Sunday, June 26, 2016

Yêu sách lịch sử yếu ớt của Trung Quốc đối với biển Đông

Yêu sách lịch sử yếu ớt của Trung Quốc đối với biển Đông [và biển Hoa Đông]

Tháng 6 năm 2014
AEI Research
(chỉ trích dịch phần về biển Đông)

Những điểm chính

• Trung Quốc gần đây đã cố sử dụng lực lượng quân sự hậu thuẫn các yêu sách được cho là có tính lịch sử đối với biển Đông và biển Hoa Đông; Tuy nhiên, khi xem xét kĩ càng thì những yêu sách này không đứng vững.
• Các nỗ lực hiếu chiến của Trung Quốc để thực thi yêu sách của mình ở biển Đông và biển Hoa Đông đe dọa hòa bình ở châu Á. Trung Quốc dường như không chấp nhận bất kì đề nghị hợp lí tôn trọng lịch sử và địa lí.
• Các quốc gia Đông Nam Á và các nước quan tâm khác, như Hoa Kì và Australia, phải duy trì một sự hiện diện quân sự để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc trong khi cố gắng thương lượng một giải pháp hòa bình với Trung Quốc.
 _________________________________________________


Gần đây, Trung Quốc đã sử dụng máy bay quân sự và tàu đe dọa Nhật Bản ở biển Hoa Đông gần quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư và chính phủ ở Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài). Tương tự như vậy, ở biển Đông, tàu Trung Quốc đã yêu sách những khu vực cách rất xa Trung Quốc nhưng rất gần với những nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia và Việt Nam. Trung Quốc lập luận rằng những nơi này thuộc về Trung Quốc do những điều kiện lịch sử lâu dài. Nhưng việc xem xét các bằng chứng cho thấy rằng Trung Quốc chẳng hề có yêu sách nào đối với biển Đông lẫn biển Hoa Đông trong lịch sử.

Trung Quốc đưa ra yêu sách lịch sử của mình đối với biển Đông và biển Hoa Đông trong hai tài liệu chủ chốt. “Bằng chứng lịch sử để hậu thuẫn chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa,” do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 17 tháng 11 năm 2000, cho các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông.[1] Sách trắng của Trung Quốc mang tên “Đảo Điếu Ngư, một lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc “, phát hành vào tháng 9 năm 2012, cho các yêu sách lịch sử cho biển Hoa Đông.[2]

Người Trung Quốc yêu sách những nơi ở biển Đông và biển Hoa Đông vào vì sử sách Trung Quốc đề cập đến chúng. Ví dụ, trong thời Tam Quốc (năm 221-277), Dương Phu (Yang Fu / 楊阜) đã viết về biển Đông: “Có những đảo nhỏ, cồn cát, đá ngầm và các bãi cát trong vùng biển Nam Trung Quốc, nước ở đó cạn và đầy đá hay đá nam châm* ( . 水淺 磁石: Trướng hải khí đầu, thuỷ thiển nhi đa từ thạch).”[3] Mặc dù có các khẳng định trong phần A của” Bằng chứng lịch sử “, đoạn này chỉ đơn thuần mô tả một biển chứ không đưa ra bất kì yêu sách chủ quyền nào cho Trung Quốc.

Các dẫn chứng này trong sử sách Trung Quốc có thêm bốn điều khó:

- Thứ nhất, tên trong sử sách không nhất thiết giống với tên của nơi được yêu sách hiện nay.

- Thứ hai, nhiều nơi được mô tả như là khu vực của người “phiên di” (di và phiên ) mà theo định nghĩa không phải là người Trung Quốc.

- Thứ ba, một số trong các dẫn chứng mô tả quan hệ “triều cống” (附庸: phụ dung) với Trung Quốc, mà trong các quan hệ triều cống này Trung Quốc và nước chư hầu phái sứ thần (使臣) tới lẫn nhau. Hơn nữa, các nước phiên thuộc và chư hầu này hầu như rõ ràng là không nằm dưới quyền cai trị của hoàng đế Trung Hoa, và cũng không phải là là một phần của đất nước hay đế quốc Trung Hoa.

- Cuối cùng, các yêu sách lịch sử của Trung Quốc viện dẫn tới hai đế chế Mông Cổ (1279-1367) và Mãn Châu (1644-1911) khi Trung Quốc bị đánh bại và đặt dưới quyền cai trị của nước ngoài. Việc Trung Quốc bị thua có thể thấy rõ khi đọc nỗi tuyệt vọng của các học giả Trung Quốc vào thời đó, tuy nhiên những nhà cai trị Trung Quốc hiện nay lại bóp méo lịch sử Trung Quốc với việc giả vờ rằng việc cai tri này chỉ đơn giản là của các “sắc dân thiểu số” của Trung Quốc. Trung Quốc ngày nay đưa ra yêu sách dựa trên đế chế Mông Cổ hay Mãn Châu cũng giống như Ấn Độ yêu sách Singapore vì cả hai đều là đồng thời là thuộc địa của đế quốc Anh hay Việt Nam yêu sách Algeria vì cả hai đều đồng thời là thuộc địa của đế quốc Pháp.

Bây giờ chúng ta xét các yêu sách cụ thể hơn đối với biển Đông và biển Hoa Đông.


Biển Đông

Hình 1 cho thấy các yêu sách mâu thuẫn nhau trên biển Đông. Cho đến nay Trung Quốc là nước đưa ra là yêu sách lớn nhất đới với biển Đông, một yêu sách chạy dọc theo bờ biển Việt Nam và tiến gần sát bờ biển của Indonesia, Malaysia, Brunei, và Philippines. Yêu sách của Trung Quốc, kéo dài ra xa khoảng 1 600 km (1.000 dặm) về phía nam của đảo Hải Nam của Trung Quốc, khó có thể biện hộ về mặt địa lí.

File:Schina sea 88.png
Hình 1. Các yêu sách mâu thuẫn nhau trên biển Đông
Nguồn: Cơ quan Tình báo Trung ương Mĩ (có ở http://en.wikipedia.org/wiki/File:Schina_sea_88.png).

Hình 2, bản đồ chính thức của Trung Quốc của tỉnh Hải Nam, cho thấy rằng hình 1 thật sự thể hiện chính xác các yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông.



Hình 2. Bản đồ chính thức của tỉnh Hải Nam của Trung Quốc
Nguồn: chính quyền tỉnh Hải Nam (www.hainan.gov.cn/code/V3/en/images/map-of-hainan-large.jpg).

Tài liệu “Bằng chứng lịch sử” của Trung Quốc bắt đầu cung cấp thêm bằng chứng về biển Đông tính từ thời nhà Minh (1368-1644) .[4] Tuy nhiên trong nhiều thế kỉ trước triều đại nhà Minh, tàu thuyền của các thương nhân Ả Rập và Đông Nam Á đã dầy đặc trên biển Đông và Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng có tham gia vào việc giao thương này, mặc dù người Ả Rập và người Đông Nam Á giữ vai trò chi phối. Nói theo cách của Edward Dreyer, một nhà sử học hàng đầu về nhà Minh, “tiếng Ả rập. . . là ngôn ngữ chung (lingua franca) của người đi biển từ Nam Trung Quốc đến bờ biển châu Phi.”[5]

Tầm quan trọng của thương nhân Ả Rập là rõ ràng theo nhiều cách khác nhau. Trong suốt triều đại nhà Đường (618-906), một cộng đồng thương nhân người nước ngoài “chủ yếu là người Hồi giáo [sống] ở Canton (Quảng Châu). Canton đã bị các phiến quân Hoàng Sào [Huang Chao/黄巢] người Trung Quốc cướp phá năm 879, và tường thuật sinh động nhất về vụ thảm sát theo sau đó viết bằng tiếng Ả Rập chứ không phải tiếng Trung.”[6]

Trước thời nhà Tống, chi phối thương mại ở biển Đông và Ấn Độ Dương không phải là người Trung Quốc. Theo lời của Dreyer, “Mặc dù Trung Quốc có tầm quan trọng cao trong nền giao thương này, trước thời nhà Tống (960-1276) các tàu Trung Quốc, các thương nhân và thủy thủ Trung Quốc không là những kẻ tham gia quan trọng. Trước đó rất lâu, việc đi lại giữa Trung Quốc và Ấn Độ được thực hiện bằng các tàu lớn với các tàu tiếp liệu chạy kèm. Sư Pháp HIển [Faxian / ] người Trung Quốc đi hành hương trên một con tàu buôn lớn năm 413. . . . Những con tàu lớn nhất vào thời sư Pháp Hiển là. . . rất lớn . . . [n]hưng chúng là của người Indonesia, không phải của người Trung Quốc. “[7]

Đế quốc Mông Cổ có phái Chu Đạt Quan ( ) người Trung Quốc làm sứ giả đến Angkor (nay là Campuchia) vào năm 1296-1297. Các ghi chép của Chu Đạt Quan cho ta một nguồn thông tin quan trọng về cuộc sống hàng ngày ở Angkor vào thời điểm đó, và hiện nay có hai bản dịch tiếng Anh khác nhau đã được công bố.[8] Tất nhiên, Angkor là một nước ngoại quốc bên ngoài đế quốc Mông Cổ, và Chu Đạt Quan chẳng giả vờ để nói khác đi.

Đầu triều đại nhà Minh, trong thời gian trị vì của Hoàng đế Vĩnh Lạc (Yongle/永樂) (r. 1403-1424) và các vua kế vị, triều đình nhà Minh phái đô đốc nổi tiếng Trịnh Hòa ( ) thực hiện 7 chuyến đi tới các khu vực Đông Nam Á, Nam Á , và bờ biển đông châu Phi từ năm 1405 đến năm 1433. Trịnh Hoà có đội tàu lớn với nhiều “báu thuyền” (baochuan/寶船), có lẽ là những tàu gỗ lớn nhất từng được đóng. Nhưng các chuyến đi của Trịnh Hòa không phải là các chuyến khai phá. Trên thực tế, Dreyer viết, “Điểm đến của Trịnh Hòa là các cảng thương mại thịnh vượng nằm trên các tuyến đường thương mại qua lại thường xuyên và. . . các chuyến đi của ông đã sử dụng các kĩ thuật đi tàu và các chi tiết của chế độ gió mùa đã được những người đi biển Trung Quốc biết đến từ thời nhà Tống (960-1276) và các  thủy thủ Ả Rập và Indonesia biết đến nhiều thế kỉ trước đó.”[9] Các chuyến đi của Trịnh Hoà, cũng giống như những chuyến đi của người Bồ Đào Nha vài thập kỉ sau đó, “bị thu hút bởi một hệ thống thương mại đã đi vào hoạt động.”[10] Cũng giống như người Bồ Đào Nha sau này, có nhiều khả năng Trịnh Hoà sử dụng các hoa tiêu Ả Rập ở nửa phía tây của Ấn Độ Dương.

Các chuyến đi của Trịnh Hòa nhằm mục đích đưa các nước khác nhau vào hệ thống triều cống của Trung Quốc. Chừng nào mà các chuyến đi còn tiếp tục thì điều đó còn thành công, nhưng lực lượng quân sự to lớn của đội tàu Trịnh Hoà, với hơn 27 000 người (chủ yếu là binh lính), có nghĩa là sức mạnh tiềm năng luôn luôn là một yếu tố chính trong các chuyến đi này và bạo lực đã được sử dụng trong 3 trường hợp.[11]

Tiểu sử của Trịnh Hòa trong Minh sử (Mingshi ) cho thấy tầm quan trọng của ‘bàn tay sắt trong chiếc găng nhung’: “Rồi họ đi tiếp tới nhiều nước khác nhau. . . . Những ai không chịu thần phục sẽ bị bình định bằng vũ lực.”[12] Các chuyến đi của Trịnh Hoà quả có một ảnh hưởng nào đó. Sự trỗi dậy của Malacca (Melaka) thành một cảng giao thương trong chừng mức nào đó là nhờ sự hậu thuẫn của Trịnh Hoà.[13] Nhưng, “Sau khi vua thứ ba của Malacca cải sang đạo Hồi năm 1436, Malacca đã thu hút một số lượng ngày càng tăng hàng hoá giao thương của Ấn Độ Dương và biển Đông tới cảng của mình, phần lớn trong số đó được vận chuyển trên các tàu do các thương nhân Hồi giáo phái đi, với nhân viên trên tàu là người Hồi giáo . . . . [Sau thời Trịnh Hòa] mô hình giao thương này, bấy giờ phần lớn trong tay người Hồi giáo, kéo dài cho tới khi người Bồ Đào Nha xuất hiện.”[14]

Do các chuyến đi của Trịnh Hoà rất tốn kém, cũng như do mối quan ngại triều Minh với Mông Cổ trên biên giới phía Bắc, Trung Quốc quay hướng vào phía trong và về phía Bắc: “Lệnh [của nhà Minh] cấm đóng các tàu đi biển và cấm giao thương với nước ngoài vẫn có hiệu lực, và những tư nhân Trung Quốc vi phạm lệnh cấm này đi ra khỏi biên giới của đế quốc Minh và không còn là đối tượng quan tâm của chính quyền.”[15] Với một chính sách đối ngoại hướng về phía bắc cùng với việc cấm đóng các tàu đi biển và cấm giao thương với nước ngoài, Trung Quốc thời nhà Minh đã rút lui khỏi biển. Như tôi sẽ cho thấy, chính sách này cũng ảnh hưởng đến biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, trước khi chuyển sang biển Hoa Đông chúng ta hãy xem xét một lập luận khác được sử dụng để chứng minh rằng Trung Quốc sở hữu các khu vực xung quanh biển Đông. Lập luận này nhấn mạnh việc phát hiện các đồ sành sứ và các mảnh vở gốm Trung Quốc. Như đã lưu ý phía trên, biển Đông là một trung tâm giao dịch đầy các tàu chở nhiều loại hàng có giá trị, trong đó có đồ sành sứ của Trung Quốc và hương liệu của Đông Nam Á. Nhưng hầu hết các tàu chở hàng này là của Đông Nam Á hay Ả Rập. Việc không phân biệt [nguồn gốc của] hàng hoá trên tàu với [nguồn gốc của] tàu chở hàng đã ảnh hưởng đến phân tích của ít nhất một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia vào ngày 24 tháng 10 năm 2003, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói, “Hồi thập niên 1420, các đội tàu do nhà Minh Trung Quốc phái đi đã đến bờ biển Australia.”[16] Chủ tịch Hồ Cẩm Đào muốn nói tới Trịnh Hoà, nhưng chúng ta biết rõ lộ trình các chuyến đi của Trịnh Hoà, và lộ trình đó không có Australia.[17] Thật ra, người bản địa Australia từ lâu đã giao thương với người Macassar sống ở Sulawesi thuộc Indonesia hiện nay, và những đồ sành sứ Trung Quốc như thế rất có thể từ việc giao thương này, chúng bao gồm cả hải sâm và gỗ.[18] Việc giao thương giữa người bản địa bắc Australia và người Macassar đã dẫn đến việc nhiều từ Macassar trở thành một phần không thể thiếu trong các ngôn ngữ người bản địa ở phía bắc Australia,[19] nhưng không cung cấp bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc từng đến bờ biển Austrlia trước thế kỉ 19.

“Bắng chứng lịch sử” không đá động tới một yêu sách lịch sử quan trọng hơn: cái gọi là “đường 9 vạch” ở biển Đông. Nguồn gốc của đường này tính từ năm 1933, khi đó Ủy ban thẩm tra bản đồ đẩt và biển (Thuỷ lục địa đồ thẩm tra uỷ viên hội) của Trung Hoa Dân Quốc được hình thành. Còn theo quy ước thì sự xuất hiện công khai của cái gọi là bản đồ đường 9 vạch (hình 3) là vào năm 1947, mặc dù một số nguồn cho ngày công bố của nó sớm hơn vào tháng 12/1946[20] hoặc muộn hơn vào tháng 2/1948.[21] Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949, Thủ tướng Chu Ân Lai (周恩來) chấp nhận đường 9 vạch cũng hiệu lực cho nước Cộng hòa nhân dân, mặc dù ngày xảy ra việc này theo các nguồn khác nhau là không thống nhất. Kể từ đó, đường 9 vạch đã thay đổi, với các phiên bản chính thức khác nhau có 9, 10, và 11 vạch. Tuy nhiên, yêu sách bản đồ này chẳng thêm chút gì vào bằng chứng lịch sử về bất kì “chủ quyền” nào đối với biển Đông.

Hình 3. Bản gốc bản đồ đường 9 vạch do Trung Hoa Dân Quốc phát hành trong cuối thập niên 1940 (Nam hải chư đảo vị trí đồ)


Biển Hoa Đông 
.......................................................................
........................................................................
........................................................................

Kết luận

Nỗ lực hiếu chiến của Trung Quốc để thực thi yêu sách của mình ở biển Đông và biển Hoa Đông đe dọa hòa bình ở châu Á. Trong thương lượng với Trung Quốc về những vấn đề này, Hoa Kỳ và các nước có yêu sách đối với hai vùng biển này nên làm cho thật rõ ràng rằng họ không chấp nhận cái gọi là yêu sách lịch sử của Trung Quốc. Chúng ta phải lưu ý rằng những yêu sách này không có cơ sở lịch sử và người Trung Quốc sử dụng các yêu sách dối trá này trong các nỗ lực bành trướng lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Thật không may, cho đến nay Trung Quốc đã không thể hiện bất kỳ sự sẵn sàng để thực hiện các bước có thể dẫn đến hòa bình đích thực trong tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông. Ví dụ, để đáp ứng với sáng kiến của Philippines gần đây cùng ra một tòa án quốc tế, Tòa Trọng tài Thường trực, một bài bình luận trên tờ Nhân dân đáp trả: "Hành động của phía Philippines là chống lại luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử cũng như trái với đạo đức và các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế [chữ nghiêng thêm vào]."[22] Một lời tấn công của Trung Quốc diện rộng như thế đối với đề nghị của Philippines, trong đó có việc cho rằng Philippines đang hành động vô đạo đức, cho thấy rằng Trung Quốc không sẵn sàng để thực hiện bất kỳ sự nhượng bộ nào và cũng không tìm kiếm giải pháp đích thực nào cho các tranh chấp.

Tương tự như vậy, đoạn cuối cùng trong sách trắng "Đảo Điếu Ngư" của Trung Quốc cũng thể hiện sự không sẵn lòng để thực hiện ngay cả một nhượng bộ nhỏ.

Trung Quốc mạnh mẽ thúc giục Nhật Bản tôn trọng lịch sử và luật pháp quốc tế và ngưng ngay tất cả các hành động phá hoại chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có sự cương quyếtvà ý chí không gì lay chuyển để duy trì chủ quyền lãnh thổ của quốc gia. Họ có sự tự tin và khả năng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và lsự toàn vẹn ãnh thổ của Trung Quốc.[23]

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, các yêu sách của Trung Quốc về mặt "lịch sử và luật pháp quốc tế" không cho thấy rằng Trung Quốc có chủ quyền tại quần đảo Senkaku.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục nỗ lực để đạt được một nền hòa bình công chính ở biển Đông và biển Hoa Đông, triển vọng của việc Trung Quốc chấp nhận bất kỳ đề nghị hợp lí tôn trọng lịch sử và địa lí dường như còn  xa với. Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và các nước quan tâm khác như Hoa Kì và Úc cũng phải duy trì một khả năng quân sự mạnh mẽ để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược đồng thời với nỗ lực để thương lượng một giải pháp hòa bình với Trung Quốc.


J. Bruce Jacobs là giáo sư danh dự về Ngôn ngữ và Nghiên cứu châu Á tại Đại học Monash ở Melbourne, Australia.

======================
Chú thích (của ND):

* Câu này theo tôi nghĩ, BNG TQ đã cố tình lươn lẹo khi dịch sang tiếng Anh, theo logic và cấu trúc ngữ pháp của câu đáng lẽ phải hiểu như thế này: [Ở] chỗ đầu các rạn đá ngầm trong Trướng hải (Trướng hải khí đầu), nước thì cạn (thuỷ thiển) nhưng [lại] có nhiều đá nam châm (nhi đa từ thạch), Còn Trướng hải có phải là biển Đông hay không lại còn là một chuyện khác rắc rối hơn như tác giả có nêu về điều khó thứ nhấti. Dù Trướng hải có là biển Đông hay không thì câu này chỉ là một mô tả về biển chứ không có ý gì, dù là ngầm nói biển Đông thuộc TQ. Chưa kể, câu đầy đủ có phần đuôi rất hoang đường: ‘Người đi tuần bằng tàu lớn có vỏ bằng các lá sắt khi tới gần khu vực này thì bị hút không vượt qua được’ (外繳人乘大船, 皆以鐵探探之. 至此關, 以磁,不得過: ngoại chước nhân thừa đại thuyền, giai dĩ thiết tham tham chi. Chí thử quan, dĩ từ, bất đắc quá). Và phần đuôi này cùng toàn câu cho thấy đó là một sự việc kì lạ đúng như phản ánh của tên sách là ‘Dị vật chí’ (sách ghi chép những điều kì lạ). Chưa kể tên đầy đủ cùa sách là Giao Châu Dụ vật chí (những chuyện kì lạ ở xứ Giao Châu - TQ chỉ coi là phiên thuộc chứ không phải chuyện trong nước TQ, như tác giả nêu ở điều khó thứ hai). 




[1] . Xem bản văn “Bắng chứng lịch sử” ở www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/topics_665678/3754_666060/t19231.shtml.
[2] Phòng Thông tin Quốc vụ viện Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, “Đảo Điếu ngư, lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc,” tháng 9/ 2012; xem bản tiếng Anh ởwww.gov.cn/english/official/2012-09/25/content_2232763.htm, và bản tiếng Trung ở http://news.xinhuanet.com/2012-09/25/c_113202698.htm.
[3] “Bằng chứng lịch sử.” Xem thêm thông tin về Dương Phu ở http://en.wikipedia.org/wiki/Yang_Fu_%28Han_Dynasty%29http://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%A5%8A%E9%98%9C. Thật ra, đóng góp chính của Dương Phu là vào thời Tam Quốc chứ không phải vào thời Đông Hán.
[4] "Bằng chứng lịch sử", đặc biệt là phần B và C.
[5] Edward L. Dreyer, Zheng He: China and the Oceans in the Early Ming Dynasty, 1405–1433 [Trịnh Hoà: TQ và đại dương vào đầu triều đại nhà Minh, 1405-1433] (New York: Pearson Longman, 2007), 7.
[6] Như trên, 37.
[7] Như trên, 37–38.
[8] Chou Ta-Kuan (Chu Đạt Quan), The Customs of Cambodia [Phong tuc của Campuchia] (Bangkok: Siam Society, 1987, 1992, 1993); và Chu Đạt Quan, A Record of Cambodia: The Land and Its People, trans. [Ghi chép về Campuchia: Đất nước và con người, bản dịch]. Peter Harris (Bangkok: Silkworm Books, 2007). Tên tiếng Trung cuốn sách của Chu Đạt Quan là Chân Lạp phong thuỷ kí [Zhenla fengtuji /真 臘 風土 記].
[9] Dreyer, Zheng He, 182
[10] Như trên, 175.
[11] Như trên, 28–29 và các sách khác.
[12] Minh sử 304.2b-4b, như dịch trong Dreyer, Zheng He, 187-88. Lời văn bằng tiếng Trung chữ giản thể là: "以次 遍历 诸番 国 ... 不服 则以 武 慑 之" [dĩ thứ biến lịch chư phiên quốc ... bất phục tắc dĩ vũ nhiếp chi: khi đi ngang qua các nước phiên… không chịu thần phục thì dùng vũ lực để uy phục]. Xem tiểu sử của Trịnh Hoà trong bản gốc Minh sử ở www.guoxue.com/shibu/24shi/mingshi/ms_304.htm.
[13] Dreyer, Zheng He, 46.
[14] Như trên, 175.
[15] Như trên
[16] Văn bản của bài phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào trước quốc hội Austrlia, xem Australian Parliament House of Representatives, "Address by the President of the People’s Republic of China” [Phát biểu của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], ngày 23 tháng 10 năm 2003, 166-71, www.aph.gov.au/binaries /library/pubs/monographs/kendall/appendone.pdf. Trích dẫn từ 166.
[17] Dreyer, Zheng He.
[18] Về giao thương giữa người bản địa Bắc Australia và người Macassar, xem "Macassan Traders," Australia: The Land Where Time Began [Vùng đất mà từ đó thời gian bắt đầu], ngày 30 tháng 9 năm 2011, http://austhrutime.com/macassan_traders.htm ; Rupert Gerritsen, "When Did the Macassans Start Coming to Northern Australia?” [người Macassar bắt đầu đến Bắc Australia khi nào?" http://rupertgerritsen.tripod.com/pdf/published/Djulirri_Rock_Art.pdf ; và Marshall Clark và Sally K. May (eds.), Macassan History and Heritage: Journeys, Encounters and Influences [Lịch sử và Di sản Macassar: hành trình, gặp gỡ và những ảnh hưởng] (Canberra: ANU E Press, 2013), dẫn nhập, http://epress.anu.edu.au/apps/bookworm/view/Macassan+History+and+Heritage/10541/ch01.xhtml#toc_marker-4.
[19] Kate Humphris, “Macassan History in Arnhem Land,” 105.7 ABC Darwin, July 29, 2009, www.abc.net.au/local/stories/2009/07/21/2632428.htm.
[20] Erik Franckx and Marco Benatar, “Dots and Lines in the South China Sea: Insights from the Law of Map Evidence,” Asian Journal of International Law 2 (2012): 90–91.
[21] Zhiguo Gao and Bing Bing Jia, “The Nine-Dash Line in the South China Sea: History, Status, and Implications,” American Journal Of International Law 107 (2013): 102–03.
[22] "Bình luận đưa ra những lí do của Trung Quốccho việc từ khước Trọng tài trong vấn đề biển Đông", Tân Hoa xã, ngày 01 tháng 4 năm 2014, http://english.people.com.cn/90883/8584641.html hoặc http://news.xinhuanet.com/english/china/2014-04/01/c_133228152.htm.

[23] “Diaoyu Dao.”

Saturday, June 25, 2016

Biển Đông: Cần chú ý điều gì trong phán quyết của tòa trọng tài quốc tế

Biển Đông:  Cần chú ý điều gì trong phán quyết của tòa trọng tài quốc tế



Geoff Dyer
FT (20-6-16, cập nhật 10-7-16)


Một tòa án quốc tế có khả năng sắp đưa ra phán quyết vụ án gây tranh cãi do Philippines khởi kiện chất vấn một số các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Dưới đây là những điều cần chú ý trong phán quyết rất được trông chờ.


Tại sao vụ kiện là quan trọng?

Đây là một dịp hiếm hoi khi một quyết định có tính pháp lí cao của một cơ quan ít được biết của Liên Hiệp Quốc đặt tại Hà Lan có thể có ý nghĩa địa chính trị rất lớn. Nó không những có khả năng làm rõ một số vấn đề vốn nằm ngay trung tâm các tranh chấp lãnh thổ quyết liệt ở biển Đông, mà còn kích động căng thẳng tăng thêm giữa Trung Quốc và Mĩ.


Bối cảnh là gì?

Năm 2013, Philippines đã đưa vụ kiện ra Toà án Quốc tế về Luật Biển tại The Hague. Philippines đã nộp tòa 15 mục khác nhau nói yêu sách và hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông là trái với luật pháp quốc tế.

Trung Quốc đã từ chối tham gia vào vụ kiện và đã thách thức thẩm quyền của tòa, nhưng năm ngoái, tòa nói rằng toà có quyền thụ lí ít nhất là bảy trong các khiếu kiện và vẫn còn cân nhắc đối với tám khiếu kiện khác. Nhiều chuyên gia dự kiến tòa sẽ phán quyết bất lợi cho Trung Quốc về một số vụ việc.


Ý nghĩa pháp lí là gì?

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là tòa án ở The Hague không được xét xử về các yêu sách chủ quyền tranh chấp nhau ở Biển Đông mà chỉ về các quyền trên biển gắn với những yêu sách đó.

Một trong những nền móng chính của vụ kiện này là để chất vấn về giá trị pháp lí của "đường 9 đoạn" của Trung Quốc - ranh giới chấm chấm trên bản đồ nhằm yêu sách tới 90 % biển Đông. Các chuyên gia nói rằng tòa án có thể tuyên bố đường 9 đoạn là bất hợp pháp trên thực tế hoặc có thể chất vấn nó theo những cách sẽ buộc Trung Quốc phải làm rõ cơ sở pháp lí của đường này - một điều mà Trung Quốc không s8ãn lòng để làm.

Các khía cạnh khác của vụ án rất chuyên sâu. Tòa sẽ quyết định liệu có một số thể địa lí- một số trong đó Trung Quốc đã chuyển thành các đảo nhân tạo - được coi là "các bãi triều thấp", không được hưởng lãnh hải, là "[đảo] đá" có lãnh hải 12 hải lí  hoặc là "đảo" được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí. Nhiều chuyên gia tin rằng tòa sẽ nói rằng một số đảo nhân tạo của Trung Quốc không có quyền pháp lí đòi huởng các vùng biển xung quanh.


Điều đó có ý nghĩa gì trong thực tế?

Tòa án của LHQ không có quyền lực thực thi. Tòa không thể buộc Trung Quốc làm bất cứ điều gì và Bắc Kinh sẽ không rút khỏi đảo nhân tạo mới nào của họ. Nhưng nếu phán quyết thuận lợi cho Philippines, Trung Quốc có nguy cơ thiệt hại về danh tiếng hơn và bị cô lập trong khu vực nếu phớt lờ tòa án và tiếp tục theo đuổi yêu sách của mình. Chính quyền Obama đã xem phán quyết như một thử nghiệm xem Trung Quốc có tôn trọng luật pháp quốc tế hay không.


Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?

Cùng với việc bác bỏ thẩm quyền của tòa, Trung Quốc đã cố gắng tập hợp sự ủng hộ quốc tế cho quan điểm của mình rằng phán quyết của tòa là bất hợp pháp. Bắc Kinh tuyên bố  đã được 60 nước ủng hộ, tuy nhiên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một nhóm chuyên gia ở Washington, nói rằng chỉ có tám chính phủ công khai tuyên bố sự ủng hộ của họ - trong đó có các nuớc không có biển như Lesotho và Afghanistan. Nếu phán quyết đi ngược lại họ, Trung Quốc có thể tìm cách để trừng phạt Philippines, có thể qua việc hạn chế khách du lịch hoặc nhập khẩu.

Trước phán quyết này, Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch quuốc tế vận động công chúng quốc tế. Đới Bỉnh Quốc, người từng là quan chức cao cấp ngoại giao của nước này, phát biểu tại một hội nghị ở Washington hồi tuần trước rằng phán quyết "chẳng hơn gì một mảnh giấy lộn". Ông cũng cảnh báo Mĩ không đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. "Chúng tôi ở Trung Quốc sẽ không sợ hãi bởi các hành động của Mỹ", ông nói. "Thậm chí nếu Hoa Kỳ đã phái tất cả 10 tàu sân bay đến vùng biển Đông."

Còn Philippines thì sao?

Gần 2 tuần trước phán quyết, một tổng thống mới nhậm chức ở Philippines - Rodrigo Duterte, một cựu thị trưởng cứng rắn mà đôi khi được so sánh với Donald Trump.


Có nhiều lúc ông Duterte đã đưa ra những bình luận đối đầu về Trung Quốc và các tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, tại cuộc họp nội các đầu tiên, ông đã sử dụng giọng điều hòa giải, nói rằng nước ông có thể sẵn sàng bước vào cuộc đàm phán mới với Bắc Kinh sau phán quyết.

Và Mĩ thì sao?

Nguy cơ lớn nhất là Trung Quốc tung đòn tấn công đối với một phán quyết chống lại họ và quyết định leo thang tham vọng quân sự của họ ở biển Đông bằng cách hoặc tuyên bố kiểm soát không phận trong khu vực này hoặc tìm cách xây dựng đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough - một thể địa lí mà Philippines cũng yêu sách.

Dự kiến sẽ có một phản ứng hung hăng hơn của Trung Quốc, Mĩ đã điều các tài nguyên quân sự đáng kể tới khu vực này, trong đó có chuyến đi của một tàu sân bay tới biển Đông và nhiều máy bay chiến đấu đến Philippines. Thông điệp cho Bắc Kinh là bất kỳ động thái trên bãi cạn Scarborough sẽ được đáp ứng với một phản ứng đích đáng của Mĩ. Tuy nhiên, những chuẩn bị quân sự này nhấn mạnh tiềm năng tạo ra sự cạnh tranh sắc hơn nhiều giữa Mĩ và Trung Quốc ở biển Đông .

Bốn bài học lịch sử khi chiến tranh Trung-Việt xảy ra

Khi Trung Quốc và Việt Nam đánh nhau: Bốn bài học Lịch sử

(When China and Vietnam Went to War: Four Lessons for History)

Image: “A Romanian T-55 Tank sends a blast downrange as it takes part in a live-fire exercise during Platinum Lynx 16-4 aboard Babadag Training Area, Romania, April 21, 2016. The purpose behind Platinum Lynx is to improve readiness and increase Marines’ ability to work seamlessly with other NATO and partner nations around the world. (U.S. Marine Corps photo by Cpl. Immanuel M. Johnson/Released).”
Ảnh: "Một xe tăng T-55 Rumani phát ra luồng lửa khi tham gia một cuộc tập trận bắn đạn thật trong Platinum Lynx 16-4 ở khu vực huấn luyện Babadag, Romania, ngày 21 tháng 4 năm 2016. Mục đích phía sau Platinum Lynx là cải thiện sự sẵn sàng và tăng cường khả năng làm việc liên tục với các nước NATO và các nước đối tác khác trên thế giới (Thủy quân lục chiến Mĩ của Cpl. Immanuel M. Johnson). "

Bắc Kinh và Hà Nội đã từng bất hoà với nhau trước đây.

Matthew Pennekamp
Natonal Interest (21/05/ 2016)

(bản dịch đã đăng trên AnhBaSam ngày 25/6/2016)


Trong chuyến đi vòng quanh tới Đông và Đông Nam Á gần đây của Tổng thống Barack Obama vào tháng trước, trong một cuộc họp báo chung với ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước Việt Nam ông [Obama] thông báo rằng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đã được dỡ bỏ. Mặc dù cho đến nay  Nhà Trắng vẫn trấn an những nhà quan sát nhân quyền rằng bất kì sự bãi bỏ chính sách nào thời chiến tranh lạnh này sẽ ràng buộc trực tiếp vào hồ sơ cải thiện về các vấn đề tự do về ý thức của Hà Nội (phải thừa nhận là mô tả của Obama là "khiêm tốn"), cái rốt cuộc đến cho thấy là quan trọng hơn trong con mắt của giới quan chức Washington là điều mà Harold Macmillan có lần miêu tả như là yếu tố quyết định chính trong chính trị: "sự kiện, bạn quý ơi, sự kiện!"

Đối với Obama, sự kiện quan trọng nhất trong đầu là tiềm năng đáng sợ đối với một sự rỗng ruột của công cuộc chuyển trục sang châu Á đầy tham vọng mà ông đã khai sinh bảy năm rưỡi trước đây. Trong khi tổng thống đã cho phép chú tâm trong chính sách đối ngoại của mình bị phân tán bởi cơn xoáy Trung Đông cũng như một nước Nga có đầu óc phục hồi lãnh thổ cũ, thật sự không phải lỗi về ông hoàn toàn; cả hai ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã chẳng làm gì để xoa nắn lợi ích vùng Vành đai Thái Bình Dương. Mặc dù phần lớn ngôn ngữ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được thảo ra và đàm phán ở Bộ Ngoại giao thời Ngoại trưởng Hillary Clinton, ứng viên Clinton, cảm nhận một cơn gió mạnh nổi lên từ cánh trái, đã xoay mạnh lái chiến dịch vận động tranh cử của mình về phía cảng, đương đầu với luồng gió "Cách mạng" của  Bernie Sanders. Bà đã sống sót sau cơn bão, nhưng khả năng đảo trở lại về một vị thể ủng hộ TPP là không trên thực tế—nói theo cách của Winston Churchill, một thủ tướng Anh khác, các nhà chính trị có thể dễ dàng phản bội; chính sự phản bội lần nữa càng trở nên tệ hại hơn. Và tất nhiên, lời to tiếng của Donald Trump liên quan tới các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc đã gây ra sự rúng động chung của nó.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, "sự kiện" không phải chỉ thoáng qua vì sự mất tin cậy với láng giềng phương bắc đã chồng chất đời đời kiếp kiếp. Cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam có ghi chép đầu tiên xảy ra vào thế kỉ thứ hai trước Công nguyên, khi Tần Thủy Hoàng mở rộng Trung Quốc mới thống nhất tới các dải đất miền bắc Việt Nam. Tình trạng này, với việc Trung Quốc thực hiện ít nhiều quyền bá chủ trên vương quốc phiên thuộc Việt Nam, kéo dài cho đến năm 1884 khi người Pháp trở thành những ông chủ thực dân mới ở Đông Nam Á. Chính mong muốn tối hậu của Washington trong việc củng cố địa vị của Pháp tại Việt Nam mà trên thực tế đã dẫn đến sự can dự đầu tiên của Mĩ dưới thời Tổng thống Truman. Tuy nhiên, suốt toàn bộ thời gian, Hồ Chí Minh giữ trong đầu ai mới là kẻ thù đáng lo ngại hơn, qua việc thật sự cộng tác với Pháp để đẩy quân Quốc dân Đảng Trung Quốc ra khỏi miền bắc Việt Nam sau Thế chiến thứ II.

Năm 1979, mười năm sau khi Hồ Chí Minh mất, nghi ngờ của ông đã được kiểm nghiệm, với hai trăm ngàn quân Trung Quốc tụ tập trên biên giới phía Bắc của Việt Nam sẵn sàng tiến sang xâm lược. Thất bại của họ tạo ra một vết lõm sâu rộng trong chiến thuật du kích vốn đã phục vụ Việt Nam rất tốt chống lại Pháp và Mĩ là một điểm then chốt hiển nhiên cần nắm. Nhưng trong lĩnh vực lịch sử rộng lớn hơn có những bài học sâu xa hơn cần được lượm lặt Dưới đây là bốn bài học khác:

1. Việc Mĩ can dự vào Việt Nam được đặt nền móng trên một tiền đề sai, và Chiến tranh Trung-Việt đã cho thấy điều đó.

Kể từ khi Tổng thống Eisenhower sử dụng cách ví von về sự đổ nhào dây chuyền của các con cờ Domino để giải thích mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản tới các quốc gia Đông Nam Á sau chiến thắng năm1949 của Mao trong cuộc nội chiến Trung Quốc, khái niệm này phục vụ như là một nền tảng tri thức chiếm ưu thế quyết định chính sách chiến tranh lạnh của Mĩ. Thuyết này đòi hỏi bước tiến của chủ nghĩa cộng sản trên các nẽo đường của nó phải được chặn lại, vì các quốc gia đã chuyển thành đỏ sát cánh đi với nhau và đã gạt bỏ các bất bình trong lịch sử để cùng theo đuổi mục tiêu chung là truyền bá tư tưởng Mác-xít. Đó là logic dẫn dắt các nhà hoạch định chính sách Washington bảo vệ miền Nam Việt Nam trong gần hai thập kỉ. Nhưng việc xem mối đe dọa cộng sản vững như một hòn đá tảng đáng lẽ có thể đã được ngăn chặn ít ra là vào cuối thập niên 1950 khi những tin đồn về sự chia rẽ Trung-Xô đã bắt đầu xuất hiện (trớ trêu thay, các cựu giới chức Bộ Ngoại giao duy nhất có khả năng phân tích một sự phát triển như vậy, nhóm China Hands huyền thoại [nhóm chuyên gia về TQ], lại nhìn thấy sự nghiệp của họ bị việc hù doạ của McCarthy ngăn lại). Trong việc chơi trò mở cửa cho Trung Quốc năm 1972 bên ngoài việc theo đuổi hòa hoãn với Liên Xô thời Brezhnev, bộ đôi Nixon / Kissinger đã đưa ra tín hiệu đánh giá cao các rạn nứt trong nội bộ Cộng sản.

Chính cuộc chiến tranh Trung-Việt đã làm cho các rạn nứt đó tỏ rõ cho mọi người đều thấy. Năm 1978, Việt Nam, mệt mỏi về sự bất ổn trên biên giới Campuchia / Việt Nam do chính quyền Khmer Đỏ cầm quyền từ năm 1975 gây ra, đã phát động một cuộc tấn công vào Campuchia và chiếm lấy Phnom Penh. Tuy nhiên, trong ván bài cạnh tranh lớn Moscow / Bắc Kinh, điều này được diễn giải (một cách chính xác) là một quốc gia liên kết với Moscow gây chiến với một quốc gia liên minh với Bắc Kinh. Trong một màn luân vũ chầm phần nào gợi nhớ đến tháng 8 năm 1914 [thời gian khở đầu thế chiến thứ nhất], Trung Quốc, không thể cho phép sự sỉ nhục này được bỏ qua không lời đáp trả cho đồng minh của mình, đã can thiệp chống lại Việt Nam, dàn dựng cuộc xâm lược dẫn đến chiến tranh Trung-Việt. Cũng thú vị khi lưu ý là trước khi tỏ rõ Việt Nam sẽ tự mình chống lại quân đội Trung Quốc, Liên Xô đã cung cấp trang thiết bị quân sự cho Hà Nội và đã phái tàu hải quân yểm trợ đến biển Đông để trợ giúp cho việc thu thập tin tức.

2. Hãy coi chừng một nhà lãnh đạo mới cần chứng tỏ sức mạnh của mình. Ông ta có thể chỉ tấn công ra ngoài.

Vào năm 1979, nhà lãnh đạo nhỏ thó Đặng Tiểu Bình mới xác lập được quyền lực, thấy được mối đe dọa thù dịch do bè lũ 4 tên cuồng Mao (do Giang Thanh, vợ thứ tư của Mao cầm đầu) đặt ra. Đặng có ý cho cách lãnh đạo của mình phá vỡ và tách biệt với cách chính thống của Mao. Tuy nhiên, các bước đi chệnh choạng về phía tự do hóa kinh tế vốn xác định kinh nghiệm của Trung Quốc sau thập niên 1980 không thể xảy ra nếu trước hết Đặng không củng cố quyền lực và chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình (khái niệm về Thiên mệnh đế vương xưa cũ, dù không còn chính thức, vẫn chưa bao giờ thật sự thoát ra khỏi đầu óc của người Trung Quốc). Không ngạc nhiên là việc tiến hành cuộc chiến tranh chống lại một kẻ thù lịch sử lâu dài là cách chắc chắn nhất để đạt được cả hai điều đó.

Ngoài ra, đối với một nhà lãnh đạo Trung Quốc, để thăng lên vị trí lãnh đạo tối cao, quyền lực của ông ta phải dựa trên một ba trụ cột hiệu quả: điều khiển nhà nước, điều khiển Đảng Cộng sản, và điều khiển quân đội. Trong việc lựa chọn chỗ nào—và quan trọng lúc nào—để đánh như ông đã làm, Đặng Tiểu Bình có thể mua thời gian quý báu cho mình trong năm đầu tiên nắm quyền để củng cố quyền lực của chính mình ở Bắc Kinh, trong khi quân đội Trung Quốc bị quá phân tâm bởi một chiến dịch sôi động với nhiều trở ngại phải vượt qua.

3. Dân thiểu số như một cái cớ có sẵn.

Cho dù đó là việc Hitler khăng khăng cho rằng người Đức Sudeten đã bị gạt ra bên lề ở Tiệp Khắc, là việc Putin tin vào vai trò của Nga là kẻ bảo vệ người sắc tộc Nga bên ngoài biên giới của mình, là việc Milosevic và Tudman xẻ chia Bosnia nhân danh dân tộc Serbia và Croatia hay, là việc phương Tây quả thật đã trợ giúp cho những người Hồi giáo Bosnia và  Albania trong cùng cuộc xung đột đó, thì việc sử dụng dân thiểu số được cho là bị đối xử tệ hai như một cái cớ gây chiến (casus belli) là một chiến thuật thăm dò và kiểm nghiệm. Điều này cho thấy là đúng trong trường hợp chiến tranh Trung-Việt, với Bắc Kinh cáo buộc Hà Nội đối xử tệ hại dân số người Hoa tại Việt Nam Giống như nhiều trường hợp nại lí do này, sự đối xử tệ hại thực tế đã bị phóng đại; quả thật, những nhân viên kích động từ đại sứ quán Trung Quốc đã dựa vào việc đàn áp người Hoa để ca bài chống Liên Xô (và với cuộc cờ về sự chia rẽ Trung-Xô trong đầu, cũng ngầm chống Việt Nam). Cũng không phải việc đối xử của Hà Nội có tính trừng phạt—nó tập trung vào việc cố gắng đồng hóa họ sâu đậm hơn vào văn hóa Việt. Những nỗi đau khổ người Hoa gánh chịu, trong chừng mức chúng tồn tại, chí là một cái cớ.

4. Xác định lại mục tiêu nếu mục tiêu ban đầu không còn được việc.

Hầu hết các cơ quan chính sách ngoại giao Washington đều biết trò xảo thuật khi thấy nó. Vào tháng 8 năm 2012, khi Barack Obama công bố rằng việc triển khai và sử dụng vũ khí hóa học của lực lượng Syria vẫn còn trung thành với Bashar al-Assad tạo thành việc vượt quá "lằn ranh đỏ", cụm từ này mơ hồ một cách thích hợp để sau này tổng thống thêm vào lời giải thích chính xác về điều gì sẽ xảy ra nếu lằn ranh bị vượt— dù hầu hết (kể cả Obama, theo nghiên cứu của Jeffrey Goldberg về việc ra quyết định của tổng thống) đều cho rằng nó sẽ dính dáng đến các cuộc không kích. Khi điều đó được cho thấy là không khả thi về mặt chính trị, John Kerry, khi nhận câu hỏi của phóng viên về việc liệu việc tướt lấy kho vũ khí hoá học hiện có của Assad với sự trợ giúp của Nga là hoàn thành hành động cần phải có do đã vẽ lằn ranh đỏ ngay lúc đầu, bất ngờ thấy mình không đúng. Điều này trong chính sách đối ngoại là tương đương với việc dời khung thành rồi tuyên bố thắng.

Trung Quốc đã từng sử dụng trò này khi họ phát hiện ra đối thủ Việt Nam của họ là khó trị như thế nào. Với hai trăm nghìn quân dành cho hành động phiêu lưu đó, nửa triệu được huy động thêm, và chính bản thân Đặng cũng tìm kiếm sự đảm bảo của Jimmy Carter rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào cuộc chiến tranh sắp tới, có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có nhiều mục tiêu tham vọng hơn rất nhiều trong đầu. Việc Trung Quốc thừa nhận rằng họ can thiệp để giúp đồng minh Campuchia khiến người ta tin rằng họ có ý định đánh cho đến khi có tiến bộ thấy được trên mặt trận Campuchia. Tuy nhiên, ba tuần sau đó, khi đã xác định được rằng Việt Nam sẽ không rời bỏ Hà Nội hay chuyển bất kì lực lượng nào từ Campuchia về để chống lại mối đe doạ ở phía Bắc, Bắc Kinh bắt đầu rào đón bằng cách nói rằng việc chứng minh Liên Xô không có khả năng bảo vệ đồng minh tự nó đã là một thắng lợi.

Với căng thẳng đang tăng lên ở Biển Đông và Hoa Kỳ rút lại lệnh hạn chế vũ khí, Chiến tranh Trung-Việt đáng được xem xét lần nữa.

Matthew Pennekamp là một nhà nghiên cứu cơ sở thường trú tại Center For the Nationl Interst (Trung tâm vì lợi ích quốc gia).

Monday, June 13, 2016

Những kẻ thao túng kí ức của Trung Quốc

Những kẻ thao túng kí ức của Trung Quốc

(China’s memory manipulators)

---Bản dịch đã đăng trên Viet-studies ngày 13/6/2016---

Nhà cầm quyền của đất nước này không những bưng bít lịch sử mà còn tái tạo lại nó để phục vụ hiện tại. Họ biết rằng, trong một nước cộng sản, sự thay đổi thường bắt đầu khi quá khứ bị thách thức

Ian Johnson

The Guardian (08/06/2016)

Lần đầu tiên khi tôi đến Trung Quốc vào năm 1984, các bạn học nước ngoài của tôi và tôi ở Đại học Bắc Kinh thường chơi một trò chơi với một cuốn sách hướng dẫn cũ. Đó là cuốn Nagel’s Encyclopaedia Guide: China (Sách hướng dẫn bách khoa của Nagel: Trung Quốc), được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1968 tại Thụy Sĩ và nêu các mô tả về các địa điểm văn hóa quan trọng được các nhà ngoại giao và học giả Pháp đến viếng. Chìa khóa cho chúng tôi là họ đã thu thập thông tin trong thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, tức là chỉ ngay trước khi Mao tung ra Cách mạng Văn hóa phá hủy hàng chục ngàn nơi thờ phượng và địa điểm lịch sử trên toàn Trung Quốc. Chúng tôi tìm một nơi ở Bắc Kinh và đạp xe đến để xem còn lại những gì.

Tôi nhớ chuyến đi tìm Ngũ Tháp Tự, một ngôi chùa được xây dựng vào cuối thế kì 15 và gồm có năm tháp nhỏ trên một nền đá khổng lồ. Quyển Nagel nói là hầu hết đã bị phá hủy trong bạo loạn hồi cuối thế kì 20, và đầu thế kì 19, nhưng năm tháp nhỏ vẫn còn ở đó. Trên bản đồ Bắc Kinh thập niên 1980 không thấy có nó, nhưng cuốn Nagel kích thích chúng tôi. Ngôi chùa đó có còn không?

Chúng tôi đạp xe tới đường Bạch Thạch Kiều (Baishiqiao/白石桥) và cố chồng bản đồ “Pekin” cũ của Nagel lên bản đồ của một Bắc Kinh cạn kiệt sau Cách mạng Văn hóa. Cuối cùng chúng tôi đã phải dừng lại và hỏi thăm. Sau nhiều cố gắng không kết quả, chúng tôi được dẫn qua cổng một nhà máy và vào đền thờ nằm khuất ở phía sau. Tất cả những gì còn lại là nền đá lớn, bên trên là 5 tháp đá. Ngói đã rơi ra khỏi mái nhà, và bia đá có khắc chữ và hoa văn bị vở bể nằm trên mặt đất. Cỏ dại mọc khắp nơi. Dù vậy, chúng tôi bước lên nền đá với một cảm giác kì lạ: ở đây có một cái gì đó đã biến mất khỏi bản đồ hiện nay nhưng vẫn tồn tại. Trong một công trình kiến trúc, chúng tôi có câu chuyện về tính vĩ đại văn hóa của Trung Quốc, về xâm lược nước ngoài, về tự hủy diệt văn hóa và cũng có câu chuyện về sự sống sót. Ở đây, nhờ cuốn sách hướng dẫn lạ mà chúng tôi có được lịch sử Trung Quốc một cách cô đọng - quá khứ cùng hiện tại.

Quan sát Trung Quốc đôi khi đòi hỏi một ống kính như ống kính của Nagel. Đi bộ trên đường phố ở các thành phố của Trung Quốc, lái xe trên đường quê và đi viếng các trung tâm hấp dẫn du khách có thể bị mất phương hướng. Một mặt, chúng ta biết đây là một đất nước mà một nền văn minh phong phú từng tồn tại hàng nghìn năm, tuy nhiên chúng ta lại bị choáng ngợp bởi một cảm giác mất gốc. Các thành phố của Trung Quốc trông không có vẻ cổ xưa. Ở nhiều thành phố cũng có các địa điểm văn hóa và những bọc nhỏ cổ xưa nhưng nằm giữa một biển bê tông. Khi chúng ta bắt gặp quá khứ dưới dạng một ngôi đền cổ hay một lối đi hẹp, chỉ một chút điều tra sẽ cho thấy phần lớn là được tái tạo. Nếu bây giờ bạn quay trở lại chùa Ngũ Tháp, bạn sẽ thấy một ngôi chùa hoàn toàn tân trang, không một viên gạch hoặc ngói không đúng chỗ. Nhà máy đã bị kéo đổ và thay bằng một công viên, một bức tường, và một điểm bán vé. Chúng ta có thể đứng đúng ngay vị trí của cái đó gì cổ xưa nhưng chất lịch sử đã bị loãng đi đến mức như thể nó đã biến mất.

Điều này nói cho chúng ta biết gì về một đất nước? Người lạc quan sẽ có cảm giác của sự năng động - ở đây, cuối cùng, là một đất nước đang vực dậy đi tới trong khi phần còn lại của thế giới trì trệ hoặc chậm rãi tiến về phía trước. Điều này luôn được nói với sự ngạc nhiên và sợ hãi. Đỉnh cao của thời đại kì lạ này xuất hiện ngay trước khi Thế vận hội năm 2008, khi truyền thông phương Tây tự va vấp cố tuôn ra những lời khen ngợi dạt dào nhất cho sự trỗi dậy / chuyển đổi / trẻ hóa (chọn từ sáo của bạn) của Trung Quốc. Điển hình là một nhà phê bình kiến trúc của New York Times, ông nói như mê sảng khi đến Bắc Kinh vào năm 2008 về “cảm giác không thể tránh được rằng bạn đang đi qua một cánh cổng đến một thế giới khác, một thế giới mà sự quyết tâm thay đổi đã bỏ các nước phương Tây ở lại trong đám bụi mù” và kết luận rằng “người ta tự hỏi không biết bao giờ phương tây mới bắt kịp”.

Những cảm xúc khác mơ hồ hơn. Cảm giác cùn mằn nhất mà tôi nếm trãi là: một quốc gia đã xóa sạch hoàn toàn quá khứ của mình và sau đó tái tạo lại như thế - thì có thể tin cậy được hay không? Tại một quốc gia, hoặc một dân tộc, hay một nền văn minh, cái gì gây phiền toái nhiều đến nỗi lại vẫn không thoải mái sâu đậm với lịch sử của mình? Lịch sử được tán dương ở Trung Quốc. Người dân thường sẽ cho bạn biết mỗi khi có cơ hội rằng họ có 5 000 năm văn hóa: wuqiannian de venhua (ngũ thiên niên đích văn hoá). Còn đối với chính phủ, đó là mốc chuẩn cho tính chính đáng (legitimacy) trong hiện tại. Nhưng nó cũng là con quái thú đang ẩn trong bóng tối.

Thật khó để nói quá vai trò của lịch sử trong xã hội Trung Quốc do một đảng cộng sản điều khiển. Chủ nghĩa cộng sản tự nó được dựa trên thuyết tất yếu lịch sử: một trong những luận điểm của Marx là thế giới đang vận động không thể tránh khỏi về phía chủ nghĩa cộng sản, một lập luận mà những người xây dựng chế độ như Lenin và Mao đã sử dụng để biện minh cho việc đi lên nắm quyền bằng bạo lực. Ở Trung Quốc, chủ nghĩa Mác được xếp lên trên nhiều ý tưởng cũ hơn về vai trò của lịch sử. Mỗi triều đại kế tiếp đã viết lịch sử của triều đại trước nó, và hệ tư tưởng chính trị chiếm ưu thế - cái mà hiện được gọi chung là Nho giáo - được dựa trên khái niệm vốn lí tưởng cho việc cai trị phải được tìm thấy trong quá khứ, với những vị vua đạo đức mô phỏng chúng. Thành quả là quan trọng nhưng chủ yếu như là bằng chứng về sự phán xét của lịch sử.

Điều đó có nghĩa là lịch sử được kềm giữ tốt nhất với dây cương thật chặc. Ngay sau khi lên nắm quyền làm tổng bí thư đảng Cộng sản vào năm 2012, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tái nhấn mạnh quan điểm này trong một bài phát biểu quan trọng về lịch sử được công bố trên Nhân dân nhật báo , tờ báo chính thức của đảng. Tập Cận Bình là con của một quan chức đảng hàng đầu góp phần sáng lập chế độ, nhưng bị Mao thất sủng, và phải chịu đày đoạ trong Cách mạng Văn hóa. Một số người nghĩ rằng Tập Cận Bình có thể có một cái nhìn phê phán hơn đối với thời đại Mao, nhưng trong bài phát biểu nêu trên, ông nói rằng không nên sử dụng 30 năm cải cách bắt đầu dưới thời Đặng Tiểu Bình trong những năm cuối thập niên 1970 để “phủ nhận” 30 năm đầu của chế độ cộng sản dưới thời Mao.

The Five Pagoda Temple in Beijing was a ruin in the 1980s. It has since been renovated.
Chùa Ngũ Tháp ở Bắc Kinh là một phế tích trong những năm 1980, bây giờ đã được làm mới lại. Ảnh: Alamy

Lí do không nói ra cho việc Tập Cận Bình không sẵn sàng từ khước thời đại Mao là Mao không chỉ là Stalin của Trung Quốc. Liên Xô đã có thể loại bỏ Stalin vì còn có Lenin như cha đẻ của nó. Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao là Stalin và Lenin kết hợp lại; tấn công Mao và thời đại của ông là tấn công nền tảng của nhà nước Cộng sản. Năm năm sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc với cái chết của Mao Trạch Đông vào năm 1976, đảng đã đưa ra một tuyên bố lên án thời đại đó và vai trò của Mao lúc đó, nhưng tuyên bố đó cũng đã kết thúc thảo luận thêm về Mao qua việc khẳng địnhrằng “những đóng góp của ông cho cách mạng Trung Quốc vượt trội hơn những sai lầm của ông. Công của ông là chính và lỗi của ông là phụ.”

Nhưng trên một bình diện rộng hơn, lịch sử đặc biệt nhạy cảm vì sự thay đổi trong một quốc gia cộng sản thường bắt đầu với việc lịch sử bị thách thức. Chẳng hạn, trong thập niên 1980 các nhóm như hội nghiên cứu lịch sử Tưởng niệm đã biến dạng thành một phong trào xã hội làm suy yếu Liên Xô qua việc phơi bày quá khứ bất ổn của nó. Trung Quốc hiện nay mạnh hơn Liên Xô thời Gorbachev, nhưng kí ức vẫn ngoài khả năng nắm giữ của chính phủ, đặt ra thách thức cho một chế độ mà lịch sử làm nên tính chính đáng. Mặc dù theo định nghĩa, lịch sử là quá khứ, nhưng nó cũng là hiện tại và tương lai của Trung Quốc.

Lịch sử bị bưng bít?

Các thành phố Trung Quốc là thành phố ma. Không phải theo nghĩa lãng phí về bất động sản – nhiều khu phức hợp rộng lớn xây dang dở, bỏ không, và đổ nát - dù thật sự có một số như vậy. Thay vì thế các trung tâm đô thị của đất nước này được xây dựng trên một quá khứ bị xoá mất mà chỉ đôi khi mới len lẫn vào hiện tại qua những cái tên lạ tai của đường phố, công viên, và điểm dừng tàu điện ngầm.

Tại Bắc Kinh, cũng như hàng chục thành phố trên khắp đất nước, đường phố rất thường được đặt tên theo mối quan hệ của chúng với những thứ không còn tồn tại, những địa điểm hồn ma, chẳng hạn như cổng thành, đền, vòm tưởng niệm, và các sự kiện lịch sử bị lãng quên. Chẳng hạn, tại thủ đô, Bộ Ngoại giao nằm trên Chiêu Dương môn ngoại (Chaoyangmenwai/朝阳门外), tức là con đường ngoài cổng Chiêu Dương. Chỉ một vài trăm mét về phía tây, đường này đổi tên thành Chiêu Dương môn nội (Chaoyangmennei/朝阳门内), tức là con đường bên trong cổng Chiêu Dương. Ở giữa là đường Nhị Hoàn (二环: đường Vòng tròn thứ hai). Tên các con đường nàychỉ có ý nghĩa nếu bạn nhận ra rằng con đường vòng tròn này được xây dựng trên vị trí các bức tường thành, có một lối đi vào ngay ở đó, Chiêu Dương môn (Chaoyangmen/朝阳门), tức cổng Chiêu Dương. Tường thành đã trở thành một xa lộ và cổng vào trở thành ngã chuyển đổi ra vào (interchange). Không có gì khác ngoài những cái tên đường còn tồn tại trong khu phố này nhắc nhở bạn về các kiến trúc hồn ma đó.

Luôn luôn có cách cho một người hoài nghi giảm nhẹ một hiện tượng bằng cách nói, nhưng gượm đã, rằng điều đó cũng tồn tại ở nơi khác. Ta có thể nói rằng tất cả các thành phố đều có các khu phố, các con đường được đặt theo tên những con người hoặc các sự kiện từ xa xưa không ai còn nhớ tới trừ những kẻ mọt sách. Điều này tất nhiên là đúng, nhưng ở Trung Quốc việc chuyển dịch về văn hóa lớn hơn, và các rào cản đối với kí ức cao hơn. Trung Quốc quả có bách khoa toàn thư trực tuyến, cũng như những cuốn sách giải thích lịch sử của Bắc Kinh. Một số thậm chí rất đắc hàng, chẳng hạn như công trình mở đường Thành Ký (:Sách ghi chép về thành phố) của phóng viên Vương Quân (Wang Jun/王军) thuộc Tân Hoa Xã. Nhưng các sách này đều bị biên tập mạnh bạo, và đòi hỏi phải có kiến thức văn hóa mà hầu hết người Trung Quốc ngày nay đều thiếu. Quay trở lại những năm 1990, vẫn có thể tìm thấy các nhà hoạt động công dân đã tranh đấu để gìn giữ thành phố cổ vì nó có ý nghĩa đối với họ. Ngày nay, rất ít dân Bắc Kinh đích thực sống trong thành phố cũ; họ đã dời chỗ ở đến các khu khác và được thay thế bởi những di dân (những người nghèo từ vùng nội địa của Trung Quốc, hoặc người hồi hương giàu có) không có chút liên hệ với quá khứ của thành phố. Thành phố có những câu chuyện của nó, nhưng là bí ẩn đối với hầu hết cư dân.

Một khác biệt nữa là những nỗ lực kỉ niệm quá khứ thường làm hiểu sai hoặc quá rời rạc thành vô nghĩa. Chẳng hạn, hầu như tất cả các bảng ghi ở di tích lịch sử đều nêu ra một lịch sử không trọn vẹn hoặc những điều dối trá trắng trợn. Ví dụ, cách một vài bước về phía đông Bộ Ngoại giao là Đông Nhạc miếu (miễu núi Đông). Phía trước nó có một bia đá ghi rằng nó đã là một công trình bảo tồn cấp quốc gia kể từ năm 1961. Một tấm bảng thứ hai trên tường cho biết thêm một vài chi tiết, giải thích ngôi miếu được xây dựng như thế nào vào thời nhà Nguyên (1271-1368) và là một đền thờ chính của đạo Lão.

Thật ra, ngôi miếu đã bị rút ruột hoàn toàn trong Cách mạng Văn hóa, tượng trong miếu bị thiêu huỷ hoặc chở ra nhà kho rồi bị phá hủy ở đó. Trong số khoảng 50 tượng hiện có trong miếu chỉ có 5 tượng cổ, số còn lại đều là tượng mới. Năm tượng cổ thuộc một miếu khác, Tam Quan miếu (Sanguanmiao/三官庙: Miễu ba vị quan). Sau khi thời đại Mao kết thúc vào cuối thập niên 1970 và các đền chùa mở cửa trở lại, người ta không thể xác định được các tượng của miếu Đông Nhạc ở đâu nên mấy tượng của miếu Tam Quan vốn vẫn còn bị một văn phòng chính phủ chiếm, đã được đưa về đó.

Du khách cũng không biết được gì về việc diện tích của ngôi miếu đã được bị giảm đi rất nhiều như thế nào trong Cách mạng Văn hóa vì nó đã bị các cơ quan an ninh quân sự và công an chiếm. Khi thời đại Mao kết thúc, họ bỏ trống phần lõi ở giữacủa ngôi miếu - ba khoảng sân và các kiến trúc mà ta thấy hiện nay. Phần còn lại do Công an chiếm cho đến thập niên 1990, và cuối cùng bị phá bỏ và biến thành đất thương mại vào đầu thập niên2000. Các kiến trúc còn lại tạm hoạt động như một ngôi miếu. Khi quân đội, công an dời đi, Bộ Văn hóa chuyển vào và biến ngôi miếu thành một bảo tàng văn hóa dân gian. Chỉ sau một cuộc đấu tranh kéo dài thì Hội Đạo Lão Trung Quốc mới giành lại quyền kiểm soát một phần của ngôi miếu vào đầu thập niên 2000, nhưng vẫn phải chia sẻ không gian.

Tất nhiên, các bảng ghi chẳng giải thích chút gì về điều này. Thay vào đó, người ta có ấn tượng rằng ngôi miếu luôn luôn là như thế- một di tích xưa 800 năm trong quá khứ tuyệt vời của Trung Quốc. Lịch sử mà tôi đã phác thảo ra ở đây không phải là điều khẳng định hoặc có dựa trên các bằng chứng tài liệu chắc chắn mà là một cái gì đó được tôi tái tạo qua việc quan sát ngôi miếu hơn hai thập kì qua và qua việc chuyện trò với các thầy cúng đạo Lão hiện đang làm việc ở đó. Nhưng cho đến khi kho lưu trữ thành phố được mở thì đó có lẽ là điều tốt nhất chúng ta có thể hi vọng tới.


Lịch sử bị tái tạo

Đảng Cộng sản không chỉ bưng bít lịch sử mà còn tái tạo lại nó để phục vụ hiện tại. Ở Trung Quốc, điều này tiếp sau việc đảng gần tới tự hủy diệt trong Cách mạng Văn hóa, dẫn đến một tìm kiếm tuyệt vọng cho tính chính đáng về hệ tư tưởng. Lúc đầu, chủ yếu là về kinh tế, nhưng sau vụ thảm sát người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989, đảng đã bắt đầu tự thúc đẩy bản thân tích cực hơn như những kẻ bảo vệ cho nền văn hóa và truyền thống Trung Quốc.

Một cách mà họ đã bắt đầu làm điều này là tự định vị mình như người bảo vệ “di sản văn hóa phi vật thể”, một thuật ngữ lấy theo Unesco, tổ chức này giữ một danh sách các truyền thống quan trọng đối với các quốc gia cụ thể theo từng nước. Trái ngược với các đia điểm di sản thế giới vốn là những cấu trúc vật lí như Vạn Lí Trường Thành hoặc Tử Cấm Thành, di sản phi vật thể bao gồm âm nhạc, ẩm thực, sân khấu, lễ hội.

Qianmen Avenue, rebuilt in the style of the the Ming and Qing dynasties.
Đại lộ Tiền Môn (Qianmen/前门), xây dựng lại theo phong cách của các triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Ảnh: China Photos / Getty Images

Mãi tới thập niên 1990 Trung Quốc, một số trong những truyền thống này vẫn bị gán là “mê tín phong kiến”, một thuật ngữ xúc phạm trong từ vựng của cộng sản đồng nghĩa với các tập quán văn hóa lạc hậu. Ví dụ, đám tang kiểu xưa bị bài xích khắp nơi, nhưng bây giờ lại nằm trên danh sách văn hóa phi vật thể của chính phủ. Tới âm nhạc tôn giáo vốn chỉ trình diễn trong các dịp lễ hội trong các đền thờ đạo Lão cũng thế.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình đã tự giấu mình trong lớp vỏ bọc truyền thống triệt để hơn bất kì nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi hệ thống đế chế sụp đổ vào năm 1911. Xây dựng trên công việc của các tiền nhiệm, đặc biệt là Hồ Cẩm Đào và lời kêu gọi về một “xã hội hài hòa” (hexie shehui/和谐社会) nghe có vẻ của đạo Lão, chương trình tư tưởng của Tập Cận Bình bao gồm việc thừa nhận rõ ràng các hình tượng đạo đức và tôn giáo truyền thống.

Năm 2013, theo một bài báo tin tức ngày 5 tháng 12, Tập Cận Bình đi thăm quê hương Khổng Tử ở Khúc Phụ (Qufu/曲阜), nhặt cuốn Luận ngữ - một cuốn sách về các câu nói và ý tưởng của nhà triết học vĩ đại này - cùng cuốn tiểu sử của ông này, và tuyên bố: “tôi muốn đọc cẩn thận hai quyển này”. Ông cũng đặt ra câu cách ngôn kiểu Khổng Tử của riêng mình - “một nhà nước không có đạo đức thì không thể trường tồn”. Năm sau, ông trở thành nhà lãnh đạo đảng Cộng sản đầu tiên tham gia lễ kỉ niệm sinh nhật của Khổng Tử. Phát biểu tại Hội Nho giáo quốc tế, Tập Cận Bình nói: “để hiểu Trung Quốc ngày nay, dân tộc Trung Quốc ngày nay, chúng ta phải hiểu văn hóa và huyết thống Trung Quốc, và nuôi dưỡng việc nắm giữ chính mãnh đất văn hóa riêng của dân tộc Trung Quốc”.Những lời bóng gió cổ điển của ông đã trở nên nhiều đến mức vào ngày 8 tháng 5 năm 2014, tờ Nhân dân nhật báo đã phải đăng một trang đầy để giải thích chúng.

Ngay khi Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo đảng, những lời hô hào truyền thống đã chiếm lĩnh không gian công cộng của các thành phố ở Trung Quốc. Ví dụ vào giữa năm 2013, nhiều áp phích bắt đầu treo khắp Trung Quốc, khéo léo chiếm dụng nghệ thuật truyền thống Trung Quốc, ghép những hình ảnh này với những thứ liên quan tới “Giấc mơ Trung Quốc”.

Giấc mơ Trung Quốc là đóng góp của Tập Cận Bình vào kho khẩu hiệu quốc gia - mỗi nhà lãnh đạo đứng đầu phải có ít nhất một khẩu hiệu. Hầu hết đều đề cập đến các chủ thuyết bí hiểm, chẳng hạn như  thuyết “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân, thuyết này đặt ra công việc cho đảng là phải đại diện cho một mảng xã hội rộng lớn hơn so với trước đây. Ngược lại, ý tưởng Tập Cận Bình đơn giản để nắm bắt hơn – ai mà không có một giấc mơ? Khẩu hiệu trở nên liên kết với nhiều mục tiêu, trong đó có chủ nghĩa dân tộc và việc Trung Quốc vươn lên nổi trội trên toàn cầu, nhưng ở trong nước, hình ảnh của nó gần như luôn luôn liên quan đến văn hóa và đạo đức truyền thống.

Ở Trung Quốc, hầu hết việc tuyên truyền lâu nay trông nhàm chán: thường là biểu ngữ đỏ với chữ trắng hoặc vàng cổ vũ người dân theo chủ trương của đảng Cộng sản, tuân thủ điều tra dân số, hoặc làm cho khu vực địa phương họ đẹp hơn. Tuy nhiên, các áp phích Giấc mơ Trung Quốc thì đầy màu sắc, tươi sáng và xinh xắn. Nhiều áp phích trong số đó chứa tranh vẽ những tượng đất sét nhỏ được nặn bởi “Nê nhân Trương” (Niren Zhang/泥人张: người nặn đất sét họ Trương), một nghệ nhân nổi tiếng được ưa thích và nổi tiếng tại Trung Quốc như Norman Rockwell ở Mỹ. Theo truyền thống, những tượng nhỏ bằng đất sét này thể hiện các cảnh trong đời sống hàng ngày và tôn giáo, hay giải trí, chẳng hạn như các nhân vật trong Kinh kịch, hay các vị thần như Quan Công. Nhiều bộ tượng này đã được gửi đến hội chợ thế giới trong những năm cuối của triều đại nhà Thanh (1644-1911) như là ví dụ về nghệ thuật Trung Quốc.

Nổi tiếng nhất trong những áp phích Giấc mơ Trung Quốc có ảnh tượng của một cô bé mũm mĩm,nghiêng đầu  mơ màng của người nặn tượng họ Trương.Bên dưới là một bài thơ đúc kết ước mơ cá nhân và đất nước:

Ôi Trung Hoa
Giấc mơ của ta
Một giấc mơ hoa

Tác giả của bài thơ này là Nhất Thanh (Yi Qing/), bút danh của Tạ Liễu Thanh (Xie Liuqing /谢柳青). Ông Thanh là một biên tập viên của tạp chí Thế giới Hán ngữ (汉语世:Hán ngữ Thế giới) và chủ tịch Blog nổi tiếng của Trung Quốc Salon (中国名博: Trung Quốc danh bác Sa Long), một blog trao đổi chủ yếu với các vấn đề dân tộc và được đăng kí dưới trang web chính thức của Bộ tuyên truyền. Thanh cũng viết kịch và nhạc kịch, tất cả đều ca ngợi đảng và đặc biệt là Mao. Vài chục tác phẩm của ông dựa trên những sự kiện lịch sử lớn đã được xuất bản, dựng thành phim hoặc chương trình truyền hình, hay trình diễn ở nhà hát. Một số bài viết trên blog của ông đã được đăng trên tờ Cầu Thị (求是: Tìm kiếm điều đúng), tạp chí tư tưởng chính của đảng.

Ở một mức độ, ông Thanh có thể chỉ đơn giản là xem như là một nhân viên mù quáng của chính quyền, nặn ra chất liệu cho chiến dịch mới nhất của nhà nước. Nhưng khi tôi đến thăm ông vào năm 2013, câu chuyện của ông hóa ra là thú vị hơn, và phát hiện ra những kĩ thuật tuyên truyền tinh vi được đảng cộng sản sử dụng trong thập niên 2010 để tạo ra một hệ tư tưởng có thể liên kết chủ nghĩa cộng sản với những giá trị truyền thống.

Ông Thanh mời tôi đến phòng làm việc của ông. Hóa ra đó là một phòng tại khách sạn Ordos ở Bắc Kinh. Tôi ngạc nhiên khi biết rằng ông Thanh không có một phòng làm việc phù hợp tại công sở vì ông không phải là quan chức chính phủ như tôi đã tưởng mà chỉ là một nghệ sĩ tự do (freelancer). Chúng tôi trò chuyện một lúc và ông nói với tôi ông gốc ở Hồ Nam, cùng quê với Mao Trạch Đông. Hầu hết các công trình của ông Thanh là nói về Mao, người mà ông ta cho là một anh hùng của Trung Quốc hiện đại. Ông Thanh nói “Bạn có thể chỉ trích ông ấy, nhưng bạn không thể phủ nhận rằng ông ấy quan trọng. Tôi tin chắc điều đó.”

The ‘China Dream’ is the signature slogan of President Xi Jinping.
‘Giấc mơ Trung Quốc’ là khẩu hiệu dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Bloomberg / Bloomberg qua Getty Images
Tham gia với chúng tôi có thêm Trương Gia Bân (Zhang Jiabin/张嘉斌), một biên tập viên của nhà xuất bản Hồng Kì, một công ti của đảng cộng sản vừa xuất bản một bộ sưu tập của các áp phích, và cũng là thơ của Tạ Liễu Thanh. Ông Thanh cho chúng tôi xem một đoạn video ngắn của một buổi lễ ca tụng các áp phích Giấc mơ Trung Quốc. Trong clip này, ông Thanh giải thích rằng ông đã nhìn thấy bức tượng dấu ấn cô gái mũm mĩm lúc ở tại một cuộc triển lãm ở khu Hoài Nhu (Huairou/怀柔) Bắc Kinh. Ông đăng nhiều ảnh trực tuyến với một vài câu thơ đối.

Đầu năm 2013, khi ban văn minh, một cơ quan chính phủ, lên kế hoạch cho một chiến dịch quảng bá ý tưởng về giấc mơ Trung Quốc của Tập Cận Bình, họ đã nhìn thấy những bài thơ của Tạ Liễu Thanh cùng hình ảnh của các nhân vật. Ông đã gặp với các quan chức và cùng hợp sức suy nghĩ nẩy ra ý tưởng mở rộng chiến dịch bao gồm nhiều loại hình văn hóa truyền thống, kể cả tranh dân quê và tranh khắc gỗ.

“Họ nói, này, chúng tôi cần nhiều thơ hơn nữa vì vậy tôi chỉ thảo vội ra một cách nhanh chóng và bây giờ chúng hiện lên,” ông nói khi đoạn video kết thúc. “Nó phải là một chiến dịch dài 60 000km. Đó là số kilomet đường cao tốc có ở Trung Quốc - chúng tôi nói đùa rằng phảiphủ nó trên mỗi mét đường”.

Đó khó thể là một sự cường điệu. Thật khó để tránh các áp phích.Có lúc các áp phích cổ xuý các giá trị truyền thống như lòng hiếu thảo ( “trung thực và quan tâm, được truyền lại qua nhiều thế hệ”), lúc khác lại là lòng ngưỡng mộ triệt để đối với đảng Cộng sản ( “cùm dưới chân, còng trên tay / cỏ mạnh chịu được gió to / đảng viên Cộng sản lên đường / núi có thể lay nhưng lòng người không hề chuyển / nhiệt huyết hoà hoa xuân sẽ viết nên lịch sử hôm nay “). Đôi khi chúng chỉ đề cao tinh thần yêu nước hay chủ nghĩa dân tộc (“Đất nước ta tươi đẹp” và “Đó là mùa xuân cho tương lai của cha chúng ta”). Tất cả cho thấy làm sao có đồng minh nào tốt hơn lịch sử đối với chính phủ hiện nay.


Lịch sử được phục hồi

Đôi khi việc lịch sử nổi lên trở lại trong ý thức cộng đồng là không có chủ ý và phi chính trị. Điều này làm tôi chú ý tôi một ngày vào năm 2014 khi tôi đi nghe một buổi nói chuyện tại văn phòng chính của Cục Lưu trữ Quốc gia, bên cạnh Công viên Bắc Hải ở Bắc Kinh. Diễn giả là Lưu Quốc Trung (Liu Guozhong/刘国), giáo sư tại Đại học Thanh Hoa có giọng nói nặng và đôi mắt nhỏ thường biến mất khi ông cười. Ông Trung nói tự do không theo ghi chép sẵn trong 90 phút về một cái gì đó có vẻ mơ hồ nhưng lại dần dần làm lay động giới trí thức Trung Quốc: việc phát hiện bản văn dài 2 500 năm trước đây bị thất lạc.

Các bản văn tiếng Trung xưa nhất được biết đến được gọi là giáp cốt văn. Viết trên mai rùa, chúng thường liên quan đến một phạm vi hẹp các chủ đề: các loại cây trồng nên trồng vào ngày nào, nhà vua có nên phát động một cuộc chiến tranh không? Kết hônra sao? Đi lại thế nào? Thông qua chúng, những mối quan tâm cơ bản của cuộc sống của vua có thể được đong đếm.

Các bản văn mà chúng ta tìm hiểu về chúng ở đây được viết sau hơn một thiên niên kì trên các thẻ tre, chúng có chiều dài bằng đôi đũa. Những bản viết này không mô tả đủ thứ chuyện về cuộc sống của triều đình mà là loại văn bản đầu tiên (ur-text) của văn hóa Trung Hoa. Trong 20 năm qua, ba lô thẻ tre thuộc thời kì này đã được khai quật. Giáo sư Trung ở đó để giới thiệu lô thứ ba - và là lô lớn nhất - của khám phá này, bộ 2 500 thẻ tìm được đã được tặng cho Đại học Thanh Hoa năm 2008.

A guard stands by the illustration of a project to renovate Beijing’s Qianmen street, in 2012.
Một nhân viên bảo vệ bên cạnh ảnh minh họa một dự án cải tạo đường Thiên Môn (Qianmen) của Bắc Kinh, năm 2012. Ảnh: AFP / Getty Images

Dự án này nhằm phân loại và nghiên cứu các thẻ được nhà sử học nổi tiếng nhất của Trung Quốc, Lí Học Cần (Li Xueqin/李学勤) lãnh đạo. Ông Cần đứng đầu nhiều dự án lớn, trong đó có một nỗ lực trong những thập niên 1990 để xác định thời gian các triều đại bán thần thoại cách đây khoảng 5 000 năm, chẳng hạn như Hạ và Thương, được xem như các triều đại sớm nhất trong nền văn minh Trung Quốc. Qua hàng nghìn năm, sự tồn tại của cac triều đại này xem như chuyện hiển nhiên, mặc dù không có văn bản hoặc các tài liệu khảo cổ học liên quan đến một số là có thể truy nguồn được (tính lịch sử của thời nhà Hạ đặc biệt đáng nghi ngờ). Vào đầu thế kì 20, các nhà sử học ở Trung Quốc bắt đầu một phong trào “cổ đại nghi vấn”, chấn vấn sự tồn tại của các triều đại này, khẳng định rằng chúng chỉ đơn thuần là chuyện hoang đường. Việc đó chẳng những là một tranh luận tri thức mà nó còn hơn thế, thách thức cả sự chắc chắn ấp ủ sâu kín trong người Trung Quốc rằng nền văn minh của họ là một trong những nền văn minh lâu đời nhất trên hành tinh, xa xưa như Ai Cập cổ đại. Nỗ lực của ông Cần cốt yếu là đẩy lùi sự hoài nghi này, qua việc sắp xếp các bằng chứng cho thấy các triều đại đó thực sự tồn tại.

Các thẻ tre mà ông Trung mô tả thuộc một thời kì sau đó rất nhiều, nhưng chúng thách thức tính chắc chắn của nền văn hóa Trung Quốc theo những cách có thể sâu sắc hơn. Các bản văn này bắt nguồn từ thời Chiến quốc, một thời đại hỗn loạn ở Trung Quốc kéo dài từ thế kì 5 đến thế kì 3 trước Công nguyên. Tất cả các trường phái tư tưởng chính của Trung Quốc tồn tại ngày nay đều bắt nguồn từ thời kì này, đặc biệt là Lão giáo và Nho giáo vốn là hệ tư tưởng chính trị chiếm ưu thế của đất nước, mà các vị vua và hoàng đế noi theo - ít nhất trên lí thuyết - cho đến thế kỉ thứ 20.

Các thẻ tre làm thay đổi cách chúng ta hiểu về thời kì này. Một số người đã so sánh tác động của nó đối với sự hiểu biết về quá khứ của Trung Quốc với cách mà quá khứ đã được nhìn trong thời Khai sáng của châu Âu, một giai đoạn khi các văn bản cốt lõi của phương tây lần đầu tiên được phân tích như là tài liệu lịch sử thay vì là văn bản được chuyển giao nguyên vẹn từ thời xa xưa. “Như thể đột nhiên bạn có các văn bản bàn luận về Socrates và Platon mà bạn không biết là có tồn tại,” Sarah Allan, giáo sư đại học Dartmouth từng làm việc với ông Cần và ông Trung trong dự án, nói với tôi một vài tháng trước khi tôi nghe ông Trung nói: “Mọi người cũng nói nó giống như các cuộn giấy tài liệu cổ ở biển Chết*, nhưng chúng quan trọng hơn thế. Đó không phải là tài liệu giả mà những văn bản này là từ thời kì khi mà phần cốt lõi của triết học Trung Quốc đang được thảo luận. Chúng đang làm biến đổi sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử Trung Quốc“.

Một trong những ý tưởng đáng ngạc nhiên đi vào trong các văn bản mới là những ý tưởng vốn chỉ được nhắc đến trong các sách kinh điển Nho giáo hiện nay được phát hiện như là trường phái tư tưởng toàn diện thách thức những ý tưởng truyền thống chính yếu. Ví dụ, một bản văn lập luận ủng hộ việc chọn người theo tài đức mạnh mẽ hơnrất nhiều so với được thấy trong các kinh sách hiện đang được biết đến của Nho giáo. Cho đến nay, kinh sách Nho giáo chỉ cho phép việc thoái vị hoặc việc thay thế một nhà cai trị như là điều ngoại lệ hiếm hoi; nếu không phải là cha truyền con nối ngôi vua - một quan điểm theo hướng thành lập và phản cách mạng nhiều hơn. Các bản văn mới lập luận chống lại điều này. Đối với một nhà nước độc tài tự bọc mình trong “truyền thống” để biện minh cho quyền cai trị vĩnh viễn, ý nghĩa của trường phái mới này là tế nhị nhưng thú vị. Allan nói với tôi “Đó không phải là kêu gọi dân chủ mà nó lập luận mạnh mẽ hơn cho việc cai trị dựa trên tài đức thay vì cha truyền con nối.”

Trở lại khán phòng bên cạnh Công viên Bắc Hải, giáo sư Trung tiếp tục nói về những phát hiện mới. Ông phóng các tiêu đề chính của tờ báo trên màn hình. Truyền thông ở Trung Quốc rất quan tâm, ông nói. Sau khi mỗi tập được phát hành, truyền thông Trung Quốc lao vào thảo luận về những phát hiện này, trong khi các blog và những người nghiệp dư cũng cố tự giải thích những phát hiện mới theo cách của mình. Khán giả chăm chú lắng nghe ông Trung khi ông vạch ra lịch trình xuất bản của nhóm Thanh Hoa.

“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có 15 tập nữa, tức là thêm 15 năm nữa - cho đến khi tôi nghỉ hưu”, ông Trung vừa nói vừa cười. “Nhưng lúc đó bạn và những người khác sẽ tranh luận việc này cho đến cuối thế kì này. Nghiên cứu không dứt.”

Giáo sưTrung kết luận và cúi chào khán giả. Ông tiếp tục nói cho tới hết 90 phút được phân bổ còn các nhân viên phụ trách trông cho mau hết để ra về. Ngay khi ông rời bục giảng là họ đã bắt đầu tắt đèn. Nhưng khán giả đổ xô lên sân khấu, dồn dập đưa ra nhiều câu hỏi cho giáo sư Trung. Có một ông từ Hội Nghiên cứu kinh Dịch hỏi họ sẽ xử lí bản văn mới này như thế nào về việc bói toán. Một sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Bắc Kinh háo hức hỏi về ý nghĩa chính trị của sự thoái vị. Giá o sư Trung đã trả lời tất cả lúc phân phát danh thiếp. Khi tờ cuối cùng của chồng danh thiếp phát xong, mọi người bắt đầu chuyển chúng vòng quanh, chụp ảnh danh thiếp của ông với điện thoại di động. Gian phòng bây giờ chỉ được chiếu sáng nhờ ánh sáng lờ mờ của mặt trời mùa đông. Các nhân viên bảo vệ đứng phía sau chờ để khóa cửa nhưng đám đông mấy chục người không để cho giáo sư Trung đi. Đối với họ, ông đã nắm giữ một chìa khóa cho hiện tại: quá khứ.

-----------------------------
 *bộ sưu tập khoảng 981 văn bản khác nhau được phát hiện từ năm 1946 đến 1956 tại 11 hang động ở lân cận khu định cư cổ xưa tại Khirbet Qumran ở West Bank.


Xem thêmPhác thảo lịch sử TQ cho tới giữa nhà Thanh

Bài tiểu luận này được làm gọn từ quyển The Oxford Illustrated History of Modern China (Lịch sử Trung Quốc hiện đại qua hình ảnh của Oxford), sẽ được OUP xuất bản vào ngày 23 tháng 6