Friday, December 20, 2013

Trung Quốc được cai trị thế nào?

Trung Quốc được cai trị thế nào


(How China is ruled)
Lời bình của GS Trần Hữu DũngBài có ích, khúc chiết, rất dễ đọc, so sánh Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình... Có nhiều điểm giống Việt Nam (chì khác là ở Trung Quốc thì từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình, mỗi thế hệ một khác, còn ở Việt Nam thì từ Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Tấn Dũng thì mỗi thế hệ một... tệ hơn))

Tại sao Bắc Kinh ngày càng khó hơn trong việc cai trị

David M. Lampton
DAVID M. Lampton Giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc và Giám đốc SAIS - Trung Quốc tại Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp Johns Hopkins.

Trung Quốc đã có ba cuộc cách mạng trong thế kỷ XX. Cuộc cách mạng đầu tiên là sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh cùng với hệ thống cai quản truyền thống nước này vào năm 1911. Tiếp sau một thời kỳ xung đột kéo dài là cuộc cách mạng thứ hai, vào năm 1949, khi Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản của ông thắngcuộc Nội chiến Trung Quốc và lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; việc thực thi quyền hành bạo lực và tuỳ tiện của Mao chỉ kết thúc khi ông ta mất vào năm 1976.

Cuộc cách mạng thứ ba đang diễn ra, và cho đến nay, kết quả của nó là tích cực hơn nhiều. Cuộc cách mạng này bắt đầu vào giữa năm 1977 với sự trỗi lên của Đặng Tiểu Bình, người khởi động một kỷ nguyên cải cách chưa từng có dài nhiều thập kỷ làm chuyển đổi nền kinh tế gia công manh mún (hived –off) của Trung Quốc thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới, đưa hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo và mở ra một đợt di dân lớn tới các thành phố. Cuộc cách mạng này vẫn đang tiếp nối thông qua các nhiệm kỳ của những người kế tục Đặng Tiểu Bình là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.

Tất nhiên, cuộc cách mạng bắt đầu với Đặng Tiểu Bình không mang tính cách mạng theo một nghĩa quan trọng: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn duy trì độc quyền về quyền lực chính trị. Tuy nhiên, điều sáo rỗng rằng Trung Quốc trãi nghiệm qua cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị trong những năm từ 1977 làm lu mờ một sự thật quan trọng: cải cách chính trị, đã "diễn ra âm thầm và ngoài tầm mắt", theo như một chính trị gia Trung Quốc kín đáo nói với tôi vào năm 2002,

Thực tế là hiện nay chính quyền trung ương của Trung Quốc hoạt động trong một môi trường khácbiệt về cơ bản so với môi trường có vào đầu nhiệm kỳ của Đặng Tiểu Bình theo ba cách. Thứ nhất, cá nhân các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dần dần trở nên yếu hơn về mặt vừa so với họ với nhau lẫn so với phần còn lại của xã hội. Thứ hai, xã hội Trung Quốc, cũng như nền kinh tế và bộ máy quan liêu, đã bị vở vụn, làm tăng số lượng cử tri mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đáp ứng, hoặc ít nhất phải quản lý. Thứ ba, lãnh đạo của Trung Quốc hiện phải đối đầu với một dân số với nhiều nguồn lực, về tiền bạc, tài năng và thông tin, hơn bao giờ hết.

Với tất cả những lý do này, cai quản Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn so với thời Đặng Tiểu Bình. Bắc Kinh đã đáp ứng với những thay đổi này bằng cách tích hợp công luận vào trong việc hoạch định chính sách của mình, trong khi vẫn giữ các cấu trúc chính trị cơ bản có sẵn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhầm nếu họ nghĩ rằng họ có thể duy trì ổn định chính trị và xã hội vô thời hạn mà không có cải cách đáng kể hệ thống cai quản của đất nước. Một Trung Quốc đặc trưng bởi một nhà nước yếu hơn và một xã hội dân sự mạnh hơn đòi hỏi một cơ cấu chính trị khác biệt hơn nhiều. Nó đòi hỏi một sự toàn tâm toàn ý theo nền pháp trị (rule of law), với các cơ chế đáng tin cậy hơn - chẳng hạn như tòa án và cơ quan lập pháp - để giải quyết xung đột, dung hoà các lợi ích khác nhau, và phân phối các nguồn lực. Nó cũng cần chính phủ có các quy định tốt hơn, minh bạch và có trách nhiệm. Thiếu vắng các điều kiện như vậy, trong tương lai Trung Quốc sẽ ở trong bất ổn chính trị nhiều hơn trong hơn bốn thập kỷ vừa qua. Không nghi ngờ là các cơn dư chấn đó sẽ được các nước láng giềng của Trung Quốc và cả thế giới rộng lớn hơn cảm nhận, trong tình hình TQ ngày càng vươn ra toàn cầu.Cải cách trước đây của Trung Quốc đã tạo ra những điều kiện mới mà các nhà lãnh đạo của nó phải nhanh chóng thích nghi. Cải cách cũng giống như đi xe đạp: hoặc chạy tiếp hoặc bị ngã xuống.

