Tuesday, April 21, 2015

Tính phức tạp và mối nguy của việc TQ xây đảo nhân tạo ở Trường Sa

Tính phức tạp và mối nguy của việc TQ xây đảo nhân tạo ở Trường Sa

(Bài đã đăng trên http://www.boxitvn.net/bai/33909 ngày 20/4/2015)

Theo các thông tin có được hiện nay thì trong các thể địa lí mà TQ kiểm soát ở Trường Sa nhiều lắm là 4 có thể tạm coi là đảo đá [1], còn lại chỉ là các bãi triều thấp (low-tide elevation: bãi chỉ nhô lên mặt nước khi triều thấp).

Lưu ý rằng theo luật quốc tế thì không nước nào có thể đòi hỏi chủ quyền các thể địa lí ngầm, kể cả các bãi triều thấp nằm ngoài lãnh hải của mình. Nếu toàn bộ hoặc một phần bãi triều thấp cách một đảo/đảo đá không quá 12 hải lí thì theo UNCLOS, có thể dùng ngấn nước lúc đó của thể địa lí này trong việc vạch đường cơ sở cho đảo, từ đó tính lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa... Và theo UNCLOS thì đảo đá (rock – không duy trì được sự cư trú của con người hoặc nền kinh tế riêng) chỉ được hưởng lãnh hải tối đa 12 hải lí, còn các đảo nhân tạo thì chỉ được cho phép có vùng an toàn tối đa 500 m. Cả hai loại này không được hưởng EEZ và thềm lục địa.

Như vậy, nếu tuân theo luật quốc tế hiện nay và ngay cả khi TQ có chủ quyền đối với các thể địa lí đang chiếm đóng thì việc xây đảo nhân tạo lên trên đó cũng không giúp họ hưởng thêm gì nhiều về quyền lợi trên biển, dù dĩ nhiên việc làm này làm thay đổi hiện trạng nên có thể gây khó khăn cho bên tranh chấp khác khi tranh luận về trạng thái ban đầu (bãi triều thấp, đảo đá, đảo...) của các thể địa lí liên quan..

Cũng để ý rằng tất cả các thể địa lí mà TQ chiếm đóng / kiểm soát ở TS đều nằm ‘bên trong’ đường lưỡi bò (ĐLB) (xem thêm hình 1). Nếu theo cách lí giải của một số học giả TQ rằng ĐLB là ‘biên giới truyền thống’ (tức mọi thứ bên trong đều thuộc TQ) thì việc xây các đảo nhân tạo cũng không giúp thêm gì về mặt chủ quyền. Theo nhiều chuyên gia luật quốc tế thì cách lí giải này hoàn toàn không có cơ sở pháp lí theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Riêng cách lí giải rằng ĐLB nhằm xác định các đảo bên trong nó thuộc về TQ thì có thể có chỗ phù hợp với luật quốc tế. Nếu theo cách lí giải này thì cái mà họ đòi hỏi ở Biển Đông thu lại chỉ còn là các thể địa lí và nhiều lắm là vùng biển 12 hải lí quanh chúng. Trên thực tế, cho đến trước năm 1988 TQ chưa hể có mặt thường trực ở Trường Sa và cho tới nay họ cũng chỉ kiểm soát được nhiều lắm là 10 thể địa lí (phần lớn là ngầm) chiếm của VN bằng vũ lực. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, theo luật quốc tế chiếm đóng là một cơ sở quan trọng để yêu sách chủ quyền. Do đó, việc tạo ra các đảo nhân tạo trước mắt có thể cho phép họ duy trì sự có mặt thường xuyên liên tục và thực hiện các hành động chủ quyền khác, củng cố yêu sách chủ quyền của họ ít ra tại các vị trí mà họ chiếm đóng nếu chưa thể trong toàn bộ các thể địa lí bên trong ĐLB.

Hình 1: Nước chiếm đóng theo màu icon: VN (hường), TQ (đỏ), PLP (xanh), Malaysia (xanh nhạt), ĐL (màu gạch)

Hình 1: Nước chiếm đóng theo màu icon: VN (hường), TQ (đỏ), PLP (xanh), Malaysia (xanh nhạt), ĐL (màu gạch)
(Trong 10 vị trí màu đỏ trên bản đồ này, theo thông tin có được thì TQ đã tiến hành bồi đắp ở 8 nơi là Đá Chữ Thập, Đá Gạc Ma, Đá Ga Ven, Đá Châu Viên, Đá Tư Nghĩa, Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và Đá Én Đất  (riêng Én Đất thông tin hiện đang có mâu thuẫn), còn Đá Lạc và Đá Ken Nan thì cũng trong tình trạng cũng chưa rõ ràng nhưng có vẻ TQ kiểm soát 'nhiều' hơn)

Ngoài ra, các đảo nhân tạo khi hoàn thành có thể dùng làm căn cứ không hải quân (tàu sân bay không chìm) mà các bên tranh chấp khác không thể xem thường. Các đảo này có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lực lượng hải cảnh, hải quân TQ thực hiện kiểm soát vùng biển bên trong ĐLB như khống chế việc đánh bắt cá, việc khai thác tài nguyên khoáng sản và việc đi lại trên biển và trên không toàn Biển Đông… dù về mặt pháp lí họ không có thẩm quyền đó. Hơn nữa, với thế mạnh mới này họ cũng dễ dàng thực hiện việc chiến thuật ‘tằm ăn dâu’ lấn dần các thể địa lí chưa chiếm đóng khác đồng thời chèn ép, cô lập những vị trí hiện có của các bên còn lại…

Về lâu dài TQ, khi đạt được vị trí siêu cường, có thể họ sẽ tìm cách dùng ‘việc đã rồi’ làm tiền lệ trong tập tục quốc tế, thậm chí gây sức ép thay đổi UNCLOS theo cách này hay cách khác… để trở nên ‘danh chánh ngôn thuận’ hơn trong việc làm chủ Biển Đông. Nều điều này trở thành 'tiền lệ', có thể họ sẽ mở rộng ra không những ở Biển Đông mà có thể ở những vị trí trọng yếu khác ở Ấn Độ Dương, Vùng Vịnh.. tạo nên mối nguy cho nhiều nước khác. Rôi những nước khác cũng sẽ làm theo lệ này thì hậu quả sẽ khó lường.

Từ trước nay việc bồi đắp lấn biển từ các lãnh thổ không tranh chấp để tăng diện tích đã được nhiều nước đã tiến hành mà không gặp sự phản kháng nào trừ khi gây ra những ảnh hưởng xấu về môi trường hay xâm phạm chủ quyền nước khác. Ví dụ, VN đã lấn biển ở Kim Sơn, Tiền Hải thời Nguyễn Công Trứ; Hà Lan có 17% diện tích hiện tại là từ việc lấn biển và hồ; Nhật Bản đã lấn biển 25 000 ha riêng ở Vịnh Tokyo; Thượng Hải lấn 13 000 ha ở Nam Hối (Nanhui). Singapore có 22% diện tích (13 000 ha) là từ lấn biển và năm 2003 khi định thực hiện dự án lấn hai đầu eo biển Johor, họ bị Malaysia phản đối vì cho rằng việc này xâm phạm chủ quyền, làm tổn hại đến môi trường và đe dọa sinh kế của một số ngư dân.[2]

Riêng việc bồi đắp lấn biển từ các thể địa lí có tranh chấp, nhất là các thể địa lí ngầm giữa biển là điều hình như chưa có tiền lệ. Trừ khi bị thách thức bằng biện pháp quân sự (việc này vi phạm Hiến Chương LHQ), hiện không có điều luật quốc tế nào có thể buộc TQ ngưng tiến hành việc xây dựng đảo nhân tạo trên những thể địa lí mà họ đang chiếm đóng. Đặc biệt, nếu coi khu vực giữa đường giới hạn EEZ của VN và đường giới hạn EEZ của Philippines/Malaysia là biển quốc tế (high seas) [3] thì việc xây các đảo nhân tạo như ở bãi ngầm Subi [4] chẳng hạn, cũng có khả năng không vi phạm UNCLOS. Ngay cả trường hợp Philippines thắng kiện và trọng tài khẳng định ĐLB không có cơ sở để đòi hỏi chủ quyền hay quyền chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển bên trong nó thì các thể địa lí bên trong nó vẫn còn trong tình trạng tranh chấp chủ quyền. Trong trường hợp này, TQ có thể [và thực tế họ đã] ngang bướng cho rằng họ có toàn quyền làm việc này trên lãnh thổ của họ vì chẳng ảnh hưởng tới ai (bất kể chủ quyền của các thể địa lí còn đang tranh chấp (!))

Một số ý kiến, trong đó có VN viện dẫn rằng hoạt động bồi đắp đó [thực hiện trên các thể địa lí đang tranh chấp] 'làm phức tạp và gia tăng tranh chấp' theo điều 5 [5] của DOC (Tuyên bố ứng xử của các bên trong Biển Đông kí kết năm 2002) để yêu cầu TQ ngưng lại, nhưng DOC lại không có tính ràng buộc pháp lí và TQ cứ  việc ... làm ngơ.

Philippines, như một bên tranh chấp đã có những bước đi bài bản như triệu tập đại diện, gửi công hàm... phản đối TQ xây đảo nhân tạo ở Vành Khăn, Tư Nghĩa, Ken Nan, Gaven, Én Đất vốn nằm trong EEZ [6] của họ, ngay cả TQ có chủ quyền đối với các thể địa lí này thì họ cũng phải tham khảo bên có liên quan là Philippines vì việc làm của họ có ảnh hưởng đến môi trường biển trong EEZ của Philippines. Họ cũng mới ra tuyên bố phản đối phát biểu của BNG TQ cho rằng việc xây đảo nhân tạo không ảnh hưởng tới môi trường. [7]

Còn VN, hiện nay chỉ phản đối chiếu lệ, không bài bản dù TQ xây đảo nhân tạo tại những thể địa lí của VN mà họ chiếm đóng trái phép bằng vũ lực, chẳng hạn Gạc Ma hoàn toàn nằm trong phạm vi lãnh hải 12 hải lí của đảo Sinh Tồn, Châu Viên trong phạm vi 12 hải lí của Sinh Tồn Đông, còn Ga Ven trong phạm vi 12 hải lí của Nam Yết (xem hình 2) [8]... Khi TQ hoàn thành việc xây đảo nhân tạo cùng với các cơ sở trên đó như dự kiến với diện tích và lực lượng gấp nhiều lần các vị trí trú đóng của VN ở Trường Sa thì trước nhất đó sẽ là một mối đe doạ sinh tử đối với các vị trí này. Có thể những phản đối bài bản cũng không làm TQ ngưng việc xây đảo nhân tạo nhưng việc làm này đối với luật quốc tế là bằng chứng cho thấy VN không từ bỏ chủ quyền đối với các thể địa lí đó, đặc biệt là các thể địa lí bị TQ chiếm lấy bằng vũ lực. Riêng với các thể địa lí này ((Gạc Ma, Gaven,...) và các đảo ở cụm  Trăng Khuyết ở Hoàng Sa (TQ cũng đang thực hiện bồi đắp) VN cần nhấn mạnh việc TQ chiếm lấy chúng bằng vũ lực (không được luật pháp quốc tế chấp nhận) trong phản bác các hoạt động bồi đắp của TQ ở đây, Qua đó nhắc nhở cho thế giới thấy TQ cướp chúng bằng vũ lực chứ không chỉ đơng giản lập đi lập lại câu thiệu không tác dụng 'VN có  đầy đủ căn cứ pháp lí cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa'.

Hình 2: Các đảo nhân tạo TQ xây dựng trên những bãi đá ngầm chiếm đóng trái phép của VN (các đường tròn là giới hạn lãnh hải 12 hải lí của các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông và Nam Yết) - đường màu vàn là giới hạn EEZ 200 hl của PLP

Hình 2: Các đảo nhân tạo TQ xây dựng trên những bãi đá ngầm chiếm đóng trái phép của VN (các đường tròn là giới hạn lãnh hải 12 hải lí của các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông và Nam Yết) - đường màu vàn là giới hạn EEZ 200 hl của PLP

Hiện nay một số thượng nghị sĩ Mĩ muốn Chính Phủ Mĩ có chiến lược chống lại các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng e rằng trong khuôn khổ pháp lí hiện nay Washing ton cũng khó làm được gì nhiều.[9] Có lẽ cần phải có nhiều nước thấy được mối nguy hiểm của việc để yên với hành động ngang ngược này như nêu ở trên, từ đó có một nỗ lực chung chống lại thì may ra TQ mới chùng tay ngưng lại.

 -----------------------------------------------
[1] Hồ sơ kiện của Philippines nộp Trọng Tài năm 2013 yêu cầu coi Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập cùng lắm là đảo đá, coi Vành Khăn, Ga Ven (cùng với Ken Nan) và Xu Bi thậm chí chỉ là bãi triều thấp (vì nằm dưới mặt nước khi triều cao).

[2] Xem "Cát nhiều đến thê" (https://anhbasam.wordpress.com/2015/02/28/3469-cat-nhieu-den-the/)

[3] Năm 2009 VN có nộp hồ sơ cho Uỷ Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa LHQ vể thềm lục đia mở rông 350 hải lí nhưng chỉ đối khu vực phía Bắc quần đảo TS, các bên còn lại không nộp hồ sơ. Do đó, theo tập tục quốc tế có thể xem ranh giới thềm lục địa và EEZ là một.

[4] Xu Bi có nhiều khả năng là một bãi triều thấp (không nước nào có thể đòi hỏi chủ quyền trừ khi các thể địa lí gần đó như đảo Thị Tứ, Ba Bình chẳng hạn được hưởng quy chế của một đảo theo UNCLOS - thật ra trong trường hợp này chỉ đòi đường quyền chủ quyền do Subi nằm trong EEZ của chúng). Cũng lưu ý rằng dù VN tuyên bố chủ quyền toàn bộ quần đảo TS nhưng VN không phải là nước quần đảo nên theo UNCLOS không thể vẽ đường cơ sở nối các vị trí ngoài cùng để cho rằng toàn bộ thể địa lí và vùng biển bên trong đường đó là của mình.

[5] Các bên thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định bao gồm, bên cạnh các việc khác (among others), kềm lại hành động đưa người sinh sống trên các đảo, đá ngầm, bãi cát ngầm, cồn, và các thể địa lí không có người ở hiện nay và xử lí những khác biệt của mình một cách xây dựng.

[6] Điều 60 [80] UNCLOS cho phép nước ven biển có đặc quyền đối việc xây dựng đảo nhân tạo trong EEZ [thểm lục địa] của mình.

[7] Xem http://www.gov.ph/2015/04/13/dfa-statement-on-chinas-reclamation-activities-and-the-impact-on-the-regions-marine-environment/

[8] Các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Nam Yết thuộc chủ quyền của VN và do VN kiểm soát.

[9] Bình luận về sự kiện này, người phát ngôn BNG TQ Hồng Lỗi đã nhắc lại nguyên văn tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị bên lề khóa họp Quốc hội TQ rằng Bắc Kinh có toàn quyền muốn làm gì thì làm trong "sân, nhà" của mình.

Saturday, April 18, 2015

Đường băng mới của Trung Quốc ở Biển Đông gần như hoàn thành

Đường băng mới của Trung Quốc ở Biển Đông gần như hoàn thành


Isaac Stone Fish, Keith Johnson
FP (16/4/2015)

(Bản dịch này đã đăng trên trang AnhBaSan ngày 19/4/2015)

Ảnh vệ tinh mới cho thấy rằng việc Trung Quốc (TQ) xây dựng đường băng trên các đảo tranh chấp tiến triển xa hơn so với suy nghĩ trước đây.

TQ gần hoàn tất việc xây dựng đường băng trên một chỏm đất nhỏ ở Biển Đông, nâng cao khả năng triển khai sức mạnh trong khu vực từ vùng biển tranh chấp và nâng cao hơn nữa phần được mất trong một cuộc thách thức ngày càng căng thẳng giữa Bắc Kinh, các nước láng giềng và Hoa Kì.

Ảnh vệ tinh mới cung cấp cho Foreign Policy cho thấy những tiến bộ trong việc xây dựng một dải mặt đường trên Đá Chữ Thập. Đá này nằm gần đầu phía nam của vùng biển tranh chấp trong Biển Đông, cách Philippines vài trăm dặm. Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, một quần đảo mà TQ, Philippines, Malaysia, Việt Nam, Đài Loan, và Brunei yêu sách toàn bộ hoặc một phần. Các ảnh, trong đó ảnh gần đây nhất vào ngày 11 tháng 4, cho thấy khoảng 3 000 feet (≈ 914 m) đường băng đã hoàn thành trong các sắc màu xanh lá cây, xanh dương và xám.

H1

Các ảnh này do Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI), một chi nhánh nghiên cứu thuộc nhóm chuyên gia cố vấn ở Washington của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cung cấp.

“Khả năng bất kì loại máy bay nào đều có thể đáp xuống được trên rạn đá này cải thiện đáng kể khả năng tuần tra khu vực và thực thi các yêu sách của TQ trên Biển Đông”, Giám đốc AMTI Mira Rapp-Hooper nói.

Trò xây dựng rạn đá của TQ, bao gồm nạo vét lớn để biến các rạn san hô thành đảo nhân tạo, đã được báo chí, bao gồm cả FP, tường thuật hồi tháng 2. Ngày 16 tháng 4, tờ New York Times và các báo khác đã đăng các ảnh về việc xây dựng của TQ trên Đá Chữ Thập chụp vào cuối tháng 3 cho thấy đường băng đồn đại lâu nay đang hình thành. Các ảnh vào tháng 4 do Foreign Policy thu được cho thấy thậm chí nhiều công trình hơn đã được thực hiện trên rạn đá này, kể cả việc mở rộng sân bay.

TQ đòi chủ quyền phần lớn Biển Đông vốn quan trọng về mặt chiến lược. Đó là một khu vực rộng 1,4 triệu dặm vuông thuộc Thái Bình Dương, phía Bắc tiếp giáp với TQ, còn phía Đông, phía Tây và phía Nam tiếp giáp một số nước Đông Nam Á. Các quan chức hàng đầu của Mĩ, kể cả Tổng thống Barack Obama và lãnh đạo cấp cao hải quân, gần đây đã lên tiếng báo động về thái độ hung hăng của TQ trong khu vực, đặc biệt là những nỗ lực bồi tạo các rạn đá đã trở nên nổi bật trong vòng sáu tháng qua. Hồi đầu tháng này, Obama chỉ trích việc TQ rõ ràng sử dụng “kích cỡ và cơ bắp để buộc các nước vào vị trí lệ thuộc”. Đô đốc. Harry Harris Jr., chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương của Mĩ, lên án “trường thành cát” của TQ trong một bài phát biểu hồi cuối tháng 3 tại Úc.

