Sunday, May 26, 2013

Đường ‘lưỡi bò’ là cơ sở cho yêu sách chủ quyền của TQ?

Có thể xem thoải mái hơn bài viết này ở đây.


Bằng chứng lịch sử của TQ: thật hay bịa?

Bài này đã được đăng trên trên tạp chí NGHIÊN CỨU & PHÁT TRIỂN  số 6/2012.
Có thể xem thoải mái hơn bài viết này ở đây.


“Bằng chứng lịch sử” của Trung Quốc cho chủ quyền ở Biển Đông: có thật hay thêu dệt


(Bài đã đăng trên tạp chí Nghiên Cứu và Phát triển số 6/2012)
Mặc dù căn cứ lịch sử ít có sức nặng trong tranh chấp lãnh thổ theo luật quốc tế nhưng hiện nay Trung Quốc (TQ) vẫn nhấn mạnh tới cơ sở này và cố thuyết phục thế giới bằng cái mà họ cho là bằng chứng lịch sử cho chủ quyền của họ ở Biển Đông, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa. Điều này có thể thấy rõ trong 2 sự kiện nóng mới đây là vụ dằng co của TQ với Philippines ở bãi cạn Scarborough và việc TQ mời nước ngoài đấu thầu thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam, cả hai vụ đều trong vùng đặc quyền kinh tế của hai nước tương ứng. Vì thế, việc xem xét kĩ càng các lập luận của TQ để thấy rõ xem họ thật sự có “bằng chứng không tranh cãi” hay không là điều rất đáng làm. Trong phần thảo luận dưới đây, lập luận chính thức của TQ như được công bố trên trang mạng của Bộ ngoại giao TQ (BNG TQ)[1] cả phiên bản tiếng Trung lẫn tiếng Anh sẽ được dùng và đối chiếu với nhau khi cần thiết. TQ đưa ra 3 lập luận chính: (1) TQ là nước đầu tiên khám phá và đặt tên quần đảo Trường Sa, (2) TQ là nước đầu tiên khai phá quần đảo Trường Sa, và (3) TQ là nước đầu tiên thực thi quyền tài phán trên quần đảo Trường Sa.

Vì lập luận của TQ đi ngược trở lại hơn 2000 năm trước nên một số hiểu biết về thế giới gian cổ của người TQ có thể sẽ bổ ích.

Theo quan niệm truyền thống, người TQ cho rằng TQ là nước trung tâm của thế giới và chỉ có người TQ là văn minh còn tất cả các dân tộc khác đều không văn minh hoặc man rợ. Trật tự thế giới theo quan niệm xưa của người TQ có thể phác hoạ bằng hệ thống triều cống (thiên triều - chư hầu) như thể hiện trong sơ đồ sau:

Để gọi các dân tộc khác ở ngoài biên giới TQ, họ dùng từ di (夷: man rợ) với hàm ý ít nhiều miệt thị.[2] Cụ thể hơn, họ dùng từ man (蛮)hoặc nam man để chỉ các dân tộc phía Nam, di (夷) hoặc đông di để chỉ các dân tộc phía đông, nhung (戎) hoặc tây nhung cho các dân tộc phía tây và địch (狄) hoặc bắc địch chỉ các dân tộc phía Bắc, và còn dùng từ tứ di (四夷) để chỉ chung bốn nhóm người này.[3] Về mặt lịch sử, đúng là một số trong số tứ di này, chẳng hạn như người Tạng, Mông, Mãn, Hồi… và lãnh thổ của họ (nay là Tây Tạng, Nội Mông, Thiểm Tây, bắc Sơn tây…) hiện nay là một thành phần của TQ. Nhưng cũng đúng là cùng với các dân tộc di khác như Triều Tiên, Miến Điện, Thái Lan…, người (Lạc) Việt[4] và lãnh thổ giáp với biển Đông của mình (tên cũ là Giao Châu, Giao Chỉ, Văn Lang, Nam Việt, Đại Việt…) từng rơi vào sự thống trị trực tiếp hoặc từng là nước chư hầu của TQ trong quá khứ nhưng cuối cùng thì dân tộc này đã trở nên độc lập hoàn toàn vào thế kỉ 20.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với lập luận của TQ.

1. TQ cho rằng họ là nước đầu tiên khám phá và đặt tên cho quần đảo Trường Sa và “bằng chứng” đưa ra là một số sách và bản đồ cổ.

Trước hết, chúng ta xem xét 3 quyển sách cổ chủ chốt mà họ có nêu với chi tiết cụ thể.

  • - Quyển đầu tiên là Dị vật chí (异物志) của Dương Phu đời Đông Hán (23-220). Quyển sách là “một sưu tập các bài viết…liên quan đến những thứ kì dị, những sự kiện quan trọng và văn hoá của các vùng giáp giới với TQ[5] (người viết nhấn mạnh)” như phản ánh trong tựa sách. Từng chữ một thì từ dị (异) có nghĩa “khác/lạ/bất thường,” vật (物) “vật/đồ vật” và chí (志) “sách/truyện kể”. Nói cách khác đó không phải là “Sách ghi những thứ hiếm hoi” (Records of Rarities) chung chung như cách dịch trong bản tiếng Anh. Hơn nữa, theo ghi nhận thì sách này đã “bị các thế hệ sau này chỉnh sửa nên hiện nay không tìm được bản gốc chưa bị chỉnh sửa.”[6] Cũng lưu ý thêm là quyển sách còn có tên làGiao Châu dị vật chí  hay Giao Chỉ dị vật chí vì nó chủ yếu nói về các “vật lạ kì” ở Giao Châu/Giao Chỉ[7]  (tên xưa của Việt Nam) và cũng để phân biệt với hơn 20 quyển sách khác cùng tên chẳng hạn như Nam Châu dị vật chí của Vạn Chấn đời Ngô (222-280) vể vật lạ ở phía Nam TQ (phía nam vùng châu thổ Châu Giang), Phù Nam dị vật chí của Chu Ứng đời Ngô nói về vật lạ ở Phù nam (Campuchia hiện nay)…. Trong toàn cảnh như vậy, lời trích “Trướng hải khi đầu, thuỷ thiển nhi đa từ thạch” (涨海崎头, 水浅而多磁石: [Ở] các đầu đá ngầm [trong] Trướng Hải, nước cạn nhưng [có] nhiều đá từ tính) chỉ có thể hiểu là một mô tả của một cái gì đó kì lạ (ở đây là đá có từ tính[8]) ở biển Giao Chỉ và cũng có thể nói ở biển [ngoại] Hán vì Giao Chỉ lúc đó chịu sự thống trị của nhà Hán (chứ không phải của TQ hiện nay). Nhân đây hãy xét thêm tới câu giải thích của BNG TQ ngay sau trích dẫn này. Quả cũng khá hợp lí khi giải thích Trướng Hải là biển Đông vì biển Giao Chỉ là một phần của biển Đông hiện nay.[9]  Tuy nhiên nói rằng khi đầu (崎头: [các] đầu rặng đá ngầm) là toàn bộ các đảo nhỏ, rạn đá, bãi cạn, bãi ngầm… ở biển Đông, kể cả Hoàng Sa, Trường Sa là khiên cưỡng trừ khi TQ đưa ra được bằng chứng và có thể chỉ ra được cụ thể tất cả hay đa số các đảo, đá, bãi… trong biển Đông có nhiều đá có từ tính như câu trích dẫn mô tả. Rủi thay, theo các dữ liệu đã biết, mặc dù có một số nơi trong biển Đông có bất thường về từ trường nhưng hầu hết các đảo, đá, bãi… này đều cấu tạo bằng san hô hoặc cát đá thường không có từ tính.  Ngoài ra, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng không nằm trong khu vực biển Giao Chỉ[10] mà nội dung quyển sách muốn nói tới. Vì thế chúng ta không loại trừ khả năng Dương Phu chỉ viết những gì ông nghe người dân Giao Chỉ nói mà thôi, kể cả hư cấu thêm. Do đó, suy diễn từ câu trích dẫn trên để nói rằng TQ là nước đầu tiên khám phá và đặt tên cho Trường Sa là gán ghép.

  • - Quyển sách thứ hai là Phù Nam Truyện (扶南传: Chuyện Phù Nam) của Khang Thái, một vị quan nhà Đông Ngô với chức vụ là Trung Lang.[11] Vào năm 226, Khang Thái và Chu Ứng (chức vụ Tuyên hoá tùng sự) được vua Ngô là Tôn Quyền[12] phái đi sứ Phù Nam qua đường biển Đông. Lúc trở về Khang Thái viết Phù Nam Truyện, truyện này hiện nay đã bị mất nhưng thường được trích dẫn ở nhiều sách khác.[13] Dù vậy, dựa vào khung cảnh ra đời và ý nghĩa của từ Truyện (传) trong tựa quyển sách, có thể chắc chắn rằng nội dung của nó là những gì Khang Thái trãi qua khi đi sứ tới Phù Nam. Điều này có nghĩa là đó chỉ là một sách kể truyện chủ yếu liên quan tới chuyến đi sứ, chưa chắc là những cái không ai biết hoặc những cái thuộc TQ. Đó cũng không là báo cáo chính thức trình cho vua duyệt. Vì vậy, cũng giống như trường hợp Dương Phu, cùng với những gì trực tiếp mắt thấy tai nghe, có thể Khang Thái viết cả những gì ông ta chỉ được nghe mà thôi. Như vậy, câu trích dẫn mô tả các đảo mà BNG TQ nêu ra khó có thể là một căn cứ đề nói rằng Khang Thái hay phái bộ của ông ta là những người đầu tiên khám phá ra các đảo này.

  • - Quyển sách thứ ba là Đảo di chí lược (岛夷志略) của Uông Đại Uyên, một nhà du lịch TQ (không phải là một nhà hàng hải [nổi tiếng] như nêu trong bản tiếng Anh) thời nhà Nguyên (1280-1365). Chú ý rằng từ di (夷) trong tựa sách là những dân tộc man rợ nói chung hoặc ở phía đông TQ như nêu trên, nên đảo di có nghĩa là những người di ở các đảo. Như vậy, tựa quyển sách có thể dịch tương đối chính xác làSách tóm lược về những dân tộc di ở đảo.Và do đó, mọi mô tả về khí hậu, thời tiết, địa lí… trong quyển sách phải được hiểu là liên quan tới người di ở đảo (đảo di) không phải liên quan tới người TQ. Không rõ do cố ý hay hạn chế của người dịch, tựa quyển sách trong bản tiếng Anh lại là “Sách ghi chép ngắn về các đảo và các người man rợ” (Abridged Records of Islands and Barbarians). Điều này rõ ràng làm người đọc hiểu lầm là sách nói tới đảo và người man rợ chung chung chứ không phải nói về người di ở đảo và những thứ dính dáng tới họ. Ngoài ra, theo taiwanwikipedia trực tuyến thì nội dung quyển sách cũng có chứa một số chi tiết mâu thuẫn với lịch sử và thực tế.[14] Trong bối cảnh như vậy, bất kì mô tả chi tiết nào trong sách liên quan đến các đảo như BNG TQ trích dẫn đều không có sức nặng thuyết phục rằng TQ là nước khám phá các đảo này đầu tiên.
Nói tóm lại, cả 3 quyển sách mà BNG TQ nêu với chi tiết chỉ là các truyện kể thậm chí có hư cấu thêm, không là các tài liệu lịch sử chính thống. Hơn nữa, một cuốn thì không còn nguyên bản, một cuốn thì đã bị mất, còn cuốn còn lại thì có chứa các chi tiết không chính xác, thiên lệch. Đặc biệt là các trích dẫn mà BNG TQ rút ra từ chúng, nếu theo bản gốc như thảo luận trên, có vẻ phản lại hơn hậu thuẫn cho lập luận của TQ.

Bây giờ chúng ta xét tiếp tới các bằng chứng bản đồ. BNG TQ nêu ra 2 ‘bản đồ’ với nhiều chi tiết.
  • - Bản đồ thứ nhất là Hỗn nhất cương lí lịch đại quốc đô chi đồ (混一疆理歷代國都之圖: tạm dịch là ‘bản đồ hợp nhất ranh giới và các kinh đô của các triều đại trong lịch sử’). Trong bản tiếng Anh, tên bản đồ được dịch là ‘Bản đồ hợp nhất các vùng lãnh thổ và địa lý và kinh đô của các triều đại trong quá khứ’ (Consolidated Map of Territories and Geography and Capitals of Past Dynasties) và BNG TQ nêu rằng bản đồ này được làm ra vào thời Minh. Các thông tin này thật ra không sai nhưng khá mập mờ. Bản đồ đúng là được làm ra vào thời Minh (1368-1644). Nhưng cụ thể hơn, nó là một một bản đồ thế giới được các quan lại Triều Tiên tên là Kim Sa-hyeong (金士衡 Kim Sĩ Hành),Yi Mu (李茂 Lí Mậu), và Yi Hoe (李薈 Lí Hội) tổng hợp vẽ ra vào năm 1402. Hiện ngay người ta chỉ biết có 2 bản sao của nó nhưng trớ trêu là cả hai đều nằm ở Nhật, không có bản nào ở TQ và cũng cho thấy có những điều chỉnh sau này trên bản đồ.[15] Phía dưới bản đồ còn có lời nói đầu do Gwon Geun (權近 Quyền Cận) viết. Cũng để ý là trong hệ thống triều cống, TQ có quyền lực để thu tóm hầu như mọi tin tức kể cả về địa lí của các nước chư hầu,[16] ngay chỉ thông qua các cống vật,[17] và các nước chư hầu cũng có thể biết tin tức của nhau qua trao đổi sứ thần….[18] Vào lúc đó Nhật, Triều Tiên và Việt Nam đều là chư hầu của nhà Minh[19] và đặc biệt là Việt Nam đã từng bị TQ thống trị trực tiếp. Hơn nữa, vào lúc đó ngôn ngữ viết chính thức hoặc phần cốt lỏi của ngôn ngữ viết của cả 3 nước này lại chính là chữ Hán. Trong những điều kiện như thế, quả là hết sức đáng ngờ khi khẳng định rằng TQ là nước đầu tiên đặt tên cho quần đảo Hoàng sa, Trường Sa… từ các từ ‘Thạch Đường”, “Trường Sa” do Gwon Geun viết trên bản đồ.
  • - ‘Bản đồ’ thứ hai là Canh lộ bạ (更路簿: ‘bản đồ đường’ – theo cách dịch của BNG TQ[20]) đời nhà Thanh mà BNG TQ nói rằng “có đánh dấu các địa điểm cụ thể của tất cả các đảo, rạn đá, bãi ngầm, đảo nhỏ của quần đảo Nam Sa…” Cách dịch ở đây cũng có điểm chưa thật chính xác và cách diễn đạt lại khá mù mờ. Với thông tin như vậy, người đọc có thể nghĩ rằng Canh lộ bạ là một bản đồ chính thức trong thời nhà Thanh. Thật ra, đó là một quyển ghi chép (bạ 簿 có nghĩa là một cuốn sổ ghi chép) của dân gian với các hình vẽ đường đi biển ( từ kinh nghiệm của các ngư dân Hải Nam.[21] Do vậy, thời điểm Canh lộ bạ ra đời khó có thể xác định và kiểm chứng rõ ràng. Hiện nay TQ chỉ mới tìm thấy và sưu tập được một số bản chép tay với nội dung không thật đồng nhất. Tính tinh cậy của nội dung các bản chép tay này do đó cũng rất khó xác định. Do bản chất không chính thức và không nguyên bản hiển nhiên của Canh lộ bạ nên ngay cả khi các thông tin trong đó là đúng thì Canh lộ bạ cũng chỉ có thể là một cơ sở yếu ớt hậu thuẫn cho lập luận của TQ. Ngoài ra, theo quan điểm pháp lí và tập quán quốc tế thì ngư dân TQ với tư cách là các cá nhân tư nhân không thể đại diện cho nhà nước TQ trong việc khám phá ra các đảo này.
Như vậy, hai bản đồ cổ chủ chốt này cũng có nhiều điều đáng ngờ giống như các sách cổ nêu trên nên khó lòng có thể hậu thuẫn cho lập luận của TQ.
Trong khi BNG TQ không thể đưa ra được một bản đồ nào ra hồn hậu thuẫn cho đòi hỏi chủ quyền của họ, trên mạng lại có nhiều bản đồ “cổ” thoạt nhìn có vẻ làm được việc này, chẳng hạn như bản đồ sau đây (hình 2).

Tuy nhiên, dễ thấy rằng bản đồ này có những điều chỉnh hiển nhiên vì nó có chứa cả đường 11 chấm mà cho mãi tới năm 1947 mới được vẽ ra lần đầu[22] và các chữ “tranh chấp với An Nam” dù lúc đó An Nam là một nước chư hầu không thể nào dám tranh chấp với thiên triều nhà Thanh, và cùng với những điều chỉnh khác nữa.

Trong khi đó lại có rất nhiều bản đồ và sách địa lí chính thống phản lại lập luận của họ. Chẳng hạn như về sách cổ, trong Đại Nguyên nhất thống chí (大元一统志), Đại Ming nhất thống chí (大明清一统志), Đại Thanh nhất thống chí (大清一统志),Thanh Sử Cảo (清史稿) không có địa danh nào có tên Tây Sa, Nam Sa hoặc các tên tương tự chỉ hai quần đảo này, hay trongMinh Sử (明史) ngay cả Đài Loan cũng không được nói tới.[23].Về bản đồ, có Mao Khôn đồ (茅坤图: bản đồ Mao Khôn) in trong tập sách toàn thư về quân sự Vũ bị chí (武備志)[24] cuối triều Minh có bản lưu ở Thư viện quốc hội Mĩ, Hoàng dư toàn bản đồ (皇舆全版图)  bộ bản đồ địa lí Trung Quốc được đo vẽ trên thực địa trên phạm vi toàn quốc theo chỉ dụ của vua Khang Hy với sự chủ trì của các giáo sĩ phương Tây từ năm 1708-1718, hayĐại Thanh nhất thống toàn đồ (大清一统全图) hiện có bản lưu ở Thư viện quốc gia Úc ở Canberra(xem hình 3).[25]…. Tất cả bản đồ này đều nhất quán với các sách trên ở chỗ: lãnh thổ TQ kết thúc ở phía Nam với đảo Hải Nam.

Hình 3: Đại Thanh nhất thống toàn đồ (大清一统全图, tựa bản đồ đọc từ phải qua)
Đặc biệt là J.V.G. Mills, một học giả Anh vào năm 1970 (nghĩa là trước khi xảy ra các xung đột ở biển Đông manh nha nổ ra năm 1973, và không có một ý niệm nào về mục đích chính trị hiện nay) dựa vào nhiều công trình rất đáng tin cậy kể cả Minh Sử, Mao Khôn đồ và Doanh nhai thắng lãm giáo chú (瀛涯胜览校注:Khảo sát tổng thể bờ biển [1433]),[26]… đã nhận dạng và lập ra danh sách không dưới 715 địa danh ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương nhưng không thấy có tên một rạn đá, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa trong những địa danh đã được ghi chép trong danh sách này[27]
Theo lẽ thường khi có bằng chứng vững chắc thì người ta sẽ trình ngay ra trước để bảo vệ lập luận của mình một cách hiệu quả. Như thảo luận trên, tất cả các sách cổ mà BNG TQ nêu ra với chi tiết để hậu thuẫn cho lập luận của họ thì hoặc là bị chỉnh sửa hoặc là không còn, đặc biệt là chúng chỉ là sách kể chuyện thậm chí có hư cấu, không có tính lịch sử, hơn nữa nội dung của chúng lại nói về những thứ bên ngoài biên giới TQ (Giao Châu, Di, Phù Nam) mà BNG TQ muốn bẽ ngoặc thành của TQ. Còn các bản đồ mà họ chú trọng nhiều hơn thì cũng không chính thống và cũng không nguyên gốc. Vì vậy, khó có thể chấp nhận mà không nghi vấn về tính tin cậy của ‘rất nhiều sách sử địa’ hoặc ‘hơn cả trăm loại sách’ và bản đồ mà họ nêu ra chung chung, dù trong đó cũng có một số là tài liệu chính thống.
Ngoài ra, nếu xét thêm các sự kiện lịch sử khác liên quan tới việc đi lại trên biển trong toàn vùng thì lập luận của TQ còn đáng ngờ hơn nữa. Có thể nêu ra ở đây vài sự kiện như vậy: Nhật Nam (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) từng có phái bộ của La Mã đến vào năm 166,[28] Óc Eo (nay ở Nam Việt Nam) có thể từng là một hải cảng nhộn nhịp của Phù Nam từ thế kỉ 1 tới 7 và giao dịch cả với người La Mã, Ấn Đô, Ba Tư, Hi Lạp…,[29] và người Chàm hiện sống ở miền Trung Việt Nam, là con cháu của các di dân gốc Malayo-Polynesian  từ Borneo tới vùng đất liền Đông Nam Á vào thời đại văn hoá Sa huỳnh thế kỉ 2 và 1 trước Công nguyên[30] …Các sự kiện này cho thấy là các dân tộc này có nhiều khả năng đã đi lại và khám phá các đảo trong biển Đông trước người TQ.
Mặc dù cũng cho rằng TQ là nước đầu tiên đặt tên cho các đảo nhưng BNG TQ không trình bày điều gì đặc biệt hơn ngoài việc nêu ra một vài tên gọi như Trướng Hải, Khi Đầu, Thạch Đường, Vạn lí Trường Sa….  trong lập luận của họ. Để biết điều này có đúng không, chỉ cần so sánh một ít tên các đảo bằng tiếng Trung với tên quốc tế bằng tiếng Anh tương ứng như: Bei dao =North Island, Shi dao = Rocky Island, Nansha zhou = South Sand,…, Anbo shazhou = Amboyan Cay, Xidu tan = Dido Bank,Mengzi Jiao = Menzies Reef, Aoyuan Ansha = Owen Shoal,Zhubi jiao = Subi Reef, … Các tên tiếng Trung này chỉ là tên có được qua dịch (như Bei = North, Nansha = South Sand, Shi = Rocky) hoặc qua phiên âm (như. Anbo ~ Amboyan, Xidu ~ Dido, Mengzi ~ Menzies …). tên tiếng Anh tương ứng mà thôi. Do đó, khá chắc chắn là tên tiếng Trung không thể có trước tên tiếng Anh, nhất là trong trường hợp sau. Như vậy, điều mà TQ cho rằng mình là nước đầu tiên đặt tên các đảo cũng không có cơ sở.
  1. 2. TQ cho rằng họ là nước đầu tiên khai phá Trường Sa ít ra từ thời nhà Minh và bằng chứng của họ chủ yếu dựa vào 4 quyển sách (2 của TQ và 2 của Nhật).

  • - Hai cuốn sách của TQ là Trung Quốc Hải chỉ Nam 1868 và Canh lộ bạ (như đã bàn luận ở trên và ở đây BNG TQ cho rằng Canh bộ bạ có từ thời nhà Minh). Theo BNG TQ, trong hai sách này có các mô tả về một số hoạt động trên các đảo này của ngư dânTQ đến từ Hải nam.

  • - Hai cuốn sách của Nhật là Bạo phong chi đảo (暴风之岛) của Okura Unosuke, năm 1918 và Tân Nam đảo khải huống (新南群岛概况) (Trường Sa được Nhật gọi là Tân Nam). Trong quyển sách đầu, tác giả ghi nhận 2 trường hợp người TQ có mặt ở đảo Song Tử và trong quyển sách thứ hai ghi nhận một trường hợp dân TQ trồng trọt trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa vào lúc tác giả làm khảo sát ở đó năm 1933.

Các cuốn sách này, nhất là hai cuốn của Nhật quả có cho ra những ghi nhận khách quan rằng người dân TQ với tư cách các tư nhân đã tới và thực hiện một vài hoạt động ở các đảo này, một điều mà chẳng một ai kể cả các nước đang có tranh chấp phủ nhận. Tuy nhiên,cần lưu ý rằng người dân của những nước ven biển khác chẳng hạn Chàm, Việt, Philippines, Malaysia … , hay bên ngoài như Nhật, Ấn, Á Rập, châu Âu… cũng có mặt và thực hiện các hoạt động ở đó có thể sớm hơn. Đặc biệt cũng lưu ý thêm là các hoạt động của người Việt ở đó là do Nhà nước tồ chức. Chứng cứ cho điều này có thể tìm thấy trong nhiều tài liệu cổ, kề cả của TQ. Ví dụ, trong Hải Ngoại kỉ sự (海外紀事) của nhà sư TQ Thích Đại Sán năm 1695 có mô tả về các hoạt động thường xuyên do triều đình nhà Nguyễn tổ chức ở Hoàng Sa và Trường Sa. Hoặc trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn năm 1776 cũng có các miêu tả chi tiết về tình trạng địa lí, tài nguyên ở Hoàng Sa, Trường Sa và việc khai thác hai quần đảo này của các chúa Nguyễn. Cuốn sách này cũng có ghi nhận rằng khi đi làm nhiệm vụ ở đó, dân Việt Nam cũng có gặp dân TQ trên biển. Cũng lưu ý rằng các mô tả này cũng được hậu thuẫn bằng các văn bản chính thức của triều Nguyễn, cho thấyrằng các hoạt động đó đã được hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải của triều Nguyễn và ngư dân tiến hành liên tục. Do đó, những quyển sách BNG TQ nêu không thể nào là chứng cứ để hậu thuẫn rằng TQ là nước đầu tiên khai phá biển Đông và đặc biệt là Trường Sa. Kết luận như thế cũng không có cơ sở pháp lí vì các hoạt động này chỉ do các tư nhân TQ thực hiện chứ không phải do nhà nước TQ tổ chức.
  1. 3. TQ cho rằng họ là nước đầu tiên thực thi quyền chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Lập luận của TQ cũng dựa vào các sách, bản đồ và thậm chí là bia mộ cổ cùng với việc xem xét, đặt tên lại các đảo như thảo luận dưới đây.

  • - Nguyên đại cương vực đồ tự (元代疆域图叙), người viết chưa có cơ hội để tiếp xúc bản đồ này, tuy nhiên đã tìm được bản đồ Nguyên đại cương vực đồ (thiếu từ tự) trên một nguồn cá nhân[31] đăng lại bài đang bàn nhưng có chèn thêm vào các bản đồ minh hoạ. Mặc dù nói là bản đồ thời Nguyên,Nguyên đại cương vực đồ này thực ra là một bản đồ theo cách vẽ hiện đại và có tính chính xác còn hơn cả bản đồ Hỗn nhất Cương lí lịch đại quốc đô chi đồ thời Minh(nói ở điểm 1) vẽ hàng trăm năm sau đó! Có vẻ do chủ trương của chính phủ TQ cố ý để mọi thứ mập mờ nên các công dân TQ đã cố lấp đầy khoảng trống đó bằng bất cứ điều gì theo họ nghĩ hay tự tạo dựng ra cho hợp với lập luận của TQ. Việc làm này theo đúng y một cách mà chúng ta đã thấy với bản đồ Wikipedia bàn ở trên hay rất nhiều bản đồ trên trang mạng Spratly.com hoặc các bản đồ trong các bài viết có tính học thuật hơn trên các tạp chí khoa học quốc tế. BNG TQ cũng nói là Địa lí chí trong Nguyên sử cũng như Nguyên đại cương vực đồ tự bao gồm quần đảo Trường sa trong cương vực của triều Nguyên nhưng rủi thay trong Đại Nguyên nhất thống chí hay Thanh sử cảo và nhiều bản đồ của nhà Thanh rất lâu về sau này không có một chỗ nào nói tới/vẽ Trường Sa. Do đó, điều tuyên bố này của BNG TQ là đáng nghi và thậm chí nếu đúng thì các tài liệu vừa mới nêu cũng cho thấy TQ không có ý chí để đưa các đảo đang bàn vào lãnh thổ của họ một cách nhất quán và liên tục.
  • - Năm bản đồ triều Thanh gồm Thiên hạ tổng dư đồ 1724(1724 大元一统志), Thiên hạ tổng dư đồ 1755 (1755 大元一统志), Đại Thanh vạn niên nhất thống thiên hạ toàn đồ 1767 (1767 大清万年一统天下全图), Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lượng toàn đồ 1810 (1810 大清万年一统地量全图 Đại Thanh nhất thống thiên hạ toàn đồ 1817(1817 大清一统天下全图mà BNG TQ cho rằng có đánh dấu Trường Sa trong đó. Chú ý rằng trong tên gọi của 4 trong 5 bản đồ này đều có chứa từ thiên hạ (天下: toàn TQ hoặc toàn thế giới). Được biết những bản đồ TQ cổ tìm được mà có từ này đều là bản đồ thế giới hoặc bản đồ khu vực châu Á với TQ là chủ thể (tức là TQ và các nước phiên thuộc hay toàn TQ [thiên hạ] theo quan niệm xưa của họ). Như thế, 4 bản đồ này có chứa HS, TS là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trong điều kiện BNG TQ vo tròn bóp méo sự kiện/tài liệu như thảo luận cho đến giờ thì việc họ dịch từ thiên hạ trong 2 bản đồ đầu thành toàn TQ (whole China) và không dịch từ này trong 2 bản đồ sau dễ làm người đọc ngộ nhận đó là các bản đồ của riêng TQ theo cách hiểu hiện nay, nhất là khi họ lại không trưng ra các bản đồ này để mọi người có thể thấy được. Như vậy, nói rằng 5 bản đồ này có đánh dấu Trường Sa là của TQ như BNG TQ nêu là điều rất đáng nghi vấn.
  • - Bia mộ của Hải Nam Vệ chỉ huy Thiêm Sự Sài thuộc triều Minh với văn bia được trích dẫn như sau: Quảng Đông tần đại hải, hải ngoại chư quốc giai nội thuộc, công thống binh vạn dư, cự hạm ngũ thập tao, tuần la hải đạo kỉ vạn lí (广东濒大海, 海外诸国皆内属, 公统兵万余, 巨舰五十艘, 巡逻海道几万里). Dòng trích dẫn này có nghĩa là: ‘Quảng Đông ở gần biển lớn, tất cả các nước ở ngoải biển [này] đều nội thuộc [nhà Minh], [Chỉ huy Sài] thống lĩnh hơn một vạn quân, (với) 50 chiến hạm to, tuần tra đường biển hàng vạn dậm’. Lời dịch trong bản tiếng Anh nêu ‘cụ thể hơn’ như sau: ‘Quảng Đông ở cạnh biển Đông lớn, tất cả các lãnh thổ ngoài biển đều nội thuộc nhà Minh. Tướng Thiêm chỉ huy hơn vạn quân và 50 chiếc thuyền to, tuần tra hàng vạn dậm trong biển Đông). Hãy bàn thêm một chút về những điểm ‘cụ thê’ đánh dấu bằng chữ in nghiêng trong lời dịch trên.
    Trước hết, dịch 
    đại hải (biển lớn) thành biển Đông lớn là điều chấp nhận được vì Quảng Đông nằm ven biển Đông.
  • Thứ hai, dịch hải đạo (đường trên biển) thành biển Đông cũng không có vấn đề lớn tuy hơi khái quát và có thể gây hiểu lầm (sẽ nói sau) vì các đường tuần tra trên biển thật sự nằm trong biển Đông.
    Tuy nhiên dịch 
    chư quốc ([tất cả] các nước) thành tất cả các lãnh thổ là hoàn toàn gây ra hiểu lầm vì người đọc sẽ hiểu sai quốc thành đất/đảo/bãi… thay vì nước/đất nước/quốc gia mà từ quốc thật sự có nghĩa như vậy. Có vẻ BNG TQ cố ý đẽo gọt mọi thứ cho thoả với lập luận của mình (rằng tất cả các đảo, đá, bãi… ‘ngoài biển’ đều thuộc TQ). Khi kết hợp chỗ dịch ‘đẽo gọt’ này với chỗ dịch ‘khái quát’ trong phần cuối đoạn trích (‘tuần la hải đạo kỉ vạn lí’ thành ‘tuần tra hàng vạn dậm trên biển Đông’ [thay vì ‘trên hải đạo’]) người đọc có thể suy ra rằng Chỉ Huy Sài đã thực sự thực hiện việc tuần tra trên Hoàng sa, Trường Sa, Macclesfield, Scarborough, … là những đảo mà TQ đang cố dùng chính câu trích dẫn này để chứng minh chủ quyền và quyền tài phán! Cách lập luận này rõ ràng là vặn vẹo. Trừ phi có những từ khác trong câu trích chỉ rõ rằng chỉ huy Sài đã đi tới Trường Sa (rủi thay không có!) hoặc TQ có chứng cứ khác có tính thuyết phục rằng các đảo này thuộc Hải Nam vào lúc đó (cũng không có cho tới giờ này!), người ta khó có thể dùng câu văn bia trên để suy rằng chỉ huy Sài tuần tra ở các đảo đó một cách thuyết phục. Phụ trách việc bảo vệ đảo Hải Nam, chỉ huy Sài phải tuần tra tới lui vòng quanh bờ biển đảo này (dài chừng 1500km), và sau nhiều năm phục vụ số dậm (dậm ≈ 500m) đi tuần của ông có thể dễ dàng vượt con số hang vạn. Thật ra, chỉ đi chừng 7 vòng, ông ta có thể đạt tới hai vạn dậm! Rõ ràng không hợp lí khi suy luận rằng ông ta đã đi hàng vạn dặm từ Quảng Đông/Hải Nam tới các đảo xa xôi trên biển mà TQ đang cố dùng văn bia này để chứng minh rằng chúng thuộc Hải Nam. Cũng để ý rằng cho tới bây giờ chúng ta cũng chưa chú ý tới các chỗ nói quá trong câu trích này như thường thấy trong các văn bản ghi công nhằm làm vẻ vang thêm cho người đã khuất. Chẳng hạn, trong đó có các từ ‘bự sự’ như ‘đại, cự, vạn…’ nhất là cụm từ ‘hải ngoại CHƯ quốc giai nội thuộc’ rõ ràng không đúng sự thật (trừ phi theo quan niệm trật tự thế giới xưa của TQ).
  • - Chính phủ TQ thành lập các cơ quan để soát xét, đặt tên lại các đảo, bãi…trong biển Đông. Hãy nghe chính các học giả TQ nói về điều này: “Vào đầu những năm 1930, hầu hết các bản đồ TQ đều sao chép lại hoặc vẽ dựa theo các bản đồ cũ trước đó. Việc khảo sát thực địa mới chưa thực hiện trong rất nhiều năm. Những bản đồ đó chứa nhiều sai sót và một số chỉ sao chép không phân tích các bản đồ do nước ngoài sản xuất. Do đó, ranh giới đại dương và đất liền TQ thể hiện thiếu nhất quán trên các bản đồ khác nhau. Điều này gây rắc rối hiển nhiên cho TQ về mặt chủ quyền trong biển Đông.”[32] Câu trích dẫn này cho thấy rằng ngay cả chỉ việc thể hiện chủ quyền trên bản đồ đối với các đảo, bãi… TQ cũng chẳng có ý chí và quan tâm để thực hiện một cách nhất quán và liên tục ở cấp nhà nước. Ngoài ra, đoạn trích trên cùng với việc BNG TQ không đưa ra được bản đồ cổ đáng tin nào khác có chứa các đảo bãi… trong biển Đông một cách rõ ràng ngoài các bản đồ có đường lưỡi bò đầy tranh cãi vẽ sau này.[33] Trong khi đó các bên tranh chấp khác, nhất là Việt Nam lại có thể đưa ra bằng chứng thuyết phục hơn. Do đó, chúng ta càng có thêm lí do để tin rằng các đảo đó chưa từng thuộc lãnh thổ của các triều đình phong kiến TQ trước đây. Vì thế, những hành động BNG TQ vừa nêu không hẵn thực sự là chứng cứ về việc thực thi chủ quyền mà có nhiều khả năng là một sự vi phạm chủ quyền của các nước khác, ví dụ như của Việt Nam vốn đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục, hoà bình và không bị tranh chấp ở các đảo Hoàng Sa, Trường Sa ít ra từ thế kỉ 17 như có dịp nêu ra ở trên. Ngoài ra, việc đặt tên hay đặt tên lại một nơi nào đó không nhất thiết là một hành vi thực thi chủ quyền mà có thể là do mục đích khác như nhu cầu kiến thức, giao thông… Ví dụ, người phương Tây đã đặt tên các tên đảo, bãi… hầu như khắp nơi trên thế giới trong đó có biển Đông, hoặc các nhà thiên văn đặt tên cho các vì sao, thiên thể… trong vũ trụ nhưng không vì vậy mà họ có chủ quyền đối với chúng.
  • - TQ phản đối Pháp chiếm đóng 9 đảo của Trường Sa năm 1933 Thật ra TQ chỉ yêu cầu chính quyền Pháp báo cho họ biết tên và toạ độ các đảo mà Pháp chiếm đóng và sau khi nhận được trả lời thoả đáng, TQ chẳng có hành động gì hơn nữa. Điều đó có nghĩa là hành động đó chẳng thật sự là phản kháng và càng không phải là ‘phản kháng mạnh mẽ’ như BNG TQ nêu.
  • - TQ tiếp nhận và dựng cột mốc chủ quyền trên các đảo vào năm 1946 sau Tuyên bố Cairo và Tuyên ngôn Potsdam. Ở đây cần lưu ý rằng khi Nhật tuyên bố chủ quyền và sau đó xâm chiếm quần đảo Trường Sa chỉ có Pháp, nhà nước bảo hộ Viêt Nam, lên tiếng phản đối. TQ không thực hiện bất kì phản đối nào và điều này có thể được hiểu là TQ không xem các đảo này thuộc về họ. Tuy nhiên, sau khi Nhật đầu hàng và rút khỏi Đông Dương, TQ vẫn cứ “tiếp thu” các đảo này dù chúng ở phía Nam vĩ tuyến 16, tức thuộc khu vực được giao cho Anh tiếp thu. Mặc dù BNG TQ cũng viện dẫn tuyên bố Cairo và tuyên ngôn Potsdam để biện hộ cho hành động sai trái này, tuy nhiên hai văn kiện này không nói Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TQ.[34] Như vậy, việc TQ có thực hiện bất kì hành động khác như dựng các cột mốc chủ quyền trên các đảo cũng khó có thể xem là một hành động hợp pháp mà là một sự vi phạm chủ quyền nước khác và các thoả thuận quốc tế.
Một lần nữa, đối với tuyên bố này BNG TQ .chỉ cố vặn vẹo lời văn, bẽ cong sự kiện hoặc làm mọi thứ trở nên mập mờ khiến mọi người, nhất là những người không rành rẽ văn hoá và ngôn ngữ TQ bị nhầm lẫn rằng tuyên bố họ có cơ sở, còn hầu như họ chẳng có chứng cứ gì thuyết phục
Nói tóm lại, tất cả các tài liệu, sự kiện mà BNG TQ coi như là chứng cứ hậu thuẫn cho các tuyên bố của họ thật ra lại ít nhiều phản lại các tuyên bố này. Hơn nữa, hầu như với mỗi tài liệu BNG TQ đưa ra không truy cập được người ta có thể đưa ra một tài liệu tương ứng có thể tìm trên mạng hoặc ở các thư viện nước ngoài có nội dung phản lại các tuyên bố của họ. Tất cả những điều đó cho thấy việc TQ tuyên bố là họ có bằng chứng lịch sử rất nhiều và rất vững hậu thuẫn cho chủ quyền của họ ở biển Đông, nhất là quần đảo Trường Sa có vẻ chỉ là chuyện thêu dệt chứ không là sự thật. Có lẽ nắm rõ thực trạng này nên Lí Kim Minh, một chuyên gia lão làng về biển Đông, đã thành thật khi mới gần đây khuyến nghị rằng chính phủ nước ông cần bắt đầu ngay bây giờ việc tích luỹ cho đủ các chứng cứ chứng minh rằng biển Đông thuộc về TQ vì TQ không từ chối trọng tài quốc tế vô thời hạn.[35] Có lẽ TQ khó có thể làm được gì nhiều theo lời khuyên này ngoài việc tiếp tục cố ý trì hoãn đưa ra chứng cứ minh bạch, thụ động để công dân họ lan truyền bản đồ, tài liệu cổ giả, bóp méo tài liệu/sự kiện[36] như đã bàn… chờ dịp dùng ‘lí của kẻ mạnh’ như đã từng làm ở Hoàng Sa và một số đảo của Trường Sa, còn tài liệu cổ, sự kiện, ngay cả của chính TQ dường như không chiều theo tham vọng lãnh thổ của họ.