KHÔNG PHẢI MỌI LÃNH ĐẠO ĐỀU NHƯ NHAU

Theo nhà xã hội học người Đức Max Weber, chính phủ có thể viện dẫn thẩm quyền của mình từ ba nguồn: truyền thống, tài đức và uy tín của cá nhân nhà lãnh đạo, và các chuẩn mực hiến định và pháp định. Trong giai đoạn cải cách, Trung Quốc đã dịch chuyển khỏi hai loại tính chính đáng (legitimacy) đầu tiên và hướng tới một cái gì đó giống như tính chính đáng thứ ba.

Giống như Mao, Đặng Tiểu Bình đã có được một pha trộn quyền lực truyền thống và uy tín. Nhưng các nhà lãnh đạo tiếp sau có được tính chính đáng theo những cách khác nhau. Giang Trạch Dân (cai trị 1989-2002 ) và Hồ Cẩm Đào (cầm quyền 2002-2012) đều đượcchính Đặng Tiểu Bình chỉ định làm lãnh đạo theo những mức độ khác nhau , và việc đi lên vị trí đứng đầu của Tập Cận Bình vào năm 2012 là sản phẩm của một quá trình chính trị tập thể trong ĐCSTQ. Theo thời gian, một bộ các tiêu chuẩn điều tiết việc lựa chọn lãnh đạo đã hình thành, bao gồm các hạn chế về nhiệm kỳ và tuổi tác, các chỉ số về thành tích, và kết quả thăm dò ý kiến trong nội bộ đảng. Mặc dù quan trọng, các tiêu chuẩn này không nên bị xem nhầm là pháp luật - chúng không đầy đủ, không chính thức, và có thể đảo ngược - nhưng chúng thật sự đánh dấu một sự rời xa rõ rệt khỏi hệ thống tuỳ tiện của Mao.

Vì các nền tảng cho tính chính đáng đã thay đổi, những lãnh đạo kế tục Đặng Tiểu Bình thấy khả năng họ một mình đề ra chính sách bị giảm đi. Mặc dù Đặng Tiểu Bình đã không hưởng được quyền lực không bị kiềm chế như Mao, nhưng khi cần có các quyết định chiến lược, ông có thể hành động một cách đầy thẩm quyền và dứt khoát một khi đã tham khảo ý kiến những đồng nghiệp có ảnh hưởng lớn. Hơn nữa, quy mô và phạm vi của các quyết định của ông thường rất lớn. Ngoài việc bắt tay vào cải cách kinh tế, Đặng còn thực hiện nhiều lựa chọn cốt lõi khác, chẳng hạn như đưa ra chính sách một con vào năm 1979, đàn áp phong trào phản kháng của nhóm Bức tường dân chủ cùng năm đó, và tuyên bố thiết quân luật và triển khai quân đội tại Bắc Kinh năm 1989. Và khi tới vụ Đài Loan, Đặng Tiểu Bình cảm thấy đủ an toàn để đưa ra một thái độ thoải mái về hòn đảo này, cứ để việc giải quyết quan hệ hai bờ eo biển này cho thế hệ sau.

Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và Tập Cận Bình, ngược lại, bị hạn chế nhiều hơn. Sự khác biệt đó đã thể hiện đầy đủ vào cuối năm 2012 và trong năm 2013 khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thay Hồ Cẩm Đào. Trong những năm 1970, để xây dựng mối quan hệ với Nhật Bản, Đặng Tiểu Bình đã có thể gác sang một bên vấn đề chính trị dân tộc dễ bùng nổ quanh câu hỏi về chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư đang tranh chấp (Nhật gọi là quần đảo Senkaku). Còn Tập Cận Bình, vừa mới leo lên vị trí chóp bu và muốn củng cố quyền lực của mình trước sự việc Nhật quốc hữu hoá quần đảo này tháng 9 năm 2012, cảm thấy bắt buộc phải hành động mạnh bạo để đáp ứng với động thái của Tokyo.

