Đường băng mới của Trung Quốc ở Biển Đông gần như hoàn thành
Isaac Stone Fish, Keith Johnson
FP (16/4/2015)
Ảnh vệ tinh
mới cho thấy rằng việc Trung Quốc (TQ) xây dựng đường băng trên các đảo tranh
chấp tiến triển xa hơn so với suy nghĩ trước đây.
TQ gần hoàn
tất việc xây dựng đường băng trên một chỏm đất nhỏ ở Biển Đông, nâng cao khả năng
triển khai sức mạnh trong khu vực từ vùng biển tranh chấp và nâng cao hơn nữa phần
được mất trong một cuộc thách thức ngày càng
căng thẳng giữa Bắc Kinh, các nước láng giềng và Hoa Kì.
Ảnh vệ tinh
mới cung cấp cho Foreign Policy cho thấy những tiến bộ trong việc
xây dựng một dải mặt đường
trên Đá Chữ Thập. Đá
này nằm gần đầu phía nam của vùng biển tranh chấp trong Biển Đông, cách Philippines
vài trăm dặm. Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, một quần đảo mà TQ, Philippines,
Malaysia, Việt Nam, Đài Loan, và Brunei yêu sách toàn bộ hoặc một phần. Các ảnh,
trong đó ảnh gần đây nhất vào ngày 11 tháng 4, cho thấy khoảng 3 000 feet (≈ 914
m) đường băng đã hoàn thành trong các sắc màu xanh lá cây, xanh dương và xám.
Các ảnh này do Asia
Maritime Transparency Initiative (AMTI), một chi nhánh nghiên cứu thuộc nhóm
chuyên gia cố vấn ở Washington của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS),
cung cấp.
“Khả năng bất kì loại máy bay nào đều có thể đáp xuống được
trên rạn đá này cải thiện đáng kể khả năng tuần tra khu vực và thực thi các yêu
sách của TQ trên Biển Đông”, Giám đốc AMTI Mira Rapp-Hooper nói.
Trò xây dựng rạn đá của TQ, bao gồm nạo vét lớn để biến các
rạn san hô thành đảo nhân tạo, đã được báo chí, bao gồm cả FP, tường thuật hồi tháng
2. Ngày 16 tháng 4, tờ New York Times
và các báo khác đã đăng
các ảnh về việc xây dựng của TQ trên Đá Chữ Thập chụp
vào cuối tháng 3 cho thấy đường băng đồn đại lâu nay đang hình thành. Các ảnh vào
tháng 4 do Foreign Policy thu được cho thấy thậm chí nhiều công trình hơn đã được
thực hiện trên rạn đá này, kể cả việc mở rộng sân bay.
TQ đòi
chủ quyền phần lớn Biển Đông vốn quan trọng về mặt chiến lược.
Đó là một khu vực rộng 1,4 triệu dặm vuông thuộc Thái Bình Dương, phía Bắc tiếp
giáp với TQ, còn phía Đông, phía Tây và phía Nam tiếp giáp một số nước Đông Nam
Á. Các quan chức hàng đầu của Mĩ, kể cả Tổng thống Barack Obama và lãnh đạo cấp
cao hải quân, gần đây đã lên tiếng báo động về thái độ hung hăng của TQ trong khu vực, đặc biệt là những nỗ lực bồi tạo
các rạn đá đã trở nên nổi bật trong vòng sáu tháng qua.
Hồi đầu tháng này, Obama chỉ trích việc TQ rõ ràng sử dụng “kích cỡ và cơ bắp để buộc các nước vào vị trí lệ
thuộc”. Đô đốc. Harry Harris Jr., chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương của Mĩ, lên án
“trường
thành cát” của TQ trong một bài phát biểu hồi cuối tháng 3 tại Úc.
Trong tháng 11, các ảnh do hãng phân tích IHS Jane công bố
cho thấy rằng Bắc Kinh đã bồi tạo nên một đảo lên Đá Chữ Thập đủ lớn để phục vụ một
đường băng dài khoảng 10 000 feet (≈ 3048 m). Những ảnh mới mà AMTI mua
từ công ty vệ tinh thương mại DigitalGlobe, cho thấy rằng việc xây dựng đường băng
đã thực sự bắt đầu.
Ảnh ngày 14 tháng 2 cho thấy các dấu mốc cho một đường
băng trên cát, nhưng chưa có mặt đường. Vào giữa tháng 3, mặt đường tráng đã dài
ra 958 feet (≈ 292 m) và tổng chiều dài đường băng là 1 525 feet (≈ 465 m).
Đến 11 tháng 4, có thể nhìn thấy đường băng, sân đỗ, và nhiều cấu trúc phục vụ
khác. “Có khả năng là đường băng sẽ hoàn thành sớm”, Rapp-Hooper nói.
Đô Đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ Tư Lệnh Thái Bình
Dương, nói trong buổi điều trần trước Quốc hội ngày 15 tháng 4 rằng các hoạt động
lấn biển “hung hăng” của TQ, bao gồm cả khả năng có một sân bay mới, sẽ nâng
cao khả năng quân sự của Bắc Kinh trong khu vực. Ông cũng cảnh báo về khả năng TQ
sẽ tuyên bố một khu vực nhận diện phòng không trên Biển Đông. Hồi tháng 11 năm 2013,
TQ tuyên bố thành lập một khu vực nhận diện phòng không trên Biển Hoa Đông, làm
tăng căng thẳng giữa TQ, Nhật Bản, và Hoa Kì, một đồng minh thân cận của Nhật Bản.
Như nhiều học giả TQ và các quan chức quân đội về hưu gợi
ra, việc tuyên bố một vùng [nhận diện phòng không] bên trên
Biển Đông có thể làm tăng căng thẳng với Hoa Kì hơn nữa. Và đường băng sẽ góp vào
chuyện đó.
“Nó mở rộng khả năng hoạt động của họ trong Biển Đông, bao
gồm cả giám sát khu vực và có khả năng từ chối truy cập đối với những nước khác”,
một quan chức chính quyền Obama cao cấp gần đây đã nói với Foreign Policy.
Xây đường băng trên Đá Chữ Thập không là việc làm lần đầu
của TQ trong khu vực này, họ đã có một sân bay ít được sử dụng trên đảo Phú Lâm
thuộc quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo nhỏ ở Biển Đông, hoàn
thành vào năm 1990. Tuy nhiên, nó có thể có tiềm năng rất quan trọng
trong việc củng cố chiến lược cơ bản của TQ, giữ Hải quân Mĩ càng cách xa bờ biển TQ càng tốt nhờ vào
một hỗn hợp máy bay trên đất, tàu ngầm và đội pháo tên lửa diệt
tàu.
Đóng quân trên Đảo Chữ Thập, và quan trọng là có thêm một
đường băng đa dụng sẽ mở rộng tầm hoạt động quân sự tiềm năng của TQ: Đường băng
dài 3048 m đủ sức đáp ứng gần như tất cả các máy bay trong quân đội TQ.
TQ không
phải là nước
đầu tiên xây đường băng
trên quần đảo Trường Sa – trên thực
tế, ngoại trừ nước Brunei nhỏ bé, TQ là nước cuối cùng trong các bên tranh chấp làm điều này. Đài Loan,
Việt Nam, Malaysia, và Philippines đều có đường băng trên quần đảo Trường Sa, dù
khác nhau rất lớn về kích thước và độ phức tạp, tất cả đều có vẻ ít đáng kể hơn
rất nhiều so với đường băng của TQ.
“Có
nhiều việc xây dựng khả năng đang diễn
ra”, Isaac Kardon,
một học giả thuộc tại Viện Luật Mĩ-Á thuộc NYU Law, đang nghiên cứu về vấn đề
Biển Đông nói. “Vấn
đề chỉ là TQ đang xây dựng nhiều
khả năng hơn bất cứ nước
nào khác”. Sở ngoại vụ tỉnh Hải Nam, tỉnh quản
lí Đá Chữ Thập không trả lời đề nghị bình luận, còn Hải Quân TQ không liên hệ được.
Philippines
đã lớn tiếng kêu gọi sự hậu thuẫn nhiều hơn từ các quốc gia khác, đặc
biệt là Hoa Kì, trong việc đối đầu với điều mà họ thấy như là sự gây hấn của TQ ở Biển Đông. Tuần
này Indonesia cho biết họ muốn có thêm các cuộc tập trận
huấn luyện với Hải Quân
Mĩ trong các khu vực của Biển Đông gần nơi TQ tuyên bố chủ quyền.
Báo chí
TQ đã không hề né tránh
việc đăng tải về
dự án xây dựng trên Đá Chữ Thập, hoặc sự phát triển đảo. Cuối tháng 3, một bài báo trên các trang web tin tức iFeng của TQ tường thuật rằng lính trên Đá Chữ Thập -. mà
TQ gọi Yongshu (Vĩnh Thử)- bây giờ có thể truy cập dịch vụ web 4G, do vậy lính đóng quân trên đảo có thể
“chia sẻ những phong cảnh đẹp”. Báo Tài Chính Quốc Tế của của TQ ước tính rằng TQ đã chi khoảng $ 12 tỉ cho việc
xây dựng các phần nhân tạo của Đá Chữ Thập, chưa kể các cấu trúc trên đảo.
Trong khi
Bộ Ngoại giao TQ nói rằng các đảo này sẽ được sử dụng cho các mục đích quốc phòng không
nêu rõ, họ đã tìm
cách hạ thấp những tác động quân sự của các hoạt động đó. Đầu tháng 4, một người phát ngôn
Bộ Ngoại giao TQ nói rằng việc bồi đắp thêm các rạn san hô
nhằm làm cho việc tiến hành các hoạt động
đáp ứng thiên tai, chẳng hạn như các chuyến bay tìm kiếm và cứu hộ và ứng phó với
giông bão, dễ dàng
hơn.
Tuy
nhiên, nhiều
nhà phân tích hoài nghi.
“Đó không phải là một công
việc nhân đạo nhằm tạo thêm sự
cơ động cho việc
cứu trợ nhân đạo.
Đó là một cách triển khai vành đai phòng thủ - chấm hết”, Said Bryan McGrath, Phó
giám đốc. Trung tâm American Seapower thuộc Viện Hudson.
Ông nói rằng nó có thể giúp TQ triển khai máy bay, tên lửa
đất-đối-đất, tên lửa đạn đạo chống tàu, và các hệ thống phòng thủ trên không “Trong
khi làm như vậy, họ giữ cho kỵ binh - tức là Hải Quân Mĩ - thậm chí ở cách xa hơn
là khi chỉ đơn giản triển khai vành đai phòng thủ đó từ đại lục”, McGrath nói.
Chắc chắn là một số nhà phân tích Mĩ thấy các hoạt động bồi
đắp đất của TQ không đe dọa nhiều. M. Taylor Fravel, một chuyên gia về tranh chấp
biển châu Á tại Viện Công Nghệ Massachusetts, nghi vấn liệu các sân bay cô lập không
có lớp các cấu trúc phục vụ đầy đủ như các cơ sở tiếp tế nhiên liệu và bảo trì sẽ
làm được gì nhiều để làm tăng tầm hoạt động quân sự của TQ. Ông nói chúng vẫn sẽ
mong manh đối với bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ. Hơn nữa, chúng cũng mong
manh trước thời tiết.
“Một cơn bão lớn có thể cuốn đi hết tất cả”, Rapp-Hooper đồng
ý.
Cuộc đấu khẩu về 3 034 m bê tông trên Đá Chữ Thập nhấn
mạnh mức độ mà các đường băng đang và từ lâu được dùng cho việc triển khai sức
mạnh trong những khoảng cách rộng lớn của Thái Bình Dương. Trong Thế chiến II, việc
Nhật Bản xây dựng một sân bay trên đảo Guadalcanal đã khiến Thủy Quân Lục Chiến
Mĩ tung ra cuộc tập kích đầu tiên trên đất liền trong Chiến Tranh Thái Bình Dương.
Tương tự như vậy, nhu cầu về các sân bay áp chế phần lớn chiến lược tiến nhảy cóc lên các đảo (island-hopping) qua trung tâm Thái Bình Dương của Đô Đốc Chester
Nimitz qua việc tóm lấy các bệ phóng ở
chuỗi đảo Marshalls, Marianas và cuối cùng là Ryukyu để có thể giành ưu thế trên
không ở khu vực lẫn việc ném bom tầm xa vào các đảo chính của Nhật. Ngay cả ở châu
Âu, các sân bay ở các vị trí chiến lược ở cách xa nhau như Iceland, Azores, và Malta
đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống tàu ngầm của Đức và tấn
công các tuyến đường tiếp liệu của Phe Trục. Gần đây hơn, Diego Garcia ở giữa Ấn
Độ Dương đã là một căn cứ quan trọng cho các cuộc không kích tầm xa của Mĩ ở Trung
Đông.
Trớ trêu thay, mặc dù qua nhiều thập kỉ tiến bộ trong công
nghệ quân sự, sân bay vẫn còn quan trọng như đã từng vì máy bay phản lực ngày nay
có tầm hoạt động tương đối ngắn, Đảo Hải Nam của TQ và Quần Đảo Trường Sa cách
nhau gần 600 dặm, không quân TQ sẽ phải hoạt động ở mức giới hạn cuối cùng trong
bất kì cuộc đối đầu nào trong khu vực.
Nhưng xây dựng một đường băng trên Đá Chữ Thập về cơ bản cho
Bắc Kinh một tàu sân bay không thể chìm nằm sẵn ở trung tâm Biển Đông. Theo
cách đó, vành đai phòng thủ của TQ được đẩy xa bờ biển gần 600 dặm sẽ khiến cho
các nhóm tấn công tàu sân bay Hải Quân Mĩ với các máy bay tầm ngắn khó can thiệp
hơn nhiều mà không sợ mất đi một con tàu nhiều tỉ đô la.
No comments:
Post a Comment