Trong tháng 11, các ảnh do hãng phân tích IHS Jane công bố cho thấy rằng Bắc Kinh đã bồi tạo nên một đảo lên Đá Chữ Thập đủ lớn để phục vụ một đường băng dài khoảng 10 000 feet (≈ 3048 m). Những ảnh mới mà AMTI mua từ công ty vệ tinh thương mại DigitalGlobe, cho thấy rằng việc xây dựng đường băng đã thực sự bắt đầu.

Ảnh ngày 14 tháng 2 cho thấy các dấu mốc cho một đường băng trên cát, nhưng chưa có mặt đường. Vào giữa tháng 3, mặt đường tráng đã dài ra 958 feet (≈ 292 m) và tổng chiều dài đường băng là 1 525 feet (≈ 465 m). Đến 11 tháng 4, có thể nhìn thấy đường băng, sân đỗ, và nhiều cấu trúc phục vụ khác. “Có khả năng là đường băng sẽ hoàn thành sớm”, Rapp-Hooper nói.

Đô Đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, nói trong buổi điều trần trước Quốc hội ngày 15 tháng 4 rằng các hoạt động lấn biển “hung hăng” của TQ, bao gồm cả khả năng có một sân bay mới, sẽ nâng cao khả năng quân sự của Bắc Kinh trong khu vực. Ông cũng cảnh báo về khả năng TQ sẽ tuyên bố một khu vực nhận diện phòng không trên Biển Đông. Hồi tháng 11 năm 2013, TQ tuyên bố thành lập một khu vực nhận diện phòng không trên Biển Hoa Đông, làm tăng căng thẳng giữa TQ, Nhật Bản, và Hoa Kì, một đồng minh thân cận của Nhật Bản. Như nhiều học giả TQ và các quan chức quân đội về hưu gợi ra, việc tuyên bố một vùng [nhận diện phòng không] bên trên Biển Đông có thể làm tăng căng thẳng với Hoa Kì hơn nữa. Và đường băng sẽ góp vào chuyện đó.

“Nó mở rộng khả năng hoạt động của họ trong Biển Đông, bao gồm cả giám sát khu vực và có khả năng từ chối truy cập đối với những nước khác”, một quan chức chính quyền Obama cao cấp gần đây đã nói với Foreign Policy.

Xây đường băng trên Đá Chữ Thập không là việc làm lần đầu của TQ trong khu vực này, họ đã có một sân bay ít được sử dụng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo nhỏ ở Biển Đông, hoàn thành vào năm 1990. Tuy nhiên, nó có thể có tiềm năng rất quan trọng trong việc củng cố chiến lược cơ bản của TQ, giữ Hải quân Mĩ càng cách xa bờ biển TQ càng tốt nhờ vào một hỗn hợp máy bay trên đất, tàu ngầm và đội pháo tên lửa diệt tàu.

Đóng quân trên Đảo Chữ Thập, và quan trọng là có thêm một đường băng đa dụng sẽ mở rộng tầm hoạt động quân sự tiềm năng của TQ: Đường băng dài 3048 m đủ sức đáp ứng gần như tất cả các máy bay trong quân đội TQ.

TQ không phải là nước đầu tiên xây đường băng trên quần đảo Trường Sa – trên thực tế, ngoại trừ nước Brunei nhỏ bé, TQ là nước cuối cùng trong các bên tranh chấp làm điều này. Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, và Philippines đều có đường băng trên quần đảo Trường Sa, dù khác nhau rất lớn về kích thước và độ phức tạp, tất cả đều có vẻ ít đáng kể hơn rất nhiều so với đường băng của TQ.

Có nhiều việc xây dựng khả năng đang diễn ra, Isaac Kardon, một học giả thuộc tại Viện Luật Mĩ-Á thuộc NYU Law, đang nghiên cứu về vấn đề Biển Đông nói. Vấn đề chỉ là TQ đang xây dựng nhiều khả năng hơn bất cứ nước nào khác. Sở ngoại vụ tỉnh Hải Nam, tỉnh quản lí Đá Chữ Thập không trả lời đề nghị bình luận, còn Hải Quân TQ không liên hệ được.

Philippines đã lớn tiếng kêu gọi sự hậu thuẫn nhiều hơn từ các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kì, trong việc đối đầu với điều mà họ thấy như là sự gây hấn của TQ ở Biển Đông. Tuần này Indonesia cho biết họ muốn có thêm các cuộc tập trận huấn luyện với Hải Quân Mĩ trong các khu vực của Biển Đông gần nơi TQ tuyên bố chủ quyền.

Báo chí TQ đã không hề né tránh việc đăng tải về dự án xây dựng trên Đá Chữ Thập, hoặc sự phát triển đảo. Cuối tháng 3, một bài báo trên các trang web tin tức iFeng của TQ tường thuật rằng lính trên Đá Chữ Thập -. mà TQ gọi Yongshu (Vĩnh Thử)- bây giờ có thể truy cập dịch vụ web 4G, do vậy lính đóng quân trên đảo có thể “chia sẻ những phong cảnh đẹp”. Báo Tài Chính Quốc Tế của của TQ ước tính rằng TQ đã chi khoảng $ 12 tỉ cho việc xây dựng các phần nhân tạo của Đá Chữ Thập, chưa kể các cấu trúc trên đảo.

Trong khi Bộ Ngoại giao TQ nói rằng các đảo này sẽ được sử dụng cho các mục đích quốc phòng không nêu rõ, họ đã tìm cách hạ thấp những tác động quân sự của các hoạt động đó. Đầu tháng 4, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ nói rằng việc bồi đắp thêm các rạn san hô nhằm làm cho việc tiến hành các hoạt động đáp ứng thiên tai, chẳng hạn như các chuyến bay tìm kiếm và cứu hộ và ứng phó với giông bão, dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích hoài nghi. Đó không phải là một công việc nhân đạo nhằm tạo thêm sự cơ động cho việc cứu trợ nhân đạo. Đó là một cách triển khai vành đai phòng thủ - chấm hết”, Said Bryan McGrath, Phó giám đốc. Trung tâm American Seapower thuộc Viện Hudson.

Ông nói rằng nó có thể giúp TQ triển khai máy bay, tên lửa đất-đối-đất, tên lửa đạn đạo chống tàu, và các hệ thống phòng thủ trên không “Trong khi làm như vậy, họ giữ cho kỵ binh - tức là Hải Quân Mĩ - thậm chí ở cách xa hơn là khi chỉ đơn giản triển khai vành đai phòng thủ đó từ đại lục”, McGrath nói.

Chắc chắn là một số nhà phân tích Mĩ thấy các hoạt động bồi đắp đất của TQ không đe dọa nhiều. M. Taylor Fravel, một chuyên gia về tranh chấp biển châu Á tại Viện Công Nghệ Massachusetts, nghi vấn liệu các sân bay cô lập không có lớp các cấu trúc phục vụ đầy đủ như các cơ sở tiếp tế nhiên liệu và bảo trì sẽ làm được gì nhiều để làm tăng tầm hoạt động quân sự của TQ. Ông nói chúng vẫn sẽ mong manh đối với bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ. Hơn nữa, chúng cũng mong manh trước thời tiết.

“Một cơn bão lớn có thể cuốn đi hết tất cả”, Rapp-Hooper đồng ý.

Cuộc đấu khẩu về 3 034 m bê tông trên Đá Chữ Thập nhấn mạnh mức độ mà các đường băng đang và từ lâu được dùng cho việc triển khai sức mạnh trong những khoảng cách rộng lớn của Thái Bình Dương. Trong Thế chiến II, việc Nhật Bản xây dựng một sân bay trên đảo Guadalcanal đã khiến Thủy Quân Lục Chiến Mĩ tung ra cuộc tập kích đầu tiên trên đất liền trong Chiến Tranh Thái Bình Dương. Tương tự như vậy, nhu cầu về các sân bay áp chế phần lớn chiến lược tiến nhảy cóc lên các đảo (island-hopping) qua trung tâm Thái Bình Dương của Đô Đốc Chester Nimitz  qua việc tóm lấy các bệ phóng ở chuỗi đảo Marshalls, Marianas và cuối cùng là Ryukyu để có thể giành ưu thế trên không ở khu vực lẫn việc ném bom tầm xa vào các đảo chính của Nhật. Ngay cả ở châu Âu, các sân bay ở các vị trí chiến lược ở cách xa nhau như Iceland, Azores, và Malta đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống tàu ngầm của Đức và tấn công các tuyến đường tiếp liệu của Phe Trục. Gần đây hơn, Diego Garcia ở giữa Ấn Độ Dương đã là một căn cứ quan trọng cho các cuộc không kích tầm xa của Mĩ ở Trung Đông.

Trớ trêu thay, mặc dù qua nhiều thập kỉ tiến bộ trong công nghệ quân sự, sân bay vẫn còn quan trọng như đã từng vì máy bay phản lực ngày nay có tầm hoạt động tương đối ngắn, Đảo Hải Nam của TQ và Quần Đảo Trường Sa cách nhau gần 600 dặm, không quân TQ sẽ phải hoạt động ở mức giới hạn cuối cùng trong bất kì cuộc đối đầu nào trong khu vực.

Nhưng xây dựng một đường băng trên Đá Chữ Thập về cơ bản cho Bắc Kinh một tàu sân bay không thể chìm nằm sẵn ở trung tâm Biển Đông. Theo cách đó, vành đai phòng thủ của TQ được đẩy xa bờ biển gần 600 dặm sẽ khiến cho các nhóm tấn công tàu sân bay Hải Quân Mĩ với các máy bay tầm ngắn khó can thiệp hơn nhiều mà không sợ mất đi một con tàu nhiều tỉ đô la.

nh: CSIS Asian Maritime Transparency Initiative / DigitalGlobe

Saturday, April 11, 2015

Lật tẩy Chiến lược thống trị Biển Đông của Trung Quốc

Lật tẩy Chiến lược thống trị Biển Đông của Trung Quốc


Revealed: China's Strategy to Dominate the South China Sea

Wilson VornDick
The National Interest (10/04/2015)

(bản dịch này đã đăng trên anhbasam hôm nay 12/4/2015)



Với các tiết lộ về việc bồi đắp có hệ thống và nhanh chóng của Trung Quốc hay việc ‘xây dựng đảo’ trên nhiều thể địa lí khắp Biển Đông, tranh chấp âm ỉ lâu nay ở Biển Đông dường như gần tới chỗ sôi sục lên. Terriclaims, viết tắt của việc bồi tạo lãnh thổ (territorial reclamation) là một thuật ngữ dùng để mô tả các hoạt động bồi đắp của một quốc gia khi tìm cách duy trì hoặc mở rộng lãnh thổ như là một phần của một tham vọng địa chính trị rộng lớn hơn. Nhiều nước đã bồi tạo đất đai trong nhiều thiên kỉ, nhưng không có một nước nào tìm cách để làm việc đó cách quá xa biên giới nước mình như Trung Quốc. Hơn nữa, kiểu cách ám muội mà Trung Quốc tiến hành các hoạt động này trong Biển Đông là nguyên nhân cho quan ngại.

Để hiểu lí do tại sao terriclaims của Trung Quốc là không bình thường thì việc xem xét một số dự án xây dựng của các nước khác là điều có ích. Trung Quốc không đang xây một đảo Palm hoặc nhiều đảo World như thành phố Dubai của nước United Arab Emirates (Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất). Dự án bồi tạo đất nhiều tỉ USD của Dubai bắt đầu vào năm 2001 dự kiến nhiều quần đảo chạy từ bờ biển United Arab Emirates tới Vịnh Iran (Ba Tư). Palm Jumeirah, quần đảo gần đây nhất hoàn thành vào năm 2006 và được cấu tạo theo dạng một cây cọ (palm), bao gồm các ngôi nhà sang trọng, các khu nghỉ dưỡng khác nhau, và một đường monorail trãi dài nhiều dặm trên đất mới bồi tạo.

Trái lại, có vẻ rằng các dự án xây dựng của Trung Quốc là một phần của việc tóm thu lãnh thổ rộng lớn hoặc để làm cho yêu sách đường 9 vạch bị tranh cãi của Trung Quốc thành thực tế. Những terriclaims này dường như là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc theo chiến thuật xâm lấn chậm rãi và có phương pháp để khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông, một chính sách bị gọi mỉa mai là ‘cắt lát salami’ (tằm ăn dâu). Trong khi các hoạt động của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa có thể chỉ thu hút sự chú ý của quốc tế mới gần đây, việc họ sử dụng chiến thuật này không phải là điều mới.

Bồi tạo đất đai trong lịch sử Trung Quốc

Terriclaims là một nỗ lực mới của Trung Quốc để thiết lập lại ranh giới biển trong Biển Đông, nhưng sự xuất hiện của chúng không làm các nhà quan sát hoàn toàn bất ngờ. Đó là vì terriclaims là hiện thân mới nhất của một lịch sử bồi tạo đất lâu dài ở Trung Quốc vốn lâu nay được chính quyền các cấp của Trung Quốc cấp nguồn lực và hậu thuẫn. Trung Quốc có một di sản về bồi tạo đất đai từ thế kỉ thứ 5 trước Công nguyên, khi họ sử dụng kỹ thuật nạo vét và bồi đắp để tạo ra Kênh Đại Vận Hà (Dà Yùn Hé/大运河). Thành phố cổ Tô Châu có dạng giống như Venice được xây dựng trên đất do bồi đắp. Trong thời kì hiện đại, Trung Quốc đã bồi tạo nhiều phần to lớn của Macao, Thượng Hải, và thậm chí sử dụng cách bồi đắp đất trong việc mở rộng Sân Bay Quốc Tế Hong Kong mới gần đây. Ngoài ra, các hoạt động bồi tạo đất đã được lồng vào việc quản trị quốc gia của Bắc Kinh và trách nhiệm về các hoạt động bồi tạo đất đã lan đến tất cả các cấp chính quyền. Thật vậy, bộ máy chính quyền của Trung Quốc có bốn tổ chức lớn trông coi một hoặc nhiều khía cạnh của vấn đề bồi tạo đất đai: Bộ Tài Nguyên Đất Đai, Bộ Tài Nguyên Nước, Bộ Bảo Vệ Môi Trường và Cục Hải Dương Quốc Gia (SOA).

Nhiệm vụ chính trị và trọng tâm về biển của Cục Hải Dương Quốc Gia (guó jiā hǎi yáng jú 国家 海洋局: Quốc Gia Hải Dương Cục), dưới quyền Cục trưởng Liu Cigui (刘赐贵: Lưu Tứ Quý), làm cho nó thành độc đáo trong bốn cơ quan đó. SOA giữ vai trò lãnh đạo trong việc tổ chức lại hầu hết các tổ chức dân sự và bán quân sự trên biển của Trung Quốc trong năm 2013. Điều này trùng hợp với việc lập ra một nhóm tư vấn cấp cao mới về các vấn đề an ninh biển của Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị vào năm 2012 mà trưởng nhóm đầu tiên là Tập Cận Bình. Bằng chứng này cho thấy SOA đang lãnh đạo công việc terriclaim theo chỉ đạo từ các cấp cao nhất ở Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng không phải là nước đầu tiên sử dụng việc bồi đắp lấn biển ở Biển Đông. Năm 1999, Malaysia đã xây dựng trên Bãi Thám Hiểm (Investigator) - nằm giữa Philippines và Malaysia, một tòa nhà bê tông hai tầng cùng với một bãi đáp trực thăng, trạm radar, và bến tàu. Đài Loan thực hiện các dự án lấn biển lớn trên đảo Pratas trong năm 2007. Trung Quốc đã biến Đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thành đảo đất (terraformed) chứa một đường băng dài 2400 m, ba cảng, và các cơ sở của Hải Quân và Không Quân. Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ không những đang bảo vệ yêu sách của mình mà còn mở rộng thêm chúng với những dự án terriclaim lớn mới có ý hướng độc đáo về mặt quân sự. Sự tiến triển của các điểm terriclaims cho việc xây đường băng, cơ sở vật chất kiên cố, kho chứa, khu vực tập kết, và các kênh sâu cho tàu thuyền. Cơ sở hạ tầng về thông tin liên tạc dân sự nâng cao, trạm nghiên cứu khoa học, hoặc các cơ sở phụ vụ đánh cá không đòi hỏi một diện tích lớn như vậy và cũng không đòi hỏi phải làm hối hả và thậm thụt như vậy. Các nhà quan sát Trung Quốc, chẳng hạn như Yoji Koda của Nhật, cho rằng chỉ riêng việc bồi đắp (terriclaim) tiềm năng ở Bãi Scarborough cũng có khả năng tạo ra một đảo gồm nhiều dặm vuông đất mới.

Ảnh hưởng toàn cầu

Terriclaims của Trung Quốc có thể có tác dụng đáng kể thứ hai và thứ ba. Terriclaims, nếu được các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, ASEAN, hoặc của cộng đồng quốc tế rộng hơn thừa nhận, có thể dẫn đến việc mất đi lãnh thổ to lớn trên biển nếu một terriclaim được hợp pháp hóa. Điều này cũng có thể dẫn đến xung đột. Biển Đông đã chứng kiến xung đột về lãnh thổ trong quá khứ, nhưng khả năng và ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Đồng thời, chiến thuật này không nhất thiết chỉ giới hạn trong Biển Đông, nó có thể được sử dụng ở các vùng ven biển thuận lợi khác. Hiện có hơn 150 quốc gia ven biển yêu sách hơn 36 % diện tích biển của thế giới. Các nước đất thấp ven các Biển Caribbean, Baltic, Địa Trung Hải, Vịnh Iran, Châu Đại Dương và Bắc Cực đều dễ bị terriclaim. Độ sâu lúc triều thấp nhỏ và sự gần gủi với các nước ven biển khác tại các vùng ven biển giàu tài nguyên kề cận nhau này làm terriclaim có thể thực hiện được, có lẽ, cũng mời gọi. Ngoài ra, Công Ước Liên Hiêp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có quy định nào nói đến terriclaims. Các quy định trong UNCLOS có thể diễn giải để thách thức hay bảo vệ terriclaims  tốt nhất chỉ là mơ hồ.[1]

Bất kể sự im lặng tương đối của UNCLOS về vấn đề này, terriclaims cần phải được nêu ra giải quyết. Nếu terriclaims của Trung Quốc được hợp pháp hóa do việc cộng đồng quốc tế không có hành động, điều này sẽ không những là phần thưởng cho hành vi của Bắc Kinh mà còn cung cấp cho Trung Quốc quyền vô điều kiện để tiếp tục terriclaim ở các khu vực khác. Quan trọng hơn, thừa nhận terriclaims sẽ khuyến khích các nước khác làm theo sự đi đầu của Trung Quốc. Nếu không tìm ra giải pháp, terriclaims sẽ tàn phá môi trường biển và các khuôn khổ của nó. Ít nhất, ý hướng vì mục đích quân sự trong terriclaims của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây khó chịu các bên tranh chấp khác.


Terriclaims trong tương lai

Nếu như sự mơ hồ pháp lí không được loại bỏ hoặc terriclaims của Trung Quốc không bị thách thức trực tiếp thì có thể kéo theo cuộc đua terriclaims giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác. Có hai câu trả lời mà cộng đồng quốc tế cần xem xét. Thứ nhất, các quốc gia kí kết có thể duyệt lại UNCLOS để bao gồm terriclaims vào hoặc kèm thêm một hiệp định phụ tương tự như Hiệp Định về Cá và Nguồn Cá năm 1995. Tuy nhiên, một bản sửa đổi sâu rộng hoặc phụ lục của UNCLOS là khó xảy ra. Để cho một sửa đổi xảy ra, chắc chắn đòi hỏi phải có sự ủng hộ của Bắc Kinh như là một thành viên của Hội Đồng Bảo An và nước đứng đầu khu vực. Thứ hai, các quốc gia quan tâm có thể dập tắt terriclaims qua trọng tài hoặc Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển (ITLOS) hoặc Tòa Công Lí Quốc Tế hoặc thông qua một khuôn khổ rộng lớn hơn hay hiệp định. Ngược lại, kiện tụng và trọng tài cũng có thể không nhất thiết là một giải pháp khả thi khi xét tới tình trạng chậm chạp và kéo dài của cuộc chiến pháp lí hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc. Tùy thuộc vào cách việc tố tụng diễn tiến, có thể có nhiều khả năng rằng các bên sẽ rơi ngược vào một hình thức thỏa thuận song phương hoặc đa phương nào đó, tương tự nhưng mạnh hơn Tuyên Bố về Ứng Xử năm 2002 vốn tìm kiếm sự gần gũi về terriclaims giữa ASEAN hoặc các bên tranh chấp là thành viên ASEAN và Trung Quốc. [2]

Terriclaims của Trung Quốc biểu lộ quyết tâm to lớn mà Trung Quốc sẵn sàng theo đuổi để thống trị Biển Đông. Và mặc dù nó có vẻ dường như mới lạ, sự kiện rằng chiến thuật này có một vai trò lâu dài như vậy trong lịch sử Trung Quốc có nghĩa là chúng ta không nên trông đợi thấy nó sớm biến mất khỏi bộ công cụ của Bắc Kinh trong thời gian tới.

============
[1] Xem các Điều 7 (2) (về lắng tụ và các tam giác châu), 76 (ranh giới cố định thay cho các yêu sách thềm lục địa), 60 (đảo nhân tạo, các kiến trúc, và các cấu trúc), và 121 (sự khác biệt giữa đảo và [đảo] đá).


Wilson VornDick là thiếu tá Hải quân Mĩ và được phân về Lầu Năm Góc và trước đó ông làm việc tại Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc thuộc trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kĩ. Ông đã khảo sát sự tương tác địa chính trị của cả terriclaims lẫn các chủ đề khác ở Biển Đông trong luận văn tốt nghiệp trường Harvard, sẽ được công bố tháng 5 này. Đây là quan điểm cá nhân của ông, không liên quan đến chính sách của Chính phủ Hoa Kì hay của Hải quân Mĩ.

Bài viết này đầu tiên xuất hiện trên trang web của the CSIS Asia Maritime Transparency Initiative ở đây

Friday, April 10, 2015

Bill Hayton- BIỂN ĐÔNG (Chương 5: Dầu khí ở Biển Đông)

Chương 5
Được miếng và tay không
Dầu khí ở Biển Đông

Something and Nothing
Oil and Gas in the South China Sea



Tháng 8 năm 1990, Đông Nam Á đã trở nên rất phấn khởi về việc ‘Trung Quốc trở lại’. Đã một năm kể từ khi vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn và nhiều nhân vật có ảnh hưởng nghĩ rằng đã tới lúc quay trở lại với công việc [bang giao]. Phô trương ầm ĩ, Thủ tướng Lí Bằng, một trong những người đằng sau vụ thảm sát, đã bắt tay vào một chuyến thăm khu vực 9 ngày. Điểm dừng chân thứ hai của ông là Singapore và sau các nghi thức lịch sự thông thường và bữa quốc yến, vào ngày 13 tháng 8, ông đã chủ trì một cuộc họp báo. Hầu hết các câu hỏi tập trung vào việc hai nước sẽ nối lại quan hệ ngoại giao và vài nhà báo lưu ý tới thông báo có vẻ thân thiện của Lí Bằng rằng Trung Quốc đã ‘sẵn sàng cùng với các nước Đông Nam Á chung ra sức phát triển Quần đảo Nam Sa, trước mắt gác lại vấn đề chủ quyền.’[1] Đó không phải là một nhận xét khơi khơi mà là tuyên bố công khai đầu tiên của một chính sách vốn được Đặng Tiểu Bình cổ võ trong cuộc đàm phán với Nhật Bản về Biển Hoa Đông vào tháng 10 năm 1978, và sau đó cũng nêu lên với các lãnh đạo Philippines trong các cuộc gặp riêng trong năm 1986 và 1988: ‘Thế hệ này không đủ khôn ngoan để giải quyết một vấn đề khó khăn như vậy. Sẽ là một ý tưởng hay cậy vào sự khôn ngoan các thế hệ sau giải quyết.’ Tuyên bố này cũng là cơ sở của chính sách nhà nước của Trung Quốc đối với cả Biển Hoa Đông và Biển Đông kể từ đó.

Năm 1990, lãnh đạo Trung Quốc băn khoăn về năng lượng. Sau 30 năm Trung Quốc tự túc về dầu, nhờ mỏ Daqing (Đại Khánh) trên đất liền, rõ ràng là nhu cầu ngày càng tăng lên do cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình sẽ mau chóng vượt quá sản xuất. Đất nước cần nguồn cung mới. Tháng 4 năm 1987 các nhà khoa học Trung Quốc khảo sát nhiều phần của Biển Đông và sau đó nhanh chóng tuyên bố sự tồn tại của ‘dự trữ dầu và khí đốt phong phú ở bãi ngầm Zengmu [Tăng Mẫu /James]’ ngoài khơi bờ biển Borneo.[2] Tháng 12 năm 1989, tờ Trung Quốc Nhật Báo cho biết tính toán chính thức rằng quần đảo Trường Sa chứa 25 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên và 105 tỉ thùng dầu và vùng bãi ngầm James cho thêm 91 tỉ thùng.[3] Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo chính trị khác đã bắt đầu nói tới Biển Đông như câu trả lời cho cuộc khủng hoảng đang lờ mờ hiện ra. Chủ đề đó được nhiều tiếng nói chủ chốt trong các lĩnh vực năng lượng và quân đội khuếch đại thêm. Jiefangjun bao (Báo Giải Phóng Quân), tờ báo của Quân đội Giải phóng Nhân dân, đăng một loạt bài từ năm 1987 đến 1990[4] gắn kết tầm quan trọng thiêng liêng của việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia với các lập luận thực dụng ủng hộ việc thu vén tài nguyên ở Biển Đông.[5]

Đông Nam Á không để ý tới những bàn luận này. Trung Quốc ở quá xa và thiếu phương tiện lẫn kĩ năng để phát triển bất cứ điều gì xa bờ quá vài hải lí. Khi Lí Bằng đề xuất cùng phát triển ở Trường Sa, điều đó được hiểu như là một đề xuất vô nghĩa. Ý kiến sẽ thay đổi. Chủ trương của Đặng Tiểu Bình gồm nhiều thứ hơn là chỉ có việc gác lại bất đồng. Dạng thức đầy đủ của nó có ba thành tố: ‘chủ quyền thuộc chúng ta, gác tranh chấp, cùng khai thác’(chủ quyền thuộc ngã, các trí tranh nghị, cộng đồng khai phát), trong đó thành tố đầu tiên là có ý nghĩa nhất. Thật ra, điều đó có nghĩa là bất kì nước nào muốn phát triển tài nguyên biển nằm trong ‘đường chữ U’ sẽ phải hoặc thừa nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh hoặc trực tiếp thách thức sự hiện diện thực tế của Bắc Kinh. Vì không nước nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc, tuyên bố Lí Bằng ở Singapore đã trở thành nền tảng cho các tranh chấp hiện nay. Cho đến lúc đó, mối quan tâm của Bắc Kinh có vẻ chỉ giới hạn vào các đảo và rạn đá mà họ chiếm đóng vào năm 1974 và 1987-8. Sau năm 1990, trở nên rõ ràng rằng nhiều nhóm lợi ích ở Bắc Kinh muốn thực thi chủ thuyết ‘chủ quyền thuộc chúng ta’ trên toàn bộ diện tích nằm trong đường chữ U. Đứng đầu trong số đó là Công Ti Dầu Khí Ngoài Khơi Quốc Gia Trung Quốc, CNOOC. Nhưng kẻ thúc giục CNOOC thực hiện bước đi đầu tiên lại là một người Mĩ.

**********

Năm 1992, một người Mĩ thuộc bang Colorado đã thay đổi trò chơi ở Biển Đông qua việc thực hiện thuật giả kim hiện đại: biến hư không thành vàng. Ông ta đã viết lại các quy tắc thăm dò dầu ở Đông Nam Á, đưa hai nước đến sát lằn ranh của xung đột rồi bước ra với vài triệu đô la. Trong quá trình này, Trung Quốc lần đầu tiên đã làm rõ rằng yêu sách 'đường chữ U' không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một tuyên bố về ý định tương lai và các nước láng giềng mới hiểu rằng việc Trung Quốc tìm kiếm an ninh năng lượng sẽ đe doạ an ninh năng lượng của chính họ. Nhưng câu chuyện của cuộc chiến tài nguyên của Đông Nam Á có một khởi đầu hiếm có. Nó bắt đầu vào năm 1969 với một thanh niên đi bộ nhiều dặm đến câu lạc bộ Country Denver để dự phỏng vấn cho một học bổng học làm trợ lí người chơi golf (golf caddy).

Cha mẹ Randall C. Thompson li dị và không người nào có khả năng sắm xe hơi vì vậy Thompson phải tự lo việc đi phỏng vấn. Anh đã rớt phỏng vấn, nhưng một thành viên trong nhóm phỏng vấn, ấn tượng bởi tính quả quyết của chàng thanh niên, đã thuyết phục các thành viên khác cho anh ta đi học khoa học chính trị ở trường Đại học Colorado. Người ân đó là Sonny Brinkerhoff, gia đình sở hữu Công ti Brinkerhoff Drilling. Mùa hè sau Brinkerhoff định cho 50 người được học bổng làm việc ở các giếng dầu của mình ở Wyoming. Thompson là người duy nhất nộp đơn. Anh ta thích công việc và cũng làm việc cho Brinkerhoff hè năm sau. Hè sau đó, anh tốt nghiệp và đến gặp Brinkerhoff lần nữa. Cuối hôm đó, Thompson đã có được việc làm như là một landman (người tìm các nơi có mỏ tiềm năng có dầu và đàm phán quyền thăm dò) cho Amoco Corporation.

Thompson đã học việc sáu năm rồi tiếp tục công việc, bị đuổi việc, bỏ một công việc khác, bị đuổi một lần nữa và bỏ một công việc thứ năm. Anh không thích làm việc cho người khác nên vào năm 1980, anh đã trở lại gặp Sonny Brinkerhoff. Anh bước ra khỏi văn phòng của Brinkerhoff ở tuổi 31 với quyền nắm tài sản sản xuất dầu mỏ trị giá tới $ 1 triệu: Crestone Energy ra đời. Thật không dễ dàng. Với giá dầu chỉ hơn chục đô la mỗi thùng, Crestone chỉ chực sụp đổ. Nhưng vào năm 1989, Thompson đã bắt một cú điện thoại làm thay đổi cuộc sống của anh. Edward Durkee là chuyên viên dầu hỏa quê Colorado và là một trong 30 nhà đầu tư ban đầu trong Crestone. Năm 1989, ông làm việc cho công ti Lundin Oil Thụy Điển, công ti này đang tìm cách giảm bớt quan tâm ở Philippines. Durkee nói với Thompson rằng đó là một điều chắc chắn: ‘Tới đây ngay bây giờ nếu không tôi sẽ chẳng bao giờ nói chuyện với anh nữa.’ Ngày hôm sau, Thompson và luật sư của ông trên máy bay đến Manila.

Durkee đã sắp xếp tất cả mọi thứ. Chín ngày sau, ngày 4 tháng 9 năm 1989, Crestone đã mua giấy phép thăm dò của Lundin và ngay lập tức bán được 40 % cổ phần cho một tập đoàn của 7 công ti Philippines. Thompson rời Manila với một vali đầy tiền mặt. Bây giờ Crestone sở hữu đa số cổ phần trong lô thăm dò GSEC 54 nằm ngoài khơi đảo Palawan. Nó chiếm một diện tích khoảng một triệu rưỡi ha: từ các mỏ hiện có của Philippines chạy dài tới biên giới với Malaysia. Crestone và các đối tác của nó đã duyệt qua các dữ liệu địa chấn cũ, tìm kiếm bằng chứng về dầu có thể thu hồi được. Tình hình có vẻ sáng sủa. Chỉ bảy tháng sau đó, tháng 4 năm 1990, họ đã bán được 70 % cổ phần của lô đó cho British Petroleum (BP) nhận vài triệu đô la. Crestone có thêm một va li đầy tiền mặt. Một năm sau đó, vào tháng 4 năm 1991, BP tìm thấy dầu, nhưng không ở số lượng thương mại và một năm sau nữa đã bỏ Philippines hoàn toàn, trả lại quyền cho tập đoàn của Crestone. Về mặt công nghiệp dầu thì chẳng có gì ở đó, nhưng Thompson lại thành công biến nó thành vàng.

Quan trọng hơn cho khu vực, Thompson đã phát hiện ra Biển Đông. Tại bữa tiệc sau khi BP kí kết, trong ngôi nhà của đại sứ Anh tại Manila, bia chảy và lưỡi lơi ra. Thompson nhớ lại ‘Rượu đã nói dù lưỡi lẽ ra phải giữ bí mật, và mọi người đều nói rằng Việt Nam sẽ là điểm nóng và những nhân viên BP cho biết với rất nhiều lời, đó là vùng nước sâu ở quần đảo Trường Sa.[6] Ngày hôm sau tôi đến thư viện để tìm xem Quần đảo Trường Sa ở đâu.’ Năm 1990 Việt Nam còn nằm ngoài giới hạn đối với các công ti dầu khí Mĩ vì cấm vận thương mại thời chiến của Mĩ vẫn chưa bãi bỏ. BP và một số công ti khác của châu Âu đã bắt đầu đánh hơi xung quanh, nhưng chỉ có người Nga thực sự bơm được dầu lên. Những kí ức về một sự bùng nổ dầu ngắn trong những tháng lụi tàn của chiến tranh Việt Nam vẫn còn sót lại và đó là tất cả điều kích thích mà Thompson cần. Anh đã dành ba tuần sau buổi tiếp của đại sứ Anh để truy tìm các hồ sơ địa chất và các khảo sát cũ. Cuối cùng, anh quyết định chọn một mảng đáy biển nằm giữa bờ biển Việt Nam và đảo Trường Sa Việt Nam đang đóng bao gồm Bãi Phúc Nguyên (Prince Consort) và Bãi Tư Chính (Vanguard). Nhưng thay vì đến Việt Nam, Thompson đã biết mọi thứ về ‘đường chữ U’ nên đặt hi vọng vào Trung Quốc thay vào.

Tháng 4 năm 1991 Thompson đi đến Viện Hải Dương Nam Hải tại Quảng Châu để xem xét các khảo sát địa chấn đã được làm rùm beng lên một vài năm trước đây. ‘Họ chỉ cho tôi một vài cấu trúc, tôi đã phấn khởi về điều đó và sau đó tôi đã thực hiện thêm một số nghiên cứu.’ Ông đi gặp từng người rồi mời ăn tối, cố thuyết phục Trung Quốc coi Crestone đúng mức, mãi cho đến tháng 2 năm 1992, sau nhiều thảo luận ở cấp cao nhất ở Bắc Kinh, cuối cùng ông đã đưa ra đề nghị với ban quản trị CNOOC. Thompson nhờ hai cố vấn xác định chính xác mảng đáy biển ông muốn được nhượng quyền: cố vấn ban đầu của ông Ed Durkee và Daniel J. Dzurek, cựu Trưởng Ban Biên Giới của Bộ Ngoại Giao Mĩ. Hình dạng của lô họ vẽ giống như một khẩu súng ngắn với chỗ cầm tay chỉ về phía Nam và nòng chỉ về phía Đông. Chu vi kì lạ đó cố bao gồm các khu vực có khả năng có dầu trong khi chạm vào chứ không vượt quá các đường yêu sách của Indonesia, Malaysia và Brunei ở bốn chỗ. ‘Tôi nhờ Ed Durkee phác thảo lô này theo quan điểm kĩ thuật và nhờ Dan Dzurek phác thảo theo quan điểm chính trị. Chúng tôi đã hết sức cẩn thận để không phạm vào vùng biển của Philippines, hay của Indonesia, Malaysia và Brunei,’ Thompson nhớ lại. Nếu lô của ông trông giống như một vũ khí thì nó chỉ nhắm vào Việt Nam.

