Thursday, December 1, 2022

Các'nước' vùng Đông Nam Á trong thiên kỉ I theo sử sách Trung Hoa

 Vượt ra ngoài biên giới phía Nam: Đông Nam Á
theo tài liệu Trung Quốc cho đến thế kỉ thứ IX


Geoff Wade 


(Trích từ Lost kingdoms: Hindu-Buddhist sculpture of early Southeast Asia, John Guy, New Haven Yale University Press c2014)



Lịch sử mà chúng ta có ngày hôm nay về các thực thể chính quyền (polity) và các xã hội của Đông Nam Á trong thiên niên kỉ thứ nhất của Công nguyên này vẫn còn sơ sài, mới chớm và không chính xác. Tuy nhiên, chúng thậm chí còn ít ỏi và thô sơ hơn nếu không nhờ có các ghi chép về khu vực được ghi lại trong các nguồn cổ điển Trung Quốc. Bài viết này giới thiệu một số trong những tài liệu này, nêu bật những gì chúng có thể nói với chúng ta về các chính thể và độ lâu của chúng, mối quan hệ của chúng với các chính thể khác, đặc điểm văn hoá của họ và mối quan hệ tôn giáo của họ. Phần trình bày tiếp theo không nhằm mục đích toàn diện, hoặc thậm chí nhất thiết phải có sự mạch lạc, lịch sử. Thay vào đó, chúng nhằm mục đích làm sáng tỏ các xã hội xa xưa theo cách tổng hợp, bằng cách trích ra từ nhiều nguồn dữ liệu có liên quan nhất đến các truyền thống được trình bày trong ấn phẩm này.



Bối cảnh của những hiểu biết ban đầu của Trung Quốc về Đông Nam Á

Trong thiên niên kỉ thứ nhất, sự can dự của người Trung Quốc với, và do đó, hiểu biết về, Đông Nam Á tiến hành theo nhiều chiều kích. Sự can dự về chính trị và quân sự với các chính thể liền kề ngay phía nam đã cung cấp một số hiểu biết; các đoàn sứ cung cấp các thông tin khác; thương nhân từ các nơi trên khắp Âu Á mang những thông đến Trung Quốc; và những người hành hương Phật giáo Đông Á thường đi đến quê hương Đức Phật bằng đường biển dọc theo bờ biển Đông Nam Á lục địa và xuyên qua các vùng biển xung quanh. Cho đến thế kỉ X, kiến thức của Trung Quốc về Đông Nam Á dường như chỉ giới hạn ở lục địa, bán đảo Malay và Sumatra-Java. Ba vùng này sẽ phục vụ như việc sắp xếp các loạic tài liệu Trung Hoa được xem xét dưới đây.

Các thông tin lịch sử sớm nhất của Trung Quốc về các chính thể của vùng biển Đông Nam Á dường như tìm thấy trong Hán Thư 漢書, một tài liệu viết ra vào khoảng năm 100 CE. Nó mô tả một chuyến đi đến Đông Nam Á cũng như các chính thể-cảng được thăm viếng trong suốt chuyến đi. Tông tích (vị trí) của tất cả các địa danh được đề cập trong tài liệu vẫn còn gây tranh cãi (xem hình 30) Trong khi đích đến cuối cùng có thể là Kanchi(puram) / Conjeevaram, kinh đô Pallava ở miền nam Ấn Độ, cuộc hành trình có thể liên quan đến một tuyến đường xuyên quốc gia ở đâu đó gần eo đất Kra, tên và địa điểm của các chính thể Đông Nam Á là những bí ẩn. Các tài liệu khác gợi cho thấycó các kết nối giao thương bằng đường biển giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông trong thế kỉ thứ hai hoặc sớm hơn.


Hoạt động thương mại giữa Nam Á và Đông Nam Á đã phát triển trong thời trị vì của các nhà cai trị Gupta (thế kỉ IV - VI) ở miền bắc Ấn Độ và dưới triều đại Pallava (thế kỉ IV-IX) và Pandya (thế kỉ VI-X) ở miền nam Ấn Độ. Việc mở rộng giao thương đường biển ở vịnh Bengal và biển Đông trong những thời kì này cũng cung cấp các tuyến đường biển mới cho các nhà sư Phật giáo Trung Quốc đi đến Ấn Độ. Các thế kỉ VII và VIII chứng kiến việc mở rộng giao thương đường biển giữa Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Quốc cùng với việc tăng cường sự tham gia của các thương nhân Ba Tư và Ả rập, dù có những sự kiện phức tạp như việc các thương nhân Côn Lôn 崑崙 giết tổng đốc Quảng Châu trong một vụ tranh chấp thương mại năm 684; việc những người đi biển được mô tả trong các tài liệu tiếng Trung như là người Ba Tư 波斯 (Iran ) và Arabs 大食 (Đại Thực) cướp phá Quảng Châu năm 758; việc giết chết hàng ngàn thương nhân Ba Tư 波斯 ở cảng Dương Châu 揚州 của Trung Quốc năm 760; và việc đốt phá và cướp bóc Quảng Châu của loạn Hoàng Sào 黃巢 vào năm 878. Những thương nhân từ các nước Đông Nam Á cũng tham gia vào việc giao thương này và vai trò của họ sẽ được bàn luận dưới đây. Chính trong bối cảnh giao thương đường biển tầm xa này, được thực hiện qua các tàu Đông Nam Á và Nam Á (không phải là tàu Trung Quốc) trong thời gian này, mà chúng ta có thể xác định vị trí các nước ở Đông Nam Á từ những ghi chép liên quan trongcác tài liệu Trung Quốc.




Các chính thể Đông Nam Á trên đất liền

Tổng quan này bắt đầu với các chính thể nằm trên phần đất liền của Đông Nam Á, do đó gần gũi với các nhà quan sát Trung Quốc nhiều hơn.


Champa

Lâm Ấp 林邑 / Hoàn Vương 環王 / Chiêm Bà占婆 / Chiêm Bất Lao 不勞 / Chiêm Thành 占城,

Lâm Ấp, Hoàn Vương, và Chiêm Bà là tên gọi bằng tiếng Trung kế tiếp nhau của một chính thể mà các về các nhà sử học thường gọi Champa (Chữ Phạn: Campa), được thành lập bởi một tầng lớp thượng lưu nói tiếng Austronesian. Lãnh thổ của nó nằm ngay phía nam các khu vực do Trung Quốc cai quản ở vùng phía bắc Việt Nam hiện nay, kéo dài về phía nam dọc theo bờ biển miền trung cho tới đồng bằng sông Cửu Long.


Lâm Ấp dường như đã tồn tại trong khu vực này vào thế kỉ II hoặc sớm hơn, và kinh đô của nó cho đến thế kỉ VII có khả năng nằm gần Trà Kiệu hiện nay trong thung lũng sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam. Các sứ giả từ chính thể này xuất hiện tại triều đình nhà Tấn gần Nam Kinh hiện nay, Trung Quốc, từ năm 280 đến 290,


Xã hội này chắc chắn đã có chữ viết vào thế kỉ IV, vì một sứ giả Lâm Ấp, được sai đến triều đình nhà Tấn vào giữa thế kỉ đó, đã dâng một bức trướng được viết bằng chữ “nước ngoài” 胡字 (hồ tự). , Và loại chữ đang nói nàycó vẻ là chữ Ấn, và đây là ghi nhận xưa nhất về việc sử dụng chữ viết ở Đông Nam Á. Những ảnh hưởng khác của Ấn Độ rõ ràng đã thâm nhập vào xã hội vào thế kỉ V, được biết ở Lâm Ấp vào thế kỉ V, các thầy giáo được kính trọng được gọi là Brahman 婆羅門 (bà la môn) và những người Brahman này thực hiện phép hôn phối trong các lễ cưới.

