Saturday, February 11, 2017

"Sờ mông Cọp":Chiến tranh Việt Nam lần ba

Chương 13
"Sờ mông Cọp":Chiến tranh Việt Nam lần ba
Chapter 13 “Touching the Tiger’s Buttocks” The Third Vietnam War


Kissinger, Henry (2011). On China. The Penguin Press. Kindle Edition.



Tháng 4 năm 1979, Thủ tướng Trung Quốc Hoa Quốc Phong tổng kết kết quả cuộc chiến tranh Việt Nam lần ba, Trung Quốc đã xâm chiếm Việt Nam và rút quân sau 6 tuần, với một chỉ trích cay độc coi thường vai trò của Liên Xô: "Họ đã không dám tỏ thái độ.  Như vậy, cuối cùng chúng ta vẫn có thể sờ mông cọp."


Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam để "dạy cho chúng một bài học" sau khi quân đội Việt Nam chiếm đóng Campuchia để đáp trả một loạt các cuộc giao tranh biên giới với Khmer Đỏ (nắm quyền ở Cam Bốt vào năm 1975), và vì Hà Nội theo đuổi ráo riết mục tiêu thành lập Liên bang Đông Dương.  Trung Quốc làm như vậy cũng nhằm thách thức hiệp ước phòng thủ hỗ tương giữa Hà Nội và Moscow kí kết non một tháng trước đó.  Cuộc chiến tranh này rất tốn kém đối với lực lượng vũ trang Trung Quốc - chưa hoàn toàn phục hồi sau những phá phách của cuộc Cách mạng Văn hóa.  Nhưng cuộc xâm lược đã phục vụ được mục tiêu cơ bản, khi Liên Xô không đáp ứng thì điều đó cho thấy những hạn chế về tầm với chiến lược của họ. Từ quan điểm đó, có thể xem nó như là một bước ngoặt của Chiến tranh Lạnh, mặc dù vào thời điểm đó người ta chưa hiểu đầy đủ như vậy. Chiến tranh Việt Nam lần ba cũng là điểm cao của sự hợp tác chiến lược Trung-Mĩ trong Chiến tranh Lạnh.

Việt Nam: kẻ làm rối trí các cường quốc

Trung Quốc đã tự can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam lần ba do những yếu tố tương tự với những gì đã lôi kéo Hoa Kì vào cuộc chiến thứ hai.  Một cái gì đó trong chủ nghĩa dân tộc Việt Nam gần như điên cuồng làm cho các xã hội khác bị mất cảm giác về tỉ lệ và hiểu lầm những động lực và khả năng của Việt Nam.  Chắc chắn đó là số phận của nước Mĩ khi dấn vào cuộc chiến tranh mà hiện nay các sử gia xem như cuộc chiến tranh Việt Nam thứ hai (cuộc chiến tranh thứ nhất là cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp của Việt Nam).  Mĩ thấy khó chấp nhận một quốc gia cỡ vừa, đang phát triển lại có thể nuôi dưỡng một quyết tâm mãnh liệt như thế chỉ vì các nguyên nhân cục bộ của mình.  Do đó, họ diễn giải những hành động của Việt Nam như là những dấu hiệu của một mưu đồ sâu sắc hơn.  Sức chiến đấu của Hà Nội được coi là một đội tiên phong của một âm mưu phối hợp Trung-Xô nhằm thống trị ít nhất là châu Á.  Và Washington cũng đã tin rằng một khi cuộc tấn công ban đầu của Hà Nội bị chặn lại thì một số thỏa hiệp ngoại giao có thể xuất hiện.
Việc đánh giá này sai trên cả hai căn cứ.  Hà Nội không phải là kẻ thừa hành cho bất kì quốc gia nào khác.  Họ chiến đấu vì độc lập của mình và tột cùng vì một Liên bang Đông Dương trong đó Hà Nội sẽ nắm lấy vai trò chi phối trong khu vực Đông Nam Á, vai trò mà Bắc Kinh đã từng giữ trong lịch sử ở Đông Á.  Đối với những kẻ có đầu óc một chiều còn sống sót sau hàng thế kỉ xung đột với Trung Quốc này, việc thỏa hiệp ý chí độc lập của họ và quan niệm về ổn định của bất kì kẻ bên ngoài nào là không thể hiểu được.  Sự chua cay của chiến tranh Việt Nam thứ hai ở Đông Dương là sự tương tác giữa lòng mong mỏi thỏa hiệp của Mĩ và sự khăng khăng về chiến thắng của Bắc Việt Nam.
Trong ý nghĩa đó, sai lầm trầm trọng của Mĩ trong chiến tranh Việt Nam không phải là câu hỏi  liệu chính phủ Mĩ đã dốc sức đúng mức cho một kết quả ngoại giao hay chưa - điều đã làm chia rẽ công chúng Mĩ.  Mà đó là việc không có khả năng đối mặt với sự kiện rằng một kết quả được gọi là ngoại giao mà các chính quyền liên tiếp của cả hai đảng chính trị ở Mĩ tìm kiếm một cách sốt sắng và thậm chí vô vọng đòi hỏi những áp lực tương đương với những gì dồn tới một sự thất bại hoàn toàn của Hà Nội − và rằng Moscow và Bắc Kinh chỉ có vai trò tạo điều kiện chứ không phải vai trò chỉ đạo.
Theo một cách hạn chế hơn, Bắc Kinh rơi vào một sự nhận thức sai song hành.  Khi Mĩ bắt đầu tăng cường ở Việt Nam, Bắc Kinh giải thích điều đó với thuật ngữ vi kì (圍 棋 wéi qí: cờ vây): ví dụ như các căn cứ của Mĩ xung quanh Trung Quốc từ Hàn Quốc đến eo biển Đài Loan và bây giờ ở Đông Dương.  Trung Quốc trợ giúp cuộc chiến tranh du kích của Bắc Việt Nam, một phần vì lí do ý thức hệ, một phần để đẩy lùi các căn cứ Mĩ càng xa biên giới Trung Quốc càng tốt.  Chu Ân Lai đã nói với Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng vào tháng Tư năm 1968 rằng Trung Quốc ủng hộ miền Bắc Việt Nam để ngăn chặn sự bao vây chiến lược đối với Trung Quốc, và Phạm Văn Đồng đã đưa ra một trả lời lập lờ -  phần lớn là do việc ngăn chặn sự bao vây Trung Quốc không phải là một mục tiêu của Việt Nam, các mục tiêu của Việt Nam là những mục tiêu dân tộc.
CHU: Trong một thời gian dài, Hoa Kì đã bao vây Trung Quốc phân nửa.  Bây giờ Liên Xô cũng bao vây Trung Quốc.  Vòng vây gần như trọn vẹn, ngoại trừ [một phần của] Việt Nam.
PHẠM: Tất cả chúng tôi đều quyết tâm hơn để đánh bại đế quốc Mĩ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
CHU: Chính vì thế nên chúng tôi ủng hộ các đồng chí.
PHẠM: Việc chúng tôi chiến thắng sẽ có một tác động tích cực ở châu Á. Chiến thắng của chúng tôi sẽ mang tới những kết quả không lường trước được.
CHU: Đồng chí nên suy nghĩ theo cách đó.
Đối với việc theo đuổi chiến lược của Trung Quốc, Phạm Văn Đồng đã cẩn thận tự cách li mình ra khỏi việc này, Trung Quốc đã gửi hơn 100 000 nhân viên quân sự không chiến đấu để trợ giúp cơ sở hạ tầng và hậu cần cho Bắc Việt.  Hoa Kì chống Bắc Việt như là một mũi giáo của một mưu đồ Xô-Trung.  Trung Quốc trợ giúp Hà Nội để làm hỏng cuộc đột phá có ý thức nhằm việc Mĩ thống trị châu Á.  Cả hai điều này đều là sai lầm.  Hà Nội chỉ chiến đấu vì lợi ích dân tộc riêng của mình.  Một Việt Nam thống nhất do Cộng sản lãnh đạo, chiến thắng trong cuộc chiến thứ hai vào năm 1975, sẽ trở thành mối đe doạ chiến lược lớn đối với Trung Quốc nhiều hơn là đối với Hoa Kì.
Người Việt Nam nhìn người láng giềng phía bắc của họ với mối ngờ vực gần như hoang tưởng.  Trong suốt thời gian dài dưới sự thống trị của Trung Quốc, Việt Nam đã hấp thụ hệ thống chữ viết và các hình thức chính trị và văn hóa của Trung Quốc (bằng chứng ngoạn mục nhất là hoàng cung và các ngôi mộ tại cố đô Huế).  Tuy nhiên, Việt Nam đã sử dụng các định chế "Trung Quốc" này để xây dựng một nhà nước riêng biệt và củng cố nền độc lập của riêng mình.  Vị trí địa lí không cho phép Việt Nam rút lui vào cô lập như Nhật Bản đã từng làm vào những khoảng thời gian tương đương trong lịch sử của họ.  Suốt từ thế kỉ II trước Công Nguyên tới thế kỉ X, Việt Nam ít nhiều gần như đặt dưới sự cai trị trực tiếp của Trung Quốc, chỉ trở lại thành một nhà nước độc lập hoàn toàn sau khi triều đại nhà Đường sụp đổ năm 907.
Bản sắc dân tộc Việt Nam phản ánh di sản của hai sức mạnh phần nào trái ngược nhau: một là việc hấp thụ nền văn hóa Trung Quốc, hai là việc đối kháng sự thống trị chính trị và quân sự của Trung Quốc.  Đối kháng với Trung Quốc đã tạo ra một niềm tự hào to lớn về nền độc lập của người Việt Nam và một truyền thống quân sự đáng gờm.  Hấp thụ nền văn hóa Trung Quốc tạo ra cho Việt Nam một tầng lớp tinh hoa Nho giáo kiểu Trung Quốc, những người sở hữu một cái gì đó có tính phức hợp của Vương quốc Trung tâm nhưng lại mang tính địa phương của riêng họ so với các nước láng giềng.  Trong các cuộc chiến tranh Đông Dương ở thế kỉ XX, Hà Nội biểu thị cảm nhận về quyền thụ hưởng mặt chính trị và văn hóa này qua việc tự ý sử dụng lãnh thổ của Lào và Campuchia trung lập như thể là quyền đương nhiên, và sau chiến tranh, mở rộng “quan hệ đặc biệt" với các phong trào cộng sản trong mỗi quốc gia này đưa tới vị trí thống trị của Việt Nam.
Việt Nam đối đầu với Trung Quốc với một thách thức tâm lí và địa chính trị chưa từng có.  Các nhà lãnh đạo Hà Nội đã quen thuộc với binh pháp của Tôn Tử và đã sử dụng các nguyên tắc của nó tạo tác động đáng kể đối với cả Pháp lẫn Mĩ  Ngay cả trước khi kết thúc hai cuộc chiến tranh Việt Nam lâu dài, đầu tiên với người Pháp qua việc tìm cách đòi lại thuộc địa của họ sau chiến tranh thế giới thứ II, và sau đó với Hoa Kì từ 1963 đến 1975, cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều bắt đầu nhận ra rằng cuộc đua tranh tiếp theo cho sự thống trị ở Đông Dương và Đông Nam Á sẽ là giữa họ với nhau.
Có lẽ do sự gần gũi văn hoá nên trong chiến tranh Việt Nam không có sự phân tích chiến lược đúng mức thường có trong việc chỉ đạo các chính sách của Trung Quốc.  Trớ trêu thay, lợi ích chiến lược lâu dài của Bắc Kinh lại tương đồng với lợi ích của Washington: một kết quả theo đó bốn nước Đông Dương (Bắc và Nam Việt Nam, Campuchia, và Lào) cân bằng lẫn nhau.  Điều này có thể lí giải lí do tại sao khi phác thảo các kết quả có thể có của chiến tranh cho Edgar Snow vào năm 1965, Mao đã líệt kê việc giữ nguyên Nam Việt Nam như là một kết quả có thể có, do đó, có thể được hiểu là chấp nhận được.
Trong chuyến đi bí mật của tôi tới Bắc Kinh vào năm 1971, Chu Ân Lai giải thích mục tiêu của Trung Quốc ở Đông Dương là không có tính chiến lược cũng như không có tính ý thức hệ.  Theo Chu Ân Lai, chính sách của Trung Quốc ở Đông Dương dựa hoàn toàn vào một món nợ lịch sử phát sinh từ các triều đại xưa.  Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã giả định rằng nước Mĩ không thể bị đánh bại và miền bắc của một nước Việt Nam chia cắt sẽ trở nên phụ thuộc vào trợ giúp của Trung Quốc nhiều như Bắc Triều Tiên đã phụ thuộc họ sau khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Khi chiến tranh phát triển, có một số dấu hiệu cho thấy rằng Trung Quốc đang tự chuẩn bị − dù miễn cưỡng − cho chiến thắng của Hà Nội.  Tình báo nhận thấy rằng đường xá do Trung Quốc xây dựng ở bắc Lào không dính dáng đến cuộc xung đột đang diễn ra với Hoa Kì, nhưng sẽ là hữu ích cho chiến lược sau chiến tranh để cân bằng Hà Nội hoặc thậm chí cho một cuộc xung đột có thể xảy ra ở Lào.  Năm 1973, sau Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh Việt Nam,  Chu Ân Lai và tôi có thương lượng về một sự dàn xếp sau chiến tranh đối với Campuchia dựa trên một liên minh giữa Norodom Sihanouk (cựu hoàng lưu vong của Campuchia sống tại Bắc Kinh), chính phủ Phnom Penh hiện tại, và Khmer Đỏ.  Mục đích chính của việc này là tạo ra một chướng ngại cho việc nắm lấy Đông Dương của Hà Nội.  Thực tế thỏa thuận này cuối cùng bị hủy bỏ khi Quốc hội Hoa Kì ngăn cấm bất kì vai trò quân sự nào thêm nữa có thể khiến cho vai trò của Mĩ trở nên không thích đáng.trong khu vực.
Thái độ thù địch tiềm ẩn của Hà Nội với đồng mình lúc đó của mình đã tỏ rõ trong chuyến tôi thăm Hà Nội vào tháng 2 năm 1973, dự kiến để bàn bạc việc thực hiện Hiệp định Paris kí tắt hai tuần trước đó.  Trong một chuyến viếng thăm Bảo tàng quốc gia Hà Nội, Lê Đức Thọ chủ yếu chỉ cho tôi các khu vực dành cho các cuộc đấu tranh chống lại Trung Quốc − vẫn đang là một đồng minh chính thức của Việt Nam − trong lịch sử Việt Nam.
Với sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975, sự kình địch cố hữu và lịch sử nổ ra công khai, dẫn đến sự chiến thắng của địa chính trị đối với hệ tư tưởng.  Nó đã chứng minh rằng Hoa Kì không là đơn độc trong việc đánh giá sai lầm ý nghĩa của chiến tranh Việt Nam.  Khi Hoa Kì đầu tiên can thiệp, Trung Quốc xem đó như những hơi thở thều thào cuối cùng của chủ nghĩa đế quốc.  Họ đã − gần như lệ thường – chia sẻ số phận với Hà Nội.  Họ giải thích sự can thiệp của Mĩ như là một bước tiến tới bao vây Trung Quốc − y như họ đã xem sự can thiệp của Mĩ tại Hàn Quốc một thập kỉ trước đó.
Trớ trêu thay, theo quan điểm địa chính trị, lợi ích lâu dài của Bắc Kinh và Washington vốn lại phải tương đồng.  Cả hai đều cần phải chuộng hiện trạng hơn, đó là một Đông Dương chia cắt với bốn nước.  Washington chống lại sự thống trị của Hà Nội ở Đông Dương do ý tưởng Wilson về trật tự toàn cầu − quyền tự quyết của các nước đang có −và khái niệm về một âm mưu Cộng sản toàn cầu.  Bắc Kinh cũng có cùng một mục tiêu chung này, nhưng lại theo quan điểm địa chính trị, do họ muốn tránh sự xuất hiện của khối Đông Nam Á ở biên giới phía nam của mình.
Trong một khoảng thời gian, Bắc Kinh dường như tin rằng hệ tư tưởng Cộng sản sẽ thổi át lịch sử ngàn năm Việt Nam phản kháng sự ưu thế của Trung Quốc.  Hoặc giả họ đã không nghĩ rằng Hoa Kì lại có thể bị đánh bại hoàn toàn.  Sau khi Sài Gòn sụp đổ, Bắc Kinh đã bắt buộc phải đối mặt với các hệ quả của chính sách của chính mình.  Và nó ảnh hưởng ngược trở lại ngay trước mặt họ.  Kết quả này ở Đông Dương kết hợp cùng với nỗi lo sợ Trung Quốc bị bao vây thường trực.
Cơn ác mộng bị bao vây bởi một thế lực thù địch của Bắc Kinh có vẻ đã trở thành hiện thực.  Một mình Việt Nam đã là đáng gờm.  Nhưng nếu họ nhận ra mục tiêu của một Liên bang Đông Dương, Liên bang này sẽ tiến tới một khối với 100 triệu dân và sẽ nắm được vị thế đem tới áp lực đáng kể đối với Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác.  Trong bối cảnh này, sự độc lập của Campuchia như một đối trọng với Hà Nội trở thành một mục tiêu chính của Trung Quốc.  Kể từ đầu tháng 8 năm 1975, ba tháng sau khi Sài Gòn  sụp đổ -  khi nhà lãnh đạo Khmer Đỏ Khieu Samphan viếng thăm, Đặng Tiểu Bình nói: "Khi một siêu cường [Hoa Kì] bị buộc phải rút quân khỏi Đông Dương, một siêu cường khác [Liên Xô] sẽ nắm lấy cơ hội... vươn rộng các vòi bạch tuột gian ác của nó đến khu vực Đông Nam Á... trong cố gắng thực hiện  sự bành trướng ở đó."  Đặng Tiểu Bình nói rằng Cam-pu-chia và Trung Quốc " cả hai.... phải đối mặt với nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và bá quyền... Chúng ta tin chắc rằng.... hai dân tộc của chúng ta sẽ đoàn kết chặt chẽ hơn nữa và sánh bước cùng nhau hướng tới những chiến thắng mới trong cuộc đấu tranh chung này"  Trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Chính phủ Lào Kaysone Phomvihane năm 1976, Hoa Quốc Phong, Thủ tướng lúc đó, cảnh báo về Liên Xô với thực tế rằng: "Đặc biệt, một siêu cường lớn tiếng kêu gọi “làm dịu” trong khi lại  vươn các móng vuốt của nó ở khắp mọi nơi, vẫn đang đẩy mạnh việc khuếch trương vũ trang và việc chuẩn bị chiến tranh và đang cố gắng lôi kéo nhiều nước vào phạm vi ảnh hưởng của mình và đóng vai chúa tể bá quyền."
Thoát khỏi sự cần thiết phải giả vờ đoàn kết cộng sản hồi còn đối mặt với các mối đe dọa của "đế quốc" Mĩ, hai đối thủ này chuyển sang thế chống đối với nhau ngay sau khi Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4 năm 1975.  Trong vòng 6 tháng sau khi toàn Đông Dương sụp đổ, 150 ngàn bộ đội Việt Nam đã buộc phải rời khỏi Campuchia.  Một số tương đương các công dân Việt gốc Hoa cũng bị buộc phải đào thoát khỏi Việt Nam.  Vào khoảng tháng 2 năm 1976, Trung Quốc đã ngưng chương trình viện trợ cho Việt Nam, và một năm sau đó, họ cắt bỏ mọi chuyến giao hàng dựa trên các chương trình hiện có.  Cũng thời gian đó, Hà Nội chuyển hướng về phía Liên Xô.  Tại một cuộc họp của Bộ Chính trị Việt Nam trong tháng 6 năm 1978, Trung Quốc đã được nhận diện như là của "kẻ thù chính" của Việt Nam.  Cùng tháng đó Việt Nam gia nhập Comecon, khối thương mại do Liên Xô lãnh đạo.  Tháng 11 năm 1978, Liên Xô và Việt Nam kí Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, trong đó có các điều khoản về quân sự.  Tháng 12 năm 1978, quân đội Việt Nam xâm chiếm Campuchia, lật đổ chế độ Khmer Đỏ và dựng lên một chính phủ thân Việt Nam.
Hệ tư tưởng đã biến mất khỏi cuộc xung đột.  Các trung tâm quyền lực Cộng sản đang tiến hành một cuộc đua tranh cán cân quyền lực không dựa trên hệ tư tưởng mà trên lợi ích quốc gia.
Nhìn từ Bắc Kinh, một cơn ác mộng chiến lược đang phát triển dọc theo biên giới Trung Quốc.  Ở phía Bắc, sự tăng cường quân sự của Liên Xô tiếp tục không suy giảm: Moscow vẫn duy trì gần 50 đơn vị dọc theo biên giới.  Phía Tây của Trung Quốc, Afghanistan đã trải qua một cuộc đảo chính Mác xít và chịu ảnh hưởng của Liên Xô ngày càng công khai.  Bắc Kinh cũng đã nhìn thấy bàn tay của Moscow trong cuộc cách mạng Iran, lên đến đỉnh cao với chuyến bay của Shah vào ngày 16/01/1979.  Moscow tiếp tục thúc đẩy cho một hệ thống an ninh châu Á tập thể, không có mục đích nào nghe có lí hơn là kềm chế Trung Quốc.  Trong khi đó, Moscow đang đàm phán hiệp ước SALT II (Hiệp ước giói hạn vũ khí chiến lược II) với Washington.  Trong nhận thức của Bắc Kinh, một thỏa thuận như vậy có mục đích "đẩy các vùng nước bị bệnh của Liên Xô sang phía đông" hướng tới Trung Quốc.  Trung Quốc dường như ở một vị trí đặc biệt dễ bị tổn thương.  Bây giờ, Việt Nam lại đã tham gia vào phe Liên Xô.  "Những kết quả không lường trước được" mà Phạm Văn Đồng tiên đoán với Chu Ân Lai năm 1968 có vẻ bao gồm cả vòng vây của Liên Xô đối với Trung Quốc.  Một rắc rối thêm nữa là tất cả những thách thức này lại xảy ra trong thời gian Đặng Tiểu Bình vẫn còn đang củng cố vị trí của mình trong lần thứ hai nắm lại quyền lực - quá trình này chỉ hoàn tất vào năm 1980.
Một sự khác biệt chủ yếu giữa chiến lược ngoại giao Trung Quốc và phương Tây là cách phản ứng đối với tính dễ bị tấn công nhận thức được.  Các nhà ngoại giao Mĩ và phương Tây quyết định rằng họ cần phải thận trọng trong các động thái của mình để tránh khiêu khích, còn Trung Quốc có nhiều khả năng lại phản ứng bằng cách làm thật nổi sự coi thường của mình.  Từ một sự cân bằng bất lợi về lực lượng, các nhà ngoại giao phương Tây như một bắt buộc, có xu hướng thu xếp cho một giải pháp ngoại giao, họ thúc giục các sáng kiến ngoại giao để đặt phía bên kia thành phía "sai" để cô lập về mặt đạo đức nhưng loại bỏ việc sử dụng vũ lực – đây cơ bản là lời khuyên của Mĩ cho Đặng Tiểu Bình sau khi Việt Nam xâm chiếm Campuchia.  Các nhà chiến lược Trung Quốc có nhiều khả năng nâng cao lòng quyết tâm của họ để thay thế sự can đảm và áp lực tâm lí chống lại lợi thế vật chất của đối phương.  Họ tin vào khả năng ngăn chặn dưới hình thức tấn công phủ đầu trước.  Khi các nhà hoạch định Trung Quốc kết luận rằng đối thủ của họ đang giành lợi thế không thể chấp nhận được và xu thế chiến lược đang chuyển theo hướng chống lại họ, họ phản ứng bằng việc tìm cách làm suy yếu niềm tin của đối phương và cho phép Trung Quốc giành lại ưu thế về tâm lí, nếu không phải về vật chất.
Nếu phải đối mặt với một mối đe dọa trên mọi mặt trận, Đặng Tiểu Bình quyết định đi vào cuộc tấn công ngoại giao và chiến lược.  Mặc dù chưa kiểm soát hoàn toàn ở Bắc Kinh, ông đã mạnh dạn di chuyển trên nhiều cấp độ ở nước ngoài. Ông đã chuyển vị thế của Trung Quốc đối với Liên Xô từ kềm chế thành thù địch chiến lược rõ ràng, thực tế là quay ngược lại.  Trung Quốc sẽ không còn tự giới hạn vào việc báo cho Hoa Kì biết về việc kềm chế Liên Xô bằng cách nào, bây giờ họ giữ một vai trò tích cực trong việc xây dựng một líên minh chống Liên Xô và chống Việt Nam, đặc biệt là ở châu Á.  Họ bố trí mọi thứ đúng chỗ sẵn sàng cho một trận đấu có thể xảy ra với Hà Nội.


Chính sách đối ngoại của Đặng Tiểu Bình - Đối thoại với Mĩ và Bình thường hóa

Khi Đặng Tiểu Bình trở về sau lần bị “thanh lọc” thứ hai vào năm 1977, ông đảo ngược chính sách trong nước của Mao nhưng cơ bản vẫn để yên chính sách đối ngoại.  Điều này là do cả hai cùng chia sẻ một cảm xúc dân tộc mạnh mẽ và có cùng quan điểm về các lợi ích quốc gia.  Đó cũng còn do chính sách đối ngoại đã đặt ra những giới hạn tuyệt đối đối với các thôi thúc cách mạng của Mao nhiều hơn là chính sách trong nước.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng kể trong phong cách giữa óc phán xét của Mao và của Đặng Tiểu Bình.  Mao đánh dấu hỏi về các ý đồ chiến lược trong chính sách đối với Liên Xô của Mĩ.  Đặng Tiểu Bình giả định một nhận dạng về lợi ích chiến lược và tập trung vào việc đạt được một sự thực hiện song hành.  Mao coi Liên Xô như là một loại đe dọa chiến lược trừu tượng mà sự uy hiếp của nó đối với Trung Quốc không khác gì hơn so các nước còn lại của thế giới.  Đặng Tiểu Bình lại nhận thấy mối nguy hiểm đặc biệt cho Trung Quốc, đặc biệt là một mối đe dọa ngay tại biên giới phía nam của Trung Quốc gộp với một mối đe dọa tiềm ẩn ở phía bắc.  Vì thế, đối thoại khoác lên một tính cách thao tác nhiều hơn.  Mao đã hành động như một thầy giáo nãn chí, Đặng Tiểu Bình như một đối tác yêu cầu cao.
Khi đối mặt với nguy hiểm thực sự, Đặng Tiểu Bình chấm dứt sự mâu thuẫn về mối quan hệ với Mĩ vào năm cuối cùng của Mao.  Không có bất kì sự nuối tiếc nào của Trung Quốc về cơ hội làm đại diện cho cách mạng thế giới.  Trong tất cả các lần nói chuyện sau khi nắm lại quyền lực, Đặng Tiểu Bình lập luận rằng, trong việc chống lại lực đẩy của chính sách của Liên Xô đối với châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản cần phải cùng được đưa vào một thiết kế toàn cầu.
Tuy nhiên, khi các hoạt động tham vấn giữa Trung Quốc và Hoa Kì trở nên gần gủi thì việc nước Mĩ vẫn tiếp tục chính thức công nhận Đài Loan là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc và Đài Bắc là thủ đô của Trung Quốc lại trở nên bất thường.  Các kẻ thù của Trung Quốc dọc theo biên giới phía Bắc và phía Nam có thể diễn dịch sai việc không có sự công nhận này như một cơ hội cho họ.
Bình thường hóa quan hệ đã nâng thành những mục nằm trên cùng trong chương trình nghị sự Trung-Mĩ khi Jimmy Carter lên nắm quyền.  Chuyến thăm đầu tiên tới Bắc Kinh của Ngoại trưởng mới, Cyrus Vance, vào tháng 8 năm 1977 không đạt kết quả tốt.  Ông viết trong hồi kí của mình
“Tôi rời Washington, tin rằng sẽ là thiếu khôn ngoan để nhận việc giải quyết một vấn đề gây nhiều tranh cãi chính trị như việc bình thường hoá với Trung Quốc trước khi vấn đề Panama [liên quan đến việc phê chuẩn hiệp ước kênh đào Panama đưa kênh này vào hoạt động] chưa được giải quyết xong, trừ khi – và tôi không trông mong nó sẽ xảy ra − Trung Quốc chấp nhận đề xuất của chúng tôi trên bàn hội nghị.  Vì những lí do chính trị, tôi có ý định thể hiện một vị thế tối đa về vấn đề Đài Loan đối với Trung Quốc…. Theo đó, tôi đã không mong đợi Trung Quốc chấp nhận đề nghị của chúng tôi, nhưng tôi cảm thấy khôn ngoan để làm điều đó, mặc dù cuối cùng chúng ta có thể phải loại bỏ nó.”
Các đề nghị của Mĩ về Đài Loan chứa đựng một loạt các ý tưởng liên quan đến việc giữ lại một sự hiện diện giới hạn ngoại giao của Mĩ ở Đài Loan đã được đưa ra và bị bác bỏ trong thời chính quyền Ford.  Các đề nghị này bị Đặng Tiểu Bình từ chối một lần nữa, ông ta gọi đó là một bước lùi.  Một năm sau, cuộc tranh luận nội bộ của Mĩ chấm dứt khi Tổng thống Carter quyết định gán mức ưu tiên cao cho việc quan hệ với Trung Quốc.  Áp lực của Liên Xô ở châu Phi và Trung Đông đã thuyết phục Tổng thống mới chọn việc bình thường hóa nhanh chóng với Trung Quốc nhằm tìm kiếm một liên minh chiến lược trên thực tế (de facto) với Trung Quốc để đối phó với áp lực này.  Ngày 17/05/1978, Carter phái Cố vấn An ninh Quốc gia của mình, Zbigniew Brzezinski, tới Bắc Kinh với những chỉ thị như sau:
Ông nên nhấn mạnh rằng mặc dù cũng có một số khía cạnh hợp tác, tôi thấy Liên Xô giữ vai trò chủ yếu trong mối quan hệ cạnh tranh với Hoa Kì ….
Nói ngắn gọn nhất, mối quan tâm của tôi là sự kết hợp của sức mạnh quân sự ngày càng tăng và sự thiển cận về chính trị của Liên Xô, nuôi dưỡng bởi tham vọng cường quốc lớn, có thể cám dỗ Liên Xô khai thác cả các biến động địa phương (đặc biệt là trong thế giới thứ ba) lẫn hù dọa bạn bè của chúng ta để tìm kiếm lợi thế chính trị và cuối cùng là ưu thế chính trị.
Brzezinski cũng được uỷ quyền để khẳng định lại 5 nguyên tắc Nixon đề ra với Chu Ân Lai vào năm 1972.  Là một người ủng hộ mạnh mẽ việc hợp tác chiến lược với Trung Quốc từ lâu, Brzezinski thực hiện chỉ thị của Carter một cách nồng nhiệt và khéo léo.  Khi ông đến Bắc Kinh tháng 5 năm 1978 để theo đuổi các mối quan hệ bình thường hóa, Brzezinski tìm được một thính giả biết lắng nghe.  Đặng Tiểu Bình hăm hở xúc tiến việc bình thường hoá để tranh thủ Washington chắc chắn hơn vào trong một liên minh để chống lại những bước tiến của Liên Xô trong mọi ngõ ngách trên thế giới bằng những phương cách mà ông gọi là "công việc thật sự, vững chắc, sát thực tế".
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức sâu sắc về những nguy hiểm chiến lược xung quanh họ, nhưng lại trình bày phân tích của họ như là một quan điểm rộng hơn về điều kiện toàn cầu thay vì một mối quan ngại quốc gia.  "Biến động dưới bầu trời", "đường chân trời", "Ba thế giới": tất cả đều biểu hiện các lí thuyết tổng quát về các quan hệ quốc tế, không phải là các nhận thức quốc gia riêng biệt.
Phân tích tình hình quốc tế của Ngoại trưởng Hoàng Hoa thể hiện một sự tự tin đáng lưu ý.  Thay vì xuất hiện như một người trình bày những điều xét cho cùng là một tình huống rất khó khăn đối với Trung Quốc, Hoàng Hoa tỏ thái độ của một ông giáo Nho học, thuyết giảng về việc làm thế nào để thực hiện một chính sách ngoại giao toàn diện.  Ông mở đầu với một đánh giá chung về các "mâu thuẫn" giữa hai siêu cường, sự vô vọng trong các cuộc đàm phán với Liên Xô, và tính không thể tránh khỏi của một cuộc chiến tranh thế giới:
Liên Xô là nguồn chiến tranh nguy hiểm nhất.  Tổng thống của quý vị đã nói rằng Liên Xô đang đối mặt với nhiều khó khăn.  Đó là sự thật.  Phấn đấu giành quyền bá chủ thế giới là mục tiêu chiến lược không thay đổi của chủ nghĩa đế quốc xã hội chủ nghĩa Xô Viết.  Mặc dù nó có thể phải chịu rất nhiều thoái trào nhưng nó sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng của mình.”  Hoàng Hoa đã nâng mối quan ngại lên cao làm các sinh viên về chiến lược Mĩ lo lắng − đặc biệt là những người đã cố gắng liên hệ vũ khí hạt nhân với các cách suy nghĩ về chiến lược.  Sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân sẽ mở ra một khoảng cách giữa các mối đe dọa ngăn chặn và sự sẵn lòng thực hiện chúng:  "Đối với lập luận cho rằng Liên Xô không dám sử dụng vũ khí thông thường vì sợ cuộc tấn công hạt nhân từ phương Tây, điều đó chỉ là mơ tưởng.  Đặt cơ sở cho một quan điểm chiến lược dựa trên suy nghĩ đó không những nguy hiểm mà còn không đáng tin cậy."
Ở Trung Đông − "sườn của châu Âu" và "nguồn năng lượng trong một cuộc chiến tranh trong tương lai" − Hoa Kì đã thất bại trong việc kiểm soát các bước tiến của Liên Xô.  Hoa Kì đã ra một tuyên bố chung về Trung Đông với Liên Xô (mời các quốc gia khu vực đến một hội nghị để khám phá triển vọng cho một giải pháp toàn diện về Palestine), "vì vậy mở rộng cánh cửa cho Liên Xô tiếp tục xâm nhập vào Trung Đông."  Washington đã để Tổng thống Anwar Sadat của Ai Cập − mà "hành động táo bạo" của ông đã "tạo ra một tình hình bất lợi cho Liên Xô" – rơi vào một vị thế nguy hiểm và cho phép Liên Xô "nắm bắt cơ hội để làm nghiêm trọng thêm sự chia rẻ giữa các nước Ả Rập."
Hoàng Hoa tổng kết tình hình bằng cách viện dẫn một câu tục ngữ cổ của Trung Quốc: "xoa dịu" Moscow, ông nói, "giống như gắn thêm đôi cánh cho một con hổ để làm nó mạnh thêm."  Nhưng một chính sách áp lực phối hợp sẽ có ưu thế, vì Liên Xô "chỉ mạnh phía bên ngoài nhưng yếu phía bên trong.  Nó bắt nạt kẻ yếu và sợ hãi kẻ mạnh."
Tất cả điều này chỉ là để nêu ra bối cảnh cho Đông Dương.  Hoàng Hoa nêu lên vấn đề về bá quyền khu vực.  "Tất nhiên, Mĩ đã bước đi trên con đường này 10 trước đó.  Việt Nam nhắm tới mục đích thống trị Campuchia và Lào và thiết lập một Liên bang Đông Dương − Liên Xô đứng ngay phía sau điều đó."  Hà Nội đã đạt được vị trí thống trị tại Lào, đóng quân ở đó và duy trì "các cố vấn ở mỗi bộ phận và ở mọi cấp tại Lào."  Nhưng Hà Nội đã gặp phải sự chống đối ở Campuchia, họ chống lại các tham vọng của Việt Nam trong khu vực.  Sự căng thẳng Việt Nam-Campuchia biểu hiện "không chỉ đơn thuần là một số vụ đụng độ lẻ tẻ dọc theo biên giới" mà là một cuộc xung đột lớn "có thể kéo dài trong một thời gian dài."  Trừ khi Hà Nội từ bỏ mục tiêu thống trị Đông Dương "vấn đề này sẽ không thể giải quyết trong một thời gian ngắn".
Sau đó trong cùng ngày Đặng Tiểu Bình tiếp lời phê phán của Hoàng Hoa.  Nhượng bộ và thỏa thuận không bao giờ tạo ra sự kềm chế của Liên Xô, ông cảnh báo Brzezinski.  Mười lăm năm thực hiện hiệp ước kiểm soát vũ khí đã cho phép Liên Xô đạt được trình đô tương đương chiến lược với Hoa Kì.  Giao thương với Liên Xô có nghĩa là "Hoa Kì đang giúp Liên Xô vượt qua điểm yếu của nó."  Đặng Tiểu Bình đưa ra một đánh giá chế nhạo về phản ứng của Mĩ đối với chủ nghĩa phiêu lưu Xô viết ở Moscow:
Các người phát ngôn của quý vị đã liên tục biện minh và xin lỗi về những hành động của Liên Xô.  Đôi khi họ nói không có dấu hiệu để chứng minh rằng có sự can thiệp của Liên Xô và Cuba trong trường hợp của Zaire hay Angola.  Chẳng có ích lợi gì cho quý vị để nói như vậy.  Xin được thẳng thắng với quý vị, bất cứ khi nào quý vị kí kết một thỏa thuận với Liên Xô thì đó là sản phẩm của nhượng bộ về phía Mĩ để làm hài lòng phía Liên Xô.
Đó là một hành động không bình thường.  Quốc gia vốn là mục tiêu chủ yếu của Liên Xô lại đề xuất hành động chung như là một nghĩa vụ nhận thức chứ không phải như là một sự thương thảo giữa các quốc gia, càng kém hơn một yêu cầu rất nhiều.  Vào thời điểm có nguy hiểm lớn tầm vóc quốc gia – mà sự phân tích của riêng của họ cho thấy − Trung Quốc vẫn đóng vai trò là một chỉ đạo viên về chiến lược chứ không phải như là một người tiêu dùng thụ động các phương kế kê sẵn của Mĩ như các đồng minh châu Âu của Mĩ vẫn thường làm.
Các chủ đề chính của nhiều tranh luận ở Mĩ − luật quốc tế, các giải pháp đa phương, sự đồng thuận phổ biến− thường vắng mặt trong các phân tích của Trung Quốc, ngoại trừ được dùng như là các công cụ thiết thực cho một mục tiêu đã được thoả thuận.  Và mục tiêu đó, như Đặng Tiểu Bình chỉ cho Brzezinski, là "đối phó với con gấu trắng đó và chỉ có thế."
Nhưng đối với người Mĩ có một giới hạn cho cái gọi là cách tiếp cận hiện thực chủ nghĩa các giá trị cơ bản của xã hội Mĩ.  Và bọn Khmer Đỏ giết người cai quản Campuchia tiêu biểu cho cho một giới hạn như vậy.  Không có một Tổng thống Mĩ nào có thể coi Khmer Đỏ như là một viên đá (con cờ) khác trong thế cờ vây của mình.  Hành vi diệt chủng của họ − xua dân Phnom Penh vào rừng, giết người hàng loạt theo các phân loại thường dân định trước – không thể chỉ đơn giản là cứ lờ đi (mặc dù như chúng ta sẽ thấy đôi khi cũng cần phải từ bỏ nguyên tắc).
Hoa Quốc Phong,  thậm chí còn nhấn mạnh hơn trong một cuộc họp vào ngày hôm sau:
Chúng tôi cũng đã nói với rất nhiều bạn bè của chúng tôi rằng nguồn chiến tranh nguy hiểm chính là từ Liên Xô.  Thế thì chúng ta phải làm thế nào để đối phó với nó?  Điều đầu tiên là ta nên chuẩn bị…. Nếu ta đã chuẩn bị và một khi một cuộc chiến tranh xảy ra thì ta không thấy mình ở một vị thế bất lợi.  Điều thứ hai có tính bắt buộc là cố gắng để làm đảo lộn việc triển khai chiến lược xâm lược của Liên Xô.  Bởi vì để có được quyền bá chủ trên thế giới, trước hết Liên Xô phải có các căn cứ hải quân và không quân trên toàn thế giới, vì vậy họ phải thực hiện một triển khai chiến lược.  Và chúng ta phải cố gắng làm đảo lộn kế hoạch triển khai toàn cầu của họ.
Không một thành viên nào của Liên minh Đại Tây Dương đưa ra một lời kêu gọi tương đối sâu rộng về việc kết hợp hành động − chủ yếu mang tính tấn công ngăn chặn – hoặc tỏ cho thấy rằng họ đã chuẩn bị để hành động một mình theo đánh giá của riêng họ.
Về mặt thao tác các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề xuất một loại hợp tác theo nhiều cách mật thiết và chắc chắc liều lĩnh hơn so với Liên minh Đại Tây Dương.  Họ tìm cách để thực hiện chiến lược ngăn chặn tấn công được mô tả trong các chương trước.  Nét đặc biệt của chiến lược đó là Đặng Tiểu Bình đề xuất không có cấu trúc hình thức hoặc nghĩa vụ dài hạn.  Một đánh giá chung sẽ cung cấp động lực cho hành động chung, nhưng liên minh theo thực tế không thể tồn tại nếu các đánh giá bắt đầu bất đồng – Trung Quốc nằng nì được tự chủ ngay cả khi gặp nguy hiểm cao độ.  Việc Trung Quốc quá nhấn mạnh trên hành động chung mặc dù chỉ trích gay gắt các chính sách cụ thể của Mĩ đã chứng minh rằng hợp tác với Hoa Kì vì an ninh được họ nhận thức như là điều bắt buộc.
Bình thường hoá nổi lên như là một bước đầu tiên hướng tới một chính sách toàn cầu chung.  Kể từ chuyến thăm bí mật tháng 7 năm 1971, các điều kiện của Trung Quốc cho việc bình thường hóa là rõ ràng và không thay đổi: rút tất cả các lực lượng Mĩ khỏi Đài Loan, ngưng hiệp ước phòng thủ với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chỉ riêng với chính phủ ở Bắc Kinh.  Đó cũng đã là một phần về vị thế của Trung Quốc trong Thông cáo chung ở Thượng Hải.  Hai Tổng thống − Richard Nixon và Gerald Ford − đã đồng ý với các điều kiện này.  Nixon đã cho biết ông sẽ thực hiện chúng trong nhiệm kì thứ hai của mình.  Cả Nixon lẫn Ford đã nhấn mạnh mối quan tâm của Mĩ tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề, bao gồm cả việc tiếp tục của một số trợ giúp an ninh cho Đài Loan.  Họ đã không thể thực hiện những lời hứa này vì ảnh hưởng của vụ Watergate.
Trong một hành động khác thường của chính sách ngoại giao phi đảng phái, Tổng thống Carter ngay đầu nhiệm kì của ông đã tái khẳng định tất cả các chủ trương liên quan đến Đài Loan mà Nixon đã nêu ra với Chu Ân Lai trong tháng 2 năm 1972.  Năm 1978, ông đưa ra một công thức cụ thể cho việc bình thường hoá cho phép cả hai bên duy trì các nguyên tắc đã được thiết lập: khẳng định lại các nguyên tắc được Nixon và Ford chấp nhận, tuyên bố của Mĩ nhấn mạnh quyết tâm của nước này đối với sự chuyển đổi hòa bình, Trung Quốc sẽ bắt buộc phải sắp xếp lại việc phát triển vũ khí hạt nhân – như thể Hoa Kì không có ảnh hưởng đến các kế hoạch hay hành động của Đài Loan.
Cuối cùng, việc bình thường hoá đến khi Carter đưa ra một thời hạn chót qua việc mời Đặng Tiểu Bình đến thăm Washington.  Đặng Tiểu Bình đã đồng ý với việc Mĩ bán các vũ khí không xác định cho Đài Loan và không phủ nhận tuyên bố của Mĩ trong đó Washington mong đợi giải pháp cuối cùng cho vấn đề Đài Loan là giải pháp hòa bình − mặc dù Trung Quốc đã lập một kỉ lục kéo dài rằng họ sẽ không thực hiện nghĩa vụ chính thức tới mức hiệu lực đó.  Như Đặng Tiểu Bình có nhấn mạnh với Brzezinski rằng lập trường của Bắc Kinh vẫn là "giải phóng Đài Loan là một việc nội bộ của Trung Quốc mà không một quốc gia nước ngoài có quyền can thiệp."
Bình thường hoá có nghĩa là toà Đại sứ Mĩ sẽ chuyển từ Đài Bắc sang Bắc Kinh, một nhà ngoại giao Bắc Kinh sẽ thay thế đại diện của Đài Bắc tại Washington.  Để đáp lại Quốc hội Mĩ đã thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan vào năm 1979, bày tỏ những mối quan tâm của Mĩ về tương lai như là một luật ràng buộc đối với người Mĩ.  Dĩ nhiên, luật đó không thể ràng buộc Trung Quốc.
Sự cân bằng giữa những điều có tính bắt buộc của Mĩ và Trung Quốc minh họa tại sao tính mập mờ đôi khi lại là các huyết mạch của ngoại giao. Phần lớn việc bình thường hóa đã được duy trì trong bốn mươi năm bằng một loạt các sự mập mờ.  Nhưng không thể làm như vậy vô thời hạn.  Tài khéo chính trị khôn ngoan của cả hai bên là cần thiết để đưa quá trình này  tiến lên.


Các chuyến đi của Đặng Tiểu Bình

Khi Đặng Tiểu Bình chuyển từ lời kêu gọi sang thực hiện, ông thấy rằng Trung Quốc không chờ đợi một cách thụ động các quyết định của Mĩ.  Bất cứ nơi nào có thể − đặc biệt là ở Đông Nam Á − ông sẽ tạo ra khuôn khổ chính trị mà ông ủng hộ.
Trong khi Mao triệu tập các nhà lãnh đạo nước ngoài đến nơi cư trú của mình như một hoàng đế, Đặng Tiểu Bình đã theo một cách tiếp cận trái ngược – đi thăm viếng khu vực Đông Nam Á, Hoa Kì, và Nhật Bản và thực hành cách thức riêng của ông về ngoại giao rất rõ ràng, thẳng thừng, và đôi khi hách dịch.  Trong các năm 1978 và 1979, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện một loạt các chuyến đi để thay đổi hình ảnh Trung Quốc ở nước ngoài - từ một kẻ thách thức cách mạng thành một người bạn nạn nhân của các mưu đồ địa chính trị của Liên Xô và Việt Nam.  Trung Quốc đã từng ở phía bên kia trong chiến tranh Việt Nam.  Trước đó tại Thái Lan và Malaysia, Trung Quốc đã khuyến khích cách mạng trong các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài và các sắc dân thiểu số.  Bây giờ tất cả điều này là việc phụ để đối phó với mối đe dọa trước mắt.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Times tháng 2 năm 1979, Đặng Tiểu Bình quảng bá ý đồ chiến lược của Trung Quốc với một công chúng lớn: "Nếu chúng ta thực sự muốn đặt dây cương lên con gấu trắng, điều duy nhất có tính hiện thực đối với chúng ta là đoàn kết.  Nếu chúng ta chỉ phụ thuộc vào sức mạnh của Mĩ, điều đó chưa đủ.  Nếu chúng ta chỉ phụ thuộc vào sức mạnh của châu Âu, điều đó cũng chưa đủ.  Chúng tôi là một nước nghèo, không đáng kể, nhưng nếu chúng ta đoàn kết tốt thì sức mạnh sẽ tăng."
Trong suốt các chuyến đi của mình, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh tình trạng lạc hậu tương đối của Trung Quốc và mong muốn của nước này được tiếp thu công nghệ và sự chuyên sâu các nước công nghiệp tiên tiến.  Tuy nhiên, ông vẫn giữ ý kiến cho rằng sự thiếu sự phát triển của Trung Quốc không làm thay đổi quyết tâm của nước này chống lại sự bành trướng của Liên Xô và Việt Nam, nếu cần thiết bằng vũ lực và đơn độc.
Các chuyến đi ra nước ngoài của Đặng Tiểu Bình – và những viện dẫn lặp đi lặp lại của ông về sự nghèo đói của Trung Quốc – là những chuyến đi nổi bật trong truyền thống quản lí nhà nước Trung Quốc.  Rất ít nhà lãnh đạo Trung Quốc đi ra nước ngoài.  (Tất nhiên, nếu theo quan niệm truyền thống họ cai trị mọi thứ dưới bầu trời (thiên hạ) thì theo lẽ đó không có "nước ngoài" để họ đi đến.)  Việc Đặng Tiểu Bình sẵn sàng công khai nhấn mạnh tình trạng lạc hậu của Trung Quốc và cần học hỏi người khác tương phản sắc nét với tính thiển cận của các hoàng đế và quan chức Trung Quốc trong việc giao dịch với người nước ngoài.  Chưa từng có một nhà cai trị nào của Trung Quốc công bố cho người nước ngoài biết nhu cầu về hàng hóa nước ngoài của Trung Quốc.  Triều đình nhà Thanh chấp nhận các đổi mới của nước ngoài với liều lượng hạn chế (ví dụ, trong thái độ chào đón các nhà thiên văn học và các nhà toán học Dòng Tên), nhưng luôn luôn nhấn mạnh rằng giao thương với nước ngoài là một biểu hiện về thiện chí của Trung Quốc chứ không phải là một điều cần thiết cho Trung Quốc.  Mao, cũng thế, đã nhấn mạnh tinh thần tự chủ dù phải trả giá bằng sự nghèo đói và sự cô lập.
Đặng Tiểu Bình mở đầu việc đi ra nước ngoài bằng chuyến đi Nhật Bản nhân dịp việc phê chuẩn hiệp ước bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc được đàm phán trước đó.  Ý đồ chiến lược của Đặng Tiểu Bình không chỉ đơn giản là bình thường hoá mà đòi hỏi cả sự hòa giải, do đó Nhật Bản có thể giúp họ cô lập Liên Xô và Việt Nam.
Đối với mục tiêu này, Đặng Tiểu Bình đã sẵn sàng khép lại một nửa một thế kỉ Trung Quốc chịu đau khổ do Nhật Bản gây ra.  Đặng Tiểu Bình tự xử sự một cách cởi mở qua tuyên bố "Lòng tôi tràn đầy niềm vui," và ôm ghì đồng nhiệm Nhật Bản, một cử chỉ mà phía chủ nhà chỉ gặp một vài tiền lệ trong xã hội riêng của mình, hay trong xã hội Trung Quốc.  Đặng Tiểu Bình đã không cố tìm cách che dấu tình trạng tụt hậu về kinh tế của Trung Quốc: "Nếu bạn có một khuôn mặt xấu chẳng có ích gì để vờ rằng bạn đẹp trai."  Khi được yêu cầu kí vào sổ khách viếng ông đã ghi một lời đánh giá cao chưa từng có về các thành tựu của Nhật Bản: "Chúng tôi học tập và bày tỏ sự kính phục đối với nhân dân Nhật Bản, những nguời vĩ đại, cần mẫn, dũng cảm và thông minh."
Tháng 11 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đi thăm Đông Nam Á, đến Malaysia, Singapore, và Thái Lan.  Ông gán cho Việt Nam cái nhãn "Cuba của phương Đông" và nói hiệp ước Xô-Việt vừa được kí kết là một mối đe dọa cho hòa bình thế giới.
Ở Thái Lan vào ngày 8/11/1978, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh rằng "an ninh và hòa bình của châu Á, Thái Bình Dương và toàn thế giới đang bị đe dọa bởi hiệp ước Xô-Việt:  Hiệp ước này không nhằm chống lại chỉ một mình Trung Quốc....  Nó là một âm mưu toàn cầu rất quan trọng của Liên Xô.  Các bạn có thể tin rằng ý nghĩa của hiệp ước này là để bao vây Trung Quốc.  Tôi đã nói với các nước bạn bè rằng Trung Quốc không hề sợ bị bao vây.  Nó có một ý nghĩa quan trọng nhất đối với châu Á và Thái Bình Dương.  An ninh và hòa bình của châu Á, Thái Bình Dương và toàn thế giới đang bị đe doạ."
Trong chuyến thăm Singapore, Đặng Tiểu Bình đã được tiếp bằng tinh thần họ hàng của Thủ tướng phi thường Lí Quang Diệu và đã thoáng có một cái nhìn về một tương lai có thể có của Trung Quốc − một xã hội đa số-người Hoa thịnh vượng theo những gì mà Đặng Tiểu Bình sau này sẽ mô tả một cách khâm phục là "quản lí nghiêm ngặt" và "trật tự công cộng tốt."  Vào lúc đó, Trung Quốc vẫn còn nghèo thảm hại, và "trật tự công cộng" hầu như không còn tồn tại sau cuộc Cách mạng Văn hóa.  Lí Quang Diệu nhắc lại một trao đổi đáng ghi nhớ:
Ông ta mời tôi thăm Trung Quốc một lần nữa.  Tôi nói tôi sẽ đi khi Trung Quốc được phục hồi lại sau cuộc Cách mạng Văn hóa.  Ông nói rằng điều đó sẽ phải cần một thời gian dài.  Tôi phản đối rằng họ chẳng có vấn đề gì trong việc xúc tiến ngay và làm tốt hơn nhiều so với Singapore bởi vì chúng tôi là con cháu của những nông dân mù chữ, không có đất đai ra đi từ Phúc Kiến và Quảng Đông trong khi họ có con cháu của những học giả, quan lại và văn nhân, những người đã ở lại tại quê hương.  Ông ta im lặng.
Lí Quang Diệu khâm phục chủ nghĩa thực dụng và việc sẵn sàng để học hỏi từ kinh nghiệm của Đặng Tiểu Bình.  Ông cũng sử dụng cơ hội này để bày tỏ một số các quan ngại của các nước Đông Nam Á có thể bị lọc đi qua bộ lọc quan liêu và ngoại giao của Trung Quốc:
Trung Quốc muốn các nước Đông Nam Á đoàn kết với họ để cô lập con "gấu Nga", thực tế là các láng giềng của chúng tôi cũng muốn chúng tôi đoàn kết lại và cô lập con “rồng Trung Hoa.“  Không có “người Nga ở nước ngoài" nào ở Đông Nam Á lãnh đạo những cuộc nổi dậy cộng sản do Liên Xô ủng hộ, trong khi có nhiều "người Hoa ở nước ngoài" được Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc khuyến khích và ủng hộ, đặt ra các mối đe dọa đối với Thái Lan, Malaysia, Philippines, và ở một mức độ thấp hơn với Indonesia.  Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã công khai khẳng định mối quan hệ đặc biệt với các người Hoa ở nước ngoài do các quan hệ huyết thống, và đang kêu gọi trực tiếp đến lòng yêu nước của họ ngay trên đầu của chính phủ các nước mà họ là công dân... Tôi đã gợi ý rằng chúng tôi cần thảo luận để giải quyết vấn đề này như thế nàoy.
Về sự kiện này, Lí Quang Diệu đã tỏ ra chính xác.  Các nước Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, cư xử rất thận trọng trong việc đối đầu với Liên Xô hoặc Việt Nam.  Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình đã đạt được những mục tiêu cơ bản của ông: nhiều phát biểu công khai của ông ta tạo thành một cảnh báo về một nỗ lực của Trung Quốc để khắc phục tình hình.  Và Hoa Kì, nước đã là một khối xây dựng chủ chốt trong ý đồ của Đặng Tiểu Bình, buộc phải ghi nhận  những điều đó,.  Ý đồ chiến lược đó cần một mối quan hệ xác định vững chắc hơn với Mĩ.


Đặng Tiểu Bình thăm Mĩ và định nghĩa mới về Liên minh

Chuyến đi thăm Hoa Kì của Đặng Tiểu Bình được công bố  là để chào mừng việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và mở đầu một chiến lược chung xây dựng trên Thông cáo chung Thượng Hải, được áp dụng chủ yếu cho Liên Xô.
Nó cũng chứng minh một kĩ năng đặc biệt của ngoại giao Trung Quốc là tạo ra ấn tượng về sự ủng hộ của các nước trên thực tế không đồng ý hoặc thậm chí không được yêu cầu giữ vai trò đó.  Kiểu cách này đã bắt đầu vào cuộc khủng hoảng trên các hòn đảo ngoài khơi hai mươi năm trước đó.  Năm 1958 Mao bắt đầu pháo kích các đảo Kim Môn và Mã Tổ ba tuần sau chuyến thăm Bắc Kinh căng thẳng của Khrushchev, tạo ấn tượng rằng Moscow đã đồng ý với hành động của Bắc Kinh trước, nhưng thật ra không phải như vậy.  Eisenhower đã đi quá xa khi buộc tội Khrushchev giúp kích động cuộc khủng hoảng này.
Theo cùng một chiến thuật, Đặng Tiểu Bình dạo đầu cuộc chiến tranh với Việt Nam bằng một chuyến thăm cấp cao sang Hoa Kì.  Trong cả hai trường hợp, Trung Quốc đều không yêu cầu sự trợ giúp cho hành động quân sự sắp xảy ra của họ.  Khrushchev dường như không được thông báo về hoạt động quân sự năm 1958 và phẫn nộ vì bị đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân, Washington đã được báo về cuộc xâm lược năm 1979 sau khi Đặng Tiểu Bình đến Mĩ nhưng đã không đưa ra một sự ủng hộ rõ ràng nào và hạn chế vai trò của Mĩ trong việc chia sẻ thông tin tình báo và phối hợp ngoại giao.  Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh đã thành công trong việc tạo ra ấn tượng rằng hành động của họ được hưởng hồng ân của một siêu cường, do đó làm các siêu cường khác ngại việc can thiệp.  Trong chiến lược tinh vi và táo bạo đó, Liên Xô vào năm 1958 không đủ thực lực để ngăn chặn các cuộc tấn công của Trung Quốc trên hai đảo đó; còn đối với Việt Nam, nước này chỉ còn cách đoán mò những gì đã được đồng ý trong chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình và có khả năng chỉ giả định điều tồi tệ nhất theo quan điểm của họ.
Trong ý nghĩa đó, việc Đặng Tiểu Bình thăm Hoa Kì là một kiểu đùa với bóng mà một trong những mục đích là để hù dọa Liên Xô.  Chuyến đi Mĩ kéo dài một tuần của Đặng Tiểu Bình một  phần là hội nghị thượng đỉnh ngoại giao, một phần là chuyến đi giao dịch, một phần là chiến dịch vận động chính trị, và một phần khác là chiến tranh tâm lí cho cuộc chiến tranh Việt Nam lần ba.  Chuyến đi bao gồm các điểm dừng ở Washington DC, Atlanta, Houston, và Seattle, và tạo ra những cảnh không thể tưởng tượng được dưới thời Mao.  Tại một bữa yến tại Nhà Trắng vào ngày 29 tháng 1, lãnh tụ của "Trung Hoa Đỏ" ăn tối với người đứng đầu của Coca-Cola, PepsiCo, và General Motors.  Tại một sự kiện gala ở Trung tâm Kennedy, Phó Thủ tướng kém tầm thước bắt tay với các thành viên cao lớn của đội bóng rổ Harlem Globetrotters.  Đặng Tiểu Bình đã biểu diễn  lái xe ngựa, đội nón cao bồi rộng vành trước đám đông tại một buổi đua bò và ăn thịt nướng ngoài trời ở Simonton, Texas.
Trong suốt chuyến thăm, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh nhu cầu của Trung Quốc được tiếp thu công nghệ nước ngoài và phát triển nền kinh tế của mình.  Thể theo yêu cầu, ông đã được đi thăm các cơ sở sản xuất và công nghệ, bao gồm một nhà máy lắp ráp của hảng Ford ở Hapeville, Georgia, Công ti Công cụ Hughes ở Houston (ở đó Đặng xem các mũi khoan sử dụng trong thăm dò dầu khí ngoài khơi); và nhà máy Boeing ở ngoại ô Seattle.  Khi đến Houston,  Đặng Tiểu Bình thố lộ mong muốn "học hỏi về kinh nghiệm tiên tiến của các bạn trong ngành công nghiệp dầu khí và các lĩnh vực khác."  Đặng Tiểu Bình đưa ra một đánh giá đầy hi vọng về quan hệ Trung-Mĩ, công bố mong muốn của ông "biết hết mọi chuyện về cuộc sống Mĩ" và "hấp thụ mọi thứ có lợi ích đối với chúng tôi."  Tại Trung tâm vũ trụ Johnson ở Houston, Đặng cố kéo dài cuộc mô phỏng chuyến bay tàu con thoi trong không gian.  Một phóng viên chợp được cảnh:
Đặng Tiểu Bình, người đã sử dụng chuyến đi Hoa Kì để kịch tính hoá lòng háo hức của Trung Quốc đối với công nghệ tiên tiến, hôm nay đã leo vào buồng lái của một chuyến bay mô phỏng ở đây để khám phá việc đáp con tàu vũ trụ mới nhất của Mĩ từ độ cao 100.000 bộ sẽ giống như điều gì.  Phó Thủ tướng Trung Quốc [Đặng Tiểu Bình] dường như bị cuốn hút bởi những kinh nghiệm mà ông đã trải qua trong một cuộc hạ cánh thứ hai và thậm chí sau đó dường như không muốn rời khỏi con tàu mô phỏng.
Điều này cách xa hàng vạn dậm với sự thờ ơ nghiên cứu thấy ở các Hoàng đế nhà Thanh đối với các quà tặng và những lời hứa giao thương của Macartney hay thái độ khăng khăng cứng nhắc của Mao về kinh tế tự cung tự cấp.  Tại cuộc họp của ông với Tổng thống Carter ngày 29 tháng 1, Đặng Tiểu Bình giải thích chính sách Bốn Hiện Đại Hóa của Trung Quốc, đã được Chu Ân Lai đưa ra trong lần xuất hiện mới nhất trước công chúng, hứa hẹn sẽ hiện đại hóa các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, khoa học và công nghệ, và quốc phòng.  Tất cả điều này tuỳ thuộc vào mục đích bao trùm của chuyến đi của Đặng Tiểu Bình: phát triển một liên minh trên thực tế giữa Hoa Kì và Trung Quốc.  Ông tổng kết: “Thưa Tổng thống, Ngài yêu cầu một bản phác thảo chiến lược của chúng tôi.  Để hiểu Bốn Hiện Đại Hóa của chúng tôi, chúng ta cần một khoảng thời gian kéo dài của một môi trường hòa bình.  Nhưng ngay cả bây giờ chúng tôi tin rằng Liên Xô sẽ phát động một cuộc chiến tranh.  Nhưng nếu chúng ta hành động khéo léo và đúng cách thì có thể sẽ trì hoãn được nó.  Trung Quốc hi vọng sẽ trì hoãn cuộc chiến tranh 22 năm.  Trên những tiền đề như vậy, chúng tôi không khuyến nghị việc thành lập một liên minh chính thức, nhưng mỗi nước chúng ta sẽ hành động trên cơ sở quan điểm chung của chúng ta và phối hợp các hoạt động của chúng ta và cùng thông qua các biện pháp cần thiết.  Mục tiêu này có thể đạt được.  Nếu những nỗ lực của chúng ta không có kết quả thì tình hình sẽ trở nên ngày càng trống rỗng hơn.  Để hành động như một đồng minh mà không hình thành một liên minh đã đẩy chủ nghĩa hiện thực đến mức cùng cực.  Nếu tất cả các nhà lãnh đạo là các nhà chiến lược có năng lực, suy nghĩ sâu sắc và có hệ thống về chiến lược thì tất cả họ đều đi đến cùng kết luận.  Các liên minh sẽ không cần thiết, logic trong phân tích của họ sẽ buộc đi tới các hướng song song.
Nhưng sự khác biệt của lịch sử và địa lí tách rời, thậm chí các nhà lãnh đạo trong các điều kiện tương tự cũng không nhất thiết đi đến các kết luận giống y như nhau − đặc biệt khi đang bị căng thẳng.  Cách phân tích phụ thuộc vào cách giải thích, các phán đoán khác nhau như về những gì tạo nên một sự kiện, thậm chí khác nhiều hơn về ý nghĩa của sự kiện đó.  Vì thế, các nước lập nên các liên minh – công cụ chính thức để tách biệt lợi ích chung, trong chừng mức có thể, ra khỏi các trường hợp không liên quan hoặc các áp lực trong nước.  Các liên minh tạo ra một nghĩa vụ bổ sung vào các tính toán lợi ích quốc gia.  Các liên minh cũng tạo ra một nghĩa vụ pháp li để biện minh cho việc phòng thủ chung có thể được viện dẫn ra trong một cuộc khủng hoảng.  Cuối cùng, các liên minh giảm − đến mức độ mà chúng đang nghiêm túc theo đuổi − sự nguy hiểm bởi các tính toán sai lầm của kẻ thù tiềm năng và do đó đưa thêm một yếu tố về tính cân nhắc vào việc thực hiện các chính sách đối ngoại.
Đặng Tiểu Bình − và hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc − coi một liên minh chính thức là không cần thiết trong mối quan hệ Mĩ-Trung, và nói chung là dư thừa trong việc thực hiện các chính sách đối ngoại của họ.  Họ đã sẵn sàng dựa trên sự hiểu ngầm.  Nhưng cũng có một cảnh báo hàm chứa trong câu nói cuối cùng của Đặng Tiểu Bình.  Nếu không thể xác định hoặc thực hiện các lợi ích tương đồng (song song), mối quan hệ sẽ trở thành "trống rỗng," điều này muốn nói, sẽ tàn lụi, và Trung Quốc có thể sẽ quay trở lại với quan niệm Ba thế giới của Mao Trạch Đông − vẫn là chính sách-chính thức − cho phép Trung Quốc chạy qua chạy lại giữa các siêu cường.
Theo cái nhìn của Đặng Tiểu Bình, các lợi ích tương đồng sẽ tự thể hiện trong một thỏa thuận toàn cầu không chính thức để kềm chế Liên Xô ở châu Á bằng việc hợp tác chính trị / quân sự theo các mục tiêu tương tự với NATO ở châu Âu.  Nó sẽ phải ít về cấu trúc tổ chức nhưng phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ chính trị song phương Trung-Mĩ.  Nó cũng dựa trên một học thuyết về địa chính trị khác.  NATO tìm cách đoàn kết các đối tác của mình, trên hết là trong việc chống sự xâm lăng thực sự của Liên Xô.  NATO để lộ cho thấy nó tránh bất kì ý niệm nào về tấn công ngăn chặn trước.  Liên quan đến việc tránh đối đầu ngoại giao, học thuyết chiến lược của NATO chủ yếu là phòng thủ.
Cái mà Đặng Tiểu Bình đề xuất chủ yếu là một chính sách ngăn chận trước, nó là một khía cạnh của học thuyết ngăn chặn tấn công của Trung Quốc.  Liên Xô phải bị áp lực dọc theo toàn bộ vùng biên giới và đặc biệt là ở các vùng mà họ mở rộng sự hiện diện gần đây, đặc biệt là ở Đông Nam Á và cả ở châu Phi.  Nếu cần thiết, Trung Quốc sẽ chuẩn bị để bắt đầu hành động quân sự ngăn chặn mưu đồ của Liên Xô, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Liên Xô sẽ không bao giờ ràng buộc với các thỏa thuận, Đặng Tiểu Bình cảnh báo, họ chỉ hiểu ngôn ngữ của lực lượng đối kháng.  Chính khách La Mã Marcus Porcius Cato nổi tiếng do đã kết thúc tất cả các bài phát biểu của mình với lời kêu gọi oang oang "Carthago delenda est" ("Bọn Carthage phải bị tiêu diệt").  Đặng Tiểu Bình cũng có lời kêu gọi mang nhãn hiệu của riêng ông: phải chống lại Liên Xô.  Ông lồng vào tất cả các bài thuyết trình của mình một số biến thể của lời khuyên này rằng bản chất không thay đổi của Moscow là để "chen vào bất cứ nơi nào có kẽ hở,” và như Đặng Tiểu Bình nói với Tổng thống Carter,"chỗ nào Liên Xô dính tay vào, chúng tôi chặt đứt chúng đi ở chỗ đó."
Phân tích tình hình chiến lược của Đặng Tiểu Bình với Nhà Trắng có kèm một thông báo rằng Trung Quốc có ý định tiến hành chiến tranh với Việt Nam bởi vì họ đã kết luận rằng Việt Nam sẽ không dừng lại ở Campuchia.  Đặng Tiểu Bình cảnh báo: "Cái gọi là Liên bang Đông Dương bao gồm hơn ba nước, Hồ Chí Minh đã ấp ủ ý tưởng này.  Ba nước chỉ là bước đầu tiên.  Sau đó, Thái Lan sẽ thêm vào."  Đặng Tiểu Bình tuyên bố Trung Quốc có nghĩa vụ phải hành động.  Không thể chờ cho nó phát triển, để cho nó xảy ra thì sẽ là quá muộn.
Đặng Tiểu Bình nói với Carter rằng ông đã xét tới "khả năng tồi tệ nhất" – sự can thiệp mạnh bạo của Liên Xô, như hiệp ước phòng thủ mới Moscow-Hà Nội dường như đòi hỏi.  Thật vậy, nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng Bắc Kinh đã phải di tản đến 300 000 thường dân khỏi các vùng lãnh thổ biên giới phía Bắc và đặt lực lượng đóng dọc theo biên giới Trung-Xô trong tình trạng báo động tối đa.  Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình nói với Carter, Bắc Kinh đánh giá rằng một cuộc chiến tranh ngắn gọn, giới hạn sẽ không cho Moscow có thời gian để đưa ra "một phản ứng lớn" và các điều kiện mùa đông sẽ làm khó khăn cho một cuộc tấn công quy mô lớn của Liên Xô trên miền bắc Trung Quốc.  Đặng Tiểu Bình đã nói rằng Trung Quốc "không sợ" nhưng họ cần "sự ủng hộ tinh thần" của Washington mà ông có ý là sự mập mờ vừa đủ về ý đồ của Mĩ để làm cho Liên Xô tạm dừng hành động.
Một tháng sau chiến tranh, Hoa Quốc Phong giải thích cho tôi về phân tích chiến lược cẩn thận đi trước cuộc chiến đó:
Chúng tôi cũng xem xét khả năng về một phản ứng của Liên Xô.  Khả năng đầu tiên là một cuộc tấn công  lớn vào chúng tôi.  Điều này chúng tôi xem là một khả năng thấp.  Một triệu quân đang đóng dọc theo biên giới, nhưng để cho một cuộc tấn công lớn vào Trung Quốc thì chưa đủ.  Nếu họ rút thêm một số quân từ châu Âu về thì sẽ mất thời gian và họ sẽ lo lắng về châu Âu.  Họ biết một trận chiến với Trung Quốc sẽ là một vấn đề lớn và không thể kết thúc trong một thời gian ngắn.
Ý đồ táo bạo đó của Đặng Tiểu Bình đối mặt với sự dè dặt của Carter cả về nguyên tắc lẫn thái độ công chúng.  Về nguyên tắc, Carter không chấp nhận các chiến lược tấn công ngăn chận trước, đặc biệt là vì chúng dính dáng đến việc điều quân qua các biên giới có chủ quyền.  Đồng thời, ông lại nghiêm túc, kể cả khi ông đã không hoàn toàn chia sẻ, theo quan điểm của Cố vấn An ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski về ý nghĩa chiến lược của việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia, tương đồng với quan điểm của Đặng Tiểu Bình.  Carter giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan của mình bằng cách viện dẫn nguyên tắc nhưng cho phép một phạm vi điều chỉnh theo hoàn cảnh.  Việc không đồng tình yếu ớt lui vào bóng tối mơ hồ, chứng thực ngầm.  Ông kêu gọi sự chú ý đến vị thế đạo đức thuận lợi mà Bắc Kinh sẽ bị mất qua việc tấn công Việt Nam.  Trung Quốc, bây giờ được coi là một đất nước hòa bình, sẽ có nguy cơ bị cáo buộc là xâm lược:
Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Không chỉ quý vị phải đối mặt với một mối đe dọa quân sự từ phía Bắc mà còn phải đối mặt với một sự thay đổi trong thái độ của quốc tế.  Trung Quốc hiện giờ được coi như một đất nước hòa bình chống lại việc xâm lược.  Các nước ASEAN, cũng như Liên Hiệp Quốc đã lên án Liên Xô, Việt Nam và Cuba.  Tôi không cần biết hành động trừng phạt này nhắm tới điều gì, nhưng nó có thể dẫn đến sự leo thang của bạo lực và sự thay đổi trong tư thế thế giới từ chống lại Việt Nam sang ủng hộ một phần cho Việt Nam.
Chúng tôi thấy gay go khi phải khuyến khích bạo lực.  Chúng tôi có thể cung cấp cho quý vị tóm tắt tin tình báo.  Chúng tôi biết là không có một cuộc chuyển quân nào gần đây của Liên Xô về phía biên giới của quý vị.
Tôi không có câu trả lời khác cho quý vị.  Chúng tôi đã tham gia vào việc lên án Việt Nam, nhưng việc xâm lược Việt Nam sẽ là một hành động gây bất ổn nghiêm trọng.
Từ chối chấp nhận bạo lực nhưng lại cung cấp thông tin tình báo về việc chuyển quân của Liên Xô đã cho ra một kích cỡ mới cho sự mâu thuẫn.  Điều này có thể có nghĩa là Carter không chia sẻ quan điểm của Đặng Tiểu Bình về một mối đe dọa đáng lưu ý của Liên Xô.  Hoặc, việc làm giảm đi những lo ngại của Trung Quốc về một phản ứng có thể có của Liên Xô cũng có thể được hiểu như là một khích lệ cho việc xâm lược.
Ngày hôm sau, Carter và Đặng Tiểu Bình gặp gỡ riêng, và Carter đưa cho Đặng Tiểu Bình một thư tay (chưa công bố) tóm tắt vị thế Mĩ.  Theo Brzezinski: "Tổng thống tự mình soạn thảo bằng tay một bức thư cho Đặng Tiểu Bình, ôn hoà về giọng điệu và tỉnh táo về nội dung, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kềm chế và tóm tắt các hậu quả quốc tế bất lợi có thể xảy ra.  Tôi cảm thấy rằng đây là cách tiếp cận đúng, vì chúng ta không thể thông đồng chính thức với Trung Quốc trong việc đỡ đầu cho những gì đồng nghĩa với việc xâm lược quân sự công khai.”  Thông đồng không chính thức lại là một vấn đề khác.
Theo bản ghi nhớ về cuộc hội đàm riêng (trong đó chỉ có mặt một người thông dịch), Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh rằng phân tích về chiến lược lấn lướt các viện dẫn của Carter về dư luận thế giới.  Trên hết, Trung Quốc không phải bị coi là mềm dẽo: "Trung Quốc còn phải dạy cho Việt Nam một bài học.  Liên Xô có thể sử dụng Cuba, Việt Nam, và sau đó Afghanistan sẽ phát triển thành một kẻ thừa hành [của Liên Xô].  CHNDTH đang tiếp cận vấn đề này từ một vị thế của sức mạnh.  Hành động sẽ rất hạn chế.  Nếu Việt Nam nghĩ rằng CHNDTH mềm yếu thì  tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn."
Đặng Tiểu Bình rời Hoa Kì vào ngày 04/2/1979.  Khi từ Hoa Kì về, ông đã hoàn thành việc đặt con cờ vi kì cuối cùng trên bàn cờ.  Ông đã dừng chân ở Tokyo lần thứ hai sau 6 tháng, để tự mình đảm bảo sự ủng hộ của Nhật Bản cho các hành động quân sự sắp xảy ra và để cô lập Liên Xô.  Theo Thủ tướng Masayoshi Ohira, Đặng Tiểu Bình đã khẳng định lại vị thế của Trung Quốc rằng Việt Nam phải bị "trừng phạt" vì xâm lược Campuchia, và ông ta cam kết: "Để nâng cao triển vọng lâu dài của hòa bình và ổn định quốc tế...  [nhân dân Trung Quốc] chắc chắn sẽ làm tròn nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi, và sẽ không ngần ngại chịu những hi sinh cần thiết."
Sau khi thăm Miến Điện, Nepal, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản hai lần, và Hoa Kì, Đặng Tiểu Bình đã hoàn thành mục tiêu của mình là kéo Trung Quốc vào thế giới và cô lập Hà Nội.  Ông không bao giờ rời Trung Quốc một lần nào nữa, trong những năm cuối cùng chấp nhận sự xa cách và bất khả tiếp cận của các nhà cai trị Trung Quốc truyền thống.


Cuộc chiến tranh Việt Nam lần ba

Ngày 17 tháng 2, từ các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam ở miền nam Trung Quốc Trung Quốc tiến hành cuộc xâm lược đa chiều ở miền Bắc Việt Nam.  Quy mô lực lượng Trung Quốc phản ánh tầm quan trọng mà Trung Quốc gắn với hoạt động này, ước tính hơn 200 ngàn và có lẽ nhiều nhất là 400 ngàn quân Giải Phóng Nhân Dân  (PLA).  Một sử gia đã kết luận rằng lực lượng xâm lược, bao gồm “lực lượng bộ binh thường trực, lực lượng dân quân, và các đơn vị lực lượng hải quân và không quân…  tương tự như quy mô cuộc tấn công mà Trung Quốc đã tạo nên tác động để dấn vào cuộc chiến tranh Triều Tiên tháng 11/1950."  Các nguồn báo chí chính thức của Trung Quốc gọi đó là "Cuộc Phản công Tự vệ chống lại Việt Nam" hoặc "Cuộc Phản công Tự vệ trên biên giới Trung-Việt."  Cuộc chiến này tiêu biểu cho phiên bản Trung Quốc về sự răn đe, một cuộc xâm lược quảng bá trước để ngăn chặn động thái kế tiếp của Việt Nam.
Mục tiêu của quân đội Trung Quốc là một nước Cộng sản bạn bè, mới đây vẫn là đồng minh, và một nước nhận sự ủng hộ kinh tế và quân sự lâu năm của Trung Quốc.  Mục đích cuộc chiến là để bảo vệ sự cân bằng chiến lược ở châu Á, theo cách nhìn củaTrung Quốc.  Hơn nữa, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch này với sự ủng hộ về đạo đức, trợ lực về ngoại giao, và hợp tác tình báo của Mĩ –- cũng chính cái "thế lực đế quốc" mà Bắc Kinh đã tiếp tay đẩy ra khỏi Đông Dương 5 năm trước đó.
Theo Trung Quốc tuyên bố, mục đích của cuộc chiến là để "giới hạn những tham vọng ngông cuồng của Việt Nam và dạy cho họ một bài học thích hợp hạn chế."  "Thích hợp" có nghĩa là gây thiệt hại tới mức đủ để ảnh hưởng đến các lựa chọn và tính toán của Việt Nam cho tương lai, "hạn chế" ngụ ý rằng nó sẽ được kết thúc trước khi có sự can thiệp bên ngoài hoặc các yếu tố khác kéo nó ra khỏi tầm kiểm soát.  Cuộc chiến này cũng là một thách thức trực tiếp với Liên Xô.
Dự đoán của Đặng Tiểu Bình rằng Liên Xô sẽ không tấn công Trung Quốc đã được xác nhận..  Một ngày sau khi Trung Quốc phát động cuộc xâm lược, chính phủ Liên Xô đã đưa ra một tuyên bố lừng khừng, trong khi lên án cuộc tấn công "tội ác" của Trung Quốc lại nhấn mạnh rằng " lần này nhân dân Việt Nam anh hùng… có khả năng tự đứng lên một lần nữa."  Phản ứng quân sự của Liên Xô chỉ giới hạn ở việc phái một lực lượng đặc nhiệm hải quân đến biển Đông, việc thực hiện một chuyến không vận vũ khí giới hạn tới Hà Nội, và việc đẩy mạnh tuần tra trên không dọc theo biên giới Trung-Xô.  Việc không vận bị hạn chế không những bởi điều kiện địa lí mà còn bởi các do dự nội bộ.  Cuối cùng,  Liên Xô cũng đã trợ giúp nhiều cho đồng minh mới Việt Nam của mình trong năm 1979 như nó đã từng mở rộng với đồng minh lúc trước, Trung Quốc, hai mươi năm trước đó trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan.  Trong cả hai trường hợp Liên Xô đều không dám liều lĩnh làm cuộc chiến rộng lớn hơn.
Một thời gian ngắn sau chiến tranh, Hoa Quốc Phong tổng kết kết quả bằng một cụm từ ngắn gọn khinh bỉ đối với các nhà lãnh đạo Liên Xô: "Về việc đe dọa chúng ta, họ làm điều đó bằng cuộc tập trận gần biên giới, phái tàu chiến tới biển Hoa Nam (biển Đông).  Nhưng họ không dám hành động.  Như vậy, rốt cuộc chúng ta vẫn có thể sờ mông cọp."
Đặng Tiểu Bình đã bác bỏ một cách châm biếm lời khuyên phải cẩn thận của Mĩ.  Trong chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Tài chính Michael Blumenthal cuối năm 1979, Blumenthal kêu gọi quân đội Trung Quốc rút khỏi Việt Nam "càng nhanh càng tốt" bởi vì Bắc Kinh "liều lĩnh không có cơ sở."  Đặng Tiểu Bình ậm ờ.  Phát biểu với các phóng viên Mĩ ngay trước cuộc họp của ông với Blumenthal, Đặng Tiểu Bình đã thể hiện thái độ khinh thị của mình về thái độ lập lờ bằng việc chế nhạo "một số người" họ “sợ không dám động" đến "Cuba của phương Đông."
Giống như trong cuộc chiến tranh Trung-Ấn, Trung Quốc thực hiện một cuộc tấn công "trừng phạt" hạn chế rồi lập tức rút lui.  Cuộc chiến kết thúc sau 29 ngày.  Ngay sau khi quân PLA Trung Quốc chiếm được (và tàn phá - theo như tường thuật) các thủ phủ của ba tỉnh Việt Nam dọc theo biên giới, Bắc Kinh tuyên bố rằng các lực lượng Trung Quốc sẽ rút khỏi Việt Nam, giữ lại nhiều mãnh lãnh thổ đang có tranh chấp.  Bắc Kinh không tiến hành nỗ lực nào để lật đổ chính quyền Hà Nội hoặc vào Campuchia với bất kì khả năng công khai nào.
Một tháng sau khi quân đội Trung Quốc rút lui, Đặng Tiểu Bình giải thích chiến lược của Trung Quốc với tôi trong một chuyến viếng thăm Bắc Kinh:
Đặng Tiểu Bình: Sau khi tôi [từ Hoa Kì] trở về, chúng tôi lập tức đánh ngay.  Nhưng chúng tôi đã hỏi ý kiến của quý vị trước.  Tôi đã nói chuyện đó với Tổng thống Carter và sau đó ông trả lời một cách rất chính thức và long trọng.  Ông đã đọc cho tôi nghe một văn bản.  Tôi nói với ông: Trung Quốc sẽ xử lí vấn đề này một cách độc lập và nếu có bất kì rủi ro nào, Trung Quốc sẽ nhận lấy rủi ro đó một mình.  Nhìn trở lại, chúng tôi nghĩ rằng nếu trong hành động trừng phạt chúng tôi lấn sâu hơn vào Việt Nam thì sẽ tốt hơn.
Kissinger: Có thể như vậy.
Đặng Tiểu Bình: Bởi vì lực lượng của chúng tôi đủ sức để kéo thẳng tới Hà Nội.  Nhưng có lẽ không nên đi quá xa như thế.
Kissinger: Không nên, nó có thể đã vượt quá các giới hạn của tính toán.
Đặng Tiểu Bình: Vâng, Ông nói đúng. Nhưng chúng tôi đã có thể thọc sâu vào Việt Nam hơn 30 km.  Chúng tôi đã chiếm đóng tất cả các vị trí phòng thủ xung yếu.  Không còn một tuyến phòng thủ nào thẳng tới Hà Nội.
Trí tuệ thông thường trong các nhà sử học cho rằng cuộc chiến này là một thất bại đắt giá của Trung Quốc.  Các tác động của việc chính trị hoá quân đội Trung Quốc trong cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc trở nên rõ ràng trong chiến dịch này: thiết bị lạc hậu, hậu cần có vấn đề, thiếu hụt nhân sự, và linh hoạt chiến thuật, lực lượng của Trung Quốc tiến chậm và phải trả giá cao.  Theo các ước tính của một số nhà phân tích, PLA đã phải gánh chịu số người thiệt mạng khi đánh nhau trong một tháng của cuộc chiến tranh Việt Nam lần ba nhiều bằng con số tổn thất mà Hoa Kì phải gánh chịu trong những năm trả giá đắt nhất của cuộc chiến thứ hai.
Tuy nhiên, sự khôn ngoan thông thường dựa trên một sự ngộ nhận về chiến lược của Trung Quốc.  Dù những thiếu sót trong thực hiện của nó là gì, chiến dịch của Trung Quốc phản ánh một phân tích chiến lược dài hạn nghiêm túc.  Theo các giải thích của các lãnh đạo Trung Quốc cho các đồng nhiệm Mĩ, họ mô tả việc củng cố sức mạnh của Việt Nam do Liên Xô trợ lực ở Đông Dương như là một bước chủ yếu trong “việc triển khai chiến lược” toàn cầu của Liên Xô.  Liên Xô đã tập trung quân đội ở Đông Âu và dọc theo biên giới phía bắc của Trung Quốc.  Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo rằng bây giờ Moscow đang “bắt đầu có được cơ sở" ở Đông Dương, Châu Phi, và Trung Đông.  Nếu họ củng cố được vị trí của mình trong các khu vực này, họ sẽ kiểm soát các nguồn năng lượng quan trọng và có thể ngăn chặn các tuyến đường biển chủ chốt – nhất là eo biển Malacca nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.  Điều này sẽ cho Moscow thế chủ động chiến lược trong bất kì cuộc xung đột nào trong tương lai.  Theo một ý nghĩa rộng hơn, cuộc chiến này là kết quả của sự phân tích của Bắc Kinh về khái niệm thế (勢 shì) của Tôn Tử - xu thế và "thế năng" (năng lượng tiềm ẩn) của toàn cảnh chiến lược.  Đặng Tiểu Bình nhằm tới việc kéo dừng và, nếu có thể, xoay ngược lại những gì ông ta thấy như một động lực không thể chấp nhận được trong chiến lược của Liên Xô.
Trung Quốc đã đạt được mục tiêu này một phần do sự táo bạo về quân sự của họ, một phần qua việc lôi kéo Hoa Kì vào một sự hợp tác chặt chẽ chưa từng có trước đây. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lèo lái cuộc chiến tranh Việt Nam lần ba qua việc phân tích tỉ mỉ các lựa chọn chiến lược, thực hiện táo bạo, và ngoại giao khéo léo.  Với tất cả những phẩm chất này, họ vẫn chưa thể "sờ mông cọp" nếu không có sự hợp tác của Hoa Kì.


Chiến tranh Việt Nam lần ba mở ra sự hợp tác chặt chẽ nhất giữa Trung Quốc và Hoa Kì trong giai đoạn của Chiến tranh Lạnh.  Hai chuyến đi Trung Quốc của các sứ giả Mĩ đã lập được hành động phối hợp ở một mức độ tuyệt vời.  Phó Tổng thống Walter "Fritz" Mondale  thăm Trung Quốc trong tháng 8 năm 1979 để hoạch định một đường hướng ngoại giao tiếp sau chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình, đặc biệt là đối với Đông Dương.  Đó là một vấn đề phức tạp, trong đó các cân nhắc về chiến lược và đạo đức xung đột nghiêm trọng.  Hoa Kì và Trung Quốc đồng ý rằng ngăn chặn sự xuất hiện của một Liên bang Đông Dương dưới sự kiểm soát của Hà Nội là lợi ích quốc gia của mỗi nước.  Tuy nhiên, phần duy nhất của Đông Dương vẫn còn tranh cãi là Campuchia, đang dưới sự cai trị của bọn Pol Pot bỉ ổi, bọn đã sát hại hàng triệu đồng bào của mình.  Khmer Đỏ la thành tố có tổ chức tốt nhất trong cuộc kháng chiến chống Việt Nam của Campuchia.


Carter và Mondale đã lập kỉ lục dài và tận tuỵ về sự hết lòng đối với vấn đề nhân quyền trong chính phủ, thực ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, họ đã tấn công Ford trên cơ sở chú ý chưa đủ về vấn đề nhân quyền.


Đặng Tiểu Bình đã nêu lên đầu tiên vấn đề viện trợ cho cuộc kháng chiến du kích của Campuchia chống lại những kẻ xâm lược Việt Nam trong cuộc trò chuyện riêng với Carter về cuộc xâm lược của Việt Nam.  Theo báo cáo chính thức: "Tổng thống hỏi liệu người Thái có thể nhận và chuyển tiếp đến người Campuchia hay không.  Đặng Tiểu Bình trả lời có và nói rằng ông nghĩ tới các vũ khí nhẹ.  Hiện giờ người Thái đang phái một sĩ quan cao cấp tới biên giới Thái Lan-Campuchia để giữ thông tin liên lạc an toàn hơn."  Hợp tác trên thực tế giữa Washington và Bắc Kinh trong việc viện trợ cho Campuchia qua ngã Thái Lan đã có tác dụng thực tế là gián tiếp trợ giúp tàn dư của bọn Khmer Đỏ.  Các quan chức Mĩ đã cẩn thận nhấn mạnh với Bắc Kinh rằng Hoa Kì "không thể ủng hộ Pol Pot" và hoan nghênh sự đảm bảo của Trung Quốc rằng Pol Pot không còn thực hành việc toàn quyền kiểm soát đối với Khmer Đỏ.  Việc xoa dịu lương tâm này không làm thay đổi thực tế rằng Washington đã dành sự trợ giúp vật chất và ngoại giao cho "kháng chiến Campuchia" theo một cách mà chính quyền phải biết là sẽ làm lợi cho bọn Khmer Đỏ.  Những người kế nhiệm Carter trong chính quyền Ronald Reagan theo cùng một chiến lược.  Các nhà lãnh đạo Mĩ trông đợi một cách không nghi ngờ rằng nếu cuộc kháng chiến Campuchia thắng thế, chính họ hoặc những người kế nhiệm họ sẽ phản đối thành viên Khmer Đỏ ngay sau đó – đó là điều đã xảy ra trên thực tế khi Việt Nam rút quân hơn một thập kỉ sau này.


Lý tưởng của Mĩ đã gặp phải những đòi hỏi của thực tế địa chính trị.  Không phải sự hoài nghi, thậm chí ít đạo đức giả, đã đúc nên thái độ này:  Chính quyền Carter đã phải lựa chọn giữa sự cần thiết về chiến lược và niềm tin đạo đức.  Họ quyết định rằng để cho những xác tín đạo đức của họ được thực hiện thì một cách tối hậu trước hết họ cần thắng thế trong cuộc đấu tranh địa chính trị.  Các nhà lãnh đạo Mĩ phải đối mặt với nan đề trong nghệ thuật quản lí nhà nước.  Các nhà lãnh đạo không thể chọn những phương án mà lịch sử đưa ra cho họ ngay cả khi chúng khá rõ ràng.


Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown đã đánh dấu một bước xa hơn đối với hợp tác Trung-Mĩ, một điều không thể tưởng tượng được chỉ một vài năm trước đó.  Đặng Tiểu Bình hoan nghênh ông: “Việc ông đến đây tự nó có một ý nghĩa to lớn”, ông lưu ý Brown, “bởi vì ông là Bộ trưởng Quốc phòng."  Một vài cựu nhân viên trong chính quyền Ford hiểu hàm ý này của Trung Quốc trong lời mời Bộ trưởng Schlesinger, lời mời này bị hủy khi Ford giải nhiệm ông ta.


Chương trình nghị sự chính là để xác định mối quan hệ quân sự của Hoa Kì với Trung Quốc.  Chính quyền Carter đã đi đến kết luận rằng sự gia tăng về năng lực công nghệ và quân sự của Trung Quốc là quan trọng đối với cân bằng toàn cầu và an ninh quốc gia Mĩ. Bộ trưởng Brown giải thích rằng Washington đã "rút ra một sự phân biệt giữa Liên Xô và Trung Quốc", và sẵn sàng chuyển giao một công nghệ quân sự nào đó cho Trung Quốc mà họ sẽ không làm lộ cho Liên Xô.  Hơn nữa, Hoa Kì cũng sẵn sàng bán "thiết bị quân sự" cho Trung Quốc (như các công cụ giám sát và các loại xe), tuy nhiên không phải là "vũ khí."  Hơn nữa, Hoa Kì sẽ không can thiệp vào quyết định của các đồng minh NATO trong việc bán vũ khí cho Trung Quốc.  Như Tổng thống Carter đã giải thích trong chỉ thị của ông cho Brzezinski:


Hoa Kì không phản đối thái độ sắp tới mà các đồng minh của chúng tôi đang thông qua trong việc giao thương với Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm.  Chúng tôi quan tâm đến một Trung Quốc hùng mạnh và an toàn − và chúng tôi thừa nhận và tôn trọng mối quan tâm này.


Cuối cùng, Trung Quốc đã không thể cứu vớt Khmer Đỏ hoặc buộc Hà Nội rút quân khỏi Campuchia trong một thập kỉ, có lẽ nhận ra điều này nên Bắc Kinh đã đóng khung các mục tiêu của cuộc chiến tranh của mình theo những điều kiện hạn chế nhiều hơn nữa.  Tuy nhiên, Bắc Kinh đã áp đặt cái giá phải trả nặng nề cho Việt Nam.  Ngoại giao Trung Quốc ở Đông Nam Á trước, trong và sau cuộc chiến đã thực hiện với quyết tâm và kĩ năng lớn lao để cô lập Hà Nội.  Trung Quốc duy trì một sự hiện diện quân sự to lớn dọc theo biên giới, giữ lại nhiều phần lãnh thổ đang có tranh chấp, và tiếp tục đưa ra đe dọa về một "bài học thứ hai" cho Hà Nội.  Trong nhiều năm sau đó, Việt Nam đã buộc phải giữ một lực lượng đáng kể trên biên giới phía Bắc để phòng chống lại một cuộc tấn công có thể xảy ra khác của Trung Quốc.  Như Đặng Tiểu Bình đã nói với Mondale vào tháng 8 năm 1979:


Đối với một đất nước lớn ngần ấy mà phải giữ một lực lượng thường trực với hơn một triệu quân, Ông sẽ tìm ở đâu cho ra đủ lực lượng lao động?  Một lực lượng thường trực với hơn một triệu quân cần rất nhiều cung ứng về hậu cần.  Bây giờ họ phụ thuộc vào Liên Xô.  Một số ước tính nói rằng họ đang nhận của Liên Xô 2 triệu USD mỗi ngày, một số ước tính khác nói 2 ½ triệu… điều này sẽ làm tăng các khó khăn, và gánh nặng này trên vai Liên Xô sẽ ngày càng nặng hơn.  Mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn.  Tới lúc Việt Nam sẽ nhận ra rằng không phải mọi yêu cầu của họ với Liên Xô đều có thể được đáp ứng.  Với những điều kiện đó có thể là một tình hình mới sẽ xuất hiện.


Tình hình đó đã xuất hiện trên thực tế, xảy ra hơn một thập kỉ sau đó khi Liên Xô sụp đổ và sự trợ giúp tài chính của Liên Xô cũng đổ theo đem đến sự cắt giảm trong việc triển khai của Việt Nam ở Campuchia.  Cuối cùng trong một khoảng thời gian khó khăn hơn cho các xã hội dân chủ chống đỡ, Trung Quốc đã đạt được một phần đáng kể các mục tiêu chiến lược của mình ở Đông Nam Á.  Đặng Tiểu Bình đã giành lấy được chỗ thao diễn đủ đáp ứng mục tiêu ngăn trở sự thống trị của Liên Xô ở khu vực Đông Nam Á và eo biển Malacca.


Chính quyền Carter thực hiện một hành động đi dây qua việc duy trì một lựa chọn đối với Liên Xô thông qua các cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược trong khi lại đặt cơ sở cho chính sách châu Á của mình trên việc thừa nhận rằng Moscow vẫn là kẻ thù chiến lược chủ yếu.


Kẻ thua tột cùng trong cuộc xung đột này là Liên Xô mà những tham vọng toàn cầu của họ đã gây ra báo động trên toàn thế giới.  Một đồng minh của Liên Xô đã bị tấn công bởi đối thủ to giọng nhất và thể hiện quan điểm chiến lược rõ ràng nhất với Liên Xô, đối thủ này công khai kích động cho một liên minh ngăn chặn chống lại Moscow – tất cả những điều này chỉ trong vòng một tháng sau việc kí kết liên minh Xô-Việt.  Nhìn trở lại, sự thụ động tương đối của Moscow trong chiến tranh Việt Nam lần ba có thể được xem như là triệu chứng đầu tiên của sự đi xuống của Liên Xô.  Người ta tự hỏi liệu quyết định của Liên Xô can thiệp vào Afghanistan một năm sau đó có phải phần nào là do bị thúc dục bởi một cố gắng để bù đắp cho sự bất lực của họ trong việc trợ giúp Việt Nam chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc hay không.  Trong cả hai trường hợp, tính toán sai lầm của Liên Xô trong cả hai tình huống là không nhận ra mức độ tương quan lực lượng toàn cầu đã dịch chuyển về phía chống lại họ.  Do đó, chiến tranh Việt Nam lần ba có thể được kể như là một ví dụ khác, trong đó các chính khách Trung Quốc đã thành công trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn, tổng thể lớn nhưng không đạt được một lợi ích nào cho cơ sở quân sự so với lợi ích của các kẻ thù của họ.  Mặc dù việc hà hơi tiếp sức cho tàn dư của bọn Khmer Đỏ khó có thể được kể như là một chiến thắng đạo đức nhưng Trung Quốc đã đạt được các mục đích địa chính trị của họ lớn hơn so với Liên Xô và Việt Nam – cả hai đều có quân đội được huấn luyện và được trang bị tốt hơn Trung Quốc.


Tính trầm tĩnh khi đối mặt với các lực lượng vật chất ưu thế hơn đã ăn sâu trong tư duy chiến lược Trung Quốc – như hiển hiện từ các điều tương đồng với quyết định của Trung Quốc can thiệp vào cuộc chiến tranh Triều Tiên.  Cả hai quyết định của Trung Quốc đều trực tiếp chống lại điều mà Bắc Kinh nhận thức như là một mối nguy hiểm đang tập trung – một sự củng cố cơ sở của một thế lực thù địch tại nhiều điểm dọc theo biên giới Trung Quốc.  Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh tin rằng nếu thế lực thù địch được để cho hoàn thành ý đồ của nó, Trung Quốc sẽ bị bao vây và do đó vẫn nằm trong tình trạng thường xuyên dễ bị tổn thương.  Kẻ thù sẽ được ở một vị thế để phát động một cuộc chiến tranh vào một thời điểm tự chọn, và hiểu biết về lợi thế này sẽ cho phép nó hành động "không chút lưỡng lự", như Hoa Quốc Phong đã nói với Tổng thống Carter khi họ gặp nhau ở Tokyo.  Vì vậy, một vấn đề có vẻ là khu vực – trong trường hợp đầu tiên Mĩ đẩy lui Bắc Triều Tiên, trong trường hợp thứ hai Việt Nam chiếm đóng Campuchia – được coi là "tiêu điểm của các cuộc đấu tranh trên thế giới" (như Chu Ân Lai mô tả Hàn Quốc).


Cả hai cuộc can thiệp đặt Trung Quốc vào vị thế chống lại thế lực mạnh hơn đe dọa nhận thức an toàn của họ; tuy nhiên mỗi cuộc can thiệp đã thực hiện trên địa hình và tại một thời điểm theo lựa chọn của Bắc Kinh.  Như Phó Thủ tướng Cảnh Biểu (Geng Biao) nói với Brzezinsk sau đó: "Sự trợ giúp của Liên Xô cho Việt Nam là một thành phần trong chiến lược toàn cầu của họ.  Họ không những điều khiển ở Thái Lan mà còn ở Malaysia, Singapore, Indonesia, và eo biển Malacca.  Nếu họ thành công thì đó sẽ là một đòn chí tử đối với ASEAN và cũng sẽ ngăn chận các tuyến giao thông của Nhật Bản và Hoa Kì.  Chúng tôi quyết làm một cái gì đó về điều này.  Chúng tôi có thể chưa đủ khả năng để đối phó với Liên Xô, nhưng chúng tôi thừa khả năng để đối phó với Việt Nam."


Hai cuộc can thiệp đó không phải là những công việc tao nhã: Trung Quốc đã tung quân vào các trận chiến vô cùng tốn kém và gánh chịu thương vong với một số lượng khó thể chấp nhận được đối với thế giới phương Tây.  Trong Chiến tranh Trung-Việt, quân đội Trung Quốc dường như đã theo đuổi nhiệm vụ của mình với nhiều thiếu sót, làm tăng đáng kể mức đô thiệt hại của Trung Quốc.  Tuy nhiên, cả hai cuộc can thiệp đã đạt được các mục tiêu chiến lược đáng chú ý.  Tại hai thời điểm then chốt trong cuộc Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh đã áp dụng thành công học thuyết tấn công chặn trước.  Tại Việt Nam, Trung Quốc đã thành công trong việc phơi bày các giới hạn trong cam kết phòng thủ của Liên Xô với Hà Nội, và quan trọng hơn, là các giới hạn của tầm với chiến lược tổng thể của nước này.  Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận nguy cơ chiến tranh với Liên Xô để chứng minh rằng họ không muốn bị đe dọa bởi sự có mặt của Liên Xô ở mạn sườn phía nam của mình.


Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã tổng hợp lại kết quả cuối cùng của cuộc chiến tranh: "báo chí phương Tây đã viết hành động trừng phạt Trung Quốc như một thất bại.  Tôi tin rằng nó đã làm thay đổi lịch sử khu vực Đông Á."

______________________________
Bài liên quan: TQ lập kế hoạch và chuẩn bị đánh VN năm 1979 như thế nào?