Cùng tháng đó Thompson dốc hết ý tưởng của mình với CNOOC, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua ‘Luật về Lãnh hải và Vùng Tiếp giáp Lãnh hải’. Luật này chính thức hoá ‘Tuyên bố về Lãnh Hải’ của Trung Quốc năm 1958 (xem Chương 4), qua đó tuyên bố chủ quyền Bãi Ngầm Macclesfield, hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tạo cơ sở pháp lí - ít nhất là trong mắt của Bắc Kinh - cho việc cho thuê nhượng các lô thăm dò xa đất liền. Mảnh đáy biển làm Thompson quan tâm nằm ngoài khơi chỉ cách bờ biển Việt Nam 250 km và cách các bãi biển của Trung Quốc hơn 1 000 km. Sự táo tợn đến mức kinh khiếp, ngay cả CNOOC cũng thấy quá sức mình – về kĩ thuật và về chính trị. Thompson cho biết ông đã phải ra sức thuyết phục CNOOC nhượng quyền mà không qua đấu giá, qua việc cảnh báo ban quản trị rằng công khai sẽ chỉ tạo ra rắc rối với Việt Nam.[7]

Tại thời điểm đó Crestone có bốn nhân viên: Thompson, một thư kí, một nhân viên tiếp tân và một kế toán bán thời gian. Cuối cùng ông đã đạt được thỏa thuận. CNOOC đã trao cho một trong những công ti dầu nhỏ nhất thế giới quyền đối với một khu vực biển rộng lớn: 25 155 km². Crestone chỉ phải trả $50 000. Trung Quốc gọi lô đó là ‘Wan An Bei-21’ (WAB-21/Vạn An Bắc 21). Theo thỏa thuận này, CNOOC sẽ cung cấp dữ liệu địa vật lí hiện có của họ và giữ lại quyền được mua 51 % thuê nhượng vào một thời điểm sau này nếu lô cho thấy có lợi nhuận. Crestone sẽ tiến hành khảo sát địa chấn thêm và trang trải các chi phí phát triển. Đối với các lãnh đạo chính trị Trung Quốc, Thompson là điều nằm mơ biến thành sự thật. Ở đây là một người, người Mĩ, lại sẵn sàng khẳng định trên thực tế yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Crestone sẽ nhận lấy mọi búa rìu dư luận trong khi CNOOC có thể ngồi nhìn.


WAB-21 hầu như nằm hoàn toàn trong EEZ của VN

Thompson lạc quan về mỏ dầu tiềm năng và lơ là về hiểm nguy chính trị. Khi Crestone kí hợp đồng thuê nhượng vào ngày 8 tháng 5 năm 1992, ông nói với các phóng viên, ông tin rằng có ‘cách vượt quá 1,5 tỉ thùng dầu’ trong lô này và rằng ông ‘thà tìm kiếm dầu khí tại một khu vực có tiềm năng cao, rủi ro kĩ thuật thấp và chính trị xấu hơn là nơi ngược lại.’ Ông cũng thấy vui sướng với cam kết của các nhà chức trách Trung Quốc dùng toàn bộ sức mạnh hải quân của họ để bảo vệ yêu sách của mình, nếu xảy ra cuộc đối đầu với Việt Nam. Chính phủ Hoa Kì giữ khoảng cách. Một nhà ngoại giao Mĩ đã tham dự lễ kí kết tại Bắc Kinh, nhưng toà đại sứ từ chối bất kì sự dính dáng nào trong các cuộc đàm phán của Crestone. Thật ra, Thompson nói rằng trong những ngày sau khi kí kết cả Bộ Ngoại Giao Mĩ lẫn CIA đều gọi ông để cố tìm hiểu ông muốn theo đuổi cái gì. Đặc biệt Bộ Ngoại Giao đã quan ngại - cảnh báo Thompson phải để nhân viên Mĩ và trang thiết bị nằm ngoài lô vì có nguy cơ bị Việt Nam tóm giữ.[8]

Vì lí do nhạy cảm chính trị, Thompson có thể làm chậm rãi: Crestone không bắt buộc phải khoan giếng nào trong bảy năm. Trong khi đó, Việt Nam trút sự tức giận của họ, với việc đưa ra các phản đối chính thức với chính phủ Trung Quốc và đăng các bài báo buộc tội. Một cuộc chiến tranh bằng lời kéo dài trong một năm rưỡi. Suốt thời gian đó Crestone tiếp tục công việc chuẩn bị của mình. Sau đó, vào tháng 12 năm 1993, Thompson đã được mời tới Hà Nội hội đàm với TS Hồ Sĩ Thoảng, chủ tịch công ti dầu khí quốc doanh của Việt Nam, PetroVietnam. Ông được đề xuất một thỏa thuận: tiến hành liên doanh, nhưng chỉ khi ông hủy bỏ hợp đồng hiện có với CNOOC. Thompson từ chối, và Việt Nam trở nên giận dữ hơn. Họ chuẩn bị để triển khai với các đồng minh lớn hơn nhiều so với Crestone.

Trong một vài năm các công ti của Mĩ đã bận bịu với việc cố dàn xếp các thoả thuận làm ăn tại Việt Nam. Trong số đó có Mobil – nóng lòng trở lại một khu mỏ tiềm năng mà họ đã xác định ra lần đầu tiên ngay trước khi Nam Việt Nam sụp đổ năm 1975: khu vực mà họ gọi là Blue Dragon (Thanh Long) bên trong khu mà Việt Nam, gọi dân giả hơn là Lô 5.1b. Dù không chồng lấn lên WAB-21, nó vẫn nằm trong ‘đường chữ U’. Cùng lúc đó, PetroVietnam cũng đang đàm phán với một công ti lớn của Mĩ, Conoco, về các lô 133, 134 và 135 mà chắc chắn chúng chồng lấn với WAB-21. Gần đó, Atlantic Richfield và British Gas sắp bắt đầu khoan trong một lô khác của Việt Nam mà Trung Quốc cũng yêu sách.[9] Tuy nhiên, không ai có vẻ lo ngại về nguy cơ làm Bắc Kinh nổi giận. Ngày 3 tháng 2 năm 1994, ngày mà các công ti này đã phải chờ đợi đã đến: Hoa Kì chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại lên Việt Nam và họ vội vã kí hợp đồng.

Tuy nhiên, Crestone được xác định là công ti đầu tiên giành được trên thực tế thị phần của mình. Khoảng tháng 4 năm 1994, bạn bè Thompson ở Viện Hải Dương Nam Hải đã sẵn sàng vào cuộc. Viện đã được tài trợ và được Bắc Kinh bật đèn xanh để thực hiện một vòng công tác khảo sát địa chấn mới ở khu vực phía Bắc Biển Đông. Thompson đã thuyết phục họ thay đổi vị trí - và hướng về WAB-21. Khi Mobil và các đối tác Nhật Bản chuẩn bị để chính thức kí thỏa thuận Blue Dragon với PetroVietnam, Thompson và viện này đang cần mẫn làm việc ngoài biển. Hôm Thứ Ba ngày 19 tháng 4, khi việc kí kết tiến tới ở Nhà Khách Quân đội tại Hà Nội, Crestone thông báo đã bắt đầu công việc khảo sát địa chấn ở WAB-21 và đang lên kế hoạch để khoan giếng thăm dò đầu tiên của mình, với sự hậu thuẫn hết lòng của Trung Quốc.[10]

Mobil rõ ràng đã không đánh giá thật nghiêm túc hoạt động Crestone: ít ra không đủ nghiêm túc để ngăn mình (và đối tác Nhật Bản) trao $ 27 triệu đổi lấy các quyền đối với lô của họ. Tuy nhiên, theo giám đốc truyền thông lúc đó R. Thomas Collins của Mobil, PetroVietnam cụ thể yêu cầu công ti thông báo rằng họ quay trở lại khu vực mà trước đây đã thăm dò theo một giấy phép từ chính quyền Nam Việt Nam trước đó để tăng sức mạnh tuyên bố.[11] Ngoài biển, mọi thứ đang trở nên gay go.

Các tàu Trung Quốc không bao giờ kết thúc cuộc khảo sát của mình. Theo Thompson, sau bốn ngày thu thập dữ liệu, ba tàu hải quân Việt Nam xuất hiện và bắn ngang mũi của nó. ‘Tôi đang ở trên một tàu Trung Quốc, không ai biết nói tiếng Anh, bị bắn bởi một chiếc tàu Việt Nam, ở đó cũng chẳng ai nói tiếng Anh,’ ông nhớ lại. Sau một bế tắc kéo dài hai ngày, Thompson và thuyền trưởng của con tàu quyết định không có lí do gì để tiếp tục và quay trở lại Quảng Châu. Dù ban đầu TQ hứa sẽ hậu thuẫn hoàn toàn, hải quân họ đã không xuất hiện. ‘Họ không muốn một cuộc đối đầu,’ Thompson nói. Nhưng Bắc Kinh chỉ chờ thời.

Ngay sau khi Trung Quốc rút lui, PetroVietnam vội vã khẳng định chủ quyền đối với cùng mảnh biển. Ngày 17 tháng 5 năm 1994, Tam Đảo, một giàn khoan thuộc công ti Vietsovpetro liên doanh với Nga, di chuyển đến Bãi Tư Chính (Vanguard). Khu vực này, Lô 135 theo Việt Nam, là một lô mà Conoco đang có ý định thuê nhượng, mặc dù nó nằm bên trong góc Tây Nam lô WAB-21 của Crestone.[12] Bây giờ thì tới phiên Trung Quốc hành động. Họ triển khai hai tàu nhưng không cố đuổi giàn khoan đi. Thay vào đó họ bao vây: chặn nguồn cung cấp dung dịch khoan và thực phẩm. Chi tiết về những gì xảy ra là sơ sài nhưng nhân viên giàn khoan bị mắc kẹt trong cuộc bao vây trong nhiều tuần. Theo Ian Cross, lúc đó làm tư vấn cho Integrated Exploration and Development Services ở Singapore, họ khoan xuống khoảng 3 000 mét, nhưng không tìm thấy dầu. Theo Thompson, ‘họ không biết họ đang làm gì, giàn khoan không đặt đúng vị trí. Họ chỉ ra đi để chứng minh chủ quyền.’ Chắc chắn Vietsovpetro không bao giờ công bố về những điều họ tìm thấy.

Luật lãnh hải năm 1992 của Trung Quốc, công việc khảo sát dầu, hợp đồng với Crestone và nhiều biểu thị về vẻ nghiêm túc của Bắc Kinh đối với yêu sách ‘đường chữ U’ đã làm các chính phủ khu vực Đông Nam Á lo lắng sâu đậm. Trong một lúc nào đó, sáu thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã thảo luận xem liệu có nên để Việt Nam tham gia hàng ngũ của họ không. Có rất nhiều yếu tố để xem xét nhưng khi việc đối đầu về dầu leo thang thì ngoại giao cũng tăng tốc. Một loạt các chuyến thăm và các cuộc họp trong tháng 4 và tháng5 năm 1994 đã dẫn tới một thông báo vào ngày 11 tháng 7 rằng Việt Nam sẽ được mời tham gia - mặc dù VN không chính thức nộp đơn gia nhập. Ngày 19 tháng 7, tin tức về vụ bế tắc Tam Đảo bị rò rỉ ra thế giới bên ngoài ngay khi những chuẩn bị cuối cùng cho cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN đã được thực hiện, ở đó lời mời chính thức sẽ được chuyển tới Việt Nam. Một tuần sau cuộc họp, quân đội Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận công khai trên đảo Hải Nam, theo lời của các phương tiện truyền thông chính thức,  phô diễn gần như toàn bộ các loại vũ khí, thiết bị và kĩ thuật.[13] Một cách làm mạnh tay như vậy chỉ làm tăng nỗi lo lắng của Đông Nam Á về ý đồ của Trung Quốc.

Lời mời của ASEAN có thể châm ngòi cho một sự thay đổi đột ngột về chiến thuật của Bắc Kinh. Ngày 5 tháng 9 năm 1994, sau một tháng với các cuộc thảo luận kín, TQ thông báo rằng Giang Trạch Dân sẽ thực hiện chuyến thăm VN lần đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc. Và vào cuối tháng đó, Trung Quốc cũng đã đề xuất cho Việt Nam vay $170 triệu để tân trang các nhà máy sản xuất lạc hậu. Cả hai bên đều quyết tâm hàn gắn mối quan hệ. Một lí do có thể là để làm dịu mối quan hệ với ASEAN nhưng lí do khác có lẽ là Bắc Kinh đã làm xong việc bí mật chuẩn bị để chiếm Đá Vành Khăn (Mischief Reef) (xem Chương 3). Khoảng thời gian này, từ Manila tin tức rò rỉ rằng Alcorn Petroleum đã bắt đầu công việc khảo sát trong một khu vực tranh chấp của Biển Đông, khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ngoài khơi Philippines. Có lẽ việc xuống thang với Việt Nam chỉ đơn giản là một mưu đồ chia rẻ đối phương tiềm năng để dễ bề hành động. Điều này cũng giải thích lí do vì sao vào tháng 1 năm 1995, khi sự cố Đá Vành Khăn diễn ra, nhà chức trách Trung Quốc đã bảo Crestone nên làm công việc thăm dò chậm lại.

Tình thế bị bế tắc. Thompson không có vốn để phát triển bất kì mỏ tiềm năng nào thành mỏ khai thác thương mại. Crestone cần một công ti có cùng thái độ chẳng màn tới rủi ro chính trị và có cái túi sâu hơn. Cái mà Thompson cần là một công ti như Benton Oil and Gas: một công ti kì cựu của thời gay go và hỗn loạn Nga hậu-Xô Viết Năm 1996, trên nền của sự bùng nổ dầu, giá cổ phiếu của Benton tăng gấp ba lần: nó đã sẵn sàng cho một mảnh hành động ở Biển Đông. Ngày 24 tháng 9 năm 1996 Benton đã đồng ý mua Crestone với giá $ 15,45 triệu. Thỏa thuận này được kí kết vào ngày 6 tháng 12 với ghi nhận của Benton  rằng ‘tài sản chính của Crestone là một hợp đồng dầu khí với CNOOC’.[14] Đó là Lô WAB-21 mà từ đó chưa có một thùng dầu nào đã được rút lên. Một lần nữa, Randall C. Thompson đã xoay xở để biến ‘một số không’ về mặt thương mại thành một đống vàng lớn. Các cổ đông của Crestone, bây giờ có khoảng 130 doanh nghiệp trong đó, cũng kiếm được một đống gọn gàng. Số phận Benton không phải quá hồng. Năm 1998 và 1999, với giá dầu sụt giảm còn $ 12 một thùng, Công ti Benton đã buộc phải ghi lỗ một con số sửng sốt là $ 204 triệu. Benton cầm cự bằng cách bán tài sản. Nhưng vào giữa tháng 8 năm 1999, người sáng lập công ti Alex Benton đã đưa đơn xin phá sản cá nhân và tháng 9, ông đã bị buộc phải từ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành.

Ngày 14 tháng 5 năm 2002 Benton Oil and Gas đổi tên thành Harvest Natural Resources, làm cho nghe giống như một nhà sản xuất bánh granola hơn là một công ti dầu khí với thiên hướng về rủi ro chính trị. Nó vẫn nắm quyền thuê nhượng của Trung Quốc đối với Lô WAB-21 mặc dù hiện nay nó đánh giá quyền này thấp hơn nhiều. Năm 2002 họ cắt đi $ 13,4 triệu USD giá trị quyền đó (gần 90 % khoản tiền đã trả để mua lại vào năm 1996). Tuy nhiên, họ vẫn nuôi hi vọng rằng một ngày nào đó tình hình có thể sẽ tốt lên. Từ năm 2003 đến 2008 họ đã chi $ 661 000 cho thăm dò và thu thập dữ liệu trong lô này và có lẽ nhiều hơn kể từ đó, mặc dù họ không còn nêu từng mục các khoản chi trong báo cáo hàng năm. Randall Thompson vui hưởng một cuộc sống tốt đẹp ở Colorado, dẫn các cháu đi câu cá. Ông ta vẫn còn tích cực trong việc làm ăn về dầu và tại thời điểm viết sách, đang tìm những mỏ tiềm năng mới ngoài khơi Italy, Morocco, New Zealand và Nam Phi. Ông vẫn còn sở hữu các quyền tới 4,5 % của số tiền thu được của Lô WAB-21 - nếu nó được khoan vào lúc nào đó.

**********

Đột phá đầu tiên của CNOOC vào vùng biển tranh chấp không cho ra tí dầu nào và tệ hại hơn, làm cho Đông Nam Á đoàn kết lại trong báo động. Trong 13 năm, đề xuất của Lí Bằng về cùng khai thác đã bị lịch sự phớt lờ, các chính phủ khác không sẵn sàng để gác vấn đề chủ quyền. Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tiếp tục cho thuê các vùng biển ngoài khơi của họ cho các công ti dầu khí quốc tế và lô của Crestone vẫn là một sự bất thường. Không có nhu cầu phải tìm kiếm bất kì kiểu phát triển chung nào với Bắc Kinh. Nhưng trong năm 2003 có một chính phủ đã xé rào. Đáng ngạc nhiên đó lại là quốc gia, cho đến khi đó, đã từng cổ vũ mạnh mẽ nhất một mặt trận ASEAN thống nhất chống các vi phạm của Trung Quốc: Philippines. Một nhóm nhỏ đầu não chính trị ở Manila đã bày vẽ việc đảo ngược chính sách này, gần như là một sáng kiến tư riêng. Họ qua mặt các cấu trúc hoạch định chính sách của chính phủ và thiết lập quan hệ với Trung Quốc - và khu vực – theo một tiến trình hoàn toàn khác.

Năm 2003, Jose de Venecia là Chủ Tịch Viện Đại Biểu, Hạ viện của Philippines, và là chủ tịch đảng cầm quyền, the Lakas-Christian Muslim Democrats (đảng những người Dân chủ Hồi giáo Công giáo Lakas). Lúc còn thanh niên, ông đã làm ra được nhiều tiền qua việc cung ứng lao động Philippines cho các nhà thầu ở Trung Đông và sau đó, ông tham gia vào việc thăm dò dầu đầu tiên ngoài khơi đảo Palawan. Với tiền bạc, quan hệ gia đình và sức mạnh chính trị, ông là một thế lực quan trọng trong chính trị Philippines. Ông cũng đưa ra quan điểm về phát triển quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc thông qua, cùng nhiều thứ khác, Hội Nghị Quốc Tế các Đảng Chính Trị Châu Á (ICAPP) mà ông xướng ra vào năm 2000, và Hiệp Hội các Quốc Hội Châu Á vì Hòa Bình (AAPP) mà ông là chủ tịch.