Các nhánh tôn giáo của người Lâm Ấp vào thế kỉ V được mô tả trong tài liệu Nam Tề thư 南齊書, biên soạn năm 537, ghi nhận rằng vua Lâm Ấp là một người theo đạo nigranthas 事尼乾道 (sự ni can đạo), có thể là nói đến các Brahman khổ hạnh như Šaiva Pasupatas, và ông đã cho đức tượng vàng và bạc có hình thù với chu vi 10 wei. Vàng, theo tài liệu Trung Quốc, có rất nhiều ở Lâm Ấp, thu hút sự chú ý của cả thương nhân lẫn kẻ xâm lăng.”


Danh hiệu Ấn Độ đầu tiên được biết đến của vua Lâm Ấp xuất hiện trong một tài liệu năm 529, theo đó danh hiệu được nêu ra là Gao-shu-lu-tu-luo-ba-mo (có khả năng là Ku Šrī Rudravarman), dường như kết hợp các yếu tố Chăm và Phạn. “Đến cuối thế kỉ VI, các tên và hiệu Ấn Độ, cũng bao gồm cả các yếu tố Phạn lẫn Đông Nam Á, đã phổ biến rộng khắp trong xã hội, kể cả trong cơ cấu cai quản. Việc xuất hiện một triều đại thống nhất lên cầm quyền, nhà Tuỳ, ở Trung Quốc năm 581 một lần nữa cho phép thực hiện các hành động quân sự ở phía nam.Vào năm 605, hoàng đế Tuỳ ra lệnh mở cuộc tấn công thuỷ binh tiếp vào Lâm Ấp. Khi vào kinh đô, lực lượng của tướng Lưu Phương 劉方 đã chiếm giữ 18 ngôi đền chính, tất cả đều đúc bằng vàng và được biết là biểu thị cho 18 đời vua kế tiếp nhau của Lâm Ấp, họ cũng lấy đi 1 350 quyển kinh sách Phật giáo, cho thấy Lâm Ấp vào thời điểm đó là trung tâm Phật học lớn.


Ngoại giao và thương mại giữa triều đình nhà Đường và Lâm Ấp, bây giờ đã bị ảnh hưởng của Trung Quốc, sau đó được tăng tốc, với các đoàn sứ đến Trung Quốc và trao đổi các sản phẩm được ghi nhận trong các năm 686, 691, 695, 699, 702, 703, 706, 707, 709, 711, 712,713 và 731. Lâm Ấp phái sứ giả tới Trung Quốc lần cuối cùng năm 749.


Vào giữa thế kỉ VIII, một sự thay đổi đã xảy ra với tên nước của Champa được người Trung Quốc biết đến. Nói về Lâm Ấp, Đường Hội yếu 唐會要. (Lịch sử thể chế của Nhà Đường, nộp cho triều đình năm 961): “Sau triều Chí Đức 至德 (756-58), nó đã đổi tên thành Hoàn Vương và không còn được gọi là Lâm Ấp nữa.” Chính thể này dường như đã chuyển hoặc mở rộng sự cai quản về phía nam trong giai đoạn này, và dường như đã có tranh chấp với các thế lực Đông Nam Á khác, như cho thấy từ hai bia khắc. Một là bức bia Po Nagar ở Nha Trang, miền trung Việt Nam vào năm 784, ghi nhận rằng “những người hung ác, tàn nhẫn, đen tối của các thành phố khác ... đến bằng tàu và lấy đi linga của thần” vốn được dựng tại khu Kauthāra. “


Cái tên Champa dường như lần đầu tiên xuất hiện trong tập sách Trung Hoa năm 658, ghi thành Chiêm Bác 瞻博 và Tân Đường thư 新唐書 (Lịch sử mới nhà Đường, được biên soạn năm 1060) ghi nhận rằng chính thể Hoàn Vương cũng được biết đến với tên Chiêm Bất Lao (Campapura hay Cam Pulau) hoặc Chiêm Bà (Cāmpa) Tuy nhiên, vào năm 877, cái tên mà Champa được người Trung Quốc biết đến trong 700 năm tiếp theo được ghi nhận lần đầu tiên: Chiêm Thành, nghĩa đen là “thành người Chăm”. Nước này có sai sứ đến triều đình Ngũ Đại Thập Quốc vào các năm 951,958, và 959.


Campuchia

Phù Nam 扶南 / Chân Lạp 真臘 / Văn Đan 文單

Một chính thể khác, được biết đến trong các tài liệu Trung Hoa là Phù Nam và tập trung xung quanh vùng đồng bằng  sông Mêkông, đã thu hút sự chú ý của người Trung Quốc vào những thế kỉ đầu Công Nguyên. Nó lần đầu tiên xuất hiện trong các sách vở của Trung Quốc vào những năm 220, ghi nhận rằng nước Ngô của Trung Hoa đã cử một hoặc hai đoàn sứ tới đó để thúc đẩy việc buôn bán. Mặc dù nguồn gốc của cái tên tiếp tục được bàn cãi, có vẻ khá chắc chắn rằng “Phù Nam” là một cách biểu hiện bằng tiếng Trung của một từ Khmer. Trong những năm 670, nhà sư Trung Hoa Nghĩa Tịnh 義淨 lưu ý rằng “đi về phía tây nam trong một tháng (từ Lâm Ấp), thì đến nước Bạt Nam 跋南國, trước đây gọi là Phù Nam.” Ở đây, sau này, chúng ta thấy một cách biểu hiện khác bằng tiếng Trung của cái chắc chắn cũng là một từ Khmer, rất có thể là bnam / phnom (núi hay đồi). Hầu hết các học giả liên kết chính thể này với địa điểm đầu tiên được biết đến hiện nay là Óc Eo (thế kỉ I-VI), ở miền Nam Việt Nam, và Angkor Borei (thế kỉ 4 -6) ở miền Nam Campuchia. Khá nhiều tài liệu Trung Hoa nói tới Phù Nam, và nhiều tài liệu trong số đó đã được nhà sử học và ngôn ngữ học Paul Pelliot khám phá vào đầu thế kỉ XX. Phạm vi và nội dung của các điều ghi chép này không để lại chút nghi ngờ rằng bắt đầu từ thế kỉ III trở đi Phù Nam là chính thể nổi trội ở Đông Nam Á. Rõ ràng là vào thời đó, những người đi biển của Phù Nam đã đi đến Ấn Độ. Biển cũng cung cấp khả năng chinh phục cho Phù Nam, và vào một lúc nào đó ở thế kỉ III, chúng ta biết có một nhà cai trị tên là Phạm [Sư] Mạn 范師蔓, đã nhiều lần kéo quân đi tấn công và đánh phá các nước láng giềng, mà tất cả đều thừa nhận mình là các chư hầu của ông, Chính ông đã áp dụng phong cách của “Đại vương Phù Nam”. Sau đó, ông ra lệnh đóng nhiều tàu lớn, và băng qua ngay trên Trướng Hải 漲海 (Vịnh Thái Lan, tấn công hơn mười nước, trong đó có Khuất Đô Côn 屈都昆, Cửu Trĩ 九稚 và Điển Tốn 典孫.


