Thursday, January 1, 2015

Bill Hayton - BIỂN ĐÔNG (Chương 2: Bản đồ và đường vẽ: từ 1500 đến1948)

Chương 2

Bản đồ và đường vẽ: từ 1500 đến1948

Maps and Lines: 1500 to 1948


Bill Hayton


Vào tháng 1 năm 2008, trong tầng hầm có kiểm soát độ ẩm và ánh sáng của Thư viện Bodleian ở Oxford, cách quần đảo Trường Sa khoảng 5 500 hải lí, Robert Batchelor mở một tài liệu khiến hiểu biết lịch sử của chúng ta về Biển Đông thay đổi tận gốc rễ. Đó là một bản đồ, dài một mét rưỡi ngang một mét bao gồm khu vực màì bây giờ chúng ta gọi là Đông Á và Đông Nam Á: từ Nhật Bản ở phía Đông Bắc cho tới Sumatra và Timor ở phía Nam. Đó cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Trong suốt 350 năm nằm trong thư viện, nó đã được nhiều người ngưỡng mộ vì các cảnh ‘sơn thuỷ’ tinh tế, biển màu xanh nhạt viền với tre, thông và cây đàn hương; đồi núi, sông suối và cây cối được vẽ ra như thấy trong đời thực. Nhưng điều Batchelor phát hiện ra mà chưa người nào khác nhận thấy trong nhiều thế kỉ, đó là một mạng lưới các đường nhạt tỏa ra từ cảng Tuyền Châu [Quanzhou] ở phía Nam Trung Quốc. Các đường đó nối Tuyền Châu với hầu hết các cảng trong vùng: từ Nagasaki đến Manila, Malacca và xa hơn nữa. Đáng ngạc nhiên hơn, mỗi tuyến đường được đánh dấu với các hướng dẫn hàng hải: góc hướng theo la bàn Trung Quốc và các chỉ dẫn về khoảng cách.

Điều mà Batchelor, một sử gia người Mĩ, đã phát hiện ra là một tài liệu hướng dẫn về các tuyến đường giao thương lớn của Châu Á. Nó xoá đi hình ảnh từng có về Trung Quốc thế kỉ XVII như một cường quốc hướng nội, cô lập. Thay vào đó, nó cho thấy một Trung Quốc can dự với biển và thông qua biển, đi tới thế giới rộng lớn hơn. Đó cũng là một hình ảnh của một khu vực không có rối ren vì biên giới chính thức, ở đó các vương quốc và thái ấp đều có dính dáng với nhau. Bản đồ đó là sản phẩm của thời đại khi mà biên giới giữa vua chúa (rulers) có tính chất hoàn toàn khác biệt với biên giới phân chia khu vực này hiện nay. Nhưng nó được vẽ vào một thời điểm mà bản chất của những biên giới đó bắt đầu thay đổi do các cuộc tranh giành giữa các đế quốc, và các cuộc tranh luận giữa các nhà tư tưởng ở phần bên kia trái đất. Những cuộc tranh giành và bàn luận đó đã đặt nền tảng cho luật quốc tế hiện đại và cũng áp đặt những ý tưởng mới về ranh giới vốn vẫn tiếp tục gây phiền nhiễu các vùng biển của Biển Đông ngày nay.

Gốc gác của chính bản đồ này làm sáng tỏ điều đó. Nó cho thấy Châu Âu và Châu Á đã trở nên nối kết mạnh mẽ dường nào, ngay cả vào khoảng năm 1600. Bản đồ được tặng cho Bodleian năm 1659 sau khi chủ nhân của nó, John Selden, một trong những nhà luật học quan trọng nhất ở nước Anh vào thế kỉ XVII qua đời. Trong di chúc của mình, Selden cho biết bản đồ đã được một thuyền trưởng người Anh lấy được dù ông không nói đó là thuyền trưởng nào. Sau nhiều năm nghiên cứu cần mẫn, Robert Batchelor tin rằng ông đã biết rõ chuyện. Vào mùa hè năm 1620, một con tàu của Công ti Đông Ấn (EIC) Anh tên Elizabeth, dừng lại ở Đài Loan và phát hiện trong số các hành khách của một tàu chở khách của Trung Quốc hoặc Nhật Bản có một hoa tiêu Bồ Đào Nha và hai linh mục Tây Ban Nha. Thuyền trưởng tàu Elizabeth, Edmund Lenmyes, dùng điều này để biện minh cho việc chiếm giữ con tàu cùng với hàng hóa và, Batchelor tin rằng, cả bản đồ này.[1] Selden nói trong di chúc của mình rằng thuyền trưởng Anh (dù ông ta là ai) đã treo giá chuộc thật cao nhưng từ chối trả lại cho chủ sở hữu của nó. Thuyền trưởng đó ắt hẵn phải thấy ra ngay lập tức giá trị của bản đồ đó.

Chúng tôi không biết Selden thu được bản đồ bằng cách nào nhưng ông từng là một nghị sĩ Quốc hội và quen biết nhiều nhà đầu tư quan trọng trong công ti Đông Ấn của Anh.[2] Robert Batehelor tin rằng bản đồ đã tới Anh vào năm 1624 sau một hành trình dài và khó khăn. Có lẽ nó đã được bán như chiến lợi phẩm hoặc làm quà tặng cho một người bảo trợ có ảnh hưởng. John Selden là một người nhận lí tưởng. Ông ở ngay trung tâm của giới tinh hoa chính trị và kinh doanh của nước Anh và là người đi đầu về tư duy pháp lí. Hiện nay ông được biết đến nhiều nhất do việc đưa ra một số các lập luận pháp lí đầu tiên cho các nước yêu sách vùng lãnh hải quanh bờ biển của mình. Điều ít được biết đến là đóng góp của Selden, một nền tảng quan trọng của luật quốc tế, bắt đầu với một cuộc tranh cãi về một loại cá nhỏ có dầu. Số phận của cá trích Châu Âu bị cuốn vào cuộc tranh giành để tiếp cận Châu Á. Đó là một trận chiến về tự do trên biển, tự do giao thương và thống trị kinh tế của thế giới, một cuộc chiến vốn bắt nguồn từ những khám phá một thế kỉ trước.

******

Việc Vasco da Gama đến Ấn Độ tháng 5 năm 1498 bắt đầu tốt đẹp nhưng, như một ví dụ nhỏ về những gì sắp đến, các mối quan hệ nhanh chóng xấu đi.. Việc ông là người đầu tiên đi tàu một mạch từ Châu Âu tới tạo nên sự nổi tiếng ban đầu, nhưng quà tặng Bồ Đào Nha ông mang đến đã không gây ấn tượng với người Zamorin ở Calicut. So với lụa, ngà và vàng mà người Zamorin đã quen, các thứ dâng tặng của da Gama gồm áo choàng đỏ, mũ nón, dầu và mật ong trông giống như một sự xúc phạm. Tệ hơn nữa, các thương gia Arab và Ba Tư, vốn từng dàn xếp việc giao thương của Calicut với Châu Âu nhận ra mối đe dọa da Gama sẽ gặp phải nên đã lập mưu đưa ông chạy ra khỏi thành phố. Người Zamorin đuổi ông đi và do thiếu hiểu biết về gió mùa, da Gama đã phải gánh chịu một chuyến đi khủng khiếp trên đường trở về Bồ Đào Nha, mất đi hai phần ba đội thuỷ thủ của mình. Tuy nhiên, gia vị ông mang về đủ vượt hơn chi phí phải trả cho chuyến đi và người bảo trợ của ông, vua Manuel, đã rất hài lòng. Bằng cách đi tàu vòng qua Châu Phi, các thương gia Bồ Đào Nha bây giờ có thể đánh vào phía sườn người Arab thiếu chung thuỷ và cũng có thể phá vỡ thế độc quyền thương mại mà các thương gia của Venice được hưởng trước đây nhờ thòng lọng của họ treo trên vùng Đông Địa Trung Hải.

Vận chuyển gia vị và các thứ xa xỉ khác từ Châu Á đến Châu Âu chỉ với một chuyến đi biển thì rẻ và an toàn hơn nhiều so với dùng các tuyến đường Arab-Venice truyền thống kết hợp nhiều chuyến đi ngắn với đoàn lữ hành đường bộ lại với nhau. Người Bồ Đào Nha trong các chiếc tàu vuông (carracks) hiện đại - có thể mang cả hàng hóa lẫn súng lớn nhanh chóng đến khống chế giao thương. Chỉ trong một vài năm họ đã có một căn cứ ở Goa và tìm ra được đường vượt qua Calicut, xuyên vịnh Bengal và đến eo biển Malacca: cửa ngõ vào các đảo Gia vị (Spice Islands). Thật không may, vua Malacca không muốn cho họ đi qua. Sự cai trị của ông phụ thuộc vào việc đánh thuế giao thương đi qua giữa hai khu vực mà bây giờ chúng ta gọi là Indonesia và Malaysia. Malacca là cảng trung chuyển mới của khu vực, thừa kế của Phù Nam và đối thủ của Majapahit. Thành phố này tràn ngập các thương nhân nước ngoài làm môi giới mua bán giữa quê nhà của họ và phần còn lại của thế giới. Nó chứa ít nhất 100 000 cư dân và người quá cảnh, trong đó có người Malaysia, Tamil, Gujaratis, Java, Trung Quốc và Luçoes - thương nhân từ Luzon.

Sứ thần Bồ Đào Nha đã gặp nhà vua vào năm 1509, trao tặng một lô quà tặng ấn tượng hơn lô hàng mà Vasco da Gama mang đến thập kỉ trước và đồng hương của ông đã được cấp một ‘nhà xưởng’ để tiến hành giao thương ở đó. Tuy nhiên, các thương nhân khác - đặc biệt người Gujaratis phản đối và thuyết phục nhà vua bắt giữ các tín đồ Kitô vì tội phản quốc. Tháng 6 năm 1511, tàu chiến Bồ Đào Nha đến dưới sự chỉ huy của Đô đốc Afonso de Albuquerque. Khi cuộc đàm phán kéo dài, gián điệp của ông thu thập thông tin tình báo về phòng thủ của thành phố và gầy dựng những người đồng cảm trong các thương nhân Trung Quốc. Nhà vua từ chối thả tù nhân, do đó trong ngày lễ Saint James, de Albuquerque tấn công. Sau hai tuần, nhà vua chạy trốn và ngày 10 tháng 8 năm 1511 Malacca rơi vào tay Bồ Đào Nha. Vùng đất này vẫn tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của họ trong 130 năm tiếp theo.

Trong số người của đội tàu de Albuquerque có một một sĩ quan 31 tuổi tên Ferdinand Magellan. Có lẽ sau cuộc chiến trên, ông lang thang trên các đường phố của thành phố và gặp người Luçoes cùng với những câu chuyện của họ. Mười năm sau, sau khi đã chuyển lòng trung thành sang Tây Ban Nha, Magellan khởi hành từ phía Đông cố đi tới Luzon và các mỏ vàng ở đó vào năm 1521, ông trở thành người Châu Âu đầu tiên đến Châu Á qua ngã Thái Bình Dương. Như trong những chuyến đi trước, ban đầu việc tiếp đón khá nồng ấm: chúa đảo Cebu và hầu hết thuộc hạ ông dường như cải sang đạo Thiên Chúa. Theo học giả Antonio Pigafetta, cùng đi với Magellan, thì người dân đảo đã đưa ra đồ sứ tốt nhất của mình, bằng chứng cho thấy họ đã giao dịch với Trung Quốc. Magellan đến với đức tin và súng đạn nhưng ông đánh giá thấp sự miễn cưỡng thần phục của những cư dân trên đảo với Chúa Giêsu hay Tây Ban Nha. Chỉ một tháng sau, vào ngày 27 tháng 4 năm 1521, Magellan đã bị chém chết trên đảo Mactan.

Người Bồ Đào Nha chẳng thân thiện hơn mấy. Họ phái một đội tàu để chặn Magellan, cuối cùng phát hiện ra một số người sống sót của đoàn người đi trên tàu Trinidad ngoài khơi đảo gia vị Tidore, và nhanh chóng bỏ tù họ. Sau khi phấn đấu hết mình để đi đến các đảo Gia vị (đảo Moluccan hoặc đảo Maluku như chúng ta biết ngày nay) từ phía Tây, người Bồ Đào Nha đã không trao lợi thế của họ cho những kẻ xâm phạm đến từ hướng khác. Đây chỉ là một trong rất nhiều bất đồng giữa hai đế quốc theo đạo Kitô. Để giải quyết chúng, vua Tây Ban Nha, Charles V, đã gã chị gái của mình cho vua Bồ Đào Nha và ba năm sau cưới em gái Isabella của anh rể mới. Một kết quả về sau của các hôn ước sắp xếp này là Hiệp ước Zaragoza 1529. Lần đầu tiên, người ngoài khu vực đã vẽ một đường qua khu vực Đông Nam Á, chia nó ra cho các đế quốc Châu Âu. Mặc dù việc làm bản đồ là không chính xác, dẫn đến việc người Bồ Đào Nha vẫn giữ các đảo Gia vị thuộc vùng đất mà về sau thành Indonesia và người Tây Ban Nha giữ lại khu vực sẽ trở thành Philippines. Năm thế kỉ sau đó sự phân chia này vẫn còn tồn tại. Cuộc nổi dậy của người theo đạo Hồi ở miền Nam Philippines và việc Philippines vẫn tiếp tục đòi chủ quyền tỉnh Sabah của Malaysia, ngăn chặn việc hai nước đạt được thỏa thuận biên giới ở Biển Đông, là bắt nguồn từ Hiệp ước Zaragoza này.

Người Bồ Đào Nha đến Malacca tìm kiếm đậu khấu, hạt nhục và đinh hương nhưng tình cờ thấy chính mình ở ngay cửa ngõ vào vùng đất bí ẩn mà người Châu Âu sau đó gọi là ‘Cathay’. Với Malacca nắm trong tay lại không có lực lượng quân sự nào có thể ngăn họ tiến về phía Đông, chắc chắn không phải từ Trung Quốc nhà Minh. Sau 30 năm các đô đốc thái giám sử dụng nền ngoại giao pháo hạm thế kỉ trước, hải quân đã bị mục ruỗng đi. Triều đình đã trở nên quan tâm hơn các đe dọa ở biên giới phía Bắc và cuộc khủng hoảng tài chính trong nước. Nhà Minh là nền kinh tế đầu tiên trong lịch sử phát hành tiền giấy - và là nền kinh tế đầu tiên hứng chịu nạn lạm phát phi mã. Tiền không có giá trị nên không thể giữ hải quân tiếp tục hoạt động.

Trong những thập kỉ sau đó, khi đội tàu chính thức suy sụp, khu vực không chính thức của tư nhân đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu và cung cấp thị trường cho lụa và đồ sứ ở những nơi như Cebu. Vào thời điểm đó ở Trung Quốc giao thương được coi là một doanh nghiệp của nhà nước thấm đượm với các nghi lễ 'triều cống'. Tuy nhiên, tỉnh Phúc Kiến đã trở nên nổi tiếng với buôn lậu. Tàu thuyền tỉnh này mang hàng hóa đi khắp khu vực và cũng đã mang đi hàng ngàn người Phúc Kiến thiết lập hoạt động kinh doanh tại các cảng xa xôi. Họ đã tạo ra các phố Tàu (Chinatown) nhỏ đầu tiên quanh bờ Biển Đông.[3] Chính một vài người trong số này đã giúp người Bồ Đào Nha tại Malacca - cả trong chiến trận lẫn sau đó.

Được người Phúc Kiến cổ vũ, người Bồ Đào Nha chú tâm vào việc tìm kiếm các nguồn lụa và đồ sứ. Chính người Bồ Đào Nha là những người đầu tiên đã cho vùng biển phía Đông của Malacca cái tên mà chúng ta biết ngày hôm nay: Mare da China hay Biển [của] Trung Hoa. Về sau, khi họ tiến về phía Nhật Bản, họ nhận ra rằng cần phải phân biệt ‘Biển Trung Hoa’ với vùng biển dọc theo bờ biển phía Đông của Trung Quốc. Đối với người Trung Quốc ‘Biển Trung Hoa’ chỉ là ‘biển [hải]’ hay đối với người có học là Biển Nam - Nam Hải.

Các hoa tiêu địa phương không có bản đồ theo nghĩa mà người Châu Âu hiểu từ này - chỉ là kiến thức tích lũy viết dưới hình thức sổ tay chỉ dẫn (rutters): các hướng dẫn đi tàu từ nơi này đến nơi khác. Những sổ tay này cũng chứa ít nhiều điều hoang đường - đặc biệt là về Vạn Lí Thạch Đường (万里石塘/Wan-li Shi-tang). Theo một tài liệu Trung Quốc năm 1178 ‘"Lĩnh ngoại đại đáp’ (嶺外代答: Thông tin về vùng bên kia rặng núi) của Chu Khứ Phi (周去非), đó là một bờ đá dài trong vùng biển gần nơi nước đổ xuống địa ngục. Được các hoa tiêu tư vấn, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha cũng đã tin chuyện Vạn Lí Thạch Đường, một quần đảo rộng lớn gồm các rạn san hô, đảo nguy hiểm trải dài dọc theo bờ biển của vùng đất mà ngày nay là Việt Nam. Người Bồ Đào Nha triển khai các công cụ tốt nhất mà khoa học thời Phục Hưng có thể cung cấp nhưng họ cũng đã bị lừa. Một Vạn Lí Thạch Đường hình cánh buồm đã được sao đi chép lại trên tất cả các bản đồ của khu vực trong suốt 300 năm sau đó cho đến khi cuộc khảo sát vào cuối những năm 1700 và đầu những năm1800 cho thấy, ngoài quần đảo Hoàng Sa ở đầu phía Bắc của nó, Vạn Lí Thạch Đường không thực sự tồn tại. Trong 300 năm việc tin tưởng sai lầm vào sự tồn tại của quần đảo này đã ngăn hầu hết những người đi biển không mạo hiểm đi vào trung tâm của Biển Đông.

‘Trung Hoa’ mà người Bồ Đào Nha đã tới được trong những năm đầu thế kỉ 16 không phải là một đất nước thống nhất[4] và phần lớn bờ biển phía Nam nằm ngoài tầm kiểm soát của các vua nhà Minh ở Bắc Kinh. Người Bồ Đào Nha thấy giao dịch với từng thương nhân ở Phúc Kiến dễ dàng hơn nhiều so với các cơ quan triều đình thiếu thân thiện đóng ở cảng nhập chính thức của Quảng Châu. Trung Quốc vào thời điểm này hết sức cần tới một mặt hàng đặc biệt mà người Bồ Đào Nha đã ở đúng ngay vị trí để cung ứng. Siêu lạm phát trước đó đã khiến các thương nhân quay lưng với tiền giấy và đòi phải thanh toán bằng bạc. Nguồn bạc gần nhất chỉ cách xa một cánh buồm là ở Nhật Bản nhưng quan hệ giữa hai nước đã xấu đến nỗi năm 1549 triều đình nhà Minh đã cấm việc đi lại trực tiếp giữa hai nước. Người Bồ Đào Nha đã có mặt đúng ngay vào thời điểm thích hợp để trở thành người trung gian – làm con thoi qua lại giữa Nagasaki và Macao, dùng bạc Nhật Bản mua lụa Trung Quốc.[5]

Năm 1567 hoàng đế nhà Minh cuối cùng đã thừa nhận bất lực trong việc kiểm soát chống buôn lậu và ngừng - tại tỉnh Phúc Kiến - lệnh cấm chính thức giao thương tư nhân. Kết quả là một sự bùng nổ thương mại - khoảng 200 ghe thuyền xuôi Nam mỗi lần có gió mùa.[6] Lần đầu tiên, đội tàu thương mại lớn của tư nhân Trung Quốc bắt đầu vượt trội đội tàu của những thương nhân Đông Nam Á vốn đã khống chế ‘giao thương Trung Quốc’ thiên niên kỉ trước. Học giả người Đức Angela Schottenhannner đã cho thấy sự thay đổi này được phản ánh ra sao trong ngôn ngữ: từ hải thương (海商/hai shang) – giao thương biển - bắt đầu xuất hiện trong các văn bản của Trung Quốc lần đầu tiên và thậm chí cả ý nghĩa của từ hải (海/hai) để chỉ biển trong tiếng Trung cũng thay đổi. Trước đó từ này ngụ ý là nơi gặp gỡ giữa nền văn minh và cái chưa biết. Từ giữa thế kỉ XVI trở đi nó mất ý nghĩa thần bí đó và tiến triển thành một mô tả đơn giản về địa lí.[7]

Một cải cách tiếp theo của nhà Minh đã làm thay đổi không những Trung Quốc mà cả thế giới. Năm 1570 chính phủ đã lâm vào điều không thể tránh khỏi và ra lệnh rằng thuế cũng phải trả bằng bạc. Nhưng đơn giản là không có đủ bạc ở Trung Quốc, hay Nhật Bản, đáp ứng được nhu cầu. Giá cả tăng hơn mức có thể chi trả. Việc phát hiện ra mỏ bạc lớn nhất thế giới tại Potosi cách xa 20 000 km, nằm trên vùng cao núi Andes (Nam Mĩ) do Tây Ban Nha kiểm soát, đã cứu vãn nhà Minh.

Hiệp ước của Zaragoza đã cho phép người Tây Ban Nha giữ tiếp vị trí của họ ở Philippines và năm 1571 những người thừa kế của Magellan thành lập một cơ sở kinh doanh ở Manila. Họ nắm được tin giá bạc tăng vọt phía bên kia biển và do đó bắt đầu cuộc ‘giao thương Acapulco’ (cảng biển chính ở Mexico). Trong hơn một thế kỉ, mỗi năm thuyền buồm đã vận chuyển khoảng 150 tấn bạc từ Mexico qua Thái Bình Dương đến Manila, ở đó bạc được bán để mua vàng, lụa, gốm sứ từ Trung Quốc. Tương tự như vậy một lượng lớn bạc đi về phía Đông từ Potosi, qua ngã Châu Âu. Giá bạc ở Trung Quốc - tính so với vàng - gấp đôi giá ở Châu Âu. Chỉ việc vận chuyển bạc ở Andean tới Trung Quốc, đổi nó lấy vàng và bán lại vàng đó ở Châu Âu, đế quốc Tây Ban Nha có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ - và chi trả cho các cuộc chiến tranh ở Châu Âu.[8] Đồng thời các tầng lớp trên ở Châu Âu nhanh chóng phát triển thị hiếu xa hoa về lụa và đồ sứ Trung Quốc.

Đối mặt với một ‘cơ hội bạc’ như vậy, dân số người Hoa ở Manila phồng lên, đạt tới 10 000 trong vòng 30 năm. Hầu hết số người này đều có gốc gác từ bốn thị trấn thuộcvùng Tấn Giang (Jinjiang) tỉnh Phúc Kiến.[9] Manila đã trở thành một điểm dừng quan trọng trên con đường giao thương phía Đông quanh Biển Đông. Cùng với bạc, người Phúc Kiến vận chuyển về quê những hạt giống theo đúng nghĩa đen cho sự phát triển tương lai của miền Nam Trung Quốc. Người Tây Ban Nha mang ngô, khoai lang và đậu phộng từ Nam Mĩ tới và nông dân khám phá ra rằng tất cả các thứ này đều mọc tốt trong đất ở miền Nam Trung Quốc dẫn đến một cuộc cách mạng nông nghiệp và sự gia tăng nhanh chóng về dân số.

Dù tốt hơn hay tồi tệ hơn, từ đó bờ biển Trung Quốc đã được hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Mạng lưới người Hoa, Malay, Arab và Châu Âu đã truyền tác động của những khẩu pháo và tiền tệ tới khắp thế giới. Đến cuối thế kỉ XVI, đế quốc hợp nhất Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha thống trị nền giao thương của Châu Âu với Châu Á. Nhưng đế quốc này đã mục ruỗng từ bên trong. Năm 1581, sau hai thập kỉ bất ổn và đè nén, các nhà cai trị của bảy tỉnh Hà Lan tuyên bố độc lập với những nhà cai trị Tây Ban Nha ở Habsburg. Để đáp trả, người Bồ Đào Nha đã cố cắt đi việc cung cấp các loại gia vị Châu Á. Phản ứng của Hà Lan làm rung chuyển thế giới. Điều họ cần tới là một bản đồ tốt.

Đáp trả cho lời cầu nguyện đấng toàn năng (theo thần học John Calvin) của họ là Jan Huyghen van Linschoten, một người Hà Lan đã từng đi tới Tây Ban Nha khi còn là một thiếu niên và từng cùng với người Bồ Đào Nha đi tàu giữa các tiền đồn của họ ở Goa, Malacca và Macao (chỗ neo tàu gần Quảng Châu nhất mà người Bồ Đào Nha thuê được từ chính quyền Trung Quốc). Ông cần mẫn sao chép các bản đồ và hướng dẫn đi tàu của họ cho đến khi rương tàu của ông, trên thực tế, nắm giữ các chìa khoá đến Châu Á. Năm 1594, sau một cuộc hành trình đầy nguy hiểm trở lại Hà Lan, ông đã giao các thứ cho một đồng hương, Cornelis de Houtman, người mà năm sau tổ chức chuyến đi đầu tiên của người Hà Lan đến Đông Nam Á. Chuyến đi đó là một thảm họa. Hai phần ba người trong đoàn bị thiệt mạng, de Houtman xúc phạm Quốc vương xứ Banten, ra lệnh giết người và hãm hiếp và cố thoát chết trở về. Tuy nhiên, ông đã chứng minh rằng người Hà Lan có thể giao thương độc lập với các đảo Gia vị.

Năm 1596 Jan Huyghen chia sẻ hiểu biết của mình với Châu Âu. Quyển Itinerario - câu chuyện về chuyến đi - và bản đồ của ông (đã nhanh chóng được dịch sang tiếng Anh và tiếng Đức) phá vỡ sự độc quyền kiến thức của Bồ Đào Nha về cách lái tàu trên các tuyến đường gia vị thế nào.[10] Đối với các doanh nghiệp Bắc Âu, điều này là một cơ hội kép - một dịp may để vừa tới Habsburgs vừa tạo ra của cải cá nhân. Ngày 31 tháng 12 năm 1600, Nữ hoàng Anh Elizabeth cấp cho 216 quý tộc và thương gia một Giấy phép Hoàng gia thành lập Công ti Đông Ấn (East India Company hay EIC). Hai năm sau, tại Amsterdam, một Công ti Hà Lan tương đương là Vereenigde Oostindische Compagnie (VOC – Công ti Đông Ấn Hà Lan), được tạo thành từ việc sáp nhập sáu công ti nhỏ. VOC vừa là một công ti thương mại vừa là một cánh tay của nhà nước được cấp giấy phép đặc biệt để chống lại Bồ Đào Nha. Nhưng người Bồ Đào Nha không từ bỏ dễ dàng. Cuộc thi thố giữa hai nước này cuối cùng dẫn đến ‘thế chiến’ thứ nhất, định hình lại Đông Nam Á và cho chúng ta hệ thống luật biển quốc tế làm nền tảng cho cuộc xung đột ở Biển Đông cho đến ngày nay.

******

Đến cuối năm 1602 VOC đã thành lập một đầu cầu kinh doanh và quân sự trên mũi phía Nam của bán đảo Malay. Vốn là hậu duệ của nhà cai trị Malacca bị thua trận, vua Johor ghét người Bồ Đào Nha thậm tệ như người Hà Lan ghét họ. Tháng 9 năm 1601 người Bồ Đào Nha đã bắt và xử tử 17 thành viên của một đoàn thuỷ thủ Hà Lan do cố đi tới Quảng Châu (được người Châu Âu biết với tên Canton) và đột phá vào việc giao thương Trung Quốc. Sau khi biết được Hà Lan và Johor liên minh với nhau, họ đã chiếm giữ và nã pháo vào bờ biển Johor.

Ngày 25 tháng 2 năm 1603, người Hà Lan và Johor đánh trả. Đô đốc Jakob van Heemskerk và đồng minh mới của ông đã được báo động trong vùng biển gần kề có một tàu Bồ Đào Nha chở rất nặng chạy từ Macao đến Malacca. Chiếc Santa Catarina là rất lớn theo tiêu chuẩn lúc đó. Hàng hóa của nó gồm 1 200 kiện tơ thô, rương tơ và lụa, 70 tấn vàng, 60 tấn sứ và một lượng lớn bông, lanh, đường, gia vị và đồ gỗ. Có thể có khoảng 1 000 người trên tàu: 700 lính, 100 phụ nữ và trẻ em cùng với một số lượng lớn thương nhân và thuỷ thủ. Đáng ngạc nhiên là số hàng hoá lớn này đã được bảo vệ một cách tệ hại. Người Bồ Đào Nha đã có lệ bán các chức sĩ quan cho ai trả giá cao nhất, chứ không phải cho ai có tay nghề nhất. Người Hà Lan, trái lại, được huấn luyện tốt.[11]

Ngay sau bình minh, đội tàu nhỏ của Van Heemskerk (hai tàu Hà Lan và một số của Johor) đã phát hiện Santa Catarina thả neo ở cửa sông Johor (gần sân bay Changi của Singapore hiện nay). Với những phát súng đầu tiên, họ đã làm rách buồm của Catarina vì vậy nó không thể di chuyển, rồi tiếp tục nã súng vào thân tàu suốt ngày (nhưng không quá nhiều để gây thiệt hại nặng cho hàng hóa). Với con tàu bị rò rỉ và thương vong tăng cao, thuyền trưởng, Sebastião Serrão, đã đầu hàng. Con tàu và hàng hoá phải giao nạp để đổi lấy mạng sống các hành khách và thuỷ thủ.

Cuối cùng, khi hàng hóa của tàu Santa Catarina tới Hà Lan số lượng kim loại quý, hàng dệt may sang trọng và đồ sứ tinh xảo gây ra một xúc cảm. Thương nhân bị kích thích bởi các cơ hội rõ ràng là nằm ở phương Đông. Tại phiên đấu giá, hàng hóa của tàu được bán với giá 3,5 triệu guilders - bằng một nửa tổng số vốn của VOC. Nhưng có một vấn đề. Một số cổ đông của VOC cảm thấy công ti nên tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận chứ không phải vào việc tiến hành một cuộc chiến tranh tốn kém. Tuy nhiên, các nhà chính trị Hà Lan lại tin rằng quốc gia mới của họ cần cả lợi nhuận lẫn chiến tranh. Họ cần một người có tài thuyết phục. Họ trao gửi cho Hugo Grotius 21 tuổi.