Nói cách khácTrung Quốc đã đi từ được cai trị bởi những người hùng với uy tín cá nhân cao tới các lãnh đạo bị trói buộc bởi việc quyết định tập thể, các hạn chế về nhiệm kỳ và các tiêu chuẩn khác, công luận, và chính các nhân vật kỹ trị của họ. Theo một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc cho tôi biết vào năm 2002, "Mao và Đặng Tiểu Bình có thể quyết định; còn Giang Trạch Dân và các nhà lãnh đạo hiện nay phải tham khảo ý kiến."

Các lãnh đạo Trung Quốc lạc điệu với Mao và Đặng Tiểu Bình trong một khía cạnh quan trọng: họ đi tới chỗ thấy rằng mục đích của họ là ít hơn về mặt tạo ra sự thay đổi to tát và nhiều hơn về mặt duy trì hệ thống và nâng cao hiệu quả của nó. Mục tiêu của Đặng Tiểu Bình là chuyển đổi. Đặng Tiểu Bình đã tìm cách chuyển Trung Quốc lên các bậc thang kinh tế và hệ thống phân cấp quyền lực toàn cầu, và ông đã làm được điều đó. Ông mở cửa Trung Quốc đến với kiến thức nước ngoài, khuyến khích thanh niên Trung Quốc ra nước ngoài (một thái độ bị ảnh hưởng bởi những năm tự rèn luyện của ông ở Pháp và Liên Xô), và cứ để lợi thế so sánh, thương mại, giáo dục làm điều kỳ diệu của chúng.

Giang Trạch Dân, người kế tục Đặng Tiểu Bình, lên nắm quyền chính xác là do ông đại diện cho một sự thay đổi trong phong cách lãnh đạo: trong bối cảnh cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, cả lực lượng ủng hộ cải cách và lực lượng cảnh giác với nó đều xem ông là có năng lực và không đe dọa. Nhưng cuối cùng ông đã nhảy rào về phía cải cách nhanh chóng. Giang Trạch Dân đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chuẩn bị cho việc đưa ngườii vào không gian lần đầu, và vạch rõ lần đầu tiên rằng ĐCSTQ cần phải thu hút một số lượng lớn những người sáng tạo và có tay nghề cao vào hàng ngũ của mình. Trong 13 năm ông cầm quyền, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 9,7 %.

Tuy nhiên, Giang Trạch Dân về cả tính cách lẫn về hoàn cảnh của ông thì còn xa mới là người hùng chuyển đổi như Đặng Tiểu Bình. Vốn được đào tạo là một kỹ sư, Giang Trạch Dân có tính thực tế và chú trọng vào việc làm mọi thứ vận hành được. Ví dụ vào năm 1992, ông nói với một nhóm người Mỹ rằng một thập kỷ trước khi ông là một quan chức cấp thấp, ông đã đến thăm Chicago và quan tâm đặc biệt đến việc thu gom rác của thành phố, vì ông hy vọng sẽ tìm ra một giải pháp cho vấn đề vỏ dưa hấu thải bỏ vương vải ở TQ. Sau đó ông khoe với các người Mỹ đó rằng khi làm chủ tịch thành phố Thượng Hải, ông đã tiết kiệm được đất đai bằng cách xây dựng cầu xoắn ốc trên các đường dốc làm giảm nhu cầu phải di dời cư dân thành phố. Không phải sự thay đổi xã hội mạnh bạo này mà mối quan tâm của Giang Trạch Dân về vật chất đã cải thiện cuộc sống của người dân Trung Quốc bình thường.

Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng thời ông là Ôn Gia Bảo, còn cho thấy ít có tính chuyển đổi hơn. Tiến trình đó có thể dự đoán ngay cả hồi năm 2002, vào đêm trước khi Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền. "Một xu hướng khác sẽ là đi tới tập thể lãnh đạo chứ không phải các lãnh đạo tối cao", một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc nói với tôi vào thời điểm đó. "Lãnh đạo trong tương lai sẽ có tính tập thể, dân chủ hơn, họ sẽ tìm kiếm sự đồng thuận chứ không phải đưa ra quyết định tùy ý. Nhưng nhược điểm là họ sẽ được hưởng quyền lực ít hơn. Họ sẽ gặp khó khăn hơn để đưa ra những quyết định táo bạo khi cần có những quyết định táo bạo". Hồ Cẩm Đào hầu như không ban hành cải cách chính trị hoặc kinh tế nào, thành tích đáng chú ý nhất của ông là tăng cường quan hệ với Đài Loan. Cách giải thích khoan dung cho những năm tại vị mờ nhạt của Hồ Cẩm Đào là ông đã chuyển hóa các thay đổi sâu rộng mà Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân đã xướng ra.

Sau khi lên làm lãnh đạo tối cao của đảng hồi tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của mình rõ rệt vào năm 2013, cho phép một cuộc tranh luận mạnh mẽ về cải cách diễn ra, ngay cả khi ông đã thắt chặt các hạn chế về tự do bày tỏ. Cốt lõi của các cuộc tranh luận liên quan đến việc làm cách nào để phục hồi năng lực tăng trưởng kinh tế và thay đổi chính trị tới mức nào sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế thêm lên.

Sau cuộc họp Ủy ban Trung ương tháng 11 năm 2013 (Hội nghị lần thứ ba), chính quyền Tập Cận Bình nêu ra ý định "đào sâu đổi mới mọi mặt" và đã lập ra một nhóm để làm điều đó. Sự cần thiết cho một cơ quan như vậy cho thấy rằng nhiều tranh chấp chính sách vẫn còn đó và chính quyền trung ương có ý định tiếp tục chú tâm vào việc thay đổi cho đến ít nhất là đến năm 2020. Nhưng đơn giản là không có con đường tiến tới rõ ràng, bởi vì trong một số lĩnh vực thì Trung Quốc cần thị trường hóa, ở một số lĩnh vực khác thì cần phân cấp, và trong một số lĩnh vực khác nữa thì lại cần tập trung.

Mặc dù vẫn còn nhiều mơ hồ, lực đẩy của chính sách đang nổi lên là phải làm cho thị trường đóng một vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực, với việc Bắc Kinh san bằng sân chơi trong nước cho các doanh nghiệp nhà nước và các công ty ngoài quốc doanh cũng như đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt hành chính. Người nước ngoài có thể tìm thấy những điều ưa chuộng trong hứa hẹn của chính phủ "tạo dễ dàng tiếp cận đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu thương mại tự do và mở rộng việc mở cửa nội địa và ven biển." Những chính sách này cũng sẽ có hậu quả chính trị, và thông cáo của cuộc họp đã đề cập sự cần thiết phải thay đổi ở ngành tư pháp và ở chính quyền địa phương, trong khi lờ mờ cho thấy nông dân cũng được nhiều quyền hơn. Thông cáo nói rằng, trong việc kêu gọi thành lập một ủy ban an ninh quốc gia, hội nghị đã xác định an ninh cả bên trong lẫn bên ngoài là mối quan tâm lớn. Một cuộc Vạn lí trường chinh đang nằm phía trước.

XÃ HỘI BI MANH MÚN

Những thay đổi trong phong cách lãnh đạo cá nhân đã trùng hợp với một sự thay đổi có tính kiến tạo: việc đa dạng hoá xã hội, kinh tế, và bộ máy quan liêu của Trung Quốc. Trong thời đại Mao, các nhà lãnh đạo khẳng định rằng họ chỉ phục vụ cho một lợi ích duy nhất– lợi ích của quần chúng Trung Quốc. Công việc của chính phủ là đàn áp lực lượng ngoan cố và giáo dục người dân về lợi ích thực sự của họ. Cai trị không phải làm về việc dung hòa sự các khác biệt mà là về việc loại bỏ các khác biệt.

Tuy nhiên từ thời Mao xã hội và bộ máy quan liêu của Trung Quốc đã bị phân mảnh, làm cho cho Bắc Kinh khó khăn hơn trong việc đưa ra các quyết định và thực thi chính sách. Để đối phó với thách thức này, chính phủ Trung Quốc, đặc biệt từ thời Đặng Tiểu Bình, đã phát triển một hệ thống thẩm quyền tuy có tính ứng phó thực hiện việc cân bằng các lợi ích chính về mặt địa lý, chức năng, phe phái, và chính sách thông qua đại diện ở cấp cao nhất của ĐCSTQ. Mặc dù các đường hướng cho việc tự thể hiện về chính trị vẫn còn hạn chế, và việc ra quyết định của nhóm chủ chốt vẫn chưa minh bạch, các nhà cai trị của Trung Quốc bây giờ cố gắng tìm cách giải quyết, chứ không phải đè bẹp mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích cạnh tranh nhau, chỉ trấn áp các mâu thuẫn như vậy khi họ cảm nhận chúng là mối đe dọa đặc biệt lớn. Họ đã cố gắng để cùng lọc lựa ra vai vế và lí lịch của các cử tri khác nhau trong khi đàn áp thẳng tay lãnh tụ của các phong trào chống chính phủ.