Cả Tấn thư (Lịch sử nhà Tấn , biên soạn 648) lẫn Nam Tề thư đều cho biết rằng Phù Nam có một kho lưu trữ kinh sách và chữ viết của họ tương tự như chữ viết người Hồ (“phương Tây”, ở đây có nghĩa là Ấn Độ). Hai bộ sử này cũng có nói tới truyền thuyết thành lập nước này, rất có thể là một biến thể của truyền thuyết Ấn Độ về cuộc hôn nhân của Kaundinya với con gái của vua nagas (rắn).Bàn luận vào đầu thế kỉ V, một nguồn sau này ghi nhận: “Vua Kaundinya 憍陳如 (Kiêu Trần Như) gốc là người Bà La Môn ở Ấn Độ 本天竺婆羅門也 (bản Thiên Trúc Bà La Môn dã), và ông nghe có tiếng nói của thần linh bảo rằng ông sẽ cai trị xứ Phù Nam. Kiêu Trần Như phấn khởi đi về phía nam tới nước Bàn Bàn. Dân chúng Phù Nam hay tin này đã tôn ông lên làm vua. Ông đã thay đổi thể chế và sử dụng luật lệ của Ấn Độ 復改制度用天竺法 (phục cải chế độ dụng Thiên Trúc pháp).” Rất hiếm khi chúng ta tìm thấy cac ghi chép rõ ràng về quá trình Ấn Độ hóa ở Đông Nam Á, thậm chí nếu có thể là ngụ ý.


Vào nửa sau của thế kỉ V, vua Phù Nam được ghi nhận có “họ” Kiều Trần Như 侨陈如 (Phúc Kiến, Giao-din-lu), một lần nữa thể hiện rõ ràng tên Kaundinya. Được biết tên ông là Khiết Da Bạt Ma 朅耶跋摩 (Jayavarman). Nguồn này còn nói rằng nhà cai trị này đã phái tu sĩ Ấn Độ 天竺道人 (Thiên Trúc đạo nhân) Na Cà Tiên 那伽仙 (Nāgasena) đến triều đình Liêu Tống ở Nam Kinh ngày nay cống nạp, bao gồm cả một bức tượng tạc hình long vương đang ngồi 金鏤龍王坐像一軀 (kim lũ long vương toạ tượng nhất khu), một bức tranh gỗ đàn hương trắng, và hai tháp ngà. Các sử quan Trung Quốc cũng mô tả các biểu tượng tôn giáo được sử dụng tại Phù Nam vào thời điểm này: “Họ thờ phụng thần 天神 (thiên thần), và họ có các tượng thần bằng đồng, có hai mặt, bốn tay, hoặc bốn mặt, tám tay, trên mỗi tay đều có cầm giữ một vật gì đó. Khi nói thờ “thần” là nói về đạo Bà La Môn.


Thế kỉ VII cho thấy là rất quan trọng đối với Phù Nam. Phù Nam đã sai các đoàn sứ cuối cùng tới Trung Hoa từ năm 618 đến năm 649. Trong khi đó, một nước khác, được người Trung Quốc biết đến là Chân Lạp, đã xuất hiện trong khu vực. Nguồn gốc của cái tên này đã được bàn cãi nhiều, nhưng khi biết cách phát âm ở Hokkien hai chữ này cho ra một sự tương ứng gần như hoàn hảo với “Tonle”, tên Khmer của hồ (Tonle Sap) tại trung tâm địa lí của văn hoá Khmer thì có thể ít nghi ngờ rằng cái tên này bắt nguồn từ tên cái hồ đó. Như vậy, nước Chân Lạp có thể nổi lên từ khu vực xung quanh Tonle Sap.


Chân Lạp bắt đầu sai sứ tới kinh đô nhà Tuỳ nằm gần thành phố Tây An ngày nay, vào năm 616. “Một trong những ghi chép đầu tiên về chính thể mới này nằm trong Tuỳ thư 隋書 (lịch sử nhà Tuỳ ), một lịch sử triều đại hoàn thành năm 636, chỉ hai thế kỉ sau khi đoàn sứ Chân Lạp đầu tiên tới Trung Quốc. Tuỳ thư ghi: “Nước Chân Lạp nằm ở phía tây nam của Lâm Ấp, lúc đầu thần phục Phù Nam.” Nhà vua có họ Sát Lợi 剎利 (Ksatriya) và tên là Chí Đa Tư Na 質多斯那 (Citrasena). Tuỳ thư cho biết thêm rằng chính vào thời trị vì của Citrasena, Chân Lạp đã sáp nhập Phù Nam vào. Khi Citrasena qua đời, con trai ông là Y Xa Na Tiên 伊奢那先 (lśanaena) lên thay thế, sống trong thành lśānapura 伊奢那城 [Y Xa Na thành] (Sambor Prei Kuk, trung Campuchia).


Gần kinh đô hồi thế kỉ VII là núi Lăng Già Bát Bà (Lingaparvata) 陵伽鉢婆山, trên đó có một ngôi đền luôn luôn được năm nghìn quân bảo vệ. “Tác giả của Tuỳ thư kết luận:” Họ tôn kính thần của họ đến mức độ đó. Họ coi trọng Phật pháp và cũng rất tin tưởng vào các thầy tu Bà La Môn, Cả Phật tử và lẫn tín đồ đạo Bà la môn đều đặt tượng trong các đền thờ.”


Theo Cựu Đường thư 舊唐書 (soạn năm 945) thì chỉ vài thập kỉ sau, khoảng năm 707, Chân Lạp chia thành hai nước: Lục Chân Lạp, hay Văn Đan 文單, một khu vực miền núi ở phía bắc và Thuỷ Chân Lạp ở phía nam. Thuỷ Chân Lạp có lãnh thổ với chu vi khoảng 800 lí, về phía đông chạy tới Panduranga, phía tây tới Dvaravati, phía nam tới “đại dương nhỏ” (vịnh Thái Lan), và phía bắc đến Lục Chân Lạp. Vua sống trong một kinh thành có tên là Bà La Đề Bạt 婆羅提拔.


Môi trường tôn giáo của Chân Lạp trong thế kỉ IX được người biên soạn Cựu Đường thư trình bày như sau: “Nước này sùng kính Phật giáo và Thánh thần 天神 (thiên thần). Thờ cúng thần thánh được coi trọng tột bậc, đạo Phật chỉ đứng hàng thứ hai.” Một lần nữa, sự pha tạp tôn giáo của các xã hội trên đất liền Đông Nam Á trong thời kì này lại được phản ánh rõ ràng trong các tài liệu Trung Quốc.


Dvāravatī

Đỗ Hòa La Bát Để 和羅鉢底 / Đọa Hòa La 墮和羅 / Độc Hòa La 和羅

Đoạ La Bát Để 堕羅鉢底 / Thổ Hoả La 火羅

Di chuyển về phía tây trên vùng đất liền Đông Nam Á, chúng ta gặp một chính thể mà các tài liệu Trung Quốc đề cập đến bằng một loạt tên, bao gồm Đỗ Hòa La Bát Để, Đọa Hòa La, Độc Hòa La, Đoạ La Bát Để và Thổ Hoả La. Tất cả các ghi chép này đều nói đến nước Mon tên Dvaravati, nằm ỏ trung tâm hạ lưu sông Chao Phraya (Thái Lan) từ thế kỉ VI đến đầu thế kỉ X. Học giả George Coedès đã gán sự xuất hiện của nó với sự chia cắt Phù Nam. Cũng giống như các tên chính thể khác ở Đông Nam Á trong giai đoạn này và sau này, tên này được bắt nguồn từ tên thành phố trong các Kinh sách Puranic (Ấn Độ) và có nghĩa là “nhiều cửa vào” trong tiếng Phạn. Chúng ta biết phiên bản Đông Nam Á chỉ thông qua sự xuất hiện của nó trên các đồng tiền tìm thấy trong khu vực và như một yếu tố còn sót lại trong các tên truyền thống chính thức của các thành phố Ayutthaya và Bangkok. Tuy nhiên, các tài liệu Trung Quốc cho thấy rằng tên này đã được biết đến rộng rãi và được sử dụng cho nước này từ thế kỉ VII trở đi. Một ghi nhận xưa xác định vị trí nước này (theo một tên khác của nó, Dvarapati)so với các nước khác vào thế kỉ VII do nhà sư Trung Hoa nổi tiếng Huyền Trang 玄奘 nêu ra trong sách kể về chuyến đi của ông ta (hoàn thành năm 646): “Phía đông bắc chỗ đó [nước Samatata ở Bengal] trong thung lũng bên cạnh biển lớn là nước Thất Lợi Sai Đa La 室利差呾羅國 [Šri Ksetra, có thể là kinh đô nước Phiếu gần Pyay ngày nay], xa hơn về phía đông nam biển lớn là nước Kāmalanka 迦摩浪迦國 [Già Ma Lãng Già] (có thể là Langkasuka), xa hơn về phía đông là nước Đoa La Bát Để (Dvarapati), lại xa hơn về phía đông là đất nước của Isanapura (Sambor Prei Kuk) [Yī shǎng nà bǔ luó 伊賞那補羅:Y Thưởng Na Bổ La], cũng xa hơn về phía đông là nước Maha Campa, mà ở nước ta được gọi là Lâm Ấp, và xa hơn về phía tây nam là nước của Yamanadvipa 閻摩那洲國 (Diêm Ma Na châu quốc) Các đoàn sứ từ Dvaravati đến triều đình nhà Đường Trung Hoa năm 638 và 649, và sứ giả của đoàn sứ đầu tiên xin cho họ ngựa tốt.”


