Dầu ở vùng biển dậy sóng
Hai công ti dầu khí Trung Quốc cho thấy hai cách tiếp cận tương phản trong nỗ lực tác nghiệp ở biển Đông, nơi mà đối với nỗi lo của các nước láng giềng, yêu sách của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ngày càng trở nên quyết đoán. Hành động của công ti này tạo thêm căng thẳng trong khu vực, trong khi hành động của công ti kia có thể gợi ra một cách để làm dịu bớt chúng.
Tháng 7 năm ngoái Brightoil (光汇石油 – Quang Hối Thạch du), một công ti niêm yết tại Hồng Kông có nhiều quan hệ chính trị cấp cao ở lục địa, mua quyền khai thác đối với 6,2 triệu mẫu Anh (2,5 triệu hecta) đáy biển từ công ti Harvest Natural Resources của Mĩ. Lô mà Trung Quốc gọi Vạn An Bắc 21 (WAB-21, phần thuộc khu vực có tên tiếng Anh là Vanguard Bank [Bãi Tư Chính]), có một lịch sử đầy tranh cãi. Dù nó nằm cách bờ biển Trung Quốc hơn 650 hải lí (khoảng 1200 km) và chỉ cách Việt Nam 200 hải lí, Trung Quốc vẫn khẳng định ‘quyền lịch sử’ đối với khu vực này. Nó nằm gần rìa phía tây nam của đường chữ U “chín đoạn” đánh dấu yêu sách mơ hồ của Bắc Kinh đối với biển Đông (xem bản đồ*).
Trung Quốc đã cấp một giấy phép khai thác dầu ở WAB-21 vào năm 1992. Điều đó xảy ra như một cú sốc, bởi vì đó là lần đầu tiên Trung Quốc yêu sách tài nguyên trên biển Đông ở rất xa bờ biển của họ. Khi tàu Trung Quốc cố khảo sát lô này vào năm 1994, Việt Nam đã phái hải quân ra ngăn chặn. Sau đó Việt Nam đưa một giàn khoan dầu đến khoan ở đó, thì lại đến phiên Trung Quốc áp đặt phong tỏa. Không bên nào có thể rút được dầu lên.
Năm 1996 công ti Dầu khí Benton, tiền thân của Harvest Natural Resources, mua lại quyền khai thác đối với WAB-21 với giá $15 triệu. Harvest không bao giờ có thể khai thát lô này. Thay vào đó, Việt Nam vẽ ra các lô thăm dò riêng của mình trên cùng một khu vực và trao chúng cho công ty Talisman của Canada và ExxonMobil của Mĩ. Trung Quốc coi hành động này là xâm phạm chủ quyền của mình. Bốn năm trước, Bắc Kinh đã tổ chức một đội tàu đánh cá để ngăn chặn và gài bẫy một tàu khảo sát địa chấn làm việc cho Talisman trong khu vực này. Bất chấp điều đó Talisman vẫn tiếp tục, và gần đây đã khoan phần phía nam của WAB-21, trong lô mà Việt Nam gọi là 136/03.
Tuy nhiên, kể từ khi Brightoil nắm lấy quyền đối với WAB-21 (chỉ với giá $3 triệu), Trung Quốc đã phô trương sức mạnh trở lại. Vào cuối tháng 10, giàn khoan Hải Dương 4 của Trung Quốc, được bốn tàu hộ tống, đã tiến hành khảo sát địa chấn ở khu vực này trong hai tuần. Nhà chức trách Việt Nam dường như đã quyết định không kình chống lại, không giống như hồi đầu năm nay họ đã phái hàng chục tàu ra thách thức một giàn khoan dầu của Trung Quốc khoan ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, xa về phía bắc. Quả thực, khi Hải Dương 4 khảo sát WAB-21,Trung Quốc đang tiếp phái đoàn quân sự cấp cao nhất Việt Nam đến thăm Bắc Kinh sau nhiều năm. Chuyến thăm này có ý định hàn gắn những thiệt hại trong quan hệ song phương do sự cố giàn khoan dầu. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tiến hành khảo sát mới có thể làm căng thẳng quan hệ một lần nữa.
Một cách tiếp cận khác trong việc tìm kiếm dầu ở biển Đông xuất hiện cuối năm ngoái. Vào giữa tháng 11 Fosun [Phúc Tinh 复星], một tập đoàn tư nhân lớn ở Trung Quốc, đã mua công ti năng lượng nhỏ của Úc tên là Roc. Có lẽ vô tình, nó cũng đã mua các khu vực tranh chấp ở biển Đông. Trong số rất nhiều lợi ích của mình, Roc có hợp đồng với công ti dầu khí quốc gia khổng lồ của Malaysia, Petronas, khai thác các mỏ ngoài khơi bờ biển Sarawak. Điều quan trọng là mặc dù các mỏ này (được gọi là cụm Balai) nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Malaysia, chúng cũng ở bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc mà Malaysia tranh cãi về tính hợp pháp. Nếu như Fosun tiếp tục giữ nguyên những lợi ích này thì trên thực tế một công ti Trung Quốc thừa nhận yêu sách của Malaysia trong khu vực này của biển Đông với cái giá phải trả là yêu sách của Trung Quốc.
Cả Brightoil lẫn Fosun đều có quan hệ mạnh mẽ với giới chủ chốt chính trị của Trung Quốc. Chủ tịch của Fosun, Guo Guangchang (Quách Quảng Xương), là uỷ viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), một cơ quan tư vấn dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản. Còn Chủ tịch của Brightoil, Sit Kwong-lam (Tiết Quang Lâm), cũng nằm trong CPPCC và là phó chủ tịch của cơ quan thương mại của ngành công nghiệp dầu mỏ do nhà nước chiếm ưu thế. Công ty của ông dường như đang giữ vai trò góp phần vào việc hoạch định chính sách của Trung Quốc ở biển Đông, trong khi Fosun dường như hành động chống lại nó. Tuy nhiên qua việc hợp tác với nhà chức trách Malaysia hơn là chống lại Việt Nam, Fosun thực sự có khả năng đem dầu về cho người tiêu dùng Trung Quốc hơn Brightoil nhiều.
--------------------------------------
* Ghi chú của người dịch: Trong bản đồ trên the Economist đã vẽ đường biên yêu sách không chính thức của VN có điều chỉnh (do PetoVN đưa ra trong thập niên 1980). Đường này có vẻ hơi thái quá nhưng CPVN chưa bao giờ đính chính !!! Nếu dựa vào các văn bản chính thức của VN cũng như các hiệp ước kí kết với các bên liên quan thì phần VN yêu sách trên biển Đông [trừ khu vực từ đường đóng vịnh Bắc Bộ (nối đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị với mũi Oanh Ca, Hải Nam) đến phía Nam quần đảo Hoàng Sa còn mù mờ và khu vực vịnh Thái Lan mới có giải pháp tạm thời] hợp lí hơn nhiều.
Bất chấp Trường Sa thuộc về ai, theo VLIZ thì khu vực mà Tàu gọi là WAB-21 vẫn nằm ngoài trung tuyến của TS về phía EEZ của VN (xem bản đồ bên dưới). Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng đường cơ sở thẳng của VN ở đoạn này cách bờ biển khá xa (có chỗ trên 70 hải lí - đã bị Mĩ phản đối tuy nhiên Malaysia là bên trực tiếp liên quan ngầm chấp nhận qua việc nộp hồ sơ chung với VN cho LHQ năm 2009). Nếu vẽ dừng cơ sở tuân thủ thật đúng theo UNCLOS thì có thể sẽ có phần của khu vực WAB-21 năm ngoài EEZ 200 hải lí.
Chú thích:
- 1: đường phân giới vịnh BB (theo Hiệp định phân giới biển vịnh Bắc Bộ 25/12/2000)
- 2: đường ranh 200 hải lí nối dài (theo Executive Summary 6/5/2009 kèm theo đăng kí thềm lục địa mở rộng cùng với Malaysia 5/2009 gửi UN CLCS)
- 3: đường ranh 200 hải lí (theo Executive Summary 6/5/2009 kèm theo đăng kí thềm lục địa mở rộng cùng với Malaysia 5/2009 gửi UN CLCS)
- 4: đường phân giới biển VN-Indonesia (theo Hiệp ước phân giới thềm lục địa 26/6/2003)
- 5: khu vực phát triển chung của Việt Nam và Malaysia (theo tBản ghi nhớ 5/6/1992)
- 6: khu vực phát triển chung của Viet Nam, Malaysia và Thái Lan (bản ghi nhớ Việt-Malaysia5/6/1992 và bản ghi nhớ Thái-Malaysia 21/2/1979)
- 7: đường phân giới biển Thái - Việt (theo HĐ phân giới biển Thái-Việt 9/8/1997)
- 8: đường Brévié phân chia đảo giữa VN và KPC (theo Hiệp định về vùng nước lịch sử 7/7/1982)
1:, 2', 3', 4': trung tuyến giả định theo VLIZ (với 2', 3' là trung tuyến tương ứng của HS và TS với VN, bất chấp 2 quần đảo này thuộc về nước nào).
- đa giác xanh bao quanh HS [TS] là trung tuyến giả định của HS [TS] với các bên liên quan bất chấp chủ quyền quần đảo này thuộc về ai.
- đương màu hường sát bờ biển VN là đường cơ sở thẳng của VN (theo Tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải 12/11/1982 [trước khi VN tham gia UNCLOS])
No comments:
Post a Comment