Hugo Grotius (tên Latin hoá của Huig de Groot), thật ra là một luật sư nổi tiếng. Sinh ra trong một gia đình quyền thế, ông được coi là một thần đồng, tốt nghiệp đại học năm 11 tuổi và được phái đi gặp vua Pháp lúc 15 tuổi. Ông trở thành một luật sư và sau đó là sử gia chính thức của Hà Lan (một vị trí giống như một spin doctor [người chuyên khuynh đảo dư luận theo hướng nói tốt cho các chính sách - ND] hiện đại hơn là một học giả nghiêm túc). Cuối năm 1604 ông được ban giám đốc của VOC thuê để biện hộ cho việc chiếm lấy tàu Santa Catarina. Những lời biện hộ ông đưa ra bảo vệ vai trò kép của VOC - vừa buôn bán vừa đánh nhau - mà còn phát triển thành một trong những tài liệu nền tảng của luật quốc tế. Nó đặt nền móng trí tuệ cho thực dân Hà Lan và đưa tới cuộc ‘đụng độ của các nền văn minh’ giữa các khái niệm về quyền lực chính trị và lãnh thổ của Châu Âu và Đông Nam Á.

Hầu hết hiểu biết thường thức về Hugo Grotius đã bị đảo ngược trong những năm gần đây bởi hai nhà sử học: Martine Julia van Ittersum và Peter Borschberg. Việc hai nhà sử học này đọc lại cẩn thận các bài viết cá nhân và công cộng của ông đã cho phép chúng ta thấy rằng Grotius là một nhà vận động hành lang cho VOC và là một người ủng hộ kiên quyết quyền thương mại và chính trị của Hà Lan hơn là một nhà tư tưởng không quan tâm tới chính trị. Ông lựa chọn lập luận cho hợp với cơ hội, hiểu sai vị trí của người khác và dựa vào các tài liệu tham khảo không tin cậy. Tuy nhiên, các bài viết của ông đã có một ảnh hưởng lâu dài.

Bồ Đào Nha cho rằng họ có độc quyền giao thương ở Châu Á vì họ đã phát hiện ra các tuyến đường biển đi tới đó. Theo thế giới quan Công giáo Iberia, chuyện khám phá của người ngoài Ki tô giáo không được tính tới. Tuy nhiên, Grotius lập luận một hướng hoàn toàn mới: các vua chúa Châu Á là một bộ phận của nhân loại và do đó có thể tự mình quyết định về việc họ giao thương với ai. Trong khi đó, những nhà cai trị của Bồ Đào Nha cho rằng họ có quyền quyết định ai có thể đi trên biển trong phạm vi của họ, Grotius lập luận rằng biển, giống như không khí, không thể bị bất kì quyền lực nào chiếm giữ và do đó mọi người được tự do sử dụng. Dù những ý tưởng này có vẻ hiện đại và tiến bộ, chúng cũng vì lợi ích riêng. Các ý tưởng đó có ý bảo vệ quyền của VOC được kí hợp đồng với các vua chúa Châu Á. Grotius sau đó lập luận rằng các hợp đồng này có thể loại tất cả mọi người khác ra một cách hợp pháp và cũng có thể biện minh cho việc sử dụng vũ lực đối với bất cứ ai cố cản trở việc vận chuyển hoặc bội ước.

Grotius đã vận động thành công phía sau hậu trường nhưng lập luận của ông vẫn là tư riêng mãi đến năm 1609 khi được công bố trong một cuốn sách có ảnh hưởng lớn sau này, Mare Liberum –(Biển tự do). Một lần nữa ông viết vì mục đích chính trị cố gây ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hòa bình giữa Hà Lan và Tây Ban Nha. VOC lo sợ rằng chính phủ Hà Lan sẽ thừa nhận quyền của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được quyền loại tàu của họ ra khỏi Châu Á như một điều kiện hòa bình. Nhà luận thuyết Grotius quyết làm ra lẽ. Một lần nữa ông đã thành công: Hiệp ước Antwerp, kí ngày 10 tháng 4 năm 1609, cho thương gia Hà Lan được quyền kinh doanh bất cứ nơi nào Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chưa đặt cơ sở.

Nhưng Grotius cũng đã có một mục tiêu khác trong đầu: cá trích. Theo quan điểm của ông, can thiệp vào việc đánh cá thậm chí còn tồi tệ hơn can thiệp vào việc đi lại trên biển. Trong cuốn Mare Liberum có một chỗ ông gọi việc đó là ‘tham lam không lành mạnh’ (insane cupidity). Vua James I của Anh (cũng là Vua James VI của Scotland) đã giận dữ vì hạm đội của Hà Lan chạy dọc theo bờ biển Scotland và Anh để chặn sự di cư hàng năm của cá trích mà hàng trăm cộng đồng phụ thuộc vào chúng để sinh nhai. Vua James muốn chặn Hà Lan ở ngoài khu vực mà ông xem là vùng biển ‘của mình’ nhưng không muốn bắt đầu một cuộc chiến với một trong số đồng minh ít ỏi của ông ở Châu Âu. Ngày 16 tháng 5 năm 1609, ngay sau khi Mare Liberum được công bố, ông cấm người nước ngoài đánh bắt cá dọc theo bờ biển của Anh nếu không có giấy phép chính thức. Nhưng James cảm thấy cần phải tăng cường lệnh của mình với biện minh pháp lí. Một giáo sư luật, William Welwood, đã viết một khái luận năm 1613 sử dụng các lập luận theo Kinh Thánh, La Mã và (điều mà ngày nay chúng ta gọi là) môi trường ủng hộ quyền của nhà vua trong việc hạn chế nước ngoài đánh cá. James có thể đã cho rằng khái luận đó chưa đủ tốt vì vào năm 1619, ông đã phó thác cho một người khác - John Selden.

Cuốn sách nhỏ của Selden đã hoàn tất hè năm đó và gửi cho nhà vua phê chuẩn. Nhưng vào phút cuối cùng, James lo ngại rằng anh rể của ông, vua Christian của Đan Mạch, có thể phản đối nổ lực của Anh trong việc khẳng định các vùng biển rồi khuấy động một cuộc tranh chấp rộng hơn lớn đối với toàn bộ Bắc Đại Tây Dương. Cuốn sách nhỏ đó đã bị lặng lẽ cất đi và lập luận pháp lí tạm thời gác lại. Trong những thập kỉ sau cả Grotius lẫn Selden đều đóng vai trò tích cực trong chính trị quốc gia, bị thất sủng ở đất nước của họ và thậm chí còn bị giam giữ một thời gian. Vào giữa thập niên 1630 Selden muốn lấy lòng vua mới của nước Anh, Charles I, cứng rắn hơn hơn vua trước trong các tranh chấp biển. Năm 1635 ông đưa ra một bộ luận cứ pháp lí để bác bỏ những tuyên bố của Hugo Grotius. Ngay cả tên sách cũng là một thách thức trực tiếp đối với Hà Lan: Mare Clausum - Biển đóng.

Mặc dù đồng ý với Selden Grotius rằng tàu thuyền có quyền ‘đi qua vô hại’ vùng biển của quốc gia khác, ông nhấn mạnh rằng các quốc gia cũng có quyền hạn chế quyền ra vào những vùng biển này trong một số trường hợp. Ông cho rằng nước nắm chủ quyền phải được yêu sách những khu vực cụ thể, ngay cả trong những vùng biển sâu - dựa trên việc sử dụng dài lâu.[12] Ông cho rằng biển mở có thể ‘chiếm đóng’ được và do đó không nhất thiết phải mở cửa cho tất cả: đặc biệt là nếu nó chứa nhiều cá trích.[13] Chắc rằng chính trong khoảng thời gian này - với Selden giữ vai trò hàng đầu trong chính trị triều đình - ông đã có được bản đồ Trung Quốc đó.

Tranh luận của Grotius và Selden giữa biển mở và biển đóng - tiếp tục cho đến ngày nay. Selden rõ ràng ủng hộ việc vẽ đường tưởng tượng ngang qua sóng nước nhưng cuối cùng ngay cả Grotius cũng đã thừa nhận rằng vịnh nhỏ, vịnh lớn và eo biển đều có thể sở hữu được. Tuy nhiên, mặc dù cả hai đều kết luận rằng vẽ đường qua biển là việc có thể làm được và đúng đắn, họ vẫn bất đồng về việc những đường này cần được vẽ ở ngay chỗ nào. Đến cuối thế kỉ XVII, các nước Châu Âu đã đạt được một sự thỏa hiệp, đôi khi được gọi là quy tắc ‘tầm đạn pháo’ (cannon shot), cho phép một quốc gia kiểm soát các vùng biển từ bờ biển ra xa ba hoặc bốn hải lí. Trong nhiều thế kỉ, có vẻ là Selden bị thua trong cuộc tranh luận này - chủ yếu là do Anh (sau năm 1707) đã trở thành một cường quốc biển. Từ đó trở đi, lập luận Grotius phục vụ lợi ích của London tốt hơn lập luận của Selden. Đế quốc Anh dựa trên quyền giả định của các quốc gia và một quốc gia đặc biệt có quyền giao thương tự do trên toàn thế giới. Thay vì tranh cãi để được vùng lãnh hải rộng lớn hơn để bảo vệ cá trích, giờ đây nước Anh lập luận cho lãnh hải hẹp hơn để họ có thể thống trị nhiều làn sóng biển hơn. Điều đó đòi hỏi tối thiểu hoá quyền hạn chế hàng hải của các nhà cai trị khác. Để giải quyết bất kì bất đồng lớn nào về điểm nguyên tắc pháp lí này với việc áp dụng chính phiên bản của họ về quy tắc ‘tầm đạn pháo thì thường có thể dựa vào Hải quân Anh.

Trong mỗi thời đại, nước bá chủ toàn cầu - Hà Lan, sau đó Anh và hiện nay Hoa Kì – đều lập luận ủng hộ tự do hàng hải và sử dụng lực lượng quân sự để ngăn chặn những nước khác thách thức sự tự do đó. Nhưng quan điểm của Selden tiếp tục có tín đồ của nó, chủ yếu là trong số những nước ở phía nhận đạn pháo của hải quân. Câu hỏi liệu và bằng cách nào các nước ven biển có thể khẳng định chủ quyền của họ ngoài biển vẫn còn với chúng ta bây giờ và không có nhiều nơi mà câu hỏi này gây khó chịu nhiều hơn là ở Biển Đông.

******

Việc chiếm lấy tàu Santa Catarina mở màn cho sự kiện mà về sau trở thành ‘thế chiến’ thứ nhất. Trong gần trọn nửa đầu thế kỉ XVII người Hà Lan và Bồ Đào Nha đã đánh nhau trong nhiều khu vực của Châu Âu, Mĩ Latin, Châu Phi và Châu Á. Có một giai đoạn ngắn Công ti Đông Ấn của Anh (EIC) và VOC của Hà Lan liên minh với nhau, chính vì vậy năm 1620, thuyền trưởng Lenmyes của tàu Elizabeth thấy mình có quyền bắt giữ tàu Trung Quốc ngoài khơi Đài Loan với lí do nó chở khách Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, và cướp đi hàng hóa và có lẽ cả bản đồ lộng lẫy của tàu này. Người Hà Lan đã trở thành lực lượng thống trị ở Biển Đông gần trọn thế kỉ XVII - cả về buôn bán đường dài lẫn làm trung gian việc đi lại giữa các điểm đến Châu Á. Với hỏa lực vượt trội họ đã ép người Bồ Đào Nha ra khỏi việc buôn bạc Nhật Bản và hầu hết các cảng gia vị và thậm chí đè bẹp cả đồng minh Anh của mình trong ‘thảm sát Amboyna’ trên đảo Ambon (ngày nay là Indonesia) năm 1623.

Vào khoảng năm 1625, và trong 50 năm sau đó, Cộng hòa Hà Lan thống trị thương mại toàn cầu. Lúc cao điểm đội tàu buôn Hà Lan lớn hơn các đội tàu Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Scotland và Đức gộp lại với 6 000 tàu và 50 000 thủy thủ. Amsterdam là thủ đô thương mại của thế giới và Batavia (Jakarta ngày nay) là tiền đồn phía Đông của họ - phụ trách giao thương với Đài Loan và Nhật Bản. Năm 1641, cuối cùng VOC đạt được một bước đột phá quan trọng ở Đông Nam Á - chinh phục Malacca để trở thành lực lượng thống trị ở eo biển này.

Tuy nhiên, họ chưa bao giờ thống trị hoàn toàn. VOC luôn luôn phụ thuộc vào hậu thuẫn của các đồng minh địa phương, chẳng hạn như Quốc vương Johor. Công ti đã trở nên vướng víu nhiều hơn trong chính trị khu vực và dần dần thu được lãnh thổ. Sử dụng lập luận của Grotius về tính bất khả xâm phạm của hợp đồng, họ thực thi khắc nghiệt các giao dịch với thép lạnh: đối xử tàn nhẫn và đôi khi tàn sát những ai phản đối. Tuy nhiên nhà chức trách Trung Quốc đã đủ mạnh không cho VOC tới gần, do đó, người Hà Lan đã phải giao dịch thông qua các thương gia của Phúc Kiến. Batavia trở thành cảng trung chuyển mới của khu vực, nơi gặp gỡ của Châu Âu và thương mại thuyền mành Trung Quốc.

Trong suốt giai đoạn này, nhu cầu về bạc của Trung Quốc dường như là vô độ; đồng tiền làm bằng bạc của Mĩ Latin trở thành tiền tệ của khu vực. Nhưng sau nhiều năm làm giao thương Acapulco, Tây Ban Nha đã vận chuyển rất nhiều bạc cho Trung Quốc đến nỗi nó bắt đầu tụt giá - không mua được nhiều vàng hoặc nông sản như đã từng. Ở Trung Quốc, sự mất cân bằng kinh tế cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của triều đại nhà Minh năm 1644 và nhà Thanh xâm lược thay vào. Nhưng hậu quả lan rộng hơn. Nếu không có số thặng dư từ các thuyền buồm Acapulco thì Tây Ban Nha không còn có thể có đủ khả năng để tiến hành cuộc chiến Ba mươi năm (Thirty Years War). Kết quả là Hòa ước Westphalia năm 1648 đã tạo ra cấu trúc chính trị cơ bản của Châu Âu hiện đại và khởi đầu hệ thống nhà nước quốc tế như chúng ta biết ngày nay.

Việc thay đổi chế độ ở Trung Quốc là đẫm máu và kéo dài. Đối mặt với sự phản kháng của một lãnh chúa độc lập ở Phúc Kiến được biết với tên Quốc tính gia (国姓爷- Trịnh Sâm 郑森), chính quyền mới nhà Thanh đã cấm thương mại một lần nữa vào năm 1656 và thiết lập một trong những chiến dịch tiêu thổ tàn phá nhất trong lịch sử dọc theo bờ biển phía Nam. Số lượng rất lớn dân bị buộc phải di chuyển vào sâu nội địa và lần đầu tiên trong các văn bản tiếng Trung cụm từ ‘biên giới biển’ - hải cương (海疆/hai jiang)- bắt đầu được sử dụng. Tuy nhiên, chính sách này đã phản tác dụng: cả thương mại lẫn di cư đều tăng lên khi mọi người tìm kiếm mọi cách để sống còn.

Chiến dịch quyết liệt này sau rốt củng cố việc nắm giữ của nhà Thanh đối với bờ biển, và năm 1684, triều đại mới cảm thấy đủ an toàn để ngừng lệnh cấm giao thương nước ngoài của tư nhân. Dọc theo bờ biển phía Nam của Trung Quốc, các thương gia ra khơi tìm kiếm thị trường mới. Đến cuối thế kỉ XVII, với lợi thế tại chỗ và biên tế thấp (không cần tới việc đánh nhau tốn kém), họ đã biến người Châu Âu thành ‘kẻ thua cuộc’ ở Biển Đông. Người Bồ Đào Nha có được Macao và Timor nhưng rất ít chỗ khác. Người Tây Ban Nha đã phát triển mạnh thương mại giữa Mĩ-Latin và Manila nhưng không vượt khỏi đó. Người Hà Lan từng thống trị trong nhiều thập kỉ đã bị trục xuất khỏi Đài Loan, rút lui khỏi Bắc Bộ (miền Bắc Việt Nam) và Campuchia và mất mối quan hệ đặc biệt với Nhật Bản. ‘Đế chế’ Anh trong khu vực bao gồm một xưởng giao dịch tại Quảng Châu. Tóm lại, người Châu Âu chỉ là một nhóm các thương nhân khác từ nước ngoài: được dung nạp, miễn là họ tôn trọng thông lệ địa phương. Đó là khởi đầu của ‘thế kỉ Trung Quốc’ trong khu vực Biển Đông.

Bây giờ các rào cản đối với việc di dân đã được dỡ bỏ, rất nhiều người Trung Quốc ra đi để tìm kiếm vận may. Một số đi đi về về nhưng số khác ở lại tại nơi xa, hầu hết là thương nhân nhưng một số ít làm quan chức cho nhà cầm quyền địa phương. Sau đó, người lao động cũng bắt đầu đi ra nước ngoài. Khi nhu cầu về tiêu, vàng và thiếc trong nước tăng lên, hàng ngàn người Trung Quốc di cư đến Đông Nam Á để thiết lập các đồn điền hoặc làm việc trong các hầm mỏ. Ở một số nơi họ đã tạo ra các cộng đồng tự quản - công ti (公司/gongsi) - và ở những nơi khác họ đã trở thành một phần không thể thiếu của các khu định cư do các công ti kinh doanh Châu Âu tạo ra. Các thành phố thuộc địa như Macao của Bồ Đào Nha, Manila của Tây Ban Nha hoặc Batavia của Hà Lan không thể hoạt động nếu không có lao động người Hoa.

Người Châu Âu sợ bị phụ thuộc vào người Hoa và áp dụng chính sách phân biệt chủng tộc để giữ họ bên lề. Điều này kết hợp với các kiểu cách làm ăn hết sức không công bằng đã thường xuyên gây ra tình trạng bất ổn và đôi khi thảm sát. Tuy nhiên, cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài chịu đựng, tạo ra của cải và đóng góp kĩ năng và lao động làm cho các cộng đồng chủ nhà được phát triển. Kết quả là điều được mô tả như một ‘đế chế phi chính thức’ quanh rìa Biển Đông: ‘phi chính thức’ theo nghĩa là nó không được nhà Thanh khai thác một cách hệ thống. Đối với triều đình đó là một nguồn thu nhập chứ không phải lãnh thổ. Họ ít quan tâm đến thế giới bên ngoài bờ biển.

Thương gia người Trung Quốc sử dụng biển thường coi nó như là một sự bất tiện và nguy hiểm và chỉ bám vào rìa của nó, vẫn tin chắc rằng Vạn Lí Thạch Đường - quần đảo huyền thoại dài vạn dậm dọc theo bờ Biển Đông Dương chặn lối các tuyến đường đi thẳng.[14] Sách chỉ dẫn của Trung Quốc như Đông Tây Dương khảo (東西洋考/Tung Hsi Yang Kao) - xuất bản năm 1617 - cho thấy rõ điều này.[15] Chính những người Châu Âu đã ngu ngốc tới mức cố tìm một con đường chạy thẳng qua trung tâm Biển Đông. Thành công và thất bại của họ đã được ghi nhận lại trên các hải đồ: bãi ngầm Macclesfield, ở chính giữa Biển Đông, được John Harle, thuyền trưởng của con tàu Anh Macclesfield, mô tả lần đầu năm 1701.[16] Một thất bại đáng chú ý đã cho tên của nó cho bãi cạn Scarborough, sau khi tàu Scarborough của Anh bị đắm ở đó ngày 12 tháng 9 năm 1748.[17] Các thảm họa hàng hải này là bi kịch cho người Châu Âu nhưng cung cấp công việc hữu ích cho những người khác với kĩ năng thu lượm của cải từ các tàu đắm. Công việc này tốt đến nỗi các chúa nhà Nguyễn của vùng đất mà sau này là miền Trung Việt Nam đã cấp phép cho một nhóm thủy thủ đi thu nhặt các hàng hóa - một sự việc đang được sử dụng để hậu thuẫn cho yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. [18]

Năm 1795 Công ti Đông Ấn Anh thuê người mà sau đó sẽ cách mạng hóa việc đi lại ở Biển Đông: nhà thuỷ văn học James Horsburgh. Từ năm 1807 đến 1810, tàu của EIC đã vẽ bản đồ hầu hết các bờ biển của Biển Đông và cuối cùng bác bỏ sự tồn tại của Vạn Lí Thạch Đường. Năm 1809 và 1811 Horsburgh xuất bản sách danh bạ Ấn Độ (India Directory) về các chỉ dẫn hàng hải gồm 2 tập và sau đó, năm 1821, một hải đồ cho Biển Đông có chứa bản đồ chính xác hợp lí đầu tiên của khu vực hiện được gọi là Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa.[19] Kiến thức Châu Âu này đã không chuyển giao một cách nhanh chóng tới các nhà địa lí Trung Quốc. Cho tới năm 1843, tác giả Uông VănThái (汪文泰/Wang Wen Tai) vẫn còn đối chiếu tuyến đường đi của các nhà hàng hải Châu Âu với tuyến đường mà những người đi biển Trung Quốc dùng. Trong quyển sách Hồng mao phiên Anh Cát Lợi khảo lược (红毛番英吉利考略/Hong mao fan ying ji li kao lue - Nghiên cứu bọn phiên Anh), tên mà ông sử dụng cho các bãi ngầm Macclesfield - Hồng Mao Thiển (红毛浅/Hong Mao Qian) nghĩa đen là ‘bãi ngầm của bọn [phiên] lông đỏ’, dịch từ ‘Banc des Anglais’ hay ‘English Bank’, tên được dùng trên bản đồ của Pháp trước khi nó được đổi tên thành bãi ngầm Macclesfield. [20]

Hai thập kỉ sau khi hải đồ Horsburgh được công bố, Uông Văn Thái vẫn còn tin rằng quần đảo Hoàng Sa dài 1 000 lí (500 km) và ở khu vực được cho là quần đảo Trường Sa, ông viết ‘ở Thất Châu Đại Dương (七州大洋/Qi Zhou Da Yang) có nhiều đá lớn, nhưng chúng ta không biết về nó.’ [21]

Nhưng Horsburgh đã phát hiện là một số người đi biển địa phương đã biết cách đi lại giữa các rạn san hô và đá. Trong mô tả về quần đảo Hoàng Sa trong ấn bản danh bạ Ấn Độ (India Directory) 1852 ông ghi nhận rằng:

Có rất nhiều thuyền đánh cá thuộc đảo [Hải Nam], đóng bằng gỗ nặng và cứng thay vì đóng bằng gỗ thông như các tàu thuyền Trung Quốc, và chúng chạy nhanh; nhiều thuyền trong số đó mỗi năm trong các chuyến đi đánh bắt cá kéo dài hai tháng và đi xa đến bảy hoặc tám trăm dặm, để thu nhặt bicho de mer [hải sâm], và mua đồi mồi khô và vi cá [mập], có trong rất nhiều bãi cạn và bãi cát ở phần phía Đông Nam của Biển Đông. Họ bắt đầu chuyến đi vào tháng 3, khi họ tới các bãi phía Bắc họ để lại ở đó một hoặc hai người trong đoàn và một vài vại nước ngọt, rồi đi tiếp tới một số bãi lớn trong vùng phụ cận của Borneo, và tiếp tục đánh bắt cá cho đến đầu tháng 6, trên đường về sẽ ghé rước nhóm người đó và những thứ họ thu thập được. Chúng tôi đã gặp rất nhiều thuyền đánh cá này khi chúng tôi tới quanh các bãi cát ngầm ở Biển Đông.[22]

Tại sao Horsburgh lại phân biệt thuyền gỗ cứng với thuyền ‘Trung Quốc’? Có lẽ chính vì những người trên các thuyền này không phải là người Trung Quốc theo nghĩa mà ông hiểu từ này. Lối sống bán du mục của họ cho thấy rằng họ có thể là dân ‘digan trên biển’ (sea gypsies) - một bộ phận của người Tanka hoặc U-tsat, hoặc những người Dan-Jia của hệ Nusantao còn sót lại (xem Chương 1) vốn sống dọc theo bờ biển của Việt Nam và miền Nam Trung Quốc (có thể vẫn tìm thấy người Dan-Jia ở đảo Hải Nam, sống trên các làng nổi.). Những người khác có thể từ xa đến: người Badjao từ Philippines, người Orang Laut từ Malaysia và các nhóm ‘du mục’ khác đều được biết là đã đánh bắt trong những đảo này. Dù từ đâu đến, những người ‘du mục’ có cuộc sống trên biển rất tách biệt với các nhà chức trách trên đất liền. Họ bị nghi ngờ trong đối xử, thường được coi là kẻ xấu hoặc cướp biển và không được coi là công dân trọn vẹn. Thật mỉa mai là những người này bây giờ được coi là những người mở đường cho các yêu sách chủ quyền quốc gia hiện đại đang được đưa ra trong biển này.

EIC của Anh đã sẵn sàng chi tiền cho các cuộc khảo sát vì việc giao thương của họ với Trung Quốc rất hấp dẫn. Từ khởi đầu nhỏ, EIC tiến tới chu cấp cho cả Đế quốc Anh. Trong nửa đầu thế kỉ thứ XVIII, 90 % xuất khẩu của EIC tới Quảng Châu nằm dưới dạng bạc. Nhưng, cũng giống như thế kỉ trước, giá bạc giảm đi một cách đột biến. Sau năm 1775 bạc chỉ chiếm 65 % xuất khẩu của công ti này tới Quảng Châu.[23] Vào năm 1780 EIC đột nhiên cần tới một mô hình kinh doanh mới. Chính phủ Anh đã giảm thuế trà Trung Quốc và nhu cầu về bia bùng nổ. EIC cần một thứ gì khác để bán đổi lại và tìm thấy câu trả lời là thứ trồng trên vùng đất của họ ở Bengal: thuốc phiện. Việc trao đổi chất gây nghiện của Ấn Độ với chất gây kích thích của Trung Quốc đã tăng lên theo tỉ lệ lớn: nhập khẩu trà ở London đem lại £23 triệu vào năm 1800. Thuế hải quan đánh lên trà chu cấp chính phủ Anh, chính phủ dùng nó để chi trả cho Hải quân Hoàng gia, lực lượng này cuối cùng bảo vệ các thương nhân và đế quốc Anh. Mọi thứ đều dựa vào thuốc phiện để xây lên.

EIC, giống như các công ti trước đó, bây giờ rất cần một cơ sở ở eo biển Malacca, một cảng mà ở đó họ có thể hoạt động như người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan trước đây và kết nối với thương mại thuyền mành Trung Quốc. Năm 1786 công ti này đã thuê đảo Penang ở đầu Bắc của eo biển nhưng chỉ thành công khiêm tốn. Chính việc thu được Singapore vào năm 1819 mới cho người Anh được lợi thế. Nằm ở vị trí hoàn hảo để tiếp nhận giao thương từ tất cả các hướng và không bị các nhà cai trị truyền thống, tôn giáo độc đoán cùng hệ thống quan liêu cồng kềnh ràng buộc, Singapore nhanh chóng phát triển từ một đầm lầy hang ổ bệnh sốt rét thành một trung tâm Anh-Trung (hoặc có lẽ chính xác hơn là Trung-Anh) của khu vực. Với thắng lợi trong cuộc chiến tranh Napoleon với Pháp, Anh đã trở thành bá chủ toàn cầu mới và, cũng giống như những bá chủ trước, tìm cách kiểm soát việc thương mại với Trung Quốc thông qua eo biển Malacca. Người Hà Lan có thể phản đối nhưng họ ở vị thế không cưỡng lại được.

Cho đến thế kỉ XIX, việc can thiệp của các cường quốc Châu Âu trong khu vực Đông và Đông Nam Á đã tăng lên đáng kể nhưng nhìn chung có tính cục bộ và tạm thời. Tuy nhiên, với sức mạnh của cách mạng công nghiệp phía sau họ, điều đó đã thay đổi. Đế chế giao thương phát triển thành đế chế lãnh thổ và các đế chế mới này sẽ tạo ra các ranh giới và các cuộc xung đột mới. Câu chuyện về hai tranh chấp lãnh thổ sau đây minh họa rất rõ điều này. Vào giữa thế kỉ XVII, hoàng đế nhà Lê Việt Nam và vua Lào đã tranh nhau phần thượng thung lũng sông Mekong.  Cuộc xung đột cuối cùng đã được giải quyết khi hai nhà cai trị đồng ý rằng ai ở nhà sàn (người ‘Lào’) thì phải trung thành với vua Lào, còn ai sống ngay trên đất (người ‘Việt') thì trung thành với hoàng đế Việt Nam. Một ranh giới xác định không quan trọng bằng lòng trung thành cá nhân của người dân.[24] Trái ngược hoàn toàn, Anh và Hà Lan giải quyết tranh chấp trong eo biển Malacca hồi thế kỉ XIX với một kiểu thỏa thuận rất khác biệt. Hiệp ước Anh-Hà Lan vạch một đường xuyên qua biển - các hoạt động của Anh giới hạn ở phía Bắc còn của Hà Lan ở phía Nam. Điều đó có nghĩa là người Anh phải từ bỏ vùng định cư của họ tại Bencoolen trên đảo Sumatra và người Hà Lan buộc phải rời khỏi Malacca. Quan hệ cá nhân là vô nghĩa, còn quốc tịch, vị trí mới là tất cả. Hiệp ước đã giải quyết vấn đề của người Châu Âu nhưng lại tạo ra thêm nhiều rắc rối cho cộng đồng người Malay bản địa vốn từ lâu lang bạt trên cả hai phía của đường tưởng tượng này. Những người cố sống theo cách truyền thống bị gọi là ‘kẻ sống lậu’, những người cố chống lại bị gọi là ‘cướp biển’.[25]

Vào đầu thế kỉ XIX, người Châu Âu và người Đông Nam Á có quan niệm hoàn toàn khác biệt về các yếu tố cấu thành ‘quốc gia’. Các đơn vị chính trị truyền thống ở Đông Nam Á được xác định bởi trung tâm của nó: bởi uy tín cá nhân của nhà cai trị. Trong hệ thống mandala này, quyền của vua chúa suy giảm dần theo khoảng cách tới trung tâm vương quốc. Tại Châu Âu, ít ra là kể từ Hòa ước Westphalia, đơn vị chính trị đã xác định bằng các đường biên: luật pháp, quyền hạn và nghĩa vụ áp dụng như nhau trên toàn lãnh thổ nhưng hoàn toàn dừng lại tại biên giới. Trong hệ thống Châu Á có thể có quá trình chuyển đổi dần dần về thẩm quyền và thậm chí có cả những chỗ trống không có nhà cai trị nào được thừa nhận ở đó. Những đơn vị nhỏ có thể thừa nhận nhiều hơn một chủ quyền hoặc có thể không thừa nhận đâu cả. Theo truyền thống, ranh giới ở Đông Nam Á dịch chuyển - còn biên giới biển thì cực kì mơ hồ. Sự mơ hồ cho phép quan hệ giữa các nhà cai trị biến chuyển và biên giới xê dịch: đôi khi hòa bình, dù thường xuyên hơn là bạo lực Trong hệ thống Châu Âu không có những khoảng trống - nơi nào cũng phải thuộc về một chủ quyền và chỉ một mà thôi. Lựa chọn khó khăn là vốn có.

Như một kết quả của sự tranh cãi giữa Grotius và Selden (và những người kế tục) bây giờ đã có một sự đồng thuận giữa các nhà cai trị phương Tây về những biên giới xác định có thể mở rộng ra biển được. Khi đế quốc của họ mở rộng, sự đồng thuận đó đi theo họ về phía Đông và đã được áp đặt trên một khu vực vốn đã có một cách hiểu hoàn toàn khác biệt về biên giới trên biển. Việc chuyển đổi từ biên giới linh động sang biên giới cố định là gốc rễ của cuộc xung đột hiện nay ở Biển Đông.

******

Các công ti giao thương Châu Âu đã mạo hiểm đến Đông Á với tư cách vừa là thương nhân vừa là lính đánh thuê, sẵn sàng đánh nhau vì quyền được kiếm lãi. Họ đã được chính phủ của họ cấp phép, nhưng đã hành động vì lợi ích riêng của họ. Vào thế kỉ XIX hai công ti thành công nhất – của Anh và của Hà Lan – tự họ đã biến thành chính phủ. Các nhu cầu lập liên minh, đè bẹp các đối thủ, đánh thuế hải quan và chống buôn lậu buộc họ phải nắm lấy lãnh thổ và cai trị dân chúng theo cách tệ hại và thất thường nhất. Khi chính phủ ở chính quốc cố kiểm soát những lạm dụng này và chấn chỉnh các vấn đề tài chính của công ti thì lợi ích của doanh nghiệp và nhà nước đã trở nên hoàn toàn gắn bó với nhau. VOC tự phá sản vào năm 1800 và lãnh thổ của họ đã được nhà nước Hà Lan tiếp quản. EIC đã nhiều lần gặp rắc rối nhưng vẫn sống sót được nhờ lợi nhuận từ việc buôn bán thuốc phiện - trà. Các quan chức nhà Thanh đã yêu cầu chi trả bằng bạc nhưng giá bạc đã tăng vọt do các cuộc chiến giành độc lập nổ ra ở Châu Mĩ Latin. Nếu không có thuốc phiện thì tiền mặt của Anh sẽ chảy ra nước ngoài để chi trả cho trà và các thứ nhập khẩu khác từ Trung Quốc. Khi cố gắng ngăn chặn việc giao thương của EIC, nhà Thanh ngầm đe dọa nền kinh tế Anh với một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Phản ứng kết hợp của EIC và chính phủ Anh là cố cưỡng bức mở cửa thị trường của Trung Quốc không những cho thuốc phiện mà còn cho tất cả các sản phẩm - và khôi phục lại sự cân bằng thương mại. ‘Chiến tranh nha phiến’ năm 1840 và 1860 đã làm đúng điều đó. Pháo hạm của EIC và Hải quân Hoàng gia, chu cấp từ thuốc phiện, đã áp đảo đối thủ nhà Thanh. Trong khi các tàu này phong tỏa bờ biển, chỉ huy quân đội Anh đã buộc hoàng đế nhà Thanh phải nhượng lại Hong Kong và mở cửa 5 cảng khác cho giao thương quốc tế. Hiệp ước Nam Kinh là hiệp ước đầu tiên trong số 26 ‘hiệp ước bất bình đẳng’ tương tự mà nhà Thanh bị buộc phải kí với 10 quốc gia trong 60 năm sau đó.

Chiến tranh nha phiến là đợt làm ăn phát đạt cuối cùng của EIC. Vào khoảng năm 1874, phá sản và việc gia tăng mức ghê tởm với hành vi của công ti này đã dẫn đến việc nó bị buộc quốc hữu hoá. Nhưng điều đó đã không làm kết thúc sự nhầm lẫn về động cơ thương mại và thuộc địa của Anh ở Đông Nam Á. Năm 1842, nhà thám hiểm James Brooke đã trở thành Rajah (vua) của Sarawak và năm 1882 Công ti Chartered Bắc Borneo đã tiếp thu khu vực mà bây giờ là Sabah. Hai khu vực này được xác định như  là lãnh thổ của ‘Anh’ nhưng chỉ dần dần về sau mới được chính thức sáp nhập vào Đế quốc Anh.

Trái lại, các dự án của đế quốc Pháp và Đức là các hoạt động do nhà nước chủ trương ngay từ đầu. Lấy cớ về việc các nhà truyền giáo Công giáo bị ngược đãi, Hải quân Pháp đã nã pháo vào thành phố Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam năm 1858. Năm sau quân Pháp chiếm lấy Sài Gòn và trong vòng một thập kỉ ‘Nam Kì’ biến thành thuộc địa. Campuchia và An Nam cũng trở thành xứ bảo hộ của Pháp ngay sau đó nhưng cái mà người Pháp thực sự theo đuổi là một tuyến đường sông, đường sắt độc lập đến các thị trường tiềm năng rất lớn của nội địa Trung Quốc. Muốn thành công đòi hỏi phải kiểm soát các tỉnh phía Bắc của Bắc Kì - một viễn cảnh làm triều đình Bắc Kinh quan ngại sâu sắc. Chính phủ Trung Quốc bảo trợ quân Cờ Đen (những kẻ là thổ phỉ hay một đơn vị chính trị bán tự trị tùy theo quan điểm mỗi người) để ngăn chặn họ lại. Nhưng sau khi chiến tranh xảy ra (1884-1885) Trung Quốc buộc phải thừa nhận việc người Pháp kiểm soát Bắc Bộ và đồng ý về một đường biên giới xác định giữa Bắc Bộ và vương quốc nhà Thanh.

Cùng khoảng thời gian này, Nhà nước Đức cũng đang tìm kiếm lãnh thổ ở Châu Á. Để chuẩn bị họ tìm cách thiết lập một chuỗi căn cứ hải quân kết nối chính quốc với một thuộc-địa-trong-hi-vọng ở Trung Quốc. Hải quân của họ đã tiến hành một loạt các cuộc khảo sát quanh quần đảo Hoàng Sa từ năm 1881 và năm 1884. Đức không tìm cách tiếp xúc cũng không nhận được sự cho phép của Trung Quốc hoặc Pháp cho các cuộc điều tra và chính phủ cả hai nước này dường như không nhận biết, dù chỉ đưa ra một phản kháng. (Một số tác giả khẳng định rằng Trung Quốc có đưa ra phản kháng nhưng dường như thiếu bằng chứng.) Nhà chức trách Đức thực tế đã công bố khảo sát của họ vào năm 1885 và nó đã trở thành tài liệu quy chiếu cho các bản đồ các quần đảo sau này của Anh và của Pháp, nhưng lạ lùng là không phải cho bản đồ của Trung Quốc.[26] Năm 1897, việc ngược đãi các nhà truyền giáo Châu Âu một lần nữa là cái cớ để cho đế quốc can thiệp. Trong vòng vài tháng Đức đã chiếm giữ khu vực mà sau này là Thanh Đảo (Qingdao) ở phía Đông Bắc Trung Quốc.

Dự án của đế quốc Mĩ ở Châu Á bắt đầu với màn trình diễn điển hình ngoại giao pháo hạm của tàu Commodore Perly tại bến cảng Tokyo vào năm 1853: đầy rẫy thuốc súng nhưng không có thương vong. Thay vì chống lại, như triều đình nhà Thanh đã làm, tầng lớp chủ chốt Nhật Bản chấp nhận hiện đại hóa, và trong vòng nửa thế kỉ đã dự phần vào cuộc chia cắt Trung Quốc. Thành công của Mĩ tại Nhật Bản dẫn đến những tham vọng lớn hơn. Năm 1890 Alfred Mahan, giám đốc trường US Naval War College, xuất bản cuốn The Influence of the Sea Power upon History, 1660-1783 (Ảnh hưởng của Cường quốc biển đối với lịch sử, 1660-1783) - phân tích sự thành công của nước Anh trong việc tạo ra một đế chế toàn cầu. Mahan cho rằng đối với Hoa Kì để phát triển thịnh vượng, cần phải đảm bảo các thị trường mới ở nước ngoài và bảo vệ các tuyến đường thương mại đến đó thông qua một mạng lưới các căn cứ hải quân. Lập luận của ông tạo được sự đồng cảm với một thế hệ mới các nhà chính trị. Tám năm sau cơ hội đã đến. Vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh Tây Ban Nha—Mĩ, Hoa Kĩ đã thực sự trở thành một cường quốc Thái Bình Dương, sáp nhập Philippines, Hawaii và Guam.

Tất cả việc chiếm lấy lãnh thổ này của các cường quốc thực dân cung cấp nền tảng cho các ranh giới hiện nay ở Biển Đông. Họ đã tạo ra các quốc gia cùng với biên giới giữa chúng với nhau mà biên giới biển được tính từ đó. Philippines và Indonesia được tách ra theo thoả thuận giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha năm 1529, ranh giới giữa Malaysia và Indonesia chủ yếu do người Anh và Hà Lan sắp xếp năm 1842; biên giới Trung—Việt do người Pháp thúc ép người Trung Quốc vào năm 1887, biên giới tổng thể của Philippines đã được Hoa Kì và Tây Ban Nha định đặt vào năm 1898 và biên giới giữa Philippines và Malaysia do Mĩ và Anh vạchvào năm 1930.

Đây là một phần của một quá trình xác định và cắm mốc biên giới giữa các quốc gia thuộc địa khác nhau, một quá trình tạo ra bất bình và phản kháng lớn. Người Hà Lan phải mất gần một thế kỉ để thực thi các việc đó ở Borneo và các đảo khác. Mãi cho đến những năm đầu thế kỉ XX, họ vẫn còn giải quyết 900 đơn vị chính trị bản địa khác nhau.[27] Nhưng đó là những biên giới mà các quốc gia hậu thuộc địa xuất hiện cùng với chúng và các biên giới này đã trở thành biểu tượng quốc gia thiêng liêng - bất chấp nỗi đau khổ mà chúng tiếp tục gây ra. Thậm chí bắt rễ sâu hơn bây giờ là cách nghĩ về các biên giới này. Hệ thống Westphalia đã trở nên chiếm ưu thế đến mức mà khái niệm về biên giới cố định và chủ quyền lãnh thổ thường được cho là đã tồn tại hàng thiên kỉ. Nhưng ở Đông Nam Á nó chỉ tồn tại hơn một thế kỉ đôi chút và việc mở rộng biên giới chính trị hiện đại từ những biên giới vốn đã có thể đã tồn tại trong hệ thống mandala có thể là vừa vô nghĩa vừa nguy hiểm.

Dĩ nhiên lí do chính cho sự nhạy cảm về chủ quyền và biên giới trong khu vực là những trãi nghiệm của Trung Quốc trong giai đoạn mà các nhà tư tưởng của nó gọi là ‘thế kỉ quốc sỉ’. Kí ức về sự bất lực của chế độ nhà Thanh khi đối mặt với cuộc xâm lược của Châu Âu công nghiệp hoá vẫn thôi thúc lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc. Nhưng trái ngược với việc chiếm đóng thực tế ở những nơi khác trên thế giới, chủ nghĩa đế quốc phương Tây thế kỉ XIX ở Trung Quốc không thực sự nhắm tới lãnh thổ: diện tích đất đai bị chiếm giữ cho đến năm 1900 (Hong Kong và các vùng tô nhượng quốc tế khác) chỉ chiếm một phần rất nhỏ lãnh thổ Trung Quốc. Cũng không phải đặc biệt về số người chết. Khoảng 20 000 người đã thiệt mạng trong ‘chiến tranh nha phiến’ năm 1840 và 1860 nhưng chắc chắn không nhiều hơn  số người bị giết (20-30 triệu) trong ‘loạn Thái Bình thiên quốc’ vào giữa thế kỉ này. ‘Quốc sỉ’ là về mặt ý thức. Nó kết hợp cảm giác bị ‘kẻ khác’ xâm phạm cùng với nhận thức rằng chính tham nhũng nội bộ và thoái hoá đã cho phép điều đó xảy ra. Ngược lại, Nhật Bản đã thích nghi với hệ thống thế giới mới khá thành công và đã sẵn sàng thách thức trật tự đã thiết lập của Đông Á.

**********

Năm 1894 và 1895, như một dấu hiệu cho các phát triển sẽ tới, Trung Quốc nhà Thanh bị Nhật Bản giành lấy quyền kiểm soát Triều Tiên và Đài Loan. Cuộc xâm lược đa quốc gia đàn áp ‘phong trào Nghĩa hoà đoàn’ vào năm 1901 gần như tiếp theo sau việc thua trận với Nhật Bản. Triều đại nhà Thanh bị khủng hoảng và rất nhạy cảm với những lời cáo buộc không thể bảo vệ nổi lãnh thổ của đất nước. Các nhóm như ‘Quốc quyền quang phục hội’, ‘Quốc sỉ kỉ niệm hội’ và ‘Tự trị hội’ phát động tẩy chay hàng hóa của Anh, Mĩ, Nhật và các nước khác.[28] Chính vì vậy, vào năm 1909, lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đã quyết định chuyển chủ quyền các đảo ở Biển Đông thành một vấn đề về niềm tự hào dân tộc. Sau đó, cũng như bây giờ, vấn đề này là số phận của các chấm đất đá gần như không có người ở trên biển, rất xa đất liền. Việc thay đổi vị thế này cho ra việc vẽ đường [lưỡi bò] vốn trở thành cơ sở cho các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngay từ tháng 10 năm 1907 có tin đồn về một nhóm nhà thám hiểm Nhật Bản đổ bộ lên đảo Pratas (TQ gọi là Đông Sa), một rạn san hô phủ phân chim cách Đài Loan (đang bị Nhật chiếm đóng) 400 km về phía Tây Nam và cách Trung Hoa đại lục khoảng 260 km.[29] Cho đến khi một tàu Trung Quốc đến viếng Pratas tháng 3 năm 1909 và phát hiện ra Nishizawa Yoshiji cùng khoảng một trăm đồng nghiệp đang đào bới phân chim.thì tin đồn này mới được xác nhận. Khi bị chất vấn, Nishizawa tuyên bố rằng ông đã khám phá ra đảo này, rằng trước đây nó không có người ở và bây giờ nó thuộc về ông ta. Động cơ của ông đơn giản. Phân chim là một loại phân bón phong phú và có giá trị cho các cánh đồng lúa ở quê nhà và Nishizawa hi vọng kiếm được một món tiền to.

Khi tin này đến Quảng Châu, Hội Tự trị đã phát động một cuộc tẩy chay hàng hóa Nhật và yêu cầu chính phủ làm một điều gì đó. Các thành viên phẫn nộ tầng lớp trung của hội cũng thu thập bằng chứng để cố chứng minh rằng Pratas thuộc về Trung Quốc. Các nhà yêu nước ghế bành đọc lướt qua các sách cũ và phỏng vấn những người đi biển bằng chứng về mối quan hệ của đảo này với đất liền. Với áp lực người dân ngày càng tăng, Trung Quốc quyết định dùng tiền mặt để làm cho vấn đề này biến đi. Chính phủ Nhật Bản cũng sẵn sàng trợ giúp. Việc tẩy chay của Trung Quốc đã làm tổn hại nghiêm trọng nhiều công ti Nhật Bản và Nhật Bản có thể thấy rằng việc chiếm giữ Pratas không có giá trị nhiều[30]. Nhà chức trách ở Tokyo đề xuất công nhận chủ quyền của Trung Quốc nếu yêu sách đó có chứng minh thoả đáng.[31]

Ngày 12 tháng 10 năm 1909 Tổng đốc Quảng Đông và lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Quảng Châu đã đồng ý thỏa thuận này. Nhật Bản công nhận chủ quyền của Trung Quốc và Nishizawa sẽ rời khỏi đảo để đổi lấy 130 000 đồng tiền bạc đền bù.[32] Nhà chức trách Quảng Đông hi vọng sẽ thu lại món tiền bằng cách áp dụng kế hoạch kinh doanh của Nishizawa. Họ thậm chí đã thuê một vài chuyên gia khai thác phân chim của ông để tư vấn cho họ. Đáng buồn là mọi việc chẳng đem lại gì cả. Nếu không có một cầu cảng để cất dỡ hàng tàu lớn, toàn bộ dự án là không kinh tế. Đến Giáng Sinh năm 1910 dự án đã bị bỏ rơi và Pratas được biết là bị bỏ hoang một lần nữa.[33]

Tuy nhiên, mối lo ngại về biên giới biển của Trung Quốc vẫn dai dẳng và Tổng đốc Quảng Đông, Trương Nhân Tuấn, cảm thấy cầm một thanh gươm sẽ có nhiều hiệu quả hơn là một cây bút và hướng sự chú ý của mình tới Quần đảo Hoàng Sa, vài trăm cây số về phía Tây Nam. Tại thời điểm này, các bản đồ chính thức của Trung Quốc (dù cấp quốc gia, khu vực hay địa phương) đều cho thấy đảo Hải Nam là điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc. Các bản đồ xuất bản năm 1760, 1784, 1866 và 1897 đều nằm trong trường hợp này.[34] Trong khi các cuộc đàm phán về Pratas diễn ra, Trương Nhân Tuấn phái một thuyền đến quần đảo Hoàng Sa tháng 5 năm 1909 - và hai tháng sau đó phái thêm hai thuyền nữa. Tài liệu Trung Quốc nói về một đội tàu mất ba tuần đi vòng quanh, làm các cuộc khảo sát và bắn súng đại bác để khẳng định chủ quyền quần đảo này cho Trung Quốc. Tuy nhiên PA .Lapicque, chủ một công ti vận chuyển người Pháp xuôi ngược các tuyến đường biển này, đã đưa ra một phiên bản khác biệt trong một cuốn sách được xuất bản 20 năm sau đó.[35] Ông nói rằng chuyến đi (được hai người Đức của công ti kinh doanh lớn Carlowitz dẫn đường) bỏ ra hai tuần thả neo quanh đảo Hải Nam chờ thời tiết tốt và sau đó đi nhanh tới quần đảo Hoàng Sa vào ngày 6 tháng 6 rồi trở về Quảng Châu ngày hôm sau. Bây giờ chuyến đi này thành cơ sở cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo này. Hệ quả của chuyến đi là một bản đồ mới của Quảng Đông đã được xuất bản cho thấy lần đầu tiên trên bản đồ Trung Quốc, Quần đảo Hoàng Sa như là một phần của tỉnh này.[36]

Đó là một trong những hành vi cuối cùng dưới triều đại nhà Thanh đang giảy chết: cuối cùng nó bị lật đổ năm 1911. Bản đồ đầu tiên mà chính phủ cộng hòa mới xuất bản, năm 1912 trong Almanac của nó, không cho thấy có biên giới nào cả. Các nhà lãnh đạo quốc gia mới thề thốt là ‘hiện đại’ – họ khao khát trở thành một phần của hệ thống quốc tế nhưng như nhà địa lí William Callahan đã chỉ ra, họ không thể giải quyết mâu thuẫn giữa bản sắc mới của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia và bản sắc cũ của nó như là trung tâm của một loạt các mối quan hệ thứ bậc dưa trên hệ madala. Hiến pháp đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc minh họa một cách hoàn hảo điều này khi khẳng định rằng ‘lãnh thổ (sovereign territory) của Trung Hoa Dân Quốc vẫn như cũ, là lãnh địa (domain) của đế quốc [Trung Hoa] trước đây’. Đẳng thức đơn giản về ‘lãnh địa’ cũ với ‘lãnh thổ’mới là nền tảng cho sự bất đồng hiện tại về ‘biên giới’ ở Biển Đông.[37]

Đây là tình hình khi mà nhà vẽ bản đồ tư nhân, Hồ Tấn Tiếp (胡晋接/Hu Jinjie), quyết định soạn ra một hướng dẫn mới về lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc. Cuối cùng khi được công bố vào tháng 12 năm 1914, tập bản đồ địa lí mới của Trung Hoa Dân Quốc (中华民国地理新图 [THDQ địa lí tân đồ]) chứa bản đồ đầu tiên của Trung Quốc bao gồm một đường vẽ xuyên qua Biển Đông thể hiện đảo nào đúng lí thuộc về đại lục. Hồ Tấn Tiếp đặt tên bản đồ này là ‘Bản đồ lãnh thổ Trung Quốc trước thời Càng Long-Gia Khánh’.[38] Nói cách khác, đường đó thể hiện cho mức độ ‘kiểm soát’ của nhà nước Trung Quốc trước năm 1736 và đáng lưu ý, các đảo bên trong đường này chỉ có Pratas và quần đảo Hoàng Sa.[39] Đường đó không vượt quá  vĩ tuyến15° N về phía Nam. Suốt thời kì ‘lãnh chúa’ hỗn loạn vào thập niên 1920 và đầu thập niên1930 đó là đường công bố trên bản đồ Trung Quốc. Phải mất 20 năm và một cuộc khủng hoảng quốc tế trên biển để đường đó chuyển tới vị trí mà Trung Quốc khẳng định hiện nay.

Ý thức xúc phạm quốc gia thậm chí còn tăng mạnh hơn vào ngày 9 tháng 5 năm 1915 khi chính phủ dân quốc buộc phải chấp nhận những yêu cầu mới của Nhật Bản đòi nhường lãnh thổ và các quyền khác.[40] Hội giáo viên quốc gia tuyên bố ngày 9 tháng 5 là "Kỉ niệm Quốc sỉ'. Năm 1916, Hiệp hội Bản đồ Trung ương ở Thượng Hải công bố một 'Bản đồ quốc sỉ’ chỉ ra các vùng lãnh thổ bị mất vào tay người nước ngoài. Điều thú vị là, Hồng Kông, Đài Loan và Bắc Bộ đã được đánh dấu nổi bật nhưng không có bất cứ nơi nào khác ở Biển Đông được đề cập đến. Trong phần lớn thập niên sau,Trung Quốc bị thu hút vào cuộc nội chiến giữa các phe phái tranh quyền và lãnh chúa nhưng sau khi Quốc Dân Đảng lên nắm quyền vào năm 1927, họ đã sử dụng ‘quốc sỉ’ làm một ý tưởng thống nhất để đoàn kết đất nước. Họ thậm chí còn biến ‘ngày kỉ niệm quốc sỉ’ thành ngày lễ chính thức.

Ngày 13 tháng 4 năm 1930, tàu chiến Pháp Malicieuse thả neo ngoài khơi đảo Trường Sa, hàng trăm cây số phía Nam đảo Pratas và Quần đảo Hoàng Sa, và bắn 21 phát súng chào. Các nhân chứng duy nhất cho vụ trình diễn rực rỡ này là bốn ngư dân áo chàm và đói khát mà không biết rằng họ đã chứng kiến loạt đạn chào mở màn trong một trận chiến vẫn chưa kết thúc để kiểm soát ngư trường của họ. Tàu Malicieuse đã được thống đốc Pháp tại Nam Kì phái đi sau khi có các báo cáo rằng chính phủ Nhật Bản sắp tóm lấy đảo này, cách bờ biển ông ở 500 km.[41] Chính phủ Pháp công bố việc chiếm đóng nhưng, kì lạ là không chính thức sáp nhập nó cho đến khi chính phủ Anh yêu cầu một bản sao của tài liệu sáp nhập ba năm sau đó. Chính phủ Trung Quốc không lưu ý tới cuộc chiếm đóng năm 1930 nhưng khi có công bố sáp nhập vào ngày 26 tháng 7 năm 1933, qua tuyên bố chủ quyền đảo Trường Sa và năm đảo khác - An Bang, Ba Bình, Song Tử (Les Deux Iles), Loại Ta và Thị Tứ - phản ứng của họ là dữ dội nhưng cũng khá lúng túng.

Vào ngày có thông báo, lãnh sự Trung Quốc tại Manila, ông Kwong, hỏi chính quyền thực dân Mĩ tại Philippines về bản đồ của quần đảo. Rõ ràng từ các bài báo đương thời do tờ báo có ảnh hưởng ở Thượng Hải là Thân Báo (申报/Shen Bao, trước đây là phiên âm là Shun Pao) tường thuật rằng chính phủ Trung Quốc đã không thể xác định được đảo nào đã bị sáp nhập hoặc chúng ở chỗ nào. Ngày 28 tháng 7, tờ báo cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ phái một tàu đi điều tra những gì đang xảy ra. Hai ngày sau, phóng viên ở Paris của báo này thông báo bạn đọc rằng các đảo đó là các rạn san hô không có người ở và khác với Quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên tranh cãi về vị trí quần đảo vẫn cuồng nhiệt trên tờ báo trong nhiều tuần. Dường như chính phủ Trung Quốc tin rằng người Pháp đã thay đổi tên của các đảo để làm tình hình rối ren. Họ đã phải quay sang xin ý kiến các chính phủ nước ngoài. Ngày 1 tháng 8, người Mĩ ở Manila đưa cho ông Kwong một bản đồ. Theo tường thuật, ông ngạc nhiên khi biết rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thực tế là hai nơi khác nhau.[42] Cho đến ngày 15 tháng 8 bản đồ này mới tới tay chính phủ ở Nam Kinh. Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục lay động ngay cả khi các cuộc biểu tình tiếp diễn trên đường phố.

Trái lại, Nhật Bản lại trở thành nước đầu tiên phản đối động thái của Pháp vào ngày 21 tháng 8, lập luận rằng một công ti Nhật Bản, Rasa Industries, đã khai thác phân chim ở quần đảo này cho đến gần đây. Tuy nhiên, rốt cuộc thì họ cũng nhầm lẫn: Rasa thật ra hoạt động trên đảo Hoàng Sa trong Quần đảo Hoàng Sa. Thân Báo tiếp tục loan tin về cáo tình trạng bất đồng giữa các cơ quan chính phủ trong nhiều tuần lễ. Mặc dù ngượng nghịu và phẫn nộ, chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ thực sự chính thức phản đối động thái của Pháp.[43] Lí do có vẻ là ở giai đoạn này, chính phủ Trung Quốc coi Quần đảo Hoàng Sa chứ không phải là Quần đảo Trường Sa là lãnh thổ cực Nam của họ. Một báo cáo từng là bí mật gửi cho Hội đồng quân sự ngày 1 tháng 9 năm 1933, dường như xác nhận điều này:

Tất cả các nhà địa lí chuyên nghiệp của chúng ta đều nói rằng đảo Tri Tôn [trong Quần đảo Hoàng Sa] là đảo cực Nam của lãnh thổ của chúng ta. Nhưng có lẽ chúng ta có thể tìm thấy một số bằng chứng cho thấy 9 đảo [trong Quần đảo Trường Sa] là một phần của lãnh thổ của chúng ta trong quá khứ. Chúng ta cần phải hạ nhiệt trận đấu với Pháp, nhưng hãy để ngư dân của chúng ta tiếp tục hoạt động của họ để bảo vệ quyền đánh cá của chúng ta. Hải quân của chúng ta yếu và 9 đảo đó không hữu ích cho chúng ta bây giờ… Chúng ta chỉ phải chú tâm vào Quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa], vì các luận điểm bằng chứng về chủ quyền của chúng ta đối với nó có rất nhiều mà cả thế giới đều chấp nhận, ngoại trừ Nhật Bản.[44]

Không có khả năng tác động bất kì đòn bẩy thực tế nào, chính phủ Trung Quốc đành quay lại với các nhà vẽ bản đồ của mình thế vào. Ngày 7 tháng 6 năm 1933, khi mà tin đồn về việc Pháp chiếm đóng Quần đảo Trường Sa bắt đầu lan truyền, họ thành lập Ủy ban thẩm tra bản đồ đất và biển (水陆地图审查委员会 [thủy lục địa đồ thẩm tra ủy viên hội]). Trong khi Ủy ban thảo luận, một nhà vẽ bản đồ khác, Trần Đạt (陳鐸/Chen Duo), công bố tập bản đồ Trung Quốc mới thực hiện của ông, trong đó biên giới biển của Trung Quốc kéo dài xuống 7° N - chắc chắn bao gồm những đảo ở Trường Sa mà Pháp vừa tuyên bố chủ quyền.[45] Điều này có thể đã ảnh hưởng đến ủy ban vì, sau một năm rưỡi nghiên cứu, cuối cùng họ cũng phản ứng lại hành động khiêu khích của Paris. Thay vì dùng 21 phát đại bác, ủy ban triển khai một danh sách. Tập đầu tiên của tạp chí công bố vào tháng 1 năm 1935, bao gồm tên tiếng Trung cho 132 đảo và đảo nhỏ trong Biển Đông mà ủy ban tin rằng đúng lí thuộc về Trung Quốc. Trong số này, 28 ở Quần đảo Hoàng Sa và 96 ở Trường Sa. Danh sách này không phải là một bộ sưu tập các tên truyền thống của Trung Quốc cho các thể địa lí mà là phiên âm hay dịch nghĩa các tên phương Tây in trên các hải đồ. Chẳng hạn, ở Quần đảo Trường Sa, North Danger trở thành Bắc Hiểm (北崄/Beixian), và Quần đảo Trường Sa đã trở thành Si-pu-la-te-li (斯普拉特利-phiên âm tiếng Trung của tên tiếng Anh Spratly [chú ý rằng ở đây âm ‘r’ được phiên âm thành âm ‘l’ như thường thấy, chẳng hạn trong Roma thành Luómǎ (La Mã), Paris thành Bālí (Ba Lê)…- ND]) và ở Quần đảo Hoàng Sa,  Antelope trở thành Linh Dương (羚羊/Ling yang). Một đảo khác trong Quần đảo Hoàng Sa (mãnh đất xa nhất phía Tây của nhóm An Vĩnh), được gọi là ‘West Sand’ (Cát Tây) bằng tiếng Anh và có vẻ có khả năng là tên này đã được trao cho toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa thành Tây Sa (西沙/Xisha - ‘cát Tây’ trong tiếng Trung). Bãi ngầm Macclesfield, ở trung tâm Biển Đông, được đặt tên là Nam Sa (南沙/Nansha - cát Nam) và quần đảo Trường Sa có tên Đoàn Sa (團沙/Tuansha - ‘cát tụ’).[46] Tất nhiên điều đáng lưu ý ở đây là bãi ngầm Macclesfield được coi như ở ‘phía Nam’.

Rõ ràng là trong nhiều trường hợp Uỷ ban chỉ việc dịch tên của các thể địa lí trên các bản đồ của Anh sang tiếng Trung, kể cả rất nhiều các lỗi hiện có và thêm vào một số lỗi của chính họ. James Shoal có vẻ là một ví dụ. Ủy ban cho nó cái tên Trung Quốc Zengmu (曾母 [Tăng Mẫu] - phiên âm của James) Tan. Nhưng tan (滩 [than]) là từ tiếngTrung chỉ một bãi biển hoặc bãi cát - một cái gì đó lộ ra trên mặt nước. Tuy nhiên trong thuật ngữ hàng hải tiếng Anh, shoal là một thể địa lí ngầm - một khu vực được nâng lên của đáy biển (từ có nguồn gốc từ một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là ‘cạn’). Thật ra bãi ngầm James ở dưới mặt nước 22 mét. Nhưng do việc Uỷ ban xa lạ với khu vực này nên họ cho rằng nó là một thể địa lí nổi (có đất). Vì vậy, trong chừng mực nào đó có vẻ như yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là dựa trên một lỗi dịch thuật. Chỗ mà giờ đây được mô tả như là ‘điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc’ lại không tồn tại - chẳng hơn Vạn Lí Thạch Đường tám thế kỉ trước chút nào.

Ủy ban tiếp tục với nhiệm vụ lãnh thổ của mình. Ba tháng sau, vào tháng 4 năm 1935, họ xuất bản Bản đồ các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông (中国南海各岛屿图 [TQ Nam Hải các đảo tự đồ]), đưa biên giới trên biển của nước này xuống đến tận 4° N - vị trí của bãi ngầm James, chỉ cách bờ biển Borneo 107 km và cách Trung Quốc hơn 1 500 km.[47] Sau đó, một trong những nhà địa lí nổi tiếng nhất của Trung Quốc, Bạch Mi Sơ (白眉初/Bai Meichu), thêm vào sáng kiến của mình. Bạch Mi Sơ là một trong những người sáng lập Hội địa lí Trung Quốc. Ông cũng là một nhà yêu nước hăng hái và vào năm 1930 đã vẽ phiên bản riêng của mình ‘bản đồ quốc sỉ Trung Quốc’ để cho đồng hương ông biết lãnh thổ mà họ đã mất tới mức nào.[48] Trong năm đó Bạch Mi Sơ trở thành Trưởng ban biên tập của Hội, ông tuyên bố: ‘Yêu nước là ưu tiên hàng đầu trong việc học địa lí, còn xây dựng đất nước là điều mà việc học địa lí nhắm tới.’[49] Năm 1936, ở tuổi 60, ông đã tạo ra di sản lâu dài nhất của mình: một bản đồ trong tập bản đồ kiến thiết Trung Hoa mới (中华建设新图 [TH kiến thiết tân đồ]) của ông bao gồm đường hình chữ U ngoằn ngoèo trên Biển Đông xa về phía Nam tới tận bãi ngầm James. Đường này sau đó đã được nhiều người khác sao chép lại. Từ năm 1936 đến 1945 nhiều phiên bản của đường này đã được công bố trên 26 bản đồ khác. Một số kéo dài đến tận bãi ngầm James, dù hầu hết chỉ bao gồm quần đảo Trường Sa.[50] Một thập kỉ sau, chính đường vẽ của Bạch Mi Sơ được chính phủ Trung Quốc nắm lấy, sao chép và khẳng định để xác định vùng lãnh thổ đảo lịch sử của Trung Quốc.

Tất cả việc lập danh sách và vẽ bản đồ này đã kết thúc đột ngột khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc năm 1937. Công việc bảo vệ chủ quyền đất nước đã được chuyển cho quân đội và các đối tượng căm phẩn dân tộc trước đây của người Trung Hoa - Anh, Nga và Hoa Kì nói riêng đã trở thành đồng minh chống lại kẻ thù lớn hơn. Nhưng thế chiến thứ hai sẽ thiết lập lại cuộc tranh giành lãnh thổ ở Biển Đông. Nhật Bản đã chiếm Đài Loan vào năm 1895, do đó, khi lực lượng Mĩ tại Philippines đầu hàng tháng 5 năm 1942 gần như toàn bộ bờ biển của Biển Đông, từ Đài Loan đến Singapore và ngược lại, đều rơi vào sự kiểm soát của một thế lực duy nhất lần đầu tiên trong lịch sử dài hàng thiên kỉ của mình. Biển Đông đã trở thành cái ‘ao nhà của Nhật’ và sẽ vẫn như vậy cho đến tháng 1 năm 1945. Nhật chiếm đóng đảo Phú Lâm trong Quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình trong Quần đảo Trường Sa. Các cơ sở trên đảo Ba Bình hầu như  đã bị phá hủy khi máy bay Mĩ ném bom lửa napalm và liên tục tấn công vào ngày 1 tháng 5 năm 1945 và đảo này bị bỏ trống một lúc nào đó trước khi toán trinh sát Mĩ đến vào ngày 18 tháng 11 năm 1945.[51] Hai lính đặc nhiệm Australia từ tàu ngầm USS Pargo của Mĩ đã đổ bộ lên đảo Phú Lâm trong Quần đảo Hoàng Sa ngày 3 tháng 2 năm 1945, và thấy hai người Nhật và một người Châu Âu sống ở đó dưới cờ tam tài (ba màu) của Pháp. Sau khi hai lính Australia rút lui, tàu Pargo bắn phá tất cả các nhà cửa.[52] Ngày 8 tháng 3 máy bay Mĩ dội bom các trạm vô tuyến điện trên cả hai đảo Phú Lâm và Hoàng Sa.[53] và khi chiếc USS Cabrilla, một tàu ngầm khác, đến đảo Phú Lâm vào ngày 2 tháng 7, cờ ba màu vẫn còn tung bay, nhưng lần này với một lá cờ trắng bên trên nó.[54]

Khi tiến trình chiến tranh xoay chuyển, phe đồng minh bắt đầu thảo luận về việc các đường sẽ được vẽ trên bản đồ ở chỗ nào một khi cuộc chiến kết thúc. Ngay từ tháng 5 năm 1943, một vài tuần sau trận đánh Guadalcanal, Bộ Ngoại giao Mĩ đã soạn xong tài liệu T-324 để giúp quyết định những gì nên làm về các đảo ở Biển Đông. Không thể có việc cho phép Nhật Bản ở tiếp trên các đảo này, nhưng vì các đảo này không là ‘lợi ích sống còn đối với bất kì quốc gia hoặc lãnh thổ nào’, lập trường của Mĩ vẫn mù mờ.[55] Các tài liệu sau đó tiếp tục chủ đề này, lập luận rằng không một quốc gia duy nhất nào có một yêu sách rõ ràng đối với các đảo. Tài liệu GAG-301, ‘Trường Sa và các đảo khác (Shinnan Gunto [Tân Nam quần đảo])’, soạn vào ngày 19 tháng 12 năm 1944 trước thềm Hội nghị Yalta, khuyến cáo rằng Quần đảo Trường Sa được đặt dưới quyền ‘tổ chức quốc tế dự phóng’ – tức Liên Hiệp Quốc sau này - mặc dù lưu ý rằng điều này sẽ đòi hỏi sự chấp thuận của Pháp. Tài liệu khác, CAC-308, đề xuất ba phương án cho Quần đảo Hoàng Sa: ủy thác quốc tế, thỏa thuận giữa Trung Quốc và Pháp, hoặc thứ ba ủng hộ yêu sách của Trung Quốc ‘trừ khi Pháp đưa ra bằng chứng về việc Trung Quốc chuyển giao Quần đảo Hoàng Sa cho An Nam năm 1816’.[56] Tuy nhiên, sau chiến tranh Bộ Ngoại giao Mĩ nhận ra việc để bất kì đảo nào đặt dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc là khó có thể xảy ra vì nó sẽ đòi hỏi một mức độ linh hoạt khó có thể có từ Pháp. Kết quả là lập trường của Mĩ vẫn mù mờ.

Vào ngày 4 tháng 7 năm 1946, Philippines trở thành độc lập với Hoa Kì và ít hơn ba tuần sau đó Phó tổng thống Elpidio Quirino tuyên bố Quần đảo Trường Sa là một phần thuộc vùng ảnh hưởng của Philippines. Nhà chức trách Pháp, cố gắng tái khẳng định quyền kiểm soát Đông Dương, đã phái một tàu quét mìn, FR Chevreuil, ra Quần đảo Trường Sa. Tàu này thấy rằng quần đảo không có người ở, và ngày 5 tháng 10 năm 1946, đã đặt một cột mốc đá trên đảo Ba Bình khẳng định chủ quyền của Pháp. Ngày 9 tháng 12 năm 1946, vừa mới nhận được của Mĩ một số tàu, thuyền viên được đào tạo và hải đồ các vùng biển, Hải quân Trung Quốc đã phái hai tàu tới Quần đảo Hoàng Sa và hai tàu khác tới Quần đảo Trường Sa.[57] Tàu Taiping (Thái Bình - trước đây là tàu có boong USS Decker) và Zhongye (Trung Nghiệp - có thể là tàu USS LST-1056) đến đảo Ba Bình vào ngày 12 tháng 12, các thủy thủ đã dựng một cột mốc đá khác ở đó, tuyên bố chủ quyền đảo cho Trung Quốc. Sau đó, vào tháng 1 năm 1947, quân Trung Quốc và Pháp đổ bộ lên các đảo khác nhau trong Quần đảo Hoàng Sa một lần nữa thể hiện tuyên bố chủ quyền đối nghịch (để biết thêm về điều này xem Chương 3).

Tháng 5 năm 1947, Quốc hội Trung Hoa Dân Quốc thông qua một kiến nghị kêu gọi chính phủ phục hồi toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa từ tay Pháp, bằng vũ lực nếu cần thiết, và ‘phân định ranh giới lãnh thổ của chúng ta’ rõ ràng. Vũ lực là khó có thể, nhưng phân chia ranh giới lãnh thổ thì dễ dàng hơn. Sở Địa lí của Bộ nội chính soạn thảo một danh sách các tên mới cho tất cả các đảo trong Biển Đông. Đảo Itu-Aba (Ba Bình) được đổi tên thành đảo Taiping (太平 [Thái Bình]) và đảo Thị Tứ được đổi tên thành Zhongye (中业 [Trung Nghiệp]) theo tên hai tàu được phái tới trong chuyến đi vào năm 1946) và các thể địa lí khác đã được trao các danh hiệu yêu nước tương tự, chẳng hạn đảo Trường Sa đã trở thành Nanwei (南威[Nam Uy - uy dũng phía Nam]). Có lẽ nhận ra sai lầm của mình, Ủy ban đổi bãi ngầm James từ bãi cát (tan – than) thành rạn san hô ngầm (暗沙/Ansha [ám sa]) tức Tăng Mẫu ám sa. Tên của bốn nhóm các thể địa lí cũng đã được điều chỉnh: Quần đảo Hoàng Sa vẫn Tây Sa (西沙/Xisha [Cát Tây]) nhưng Pratas trở thành Đông Sa (东沙/Dongsha [Cát Ðông]). Tên Nam Sa (南沙/Nansha  [Cát Nam]) mà trước đó dùng để gọi bãi ngầm Macclesfield đã được chuyển về phía Nam để chỉ Quần đảo Trường Sa, còn bãi ngầm Macclesfield (trước đây là Nam Sa) đã được chỉ định lại thành Trung Sa (中沙/Zhongsha [Cát Giữa]).

Đến cuối năm 1947, Bộ [nội chính] đã hoàn thành một bảng tham chiếu chéo cho tất cả các tên cũ và mới của các đảo và đảo nhỏ mà số lượng đã bò lên tới 159.[58] Danh sách này đã được chính thức công bố vào ngày 1 tháng 12, cùng ngày các đảo này đều chính thức đặt dưới sự quản lí của Đặc khu Hải Nam.[59]Trong khoảng thời gian đó, Bộ đã in ‘Bản đồ vị trí các đảo của biển Nam [Trung Quốc]’(南海诸岛位置图 [Nam hải chư đảo vị trí đồ]), được Bộ chính thức công bố tháng 2 năm 1948 như là một phụ trang cho ‘bản đồ khu vực hành chính mới của Trung Hoa Dân Quốc’ (中 華 民 國 行 政 區 域 圖 - Zhonghua minguo xingzheng quyu tu - Trung hoa dân quốc hành chánh khu vực đồ). Tất cả những cái tên mới được đưa vào cùng với đường [chữ U] ban đầu được vẽ trên bản đồ của Bạch Mi Sơ một thập kỉ trước đó. Mười một vạch chạy doc theo phía Đông của Biển Đông từ Đài Loan đến bờ biển Borneo và sau đó vòng về phía Bắc đến Vịnh Bắc Bộ có dạng một hình chữ U to. Không có lời giải thích chính thức nào về ý nghĩa của đường này được đưa ra mặc dù một trong những nhà vẽ bản đồ của Bộ, Vương Tích Quang (王锡光/Wang Xiguang), theo tường thuật đã nói rằng các vạch chỉ đơn giản là đề chỉ trung tuyến giữa lãnh thổ của Trung Quốc – tức là mỗi đảo yêu sách - và của các nước láng giềng.[60]

Ngày 12 tháng 6 năm 1947 một cuộc họp giữa các quan chức Hải quân, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc đồng ý rằng chính phủ yêu sách tất cả mọi thứ bên trong đường [chữ U] nhưng sẽ đàm phán biên giới trên biển chính xác với các nước khác vào một ngày sau này và tuân theo luật pháp quốc tế hiện hành. Chưa có biên giới nào được phân định —  đó là sự khởi đầu của điều mà sau này được gọi là ‘sự mơ hồ chiến lược’ ở Biển Đông.[61] Nhưng vào lúc đó sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc được tính từng ngày. Trong vòng vài tháng lãnh đạo của nó đã chạy thoát sang Đài Loan và Đảng Cộng sản tuyên bố thành lập nước Cộng hòa nhân dân. Những người Cộng sản thừa nhận các bản đồ và các đường vẽ của chính phủ trước mặc dù, vào năm 1953, trong cái được giả định là một đặc ân cho những người cộng sản anh em đang đấu tranh giành độc lập, các nhà vẽ bản đồ của họ giảm số vạch thành 9 bằng cách loại bỏ hai vạch ở Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam.[62] Biên giới trong khu biển này cuối cùng mới được hai nước xác định vào năm 1999. Tháng 6 năm 2013, Cục đo đạc và Bản đồ Nhà nước Trung Quốc đã phát hành một bản đồ chính thức mới của đất nước và thêm một vạch thứ mười, ở phía Đông của Đài Loan, làm rõ rằng đó chắc chắn cũng là một phần của lãnh thổ quốc gia.[63]

Tháng 5 năm 2009, chính quyền Trung Quốc kèm bản đồ ‘đường chữ U’ vào công hàm nộp cho Ủy ban về Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên sử dụng đường này trong một văn cảnh quốc tế chính thức. Phản ứng xung quanh khu vực là giận dữ và ồn ào. Điều đó cho thấy những ý tưởng về ranh giới và biên giới đã thay đổi xa tới mức nào từ lúc một nhà vẽ bản đồ Trung Quốc không rõ đã vẽ ‘Bản đồ Selden’ gần 400 năm trước. Ý tưởng vẽ các đường cố định trên bản đồ để phân ranh giới sự trung thành về chính trị là vô nghĩa vào lúc đó và ý tưởng cho rằng biển cũng có thể ‘sở hữu' được là lố bịch. Đó đều là những khái niệm xuất hiện ở Châu Âu vào thế kỉ XVII và đã được các công ti kinh doanh và đế quốc đưa đến khu vực Đông Nam Á. Người Châu Âu đã vẽ các bản đồ mới rồi vẽ các đường mới và trong quá trình đó truyền bá các cách nghĩ mới về cả hai thứ đó. Đó là sự chuyển đổi từ một hệ ý tưởng này sang một hệ ý tưởng khác, từ hệ thống mandala sang hệ thống Westphalia, việc đó đã để lại một di sản về sự nhầm lẫn lịch sử và, trong nhiều năm kể từ khi ‘đường chữ U’ được công bố, nẩy sinh ra một cuộc chạy đua giành lãnh thổ ở Biển Đông.


