Wednesday, July 26, 2017

Hoa Kì có thể đặt được một chân trong cánh cửa của Việt Nam?

Hoa Kì có thể có cơ hội liên minh quân sự với Việt Nam?

(Can the US get a foot in Vietnam’s door?)

Wendell Minnick
Sephard (25/07/2017)
Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể ít phức tạp hơn Washington mong muốn, bất chấp việc Bắc Kinh đe dọa sử dụng vũ lực buộc Hà Nội ngưng khoan tại biển Đông mới đây.

Điều thú vị là trong tuyên bố chung ngày 31 tháng 5 của Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Hoa Kì sẽ cam kết giúp đỡ Hà Nội trong việc đối phó với các đe dọa của Trung Quốc.
Những người ở Washington thấy Việt Nam như một đồng minh tiềm năng chống Trung Quốc có thể bỏ qua ảnh hưởng mạnh mẽ và tham nhũng của giao thương xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Khi tham dự IMDEX ở Singapore vào tháng 5, một nguồn từ quan chức cao cấp về công nghiệp quốc phòng cho Shephard biết rằng cuộc họp gần đây tại Hà Nội đã kết thúc đột ngột sau khi các quan chức Bộ Quốc phòng báo với phái đoàn Hoa Kì rằng vụ mua bán vũ khí sẽ phải có '25% lại quả'. Một nguồn tin trung gian khác ở Singapore cũng cho biết các quan chức chính phủ Việt Nam đang rửa tiền tại Singapore qua các bà vợ của họ.
Hoa Kì cấm tiến hành công việc làm ăn theo cách này theo Đạo luật chống tham nhũng nước ngoài năm 1977, coi hối lộ là một tội hình sự cấp liên bang.Điều này có thể giải thích vì sao Việt Nam sẽ tiếp tục dựa vào vũ khí Nga và do đó sẽ không có bất kì hợp tác quân sự đích thực nào giữa Hoa Kì và Việt Nam.
Gần đây, tin Việt Nam sẽ mua 64 xe tăng T-90S / SK của Nga, và Nga đang cung cấp cho Việt Nam hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu MiG-35 để thay thế cho đội máy bay MiG 21 quá hạn của Việt Nam đã được xác nhận.
Theo Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australian, Đại học New South Wales, nếu Việt Nam chọn MiG 35 thì điều này sẽ chấm dứt việc Việt Nam hi vọng sẽ theo Indonesia mua F-16A / B từ Hoa Kì.
Có nhiều vấn đề mà việc hợp tác quân sự Mỹ-Việt đang phải đối mặt.
Thayer nói rằng một vấn đề là chính sách quốc phòng "Ba Không" của Việt Nam: không liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và khôngdựa vào nước này để chống nước kia.
"Thêm vào đó là việc Hoa Kì hết sức nghi ngại các sĩ quan quân đội cao cấp cả nghỉ hưu lẫn đương nhiệm , [điều này] sẽ làm suy giảm bất kì sự tăng cường quan trọng trong quan hệ quốc phòng", ông nói thêm.
Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS ở Honolulu, nói rằng nếu như chúng ta có học được điều gì về Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, thì đó là việc không ai có thể thúc đẩy Hà Nội tới nơi mà họ không muốn tới.
"Không có chuyện mất mát tình cảm giữa Hà Nội và Bắc Kinh, nhưng Việt Nam sẽ cẩn thận không công khai đứng về cùng phe với bất cứ ai. Dù vậy, đã có và vẫn là một cơ hội tuyệt vời cho Washington và Hà Nội trong việc làm sâu sắc quan hệ đối tác của mình, và Trung Quốc cũng khuyến khích cả hai làm như vậy ", Cossa lưu ý.
Hoa Kì và Việt Nam đã kí một bản ghi nhớ vào năm 2011 đề ra năm lĩnh vực ưu tiên hợp tác: an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai, trao đổi giữa các trường đại học quốc phòng và các viện nghiên cứu, và các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ.
Tuy nhiên, bản ghi nhớ năm 2011 đã gây thất vọng cho Mỹ, Thayer nói. Chẳng hạn, Việt Nam đã từ chối lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Ash Carter cho các sĩ quan Việt Nam bay tiếp và quan sát việc tuần tra trên biển của máy bay Poseidon P8 trên biển Đông.
Patrick Cronin, cố vấn và là giám đốc cao cấp Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mới của Mĩ nói rằng có sự liên kết gần hơn tăng lên, nhưng không có khả năng có liên minh nào trong tương lai gần.
"Việt Nam vẫn giữ được sự cân bằngvề  lợi ích và Hoa Kì quan tâm hơn đến việc tăng cường khả năng tự vệ của Việt Nam hơn là gánh việc bảo đảm an ninh. Dù vậy, điều đó còn có thể phụ thuộc vào mức độ quyết đoán của Trung Quốc khi nó không cưỡng nỗi tâm lí là vương quốc biển Trung tâm .
Tuy nhiên, đã có hoạt động về vấn đề bảo vệ bờ biển. Hồi tháng 5, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã được giao 6 tàu tuần tra của Hải quân Metal Shark mới 45 feet, và vào tháng 4 đã được bàn giao tàu tuần duyên lớp Hamilton quá hạn của Mĩ.
Theo ông Richard Fisher, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế, bây giờ, Hà Nội dường như quan tâm đến việc tăng cường các tác động ngăn chặn thông qua hợp tác quốc phòng khiêm tốn với Hoa Kì.
"Dù đã đa dạng hoá nguồn vũ khí của mình trong thập kỷ qua, Việt Nam vẫn cẩn thận tránh phụ thuộc vào cường quốc nước ngoài trong việc bảo vệ mình".
Ông Fisher nói rằng cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam năm 1979 , bất kể được thực hiện tệ hại như thế nào, đã cho lãnh đạo Hà Nội thắy rằng bạn nước ngoài sẽ không bảo vệ họ khi thấy có nguy cơ chiến tranh với Bắc Kinh.

Fisher cảnh báo "Trung Quốcsẽ không đẩy Việt Nam vào vòng tay mới với người Mĩ. Hơn thế nữa, việc đó có thể thúc đẩy Hà Nội tìm cách có vũ khí hạt nhân - điều đó sẽ làm cho Bắc Kinh lo sợ hơn là liên minh với Washington".

Saturday, July 22, 2017

Trump vừa chấp thuận một kế hoạch cho Hải quân Hoa Kì kiềm chế Bắc Kinh ở biển Đông

Trump vừa chấp thuận một kế hoạch cho Hải quân Hoa Kì kiềm chế Bắc Kinh ở biển Đông


ALEX LOCKIE

BUSINESS INSIDER (23/7/2017)

(Bản dịch đã đăng trên Tiếng Dân ngày 23/7/2017)

 

[Theo gs Trần Hữu Dũng “Không biết tin này thực hư ra sao nhưng điều đặc biệt là nó phát xuất từ website Breibart của Steve Bannon, cố vấn của Trump.” (hiện Bannon không còn là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mĩ)]



Tổng thống Donald Trump đã phê duyệt một kế hoạch để kiềm chế Bắc Kinh trong việc tiếp tục quân sự hoá và các hành động của họ ở biển Đông, Breitbart Tin tức Kristina Wong cho biết .


Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã có tham vọng xây dựng đảo trên các rạn đá và san hô ở biển Đông và quân sự hóa chúng bằng tiền đồn radar, đường băng quân sự và các hầm trú ẩn cho phòng thủ tên lửa.


Các nhà phân tích quân sự tin rằng Trung Quốc hy vọng sẽ mở rộng vùng nhận diện phòng không của họ vào tây Thái Bình Dương và xây dựng một lực lượng hải quân nước xanh để cạnh tranh với Mĩ , nhưng sáu quốc gia khác cũng đưa ra yêu sách các phần của khu vực này.


Năm 2016, một tòa án quốc tế tại The Hague kết luận rằng các yêu sách biển của Trung Quốc là bất hợp pháp và quá đáng , nhưng Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ phán quyết đó và đã tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự và đơn phương tuyên bố các khu cấm bay và cấm tàu chạy.


Khi một quốc gia đưa ra yêu sách biển quá mức, hải quân Hoa Kì sẽ thách thức bằng việc  cho tàu, thường là các tàu khu trục, chạy gần lãnh thổ tranh chấp hoặc chay xuyên qua vùng biển đang tranh chấp để đảm bảo tự do hàng hải cho tất cả mọi người. Trong năm 2016, Mĩ đã thách thức yêu sách quá mức của 22 quốc gia - yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông mà hàng năm có khoảng US$ 5 nghìn tỷ hàng hoá vận chuyển ngang qua đó, là yêu sách nổi bật nhất.


Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ với các xâm phạm của Hoa Kì vào khu vực này, nói với Hoa Kì rằng những động thái đó là khiêu khích và rằng Hoa kỳ phải xin phép họ, mà điều đó thì không phù hợp với luật pháp quốc tế hoặc các công ước của LHQ.


Khi phản ứng với việc máy bay ném bom của Mĩ bay trong khu vực, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói “Quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và hòa bình và sự ổn định của khu vực.”


Dưới thời cựu Tổng thống Mĩ Barack Obama, Mĩ đã ngưng hoạt động tự do đi lại ở biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015. Trong năm 2016, Mĩ chỉ thực hiện ba thách thức như vậy.* Cho đến nay, dưới thời Trump, Mĩ đã thực hiện ba lần thách thức.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White nói với Breitbart News: "Chúng ta chắc chắn có việc trở lại trạng thái bình thường.”


Bà ấy nói: "Chính quyền này dứt khoát đã trả lại quyền hạn cho những người có vị thế tốt nhất để thực thi những quyền hạn đó, vì thế đó là việc trở lại tình trạng bình thường.”


Các hoạt động tự do hàng hải hoạt động tốt nhất khi chúng là lệ thường trong bản chất và không tạo ra tin tức.


Chúng dùng để giúp Mĩ thiết lập các sự kiện trên biển, nhưng ởbBiển Đông, những sự kiện đó đều chỉ sự kiểm soát của Trung Quốc.


Khi các máy bay phản lực quân sự của Trung Quốc bay trên đầu, khi tàu hải quân Trung Quốc tuần tra vùng biển, và khi các đội xây dựng của Trung Quốc đặt ra bộ khung cho một mạng lưới các căn cứ quân sự ở biển Đông, các đồng minh của Mĩ trong khu vực đều để ý tới.


Sự hiện diện của Hải quân Hoa Kì tại khu vực này sẽ không quay ngược thời gian và không tháo dỡ các đường băng, nhưng nó có thể gửi một thông điệp tới các đồng minh rằng Hoa Kì hậu thuẫn họ và sẽ không quay lưng trong việc  kiềm chế Bắc Kinh.
--------------------

*Nói thêm: Tác giả so sánh mức độ thường xuyên nhưng lờ đi mức độ mạnh bạo, chẳng hạn lần thách thức khá mạnh bạo (thách thức đường cơ sở phi pháp của TQ) dưới thời Obama ngày 21/10/2017.

Để dễ theo dõi, xin liệt kê dưới đây những lần thách thức Trung Quốc dưới thời Obama và thời Trump cho tới nay:

 1.  27/10/2015: quần đảo Trường Sa (đá Xu Bi  và một vài thể đia lí lân cận), USS Lassen (DDG-82) ,Yêu cầu cac nước phải thông báo / xin phép trước khi đi qua vô hại.
 2.  29/1/2016: Quần đảo Hoàng Sa (đảo Tri Tôn ), Curtis Wilbur (DDG-54), Yêu cầu các nước phải thông báo / xin phép trước khi đi qua vô hai.
 3. 10/5/2016: Quần đảo Trường Sa (đá Chữ Thập), USS William P. Lawrence (DDG-110), Yêu cầu các nước phải thông báo / xin phép trước khi đi qua vô hai.
 4.  21/10/2016: Quần đảo Hoàng Sa, USS Decatur (DDG-73), Các tuyên bố cơ sở đường thẳng quá mức.
 5.  24/5/2017: Quần đảo Trường Sa (đá Vành Khăn), USS Dewey (DDG-105), Không rõ ràng, được cho là lãnh hải bất hợp pháp
 6. 3/7/2017: Quần đảo Hoàng Sa (đảo Tri Tôn), USS Stethem, Yêu cầu các nước phải thông báo / xin phép trước khi đi qua vô hai.(?)
 7. 7/7/2016: Biển Đông (không có thông tin cụ thể trên [các] thể địa lý nào), máy bay ném bom chiến lược B-1B, Yêu cầu các nước phải thông báo / xin phép trước khi đi qua vô hai.(?)

