Thursday, June 27, 2013

Tranh luận ở Việt Nam bị bóp nghẹt, câu hỏi về sự hợp tác của Nhật Bản

 Debate suppressed in Vietnam, questions on Japanese cooperation (Asahi Shimbun 25-6-13) 
Ari Nakano (Giáo sư tại Đại học Daito Bunka)
Ari Nakano là giáo sư tại Đại học Daito Bunka. Bà đã tiến hành việc nghiên cứu sau đại học tại Đại học Keio và nhận được bằng tiến sĩ. Lĩnh vực chuyên môn của bà là chính trị, ngoại giao và quyền con người ở Việt Nam.
_________________________________________________________________________________


Năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Khi Thủ tướng Shinzo Abe sang thăm Việt Nam vào tháng Giêng, hai nước khẳng định rằng mối quan hệ song phương này đã phát triển lớn lên hơn thậm chí tới tầm "đối tác chiến lược" và nhất trí tiếp tục hợp tác trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân và phát triển nguồn tài nguyên đất hiếm.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề đã nổi cộm lên liên quan đến việc phát triển tài nguyên và năng lượng gần đây tại Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào tiến trình này cho đến nay là thấy ngay nguyên nhân chính gây nên mối quan ngại về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở đó.

 
Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, phải, và đối tác Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội quân danh dự trong một buổi lễ chào đón tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, Việt Nam, thứ tư 16 tháng 1, 2013. (Ảnh AP)

Việc khai thác bauxite và sản xuất nhôm do các ti Trung Quốc tài trợ hiện đang diễn ra ở vùng cao nguyên phía nam-miền trung Việt Nam là một dự án quy mô lớn ngang tầm với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, dự án này lại được các nhà lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam thoả thuận bí mật, và được khởi công mà không có bất kì cuộc bàn thảo nào trong Quốc hội.

Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường nào đã được đưa ra và một số người đã chỉ ra rằng dự án này là vi phạm pháp luật. Do sự thiếu minh bạch trong quá trình ra quyết định, cũng như không có bất quy định nào buộc chính phủ phải giải thích chi tiết của dự án, một phong trào đối lập có tổ chức do các nhà trí thức Việt Nam đã phát triển, và việc liên doanh khai thác bauxite này đã kích thích hành động đòi hỏi dân chủ và công khai hoá.

CÓ ÍT LỜI GIẢI THÍCH VỀ DỰ ÁN KHAI THÁC BAUXITE

Tôi phỏng vấn người dân ở các làng nông nghiệp ở hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, nơi nguồn bauxite đang được khai thác, nhưng không có cư dân nào ở đó đã nhận được bất kì lời giải thích rõ ràng nào về các mỏ bauxite, việc xây dựng và mở rộng các nhà máy lọc nhôm, cũng như lời giải thích về kế hoạch lấy đất, bồi thường và những thứ tương tự. Mặc dù dân làng đã phàn nàn với các công ti và cơ quan chính phủ về nguy hại đến từ các địa điểm xây dựng như nạn chảy bùn, nước thải, tiếng ồn và đất rung, nhưng chẳng có biện pháp đáng kể nào đã được thực hiện.

Các công ti cũng không trả lương cho một số công nhân xây dựng do "thiếu hụt ngân sách." Nhiều người trong số họ là lao động nhập cư từ các khu vực xa xôi, một số khá đông dường như đã không quay lại làm việc sau kì nghỉ tết vì công việc không bấp bênh. Điều Chính phủ rêu rao rằng việc phát triển này sẽ tạo ra công ăn việc làm và cơ hội đào tạo nghề nghiệp cho cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế địa phương, đã tỏ ra không đúng sự thật. Bộ Công Thương, có trách nhiệm giám sát dự án, nhấn mạnh rằng họ "tôn trọng nếp sống của người dân địa phương," nhưng không thể phủ nhận là thực tế khác biệt khá xa.

Trong khi đó tại các nhà máy lọc nhôm ở tỉnh Lâm Đồng, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2010, kế hoạch xây dựng ban đầu đã bị đẩy lùi thêm hai năm. Bây giờ lần thứ hai một quyết định đã được đưa ra để hoãn lại việc đưa nhà máy lọc nhôm vào hoạt động.

Theo cơ quan quản lí dự án giải thích, lí do của sự chậm trễ là vì việc sản xuất nhôm có các đòi hỏi cầu kĩ thuật phức tạp, vì có các "sai sót" trong một số quy trình đã làm cho sản xuất không ổn định và vì tiến độ thu hồi đất chậm chạp. Cũng có kế hoạch mở rộng tại cảng Kê Gà tỉnh Bình Thuận để vận chuyển nhôm, nhưng việc xây dựng đã không tiến triển thậm chí 5 năm sau khi được chính phủ cấp phép năm 2007, và cuối cùng tháng 2 vừa qua, dự án đã bị hủy bỏ. Cũng không có tiến bộ nào trong việc mở rộng đường xá và củng cố cầu cống nối liền nhà máy lọc nhôm với cảng. Dự án rõ ràng là một thất bại, nhưng điều không rõ ràng là không biết ai phải nhận lấy trách nhiệm đối với nó.

Việc chỉ trích gia tăng đối với sự thất bại của nhiều dự án quy mô lớn, chẳng hạn như phát triển bauxite, cũng như sự tham nhũng của các doanh nghiệp nhà nước. Điều này đã tạo sức ép buộc chính phủ phải đáp ứng, vì vậy hồi tháng 3 chính phủ đã chủ trì một cuộc họp trong đó "các bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn của người dân." Khi được hỏi về sự đình trệ trong phát triển bauxite, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nói rằng lí do cho sự thất bại là vì đó là "lần đầu tiên thử nghiệm ở Việt Nam," vì Việt Nam "chưa có kinh nghiệm quản lí một nguồn quỹ to lớn như thế (trị giá hàng chục tỷ đô la)" và vì dự án "có yêu cầu kĩ thuật phức tạp." Đối với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng có thể nói tương tự như vậy.

Đầu năm nay tôi tổ chức một hội nghị ở Hà Nội về phát triển tài nguyên và chính sách môi trường, với sự trợ giúp của Bộ Công Thương cũng như các trường đại học và viện nghiên cứu Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ này thẳng thừng từ chối đưa vấn đề phát triển bauxite vào chương trình nghị sự và cũng không cho phép các chuyên gia hay trí thức chính yếu của dự án tham dự. Họ thậm chí không chấp nhận việc tham gia hội nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vốn có nhiệm vụ đối phó với các vấn đề môi trường. Tôi muốn tạo ra một cơ hội cho những người cổ vũ và những người phê phán dự án ngồi lại với nhau và tham gia vào một cuộc thảo luận cởi mở, nhưng nỗ lực của chúng tôi đã bị bức tử ngay từ giai đoạn lập kế hoạch.

PHẢN ĐỐI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN VÀ CÁC VỤ BẮT BỚ PHI PHÁP

Trí thức Việt Nam tiếp tục phản đối việc phát triển bauxite cũng đang chia sẻ thông tin về tai nạn nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Fukushima số 1 và bày tỏ sự phản đối của họ đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà Nga và Nhật Bản đang thực hiện ở tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, những khuôn mặt nòng cốt đã bị Công an giám sát, một số đã bị bắt giữ phi pháp và nhà họ đã bị lục soát.

Xu hướng phổ biến ở các nước trên thế giới là cố gắng và đạt tới việc quản trị trọn vẹn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án phát triển năng lượng và tài nguyên lớn. Điều này liên quan đến việc đặt chính phủ và các công ti, người dân địa phương và các nhóm dân tộc ít người, cũng như các chuyên gia, trí thức, công dân, tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức quốc tế… trên một vị thế ngang nhau. Tuy nhiên dù Chính phủ Việt Nam nói rằng họ có một chính sách đối ngoại về việc "can dự tích cực vào cộng đồng quốc tế", nhưng trên thực tế lại thực hiện theo hướng ngược lại. Qua hơn 20 năm theo dõi đất nước này tôi thấy rằng khuynh hướng cố che đậy những sự thật bất tiện trong chính phủ Việt Nam về cơ bản là không thay đổi. Bao bọc trong một môi trường chính trị với mức công khai thông tin ít ỏi cùng với sự bóp nghẹt tự do ngôn luận, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đã phải bị ngập tràn với nhiều vấn đề nghiêm trọng rồi ngay cả trước khi chúng có thể tạo ra các kết quả công nghệ hay kinh tế. Nhật Bản cần phải hiểu tình hình ở Việt Nam, sau đó sẽ xem xét lại phải nên hợp tác như thế nào với một đối tác như vậy.

(Bản dịch khác của nhà giáo Phạm Toàn ở đây: BoxitVietnam)

Wednesday, June 26, 2013

Biển Đông trong tầm ngắm: Xác định phạm vi tranh chấp

Xin đăng lại bản dịch toàn văn phiên mở đầu Hội thảo CSIS ở Mĩ mới đây (5-6/6/2013) với bài báo cáo mở đầu về xác định phạm vi thực sự có tranh chấp theo luật biển QT của Gregory Polling. Báo cáo này có vẻ rất khách quan rất đáng đọc, ngay chính học giả Đài Loan là Tống Yên Huy  (Yann-Huei Song) cũng cho là là xuất sắc dù b/c này không có lợi cho yêu sách của TQ và ĐL:

Ghi chép toàn văn Hội thảo CSIS: Phiên mở đầu - Xác định phạm vi tranh chấp ở Biển Đông

Thứ ba, 25 Tháng 6 2013 15:23
Bài tham luận mở đầu hội thảo của Gregory Polling đề cập đến việc khoanh vùng biển tranh chấp thành các khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế bởi thống nhất phạm vi của tranh chấp là bước đầu quan trọng trong kiểm soát tranh chấp tại Biển Đông.

Phiên mở đầu: Bài phát biểu khai mạc

Ông Ernest Z. Bower, Cố vấn cao cấp, Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS)
Kính thưa quý vị đại biểu,
Tên tôi là Ernest Z. Bower, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Đông Nam Á tại CSIS. Tôi rất vinh dự chào đón quý vị đến CSIS tham dự hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 3. Chúng tôi gọi hội thảo này là “Kiểm soát căng thẳng tại Biển Đông” bởi vì chúng tôi nhận thấy chúng ta đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề nghiêm trọng. Có thể thấy rõ hơn, căng thẳng và nguy cơ những sai lầm có thể phát triển thành xung đột tại Biển Đông, khu vực kết nối đa số các nước ở Đông Á. Nguy cơ này cao hơn thời điểm chúng tôi tổ chức hội thảo đầu tiên vào năm 2011. Các phiên thảo luận trong 2 ngày tới có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về kinh tế địa chính trị và các khía cạnh kỹ thuật của các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Nếu chúng ta nỗ lực thành công trong 36 giờ tới thì chúng ta sẽ hy vọng đạt được một vài sáng kiến để kiểm soát xung đột xung quanh Biển Đông và giúp các nhà hoạch định chính sách có ý tưởng để chuẩn bị cho diễn đàn khu vực ASEAN vào cuối tháng này và cuộc họp thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10 tại Brunei, giúp họ có ý tưởng về cách thức hoạt động hiệu quả hơn để giải quyết tranh chấp và tránh các xung đột có thể xảy ra, để tăng cường nhận thức về các nguy cơ có thể xảy ra và cơ chế tốt hơn để tránh và quản lý các cuộc đụng độ tại Biển Đông.
Một lần nữa, tôi muốn cảm ơn tất cả quý vị đã tham dự cùng với chúng tôi hôm nay và ngày mai và các quý vị theo dõi trực tiếp trên mạng. Xin các quý vị tham gia thảo luận bằng cách truy cập trang CSIS và theo dõi thảo luận trực tiếp qua CSIS.
Buổi thảo luận ngày hôm nay sẽ được mở đầu bằng bài trình bày của Gregory Polling. Greygory Polling là thành viên chương trình nghiên cứu Đông Nam Á. Nghiên cứu của Gregory Polling về Biển Đông rất sâu sắc và toàn diện. Tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu thảo luận bằng việc xem lại những gì đã xảy ra trong khu vực. Năm ngoái, CSIS trình bày báo cáo Giải pháp Biển Đông với phương pháp hình ảnh vệ tinh và phân tích địa lý để giúp các tranh chấp phức tạp trở nên dễ hiểu hơn. Và trình bày chúng theo một cách mới. Báo cáo sắp tới của chúng tôi “Biển Đông trong tầm ngắm” sẽ sử dụng những kỹ thuật này ở mức độ cao hơn bằng cách khoanh vùng biển tranh chấp thành các khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Thống nhất phạm vi của tranh chấp là bước quan trọng trong việc kiểm soát tranh chấp và kiểm soát tranh chấp cũng chính là chủ đề của hội thảo hôm nay. Để mớ đầu phiên thảo luận đầu tiên, tôi xin mời tham dự cùng với tôi chuyên gia nghiên cứu Gregory Polling trình bày kết quả báo cáo mới nhất của chúng tôi.
Gregory Polling: “Biển Đông trong tầm ngắm: Xác định phạm vi tranh chấp”
Cảm ơn Ernest và cho phép tôi cảm ơn tất cả quý vị đã đến tham dự hội thảo thường niên lần thứ 3 năm nay. Như Ernest đã nói chúng ta sẽ bắt đầu hội thảo bằng việc xem xét bản báo cáo mới nhất “Biển Đông trong tầm ngắm”. Sáng nay, mỗi quý vị đều đã có bản tóm tắt báo cáo Biển Đông trong tầm ngắm. Báo cáo này sẽ được công khai vào đầu tháng 7. Bản đồ trong báo cáo như bản đồ trong bản tóm tắt trước quý vị sử dụng phương pháp phân tích không gian địa lý và các dữ liệu mà chúng tôi thu thập và tạo ra để phân tích trong dự án này. Các đường sử dụng chính xác trong phạm vi 1 hải lý và xin thông báo với những nhà làm bản đồ tại đây, bản đồ này sẽ được cung cấp khi báo cáo được xuất bản. Vì quý vị đã xem bản tóm tắt, trước khi bắt đầu trình bày, tôi sẽ nói các điểm mà bản báo cáo không hướng đến. Bản báo cáo không nhằm thể hiện bất cứ biện pháp giải quyết tranh chấp cuối cùng mà các bên nên thực hiện ở Biển Đông, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các bên tranh chấp. Bản báo cáo cũng không nỗ lực để nói về các yêu sách cuối cùng mà các bên nên đòi hỏi vì hiện nay chưa có bên nào làm rõ các yêu sách của mình, đây là công việc đang được tiến hành. Và cuối cùng bản báo cáo không đề xuất các bên tranh chấp phải chấp nhận tất cả các khu vực được thể hiện trong bản tóm tắt và trong bản báo cáo là khu vực tranh chấp cuối cùng. Thực tế là giống như trong các tuyên bố của tòa hay trong các thương lượng về các tranh chấp tương tự, các khu vực đang được yêu sách ở Biển Đông gắn hiệu lực quá lớn cho các đảo nhỏ đang tranh chấp. Bản báo cáo chính vì vậy sẽ thể hiện các khu vực mà các bên có thể yêu sách trong vùng tranh chấp hợp pháp và từ đó nó sẽ chỉ ra các khu vực không có tranh chấp. Như tôi đã nói sự làm rõ này là một bước quan trọng trong nỗ lực để điều tiết những tranh chấp mà trong nhiều thập kỷ các nước có liên quan không thể đồng ý được với nhau đâu là vùng nước đang tranh chấp và chính vì thế đã khiến bất cứ các đàm phán về thỏa thuận đánh cá đa phương hay hợp tác phát triển chung đa bên đều thất bại. Tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ cụ thể về việc áp dụng việc này đối với vấn đề khai thác chung sau, còn trước tiên hãy xem xét định nghĩa khu vực tranh chấp. Để so sánh, cho phép tôi bắt đầu với cái tôi tạm gọi là “bản đồ sách giáo khoa”. Bản đồ Biển Đông này là bản đồ mà chúng ta thường nhìn thấy ở các bài báo hoặc các bài phân tích của những người không phải là chuyên gia – bản đồ này lỗi thời, mập mờ và không chính xác.
Để in bản đồ tốt hơn, bước đầu tiên chúng tôi xác định các khu vực mà các quốc gia có quyền được yêu sách hợp pháp từ bờ biển của mình. Để làm điều đó, chúng tôi bắt đầu bằng việc phớt lờ thực tế là hàng trăm đảo đang có tranh chấp. Bản đồ đầu tiên tôi trình chiếu là yêu sách của Malaysia. Màu đỏ mà quý vị nhìn thấy là yêu sách mà Malaysia có quyền đòi hỏi hợp pháp còn màu trắng là yêu sách của Malaysia trong bản đồ sách giáo khoa quý vị vừa nhìn thấy.
Tôi sẽ không làm rối quý vị bằng cách đi vào chi tiết từng yêu sách mà thay vào đó cho phép tôi đưa ra một vài chỉ dẫn và tôi sẽ nói giải thích thêm trong phần hỏi đáp nếu quý vị có yêu cầu. Cơ sở đầu tiên để quyết định các yêu sách là hợp pháp hay không hợp pháp là hoàn toàn dựa vào Công ước Luật Biển 1982. Theo đó, mỗi bên tranh chấp đều có quyền hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay EEZ 200 hải lý. Trong trường hợp EEZ chồng lấn với nước khác và các bên chưa thương lượng được đường biên giới thì chúng tôi cho rằng đường biên giới sẽ là điểm ở giữa. Cuối cùng thềm lục địa của các nước thể hiện trên bản đồ này dựa vào đệ trình của họ lên LHQ. Và quý vị có thể nhìn thấy điểm khác biệt trong yêu sách của Malaysia không đáng kể, thậm chí sự khác biệt trong yêu sách của Brunei còn ít hơn. Vì thế, tối sẽ không làm rối quý vị bằng bản đồ này nữa.
Và giờ chúng ta sẽ xem yêu sách của PLP.
Như quý vị có thể nhìn thấy sự khác biệt rất lớn ở đây giữa yêu sách mà PLP đòi hỏi được thể hiện trong bản đồ lỗi thời màu trắng và yêu sách thực sự mà PLP có quyền đòi hỏi hợp pháp thể hiện ở đường màu xanh. PLP biện hộ rằng họ hoàn toàn nhận thức được bản đồ của họ đã lỗi thời và họ đã đưa ra bản đồ mới vào năm 2009 với đường cơ sở mới. Thậm chí sự khác biệt còn rất rõ ràng khi xem yêu sách thực sự của Việt Nam ở đường màu xanh dương và yêu sách lỗi thời bị phóng đại ở đường màu trắng.
Và cuối cùng sự khác biệt gây bất ngờ nhất, bản đồ này thể hiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc so với yêu sách thực sự mà Trung Quốc có quyền đòi hỏi hợp pháp từ bờ biển của mình, lưu ý rằng nó chưa bao gồm hiệu lực đầy đủ của các đảo.
Một điều không may là tất cả các yêu sách so sánh với đường 9 đoạn đã hoặc chưa có hiệu lực đầy đủ của đảo. Để làm rõ hơn, chúng tôi đã cố nối các đoạn của đường 9 đoạn một cách tốt nhất tôi có thể.
Nếu chúng ta gạt sang một bên các đảo tranh chấp và các thực thể khác ở Biển Đông thì quý vị có thể nhìn thấy tranh chấp sẽ bớt phức tạp hơn nhiều như thế nào. Thực tế phần tranh chấp hợp pháp chỉ là hai phần nhỏ màu đỏ về yêu sách thềm lục địa. Rất may là tình hình lại không như thế.
Bước phân tích cuối cùng là xem xét thêm yếu tố các đảo và xem nó ảnh hưởng thế nào đến tranh chấp.
Tôi cũng sẽ chỉ đưa ra một vài chỉ dẫn. Luật biển phân biệt đảo có EEZ với đá ko được hưởng EEZ nhưng Luật biển cũng không rõ ràng trong việc xác định thế nào là đảo. Điều cần thiết đầu tiên là thực thế phải nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao, điều này có thể hiểu. Điều thứ hai là có khả năng cho con người cư trú hoặc có đời sống kinh tế riêng. Tuy nhiên, không tòa nào giải thích rõ ràng về hai yêu cầu trên. Vì thế, các quốc gia ven biển có thể mở rộng tối đa vùng biển theo ý muốn của họ. Một báo cáo cho rằng một thực thể nổi trên mặt nước 24h/ngày có thể trở thành đảo.
Đây là các đảo. Với định nghĩa về đảo rất chung chung như vậy thì 50 thực thể ở Biển Đông có thể đủ tiêu chuẩn để hưởng quy chế của đảo hợp pháp. Bước cuối cùng trong phân tích của chúng tôi là tạo cho mỗi đảo có 200 hải lý EEZ nếu có thể. Trong hầu hết các trường hợp đều không được vì nó chồng lấn với EEZ từ bờ biển. Vì thế, chúng tôi lại vẽ điểm ở giữa các đảo và bờ biển đối diện nó. Kết quả tạo ra khu vực Biển Đông có thể yêu sách hợp pháp nằm trong tranh chấp.
Khu vực màu đỏ với các thực thể bên trong là khu vực tranh chấp Hoàng sa. Khu vực màu vàng là Scarborough và màu xanh là ở Trường Sa. Và nếu cân nhắc thêm quan điểm chỉ trích rằng không có một hòn đảo nhỏ nào được trao tầm quan trọng ngang bằng với bờ biển xung quanh nó. Vì vậy giải pháp cuối cùng là đặt biên giới gần các đảo hơn dù chúng được hưởng đầy đủ EEZ. Và điều đó dẫn chúng ta đến ranh giới mà các nước có thể nói là vùng tranh chấp hợp pháp, có thể thấy vẫn là một khu vực tương đối lớn.
Nhưng như quý vị có thể thấy, khu vực trên vẫn nhỏ hơn khá nhiều so với đường 9 đoạn của Trung Quốc. Vì sao xác định khu vực này lại quan trọng và nó nói lên điều gì? Khu vực màu vàng này cho chúng ta biết, ngoài ranh giới này là khu vực không tranh chấp của quốc gia ven biển; các nước có thể khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đánh bắt cá, khai thác dầu khí mà không cần phải lo lắng khu vực đó có tranh chấp với bất kỳ nước nào. Nó cũng cho chúng ta biết bất cứ đề xuất khai thác chung nào ngoài khu vực này sẽ không được xem xét nghiêm túc bởi các bên tranh chấp, đây chính là vấn đề của các nỗ lực trước đó nhằm tiến tới khai thác chung. Để mô phỏng, tôi đã làm bản đồ 9 lô dầu khí mà tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc mở thầu vào tháng 6 năm 2012 và Việt Nam phản đối nó và nhìn trên bản đồ Việt Nam có lý do để làm thế.
Thậm chí nếu Trung Quốc sở hữu mọi thực thể ở Biển Đông và mọi thực thể đều có yêu sách biển 200 hải lý hoặc chúng nằm ở điểm ở giữa thì các lô dầu khí này, dù là một nửa, cũng không nằm trong yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Các lô dầu khí đưa ra bởi Hà Nội và Manila đưa ra một ví dụ minh họa khác. Trên bản đồ, các lô mầu đỏ được khai thác bởi các công ty dầu khí, còn màu trắng thì không.
Như quý vị có thể nhìn thấy Trung Quốc thường xuyên phản đối các hoạt động trong các lô dầu khí mà phần lớn không nằm trong khu vực tranh chấp. Như vậy, nếu công ty dầu khí của quý vị xem xét đầu tư các lô dầu khí tại Biển Đông hoặc chính phủ xem xét việc tạo ra các lô dầu khí, cách phân tích này rất hiệu quả. Sự khác biệt giữa một lô dầu khí trong khu vực tranh chấp và một lô dầu khí nằm ngoài khu vực tranh chấp chỉ là một vài dặm nhưng một vài dặm trong khu vực không tranh chấp sẽ có cơ sở pháp lý và đạo đức hơn khu vực tranh chấp. Cho phép tôi kết thúc bằng việc khẳng định lại là chúng ta không nói là tranh chấp sẽ không thay đổi hay các lô dầu khí này là tranh chấp pháp lý thực sự. Trách nhiệm của các bên tranh chấp là làm rõ các yêu sách của mình để chúng ta có thể sửa đổi thêm bản đổ. Một số bên đã thực hiện vài bước đi nhỏ. PLP đang dẫn đầu vấn đề này. Năm 2009, Philippin ban hành Luật đường cơ sở trong đó quy định rằng các đảo sẽ chỉ được hưởng quy chế theo UNCLOS. Họ thiết lập đường cơ sở thẳng và xác định EEZ từ đường cơ sở nhưng họ không xác định thềm lục địa mà họ yêu sách. Cùng lúc đó, Việt Nam và Malaysia xác định một phần thềm lục địa của mình nhưng không phải tất cả. Malaysia chưa công bố đường cơ sở thẳng chính thức họ yêu sách mặc dù họ thể hiện trên bản đồ. Đường cơ sở thẳng Việt Nam vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trong khi đó dễ dàng chỉ ra Trung Quốc là nước không làm rõ các yêu sách chủ quyền của mình. Mỗi bên yêu sách phải có trách nhiệm làm rõ yêu sách của mình trước nhất.
Tôi hi vọng quý vị sẽ thú vị khi nhận bản báo cáo vào đầu tháng 7. Đối với những người cảm thấy hứng thú tôi xin mời qúy vị phân tích và khiến bản báo cáo trở nên có giá trị đối với mục đích riêng của quý vị. Các quý vị hãy nói cho tôi biết nếu có gì trong bản báo cáo quý vị cảm thấy chưa chính xác. Các bản đồ này nhằm mở ra các cuộc tranh luận và chỉ ra các bước nên thực hiện để kiểm soát tranh chấp.
Ernest Bower: Cảm ơn Greg đã có bài trình bày mở đầu thú vị để thảo luận. Tôi xin thông báo mở diễn đàn cho phần hỏi đáp. Nếu quý vị có câu hỏi gì xin hãy nêu tên, tổ chức. Chúng ta sẽ đi một vòng quanh khán giả.
Christian Le Mière (Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - IISS Anh): Dự án rất hữu ích và giúp ích cho phần thảo luận trong tương lai. Tôi có một câu hỏi liên quan đến yêu sách của Trung Quốc đối với 9 lô dầu khí ngoài bờ biển Việt Nam. Liệu Trung Quốc có thể yêu sách các lô dầu khí nằm trong vùng thềm lục địa mở rộng của họ, chứ không phải EEZ vì thềm lục địa mở rộng sẽ cho họ quyền đối với nguồn tài nguyên đáy biển và dưới đáy biển hơn là các quyền tại EEZ đối với các nguồn tài nguyên biển.
Gregory Poling: Câu trả lời ngắn gọn của tôi là không. Trung Quốc rõ ràng có quyền yêu sách thềm lục địa của bất cứ đảo nào đủ quy chế để hưởng thềm lục địa của riêng nó. Tuy nhiên quy định của UNCLOS rất rõ ràng, mỗi quốc gia chỉ được hưởng tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa, và EEZ và họ có thể yêu sách thềm lục địa mở rộng thêm 150 hải lý nếu không có tranh chấp ở đó. Giả dụ bạn có một hòn đảo cách bờ biển chưa đến 200 hải lý thì EEZ và thềm lục địa phải được xác định sử dụng các biện pháp đường trung bình. Trung Quốc không thể nào yêu sách các lô dầu khí theo UNCLOS rằng thềm lục địa từ các đảo có thể mở rộng 200 hải lý trong khi thềm lục địa Việt Nam chỉ mở rộng 100 hải lý.
Yann-Huei Song (Viện Nghiên cứu Trung Cộng – Academia Sinica, Đài Loan): Cảm ơn vì bài phát biểu rất xuất sắc. Câu hỏi của tôi liên quan yêu sách của Đài Loan. Phạm vi của yêu sách đối với Đông Sa trong đường chữ U được nhắc đến trong bản báo cáo như thế nào?
Gregory Poling: Trong bản báo cáo rõ ràng là chúng tôi loại trừ quần đảo Đông Sa vì là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Đài Loan trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông là duy nhất. Yêu sách của hai bên đối với quần đảo như nhau. Khi chúng tôi xem xét vẽ yêu sách Philippin trong báo cáo, chúng tôi đã mặc định dùng điểm ở giữa quẩn đảo Đông Sa và yêu sách của Philippin vì dù là yêu sách của Trung Quốc hay Đài Loan đều có chung điểm giữa từ quần đảo Đông Sa.
Về đường chữ U, chúng tôi lại mặc định một lần nữa là Đài Loan cũng yêu sách giống như Trung Quốc vì chúng tôi chưa bao giờ được nghe khẳng định khác nào từ Đài Loan. Bản báo cáo làm rõ đây là nỗ lực đầu tiên để khuyến khích các bên làm rõ yêu sách của mình, nếu những gì đang được mặc định là không đúng đắn, các bên cũng cần công khai làm rõ. Nhưng cho đến nay, những gì mà chúng tôi biết cho thấy Đài Loan đang yêu sách đường chữ U. Và cho đến khi Đài Loan làm rõ yêu sách chúng tôi phải mặc định rằng Đài Loan sử dụng các cơ sở giống như Trung Quốc.
Ernest Bower: Xin hỏi còn câu hỏi hoặc bình luận nào không? Cảm ơn Greg vì đã khởi đầu rất tốt. Chúng ta sẽ nghỉ giải lao để dùng cafe và sau đó sẽ quay lại với phiên đầu tiên.
Hội thảo “Quản lý Căng thăng ở Biển Đông” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 5-6 tháng 06 năm 2013 tại Washington D.C, Mỹ
Quách Huyền (dịch)
Minh Ngọc (hiệu đính)  

Sunday, June 23, 2013

Nói lời chào với khủng hoảng tài chính đang chực tới ở Trung Quốc

Elias Groll

Trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, có những ẩn số đã biết, những ẩn số chưa biết, và rồi còn có thị trường tín dụng của Trung Quốc.

Ngay sau thông báo của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Mĩ (Fed) Ben Bernanke hôm thứ Tư về việc Fed đang quyết định giảm bớt chương trình mua trái phiếu quy mô lớn, thị trường toàn cầu lâm vào tình trạng hỗn loạn và lại bị làm trầm trọng thêm bởi sự tăng vọt trong lãi suất liên ngân hàng ở Thượng Hải. Lãi suất đó cho thấy mức sẵn lòng mà các ngân hàng cho vay lẫn nhau, và sự gia tăng đáng ngạc nhiên của nó hôm thứ Năm đã làm sống dậy các lo ngại rằng hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã vượt xa mức lung lay mà Bắc Kinh muốn tiếp tục.

Vấn đề là rất ít thông tin về mức nợ mà các ngân hàng Trung Quốc đã gánh lấy trong bối cảnh phát triển ồ ạt cơ sở hạ tầng của đất nước này. Điều này dẫn đến các lo ngại rằng một bong bóng tín dụng to lớn có thể sắp vỡ. Nếu điều đó đúng thì hậu quả có thể là thảm họa.

Các câu hỏi về sự tình trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng Trung Quốc xoay vào việc liệu các tổ chức tài chính của nó có gánh chịu quá nhiều nợ quá nhanh và liệu sự suy giảm nhẹ trong nền kinh tế của đất nước có thể ngăn những người vay nợ không thể sử dụng tốt các khoản vay của họ hay không. Phần lớn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở cấp thành phố đều được bảo đảm bằng sự tăng giá của bất động sản, và nếu tăng trưởng nóng bỏng về giá bắt đầu giảm xuống thì sự sụp đổ của ngân hàng không phải là không thể xảy ra, một kịch bản không khác với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tại Hoa Kì.

Chỉ cần nhìn vào biểu đồ về lãi suất đang có vấn đề, lãi suất liên ngân hàng Thượng Hải (SHIBOR), do nhóm Barclay lập ra:



Charlene Chu, một nhà phân tích cao cấp về Trung Quốc của Fitch, đã nổi lên như một nhà dự báo hàng đầu về kinh tế Trung Quốc, hôm thứ Sáu đã đưa ra một báo cáo ước tính rằng trong 10 ngày vừa qua của tháng 6, các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với gần 250 tỉ USD nợ liên quan đến các sản phẩm quản lí tài sản. Theo Charlene Chu, việc các ngân hàng Trung Quốc không sẵn lòng cho vay lẫn nhau có thể khiến họ phải đánh vật để đáp ứng các món nợ này. Charlene Chu ước tính rằng các sản phẩm quản lí tài sản này tổng cộng có thể lên tới $ 2 nghìn tỉ, và bởi vì chúng bao gồm các món chi trả ngắn hạn có thể dẫn đến việc các ngân hàng Trung Quốc phải đối mặt với sự thiếu hụt vốn ngắn hạn nghiêm trọng, một kịch bản gợi nhớ tới sự phá sản của công ti Bear Stearns vào năm 2008. Đầu tuần này, Charlene Chu đưa ra một báo cáo mô tả các bong bóng tín dụng Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới.

Tuy nhiên, sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc không xảy ra một cách cô lập. Quyết định của Bernanke bắt đầu thu nhỏ chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của FED có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm bị tước đi một số lượng thanh khoản lớn. Tiếp theo cái gọi là chương trình nới lỏng định lượng của Fed, các nền kinh tế đang phát triển được đổ ngập tiền mặt vào, thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế gần đây ở Brazil và Turkey. Việc ngừng lại chương trình này có thể báo trước một hậu quả to lớn là nguồn vốn sẽ rời bỏ các nền kinh tế phát triển này và quay về phục hồi nền kinh tế phương Tây. Không có gì ngạc nhiên khi cả thị trường Turkey lẫn Brazil đã bị giảm mạnh trong tuần này.

Điều này có thể đồng nghĩa với một tin xấu cho các ngân hàng Trung Quốc. Trong nhiều năm, những người hoài nghi về phép lạ của sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã cho rằng các vùng thành thị của đất nước này đã vay những món nợ khổng lồ và đặt nó vào những khoản đầu tư không nằm trong sổ sách chính thức. Kết quả là không ai thực sự biết Trung Quốc nợ bao nhiêu trong quá trình đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc trong thập kỉ qua. Mặc dù Bernanke dời chân khỏi cần ga vì ông tin rằng nền kinh tế Mĩ cuối cùng đã bắt đầu phục hồi, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng tìm cách để giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển, một vấn đề không có giải pháp rõ ràng.

Tin tức cho rằng các ngân hàng Trung Quốc có thể đã miễn cường hơn trong việc cho vay lẫn nhau chỉ thêm mây đen vào phía chân trời sắp có bão.

Friday, June 21, 2013

Động lực tranh chấp biển Đông

East Aisa Forum (16/06/2013)
Donald R. Rothwell, ANU


Quyết định do Tòa Công lí Quốc tế (ICJ) đưa ra ngày 19 tháng 11 năm 2012 trong vụ Nicaragua kiện Columbia có một số tác động đối với tranh chấp biển Đông, đặc biệt là về tình trạng (status) của các thể địa lí biển đang tranh chấp theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (LOSC).


Trong vụ Nicaragua kiện Colombia, Tòa Công lí Quốc tế được yêu cầu phán quyết về chủ quyền đối với một số đảo và thể địa lí biển (maritime feature) trong vùng biển Caribê mà Nicaragua lẫn Colombia đều tuyên bố chủ quyền, về các khu vực biển mà các thể địa lí biển đó được quyền có và về ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) / thềm lục địa được sinh ra. Phán quyết của Tòa Công lí Quốc tế khảo sát kĩ một loạt các vấn đề không những có nhiều điểm tương đồng với các khía cạnh của các tranh chấp đảo và biển ở biển Đông mà còn thiết lập một tiền lệ đối với việc giải thích luật lệ quốc tế có liên quan. Đặc biệt, Tòa Công lí Quốc tế xem xét định nghĩa theo luật quốc tế về đảo và thể địa lí biển liên quan, quyền chúng có được đối với khu vực biển, và ảnh hưởng của các thể địa lí này lên việc phân định ranh giới trên biển giữa hai nước cùng tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực biển. Có ý nghĩa đặc biệt đối với các tranh chấp ở biển Đông là cách mà tòa đã xử lí các khu vực biển Colombia được hưởng trong vùng biển Caribê nằm liền ngay cạnh bờ biển Nicaragua và cách bờ biển Colombia một khoảng xa.

Phần VIII của LOSC chi tiết hoá ‘Chế độ đảo’, trong đó có các quy định có ý nghĩa lớn đối với biển Đông. Điều 121 (1) định nghĩa đảo là ‘một khu đất hình thành tự nhiên, có nước bao bọc xung quanh và nằm trên mặt nước khi triều cao. Do đó, đảo nhân tạo không đáp ứng tiêu chí này. Các mỏm đá, bãi ngầm hoặc rạn san hô nhìn thấy được lúc triều thấp không phải là đảo theo Điều 121 (1) đối với các mục đích của LOSC. Các đảo theo Điều 121 (1) quan trọng ở chỗ chúng có thể tạo ra quyền đối với một số khu vực biển. Một ngoại lệ áp dụng đối với trường hợp đảo có những đặc điểm của đảo đá (rock), các đảo đá này ‘không thể duy trì được việc cư trú của con người hoặc một đời sống kinh tế riêng’. Những thể địa lí này không được hưởng quyền có thềm lục địa hay EEZ. Ở biển Đông việc phân biệt giữa đảo, đá và mặt bằng triều thấp (low tide elevation) có ý nghĩa lớn hơn bởi vì có nhiều thể địa lí biển đang có tranh chấp, và một vài nước có yêu sách đang cố xây lên trên các thể địa lí này các cấu trúc như các mặt sàn (platform), đèn biển và chỗ trú nhỏ để cố duy trì yêu sách lãnh thổ của họ và tạo khả năng để những thể địa lí biển này có các đặc điểm như là đảo theo Điều 121 (1).

Một đặc điểm chính trong vụ Nicaragua kiện Colombia là các thể địa lí biển trong các vùng biển tranh chấp, kể cả các thể địa lí ngoài khơi là một hỗn hợp đảo, rạn đá, đảo cát nhỏ, bãi cạn, bãi ngầm và đảo san hô. Một vấn đề then chốt dùng làm ngưỡng đối với Tòa Công lí Quốc tế là khả năng các thể địa lí này có được phép cho chiếm hữu hay không. Tòa án đã tái khẳng định những nguyên tắc đã được xác lập về mặt này qua việc vạch rõ rằng các đảo, thậm chí các đảo rất nhỏ, thì được phép lấy làm sở hữu, còn các mặt bằng triều thấp thì không thể bị lấy làm sở hữu trừ khi chúng nằm trong lãnh hải (tức là có thể yêu sách chủ quyền đối với đảo nhưng đối với mặt bằng triều thấp thì không – ND)

Trong việc rút ra kết luận về tầm quan trọng của quyết định Nicaragua kiện Colombia cho biển Đông, cần phải hết sức cẩn thận do tình trạng địa lí biển rất đặc biệt này đang được xem xét lại. Tuy nhiên, có thể đưa ra các kết luận chung sau đây. Thứ nhất là Tòa Công lí Quốc tế đã tiến hành phân tích pháp lí để xác định xem liệu một vài thể địa lí biển đó có là đảo theo Điều 121 (1), hay chỉ là đảo đá hoặc mặt bằng triều thấp. Thứ hai là Tòa Công lí Quốc tế sẽ xem xét một loạt các vấn đề có liên quan đến các đảo trong đánh giá của mình về những trường hợp nào là thích đáng sau khi vẽ đường ranh cách đều tạm thời (equidistance line) hay còn gọi là đường ranh trung tuyến (median boundary line). Đối với mục đích đó, kích thước của các đảo và tác động làm sai lệch có thể có của nó lên ranh giới biển là những yếu tố sẽ được xem xét.

Trong bối cảnh biển Đông phán quyết này chắc chắn sẽ gợi ra rằng, ngay cả khi chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo tranh chấp và các thể địa lí biển liên quan đã được giải quyết một cách rốt ráo, thì khả năng các yêu sách biển rộng lớn do các thể địa lí này sinh ra vẫn có thể sẽ bị thoả hiệp. Điều này hoặc do các thể địa lí này không phải là đảo theo Điều 121 (1), hoặc do chúng sẽ có tác động làm sai lệch các ranh giới trên biển dựa trên các yêu sách biển cạnh tranh từ vùng đất lục địa hay đảo không bị tranh chấp.

Một hiện thực hoá về cách mà toà án quốc tế đang xử lí những vấn đề này như thế nào có thể có tác động tới cách mà một vài nước trong các bên tranh chấp biển Đông nhìn các khẳng định về lãnh thổ và biển của mình. Đặc biệt đây sẽ là trường hợp phải xem xét nếu có một hiện thực hoá về khả năng rất giới hạn về một số thể địa lí biển hiện đang tranh chấp tạo ra EEZ hay thềm lục địa theo Điều 121 (1), hoặc thậm chí nếu những thể địa lí đó đã tạo ra quyền đối với một vùng biển, khả năng chúng gây ảnh hưởng đáng kể đến hướng đường ranh giới biển giữa các nước lục địa hay quần đảo. Một phán quyết khách quan như thế về tình trạng của các thể địa lí này cuối cùng có thể có tác động đến nền địa chính trị hiện nay trong khu vực, và có thể tác động như một chất xúc tác cho các cách giải quyết tranh chấp kể cả việc đạt tới các thoả thuận về ranh giới trên biển.

Donald R. Rothwell là giáo sư luật quốc tế tại trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Úc. (ANU)

Wednesday, June 19, 2013

Biển Đông: tranh chấp đang diễn tiến giữa Trung Quốc và các nước láng giềng


Biển Đông: tranh chấp đang diễn tiến giữa Trung Quốc và các nước láng giềng



Robert Beckman
Dịch: Nguyễn Trịnh Đôn, Phan Văn Song
Hiệu đính: Dương Danh Huy, Phạm Thanh Vân

(Bản dịch đã đăng trên Tuần Việt Nam tại http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2013-06-14-tranh-chap-dang-dien-tien-giua-trung-quoc-va-cac-nuoc-lang-gieng và tại http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2013-06-17-trung-quoc-van-co-tinh-nhap-nhang-)



Biển Đông được cho là có nguồn tài nguyên phong phú. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, Robert Beckman xem xét lập trường của mỗi quốc gia có biển trong khuôn khổ của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Có một số nhóm đảo có tranh chấp ở biển Đông. Quần đảo Trường Sa là nguồn gốc gây căng thẳng cao nhất và thậm chí có thể là nguồn gốc gây ra xung đột. Quần đảo này nằm ở trung tâm biển Đông, phía bắc đảo Borneo (gồm Brunei Darussalam và hai bang phía đông của Malaysia là Sarawak và Sabah), phía đông của Việt Nam, phía tây của Philippines, và phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đòi chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa , trong khi Malaysia và Philippines đòi chủ quyền một số đảo và các cấu trúc địa lí khác ở đó. Brunei đã thiết lập một vùng biển chồng lên một rạn đá phía Nam, nhưng không đưa ra bất kì tuyên bố chủ quyền chính thức nào.
Quần đảo Trường Sa gồm hơn 140 đảo nhỏ, đảo đá, rạn đá, bãi cát ngầm và bãi cát (một số hoàn toàn hoặc thỉnh thoảng nằm dưới mặt nước trong khi một số khác là luôn luôn ở trên mặt nước) trải rộng trên một diện tích hơn 410.000 km². Có ít hơn 40 cấu trúc địa lí là đảo – tức là khu vực đất hình thành tự nhiên có nước bao quanh và nằm trên mặt nước khi triều cao như quy định tại Điều 121 (1) của UNCLOS. Tổng diện tích đất của 13 đảo lớn nhất không tới 2 km². Các cấu trúc địa lí còn lại hoặc là nằm dưới mặt nước hoàn toàn, hoặc chỉ nằm trên mặt nước khi triều thấp.
Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phần phía bắc của biển Đông, gần như cách đều bờ biển Việt Nam và Trung Quốc (Hải Nam). Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền quần đảo này. Trung Quốc đã đẩy quân đội Nam Việt Nam khỏi quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực vào năm 1974, và đang một mình chiếm đóng quần đảo này. Trung Quốc phủ nhận có sự tranh chấp về quần đảo này, nhưng đó lại là một nguồn gây căng thẳng liên tục giữa Trung Quốc và Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa gồm khoảng 35 đảo nhỏ, bãi cát ngầm, bãi cát và rạn đá chiếm khoảng 15.000 km² diện tích đại dương. Đảo Phú Lâm, lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa, rộng 2,1 km², gần bằng diện tích đất toàn bộ các đảo của Trường Sa gộp lại. Đảo Phú Lâm là địa điểm của thành phố Tam Sa, một thành phố cấp quận đượcTrung Quốc thành lập hồi tháng 6 năm 2012 làm trung tâm hành chính cho yêu sách của họ ở biển Đông.
Rạn đá Scarborough nằm ở phần phía bắc của biển Đông giữa Philippines và quần đảo Hoàng Sa, và được Trung Quốc, Philippines và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Rạn đá Scarborough nằm cách đảo Luzon của Philippines khoảng 130 km. Hầu hết rạn đá này, hoặc là hoàn toàn chìm trong nước, hoặc chỉ trên mặt nước khi triều thấp, nhưng nó có chứa một số mỏm đá nhỏ cao hơn mặt nước khi triều cao. Nó là một nguồn gây căng thẳng chính giữa Trung Quốc và Philippines từ khi Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc hồi tháng 6 năm 2012.
Quần đảo Pratas nằm cách Hong Kong hơn 200 dặm về phía tây nam. Quần đảo này do Đài Loan chiếm đóng, và TQ cũng tuyên bố chủ quyền.
Bãi Macclesfield là một rạn đá ngầm to lớn hoàn toàn bị chìm dưới nước khi triều thấp, nằm giữa rạn đá Scarborough và quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền bãi này.

Tính thích đáng của UNCLOS

Vấn đề cơ bản ở biển Đông là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, tức là, nước nào có chủ quyền đối với các đảo này và các vùng biển liền kề của chúng. UNCLOS không có quy định nào về việc xác định chủ quyền đối với các đảo ngoài khơi. Vì không có điều ước quốc tế nào chế định vấn đề chủ quyền, các quốc gia phải tìm kiếm hướng dẫn từ các quy tắc của luật tập quán quốc tế về việc thụ đắc và mất mát lãnh thổ. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ không thể giải quyết được trừ khi các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đạt được thỏa thuận với nhau hoặc đồng ý đưa tranh chấp ra Tòa Công lí Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật biển hoặc một tòa trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm và phức tạp của các tranh chấp, điều này là khó có khả năng xảy ra.
UNCLOS là cực kì quan trọng đối với các tranh chấp ở biển Đông vì nó thiết lập một khuôn khổ pháp lí cho tất cả các hoạt động sử dụng đại dương, kể cả các yêu sách đối với không gian biển mà các quốc gia có thể đưa ra từ lãnh thổ đất liền của họ và từ các cấu trúc địa lí xa bờ. Tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc địa lí trong biển Đông đều là thành viên của UNCLOS, và đều có nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lí để thực hiện các quy định của nó với thiện chí và phải chỉnh sửa luật pháp quốc gia cho phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo UNCLOS.
UNCLOS có bốn loại quy định rất sát hợp với các tranh chấp ở biển Đông và chúng cho phép chúng ta đánh giá liệu các hành động của các quốc gia yêu sách có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không. Thứ nhất, nó quy định về có thể đòi những vùng biển nào dựa vào đất liền của các quốc gia ven biển, và  về các quyền và quyền tài phán mà các quốc gia ven biển và các quốc gia khác được hưởng trong những vùng biển này. Thứ hai, nó quy định những cấu trúc địa lí ngoài khơi nào có thể đòi chủ quyền. Thứ ba, nó quy định về khả năng có thể đòi những vùng biển nào dựa trên các cấu trúc địa lí ở ngoài khơi, và các quyền và quyền tài phán mà các quốc gia được hưởng trong những vùng biển đó. Cuối cùng, nó thiết lập các quy tắc về cách phân định ranh giới trên biển trong những trường hợp có các yêu sách chồng lấn lên nhau.

Các vùng biển theo UNCLOS
Các quốc gia đều có chủ quyền trong lãnh hải 12 hải lí (nm) tiếp giáp với bờ biển của họ, với quyền đi qua của tàu tàu thuyền nước ngoài. Nguyên tắc chung là lãnh hải được tính từ ngấn thủy triều thấp dọc theo bờ biển, nhưng các quốc gia cũng được phép sử dụng đường cơ sở thẳng dọc theo bờ biển của họ trong một số trường hợp nhất định.
Các quốc gia ven biển có quyền đòi hưởng một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) vươn ra tới 200 hải lí từ cùng đường cơ sở được dùng để tính lãnh hải. Trong vùng đặc quyền kinh tế các nước ven biển có 'quyền chủ quyền' cho việc khảo sát và khai thác tài nguyên thiên nhiên sinh vật và không sinh vật trong nước cũng như các nguồn tài nguyên dưới đáy biển và lòng đất. Các quốc gia ven biển cũng có thẩm quyền quản trị việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, cũng như thẩm quyền được quy định trong UNCLOS đối với việc nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, tất cả các nước khác đều có quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như quyền đặt cáp ngầm và đường ống dẫn trong vùng đặc quyền kinh tế.
Các quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền cho việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên của thềm lục địa tiếp giáp với bờ biển của họ. Thềm lục địa bao gồm đáy biển và lòng đất thuộc các khu vực dưới mặt biển mở rộng ra khỏi lãnh hải của quốc gia ven biển, dọc suốt sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của mình đến mép ngoài của rìa lục địa (tùy theo nó có đáp ứng một số tiêu chuẩn địa vật lí hay không), hoặc tới khoảng cách 200 hải lí từ đường cơ sở dùng để tính bề rộng của lãnh hải ở những  nơi mà mép ngoài của rìa lục địa nằm cách đường cơ sở dưới 200 hải lí này. Quốc gia ven biển muốn đòi hưởng thềm lục địa bên ngoài 200 hải lí phải cung cấp thông tin kĩ thuật cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS).

Khu vực biển từ các thể địa lí ngoài khơi
UNCLOS vạch ra các khác biệt quan trọng giữa các cấu trúc địa lí ngoài khơi như (1) đảo, (2) đảo đá, (3) cấu trúc lúc nổi lúc chìm [những cấu trúc cao hơn mức thủy triều thấp nhưng thấp hơn mức thủy triều cao], và (4) cấu trúc địa lí ngầm.
Các khác biệt này là rất quan trọng vì vì từ các dạng thể địa lí khác nhau có thể yêu sách được [hưởng] các khu vực biển khác nhau" (. Các yêu sách đối với không gian biển chỉ có thể xuất phát từ đường cơ sở được tính từ lãnh thổ đất nơi một quốc gia có chủ quyền. Điều này thường được mô tả như là nguyên tắc "đất thống trị biển". Nguyên tắc đã này có từ lâu và vẫn còn được các tòa án nêu ra và xác nhận nó.

Đảo, đảo đá
Lãnh thổ của một quốc gia bao gồm lãnh thổ đất liền cùng với các đảo thuộc chủ quyền. Nguyên tắc chung là tất cả các đảo được hưởng cùng các khu vực biển như lãnh thổ đất liền, có nghĩa là, một vùng lãnh hải, vùng EEZ và thềm lục địa. Các quy tắc về đường cơ sở áp dụng cho đất liền cũng dùng cho các đảo. Quy tắc thông thường là đường cơ sở là ngấn thủy triều thấp dọc theo bờ biển.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ quan trọng đối với một số loại đảo. Điều 121 (3) của UNCLOS quy định rằng "đảo đá không duy trì được sự cư trú của con người hay đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Nói cách khác, đảo đá chỉ được hưởng lãnh hải.

Mặt bằng triều thấp và các thể địa lý ngầm
Mặt bằng triều thấp là những vùng đất hình thành tự nhiên có nước bao quanh, nổi lên trên mặt nước khi thuỷ triều xuống nhưng nằm dưới mặt nước lúc thuỷ triều lên. Các vùng mặt bằng triều thấp không phải là đảo và không có lãnh hải riêng. Tuy nhiên, nếu nằm trong khoảng cách 12 hải lý của bất kỳ vùng lãnh thổ nào, kể cả các đảo, những vùng này có thể được dùng làm điểm đo đường cơ sở của vùng lãnh thổ đó [để tính bề rộng của lãnh hải].
Không quốc gia nào có quyền đòi chủ quyền trên một vùng mặt bằng triều thấp. Nếu một vùng mặt bằng triều thấp nằm trong lãnh hải của một quốc gia ven biển thì nó thuộc về chủ quyền của quốc gia đó, vì quốc gia ven biển đó có chủ quyền đối với đáy biển và tầng đất cái trong vùng lãnh hải của mình. Nếu vùng mặt bằng triều thấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc trên thềm lục địa thì nó không thuộc về chủ quyền của quốc gia nào. Tuy nhiên quốc gia sở hữu vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa mà có chứa vùng mặt bằng triều thấp thì sẽ có quyền tài phán trên vùng mặt bằng triều thấp này.
Yêu sách đối với vùng biển của các nước thành viên ASEAN
Tất cả các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà có yêu sách về biển đều mới chỉ đòi một vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đo từ đường cơ sở dọc theo bờ biển thuộc đất liền, hoặc từ đường cơ sở quần đảo trong trường hợp của Philippines. Malaysia và Việt Nam đã yêu sách một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ đường cơ sở bờ biển thuộc đất liền của mỗi nước. Vào tháng 5/2009, Malaysia và Việt Nam cùng nhau đệ trình hồ sơ về thềm lục địa mở rộng ở phía nam Biển Đông lên Uỷ ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hiệp quốc. Việt Nam cũng nộp riêng một hồ sơ thềm lục địa mở rộng khác ở phía bắc Biển Đông cho CLCS. Trung Quốc và Philippines phản đối và yêu cầu CLCS không xem xét các hồ sơ này với lý do có tranh chấp ở các vùng biển này.
Vào năm 2009, Philippines cũng tiến hành các bước quan trọng trong việc làm rõ các yêu sách về biển của nước này bằng việc thông qua luật mới về đường cơ sở phù hợp với các điều khoản của UNCLOS về đường cơ sở quần đảo. Luật này gợi ý rằng Philippines muốn đòi một vùng đặc quyền kinh tế tính từ đường cơ sở quần đảo của mình. Trong luật này, các đảo ngoài khơi mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả Bãi cạn Scarborough, đều sẽ được quản lý theo chế độ đảo trong Điều 121 của UNCLOS.
Những bước đi này của Malaysia, Philippines, và Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trên ba khía cạnh. Một là, lần đầu tiên các bản đồ đính kèm trong hồ sơ đệ trình lên CLCS chỉ rõ giới hạn vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Việt Nam. Hai là, luật đường cơ sở mới của Philippines tạo điều kiện dễ dàng cho việc tính toán giới hạn vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Ba là, cả ba nước này chỉ tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế tính từ đất liền của họ. Các nước này không tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế từ bất kỳ một đảo ngoài khơi nào mà họ có tuyên bố chủ quyền.
Điều này cho thấy rằng ba nước ASEAN này (và có thể cả Brunei) có thể đang chuyển hướng sang việc thống nhất quan điểm đối với các thể địa lý ngoài khơi ở quần đảo Trường Sa. Nếu đúng như vậy thì các nước này có thể sẽ đưa ra các lập trường như sau. Một là, họ chỉ tuyên bố chủ quyền đối với các thể địa lý thoả mãn định nghĩa về đảo theo UNCLOS (tức là chỉ có một phần ba trong tổng số các thể địa lý ở quần đảo Trường Sa). Hai là, hầu hết các thể địa lý mà thỏa mãn định nghĩa về đảo thì lại là "những đảo đá không có khả năng duy trì việc định cư và hoạt động kinh tế của con người trên đó” và không được hưởng quy chế có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Ba là, ngay cả đối với các đảo lớn có thể được hưởng quy chế có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng thì chúng cũng chỉ nên cho chúng hưởng lãnh hải 12 hải lý để không gây hiệu ứng thiếu cân xứng lên việc phân định biển. Hệ quả thực tế của lập trường chung này là hầu hết các tài nguyên ở Biển Đông sẽ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển. Các vùng biển tranh chấp sẽ chỉ giới hạn trong vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo tranh chấp.
Yêu sách của Trung Quốc
Trong khi Malaysia, Philippines, và Việt Nam dường như đang tiến hành các bước đưa yêu sách của họ phù hợp với UNCLOS thì chính sách của Trung Quốc về các yêu sách trên̉ Biển Đông vẫn là “cố tình nhập nhằng”. Trung Quốc vẫn không đáp lại việc các bên có liên quan liên tục  yêu cầu nước này làm rõ các tuyên bố chủ quyền và và yêu sách biển. Điều đáng lo ngại hơn là Trung Quốc dường như đang chuyển theo hướng khẳng định yêu sách biển không chỉ dựa trên UNCLOS mà còn dựa trên lịch sử. Điều này đặc biệt gây lo lắng cho các bên vì hầu hết các chuyên gia luật quốc tế đều đồng ý rằng không có cơ sở cho các yêu sách lịch sử như thế này trong UNCLOS và thông lệ quốc tế.
Một trong những vấn đề trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không rõ nước này có tuyên bố chủ quyền trên các thể địa lý không thoả mãn định nghĩa về đảo của UNCLOS hay không. Ví dụ, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Bãi Macclesfield mặc dù đây là bãi ngầm, nằm dưới mặt nước ngay cả lúc thuỷ triều xuống thấp. Theo luật quốc tế, các quốc gia chỉ có thể tuyên bố chủ quyền đối với các thể địa lý thoả mãn định nghĩa về đảo.
Trung Quốc có thể đưa các yêu sách biển của mình phù hợp với UNCLOS bằng cách chỉ tuyên bố chủ quyền đối với các thể địa lý thoả mãn định nghĩa về đảo và chỉ đòi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ các đảo lớn hơn. Trung Quốc có thể lập luận rằng các đảo phải được hưởng hiệu lực đảo đầy đủ, nhất là khi vùng đặc quyền kinh tế từ đảo nằm ở ngoài phạm vi vùng đặc quyền kinh tế đòi bởi các quốc gia ven biển tính từ đất liền của họ.
Điều gây tranh cãi chủ yếu trong yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phạm vi yêu sách không dựa trên các đảo đang tranh chấp mà dựa trên đường chín đoạn (hay đường chữ U) tai tiếng. Đường này được vẽ trong bản đồ ̉ kèm theo công hàm mà Trung Quốc gửi cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc vào tháng 5/2009 để phản đối hồ sơ thềm lục địa mở rộng của Malaysia và Việt Nam.
Vấn đề gây quan ngại chủ yếu là hành động của Trung Quốc vào năm 2009 rõ ràng cho thấy nước này đang theo đuổi yêu sách ở Biển Đông theo ba mặt. Một là, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng nước lân cận, mà có thể được hiểu là lãnh hải. Hai là, Trung Quốc cho rằng các đảo này có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Ba là, Trung Quốc cũng đồng thời khẳng định các quyền, quyền tài phán và kiểm soát đối với các nguồn lợi dưới mặt nước và dưới đáy biển bên trong đường chín đoạn trên một dạng nào đó về các quyền lịch sử.
Tuân thủ luật hay xung đột
Các quốc gia khác cùng có yêu sách không thể chấp nhận lập trường của Trung Quốc rằng nước này có các quyền và quyền tài phán lịch sử đối với tài nguyên thiên nhiên dưới mặt nước và dưới đáy biển bên trong đường chín đoạn vì các yêu sách của Trung Quốc không hề có nền tảng dựa trên luật quốc tế. Do đó, nếu Trung Quốc vẫn không sẵn sàng làm cho các yêu sách về biển của họ phù hợp với UNCLOS, và giới hạn yêu sách của họ trong các vùng biển tính từ các đảo, thì nước này sẽ tiếp tục đi theo quỹ đạo pháp lý dẫn tới sự xung đột với các láng giềng ASEAN của họ.
Tác giả:
Robert Beckman là Giám đốc Trung tâm luật quốc tế, đồng thời là phó giáo sư Khoa luật, Đại học quốc gia Singapore.

Friday, June 14, 2013

Cảm nghĩ nhân đọc diễn văn kỉ niệm 150 năm ngày thành lập Đảng XHDC Đức

Tác giả Nguyễn Trung, nguyên đại sứ tại Thái Lan, nguyên trợ lí TT Võ Văn Kiệt dịch, chú giải Diễn văn của Tổng thống CHLBĐ, Joachim Gauck, tại lễ kỉ niệm 150 năm ngày thành lập Đảng XHDC Đức.  Qua đó, ông có một số cảm nghĩ liên hệ tới tình hình đất nước ta rất đáng đọc:

Một vài cảm nghĩ của người dịch
Nguyễn Trung

          Như một phản xạ tự nhiên, đọc xong bài diễn văn này, tôi liên hệ ngay đến nước ta, mặc dù toàn bộ câu chuyện của diễn văn xẩy ra ở nước Đức xa xôi, nghĩa là  – nhìn theo góc cạnh nào đó – chẳng dính dáng tí teo nào đến nước ta.

          Suy nghĩ của tôi đơn giản: Lịch sử 150 năm của ĐXHDCĐ (SPD), về mặt nào đó mà nói cũng phản chiếu lịch sử thất bại của Đảng Cộng Sản Đức và sau này là Đảng Xã hội Thống Nhất Đức – đảng cầm quyền ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức kể từ khi nhà nước này được thiết lập năm 1949, cho đến khi nó bị chính nhân dân của mình lật đổ năm 1989. Thực tế này gợi lên nhiều điều phải suy nghĩ. 

Hai trào lưu: Cải cách và cách mạng vô sản

Trước hết xin thưa, cách dây 150 năm, hoặc thậm chí ít nhiều sớm hơn nữa, lịch sử phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới nói chung và ở nước Đức nói riêng, ngay từ đầu – trước cả khi Marx bước lên vũ đài chính trị với Tuyên Ngôn Cộng Sản - cũng là lịch sử của hai trào lưu đấu tranh khác biệt nhau và đối lập nhau khủng khiếp, gần như giữa nước và lửa. Một bên là trào lưu xã hội dân chủ - được những người mác-xít đặt cho cái tên là “cải lương”, còn một bên là trào lưu của cách mạng chuyên chính vô sản. Cuộc đấu tranh giữa hai trào lưu này – mặc dù cả hai đều thuộc về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế - càng về sau càng đối kháng nhau quyết liệt, chẳng kém gì đấu tranh với kẻ thù giai cấp. Chỉ xin điểm lại, các nhà lý luận mác-xít – kể từ Marx, Lénin trở xuống – đã giành cho trào lưu cải lương và toàn bộ cánh xã hội dân chủ sự bác bỏ tuyệt đối, với những lời lẽ và việc làm nặng nề nhất, không hiếm khi rất đẫm máu trong các chính quyền xô-viết và cộng sản sau này – dù ở châu Âu hay châu Á.

Nhân dịp này, nhìn lại phong trào cộng sản và công nhân thế giới 150 năm qua, có thể khẳng định: Tư tưởng của trào lưu cách mạng vô sản là thực hiện khát vọng xây dựng một xã hội mới không người bóc lột người - mang tên là chủ nghĩa xã hội, với 2 đặc trưng xuyên suốt: Thực hiện chuyên chính vô sản và công hữu hóa tư liệu sản xuất. Sau những bước phát triển ban đầu, phong trào này đạt tới đỉnh cao là thiết lập nên hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa gồm 12 quốc gia, bao gồm toàn Đông Âu và một phần lớn châu Á,  sau này có thêm Cuba.

Hệ thống các quốc gia XHCN này có ảnh hưởng quan trọng tới phong trào độc lập dân tộc trong 2 thập kỷ đầu tiên sau chiến tranh thế giới II, qua đó chi phối 1/3 quả địa cầu. Hệ thống thế giới XHCN phân rã rất sớm, đạt tới hồi kết là sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô Đông Âu trong các năm 1989 – 1991.

Sau chặng đường 150 năm kể trên, cuối cùng thế giới ngày nay đã chứng kiến sự phá sản và thất bại hoàn của trào lưu cách mạng vô sản dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng thời thế giới cũng chứng kiến: Trào lưu xã hội dân chủ là một trong những yếu tố quyết định đem lại những thành quả quan trọng cho công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ở hầu hết các nước phát triển – đặc biệt là các nước Bắc Âu. Trong những thành quả ấy, trước hết phải nói tới các quyền tự do, dân chủ của cá nhân con người, các điều kiện để mỗi con người ngày một tự nâng cao quyền năng của mình trong một chính thể dân chủ, cuộc sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân lao động ngày một cải thiện và nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước.

Có thể nói một cách tổng quát: Sự phát triển của các nước công nghiệp, kể cả những tiến bộ đạt được trong thể chế chính trị và đời sống văn hóa – xã hội, có sự đóng góp không thể thiếu của trào lưu xã hội dân chủ. Nếu muốn, có lẽ cũng có thể nói: Do sự vận động  bên trong như vậy – trước hết được hiểu là những thắng lợi của trào lưu xã hội dân chủ - và  và do những thay đổi trên thế giới,  chủ nghĩa tư bản tại các nước công nghiệp này đã ngày một bớt đi “mùi đế quốc chủ nghĩa”. Ở phạm vi toàn cầu, chính sự vận động này đã góp phần từng bước đẩy lùi chủ nghĩa đế quốc trên thực tế. Đấy chính là xu thế vận động của thế giới đã diễn ra từ nửa sau thế kỷ 20 và đang tiếp diễn.

 Bản kết toán của trào lưu cách mạng vô sản tại các nước LXĐÂ nói ngắn gọn là: (1)chỉ thành công trong bạo lực đập tan (ở Nga) hay xóa bỏ (ở các nước Đông Âu) sự thống trị của giới cầm quyền áp bức đương thời, (2)nhưng thất bại hoàn toàn trong xây dựng một chế độ xã hội mới; nội dung cốt lõi được đề xướng thành lý tưởng của trào lưu này là giải phóng con người cuối cùng chỉ còn là một khẩu hiệu không tưởng, (3)trên thực tế giai cấp công nhân và nhân dân lao động cuối cùng lại trở thành kẻ bị chính những đồng chí của mình áp bức thống trị trong chế độ toàn trị mới. Chính 3 kết quả cụ thể này trong bản kết toán là những nguyên nhân quyết định, trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của các nước XHCN Liên Xô - Đông Âu 1989-1991.

Trong khi đó, tại các nước công nghiệp có trào lưu xã hội dân chủ phát triển mạnh  – dù là ở Tây Âu hay Bắc Âu – những thành quả tự do, dân chủ và cuộc sống phồn thịnh dành cho con người ngày càng cao và bền vững hơn. Dù chẳng bao giờ hết những vấn đề xấu tồn đọng, song cho đến nay chưa có một nước phát triển nào sụp đổ. Hơn nữa, những quốc gia này luôn luôn tìm được lối thoát ra khỏi mọi cuộc khủng hoảng để đi tiếp. Nhìn chung, thực tế cuộc sống thừa nhận các nước phát triển hiện nay đang là đầu tầu của đoàn tầu thế giới.

Thực tế trình bầy trên khẳng định: Trào lưu xã hội dân chủ tiếp tục có sức sống và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tiến bộ xã hội. Nguyên nhân thật dễ hiểu: Trong bất kể nấc thang phát triển nào của mỗi quốc gia, tự do và các quyền dân chủ cụ thể của công dân luôn luôn là khát vọng thường trực thôi thúc và làm nên con người; cộng đồng ngày càng đôngnhững con người tự do và có quyền năng như vậy trong mỗi quốc gia chính là động lực phát triển quyết định của quốc gia ấy.Hơn thế nữa, tự do và dân chủ là tiền đề cho đòi hỏi tất yếu của đa nguyên chính trị làm nên sức sống quốc gia trong thời đại ngày nay.

Trong khi đó, chủ nghĩa bao giờ và ở bất kỳ đâu cũng chỉ là một giáo điều, trong quá trình vận động luôn luôn bị biến dạng thành tín điều, và cuối cùng bị lợi dụng thành công cụ chuyên chính bóp chết tự do - dân chủ và quyền con người.

Không có chủ nghĩa Mác – Lênin bách chiến bách thắng 

Cần lưu ý một sự thật lịch sử: Cách mạng vô sản xóa bỏ chế độ thống trị đương thời thật ra cho đến nay mới chỉ thành công duy nhất ở nước Nga mà thôi. Thực tế này trái hẳn với dự báo nêu trong Tuyên Ngôn Cộng Sản. Từ những gì quan sát được trên thế giới 150 năm qua cho đến hộm nay, còn có thể nói: Cách mạng Tháng Mười Nga có lẽ cũng là cuộc cách mạng vô sản cuối cùng.

Tại các nước Đông Âu không hề có một cuộc cách mạng vô sản nào cả để vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, dù rằng phong trào cộng sản và công nhân tại những nước này phát triển rất sớm. Hoàn toàn không sai nếu nói rằng: Sự giải phóng của Hồng quân Liên Xô, vai trò tác động của Liên Xô sau chiến tranh thế giới II, và phong trào cộng sản tại các nước Đông Âu là các nhân tố trực tiếp dựng nên chế độ xã hội chủ nghĩa tại các quốc gia này.

Nhưng đúng là chủ nghĩa Mác – Lênin đã được các nước LXĐÂ vận dụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau khoảng 4 thập kỷ tồn tại, các chế độ xã hội chủ nghĩa này phá sản hoàn toàn. Năm 1989 các nước XHCN Đông Âu sụp độ. Liên Xô, thành trì của chủ nghĩa xã hội và cũng là dinh lũy của chủ nghĩa Mác – Lênin, sụp  đổ cuối cùng năm 1991.

Chủ nghĩa Mác – Lênin (CNMLN) - phần liên quan đến đấu tranh giai cấp, đến đấu tranh giữa 2 còn đường ai thắng ai?[4]chống chủ nghĩa đế quốc - là một trong những yếu tố quan trọng (không phải yếu tố quan trọng duy nhất) đối với các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc tại Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, và sau này có thêm Cuba. Chính thực tế này đã xác định con đường đốt cháy giai đoạn để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội sau khi các quốc gia này giành được độc lập. Nói một cách khác, thảm bại nghiêm trọng của những quốc gia này khi bắt tay vào xây dựng CNXH trong thời bình là tất yếu (ở Việt Nam đã có lúc khẩu phần lương thực phải có cả hạt bo-bo!), vì sự thất bại này đã được lập trình và cài đặt sẵn ngay từ lúc còn kháng chiến.

Bản kết toán của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước Liên Xô - Đông Âu cũ cũng giữ nguyên vẹn tại 4 quốc gia này. Nguyên nhân cơ bản vẫn là sau khi giành được độc lập, con đường chuyên chính vô sản và công hữu tư liệu sản xuất không cho phép 4 quốc gia xã hội chủ nghĩa đi sau này  thành công trong những nhiệm vụ của phát triển và giải phóng con người. Cả 4 nước này buộc phải xé rào ý thức hệ mác xít – lê-nin-nít, để cải cách – (1)với nhãn hiệu là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, (2)hoặc để đổi mới như ở Việt Nam – với cái tên gọi mới là “định hướng xã hội chủ nghĩa”, (3)hoặc là đã phải vứt bỏ tuốt luột chủ nghĩa Mác – Lênin để thế vào đó bằng “thuyết chủ thể” như ở Bắc Triều Tiên, (4)hoặc hiện nay đang phải quay về tìm kinh tế thị trường nhưng chưa muốn dân chủ cải cách chính trị như ở Cuba. Kết quả đạt được của quá trình cải cách ở cả 4 quốc gia này nhìn chung còn khá mờ nhạt tính xã hội và nhân văn, nhưng vẫn mang đặm ở các mức độ khác nhau mầu sắc của chủ nghĩa tư bản hoang dã (có người muốn gọi là chủ nghĩa tư bản dã man – nhất là ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên), nội dung thật của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa vẫn là chế độ độc quyền toàn trị, cái nhân dân lao động được quá nhỏ bé so với cái họ mất.

Riêng ở chỗ đứng hôm nay của nước ta sau 38 năm độc lập thống nhất, còn phải nói thêm: Sự tha hóa của đảng cầm quyền đang phạm phải làm cho cái giá phải trả cho độc lập thống nhất đất nước đắt quá. Ngoài sự ngột ngạt của chế độ độc quyền toàn trị, đất nước đang bị uy hiếp nghiêm trọng, lòng tin của nhân dân vào chế độ chính trị và vào vai trò của ĐCSVN chưa bao giờ khủng hoảng như hiện nay. 

 Bản kết toán hôm nay của chủ nghĩa Mác – Lênin trên thế giới phải chăng là:

Chủ nghĩa (hay học thuyết) Mác, được Lênin tổng hợp và bổ sung thêm (phần vai trò của chuyên chính vô sản và đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc) thành chủ nghĩa Mác – Lênin (CNMLN) để dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng con người và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã không thành công ở bất kỳ quốc gia nào. CNMLN với tinh thần và nội dung như vậy đã cáo chung, kể cả Glasnos hay Perestroika thời cuối trào Liên Xô cũng không cứu vãn nổi. Chưa nói đến việc chính Lênin trong những năm cuối đời đã muốn sửa đổi lại nó (đang viết lại trong NEP [New Economic Policy]), nhưng Lênin không còn đủ thời gian làm việc này. Chưa nói đến (1)học thuyết Marx và những ý tưởng giải phóng con người của Marx – như những gì Marx (phần nào cùng với Engels) đã  xây dựng lên và (2)chủ nghĩa Mác – Lênin về “chủ nghĩa xã hội khoa học” là hai câu chuyện khác nhau, không ít điều mâu thuẫn nhau, không ít học giả trên thế giới đã chứng minh điều này.

Trên thế giới ngày nay không còn tồn tại phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nữa. Trào lưu xã hội dân chủ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ngày càng lớn mạnh cho đến khi các nước XHCN LXĐÂ sụp đổ, nhưng kể từ đó cũng đang ngày càng mờ nhạt đi rất nhanh, và bây giờ đang ngày càng hòa nhập vào các trào lưu khác trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Đơn giản: Một thế giới thay đổi đang đặt ra những vấn đề thời sự hoàn toàn khác, tạo ra những người tham gia cuộc chơi khác. 

Chủ nghĩa Mác – Lênin và  cái gọi là ý thức hệ cách mạng của Việt Nam 

          Mặc dù CNMLN và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã cáo chung như vừa trình bầy trên, nhưng hiện nay, trong nhiều văn kiện chính thống của ĐCSVN, nhất là trong các phát ngôn của nhiều người lãnh đạo, trong các bài viết của một số chính khách, học giả của ĐCSVN đang tham gia hàng ngũ dư luận viên, trong những giải trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Quốc hội (giải trình bản Dự thảo 5, ngày 17-05-2013), trong toàn bộ hoạt động của hệ thống báo chí “lề phải”.., chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đang được tìm mọi cách để áp đặt vào dân, để được đưa vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Làm như thế nhằm mục đích gì?

          Trước hết cần xem xét CNMLN được nói tới trên diễn đàn lề phải là chủ nghĩa nào? Đó là CNMLN gốc, do Lênin tổng hợp lại? Hay là thứ đã được Stalin xô-viết hóa, rồi tiếp đến là thứ đã được “mao-ít” hóa, rồi vào đến nước ta lại được “Việt Nam hóa” tiếp cho hợp khẩu vị chuyên chính và trình độ phát triển ở nước ta? Tiếp đến nữa còn phải hỏi: CNMLN đang được nói đến trên mọi diễn đàn của dư luận viên hiện nay còn đọng lại hay được thêm thắt mới đến mức nào so với chính những giáo trình của các trường và các cơ quan nghiên cứu lý luận của ĐCSVN?

Nếu đọc lại các bài nói, bài viết rất khiên cưỡng một chiều đả kích, không cần lý lẽ giải thích, của các dư luận viên trên các diễn đàn “lề phải”, thậm chí còn phải nghi ngờ: Không biết các tác giả của những bài viết hay bài nói này đã đọc hay đã được học với đúng nghĩa chủ nghĩa Mác – Lênin hay chưa? Hay là chỉ học, chỉ biết lơ mơ về nó, được dậy tốt dậy xấu như thế nào, hay là được yêu cầu phải nói như thế nào, thì phát thanh lại như thế?! Một trong những cao điểm trí tuệ của các bải này làm nên sự nghi ngờ ở đây chính là sự hù dọa về nguy cơ “mất sổ hưu”!

Trong khi đó, như đã trình bầy ở các phần trên, sự thất bại của  CNMLN trong việc xây dựng CNXH trên toàn thế giới – kể cả ở Việt Nam – không còn là chuyện phải bàn cãi.

Hơn thế nữa, cứ lấy những điều cao đẹp hiện đang được nói về CNMLN nhân dịp sửa đổi Hiến pháp, đối chiếu với những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày – như một chiều đả kích những ý kiến xây dựng trong việc sửa đổi Hiến pháp, nhất quyết bóp chết hay không cho phép mở ra các diễn đàn để nhân dân trao đổi ý kiến của mình về sửa đổi Hiến pháp, liên tiếp các bản án rất nặng trấn áp những người yêu nước bất đồng chính kiến với chế độ và những người chống Trung Quốc xâm phạm bờ cõi đất nước, sự đàn áp thô bạo những người đi biểu tình bầy tỏ thái độ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, nhìn vào tệ nạn tham nhũng và biết bao nhiêu bất công xã hội đang xảy ra hàng ngày trên đất nước, nhìn vào sự sa đọa của hệ thống chính trị cai quản đất nước, nhìn vào sự xuống cấp và tha hóa ngày càng trầm trọng của đời sống văn hóa - xã hội của đất nước..,  không thể không đặt ra câu hỏi: CNMLN đang được áp đặt ở đây thực chất có nội dung gì và nhằm mục đích gì?

Cũng phải đặt ra câu hỏi tư tưởng Hồ Chí Minh được nói đến trên các diễn đàn của dư luận viên là tư tưởng nào?

Tinh hoa trong tư tưởng Hồ Chí Minh là Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, là Hiến pháp 1946, là tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập tự do!, là đạo đức Cần kiệm liêm chính – chí công vô tư.., là Dân chủ có nghĩa là để cho nhân dân mở mồm ra nói!...

Xin hỏi có bất kỳ điều gì trong tinh hoa này của tư tưởng Hồ Chí Minh được tôn trọng, được vận dụng vào việc sửa đổi Hiến pháp lần này không?

Thậm chí hệ thống nhà nước cần được phân công nhiệm vụ, phân quyền kiểm soát lẫn nhau (tạm gọi là vấn đề “tam quyền phân lập” – như được thiết kế trong Hiến pháp 1946), nhưng được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân bác bỏ, với lập luận dứt khoát: Quyền lực nhà nước là thống nhất dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của ĐCSVN…

Bác bỏ cách làm phô trương hình thức theo kiểu “26 triệu lượt ý kiến & 28 nghìn hội thảo…” để áp đặt, nhiều người đã hỏi thẳng lãnh đạo ĐCSVN: Sửa đổi Hiến pháp theo như cách đang làm thì sửa đổi làm gì? Chỉ thêm tốn tiền thuế của dân, công sức và thời gian của cả nước! Bản tuyên bố của nhóm 72 bác bỏ bản dự thảo 5 (ngày 17-05-2013) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận định: bản Dự thảo 5 thụt lùi so với Hiến pháp 1992 đang hiện hành.

Theo hay không theo ý thức hệ nào, tư tưởng nào, là quyền tự do của mỗi người. Nhưng áp đặt một ý thức hệ đã phá sản trên toàn thế giới, kể cả ở Việt Nam - cụ thể ở đây là CNMLN – vào Hiến pháp nước ta nhân dịp sửa đổi lần này nhằm mục đích gì?

Câu trả lời chỉ có thể là: Đây là sự áp đặt một công cụ chuyên chính tư tưởng và tinh thần, với mục đích phục vụ cho chuyên chính bạo lực, nhằm (a)bảo vệ chế độ độc quyền toàn trị nhân danh sự lãnh đạo của ĐCSVN, và (b)biện minh cho vị thế tối thượng bất khả xâm phạm của ĐCSVN để ghi vào Điều 4 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi (bản dự thảo ngày 17-05-2013). Có lẽ vì hai lý do chủ yếu này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã giải trình trước Quốc hội: Trước mắt không đặt ra vấn đề Luật về đảng trong sửa đổi Hiến pháp lần này. Giải trình như thế, khác gì tự xác nhận ĐCSVN đứng ngoài và đứng trên pháp luật, giữa lúc ĐCSVN kêu gọi cả nước sống và làm theo pháp luật!

Tuyên bố của nhóm 72 về bản dự thảo 17-05-2013 phân tích rõ:
-    Sự áp đặt này nhằm tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN, cho thấy ĐCSVN quyết đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp;
-    Sự áp đặt này hàng chục năm nay đã và đang trực tiếp hủy hoại vai trò lãnh đạo của ĐCSVN, là nguy cơ xóa bỏ toàn bộ sự nghiệp lịch sử của ĐCSVN từ bên trong, triển vọng với nhiều hệ quả đẫm máu cho đất nước  – không một thế lực thù địch nào có thể làm nổi việc này;
-    Chế độ độc quyền toàn trị dưới hình thức “đảng hóa” mọi mặt đời sống đất nước ta là nguyên nhân gốc đẩy đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện hiện nay, với nhiều nguy cơ và thách thức mới rất nguy hiểm.

Tóm lại: Dùng một chủ nghĩa đã phá sản như một công cụ chuyên chính làm ngọn cờ khua trương cho một sứ mệnh chính trị không được phép tồn tại trong một nhà nước của dân – do dân – vì dân, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân có nghĩa trong thực tế là sự phủ nhận trực tiếp nhà nước này, là để tiếp tục duy trì chế độ độc quyền toàn trị nhân danh kiên trì con đường định hướng xã hội chủ nghĩa,  nhân danh sự lãnh đạo của ĐCSVN. Kịch bản đen tối này không thể là sự lựa chọn của nhân dân ta, cũng không mở ra cho ĐCSVN con đường tồn tại. Cưỡng bức nhân dân đi theo kịch bản đen tối này, hệ quả cuối cùng sớm muộn sẽ chẳng khác mấy là sự tự sát của chính người cưỡng bức.

Sửa đổi Hiến pháp lần này đang tạo ra một cơ hội khó mà có lại, để ĐCSVN tự tay trực tiếp xóa bỏ kịch bản đen tối này cho chính mình mà những tha hóa tự thân đang cuốn hút mình vào. Không ai có thể làm thay ĐCSVN việc này.

Với gần 4 triệu đảng viên, lại trực tiếp nắm mọi quyền lực trong tay, ĐCSVN là lực lượng chính trị mạnh nhất trong xã hội Việt Nam, chiếm tới khoảng gần 4 triệu gia đình, có ảnh hưởng trực tiếp / gián tiếp tới 1/3 hay hơn nữa dân số cả nước, chưa nói đến nhiều ảnh hưởng to lớn khác nữa. Vì thế, tối ưu cho ĐCSVN và cũng là cho đất nước, là xóa bỏ kịch bản đen tối nêu trên. Con đường Myanmar đang gợi ý ra cho ĐCSVN một hướng đi hiện thực: Tất cả cùng sống, tất cả cùng nhau khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ (bao hàm cả nghĩa không hồi tố), để cùng nhau theo tinh thần đoàn kết – hòa giải dân tộc mở ra một chương sử mới cho chính mình và cho đất nước, để từ nay mỗi người và cả đất nước trở thành chính mình: Xây dựng một đất nước tự do của những con người tự do. Đấy cũng là nguyện vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam ngày nay: Xây dựng một Việt Nam độc lập – tự do – hạnh phúc, để có được một Việt Nam đáng sống, không ai có thể ức hiếp, và cùng đi được với cả thế giới! Tìm đường cho nhân dân thực hiện khát vọng này, đấy mới chính là vai trò lãnh đạo mà ĐCSVN bây giờ phải lột xác phấn đấu để đạt tới. Đấy chính là con đường cứu đảng cứu nước mỗi đảng viên ĐCSVN bây giờ nhất thiết phải giác ngộ, chứ không phải cam tâm làm nô lệ của CNMLN đã bị cuộc sống loại bỏ - chỉ để phục vụ cho mục đích duy tri chế độ độc quyền toàn trị của một số người trong đảng đang giam hãm đất nước.

Trung thành với lịch sử chiến đấu vì nước vì dân của ĐCSVN, trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, đảng viên ĐCSVN bây giờ nhất thiết và trước hết phải chiến thắng chính mình, để chiến thắng sự sa đọa đang dìm đảng của mình vào tội lỗi, để đặt lại đảng của mình vào con đường đấu tranh vì nước vì dân đã từng làm nên sự nghiệp của đảng, nhất là để không phản bội lại những hy sinh, những mất mát của dân tộc, của đồng chí và đồng đội trên chặng đường gần một thế kỷ qua!

Các đảng viên ĐCSVN hãy bắt đầu từ việc thảo luận thẳng thắn trong đảng về thực trạng của ĐCSVN và của đất nước, về những vấn đề đang đặt ra cho việc sửa đổi Hiến pháp. Hãy bắt đầu từ việc đòi trả tự do cho tất cả những người yêu nức bất đồng chính kiến với chế độ đang bị cầm tù. Hãy phản đối đàn áp biểu tình bảo vệ tổ quốc. Hãy xóa bỏ phân biệt đối xử lề trái hay lề phải trong báo chí, để cho trong báo chí chỉ có lẽ phải, lòng yêu nước, ý chí bảo vệ tổ quốc!

Các đảng viên của ĐCSVN dù ở cương vị nào, nếu còn giữ đất nước trong tim mình, nhất thiết phải đứng lên như thế để cứu đảng của mình, và như thế cũng là cứu nước. Các đảng viên ĐCSVN đừng để cho đảng của mình rơi vào tình trạng mà một chính khách ở Liên Xô hồi đó đã phải thốt lên: ĐCS Liên Xô không thể cải tạo được nữa! Chỉ còn cách đập tan nó!

Đối nghịch lại, nếu các đảng viên ĐCSVN không phấn đấu lựa chọn con đường cứu đảng cứu nước, sẽ chỉ còn lại con đường của kịch bản đen tối, của tha hóa và tội lỗi. Đó là con đường cố tính đối kháng lại nhân dân, sớm muộn sẽ dẫn tới thảm họa nồi da xáo thịt cho đất nước, kết cục chắc chắn với sự phủ nhận dứt khoát của nhân dân cả nước dành cho ĐCSVN, với một màn chót không phải là không hình dung được. 

Người dịch tạm kết luận

          Thành, bại và cuối cùng là sự cáo chung của trào lưu cách mạng của chuyên chính vô sản trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế sau 150 năm tồn tại; gắn liền với chặng đường lịch sử này là sự cáo chung của chủ nghĩa Mác – Lênin với tính cách là cẩm nang cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; thành, bại và những thành tựu lâu bền của trào lưu xã hội dân chủ trên chặng đường 150 năm đồng hành này; thành và bại của chính thực tiễn 38 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta – bây giờ lùi xuống làđịnh hướng xã hội chủ nghĩa, tất cả những thứ này có lẽ là đủ để cho chúng ta thấy: Thường xuyên mở rộng các quyền tự do, dân chủ rất cụ thể của mỗi công dân trong mỗi bước đi của đất nước, thường xuyên làm tất cả mọi việc để mỗi công dân luôn luôn tự nâng cao được quyền năng của mình từ hiểu biết và học hỏi, đấy mới là động lực sáng tạo, năng động và lâu bền cho sự phát triển của đất nước ta.

          Tận dụng cơ hội việc sửa đổi Hiến pháp đang mang lại, sẽ mở ra cho đất nước ta một con đường đi lên của tự do và dân chủ.

Đọc kỹ diễn văn 150 năm ĐXHDCĐ (SPD) của Tổng thống Joachim Gauck, tôi thấy thêm một bằng chứng sống động của nước Đức cho những điều trình bầy trên. Tôi tin như vậy, tôi cũng mong nhân dân nước ta vận dụng được lợi thế của nước đi sau./.

Võng Thị - Hà Nội, ngày 10-06-2013
Nguyễn Trung

 


Nguyễn Trung gửi cho viet-studies ngày 11-6-13