Năm 2003 Gloria Macapagal Arroyo đã làm Tổng thống Philippines được hai năm, trong thời gian đó  thương mại với Trung Quốc - chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô - đã tăng gấp ba lần: từ $ 1,8 tỉ trong năm 2001 lên $ 5,3 tỉ vào năm 2003. Với việc Mĩ tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, Trung Quốc đã nhìn thấy một lối mở. Năm 2001, Bắc Kinh đề xuất cấp $ 400 triệu vốn vay ưu đãi cho các dự án NorthRail (đường sắt Bắc) nối Manila với căn cứ không quân cũ của Mĩ tại Khu Kinh Tế Clark. Cuối cùng khi dự án động thổ vào ngày 5 tháng 4 năm 2004, bài phát biểu chính dành rất nhiều lời cảm ơn chính phủ Trung Quốc, được đọc bởi người đề xướng chính: Jose de Venecia.[15]

Giống như de Venecia, Eduardo Manalac từng là thành viên của đội khoan giếng dầu ngoài khơi đầu tiên của Philippines năm 1974. Không giống như de Venecia, Manalac vẫn ở lại trong ngành dầu khí, trãi qua 28 năm với công ti Mĩ Phillips Petroleum, kể cả 7 năm với tư cách là Giám Đốc Thăm Dò ở Trung Quốc. Năm 2000, ông đã giúp khám phá mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc (trong Vịnh Bột Hải – cách xa mọi tranh chấp biên giới quốc tế) và được trao tặng cả ‘Giải Thưởng Hữu Nghị’ của Chính Phủ Trung Quốc lẫn ‘Giải Nhân Viên Điển Hình’ của CNOOC. Là một chuyên gia, Manalac biết chính xác ngành dầu Philippine bị lỗi điều gì. Sau khi nghỉ hưu với Phillips, ông dành khả năng phục vụ cho đất nước của mình như một cách ‘để đáp trả học phí đại học giá rẻ mà tôi đã từng hưởng’ và tháng 3 năm 2003, được bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Năng Lượng. Dù là hai con người khác biệt với những quan tâm khác biệt, Manalac và de Venecia đồng làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc làm cả khu vực giật mình.

Manalac biết rõ Trung Quốc nhưng muốn lĩnh vực dầu khí của Philippines có khả năng tự lực. Ông cho rằng vấn đề thật ra là chuyện nội bộ: các tập đoàn nhỏ của các công ti địa phương tiếp cận được với Bộ Năng Lượng nhưng không đủ vốn để đầu tư vào thăm dò. Họ lấn át các đối thủ quốc tế vốn có thể sẵn sàng mạo hiểm một vài trăm triệu đô la để khoan một cái giếng trong các vùng biển chưa được khoan thử. Năm 2003, Manalac tổ chức vòng đấu thầu minh bạch lần đầu tiên của Philippines để cố gắng và thu hút các công ti lớn thăm dò ngoài khơi. ExxonMobil giành được quyền đối với khu vực của biển Sulu nhưng không ai quan tâm đến Biển Đông. Manalac tin rằng các khu mỏ tiềm năng là tốt, nhưng, nếu khi nào muốn thoát khỏi việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ nhập khẩu thì Philippines phải cần một cách tiếp cận khác, một cách tiếp cận có tính đến tình hình địa chính trị. ‘Tôi có cảm giác là không công ti nào trong số những tên tuổi lớn dám vào một khu vực khi ở đó có nhiều yêu sách [lãnh thổ]. Đó vốn là vùng biển sâu nên sẽ đòi hỏi một lượng vốn lớn để khoan và phát triển’, ông nhớ lại. ‘Tôi hỏi liệu Tổng Thống sẽ ủng hộ một ý tưởng theo đó chúng ta sẽ cùng với các nước khác đang yêu sách thực hiện một nỗ lực phát triển chung. Và bà nói ủng hộ.’

Trong khi đó de Venecia chăm chút mối quan hệ của mình với các lãnh đạo Trung Quốc. Tháng 4 năm 2002, ông đã tổ chức cuộc họp hàng năm thứ ba của AAPP ở Bắc Kinh và tháng 3 năm 2003, ông là người đứng đầu phái đoàn chính phủ đến hội chợ thương mại đầu tiên của Philippines ở Shanghai (Thượng Hải).[16] Tháng 9 năm 2003, ông tiếp Wu Bangguo (Ngô Bang Quốc), vừa là đối tác vừa là người đứng đầu Quốc Hội Trung Quốc và cũng là chủ tịch của AAPP. Trong thời gian ở Manila, Ngô Bang Quốc chứng kiến việc kí kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ $ 1 tỉ giữa ngân hàng trung ương hai nước (nhằm mục đích bảo vệ Philippines chống lại khả năng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 lặp lại) và phát biểu trước một cuộc họp của các lãnh đạo quốc hội. Sau đó de Venecia nói với các nhà báo rằng ‘Ông Ngô đã đề xuất một chương trình thăm dò và phát triển chung trong quần đảo Trường Sa’. De Venecia tán thành ý tưởng đó, qua việc nói rằng ‘những khu vực này đang nằm chờ và chúng ta cũng có thể để chúng mở ra cho việc chia sẻ lợi nhuận với nhau hoặc chia sẻ lợi nhuận với tất cả các bên.’[17] Và có thoả thuận rằng một công ti khai thác dầu lớn của Trung Quốc sẽ gửi một phái đoàn đến Manila trong tháng 11. Ngày 10 tháng 11 năm 2003, thư về ý định tham gia vào chương trình hợp tác xét duyệt, đánh giá và lượng định các dữ liệu địa chất, địa vật lí và kĩ thuật có sẵn khác có liên quan để xác định tiềm năng dầu khí của khu vực này đến hạn để kí kết giữa Công Ti Dầu Khí Quốc Gia Philippines (PNOC) và CNOOC.[18]

Lặng lẽ, Manalac và giám đốc điều hành CNOOC đã vẽ ra ranh giới của một khu vực thăm dò. Ranh giới phía Tây phải tránh vùng biển của Malaysia nhưng giới hạn phía Bắc và phía Đông là chỉ là vấn đề giữa hai bên. Cuối cùng nó bao phủ một diện tích 143 000 km² ở phía Bắc và phía Tây Palawan - bao gồm, nhưng vươn khỏi vùng biển cạn Bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Manalac biết ý tưởng chia sẻ tài nguyên là đầy tranh cãi cả trong nước lẫn ở nước ngoài, nhưng với tư cách giám đốc PNOC ông đã giải thích sau đó, ‘30 % của một cái gì đó thì tốt hơn 100 % của chẳng có gì’. Vấn đề là cấu trúc thỏa thuận này là như thế nào để tránh tất cả những cạm bẫy tiềm năng về chính trị của Philippine và ngoại giao của ASEAN. Manalac yêu cầu được chuyển sang Công Ti Dầu Khí Quốc Gia Philippines để thỏa thuận với CNOOC có thể được cấu trúc như một thoả thuận thương mại chứ không phải là một sự sắp xếp liên chính phủ. Đó là một mẹo vặt vì cả hai công ti đều là doanh nghiệp nhà nước.

Tháng 7 năm 2004, khi Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo (bạn bè và kẻ thù của bà gọi tắt là GMA) cho rút đội quân nhỏ của Philippines khỏi Iraq, quan hệ với Washington trở nên lạnh giá rõ rệt. Bà phản ứng bằng việc tìm cách bắt tay toàn diện với Trung Quốc và kênh liên lạc là Jose de Venecia. Ông đã sắp xếp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng cai tổ chức Đại Hội thứ ba của Hội Nghị Quốc Tế Các Đảng Chính Trị Châu Á ở Bắc Kinh vào tháng 9 năm 2004, và tháng 8 GMA đã bất ngờ được mời đến để đưa ra một trong các phát biểu quan trọng. Ngày 18 tháng 8, GMA sắp xếp lại nội các của mình và chuyển Eduardo Manalac từ nhiệm vụ Thứ Trưởng Năng lượng sang làm Chủ tịch PNOC. Năm ngày sau đó de Venecia nói với các phóng viên rằng GMA sẽ vận động cho việc thăm dò chung với Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh. ‘Chúng ta không nên cho phép những khác biệt khu vực ngăn cản chúng ta phát triển,’ ông nói sau khi đưa ra bài phát biểu về tác động của giá dầu cao vào nền kinh tế của Philippines.[19] Tuần sau, vào ngày 1 tháng 9, Manalac, bây giờ không còn là một thành viên của chính phủ, kí kết cái được gọi là Hiệp Định Thăm Dò Địa Chấn Biển Chung (Joint Marine Seismic Undertaking) với người bạn cũ của mình, Chủ tịch Công ti Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc, Fu Chengyu (傅成玉[PhóThành Ngọc]).

Hiệp Định Thăm Dò Địa Chấn Biển Chung hoặc JMSU là đứa con tinh thần của một nhóm nhỏ thân cận GMA. Giáo sư Aileen Baviera, một trong những nhà phân tích khu vực thạo tin Philippines nhất, cho biết Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia đã bị loại ra trong suốt quá trình đàm phán.[20] Trong khi một số người ủng hộ JMSU, kể cả Manalac, được thúc đẩy bởi mong muốn cải thiện an ninh năng lượng của đất nước và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu thì những người khác có những quan tâm ít cao cả hơn. De Venecia dường như thích đề cao vị trí của mình như là một nhà môi giới quyền lực và người gác cổng cho đầu tư của Trung Quốc vào Philippines. (Các thoả thuận như vậy đã đi theo đúng hạn, đặc biệt trong các chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào tháng 4 năm 2005 và Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng 1 năm 2007.) Ngoài ra còn có một nhóm doanh nhân quan tâm đến việc kí kết các thoả thuận làm ăn hấp dẫn với các công ti Trung Quốc. Nhóm này nhất thiết có cả chồng của GMA, con trai của Jose de Venecia và những người khác trong nhóm của họ. Bè nhóm chủ chốt này dường như đã nắm quyền kiểm soát chính sách đối ngoại của nước này và uốn cong nó theo lợi ích riêng của họ.

Bên ngoài các biệt thự của Manila, phản ứng là sự kinh ngạc. Các nhà ngoại giao ASEAN muốn biết tại sao Philippines lại xem thường yêu cầu đoàn kết khu vực.có tính nguyên tắc nhiều năm. Việt Nam đã cáu tiết. Trong sáu tháng, VN đã nện các nhà ngoại giao Philippines với những phản kháng nhưng cuối cùng quyết định rằng tham gia vào cuộc khảo sát sẽ tốt hơn là không tham gia. Ngày 14 tháng 3 năm 2005, PetroVietnam kí kết tham gia Hiệp Định Khảo Sát Địa Chấn Biển Chung mở rộng kéo dài ba năm. CNOOC sẽ điều hành các cuộc khảo sát, PetroVietnam sẽ xử lí dữ liệu tại một trung tâm hợp tác với công ti Fairfield của Mĩ, và Công Ti Dầu Khí Quốc Gia Philippines, chẳng có gì nhiều để góp vào, cho biết sẽ tổ chức việc phân tích. Ngày 1 tháng 9 một tàu khảo sát cũ của CNOOC, tàu Nanhai 502 (Nam Hải 502), rời Quảng Đông với các chuyên gia ba nước trên tàu. Hơn 75 ngày sau, họ thu thập được 11 000 km dữ liệu địa chấn, bao phủ toàn bộ khu vực JMSU. Ngày 16 tháng 11, tàu đậu tại cảng tiếp liệu của PNOC ở Batangas, phía Nam Manila, ở đó Eduardo Manalac tuyên bố rằng ‘những căng thẳng chính trị là chuyện lịch sử.[21] Những người khác sẽ thấy không phải như thế.

Đến tháng 1 năm 2007, một vài mỏ tiềm năng đầy hứa hẹn đã được xác định, do đó giai đoạn hai của các khảo sát chi tiết hơn đã được đưa ra bàn. Bộ Ngoại Giao phản đối và mãi cho đến tháng 6 Tổng Thống mới cấp phép cho giai đoạn 2. Khoảng thời gian đó GMA bị nhấn chìm bởi một làn sóng cáo buộc tham nhũng liên quan đến bà, chồng bà, người đứng đầu Ủy ban bầu cử và các dự án được viện trợ Trung Quốc tài trợ. Tuy nhiên, giai đoạn 2 vẫn tiến tới, thu thập thông tin chi tiết hơn về các khu vực cụ thể của đáy biển. Kế hoạch cho giai đoạn 3 đã được thực hiện: xếp đặt vị trí để khoan thăm dò. Nhưng sau đó, vào tháng 1 năm 2008, nhà báo kì cựu Barry Wain đã viết một bài báo cho Far Eastern Economic Review (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông) cáo buộc chính phủ của GMA có ‘các nhượng bộ kinh khiếp' trong JMSU và chỉ trích các điều khoản và điều kiện bí mật của nó.[22] Bài viết này được đội quân ngày càng đông những người chỉ trích GMA chợp lấy và JMSU đã trở nên nhớp nhúa bởi nó liên quan đến Trung Quốc và các dự án cơ sở hạ tầng hư hỏng do tham nhũng.

Khi những cáo buộc lan rộng và đấu đá nội bộ trở nên tồi tệ, các kiến trúc sư của JMSU đã bị đẩy ra ngoài. Manalac tiếp tục những nỗ lực của mình để làm trong sạch lĩnh vực dầu của Philippines bằng cách cắt các mối quan hệ ấm cúng giữa các công ti năng lượng địa phương và Bộ Năng lượng. Ông không tuân lệnh GMA, trao một hợp đồng dầu không liên quan cho công ti Mitra của Malaysia, chứ không trao cho công ti có quan hệ với chồng của GMA. Chán ngán với tham nhũng đang diễn ra, ông đã từ chức ở Công Ti Dầu Khí Quốc Gia Philippines vào tháng 11 năm 2006. De Venecia bị mất chức Chủ Tịch Hạ Viện vào tháng 2 năm 2008 sau khi con trai của ông buộc tội chồng của GMA tham nhũng trong một dự án cơ sở hạ tầng về băng thông rộng (broadband) do Trung Quốc tài trợ. Thỏa thuận JMSU đã chết chìm trong biển, khả năng về việc gia hạn bi lạc mất giữa các màn kịch nhẹ diễn ra trên sân khấu chính trị ở Philippines. Nó hết hạn vào ngày 1 tháng 7 năm 2008 mà không một ai đang nắm quyền chuẩn bị lí lẽ cho việc gia hạn nó.

Manalac vẫn coi Công Tác Thăm Dò Địa Chấn Chung là một thành công: dù sao thì nó cũng đã cho phép Công ti Dầu khí Quốc gia Philippines chia bớt chi phí cho một cuộc khảo sát mà nó muốn làm và không có nguy cơ đối đầu trên biển. Theo quan điểm của Trung Quốc, thành công chỉ là một phần. Lần đầu tiên hai chính phủ ASEAN đã gác sang một bên vấn đề chủ quyền và cho thấy một mô hình phát triển chung. Tuy nhiên, một lần nữa, phía Đông Nam Á đối lập đã phá ngang các cơ hội thực sự làm ra dầu của CNOOC. Không rõ là giấy phép cho giai đoạn 3 của JMSU đã được cấp chưa.

Thay vào đó, chính phủ các nước khác tiếp tục phớt lờ đề xuất của Lí Bằng và nhượng nhiều lô bên trong ‘đường chữ U’ cho các công ti quốc tế theo cách riêng của họ. Nhưng trong thời gian hoạt động của JMSU, tăng trưởng kinh tế tăng vọt của Trung Quốc đã bắt đầu cho nó ảnh hưởng lớn hơn. Nếu JMSU là một củ cà rốt của Trung Quốc để thúc đẩy việc cùng phát triển ở Biển Đông, thì bây giờ Bắc Kinh đã có một cây gậy để vung vào các công ti không chịu nghe theo họ.

**********

Trung tâm công nghiệp hydrocarbon của Việt Nam là thành phố Vũng Tàu trên bờ biển Đông Nam của nước này. Từng là một khu nghỉ mát thực dân Pháp, sự cao sang của nó đã chịu thua sự thô ráp công nghiệp. Một phía của bán đảo dài là sân chơi cho các kĩ sư Nga với bụng chắc khoẻ và quần bơi nhỏ xíu. Phía khác, đối mặt với các cửa sông, bị lấn áp bởi các thùng chứa, bãi hàn. Giữa chúng là một dải các khu tháp không nổi bật và khách sạn có tên lạc quan là Grand Hotel mà vào ngày 4 tháng 6 năm 2007, BP Việt Nam chính thức chào đón tổng giám đốc mới Gretchen H. Watkins tại đó. Watkins đã bắt đầu trong vai trò kĩ sư cho Amoco và, sau khi công ti này được BP tóm thu, đã chuyển qua nhiều vị trí công tác ở London, Hà Lan và Canada. Trẻ và đầy tham vọng, bây giờ cô ấy đã có cơ hội để chứng tỏ bản thân mình ở chốn biên giới hoang sơ. Điều mà cô không biết là cấp trên tột cùng của cô, Giám đốc điều hành Tony Hayward của BP, đã giết chết cơ hội của cô. Cô dành một năm học bằng kinh nghiệm cay đắng về những nguy hiểm của việc cố tác nghiệp trong vùng biển mà cô có thể nhìn thấy từ cửa sổ.Grand Hotel.

BP đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1989 nhưng phải mất một thập kỉ để trở thành một trong số ít các công ti quốc tế làm ra tiền ở đó. Năm 2002 giàn khoan Lan Tây của họ tại Lô 6.1 cách bờ 362 km, bắt đầu bơm khí đốt vào các đường ống dưới nước dài nhất thế giới đến một trạm phát điện trên cửa sông nhìn thấy từ Grand Hotel. Năm 2006 khí đốt của BP đã tạo ra trên 1/3 sản lượng điện của Việt Nam và sẽ nhiều hơn thế vì công ti có được quyền đối với hai lô thăm dò khác. BP nắm các lô này trong nhiều năm, chờ đợi để thấy thuyết phục rằng nền kinh tế của Việt Nam có thể tạo ra đủ nhu cầu đáng để mở rộng việc sản xuất điện, và do đó khí đốt. Vào đầu năm 2007, với việc nước này mới vừa trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và các nhà đầu tư tên tuổi lớn đổ xô vào, BP cũng sẵn sàng ra sức. Ngày 6 tháng 3, BP công bố kế hoạch phát triển hai mỏ khí đốt mới ở Lô 5.2 và hoặc sẽ nối chúng với đường ống đang có hoặc xây dựng đường ống khác. Một nhà máy điện thứ hai sẽ được xây dựng trên bờ để biến khí thành nhiều điện hơn cho nước này và nhiều tiền hơn cho BP. Lịch thực hiện được để mơ hồ nhưng đối tác PetroVietnam của BP gợi ý khí đốt có thể đi vào hoạt động vào năm 2011.

Vào khoảng thời gian đó, đại sứ Trung Quốc ở Australia, Madame Fu Ying (Bà Phó Oánh), đã có kế hoạch riêng, chuẩn bị chuyển đến một vị trí mới ở London. Phó Oánh là một cố nhân của BP. Năm 2000, khi BP công bố kế hoạch phát triển Lô 6.1, bà đang là Tổng Giám Đốc Vụ Châu Á tại Bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Theo một nhân vật cao cấp trong BP, bà đã đưa ra nhiều phản kháng rất mạnh mẽ với ban quản trị của BP ở Bắc Kinh và Đông Nam Á yêu cầu công ti dừng dự án vì nó đã xâm phạm yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Giám Đốc Điều Hành BP là John Browne, một nhà quản lí kì cựu của nhiều trận chiến nơi biên giới. Ông chỉ đơn giản nhún vai với các phản đối của Phó Oánh và dự án tiếp tục. Nhưng ngày 1 tháng 5 năm 2007, Browne từ chức ở BP sau một vụ tai tiếng và Tony Hayward thay vào vị trí đó.

Phó Oánh đến London vào ngày 10 tháng 4, cũng là ngày mà Bắc Kinh công khai thù địch trong một cuộc chiến mới với BP. Trả lời một câu hỏi cò mồi từ một phóng viên truyền hình nhà nước Trung Quốc về các dự án khí mới, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Qin Gang (Tần Cương) tuyên bố, ‘hành động mới của Việt Nam [là] bất hợp pháp và không hợp lệ ... không có lợi cho sự ổn định của khu vực Biển Đông.’ Điều lạ là lô mà Bắc Kinh bây giờ lôi vào để phản đối (Lô 5.2) thực tế lại gần với bờ biển Việt Nam hơn Lô 6.1 mà BP đang hoạt động. Không thành vấn đề: đó là một cơ hội cho Madame Fu trả thù. Một trong những điều đầu tiên mà bà ta làm sau khi dọn dẹp xong hành lí ở London là yêu cầu có một cuộc họp với Giám Đốc Điều Hành mới toanh Tony Hayward. Công ti đã nắm bắt những gì đang đến nên đã triệu các nhà quản lí chóp bu tại Việt Nam về London để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận. Họ đưa ra lí do mạnh mẽ để BP tiếp tục dự án rồi để vấn đề cho Hayward và nhóm của ông [giải quyết].

Đến năm 2007, BP là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc. Danh mục đầu tư $ 42 tỉ của BP bao gồm nhiều cổ phần trong các nhà máy hóa dầu, sản xuất khí ngoài khơi, 800 trạm xăng, 30 % cổ phần ở các trạm khí tự nhiên hoá lỏng đầu tiên của nước này và một số doanh nghiệp khác. Madame Fu biết rất rõ điều này và ngày 18 tháng 5 năm 2007, bà đã dùng nó trong cuộc họp tại trụ sở BP. Bà đưa ra các phản đối của mình đối với các hoạt động của BP trong vùng biển tranh chấp và sau đó, theo một người trong cuộc, đã đưa ra hai cảnh báo cụ thể: thứ nhất, nếu công ti cứ tiến tới ở Lô 5.2 thì chính phủ Trung Quốc sẽ xem xét lại tất cả các hợp đồng mà họ đã trao cho BP; và, thứ hai, Trung Quốc không thể đảm bảo sự an toàn của bất cứ nhân viên BP làm việc trong các khu vực tranh chấp. Đó dường như là một lời đe dọa thẳng thừng đối với cả vận mạng thương mại của công ti lẫn mạng sống của người lao động tham gia thăm dò và sản xuất. Thiếu kinh nghiệm đối phó với các chế độ thô bạo như các tiền nhiệm, Hayward lùi bước. Ông đã thực hiện một thỏa thuận với Phó Oánh: BP sẽ tiếp tục hoạt động Lô 6.1 nhưng sẽ tạm ngừng hoạt động tại Lô 5.2. Phó Oánh đã trả được thù.

Đó là đống bề bộn mà Gretchen Watkins thừa hưởng khi cô đến Vũng Tàu hai tuần sau đó. BP đã kí hợp đồng với PetroVietnam (đại diện cho chính phủ Việt Nam) và Công ti ConocoPhillips của Mĩ cam kết khảo sát và thăm dò ở Lô 5.2. Theo nguồn tin ngoại giao Mĩ do Wikileaks công bố, có vẻ BP đã không nói cho đối tác Mĩ biết về cam kết của Hayward với Phó Oánh mãi cho đến ngày 8 tháng 6, khi công ti hủy bỏ kế hoạch công việc của mình cho năm 2007. Cả ConocoPhillips lẫn PetroVietnam đều không muốn để vuột BP. Watkins thấy mình bất lực giữa một cơn bão địa chính trị và pháp lí. Ngày 13 tháng 6, tin tức rò rỉ rằng BP đã phải đình lại việc khảo sát địa chấn theo kế hoạch và hai ngày sau tại Hà Nội đại sứ Hoa Kì Michael Marine được đối tác Anh và ConocoPhillips đến viếng. Theo báo cáo của ông về hai cuộc họp (do Wikileaks công bố), ConocoPhillips than phiền rằng PetroVietnam đã đòi hỏi họ phải thực hiện hợp đồng công việc dù BP đã tạm ngưng. Đại sứ Anh, Robert Gordon, nói với ông rằng Anh đã phái một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại Giao đến hội đàm với Chính Phủ Việt Nam.[23]

Với việc BP nhượng bộ trước sức ép của Trung Quốc, ConocoPhillips không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải làm theo. Công ti này có lợi ích kinh doanh nhỏ hơn ở Trung Quốc nhưng vẫn đáng kể, gồm mỏ Tây Giang phía Nam Hong Kong và phát triển mỏ Peng Lai (Bành Lai) ở Vịnh Bột Hải. Ngửi mùi chiến thắng, Bắc Kinh mở rộng chiến dịch. Cũng trong tháng đó, Bộ Ngoại Giao phàn nàn với chính phủ Nhật Bản về các hoạt động của tổ hợp gồm Idemitsu, Nippon Oil và Teikoku Oil, họ đang lập kế hoạch công tác khảo sát địa chấn ở hai Lô 5.1b và 5.1c (cạnh các lô của BP). Theo báo cáo của đại sứ Mĩ tại Tokyo do Wikileaks công bố, chính phủ Nhật Bản đã quyết định không đưa đẩy vấn đề này với Bắc Kinh và trong tháng 7, tập đoàn Nhật Bản đình chỉ kế hoạch của mình.[24] Đầu tháng 8 năm 2007, giám đốc điều hành Chevron đã được toà đại sứ Trung Quốc ở Washington DC triệu tập đến và yêu cầu ngừng việc thăm dò của công ti ở Lô 122 của Việt Nam. Thông điệp được lặp lại một cách mạnh mẽ hơn tại một cuộc họp khác ở Bắc Kinh vào tuần sau. Yêu cầu này có vẻ thái quá. Lô 122 nằm ngay ngoài khơi bờ biển Việt Nam và chắc chắn trên thềm lục địa VN. Tuy nhiên, Chevron đã kí một hợp đồng rất lớn thuê nhượng khí ở Tứ Xuyên với PetroChina và có nhiều thứ để mất. Chevron đã đình chỉ hoạt động tại Lô 122 trước cuối tháng.[25] Ngày 8 tháng 9, toà lãnh sự Trung Quốc tại Houston gửi cho một công ti dầu khí khác, Pogo, một lá thư bảo họ ngừng công việc tại Lô 124, cách lô 122 50 km về phía Nam.

Năm 2007, TQ ép Chevron ngưng thăm dò Lô 122 và Pogo ngưng công việc ở Lô 124 sát bờ biển VN

Madame Fu rõ ràng rất hài lòng với BP vì vào ngày 31 tháng 8 năm 2007, bà đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt tới tận nơi sản xuất dầu trên bờ biển Wytch Farm của công ti ở miền Nam nước Anh, ở đó bà gợi ý rằng ‘hai bên có thể thực hiện trao đổi và hợp tác nhiều hơn nữa.’ Bất thường đối với chuyến viếng thăm ở Dorset, người tiếp bà là John Hughes, phụ trách Châu Á Thái Bình Dương của BP. Ông đã đặc biệt đề cập đến hi vọng của BP ‘thực hiện hợp tác chiến lược với các công ti dầu khí lớn của Trung Quốc’.[26] Nhưng Bắc Kinh đã chưa tới hồi kết với BP. Bước tiếp theo là cố gắng sử dụng công ti để thúc ép chính phủ Việt Nam nhượng bộ chủ quyền. Theo một nhân vật cao cấp BP trong cuộc, chính phủ Trung Quốc đề nghị công ti tạo điều kiện để có các cuộc thảo luận giữa CNOOC và PetroVietnam về việc cùng phát triển ở Lô 5.2 và Lô 5.3 kế cận. Động cơ của CNOOC vừa lợi nhuận vừa chính trị: Chủ Tịch Công Ti Fu Chengyu (Phó Thành Ngoc) có tham vọng cao. Trụ sở chính của CNOOC tại Bắc Kinh đối diện trực tiếp với Bộ Ngoại Giao, Bộ chủ quản của Fu Ying, qua ngã tư đường Chaoyangmen (Chiêu Dương Môn). Trong hai năm 2007 và 2008, trục Fu-Fu (Phó Oánh- Phó Thành Ngọc) dường như là hai mặt của cùng một chính sách.

Thật ra đây là lần thứ hai mà CNOOC buộc BP làm trò mai mối: đã có một nỗ lực trước đó vào năm 2003. Sau đó, BP giới thiệu CNOOC cho PetroVietnam rồi quay đi. PetroVietnam đã lịch sự vui vẻ bàn luận một số chủ đề chung trong vài tháng cho đến cuối cùng họ nói thẳng rằng họ vui vẻ đón nhận CNOOC làm đối tác thương mại nhưng không thể nào trở thành đồng quản trị của các lô dầu khí của Việt Nam. Khi CNOOC quay lại cuộc đấu trong năm 2007, ông Fu đã có cái gì cụ thể hơn trong đầu: cổ phần trong hai lô 5.2 và 5.3. Cũng giống như các thỏa thuận mà Randall Thompson đã đề xuất thay mặt cho Crestone 15 năm trước, đó phải là một sắp đặt có hiệu quả - dưới vỏ bọc của việc ‘cùng phát triển’ – hàm ý công nhận quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong vùng tranh chấp. Và lần này BP sẽ không được phép khoanh tay đứng ngoài các cuộc thảo luận. Thực tế, BP được sử dụng như một cánh tay trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Ban Quản Trị cấp cao của BP ở London dưới quyền Tony Hayward dường như mù mờ về lịch sử và địa chính trị của tình hình mà bây giờ họ thấy mình rơi vào. Công ti tiếp tục hoạt động trên cơ sở rằng điều này có thể chỉ là một cuộc làm ăn mạo hiểm khác, rằng CNOOC có thể bị mua chuộc với một thỏa thuận thương mại và rằng tranh chấp chủ quyền có thể để cho các chính phủ xử lí. Công ti dường như không nhận ra rằng đó chính là tranh chấp chủ quyền. Trong hơn một năm Gretchen Watkins và các giám đốc điều hành khác bay qua lại giữa Hà Nội và Bắc Kinh chuyển các thông điệp giữa hai công ti dầu khí nhà nước. BP đề xuất phát triển các dự án ở các khu vực mới, các dự án có lợi ích đối ứng cho cả hai bên, và tin chắc rằng một thỏa thuận có khả năng xảy ra. BP thậm chí đổi chức danh của Watkins thànhTổng Giám Đốc Thăm Dò và Sản Xuất BP Việt Nam và Trung Quốc. Không ngạc nhiên là chẳng có tiến bộ nào. Việt Nam không lung lay về chủ quyền còn CNOOC chẳng quan tâm đến thỏa thuận thương mại. Nhưng phải mất vài tháng để Hayward và nhóm của ông cuối cùng mới hiểu được. Họ quan tâm nhiều hơn nữa tới mỏ tiềm năng rất lớn mở ra ở Vịnh Mexico. Đối với họ, Đông Nam Á là một màn diễn phụ.

Watkins và ban quản trị khu vực của BP đã cố tìm lối thoát. Họ biết họ không thể đáp ứng nghĩa vụ hợp đồng để hoàn thành khảo sát địa chấn vào cuối năm 2008. Thay vào đó, vào đầu năm đó, BP và ConocoPhillips lặng lẽ chuyển quyền tác nghiệp hai Lô 5.2 và 5.3 cho PetroVietnam. Họ tiếp tục sở hữu quyền đối với hai lô này nhưng việc xếp đặt này có nghĩa là họ có thể tránh việc phái tàu của họ vào vùng biển tranh chấp. Ngày 13 tháng 5 năm 2008, Watkins thông báo cho đại sứ Mĩ Michael Michalak mới được bổ nhiệm tới Hà Nội về sắp xếp này, nói với ông rằng BP và ConocoPhillips không có kế hoạch báo chính phủ Trung Quốc về sự thay đổi trong vai trò tác nghiệp.[27] Hai tuần sau đó, nhà chính trị quyền lực nhất ở Việt Nam, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đã đến Bắc Kinh hội đàm trong ba ngày. Cùng đi với ông là Chủ Tịch PetroVietnam, đã có các cuộc thảo luận riêng với Chủ tịch Fu của CNOOC. Sau đó ông Fu đã đến Hà Nội để đàm phán với PetroVietnam nhưng vẫn không có bước đột phá. Tin tức về cuộc khảo sát của PetroVietnam đã rò rỉ ra trong tháng 7 nhưng Trung Quốc dường như quá bận tâm với Olympic Bắc Kinh sắp xảy ra để có bất kì hành động đáp trả nào.[28]

Mọi thứ với Watkins đã quá đủ. Sự phát triển mỏ khí đốt đã bị đình trệ và toàn bộ kĩ năng của cô không bao gồm các cuộc đàm phán địa-chính trị. Sự nghiệp của cô không đi đến đâu với BP Việt Nam vì vậy, vào tháng 7 năm 2008, cô đã đánh đổi vai cỡ trung trong một tập đoàn khổng lồ để lấy một vai lớn hơn trong tập đoàn tương đối nhỏ, là Phó Chủ Tịch Điều Hành Sản Xuất Quốc Tế cho Marathon Oil, một công ti với ít tranh chấp chủ quyền phải xử lí. Kế nhiệm cô là một người Mĩ khác, Luke Keller, cựu chủ tịch của công ti con Atlantic Richfield của BP và có nhiều năm kinh nghiệm với các chính phủ hay tranh cãi, từ Texas tới Azerbaijan. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ban quản trị của BP đã nhận ra là trò chơi đã mãn và vào cuối tháng 11 năm 2008 họ đã bắn tin cho PetroVietnam. BP muốn rút ra. BP lặng lẽ chuyển không cổ phần của mình trong hai Lô 5.2 và 5.3 cho PetroVietnam và xoá sổ $ 200 triệu họ đã đầu tư vào chúng. Quyết định này buộc ConocoPhillips cũng làm như vậy vào tháng 12. Madame Fu đã giành thắng lợi cuối cùng.

BP có thể nào chơi khác đi không? Kinh nghiệm của một công ti dầu khí khác - lớn nhất thế giới - cho thấy họ có thể. ExxonMobil cũng nhận các đe dọa từ nhà chức trách Trung Quốc - và họ cứ phớt lờ. Trong nhiều năm, ExxonMobil không thành công bằng BP trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc. Vốn đầu tư lớn duy nhất của họ là 22,5 % cổ phần trong một dự án lọc dầu và hóa dầu ở Phúc Kiến. Toà Lãnh sự Hoa Kì ở đó lưu ý rằng dự án này đã có nhiều điều phải làm với các mối quan hệ và vốn chính trị tiềm năng mà họ trao cho chính phủ Trung Quốc hơn bất kì đóng góp quan trọng nào từ ExxonMobil. Ngay cả các vị trí của dự án, ngay trong vùng biển ngang Đài Loan, đã được xem như là một phương tiện để đạt được đòn bẩy ngoại giao tác động lên Hoa Kì nếu như có bất cứ một cuộc khủng hoảng nào giữa Bắc Kinh và Taipei (Đài Bắc).[29] Công ti cũng có các con bài khác để chơi. Trung Quốc gần như vô vọng trong việc tăng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và ExxonMobil đã phát triển một dự án lớn ngay trên biên giới Đông Bắc của TQ trên đảo Sakhalin của Nga.  Gazprom, đối tác Nga của nó, muốn bán khí đốt trong nước nhưng ExxonMobil muốn xuất khẩu. Bắc Kinh khó thể nào xa lánh Exxon quá nhiều. Quan trọng không kém, và hoàn toàn trái ngược với các công ti của Anh và Nhật Bản, ExxonMobil có thể dựa vào chính phủ Hoa Kì để tạo sức ép cho vụ việc của mình với nhà chức trách Trung Quốc.

Tháng Giêng năm 2008, người đứng đầu mới về thăm dò đến Việt Nam: Russ Berkoben. Ông làm việc với ExxonMobil 32 năm, trong đó có thời gian làm người đứng đầu thăm dò ở Trung Quốc. Ngay sau đó công ti đã kí một bản ghi nhớ với PetroVietnam để thăm dò các Lô 156 đến 159. Hai lô xa nhất ngoài khơi mà Việt Nam chưa từng cho thuê nhượng. Góc Đông Nam của Lô 159 cách bờ biển Việt Nam hơn 500 km – nằm ngay trong vùng biển tranh chấp. ExxonMobil cũng đang đàm phán nghiêm túc về việc thuê nhượng các Lô 117, 118 và 119 chỉ ngay ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam. Ngày 20 tháng 7 năm 2008, Greg Torode của báo South China Morning Post ở Hong Kong đưa tin rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Washington đã cảnh cáo ExxonMobil rằng triển vọng làm ăn của họ tại đại lục Trung Quốc có nguy cơ bị mất.[30] Người cung cấp tin cho Torode là một quan chức cấp cao của Chính Phủ Obama, vốn đã được một giám đốc điều hành của ExxonMobil báo cáo tóm tắt.

Vào cuối tháng 8 có vẻ như người Trung Quốc đã coi sự việc nghiêm trọng. Liên doanh theo kế hoạch của ExxonMobil về xây dựng một cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng $1 tỉ tại Hong Kong đã bất ngờ bị hủy bỏ. Giám đốc điều hành công ti nói với các nhà ngoại giao Mĩ họ không nghĩ rằng lí do là từ tranh chấp Việt Nam - thỏa thuận này đã bị các nhà hoạt động môi trường địa phương phản đối mạnh - nhưng có vẻ rằng người Trung Quốc đã lợi dụng để đe dọa. Sau đó, trớ trêu là ExxonMobil lại bị Việt Nam trừng phạt bởi vì họ đang bị Trung Quốc trừng phạt. ExxonMobil đã đàm phán với PetroVietnam trong hơn một năm về 4 lô (các Lô 129-132, giữa Lô 156 và bờ biển) nhưng tháng 10 năm 2008 PetroVietnam lại trao chúng cho Gazprom của Nga. Berkoben nói với Đại sứ Michalak rằng PetroVietnam sợ rằng ExxonMobil sẽ chịu thua dưới áp lực của Bắc Kinh.[31] Tháng 7 năm 2008, các nhà ngoại giao Nga đã nói với đối tác Mĩ rằng Trung Quốc chẳng gây sức ép nào lên các công ti Nga - và có lẽ các nhà chức trách Việt Nam cũng biết được điều đó.[32]

ExxonMobil không phải là công ti duy nhất coi thường sự cưỡng ép của Trung Quốc. Công ti năng lượng ONGC Videsh của Ấn Độ (một đối tác với BP tại lô 6.1 và cũng là người thuê các lô 127 và 128), KNOC của Hàn Quốc và một số công ti nhỏ hơn không có nhiều lợi ích ở Trung Quốc - như Premiers của Anh và Talisman của Canada - cũng phớt lờ TQ. Bắc Kinh đã thử những cách khác để gây sức ép. Tháng 10 năm 2007, Mike Bruce, Giám Đốc Tài Chính của Pearl Energy ở Singapore, nhận được một cú gọi từ toà đại sứ Trung Quốc. Nhà ngoại giao nói với Bruce rằng công ti của ông đã tiến hành thăm dò trái phép trong vùng biển của Trung Quốc và mời ông đến đại sứ quán để thảo luận. Bruce từ chối và thay vào đó mời phía Trung Quốc đến chỗ của ông. Một vài ngày sau, một đoàn đại biểu đến đúng hẹn và báo cho nhà quản trị Pearl Energy rằng họ đã biết công ti đã có một tàu khảo sát đang ở hiện trường (tại Lô 6.94, gần như bao quanh Lô 6.1 của BP). Theo Bruce, họ doạ sẽ gây sức ép lên Chính Phủ Singapore vì Pearl được niêm yết trên thị trường chứng khoáng Singapore. Nhưng khi Bruce báo với họ rằng Pearl không còn trên danh sách ở Singapore sau khi được Aabar Energy của Abu Dhabi mua lại một năm trước đây, mặt họ thụng xuống. ‘Ô, thế thì khác,’ người phụ nữ dẫn đầu nhóm nói và Pearl chẳng bao giờ nghe thấy họ lần nữa.

Đến đầu năm 2009, công ti duy nhất có quyền lợi ở Trung Quốc vẫn còn khai thác ngoài khơi Việt Nam là ExxonMobil. Ngày 30 tháng 6, họ đã kí một hợp đồng phân chia sản phẩm với PetroVietnam cho hai nhóm lô (các Lô 156-159 ở phía Đông Nam hoang sơ và các Lô 117, 118 và 119 ngoài khơi Đà Nẵng), khiến họ trở thành chủ sở hữu diện tích ngoài khơi lớn nhất ở Việt Nam. Một tuần trước đó Russ Berkoben đã đến Đại sứ quán Mĩ tại Hà Nội giải thích rằng buổi lễ sẽ được tổ chức im ắng để tránh làm Trung Quốc tức giận. Ông nhận là không biết chắc về phản ứng có thể có của họ nhưng nói ExxonMobil đã ‘sẵn sàng nếu Trung Quốc phản ứng.’ Phần thưởng của Berkoben tới chỉ hơn một năm rưỡi sau đó, vào tháng 10 năm 2011, khi công ti tìm được trữ lượng khí đốt tiềm năng rất lớn tại Lô 118. Công việc thăm dò vẫn tiếp tục trong các lô khác.

Với công ti ExxonMobil ngoại lệ, mọi công ti dầu bị buộc phải lựa chọn hoặc hoạt động tại Trung Quốc, hoặc trong vùng biển do một trong các nước khác tuyên bố chủ quyền. ConocoPhillips đã bỏ hai Lô 5.2 và 5.3 vào tháng 12 năm 2008 nhưng vẫn giữ cổ phần trong hai lô khác ngay cạnh bờ biển Việt Nam, cách xa mọi rắc rối với Trung Quốc. Tháng 2 năm 2012, họ rời khỏi đất nước này hoàn toàn để chú tâm vào các liên doanh nhiều lợi nhuận hơn. Chevron giữ lại 20 % cổ phần của mình tại Lô 122 nhưng đình chỉ tất cả các hoạt động ở đó cho đến khi bán xong hết vào đầu năm 2013. Điều đó có vẻ làm Bắc Kinh hài lòng vì vào năm 2010, Chevron đã được trao cổ phần ở ba giếng ở phần phía Bắc Biển Đông, ngoài khơi đảo Hải Nam.[33] Vào lúc viết sách, giữa năm 2014, được biết Chevron đang cố gắng để giảm đi sự quan tâm còn lại của nó ở VN - hai lô ngoài khơi bờ biển phía Tây Nam, gần biên giới biển với Indonesia và Malaysia.

BP vẫn làm ăn ở Việt Nam, điều hành công việc ban đầu chuyển khí-ra-điện từ Lô 6.1. Nhưng sau đó, vào tháng 7 năm 2010, vận đỏ ở Vịnh Mexico của Tony Hayward biến thành thảm họa. Công ti này bất thình lình cần $ 30 tỉ để trả tiền bồi thường sau vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon và dầu tràn. Ngày 18 tháng 10 năm 2010, BP bán nguồn lợi của mình ở Việt Nam và Venezuela cho TNK-BP, liên doanh Nga của họ, với giá tổng cộng $ 1,8 tỉ. Có lẽ họ cảm thấy người Nga có thể chịu được nhiệt. BP đã có một sứ mạng khác cho bàn tay bình ổn của Luke Keller. Ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ Tịch Điều Hành Tổ chức Phục Hồi Bờ Vịnh của BP- giúp làm sạch đống ngổn ngang dầu tràn. Một vài tuần trước vụ bán, ngày 21 tháng 9 năm 2010, Tony Hayward đã gặp Phó Oánh một lần nữa. Sau những thành công ở London, bà đã được bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc. Hayward mang theo người kế nhiệm Bob Dudley. Đó là một trong những nhiệm vụ chính thức cuối cùng của Hayward cho BP. Chín ngày sau đó, ông không còn Giám đốc điều hành nữa.

Số phận Fu Chengyu không được chức cao cũng không bị thất sủng. Mặc dù đã gây sức ép nhiều mặt, CNOOC một lần nữa đã thất bại trong việc nắm quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên dầu tiềm năng quanh những chốn xa xôi ở Biển Đông. Không có phần thưởng chính trị nào cho người lãnh đạo đầy tham vọng của công ti. Giải khuyến khích của ông là vào tháng 4 năm 2011, được điều sang Sinopec, công ti lọc dầu lớn nhất châu Á và là một đối thủ lờ đờ của CNOOC. Tài kinh doanh của ông Fu là rõ ràng: lợi nhuận CNOOC đã tăng gấp 5 lần trong thời gian ông điều hành, Đảng Cộng sản Trung Quốc cảm thấy ông sẽ đáng giá hơn trong vai nhà chỉnh đốn công nghiệp chứ không phải trong vai người gở rối địa chính trị.

***********

Đến cuối năm 2010 chiến dịch của Bắc Kinh đã buộc BP và ConocoPhillips phải ngừng thăm dò bên trong ‘đường chữ U’ và JMSU đã tạo một tiền lệ về lựa chọn mà Trung Quốc ưa thích hơn. Tuy nhiên, chính phủ mới ở Philippines và các chính phủ cũ tại Việt Nam, Brunei và Malaysia đã không lung lay về chủ quyền, và sự cám dỗ của lợi nhuận tiềm năng vẫn đủ mạnh để thu hút các công ti khác, ít lo lắng hơn bởi áp lực của Trung Quốc, thử đưa tay vào vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh đã dùng cạn hết đòn bẩy thương mại, nên bây giờ việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ sẽ đòi hỏi những kĩ thuật ít tinh tế hơn.

Ngày Thứ Tư 2 tháng 3 năm 2011, tàu khảo sát địa chấn MV Veritas Voyager (do công ti địa vật lí Pháp CGG Veritas làm chủ) đã bắn súng áp suất mạnh trên khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), khu biển cạn ngoài khơi cách Palawan khoảng 160 km. Bốn sợi cáp thuỷ âm dài 2.700 mét kéo phía sau, thu nhặt sóng âm phản xạ lại từ các lớp đá hàng ngàn mét dưới đáy biển. Ngồi trong trung tâm chỉ huy hoạt động chiến đấu ở Puerto Princesa, thủ phủ tỉnh Palawan, Trung tướng Juancho Sabban, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Miền Tây Lực Lượng Vũ Trang Philippines, đang chờ một điều gì đó xảy ra. Tàu Voyager đã khảo sát được gần hai tháng và các thông báo cảnh báo về các hoạt động của nó được đăng trên website tuần duyên. Đoàn khảo sát trên tàu đã nhìn thấy một tàu Trung Quốc vào ngày 28 tháng 2 và ngày hôm sau đã nhận được sự hộ tống không mong muốn. Một tàu Hải Giám Trung Quốc (CMS) đã đến cách Voyager khoảng 100 mét và ra lệnh cho nó rời đi.

Tàu Voyager đang hợp đồng với công ti Forum Energy đăng kí ở Anh (dù do Philippines kiểm soát). Năm 2005, ngay khi cuộc khảo sát của JMSU nói ở trên sắp bắt đầu, Forum tiếp nhận một lô thăm dò từ công ti Sterling Energy của Anh - ngay ở giữa khu vực của JMSU. Eduardo Manalac đã đảm bảo với đối tác Trung Quốc rằng việc thuê nhượng thăm dò của Forum sẽ được phép kéo dài thêm một ít nữa nhưng những người khác trong chính phủ Philippines bị lung lay do vận động của Forum. Ngày 10 tháng 2 năm 2010, hợp đồng thuê đã được nâng thành một hợp đồng dịch vụ đầy đủ, SC72. Manalac rất tức giận còn Forum thì hớn hở. Các cuộc khảo sát trước đó đã gợi ra rằng khu mỏ tiềm năng Sampaguita bên trong lô này chứa 3,4 nghìn tỉ feet khối khí đốt. Bây giờ chỉ cần định ra chính xác chỗ để khoan.

Voyager tiếp tục khảo sát, mỗi ngày Chủ Tịch Ray Apostol của Forum đều tiếp xúc với Tướng Sabban. Ngày 2 tháng 3, ông gọi Sabban trong hốt hoảng. Hai tàu Hải Giám (71 và 75) đã chạy ngang mũi tàu Voyager và ra lệnh cho nó rời khỏi khu vực. ‘Chúng tôi đang xếp mọi thứ lại’, ông nói với viên tướng. Sabban bảo ông ta ra lệnh cho đoàn khảo sát ở lại và hai máy bay định vị không vũ trang OV10 bay lên. Khi họ đến khu vực này, hai giờ sau đó, các tàu Trung Quốc đã biến mất. Sau đó, ông triển khai tàu quét mìn BRP Rizal, đóng vào năm 1944, và BRP Rajah Humabon, đóng vào năm 1943. Hai tàu này đã cũ nhưng đủ tác dụng làm các tàu Hải Giám tránh xa Voyager thêm bảy ngày nữa, cho phép nó để hoàn thành khảo sát trước thời hạn.

Mười hai tuần sau đó, Hải Giám đã thử dùng một chiến thuật hung hăng hơn ở phía bên kia biển. Tàu khảo sát Bình Minh, thuộc công ti liên doanh giữa PetroVietnam và CGG Veritas, đang làm việc tại Lô 148, cách cảng Nha Trang của Việt Nam 120 km về phía Đông. Sáng sớm ngày 26 tháng 5 năm 2011 ba tàu Hải Giám 12, 17 và 84, xuất hiện ở chân trời và sau đó tới gần. Hai tàu đánh cá đang canh chừng tàu Bình Minh nhưng không thể bảo vệ toàn bộ sợi cáp 17 000 mét kéo sau nó. Tàu Hải Giám 84 chạy băng ngang qua sợi cáp, cố ý cắt đứt nó. May mắn cho Việt Nam, sợi cáp thuỷ âm nhiều triệu đô la có trang bị phao cấp cứu đã đưa nó lên trên mặt nước để phục hồi. Hư hại đã được sửa chữa và tuần sau đó Bình Minh 02 trở ra biển đi kèm với 8 tàu hộ tống.

Hai tuần sau đó, một tàu địa chấn khác, lần này hợp đồng chung của PetroVietnam và công ti Talisman của Canada, đã bị chặn phá tại Lô 136-03, ở phía cực Đông Nam vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) do Việt Nam tuyên bố của mình. Lô này ở ngay phía Nam 3 lô mà ConocoPhillips đã bỏ hồi năm 2008 và bao gồm một phần lô WAB-21 của Randall Thompson. CGG Veritas cũng là chủ tàu này, chiếc Veritas Viking 2. Tuy nhiên, lần này, kẻ tấn công không phải là Hải Giám mà là Ngư Chính (FLEC) Trung Quốc. Và lần này, Trung Quốc đưa ra một nguyên cớ phức tạp để biện minh cho việc cắt cáp. Một đội nhỏ tàu cá Trung Quốc xuất hiện trong khu vực khảo sát và cứ ở lại đó bất chấp cảnh báo từ một tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam yêu cầu rời đi. Ngày hôm sau, 9 tháng 6, lúc các tàu Ngư Chính 303 và 311 chạy phía trước tàu Viking thì tàu đánh cá số 62226 chạy băng ngang các sợi cáp phía sau. Lưới tàu đánh cá bị vướng và tàu bị kéo ngược trên biển. Sau đó, các tàu Ngư Chính vội vả đến giúp tàu đánh cá cắt các cáp truyền theo điều mà nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố sau này là một hành động tự bảo đảm an toàn.

Ba sự cố này trong nửa đầu năm 2011 đã kích động làn sóng chỉ trích giận dữ khắp Đông Nam Á và bên ngoài về việc ‘bắt nạt’ của Trung Quốc. Bốn sự cố khác tiếp sau: Bình Minh 02 bị cắt cáp lần thứ hai vào ngày 30 tháng 11 năm 2012 tại Lô 113 (gần Quần đảo Hoàng Sa, do Gazprom thuê) và hai sự cố khác trong EEZ của Malaysia ngoài khơi đảo Borneo ngày 21 tháng 8 năm 2012 và một sự cố khác nữa ngày 19 tháng 1 năm 2013 trong đó tàu của chính phủ Trung Quốc đã ngăn chặn công việc khảo sát dầu.[34] Một số người chộp lấy những hành động này của các cơ quan phụ trách biển của Trung Quốc như là bằng chứng về ý định thù địch của Bắc Kinh. Họ cũng cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy rằng nhiều bộ phận của nhà nước Trung Quốc - CNOOC, Hải giám và Ngư Chính - coi ‘đường chữ U’ là một yêu sách thực đối với 80 % Biển Đông. Tất cả các sự cố đều xảy ra ở cách xa bất kì thể địa lí nào mà Trung Quốc có yêu sách và do đó dường như không phù hợp với bất kì đòi hỏi nào dựa trên UNCLOS. Khi chỉ trích tăng lên, lãnh đạo Bắc Kinh dường như đã nhận ra rằng Hải Giám và Ngư Chính đã đi quá xa. Tháng 3 năm 2013, chính phủ công bố kế hoạch đưa tất cả các cơ quan phụ trách biển khác nhau (Cục Hải dương Quốc Gia, bao gồm Hải giám Trung Quốc, thuộc Bộ Đất Đai và Tài Nguyên; Hải Cảnh Trung Quốc, thuộc Bộ Công An; Cục An Toàn Hàng Hải, thuộc Bộ Giao Thông; Ngư Chính thuộc Bộ Nông nghiệp; và Tổng cục Hải quan) dưới sự quản lí duy nhất. Kể từ đó, ít nhất cho đến thời điểm viết sách, chưa có thêm những sự cố như vậy.

Chiến lược này thành công đến mức nào? Loại Việt Nam ra - nó đã thất bại: cắt cáp không ngăn được việc tiếp tục thăm dò và Talisman dự kiến sẽ khoan ở Lô 136-03 vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, ngoài khơi Philippines chiến lược đó có hiệu quả hơn nhiều. Forum không thể bắt đầu khoan trên khu vực Bãi Cỏ Mây và trong điều kiện Philippines không có khả năng dùng sức mạnh bảo vệ yêu sách của mình với những tàu chiến cũ kĩ, Trung Quốc bây giờ, trên thực tế, đã thiết lập được việc ngăn cấm đối với sự phát triển ở đó. Ban quản trị Forum đã tham gia vào nhiều cuộc thảo luận dài với CNOOC, nhưng vào thời điểm viết sách, không có dấu hiệu của bước đột phá. Các nhà chính trị Philippines có một sự lựa chọn: họ sẽ xuống nước về chủ quyền để cải thiện an ninh năng lượng không? Bảo vệ yêu sách lãnh thổ với hi vọng giành được phần trăm tài nguyên trong tương lai nhưng trong khi chờ đợi không có được gì cả là tốt hơn; hoặc bây giờ thỏa hiệp với hi vọng được nhanh chóng chia một phần của một cái gì đó là khôn ngoan hơn?

**********

CNOOC và các cơ quan khác của Bắc Kinh đã thực hiện những nổ lực to lớn để cố giành được quyền tiếp cận với các nguồn tài nguyên hydrocarbon xung quanh Biển Đông. Nhưng đổi lại tất cả các nỗ lực đó họ có khả năng nhận lại cái gì? Một trong những nơi tốt nhất để đánh giá thật khách quan về tiềm năng dầu khí của Biển Đông là quán rượu Penny Black ở khu nhìn ra biển cũ ở Singapore. Đó là một nơi bia rượu ồn ào với các bàn luận thể thao là chính. Nhưng cái ồn ào ngang ngạnh lại xen lẫn với một kiến thức sâu sắc về các cấu trúc địa chất. Penny Black là nợi tụ họp của một nhóm nhỏ các chuyên gia tư vấn địa chất và địa vật lí, những người đã dành nhiều thập kỉ khảo sát các vùng Biển Đông Nam Á. Hầu hết họ là người Anh trong độ tuổi bốn và năm mươi, thành viên của the Southeast Asia Petroleum Exploration Society (SEAPEX: Hội Thăm Dò Dầu Đông Nam Á), và họ có thể đã và đang làm việc cho tất cả những ai đã từng cố tìm hydrocarbon trong khu vực này. Họ đã nhìn thấy hàng chục công ti nhảy vào khu vực này và hầu hết đều khập khiễng bước ra. Họ đã giúp một số làm ra tiền và một số khác nhận ra chẳng còn gì để làm ra tiền. Sinh kế của họ phụ thuộc vào việc giữ những bí mật thương mại và với nhiều tỉ đô la đặt cược họ không thể quá cụ thể nhưng nhiều gợi ý có thể được đưa ra cùng những cái lắc đầu.

Trí tuệ tập thể là đáng ngạc nhiên. Các chuyên gia này tin rằng các khu vực tranh chấp ở Biển Đông thực sự chứa tương đối ít dầu và khí đốt. Phần lớn các nguồn tài nguyên biển đều nằm bên ngoài ‘đường chữ U’. Có một số mỏ tốt và mỏ tiềm năng đáng chú ý bên trong khu vực Trung Quốc yêu sách, nhưng các nhà địa học của Penny Black tin rằng khả năng này là không đáng tạo ra ồn ào khu vực này. Một sự hiểu biết đúng đắn sẽ đòi hỏi trình độ cử nhân địa chất nhưng lời giải thích lúc trà dư tửu hậu là các khảo sát địa chấn đang tìm kiếm ba điều: đá [mẹ] sinh dầu (souce rock for hydrocarbon), bể chứa (reservoir), nơi mà hydrocarbon có thể tích chứa ở đó và tầng chắn (seal) để đảm bảo rằng chúng không biến đi. Chỉ có một vài nơi trong quần đảo Trường Sa là có đủ ba điều này. Trong kỉ Miocene, 30 triệu năm trước, nhiều rạn san hô lớn đã hình thành trên biển, và khi lớp vỏ trái đất di chuyển và mực nước biển thay đổi, các rạn san hô này cao dần lên, hình thành các bãi đá carbonate dầy. Những đá carbonate xốp và dầu khí vốn có thể đã được hình thành trong các kỉ trước có thể đã bị bốc hơi hoặc trượt đi. Với lớp carbonate dày lên đến 3 000 mét, rất khó để có được các khảo sát chính xác về những gì nằm bên dưới. Nếu không có một khảo sát chính xác, ai sẽ mạo hiểm hàng triệu đô la cần cho việc khoan một giếng dầu?

Ở trung tâm khu vực tranh chấp, có tin thậm chí còn tồi tệ hơn. Chỗ cuối thềm lục địa, đáy biển tụt mạnh từ 200 mét xuống 2 000 mét và xuống sâu tới 6 000 mét ở một số nơi. Sau nhiều năm làm việc trên hàng chục dự án, kể cả cho khảo sát bị gián đoạn năm 2011 của Forum, Jon Savage biết Biển Đông cũng rõ gần như Penny Black. Lời phán của ông về vùng biển sâu là gì? Đó chủ yếu là lớp vỏ đại dương, không có đá mẹ cho dầu và khí đốt, không có bể chứa để dầu khí có thể tích chứa trong đó và không có tầng chắn để ngăn rò rỉ. Tóm lại, ‘không có tiềm năng dầu khí’, ông nói trong một hôi nghị tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11 năm 2013.[35] Ý kiến đó được hầu hết tất cả mọi người trong ngành công nghiệp này chia sẻ. Vậy tại sao các nguồn của Trung Quốc tiếp tục làm ầm ĩ điều ngược lại?

Câu trả lời dường như nằm ở sự kết hợp của tín điều và cơ hội. Sau màn phô trương chào đón các cuộc khảo sát ban đầu của Trung Quốc trong thập niên 1980 và các thao tác của các cơ quan nhà nước chủ chốt trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng mới cho đất nước, quá nhiều người có lợi ích trong việc đề cao Biển Đông như là món thuốc chữa vạn năng cho năng lượng. Chẳng hạn, tháng 9 năm 1994, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Song Ruixang (宋瑞祥: Tống Thuỵ Tường), tuyên bố rằng Quần đảo Trường Sa ‘hứa hẹn một tiềm năng dầu là 30 tỉ tấn’ (khoảng 220 tỉ thùng).[36] Một khi mả các nguồn tin chính thức đã công bố thì những con số đều phải đúng - và là giải pháp cho khủng hoảng quốc gia - rất khó để cho bất kì quan chức nào khác tuyên bố chúng vô nghĩa. CNOOC được giao nhiệm vụ phát triển các nguồn dự trữ rộng lớn này và trở thành một tiếng nói mạnh mẽ trong hệ thống khuếch đại tiềm năng của Biển Đông. Trữ lượng có vẻ càng lớn thì lí do càng mạnh để giành thêm kinh phí từ nhà nước.

Nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa ‘tài nguyên’ (resources)- cái nằm dưới lòng đất - và trữ lượng (reserves) – phần có thể rút lấy được. Thông thường, có thể đưa khoảng 1/3 nguồn tài nguyên lên mặt đất về mặt kĩ thuật trong khi chỉ có thể đưa khoảng 1/10 lên mặt đất về mặt thương mại. Ước tính minh bạch và có thẩm quyền nhất mới đây về tiềm năng dầu khí của Biển Đông là từ US Geological Survey (USGS -: Cơ quan Khảo sát Địa chất của Mĩ ) hồi tháng 6 năm 2010 và US Energy Information Administration (Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng Mĩ) vào tháng 2 năm 2013. Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng ước tính Biển Đông chứa chỉ 11 tỉ thùng dầu và 190 nghìn tỉ feet khối khí đốt như là trữ lượng có thể khai thác thương mại được. Tức là nó có gần như cùng số lượng dầu với Mexico và cùng số lượng khí như ở Châu Âu (trừ Nga).[37] Dựa trên những gì được biết về địa chất của khu vực, USGS ước tính nguồn tài nguyên chưa được phát hiện vào khoảng 11 tỉ thùng dầu (với ước tính thấp và cao từ 5 đến 22 tỉ thùng) và 4 tỉ thùng khí tự nhiên lỏng – tổng số kết hợp là 15 tỉ thùng. USGS ước tính rằng nguồn khí chưa được khám phá có thể là quan trọng hơn - một con số từ 70 tới 290 nghìn tỉ feet khối. Như vậy, nguồn tài nguyên chưa được phát hiện có thể gần giống y như con số hiện tại của trữ lượng.[38]

Tuy nhiên, những con số này là cho toàn bộ Biển Đông, kể cả các khu vực nằm chắc trong EEZ của các nước khác. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ của những con số nói trên là nằm trong lãnh thổ tranh chấp và chỉ có 1/10 của tỉ lệ đó là thu hồi được về mặt thương mại. Những mỏ tiềm năng này có thể tạo ra một tác động đáng kể trong nền kinh tế của các nước nhỏ, các nền kinh tế nghèo như Philippines hay Việt Nam. Nhưng trong tình huống Trung Quốc tiêu thụ khoảng 3 tỉ thùng dầu và khoảng 5 nghìn tỉ feet khối khí tự nhiên mỗi năm, trữ lượng và tài nguyên của Biển Đông hầu như không đáng  với những hỗn loạn và căng thẳng (Sturm und Drang) phí ra cho chúng. Ngay cả khi mỗi giọt dầu và mỗi bóng khí đều được chuyển tới Trung Quốc thì chúng cũng chỉ cung cấp năng lượng cho nền kinh tế của đất nước này may lắm là trong một vài năm. Địa chất không thuận lợi lại ở vị trí dễ bị bão còn các cơ sở hạ tầng phục vụ thì kém phát triển. Tony Regan, cựu giám đốc điều hành Shell, hiện là chuyên gia tư vấn năng lượng đóng ở Singapore, nói thẳng thắng về các mỏ tiềm năng thương mại ở Biển Đông. ‘Khu vực này không bao giờ có ý nghĩa đối với các công ti dầu mỏ lớn và hiện nay họ cũng không tin nó là điều gì to tát kế tiếp. Có nhiều khu vực xa hấp dẫn hơn xa bên ngoài - Tây Úc và Đông Phi chẳng hạn và tất nhiên phải kể khí đốt từ các vỉa than và đá mềm theo quy trình mới.’[39] Nói cách khác, có những cách rẻ hơn và đáng tin cậy hơn để Trung Quốc giảm bớt nỗi lo của mình về an ninh năng lượng hơn là khuấy động Biển Đông.

Tất cả các nước trong khu vực đều đang lo ngại về an ninh năng lượng của mình. Nhu cầu đang tăng trong khi sản xuất lại giảm. Phát triển ở ngoài biển đang bị trì hoãn do các tranh chấp lãnh thổ và các mỏ mới Đông Nam Á đang được phát hiện chưa đủ để thay thế cho các mỏ đang suy giảm. Kết quả là việc nhập khẩu từ bên ngoài khu vực phình ra. Biển Đông hiện nay là quan trọng hơn nhiều cho hydrocarbon chuyển ngang qua nó so với cho hydrocarbon nằm bên dưới nó. Trong năm 2013, Cơ quan Thông tin Năng lượng tính toán rằng 1/3 lượng dầu thế giới và ½ khí tự nhiên hóa lỏng thế giới đã đi qua eo biển Malacca tới Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tính trung bình, mỗi ngày có hai tàu chở dầu thô loại cực lớn, mỗi chiếc chở 2 triệu thùng dầu, và hai tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng lớn, mỗi chiếc chở 200 000 mét khối phải đến Nhật Bản chỉ để cho việc thắp sáng.[40] Tất cả các nước Đông Á và Đông Nam Á đều dễ bị gián đoạn nguồn cung. Trong năm 2008 dầu chiếm 22 % tổng mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, một nửa số dầu đó được nhập khẩu và 85 % phần trăm lượng dầu nhập khẩu đi qua eo biển Malacca. Nói cách khác, gần 10% của nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc đi ngang qua Biển Đông. Tất cả những con số này đã tăng lên kể từ năm 2008 và có vẻ như còn tăng thêm nữa.[41]

Trong phần tư thế kỉ kể từ lúc Lí Bằng đưa ra nhận xét tại Singapore, cách tiếp cận của lãnh đạo Trung Quốc cho vấn đề năng lượng đã giả định rằng nước này phải kiểm soát thực tế các nguồn tài nguyên để dựa vào chúng. Điều này đã và đang là khuôn mẫu từ việc nhượng quyền cho Crestone cho đến JMSU đến các trận đánh bên trong ‘đường chữ U’. Có nhiều lựa chọn khác. Việc giảm căng thẳng đối với các yêu sách biển có thể cho các chính phủ sự tự tin lớn hơn rằng tự do hàng hải sẽ được bảo vệ. Một cách tiếp cận hợp tác hơn trong khu vực đối với việc cung cấp năng lượng có thể cho phép tất cả các nước phát triển các nguồn tài nguyên trong EEZ của chính mình và các công ti sẽ bán cho bất cứ nơi nào có nhu cầu lớn nhất. Khi đó, các chính phủ sẽ sẵn lòng tin cậy lẫn nhau trong việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng của mình được đến an toàn thay vì cố giữ độc quyền chúng bằng vũ lực. Nhưng niềm đam mê về Biển Đông đã tăng lên ở các nước xung quanh bờ biển và sự thỏa hiệp có vẻ ngày càng ít có khả năng xảy ra hơn.


* Bản đồ do người dịch vẽ minh hoạ thêm dùng Google Earth và bản đồ các lô dầu VN của IHS 2006

-------------------------------
Xem thêm: (bản song ngữ chương này)








[1] Nayan Chanda and Tai Ming Cheung, Reef Knots: China Seeks ASEAN Support for Spratly Plan, Far Eastern Economic Review, August 1990, 11.
[2] ‘Oil Discovered on Nansha Islands,’ Xinhua, 24 July 1987.
[3] China Daily, 24 December 1989.
[4] John W. Garver, China’s Push through the South China Sea: the Interaction of Bureaucratic and National Interests, The China Quarterly, no. 132 (1992), 9991028.
[5] Knut Snildal, Petroleum in the South China Sea – a Chinese National Interest?, Thesis, Department of Political Science, University of Oslo, 2000.
[6] Personal interview by telephone. 2 December 2013.
[7] Benton, Successful in 2 International Ventures, Plunges into Disputed China Play, Oilgram News, 13 December 1996. See also John R. Engen, Where Hope and Risk Go Hand in Hand, World Trade Magazine, February 1996.
[8] World Trade Magazine, February 1996.
[9] British Gas, Arco Begin Drilling in Area Claimed by Vietnam, The Oil Daily, 7 June 1994
[10] Crestone Begins Project in South China Sea Despite Dispute over Sovereignty of Area, The Oil Daily, 20 April 1994.
[11] Thomas Collins, Blue Dragon: Reckoning in the South China Sea (Vienna, Virginia, 2002), 116.
[12] Heat Builds and Vietnam and China Begin to Drill, Offshore, August 1994.
[13] Chan Wai-fong, PLA Flexes its Muscles for Vietnams Benefit, South China Morning Post, August 1994.
[14] Benton Oil And Gas Company Completes Acquisition of Crestone Energy Corporation, PR Newswire, 5 December 1996.
[15] ‘North Rail Project Launched, China Start Building Rail Project from Manila to Ilocos,’ Manila Bulletin, 6 April 2004.
[17] ‘RP, China to Push Formation of Asian Anti-Terror Alliance,’ Philippines Star, 1 September 2003.
[18] Oil Giants to tap Ocean Resources, Xinhua, 13 November 2003.
[19] Maria Eloise Calderon, Government Mulls Oil Search at Spratlys with China, Business World, 24 August 2004.
[20] Aileen S. Baviera, The Influence of Domestic Politics on Philippine Foreign Policy: The Case of PhilippinesChina Relations since 2004, RSIS Working Papers, no. 241 (Singapore, June 2012). Available at http://www.rsis.edu/publications/WorkingPapersWP241.pdf.
[21] ‘China, Philippines, Vietnam Get Seismic Data from South China Sea,’ Xinhua, 19 November 2005.
[22] Barry Wain, Manilas Bungle in the South China Sea, Far Eastern Economic Review, JanuaryFebruary 2008.
[23] US State Department Cable O7HANOI1119, ‘Conoco Phillips and BP Concerns About Projects in the South China Sea,’ 15 June 2007. Có thể xem tại http://www.wikileaks.org/plusd/cables/07HANOI1110_a.html.
[24] US State Department Cable 08TOKYO544, ‘Japan Plans No Action in South China Sea Dispute,’ 29 February 2008. Có thể xem tại https://www.wikileaks.org/plusd/cables/08TOKYO544_ a.html.
[25] US State Department Cable 07HANOI1599, ‘SinoVietnam Territorial Dispute Entangles Multiple Multinational Energy Firms,’ 7 September 2007. Có thể xem tại https://www.wikileaks.org/plusd/cables/07HANOI1599_a.html.
[26] ‘Fu Ying Visits Wytch Farm Oilfield of the [sic] British Petroleum,’ Chinese Embassy, London, 25 September 2007. Có thể xem tại http://www.chinese-embassy.org/uk/eng/EmbassyNews/2007/t377632.htm.
[27] US Embassy Cable 08 HANOI579, ‘BP Transfers Operatorship of South China Sea Blocks to PetrovietnamExploration Work Resumes,’ 16 May 2008. Có thể xem tại https://www.wikileaks.org/plusd/cables/08HANOI579_a.html.
[28] ‘Petrovietnam Surveying Oil Block Eyed by China’, Reuters, 22 July 2008.
[29] US State Department Cable07GUANGZHOU317, ‘The Tiger Sprints Ahead: Exxonmobil First Western Oil Major to Launch Fully Integrated Joint Venture in China,’ 9 March 2007. Có thể xem tại https://www.wikileaks.org/plusd/cables/07GUANGZHOU317_a.html.
[30] Greg Torode, Oil Giant Is Warned over Vietnam Deal, South China Morning Post, 20 July 2008.
[31] US State Department Cable 08HANOI1241, ‘Vietnam Negotiates Deal with Gazprom, Bypasses ExxonMobil, 6 November 2008. Có thể xem tại https://www.wikileaks.org/plusd/cables/08HANOI1241_a.html.
[32] US State Department Cable oSHANOI897, ‘Russian Concern about Chinese Pressure on ExxonMobil’, 4 August 2008. Có thể xem tại http://wikileaks.org/cable/2008/08/08HANOI807.html.
[33] Chevron Corporation, 2010 Supplement to the Annual Report, March 2011. Có thể xem tại http://www.chevron.com/documents/pdf/chevronzoioannualreportsupplement.pdf.
[34] Buku Bertemu Ruas, The RMN Against China Maritime Surveillance Agency, Malaysia Flying Herald blog, 16 April 2013. Có thể xem tại http://malaysiaflvingherald.wordpress.com/2013/04/16/buku-bertemu-ruas-the-rmn- against-china-maritime-surveillance-agency/.
[35] Jon Savage, Oil and Gas Potential of the Area, Seismic Activities to Date and the Delays to Hydrocarbon Exploration Caused by Disputes. Một bản sao của bài thuyết trình có thể xem tại http://cil.nus.edu.sg/wp/wp-content/uploads201106/Session-1-Jon-Savage-South-China-Sea-Conference-June-20111-pdf.pdf.
[36] ‘Minister Reveals Spratly Islands’ Oil Potential’, Xinhua, 5 September 1994.
[37] US Energy Information Administration, South China Sea Energy Brief, 7 February 2013. Có thể xem tại http://www.eia.gov/countries/regions-topics.cfm?fibs=scs.
[38] US Geological Survey, ‘Assessment of Undiscovered Oil and Gas Resources of Southeast Asia’, Fact Sheet 20103015, June 2010. Có thể xem tại http://pubs.usgs.gov/fs/2010/3015/pdf/FS10-3015.pdf.
[39] Phỏng vấn cá nhân. Singapore 4/6/2013.
[40] Japanese energy imports, 2012 figures: liquefied natural gas: 108.87 m³/365 days/ average LNG carrier size of 200,000 m³; oil: 3.65 million barrels a day / average VLCC of 2-million-barrel capacity. Xem http://www.reuters.com/article2013/04/04/lng-gas-japan-idUSL5NoCR3XZ20130404.
[41] Jian Zhang, ‘Chinas Energy Security: Prospects, Challenges and Opportunities’, Working Papers by CEAP Visiting Fellows, Brookings Institution Center for East Asia Policy Studies, no.54, July 2011.