Ramanna

Lâm Dương 林陽

Trong sách Phù Nam thổ tục 扶南土俗 (Phong tục Phù Nam) thế kỉ III, tác giả Khang Thái 康泰 ghi nhận: “Phía tây nam Phù Nam, có nước Lâm Dương .... Ở đây họ thờ Phật.” Trong tiếng Phúc Kiến, hai chữ Lâm Dương được phát âm là Ina-yna, vốn đã được một số người đề xuất biểu thị cho Ramanna và để chỉ ra một chính thể ở chỗ mà ngày nay là khu vực hạ lưu thung lũng sông Irrawaddy (Ayeyarwady). Các mô tả này cho thấy có một cộng đồng Phật giáo sớm nhất ở Đông Nam Á. Lâm Dương / Ramanna cũng có thể là tiền thân của nước Phiếu của Sri Ksetra.


Śrī Ksetra / Pyu

Thất Lợi Sai Đa La 室利差呾羅國 / Nước Phiếu 驃

Như đã nói ở trên, nhà sư Trung Hoa Huyển Trang ghi lại vào thế kỉ VII rằng “đông bắc Samatata ở Bengal ở thung lũng bên cạnh biển lớn là nước Thất Lợi Sai Đa La (Sri Ksetra).” Đây là ghi nhận đầu tiên của Trung Quốc về kinh đô Phiếu có thể đã tồn tại từ thế kỉ I Công nguyên hay thậm chí sớm hơn. Những di tích của thành phố có tường bao quanh có thể thấy được ngày hôm nay hơi chếch về phía đông nam Pyay ở miền trung Myanmar. Những địa điểm chính khác của nước này hay phức hợp văn hóa bao gồm Beik thano, Maingmaw, Binnaka, và Halin.


Tên chính thể kế tiếp mà người Trung Quốc ghi lại cho khu vực này là nước Phiếu (hay Pyu). Nước này đã được viết không phải là một chính thể hàng hải mà là một nước vươn tới đất liền từ Trung Quốc qua quân khu Vĩnh Xương cổ ở tỉnh Vân Nam hiện đại. Tên Phiếu Việt 僳越 xuất hiện vào đầu thế kỉ IV trong Hoa Dương quốc chí 華陽國志 (Ghi nhận về nước Hoa Dương), của Thường Cử 常璩. Vào thế kỉ VII hoặc thứ IX, nước Phiếu được cho là có nắm quyền cai trị đối với 9 thành lớn và 290 bộ lạc. Kinh đô của nó, La Thành 羅城, có tường gạch và một con hào cũng được lát bằng gạch bao quanh. Được biết ban đầu nó là “thành giữ tro cốt Phật” 舍利佛城 (Xá lợi Phật thành). Dân số bên trong tường thành lên đến hàng chục ngàn, và có hơn một trăm tu viện Phật giáo. Tân Đường thư có nói đến “một tượng trắng khổng lồ, cao 100 xích,” và cho biết thêm rằng người ở đó có thể đọc chữ Ấn Độ. Được biết ở đó các đồng tiền vàng và tiền bạc có hình dạng như lưỡi liềm, nhưng không có mẫu nào còn tồn tại được biết đến.”


Những thay đổi lớn đã xảy ra ở khu vực nước Phiếu vào thế kỉ IX, Trong Man thư 蠻書 (sách về các nước man) thế kỉ thứ IX, Phàn Xước 樊綽 ghi nhận rằng “vào năm 832, bon Man [Nam Chiếu] nổi loạn cướp phá vương quốc Phiếu”. Bọn chúng bắt bỏ tù hơn 3000 người và trục xuất họ vào nô lệ tại Zhedong và nói họ tự lo liệu cho mình”. Sử gia Gordon Luce đề xuất rằng trong giai đoạn 832-35 này, “khi Phiếu và một số các cộng đồng Mon của Miến Điện đã bị các bộ lạc thần phục Nam Chiếu áp đảo, rằng chúng ta phải xác định thời gian cho sự ra đời của người Miến Điện” theo khu vực vốn có truyền thống đi theo tên của chúng”.



Các nước trên bán đảo 

Sau khi khảo sát các nước và xã hội do người Trung Quốc ghi nhận trên vùng đất liền Đông Nam Á trong giai đoạn này, chúng ta hướng sự chú ý về phía nam và đi theo bán đảo mà ngày nay là các phần của Thái Lan và Malaysia – có thể là một với bán đảo mà Claudius Ptolemy, vào thế kỉ II, gọi là Aurea Chersonesus (“Bán đảo Vàng”).


Bàn Bàn

盤盤 / 槃槃

Một chính thể được ghi nhận là Bàn Bàn (tiếng Phúc Kiến là Puan-puan, tiếng Quảng Đông là P’oon-p’oon) lần đầu tiên xuất hiện trong các tài liệu Trung Quốc trong các ghi chép về các sứ giả đến triều đình Liêu Tống ở chỗ ngày nay là Nam Kinh. Các đoàn sứ được ghi lại vào các năm 444-54, 454-56, và 457-64, với lần cuối có vẻ như đã diễn ra trong 616-17. Vị trí của nước này được cho là phía tây nam của Lâm Ấp (Champa) và Lương Nha Tu (Langkasuka) liền kề, đặt nó quanh eo đất Kra. Lương thư : 梁書 (Lịch sử nhà Lương ; biên soạn 636) cho chúng ta biết: “vào tháng 3 năm 529 Bàn Bàn một lần nữa sai sứ tới dâng cống vật là các tượng ngà 牙像 (nha tượng) và bảo tháp. Họ cũng dâng hàng chục loại hương liệu bao gồm gỗ gharu và gỗ đàn hương. Vào tháng 8 / tháng 9 năm534, một đoàn sứ khác đến dâng tro cốt từ xứ Bồ Đề 菩提國眞舍利 (Bồ Đề quốc chân xá lợi) cũng như một hoạ tháp 畫塔. Vua nước này cũng dâng tặng một lá cây bồ đề cùng zhantang và các hương liệu khác.


Ghi chép của Trung Quốc chi tiết nhất về chính thể này trong Văn hiến thông khảo 文献通考 (Nghiên cứu toàn diện các tài liệu hành chính; biên soạn vào đầu thế kỉ XIV). Theo tài liệu này, Bàn Bàn là một trung tâm nghiên cứu Phật giáo, với “10 tu viện nơi mà các tăng ni Phật giáo nghiên cứu kinh kệ .” Tài liệu này cũng cho biết rằng “nước này có rất nhiều người Bà La Môn từ Ấn Độ đến và họ tìm kiếm sự giàu có từ nhà vua. Vua rất trọng vọng họ.” Nhưng nơi này nằm ở đâu? Đường thư cho thấy Bàn Bàn nằm ở phía nam Dvaravati. Do ảnh hưởng của Dvaravati đã lan rộng xuống bán đảo, Bàn Bàn có thể nằm quanh vịnh Bandon thuộc tỉnh Surat Thani của Thái Lan hiện đại. Có thể tên của nước thế kỉ V và VI này được giữ lại dưới tên thị trấn Phunphin ngày nay. Các dấu tích khảo cổ ở khu vực này cho thấy Bàn Bàn là một nơi với truyền thống tôn giáo đa dạng.



Langkasuka

Đốn Tốn 頓遜 / Điển Tốn 典 遜 / Lang Nha Tu 狼牙脩

Di chuyển về phía nam, chúng ta đến các vùng Songkhla và Pattani hiện đại, nơi dường như là nơi các nước Đốg Tốn / Điển Tốn và Langkasuka xưa tiên tập trung ở đó. Mặc dù nước đầu được biết đến từ thế kỉ III, các nguồn thông tin chi tiết về nó lại có sau thời gian đó. Ghi chép sớm nhất là trong Lương thư vào thế kỉ VII, nêu rõ rằng cạnh phía đông của nước này liên lạc với Giao Châu, một châu phía nam của Trung Quốc (nay là một phần của miền bắc Việt Nam), trong khi cạnh phía tây của nó nối kết với Ấn Độ và Parthia. Điều này có thể đề cập đến không gì khác hơn là một chính thể mở rộng ngay bên bán đảo Mã Lai, với các cảng ở cả hai bên và các kết nối trên đất liền giữa các cảng. Ghi chép này lưu ý rằng mỗi ngày hơn mười ngàn thương nhân, từ cả hai phía đông và phía tây, gặp ở đó để buôn bán. Tập Thái Bình ngự lãm 太平御覽 (Bài đọc của triều vua Thái Bình), một bách khoa toàn thư đời Tống, có chứa một đoạn trích từ cuốn sách bị mất, Phù Nam kí 扶南記 (Ghi chép về Phù Nam) có lẽ trong thế kỉ III, cho chúng ta biết về hệ thống xã hội của Đốn Tốn. Nhà vua được gọi là Côn Lôn 崑崙 và 500 gia đình hồ từ Ấn Độ có mặt ở trong nước cùng hơn một ngàn người Bà La Môn, cũng từ Ấn Độ, và hai bức tranh Phật 兩佛圖 (lưỡng Phật đồ). Về người Bà La Môn, cần lưu ý rằng “Đốn Tốn thành kính tuân theo lời dạy của họ và gã con gái cho họ. Vì vậy, nhiều người trong số họ không rời khỏi nơi này và suốt ngày chỉ đọc kinh Bà La Môn.” Chúng tôi không biết vị trí cụ thể của kinh đô cũng như toàn bộ về chính thể này.

Vào thế kỉ VII, tác giả của Lương thư cung cấp một ghi chép về một nước có tên là Lang Nha Tu hay Langkasuka. Nước này còn được biết đến dưới tên là Langkashuka trong các tài liệu Ả Rập, là Ilangasöka trong một bia khắc Cola, là Lengasuka trong bài thơ ở triều đình Java Nagarakrtagama, và là Langkasuka trong lịch sử Malay Hikayat Marong Mahaiwangsa, Nhà sử học Paul Wheatley khá vững khi kết luận rằng Langkasuka nằm ở vùng lân cận của Pattani, Thái Lan hiện nay, Michel Jacq-Hergoualc’h cũng đã gợi ý rằng chúng ta tìm Langkasuka xung quanh cửa sông Pattani, gần Yarang, bởi vì nó “nằm trên bờ của cửa sông đã biến mất này mà các cảng trung chuyển của nước thành phố này nằm ở đó.Các đoàn sứ đi đường biển từ Langkasuka đến các triều đại phía nam của Trung Quốc bắt đầu vào những năm 510. Những đoàn sứ được ghi đến vào các năm515, 523, 531, và 568. Nam sử 南史 (Lịch sử các triều đại phía Nam; biên soạn 659) báo cáo rằng kinh đô có tường thành bằng gạch và ở các cổng nhiều cửa của nó có các tháp và các chỗ nhô ra.


Việc Langkasuka là một cộng đồng Phật giáo được gợi ra từ thực tế là vào khoảng thế kỉ VII, có ba nhà sư Trung Quốc - Nghĩa Lang 義郎, Trí Ngạn 智岸, và Nghĩa Huyền 義玄- dừng lại trên đường tới Ấn Độ và được vua nước này tiếp đãi. Bản vẽ Lương chức công đồ 梁職工圖 (bản vẽ các nước triều cống nhà Lương), hoàn thành khoảng 539 và hiện nay chỉ còn lại một phần, cung cấp một trong những minh họa ít ỏi thế kỉ VI về một người Đông Nam Á: một sứ giả từ nước Langkasuka đến Trung quốc (hình 31 ).

Hình 31. Sứ giả từ Langkasuka; chi tiết của Lương chức công đồ (bản vẽ các nước triều cống nhà Lương). Handscroll, bản sao thế kỉ XI của bản gốc thế kỉ VI. Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Bắc Kinh


Kelantan

Ha La Đan 訶羅單 / Ha La Đàn 訶羅陁 / Đan Đan 丹丹 / 單單

Vào thế kỉ V, một cái tên mới xuất hiện trong các tài liệu Trung Quốc, cái tên Ha La Đan hay Ha La Đàn, đã được thay thế bằng cái tên Đan Đan vào thế kỉ VI. Năm 430, một sứ giả từ nước “tây nam di” 西南夷 Ha La Đan đã đến triều đình Liêu Tống ở Nam Kinh và dâng một bức thư thừa nhận việc dốc lòng theo Phật giáo và những thành tựu xây dựng tháp của hoàng đế Trung Hoa. Các đoàn sứ tiếp theo đã đến vào năm 433 và 452. Mô tả trong Tuỳ thư thế kỉ VII về nước Xích Thổ (sẽ được nói nhiều hơn bên dưới) vốn chắc chắn nằm ở phía bắc của bán đảo này, lưu ý rằng Hà La Đan nằm ở phía nam của nó, gợi cho thấy ở khu vực gần Kelantan hiện đại, một bang đông bắc trong bán đảo Malaysia. Đối với Đan Đan, nhiều chỉ dẫn khác nhau trong các tài liệu Trung Quốc cũng hàm ý về một vị trí gần Kelantan. Các ghi nhận của Trung Quốc về chính thể này bắt đầu với đoàn sứ năm 530 từ Đan Đan đến triều đình nhà Lương ở chỗ hiện nay là Hồ Bắc và tiếp tục cho đến những năm 660. Có những chỉ dẫn vững chắc về việc Đan Đan theo Phật giáo vào thời điểm này, cùng với việc sử dụng các danh hiệu Bà la môn ở triều đình.


Pahang

Bà Hoàng 婆 / Bàn Hoàng 媻皇國

Một nước khác không có vị trí chắc chắn nào được đưa ra trong các tài liệu Trung Quốc là Bà Hoàng (Bàn Hoàng), Ngữ âm học gợi lên mạnh cái tên Pahang – một quốc gia ở bờ biển phía đông bán đảo Malaysia hiện nay. Năm 449 -50 vua Bàn Hoàng là Xá Lợi Bà La Bạt Ma 舍利婆羅跋摩(Šri Bhadravarman), đã sai sứ đến triều đình nhà Tống cống 41 loại sản vật. “ Trong năm 456-57, sứ giả Trúc Na Bàn Trí 竺那媻智 của nước này đã đến kinh đô của Trung Quốc và dâng tặng ra vẹt đỏ và trắng.”


Perak

Bà Đạt 婆達 / Bàn Đạt 媻達

Bà Đạt hay Bàn Đạt là một chính thể khác không có các chỉ dẫn địa lý chắc chắn. Biết rằng nó được đề cập trong liên hệ với Bà Hoàng và vị trí của nó được ghi nhận là ở Jaba / Java thế kỉ V, vị trí của nó phỏng đoán là ở Perak, một bang trên bờ biển phía tây của bán đảo Malaysia. Ghi nhận đầu tiên về Bà Đạt là vào năm ngày 435, khi một đoàn sứ từ chính thể này đến triều đình Liêu Tống ở Nam Kinh, Trung Quốc. Tên vua Bà Đạt là Sư Lê Bà Đạt Đàn A La Bạt Ma 師黎婆達陁呵羅跋摩 (Šrī Bhadravarman). Vật kỉ niệm dâng triều đình ca ngợi vai trò của hoàng đế Trung Quốc trong việc “truyền bá việc coi trọng Pháp luân để tất cả chúng sinh có thể được giải thoát khỏi khổ đau”.



Kedah

Xích Thổ 赤土 / Yết Đồ 羯荼 / Ca La 哥羅 / Ca La Phú Sa la 哥羅富沙羅

Sự xuất hiện của một chính thể mới ở Đông Nam Á vào thế kỉ VI được chỉ ra qua việc của triều đình Tuỳ phái một đoàn sứ lớn đến đó vào năm 607. Đây là đoàn sứ đầu tiên của Trung Quốc được sai đi “biển Nam” kể từ thế kỉ III, xuất phát từ Quảng Châu dưới sự chỉ huy của Thường Tuấn 常駿, đi đến các nước Xích Thổ và La Sát (xem bên dưới). Hai địa điểm này là điểm đến duy nhất của đoàn sứ cho thấy tầm quan trọng của chúng trong khu vực và vai trò của chúng trong giao thương biển đường dài. Nhiều ghi chép cho thấy Xích Thổ nằm ở thung lũng sông Bujang bên cạnh sông Merbok ở bang Kedah thuộc bán đảo Malaysia, một khu vực được các bằng chứng khảo cổ xác nhận đã từng là một khu phức hợp văn hóa và thương mại lớn lúc đó. Xích Thổ đã phái hai đoàn sứ sang Trung Quốc, năm 608 và 609, và đầu năm 610, đoàn sứ của Thường Tuấn quay trở về Trung Quốc, được một người Bà La Môn tiễn với hoa, tù và và trống.


Trong Tuỳ thư, kinh đô của Xích Thổ được đặt tên là thành Tăng Chi 僧祗城, một thành với ba lớp tường cách nhau hơn một trăm bước. Hình ảnh thần tiên, và bồ tát 菩薩 đang bay được sơn trên các cửa, và họ đã trang trí bốn phụ nữ với mặt được tô vẽ theo cách giống như những thần giữ cửa vajra ở các chùa Phật giáo – đứng hai bên cổng. Được biết vua có họ là “Cù Đàm 瞿曇 (Gautama), và tên là Lợi Phú Đa Tắc 利富多塞 (Riputra?). Đáng chú ý là đằng sau ngai vàng là một con bò vàng đang cúi người, phía trước của con bò là một chiếc lộng gắn đầy đồ trang sức, bên trái và bên phải chiếc lộng là hai cái quạt trang trí rực rỡ. Phía trái và phải là hàng trăm người Bà La Môn ngồi thành hàng đối diện nhau. Tuỳ thư cho chúng ta biết người dân Xích Thổ có tục kính Phật và cũng đặc biệt coi trọng các Bà La Môn 其俗敬佛尤重婆羅門 (kì tục kính phật vưu trọng bà la môn). Nhạc Ấn Độ 天竺樂 (Thiên Trúc nhạc) đã được tấu lên khi các sứ thần Trung Quốc diện kiến vua Xích Thổ. Khi sai một Nayaka (Skt., lãnh đạo hoặc người bảo hộ) làm sứ giả sang Trung Quốc với các sản vật địa phương, nhà vua cũng gửi một bức biểu bằng vàng lá. Như vậy, chúng ta thấy một nước có Phật giáo phát triển mạnh mẽ nhưng mà các tu sĩ Bà La Môn vẫn giữ vai trò chủ chốt trong việc tham mưu cho vua cùng các nghi thức của Ấn Độ hợp pháp hoá. Khoảng 70 năm sau đoàn sứ Xích Thổ đó, chúng ta mới nghe tới một cái tên mới là Yết Đồ (Jietu) cho chính thể này trong các tài liệu Trung Hoa, một lần nữa đó là một cách chuyển âm của cái tên Kedah Trong phần tư cuối cùng của thế kỉ VII, nhà sư Trung Quốc Phật giáo Nghĩa Tịnh 義淨 đi bằng đường biển đến Ấn Độ, học tập ở đó từ năm 673 đến 687. Trên đường đi, ông dừng lại ở Šrivijaya và Mạt La Du trước khi đến Yết Đồ để lên tàu đi Ấn Độ. Từ ghi nhận này và các tài liệu khác, có vẻ Yết Đồ / Kedah là một cảng trọng điểm cho các thương nhân và nhà sư đi Ấn Độ vào thời điểm đó. Trước khi thế kỉ VII kết thúc, nó dường như đã trở thành chư hầu của Srivijaya.


Một tên mà dường như cũng chỉ biểu thị Kedah xuất hiện khoảng năm 800. Tân Đường thư lưu ý rằng phía nam của Bàn Bàn là Ca La. Ca La cũng được lưu ý trong một ghi nhận về tuyến đường biển giữa Trung Quốc và Basra, được Giả Đam 賈耽 viết khoảng năm 800. “Chính thể này, được ghi nhận có 24 tỉnh, dường như là Kalah của các tài liệu Ả-rập, trong đó nó được lưu ý là một trung tâm giao thương chính và là điểm tập trung của các tuyến đường vận chuyển kể từ thế kỉ IX hoặc sớm hơn. Các tài liệu Trung Quốc ghi chi tiết nhiều nhạc cụ của nó. Không có bằng chứng về bất kì liên hệ ngoại giao giữa Ca La và nhà Đường ở Trung Quốc.


Qaqulla

Ca Cốc la 哥谷羅 / 葛古羅 / Cà Cổ La 伽古羅 / Gia Cổ La 加古羅 / Già Câu Lặc 迦拘勒

Chúng tôi tìm thấy trong lộ trình đi biển của Giả Đam một địa danh khác chưa xuất hiện trong các tài liệu trước đó: “Trên bờ biển phía bắc có nước Ca La. Về phía tây của Ca La là xứ Ca Cốc La ..” Về mặt ngữ âm lẫn về mặt địa lí, không thể có nghi ngờ nào rằng Ca Cốc La là nơi nhà địa lí Ả Rập gọi là Qaqulla. Hơn nữa, biết rằng các nhà địa lí này lưu ý nhiều lần rằng Qāqulla nằm trên một doi đất, nên tên này gần như chắc chắn nói đến vị trí ngày nay được biết đến như Phuket, Thái Lan. Không có thêm điều gì khác được biết đến về chính thể này.


Chính thể trên Sumatra và Java


Bây giờ chúng ta tiến từ bán đảo Malaysia đến hai đảo lớn Sumatra và Java. Biết rằng các thương nhân Ấn Độ, Trung Quốc, và Ả Rập / Ba Tư cũng như các nhà sư từ Trung Quốc và Đông Nam Á có xu hướng đi ngang qua các cảng của Sumatra để đến Ấn Độ mà không đi vòng qua Java, cho nên các chính thể trên đảo Sumatra được biết đến nhiều hơn trong giai đoạn này.


Lhok Cut

La Sát 羅剎 / La Việt 羅越

Nước khác, ngoài Xích Thổ (Kedah), mà đoàn sứ hoàng đế nhà Tuỳ vào các năm 607-10 có tới là La Sát, có khả năng là Lhok Cut, nằm trên bờ biển phía bắc của Sumatra ở chỗ nay là Aceh, đối diện trực tiếp với Kedah qua eo biển Malacca. La Sát là một cảng quan trọng trong giao thương xuyên vịnh Bengal và rõ ràng có giao dịch với người Lâm Ấp (Champa). Đường hội yếu ghi rằng một sứ giả người Trung quốc đi đến Bà Lợi năm 630 ghi nhận sự tồn tại của nước La Sát và sự có mặt của thương nhân Lâm Ấp ở đó. Ông lưu ý, những thương nhân Lâm Ấp đã mua được một viên ngọc lửa từ người ở La Sát mà người này có lẽ đã mua được nó từ Sri Lanka. Các nhà ngôn ngữ học từ lâu đã thấy được mối liên hệ giữa tiếng Chăm và tiếng Aceh, nhưng có không nhiều bằng chứng về tương tác lịch sử xưa cũ giữa hai nơi này. Do đó, đây là một ghi nhận chủ chốt. Tài liệu của Jia Dan năm 800 ghi nhận nước La Việt, dường như lại có cùng một vị trí với La Sát.


Panei

Bà Lợi 婆利 / 婆黎

Trong năm 473-74 một sứ giả của Bà Lợi được phái đến triều đình nhà Tống. Tống thư (Lịch sử Tống; 492-93) đặc biệt lưu ý rằng Bà Lợi là một xứ Phật giáo 凡此諸國,皆事佛道 (phàm thử chư quốc, giai sự phật đạo) Vị trí nằm trên đảo Sumatra và ngữ âm gợi ra rằng cái tên này tương đương với Panci, bằng chứng khảo cổ cho điều này có thể tìm thấy trong và xung quanh Padang Lawas ở miền bắc Sumatra. Các tài liệu của Trung Quốc thế kỉ VI có chứa thêm nhiều thông tin hơn. Vua Bà Lợi được mô tả một cách ấn tượng trong Nan sử: "Nhà vua mặc đồ lụa sặc sỡ và có yingluos [dây chuyền dài] quấn trên thân mình. Trên đầu ông đội một vương miện vàng, cao hơn một xích, có hình dạng như một chiếc mũ quân sự nhưng được trang trí với bảy loại đá quý. Ông đeo một thanh kiếm trang trí bằng vàng và cũng ngồi trên một cái ngai cao bằng vàng với một cái bệ bạc để gác chân lên. Các nữ tì của ông đều được trang điểm với những bông hoa vàng cùng đá quý và cầm phất trần bướm trắng hoặc quạt lông công. Khi vua đi ra ngoài, ông ngồi trên kiệu voi, chiếc kiệu này được làm từ gỗ có nhiều mùi thơm. Phía trên của chiếc ghế được trang bị với một chiếc lộng bằng lông chim, trong khi ở hai bên là màn bằng ngọc trai. Những người đi phía trước và những người phía sau thổi kèn và đánh trống. Được biết vua có họ là Kaundinya 憍陳如 (Kiêu Trần Như). Sứ từ chính thể này tới Trung Quốc năm 517 và 522. Giống như La Sát, Bà Lợi có các liên hệ chặt chẽ với Lâm Ấp, sứ của họ cùng đi với nhau đến triều đình nhà Đường năm 631."


Barus

Bà La Sa 婆羅娑 / Bà Lỗ Sư 婆魯師 / Bà La 婆羅 / Bà Lâu 婆婁 / Lang Bà Lộ Tư 郎婆露斯

Tuỳ thư ghi rằng phía tây của Xích Thổ là nước của Bà La Sa. Rõ ràng, tên này và các tên tương tự là cách cách thể hiện khác của cái tên "Barus." Tuy nhiên, việc sử dụng chung của các tên cho thấy rằng nó gọi không phải chỉ một cảng duy nhất mà chỉ một vùng rộng lớn, có thể là toàn bộ phần phía bắc của Sumatra, nổi tiếng với long não.

Tân Đường thư có nói cập đến một nơi gọi là Lang Bà Lộ Tư, mà nó ghi chú là nước phía tây của hai nước mà Thất Lợi Phật Thệ (Srivijaya) nằm chính giữa. Không có nghi ngờ đó là nghĩa của Barus và "Lang" là cách chuyển của tiền tố lam của tiếng Aceh - có nghĩa là "bên trong" hay "sâu". Người Ả Rập gọi khu vực này là Langabalus, và cả hai phiên bản tiếng Trung và tiếng Ả Rập đều phản ánh cái tên tiếng Aceh ‘Lam Barus.’


Malayu

Mạt La Du 末羅瑜 / 末羅遊 / 摩羅遊

Trong thế kỉ VII, tài liệu của Trung Quốc bắt đầu đề cập đến một nước có tên Mạt La Du. Đây là những ghi nhận về chính thể Mạt La Du, mà hầu hết các học giả xác định vị trí gần Jambi ở miền nam Sumatra. Năm 644 một đoàn sứ từ Mạt La Du đến triều đình nhà Đường ở Trường An (nay là Tây An). Trong ghi chép của mình, nhà sư nổi tiếng Nghĩa Tịnh nói với chúng ta rằng thiền (dhyana) sư Chang Min 常慜 nghiên cứu các tài liệu ở Mạt La Du trên đường đến Ấn Độ, chỉ ra rằng Mạt La Du có thể là một trung tâm Phật giáo lớn vào thế kỉ VII.


Vijaya / Srivijaya

Phật Thệ 佛逝 / 佛誓 / Thất [Thi] Lợi Phật Thệ 室利佛逝 / 室利佛誓 / 尸利佛逝 / 尸利佛誓

Hình. 32. Chi tiết Nanzhaotizhuan (Ghi chép về Nam Chiếu có minh hoạ) miêu tả Bồ Tát Quán Thế Âm được các vua địa phương tôn kính. Handscroll, khả năng bản sao chép thế kỉ 12- 13 từ bản gốc năm 899, Bảo tàng Fujii Yurinkan, Kyoto

Trong những năm 670 và 740, theo Tân Đường thư, nhiều đoàn sứ từ một chính thể có tên Phật Thệ hoặc Thất Lợi Phật Thệ đến triều đình nhà Đường, báo rằng những nước giáp ranh đã tấn công họ." Các đoàn sứ này bắt đầu vào khoảng cùng lúc với nhà sư Trung Quốc Nghĩa Tịnh lên đường đi Ấn Độ bằng đường biển, vào năm 671. Nói về cuộc hành trình này, Nghĩa Tịnh đã ghi lại: “sau đó tôi đến Phật Thệ Vijayal, ở đó tôi đã dành sáu tháng để học dần dần Sabdavidya [ngữ pháp Phạn]. Nhà vua cung cấp cho tôi với người giúp đỡ đưa tôi tới Mạt La Du.” Sau thời gian ở Ấn Độ, Nghĩa Tịnh trở về Trung Quốc bằng đường biển năm 687; chuyến đi của ông - từ Tāmrallipti trở lại Xích Thổ, Mạt La Du, và Phật Thệ đi rồi đi về phía bắc đến Quảng Châu, và về đến nơi năm 689 - được ghi lại trong tác phẩm của ông Đại Đường tây vực cầu cứu pháp cao tăng truyện 大唐西域求救法高僧传; (truyện Cao tăng đi tầm đạo pháp ở khu vực phía tây). Trong lúc ở Phật Thệ, “các tài liệu Ấn Độ tôi mang tạo thành hơn năm trăm nghìn slokas [đoạn thơ], nếu dịch hết sang tiếng Trung sẽ cho ra một ngàn quyển, và bây giờ tôi ở tại Bhoja [Phật Thệ] với những kinh sách này.” Như vậy Phật Thệ (Vijaya) là trung tâm thương mại cho giao thương Trung Quốc và một trung tâm học tập Phật giáo. Đó là một chính thể lớn trong khoảng 80 năm, sai sứ sang Trung Quốc trong các năm 702, 716.724.728, và 742. Rồi  mãi đến năm 904 mới có sứ tiếp tục tới Trung Quốc. Các sự kiện trong nửa cuối thế kỉ VIII đến thế kỉ IX vẫn là một bí ẩn.


