Saturday, September 28, 2013

Về vốn thực tế trong việc đọc thơ ca

Về vốn thực tế trong việc đọc thơ ca

(Tôi vốn không giỏi văn chương, ngày xưa học phổ thông điểm văn chỉ làng nhàng 10-13/20 thôi nhưng đọc hiểu văn thơ thì có lẽ cũng không đến nỗi nào. Hổm rày bàn chuyện vẽ bản đồ dính dáng tới tính toán cũng hơi mệt trí, xin post lại bài bàn về chuyện văn thơ mà tôi cũng viết do người khác làm thôi thúc phải viết, rất tiếc là talawas đã ngưng hoạt động nên tôi không tìm được hết các ý kiến phản hồi có liện quan)

Trong ý kiến ngắn của mình, khi bàn về việc hiểu câu hát “Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dựng chổi đứng nghe” (theo cách viết của Tâm Đàm) trong bài “Đại bác ru đêm” của Trịnh Công Sơn, Tâm Đàm đã viết: “Nghe tiếng đại bác thì phải tìm nơi ẩn nấp, sao lại dựng chổi đứng nghe? Gần đây trong một lần nói chuyện, anh bạn Nguyễn Đặng Trí Tín của tôi kể: “Ngày xưa mỗi lần nghe tiếng đại bác hoặc tiếng súng, ba anh ấy nghiêng tai lắng nghe xem đó là tiếng nổ của phía bên nào”... Dân Việt mấy đời sống chung với súng đạn, họ phân biệt được tiếng nổ của các loại vũ khí cả hai bên. Người phu quét đường của Trịnh Công Sơn cũng lắng nghe như thế chăng?”


Thật ra khi đặt lời cho một bài hát người nhạc sĩ hoàn toàn có toàn quyền viết theo ý riêng mình và sau đó người đọc / nghe tuỳ theo kinh nghiệm kiến thức khả năng cảm thụ của mình cũng hoàn toàn có quyền hiểu theo cách riêng của mình. Nhưng trong trường hợp này, theo tôi lời nhạc của Trịnh Công Sơn đã phản ánh đúng thực tế cuộc chiến lúc đó ở miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào), ít nhất về tình huống tiếng đại bác từng đêm vọng về thành phố (lưu ý là vọng chớ khộng phải dội như Tâm Đàm đã nghe nhầm). Giai đoạn đó hầu như ngày cũng như đêm, lúc nào cũng có tiếng đại bác nả về nông thôn - điạ bàn hoạt động chủ yếu của phe công sản. Không có việc đại bác đêm đêm nả về các thành phố. Có chăng chỉ một vài quả súng cối đơn lẻ loại 60, 81 hay 82 li (mm) hay quả hoả tiển 122 li (là những loại vũ khí tương đối cơ động, dễ di chuyển của phía cộng sản) hoặc chất nổ (do họ lén lút mang vào) thi thoảng nổ trong thành phố chứ không ở mức độ từng đêm. Do hoạt động chủ yếu trên địa bàn nông thôn, mọi việc vận chuyển, tiếp tế hoàn toàn dựa vào sức người, phe cộng sản hầu như không có khả năng sử dụng đại bác. Đó là loại súng kình càng, nặng nề, dễ bị phát hiện, huỷ diệt bởi quân đội “quốc gia” / Mĩ nhờ họ có nhiều phương tiện chiến tranh hơn, nhất là máy bay đủ loại (phe cộng sản không có được lợi thế này). Cuộc chiến không phải thuộc dạng chiến tranh quy uớc, dàn trận đánh nhau, hễ bên này có vũ khí, phương tiện gì thì bên kia cũng có tương tự như thế. Đây là loại chiến tranh chủ yếu mang tính du kích, phe cộng sản phải thường trực bị đe doạ bởi nguy cơ bị phát hiện, huỷ diệt nên phải lẫn tránh, che dấu mình ở vùng nông thôn, rừng núi để bảo toàn lực lượng. Vì thế họ không phải an nhiên, dễ dàng bắn đại bác lúc nào cũng được. Phe “quốc gia” thì hoàn toàn chủ động trong việc này, họ có thể nả pháo về nông thôn bất cứ lúc nào theo tin tình báo nhận được hoặc bắn hú hoạ vào những nơi tình nghi có phe cộng sản đang ẩn nấp (lúc đó ở miền Nam có nhiều vùng nông thôn “được” phe “quốc gia” xếp vào loại cho phép “oanh kích tự do”).


Trong việc hiểu phần đầu câu hát, trước nhất có lẽ do Tâm Đàm đã nghe nhầm từ vọng thành từ dội, lại không có được thực tế vừa nêu (sau này có thêm thông tin từ bạn bè, dù đúng nhưng chẳng ích gì thêm) nên đã có cách hiểu không phù hợp. Theo tôi, Tâm Đàm đã hiểu từ dội theo nét nghĩa trút xuống nên đã hiểu câu hát theo ý sai lệch quá xa. Thật ra, nếu Tâm Đàm hiểu từ dội với nét nghĩa bật trở lại do gặp vật cản thì việc hiểu câu hát có lẽ không sai lệch xa như vậy. Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi từ dội có lẽ không được tinh tế, xác đáng bằng từ vọng. Dội là bật trở lại nên có thể có hàm ý rất chát chúa, đinh tai (đối với tiếng động lớn như tiếng đại bác), và không hề chuyên chở trong nó hàm ý mờ nhạt và rất ít hàm ý từ xa đưa lại như từ vọng.


Chính do tiếng đại bác từ xa vọng lại nên cường độ âm thanh có thể có phần mờ nhạt, thêm vào đó có thể bị tiếng chổi quét đường kêu loạt xoạt và các tiếng động khác lấn áp. Vì thế muốn nghe tiếng đại bác rõ hơn người phu quét đường trong phần kế của câu hát tất phải dừng chổi lại (lưu ý là dừng chớ khộng phải dựng như Tâm Đàm đã nghe nhầm). Nhưng vì sao họ lại quan tâm đến tiếng đại bác từ xa vọng lại để dừng chổi đứng nghe như vậy? Cũng do sự nghe nhầm này cùng với việc không trải qua thực tế chiến tranh lúc đó nên cách hiểu của Tâm Đàm đối với phần kế này cũng lệch hướng nốt. Người phu quét đường hay những người lao động bình thường nói chung khác ở các thành phố thường là những dân quê bị chiến tranh đẩy khỏi nông thôn. Do đó, việc người phu quét đường dừng chổi đứng nghe là một điều khá dễ hiểu. Không phải do họ không sợ vì biết chắc là đại bác không nả về phía mình mà khi nghe tiếng vọng của đại bác, với nỗi lo âu canh cánh hướng về quê cũ, nơi có ruộng vườn, mồ mả cha ông và bà con, hàng xóm (đang còn bán mạng bám lấy ruộng vườn ở đó để sống), họ dừng chổi lại để lắng nghe cho rõ hơn xem đại bác đang nả về phía quê cũ của mình hay một nơi nào khác. Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe để mà lo âu cho người thân, xóm giềng… khi cảm nhận đại bác đang nả về nơi đó, hoặc xót xa, thương cảm người cùng cảnh khi đại bác bắn về vùng quê khác. Dĩ nhiên họ cũng có thể ngừng quét, dựng chổi ở đâu đó để lắng nghe tiếng đại bác, nghỉ ngơi giây lát nhưng nói chung động tác dựng có vẻ không phù hợp và hơi thừa trong điều kiện quét rác trên đường phố trong đêm. Họ dừng chổi lại để nghe cho rõ hơn rồi lại phải tiếp tục ngay cộng việc của mình, với con đường trước mắt phải quét và nhiều con đường khác phải làm sạch trong đêm. Vì thế từ dựng rõ ràng là không sát hợp ở đây. Không thấy được tình cảm của người phu quét rác với làng xóm, quê hương cũ, không thấy sự lam lủ của họ trong công việc thì việc dùng từ dừng hay dựng có lẽ không khác biệt nhiều lắm (muốn dựng chổi trước hết phải dừng quét đã).


Thật ra nếu muốn không gây nhầm lẫn và cũng logic hơn thì có thể viết “tiếng đại bác đêm đêm vọng về thành phố” thay vì “Đại bác đêm đêm vọng về”, nếu nhịp điệu bài hát cho phép. Tuy nhiên, theo tôi viết như vậy là không cô đọng và không biểu cảm bằng cách viết của tác giả (tuy không thật logic vì chỉ có tiếng đại bác mới có thể vọng được nhưng cũng không gây ra sự hiểu lầm nào ở đây). Khi nghe từ đại bác người ta liên tưởng tới sự gay gắt, khốc liệt của cuộc chiến vì đại bác là thứ trực tiếp gây ra chết chóc, huỷ diệt. Còn tiếng đại bác có thể chỉ làm người ta liên tưởng tới sự đinh tai, nhức óc nhiêu hơn là đến sự chết chóc, huỷ diệt đang cận kề. Câu hát này làm tôi nhớ tới quyển tiểu thuyết Đêm nghe tiếng đại bác của nhà văn Nhã Ca. Ở đây, mặc dù tác giả, do sự cô đọng của tựa đề một quyển sách, không nêu rõ việc nghe tiếng đại bác xảy ra trong hoàn cảnh nào nhưng đối với những ai có vốn sống đều đoán được là nó xảy ra ở thành phố và việc đại bác nổ là xảy ra hằng đêm. Nếu ở nông thôn, đang bị đạn đại bác nổ trên đầu thì người ta chỉ lo đến chuyện chết sống chứ không thể nào thảnh thơi để suy tư những điều làm ra nội dung câu chuyện và nếu chỉ nghe đại bác nả trong một đêm nào đó thôi có lẽ không đủ để có những suy tư như vậy.


Đến đây tôi có thể đoan chắc rằng Tâm Đàm chưa từng thực sự đọc lời ca gốc của tác giả mà chỉ nghe hát thôi nên đã nhầm hai từ vọngdừng mà tôi cho là hai từ quan trọng trong câu hát trên. Việc nhầm lẫn này cũng là điều bình thường vì lời ca có thể bị biến dạng đôi chút khi ca sĩ phải phát âm cho phù hợp với nhạc điệu, có thể bị tiếng nhạc lấn áp và nhất là khi người nghe có thể định hướng sai lệch trong việc hiểu lời ca do thiếu vốn thực tế. Tôi cho rằng điều sau này là nguyên nhân chính yếu, ít ra là trong trường hợp này. Việc hiểu các câu khác trong bài hát này cũng thế. Nếu không nắm được / trải nghiệm thực tế cuộc chiến thì có lẽ cũng khó hiểu đúng và khó lòng thấy hết được tính phản chiến của bài hát này.


Nhận việc nghe nhầm lời ca như trên, tôi nhớ đến một số trường hợp lời ca bị hát nhầm / sửa đổi mà cho tôi là đã làm mất đi sự tinh tế, đẹp đẽ của lời gốc trong một số chương trình ca nhạc do ca sĩ Việt Nam ở nước ngoài trình bày.


Chẳng hạn, trong bài Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương có câu hát, theo trí nhớ riêng (tôi không tìm được bài nhạc gốc) là “ngậm ngùi hân hoan suối lệ đoàn viên” thì ca sĩ lại hát là “ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên”. Rõ ràng việc đổi suối lệ thành tiếng cười đã làm giảm đi một mức độ to lớn sự biểu cảm của câu hát.Tiếng cười, theo tôi không lột tả được đúng mức độ của sự vui mừng của cảnh vợ chồng đoàn tụ sau mùa chinh chiến bằng suối lệ. Nghe có vẻ trái khoái nhưng thực tế là người ta lại tuôn rơi nước mắt khi có được một niềm vui tột đỉnh. Ngay trong chính âm nhạc cũng như vậy, nhiều bản nhạc vui nổi tiếng thường viết ở cung thứ(dùng cho nhạc buồn) và ngược lại những bản nhạc buồn tha thiết lại viết ở cung trưởng (dùng cho nhạc vui).


Trong bài Quê mẹ của Thu Hồ có câu “ chiều chiều mắt hoen mờ vì con” thì ca sĩ lại hát là “chiều chiều mắt ngấn lệ vì con”. Ở đây, cũng vậy khi đổi hoen mờ thànhngấn lệ câu hát rất biểu cảm và hình tượng trở thành một câu đơn sơ, trần trụi. Đương nhiên, khi nói tới mắt hoen mờ mỗi chiều trong văn cảnh bài hát chắc rằng không ai nghĩ đó là chỉ do bởi tuổi già mà đều nghĩ đó còn do những giọt nước mắt nhớ thương con và từ mờ làm tăng thêm tình cảm của mẹ thương con (đến mức hao gầy thân thể của mình).


Hoặc trong bài Một mình thôi cuả Anh Việt Thu có câu “thà quên đi như chúng ta không hề quen”, ca sĩ chỉnh lại là “thà quên đi như chúng ta chưa làm quen”. Đôi trai gái chưa hề quen là hai người hoàn toàn xa lạ nhau, do đó chẳng có kỉ niệm buồn vui gì chung với nhau để mà nhớ lại cả. Còn cặp trai gái chưa làm quen, tức là đã ở giai đoạn đã biết nhau, có thể đã có tình ý với nhau, đã (trộm) nhìn nhau hoặc cười (duyên) với nhau… Do đó, mỗi người vẫn có thể nhớ lại những “kỉ niệm” này. Câu hát nguyên gốc tỏ ý hết sức dứt khoát (quên) trong khi câu hát sửa đổi làm nhẹ tênh ý này.


Theo tôi, mấy trường hợp nêu trên xảy ra, chủ yếu là do người sửa không huy động đúng mức vốn thực tế mà hầu như ai cũng có để hiểu / hát đúng lời hát. Ở đây, hầu như không đòi hỏi vốn thực tế mà người đọc / nghe có thể chưa có hay chưa từng trải nghiệm như trong trường hợp câu hát của Trịnh Công Sơn.


Mấy trường hợp đó chỉ là một vài trong số rất nhiều trường hợp sửa lời bài hát xảy ra trong thực tế mà tôi còn nhớ. Thực tế hiện nay cho thấy có rất nhiều trường hợp sửa lời ca mà việc sửa lời thường làm câu hát từ kém giá trị hơn, ít đẹp đẽ hơn cho đến hoàn toàn lệch xa ý nghĩa như trường hợp Tâm Đàm. Hiếm thấy trường hợp sửa lời ca làm giá trị, tính thẩm mĩ của câu nhạc tăng lên. Trong việc này, như tôi đã nêu trên, tôi chỉ dựa theo trí nhớ riêng nên không chắc mình đúng hoàn toàn. Đối với những lời ca thay đổi mà tôi được nghe, tôi không rõ do chính tác giả, hay ca sĩ thực hiện. Tôi cũng không rõ do trình độ cảm thụ của ca sĩ hoăc do nhạc sĩ / ca sĩ / người tổ chức muốn nương theo trình độ tiếng Việt ngày càng thui chột của nhiều người Việt đang sống ở nước ngoài mà lời ca đã được thay đổi như thế.


Cuối cùng, xin được nói thêm rằng tôi viết bài này để góp thêm một cách hiểu riêng của mình về một số câu nhạc cụ thể nhân đọc bài “Đọc bài thơ như thế nào” của Nguyễn Đức Tùng và ý kiến ngắn của Tâm Đàm, và cũng với mong mỏi những ca sĩ khi hát sẽ cẩn thận hơn đối với từng câu, từng từ trong các bài hát mình ca. Tôi hoàn toàn không có ý tranh luận với Nguyễn Đức Tùng mà chỉ minh hoạ thêm là vốn thực tế là một thành tố không thể không xem xét tới trong cảm thụ thơ ca như anh có đề cập, ít ra là trong những trường hợp như thế này. Tôi cũng không có ý phê phán điều gì đối với Tâm Đàm mà trái lại rất cảm thông với tác giả. Kinh nghiệm thực tế xưa cũng như nay cho thấy có không quá ít trường hợp hiểu văn thơ không đúng, kể bậc thầy như trong giai thoại nổi tiếng Tô Đông Pha sửa… sai câu thơ “Minh nguyệt sơn đâu khiếu, Hoàng khuyển ngoạ hoa tâm” của Vương An Thạch, dù rất tài tình thành “Minh nguyệt sơn đâu chiếu, Hoàng khuyển ngoạ hoa âm”, như trường hợp mới đây về đề văn tuyển sinh đại học trong nước, hoặc như nhiều trường hợp hiểu không đúng thơ Hàn Mặc Tử mà Nguyễn Đức Tùng đã nêu… Cũng hi vọng Tâm Đàm sẽ hiểu ý và không trách tôi khi đọc xong bài viết này và hai đường link mới.






Phản hồi:
Xin thành thật cám ơn hai tác giả Nguyên MẫnDương Phẩm đã chỉ cho chỗ không chính xác trong bài viết của tôi. Đúng là tôi đã chủ quan tin vào trí nhớ của mình về từ vọng, do bản thân từng tự tay đàn và hát bài “Đại bác ru đêm” nhiều lần từ tập ca khúc của Trịnh Công Sơn (in dưới dạng thủ bút của chính tác giả - hiện tôi không còn giữ được tập nhạc này để đối chiếu). Còn bài “Tiếng sông Hương” trong trường ca Hội Trùng Dương cũng thế, tôi cũng có hát và đàn theo bản in typo, nhưng nghe là chính. Dù có sự thiếu chính xác này (như tôi đã lường trước trong bài viết “Trong việc này, như tôi đã nêu trên, tôi chỉ dựa theo trí nhớ riêng nên không chắc mình đúng hoàn toàn”) tôi nghĩ rằng ý chính của bài viết như talawas đã highlight về cơ bản vẫn đảm bảo. Thật ra, nếu đòi hỏi mức độ chính xác một cách nghiêm túc như các bài viết về khoa học thì các bên thảo luận phải dựa trên các văn bản có cùng ngày và nơi xuất bản, bởi vì các tác giả có toàn quyền sửa đổi, bổ sung văn bản của mình trong những lần xuất bản khác nhau. Tôi cho rằng bài viết của tôi chưa đòi hỏi mức độ chính xác như vậy. Dù sao đi nữa tôi cũng rút kinh nghiệm điều này và sẽ cố cẩn trọng hơn trong các bài viết của mình.



Trong ý kiến ngắn phản hồi Tâm Đàm cho rằng từ "dội trong trường hợp này đa nghĩa" và từ đó đã hàm ý rằng có thể hiểu dội với nghĩa trút xuống. Theo mạch lí luận của Tâm Đàm và logic của việc hiểu câu hát, đêm đêm tất phải có nghĩa… “một tháng vài ba ” đêm. Dĩ nhiên cũng có thể hiểu như thế trong một số ít tình huống như bông đùa, mai mỉa… nhưng trong trường hợp này xem ra khó chấp nhận được. Hệ quả là lí giải của Tâm Đàm dựa trên tính đa tầng, đa nghĩa của câu chữ để bảo vệ cách hiểu của mình, theo tôi, không còn đủ sức nặng thuyết phục.


Còn Phan Hoàng Sơn thì cho rằng “bài hát của Trịnh Công Sơn mang tính triết lý rất cao” nên phải hiểu “dội hay vọng là tiếng trong tâm chứ không phải do bom nổ đạn rơi”. Tôi hiểu rằng tiếng đàn của Bá Nha nào đòi hỏi phải có đôi tai nghe của Tử Kì ấy, nhưng ở đây tôi không nghĩ rằng Trịnh Công Sơn đã lồng ghép những triết lí thâm sâu, bí hiểm vào câu hát (trong một bài hát có tính chất phản chiến cần nhiều người đồng tình) để nó có một ý nghĩa tách rời câu chữ đến mức những Tử Kì của ông (theo tôi là tầng lớp trí thức bậc trung) không thể với tới như vây. Cách hiểu của Phan Hoàng Sơn như thế có vẻ đã thoát li quá xa câu chữ trên văn bản bài hát, giống như trường hợp Dr Bean (trong loạt phim hài của Rowan Atkinson) bình luận bức tranh đẹp mà chỉ dựa vào các yếu tố ngoại lai nào khác chứ không từ bản thân bức tranh.


Dĩ nhiên, không ai kể cả tác giả có thể buộc Tâm Đàm hay Phan Hoàng Sơn hiểu theo cách khác nhưng để người khác có thể đồng tình với cách hiểu của mình cần kèm theo những biện giải có tính thuyết phục hơn. Về bài viết của tôi cũng thế, tôi chỉ nêu lên một cách hiểu riêng của mình về câu nhạc cụ thể này qua việc phân tích hai từ vọng (đã có ý kiến chỉ ra rằng tác giả đã hát với từ i trong một lần biểu diễn) và từ dừng trong mối liên hệ với các từ ngữ khác trong câu, cũng như trong mối liên hệ với toàn bài dựa trên những hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, thực tế chiến tranh lúc đó… Ý đồ chính của bài viết đó, như tôi có nêu trong tựa bài và cũng đã xác định rõ trong đoạn cuối, là chỉ nhằm “minh hoạ thêm là vốn thực tế là một thành tố không thể không xem xét tới trong cảm thụ thơ ca như anh (Nguyễn Đức Tùng) có đề cập, ít ra là trong những trường hợp như thế này”. Việc đối chiếu cách hiểu của tôi về câu hát với cách hiểu của Tâm Đàm lúc trẻ, chỉ nhằm làm sáng tỏ hơn ý đồ này. Tôi không hề có ý cho rằng cách hiểu của mình là duy nhất đúng theo ý tác giả nhưng tôi nghĩ rằng cách hiểu của mình là phù hợp với thực tế chiến tranh mà tôi đã bị nếm trải. Tôi không có tham vọng và cũng không đủ khả năng để tìm hiểu các tầng lớp ý nghĩa sâu xa khác, nếu có của câu hát.


Cuối cùng qua đọc các ý kiến phản hồi và nhiều ý kiến khác ở đây, phải nói là tôi hết sức đồng cảm với Đặng Tiến về câu phụ chú trong bài viết về Sơn Nam:“Giữa người Việt với nhau, nói chuyện gì cũng khó. Nói chuyện gì, rồi cũng buồn”.


Friday, September 27, 2013

Lời cuối về các bài ‘phản biện’ của ông Trương Nhân Tuấn

(Bài viết này có thêm chú thích và dùng hình vẽ khác so với bài đã đăng trên Dân Luận : ông này 'không biết dựa cột mà nghe' lại tiếp tục 'lên lớp' về những điều ông chỉ mới 'i tờ', đúng là 'điếc không sợ súng'. Đành phải cho ông thêm một bài học chùa, no more free lessons for him :-) - Ngay sau bài viết này ông ta đã có phản hồi nhưng toàn là 'rác rưởi' như các bài trước, ngay chuyện mặt trụ chỉ tiếp xúc với mặt cầu theo 'đường tròn lớn' (cũng chẳng hi vọng nào là ông ta biết 'đường tròn lớn là gì) mà ông cũng không tưởng tượng ra lại vu vạ là tôi nhầm lẫn. Đúng là liều mạng! Nhưng đã nói 'No more free lessons for him' :-))

Trong bài viết "Có thật vẽ vậy không được?" đã đăng trên BVN, tôi có đề ra mục đích là ‘vạch ra một số chỗ chưa đúng trong lập luận của ông Tuấn nhằm giải toả những ngộ nhận có thể có ở bạn đọc có đọc hai bài viết này' và qua đó cũng để trả lời cầu hỏi đặt ra ở tựa bài cùng câu hỏi trong bài viết của ông Trương Nhân Tuấn ("Vẽ vậy được sao?) cho bạn đọc. Bạn đọc có thể tự đánh giá bài viết của tôi có đạt được mục đích đó hay không dễ dàng qua đối chiếu với hai bài liên quan (ở đâyở đây) của ông Trương Nhân Tuấn (TNT).

Tuy tôi không đối thoại trực tiếp với ông nhưng với tư cách là một bạn đọc của BVN chắc hẵn ông TNT đã đọc được những gì tôi viết, từ đó có thể rút kinh nghiệm tìm tòi, học hỏi để viết lách tử tế, chính xác hơn. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục ‘điếc không sợ súng’, phát biểu bừa trong khi tung hoả mù bằng một loạt các bản đồ, thuật ngữ, khái niệm để đánh lừa bạn đọc cả tin về sự ‘thông thái’ của ông. Trong bài viết này và cũng là bài cuối cùng về đề tài này, tôi xin được vạch ra tiếp một vài sai lầm điển hình trong các bài viết mới của ông để cho thấy rằng đã quá đủ, bạn đọc và tôi có lẽ không cần phải theo dõi các bài viết như thế nữa vì chúng hoàn toàn chưa ‘sạch nước cản’ về mặt trình bày và nhất là về mặt kiến thức, chưa nói đến mặt văn hoá tranh luận. Sau đây là một vài sai lầm điển hình:

1. Ngay ở tựa bài, vốn là ‘mặt tiền’ của bài viết “Thử xét tính « cần thiết và bổ ích » của công trình…” mà ông cũng đã cẩu thả đi trích dẫn sai. Trong bài trước tôi viết ‘…cần thiết và ích…’ thì khi trích dẫn ông chuyển thành « cần thiết và bổ ích ». Trong tiếng Việt ai cũng biết hai từ này có nghĩa không hoàn toàn như nhau (có ích với nghĩa trung tính, có ích lợi trong chừng mực nào đó bao nhiêu cũng được; bổ ích với nghĩa tích cực, có ích lợi rất nhiều) thế mà ông ta đã sửa từ ngữ mà vẫn đưa vào như trích dẫn (để trong ngoặc kép). Đó là một hành động sai trái khó thể chấp nhận cho một nhà nghiên cứu như ông.

2. Trong bài mới nhất, để ‘phản biện ông Phạm Quang Tuấn, ông viết “…đã sử dụng phép chiếu Gauss-Krüger…Phép chiếu này giống như phép chiếu thẳng, chỉ khác nhau, thay vì mặt hình trụ tiếp tuyến với đường xích đạo, thì lại tiếp tuyến với một đường vĩ tuyến chọn trước (VN chọn đường 6° thì phải)…” Chỉ trong đoạn trích ngắn này, không kể sai sót nhỏ về dùng từ (dùng danh từ ‘tiếp tuyến’ thay vì động từ ‘tiếp xúc’) ông vướng ít ra 2 cái sai trầm trọng hơn về kiến thức:
Thứ nhất, ông đã TNT sai khi nói mặt trụ trong phép chiếu Gauss – Kruger tiếc xúc với mặt cầu theo vĩ tuyến [chọn trước]!?? Chỉ với óc tưởng tượng không gian tối thiểu, ai cũng có thể thấy được là một mặt trụ thì không thể nào tiếp xúc mặt cầu theo một vĩ tuyến, trừ khi vĩ tuyến đó là xích đạo (hay thay mặt trụ đó thành mặt nón [xem hình 1], mặt nón cụt hay một mặt tròn xoay đặc biệt nào đó!). Thế mà ông TNT phán ngon ơ rằng mặt trụ tiếp xúc mặt cầu theo vĩ tuyến 6°!???

conic projection
Hình 1: Phép chiếu nón có mặt nón tiếp xúc mặt cầu theo vĩ tuyến (#)
(Hình vẽ này cũng cho thấy các vĩ tuyến trên bản đồ là các cung tròn đồng tâm còn các kinh tuyến là ½ đường [đoạn] thẳng, - không phải là đường cong như ông TNT khẳng định sai ở bài trước)

Thứ hai là cái sai liên quan đến vĩ tuyến 6° này. Trước nhất, vĩ tuyến 6° chẳng dính dáng gì tới VN (nằm trong các vĩ độ từ 8°27’ tới 23°23’) và càng không dính dáng tới biên giới Việt – Trung. Ngoải ra, như tôi đã có nêu trong bài trước là người ta thường dùng phép chiếu Gauss – Kruger để vẽ bản đồ từng múi rộng 6° của trái đất (3° phía Đông và 3° về phía Tây của kinh tuyến mà theo đó mặt trụ tiếp xúc mặt cầu – kinh tuyến này được gọi là kinh tuyến trung ương). Lí do là càng xa kinh tuyến trung ương vị trí các điểm trên bản đồ càng sai lệch rất xa so với thực tế. Ông Tuấn không hiểu gì về phép chiếu này nên ‘ép’ mặt trụ phải tiếp xúc cho được mặt cầu trái đất theo vĩ tuyến 6°!?? Trên thực tế, vì biên giới phía Việt – Trung nằm từ kinh tuyến 102° tới hơn 108°, nên người ta đã chọn kinh tuyến 105° làm kinh tuyến trung ương, sử dụng phép chiếu Gauss – Kruger cho múi trái đất 6° với kinh tuyến trung ương 105° thì sẽ vẽ được gần như toàn bộ biên giới Việt – Trung. Với những địa điểm có kinh độ lớn hơn 108°, người ta dùng thêm phép chiếu Gauss – Kruger với kinh tuyến trung tâm 111°.

3. Cũng trong bài mới nhất, ông ta viết ”…phép chiếu Gauss-Krüger, lấy vĩ tuyến 6° làm trục chiếu….”. Phần trích chỉ khoảng 10 chữ nhưng ông TNT đã sai phạm mấy lỗi nặng vể từ ngữ và kiến thức.

Thứ nhất, khi nói tới ‘trục’ thì chỉ có trục thẳng chẳng bao giờ có trục cong mà ông TNT lại ‘phát minh’ ra cả loại trục là đường tròn [vĩ tuyến]!??

If you cannot see or interpret this image, please ask your instructor for help.

Hình 2: Phép chiếu Gauss – Kruger là phép chiếu có tâm chiếu là tâm trái đất, chiếu các điểm từ mặt cầu trái đất thành những điểm trên mặt trụ (tiếp xúc với mặt cầu theo [2] kinh tuyến [đối nhau])

Thứ hai, phép chiếu Gauss – Kruger, như đã mô tả, là một phép chiếu phối cảnh có tâm chiếu là tâm trái đất, không hề có khái niệm phương chiếu (giả định ông TNT hiểu phương chiếutrục chiếu[*]) trong phép chiếu này. Chỉ có phép chiếu song song (bất cứ ai đã từng học phổ thông đều biết dùng phép chiếu này như khi muốn tìm hoành độ, tung độ của một điểm trong một mặt phẳng toạ độchẳng hạn ) mới có phương chiếu, và hơn nữa phương chiếu bao giờ cũng là đường thẳng (từ ‘chiếu’ mượn từ đời thường: chiếu một tia sáng phát ra từ một điểm hướng về điểm khác) chứ không hề có khái niệm phương chiếu cong (ánh sáng chỉ truyền theo đường thẳng, ngoại trừ khi truyền trong cáp quang hay bị một tác động vật lí nào đó). Giả sử có một phép chiếu với phương chiếu là đường tròn vĩ tuyến thì tia sáng cứ chạy vòng trong đường tròn làm sao gặp được mặt trụ mà có được hình chiếu!??

Thứ ba, đó là cái sai liên quan tới số đo 6° mà tôi đã bàn ở trên.

Tôi nghĩ với bấy nhiêu sai lầm nghiệm trọng như vậy có lẽ chẳng cần điểm thêm tới những cái sai khác trong các bài mới của ông. Không rành bốn phép tính số học cơ bản thì làm sao trông mong bàn luận đúng về phương trình. Và thực tế ông cũng phạm sai lầm đầy rẫy trong những phần khác.
Với mấy bài viết mà ông mắc những sai lầm nghiêm trọng như tôi đã vạch ra, có lẽ không thể có kết luận nào khác là ông TNT chưa có đủ kiến thức cần thiết về đề tài này[**] để có thể thảo luận một cách nghiêm túc và tử tế. Tôi nghĩ BVN, DL hay bất cứ các trạng mạng nào khác đều có lí do chính đáng để từ chối đăng những bài gieo rắc cho bạn đọc những điều sai lầm như thế. Không ai có thể phí chỗ để đăng những bài sai lầm về kiến thức, phí công vàthời giờ để theo dỏi và làm việc khử trừ các nọc độc kiến thức mà ông phát tán cho bạn đọc. Cứ để ông và các fan tin ông vô điều kiện về đề tài này(nếu có) ‘tự sướng’ với các nọc độc đó.

Thấy người thì cũng ngẫm đến mình. Bạn đọc tinh ý có thể đã phát hiện bài viết trước của tôi có một lỗi về lập luận (không phải về kiến thức). Tôi đã phạm một sai lầm về lập luận khi viết "có thể nói theo Nghị định thư này thì phép chiếu Gauss – Kruger chỉ dùng để chuyển đổi từ toạ độ địa lí sang toạ độ vuông góc mặt phẳng của các cột mốc, chứ không phải để vẽ bản đồ như ông Tuấn ngộ nhận".  Điều này không đúng ở chỗ Nghị định thư không nói thì không có nghĩa bản đồ không được phép vẽ theo phương pháp này. Trên thực tế, 35 bản đồ chi tiết các cột mốc biên giới đã được vẽ theo phép chiếu Gauss – Kruger. Do nóng lòng muốn công bố bài viết sớm tôi đã không rà soát lại kĩ và để phạm lỗi này, xin thành thật xin lỗi bạn đọc cùng BVN[***] và xin được đính chính về sai sót này như vừa nêu.

Phan Văn Song



[*]  Trong lí thuyết về các phép chiếu không có khái niệm trục chiếu.
[**] Xin nhấn mạnh là tôi chỉ giới hạn trong đề tài này thôi, chứ tôi không nói ở các đề tài, khía cạnh khác (tôi không thể KL hồ đồ khi chưa có bằng chứng về các mặt khác).
[**] Phía trên tôi có nói về văn hoá tranh luân nên bạn đọc có thể thắc mắc tôi xin lỗi bạn đọc, BVN mà không xin lỗi ông TNT. Có 2 lí do chính:
- Bài trước không phải là bài trao đổi với ông TNT mà là trao đổi với bạn đọc, lỗi của tôi là lỗi lập luận tôi không có vu khống ông. Tôi có sai thì tôi đính chính và cin lỗi bạn đọc và BVN là nơi đã đăng bài.
- Lỗi đó là chỗ nhược duy nhất trong bài tôi, nếu ông TNT quả đã không ngộ nhận ông đã dùng nó để tân công tôi rồi. Hơn nữa, sau khi có bài này thì trên FB, khi một người giới thiệu bàn đồ biên giới V-T (gồm 1 bản đồ chính và khoảng 20 bản đồ chi tiết - trên CB có 35 bản đồ chi tiết) cho ông thì cách trả lời của ông cho thấy có vẻ ông chỉ mới xem qua. Như vậy, Kết hợp 2 điều có nhiều khả năng ông đã 'ấm ớ ' đoán mò từ NĐT thôi nên dùng từ 'ngô nhận' cũng không xa mấy.
(#) Hình minh hoạ trong DL bị chọn sai, đó là một biến thể của phép chiếu nón (mặt nón cắt mặt cầu theo hai vĩ tuyến)