[2] Chữ Hán đuợc cấu tạo bởi 2 phần: "bộ gốc" để chỉ nghĩa và "bộ chỉ âm" để gợi ý về cách đọc. Nhiều từ miệt thị được viết với bộ  "khuyển /cẩu (chó)/" 犬 hay 犭, chẳng hạn  Địch  狄 với bộ khuyển 犭và b hoả 火 chỉ âm… Man  蠻  với bộ trùng (sâu bọ) 虫 và bộ  loan 䜌 chỉ âm… Xem http://en.wikipedia.org/wiki/Barbarian
[3] Xem Wikipedia: Barbarianshttp://en.wikipedia.org/wiki/Barbarian, Xem thêm Traditional Chinese World Order, Li Zhaojie {James Li), có trực tuyến ở:http://chinesejil.oxfordjournals.org
[4] Xem Geoff Wade, Guangdong: Archaeology and Early Texts: (Zhou-Tang), Otto Harassowitz KG Wiesbaden 2004: “…yuè is also considered as being ‘beyond China’.” (… người Việt cũng được xem là ‘bên ngoài TQ’)
[6]Ibid.
[8] Trong Nam Châu dị vật chí đá có từ tính được mô tả với chi tiết kì lạ rõ rệt: Zhanghai qitou, shui qian er duo cishi, waijiao ren cheng da chuan, jieyi tie die die zhi. Zhi ci guan, yi ci, bu de guo (涨海崎头,  水浅而多磁石,  外缴人乘大船,  皆以铁探探之 .  至此关,  以磁,  不得过: [Ở] các đầu rạng đá ngầm trong Trướng Hải, nước thì cạn nhưng có nhiều đá có từ tính. Người đi tuần bằng tàu lớn có vỏ bằng các lá sắt khi tới gần khu vực này thì bị hút không vượt qua được)
[9] Điều này cũng phù hợp với những phát hiện rằng Trướng Hải chính là biển Quỳnh Châu như nêu trong Quỳnh Châu phủ chí (琼 州府志:) (xem Phạm Hoàng Quân, Những ghi chép liên quan đến biển Đông Việt Nam trong phương chí Trung Hoa, xem  trực tuyến tại:http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai22/201122_PhamHoangQuan.pdf)
[10] Phần cực Nam của lãnh thổ nhà Hán vào khoảng 18ºN hay hơn một ít (và ngay chính đảo Hải Nam cũng không thuộc nhà Hán, xem Han Dynasty map, có trực tuyến ở at:http://ngm.nationalgeographic.com/ngm/0402/feature1/images/mp_download.1.pdf) trong khi đó quần đảo Trường Sa ở dưới 12ºN.
[11] Là Trung Lang triều Ngô nên việc ‘tướng’ Khang Thái còn là một nhà hàng hải nổi tiếng như BNG TQ nêu là rất đáng ngờ, có thể vì họ muốn người đọc ấn tượng về khả năng, kinh nghiệm  đi biển của ông ta.
[12] Theo Nam Tề Thư (?) thì cả hai được Thái thú Giao Châu Lữ Đại (Lu Dai/ 呂岱) cử đi sứ các nước phía nam. Khang Thái và người đồng sự là Chu Ứng (Zhu Ying/ 朱應) theo thuyền buôn nước ngoài đến Phù Nam.
[13] Xem Charles Willemen: Buddhism’s Maritime Route to China, Belgium Royal Academy of Sciences, có trực tuyến tại http://longquanzs.org/articledetail.php?id=4814
[14] Xem Lee Yihsien, "Dao Yi Zhi Lue" (Description of the Barbarians of the Isles), Council for Cultural Affairs, có trực tuyến tại http://taiwanpedia.culture.tw/en/content?ID=3444
[15]Xem  http://en.wikipedia.org/wiki/Kangnido haywww.umac.mo/fsh/hist/.../hama2_flyer(A4).pdf (from University of Macao), xem thêm Jianming Shen, China's Sovereignty over the South China Sea Islands: A Historical Perspective, 2002 tại http://chinesejil.oxfordjournals.org/content/1/1/94.full.pdf,
[16] Một số triều đại TQ cổ bổ nhiệm trực tiếp Thứ sử/Thái thú tài shŏu (太守:governor)  cai quản Vietnam, xem Khai Leong Ho, Connecting & Distancing: Southeast Asia and China, Singapore Society of Asian Studies, Institute of Southeast Asian Studies, 2009,  p. 7.
[17] “Các cống vật bao gồm từ dược liệu , gia vị, nữ trang địa phương cho tới những hang hoá quý khác như  thú vật, dụng cụ kim loại, vải vóc, trái cây, gái đẹp, thợ lành nghế, bản đồ…” xem Khai Leong Ho, Connecting & Distancing: Southeast Asia and China, Singapore Society of Asian Studies, Institute of Southeast Asian Studies, 2009, p. 8.