============================
Xem thêm: (bản song ngữ chương này)



[1] Robert Batchelor, ‘The Selden Map Rediscovered: A Chinese Map of East Asian Shipping Routes, c. 1619’, Imago Mundi, vol. 65 (2013), 37-63. For an alternative account of how the map might have reached England see Timothy Brook’s Mr. Selden’s Map of China: The Spice Trade, a Lost Chart and the South China Sea (Rotterdam, 2014).
[2] David Sandler Berkovwtz, John Selden’s Formative Years: Politics and Society in Early Seventeenth-Century England (Cranbury, New Jersey, 1988).
[3] Roderich Ptak, ‘Ming Maritime Trade to Southeast Asia 1368-1567: Vision of a “System”, In Claude Guillot, Denys Lombard and Roderich Ptak (eds), From the Medoterranean to the China Sea (Weisbaden, 1998), 157-92.
[4] Roderich Ptak, ‘Portugal and China: An Anatomy of Harmonious Coexistence (Sixteenth ans Seventeenth Centuries)’, in Laura Jarnagin, Culture and Identity in the Luso-Asian World: Tenacities & Plasticities (Singapore, 2012) (Portuguese and Luso-Asian Legacies in Southeast Asia, 1511-2011, vol. 2), 225-44.
[5] Léonard Blussé, “No boat China. The Dutch East India Company and the Changing Pattern of the China Sea Trade 1635-1690’, Modern Asian Studies, vol. 30 (1996), 51-76.
[6] Ibid.
[7] Angela Stottenhammer, “The Sea as Barrier and Contact Zone: Matitime Space and Sea Routes in Traditional China”, in Angela Stottenhammer and Roderich Ptak (eds), The Perception of Maritime Space in Traditional Chinese Sources (Wiesbaden, 2006), 3-13.
[8] Dennis O. Flynn and Arturo Giráldez, ‘Born with a “Silver Spoon”: The Origin of World Trade in 1571’, Journal of World History, vol. 6 (1996), 201-21.
[9] Léonard Blussé, ’Chinese Century. The Eighteenth century in the China Sea Region’, Archipel, vol. 586(1999), 107-29.
[10] Cornelis Koeman, Jan Huygen van Linschoten (Coimbra, 1984)
[11] Peter Borschberg, ‘The seizure of the Sta Catarina Revisited: The Portuguese Empire in Asia, VOC Politics and the Origins of the Dutch-Johor Alliance (1602-c.1616)’, Journal of Southeast Asian Studies, vol. 33, no.1 (2002), 31-62; Peter Borschberg, Hugo Grotius, the Portuguese and the Free Trade in the East Indies (Singapore, 2011); Martine Julia Van Ittersum, Profit ansd Principle: Hugo Grotius, Natural Rights Theories and the Rise of Dutch Power in the East Indies, 1595-1615 (Leiden, 2006)
[12] Bardo Fasshender et al, The Oxfod Handbook of the History of International Law (Oxford, 2012), 369.
[13] Edward Gordon, online note for the exhibition curated by Edward Gordon and Mike Widener, Freedom of the Seas, 1609: Grotius and the Emergence of International Law, at Yale Law School in Autumn 2009.
[14] Roderich Ptak, ‘The Sino-European Map (Shanhai yudi quantu) in the Enclyclopaedia Sancai Tuhui, in Angela Stottenhammer and Roderich Ptak (eds), The Perception of Maritime Space in Traditional Chinese Sources (Weisbaden, 2006), 191-207.
[15] Léonard Blussé, “No boat China. The Dutch East India Company and the Changing Pattern of the China Sea Trade 1635-1690’, Modern Asian Studies, vol. 30 (1996), 51-76.
[16] Hydrographic Office, The Admiralty, The China Sea Directory (London, 1889), vol. 2, 108.
[17] David Hancox and Victor Prescott, ‘Secret Hydrographic Surveys in the Spratly Islands’ (London, 1999). Spanish cartographers already knew Scarborough Shoal as Maroona Shoal and later the Bajo de Masingloc.
[18] Edyta Roszko, ‘Commemoration and the State: Memory and Legitimacy in Vietnam’, Sejourn: Journal of Social Issues in Southeast Asia, vol. 25, no. 1 (2010), 1-28.
[19] .David Hancox and Victor Prescott, ‘A Geographical Description of the Spratly Islands and an account of Hydrographic Surveys amongst those Islands’, Maritime Briefings, vol. 1. No. 6 (1995). Có thể xem tại https://www.dur.ak.uk/ibru/publications/view/?id=22.
[20] .Wang Wen Tai, Hong mao fan ying ji li kao lue [To Study the Foreigners], 1843, quoted in Han Zhen Hua, Lin Jin Zhi and Hu Feng Bin (eds) Wo Guo Nanhai shi liao huibian [Compilations of Historical Documents on Our Nanhai Islands], Dong Feng chu ban she, 1988, 163, quoted in François-Xavier Bonnet, ‘Geopolitics of Scarborough Shoal’, Irasec’s Discussion Paper, no. 14 (November, 2012), 13. Có thể xem ở https://www.irasec.com.
[21] Ibid.
[22] James Horsburgh, The India Directory Or, Directions for Sailing from and to the East Indies, China, Australia and the Interjacent Ports of Africa and South America, 6th edn, (London, 1852), vol. 2. 346.
[23] Dennis Owen Flynn and Arturo Giráldez, “Cycles of Silver: Global Economic Unity through the Mid-Eighteenth Century’, Journal of World History, vol. 13 (2002), 391-427.
[24] David P. Chandler et al, In search of Southeast Asia: A Modern History, rev. edn (Honolulu 1987).
[25] Carl A.Trocki, Prince of Pirates: The Temenggongs and the Developments of Johor and Singapore, 1784-1885, (Singapore, 2007).
[26] Hydrographic Office, The Admiralty, The China Sea Directory (London, 1889), vol. 2, 103, quoted in François-Xavier Bonnet, ‘Geopolitics of Scarborough Shoal’, Irasec’s Discussion Paper, no. 14 (November, 2012). Có thể xem tại https://www.irasec.com.
[27] Eric Tagliacozzo, ‘Tropical Space, Frozen Frontiers: The Evolution of Border Enforcement in Nineteenth-Century Insular Southeast Asia’, in Paul H. Kratoska, Remco Raben and Henk Schulte Nordholt (eds), Locating Southeast Asia: Geographies of KInowleges and Politic of Space (Singapore, 2005).
[28] Edward J. M. Rhoad, China’s Republican Revolution: The Case Of Kwangtung, 1895-1913 (Cambridge, Massachusetts, 1975).
[29] Straits Times, 21 October 1907, 5.
[30] Straits Times, 23 July 1909,3
[31] Straits Times, 29 March 1909, 7.
[32] Straits Times, 28 October 1909, 7.
[33] Straits Times, 23 December 1910, 7.
[34] .Guangdong dong tu [General Map of Guangdong Province], 1866 in Wan-Ru Cao and Zheng Xihuang (eds), An Atlas of Ancient Maps  in China (Beijing, 1997), vol. 3, no.196; Guangdong yudi quantu [Atlas of Guangdong Province], 1897, in Ping Yan, China in Ancient and Modern Maps (London, 1998), 247.
[35]  P. A. Lapicque, A Propos des Iles Paracels (Saigon, 1929), quoted in Monique Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands (Leiden, 2000), 101.
[36] Guangdong yu di quan tu [New Map Guangdong Province], 1909, quoted in François-Xavier Bonnet, ‘Geopolitics of Scarborough Shoal’, Irasec’s Discussion Paper, no. 14 (November, 2012), 15. Có thể xem tại https://www.irasec.com
[37] William A. Callahan, ‘The cartography of National Humiliation and the Emergence of China’s Geobody’, Public Culture, vol. 21, no. 1 (2009), 141-73.
[38] Han Zhen Hua (ed.), A Compilation of Historical Materials on China’s South China Sea Islands (Beijing, 1988), quoted in Zou Keyuan, Law of the Sea in East Asia: Issues and Prospects (Abingdon, 2005), 28.
[39] Han Zhen Hua (ed.), A Compilation of Historical Materials on China’s South China Sea Islands (Beijing, 1988), quoted in Zou Keyuan, The ChineseTraditional Boundary Line in the South China Sea and Its Legal Consequences for the Resolution of the Dispute Over the Spratly Islands, International Journal of Marine and Coastal Law, vol. 14, no. 1 (1999), 27-55.
[40] William A. Callahan, Historical Legacies and Non/Traditional Security:Commemorating National Humiliation Day In China, Paper presented at Renmin University, Beijing, April 2004. Có thể xem tại https://www.dur.ac.uk/resources/china_studies/Commemorating%20Naitonal%20Humiliation%20Day%20In%20China.pdf.
[41] Stein Tønesson, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, vol. 40 (2006), 1-57.
[42] François-Xavier Bonnet, ‘Geopolitics of Scarborough Shoal’, Irasec’s Discussion Paper, no. 14 (November, 2012), 15. Có thể xem tại https://www.irasec.com.
[43] Stein Tønesson, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, vol. 40 (2006), 24.
[44] Wai Jiao bu nan hai zhu dao dang an hui bian [外交部南海诸岛档案汇编/Ngoại giao bộ Nam Hải chư đảo đương án hội biên: tổng hợp hồ sơ của Bộ Ngoại Giao về các đảo Biển Đông]  (Taipei, 1995), vol. 1, 47-9.
[45] Zou Keyuan, ‘The Chinese traditional Maritime Boundary Line in the South China Sea and Its Legal Consequences for the Resolution of Dispute Over the Spratly Islands’, International Journal of Marine and Coastal Law, vol. 14, no. 1 (1999), 27-55.
[46] François-Xavier Bonnet, ‘Geopolitics of Scarborough Shoal’, Irasec’s Discussion Paper, no. 14 (November, 2012), 18. Cp1 thể xem tại https://www.irasec.com
[47] Li Jinming and Li Dexia, ‘The Dotted Lines and the Chinese Map of the South China Sea: a Note’, Ocean Development and International Law, vol. 34 (2003), 287-95.
[48] William A. Callahan, China: Pessoptimist Naiton (Oxford, 2009).
[49] Wu Feng-Ming, ‘On the New Geographic Perspectives and Sentiment of High Moral Character of the Geographer Bai Meichu in Modern China’, Geographical Research, vol. 20 (2011), 2109-14.
[50] Han Zhen Hua, Lin Jin Zhi and Hu Feng Bin (eds) Wo Guo Nanhai shi liao huibian [Compilations of Historical Documents on Our Nanhai Islands], Dong Feng chu ban she, 1988, 353, quoted in François-Xavier Bonnet, ‘Geopolitics of Scarborough Shoal’, Irasec’s Discussion Paper, no. 14 (November, 2012), 22.  Có thể xem tại https://www.irasec.com.
[51] United States Pacific Fleet, Patrol Bombing Squadron 128, Action Report 3 May 1945, available at http://www.fold3.com/image/#295881925, United States Pacific Fleet Commander Submarines, Philippines Frontiers War Diary, 11/1-30/45.  Có thể xem tại http://www.fold3/image/#301980047.
[52] A. B. Feuer, Australian Commandos: Their Secret War Against the Japanese in World War II (Mechanicsburg, Pensylvania, 2006), Chapter 6.
[53] US Navy Patrol Bombing Squadron 117 (VPB-117), Aircraft Action Report No. 92, Có thể xem tại http://www.fold3/image/#302109453.
[54] US Navy, USS Cabrilla Report of 8th War Patrol.  Có thể xem tại http://www.fold3/image/#300365402.
[55] Quoted in Kimie Hara, Cold War Frontiers in the Asia-Pacific: Divided Territories in the San Francisco System (Abingdon, 2006), 146.
[56] Ibid.
[57] Ulises Granados, ‘Chinese Ocean Policies Towards the South China Sea in a Transitional Period, 1946-1952’, The China Review, vol, 6, no. 1 (2006), 153-81, esp. 161.
[58] Yann-Huei Song and Peter Kien-hong Yu, “China’s ‘historic waters’ in the South China Sea: An Analysis from Taiwan, ROC”, American Asian Review, vol. 12, no. 4 (1994), 83-101.
[59] Zou Keyuan, ‘The Chinese traditional Maritime Boundary Line in the South China Sea and Its Legal Consequences for the Resolution of Dispute Over the Spratly Islands’, International Journal of Marine and Coastal Law, vol. 14, no. 1 (1999), 27-55, eps. 33.
[60] Li Jinming and Li Dexia, ‘The Dotted Lines and the Chinese Map of the South China Sea: a Note’, Ocean Development and International Law, vol. 34 (2003), 287-95, esp. 290.
[61] Wai Jiao bu nan hai zhu dao dang an hui bian [Compilation by the Department of Foreign Affairs of all records concerning the islands in the South China Sea] (Taipei, 1995), vol. 2, 784-88, quoted in François-Xavier Bonnet, ‘Geopolitics of Scarborough Shoal’, Irasec’s Discussion Paper, no. 14 (November, 2012), 22. Có thể xem tại https://www.irasec.com.
[62] Zou Keyuan, Law of the Sea in East Asia: Issues and Prospects (Abingdon, 2005), 83.
[63] . Euan Graham, ‘China’s New Map: Just Another Dash?’, NewsBrief of Royal United Services Institute, 3 September 2013. Có thể xem tại  https://www.rusi.org/downloads/assets/201309_NB_Graham.pdf.





1 comment:

thecao.net said...

không có cái hình ảnh nào để minh họa ak bác ơi.


p/s: Thông tin khuyen mai Viettel luôn được cập nhật,
Viettel khuyen mai thang 9 siêu khủng.