Hầu hết các học giả chấp nhận rằng Phật Thệ nằm ở Palembang ở miền nam Sumatra, một sự khẳng định được khảo cổ học của thành phố đó hậu thuẫn. Tuy nhiên, liên hệ giữa Palembang, Srivijaya, và Malayu vẫn còn tranh luận. Bởi vì một ghi chú sau này trong sách của Nghĩa Tịnh nói rằng “Mạt La Du ( bây giờ đổi thành Thất Lợi Phật Thệ), "một số học giả cho rằng Thất Lợi Phật Thệ đã chinh phục Mạt La Du trước đó, khoảng năm 695. Tuy nhiên, các chính thể cụ thể của những sự kiện này vẫn không giải thích được, và cũng có khả năng là các cuộc tấn công vào Phật Thệ (Vijaya) đã đề cập ở đầu phần này do Mạt La Du / Jambi phát động và  sau thắng lợi quân sự, Mạt La Du lấytên Thất Lợi Phật Thệ  (Srivijaya).

Bia khắc Sabokingking (Telaga Batu) (hình. 24) ở Palembang và bia Kota Kapur ở đảo Bangka, phía đông Palembang ngang eo biển Bangka, cả hai đều vào thế kỉVII, cùng giai đoạn được các nguồn nó trên xử lý.'


Keling

Ha Lăng 訶陵

Chính thể Ha Lăng lần đầu tiên được ghi nhận trong các tài liệu của Trung Quốc nói về đoàn sứ của nước này sang Trung Quốc vào năm 640, tiếp theo là đoàn sứ năm 648 và 666. Thời ki này trùng hợp với sự trỗi dậy của Vijaya. Sau đó chúng tôi biết rằng năm 760-61 tàu của Đại Thực (Ả Rập) đến Ha Lăng, chỉ hai năm sau khi con tàu tương tự đột kích Quảng Châu. Sau đó, trong năm 767 và 768, thêm hai đoàn sứ từ Ha Lăngxuất hiện tại triều đình nhà Đường ở Trường An (Tây An). Các đoàn sứ Ha Lăng sau đó đến Trung Quốc được ghi lại trong các năm 813, 816, 827-35, và 860-73. Tên của sứ giả năm 816 là Lí Ha Nội 李訶內, và ông ta có vẻ là người Ả Rập (có thể Ali Hani). Ha Lăng được mô tả như một cảng lớn giữa Quảng Châu và Mat La Du, và, như vậy, nó là ở đây được xác định là một chính thể nằm tại Palembang ở nam Sumatra."


Jabades / Yavades / Jaba / Jawa / Java / Zābaj

Da Bà Đề 耶婆提 / Đỗ Bạc 杜薄 / Chư Bạc 諸薄 / Xã Bạc 社薄

Những tên có thể gắn kết với Java có rất nhiều trong truyền thống tài liệu của Trung Quốc cũng như bên ngoài nó. Tuy nhiên, sự đa dạng này cho thấy rằng chúng không phải chỉ đề cập riêng cho hòn đảo mà ngày nay chúng ta gọi là Java. Rõ ràng từ các ghi chép hàng hải nói tới nó đã xem xét ở trên, các liên hệ Trung Quốc-Ấn Độ trong giai đoạn này là thông qua Sumatra và bán đảo Malaysia; đảo Java dường như chỉ đóng vai trò nhỏ trong mạng lưới này. Thế thì cái tên Jawa / Jaba / Java nói tới cái gì? Cả hai nguồn Trung Quốc và Ả Rập cho thấy rằng có cũng có thể có một chính thể gọi là Jaba vào thế kỉ V, có lẽ tập trung ở miền nam Sumatra, và rằng nó rất có thể kéo dài ảnh hưởng của nó qua eo biển Sunda cho tới chính đảo Java.Tên Xã Bạc không thể gắn kết vững chắc với đảo Java cho đến khi Lĩnh ngoại đại đáp 嶺外代答 (Ghi chú về những điều nên ngoài dãy núi [Ngũ Lĩnh]; năm 1178), trong đó có lưu ý rằng "nước Xã Bạc còn được gọi là Bồ Gia Long 莆家龍 Nó ở trong đại dương về phía đông nam, và ở thế thấp 努下 (thế hạ). Như vậy, nó là được gọi là bờ biển thấp下岸 (hạ ngạn). Chúng ta có thể đồng nhất Bồ Gia Long (Pujialong) với Pekalongan trên bờ biển phía bắc của Java và có thể khẳng định rằng Xã Bác, trong tài liệu này, là đảo Java chúng ta biết ngày nay. Các ghi chép sau này của Trung Quốc nói đến Chư Bạc và Xã Bạc cũng có thể thường được gán cho đảo Java.


Tarumã

Đa La Ma 多羅魔 / 多羅磨

Một trong số ít những cái tên từ thiên niên kỉ đầu tiên mà chúng tôi khá chắc chắn có thể kết hợp với đảo Java là Đa La Ma, lần đầu tiên đề cập đến trong một tài liệu thế kỉ VIII. Đa La Ma gần như chắc chắn đồng nghĩa với Tarumã, nằm ở phía tây Java. Nhưng ít thông tin được cung cấp trong tài liệu, ngoài vị trí định hướng đi biển của chính thể này.


Lời bạt

Bằng cách dịch và trừu tượng hóa tài liệu Trung Quốc liên quan đến các chính thể toàn khu vực Đông Nam Á trong thiên niên kỉ đầu tiên công nguyên, chúng ta có thể phân biệt một số khía cạnh của môi trường chính trị và văn hóa của thời kì này. Ở đây, các ghi chép liên quan gợi ra rằng các liên kết và các quan hệ với Ấn Độ và đặc biệt là truyền thống tôn giáo trong khu vực đã hiện rõ lên bề mặt. Rõ ràng từ các tài liệu rằng những chính thể Đông Nam Á này là pha trộn trong các hoạt động của họ. Sự cùng tồn tại và, vào những thời điểm, việc hội nhập các truyền thống tôn giáo Bà La Môn, trường phái Phật giáo (Nikaya) khác nhau, và, trong nhiều thế kỉ sau của nghiên cứu này, các khía cạnh của đạo Hồi tiết lộ một khu vực được kết nối quốc tế, và sâu sắc về tinh thần. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để xác định chính thể nào tồn tại trong giai đoạn nào. Khi vị trí cho các chính thể có thể được xác định hoặc phỏng đoán, các chi tiết đó đều được cung cấp. Hầu hết các khẳng định được đề xuất là khá vững chắc, nhưng một số chỉ là dự đoán. Cấu trúc chính thể mới được nêu ở đây cho Đông Nam Á trong giai đoạn này cũng có thể cho phép chúng tôi tích hợp tốt hơn các nguồn tài liệu, cũng như đối tượng của nền văn hóa vật chất, thành một câu chuyện mạch lạc hơn về quá khứ Đông Nam Á.