[18] Cũng lưu ý rằng vào năm 1226, Hoàng tử Lí Long Tường (李龍祥,:이용상/ Yi Yong Sang), đại đô đốc của triều Lí (1009-1225) của Đại Việt cùng với hơn 6000 thân tộc và thuộc hạ đã trốn qua Trei62u Tiên bằng tàu vào  năm 1226 để tránh bị giết bởi triều Trần mới soán ngôi. Về sau ông trở thành tướng của Triều Tiên được gọi là Hoa Sơn tướng quân (Hwasan Sanggun).(xem http://en.wikipedia.org/wiki/Ly_Long_Tuong và xem thême Ch’oe Sang-su,Exile and Naturalization of Annamese Prince Ly, Korea Journal June 1, 1969, có trực tuyến tại:http://www.ekoreajournal.net/issue/view_pop.htm?Idx=600l). Từ các sự kiện này,  việc cho rằng  Việt Nam và Triều Tiên đã biết về địa lí của nhau và khả năng các nhà vẽ bản đồ Triều Tiên có dùng các kiến thức này là điều có thể xảy ra.
[20] Canh lộ bạ hiện nay được dịch đúng hơn là Book on Voyage Routes khi sách này được dùng làm chứng cứ về chủ quyền của TQ trong vụ dằng co ở bãi cạn Scarborough. Xemhttp://ph.china-embassy.org/eng/xwfb/t935925.htm.
[22] Xem Li Jinming & Li Dexia, The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note, The School of Southeast Asian Studies Xiamen University Xiamen, Fujian, China, 2002, available at http://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.1080/00908320390221821.
[23] Hồ Bạch Thảo, Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa)có được nói đến như là đất Trung Quốc trong Thanh Sử Cảo và Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ không? Có trực tuyến  tại:http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai18/201018_HoBachThao.htm (Vietnamese).
[24] Xem Appendix 1 'China in Southern Asia, 1433 in Ying-ya sheng-lan : 'The overall survey of the ocean's shores' [1433], Cambridge [Eng.]: Published for the Hakluyt Society at the University Press, 1970.
[25] Muốn biết chi tiết hơn, xem phần 12 của bộ bản đồ này: Guǎng dōng quán tú (广东全图: bản đồ Quản Đông), có trực tuyến ở http://www.nla.gov.au/apps/cdview?pi=nla.map-lms639-s12-e
[26]Doanh nhai thắng lãm viết bởi Mã Hoan, người từng tháp tùng 3 trong 7 chuyến đi của đô đốc Triịnh Hoà tới các biển phía Tây, quyển sách này được các nhà nghiên cứu về TQ trên thế giới xem là nguồn tài liệu chính về lịch sử thám hiểm hải quân của triều Minh, lịch sử Đông Nam Á và lịch sử Ấn Độ (xem http://en.wikipedia.org/wiki/Ma_Huan).
[27] Như ghi chú 22.
[32] Như ghi chú 21
[33] Theo nhiều nhà nghiên cứu, chẳng hạn như Phạm Kim Hùng, bản đồ cổ TQ cho tới thời kì đầu của Trung Hoa Dân Quốc (ngoài trừ bản đồ thế giới hay bản đồ các nước phiên thuộc) có thể truy cập được đều không có vẽ “Tây Sa” và Nam Sa như TQ khẳn định. Xem Phạm Kim Hùng, Đị tìm sự thật về lịch sử hai quần đảo, có ởhttp://vietnam.vn/c1023n20110804160923687/di-tim-su-that-ve-lich-su-hai-quan-dao-o-bien-dong.htm
[34] Tuyên bố Cairo nêu “tất cả lãnh thổ Nhật đã cướp của TQ như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ sẽ trả về cho Trung Hoa Dân Quốc."http://www.ndl.go.jp/constitution/e/shiryo/01/002_46/002_46tx.html và Tuyên ngôn Potsdam chỉ nói "Các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện và chủ quyền của Nhật sẽ chỉ giới hạn ở các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và những đảo nhỏ như chúng tôi quyết định"http://www.ndl.go.jp/constitution/e/etc/c06.html.
[35] Zhang Jie, et al., [US forcefully pushes internationalization of South China Sea issue, Yang Jiechi uses seven arguments to counter Hillary’s “incorrect points”].
[36] Một ví dụ nóng hổi về vặn vẹo sự kiện là, Cùng một sự kiện Quách Thủ Kính thời nhà Nguyên đi đo đạc thiên văn tại một nơi ở biển Đông ghi trong Nguyên sử, trong vụ dằng co mới đây với Philippines ở bãi cạn Scarborough BNG TQ nói rằng Quách Thủ Kính thực hiện đo đạc ở Scarborough, nhưng vào năm 1980 khi tìm cách chứng minh chủ quyền ờ Hoàng Sa họ lại nói rằng cính Quách Thủ Kính đã tới đo đạt thiên văn ở Hoàng Sa! Xem http://ph.china-embassy.org/eng/xwfb/t935925.htm và Sách trắng BNG TQ:Chủ quyền Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa là không thể tranh cãi,1980.