Đa số các nhóm lợi ích mới có thế lực của Trung Quốc là thuộc về kinh tế theo bản chất. Người lao động và quản lý xung đột nhau về điều kiện làm việc và tiền lương. Tương tự như vậy, khi các doanh nghiệp Trung Quốc tiến tới giống như các công ty phương Tây, họ chỉ phục tùng phần nào theo chỉ thị của đảng. Ví dụ, như học giả Tabitha Mallory đã chỉ ra, ngành công nghiệp đánh bắt cá ngày càng trở nên tư nhân hoá- trong năm 2012, 70 % công ty đánh cá “biển xa” của Trung Quốc do tư nhân làm chủ - làm cho chính quyền trung ương càng khó khăn hơn để ngăn chặn việc đánh bắt quá mức.

Trong khi đó, ở khu vực nhà nước làm chủ, Tổng công ty quốc gia Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc, hay CNOOC, đang hậu thuẫn các chính sách thiên về quyết đoán hơn ở Biển Đông, nơi mà trữ lượng hydrocarbon đáng kể được cho là nằm ở đó, và công ty này đã tìm thấy điểm chung với hải quân Trung Quốc muốn có một ngân sách lớn hơn và một hạm đội hiện đại hóa. Về các vấn đề cả trong nước lẫn đối ngoại, các nhóm lợi ích đã ngày càng trở thành những người tham gia to giọng trong quy trình làm ra chính sách.

Bộ máy quan liêu của Trung Quốc đã thích nghi với sự nẩy nở của các lợi ích qua việc ngày càng tự trở nên đa dạng hoá hơn. Các quan chức sử dụng diễn đàn được gọi là " các nhóm lãnh đạo nhỏ” (tiểu tổ lãnh đạo - lingdao xiaozu ) để giải quyết các đụng chạm giữa các tổ chức và các địa phương tranh chấp nhau, và các phó thủ tướng và ủy viên hội đồng nhà nướcphải dành nhiều thời gian của mình giải quyết những tranh chấp như vậy. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố lớn như Thượng Hải, và các hiệp hội công nghiệp và thương mại ngày càng dựa vào các đại diện tại Bắc Kinh để thúc đẩy lợi ích của mình bằng cách vận động hành lang những người có thẩm quyền ra quyết định cấp quốc gia - mô hình này cũng đã được sao chép lại ở cấp tỉnh.

QUYỀ N LỰC NHÂN DÂN

Mao hầu như không bao giờ cho phép công luận trói buộc các chính sách của ông, ý chí nhân dân là một cái gì đó ông ta tự định nghĩa. Đặng Tiểu Bình, tới phiên mình, đã thừa nhận cải cách, vì ông lo sợ rằng ĐCSTQ đã gần mất đi tính chính đáng, tuy nhiên ông chỉ theo công luận khi nó phù hợp với phân tích của ông.

Hiện nay, ngược lại, gần như tất cả các lãnh đạo Trung Quốcđều công khai nói về tầm quan trọng của công luận, với mục đích là để ngăn chặn trước các vấn đề xảy ra. Chẳng hạn, hồi tháng 8 năm 2013 tờ báo nhà nước Trung Quốc nhật báo nhắc nhở bạn đọc rằng Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia đã ban hành quy định yêu cầu các quan chức địa phương tiến hành đánh giá rủi ro nhằm xác định khả năng xáo trộn của dân chúng trong phản ứng đối với các dự án xây dựng lớn và nêu rằng các công trình như vậy phải tạm ngưng nếu chúng tạo ra sự phản kháng "mức trung" trong công dân.

