Friday, December 6, 2013

Tâm thư từ bỏ đảng và đơn xin ra đảng của TS Phạm Chí Dũng

Tâm thư từ bỏ đảng của Nhà báo Phạm Chí Dũng

Đôi lời: Vậy là lại thêm một đảng viên nữa bỏ đảng! Thế nhưng, đảng sẽ lại đau đầu không kém khi trường hợp này lại khác với ông Lê Hiếu Đằng.
Nếu như với ông Lê Hiếu Đằng, chỉ có lời tuyên bố bỏ đảng, đảng có thể dở võ cùn, là im lặng. Thì với lá Đơn xin ra khỏi đảng gửi thẳng cho chi bộ của ông Phạm Chí Dũng, sẽ như một khúc xương rất khó gặm, mắc ngang họng đảng.
Ngày xưa đảng lôi kéo nhân dân vào cuộc chiến ý thức hệ, vẫn hay có câu “Bám thắt lưng địch mà đánh!” Nay Phạm Chí Dũng đã học các bậc tiền bối của đảng, Túm gáy đảng mà tấn!”
Cũng từ đây, các đảng viên muốn noi gương, tiếp bước những Nguyễn Chí Đức, Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng, … sẽ có thêm kinh nghiệm để suy tính cho quyết định của mình. Quyết định công khai bỏ đảng đã là khó, nhưng suy nghĩ làm sao cho hiệu ứng của hành động đó là lớn nhất, kể cả kéo dài nhất, trong khả năng có thể làm của mình, là điều rất quan trọng và khó không kém, vì có thể đó sẽ là cuộc đối đầu thứ hai với đảng, sau tuyên bố bỏ đảng.
Hãy thử hình dung đảng như một con thú hoang bị trúng tên. Nếu mũi tên đó rớt xuống, thì vết thương cũng mau lành. Nhưng nếu nó vẫn dính đó, lại còn bị nhay đi nhay lại, ngoáy sâu thêm, thì sẽ đau hơn, vết thương dễ mưng mủ hơn, máu ra nhiều hơn …
Nên nếu như sáng nay Ban bí thư có phải chụm đầu lại bàn bạc về vụ ông Lê Hiếu Đằng, thì xin nhắc nhở các cán bộ an ninh, tuyên giáo vẫn theo dõi hàng ngày trang diễn đàn này, hãy cấp báo để các quý vị đó có thêm nội dung mà bàn, ra quyết định cho sát thực tế.
Có thể sẽ phải chuẩn bị một thông báo về cách đối phó với những trường hợp như ông Phạm Chí Dũng. Nếu không, sẽ có những cuộc rượt đuổi ngoạn mục, mà kẻ trốn chạy chính là … đảng. Sẽ có liên tiếp những lá đơn đòi hỏi trả lời, những đơn thắc mắc về nội dung, thủ tục sai với điều lệ, với nghị quyết, đơn kiện vì chuyện … đảng không trả lời, không hướng dẫn cụ thể đơn xin ra khỏi đảng là làm nhục đảng viên, làm xấu thêm bộ mặt của đảng v.v.. và v.v.. Báo chí phương Tây, “các thế lực thù địch” trên mạng xã hội tha hồ có chuyện mà bàn bạc và cười vào mặt đảng, là hèn, là dối trá … 
Để thêm một gợi ý cho đảng và cho các đảng viên sắp bỏ đảng, xin dẫn ra đây bài viết độc đáo của cựu thẩm phán Đinh Văn Quế, trên tờ Pháp luật TPHCM: Tự ra khỏi Đảng” lặng lẽ.
Giờ thì hãy thử … tưởng tượng. Sẽ phải có những buổi lễ “Bỏ đảng”, được tổ chức trang nghiêm. Các cựu đảng viên đọc lý do mình bỏ đảng, các đảng viên khác đang phân vân cũng góp phần, rồi bí thư chi bộ đọc quyết định … “bỏ đảng”.
Còn một khi đảng không tổ chức được những buổi lễ đó, thì đảng sẽ còn … mệt với những khiếu kiện của các “đảng viên bất đắc dĩ”, muốn bỏ đảng mà đảng không cho.
(Bình luận này là chút “cảm hứng” sau khi đọc phản hồi của độc giả Trương Quốc Việt).
BT
05-12-2013
Nhà báo Phạm Chí Dũng, cây bút bình luận sắc bén đồng thời là tiến sĩ kinh tế, hôm nay 205/11/2013 vừa viết lá tâm thư chính thức từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Thụy My xin giới thiệu với bạn đọc ở đây :

TÂM THƯ TỪ BỎ ĐẢNG

 
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 12 năm 2013
.
Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình:
 
Tôi chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã chưa từng tham nhũng hoặc bị sa đọa lối sống.
 
Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.
 
Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.
 
Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.
 
Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.
 
Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.
 
Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.
 
Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng của một đảng viên, những người như tôi đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.
 
Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.
 
Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?
 
Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ. Bởi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và tư tưởng tư hữu bất chấp dân sinh, rất nhiều đảng viên cao cấp đã đẩy xã hội vào tâm thế phản lại ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Đã đến lúc những người như tôi cần nhận chân rằng vai trò của Đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn. Cũng không thể gìn giữ lòng trung thành tuyệt đối với một lý tưởng chỉ còn là câu chữ cửa miệng.
 
Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.
 
Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.
 
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

-----------------------------------------------------------------------------------

ĐƠN XIN RA ĐẢNG

Kính gửi:     Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
Tôi là Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Tôi làm đơn này đề nghị Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hướng dẫn thủ tục và giải quyết cho tôi được ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lý do: Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản.
Trân trọng.
Ngày 5 tháng 12 năm 2013
Người làm đơn
Phạm Chí Dũng

No comments: