đó là vấn đề hóc búa nhưng việc giải quyết nó đã trở thành một phép thử quan trọng về liệu trật tự quốc tế có thể đáp ứng cho một 'Trung Quốc đang trỗi dậy’ hay không.

Dù tổng thống Obama với bản tính thận trọng vốn biết rằng dấy vào một cuộc chiến nước ngoài thì dễ dàng hơn giành phần thắng trong một cuộc chiến, mối đe dọa mà chiến thuật của Bắc Kinh đặt ra đối với lợi ích sống còn của Mĩ chắc chắn sẽ thu hút Washington vào một cuộc thách thức với Trung Quốc. Cho đến một vài năm trước đây, khó có thể thấy được vấn đề biển Đông với tư cách là một cuộc tranh chấp giữa các quốc gia ven biển về cá và các nguồn tài nguyên dưới đáy biển, lại bị làm trầm trọng thêm bởi một số đầu óc sắt máu phía Trung Quốc. Bây giờ rõ ràng là Trung Quốc chẳng quan tâm tới việc đàm phán chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng mà chỉ quan tâm lọc lưa cái có lợi cho họ trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Washington đã phải gác lại ước mơ về quan hệ đối tác toàn cầu với siêu cường mới nổi của châu Á trong khi cân nhắc viễn cảnh Trung Quốc kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng. Biển Đông, theo lời của Bill Hayton, là "chỗ đầu tiên mà tham vọng của Trung Quốc đi tới mặt đối mặt với quyết tâm chiến lược của Mĩ."

Đó là một cuộc đối đầu mà chúng ta cần phải hiểu rõ, và Hayton, một phóng viên của BBC từng ở Myanmar và Việt Nam, đã cung cấp cho cốt truyện. Ông nghiên cứu cặn kẽ và viết chảy chuốt cuốn The South China Sea - The Struggle for Power in Asia (Biển Đông - Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á), đã được xuất bản tại Anh vào cuối tháng 9 và sẽ được nhà xuất bản Yale xuất bản tại Mĩ vào ngày 28 tháng 10. Cuốn sách đang được chào bán trên Amazon với giá $28.

Cuốn sách 320 trang của Hayton chắc chắn sẽ được so sánh với cuốn sách khác mới đây về cùng chủ đề, cuốn Asia’s Cauldron: the South China Sea and the End of a Stalbe Pacific (Vạc dầu sôi châu Á: Biển Đông và sự kết thúc của một Thái Bình Dương ổn định) của Robert Kaplan. Đó là hai cuốn sách rất khác nhau. Kaplan nhanh chóng đưa ra những khái quát thoải mái về bản sắc dân tộc, lợi ích quốc gia và nỗi ám ảnh có mục đích các nhà lãnh đạo châu Á với trật tự. Kaplan cho biết đó là toàn về cán cân quyền lực, một cuộc thi thố diễn ra "trong khung cảnh mới và có phần khắc nghiệt này của thế kỉ 21." Đông Nam Á của ông là một nơi mà Trung Quốc nhất định phải gom các chư hầu xưa vào trở lại đúng theo quỹ đạo và là nơi, nếu Washington là thực tế trong phân tích của mình thì phải lịch sự nhường bước cho Bắc Kinh.

Hayton giải thích theo cách khác. Chương mở đầu của ông dẫn người đọc gần như không khó khăn điểm qua năm ngàn năm rằng biển Đông là một vùng biển chung của toàn cầu do người đi lại tiền-Mã Lai chiếm ưu thế. Sau đó, các đế chế giao thương phát lên rồi suy tàn: Phù Nam, Champa, Majahapit và Malacca. Vào khoảng năm 1400, lần đầu tiên và duy nhất trước kỉ nguyên hiện nay, Trung Quốc trở thành một cường quốc biển trong một thời gian ngắn, phái các đội tàu lớn đến Ấn Độ và Đông châu Phi trước khi chuyển sự chú ý trở lại vào nội địa một lần nữa. Người châu Âu trong khi lùng kiếm các loại gia vị, đồ sứ và lụa đến vào những năm 1500. Tây Ban Nha thiết lập quyền thống trị trên quần đảo Philippines; ba thế kỉ sau đó, Pháp ở Đông Dương và Anh tại các bang Malay đã tạo ra các thuộc địa của họ và thậm chí buộc Trung Quốc phải khấu đầu trước nền ngoại giao pháo hạm.