Trung Quốc đã xây dựng một bộ máy to lớn nhằm đo lường quan điểm người dân - trong năm 2008, năm gần đây nhất có dữ liệu, khoảng 51 000 doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp với hợp đồng chính phủ, tiến hành việc thăm dò - và Bắc Kinh thậm chí đã bắt đầu sử dụng dữ liệu điều tra giúp cho việc đánh giá liệu các quan chức ĐCSTQ có xứng đáng được nâng chức hay không. "Sau Đặng Tiểu Bình, không còn người hùng nữa, vì vậy công luận đã trở thành một loại xã hội dân sự", một nhà thăm dò dư luận đang thực tế nhận ngày càng nhiều công việc từ chính quyền trung ương, đã nói với tôi vào năm 2012. "Tại Hoa Kỳ, thăm dò dư luận được sử dụng cho các cuộc bầu cử, nhưng ở Trung Quốc, công dụng chính là giám sát mức độ hoàn thành công việc của chính phủ."

Sự phát triển này cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc bây giờ thừa nhận rằng chính phủ phải đáp ứng nhiều hơn, hoặc ít nhất là có vẻ như thế. Thật vậy, kể từ năm 2000, họ ngày càng viện dẫn công luận trong việc giải thích các chính sách về tỉ giá, thuế, và cơ sở hạ tầng. Công luận thậm chí có thể nằm đằng sau sự gia tăng về quyết đoán khu vực của Bắc Kinh trong năm 2009 và 2010. Ngưu Tân Xuân (Niu Xinchun), một học giả Trung Quốc, đã lập luận rằng Bắc Kinh đã chọn lấy một vị thế khó khăn hơn trong các tranh chấp trên biển và các vấn đề đối ngoại khác trong giai đoạn này như là một đáp ứng trực tiếp đối với sự tức giận của công chúng đối với những chỉ trích của phương Tây về thành tích nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic năm 2008, khi một số nhà lãnh đạo phương Tây gợi ý rằng họ có thể sẽ không tham dự. Đặc biệt là Trung Quốc đã quá chán ngán với hành vi của Pháp đến nổi tờ Trung Quốc nhật báo tường thuật rằng "Người Trung Quốc không muốn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh."

Đáp ứng lớn hơn của Bắc Kinh bắt nguồn phần lớn từ việc thừa nhận rằng khi mà chính quyền địa phương, các tổ chức phi nhà nước, và cá nhân đều trở nên mạnh hơn thì chính quyền trung ương dần dần mất đi thế độc quyền về tiền bạc, tài năng con người, và thông tin. Lấy ví dụ về vấn đề vốn. Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, ngày càng có nhiều vốn tích lũy trong các két sắt bên ngoài chính quyền trung ương. Từ năm 1980 đến năm 2010, một phần của tổng doanh thu nhà nước chi tiêu ở cấp địa phương tăng từ 46 % đến 82 %. Trong khi đó, phần đóng góp của tổng sản lượng công nghiệp do khu vực nhà nước làm ra giảm từ 78 % vào năm 1978 xuống 11 % trong năm 2009. Tất nhiên, nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ trên các lĩnh vực chiến lược như các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, năng lượng, tài chính và cơ sở hạ tầng công cộng quy mô lớn, và người dân Trung Quốc bình thường vẫn không được hưởng bất cứ điều gì gần với tự do kinh tế không giới hạn. Sự thay đổi cũng đã làm lợi cho các quan chức địa phương tham nhũng, các nhà lãnh đạo quân sự, các nhóm tội phạm, và các doanh nhân lừa đảo, tất cả họ đều có thể hành động ngược lại lợi ích của công dân. Nhưng khi người dân giành được quyền kiểm soát các nguồn lực kinh tế, họ có nhiều lựa chọn hơn về việc sống chỗ nào, mua sắm của cải gì, giáo dục con cái ra sao, và sẽ theo đuổi những cơ hội nào. Đây chưa phải là dạng tự do không bị trói buộc, nhưng chắc chắn đó là một sự khởi đầu.

Về nguồn nhân lực, trong năm học 1977-1978, năm đầu tiên sau Cách mạng Văn hóa, khoảng 400 000 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học Trung Quốc, đến năm 2010, con số đó đã tăng lên 6,6 triệu. Hơn nữa, hiện nay nhiều sinh viên Trung Quốc đi học ở nước ngoài - trong năm học 2012-13, chỉ riêng ở Hoa Kỳ có hơn 230 000 theo học - và nhiều người đang trở về sau khi tốt nghiệp. Kết quả là Trung Quốc hiện nắm giữ một nguồn lớn của các cá nhân tài năng, những người có thể làm mạnh các tổ chức và các doanh nghiệp bên ngoài sự kiểm soát của nhà nước. Mỗi ngày, các thực thể này lớn lên về số lượng và sức mạnh, và trong một số trường hợp, họ đã bắt đầu thực hiện những nhiệm vụ mà theo truyền thống do của nhà nước giải quyết- hoặc hoàn toàn chưa được xử lý. Ví dụ, Học viện Công Vụ và môi trường, một tổ chức phi chính phủ thu thập và công bố dữ liệu về cách xử lý chất thải các nhà máy, đã cố tìm cách để gây áp lực với một số công ty gây ô nhiễm đi vào chỉnh đổi cách thức của họ.

Người dân Trung Quốc bình thường cũng được tiếp cận chưa từng có với thông tin. Hơn nửa tỉ người Trung Quốc bây giờ sử dụng Internet. Ngoài việc khống chế dòng thông tin với cái gọi là Tường lửa (Great Firewall), chính phủ bây giờ phải đấu tranh với thông tin bằng thông tin. Chẳng hạn, trong việc đáp ứng với tin đồn trên mạng về viên chức ĐCSTQ bị rơi rụng Bạc Hi Lai, chính phủ chỉ công bố một phần hạn chế việc tranh tụng ở tòa án cho phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc. Chính quyền trung ương đã thực hiện những nỗ lực to lớn cho cả khai thác các lợi ích của Internet lẫn tự cách li khỏi các hiệu ứng gây mất ổn định nhất của nó.

Đồng thời, ngày càng có nhiều công dân Trung Quốc đổ xô đến thành phố. Đô thị hóa có xu hướng liên kết với trình độ giáo dục và mức thu nhập cao hơn và ước vọng nâng cao của người dân. Như một nhà kinh tế cấp cao Trung Quốc cho tôi biết trong năm 2010, "Ở thành phố, người ta hít thở không khí trong lành của tự do."

Sự kết hợp dân cư đô thị đông ken hơn với các khát vọng nâng lên nhanh chóng, với việc phổ cập kiến thức cùng với việc thoải mái hơn trong việc điều phối hoạt động xã hội có nghĩa là các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thấy ngày càng thách đố hơn trong việc cai trị. Họ đã như vậy. Ví dụ, tháng 12 năm 2011, tờ The Guardian cho biết Trịnh Yến Hùng (Zheng Yanxiong), một bí thư cấp địa phương ở tỉnh Quảng Đông đã phải đương đầu với những nông dân tức giận do bị thu giữ đất đai, phát biểu trong sự bực tức, "Chỉ có một nhóm người thực sự nếm trãi khó nhọc chồng chất năm này sang năm khác. Họ là ai? Các cán bộ, chính họ. Kể luôn tôi."

CÔNG DÂN HAY THẦN DÂN?

Cuộc cách mạng cải cách của Trung Quốc đã đạt đến một điểm mà Đặng Tiểu Bình và đồng bào của ông không bao giờ có thể dự đoán được. Các nhà lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc đang chật vật để cai trị tập thể, để riêng ra việc cai quản một bộ máy quan liêu ngày càng phức tạp và xã hội lan tỏa. Công việc của họ bị làm mọi thứ khó khăn hơn do thiếu vắng các định chế quy định rõ các lợi ích khác nhau, phân xử một cách vô tư những xung đột giữa các lợi ích này, và đảm bảo việc thực hiện có trách nhiệm và công chính các chính sách. Nói cách khác, mặc dù Trung Quốc có thể có một nền kinh tế đầy sức sống và một quân đội hùng mạnh, hệ thống quản trị đã trở nên dễ vở.

Những sức ép này có thể dẫn Trung Quốc xuống một trong nhiều ngã đường có thể có. Một lựa chọn là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ cố gắng dựng lại một hệ thống tập trung và toàn trị hơn, nhưng điều này cuối cùng sẽ không đáp ứng được các nhu cầu của xã hội đang biến đổi nhanh chóng của đất nước này. Khả năng thứ hai là khi đối mặt với rối loạn và phân rã, một nhà lãnh đạo có uy tín, chuộng đổi mới hơn sẽ xuất hiện và thiết lập một trật tự mới - có thể dân chủ hơn nhưng cũng có khả năng độc tài hơn. Một kịch bản thứ ba nguy hiểm hơn nhiều: Trung Quốc tiếp tục đa nguyên hoá nhưng không xây dựng các định chế và các chuẩn mực cần thiết cho việc cai quản có trách nhiệm và công chính trong nước và ứng xử có tính xây dựng ở nước ngoài. Con đường đó có thể dẫn đến sự hỗn loạn.

