Sunday, October 26, 2014

Điểm sách của Bill Hayton: Biển Đông và cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á

Điểm sách của Bill Hayton: Biển Đông và cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á

Tác giả: David Brown

Trong bất cứ danh sách rút gọn nào về những điều làm đau đầu toàn thế giới thì việc Trung Quốc tìm kiếm bá quyền ở biển Đông nhất định phải có trong đó cùng với vấn đề biến đổi khí hậu, thánh chiến người đạo Hồi và virus ebola. Có vẻ đó là vấn đề hóc búa nhưng việc giải quyết nó đã trở thành một phép thử quan trọng về liệu trật tự quốc tế có thể đáp ứng cho một 'Trung Quốc đang trỗi dậy’ hay không.

Dù tổng thống Obama với bản tính thận trọng vốn biết rằng dấy vào một cuộc chiến nước ngoài thì dễ dàng hơn giành phần thắng trong một cuộc chiến, mối đe dọa mà chiến thuật của Bắc Kinh đặt ra đối với lợi ích sống còn của Mĩ chắc chắn sẽ thu hút Washington vào một cuộc thách thức với Trung Quốc. Cho đến một vài năm trước đây, khó có thể thấy được vấn đề biển Đông với tư cách là một cuộc tranh chấp giữa các quốc gia ven biển về cá và các nguồn tài nguyên dưới đáy biển, lại bị làm trầm trọng thêm bởi một số đầu óc sắt máu phía Trung Quốc. Bây giờ rõ ràng là Trung Quốc chẳng quan tâm tới việc đàm phán chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng mà chỉ quan tâm lọc lưa cái có lợi cho họ trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Washington đã phải gác lại ước mơ về quan hệ đối tác toàn cầu với siêu cường mới nổi của châu Á trong khi cân nhắc viễn cảnh Trung Quốc kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng. Biển Đông, theo lời của Bill Hayton, là "chỗ đầu tiên mà tham vọng của Trung Quốc đi tới mặt đối mặt với quyết tâm chiến lược của Mĩ."

Đó là một cuộc đối đầu mà chúng ta cần phải hiểu rõ, và Hayton, một phóng viên của BBC từng ở Myanmar và Việt Nam, đã cung cấp cho cốt truyện. Ông nghiên cứu cặn kẽ và viết chảy chuốt cuốn The South China Sea - The Struggle for Power in Asia (Biển Đông - Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á), đã được xuất bản tại Anh vào cuối tháng 9 và sẽ được nhà xuất bản Yale xuất bản tại Mĩ vào ngày 28 tháng 10. Cuốn sách đang được chào bán trên Amazon với giá $28.

Cuốn sách 320 trang của Hayton chắc chắn sẽ được so sánh với cuốn sách khác mới đây về cùng chủ đề, cuốn Asia’s Cauldron: the South China Sea and the End of a Stalbe Pacific (Vạc dầu sôi châu Á: Biển Đông và sự kết thúc của một Thái Bình Dương ổn định) của Robert Kaplan. Đó là hai cuốn sách rất khác nhau. Kaplan nhanh chóng đưa ra những khái quát thoải mái về bản sắc dân tộc, lợi ích quốc gia và nỗi ám ảnh có mục đích các nhà lãnh đạo châu Á với trật tự. Kaplan cho biết đó là toàn về cán cân quyền lực, một cuộc thi thố diễn ra "trong khung cảnh mới và có phần khắc nghiệt này của thế kỉ 21." Đông Nam Á của ông là một nơi mà Trung Quốc nhất định phải gom các chư hầu xưa vào trở lại đúng theo quỹ đạo và là nơi, nếu Washington là thực tế trong phân tích của mình thì phải lịch sự nhường bước cho Bắc Kinh.

Hayton giải thích theo cách khác. Chương mở đầu của ông dẫn người đọc gần như không khó khăn điểm qua năm ngàn năm rằng biển Đông là một vùng biển chung của toàn cầu do người đi lại tiền-Mã Lai chiếm ưu thế. Sau đó, các đế chế giao thương phát lên rồi suy tàn: Phù Nam, Champa, Majahapit và Malacca. Vào khoảng năm 1400, lần đầu tiên và duy nhất trước kỉ nguyên hiện nay, Trung Quốc trở thành một cường quốc biển trong một thời gian ngắn, phái các đội tàu lớn đến Ấn Độ và Đông châu Phi trước khi chuyển sự chú ý trở lại vào nội địa một lần nữa. Người châu Âu trong khi lùng kiếm các loại gia vị, đồ sứ và lụa đến vào những năm 1500. Tây Ban Nha thiết lập quyền thống trị trên quần đảo Philippines; ba thế kỉ sau đó, Pháp ở Đông Dương và Anh tại các bang Malay đã tạo ra các thuộc địa của họ và thậm chí buộc Trung Quốc phải khấu đầu trước nền ngoại giao pháo hạm.

Những người châu Âu, quyết phân định ranh giới và thiết lập độc quyền đối với lãnh thổ, vô tình đặt nền móng cho ý thức dân tộc nhiệt thành trong những khu vực mà sau này vào giữa thế kỉ 20 trở thành các thuộc địa và đất tô nhượng cũ của họ. Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Trung Quốc (cả Đài Loan và Bắc Kinh) tất cả bây giờ đều yêu sách những mảng biển lớn và chồng chéo mà xưa kia đã  từng thông thương hơn là chia cắt. Tất cả các nước này đã giành nhau cắm cờ trên các rạn san hô, đá và đảo nhỏ (gọi chung là ‘thể địa lí' [feature]) nằm rải rác ở vùng biển rộng lớn đó.

Nền thảm nhiều vẻ mà Hayton dệt nên tự nó đã hấp dẫn, nhưng có tầm quan trọng có tính báo hiệu là một chủ đề ông cẩn thận rút từ đó ra: yêu sách dựa trên lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực biển phía nam Hong Kong và đảo Hải Nam chủ yếu là rác rưởi. Bằng chứng Trung Quốc không đứng vững trước biên niên sử của các chúa Nguyễn của Việt Nam, những vị này vào khoảng năm 1750 đã phái các đội binh hàng năm ra cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Người Việt Nam ra đó chắc chắn chủ yếu là để thu lượm của cải từ các xác tàu bịđắm, nhưng họ đã để lại các cột mốc / dấu vết và lưu giữ hồ sơ cẩn thận.

Trớ trêu là Việt Nam đã không còn nhai đi nhai lại yêu sách lịch sử của mình mà thay vào đó kêu gọi dựa vào các quy định về việc phân chia vùng biển được pháp chế hóa trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, UNCLOS, có hiệu lực từ năm 1994. Philippines và Malaysia cũng thế. Luật pháp quốc tế là nơi chở che cho các nước nhỏ yếu. Đối với các nước mạnh quyết tâm xóa đi nỗi nhục trong quá khứ, luật pháp quốc tế thường là điều phiền toái bất tiện. Chế độ ở Bắc Kinh có thể biết rõ cơ sở pháp lí của họ yếu kém; họ có thể tìm cách hợp lí hoá rằng Trung Quốc đáng lẽ đã thống trị các vùng biển lân cận nếu họ không bị phương Tây và Nhật Bản chèn ép. Đối với người Trung Quốc bình thường, thông điệp này rất đơn giản. Trường học và các phương tiện truyền thông mị dân đã thuyết phục họ rằng chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển đảo phía Nam là ‘không thể thay đổi’ và ‘không thể tranh cãi.’

Các nhà phân tích - trong đó Hayton và người viết này – rất khó có thể giải thích tại sao Bắc Kinh đã rất ngạo mạn phí phạm sự tôn trọng mà họ đã phải mất nhiều công sức mới có được cho đến gần đây. Hayton bởn cợt với quan điểm cho rằngcác chỉ huy hải quân, công ti dầu mỏ và chính quyền địa phương đã theo đuổi chính sách đối ngoại quyết đoán độc lập, lôi kéo các nhà lãnh đạo cấp cao không muốn tỏ vẻ yếu đuối. Lập luận đó không đứng vững, ít nhất là trong thời Tập Cận Bình; trong những năm gần đây chiến thuật của Trung Quốc đã phối hợp nhau rất ấn tượng.

Các nhà phân tích khác đổ lỗi cho cơn khát dữ dội về dầu khí của siêu cường đang trỗi dậy này. Không nghi ngờ rằng sự tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn cung cấp phong phú của cả dầu và khí. Tuy nhiên, việc biển Đông là "vịnh Ba Tư thứ hai" như thường được nêu ra trong phương tiện truyền thông Trung Quốc là hết sức đáng ngờ . Hơn nữa, với ngoại tệ đầy rẫy trong tay, Trung Quốc không có vấn đề gì trong việc tìm nguồn cung ứng dầu khí bên ngoài khu vực, và cũng chẳng ai có lợi lộc gì để can thiệp vào công việc mua bán đó.

Những nhà quan sát phương Tây chưa nghiên cứu đầy đủ thường có xu hướng xem yêu sách và tham vọng của Trung Quốc cũng không kém giá trị hơn yêu sách của tất cả những nước khác. Kaplan đi xa hơn, coi pháp luật quốc tế về cơ bản là không thích đáng trong tranh chấp biển Đông. Tuy nhiên, kích cỡ to lớn của yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và chiến thuật mà họ sử dụng trong việc theo đuổi là rất quan trọng đối với Mĩ và các quốc gia khác có phần nguy cơ lớn trong việc duy trì trật tự thế giới hoà bình, dựa trên luật pháp, tự do mậu dịch. Họ cho rằng một “Trung Quốc đang trỗi dậy” sẽ chơi đúng luật chỉ khi phù hợp với lợi ích của họ.Hayton kết luận rằng điều đó có nghĩa là khu vực rộng 1,35 triệu dặm vuông này – ‘vùng biển kín’ lớn nhất thế giới –“đã trở thành nơi mà bản sắc không tương thích nhau của Trung Quốc và Mĩ nhất định phải xung đột nhau."

Mỗi năm trôi qua, nguy cơ lại tăng thêm. Một động lực không ổn định chắc chắn đang lôi kéo Mĩ và đồng minh chính ở châu Á, Nhật Bản, hậu thuẫn Việt Nam và Philippines. Không thấy Trung Quốc có dấu hiệu lùi bước. Đó là điều đáng tiếc – chưa thấy có kết cục lạc quan trong tầm mắt.

Viết thêm: Trớ trêu là chính quyền Việt Nam không thích Bill Hayton đến. Ông là phóng viên thường trú của BBC tại Hà Nội trong năm 2007-2008. Rõ ràng các bài báo của ông tại thời điểm đó làm chính quyền khó chịu. Khi Hayton xin cấp visa để tham gia hội nghị về các vấn đề Biển Đông tháng 11 năm 2012 do Học viện Ngoại giao Việt Nam bảo trợ, ông đã bị từ chối. Vài tháng sau, Hayton xin thêm một lần nữa, nêu cụ thể muốn phỏng vấn quan chức Việt Nam cho cuốn sách sắp tới của mình. Ông bị từ chối một lần nữa. Kết quả là các phần Hayton nói về Việt Nam và biển Đông là tương đối ‘mỏng’ - thiếu những chi tiết thuyết phục có thể có được từ các cuộc trao đổi với các chuyên gia Việt Nam. Đó là một điều đáng tiếc - và là một câu chuyện khác không có kết cục vui vẻ (cho đến giờ này)!


David Brown là một nhà ngoại giao Mĩ đã về hưu, viết về các chủ đề Đông Nam Á có liên quan đặc biệt đến Việt Nam đương đại. Có thể liên lạc với ông tại nworbd@gmail.com.
---------------------------------------------------------------
Ghi chú: Bản tiếng Anh đã được đăng trên trang Asia Sentinel: Book Review: The South China Sea: The Struggle for Power in Asia. Bản khác, tác giả viết riêng cho các độc giả Việt Nam, như trong bản dịch trên có chút khác biệt nhỏ với bản trên Asia Sentinel.
Bản dịch của Trần Văn Minh đăng ở đây http://anhbasam.wordpress.com/2014/10/25/3060-diem-sach-cua-bill-hayton-bien-dong-va-cuoc-chien-tranh-gianh-quyen-luc-o-chau-a/ ngày 25/10/2014

Saturday, October 4, 2014

Nối các vạch

Nối các vạch

Các nước ven biển Đông sẽ đấu nhau ở các viện bảo tàng, trong các văn khố và trên các bản đồ

The Economist (04 tháng 10 năm 2014)

 
Các nước quanh biển Đông từ lâu đã can dự vào vào cuộc đua tranh bản đồ học. Hiện nay nó đang trở thành một môn thể thao thu hút nhiều người xem. Hồi tháng 6, tại một cuộc triển lãm ở Hải Phòng, Việt Nam đã trưng ra một số bản đồ của mình. Trong tháng 9, các cuộc triển lãm mở cửa ở Manila và Đài Bắc trưng bày tài liệu mà chính phủ Philippines và Đài Loan hi vọng sẽ củng cố các yêu sách tương ứng của họ đối với biển này. Trên giấy tờ, yêu sách của Đài Loan giống y với yêu sách của Trung Quốc mà khẳng định chủ quyền của họ đối với khu vực gần hết biển Đông, bên trong một đường chữ U bí ẩn rộng lớn quanh bờ biển này, đã làm các nước láng giềng phải cánh giác. Vì vậy, tài liệu lưu trữ của Đài Loan đã thu hút nhiều sự quan tâm. Hơn thế nữa, việc Đài Loan minh bạch yêu sách chủ quyền cũng là một bước chuyển bất lợi cho Trung Quốc.

Triển lãm Đài Bắc lần đầu tiên trưng bày một phần nhỏ trong kho tài liệu lưu trữ được mang theo cùng với Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng (KMT), khi họ chạy thoát phe Cộng Sản chiến thắng của Mao Trạch Đông ra đảo này vào năm 1949. Tại buổi khai mạc triển lãm, Tổng thống Đài Loan, Mã Anh Cửu, đã làm rõ chính phủ Quốc Dân Đảng đã yêu sách điều gì vào năm 1947 khi họ khẳng định chủ quyền đối với các đảo bị người Nhật chiếm giữ trong thế chiến thứ hai. Không nhưTrung Quốc, vốn chưa bao giờ nói ra rõ ràng họ có đòi tất cả mọi thứ bên trong đường chữ U (đảo, đá, bãi cát ngầm, rạn san hô, cá, dầu, khí đốt và nước) hay chỉ đòi các đảo mà thôi, Mã Anh Cửu đã minh bạch rằng yêu sách chỉ giới hạn vào các đảo và vùng biển 3-12 hải lí liền kề chúng. Ông nói, "không có cái gọi là yêu sách nào khác đối với các vùng biển".

Điều này rất hệ trọng, bởi vì trên lí thuyết nó có nghĩa là đường [9 vạch] có thể được diễn giải theo cách tương thích với luật pháp quốc tế hiện hành. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) thì "đất thống trị biển". Thể địa lí đất được hưởng 12 hải lí lãnh hải; đảo sinh sống được có thêm 200 hải lí "vùng đặc quyền kinh tế" (EEZ). Vì vậy, ngay cả khi tất cả các đảo này là của Trung Quốc - và Đài Loan và Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng có đòi hỏi chủ quyền – thì vùng đặc quyền kinh tế của họ sẽ bị phân giới đau đớn và có thể không bao phủ toàn bộ biển Đông.

Sự can thiệp của Mã Anh Cửu sẽ làm người Mĩ hài lòng. Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, một nhóm chuyên gia tham mưu ở Washington, nói rằng Mĩ đã kín đáo thúc giục ông Mã Anh Cửu phải làm cho rõ Quốc Dân Đảng muốn nói điều gì khi họ vẽ ra bản đồ đó. Hi vọng rằng điều này sẽ gây sức ép lên Trung Quốc buộc phải giải thích rõ ràng và thậm chí điều chỉnh đổi lập trường của chính họ. Đó là một phần của những nỗ lực của Mĩ để ngăn chặn xung đột trên biển Đông, một tuyến đường biển quan trọng cho một tỉ lệ lớn khối lượng giao thương thế giới. Mĩ không rõ ràng đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng đổ lỗi cho Trung Quốc đã làm tăng căng thẳng.

Bà Glaser nói đòi hỏi của Mỹ đặt Mã Anh Cửu và các trợ lí của vào một vị thế vô cùng thiếu thoải mái. Trung Quốc nằng nặc cho rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, sẽ phải lấy lại bằng vũ lực nếu chẳng hạn Đài loan chính thức tuyên bố độc lập với Trung Quốc. Và một trong những tàn tích cuối cùng của điều thêu dệt cho rằng chỉ có "một nước Trung Hoa" là việc Đài Loan phải bám chặt theo yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc.

 

Mã Anh Cửu đã loại trừ khả năng hợp tác với Trung Quốc về yêu sách chung, nhưng không thể vẽ lại ranh giới của Đài Loan mà không bị Trung Quốc coi là phạm tội li khai. Nhiệm kì tổng thống 6 năm của ông đã được đánh dấu bằng các quan hệ có nhiều cải thiện với Trung Quốc. Ông không muốn biển Đông làm hỏng điều đó. Dưới thời của ông, Đài Loan đang lặng lẽ xây dựng một cảng mới đủ lớn cho các tàu chiến cặp bến trên đảo Ba Bình (TQ gọi là Thái Bình), đảo lớn nhất trong chuỗi đảo Trường Sa. Nhưng mặt khác, Mã Anh Cửu đã im lặng. Ông bây giờ phải hi vọng rằng Trung Quốc sẽ coi việc làm rõ của ông là có tính pháp lí và hiển nhiên.

Nhiều tài liệu trong kho lưu trữ vẫn còn bí mật, và Trung Quốc từ lâu nài nĩ vô vọng để được liếc nhìn. Một số quan chức cấp cao Trung Quốc nằm trong số người dự buổi khai mạc triển lãm. Tuy nhiên, Michael Gau, một chuyên gia luật biển thuộc Đại học Hải dương Quốc gia Đài Loan, nói rằng các quan chức này hầu như không quan tâm đến những thứ được triển lãm vốn đều đã được giải mật, và trong đó có một bức ảnh đen trắng mờ (hạt) của một bia chủ quyền trên đảo Ba Bình hồi năm 1946. Thay vào đó, họ muốn nghe "liệu Đài Loan có nhận lấy đường chữ U hay đã bị người Mỹ làm sợ hãi." Câu trả lời có vẻ ít nhiều là cả hai. Mã Anh Cửu không đề cập đến đường [chữ U] và cũng không thách thức tính hợp lệ của nó. Đường [chữ U] đã trở thành một chủ đề về lòng yêu nước ở Trung Quốc (chẳng hạn xuất hiện trên các bản đồ trong hộ chiếu Trung Quốc) như thể nó là một bằng chứng lịch sử được ghi chép rành mạch từ xa xưa. Thật ra, như cuốn sách mới ra ("The South China Sea", của Bill Hayton) đã cho thấy rõ rằng nguồn gốc của nó là phi lịch sử, phản khoa học và tuỳ tiện. Nhiều bản đồ cũ của Trung Quốc cho thấy biên giới phía nam của nước này là quần đảo Hoàng Sa, cũng do Việt nam tuyên bố chủ quyền, nhưng nằm ở phía bắc của biển Đông. Năm 1933, các nhà làm bản đồ Trung Quốc, do tức giận bởi việc Pháp khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa xa về phía nam, nên đã mở rộng yêu sách xuống tận bãi ngầm James, mà họ dường như nghĩ rằng nó nằm trên mặt nước, nhưng thực tế lại là một thể địa lí ngầm ở gần đảo Borneo.

Năm 1936, đường chữ U xuất hiện. Đường này, được vẽ với 11 vạch, là cơ sở của đường mà Quốc Dân Đảng yêu sách. Năm 1953, để tỏ ra tốt bụng với người anh em cộng sản ở Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng sản mới ở Trung Quốc đã xóa bớt hai vạch trong Vịnh Bắc Bộ. Vì vậy, vào năm 2009, lần đầu tiên khi Trung Quốc nộp bản đồ chính thức cho Liên Hợp Quốc, đường đó là một "đường chín vạch". Năm ngoái, một vạch thứ mười đã được thêm vào để cho thấy rõ rằng Đài Loan nằm bên trong chữ U.

Bản đồ của tôi tốt hơn bản đồ của các anh

Nếu Trung Quốc phải chấp nhận cách giải thích của Mã Anh Cửu thì ít nhất họ cũng thêm chút rõ ràng vào các tranh chấp phức tạp đan lồng vào nhau. Tuy nhiên, dù nhiều học giả Trung Quốc có xu hướng đồng ý với ông, Trung Quốc dường như không vội vã chính thức tự nguyện. Ngay cả khi họ tự nguyện, một giải pháp cho các tranh chấp cũng sẽ không gần thêm chút nào. UNCLOS có thể phân xử về các vùng biển gắn với các mãnh đất, nhưng không về chủ quyền đối với chính các mãnh đất. Và các bản đồ của Trung Quốc không phải là những bản đồ duy nhất, và cũng không nhất thiết là đáng tin cậy nhất. Trong số những bản đồ được trưng bày tại Manila có một bản đồ cho thấy bãi cạn Scarborough, một mỏm đá trên thực tế bị Trung Quốc sáp nhập năm 2012, thuộc lãnh thổ của Philippines. Bản đồ này in năm 1636, có trước đường chín vạch những ba thế kỉ.

Economist.com/blogs/banyan (http://www.economist.com/blogs/banyan)

Wednesday, October 1, 2014

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG: TRUNG QUỐC THIẾU BẰNG CHỨNG LỊCH SỬ

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG:  TRUNG QUỐC CHẲNG ĐƯA RA ĐƯỢC BẰNG CHỨNG LỊCH SỬ NÀO NÊN HỒN


Phạm Quang Tuấn và Phan Văn Song


Đáp lại bình luận của Bill Hayton trong bài ‘Historical Evidence Must Be Examined’ (bản dịch TV: Quần đảo Hoàng Sa: bằng chứng lịch sử phải được kiểm tra) trên Eurasia Review, Giáo sư Li Dexia (Lí Đức Hà) và nhà nghiên cứu Tan Keng Tat đã đăng bài bình luận của họ ‘South China Sea Disputes: China Has Evidence Of Historical Claims – Analysis’ (Tranh chấp Biển Đông: Trung Quốc có bằng chứng cho các yêu sách lịch sử - Phân tích).

Hai tác giả này cho rằng để giải quyết đầy đủ vấn đề của Hayton sẽ cần tới một chuyên khảo dài và dùng hồ sơ kiện 4000 trang của Philippines như là một ví dụ. Do đó, chúng ta trông đợi rằng trong bình luận ngắn đó họ sẽ chỉ chọn ra những bằng chứng mạnh mẽ nhất trong các tài liệu lịch sử nhiều thế kỉ để hậu thuẫn cho lập luận của họ. Chúng ta hãy xem xét một số các chứng cứ (một số trong đó đã được hai tác giả xào xáo lại đưa vào bài viết Xisha (Paracel) Islands: The Inconvenient Truth đăng trên Eurasia Review).

1. Li & Tan dẫn sự kiện cuốn sách ‘Chư Phiên Chí’ thế kỉ 13 có đề cập đến những cái tên ‘Chien li-chang-sha’ (千里 - Thiên lí Trường Sa) và ‘Wan-li-shih Chuang’ (萬里 石床) - Vạn lí thạch sàng), và cho rằng theo dịch giả của cuốn sách “[hai tên này] là chỉ quần đảo Hoàng Sa.” Tuy nhiên, theo bản dịch sang tiếng Anh quyển ‘Chư Phiên Chí” của F. Hirth và WW Rockhill (do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Anh xuất bản vào năm 1911) thì ‘Wan-li shih-tang’ (萬里石塘 - Vạn lí thạch đường) chính là bãi ngầm Macclesfield[1] và ‘Wan-li-shih Chuang’ “chắc chắn cũng là bãi đó” [tức là bãi ngầm Macclesfields] (Hirth & Rockhill, p.185). Hirth & Rockhill không xác định 'Chien-li chang-sha’ là gì mà chỉ đơn giản nói nó là “«bãi Thiên lí», ở phía đông đảo Hải Nam” (tr. 283). Không có nơi nào trong cuốn sách nói "Chien-li chang-sha" được quy là quần đảo Hoàng Sa. Như vậy, Li & Tan đã trích dẫn Hirth và Rockhill thiếu trung thực theo cách mà giới học thuật khó thể chấp nhận.

Trọn đoạn văn có chứa câu trích dẫn là: "Cát dương [吉陽][2] nằm ở cực (Nam) bờ biển (Hải-nan), và đất liền không vượt quá chỗ đó, nhưng bên ngoài có hai đảo nhỏ, Ô Lí ( ) và Tô Cát Lãng (蘇吉 ). Chiêm Thành [miền Trung Việt Nam hiện nay] đối diện với nó ở phía nam và phía tây nó nhìn về Chân Lạp [miền Nam Việt Nam hiện nay]. Phía đông (của Hải Nam) là «Thiên Lí Trường Sa» (千里 ) và «Vạn Lí thạch sàng» (萬里 石床) và (bên ngoài chúng) là đại dương bao la, chỗ biển và trời trộn lẫn màu sắc với nhau, và các tàu thuyền đi qua chỉ bằng cách dùng la bàn - nó phải được theo dõi chặt chẽ suốt ngày đêm – vì sống hay chết phụ thuộc vào chỉ một chút sai sót nhỏ.” Từ đoạn văn này và thật ra từ toàn bộ cuốn sách có vẻ là không có cách nào để xác định ‘Chien-li chang-sha’ hoặc ‘Wan-li-shih Chuang’ chính là quần đảo Hoàng Sa. Không có khoảng cách tới đất liền, còn phương hướng thì mơ hồ hoặc sai lệch, vì quần đảo Hoàng Sa ở về phía Đông Nam của đảo Hải Nam, không phải phía Đông. Không có bằng chứng cho thấy tác giả Triệu Nhữ Quát của Chư Phiên Chí, một thanh tra hải quan ngoại thương tỉnh Phúc Kiến, thực sự biết những đảo đang bàn: có thể ông chỉ nghe nói về chúng từ các thương nhân nước ngoài.
Tựa cuốn sách "Chư Phiên Chí" (諸蕃 ), có nghĩa là "Mô tả về dân man di", hoặc “Những ghi nhận về một số nước ngoài.” Do đó cuốn sách này chủ yếu là nói về những người và những thứ bên ngoài Trung Quốc. Điều tương tự cũng có thể nói cho cuốn sách của Trần Luân Quýnh (Chen Lun-Chiung) ‘Hải quốc văn kiến lục’ ( -pinyin: Hải guo wen jian lu) mà Li & Tan cũng có nói tới. Lưu ý rằng ‘hải quốc’ có nghĩa là các nước ngoài/bên kia biển. Do đó, những đề cập đến đảo trong những cuốn sách này khó có thể được dùng để ngụ ý rằng nó thuộc về Trung Quốc.

2. Li & Tan trích dẫn một vài trường hợp có người Trung Quốc tới gần hay đi ngang qua các đảo được cho là quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa trong các triều đại Nguyên, Minh. Chúng tôi chỉ đơn giản chỉ ra một thực tế hiển nhiên rằng đi qua một đảo không phải là chứng cứ cho việc phát hiện ra nó đầu tiên hoặc sở hữu nó.

3 Tương tự, mô tả một đảo trong một cuốn sách cũng không phải là bằng chứng phát hiện ra nó đầu tiên hoặc sở hữu nó. Xét cho cùng, hầu hết các nước có chữ viết sẽ có các sách có mô tả các nước và các vùng lãnh thổ cách nửa vòng trái đất mà không hề yêu sách rằng một nửa thế giới thuộc về họ. (Hi vọng rằng chúng ta sẽ không nhìn thấy điều này xảy ra trong tương lai khi Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn!)

4. Li & Tan hỏi làm thế nào ngư dân Việt Nam có thể vượt được 250 hải lí để tới quần đảo Hoàng Sa vào năm 1405. Chúng tôi đề nghị họ tìm hiểu thêm về lịch sử hàng hải của Đông Nam Á. Cũng giống như các quốc gia ven biển Đông Nam Á khác (và không giống như Trung Quốc chú tâm tới đất liền), dân Việt Nam có truyền thống hàng hải lâu đời. Sống trên một đất nước hầu như chỉ gồm một dải đất mỏng ven biển, họ dựa vào biển để sinh tồn. Thủy thủ Indonesia và các nước Đông Nam Á khác từng vượt Ấn Độ Dương và đến Madagascar vào đầu thế kỉ thứ 9, đi xa hơn 800 hải lí. Tất nhiên, thủy thủ Polynesia thực hiện các chuyến đi còn ấn tượng hơn trên các tàu thuyền nguyên thủy hàng thiên kỉ trước đây.

5. Đáp lại ý kiến của Hayton rằng ông không thấy “có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy TQ đã có quan tâm chính thức tới quần đảo Hoàng Sa trước năm 1909", Li & Tan cho rằng Công ước năm 1887 về việc phân định biên giới giữa Bắc Kì (Tonkin) và TQ đã phân cho TQ tất cả các đảo nằm phía đông của đường phân định trên biển, kể cả quần đảo Hoàng Sa. Đây đúng là hoàn toàn hiểu lầm Công ước, và nếu giải thích như vậy thì sẽ dẫn đến kết quả vô lí rằng hầu hết các đảo ven biển miền Trung Việt Nam đều thuộc về Trung Quốc dù chúng chỉ cách đất liền Việt Nam một vài mét (vì đường phân định đang nói, nếu kéo dài vô hạn về phía nam, sẽ cắt vào đất liền Việt Nam). Lưu ý thêm rằng:

Thứ nhất, hiệp ước, như tên của nó cho thấy, chỉ liên quan đến biên giới giữa Bắc Kì và Trung Quốc. Bắc Kì là một đơn vị quản lí cách riêng biệt của Việt Nam vào lúc đó, và chỉ kéo dài tới vĩ tuyến 20 về phía nam (gần ngang với bờ biển phía bắc của đảo Hải Nam). Quần đảo Hoàng Sa chủ yếu nằm ở phía nam vĩ tuyến 17, cách gần 300 km về phía nam. Dù tưởng tượng hết mức cũng không thể nào hiểu ra rằng phạm vi của hiệp ước bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa.

Đọc kĩ lưỡng hơn trong những đoạn có liên quan của hiệp ước sẽ cho ra cách giải thích thậm chí còn hạn chế hơn. Trong đoạn văn đó, một số khu vực tranh chấp gần thị trấn ven biển Móng Cái được phân cho Trung Quốc, và các đảo được đề cập cụ thể theo tên (Trà Cổ [Chagu] và Gò Tho [Go-tho]) đều là những đảo ven biển (nằm trong phạm vi cách đất liền một vài km), cho thấy rõ ràng rằng các bên kí kết chỉ quan tâm đến biên giới trên đất liền và các đảo ven bờ gần đó. Thật ra, bản đồ kèm theo có chữ kí của cả hai bên cho thấy các đường phân định đang bàn chỉ kéo dài khỏi bờ biển khoảng 10 km mà thôi.

6 Li & Tan viện dẫn Chiu & Park (tạp chí Ocean Development and Law Journal, 1975) để hậu thuẫn cho quan điểm của họ. Tuy nhiên, lập luận do hai tác giả này đưa ra về cơ bản là giống như những lập luận của Li & Tan (thật ra, có vẻ hai tác giả sau viện dẫn nặng nề bài viết của Chiu & Park), mà chúng tôi đã phản bác hoàn toàn.

7. Về các trích dẫn từ Ung Văn Khiêm, Lê Lộc và Phạm Văn Đồng, chỉ có trích dẫn từ Phạm Văn Đồng có thể nói là có hồ sơ lưu thích đáng. Thư Phạm Văn Đồng không đề cập đến Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hơn nữa quần đảo Hoàng Sa vào lúc đó đặt dưới sự quản lí của Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam), và quốc gia này đã bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền đối với quần đảo này.

8 Hayton bác bỏ khẳng định của Lí rằng “sau khi Nhật đầu hàng vào năm 1945, hai quần đảo này [Hoàng Sa và Trường Sa] được trả lại cho Trung Quốc theo Tuyên bố Cairo và Potsdam”, qua việc chỉ ra rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chẳng hề được đề cập đến trong hai tuyên bố đó. Để phản biện Li & Tan trích dẫn câu sau đây từ Tuyên bố Cairo: “Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các lãnh thổ khác mà nước này đã lấy được bằng bạo lực và tham lam.” Đây là một cách giải đáp không logic và vô nghĩa vì không có chỗ nào câu này hay trong Tuyên bố Cairo lẫn Tuyên bố Potsdam có nêu tên quần đảo Hoàng Sa hay quần đảo Trường Sa về vấn đề này [trả lại cho Trung Quốc]. Thay vì phản biện ý kiến của Hayton, Li & Tan thực ra lại góp phần biện minh cho nó.

9. Khẳng định của Li & Tan rằng: “Từ năm 1946 đến năm 1956 [...] Pháp và Việt Nam Cộng Hòa đã không thách thức chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nhỏ” là vừa không trung thực vừa không đúng. Thứ nhất, từ năm 1946 đến 1954 Pháp phải bận rộn với cuộc chiến tranh quy mô rộng khắp chống lại Việt Minh, còn trong hai năm 1955-1956 Việt Nam Cộng Hòa đang trong tình trạng rối rắm sau khi tiếp quản đất nước từ tay người Pháp, với nhiều lực lượng đối đầu lẫn nhau: chính phủ, cộng sản, Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên. Dù vậy, người Pháp vẫn xoay xở để tái chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1947 và ở lại đảo Hoàng Sa và một số đảo gần đó đến năm 1956, còn Quốc gia Việt Nam (tiền thân của Việt Nam Cộng hòa) khẳng định chủ quyền tại San Francisco vào năm 1951 như chính Li và Tan cũng có chỉ ra, và Việt Nam Cộng Hòa đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tháng 6 năm 1956 sau một tuyên bố của Trung Quốc về vấn đề cùng tháng 5 năm 1956.

10. Như đã nêu, Li & Tan xào xáo lại hầu hết các lập luận trên để đưa vào bài Xisha (Paracel) Islands: The Inconvenient Truth cũng đăng trên Eurasia Review. Bài viết đó có thêm một điều thêu dệt cần phải vạch ra thêm: đó là Nhật đã trả lại hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa cho Trung Quốc theo điều II, Hoà ước 28 tháng 4 năm 1952. Thật ra điều này như sau: “Thừa nhận rằng theo Điều 2 của Hiệp ước hòa bình mà Nhật Bản đã kí kết tại thành phố San Francisco vào ngày 08 tháng 9 năm 1951 (sau đây gọi là Hiệp ước San Francisco), Nhật Bản đã từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa, và yêu sách đối với Đài Loan (Formosa) và Bành Hồ (Pescadores) cũng như quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.” Điều khoản này, và Điều 2 trong Hiệp ước San Francisco mà nó nói tới, chỉ đơn thuần nói rằng Nhật Bản từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không có chỗ nào trong hai điều khoản đó nói hay hàm ý rằng Nhật Bản phải “trả lại” hai quần đảo này cho Trung Quốc.

Tóm lại, “các bằng chứng lịch sử” mà Li & Tan đưa ra đều mơ hồ, thiếu chính xác hoặc sai trắng trợn, dựa trên những điều không thực, thiếu logic, trích dẫn càng, diễn giải sai và tự vẽ vời thêm. Nếu đó là bằng chứng tốt nhất mà hai nhà nghiên cứu này có thể đưa ra được thì họ sẽ không xoay chuyển được gì nhiều cho mục đích của họ.

 ------------------------------------------
Phiên bản tiếng Anh của bài này “South China Sea Disputes: Chinese Historical Evidence Found Wanting - Analysis” đã đăng trên Eurasia Review ngày 4/9/2014






[1] Do điều kiện cá nhân và hoàn cành khoa học, kĩ thuật lúc đó hạn chế nên có thể nhận định này của Hirth và Rockhill chưa thật chính xác, nhưng chúng tôi nêu ra để thấy "tài" trích dẫn của học giả Tàu.
[2] Thị trấn ở phía Nam đảo Hải Nam, gần Tam Á hiện nay