Những người châu Âu, quyết phân định ranh giới và thiết lập độc quyền đối với lãnh thổ, vô tình đặt nền móng cho ý thức dân tộc nhiệt thành trong những khu vực mà sau này vào giữa thế kỉ 20 trở thành các thuộc địa và đất tô nhượng cũ của họ. Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Trung Quốc (cả Đài Loan và Bắc Kinh) tất cả bây giờ đều yêu sách những mảng biển lớn và chồng chéo mà xưa kia đã  từng thông thương hơn là chia cắt. Tất cả các nước này đã giành nhau cắm cờ trên các rạn san hô, đá và đảo nhỏ (gọi chung là ‘thể địa lí' [feature]) nằm rải rác ở vùng biển rộng lớn đó.

Nền thảm nhiều vẻ mà Hayton dệt nên tự nó đã hấp dẫn, nhưng có tầm quan trọng có tính báo hiệu là một chủ đề ông cẩn thận rút từ đó ra: yêu sách dựa trên lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực biển phía nam Hong Kong và đảo Hải Nam chủ yếu là rác rưởi. Bằng chứng Trung Quốc không đứng vững trước biên niên sử của các chúa Nguyễn của Việt Nam, những vị này vào khoảng năm 1750 đã phái các đội binh hàng năm ra cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Người Việt Nam ra đó chắc chắn chủ yếu là để thu lượm của cải từ các xác tàu bịđắm, nhưng họ đã để lại các cột mốc / dấu vết và lưu giữ hồ sơ cẩn thận.

Trớ trêu là Việt Nam đã không còn nhai đi nhai lại yêu sách lịch sử của mình mà thay vào đó kêu gọi dựa vào các quy định về việc phân chia vùng biển được pháp chế hóa trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, UNCLOS, có hiệu lực từ năm 1994. Philippines và Malaysia cũng thế. Luật pháp quốc tế là nơi chở che cho các nước nhỏ yếu. Đối với các nước mạnh quyết tâm xóa đi nỗi nhục trong quá khứ, luật pháp quốc tế thường là điều phiền toái bất tiện. Chế độ ở Bắc Kinh có thể biết rõ cơ sở pháp lí của họ yếu kém; họ có thể tìm cách hợp lí hoá rằng Trung Quốc đáng lẽ đã thống trị các vùng biển lân cận nếu họ không bị phương Tây và Nhật Bản chèn ép. Đối với người Trung Quốc bình thường, thông điệp này rất đơn giản. Trường học và các phương tiện truyền thông mị dân đã thuyết phục họ rằng chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển đảo phía Nam là ‘không thể thay đổi’ và ‘không thể tranh cãi.’

Các nhà phân tích - trong đó Hayton và người viết này – rất khó có thể giải thích tại sao Bắc Kinh đã rất ngạo mạn phí phạm sự tôn trọng mà họ đã phải mất nhiều công sức mới có được cho đến gần đây. Hayton bởn cợt với quan điểm cho rằngcác chỉ huy hải quân, công ti dầu mỏ và chính quyền địa phương đã theo đuổi chính sách đối ngoại quyết đoán độc lập, lôi kéo các nhà lãnh đạo cấp cao không muốn tỏ vẻ yếu đuối. Lập luận đó không đứng vững, ít nhất là trong thời Tập Cận Bình; trong những năm gần đây chiến thuật của Trung Quốc đã phối hợp nhau rất ấn tượng.

Các nhà phân tích khác đổ lỗi cho cơn khát dữ dội về dầu khí của siêu cường đang trỗi dậy này. Không nghi ngờ rằng sự tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn cung cấp phong phú của cả dầu và khí. Tuy nhiên, việc biển Đông là "vịnh Ba Tư thứ hai" như thường được nêu ra trong phương tiện truyền thông Trung Quốc là hết sức đáng ngờ . Hơn nữa, với ngoại tệ đầy rẫy trong tay, Trung Quốc không có vấn đề gì trong việc tìm nguồn cung ứng dầu khí bên ngoài khu vực, và cũng chẳng ai có lợi lộc gì để can thiệp vào công việc mua bán đó.

Những nhà quan sát phương Tây chưa nghiên cứu đầy đủ thường có xu hướng xem yêu sách và tham vọng của Trung Quốc cũng không kém giá trị hơn yêu sách của tất cả những nước khác. Kaplan đi xa hơn, coi pháp luật quốc tế về cơ bản là không thích đáng trong tranh chấp biển Đông. Tuy nhiên, kích cỡ to lớn của yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và chiến thuật mà họ sử dụng trong việc theo đuổi là rất quan trọng đối với Mĩ và các quốc gia khác có phần nguy cơ lớn trong việc duy trì trật tự thế giới hoà bình, dựa trên luật pháp, tự do mậu dịch. Họ cho rằng một “Trung Quốc đang trỗi dậy” sẽ chơi đúng luật chỉ khi phù hợp với lợi ích của họ.Hayton kết luận rằng điều đó có nghĩa là khu vực rộng 1,35 triệu dặm vuông này – ‘vùng biển kín’ lớn nhất thế giới –“đã trở thành nơi mà bản sắc không tương thích nhau của Trung Quốc và Mĩ nhất định phải xung đột nhau."

Mỗi năm trôi qua, nguy cơ lại tăng thêm. Một động lực không ổn định chắc chắn đang lôi kéo Mĩ và đồng minh chính ở châu Á, Nhật Bản, hậu thuẫn Việt Nam và Philippines. Không thấy Trung Quốc có dấu hiệu lùi bước. Đó là điều đáng tiếc – chưa thấy có kết cục lạc quan trong tầm mắt.

Viết thêm: Trớ trêu là chính quyền Việt Nam không thích Bill Hayton đến. Ông là phóng viên thường trú của BBC tại Hà Nội trong năm 2007-2008. Rõ ràng các bài báo của ông tại thời điểm đó làm chính quyền khó chịu. Khi Hayton xin cấp visa để tham gia hội nghị về các vấn đề Biển Đông tháng 11 năm 2012 do Học viện Ngoại giao Việt Nam bảo trợ, ông đã bị từ chối. Vài tháng sau, Hayton xin thêm một lần nữa, nêu cụ thể muốn phỏng vấn quan chức Việt Nam cho cuốn sách sắp tới của mình. Ông bị từ chối một lần nữa. Kết quả là các phần Hayton nói về Việt Nam và biển Đông là tương đối ‘mỏng’ - thiếu những chi tiết thuyết phục có thể có được từ các cuộc trao đổi với các chuyên gia Việt Nam. Đó là một điều đáng tiếc - và là một câu chuyện khác không có kết cục vui vẻ (cho đến giờ này)!


David Brown là một nhà ngoại giao Mĩ đã về hưu, viết về các chủ đề Đông Nam Á có liên quan đặc biệt đến Việt Nam đương đại. Có thể liên lạc với ông tại nworbd@gmail.com.
---------------------------------------------------------------
Ghi chú: Bản tiếng Anh đã được đăng trên trang Asia Sentinel: Book Review: The South China Sea: The Struggle for Power in Asia. Bản khác, tác giả viết riêng cho các độc giả Việt Nam, như trong bản dịch trên có chút khác biệt nhỏ với bản trên Asia Sentinel.
Bản dịch của Trần Văn Minh đăng ở đây http://anhbasam.wordpress.com/2014/10/25/3060-diem-sach-cua-bill-hayton-bien-dong-va-cuoc-chien-tranh-gianh-quyen-luc-o-chau-a/ ngày 25/10/2014

No comments: