Sunday, June 2, 2013

Trung Quốc đang 'trả đũa' việc giám sát trên biển của Hoa Kì?

Is China 'reciprocating' US maritime surveillance?
Rory Medcalf –  The Interpreter (01/06/2013)

Những chuyện hay nhất từ Đối thoại Shangri-la, cuộc họp mặt quốc phòng không chính thức hàng đầu của châu Á, không phải đến từ lời phát biểu công khai của các nhân vật cao cấp như Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. Thật vậy, điều đặc biệt nhất mà tôi nghe nói ở ngày đầu tiên của cuộc đối thoại năm nay ở Singapore là từ một đại tá của PLA tại buổi làm việc về an ninh trên biển.

Trung Quốc bực dọc về sự hiện diện của các tàu và máy bay giám sát ngoài khơi bờ biển trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lí (EEZ) của họ là điều dễ hiểu. Trung Quốc coi điều đó là xấu cho lợi ích nước mình. Xét cho cùng, ngoài những thứ khác người Mĩ có lẽ đang thu thập dữ liệu về các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc có lẽ cũng thấy sự có mặt đang tiếp diễn này là một sự xúc phạm đến niềm tự hào quốc gia của mình, một gợi nhớ về lịch sử bị sỉ nhục bởi các cường quốc nước ngoài.

Do đó, thật ngạc nhiên khi nghe một sĩ quan quân đội Trung Quốc tiết lộ trong cuộc thảo luận mở tại hội nghị hôm nay rằng Trung Quốc đã nghĩ tới việc ‘trả đũa’ bằng cách phái ‘tàu và máy bay đến vùng đặc quyền kinh tế của Mĩ’, và thực tế đã làm như vậy ‘một vài lần' , mặc dù không phải trên cơ sở thường xuyên mỗi ngày (không giống như sự có mặt của Mĩ ngoài khơi Trung Quốc).

Đối với tôi đây là một tin mới. Từ các cuộc thảo luận với một số chuyên gia an ninh hàng hải ở bên lề của hội nghị, hoá ra rằng các tin đồn được lan truyền trong một khoảng thời gian qua về việc Trung Quốc phái tàu làm nhiệm vụ tới các vùng biển ngoài khơi lãnh thổ nước Mĩ - không phải Hoa Kì lục địa mà có lẽ là Hawaii và cũng có thể là Guam. Tuy nhiên, ai cũng có thể nhớ đây là lần đầu tiên điều này được nêu ra công khai.

Nói chính xác, viên chức Trung Quốc không nói rõ là các tàu Trung Quốc (và / hoặc máy bay) đã thu thập thông tin tình báo hay chúng chỉ mạo hiểm tới gần lãnh thổ Hoa Kì để thể hiện một quan điểm chính trị thôi. Nhưng hình như là bất thường nếu chúng bỏ lỡ cơ hội thực hiện việc giám sát. Và ông ta quả đã nói "trả đũa".

Tại sao phát hiện này là quan trọng? Có vài lí do. Thứ nhất, nó có thể tương đương với sự khởi đầu của việc Trung Quốc hiểu được rằng cách diễn giải Công ước LHQ về Luật Biển của họ có thể không có lợi trong dài hạn. Cách giải thích đó cho rằng tự do hàng hải không bao gồm quyền tiến hành giám sát trong EEZ của nước khác. Hầu hết các nước, trong đó có Mĩ, coi giám sát như một hoạt động hòa bình được công ước cho phép. (Nói rõ hơn, tất cả các nước kể cả Mĩ đều đồng ý rằng thu thập tình báo thời bình trong giới hạn 12 hải lí lãnh hải bất cứ nước nào khác là một điều hoàn toàn không chấp nhận được.)

Vì các lợi ích kinh tế và chiến lược , và khả năng hải quân của Trung Quốc đều ngày càng vươn ra xa khỏi bờ biển họ, nên có lẽ một số người trong cơ quan an ninh Trung Quốc đang đoán trước lợi ích tương lai từ việc nước của chính họ có quyền hợp pháp thu thập thông tin tình báo trong EEZ của các nước khác. Nhưng hiện nay, nếu Trung Quốc quả thực đang tiến hành bước đột phá thỉnh thoảng giám sát trong EEZ của Mĩ, thì họ mâu thuẫn với chính cách giải thích của mình về luật biển.

Hơn nữa, nếu Trung Quốc thừa nhận rằng họ đang bắt đầu cạnh tranh với Mĩ trong trò chơi của chính họ, thì điều này không phải không đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng Hải quân Mĩ sẽ không bị thuyết phục để từ bỏ việc giám sát trong vùng biển Đông Á hay sao? Các sự cố như vụ quấy rối tàu USNS Impeccable vào năm 2009 thường được cho là một phần của một chiến dịch nhằm đẩy lùi người Mĩ. Bây giờ Trung Quốc có nhận ra rằng chiến dịch đó đã thất bại và rằng họ cần phải thử một chiến thuật mới hay không?

Nếu có, điều đó có thể giúp giải thích tại sao so với một vài năm trước đây Trung Quốc có vẻ ít có ý định theo đuổi các cuộc va chạm nguy hiểm với tàu và máy bay Mĩ- sự cố có thể dễ thấy sẽ leo thang thành đối đầu, thậm chí xung đột.

Điều đó cũng có thể giúp lí giải tại sao các cuộc đàm phán về giảm bớt nguy cơ hàng hải và các cuộc đối thoại quân sự hai bên giữa Trung Quốc và Mĩ dường như đang đạt tiến bộ. Nếu Trung Quốc thật sự đang bắt đầu thử nghiệm với các chuyến đi của tàu do thám của họ tới những hòn đảo của Mĩ ở Thái Bình Dương , thì hóa ra đó có thể lại là tin tốt cho tất cả mọi người.

No comments: