Sunday, July 26, 2015

Bill Hayton - BIỂN ĐÔNG (Chương 8: Các vấn đề quân sự)

Chương 8
Định hình chiến trường:
Các vấn đề quân sự

Shaping the Battlefield: Military Matters


Trông giống như một cái hộp màu xám khổng lồ, tốc độ tối đa của nó chỉ là vài gút (nm/h) và giống như hầu hết các tàu dọ thám tốt nó che dấu phía sau tên một công việc tẻ nhạt. Là một tàu khảo sát đại dương, USNS Impeccable thường cố tránh bị thành tiêu điểm. Nó hoạt động một mình, xa xôi ngoài biển và ngay tại vùng rìa của luật pháp quốc tế. Mặc dù thuộc sở hữu của chính phủ Mĩ và do Bộ Quốc phòng kiểm soát, nó lại được điều hành bởi một công ti tư nhân, có cái tên quyến rũ hơn Special Mission Division (Ban Đặc Nhiệm) thuộc công ti vận chuyển khổng lồ Maersk. Công việc của Impeccable, và lí do để nó có dạng hình hộp, là kéo các sợi cáp đắt tiền qua giông bão. ‘Nhiệm vụ đặc biệt’ của nó là săn tàu ngầm của Trung Quốc với hệ thống bừa cảm biến thám thính (Surveillance Towed Array Sensor System SURTASS) dài 1 500 mét mà nó kéo theo sau.

Ngày Thứ Năm 5 tháng 3 năm 2009, chiếc Impeccable đang bừa một luống đơn lẻ khoảng 140 km phía Đông Nam của căn cứ tàu ngầm Yulin [Du Lâm] ở đảo Hải Nam thì một tàu khu trục Trung Quốc bất ngờ chạy ngang qua mũi của nó. Hai giờ sau đó một máy bay trinh sát Trung Quốc đã lượn thấp bên trên 11 lần và tàu khu trục lại băng ngang mũi nó một lần nữa. Ngày Thứ Bảy ngày 7 tháng 3, một tàu hải quân khác của Trung Quốc, một loại Auxiliary General Intelligence (AGI, tên mĩ miều cho tàu dọ thám), ra lệnh cho tàu Impeccable rời khỏi khu vực nếu không sẽ phải chuốc lấy hậu quả. Tàu Impeccable không rời đi và ngày hôm sau hậu quả đã đến.

Chúng ta biết được một số trong những điều đã xảy ra vì Bộ Quốc phòng Mĩ đã công bố một video do một trong những thành viên trên tàu Impeccable - được đồng bạn gọi là ‘Bobby’ thu được. Chúng ta thấy một khung cảnh dưới bầu trời trong xanh và bên trên mặt biển phẳng lặng. Tàu Impeccable đã bị một đội tàu nhỏ loang lổ vây quanh. Hai tàu dân sự, dường như chán đánh cá chạy theo phía sau chiếc Impeccable. Nằm choáng chúng là một tàu Ngư Chính, một tàu Hải Giám và chiếc AGI ban đầu. Không chiếc nào trong hai tàu cá đang kéo lưới nhưng cả hai đều có treo các lá cờ Trung Quốc to ở mũi, thân và lái. Một chiếc, với thân móp méo nhưng mới được sơn đỏ, chạy đến gần húc nhiều lần vào cửa sổ của đài chỉ huy. Hai người đàn ông khác đứng ở mũi, một người vẩy cờ. Rồi chiếc tàu đánh cá thực hiện một chuyển động: phụt khói đen từ ống khói hình phễu khi nó băng thẳng qua phía đuôi tàu Impeccable, có vẻ để cố cắt đứt hệ thống SURTASS. Các thành viên tàu Impeccable đứng, sẵn sàng đẩy lùi các khách không mời, nhưng coi toàn bộ sự việc như là chút chuyện đùa. Bobby, người quay phim mô tả cảnh này: ‘Lou và Wilson đứng bảo vệ các ống trong khi bọn Trung Quốc chọc tức chúng tôi tới đổ nước mắt’.

Thất bại trong việc cắt cáp với sống tàu, một trong hai người đàn ông trên mũi chiếc tàu đánh cá đỏ dùng một sào dài thọc vào nước để cố dò và làm hỏng sợi cáp. Điều này thậm chí còn làm các thành viên trên Impeccable buồn cười hơn nữa vì SURTASS nặng những 155 tấn. ‘Hắn ta sẽ chẳng còn ở trên boong đâu nếu vớ trúng nó - hắn sẽ sục nước biển’, một người nói. Vào một lúc nào đó, mặc dù không cho thấy trên video, Lou và Wilson được lệnh phải bật vòi rồng của Impeccable để cố ngăn hai ‘ngư dân’ với sức nước. Hai người này không bị thuyết phục. Họ cởi chỉ còn đồ lót và tiếp tục dò với cây sào. Nhưng sau nhiều phút dò thử vô vọng, thuyền trưởng tàu đánh cá thay đổi chiến thuật. Với nhiều cụm khói đen lớn hơn phụt ra, chiếc tàu lảo đảo chạy lên mạn trái của tàu Impeccable và sau đó dừng lại ngay trước mặt. Chiếc tàu đánh cá màu xanh làm giống như vậy ở bên mạn phải. Các tàu của chính phủ vẫn đang lảng vảng gần đó - giữ khoảng cách nhưng chắc hẵn đã sẵn sàng để bảo vệ các tàu đánh cá nếu chúng bị Impeccable ‘đe dọa’. Với tất cả mọi người đều đứng yên, hai tàu đánh cá dần dần di chuyển thẳng hướng về phía nhau - chặn hoàn toàn đường tiến tới của Impeccable. Sau đó, tàu Ngư Chính sơn trắng tiến tới gần, ngay phía sau tàu đánh cá màu xanh. Không thể di chuyển tới trước và không thể quay xung quanh vì hệ thống SURTASS vẫn còn nối dài từ phía đuôi tàu, chỉ huy của Impeccable tham khảo ý kiến cấp trên.

Bên ngoài trên boong tàu, các thuyền viên vào lúc mới bắt đầu cuộc đối đầu đã đùa bởn, bây giờ trở nên yên lặng. Trong vài giây cuối cùng của video, có thể nghe rõ ràng lời nói với một đồng nghiệp: ‘Chúng ta đã nhận lệnh hủy khẩn cấp’. Lầu Năm Góc không thể mạo hiểm để những cơ sở thu thập tình báo siêu tinh vi rơi vào tay Trung Quốc. Nếu xảy ra việc kẻ lạ leo lên tàu Impeccable thì một hoạt động dự kiến trước sẽ là phải phá hủy các tài liệu và trang thiết bị. Nhưng thủ tục này được giữ ở trạng thái chờ. Qua vô tuyến, thuyền trưởng Impeccable thông báo rằng ông sẽ rời đi và yêu cầu dành một lối an toàn ra khỏi khu vực. Các tàu Trung Quốc tuân thủ và Impeccable chậm chậm rút lui về phía chân trời.

Trong trách cứ công khai sau đó, mỗi bên chính phủ đều lớn tiếng cáo buộc bên kia đã vi phạm luật pháp quốc tế. Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu), khẳng định rằng ‘Hoa Kì đã tiến hành các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ở Biển Đông mà không có sự cho phép của Trung Quốc’ và yêu cầu Hoa Kì ‘phải có các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn các hành vi tương tự xảy ra’. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs đã quả quyết: ‘Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động ở những vùng biển quốc tế đó, và chúng tôi hi vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ pháp luật quốc tế xung quanh đó’. Nhưng việc Gibbs sử dụng lỏng lẻo cụm từ ‘vùng biển quốc tế’ đã đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Có thể có vẻ phức tạp nhưng cuộc tranh luận pháp lí về việc các tàu quân sự của một nước có thể làm điều gì ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ngoài khơi một nước khác đã đưa Hoa Kì và Trung Quốc đến tận vùng biên của cuộc xung đột. Đó là một trận chiến giữa việc Mĩ đòi hỏi được truy cập vào các ‘vùng biển chung của toàn cầu’ (global common) và việc Trung Quốc tìm kiếm an ninh. Đó là một cuộc đấu tranh vốn sẽ xác định tương lai của Châu Á, và có thể rộng lớn hơn.

**********

Các quy định về EEZ được vạch ra trong Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) thoả thuận vào năm 1982, như chúng ta đã thấy trong Chương 4. Trung Quốc là một trong 163 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn UNCLOS. Hoa Kì là một trong 30 nước chưa phê chuẩn (trong đó 16 không có biển). Thượng viện Hoa Kì sẽ không phê chuẩn thỏa thuận này bởi có khá nhiều thượng nghị sĩ tin rằng UNCLOS sẽ làm suy yếu chủ quyền của Mĩ -. mặc dù các ngành có liên quan của chính phủ Mĩ lập luận rằng không phải như vậy. Việc chưa phê chuẩn rõ ràng làm thiệt hại uy tín của Washington khi họ thúc giục những nước khác phải hành động phù hợp với UNCLOS. Tuy nhiên, các chính phủ Mĩ kế tiếp nhau dù vậy vẫn cho rằng tất cả các nước đều bị ràng buộc bởi công ước này vì bây giờ nó tạo thành một phần của ‘luật tập tục quốc tế’ (customary international law). Về phần mình, Hải quân Mĩ cho biết rằng họ luôn luôn hoạt động theo UNCLOS, bất chấp việc chưa phê chuẩn.

Trong số hàng trăm điều trong UNCLOS là một số điều quy định những việc có thể và không thể thực hiện trong EEZ của nước khác. Đặc biệt, nhà chức trách Trung Quốc đã dựa trên trên ba điều để lập luận rằng công việc của tàu USNS Impeccable là bất hợp pháp: Điều 56 - cho quốc gia ven biển thẩm quyền đối với việc nghiên cứu khoa học biển trong EEZ; Điều 58 - buộc các nước khác ‘phải quan tâm thích đáng các quyền và nghĩa vụ của các nước ven biển và ... tuân thủ pháp luật và các quy định của các nước ven biển’; và Điều 246 - nói rằng ‘nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được tiến hành với sự đồng ý của quốc gia ven biển’.Vì Hoa Kì không hề liên hệ cũng không được cấp phép cho các hoạt động nghiên cứu của mình nên theo Bắc Kinh, Hoa Kì phải là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, theo Washington tất cả điều này là hoàn toàn không liên quan. Tàu Impeccable và các tàu anh em của nó không tham gia vào nghiên cứu khoa học biển - chúng chỉ đơn giản là dọ thám. Nếu như Impeccable tham gia vào nghiên cứu hòa bình - chẳng hạn như thăm dò dầu - thì các hoạt động của nó sẽ là bất hợp pháp theo UNCLOS. Nhưng vì công việc của nó không dính tới tính thương mại hay khoa học nên tàu Impeccable có thể sử dụng các quyền đã được thiết lập của bất kì tàu nào đi qua vùng biển bên ngoài giới hạn lãnh hải 12 hải lí. Và vì, theo UNCLOS, các quốc gia không có chủ quyền ngoài lãnh hải 12 hải lí nên tất cả các luật mà Trung Quốc đã thông qua trong cố gắng để điều chỉnh những việc có thể thực hiện được trong EEZ 200 hải lí của họ, theo quan điểm của Washington, chính các luật đó mới là bất hợp pháp.

UNCLOS là kết quả của chín năm tranh luận pháp lí giữa một bên là các quốc gia ven biển muốn kiểm soát tất cả mọi thứ xảy ra ngoài khơi bờ biển của họ và một bên là các quốc gia biển muốn tự do đi lại. Người chủ trì các cuộc tranh luận cuối cùng, Tommy Koh của Singapore, sau đó có tổng kết những thỏa hiệp: ‘Các giải pháp trong các văn bản Công ước rất phức tạp. Không có chỗ nào nó nêu rõ liệu một nước thứ ba có thể hoặc không thể tiến hành các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển. Nhưng, chính cách hiểu chung rằng các câu chữ chúng tôi đàm phán và thỏa thuận với nhau sẽ cho phép các hoạt động như vậy được thực hiện’.[1] Nhưng một số quốc gia không đồng ý với cách hiểu chung đó và đang tích cực tìm cách thay đổi nó. Trung Quốc là nổi bật nhất nhưng Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Maldives, Việt Nam và một vài nước khác đều đòi hỏi rằng tàu chiến nước ngoài phải xin phép trước khi chạy qua EEZ của họ. Vấn đề - đối với Trung Quốc và thế giới - là việc thay đổi bản chất của EEZ theo cách này sẽ làm thay đổi một cách cơ bản các quy tắc của hệ thống toàn cầu. Nó cũng sẽ tạo thành một thách thức toàn diện đối với vị trí đứng đầu về quân sự của Hoa Kì qua việc cắt mất lối đi lại trực tiếp của họ giữa Thái Bình Dương và Trung Đông.

Di chuyển tàu chiến và lực lượng giữa Tây Hoa Kì và Châu Á đòi hỏi việc tự do đi lại trên Thái Bình Dương, Biển Đông, eo biển Malacca và Ấn Độ Dương. Đi xuyên qua vùng nội thuỷ của Indonesia, hay giữa Indonesia và Australia, là thách thức về mặt hàng hải và về mặt chính trị, còn hướng về phía Nam, đi vòng quanh Australia, thì phải cộng thêm nhiều tuần vào cho chuyến đi đến vịnh Ba Tư, và đối với một hạm đội lớn, phải chi thêm hàng chục triệu đô la cho nhiên liệu tốn thêm. Nếu các EEZ là đóng với tàu quân sự thì Mĩ sẽ mất quyền truy cập tới các căn cứ của họ và các đồng minh quanh Châu Á. Với Hải quân Mĩ nằm yên trong trong bãi, vị thế phòng thủ của Đài Loan sẽ bị suy yếu nghiêm trọng. Các nước Đông Á và Đông Nam Á khác có thể cũng cảm thấy bị thiệt hại tương tự. Ảnh hưởng của Mĩ trong khu vực Đông Nam Á có thể cạn đi. Thậm chí đáng lo ngại hơn, theo cái nhìn của Lầu Năm Góc, nếu không đảm bảo tiếp cận quân sự thì cũng không đảm bảo tiếp cận dân sự. Một sức mạnh thù địch có thể cắt đứt dòng chảy hàng hóa, đồ tiêu dùng và năng lượng mà nền kinh tế Mĩ phụ thuộc vào đó. Chính vì vậy, từ năm 1979, Hoa Kì đã theo đuổi Chương trình Tự do Hàng hải (Freedom of Navigation hay FON) ít được biết đến, chủ động thách thức bất kì nỗ lực tìm cách đóng các EEZ.[2] FON kết hợp ngoại giao và vũ lực. Đôi khi Bộ Ngoại giao chỉ gửi thư phản đối. Tuy nhiên, lúc này lúc khác, Hải quân Mĩ chỉ đơn giản xuất hiện trong EEZ của nước khác để cho thấy rằng họ có thể làm điều đó. Đó là kiểu ngoại giao pháo hạm hiện đại, và Washington sẽ nói rằng mọi nước đều có lợi từ việc họ ra sức đảm bảo cho các vùng biển đều để mở cho thương mại và an ninh toàn cầu.

Washington cũng không kém phần mạnh mẽ trong việc gạt bỏ tính hiệu lực của Điều 301 UNCLOS. Điều này nói rằng: ‘các quốc gia thành viên phải tránh bất kì việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất kì quốc gia nào’. Mĩ lập luận rằng việc chỉ đơn thuần thu thập thông tin không dẫn tới một mối đe dọa vũ lực. Trung Quốc, trái lại, rất kiên quyết. Họ tin rằng các dữ liệu được thu thập là để chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai và rằng hoạt động quân sự của Mĩ gần bờ biển của họ tới mức 12 hải lí là một mối đe dọa sống còn.

Từ Đảo Hải Nam nhìn ra, nan đề của Trung Quốc có vẻ rất gay go. Từ khi Đặng Tiểu Bình ra lệnh thành lập đặc khu kinh tế đầu tiên của đất nước mình ở Thẩm Quyến vào năm 1980, sự thịnh vượng quốc gia đã phụ thuộc vào vòng cung các thành phố ven biển, và các chuyển động xuất và nhập khẩu làm chúng được duy trì. Trung Quốc là một nước thuần nhập khẩu lương thực từ năm 2007 và tháng 9 năm 2013 Trung Quốc đã vượt Mĩ để trở thành nước thuần nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới ngay vào lúc sự bùng nổ kĩ thuật khai thác dầu từ đá phiến (shale-fracking) đã bắt đầu chuyển Mĩ theo hướng tụ túc năng lượng.[3] Giao thương với nước ngoài chiếm đến hơn 1/2 giá trị GDP của Trung Quốc (so với ít hơn 1/3 ở Hoa Kì) nhưng nước này không có cách truy cập rõ ràng tới vùng biển mở. Các lực địa vật lí đã đẩy các đảo trồi lên xung quanh bờ biển của họ và các lực địa chính trị đã biến tất cả chúng thành các nước láng giềng thù địch tiềm tàng. Theo quan điểm của Wu Shicun (Ngô Sĩ Tồn), viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, lí do số một cho lập trường của Trung Quốc đối với Biển Đông là thông qua nó đảm bảo việc tiếp cận chiến lược tới các đại dương trên thế giới. Và một quốc gia nghiêm túc về việc giữ vững việc tiếp cận đó - và lo sợ về những ý định của Hoa Kì - nhất thiết phải phát triển các khả năng để bảo vệ nó. Logic này hướng tới xung đột ở Biển Đông.

Tháng 4 năm 2013, Bộ Quốc phòng ở Bắc Kinh đã phát hành một Sách Trắng làm rõ các mục tiêu của họ. Sách này nêu ‘Với việc nền kinh tế Trung Quốc hội nhập dần dần của vào hệ thống kinh tế thế giới, lợi ích ở nước ngoài đã trở thành một phần không thể thiếu trong các lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Vấn đề an ninh đang ngày càng nổi bật liên quan đến năng lượng và các nguồn tài nguyên ở nước ngoài, các tuyến đường giao thông biển chiến lược (SLOC), và các công dân và pháp nhân Trung Quốc ở nước ngoài. Bảo vệ tàu trên biển, di tản công dân Trung Quốc ở nước ngoài, và cứu hộ khẩn cấp đã trở thành cách thức và phương pháp quan trọng để PLA bảo vệ lợi ích quốc gia và thực hiện các nghĩa vụ  quốc tế của Trung Quôc.’[4] Mâu thuẫn sẽ định hình tương lai của châu Á là: Nếu Trung Quốc chọn việc bảo vệ các thành phố ven biển và các tuyến đường cung cấp dài thông qua phương tiện quân sự thì chắc chắn họ sẽ phát triển khả năng để đối đầu với thế lực hải quân đứng đầu hiện nay. Nhưng Mĩ - thế lực hải quân đang đứng đầu, lo ngại rằng chính sách này không phải được thúc đẩy bởi việc tự vệ mà bởi một quyết tâm để đạt được vị trí đứng đầu trong khu vực - và do đó sẽ phản đối nó. Đối với Mĩ, ‘quyền tiếp cận’ củng cố tất cả mọi thứ. Chính vì vậy rất nhiều nỗ lực - và tiền bạc - đang được bỏ ra ở các nhóm chuyên gia tư vấn của Washington và các bộ chỉ huy quân đội để đảm bảo cho Mĩ tiếp tục ‘truy cập’ vào mọi phần của đại dương - nhưng đặc biệt là Biển Đông.

**********

Tháng 1 năm 2012, Bộ Quốc phòng Mĩ phát hành tài liệu ‘Joint Operational Access Concept’ (Khái niệm truy cập tác chiến hỗn hợp) vạch ra những nhiệm vụ với lời lẽ thẳng thừng: ‘Là một cường quốc toàn cầu với lợi ích toàn cầu, Hoa Kì phải duy trì khả năng đáng tin cậy trong việc triển khai lực lượng quân sự vào bất kì khu vực nào của thế giới để bảo vệ những lợi ích của mình’.[5] Khái niệm ‘truy cập tác chiến hỗn hợp’ nằm ngay ở giữa hệ thống tầng bậc các tài liệu chiến lược. Bên dưới nó là các kế hoạch chi tiết hơn vạch ra ‘tiếp cận’ thế nào sẽ thắng lợi, quan trọng nhất trong số đó là ‘Khái niệm Hải Không chiến’ (Air-Sea Battle Concept). ‘Khái niệm Hải Không chiến’ thật ra đã được vạch ra trước những thứ khác: chiến lược đương đại của Mĩ đối với Trung Quốc đã viết ít nhiều xung quanh nó.

Nguồn gốc của Khái niệm Hải Không chiến có thể được truy từ cuộc ‘khủng hoảng Đài Loan’ tháng 3 năm 1996 khi mà Tổng thống Bill Clinton triển khai hai nhóm tàu sân bay Mĩ đã buộc quân đội Trung Quốc ngưng lại một loạt các cuộc tập trận đe doạ được dàn dựng trong thời gian sắp tới cuộc tổng tuyển cử của Đài Loan. Triển khai đó đã châm ngòi cho Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) bắt đầu phát triển các phương tiện để ngăn chặn việc đó xảy đến lần nữa. Trong những năm sau năm 1996 chi tiêu quân sự Trung Quốc dịch chuyển đáng kể vào hải quân, không quân và các đơn vị tên lửa và một cụm từ mới, shashoujian [杀手锏: sát thủ giản (chuỳ giết người)]- đã bắt đầu đi vào các tài liệu quân sự. Shashoujian mô tả một chiến lược sử dụng vũ khí tương đối rẻ đến bất ngờ và có thể vô hiệu hóa một vũ khi tinh vi hơn nhiều của đối phương.[6] Khi khả năng của PLAN tăng lên, nó được giao một nhiệm vụ mới. Năm 2001, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã kêu gọi hải quân tăng cường khả năng ‘bảo vệ các vùng biển xa’ và thông điệp này đã được người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào tăng cường năm sau đó.[7] Sau đó, vào tháng 1 năm 2007, quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm thành công một loại tên lửa có thể phá hủy một vệ tinh bay vòng trên quỹ đạo. Sát thủ giản có vẻ trở nên sắc bén hơn. Các tác động đối với quân đội Mĩ, với thông tin liên lạc vệ tinh và vũ khí điều khiển từ xa, rất rõ ràng.

Nói đơn giản, sát thủ giản là khả năng ngăn ngừa các căn cứ không quân Mĩ và tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông tung ra máy bay và tên lửa nhắm vào các mục tiêu của Trung Quốc. Lí do chính cho nó, theo các nhà phân tích phương Tây, sẽ là để ngăn chặn hoặc làm chậm lại sự can thiệp của Hoa Kì trong tương lai trong việc yểm trợ cho Đài Loan. Nếu một chính phủ Đài Loan trong tương lai thực hiện bất kì động thái nào hướng tới độc lập thì dự kiến Hải quân Trung Quốc sẽ thực hiện một loại phong tỏa nào đó hay xâm lược và ngăn Hải quân Mĩ lại. Sát thủ giản không nhất thiết phải được sử dụng; nó sẽ chỉ phải tạo đủ sự thiếu chắc chắn trong đầu của các đô đốc Mĩ để ngăn họ triển khai các khí tài mạnh nhất của mình. Quân đội Mĩ có một cái tên rất tầm thường cho các chiến thuật này: ‘Anti-Access’ (chống truy cập) hoặc ‘A2’. Khi một phương pháp tương tự được sử dụng gần với các khu vực mục tiêu của nó hơn thì được gọi là ‘Area Denial’ (từ chối khu vực) và cả hai kết hợp lại có tên là ‘A2 / AD.’ Chiến thuật A2 / AD của Trung Quốc có thể sử dụng mìn hay tàu ngầm trang bị ngư lôi và tên lửa hành trình hoặc các cuộc tấn công không gian mạng nhưng hầu hết sự chú ý đều được tập trung vào một loại vũ khí mới - tên lửa đạn đạo chống tàu Dong Feng-21D (Đông Phong 21D). Với tầm bay xa hơn 1 500 km và có khả năng cơ động khi nó lao xuống, DongFeng-21D, ít ra về mặt lí thuyết, có thể đánh các tàu lớn từ các căn cứ trên đất liền.

Giữa năm 2007 thông tin về việc phát triển tên lửa mới bắt đầu tới tai công chúng và tháng 10 năm 2008 Không quân Thái Bình Dương của Mĩ đã chơi trò chơi chiến tranh về phản ứng của họ: ‘khái niệm tác chiến với các mối đe dọa quy ước tầm xa đối với tàu trên mặt nước và các căn cứ trên bờ’ là cách mà Trung tá Edward Thomas, người phát ngôn của Không Quân Mĩ ở Thái Bình Dương, mô tả.[8] Hai bài tập mô phỏng trên máy tính để bàn, có tựa đề ‘Pacific Vision’ 1 và 2, được thử nghiệm để xem Mĩ sẽ phản ứng như thế nào với một thách thức từ một ‘đối thủ cạnh tranh gần-ngang tầm’ giấu tên ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2028. Đến cuối của bài tập, phản ứng này được cho cái tên: Air-Sea Battle (Hải không chiến).

Pacific Vision được tài trợ một phần bởi nhóm nghiên cứu nội bộ của Lầu Năm Góc, Phòng đánh giá ròng (Office of Net Assessments). Kể từ khi thành lập vào năm 1973, công việc phòng này là phải nghĩ ra các tình huống tồi tệ nhất đối với Hoa Kì và sau đó nghĩ cách để tránh chúng. Phòng này cho tới giờ chỉ có một giám đốc: Andrew Marshall, 92 tuổi tại thời điểm viết sách. Marshall sống trong một thế giới rất bí mật của những nguy hiểm tiềm tàng đối với an ninh nước Mĩ: một số thì rõ ràng và ở hiện tại, một số khác thì xa xôi và giả định. Không giống như hầu hết các nhà viết tiểu thuyết kinh dị ông có kinh phí hơn $13 triệu một năm để khuếch đại nỗi sợ của mình trong cộng đồng an ninh Washington.[9] Marshall thường được các nhà hoạch định chính sách cũng như chuyên gia mô tả như là có ảnh hưởng lớn. Những lời tuyên bố kiểu triết gia của ông đã khiến những người khác gọi ông là Jedi Master (dựa theo phim Star Wars - ND).

Một trong những nhân viên hoàn chỉnh các bài tập này là Jan van Tol, cựu thuyền trưởng Hải quân Mĩ, người đã dành nhiều năm làm việc trong Office of Net Assessments trước khi chuyển sang nhóm chuyên gia tư vấn ưa thích của mình, Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (Center for Strategic and Budgetary Assessments). Ông nói rằng các bài tập minh họa một cách kịch tính cách mà công nghệ mới của Trung Quốc có thể làm thay đổi tận gốc rễ cán cân quyền lực ở Đông Nam Á: ‘Điều quan trọng về Pacific Vision là nó chỉ ra rằng nếu Trung Quốc chuyển sang tên lửa đạn đạo có tầm càng ngày càng xa hơn thì các các căn cứ cố định ở Tây Thái Bình Dương sẽ trở nên không còn an toàn. Và nền tảng đó là cơ sở cho tất cả các chiến lược của chúng ta về cách chúng ta sẽ chiến đấu trong một cuộc chiến. Đó là cú sốc thực sự hút sự chú ý ở cấp khá cao’.[10]

Trong những tuần sau Pacific Vision, kết quả đã được chuyển lên theo tầng bậc chỉ huy quân đội cho tới Tham Mưu Trưởng Không Quân, Tướng Norton Schwartz, và Chỉ Huy Trưởng Hải Quân, Đô đốc Gary Roughead. Cũng trong khoảng thời gian đó nhóm chuyên gia tư vấn chuyển giao khuyến nghị của mình tới các nhà hoạch định chính sách ở Washington. Và gần như đúng ngay thời điểm mà nhà chức trách về biển của Trung Quốc đã chọn để chặn tàu USNS Impeccable và cung cấp - như thể có tính trước - một ví dụ điển hình về mối đe dọa đối với tự do hàng hải ở Biển Đông. Với tất cả các nhà tư tưởng quốc phòng của Washington bây giờ đều cảnh giác về vấn đề này, Phòng Đánh giá thuần và Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách dễ dàng đạt được điều mình muốn. Vào lúc khái niệm Hải Không Chiến tới Lầu Năm Góc, đã có một cơn sóng thần hậu thuẫn phía sau nó. Tháng 7 năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates chỉ đạo hải quân và không quân phải tìm biện pháp giải quyết thách thức đó và tháng 9 Tướng Schwarz cùng Đô đốc Roughead đã kí một bản ghi nhớ vẫn còn bí mật về phát triển Hải Không Chiến thành một khái niệm tác chiến.

Các cuộc thảo luận tiếp tục đến tháng 12 năm 2010 khi Bryan Clark, một sĩ quan tàu ngầm hạt nhân về hưu chuyển thành Trợ lí đặc biệt của Chỉ Huy Trưởng Tác chiến Hải quân, được lệnh tổng hợp các ý tưởng thành một tài liệu thống nhất. ‘Khái niệm này nhằm hướng dẫn các hoạt động phát triển của lực lượng đang phục vụ’, ông nói. ‘Những gì chúng tôi mua, những gì chúng tôi huấn luyện để làm, học thuyết mà chúng tôi sử dụng, tất cả những điều mà cơ quan này làm là chuẩn bị sức mạnh để giao lại cho các chỉ huy chiến đấu vào một ngày nào đó trong tương lai’. Theo Clark, khái niệm mà ông là tác giả đã được thông báo trực tiếp qua công trình của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA): ‘Công việc mà Jan và tất cả mọi người ở CSBA làm là rất hữu ích và tôi đã đưa một phần lớn vào một khái niệm còn bí mật của DoD [Department of Defense:Bộ Quốc phòng]’. Tài liệu 44 trang của Clark được hoàn thành vào tháng 2 năm 2011 và được Trưởng cơ quan phê duyệt vào tháng 4. Theo lời của Clark, đến mùa thu năm đó Bộ Quốc phòng đã bắt đầu ‘áp dụng có chủ ý khái niệm này vào các đầu tư của chúng tôi… sử dụng nó để hướng dẫn việc phát triển ngân sách, phát triển bài tập, việc đào tạo mà họ làm và học thuyết của họ’.

Tuy nhiên, bên ngoài Lầu Năm Góc khái niệm về Hải Không Chiến đã gây rất nhiều tranh cãi. Cách giải thích công khai duy nhất của nó đã được CSBA đưa ra hồi tháng 5 năm 2010. Mặc dù các giải thích từ đầu khẳng định rằng Hoa Kì không tìm cách đối đầu hay kiềm chế Trung Quốc, toàn bộ tài liệu là một cảnh báo thẳng thừng về mối đe dọa do ‘sát thủ giản’ của Trung Quốc đặt ra. Tài liệu nêu ‘Hoa Kì sẽ thấy chính mình thực tế bị khóa kín đối với một khu vực được tuyên bố là lợi ích an ninh sống còn của mọi chính quyền [Mĩ] trong sáu mươi năm qua’. Chương 3 của tài liệu mô tả cách mà Mĩ có thể chống lại. Nó đòi hỏi các cuộc tấn công ‘động và không-động’ [kinetic and no-kinetic] (nói cách khác là vừa nổ vừa điện tử) vào các trung tâm chỉ huy nội địa, hệ thống radar và các cơ sở thu thập thông tin tình báo, đánh vào việc sản xuất tên lửa và các kho tàng trữ và các hoạt động ‘mù’ chống vệ tinh của Trung Quốc. Nó cũng nói rằng ‘các dòng chảy thương mại đường biển [của Trung Quốc] sẽ bị cắt đứt, với mục tiêu hướng tới việc gây căng thẳng lớn lên nền kinh tế Trung Quốc và, cuối cùng, làm căng thẳng nội bộ’. Tài liệu có ý định kích thích việc thảo luận. Nó đã thành công vượt xa sự mong đợi của tác giả, gây phẫn nộ thẳng một mạch tới Bắc Kinh.

Phải cho đến tháng 5 năm 2013 chính phủ Mĩ mới phát hành một bản tóm tắt không bí mật về Hải Không Chiến và chỉ còn 16 trong bản gốc 44 trang của Clark sống sót qua kiểm duyệt. Bản chất của Hải Không Chiến đã được cho một từ viết tắt vô duyên: NIA/D3- lực lượng tích hợp, được tổ chức hệ thống có khả năng tấn công theo chiều sâu để gây rối, hủy diệt và đánh bại các lực lượng thù địch (networked, integrated forces capable of attack-in-depth to disrupt, destroy and defeat adversary forces). Đó là phần ‘sâu sa’, nguyên nhân chính gây quan ngại. Từ ‘Trung Quốc’ không xuất hiện nhưng lại có trong những khía cạnh quan trọng khác trong bài viết của van Tol: để khắc phục những đe dọa của A2 / AD – chiến thuật ‘Chống truy cập’ và ‘Từ chối khu vực’ của ‘sát thủ giản’ hay tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc - Mĩ sẽ phải tấn công các hệ thống chỉ huy và điều khiển nằm cách xa chiến trường. Như Clark giải thích, ‘ta phải đi vào và làm phẫu thuật để lấy ra các yếu tố cụ thể của hệ thống A2./ AD.’ Nhưng ông thích khẳng định rằng ‘tấn công’ không nhất thiết có nghĩa là chết chóc và hủy diệt: ‘nó cũng có thể là một cuộc tấn công không-động trong đó tôi vặn tắt một số phần của thiết bị hoặc từ chối cho nó khả năng nhìn thấy tôi hay làm cho việc thông tin liên lạc của nó không hoạt động, một tấn công khá sâu là như thế.’

Ông cũng khẳng định rằng nó không nhằm vào Trung Quốc. Trong trong tuần làm việc cuối tại Lầu Năm góc, Clark thảo luận Hải Không Chiến với Đô đốc Wu Shengli [Ngô Thắng Lợi], người đứng đầu của Hải quân Trung Quốc, đang thăm Washington DC. ‘Chúng tôi đã giải thích rằng đó là về một tình huống kiểu Iran ... hay Syria nhiều hơn. Đó không chỉ là về Trung Quốc; chúng ta đã thấy các khả năng này đang triển khai ở đó như thế nào. Nhiều quốc gia khác muốn thế giới ngưng can thiệp vào những điều xấu họ làm’. Nhưng thông điệp rơi vào các tai điếc. Mọi thứ mà dàn lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc nghe về Hải Không Chiến đã xác nhận về nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của họ và những thành kiến xấu xa nhất về ý định của Mĩ.

Vấn đề đối với khu vực này là cả hai cường quốc đều lấy sợ hãi và định kiến làm cơ sở cho các quyết định quan trọng. Không bên nào tin tưởng bên nào. Các nhà tiên tri tại Phòng Đánh giá ròng và nhóm chuyên gia tư vấn được ưa chuộng của nó đã làm những gì họ được trả lương để làm và tưởng tượng ra các mối đe dọa trong tương lai đối với vị trí đứng đầu toàn cầu của Hoa Kì. Dù đe dọa đó có khả năng xảy ra hay không, điều đó không thực sự quan trọng với họ; điểm quan trọng là nó có thể xảy ra. Jan van Tol đã nêu trong bài viết tháng 5 năm 2010 ‘Đối với những người lập luận rằng một cuộc xung đột Trung-Mĩ là “không thể tưởng tượng được”, cần phải nhấn mạnh một lần nữa rằng mục đích của “suy nghĩ về điều không nghĩ được” là qua cách làm như vậy, có thể tìm ra nhiều phương cách để duy trì và tăng cường sự cân bằng quân sự ổn định ở Tây Thái Bình Dương, do đó giữ xung đột ở miền của cái “không thể tưởng tượng được”’. Nói cách khác, sự thống trị quân sự của Hoa Kì ở Biển Đông và các vùng lân cận phải vẫn giữ áp đảo tới mức không có nước nào khác dám thách thức nó. Và nói đơn giản như thế này, một khi có một đe dọa có thể có cho vị trí đứng đầu của Mĩ được đưa ra, cách phản ứng duy nhất chấp nhận được về mặt chính trị là cho phép thực hiện các chiến lược và các hệ thống vũ khí mới để đánh bại nó.

**********

‘Mối đe dọa Trung Quốc’ đối với việc Mĩ truy cập Biển Đông và xa hơn nữa có thật đến mức nào? Các con số trần trụi có vẻ rất ấn tượng. Trung Quốc hiện có hạm đội hải quân lớn thứ hai thế giới và ngân sách quân sự cũng lớn thứ hai. (Mĩ tất nhiên, đứng ở vị trí đầu bảng). Viện Nghiên cứu và Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính chi tiêu quốc phòng năm 2012 của Trung Quốc ở mức $166 tỉ - tăng 12 % so với năm trước.[11] Chương trình hiện đại hóa hải quân do Đô đốc Liu Huaqing [Lưu Hoa Thanh] khởi xướng (xem Chương 3), bắt đầu với việc nhập khẩu tàu ngầm và tàu khu trục do Nga chế tạo vào đầu những năm 1990, hiện tại Trung Quốc đang ở giai đoạn mà họ có thể tự thiết kế và làm ra các tàu chiến và các hệ thống vũ khí cho chính mình. Đến năm 2014, theo báo cáo về quân đội Trung Quốc mà Lầu Năm Góc phải cung cấp cho Quốc hội mỗi năm, Hải quân Trung Quốc sở hữu ‘77 tàu chiến chính trên mặt nước, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ vừa và lớn, và khoảng 85 tên lửa trang bị đầu đạn nhỏ’, và từ tháng 9 năm 2012, có tàu sân bay đầu tiên, tàu Liêu Ninh.[12]

Con số tàu đó thậm chí còn có vẻ ấn tượng hơn khi so sánh với Hải quân Mĩ. Hải quân Mĩ có khoảng 96 tàu chiến lớn, 72 tàu ngầm, 30 tàu đổ bộ lớn, 26 tàu chiến nhỏ và 10 tàu sân bay.[13] Và không giống như tàu của Hải quân Trung Quốc vốn chỉ tập trung ở một khu vực, tàu hải quân Mĩ trãi rộng trên toàn cầu. Nhưng những con số trơ trụi đó hầu như không nói lên điều gì về sức mạnh tương đối của mỗi bên. Gary Li là một trong những nhà quan sát độc lập biết nhiều thông tin nhất về Hải quân Trung Quốc. Trước đây vốn là chuyên gia phân tích cho Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược ở London, hiện đang làm việc cho phòng thông tin về vận chuyển trên biển thuộc IHS Maritime ở Bắc Kinh, ông theo dõi chặt chẽ khả năng của các tàu đang làm nhiệm vụ của hải quân Trung Quốc và ông không cảm thấy có ấn tượng. ‘Tàu Trung Quốc đi sau tàu Mĩ khoảng hai hoặc ba thế hệ. Tàu khu trục Mĩ lớp Arleigh Burke có thể tự cáng đáng một lực lượng hải quân nhỏ của chính nó. Vâng, người Trung Quốc đang đóng tàu như điên, nhưng họ khó đạt tới trình độ của Mĩ hồi năm 1990. Hải quân của họ có lẽ 20 năm nữa mới đạt tới tình trạng [hiện nay] của Mĩ và người Mĩ vẫn đang nhích về phía trước - ngay cả với tất cả các cắt giảm ngân sách.’[14]

Ngay cả chiếc tàu sân bay gây nhiều bàn luận, Liêu Ninh, chẳng có máy phóng để máy bay cất cánh mà sử dụng đường trượt để thay vào. Điều này có nghĩa là máy bay phản lực J-15 trên tàu chỉ có thể mang tên lửa nhẹ hơn, tầm ngắn hơn và không có ống chứa thiết bị điện tử chống radar khi cất cánh mang đầy nhiên liệu.[15] Một bài báo phê phán hiếm hoi trên báo chí Trung Quốc trong năm 2013 đã cảnh báo rằng tàu này và các máy bay của nó sẽ dễ bị tấn công thậm chí bởi quân đội Việt Nam. Như Gary Li nêu ‘Mỗi một thứ mới mà hải quân thêm vào làm cho nó có vẻ gần với một lực lượng hải quân hiện đại hơn một chút. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó là hải quân hiện đại.’ Nhiều vấn đề cơ bản tiếp tục cản trở hạm đội. Một bài báo tháng 12 năm 2013 bằng Tiếng Trung trên tờ Quân đội Giải phóng Nhân dân hàng ngày nhận xét rằng, ‘trong một cuộc tập trận gần đây, các thủy thủ trên bốn tàu tham gia đã có thể nghe thấy nhau nhưng không thể truyền dữ liệu chiến đấu vì các hệ thống thông tin của họ không tương thích nhau.’[16] Đội tàu cũng thiếu các tàu hậu cần tẻ nhạt nhưng thiết yếu trong việc giữ cho lực lượng hải quân hoạt động, và điều này ngăn trở tàu sân bay và các tàu khác hoạt động cách xa cảng.

Có nhiều vấn đề hơn nữa khi nói đến thực tế sử dụng trang thiết bị đó. Hầu hết các nhân viên quân sự đều kém học thức: cấp nhỏ chủ yếu là từ các gia đình nông dân và ít người được học lên sau tuổi 14; không tới một phần ba sĩ quan này có bằng đại học.[17] Việc tuyển quân vẫn còn theo hình thức nghĩa vụ quân sự và lính nghĩa vụ chỉ phục vụ hai năm, khiến họ ít có cơ hội để học những kĩ năng cao cấp. Tháng 5 năm 2013 Tham Mưu Trưởng PLA Fang Fenghui [Phương Phong Huy] nói với cử toạ tại Trường Huấn luyện Chỉ huy quân đội Nam Kinh rằng điều cần thiết đối với các học viện quân sự là ‘trau dồi tài năng phù hợp với thực tế chiến đấu, chiến trường và các yêu cầu chiến đấu,’ điều đó hàm ý rằng cho đến thời điểm đó họ chưa làm được như vậy.[18] Hải quân PLA thiếu kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực của chiến tranh hiện đại. ‘Trận hải chiến lớn cuối cùng họ có được là ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974’, Li lưu ý. Anh và Mĩ đã có gần một thế kỉ kinh nghiệm với tàu sân bay. Trung Quốc chỉ có khoảng một năm. Họ không có kinh nghiệm với chiến tranh chống tàu ngầm hoặc các cuộc tấn công tên lửa tầm xa, họ thậm chí không có đủ các tàu chống mìn. Người Mĩ có thể kiềm giữ toàn bộ Hạm đội Bắc Hải của PLA chỉ bằng việc thả mìn Vịnh Bột Hải.’ Hơn nữa, trong bất kì cuộc đối đầu trực tiếp nào giữa hai nước, có khả năng là quân đội Mĩ sẽ được các lực lượng hải quân có khả năng cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và có thể những nước khác yểm trợ.

Thậm chí tác giả của khái niệm Hải Không chiến, Bryan Clark, cũng thừa nhận rằng Hải quân Trung Quốc hiện không đặt ra nhiều đe dọa đối với Hoa Kì: ‘Ngay bây giờ Mĩ có thể - thông qua chiến tranh điện tử hoặc tấn công động trực tiếp hoặc phuơng thức khác - đánh bại tất cả các khả năng A2/AD ở đó.’[19] Tại thời điểm viết bài, tên lửa đạn đạo Dong-Feng-chống tàu vẫn chưa được thử nghiệm với mục tiêu di động trên biển và cũng có nghi ngờ về việc liệu PLA có khả năng triển khai và tích hợp các cảm biến hết sức phức tạp và hệ thống điều khiển này- 'chuỗi tận diệt’ (kill chain) - mà họ sẽ phụ thuộc vào.[20] Lầu Năm Góc tự tin rằng họ có thể chống lại các hệ thống như vậy. ‘Chúng tôi đã tách các chuỗi tận diệt [của Trung Quốc] tới cấp độ "thứ n"’, Trung tướng Herbert Carlisle, lúc đó là Phó Tham mưu trưởng không quân Mĩ về tác chiến nói với Aerospace Daily tháng 9 năm 2011.[21] ‘Hồi tháng 1 năm 2014 nổi lên chuyện Trung Quốc bán một phiên bản khác của tên lửa này cho Saudi Arabia năm 2007 mà các nhà phân tích tình báo Mĩ đã tháo ra và xem xét toàn diện.’[22]

Vì vậy, trong khi câu chuyện chi phối ở các thủ đô nước ngoài là về sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc, thì bên trong quân đội Trung Quốc câu chuyện lại xoay nhiều hơn về điểm yếu tương đối của nó. Như một trong những học giả Trung Quốc có tiếp cận với các nhà hoạch định chính sách nói với tôi ở Bắc Kinh, ‘Trung Quốc không muốn thấy Mĩ chắn đường vận tải biển của họ, nhưng họ không có một chiến lược rõ ràng về cách phản ứng. Họ không biết phải làm gì’. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức rõ rằng họ rất may mắn. Quân đội chưa thật sẵn sàng của họ không phải đối mặt với các mối đe dọa chết người ngay lập tức và nước này có thời gian để xây dựng dần sức mạnh kinh tế và quân sự của mình đối mặt với những thách thức phía trước. Họ đang tận huởng cái các nhà tư tưởng của họ gọi là ‘thời cơ chiến lược’- thời đại hiện nay của chúng ta tương đối hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Theo cái nhìn của các lãnh đạo Trung Quốc - dân sự và quân sự - toàn bộ sự phát triển của nước này phụ thuộc vào việc kéo dài giai đoạn này càng lâu càng tốt. Những gợi ý về điều đó xuất hiện lúc này lúc khác. Ngày 4 tháng 2 năm 2013, khi mà Trung Quốc và Nhật Bản tỏ ra trên bờ vực của cuộc xung đột về Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thông điệp đó đã được công khai nêu ra rành mạch ở một nơi đáng ngạc nhiên. Tờ Thời báo Hoàn Cầu thường đầy các cuộc tấn công bằng lời vào Hoa Kì, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, và đòi hỏi phải có hành động cứng rắm đối với những ai vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Vì vậy, khi Tướng Liu Yuan (Lưu Nguyên) sử dụng nó để bảo những kẻ hiếu chiến phải câm mồm, điều đó đã tạo ra một sự khuấy động. Ông viết ‘Phát triển kinh tế của Trung Quốc đã bị tan tác vì chiến tranh với Nhật Bản hai lần trước đây,và tuyệt đối không được để nó bị gián đoạn một lần nữa bởi một sự cố bất chợt nào đó’. Ông cũng đã cố nhấn mạnh lại quan điểm đó trong cuộc phỏng vấn truyền hình.

Tuớng Lưu Nguyên chẳng phải thuộc phe bồ câu. Ông là con trai của Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch đầu tiên của Trung Hoa cộng sản, anh hùng cách mạng (và nạn nhân chính trong Cách mạng Văn hóa của Mao). Được biết ông rất thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình và đã được gợi ý đề bạt vào Quân Ủy Trung ương, cơ quan quân sự cao nhất của Trung Quốc. Theo lời lẽ trong một báo cáo của cơ quan thông tấn phương Tây ông đuợc biết nhiều hơn qua những ‘bài phát biểu và bài tiểu luận đẩy mạnh một hình thức của chủ nghĩa dân tộc chiến đấu Trung Quốc vốn bác bỏ quan niệm của phương Tây về cởi mở chính trị và tự do dân sự’. Nói cách khác, ông có vẻ đại diện cho tiếng nói đích thực của quân đội cộng sản. Tại sao một người với thành tích diều hâu rõ ràng như vậy lại ủng hộ một cách tiếp cận ôn hoà như thế? Đầu mối nằm trong tiêu đề của bài viết của ông trên tờ Hoàn Cầu: ‘Bảo vệ Thời cơ Chiến lược, Chiến tranh là Giải pháp cuối cùng’'. Lập luận của Lưu Nguyên là kẻ thù của Trung Quốc có âm mưu thu hút họ vào cuộc xung đột để giữ họ mãi yếu kém. Có rất ít nghi ngờ, trong đầu các lãnh đạo quân sự của Trung Quốc, rằng nếu nước này phải đánh nhau với Mĩ trong một hoặc hai thập kỉ tới thì lực lượng vũ trang của họ sẽ bị làm nhục và nền kinh tế của họ sẽ bị bao vây và bóp nghẹt. Ngay cả một trở ngại nhỏ cũng có thể gây ra vấn đề lớn cho một chính phủ đang cố khắc sâu tính hợp pháp trong công chúng. Theo quan điểm của các học giả Bắc Kinh, ‘chính phủ Trung Quốc không thể kham nỗi dù chỉ một thất bại nhỏ trong một cuộc đối đầu’.

Nhưng điều này lại mang tới một vấn đề lớn cho Trung Quốc. Nếu các nước láng giềng xung quanh Biển Đông tin rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ tiến hành chiến tranh thì ảnh hưởng chiến lược của họ sẽ suy giảm đáng kể. Bằng cách nào đó các bên tranh chấp lãnh thổ đối thủ phải được kích thích để tin rằng Trung Quốc có thể chọn việc đánh nhau bất kể điều đó dường như không hợp 1í như thế nào. Đây là vai trò chiến lược mà các ‘diều hâu’ truyền thông của Trung Quốc đang đóng. Bên cạnh việc thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong nước (như chúng ta đã thấy trong Chương 6) họ phục vụ một chức năng rất tinh tế nhưng quan trọng trong mưu đồ chiến lược của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Úc Andrew Chubb đã phân tích sâu sắc ngôn ngữ hiếu chiến và việc định giờ đưa ra các phát biểu của các nhà phân tích quân sự nổi tiếng nhất của Trung Quốc, trong đó có Thiếu tướng Luo Yuan (La Viện), Chuẩn Đô đốc Zhang Zhaozhong (Trương Triệu Trung) và và Đại tá Không quân Đái Húc. Ông tin rằng những người này giúp khắc sâu nhận thức quốc phòng trong nhân dân (điều đã được luật định từ năm 2001) nhưng cũng quan trọng như làm tăng áp lực lên các đối thủ của Trung Quốc. Bằng cách tạo ra các ý tưởng về một phe cứng rắn đòi hỏi các nhà lãnh đạo dân sự phải có hành động mạnh mẽ hơn, họ giúp củng cố vị thế đàm phán của những người lãnh đạo. Đồng thời họ cũng có các lời lẽ phóng đại khả năng của Trung Quốc và cho ấn tượng rằng Trung Quốc sẵn sàng tấn công. Mục đích tổng thể xuất phát ngay từ lời của Sun Tzu: (Tôn Tử) ‘Thuật chiến tranh tuyệt đỉnh là khuất phục kẻ địch mà không cần phải đánh’ (战争的最高艺术是屈人之兵不战: chiến tranh đích tối cao nghệ thuật thị khuất nhân chi binh bất chiến).

Kết quả là một tam giác ma quỷ kết nối các diều hâu Trung Quốc đưa ra các trích dẫn đầy hăm dọa của họ như là một phần của chiến tranh chính trị của PLA, truyền thông quốc tế vốn biết rằng nói chuyện đối đầu hiếu chiến thu hút khán giả và các diều hâu Mĩ sẽ nắm từng mảnh bằng chứng mới về ‘mối đe dọa Trung Quốc’ để biện minh cho việc tăng thêm chi tiêu cho quân đội và việc trỏ mũi dùi vào Trung Quốc. Điều đó, đến lượt nó, lại cung cấp cho các diều hâu PLA thêm bằng chứng về các âm mưu của Hoa Kì và củng cố vị trí của họ với khán giả trong nước. Khi học giả Bắc Kinh tâm sự với một nụ cười thì có rất nhiều người tin vào thuyết âm mưu ở Trung Quốc đến mức chúng ta chỉ cho rằng họ đang cố ý hành động để lôi kéo chúng ta vào bẫy. Một học giả Trung Quốc khác, giáo sư Zha Daojiong [Tra Đạo Quýnh] thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Đại học Bắc Kinh, nói với tôi rằng lo lắng lớn nhất của ông là quân đội Trung Quốc có thể tin vào những lời khoa truơng của Mĩ và bắt tay vào một cuộc chạy đua vũ trang và làm theo cách Liên Xô trong cùng mục đích. ‘Tôi cố gắng để khuyên họ đừng làm điều đó. Điều rủi ro là quân đội sẽ phát triển quá lớn, nhận ngân sách quá nhiều và có quyền lực quá to bên trong Trung Quốc’. Cuộc chiến giành quyền truy cập vào các EEZ của Biển Đông là nền tảng cho sự cân bằng quyền lực toàn cầu. Thế giới có thể cuối cùng đi đến với việc chính sách an ninh bị các thành phần hiếu chiến nhất của Mĩ và các tầng lớp chính trị của Trung Quốc quyết định trong một cuộc đấu tranh tự tồn và có khả năng tự hủy hoại giành vị trí đứng đầu.

Hiện nay có rất ít nguy cơ rằng Trung Quốc sẽ cố ý tìm kiếm xung đột về quân sự: hậu quả sẽ là quá đắc cho chính họ. Một thất bại trước Mĩ có thể gây bất ổn không sửa chữa đuợc cho quyền lãnh đạo. Trung Quốc có thể có tham vọng đẩy lùi Mĩ ra xa, nhưng hiện giờ không có khả năng quân sự để làm như vậy. Tuy nhiên, dần dần, khoảng cách giữa hai bên sẽ thu hẹp và nguy cơ xảy ra xung đột sẽ lớn lên. Từ giờ tới đó, quân đội mỗi bên sẽ thổi phồng thêm các mối đe dọa từ bên khác và tận hưởng những lợi ích của việc gia tăng ngân sách đi kèm theo. Mối nguy hiểm là có hai cuộc đối đầu diễn ra ở Biển Đông - một giữa Trung Quốc và Hoa Kì về vấn đề truy cập và một giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về lãnh thổ - sẽ tương tác theo những cách khó đoán trước được.

Ít có khả năng Trung Quốc sẽ chọn việc đánh nhau công khai với quân đội một nước Đông Nam Á. Ngay cả khi Trung Quốc chiếm ưu thế, tính hợp pháp ngoại giao của nước này sẽ bị hủy hoại: chính sách tồn tại hòa bình mà họ rêu rao sẽ được chứng tỏ là một lời nói dối. Nhưng tất cả các lựa chọn không có xung đột vẫn còn đuợc xem xét. Một số sự cố, như Philippines mất Bãi Scarborough hoặc cuộc đối đầu vào giữa năm 2014 khi Trung Quốc đặt dàn khoan dầu bên trong EEZ do Việt Nam yêu sách gần quần đảo Hoàng Sa, được biết đến rộng rãi. Những sự cố khác, liên quan đến Indonesia và Malaysia chẳng hạn, được giữ im lặng. Trong mỗi trường hợp Trung Quốc đều dùng vũ lực nhưng không trực tiếp là lực lượng quân sự. Như Huang Jing, giám đốc của Trung tâm về châu Á và toàn cầu hoá chính sách công tại Singapore, nói với tờ New York Times vào năm 2013, ‘Những gì Trung Quốc đang làm là đưa cả hai tay ra sau lưng và dùng cái bụng to của họ để đẩy bạn ra ngoài, thách bạn đánh trước’.[23] Nhưng kết quả cuối cùng là như nhau: Đông Nam Á không sẵn sàng để chấp nhận những từ nhẹ nhàng của Bắc Kinh về tin cậy. Họ đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, chỉ để phòng trước.

**********

Một đại đội lính thuỷ đánh bộ Mĩ lẫn mình trong hàng cây: một phần để ngụy trang, một phần để được che mát. Nhiệt độ mùa khô đã đang tăng lên, và bị đè nặng bởi gánh nặng chiến trường, họ vui mừng có được cơ hội để nghỉ ngơi. Lính thuỷ đánh bộ Thái, quen với cái nóng và bụi cát phần đất này của Đông Nam Á nấp gần đó. Từ trên cao, thung lũng trông có vẻ xanh nhưng ở bên dưới phong cảnh khô cằn. Một vài cây cao che dấu sự khô hạn. Bên dưới các cành cây, cỏ mùa vừa qua đã biến thành mồi lửa. Ruộng lúa nứt nẻ chờ mưa tới, chủ ruộng đã đi khỏi từ lâu. Ngay cả chim chóc cũng lẫn đi, hoảng hốt bởi chuyển động chiến thuật trên mặt đất. Chúng vỗ cánh bay lên vách đá lởm chởm đá vôi cao chế ngự sàn thung lũng bằng phẳng. Tất cả đều im lặng.

Một cặp máy bay rú trên đầu lính thuỷ đánh bộ: F-16 của Thái. Mục tiêu của họ đặt tại chân của những vách đá đó. Những người điều khiển không lưu tiến tới hướng dẫn chúng bay vào, dùng laser tô màu các mục tiêu và chờ đợi khi những quả bom 500 pound rơi đi từ bụng của máy bay phản lực. Mọi người trong thung lũng sắp biết được ý nghĩa thực sự của từ ‘va đập’. Một ánh chớp lửa da cam ngắn và trong vài giây không rõ bom đánh trúng mục tiêu hay không nhưng khi âm thanh của vụ nổ bay đến quả thật dữ dội: muốn vỡ màn nhĩ ngay cả đối với những người xa bên ngoài vòng đai an toàn. Khi cột khói vươn cao hơn, tới phiên máy bay thứ hai thả bom, thậm chí gần với các vách đá hơn: một ánh chớp và một tiếng sét đinh tai. Sau đó, hai chiếc FA-18 của Mĩ tham gia: thêm hai quả bom 500 pound nữa. Mục tiêu đã bị xóa sạch.

Xa ngoài tầm mắt, pháo gầm lên. Nửa phút sau đạn pháo đâm sầm vào các gờ giữa chừng của vách đá, bắn các mảnh đá đỏ và mảnh đạn nóng xuyên qua rừng. Mục tiêu đã được điều chỉnh và đạn pháo bay tới nhiều hơn: nhiều mảnh đạn và khói hơn. Sau đó, việc bắn phá ngưng lại và lính thuỷ đánh bộ đã được lệnh di chuyển. Lính Thái vượt lên dẫn trước, di chuyển một cách thận trọng xuyên qua cây cối và các cánh đồng phía sau hàng rào chặn của đạn súng cối. Họ tiến đến một vị trí bắn dự định trước và nã các tràng đạn tự động. Lính Mĩ di chuyển cách một vài trăm mét về một bên và tham gia trận chiến. Một cặp xe bọc thép chặn bước tiến của họ, nhưng các lính thủy nâng tên lửa AT-4 lên vai. Hai quả tên lửa (rocket) bay vào từng mục tiêu và lính thuỷ đánh bộ có thể di chuyển qua các đống lửa cháy rực, nã đạn vào cây cối khi họ vận động tới mục tiêu cuối cùng. Nhiệm vụ hoàn thành. Cao trên đồi đối diện, được che trong trạm quan sát và được cung cấp đầy đủ nước đóng chai ướp lạnh, khán giả gồm các loại chỉ huy hoan nghênh những nỗ lực của binh lính họ trên mặt đất.

Trận đánh đã thiếu một điều duy nhất: một kẻ địch. Không ai bắn trở lại, những vách đá trống rỗng không có quân nổi dậy và hai xe bọc thép vốn là xe hơi cũ. Nhưng mọi thứ đã được thả xuống hay bắn ra là thật sự gây chết chóc, vì đây là một CALFEX - tập trận bắn đạn thật vũ khí hỗn hợp (Combined Arms Live Fire Exercise) - một cơ hội để thực hành những gì lính thủy đánh bộ gọi là ‘đầu đạn trên trán’ (warheads on foreheads). Một CALFEX, theo định nghĩa, là một sự thể hiện niềm tin to lớn. Chỉ huy đặt mạng sống của đơn vị mình trong tay của các phi công và xạ thủ từ quân đội nước khác. Một quả bom hoặc một quả pháo đánh nhầm chỗ có thể là một thảm họa. Một vài giờ đó ở dải đất xa xôi của tỉnh Lop Buri thể hiện sự gắn bó với nhau của liên minh quân sự giữa Mĩ và Thái Lan.

Trận tấn công kết hợp là phần cuối cùng của phiên bản ‘Cobra Gold’ (Rắn hổ mang Vàng) năm 2012 – cuộc tập trận đa quốc gia lớn nhất Châu Á. Bảy nước đã góp vào hơn 9 000 nhân sự: 5 300 từ Mĩ, 3 600 từ Thái Lan và 300 từ Hàn Quốc. Trong một cuộc phô diễn về những cách mà những căng thẳng trong khu vực đang buộc các nước Đông Nam Á phải che chắn vốn liếng an ninh của họ, Malaysia và Indonesia lần đầu tiên tham gia đầy đủ, dù với số lượng nhỏ. Hai nước này cùng Singapore và Nhật Bản đã từng cử tới khoảng 70 binh sĩ. Cobra Gold lúc khởi đầu chỉ là một sự kiện song phương Mĩ-Thái vào năm 1982 nhưng đã dần dần thu hút nhiều quốc gia từ khắp nơi trên khu vực và xa hơn nữa. Năm 2012 đã có các quan sát viên ở các nơi ở xa hơn như Sri Lanka và Mozambique. Quân đội Trung Quốc cũng đã chấp nhận lời mời đến quan sát. Có một lí do để người Mĩ muốn họ có mặt ở đó.

Cobra Gold có ba phần tách biệt: huấn luyện tại chỗ như CALFEX, ‘luyện tập chỉ huy’ hoặc CPX (command post exercise) cho sĩ quan cấp cao, và một chương trình ‘trái tim và khối óc’ cho cộng đồng địa phương. Điều đáng lưu ý nhất về Cobra Gold là nó là ít được lưu ý. Mỗi năm hàng ngàn lính Mĩ đi tới nhiều khu vực của Thái Lan, thực tập đánh trận thực tế với các đồng minh và đối tác, bắn vỡ các thứ không chút xúc cảm. Báo chí có mặt ở cuộc tấn công bãi biển hàng năm và chụp hình cảnh lính thuỷ đánh bộ uống rượu máu rắn trong quá trình huấn luyện trong rừng. Toà đại sứ Mĩ ra thông cáo báo chí về việc có bao nhiêu trường học, trại trẻ mồ côi và bệnh viện được lực lượng ‘con tim và khối óc’ xây dựng hoặc cải tạo và sau đó tất cả mọi người đều lại ai về nhà nấy cho tới cho đến tháng 2 năm sau. Mọi thứ đó để làm gì?

CPX diễn ra cách chỗ trận chiến giả 150 cây số, trong khung cảnh thoải mái hơn nhiều ở Trại Suranaree, tại vùng ngoại ô của thành phố ít được chú ý Nakhon Ratchasima. Tôi đã chuẩn bị làm việc trong điều kiện xấu nhưng phát hiện ra rằng những chiến binh đánh nhau với máy tính và điện thoại, ở trong khách sạn và ăn trong nhà hàng. Ngôn ngữ chung là tiếng Anh, điều đó có nghĩa là tất cả mọi người có thể giao lưu với nhau, và sau một ngày chơi trò chiến tranh đã có nhiều cách khác để tiếp tục chơi. Không phải không có lí do mà một số cựu chiến binh đã gọi cuộc tập trận này là ‘Cobra Golf’ (sân golf rắn hổ mang): có một sân ở căn cứ bộ binh và một sân tại các căn cứ không quân ở ngay bên cạnh.

Công việc của CPX được thực hiện bên trong tòa nhà trắng hai tầng dành làm nơi ăn nghỉ của sĩ quan. Tầng dưới, một giảng đường đã được biến thành một COC – Combat Operations Centre (Trung tâm điều hành tác chiến) - với hơn một trăm chỗ làm việc: ghế nhựa trắng với bàn xếp trước các máy tính xách tay được nối vào COWAN – Combined Operations Wide Area Net Work (mạng vùng rộng hoạt động tổng hợp) là nền tảng của toàn bộ hoạt động. Tất cả các bài luyện tập quân sự đều có một kịch bản nhưng kịch bản của Cobra Gold là một trong những kịch bản công phu nhất. Chúng diễn ra trên một đảo tưởng tượng ở giữa Thái Bình Dương, cùng kích thước và hình dạng đúng như bờ biển phía Tây của Mĩ. Các thị trấn và thành phố nằm đúng ngay những địa điểm đó và thậm chí có cùng tên. Đảo Pacifica trải dài từ Bắc Seattle tới Nam San Diego và các thành phố nội địa xa xôi như Salt Lake City và Albuquerque cũng có tên. Sự khác biệt chính là Pacifica bị phân chia thành hai phía giữa những kẻ làm điều ác ở bang Arcadia phía Bắc và những người tốt bụng ở nước láng giềng Kuhistan và bốn quốc gia nhỏ hơn: Isla del Sol (vùng khô cằn Baja California), Mojave, Sonora và Tierra del Oro. Làm phức tạp thêm tình hình là sắc dân Arcadia sống ở Kuhistan và một loạt các khó khăn khác của khu vực.

Các kịch bản thay đổi. Năm 2012, Arcadia đã tấn công Kuhistan và các lực lượng đa quốc gia đã có ý định đẩy lùi họ trở lại. Theo lời của quyền Tham Mưu Trưỏng CPX, đại tá bộ binh Mĩ Dave Parker, ‘một kịch bản tiến hành chiến tranh cao cấp - thực thi hòa bình’. Parker nói thẳng như ruột ngựa. Tôi đặt ra cho ông câu hỏi mà các nhà báo Trung Quốc nêu ra về việc liệu bài luyện tập này có nhằm vào đất nước của họ không. ‘Tất nhiên là họ phải quan tâm khi họ đi vào một Trung tâm tác chiến hỗn hợp và họ nhìn thấy người Malaysia đang ngồi bên cạnh người Singapore, Thái, Indonesia, Hàn Quốc và Mĩ – hiển nhiên là họ sẽ có một quan ngại nào đó rằng chúng tôi có quan hệ với nhau và rằng chúng tôi có thể tập hợp với nhau thành một lực lượng đa quốc gia - và có lẽ họ phải quan ngại về điều đó. Nhưng tôi nghĩ rằng điều quá rõ là chúng tôi có được nhiều quốc gia để có thể hình thành một lực lượng đa quốc gia’.

Bài luyện tập chỉ huy Cobra Gold không phải là luôn luôn về chiến tranh. Bài tập năm 2011 là về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa, và năm 2013 cũng như vậy. Nhưng như Parker giải thích, kịch bản gần như là không quan trọng. Điều quan trọng là cách quân đội của các nước khác nhau làm việc với nhau. ‘Chúng tôi đã cắt đi Thủ tục tác chiến tiêu chuẩn (Standard Operating Procedure hay SOP) - SOP của lực lượng đa quốc gia (Multinational Force SOP hay MNF SOP) – vốn được phát triển tại đây ở Thái Bình Dương. Tổ chức làm việc giữ gìn nó – Multinational Planning Augmentation Team (Đội tăng cường hoạch định đa quốc gia)- đóng tại Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mĩ và họ tạo điều kiện cho tất cả 34 quốc gia có tham gia SOP này. Đó là một nhiệm vụ rất lớn và là một tiến trình đang thực hiện’. MNF SOP điều chỉnh cách thức chia sẻ thông tin giữa các tổ khác nhau trong nhóm chỉ huy và cách gửi nó tới các chỉ huy tại mặt trận - từ việc thiết kế các hệ thống máy tính cho tới thứ tự mà các cuộc họp diễn ra. Với nhiệm vụ thường xuyên là người đứng đầu Ban giám đốc Kế hoạch của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương (PACOM) nên Đại tá Parker biết rõ quá trình này.

Tầm quan trọng của Cobra Gold là cách nó cho phép quân đội nhiều nước của khu vực thực hành làm việc như một đơn vị duy nhất hướng tới một mục tiêu chung - bằng cách sử dụng MNFSOP dưới sự bảo trợ của PACOM. Các bài học học được đã được sử dụng nhiều lần trong thế giới thực: đặc biệt là sau trận sóng thần năm 2004 quanh Ấn Độ Dương, và tại Nhật Bản năm 2011, và sau trận bão Haiyan [Hải Yến] tại Philippines năm 2013. Theo Parker, ‘điều quan trọng nhất của việc này là mối quan hệ mà chúng tội xây dựng với quân đội của các nước khác. Hãy giả định rằng chúng ta phải đối phó với một thảm họa thiên nhiên ở Indonesia. Vâng, có một số cá nhân quan trọng từng tham gia vào bài luyện tập này ở đây sẽ giúp chúng tôi bắt đầu quá trình nhanh hơn rất nhiều nhờ các quan hệ mà chúng tôi có được’. Nhưng như Parker nói, kịch bản là không quan trọng - những địa chỉ liên lạc sẽ đúng là hữu ích trong một tình huống xung đột trong tương lai như trong một thảm họa tự nhiên.

PACOM có một sự tồn tại kì lạ. Ngược lại với tất cả các bộ chỉ huy khu vực khác của Mĩ trên toàn thế giới, nó gần như không làm việc đánh nhau trong khu vực hoạt động của mình từ khi Sài Gòn sụp đổ. Parker thật ra phải cố gắng lắm mới nhớ được lần cuối cùng nó đã tham gia vào một hoạt động quân sự thực tế là khi nào: việc can thiệp khiêm tốn ở Đông Timor vào năm 1999. Thay vào đó PACOM dành nhiều thời gian và công sức vào cứu trợ nhân đạo: ‘Bạn xem có bao nhiêu trận động đất, sóng thần trong khu vực này. Đó không phải là chuyện “nếu như”, mà đó là chuyện “khi nào”’, Parker nói. Nhưng PACOM không phải là một cơ quan lập ra để làm việc cứu trợ. Nó dành hầu hết thời gian của mình để chuẩn bị cho các cuộc đối đầu gây biến động lớn có thể xảy ra với Bắc Triều Tiên hay, ngày càng nhiều hơn với Trung Quốc. Hai khía cạnh trong công việc của nó - trợ giúp và tấn công - là hai chức năng không tách rời; chúng là không thể thiếu đối với nhiệm vụ của PACOM: ngăn chặn đối đầu bằng cách chuẩn bị cho đối đầu. Chiến lược này được xây dựng trên ba trụ cột được tuyên bố: ‘xây dựng các quan hệ mạnh mẽ’, ‘duy trì một sự hiện diện an toàn trong khu vực’ và ‘chuyển tãi ý định và quyết tâm một cách hiệu quả’. Cobra Gold có đủ cả ba trụ cột đó. Chính vì vậy mà Trung Quốc đã được mời đến quan sát. Năm 2014 họ còn được cho phép tham gia - nhưng chỉ trong các hoạt động nhân đạo, không phải trong tập trận.

Cách tiếp cận này đã được đặt ở phía trước và ở trung tâm trong ‘Khái niệm Truy cập tác chiến hỗn hợp’, công bố vào tháng 1 năm 2012, như chúng ta đã thấy trước đó. Nó định nghĩa ‘Truy cập tác chiến’ là ‘khả năng triển khai lực lượng quân sự vào một khu vực tác chiến với đầy đủ quyền tự do hành động để hoàn thành nhiệm vụ’. Như trang đầu tiên của khái niệm nêu rõ, cuộc chiến để đánh bại A2 / AD (chiến thuật sát thủ giản của Trung Quốc) bắt đầu nhiều năm trước:

Thách thức cho truy cập tác chiến được xác định chủ yếu bởi các điều kiện hiện có trước khi bắt đầu các hoạt động chiến đấu. Do đó, sự thành công trong chiến đấu thường sẽ phụ thuộc vào những nỗ lực hình thành trước các điều kiện thuận lợi cho truy cập, điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận phối hợp liên ngành. Lực lượng phối hợp sẽ cố gắng định hình trước các khu vực tác chiến của cuộc xung đột thông qua một loạt các hoạt động an ninh và can dự như các cuộc tập trận đa quốc gia, các thỏa thuận truy cập và yểm trợ, thành lập và cải thiện các căn cứ ở nước ngoài, định vị trước các nguồn tiếp tế, và triển khai lực lượng ra phía trước.

Nói cách khác, tất cả mọi thứ mà PACOM thực hiện - từ các cuộc tập trận và thăm viếng các cảng cho tới các hoạt động cứu trợ, hội thảo khoa học và các giải đấu golf - là một phần của chiến lược để chống lại bất kì nỗ lực đóng biển không cho quân đội Mĩ vào. Nó được gọi là ‘định hình chiến trường’ trước và tất cả đều về các quan hệ.

PACOM cũng dùng cùng cách làm này trên biển. Năm 1995 họ tung ra chương trình CARAT – Huấn luyện và Sẵn sàng Hợp tác trên biển (Cooperation Afloat Readiness And Training), hiện nay lo tổ chức các cuộc tập trận hải quân hàng năm với 7 trong 10 thành viên của ASEAN. Chỉ còn Lào không có biển, Myanmar bị cô lập trước đây và Việt Nam còn thận trọng chưa tham gia. Nhưng Việt Nam hiện nay tiếp đón nhiều chuyến viếng thăm cảng thường xuyên của các tàu của Mĩ và đã bắt đầu tham gia vào cái mà các nhà phân tích mô tả như các hoạt động ‘kiểu CARAT’. Dần dần họ càng dấn sâu hơn quan hệ với PACOM. Tháng 6 năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Leon Panetta đã bay tới Việt Nam và có bài phát biểu trên một tàu hậu cần USS Robert Byrd của Mĩ, tàu này đang sử dụng các cơ sở sửa chữa tàu biển tại cảng tự nhiên rộng lớn tại Vịnh Cam Ranh. Nhiều cơ sở trong bến cảng này vốn do các kĩ sư Mĩ xây dựng trong thời chiến tranh Việt Nam khi cảng này là một trung tâm lớn về hậu cần của Mĩ. Panetta nồng nhiệt nói về những hi vọng của ông cho việc hợp tác sâu hơn trong tương lai.[24]

PACOM không cần nhiều căn cứ lớn để bắt đầu định hình chiến trường; nó chỉ cần truy cập. Các chỉ huy Mĩ đã học được bài học kinh nghiệm chua xót rằng việc có số lượng lớn các nhân viên quân sự đóng tại các xã hội châu Á có thể là có vấn đề. Phản kháng của địa phương đối với tiếng ồn máy bay ở căn cứ  không quân của lính thuỷ đánh bộ tại Futenma trên đảo Okinawa luôn là một cái gai thường xuyên ở bên họ, việc một chiếc xe bọc thép của Mĩ cán chết hai nữ sinh tại Hàn Quốc năm 2002 dẫn đến cuộc biểu tình rộng khắp, và sự căm giận trước cách lính Mĩ đóng ở Philippines cư xử với phụ nữ địa phương là một cuộc tranh luận chủ chốt đằng sau việc đóng cửa căn cứ hải quân Vịnh Subic. Nhiều kí ức ăn sâu. Tháng 10 năm 2013, một đề xuất xây dựng một căn cứ mới ở Vịnh Oyster trên đảo Palawan ở Philippines - mà Hải quân Mĩ sẽ có quyền truy cập - được công bố. Phản ứng tức thì từ bốn trong số năm lãnh đạo xã địa phương là phản đối vì họ sợ rằng nó dẫn tới sự gia tăng tệ nạn mại dâm. Tình cảm chống Mĩ ở địa phương dường như tăng lên khi có nhiều người Mĩ mặc quân phục ở xung quanh hơn. Một ‘dấu ấn’ nhỏ của quân đội Mĩ góp phần giữ cho những sự cố này ở mức tối thiểu trong khi cũng tiết kiệm hàng tỉ đô la.

Ngay cả ở nơi mà Mĩ không có căn cứ, họ cũng có một hình thức hiện diện khác. Tại Singapore, Nhóm Hậu cần của PACOM, cơ sở Tây Thái Bình Dương cho các bài tập CARAT và là một thành tố quan trọng trong việc tái cân bằng của Mĩ – đặt bên trong bến cảng hàng hóa dân sự tại Sembawang trong một khu vực an toàn được quân đội New Zealand quản lí theo Thoả thuận Quốc phòng của Năm Cường quốc. Chỉ có khoảng 150 nhân viên quân sự và 150 nhân viên dân sự hợp đồng đóng thường trực ở đó.[25] Cảng hải quân của Singapore tại Changi là cơ sở khu vực cho hai (cuối cùng bốn) tàu chiến ven biển (Littoral Combat Ship) thế hệ mới, được thiết kế để phô ra cờ Sao Sọc ở vùng biển Đông Nam Á, nhưng thủy thủ của tàu không được phép sống trên bờ. Ngay cả khi ở cảng họ vẫn phải ngủ trên tàu dù họ được tự do rời khỏi căn cứ lúc ngoài giờ). Có thể không có căn cứ lớn nào ở Philippines nữa nhưng Hiệp định Tương trợ Hậu cần cho phép việc tiếp tế nhiên liệu, tái trang bị, cho quân trú chân và các sắp xếp vận chuyển. Ở Darwin thuộc bắc Australia, sự hiện diện của 2 500 lính thuỷ đánh bộ Mĩ không được mô tả như là ‘thường trực’ vì cứ 6 tháng lại luân chuyển sang căn cứ khác. Do vậy căn cứ này sẽ không phát triển các loại cơ sở hạ tầng cho một cộng đồng ổn định như đã từng tồn tại ở Philippines hay vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam. Nhưng vào lúc có khủng hoảng thì tàu chiến, máy bay, đạn dược, vật tư và nhân viên sẽ chuyển tới qua các các cơ sở này cho phép Mĩ triển khai sức mạnh thẳng vào trung tâm của khu vực. Chính vì thế việc ‘truy cập’ là rất quan trọng.

Chính phủ Đông Nam Á chào đón ‘dấu ấn’ hơi nhẹ này của Mĩ trong khu vực. Nó vừa đủ lớn để cho thấy quyết tâm chính trị của Washington vẫn tiếp tục nhưng cũng vừa đủ nhỏ để làm giảm nguy cơ gây rối rắm về chính trị. Cơ sở hậu cần ít thu hút sự chú ý hơn các căn cứ quân sự và ít có khả năng kích động những lời chỉ trích từ các cường quốc ganh tị bên ngoài hay phong trào chống đối bên trong các nước. Nhưng sự hiện diện nhẹ hơn cũng tạo ra lo lắng. Trong nhiều thập kỉ, các nước Đông Nam Á dựa vào Hoa Kì để duy trì an ninh trên biển trong vùng lân cận của mình. Philippines đã làm như vậy một cách rõ ràng và những nước khác ngầm như vậy - ngay cả Việt Nam, sau khi Liên Xô sụp đổ. Khi cắt giảm ngân sách lờ mờ hiện ra ở Washington, chính phủ các nước trong khu vực đã nhận ra rằng họ không thể trông đợi Hải quân Mĩ làm nhiều như đã từng làm. Chắc chắn Hải quân Mĩ sẽ không bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của họ ở Biển Đông. Họ phải tìm các phương sách khác thay thế - và đó là thời điểm bùng nổ cho các nhà sản xuất vũ khí.

**********

Khi James Hilton xuất bản cuốn tiểu thuyết  về thiên đuờng Himalaya vào năm 1933, chúng ta có thể chắc chắn rằng ông không thể nào biết nó sẽ cho ra một cái tên cho cuộc tụ tập không chính thức phức hợp công nghiệp-quân sự của Châu Á. Nhưng 69 năm sau khi cuốn Lost Horizon (Chân trời đánh mất) của Hilton giới thiệu cho chúng ta lần đầu thiên đường núi xanh tươi của ông thì các vị tướng và các nhà ngoại giao tìm kiếm con đường khai sáng họp nhau lần đầu tiên tại ‘Đối thoại Shangri-La’ (Shangri-La là một thung lủng tưởng tượng, gần như địa đàng trong vùng Himalaya trong cuốn Lost Horizon - ND). Cái tên mời gọi một tầm nhìn về một cuộc gặp gỡ chưa từng có của nhiều bộ óc, một tiếng thì thầm của những người hành hương trong một bầu không khí thơm nồng làm đầu óc mở rộng.

Nhưng Shangri-La đã đi một chặng đường dài từ khi Hilton lần đầu khêu nó lên từ những chuyến lang thang của ông trên Himalaya. Nó bắt đầu cuộc hành trình vào cuối những năm 1960 khi nhà kinh doanh Malaysia gốc Hoa Robert Kuok (郭鹤年: Quách Hạc Niên) làm đảo lộn thị trường đường thế giới. Với tình cảm chống Trung Quốc tăng cao ở Malaysia, Kuok tìm kiếm một nơi an toàn hơn cho một số tài sản của ông bằng việc mua bất động sản ở nước láng giềng Singapore. Và năm 1971, Shangri-La đã có hình hài cụ thể lần đầu tiên, không phải dưới dạng một tu viện Tây Tạng mà dưới dạng một khách sạn 24 tầng sang trọng. Có rất nhiều người tìm tới cách nhìn của ông về vẻ đẹp đến nỗi ông đã bung ý niệm này ra khắp châu lục. Hiện có 72 khách sạn Shangri-La ở khắp châu Á: niết bàn dành sẵn cho các giám đốc điều hành doanh nghiệp.

Bước tiếp theo trong sự biến đổi của Shangri-La nổi lên từ một cuộc thảo luận giữa một nhóm chuyên gia tư vấn an ninh của Anh, Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS), và Chính phủ Singapore. Họ cảm nhận rằng Châu Á cần một địa điểm mà ở đó nước này có thể nói chuyện hòa bình (hoặc chuyện ngược lại) cùng nước khác thoải mái - khách sạn Shangri-La. IISS sẽ lo liệu danh sách khách mời, chính phủ Singapore sẽ bố trí về an ninh, và các nhà tài trợ sẽ chi trả cho mọi thứ khác. Singapore và IISS sẽ có được danh tiếng; các bộ trưởng sẽ nhận được một vài phút được chú ý; và các nhà tài trợ có rất nhiều cơ hội để bắt tay [quan hệ làm ăn].

Vì vậy, cứ mỗi tháng 6 kể từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La lại đến với Singapore. Mọi thứ đều rất trang nhã. Không có còi rú ầm ĩ hay các đoàn xe dài và hầu như không có đường bị đóng. Các chỉ dấu duy nhất cho biết có một cuộc họp mặt quốc tế đang diễn ra là các dây cao su nhỏ niêm nắp miệng cống và các hộp thư bị bọc trong bao plastic - cả hai đều nhằm ngăn chặn việc đặt chất nổ bên trong một khu của khách sạn. Bên trong tòa nhà, bảo mật chỉ ở mức dè chừng. Một khi đã qua các máy dò kim loại, khách được tư do gặp gỡ với các bộ trưởng và các tướng tá. Dễ dàng bỏ sót các anh chàng Gurkhas [người Nepal] lực lưỡng khuất trong màu xám than của bộ đồng phục của họ. Chỉ có cái hộp cầm theo dài quá khổ mới làm họ lộ ra, kích thước hộp vừa vặn để che giấu khẩu tiểu liên: đó là an ninh các quý ông. Đây là khách sạn Shangri-La thế kỉ 21, ở đó những thanh niên từ vùng Himalaya trong coi việc bảo vệ thận cận.

Đối với những người đi tìm sức mạnh, Đối thoại năm 2012 có khá nhiều ưu đãi của các nhà tài trợ: Boeing (nhà sản xuất của các máy bay trực thăng Apache, máy bay chiến đấu F / A-18 , máy bay vận tải C-17 , và tên lửa chống tàu Harpoon cùng các sản phẩm khác), EADS (có danh mục của riêng họ bao gồm máy bay trực thăng Cougar, máy bay chiến đấu Typhoon, máy bay vận tải A400M và tên lửa chống tàu Exocet, Mitsubishi (tham gia 5 tháng sau khi chính phủ Nhật Bản nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu quân sự), trụ sở tại Singapore của ST Engineeringt (nhà sản xuất của mọi loại xe địa hình Bronco, tên lửa chống tăng MATADOR và các tàu tuần tra Fearless) và hai cộng tác viên không thuộc công nghiệp quốc phòng: tờ báo Asahi Shimbun của Nhật Bản và Quỹ MacArthur của hai nhà giàu vượt bậc John D. và Catherine T .Nếu cho rằng 6 nhà tài trợ chia đều nhau trong việc chi trả công khai và MacArthur Foundation tuyên bố rằng mức tài trợ của họ lên tới $250 000 thì có vẻ hợp lí để giả định rằng toàn bộ chi phí cho sự kiện hai ngày này chắc hẵn hơn $1.5 triệu. Một người trong cuộc cho rằng con số có thể là gần $ 4 triệu.

Boeing rõ ràng cảm thấy rằng cái họ thu được xứng đáng với đóng góp bỏ ra: năm 2012 là năm thứ mười của họ trong tư cách nhà tài trợ. Không khó để hiểu lí do. Với rất nhiều đấu thủ chủ chốt ở trong cùng một khách sạn, các cơ hội kết nối là rất lớn. Trong Đối thoại năm 2012, Dennis Muilenburg, người đứng đầu của Boeing Defense, Space Security (Quốc Phòng và An ninh Không gian), đã sắp xếp họp được với 13 bộ trưởng quốc phòng khác nhau: tất cả đều là khách hàng tiềm năng. Đó đều là các cuộc trao đổi quan trọng cho công ti của ông. Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên, ông tiết lộ rằng doanh số bán cho nước ngoài hiện chiếm một phần tư doanh thu đơn vị của ông. Với chi tiêu quốc phòng của Mĩ và châu Âu bị cắt giảm, châu Á đang trở thành một thị trường quan trọng. Tháng 6 năm 2012 Boeing Defense chỉ có một khách hàng tại khu vực Đông Nam Á: Singapore. Nhưng với tất cả các nước trong khu vực ngày càng giàu hơn và lo lắng về an ninh hơn, đây là nơi mà sự đe dọa và cơ hội gặp gỡ nhau.

Đó là lí do tại sao rất nhiều người đến với Đối thoại mỗi năm. Trọng tâm của công chúng có thể là diễn văn của các tên tuổi lớn, nhưng, như một thành viên của phái đoàn Canada tâm sự trong thang máy, ‘các cuộc họp song phương mới thực sự là nơi có hành động.’ Không nhiều người đến với hội nghị năm 2012 để nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ thảo luận về thời điểm chuyển đổi trong tư duy chiến lược của Châu Á hoặc đồng nhiệm Campuchia ông dành chỉ 60 từ cho tranh chấp biên giới của nước ông với Thái Lan (vốn đã dẫn hai nước đến đỉnh điểm chiến tranh năm trước) trong một bài phát biểu về sự ổn định trong khu vực. Không, điểm quan trọng của Đối thoại, như hầu hết những người tham dự của nó quan tâm, là những gì diễn ra ở chỗ tư riêng.

Trò chơi này đã ló dạng phần nào vào cuối phát biểu của Leon Panetta. Đây là bài phát biểu mà tất cả mọi người đều muốn nghe. Phòng họp đông như nêm, hơn 500 người ngồi ở các hàng ghế nghe chăm chú và nhiều người nữa đứng vòng quanh các bức tường khi Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ giải thích việc Mĩ chuyển trục sang châu Á thực sự có ý nghĩa là gì. Nó sẽ trở thành tiêu đề lớn cho báo chí khắp nơi. Nhưng ngay trước khi phần của ông kết thúc, hai nhóm người mặc quân phục đứng dậy bỏ đi. Các đoàn đại biểu của Đức và Việt Nam đã lên lịch họp song phương để thảo luận về hợp tác quân sự - và điều đó là quan trọng hơn nghe vài phút cuối của ông Panetta. Bước ra ngoài để dự một cuộc thảo luận ngoài khuôn khổ. Đó chỉ là cuộc họp riêng đầu tiên. Còn tất cả, theo một thành viên của đoàn đại biểu của họ, đoàn Việt Nam đã xoay xở có 12 cuộc họp song phương chính thức trong thời gian còn ở lại vào cuối tuần.

Năm 2012 là có ý nghĩa cho quân đội các nước Đông Á. Lần đầu tiên trong lịch sử gần đây, ngân sách của họ lớn hơn ngân sách các thành viên Châu Âu của NATO.[26] Điều này chủ yếu là do cắt giảm ở Châu Âu nhưng cũng do các nước Đông Á đã chi cho các lực lượng vũ trang hơn 7,8 % so với năm 2011; tổng cộng là $301.tỉ, theo Viện nghiên cứu và Hòa bình Quốc tế Stockholm. Trung Quốc chiếm tới 55 % trong tổng số đó. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan gộp chung chiếm thêm 33 % nữa. Qua so sánh, các nền kinh tế nhỏ hơn, nghèo hơn ở Đông Nam Á chi tiêu rất ít cho quốc phòng. Ngân sách quân sự gộp chung của 5 nước Đông Nam Á có tranh chấp Biển Đông - Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam - chỉ chiếm 6 % của tổng số khoảng $18 tỉ của Đông Á. Con số đó gần bằng của Thổ Nhĩ Kì.

Hai nước có quân đội tinh vi nhất trong khu vực, Singapore và Thái Lan, chiếm hầu như tất cả các phần còn lại. Nhưng chi tiêu ngày càng tăng nhanh. Năm 2012, chi tiêu của Việt Nam đã tăng 20 %, Philippines 10 %, Indonesia 16 % và Singapore 5 %. Malaysia và Brunei thì giảm nhẹ, nhưng chỉ vì họ đã có con số cao trong năm 2011. Đây là những thị trường hấp dẫn cho các nhà sản xuất vũ khí tìm cách để bù đắp khoảng 11 % cắt giảm chi tiêu trong các thành viên châu Âu của NATO kể từ năm 2006.

Sau giờ làm việc, tại nhiều quán bar khách sạn Shangri-La, đại diện của các nhà sản xuất vũ khí cụng li đùa bỡn rằng lãnh đạo Trung Quốc đã giúp họ đạt được chỉ tiêu bán hàng. Nếu mối quan tâm của Mĩ về truy cập khiến Trung Quốc quan ngại về an ninh thì việc Trung Quốc đẩy mạnh an ninh lại làm dấy lên nỗi sợ hãi của mọi nước khác về mất an ninh.

Cuối năm 1992, không lâu sau khi Trung Quốc thông qua luật về lãnh thổ đưa ra yêu sách đối với cho các nhóm đảo ở Biển Đông và nhượng quyền khai thác dầu mỏ ngoài khơi bờ biển Việt Nam cho Crestone (xem chương 5), Indonesia đáng để ý mua một phần ba Hải quân Đông Đức cũ: tổng cộng 39 tàu bao gồm tàu khu trục, tàu đổ bộ và tàu quét mìn.[27] Những tàu đó hiện nay đã lỗi thời, 6 tàu chiến lớn nhất của nước này cũng thế: các tàu khu trục nhỏ trước đây của Hà Lan đã 60 tuổi. Hải quân Indonesia ngày càng giảm đi khả năng bảo vệ đất nước hơn, thậm chí khi các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc tăng lên. Tàu hiện đại các cỡ của họ chỉ là 4 tàu hộ tống do Hà Lan đóng và 5 tàu đổ bộ do Hàn Quốc đóng. Còn lại hải quân của họ gồm khoảng 50 tàu tuần tra và 4 tàu tên lửa nhỏ. Đối với một đất nước có 13 000 đảo, Indonesia dường như đặt ưu tiên tương đối thấp cho lực lượng hải quân của mình. Đất nước này không có hệ thống cảnh báo sớm trên không, không có chuyến bay tiếp nhiên liệu trên không để trợ giúp tuần tra tầm xa trên biển và chỉ có các hệ thống chỉ huy và điều khiển thô sơ.[28] Lí do duy nhất mà họ có được hệ thống giám sát hàng hải tích hợp của hệ thống radar ven biển và trên tàu là do Mĩ chi cho, bề ngoài là để chống lại ‘cướp biển, đánh bắt trái phép, buôn lậu và khủng bố’, theo lời của Bộ Ngoại giao Mĩ.[29]

Quân đội Indonesia nổi tiếng là tham nhũng và việc mua sắm vũ khí của họ không tương quan thật tốt với những thách thức tiềm năng mà họ có thể phải đối mặt. Tháng 8 năm 2013 họ đã đồng ý mua 8 máy bay trực thăng Apache tấn công (từ Boeing) với giá $500 triệu. Năm 2012, họ mua 103 xe tăng chiến đấu chủ lực thừa của Đức. Không rõ mỗi thứ trong hệ thống này nhằm mục đích gì. Chắc chắn chúng sẽ không giúp bảo vệ yêu sách biển. Kế hoạch đầu tư quy mô lớn khí tài hải quân hiện đại đã nhiều lần bị trì hoãn hoặc tạm dừng vì vấn đề ngân sách. Indonesia có ý định mua tàu ngầm mới của Nga nhưng đã buộc phải mua một tàu Hàn Quốc rẻ hơn thay vào. Ba chiếc đang được đóng tại thời điểm viết sách và có đàm phán mua thêm. Kế hoạch mua một tàu khu trục cũ của Nga và ba tàu tuần tra ngoài khơi của Brunei đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, những lo ngại về tham vọng của Trung Quốc trên biển cuối cùng đã thúc giục chính phủ Indonesia đi vào hành động và bây giờ họ bắt đầu mua một số tàu thuyền nhỏ hơn và trang bị chúng với tên lửa chống hạm mới, bao gồm Exocet (do EADS đóng), Yahont của Nga và, C-802 trớ trêu là do Trung Quốc thiết kế nhưng đóng tại chỗ.

Philippines, một lần nữa, nói về hiện đại hóa quân sự của mình, như họ từng nói cứ mỗi vài năm chỉ để khám phá rằng tiền của đã bị lãng phí. Quân đội Philippines hiện đang trong tình trạng tồi tệ hơn so với năm 1995 khi Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia Thượng viện, Orlando Mercado, nói với Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, ‘chúng tôi có một lực lượng không quân không thể bay và một lực lượng hải quân không thể đi ra biển’.[30] Hai tàu lớn nhất của hải quân là tàu cũ của Tuần duyên Mĩ, và tàu lớn kế tiếp là từ thời Thế Chiến thứ hai và hầu hết số còn lại là các tàu tuần tra nhỏ hết hạn dùng của Anh hay Hàn Quốc. Các tranh luận về việc mua tàu đổ bộ và tàu khu trục mới đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp tại thời điểm viết sách. Nhật Bản đã cho Philippines vay $184 triệu để mua 10 tàu tuần duyên mới, nhưng sẽ là tàu dân sự chứ không phải quân sự. Không quân có một vài máy bay trực thăng và máy bay vận tải; còn máy bay phản lực chiến đấu cuối cùng thì hết hạn sử dụng vào năm 2005. Một kế hoạch trị giá $ 415 triệu mua 12 máy bay chiến đấu mới FA-50 từ Hàn Quốc đã được công bố nhưng sẽ phải mất nhiều năm trước khi các phi công sẵn sàng lái chúng cho các nhiệm vụ chiến đấu. Tháng 5 năm 2014, như một dấu kết thúc cho thỏa thuận đó, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tặng một tàu hộ tống nhỏ 30 tuổi cho Philippines.

Malaysia đã chi tiêu tiền một cách chiến lược hơn trong một khoảng thời gian dài và đã xây dựng một đội tàu tuần tra cho tuần duyên và các tàu lớn cho hải quân. Bây giờ họ có hai tàu ngầm do Pháp đóng nằm tại Kota Kinabalu trên đảo Borneo gần các mỏ dầu ngoài khơi của họ. Tháng 10 năm 2013, bảy tháng sau cuộc tập trận hải quân lớn của Trung Quốc gần Bãi ngầm James , Malaysia công bố kế hoạch thành lập một sư đoàn lính thuỷ đánh bộ mới sẽ đóng ở chỗ bờ biển phía các tàu ngầm, tại Bintulu, cảng gần bãi ngầm này nhất. Các lính thuỷ đánh bộ sẽ cần một kho các trang bị mới, trong đó có ít nhất một tàu đổ bộ, nhiều xe lội nước và máy bay trực thăng mới. Malaysia phải đối mặt với một đe dọa tiềm năng trong khu vực: yêu sách lãnh thổ dai dẳng đối với Sabah từ con cháu của Quốc vương Sulu, người đã tung ra một cuộc xâm lược nhỏ vào đầu năm 2013, giết chết 15 người Malaysia, nhưng điều đó không giải thích lí do tại sao họ lại mua tàu ngầm.

Việt Nam chi về quân sự ít hơn Malaysia rất nhiều nhưng tập trung vào phiên bản ‘sát thủ giản’ của chính họ: thiết bị rẻ hơn với khả năng gây thiệt hại lên một đối thủ mạnh hơn rất nhiều. Đầu năm 2014 Việt Nam đã nhận được chiếc đầu tiên trong 6 chiếc tàu ngầm mới của Nga. Họ cũng đã mua giàn pháo tên lửa chống tàu trên bờ của Nga và tên lửa đạn đạo do Israel chế tạo với tầm bắn 150 km, và sẽ sản xuất tại chỗ tên lửa chống tàu Uran của Nga. ‘Nếu như có một cuộc chiến tranh nóng lớn xảy đến trong các khu vực tranh chấp thì Việt Nam có lẽ ở vị thế mạnh nhất’, Gary Li lập luận. ‘Hải quân Trung Quốc không có cách nào có thể làm điều đó. Nó quá nguy hiểm. Nếu họ cho một hạm đội tràn xuống chạy ngang qua bờ biển Việt Nam thì về cơ bản đó là một hành lang bắn pháo. Việt Nam có tên lửa Bastion loại mới nhất, tàu ngầm Kilo và tàu tấn công nhỏ. Nếu Việt Nam bị thiệt hại thì họ chỉ cần tung trở về căn cứ. Nếu một tàu Trung Quốc bị hư hỏng thì lại cách căn cứ cả ngàn dặm và họ cũng không có một căn cứ hải quân lớn gần đó.'[31]

Việc mua bán vũ khí tương đối nhỏ trong khu vực Đông Nam Á không kể là ‘chạy đua vũ trang’. Các nước này không thể nào cạnh tranh với các chi tiêu quân sự của Trung Quốc. Nhưng rõ ràng họ đang cố gắng để ngăn chặn hoạt động hải quân không được chào đón bằng cách mua lại các loại vũ khí có thể gây thiệt hại cho một hạm đội mạnh hơn. Khả năng chống trả của họ đối với một hoạt động hải quân phối hợp của Trung Quốc ở Biển Đông là hạn chế nhưng trong hành động chẳng có bên nào muốn nổ súng đầu tiên, việc triển khai đơn giản lực lượng vừa tới mức đe dọa có thể cũng đủ để đảo ngược cán cân, chẳng hạn chống lại một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đang cố ngăn cản một giàn khoan dầu trong một khu vực bên trong ‘đường chữ U’. Dĩ nhân, yếu tố chưa biết là Hải quân Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao trước một đe dọa cho tàu cảnh sát biển. Đó có thể là bước khởi đầu của một sự leo thang nhanh chóng hướng tới cuộc xung đột mở.

Hoa Kì sẽ không đề ra lập trường chính thức về các tranh chấp lãnh thổ. Về các đảo [ở Biển Đông], họ có cùng quan điểm mà Tham mưu trưởng Anh có hồi năm 1950. ‘Quần đảo Trường Sa không có giá trị chiến lược đáng giá... Việc kẻ thù chiếm đóng chúng trong chiến tranh sẽ không là một mối đe dọa chiến lược nghiêm trọng miễn là chúng ta vẫn giữ được quyền kiểm soát Biển Đông,'[32] Nếu như có một cuộc xung đột xảy đến, thì các lô cốt lẻ loi sẽ là các tấm bia cho tên lửa điều khiển từ xa bắn vào. Vấn đề đối với Mĩ là họ có thể nắm quyền kiểm soát Biển Đông trong bao lâu. Hiện nay, mặc dù tất cả các thổi phồng về khả năng lớn mạnh của Trung Quốc, vị trí của Mĩ có vẻ vẫn an toàn. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc sẽ tăng lên theo thời gian và có thể sẽ đến một lúc lãnh đạo Bắc Kinh muốn đẩy bọn xâm lược đế quốc ra khỏi sân sau của mình, cũng giống như Mĩ đã đẩy Anh ra khỏi Biển Caribbea một thế kỉ trước.

Trong lúc này xung đột có nhiều khả năng nổi lên là từ một tính toán sai lầm trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và một trong các bên tranh chấp trong khu vực. Chính quyền Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn trên thực tế việc khai thác dầu và bảo vệ thủy sản ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines? Những nước này sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ yêu sách của mình? Chính phủ Trung Quốc và dân chúng, được khắc sâu từ khi học tiểu học niềm tin rằng ‘đường chữ U’ là của họ không thể tranh cãi và bị khoá kín trong một quyết tâm đối đầu qua lời khoa trương, quả quyết rằng họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nổ súng? Các nước Đông Nam Á sẽ cố gắng lôi kéo Hoa Kì vào? Mĩ sẽ coi các diễn biến đó như là một đe dọa cho quyền ‘tự do đi lại’ của mình và sẽ can thiệp? Còn rất nhiều sự lựa chọn sẽ được thực hiện nhưng chiến trường của Biển Đông đã được định hình.

=================




[1] Trích dẫn từ J.M. Van Dyke, ‘Military Ships and Planes Operating in the Exclusive Economic Zone of Another Country’, Marine Policy, vol. 28 (2004), 29-39, esp. 36.
[2] Dennis Mandsager, ‘The US Freedom of Navigation Program: Policy, Procedure, and Future’, International Law Studies, vol. 72, 1998, 11327.
[3] ‘Short Term Energy Outlook’, US Energy Information Administration, 8 October 2013. Có thể xem tại http://www.cia.gov/forecasts/steo/outlook.cfms.
[5] US Department of Defense. Joint Operational Access Concept. 17 January 2012. Có thể xem tại http://www.defense.gov/pubs/pdfs/ioac_jan%202012_signed.pdf.
[6] Jason E. Bruzdzinski, ‘Demystifying Shashoujian: China’s “Assassin’s Mace” Concept’, in Andrew Scobell and Larry Wortzel, Civil-Military Change in China: Elites, Institutions, and Ideas After the 16th Party Congress (report issued by the Strategic Studies Institute, US Army War College, 2004), 309-64. Có thể xem tại http://www.mitre.org/publications/technical-papers/demystifying-shashoujian-chinas-assassins-mace-concept.
[7] Nan Li, ‘The Evolution of Chinas Naval Strategy and Capabilities: From “Near Coast” and “Near Seas" to “Far Seas”, in The Chinese Navy: Expanding Capabilities, Evolving Roles (Washington, 2011), 109-40.
[8] Wendell Minnick, ‘PACAF Concludes 2nd Pacific Vision Exercise’, Defense News, 17 November 2008.
[9] Greg Jaffe, ‘US Model for a Future War Fans Tensions with China and Inside Pentagon’, Washington Post, 1 August 2012.
[10] Phỏng vấn cá nhân qua điện thoại ngày 29/10/2013.
[11] Information from the Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI) Military Expenditure Database, released 15 April 2013. Có thể xem tại http://www.sipri.org/research/armaments/milex/milex_database.
[12] ‘Annual Report to Congress: Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2014’, Office of the Secretary of Defense, May 2014.
[13] US Naval Vessel Register. . Có thể xem tại  http://www..navy.mil/nyrships/FLEET.HTM (accessed 6 January 2014).
[14] Phỏng vấn cá nhân. Bắc Kinh 8/11/2013.
[15] Wendell Minnick, ‘Chinese Media Takes Aim at 15 Fighter’, Defense News, 28 September 2013.
[16] Ministry of National Defense of China, ‘Military Forces in Urgent Need of Standardization’, PLA Daily, 10 December 2013. Có thể xem tại http://news.mod.gov.cn/headlines/2013-12/10/content_4478350.htm, bản dịch (Tiếng Anh) tại http://chinascope.org/maincontent/view/105/.
[17] Roy Kamphausen, Andrew Scobell and Travis Tanner (eds), ‘The “People” in the PLA: Recruitment, Training, and Education in Chinas Military’ (report issued by the Strategic Studies Institute, US Army War College, 2008). Có thể xem tại http://www.strategicstudiesinstitute.army.mil/pdffiles/pub858.pdf.
[18] PLA Chief of General Staff Stresses on Cultivating [sic] High-quality Military Personnel’, Peoples Daily Online, 31 May 2013. Có thể xem tại http://english.peopledaily.com.cn/90786/8265768.html.
[19] Phỏng vấn cá nhân qua điện thoại. 31/10/2013.
[20] Barry D. Watts, ‘Precision Strike: An Evolution’, The National Interest, 2 November 2013.
[21] David A. Fulghum,’ USAF: Slash and Burn Defense Cuts Will Cost Missions, Capabilities’, Aerospace Daily Defense Report, 30 September 2011, 6.
[22] Jeff Stein, ‘CIA Helped Saudis Secret Chinese Missile Deal’, Newsweek, 29 January 2014. Có thể xem tại http://www.newsweek.com/exclusive-cia-helped-saudis-secret-chinese-missile-deal-227283.

[23] Jeff Himmelman, ‘A Game of Shark and Minnow’, New York Times, 27 October 2013.
[24] US Department of Defense, ‘Media Availability with Secretary Panetta in Cam Ranh Bay, Vietnam’, News Transcript, 3 June 2012. Có thể xem tại http://www.defense.gov/transcripts/transcript.aspx?transcriptid=5051.
[25] ‘SECNAV Visits Logistics Group Western Pacific and Navy Region Center Singapore’, Naval News Service, August 2012; Ian Storey, personal communication, February 2014.
[26] International Institute for Strategic Studies, Military Balance 2013 Press Statement, 14 March 2013. Có thể xem tại http://www.iiss.org/en/about%20us/press%20releases/press%20releases/archive/2013-61eb/march-c5a4/military-balance-2013-press-statement-61a2.
[27] Michael Richardson, Indonesia to Acquire One-Third of Navy of Former East Germany, The New York Times, 5 February 1993.
[28] Benjamin Schreer, ‘Moving beyond Ambitions?’ Indonesias Military Modernisation, Australian Strategic Policy Institute, November 2013. Có thể xem tại https://www.aspi.org.au/publications/moving-bevond-ambitions-indonesias-military-modernisation/Strategy-moving-beyond-ambitions.pdf.
[29] Office of the Spokesperson, US Department of State, ‘DoD-funded Integrated Maritime Surveillance System’, Fact Sheet, 18 November 2011. Có thể xem tại http://www.state.gov/r/pa/prs/ps/2011/11/177382.htm.
[30] Rodney Tasker, ‘Ways and Means: Manila plans an expensive military upgrade’, Far Eastern Economic Review, 11 May 1995, 28.
[31] Phỏng vấn cá nhân. Beijing 8/11/2013.
[32] Stein Tønnesson, ‘The South China Sea in the Age of European Decline’, Modern Asian Studies, vol. 40 (2006), 157.