Logic đằng sau cách Trung Quốc đối xử với Lưu Hiểu Ba

Logic đằng sau cách Trung Quốc đối xử với Lưu Hiểu Ba

Đối với chế độ, biến ông thành một thánh tử đạo an toàn hơn là để cho những ý tưởng của ông lan rộng ra.

(Financial Times 18-7-17)
Jamil Anderlini

(Bản dịch đã đăng trên Tiếng Dân ngày 18/7/2017)


Lưu Hiểu Ba, nhà trí thứcTrung Quốc vĩ đại và là người đoạt giải Nobel qua đời vào tuần trước trong lúc đang chịu hình phạt tù 11 năm vì đã không đồng ý một cách hòa bình với chính quyền độc đảng ở nước ông.

Cái chết của ông vào tuần trước là một cảnh tượng tàn nhẫn đến lố bịch.Những kẻ bắt gữ ông không phát hiện và thừa nhận ông bị ung thư đến khi ông chỉ còn vài tuần để sống, việc điều trị cho ông ít hơn lá sung và mong muốn của ông rời khỏi Trung Quốc khi sắp chết đã bị từ chối.

Chính quyền đã sắp xếp cho thuỷ táng ông trên biển vì sợ rằng mộ ông có thể biến thành chốn thiêng liêng cho nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của đất nước này, và anh trai của ông đã được phô ra trước giới truyền thông cảm ơn Đảng Cộng sản và chính quyền về sự cư xử tàn tệ họ đối với ông.

Với nguồn gốc như là một phong trào cách mạng, đảng công sản hiểu rất rõ sức mạnh của những thánh tử đạo đầy sức hấp dẫn như Lưu Hiểu Ba, chính vì vậy họ đã coi ông và thông điệp của ông ấy là chuyện nghiêm trọng.

Mức độ kiểm duyệt nhà nước ngày càng tăng lên trong tuần vừa qua và chính phủ đã tỏ ra giận dữ trước các phương tiện truyền thông phương Tây vì họ đưa tin về Lưu Hiểu Ba và cái chết không đúng lúc của ông.

Cuộc tranh cãi của công chúng Bắc Kinh gút lại như thế này: Lưu Hiểu Ba đã bị tòa án Trung Quốc kết án vì vậy ông là một tội phạm thông thường, trao giải Nobel cho ông là một "sự phỉ báng" và không phải là việc của bất cứ ai bên ngoài Trung Quốc.

Lí do thực sự, theo tiết lộ riêng của vài quan chức, là: Trong bốn thập ki vừa qua Trung Quốc đã xoay xở nâng được 800 triệu người thoát khỏi đói nghèo bằng cách kết hợp cải cách kinh tế và đàn áp chính trị, và những người như Lưu Hiểu Ba, với lý tưởng phi bạo lực, kêu gọi tự do cá nhân và sẵn lòng chết vì niềm tin của mình, đặt ra một mối đe dọa tiềm ẩn đối với chính quyền độc đảng.

Ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đều đã đọc quyển Chế độ xưa và Cách mạng Pháp của Alexis de Tocqueville và cũng đã nghiên cứu cặn kẽ các thời kì dẫn tới cách mạng Nga 1917, cách mạng Trung Quốc năm 1911 và sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Kết luận của họ là các hệ thống độc tài sẽ dễ bị tổn thương nhất khi họ cố gắng tự do hóa.Do đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tránh điều này bằng mọi giá.

Vì cải cách chính trị từng bước là điều chế độ không muốn bàn tới, các cá nhân như Lưu Hiểu Ba phải bị đàn áp một cách không khoan nhượng nếu không tia lửa mà họ châm ngòi đám cháy trên đồng cỏ có thể lan rộng đe doạ đến sự ổn định và phúc lợi của toàn xã hội Trung Quốc.

Sự kiện Lưu Hiểu Ba nổi lên thành một nhà bất đồng chính kiến từ trong cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và vụ thảm sát sau đó khiến cho vụ việc của ông trở nên quan trọng hơn nhiều.

Lãnh đạo của Trung Quốc cho rằng, và nhiều người dân thường tin rằng thành tựu kinh tế của nước này kể từ đó không thể có được nếu đảng không tung Quân đội Giải phóng Nhân dân vào đám người biểu tình không vũ trang.
Cũng như trong bất kì xã hội nào, các quan chức chính phủ và cán bộ đảng Cộng sản không phải đều là kẻ vô tâm. Tôi biết có một số người nghĩ rằng việc đối xử với Lưu Hiểu Ba là đáng xấu hổ. Nhưng phần lớn cũng nghĩ đó là một điều ác cần thiết. Họ thật sự tin rằng sự hỗn loạn về chính trị hoặc thậm chí nội chiến có thể sinh ra từ một thúc đẩy dân chủ mới của dân chúng sẽ dẫn đến sự khốn khổ khôn lường cho hàng trăm triệu người. So với điều đó, họ chất vấn, thì cái đau đớn của một cá nhân ngang bướng là gì?

Để hiểu được logic độc tài tàn nhẫn đằng sau cách Bắc Kinh đối xử với Lưu Hiểu Ba không phải để bào chữa hay tha thứ nó.Nhưng điều quan trọng là để những người ở bên ngoài Trung Quốc hiểu nó, đặc biệt khi Trung Quốc trở nên nổi rõ và năng động trên trường quốc tế hơn.

Cách Lưu Hiểu Ba tự đặt ra vào năm 2006 như sau: "Mặc dù chế độ thời hậu Mao vẫn là một chế độ độc tài, nhưng không còn là cuồng tín mà là một chế độ độc tài có lí lẽ, ngày càng biết tính toán lợi ích của nó tinh vi hơn."

Trong việc tính toán các lợi ích đó, chế độ đã khẳng định rằng biến ông thành một thánh tử đạo an toàn hơn là để cho những ý tưởng của ông lan rộng ra. Kết luận này có lẽ đúng trong ngắn hạn.

Do những nỗ lực của đảng, đại đa số người dân Trung Quốc chưa bao giờ nghe nói đến Lưu Hiểu Ba và hầu hết những người đã từng nghe tới ông đều nghĩ ông là một người kẻ gây rối vô vọng.Cái chết của ông sẽ không kích động nên một cuộc cách mạng.

Nhưng tôi tự hỏi liệu tính toán của đảng sẽ tỏ cho thấy là đúng trong dài hạn hay không. Với việc công khai bác bỏ việc dân chủ hoá dần dần từ trên xuống, khả năng phản đối từ dưới lên đối với cách cai trị độc tài đang tăng lên.

Nếu và khi ngày đó đến, những người biểu tình chắc chắn sẽ mang theo những tấm biểu ngữ có khuôn mặt tươi cười của Lưu Hiểu Ba có kẻ đậm lời ông viết nhưng đã bị cấm đọc tại phiên toà xử ông vào ngày Giáng sinh năm 2009: "Không có sức mạnh nào có thể đặt dấu chấu hết cho cuộc truy tìm tự do của con người, và cuối cùng thì Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia được cai trị bằng luật pháp, nơi mà quyền con người là tối thượng."

Thursday, July 13, 2017

Bàn tay ẩn khuất của Hà Nội góp phần định hình chương trình làm việc của nhóm chuyên gia ở Washington thế nào ?

Bàn tay ẩn khuất của Hà Nội góp phần định hình chương trình làm việc của nhóm chuyên gia ở Washington thế nào ?


(How Hanoi’s Hidden Hand Helps Shape a Think Tank’s Agenda in Washington)
Greg Rushford
RushfordReport (11/7/2017)
(Bản dịch này đã đăng trên Tiếng Dân  ngày 13/7/2017)

Thứ 3 tới, ngày 18 tháng 7, sẽ là một ngày trọng đại của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), vốn là một trong những nhóm chuyên gia cố vấn (think tank) uy tín của Washington trong hơn nửa thế kỷ. Hội nghị hàng năm lần thứ 7 của CSIS về biển Đông, như có hoá thân trước của nó hồi năm 2011, sẽ lại một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng đối với sự quyết đoán của Trung Quốc ở biển Đông. Các diễn giả với uy tín ấn tượng về an ninh quốc gia sẽ  từ Singapore, Việt Nam, Philippines, và các nơi khác ở châu Á. bay về đây. Họ sẽ được các tổ chức có thẩm quyền hàng đầu của Mỹ cùng tham gia, chẳng hạn như trường Đại học hải chiến Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu hải chiến của nó. Thượng nghị sĩ Cory Gardner, đảng Cộng hòa từ Colorado hiện chủ trì ban Châu Á thuộc Uỷ ban quan hệ đối ngoại, sẽ mở đầu ngày đó với một bài phát biểu về "Đổi mới lãnh đạo của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương."
Vậy, ai đã-hào phóng chi tiền cho các hội nghị nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới lãnh đạo của Mỹ ở châu Á? Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành CSIS John Hamre đã-tránh né vấn đề này trong 6 năm qua. Chẳng hạn tháng 7 năm ngoái CSIS công bố rằng hội nghị hàng năm lần thứ 6 của CSIS về biển Đông đã "xảy ra được nhờ có sự ủng hộ rộng rãi cho CSIS."
Điều đó không những quá mơ hồ để truyền đạt ý nghĩa thực sự mà còn là “diễn giải sai” cùng cực, theo một nguồn giấu tên. Để hậu thuẫn cho cáo buộc đó, nguồn đó đã cung cấp cho tôi các tài liệu nội bộ "bí mật" của CSIS chỉ ra đích xác nguồn tiền đó là từ đâu ra.
Các bản ghi nhớ, email, và các hồ sơ khác tiết lộ rằng Hamre có một thiên thần bí mật - tại Hà Nội.
Và thiên thần đã có một tiếng nói quan trọng trong việc mời và không mời ai đến hội nghị hàng năm về biển của CSIS. Nhà hảo tâm bí mật của CSIS là một cánh tay của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đơn vị đó, có tên là Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), trực thuộc Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đảng Cộng sản, theo trang web chính thức của nó. Phạm Bình Minh, hiện là Phó Thủ tướng Việt Nam, thành viên cao cấp của Đảng giữ chức bộ trưởng ngoại giao kể từ năm 2011.
Kể từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã tặng CSIS hơn $ 450 000 để tổ chức các cuộc hội thảo hàng năm về biển Đông. Qua nhiều năm, CSIS đã tăng thêm $ 55.000 từ tài khoản nội bộ của nhóm chuyên gia này, nguồn của nó không được xác định trong tài liệu mà tôi được cho xem. Giám đốc CSIS Hamre từ chối không đáp ứng các yêu cầu liên tục cho biết ý kiến của ông.

Câu hỏi về tính minh bạch
Đây không phải là lần đầu tiên mà câu hỏi đó-được nêu ra trên báo chí về CSIS và những đóng góp trong bóng tối từ các nguồn nước ngoài. Chẳng hạn, ngày 07 tháng 9 năm 2014, báo New York Times đăng một bài viết có tên "Thế lực nước ngoài mua ảnh hưởng các nhóm chuyên gia." Các phóng viên Eric Lipton, Brooke Williams và Nicholas Confessore đã truy nguồn hàng triệu đô la từ các chính phủ nước ngoài chảy vào các nhóm chuyên gia cố vấn có ảnh hưởng ở Washington , trong đó có CSIS, trong những năm gần đây. Nguồn tiền đen tối này "đã đặt ra những vấn đề đáng lo ngại về tự do trí tuệ", họ lưu ý khi nêu ra trường hợp của các học giả mà ý kiến của họdường như bị ảnh hưởng quá mức bởi vấn đề tài chính.
Đáp ứng yêu cầu của tờ Times, CSIS đồng ý công bố một danh sách hơn một chục nhà tài trợ là chính phủ nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kì. Nhưng tiết lộ của giám đốc CSIS Hamre nhiều lắm chỉ là minh bạch một nửa. CSIS "từ chối tiết lộ chi tiết hợp đồng của họ với các nước này hay số tiền tài trợ thật sự," tờ báo đưa tin.
Hiện tại, trang web của CSIS tiết lộ 11 nhà tài trợ là chính phủ nước ngoài. Chẳng hạn như United Arab Emirates, đã đóng góp "$ 500 000 trở lên," cho các “nghiên cứu khu vực” không xác định. Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kì đã đóng góp đâu đó trong khoảng $ 100 000 - $ 499 999," lại cũng không xác định. Và các đóng góp từ $ 5 000 - $ 99 999 từ 5 chính phủ khác bao gồm Kazakhstan và Đức. Không đóng góp hiện đang được liệt kê là từ chính phủ Việt Nam.

Bàn tay ẩn khuất của Hà Nội
Có một món tiền nào đó của Việt Nam tặng cho CSIS, tuy nhiên, được ghi nhận ở chỗ khác trên trang web của CSIS - giấu đi dưới dạng các quà biếu của 48 cơ sở, các tổ chức phi chính phủ, và "các nhà tài trợ phi lợi nhuận". Học viện Ngoại giao Việt Nam được liệt kê như đã tặng ít nhất $ 5 000 cho CSIS, nhưng không nhiều hơn $ 99 999. DAV là gì, hoặc món tiền đó định dành cho cái gì, khác hơn "các nghiên cứu khu vực," thông thường không xác định, không được tiết lộ.
Không có gì bất cứ nơi nào trên trang web của CSIS chỉ ra rằng DAV là một cánh tay chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Không có gì gợi ra rằng Học viện Ngoại giao Việt Nam tư vấn Bộ trưởng ngoại giao "trong việc xây dựng, hoạch định và thi hành chính sách đối ngoại của Nhà nước," như nó ghi trên chính website của mình. Để biét được rằng DAV cũng tham gia trong viẹc "trao đổi học thuật" với các tổ chức nghiên cứu ở Việt Nam và ở nước ngoài, người ta phải đi đến trang web của DAV mà CSIS không nêu nó ra.
Các kết nối chính thức giữa các quan chức của CSIS và chính phủ Việt Nam, theo tài liệu mà tôi được xem, tính từ ngày 25 tháng 4 năm 2012. Đó là ngày kí bản ghi nhớ đầu tiên giữa CSIS và một nhà ngoại giao Việt Nam. Ernest Bower đã thay mặt CSIS kí với tư cách cố vấn cao cấp kiêm giám đốc Chương trình Đông Nam Á của nhóm chuyên gia này. Từ năm 2011 Bower cũng-từng là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của BowerGroupAsia, một công ti tư vấn quốc tế có văn phòng tại Việt Nam và các nước châu Á khác.
Nguyễn Vũ Tùng, vào năm 2012 là Phó trưởng đoàn công tác của toà Đại sứ Việt Nam tại Washington, đã thay mặt DAV kí kết. Hà Nội đã đóng góp $ 129 236 cho việc tổ chức hội nghị thứ 2 của CSIS vào tháng 7 năm đó. CSIS thêm vào $ 20 000.
Nhà ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng bây giờ là một quan chức cấp cao của DAV; ông có mặt trong nhóm chủ toạ điều khiển Hội nghị của CSIS về biển Đông 2016, tổ chức-ngày 12 tháng 7 năm ngoái. Và tại sự kiện lần 7 của CSIS vào thứ Ba tới, Đặng Cẩm Tú, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược của DAV, sẽ có mặt trong nhóm chủ toạ được Cố vấn cao cấp Murray Hiebert của CSIS điều tiết.

Lợi ích xung khắc
Hiebert là cố vấn cao cấp cho BowerGroupAsia. Công việc của ông như một nhà tư vấn doanh nghiệp tư nhân không nêu trên lí lịch CSIS của ông, ông cũng không tiết lộ mối quan hệ với các công ti trong các giối thiệu công cộng của CSIS. Hiebert từ chối giải thích vai trò kép của ông, còn giám đốc CSIS là Hamre và ban giám đốc nhóm chuyên gia này cũng giữ im lặng.
Trong năm 2015 Hiebert thừa nhận rằng một nghiên cứu của CSIS về mối quan hệ Mỹ-Việt mà ông là đồng tác giả đã đượcchính phủ Việt Nam trả tiền - sư thật là nghiên cứu được công bố này đã không được tiết lộ. Hiebert đã thu hút chú ý trước đây vì thái độ miễn cưỡng không muốn đưa ra phân tích chỉ trích thành tích nhân quyền bị hoen ố của Việt Nam. Thậm chí có lần ông đã gọi người bảo vệ kèm một người Mỹ gốc Việt ủng hộ dân chủ nổi bật ra khỏi cơ sở của CSIS, sau khi đã bị các quan chức an ninh Việt Nam áp lực đòi làm như vậy. (Để biết thêm chi tiết, xem How Hanoi Buys Influence in Washington, D.C [Hà Nội mua ảnh hưởng ở Washington, DC thế nào], và Obama’s Vietnam ‘Legacy’ Trip: A Realiti Check [Chuyến đi Việt Nam ‘di sản’ của Obama: một kiểm nghiệm thực tế], www.rushfordreport.com.)
Hiện giờ, ông chủ chi tiền cho CSIS của Việt Nam là Trần Trường Thủy. Thuỷ là một quan chức lâu năm cựu của DAV từng tham gia các hội nghị về biển hàng năm của CSIS kể từ lần đầu tiên vào năm 2011. Vào ngày 11 tháng 7 năm 2016, Thúy đã ký bản ghi nhớ bí mật của CSIS định ngân sách cho hội nghị năm ngoái. Lúc đó ông đội một cái mũ khác: Giám đốc Quỹ [Hỗ trợ] Nghiên cứu Biển Đông (FESS).
FESS miêu tả chính mình trên trang web của họ như là một tổ chức phi lợi nhuận do DAV và các nhà ngoại giao Việt Nam khởi xướng năm 2014. FESS và DAV có chung một địa chỉ tại Hà Nội. Nhiệm vụ của FESS về cơ bản là giải thích cho khán giả trong nước và quốc tế về vị thế của chính phủ Việt Nam đối với các tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Cách giải thích ngắn gọn về việc điều hành: Bộ Ngoại giao - và trên hết là Đảng Cộng sản – nắm quyền kiểm soát cả DAV lẫn FESS.
Ngân sách hội nghị CSIS năm ngoái là điển hình cho các hội nghị trước đó. Việt Nam đồng ý chi $ 94 935 trong tổng chi phí $ 104 935. Sáng kiến Minh bạch trên biển châu Á của CSIS đóng góp $ 10 000. Nguồn tiền được sử dụng để chi cho thời gian nhân viên CSIS tiêu tốn cho sự kiện này, đi lai và khách sạn từ các địa điểm khác nhau ở châu Á cho các diễn giả, và các chi phí hội nghị khác chẳng hạn như những khoản liên quan tới các bữa ăn và các tài liệu in ấn. Như đã từng làm trong những năm trước đây, CSIS đồng ý gửi tất cả các biên lai cho Hà Nội.
Trong khi thỏa thuận hợp đồng với Hà Nội quy định rằng cả CSIS lẫn Việt Nam sẽ "cùng nhau dự thảo chương trình nghị sự và danh sách người tham gia," CSIS cũng khẳng định quyền đối với việc hoàn toàn độc lập trong biên tập và và “quyền tự do định đoạt toàn bộ và thẩm quyền quyết định cuối cùng".
Những quyền đó đã bị thử thách trong những ngày trước khi hội nghị năm ngoái, được tổ chức vào ngày 12 tháng 7 năm 2016. Cũng vào ngày đó, một tòa án quốc tế ở The Hague công bố phán quyết xác định rằng Trung Quốc đã và đang hành động vi phạm các nghĩa vụ pháp luật quốc tế qua việc huỷ diệt các rạn san hô để xây dựng đảo nhân tạo vũ trang hoá ở vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines - đưa cả Manila lẩn Hà Nội vào trong tầm các máy bay phản lực ném bom của Trung Quốc.

Quyền lực của ông chủ chi tiền thể hiện
Biết khả năng công chúng quan tâm rất lớn sau phán quyết của tòa án, hai nhân viên CSIS là Murray Hiebert và Greg Poling đề nghị Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc ở Washington, phát biểu tại hội nghị. Xét tới những đòn đánh mà Bắc Kinh sẽ nhận lấy ngày hôm đó theo ánh sáng của phán quyết này, Hiebert và Poling nghĩ rằng điều đó là công bằng, và đã nói như vậy trong email của họ.
Poling báo cho Thuỷ vào ngày 7 tháng 7 rằng ông đã nghe tin từ toà đại sứ Trung Quốc rằng ông Khải sẵn sàng để nói chuyện.
Thủy nổi cáo lên.
Nhà ngoại giao Việt Nam báo cho Hiebert trong một email ngày 8 tháng 7 năm 2016 "Murray, chúng tôi không thể đồng ý với cách anh xử lí hội nghị này.Anh mời Đs Trung Quốc mà không tham khảo ý kiến chúng tôi và bây giờ nói rằng không thể huỷ lời mời ông ta. Hãy hiểu rằng tạo ra một diễn đàn để giúp Trung Quốc đẩy mạnh việc tuyên truyền không phải là mục đích của chúng ta.
Hiebert phản hồi: "Mục tiêu của chúng tôi không phải là để tạo ra một chỗ cho Trung Quốc tuyên truyền mà nhằm tạo ra một diễn đàn đáng tin cậy cho thấy hành vi không thể chấp nhận của Trung Quốc ở BĐ [biển Đông]. Đs Khải sẽ không thuyết phục được ai rằng công lí đứng về phía ông ta. Cho phép ông ta phát biểu sẽ làm cho tất cả các sự kiện trong ngày của chúng ta và các chỉ trích mạnh mẽ đối với Trung Quốc của hội nghị được nhiều sự tín nhiệm hơn nữa mà không làm thông điệp của chúng ta bị mất tập trung."
Cuối cùng, sau một loạt các email với các nhân viên của CSIS đến chỗ bế tắc, Thuỷ khẳng định lập trường. "Murray, không phép Đs Trung Quốc phát biểu không phải chỉ là ý kiến cá nhân mà là một đòi hỏi nghiêm ngặt từ 'các nhà bảo trợ' của chúng tôi và tôi không-còn cơ hội để thuyết phục họ nữa."
Đối mặt với thái độ không suy xuyển của những người có túi tiền tại Hà Nội, Hiebert và Poling đưa ra một lập trường thoả hiệp. Hiebert báo cho nhà hảo tâm Việt Nam vào ngày 11 "Anh Thủy, ông Khải sẽ không phát biểu tại hội nghị ngày mai, mà ông sẽ nói chuyện sau này sau khi hội nghị kết thúc một ngày, theo lời mời của Chương trình Sức mạnh Trung Quốc, không liên quan đến chương trình Đông Nam Á phụ trách tổ chức hội nghị này".
Như Hiebert đã hứa với Thủy, hội nghị ngày 12 tháng 7 do Chính phủ Việt Nam chi trả ngưng lúc 4:30 pm. Mười lăm phút sau đó, lúc 4:45 giờ chiều, đại sứ Trung Quốc phát biểu các nhận xét của ông, được phát trực tuyến.

Rơi vào cảnh trớ trêu và thất bại về trí tuệ và đạo đức
Có một điều trớ trêu trong câu chuyện này. CSIS đã giành được sự tôn trọng đích thực trong các các nhóm chuyên gia đối ngoại hàng đầu vì những thành quả trong việctập trung sự chú ý của công chúng Mỹ vào hành vi sai trái của Trung Quốc ở biển Đông. Chỗ lấn cấn là việc lãng tránh liên quan tới ai đã chi tiền. Điều đó lại bị chồng chất thêm bởi các quan hệ với doanh nghiệp bên ngoài của các quan chức của CSIS đang quyên tiền từ chính phủ Việt Nam cùng lúc họ quảng bá các giao dịch doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
Người đọc sẽ rút ra kết luận của riêng mình về việc chính phủ Việt Nam được gì với đồng tiền họ bỏ ra. Những năm được đề cập trong bài viết này, chương trình làm việc của Việt Nam ở Washington có một số phần chủ chốt. Hà Nội muốn tạo ra một bầu dư luận để nuôi dưỡng quan hệ gần gũi hơn về ngoại giao và an ninh với Hoa Kì. Các nhà phân tích của CSIS cũng muốn điều đó. Việt Nam  muốn Tổng thống Barack Obama đến thăm Việt Nam, để góp phần đưa các quan hệ vào chiều sâu. CSIS cũng ủng hộ chuyến đi đó. Hà Nội muốn Washington dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí gây chết người với chế độ cộng sản này. Các nhà phân tích CSIS cũng chia sẻ phần này của chương trình hoạt động. Và Việt Nam muốn sự hậu thuẫn của Mỹ cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. CSIS cũng có chung ý nghĩ đó.
Chắc chắn, các quan chức CSIS có thể lập luận nghe có lý rằng chương trình làm việc mà họ đang thúc đẩy là vì các quan hệ Mỹ-Việt tốt hơn là hợp lí.
Nhưng có nhiều điều trong câu chuyện này dấy lên những câu hỏi rắc rối. Trên hết mọi thứ, chính phủ Việt Nam muốn giới ưu tú trong chính sách đối ngoại ở Washington không để mắt tới các vi phạm thô bạo về nhân quyền của Hà Nội. Đảng Cộng sản thấy sự tồn tại của chính họ như là phụ thuộc vào khả năng tiếp tục đàn áp ngay cả người bất đồng chính kiến ôn hoà. Và như tôi đã báo cáo trước đó trong bài Hà Nội mua ảnh hưởng thế nàoChuyến đi Việt Nam ‘di sản’ của Obama , John Hamre, Ernie Bower, Murray Hiebert, và Greg Poling-đã-cẩn thận không làm mất lòng khó sửa chữa đối với những kẻ có quyền lực tại Hà Nội khi các câu hỏi trái khoáy về chính trị tù nhân-nêu ra.
Từ chối lên tiếng khi các công dân Việt Nam dũng cảm bị bỏ tù chỉ vì thực hiện ôn hoà các quyền phổ quát của họ về tự do ngôn luận chắc chắn là một thất bại về đạo đức.
Và cũng có một sự thất bại về trí tuệ. Việt Nam, một thành viên của Liên Hiệp Quốc, là một bên kí kết nhiều văn bản pháp luật quốc tế khác đảm bảo công dân của họ có các quyền phổ biến về tự do ngôn luận và bày tỏ. Bất kì nhà phân tích nào chỉ trích Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế ở biển Đông chắc chắn phải có nghĩa vụ chỉ ra rằng việc Việt Nam đàn áp liên tục một số công dân tốt nhất của mình cũng là vi phạm các chuẩn mực pháp lí quốc tế được thừa nhận của Liên Hiệp Quốc.

Có lẽ, trừ khi có loại tiền được làm ra bằng cách quay nhìn chỗ khác.

Saturday, July 8, 2017

Có vẻ Việt Nam bạo dạn hơn khi gia hạn hợp đồng cho công ti Ấn Độ


Có vẻ Việt Nam bạo dạn hơn khi gia hạn hợp đồng cho công ti Ấn Độ 


(Bài viết này được gợi ý từ một stt của tôi trên FB bàn về một câu bình luận bậy của một chuyên gia quốc phòng-ngoaị giao của Fox News, có thêm ṃ̀t vài ý nhỏ so với bài đã đăng trên Tiếng Dân ngày ̣8/7/2017 )


Theo tin trên môt vài báo nước ngoài (chưa thấy báo mạng‘lề phải’ nào đưa tin) Việt Nam vừa gia hạn hợp đồng cho phép công ti ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ khoan tìm kiếm, khai thác dầu ở lô 128, với hơn nửa diện lích của lô nằm bên trong phạm vi của đường lưỡi bò (ĐLB) [xem bản đồ 1] thêm hai năm nữa. Gia hạn lần trước chỉ có một năm.
OVL bắt đầu vào Việt Nam vào năm 1988 với giấy phép thăm dò cho lô 6.1 ở thềm lục địa phía Nam (cũng trong phạm vi ĐLB) và thoả thuận nhận 45% sản lượng ở đây.

Công ti này cũng được cấp phép thăm dò hai lô 127 và 128 năm 2006, nhưng sau đó đã bỏ lô 127 vì thấy không có tiềm năng. Lô 128 có diện tích 7 058km² và kết quả thăm dò cho đến nay không phát hiện trữ lượng dầu-khí. Dù vậy, theo Reuters một lãnh đạo cao cấp giấu tên của công ti ONGC cho biết việc Ấn Độ quan tâm đến lô dầu khí này mang tính chiến lược nhiều hơn là thương mại vì khu vực này có nhiều rủi ro trong khi tiềm năng khai thác không phải là cao. Người này nói thêm là Việt Nam muốn công ti Ấn độ ở đó vì những lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Năm 2012, ngay sau khi Trung Quốc (TQ) ngang ngược mời thầu thăm dò tại 9 lô trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) VN – trong đó có khoảng nửa lô 128, OVL đã được Việt Nam gia hạn thăm dò 2 năm đến tháng 6/2014 cho lô 128. Năm 2014 OVL lại được gia hạn thêm hai năm lần nữa cho đến ngày 15/6/2016.Tháng 10/2014 OVL đã ký hợp đồng chia sẻ sản lượng 45% cho lô 102/10 và 106/10 (cả 2 lô này nằm trong EEZ của VN đã phân định trong vịnh Bắc Bộ) và 50% cho lô 128. Năm ngoái vào tháng 6/2016 (trước khi có phán quyết 12/7/2016 của vụ Philippines kiện TQ tại toà trọng tài PCA) OVL được gia hạn một năm.

Bản đồ 1: Lô 128, 6.1 của OVL lẫn lô 136/3 của Repsol đều nằm trọn trong EEZ của VN, còn các lô TQ cho mời thầu thăm dò (khung đa giác màu gạch) hoặc đã hợp đồng sang nhương (Vạn An Bắc) cũng chủ yếu nằm trong EEZ của VN và dĩ nhiên cũng trong ĐLB phi pháp của TQ

Như vậy, đây là lần gia hạn thứ năm và được kéo dài trong 2 năm gần như cùng lúc với việc cho phép Talisman-Vietnam (Repsol) khoan thăm dò ở lô 136/3, vốn nằm ngay bên cạnh khu vực mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc và đã cho sang nhượng và dĩ nhiên cũng trong phạm vi ĐLB.

Hai động thái này của Việt Nam thực hiện sau khi Hoa Kì cho công bố chi tiết về các hoạt động tự do hàng hải của hải quân (FONOP) họ tại biển Đông do Harvard Kennedy School đưa ra.Công bố này cho thấy có vẻ Mĩ đã tận dụng triệt để các kết luận của toà trong tài PCA, đặc biệt là lần tàu USS Decatur chay vào khu vực Hoàng Sa ngày 21/10/2016 (vào cuối nhiệm kì của Tổng thống Obama) và lần tàu USS Dewey chạy vào áp sát vào đảo nhân tạo tại đá Vành Khăn ngày 24/5/2017 (những tháng đầu nhiệm kì của Tổng thống Trump).

Tàu USS Decatur đã thực hiện một lộ trình khoảng 350 km trong khu vực mà TQ cho là lãnh hải và nội thuỷ củaquần đảo Hoàng Sa. Dù không đi vào lãnh hải bất kì đảo nổi nào nhưng tàu này đã 3 lần chạy qua lãnh-hải-phi-pháp và 2 lần chạy trong nội-thuỷ-phi-pháp (phần diện tích biển bên trong đường cơ sở được xem như tương đương với phần diện tích sông, hồ, ao trong đất liền - người ngoài không được phép vào nếu không được chủ nhà cho phếp) mà TQ đòi cho quần đảo này, thậm chí còn chạy một cách nhởn nha nhởn nhơ và diễn tập trong ‘nội thuỷ’ [xem bản đồ 2]. Điều này có nghĩa là Hoa Kì không chấp nhận các đảo ở Hoàng Sa có đường cơ sở và lãnh hải với tư cách một nhóm, đó cũng chính là khẳng định nêu trong phán quyết của PCA ngày 12/7/2016.

Bản đồ 2: USS Decatur chạy qua ‘lãnh hải’ 3 lần (AB, CD, EF), chạy trong ‘nội thuỷ’ 2 lần (BC, DE), thộm chí chạy ‘nhởn nhơ’ gần đảo Phú Lâm

Còn tàu USS Dewey thực hiện một lộ trình ‘bình thường’, chạy dích dắc và tổ chức diễn tập bên ngoài tàu khi chạy cách Vành Khăn dưới 12 hải lí [xem bản đồ 3]., tức là chỉ xem Vành Khăn như là một bãi triều thấp (LTE) không có lãnh hải dù TQ đã tôn tạo nó cao hơn mặt biển. Đây cũng là một kết luận của toà trọng tài ngày 12/7/2016.


Bản đồ 3: USS Dewey chạy ‘bình thường’ cách đá Vành Khăn dưới 12 hải lí


Phản ứng của TQ trong cả 2 vụ này, đặc biệt là vụ tàu USS Decatur chạy những 350 km vào bên trong khu vực quần đảo Hoàng Sa là một vụ ‘vi phạm chủ quyền’ rất nghiêm trọng, đều ở mức vừa phải. Điều này có thể một phần do thực lực của TQ hiện nay chưa đủ sức đối phó với Mĩ và có lẽ cũng một phần do họ đuối lí trước kết luận hết sức chặt chẽ và logic của PCA ngày 12/7/2016. Lưu ý rằng vài tháng trước họ cũng đã chấp nhận cho ngư dân Philiippes vào khu vực bãi cạn Sarborough đánh cá, vốn cũng là một điều trong phán quyết của PCA. Mới đây đối với vụ tàu USS Stethem chạy vào lãnh hải đảo Tri Tôn ngày 2/7, máy bay ném bom B-1B bay trên vùng trời các đảo ở biển Đông ngày 6/7 (sự việc quá mới nên chưa có thông tin chi tiết để bàn về mức độ nghiêm trọng), phản ứng của họ cũng chỉ theo bài bản. Như vậy, có vẻ là dù ngoài mặt họ tuyên bố không chấp nhận phán quyết của PCA để đối phó với phản ứng nội bộ do chịu ảnh hưởng tuyên truyền sai trái lâu ngày của chính họ, nhưng trong hành động có vẻ họ đã ngầm chịu xuôi theo phán quyết. Chắc chắn trong ban lãnh đạo TQ, ít ra cũng có một bộ phận nhỏ thấy những đòi hỏi của họ là vô lí, thiếu cơ sở và hơn nữa họ đang ôm mộng nắm vai trò lãnh đạo thế giới nếu cứ hành xử trái ngược với những gì họ ký kết thì còn ai tin cậy họ, hợp tác làm ăn với họ. Và việc Tướng TQ Phạm Trường Long mới đây đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam để phản đối việc Việt Nam cho phép công ti nước ngoài khai thác dầu cũng có thể chỉ là phản ứng cá nhân.

Lưu ý rắng kết luận đầu tiên và có lẽ chính yếu nhất của PCA trong vụ Philippine kiện TQ là không có cơ sở pháp lí nào để TQ dùng ĐLB đòi hỏi các quyền lích sử đối với tài nguyên vượt quá những gì quy định trong Công ước về luật biển LHQ (UNCLOS) 1982 mà chính TQ đã đặt bút ký kết và phê chuẩn. Và do đó tất cả các hành động dính dáng tới quyền thăm dò, khai thác tài nguyên hay khẳng định chủ quyền  ở những chỗ trong EEZ và thềm lục địa của nước khác đều phi pháp. Dựa vào điều này và có thể dựa trên những phản ứng có phần ‘xuôi tay’ của TQ khi bị thách thức những gì mà PCA đã kết luận, cùng các thái độ khá quyết liệt của chính phủ mới ở Mĩ, Nhật, Ấn, EU...(như vừa nêu bên trên và theo các tin trên báo chí) mà VN đã có vẻ bạo dạn hơn khi gia hạn cho ONGC thêm hai năm lô 128và bật đèn xanh cho Repsol thăm dò lô 136/3. Ngoài ra, VN cũng nắm rõ tâm lí của giới cầm quyền TQ lo ngại nếu quá quyết đoán VN có ngã theo Mĩ và phương Tây khiến họ rơi và thế bị bao vây, thậm chí qua đó VN có thể sẽ cải tổ theo hướng dân chủ và điều này sẽ kích động dân TQ thách thức quyền lãnh đạo của họ hay chí ít VN có cớ theo gương Philippines kiện họ, và với tiền lệ của Philippes xác suất năng họ bị thua sẽ rất lớn, thêm một lần mất mặt nữa và mất uy tín với dân TQ và thé giới. Có thể đây cũnh là một lí do khác giúp VN bạo dạn hơn.

Dĩ nhiên những ý kiến trên chỉ là một nhận định chủ quan dựa trên một số quan sát chắc chắn còn phiến diện, cần chờ thêm các diễn tiến mới trên thực tế để kiểm chứng lại.