Friday, March 28, 2014

Chiến lược biển Đông của Bắc Kinh: củng cố và khiêu khích

Chiến lược biển Đông của Bắc Kinh: củng cố và khiêu khích

Posted by News on March 29th, 2014
Tác giả: Gregory Poling - CSIS
28-3-2014
Những tháng gần đây đã chứng kiến một sự tiến triển đều đặn về chiến lược dài hạn của Trung Quốc ở biển Đông, chiến lược này có thể tạm chia thành hai phần. Bắc Kinh đang tăng cường lực lượng hải giám trong khu vực và củng cố việc kiểm soát thực tế các thể địa lý họ đang chiếm đóng. Đồng thời, các tàu Trung Quốc đang liều lĩnh tiến ra nơi xa với tần suất lớn hơn để khẳng định yêu sách của Bắc Kinh đối với toàn bộ khu vực bao phủ bởi “đường chín đoạn”, và kích động các sơ suất của các bên tranh chấp khác.
ĐLB 2009 (9 vạch đỏ), ĐLB 1947 (11 vạch trắng), Vùng quản lí đánh cá Hải Nam (đa giác lõm): sự sai lệch giữa các đường này cho thấy TQ hết sức vô lí và tuỳ tiện. Ảnh và chú thích do dịch giả gửi tới
Chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã tạo ra sóng gió hồi tháng 11 năm ngoái qua việc đưa ra quy định thực hiện một đạo luật quốc gia năm 2004 về nghề cá. Một quy định đòi hỏi các tàu cá nước ngoài phải được sự chấp thuận trước khi vào vùng biển do Hải Nam quản lý, vùng đó bao gồm tất cả các vùng biển mà TQ yêu sách ở biển Đông. Điều này dấy lên hồi chuông báo động trong khu vực Đông Nam Á và cả bên ngoài.
Quy định này là một nỗ lực đáng lo ngại nhằm thực thi việc kiểm soát mạnh tay của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp, tuy nhiên không báo hiệu một chiến lược mới. Điều khoản gây tranh cãi trong quy định đánh bắt cá Hải Nam lặp lại gần như từng chữ một lời văn của luật quốc gia 2004 về nghề cá mà họ đưa vào thực hiện. Việc định thời gian đưa ra quy định này trong cùng tháng mà Bắc Kinh tuyên bố vùng nhân dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, làm dấy lên những lo lắng có thể hiểu được rằng Trung Quốc đang áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn hơn với các tranh chấp trên biển.
Quy định đánh cá Hải Nam đưa tín hiệu về cùng kiểu coi thường luật pháp và các chuẩn mực quốc tế như Trung Quốc đã từng cho thấy hàng chục lần kể từ khi họ nộp đường chín đoạn như một Công hàm cho Liên Hiệp Quốc vào năm 2009. Quy định đó không đánh dấu một hướng đi mới trong chính sách biển Đông của Bắc Kinh mà chỉ là bước đi mới nhất trong một kế hoạch dài hạn để củng cố việc kiểm soát thực tế các khu vực tranh chấp.
Trung Quốc đã tăng đáng kể kích cỡ của đội tàu hải giám và thực thi pháp luật biển ở biển Đông. Và nhờ vào việc thành lập thành phố Tam Sa năm 2012 ở quần đảo Hoàng Sa và việc hợp nhất một số cơ quan vào Cảnh sát biển Trung Quốc năm 2013, những đội tàu này ngày càng trở nên phối hợp nhau nhiều hơn. Ngày 6 tháng 3 bí thư tỉnh uỷ Hải Nam cho biết rằng tàu Trung Quốc đang ngăn chặn ngư dân Việt Nam trong quần đảo Hoàng Sa ở mức độ chưa từng có khi nêu: “Có một cái gì đó như thế này đang xảy ra, nếu không phải mỗi ngày thì ít nhất cũng mỗi tuần một lần”.
Lực lượng thực thi pháp luật TQ vẫn tập trung vào quần đảo Hoàng Sa, trong khi để tâm từng hồi tới bãi cạn Scarborough, do bãi này ở xa hơn và được quốc tế chú ý nhiều hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thông báo rằng ngư dân Philippines đã đánh bắt bên cạnh các tàu hải giám Trung Quốc gần bãi ngầm này mà không bị quấy rầy. Nhưng chỉ một tuần sau đó, một tàu Trung Quốc sử dụng một vòi rồng để đuổi một tàu Philippines.
Quần đảo Trường Sa và các khu vực khác của biển Đông vẫn còn ngoài tầm với của quy định đánh bắt cá Hải Nam cũng như bất kỳ cơ quan quản lý thực tế nào khác của Trung Quốc. Vì Bắc Kinh thiếu khả năng tuần tra và thực thi các lệnh của họ trong một khu vực rộng lớn và tranh chấp cao như vậy, họ đã viện đến việc thể hiện tượng trưng về chủ quyền. Hồi tháng Giêng, một chiếc tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc và hai tàu khu trục đã tuần tra bãi ngầm James, ở phần cực nam của đường chín đoạn, trong khi thủy quân lục chiến TQ đã tổ chức một buổi lễ tại bãi ngầm này tuyên thệ bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.
Bãi ngầm James là một thể địa lý hoàn toàn chìm dưới nước chỉ cách Malaysia 80 km, khiến cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trở thành lố bịch, nhưng vẫn còn mang tính tượng trưng. Ngoài ra, để gửi một thông điệp tới khu vực, Bắc Kinh dường như thực hiện những hành động như vậy với hy vọng kích động các bên tranh chấp khác phạm vào sơ suất mà từ đó Bắc Kinh có thể được lợi. Đó là những gì đã xảy ra tại bãi cạn Scarborough vào tháng 4 năm 2012 với vụ giằng co Philippines – Trung Quốc và với việc quốc hữu hoá quần đảo quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) vào tháng 9 năm 2012 của Nhật Bản.
Báo chí nước ngoài bàn cãi ồn ào cho rằng các hành động của Trung Quốc – từ quy định đánh bắt cá mới cho tới ADIZ rồi tới tăng cường tuần tra trên biển – được hiểu là để tăng cường tính hợp pháp của họ qua việc thể hiện việc quản lý hiệu quả các khu vực tranh chấp. Nhưng các chuyên gia pháp lý của Trung Quốc biết rõ hơn. Theo luật quốc tế, không có điều gì mà một bên trong một vụ tranh chấp lãnh thổ thực hiện sau ‘ngày tới hạn’ (critical date – ngày mà tranh chấp đó xảy ra) là có giá trị. Vì vậy, quy định mới, chiếm đóng, hoặc quản lý hành chánh của Trung Quốc đều không thể có bất kỳ ý nghĩa nào về tính hợp pháp cho yêu sách của họ.
Thay vào đó, Trung Quốc đang tìm cách né tránh hoàn toàn luật pháp quốc tế bằng cách tăng cường kiểm soát thực tế và thay đổi nguyên trạng từng chút một. Cuối cùng, Bắc Kinh hy vọng rằng các bên tranh chấp khác sẽ bị buộc phải chấp nhận thực tế kiểm soát của Trung Quốc. Cho đến lúc đó, sự ngăn chặn của cộng đồng quốc tế chống lại tính bất hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng rất nhỏ. Miễn là Bắc Kinh khước từ trọng tài, tránh ra tòa án quốc tế, và tạm dừng việc xâm lược lộ liễu, họ nghĩ rằng họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chơi dài hạn.
Tuy nhiên khu vực này đang tĩnh giấc với mối nguy hiểm đó. Trong những tuần gần đây Malaysia dường như liên kết chặt chẽ hơn với các bên tranh chấp đồng bạn. Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối từng hành động khiêu khích mới của Trung Quốc. Và quan trọng nhất, Philippines đã đưa vụ việc ra trọng tài phân xử, điều này có thể làm những nước láng giềng bạo dạn hơn, đồng thời vén bức màn về chính sách vòng quanh với pháp luật trong khi thay đổi thực tế trên hiện trường của Bắc Kinh.

Tuesday, March 18, 2014

Tìm hiểu / nghiên cứu biển đảo với Google Earth (tt)

Tìm hiểu / nghiên cứu biển đảo với Google Earth (tt)

(Bài đã đăng trên BVN ngày 20/03/2014 và DL với tựa đề cụ thể hơn ngày 19/03/2009)

Trong bài trước đăng trên BXVNDL ngày 15/01/2014, chúng tôi đã đưa ra những hướng dẫn chung về cách sử dụng và khai thác Google Earth (GE) để tìm hiểu, nghiên cứu và phổ biến kiến thức về biển đảo nói chung và cung cấp file kmz dành riêng cho quần đảo Hoàng Sa. Với bài này chúng tôi chỉ nêu những nét cụ thể về 2file kmz dành cho Trường Sa và Biển Đông ( bạn đọc nào chưa quen sử dụng GE thì cần dành thời giờ đọc qua bài trước).  Bạn đọc có thể tải về máy cá nhân 2 file này theo địa chỉ sau:
- Biển Đông_V1.kmz: https://www.dropbox.com/s/2mh2e0ocnomkzzk/Bi%E1%BB%83n%20%C4%90%C3%B4ng_V1.kmz (44 KB).
(hai file có thể sẽ được cập nhật/bổ sung sau này nhưng vẫn lưu ở địa chỉ trên)
  1. Về file Qđ Trường Sa_V1.kmz:
So với quần đảo Hoàng Sa (HS) thì quần đảo Trường Sa (TS) phức tạp hơn. Trước nhất, hiện nay chưa có cách hiểu thống nhất về phạm vi quần đảo này, tuy nhiên dù theo cách hiểu nào số thể địa lí (đảo, đảo đá, cồn, bãi…) cũng đều khá lớn, lên tới hơn 100 (theo thông tin có trong bảng liệt kê các đảo trên trang của ĐHQG Singapore – NUS thì con số này lên tới 165). Thứ hai, việc tranh chấp chủ quyền không chỉ xảy ra giữa VN và TQ (tính luôn Đài Loan) mà còn có thêm Philippines, Malaysia và Brunei nữa. Theo đó, các thể địa lí có thể có nhiều tên gọi khác nhau. Thứ ba, trừ Brunei ra các bên tranh chấp đều có quân đội chiếm đóng các thể địa lí ở TS. Để có thể phản ánh tương đối đầy đủ sự phức tạp đó và cũng để dễ theo dõi chúng tôi sắp xếp thư mục bản đồ TS theo lối phân cấp thành 2 mục chính: ‘Yêu sách’ (các yêu sách ) và Chiếm đóng (hiện trạng chiếm đóng). Hai mục chính này lại phân cấp tiếp như sau:
  • Mục ‘Yêu sách’: gồm có các đường yêu sách chính thức/không chính thức của các nước Brunei, TQ (CHN), Malaysia (MYS), Philippines (PHL) và Việt Nam (VNM). Đối với TQ, đường yêu sách không chính thức là đường lưỡi bò (ĐLB) gồm 9 vạch rời nên chúng tôi có vẽ thêm một đường liền cho dễ nhìn và một đường có tô kín với màu trắng nhạt để dễ ước lượng.
  • Mục ‘Chiếm đóng’: được phân thành 6 tiểu mục dành cho 5 bên có chiếm đóng các thể địa lí ở TS [TQ (CHN), Malaysia (MYS), Philippines (PHL), Đài Loan (TWN), Việt Nam (VNM)] và một tiểu mục đặc biệt (‘Khác’) dành cho các thể địa lí chưa có nước nào chiếm đóng. Trong từng tiểu mục này các thể địa lí được sắp xếp theo thứ tự A→Z để dễ truy tìm.
  • TSHierarchy1.JPG

Hình 1: File Trường Sa.kmz mở (một phần) trên GE (để mở trọn vẹn phải nhấp chuột vào các ô vuông rỗng (check) trước các tiểu mục của mục ‘Chiếm đóng’) cho thấy các đường yêu sách của các nước và 5 đảo/đá mà 5 bên khác nhau đã chiếm đóng (thể hiện bằng các icon màu khác nhau) và một rạn đá chưa bị chiếm đóng (icon màu vàng).
Phần Sidebar cho thấy thư mục của file này chỉ mở tới cấp thứ hai (muốn mở hết ra phải nhấp chuột vào các tam giác rỗng nhỏ trước mỗi tiểu mục của 2 mục chính),

  1. Về file Biển Đông_V1.kmz:
Có tất cả 8 nước tiếp giáp biển Đông (kể luôn vịnh Thái Lan): Brunei (BRN), Campuchia (KHM), China (CHN), Indonesia (IDN), Malaysia (MYS), Philippines (PHL), Thái Lan (THA) và Việt Nam (VNM). Do đó, để thuận tiện khi sử dụng, chúng tôi phân thư mục bản đồ thành 9 mục chính cho 8 nước này và một mục đặc biệt: (‘Giả định’).
Một mục chính đầy đủ có sẽ các tiểu mục: đường cơ sở, đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ - 200 M) và thềm lục địa (350 M), đường phân giới biển, vùng nước/vịnh lịch sử, khu vực khai thác chung (JDA) và có thể có thêm tiểu mục riêng cho từng nước (chẳng hạn với TQ có thêm các đảo/ bãi đáng chú ý như bãi ngầm James [Tăng Mẫu], đảo Pratas [Đông Sa], bãi ngầm Maclesfield [Trung Sa], đường giới hạn khu vực đánh cá do tỉnh Hải Nam mới quy định và ĐLB 11 vạch năm 1947). Để tránh trùng lập những thứ mà 2 hay nhiều bên có chung (như đường phân giới biển, khu phát triển chung…) chúng tôi chỉ đặt chúng ở mục của bên mà chúng tôi thấy thuận tiện hơn khi sử dụng.
Riêng mục đặc biệt (‘Giả định’) là để cung cấp thông tin tham khảo về cách giải quyết cực đoan tình trạng chưa ngã ngủ về tranh chấp của hai quần đảo HS và TS. Mục này chứa các đường phân giới là trung tuyến của các nước liên quan với giả định HS, TS cũng có EEZ và được hưởng 100% hiệu lực; và cũng chứa thêm đường giới hạn 200 M của Hải Nam và Pratas không tính sự có mặt của HS và giả định Pratas là đảo theo định nghĩa của UNCLOS và được hưởng 100% hiệu lực. Nội dung chính của mục này được tạo từ các file (có điều chỉnh đôi chút) của Viện nghiên cứu biển Flanders (Vlaams Instituut voor de Zee, VLIZ [tiếng Hà Lan] hay Flanders Marine Institute [tiếng Anh]) tải được từ trang web MarineRegion.org của họ.

SEASHierarchy.JPG

Hình 2: File Biển Đông_V1.kmz mở gần trọn ven trên GE với mục ‘China’ chưa mở hoàn toàn (cho thấy đường cơ sở, ĐLB [9 vạch  và phần LB phi pháp] nhưng chưa cho thấy khu vực Hải Nam đòi quản lí  và ĐLB 1947)

Cũng giống như bản đồ HS, khi bạn đọc nhấp chuột vào từng đường/ hình/ icon trên bản đồ hay vào tên các mục/tiểu mục (với chữ xanh) bên Sidebar thì thông tin cơ bản tương ứng sẽ hiện ra. Trong các thông tin này có thể có cả đường dẫn tới những tài liệu mà chúng tôi căn cứ để vẽ và những thông tin/hình ảnh/đường dẫn liên quan tới thể địa lí hoặc đường/hình đó.


Hình 3: Nhấp chuột vào icon đá Gạc Ma sẽ  hiện lên thông tin/ảnh liên quan tới đá này, trong đó có đường dẫn (chữ xanh) mà khi nhấp chuột lên sẽ mở clip youtube TQ đánh chiếm đá này ngày 14/3/1988.

Đặc biệt, khi nhấp vào tên hồ sơ ‘Trường Sa’ bên Sidebar bạn đọc sẽ thấy hiện ra các thông tin giới thiệu chung về quần đảo này (có thể hiện ra hơi chậm ở một số máy vì nội dung khá dài).

SpratlysIntro.JPG

Hình 4: Nhấp chuột vào tên file Trường Sa (ở Sidebar) sẽ hiện ra thông tin giới thiệu chung về quần đảo TS

Bạn đọc cũng có thể tắt/mở từng mục/tiểu mục để chỉ chừa lại trên GE những nội dung mình quan tâm bằng cách nhấp chuột vào ô vuông trước tên chúng để xoá/thêm (uncheck/check) dấu ✓ trong đó. Do thư mục được sắp xếp theo hệ thống phân cấp như đã nêu nên trước khi thực hiện việc này, bạn đọc phải mở bung folder/tài liệu ra tới tiểu mục đó bằng cách nhấp chuột vào tam giác rỗng nhỏ trước tên folder/tài liệu liên quan. Ví dụ, bạn đọc chỉ quan tâm tới các đòi hỏi của TQ thì có thể tắt hết những thứ khác chỉ mở gần trọn mục ‘China’ (chừa ra tiểu mục ‘LB tô’) thì được bản đồ sau:

CHN_claims.JPG

Hình 5: Bản đồ cho thấy 4 “Sa” + chỗ cực Nam (bãu ngầm James) mà TQ đòi chủ quyền,  sư sai khác/tuỳ tiện của bản đồ 9 vạch /11 vạch /vùng Hải Nam đòi kiểm soát .Chẳng hạn, trong 9 vạch của LB 2009 thì 8 vạch phình ra  so với LB 1947 lấn thêm vào vùng biển của các nước, nhất là ở phía VN. Đặc biệt, vạch ở đầu LB 1947, ngăn cách với quần đảo Natuna của Indonesia, vốn đã ăn vào EEZ của Natuna, được dời về phía VN  trong LB 2009, tạo một khoảng cách lớn nên không biết LB 2009  sẽ liếm EEZ của Natuna mức độ nào khi nối liền các vạch (mập mờ cố ý ?).  Bạn đọc có thể tự rút ra nhiều nhận xét khác qua bản đồ này.

Lưu ý rằng tất cả những đường / hình chúng tôi vẽ thêm vào GE đều dựa trên các văn bản chính thức của các nước liên quan hay các tài liệu đáng tin cậy mà chúng tôi đều có nêu đường dẫn trong thông tin cơ bản về đường/hình đó (hiện ra khi nhấp chuột vào như đã nêu). Phần lớn đều vẽ theo toạ độ ghi trong các văn bản chính thức đó. Những trường hợp không có toạ độ, chúng tôi phải tạm dùng cách chồng bản đồ (overlay) để vẽ lên GE và chúng tôi có ghi rõ trong phần thông tin cơ bản vừa nói.

Với 2 file mới này cùng với file Qđ Hoàng Sa_V1.kmz trong bài trước, khi mở đồng thời trên GE chúng ta sẽ có một bức tranh khá trọn vẹn những điều cơ bản về biển Đông. Nếu kết hợp thêm với file Biên giới V-T.kmz mà chúng tôi đã cung cấp trong bài ‘Khảo sát biên giới Việt-Trung bằng Google Maps và Google Earthở đây hoặc ở đây, thì chúng ta sẽ có được một công cụ mạnh mẽ để tìm hiểu, nghiên cứu và phổ biến các hiểu biết về biên giới trên đất liền lẫn trên biển của Việt Nam. Đó cũng là một phương tiện tra cứu tiện dụng và có hiệu quả những thông tin cơ bản về biển, đảo và biên giới.  Ví dụ, bạn đọc có thể đã biết có Hiệp định phân giới vịnh Bắc Bộ nhưng không rõ kí kết ngày nào và cũng có thấy bản đồ đường phân giới biển vùng biển này nhưng với tỉ lệ nhỏ. Chỉ cần nhấp chuột lên đường phân giới này trên bản đồ GE thì bạn đọc có ngay ngày kí . Nhấp tiếp vào đường dẫn hiện ra cùng thông tin đó, bạn có toàn bộ văn bản của Hiệp định này. Và khi thực hiện thêm vài động tác với chuột hay bàn phím bạn có thể phóng to bản đồ ở tỉ lệ cao để xem tường tận từng đoạn nhỏ của đường phân giới này. Bạn đọc cũng có thể dùng công cụ ‘Ruler’ để kiểm tra chẳng hạn, xem đảo Bạch Long Vĩ có hưởng đúng 25% hiệu lực về EEZ như báo chí đã nêu hay không…. (Lưu ý khi mở các file kmz này đồng thời nên uncheck các mục trùng lặp để đỡ rườm rà).

Nhân đây chúng tôi xin cung cấp lại file kmz về Hoàng Sa phiên bản mới (có chỉnh sửa đôi chút cho tương đối nhất quán với file Trường Sa) cho các bạn đọc có quan tâm. File có thể tải về từ địa chỉ sau:

Sunday, March 16, 2014

Trong trận chiến giành Krym, Trung Quốc thắng

Trong trận chiến giành Krym, Trung Quốc thắng

Posted by Basam on March 16th, 2014
Tác giả: Geoff Dyer
Người dịch: Huỳnh Phan
12-3-2014
Bắc Kinh đứng thế nào mà được lợi từ việc Nga xâm lược Ukraina.
Lúng túng không biết bắt đầu diễn đạt ra sao. Mỗi khi Bắc Kinh được yêu cầu nêu quan điểm về sự can thiệp của Nga ở Ukraina, họ phải dùng đến công thức quanh co. Ngày 2/3, một ngày sau khi Nga bắt đầu tung quân ra trên bán đảo Krym (Crimea), Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) nêu: “Có lý do đích thực để các sự kiện ở Ukraina tiến triển đến chỗ đang có ngày hôm nay.” Ngày 3/3, Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi), đại diện thường trực của TQ tại Liên Hợp Quốc, nói “có nhiều lý do vì sao tình hình ở Ukraina như hiện có ngày hôm nay.” Sau đó trong cùng tuần, trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bế tắc trong cuộc tranh luận về Ukraina, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Tần Cương tuyên bố: “Có nhiều lý do cho tình hình hiện nay ở Ukraina.”
Vậy, thế là rõ.
Chẳng chút khó hiểu vì sao TQ tự cảm thấy ở trong một vị trí gò bó đối với tình hình ở Ukraina, nơi Nga đã phản ứng với sự sụp đổ ngôi vị tổng thống của đồng minh Viktor Yanukovych vào cuối tháng 2 và với sự hình thành một chính phủ mới thân phương Tây bằng cách thực thi sự kiểm soát quân sự của Nga trên bán đảo Krym . Một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại của TQ là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Điều đó cho họ một rào chắn ngăn họ can thiệp vào công việc của chính mình và là một cách để thả nổi bên trên một số địa điểm bất ổn khó khăn hơn của thế giới mà không bị hút vào các tranh chấp chính trị rối rắm hoặc gánh lấy những trách nhiệm mới. TQ cũng dị ứng với phong trào ly khai bên trong các nước. Nếu Krym được cho phép bỏ phiếu để độc lập thì tại sao Tây Tạng lại không?
TQ và Nga có thể đã ghẻ lạnh nhau trong giai đoạn sau của thời Chiến tranh Lạnh, và chỉ giải quyết vấn đề biên giới căng thẳng của chính họ năm 2008, nhưng hai quốc gia từ lâu đã tìm thấy mục tiêu chung về vấn đề chủ quyền quốc gia. Trong thập kỷ qua, Nga và TQ đã thường kết bè với nhau tại Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn những kẻ bao biện phương Tây can thiệp vào các cuộc khủng hoảng nội bộ ở các nước nhỏ. Trong thập niên 2000, khi TQ bênh vực Sudan trước những lời chỉ trích của phương Tây về [vụ thảm sát ở] Darfur thì Nga đưa ra che chắn về chính trị. Trong ba năm qua, TQ đã hậu thuẫn Nga trong nỗ lực ngăn không cho Liên Hiệp Quốc gây sức ép lên chế độ Assad ở Syria. Tuy nhiên, hiện giờ, đối tác thường lệ của TQ trong việc bảo vệ tính bất khả xâm phạm về chủ quyền quốc gia lại chính là quốc gia có quân đội đang kiểm soát Krym.
Và một cuộc khủng hoảng kéo dài ở Ukraina có thể xấu cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là nếu có cấm vận và phản cấm vận giữa Nga và phương Tây, đúng vào thời điểm khi nền kinh tế của TQ đang chậm lại. Phản ứng quá phức tạp như vậy của TQ là không có điều gì lạ.
Tuy nhiên, đằng sau sự lập lờ và phân tích chữ nghĩa ngoại giao, có nhiều cách mà theo đó cuộc khủng hoảng Ukraina có thể có tác dụng rất tốt cho TQ.
Cả về chiến lược lớn lẫn về chiến thuật, hồi tàn cuộc ở Ukraina có khả năng diễn ra trong tay TQ.
Đối với Hoa Kỳ, một trong những rủi ro lâu dài lớn là Ukraina rốt cuộc đẩy Nga và TQ lại gần nhau nhiều hơn – một sự thay đổi trong các mảng kiến tạo địa chính trị sẽ có tác động lâu dài. Tự cảm nhận bị sức ép ở châu Á trong hai năm qua, Bắc Kinh đã tìm kiếm xung quanh sự hậu thuẫn chính trị. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên mà Tập Cận Bình thực hiện với tư cách chủ tịch TQ tháng 3 năm 2013 là Moskva (Mat- xcơ-va). Và từ khi trở lại nắm quyền gần hai năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vui vẻ chơi đẹp với TQ khi ông làm vui lòng TQ bằng thái độ chống phương Tây của mình. Hồi tháng 10, hai nước đã ký một số lượng lớn các hợp đồng năng lượng, bao gồm thỏa thuận để Nga cung cấp $ 85 tỉ dầu hoả; sau nhiều năm đàm phán, họ cũng đang tới gần việc đạt một thỏa thuận về đường ống dẫn khí lớn. Ngoài những mối quan hệ kinh doanh đang bùng phát, cả hai nước tin rằng đẽo mòn nền tảng sức mạnh của Mỹ là phục vụ lợi ích của họ.
Một trong những ưu tiên địa chính trị lâu dài của Washington là chèn một trái độn giữa Moskva và Bắc Kinh, để ngăn chặn mối quan hệ đó phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, chiến dịch của chính quyền Obama nhằm cô lập Nga về kinh tế và ngoại giao gần như chắc chắn sẽ mời gọi Putin hướng sang Bắc Kinh tìm hậu thuẫn chính trị. Dmitri Simes, Chủ tịch Trung tâm National Interest ở Washington, thậm chí còn dự đoán rằng cuộc khủng hoảng Ukraina có thể dẫn đến việc TQ và Nga ký kết một hiệp định an ninh.
Ở cấp độ đời thường hơn, cuộc khủng hoảng Ukraina cũng có nghĩa là Tổng thống Mỹ Barack Obama gần như chắc chắn sẽ có ít thời gian để đầu tư cho ‘trục châu Á’ của ông – chiến lược đối phó với một TQ đang trỗi dậy. Sau nhiều ồn ào khi phát động vào năm 2011, bao gồm cả thông báo của Tổng thống Obama rằng Hoa Kỳ “có mặt ở đây để ở lại” ở Thái Bình Dương trong một chuyến đi đến Úc, đã có nhiều lời chỉ trích trong khu vực rằng chính quyền Mỹ đã bị phân tâm do đang bận làm công việc chữa lửa ở Trung Đông. John Kerry đã đi đến khu vực châu Á 5 lần từ khi trở thành ngoại trưởng hồi tháng 2 năm 2013, nhưng ông đã thực hiện hơn gấp đôi số chuyến đi tới Trung Đông trong cùng thời kỳ. Việc huỷ bỏ chuyến đi Châu Á tháng 10 năm 2013 của ông Obama vì chính phủ đóng cửa là một mục tiêu chính yếu riêng. Trong nhiều tháng, người TQ đã nói với láng giềng rằng người Mỹ không đáng tin lại trở nên ít quan tâm đến khu vực này lần nữa.
Trong nhiều tuần trước khi có sự can thiệp của Nga tại Krym, chính quyền Mỹ đã có ý thức cố gắng để xốc ván cờ của mình ở châu Á lên, trước chuyến đi của Obama tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, và Philippines hồi tháng 4. Trong tháng 2, Danny Russel, phụ tá ngoại trưởng về vấn đề Đông Á, nói TQ đã “tạo ra sự thiếu chắc chắn, thiếu an ninh và mất ổn định trong khu vực” do hành vi của họ ở biển Đông. Tuy nhiên, nếu Nga sáp nhập Krym, và được thấy là không phải trả một giá quá cao thì một số người ở TQ sẽ coi đó là tín hiệu đèn xanh để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền của họ thậm chí gay gắt hơn. Nếu Putin có thể thấu cáy phương Tây thì cái gì cản đượcTQ?
Điều đó nói rằng, không có gì không thể tránh khỏi về một liên minh Trung- Nga gần gủi hơn. Khi ảnh hưởng của TQ tăng lên, Nga có thể đi tới việc sẽ thấy Bắc Kinh như một đối thủ cũng nhiều như một đối tác. Việc Putin xâm nhập Krym được thúc đẩy bởi mong muốn bảo vệ phạm vi ảnh hưởng của Nga về phía Tây, phía mà ho cảm thấy bị châu Âu đe dọa. Tuy nhiên, ông cũng có ý định duy trì ảnh hưởng của Nga ở Trung Á, nơi mà TQ là kẻ thách thức lâu dài. Trong 5 năm qua, sự hiện diện của TQ ở Trung Á đã tăng lên đột biến, sản phẩm của các hợp đồng khổng lồ về năng lượng, đường ống dẫn dầu và khí đốt mở rộng, và giúp đỡ tài chính. Trong chuyến viếng thăm Kazakhstan (quốc gia Trung Á cũng là một phần của Liên Minh Âu-Á của Putin) của Tập Cận Bình hồi tháng 9, ông mở một đường ống dẫn khí tự nhiên mới tới TQ, chính thức hóa một khoản đầu tư $ 5tỉ của TQ trong dự án, và ký các thỏa thuận kinh doanh trị giá $ 30 tỉ. Sườn đông nam của Nga cũng dễ bị tổn thương như sườn phía Tây.
Nga cũng lo ngại về việc di cư TQ tới đông Siberia và về ý đồ của hải quân TQ trong khu vực Bắc Thái Bình Dương và Bắc Cực. Ngay cả khi Moskva và Bắc Kinh tiến tới gần gũi nhau hơn trong hai năm qua, Nga cũng đã cải thiện quan hệ với Nhật Bản và họ đã lặng lẽ tổ chức các cuộc đàm phán về các đảo Thái Bình Dương đang có tranh chấp giữa hai nước.
Động lực sức mạnh của TQ và Nga cũng rất khác nhau. Tham vọng của TQ là tham vọng của một cường quốc lớn đang lên, còn việc chiếm lấy Krym là việc ra tay của một nhà lãnh đạo đang cố gắng bám vào một số đòn bẩy ở Ukraina sẽ nhanh chóng biến mất . Điều cuối cùng ông Putin muốn là chịu đứng dưới cơ Tập Cận Bình, cách mà Anh làm với Hoa Kỳ.
Nhưng nhìn chung, tình hình có vẻ đầy hứa hẹn cho Bắc Kinh. Ngay cả khi tình hình ở Ukraina được giải quyết tương đối nhanh chóng và quan hệ của Mỹ với Nga không hoàn toàn đổ vở, Obama vẫn sẽ dành nhiều thời gian hơn chú tâm vào châu Âu; cố gắng thúc đẩy mối quan hệ với Đức và trấn an các đồng minh ở Đông Âu đã cảm thấy bị bỏ quên. Chính quyền Mỹ sẽ tuyên bố họ có thể cáng đáng tất cả những vấn đề này, nhưng sự quan tâm của cấp cao nhất đến châu Á sẽ giảm xuống. Trục sẽ chịu thiệt hại như là hậu quả của vụ Ukraina — và ngoài những điều khác, đó là một thắng lợi cho Bắc Kinh, ngay cả khi chúng ta không nhận ra được điều đó từ cách nói vặn vẹo của TQ về cuộc khủng hoảng này.
Nguồn: Foreign Policy

Vừa đi vừa kể chuyện người bạn lớn phương Bắc

Vừa đi vừa kể chuyện người bạn lớn phương Bắc

Bài viết nhân ngày Gạc Ma rơi vào tay “người đồng chí thân thiết”- 14.3.1988 
Nguyễn Minh Hòa 
(thấy bài này có lí trên blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập nên chôm về đây làm của :-)) 

Không có người Việt Nam trưởng thành nào lại không có một chuyện gì đó với người Trung Quốc, nhỏ thì mua phải hàng giả, lớn là người thân hy sinh ở chiến tranh biên giới. Không có người Việt Nam nào lại không biết một chuyện gì đó về Trung Quốc, cũng như họ biết về chúng ta. Hai bên đều quá rành về nhau.


Vừa đi vừa nhẩn nha kể những chuyện nho nhỏ cho mọi người nghe, những chuyện này chả báo nào đăng cả, bởi chúng là những chuyện mà các nhà chính khách cho là “vớ vẩn”. Tôi kể, ai tin thì tin, không tin thì thôi.

1.    Nhà tôi ở cách chân núi Nghĩa Lĩnh có Đền Hùng chừng 3 km. Vào những năm 1965 đến 1968, bộ đội Trung Quốc đến vùng này có đến hàng ngàn người. Họ làm đường, đất moi từ trong lòng núi ra để tôn nền đường, xung quanh Đền Hùng có 99 ngọn núi, hầu như cái nào họ moi sâu thành những cái hang. Tuyệt nhiên không có người Việt Nam nào được bén mảng đến, lũ chúng tôi ngày ấy hay ra chơi với họ. Có 3 thứ lúc nào gặp chúng tôi, họ đều cho thoải mái. 

Thứ nhất là huy hiệu Mao Trạch Đông, cái nào cái nấy to bằng cái bát, đỏ chói (hiện tôi còn giữ được một cái). Lũ chúng tôi đeo khắp người, từ ngực xuống cánh tay.Thứ hai là sách Mao Tuyển viết bằng tiếng Việt, với loại này lũ chúng tôi bóc ra lấy cái vỏ làm ví để cắm vào túi áo ngực cho oai, lòe mấy đứa con gái mình đang tán tỉnh (ở trong đựng giấy báo cho dày, chứ ngày ấy làm gì có xu nào) và phát cho mọi người để đựng mấy loại tem phiếu nước mắm, gạo mốc. Thứ ba là báo ảnh khổ to, giấy trắng, hình màu cực đẹp bằng tiếng Việt hắn hoi, nhờ nó mà chúng tôi được biết chân dung Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu và biết thế nào là đại cách mạng văn hóa, là kinh kịch “Bạch Mao Nữ”, cũng nhờ các báo ảnh này mà cả lớp chúng tôi có cái để bao sách ê hề không bao giờ cạn.

 Thỉnh thoảng họ còn cho chúng tôi nước đường pha loãng toẹt và một lần duy nhất có mấy cái kẹo Hải Châu, nhưng đủ cho mỗi đứa liếm một cái thấy đã đời. Ngày ấy chúng tôi phải học tiếng Trung, sáng nào đến lớp cũng chào cô giáo, thầy giáo bằng tiếng Trung Quốc “Lảo sư hảo”, rồi gân cổ hát bài “Đông phương hồng, mặt trời lên, Trung Hoa ta có Mao Trạch Đông” (bài hát này đến nay tôi vẫn còn thuộc mới đểu chứ). Trong nhóm chúng tôi, có thằng Ngôn, một thằng rất đẹp trai, nhanh nhẹn, liều lĩnh, nhà nó ở ngay dưới chân núi Đền Hùng cho nên tự nhiên nằm trong khu doanh trại của các “đồng chí Trung Quốc” mà không bị đuổi đi.

 Có một lần, nó rủ tôi và thằng Sơn “vỏ xe” (gọi là thế vì bố nó làm nghề xẻ vỏ xe hơi làm dép cao su, ngày ấy nghề này thịnh hành lắm, bây giờ nó cũng làm nghề này nhưng xẻ vỏ xe hơi cho các lò nung gạch) lách rừng, vạch le tìm hang (ngày ấy rừng cây cao còn nhiều và dầy lắm, vào khoảng năm 1968 thì phải, một cán bộ lãnh đạo của Tỉnh Vĩnh Phú mới nghĩ ra một sáng kiến thật vĩ đại là phá rừng trồng sắn sẽ mang lại lợi lớn hơn, thế là một chiến dịch huy động toàn dân phá rừng rầm rộ chưa từng thấy, kết quả là toàn tỉnh Phú Thọ chỉ rặt có đồi trọc lóc như đầu của nhà văn Quang Lập (sorry), đỏ au một mầu như máu cho đến tận bây giờ, hic hic). 

Tui tôi theo nó chui trộm vào mấy cái hang núi mà bộ đội Trung Quốc đào lấy đất mới thấy nó thật vĩ đại, sâu hun hút, hầm có vòm bằng bê tông, chia làm nhiều ngăn, có cửa bằng sắt hẳn hoi, những cái hang này có nhiều ngách và đào rất sâu xuống lòng đất và chôn rất nhiều thùng chứa các loại súng, đạn,.. Thằng Ngôn biết được trò này vì có lần nó đi tìm trâu bị lạc. Mấy năm sau rút về nước, họ đánh bộc phá bít kín tất cả các cửa hang.

 Chả biết sau này, số phận những kho vũ khí ấy ra sao, vì mấy năm sau tôi cũng đi bộ đội vào Nam cho đến tận bây giờ. Nghe đồn bảo, họ chôn vũ khí để sau này nếu đánh nhau với Mỹ (hay với ta cũng vậy) thì cứ thế móc lên cho tiện, khỏi mang từ Trung Quốc qua mất công, lại nghe đồn họ định tặng cho bộ đội Việt Nam, nhưng không đưa liền vì sợ bộ đội Việt Nam dùng phung phí, chỉ khi nào quá cần kíp họ mới chỉ chỗ cho mà dùng. Năm 1973, thằng Ngôn cũng đi bộ đội. Nó ở quân đoàn 4, quân đoàn chủ lực oánh vào Sài gòn. Bây giờ hắn đang chạy xe taxi thuê ở Thái Nguyên, nghèo kiết xác, lâu qúa không gặp nên cũng quên béng, không hỏi về những cái kho vũ khí trong lòng núi đó ra sao nữa.

tác giả dưới chân "Hoàng Hạc Lâu"
2.    Năm 1973, chúng tôi xuống sát Sài Gòn, hoạt động ở vành đai Tây Bắc và Đông Bắc Sài Gòn như Củ Chi, Hóc Môn, An Phú Đông, Tăng Nhơn Phú, ...thỉnh thoảng vào tận nội ô thực hiện vài chuyện như bắt chiêu hồi, thám báo, ném lựu đạn, đưa các tình báo viên ra cứ huấn luyện, chuyển vũ khí, tiền giả vào bên trong thành và cả việc móc nối đưa vợ con của các cán bộ lớn từ vùng bên trong ra cứ thăm nhau...cuối năm 74, sang đầu 75 đột nhiên chúng tôi nhận rất nhiều vũ khí mới từ Trung Quốc chuyển từ Bắc vào còn nguyên đai, nguyên kiện như súng ngắn K.54, AK báng gấp, súng tiểu liên mini, lựu đạn, mìn, thuốc nổ,…nhưng từ đây, bắt đầu xuất hiện những sự cố.

 Đầu tiên là đạn, thông thường một thùng đạn (lâu quá không còn nhớ là bao nhiêu nữa, có lẽ là 600 đến 1.000 viên gì đó) có chừng vài chục viên đầu đạn sơn đỏ, còn lại là đầu sơn xanh. Đầu xanh là đạn bắn không thấy đường đi, đầu đỏ gọi là đạn lửa, là loại bắn ra tạo thành đường lửa từ người bắn đến mục tiêu, loại đạn này thường dùng để dẫn đường cho hỏa lực như B.40, B. 41, Đại liên lấy hướng để bắn, nhưng tệ hại là toàn bộ đạn nhận cho tất cả các đơn vị với hàng ngàn cơ số đều là đạn đầu đỏ, sử dụng loại đạn này chính xác là “lạy ông, con ở bụi này”, mà lính đặc công, biệt động chỉ đánh nhau ban đêm chứ mấy khi đánh nhau ban ngày, kết quả là lính bị thương vong rất nhiều, nhưng không dùng thì lấy đâu ra đạn, chả lẽ bắn bằng hạt đậu phộng. 

Vào gần chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi (tác giả bài viết này) về hậu cứ nhận mấy chục khẩu B.40 mới toanh còn ngập dầu mỡ trong các ống nhựa kín mít, trước khi phân về các đơn vị thì phải ra bìa rừng bắn thử xuống hố bom, không nổ một phát nào. Vượt sông Sài Gòn sang Thanh An, đến công binh xưởng ăn chực nằm chờ để sửa, nhưng không được chấp nhận. Ngày ấy trưởng công binh xưởng của R là thượng úy Võ Viết Thanh, sau này là Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân TP.HCM, rồi là Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công An, ông dứt khoát đuổi chúng tôi về không thèm nhìn mặt với lý do súng Trung Quốc còn mới làm sao mà hỏng được. 

Tôi điên tiết, văng tục với ông ấy, vác cả súng bắn thẳng vào cơ quan để ông ấy thấy nó tịt như thế nào, rốt cục mất 1 tuần ăn chực nằm chờ ông ta cho quân thay hạt nổ cũ bằng hạt nổ mới. Nó chỉ to bằng hạt ngô lép ở đầu quả đạn (nơi mà khi bóp cò thì kim hỏa nện vào hạt nổ kích thích ống thuốc phóng quả đạn đi) và cam đoan là tốt rồi, về cứ việc xài. Nhưng vào chiến dịch, không khẩu B.40 nào bắn được lấy một phát. Một bộ phận chặn ngoài quốc lộ (nay là quốc lộ 1 A), bắn chặn xe tăng nhưng súng bắn không nổ phát nào, sau này ngẫm lại thấy mà may, nếu xe tăng cháy, đường tắc lính Việt Nam Cộng Hòa tràn xuống đường thì mấy ngoe nhà mình chắc bị làm thịt hết. 

Nhưng cái may lại không đến với mũi thọc sâu. Trong trận chiến sinh tử đêm 28 rạng ngày 29 tại cầu An Phú Đông ngay cửa ngõ của Bộ Tổng tham Mưu, một người lính thiện chiến của tôi quê ở Xuân Thới Thượng, Hóc Môn tên là Chí Thiện đã hy sinh oan uổng vì khẩu B.40 chết tiệt này. Anh nhanh tay hơn, giương cò bắn những 2 lần, đạn không nhúc nhích. Người lính Biệt động quân, sư đoàn 25 của Việt Nam Cộng hòa sau khi thoát chết đã hoàn hồn bắn nguyên một trái tên lửa cá nhân M.72 chui vào bụng người lính của tôi, gần như cắt anh ta ra làm đôi, tim gan phèo phổi chín hết cả. Điên lên, chúng tôi tháo tất cả đạn B.40 ra thì hỡi ôi, bên trong toàn là cát. Người bạn lớn của chúng ta gửi thông điệp không muốn chúng ta thống nhất đất nước.

3.    Tôi đến Trung Quốc chừng 11 lần, từ Thượng Hải đến Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Macau,… khi thì hội thảo, lúc thì nghiên cứu, lúc thì giảng dạy. Bạn chơi là người Trung Quốc cũng nhiều, cũng đã mời hàng chục người đến Thành phố Hồ Chí Minh. Phải công nhận đất nước này vĩ đại thật, lắm thứ “kỳ hoa, dị thảo” nhất là nền văn hóa của họ “weita” (vĩ đại) thì khỏi chê, nhưng người Trung Quốc thì thật khó chơi và hiểm.

Một lần tôi đến làm việc ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ông bạn là GS. Chu Trấn Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chất lượng sống đô thị, Trưởng khoa Xã Hội Học của trường đại học Vũ Hán, chính là người giúp Thủ Tướng Chu Dung Cơ lập ra Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá chất lượng sống của dân Trung Quốc trong thời kỳ phát triển một “Trung Quốc Hài hòa và Thịnh Vương”. Ông ta đưa tôi đến Hoàng Hạc Lâu, nơi mà người Việt Nam biết được qua bài thơ nổi tiếng cùng tên của Thôi Hiệu, thi nhân đời nhà Đường.

 Lão ta đưa tôi lên tầng cao nhất (có lẽ là tầng 9) và chỉ cho xem một vật, ấy là trống đồng Ngọc Lũ (có lẽ là thế), và nói trống đồng của Việt Nam là của Trung Quốc và giải thích là vào thời xưa xưa lắm có một trận đại hồng thủy cuốn của cải tài sản của người Hán (có lẽ thế) trôi xuống phía Nam, trong đó có trống đồng, vì vậy mà trống đồng có ở Việt Nam, Thái Lan, Malaysia,..

Chơi với người Trung Quốc lâu, tôi ngẫm thấy Khổng Tử phân chia Trung Quốc ra làm hai hạng người là quân tử và tiểu nhân là có lý. Những kẻ quân tử của Trung Quốc quả thật thông minh, tài trí và mưu mô. Họ là những là chính khách hàng đầu, những trí thức và loại quí tộc giàu có, loại người này chưa bao giờ từ bỏ ý định làm cho Việt Nam nhiều thì thành một tỉnh của Trung Quốc, ít thì thành nô bộc như Bắc Triều Tiên. 

Họ luôn cho rằng Việt Nam là một mảnh vỡ văng ra khỏi Trung Nguyên sau những thăng trầm biến đổi nay cần phải thu hồi lại (họ có một luận thuyết hăn hoi đấy). Còn một hạng người rất đông đảo được gọi là tiểu nhân. Họ là những người đầu húi cua, mắt một mí, lông mày rậm, răng vẩu và thô, cằm bạnh. Họ ít học, sống bản năng, hồn nhiên, ít nghĩ, thiên về hành động, răm rắp nghe lời cấp trên. Họ làm điều tốt và xấu đều hồn nhiên như nhau. Một phút trước họ uống rượu với bạn bằng bát lớn, vỗ vai bạn, miệng “hảo, hảo” một cách chân tình, một phút sau được ai đó ra lệnh họ xuống tay, một đao giết bạn nhanh như chớp, miệng la “tả, tả” một cách cũng rất hồn nhiên và chân thật. 

Truyện này trong lịch sử Trung Quốc cũng kể lại, nếu không tin, đọc lại sẽ thấy đầy đủ trong tính cách của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, trên có Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, dưới có Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ. Bà con nông dân ở biên giới Việt-Trung, bà con ngư dân trên biển đều gặp chuyện này. Các chiến sĩ công binh làm nhiệm vụ xây dựng của ta ở đảo Gạc Ma không có vũ khí trong tay ngoài xẻng, cuốc ra đã bị bọn cướp đảo tàn sát rất dã man, tàn ác cho thấy tâm địa của tiểu nhân vào thời nào cũng vậy.
 
Viết xong bài này, định gửi đi cho Quang Lập, nhưng thấy cần phải viết thêm tý chút, sợ không còn dịp quay lại nữa. Ấy là chuyện người Trung Quốc truyền đời có một nỗi hận lớn, thề phải rửa cho được cho dù là 1.000 năm hay 1.000.0000 năm. Đó là hầu hết trong các cuộc chiến với người nước khác, họ đều thua. Hai lần đại bại dưới tay người Mông Cổ vào TK 13 và TK 17; Thua đau trong chiến tranh với người Nhật (1894-1895), thất bại với Anh Quốc trong chiến tranh nha phiến vào giữa TK 19, phải gán nợ Hông Kông 100 năm, hai lần thảm bại với người Nga trong chiến tranh biên giới vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

 Gọi là hòa, nhưng thiệt quân gấp hàng chục lần trong cuộc so găng với người Mỹ ở chiến tranh Triều Tiên, và đau nhất là thua Việt Nam tới gần chục lần, chưa thắng được trận nào cho ra hồn. Nỗi hận khắc cốt, ghi xương này của họ với dân Việt là thực, rất thực, không phải là chuyện dễ “khép lại quá khứ” như khép lại một chương của cuốn sách, đừng quên câu truyền đời của họ là “thù trả 10 năm hay 100 năm cũng chưa muộn”.   

Sống bên cạnh những người hàng xóm như thế, lúc nào cũng phải ngó chừng, chỉ một lần sơ sẩy là đi đứt ngay, mệt thật.

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tam sao thất bản hay chữa trâu lành thành trâu què?

Tam sao thất bản hay chữa trâu lành thành trâu què?



Có người bạn gởi tôi bài viết (bên dưới - trong một bài dài hơn, công phu hơn mà sau này tôi tìm thấy trên mạng) của tác giả Nguyễn Ngọc Bảo ở Texas, Mĩ và hỏi tôi thấy thế nào. Tôi chỉ ABC về chữ Hán nhưng đọc bài này thấy có điều chưa thoả đáng nên cũng muốn lạm bàn đôi điều.

1. Theo tác giả, câu 3 trong bài thơ "Vọng Thiên Thai tự" của Nguyễn Du phải là:

Cổ tự thu mai hoàng diệp lí
(thay vì Cổ tự mai hoa hoàng diệp lí như trong một phiên bản khác),

trong đó 'mai' (埋) với nghĩa 'chôn' chứ không phải 'cây/hoa mai' (梅) như trong phiên bản kia. Do đó, cách ngắt nhịp của câu này phải như sau:

Cổ tự/ thu mai hoàng diệp lý 
古 寺/   秋   埋     黃      葉   裏 
và được hiểu là 
Mùa thu vùi ngôi chùa cổ trong đám lá vàng.

Để bảo vệ cho 'thu mai' phải ở chỗ của 'mai hoa', tác giả NNB lập luận "vì cụ Nguyễn Du làm bài thơ từ một khoảng cách khá xa chùa. Khi 'hưóng trông lên Thiên Thai Tự' (tên bài thơ), cụ trông thấy chùa như đang bị vùi dưới những tàn lá vàng mùa thu, một hình ảnh thật đẹp mắt. Dĩ nhiên, từ khoảng cách ấy, chắc chắn cụ không thể thấy được những đóa mai đang nở hoa trong đám lá vàng."
Đúng là khi nhìn ở khoảng cách khá xa thì chúng ta khó có thể thấy được từng đoá mai đang nở hoa nhưng với khoảng cách không quá xa đó (chỉ cách một nhánh sông nhỏ như nêu trong câu đề), theo tôi chúng ta có thể hoàn toàn phân biệt được hoa mai với lá vàng. Hơn nữa theo câu 4 liền sau, Nguyễn Du còn thấy cả việc vị sư già đi (so với trước kia) thì không thể nào không phân biệt được hoa mai với lá vàng. Do đó, dùng 'mai hoa' thay vì 'thu mai' có lẽ chẳng có gì là không hợp lí. Và trong trường hợp đó, tuỳ theo cách cảm nhận, diễn đạt 'mai vàng trong đám lá vàng' hay 'mai nở [vàng] trong đám lá vàng' đều thoả đáng.

2.  Tiếp theo, ta thử xét xem 'thu mai' hay 'mai hoa' hợp lí hơn. Lưu ý rằng trong bài thơ Đường, 2 câu thực [và luận] phải đối nhau thật chỉnh về từ/thanh/ý... . Do đó, nếu câu 3 theo phiên bản và cách ngắt nhịp của tác giả thì câu 4 tiếp theo cũng có phải cách ngắt nhịp như vậy, tức là:

Tiên triều/ tăng lão bạch vân trung 
先    朝   /   僧     老    白    雲   中
trong đó 'lão' cũng là động từ (với nghĩa '[làm cho] già đi') để đối với động từ 'mai' ( với nghĩa là 'chôn vùi' trong câu 3).
Với từ ngữ và cách ngắt nhịp như thế thì ý nghĩa câu này sẽ là:

Vị sư    làm già đi  triều vua trước  giữa áng mây trắng
theo đúng dạng thức của cách hiểu câu 3
(Mùa thu     vùi     ngôi chùa cổ     trong đám lá vàng).

Rõ ràng nếu ý nghĩa câu 4 như thế thì khó ai có thể chấp nhận được (không thể có việc nhà sư làm một triều vua già đi và việc một triều vua bị già là điều vô nghĩa).
Tác giả NNB diễn đạt cách hiểu câu 3 tương đối giống như trên: 
Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng (giữ nguyên vị trí các từ trong câu như ở chữ Hán nên đã dùng thể bị động)
nhưng tác giả đã diễn đạt cách hiểu câu 4 chưa thật rõ ý:
Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng
(dù tác giả đã đọc qua cách diễn đạt rất rõ ràng của  gs Toàn: Vị sư triều đại trước già đi giữa cõi mây trắng).

- Phải chăng tác giả muốn nói:
 [Vào] triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng

Nếu hiểu thế này thì chẳng có vấn đề gì về ngữ nghĩa nhưng thật 'vô duyên' vì chẳng ăn nhập gì ở đây, nhất là đã làm câu thơ không còn đối ý với câu trước.

- Hay tác giả muốn nói :
Vị sư triều vua trước già đi giữa áng mây trắng.

Hiểu thế này thì giống hệt như cách hiểu thứ hai của gs Đỗ Quý Toàn và rõ ràng cũng không có vấn đề gì về ngữ nghĩa nhưng lại cũng thất đối về ý với câu trước.

Như vậy, nếu dựa vào lí lẽ trên thì 'mai' (埋) với nghĩa là 'chôn' không tương hợp với phần còn lại của 2 câu thơ này.  Do đó, nếu 'thu mai' (chứ không 'mai hoa') là đúng thì có thể 'mai' (梅) với ý nghĩa là 'hoa/cây mai' may ra mới hợp nghĩa ở đây. Và như thế thì 'thu mai' khó có thể tách rời mà phải đi chung với nhau, tức là câu thơ trở lại với cách ngắt nhịp đầu tiên theo cách hiểu của gs Toàn:

Cổ tự thu mai / hoàng diệp lí
古  寺  秋    /    黃     葉   裏 
Tiên triều tăng lão/ bạch vân trung
先     朝      僧  老  /   白    雲    中
Với nghĩa là:
[Hoa] mai [mùa] thu   ở      chùa cổ     / trong đám lá vàng
[Vị]    sư            già  thuộc triều trước /  giữa cõi mây trắng

Hiểu như vậy thoạt nhìn khá thoả đáng về nghĩa và cũng chỉnh về đối (mai [hoa vàng].... ở trong đám lá vàng, sư [tóc bạc] ... ở giữa vầng mây trắng). Nhưng tiếc rằng mai VN (chùa ở Huế nên có thể đó chỉ là mai vàng*) lại không nở vào mùa thu mà nở vào cuối đông/ đầu xuân. Do đó cách hiểu này là không thể chấp nhận được. 

Vì thế,  'thu mai' (秋 梅) với nghĩa là 'hoa/cây mai mùa thu' cũng không thể là từ đúng của câu. Điều đó có nghĩa là phiên bản với 'mai hoa' ( 花) có vẻ có lí hơn. Và vấn đề bây giờ chỉ là trong hai cách hiểu của gs Toàn, cách nào là thoả đáng hơn?

3. Qua đoạn trích rõ ràng ý gs Toàn nghiêng về cách hai, tức là:


Cổ tự mai / hoa hoàng diệp lí
古  寺    / 花       黃      葉  裏
Tiên triều tăng / lão bạch vân trung
先     朝    僧  /   老   白    雲    中
 Được hiểu (với 'hoa' 'lão' là động từ) là:

Cây mai ở ngôi chùa cổ / nở hoa trong đám lá vàng
Vị sư thuộc triều vua trước / già đi giữa áng mây trắng

Rõ ràng cách hiểu này thoả đáng về ý mà cũng rất chỉnh về đối. Hơn nữa, nếu để ý tới các chi tiết ở câu luận và kết (đã đến chùa năm trước [thấy] chuông thời Lê Cảnh Hưng xưa còn treo [ở đó]), đáng thương đầu bạc còn nặng nợ, không cùng non xanh vẹn chữ thuỷ chung) thì cách hiểu này lại càng có vẻ theo đúng mạch logic hơn (cám cảnh thay đổi của vạn vật, nghĩ tới cảnh của mình). 


Lúc đầu khi xét 2 câu thơ này tách rời, tôi nghĩ rằng cách hiểu như thế có vấn đề. Vì đứng từ khoảng cách xa vừa phải (cách một nhánh sông) để ngắm chùa thì hoàn toàn có thể thấy được hoa mai [vàng] giữa đám lá vàng, có thể phân biệt nhà sư [tóc bạc] giữa áng mây trắng. Tuy nhiên, với khoảng cách đó mà thấy ông sư 'già đi'  e rằng hơi khiên cưỡng. Ở khoảng cách xa [vừa phải] chúng ta có thể phân biệt (có mức độ) người già, người trẻ qua thế đứng, dáng đi nhưng khó lòng mà biết một người có 'già đi' hay không. Vì 'già đi' bao gồm không những già về mặt sinh học mà còn già về mặt tâm lí nữa. Ngay cả nếu chỉ xét về mặt sinh học, với khoảng cách xa (dù vừa phải như đã nói) cũng khó lòng mà nhận ra được các nét già cỗi khác của con người ngoài mái tóc và dáng đi (và thật ra hai nét này nhiều khi cũng không phản ánh đúng thực tế). Tác giả NNB đã cố gắng lập luận để đạt được cái ông muốn nên đã không thấy tự mâu thuẫn ở chỗ này:  ông cho rằng ở khoảng cách xa nên không thể phân biệt hoa với lá (nhưng lại nhìn rõ đến mức thấy được ông sư 'già đi'?!). Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cảnh bài thơ như đã phân tích ở trên thì cách hiểu động cũng tự nhiên, sâu sắc và cũng đảm bảo được việc đối theo đúng luật thơ.

Nếu suy đoán trên là đúng thì có thể bản gốc đã bị người đời sau nào đó đã 'tài lanh' chỉnh lại. Có thể họ đã theo công thức là lá vàng thì phải là mùa thu và do đó câu thơ là có vấn đề vì mai lại nở vào mùa xuân. Vì thế, theo họ hoa mai đi chung với lá vàng là không logic cần phải chỉnh lại. Và thay vào chỗ đó ứng viên 'thu mai' với 'mai' có nghĩa là 'chôn vùi' là hoàn toàn phù hợp. Tiếc rằng lập luận như thế không đúng với thực tế Việt Nam vì thời tiết, cây cối VN không theo công thức đó, nhất là từ Huế trở vào (thật ra, ngay cả ở vùng ôn đới không phải cây nào mùa thu cũng vàng lá - và tôi cũng cho rằng việc chỉnh sửa này có lẽ do thế hệ mới sau này thực hiện, vì các cụ ở thế hệ trước như Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh...rất am tường chữ Hán, luật thơ và có vốn thực tế rất phong phú không thể phạm sai sót tầm thường thế này).

Nói đi thì cũng cần nói lại, nếu xét thêm 2 câu luận 

Khả liên bạch phát cung khu dịch
 可   憐   白     髮    供    驅  驛 
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung 
 不  與    青     山   相     始     終
(Đáng thương đầu bạc [phải] làm công việc [theo sai khiến]
Không dự với non xanh cùng nhau [giữ] chuyện thuỷ chung [được])
thì hai câu này cũng không thật đối về ý, dù đối khá chỉnh vể thanh và từ. Ngoài ra, những thông tin liên quan tới bài thơ cũng có thể nẩy sinh nhiều nghi vấn. Chẳng hạn như Nguyễn Du chỉ khoảng hơn 40 tuổi khi sáng tác bài thơ này (ông sinh năm 1766, sáng tác bài thơ khoảng 1806-09 - tức vào lúc tóc chưa hẵn đã bạc), hay trước chùa Thiên Thai hiện nay không thấy có con sông nhỏ nào như trong bài thơ (có thể qua vài trăm năm đia hình đã thay đổi chăng?). Trong bối cảnh như thế, thật khó để xác định rằng ông tả theo như thực tế hay chỉ là làm thơ theo lối ước lệ/hư cấu. Tức là phiên bản với 'thu mai' không chắc không phải là phiên bản gốc, dù có nhược điểm như đã phân tích.

Tới đây, tôi thấy mình hoàn toàn lúng túng không đủ cơ sở để có 
thể đưa ra kết luận là tam sao thất bản hay chữa trâu lành thành trâu què. Xin dành việc này cho các nhà nghiên cứu văn học giải quyết. Tuy nhiên, vốn là dân khoa học tự nhiên thích sự chính xác/chặt chẽ nên tôi nghiêng về phiên bản với 'mai hoa' và cách hiểu thứ hai của gs Toàn hơn. Hơn nữa, dù phiên bản đó có đúng hay không thì phân tích trên cũng gợi ra điều đáng suy nghĩ. Các 'công thức' dù khái quát nhất, nói chung cũng không bao gồm hết tất cả các trường hợp riêng lẽ, đặc biệt những thứ gắn với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể kiểu như 'lá vàng mùa thu', 'tuyết rơi mùa đông'... Do đó, khi học cũng như vận dụng một 'công thức' nào đó, cần liên hệ với thực tế cụ thể xem 'công thức' đó còn đúng hay không, đúng tới mức độ nào, cần thay đổi ra sao... Óc suy nghĩ có phê phán là vô cùng quan trọng.


Nói thêm:

Về việc chỉnh thơ, trong văn học xưa nay cũng có nhiều ví dụ, có khi chỉnh thành hay hơn nhưng lắm khi chỉnh thành tai hoạ.
Chẳng hạn, xưa theo giai thoại thì có Tô Đông Pha chỉnh sai thơ Vương An Thạch như tôi đã có lần đề cập. Vương An Thạch viết: 

Minh Nguyệt sơn đầu khiếu 
Hoàng Khuyển ngoạ hoa tâm

TĐP chê là vô lí và chỉnh lại thành:


Minh nguyệt sơn đầu chiếu 
Hoàng khuyển ngoạ hoa âm 

Tuy 2 câu này có vẻ hay hơn, vẽ ra cảnh trí khá nên thơ (Trăng chiếu ở đầu non,  chó vàng nằm duới bóng hoa) nhưng lại không đúng điều VAT muốn nói. VAT chỉ đơn giản tả con chim Minh Nguyệt hót ở đầu non và con sâu Hoàng Khuyển nằm ở tâm hoa như ông thấy mà thôi (còn TĐP vì chưa có thực tế điều đó nên chưa biết). 

Còn nay thì có rất nhiều ví dụ nhưng chỉ xin ghi lại một trường hợp có vẻ giống bài thơ này. Đó là 2 câu thơ hay ho, sống động và đối rất chỉnh của cụ Vương Hồng Sển: 
Nước chảy cặc bần run bẩy bẩy,
Gió đưa dái mít giãy tê tê

Ai ở miền quê sông nước đều thấy hoặc cảm nhận được cảnh này.



Image result for cặc bần

Cặc bần là những rễ thở nhô ngược lên khỏi mặt bùn của cây bần (mấy que nhọn lô nhô quanh gốc bần trong hình), khá mềm nên ở vùng quê cắt làm nút chai..., khi nước chạy mạnh thì bị run bẩy bẩy là chuyện thường



Image result for dái mít

Dái mít là nụ đực của bông mít, không thể lớn lên thành trái, lúc còn tươi có thể chấm muối ăn, dái mít nhỏ nên bị gió thổi bi giật run cũng là chuyện thường (còn trái mít bị gió giật run là điề khó xảy ra)

Hai câu thơ này bị biên tập báo Chọn Lọc, có lẽ thấy tục quá (và có thể không rành từ miền Nam và thực tế vùng quê), đã sửa thành:

Nước chảy cặc bần run bẩy bẩy,
Gió đưa trái mít giãy tê tê

Chỉnh chỉ một chữ nhưng làm hai câu thơ bị 'què' về đối mà cũng không đúng thực tế làm cụ phải đính chính lòng vòng sau khi được đăng.


Còn về 'tán' thơ và cũng liên quan tới việc vận dụng máy móc 'công thức', trong dạy văn ở trường PT nhiều năm qua có câu chuyện về việc bình câu thơ "Ve kêu rừng phách đổ vàng"  của Tố Hữu .  Người này thì  phán rằng 'tiếng ve kêu như tiếng phách nhịp, tiếng tơ vàng đổ, bài thơ thật giàu nhạc tính ...' , người khác thì lại ca 'thời điểm ve kêu cũng là thời điểm rừng phách đổ vàng. Động từ "đổ" là động từ mạnh, diễn tả sự vàng lên đồng loạt của hoa phách đầu hè'.... Thật ra 'phách' trong câu thơ đó là một loại cây mà đến đầu hè (không phải thu) thì lá vàng và rụng, cuối hè thì nở bông màu tím (không phải màu vàng như được gv tán!) Khi được hỏi trực tiếp thì TH cũng xác nhận là ông chỉ miêu tả lá của cây phách đổ xuống màu vàng vào mùa hè, chứ không liên quan gì đến sắc hoa của nó (tức cũng chẳng liên quan gì đến phách nhịp trong âm nhạc). Ngay cả SGK cũng bị sai chỗ này khi chú thích phách là một loại cây có hoa màu vàng (dù nói đúng phách là một loại cây chứ không phải phách trong âm nhạc!).

-------------
* Thật ra VN cũng có loại mai trắng (bạch mai) nhưng rất hiếm và rất khó trồng (ngay cả chiết nhánh cũng khó khăn), cả tỉnh Bến Tre của tôi trước đây chỉ có một gốc mai trắng ở đình Phú Tự (Phú Hưng), tôi đồ rằng ở Huế tình hình chắc cũng không khác.

=============================================

Câu Chuyện Thú Vị: Hoa Mai, Mai Nở Hoa, hay Tam Sao Thất Bản?  

Nguyễn Ngọc Bảo, Texas. Hoa kỳ


          Bàn về hoa mai, người viết chợt nhớ đến một chuyện khá lý thú. 
          Khoảng 8 năm trước, người viết đọc được một câu chuyện do giáo sư Đỗ Quý Toàn kể trong tác phẩm "Tìm Thơ Trong Tiếng Nói", Thanh Văn xuất bản năm 1992 tại California. Giáo sư chính là một trong những vị thày của người viết tại trường trung học Chu Văn An thuở trước. Ông hiện là chủ biên báo Người Việt tại California. 
          Dưới tiểu đề “Khi mai hoa không phải là hoa mai”, câu chuyện được giáo sư thuật lại như sau:

          "Xin kể thêm một kinh nghiệm riêng về đọc thơ để nói rõ hơn về tác động thi vị của cách ghép các từ và cách ngắt câu trong thơ. 

          Trên một chuyến xe đò Sài Gòn – Bà Rịa, tôi đọc lần đầu bài thơ “Thăm Chùa Thiền Tông" của Nguyễn Du. Hai câu thực (câu 3 và 4) làm tôi thích thú: 

                 Cổ-tự mai-hoa, hoàng diệp lý
                 Tiên-triều tăng-lão, bạch vân trung 
                
          Tôi hiểu như thế này: 


                 Hoa mai ở ngôi chùa cổ, trong đám lá vàng 
                 Vị sư già triều trước, giữa cõi mây trắng 


          Tôi rất yêu những hình ảnh này. Thầy Châu Toàn đi cùng xe với tôi, một người rất nghệ sĩ, kể tôi nghe về ngôi chùa ở ngoại vi thành phố đó, nhưng không nói thêm gì về bài thơ. Mấy năm sau, thày đã mất, tôi với Châu Văn Thọ có dịp ra Huế, tôi tới chùa Thiền Tông đảnh lễ ngài hòa thượng Giác Nhiên. Tôi bồi hồi tưởng nhớ thầy Châu Toàn, vào chánh điện tìm cái chuông thời Cảnh Hưng vẫn còn đó (Cảnh Hưng do quải cựu thời chung), nhìn mấy hàng chữ đề niên hiệu, mấy hàng chữ mà thế kỷ trước Nguyễn Du đã nhìn. Thật là cảm động. 


          Trong vòng hơn mười năm, tôi vẫn nhớ lại bài thơ, nhất là hai câu Thực. Ở Montreal tôi đọc cho Đinh Ngọc Mô nghe, cũng khoái trá. Chúng tôi đã thử cố dịch bài thơ đó mà chưa bao giờ hài lòng. 


                 Cổ-tự mai-hoa, hoàng diệp lý 
                 Tiên-triều tăng-lão, bạch vân trung 


           Thế rồi một bữa Mô cho tôi biết cách tôi hiểu hai câu thơ đó là sai. Hắn đã đọc bài thơ cho một nhà nho nghe. Cụ Đàm đã trên 80 tuổi. Cụ bảo hai câu Thực phải đọc như thế này mới đúng: 


                 Cổ-tự-mai / hoa hoàng diệp lý
                 Tiên-triều-tăng / lão bạch vân trung
                
Chỗ ngắt câu là ở sau tiếng thứ ba, và trong hai câu đó, tiếng thứ tư là động từ chứ không phải danh từ. Cho nên phải hiểu như sau: 


                 Cây mai ở ngôi chùa cổ nở hoa trong đám lá vàng 
                 Vị sư triều đại trước già đi giữa cõi mây trắng 


Lúc đó cả một thế giới bị đảo lộn. Chắc sẽ phải thăm chùa Thiền Tông lần nữa, đứng đó khấn vái, tạ tội với hương hồn cụ Nguyễn Du. Thế ra con người tài tình đó đã tặng cho tôi một bảo vật, mà tôi chỉ chờn vờn ngắm nghía cái vỏ đựng bên ngoài. Như sờ mó một hòn đá mà không biết bên trong còn có ngọc. Vậy ra hoa mai không phải là cây hoa mai, mà cây mai nở hoa. Tăng lão không phải là ông già đi tu mà là vị sư ngả tuổi già. Thay đổi một chỗ ngắt câu, đổi danh từ thành động từ, cả bài thơ bỗng chuyển hóa! Không gian biến thành thời gian. Tĩnh hóa thành động. Hình ảnh đang đứng yên bỗng rung chuyển. Cái nỗi phù du của con người, của triều đại chính trị càng thêm thấm thía. Một câu thơ bỗng nối dài bao vòng xoay của trái đất quanh mặt trời. Nếu nhìn từ cõi biến đổi, thì mái tóc đang nhuốm bạc kia là lớp lớp biển dâu. Còn như nếu nhìn bằng con mắt bất biến thì hoa mai năm năm vẫn cứ nở trong cõi lá ngả vàng, có khác chi đâu? Không dùng danh từ mà dùng động từ, Nguyễn Du chẳng cần dùng nhiều lời hùng biện như Tô Đông Pha (Tự kỳ biến giả nhi quán chi ... tự kỳ bất biến giả nhi quán chi ...). 


          Thơ của cổ nhân xúc tích và uyên ảo, đọc mà không đủ thanh tịnh thì không cảm thấy được bao tình ý, hình ảnh, thật là có tội. Khi đọc "mai hoa" mình đã dùng cái khuôn sáo thông tục hằng ngày để hiểu là hoa mai. Cái thói quen ăn xổi ở thì khi dùng ngôn ngữ đã thành cố tật. Thật là có tội." 

          Câu chuyện giáo sư kể thật lý thú và cảm động. Người viết đã nhiều lần thuật lại câu chuyện này cho các bằng hữu trong những buổi mạn đàm về thi ca. "Mai nở hoa trong đám lá vàng”. Mai hoa đâu đã chắc là hoa mai. Hay, hay thật! 
          Cho đến một hôm. Cuối năm 1999, người viết được một bằng hữu từ Việt Nam gửi tặng tuyển tập “192 Bài Thơ Chữ Hán của Tiên Điền Nguyễn Du", do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 1996 tại Hà Nội. Trong số những bài thơ này có bài "Vọng Thiên Thai Tự" thuộc tập Nam Trung Tạp Ngâm, tức bài thơ giáo sư Toàn đã đề cập ở trên. Đọc bài thơ, người viết bỗng ngạc nhiên khi thấy trong hai câu Thực, câu đầu không giống như câu giáo sư đã nhắc đến mà là: 
                 Cổ tự / thu mai hoàng diệp lý
                 Tiên triều / tăng lão bạch vân trung
                
Chữ "mai" trong câu này không phải là hoa mai nhưng là động từ "chôn", "vùi" như mai trong các câu thành ngữ "mai ngọc trầm châu" và "mai danh ẩn tích". Còn "thu" chính là mùa thu. Như vậy, hai câu thực của bài mang ý nghĩa: 


                 Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng 
                 Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng


Trên căn bản lý luận, “thu mai ” hợp lý hơn “mai hoa”, vì cụ Nguyễn Du làm bài thơ từ một khoảng cách khá xa chùa. Khi "hưóng trông lên Thiên Thai Tự" (tên bài thơ), cụ trông thấy chùa như đang bị vùi dưới những tàn lá vàng mùa thu, một hình ảnh thật đẹp mắt. Dĩ nhiên, từ khoảng cách ấy, chắc chắn cụ không thể thấy được những đóa mai đang nở hoa trong đám lá vàng. 


          Sau khi đọc bài thơ in trong tuyển tập, người viết đã cố công tìm được vài tài liệu khác và bản nào cũng ghi là "thu mai" chứ không phải "mai hoa" như bản giáo sư Toàn đã đọc trên chuyến xe đò thuở trước. Nguyên văn bài thơ như sau: 



                      Vọng Thiên Thai Tự 
                         望       天      台     寺

                 Thiên thai sơn tại đế thành đông 
                   天      台   山  在   帝   城    東

                 Cách nhất điều giang tự bất thông 
                   隔    一     條      江    似  不   通

                 Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
                 古  寺  秋   埋      黃     葉  裏 

                 Tiên triều tăng lão bạch vân trung 
                   先   朝     僧    老   白    雲     中

                 Khả liên bạch phát cung khu dịch
                  可    憐    白     髮    供     驅    驛 

                 Bất dữ thanh sơn tương thủy chung 
                  不   與   青      山    相      始     終

                 Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo
                 記  得    年     前   曾     一   到

                 Cảnh Hưng do quải cựu thời chung
                   景     興    猶    掛   舊    時    鐘
                
                    Nhìn Lên Chùa Thiên Thai 
                 Núi Thiên Thai nằm phía cuối thành đông 
                 Cách một nhánh sông nhỏ, tưởng chừng chẳng có lối sang 
                 Ngôi chùa cổ (ở đó) bị mùa thu vùi trong đám lá vàng 
                 Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng 
                 Thương thay (cho mình) tóc đã bạc mà còn phải làm lụng vất vả 
                 Chẳng thể cùng với non xanh giữ vẹn nghĩa thủy chung 
                 Nhớ năm trước (ta) đã từng đến đấy 
                 Còn trông thấy chiếc chuông cổ đúc từ thời Cảnh Hưng 

Chùa Thiền Tôn, hay Thuyền Tôn, hiện tọa lạc ở thôn Ngũ Tây, xã Thúy An, thành phố Huế. Chùa được xây vào đầu thế kỷ 18 và nằm bên trái núi Thiên Thai nên còn được gọi là Thiên Thai Tự. 
          Đọc xong bài thơ, người viết bỗng có cảm tưởng hụt hẫng như bị mất một điều gì. Tại sao là "thu mai" mà không phải "mai hoa". Câu chuyện giáo sư Toàn kể đã hay về văn chương mà lại độc đáo về “thiền”. Những đóa mai nở sớm khi đám lá vàng chung quanh (dĩ nhiên không phải lá của mai) còn dùng dằng chưa rơi rụng. Đọc câu thơ mà tưởng chừng nghe được tiếng chuyển động của những cánh hoa đang khai nở và cảm được mùi hương thanh khiết từ nhụy hoa nhẹ thoảng ra. Bỗng dưng bây giờ những đóa mai ấy biến mất. Thế có đáng giận không hở cụ Tiên Điền? 
          Dù sao đi nữa, nếu có cơ hội trở lại thăm chùa Thiền Tôn, có lẽ vị thày khả kính của người viết sẽ phải khấn vái tạ tội với cụ Tiên Điền. Không phải chỉ tạ tội một lần như thày từng phát nguyện, mà phải tạ đến hai lần vì suốt hai mươi mấy năm trời đã cả tin vào một câu thơ tam sao thất bản. 

                                    *** 

(phần chữ Hán trong bài thơ đầy đủ không có trong bài viết của tác giả NNB mà do một bạn khác của tôi thêm vào)