Nhưng cũng có một kịch bản thứ tư, trong đó các nhà lãnh đạo của Trung Quốc thúc đẩy đất nước tiến lên, thiết lập nền pháp trị và cơ cấu quản lý phản ánh tốt hơn lợi ích đa dạng của đất nước. Bắc Kinh cũng sẽ phải mở rộng nguồn về tính chính đáng vượt ra khỏi việc viện tới mức độ tăng trưởng, cuộc sống vật chất, và vị thế toàn cầu nâng cao, bằng cách xây dựng các định chế dựa trên sự ủng hộ thật sự của người dân. Điều này sẽ không nhất thiết có nghĩa là chuyển tới một nền dân chủ đầy đủ, nhưng sẽ có nghĩa là dung nạp các đặc điểm của dân chủ: sự tham gia chính trị cấp địa phương, minh bạch hành chính, các cơ quan tư pháp và chống tham nhũng độc lập hơn, một xã hội dân sự năng động, kiểm soát hiến định đối với quyền hành pháp, và các định chế lập pháp và dân sự chuyển tãi các lợi ích đa dạng của đất nước. Chỉ sau khi thực hiện tất cả các bước này thì chính phủ Trung Quốcmới có thể bắt đầu thử nghiệm với việc cho người dân có tiếng nói trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo tối cao của mình.

Các câu hỏi chính hiện nay là liệu Tập Cận Bình có nghiêng về một tiến trình như vậy hay không, ngay cả trên lý thuyết, và liệu ông có theo đuổi nhiệm vụ nhìn thấy nó thông qua hay không. Các chỉ số bước đầu cho thấy rằng những người ủng hộ cải cách kinh tế đã thu đạt được sức mạnh dưới quyền cai trị của ông, và các chính sách quan trọng được Hội nghị lần thứ ba thông qua sẽ gia tăng sức ép đối với cải cách chính trị. Nhưng thời đại của Tập Cận Bình mới chỉ bắt đầu, và vẫn còn quá sớm để nói liệu thời gian của ông trong quân đội và kinh nghiệm công tác ở các khu vực hiện đại hóa, có tính quốc tế, và phụ thuộc nhau toàn cầu nhất - Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải - đã phú cho nhà lãnh đạo này thẩm quyền và tầm nhìn cần thiết để thúc đẩy đất nước theo hướng của lịch sử hay không. Tập Cận Bình và sáu uỷ viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết định quyền lực nhất của Trung Quốc, xuất thân từ một phạm vi học vấn rộng hơn các uỷviên của Uỷ ban Thường vụ trước đó. Sự đa dạng này có thể báo trước một thời kỳ sáng tạo, nhưng nó cũng có thể gây ra bại liệt.

Ngoài ra còn có các mối nguy hiểm mà những người leo lên tột đỉnh của một hệ thống chính trị không thể nhìn thấy gì ngoài nó. Nhưng lịch sử cho ra hy vọng: ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã nhìn vượt khỏi Mao và hệ thống mà ông đã rập khuôn, và ở Đài Loan, trong những năm 1980 Tưởng Kinh Quốcđã  mở đầu các cải tổ tự do hóa mà cha ông, Tưởng Giới Thạch, đã ngăn chặn.

Các nguy hiểm của việc đứng yên tại chỗ vượt quá những nguy hiểm của việc tiến tới, và Trung Quốc chỉ có thể hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của mình nhận ra sự thật này và xông về phía trước, ngay cả khi chưa biết chính xác họ đang hướng tới đâu. Nếu Tập Cận Bình và bộ sậu không làm như vậy, hậu quả sẽ nghiêm trọng: chính phủ sẽ thấy tăng trưởng kinh tế bị bỏ qua, tiềm năng con người bị lãng phí, và thậm chí có thể sự ổn định xã hội bị suy yếu. Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc cố xoay xở để vạch ra một đường dẫn đến một hệ thống nhân đạo, có tính tham gia, và cai quản dựa trên luật lệ hơn - trong khi duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự ổn định – thì họ sẽ hồi sinh quốc gia này, mục tiêu của những người yêu nước và những nhà cải cách trong hơn một thế kỷ rưỡi qua.

Bài viết này được chuyển thể từ cuốn sách của ông: Theo bước nhà Lãnh đạo: cai trị Trung Quốc, Từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình (Following the Leader: Ruling China, From Deng Xiaoping to Xi Jinping), do Đại học California Press xuất bản. © 2014 bởi the Regents Đại học California.

No comments: