Friday, June 21, 2013

Động lực tranh chấp biển Đông

East Aisa Forum (16/06/2013)
Donald R. Rothwell, ANU


Quyết định do Tòa Công lí Quốc tế (ICJ) đưa ra ngày 19 tháng 11 năm 2012 trong vụ Nicaragua kiện Columbia có một số tác động đối với tranh chấp biển Đông, đặc biệt là về tình trạng (status) của các thể địa lí biển đang tranh chấp theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (LOSC).


Trong vụ Nicaragua kiện Colombia, Tòa Công lí Quốc tế được yêu cầu phán quyết về chủ quyền đối với một số đảo và thể địa lí biển (maritime feature) trong vùng biển Caribê mà Nicaragua lẫn Colombia đều tuyên bố chủ quyền, về các khu vực biển mà các thể địa lí biển đó được quyền có và về ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) / thềm lục địa được sinh ra. Phán quyết của Tòa Công lí Quốc tế khảo sát kĩ một loạt các vấn đề không những có nhiều điểm tương đồng với các khía cạnh của các tranh chấp đảo và biển ở biển Đông mà còn thiết lập một tiền lệ đối với việc giải thích luật lệ quốc tế có liên quan. Đặc biệt, Tòa Công lí Quốc tế xem xét định nghĩa theo luật quốc tế về đảo và thể địa lí biển liên quan, quyền chúng có được đối với khu vực biển, và ảnh hưởng của các thể địa lí này lên việc phân định ranh giới trên biển giữa hai nước cùng tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực biển. Có ý nghĩa đặc biệt đối với các tranh chấp ở biển Đông là cách mà tòa đã xử lí các khu vực biển Colombia được hưởng trong vùng biển Caribê nằm liền ngay cạnh bờ biển Nicaragua và cách bờ biển Colombia một khoảng xa.

Phần VIII của LOSC chi tiết hoá ‘Chế độ đảo’, trong đó có các quy định có ý nghĩa lớn đối với biển Đông. Điều 121 (1) định nghĩa đảo là ‘một khu đất hình thành tự nhiên, có nước bao bọc xung quanh và nằm trên mặt nước khi triều cao. Do đó, đảo nhân tạo không đáp ứng tiêu chí này. Các mỏm đá, bãi ngầm hoặc rạn san hô nhìn thấy được lúc triều thấp không phải là đảo theo Điều 121 (1) đối với các mục đích của LOSC. Các đảo theo Điều 121 (1) quan trọng ở chỗ chúng có thể tạo ra quyền đối với một số khu vực biển. Một ngoại lệ áp dụng đối với trường hợp đảo có những đặc điểm của đảo đá (rock), các đảo đá này ‘không thể duy trì được việc cư trú của con người hoặc một đời sống kinh tế riêng’. Những thể địa lí này không được hưởng quyền có thềm lục địa hay EEZ. Ở biển Đông việc phân biệt giữa đảo, đá và mặt bằng triều thấp (low tide elevation) có ý nghĩa lớn hơn bởi vì có nhiều thể địa lí biển đang có tranh chấp, và một vài nước có yêu sách đang cố xây lên trên các thể địa lí này các cấu trúc như các mặt sàn (platform), đèn biển và chỗ trú nhỏ để cố duy trì yêu sách lãnh thổ của họ và tạo khả năng để những thể địa lí biển này có các đặc điểm như là đảo theo Điều 121 (1).

Một đặc điểm chính trong vụ Nicaragua kiện Colombia là các thể địa lí biển trong các vùng biển tranh chấp, kể cả các thể địa lí ngoài khơi là một hỗn hợp đảo, rạn đá, đảo cát nhỏ, bãi cạn, bãi ngầm và đảo san hô. Một vấn đề then chốt dùng làm ngưỡng đối với Tòa Công lí Quốc tế là khả năng các thể địa lí này có được phép cho chiếm hữu hay không. Tòa án đã tái khẳng định những nguyên tắc đã được xác lập về mặt này qua việc vạch rõ rằng các đảo, thậm chí các đảo rất nhỏ, thì được phép lấy làm sở hữu, còn các mặt bằng triều thấp thì không thể bị lấy làm sở hữu trừ khi chúng nằm trong lãnh hải (tức là có thể yêu sách chủ quyền đối với đảo nhưng đối với mặt bằng triều thấp thì không – ND)

Trong việc rút ra kết luận về tầm quan trọng của quyết định Nicaragua kiện Colombia cho biển Đông, cần phải hết sức cẩn thận do tình trạng địa lí biển rất đặc biệt này đang được xem xét lại. Tuy nhiên, có thể đưa ra các kết luận chung sau đây. Thứ nhất là Tòa Công lí Quốc tế đã tiến hành phân tích pháp lí để xác định xem liệu một vài thể địa lí biển đó có là đảo theo Điều 121 (1), hay chỉ là đảo đá hoặc mặt bằng triều thấp. Thứ hai là Tòa Công lí Quốc tế sẽ xem xét một loạt các vấn đề có liên quan đến các đảo trong đánh giá của mình về những trường hợp nào là thích đáng sau khi vẽ đường ranh cách đều tạm thời (equidistance line) hay còn gọi là đường ranh trung tuyến (median boundary line). Đối với mục đích đó, kích thước của các đảo và tác động làm sai lệch có thể có của nó lên ranh giới biển là những yếu tố sẽ được xem xét.

Trong bối cảnh biển Đông phán quyết này chắc chắn sẽ gợi ra rằng, ngay cả khi chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo tranh chấp và các thể địa lí biển liên quan đã được giải quyết một cách rốt ráo, thì khả năng các yêu sách biển rộng lớn do các thể địa lí này sinh ra vẫn có thể sẽ bị thoả hiệp. Điều này hoặc do các thể địa lí này không phải là đảo theo Điều 121 (1), hoặc do chúng sẽ có tác động làm sai lệch các ranh giới trên biển dựa trên các yêu sách biển cạnh tranh từ vùng đất lục địa hay đảo không bị tranh chấp.

Một hiện thực hoá về cách mà toà án quốc tế đang xử lí những vấn đề này như thế nào có thể có tác động tới cách mà một vài nước trong các bên tranh chấp biển Đông nhìn các khẳng định về lãnh thổ và biển của mình. Đặc biệt đây sẽ là trường hợp phải xem xét nếu có một hiện thực hoá về khả năng rất giới hạn về một số thể địa lí biển hiện đang tranh chấp tạo ra EEZ hay thềm lục địa theo Điều 121 (1), hoặc thậm chí nếu những thể địa lí đó đã tạo ra quyền đối với một vùng biển, khả năng chúng gây ảnh hưởng đáng kể đến hướng đường ranh giới biển giữa các nước lục địa hay quần đảo. Một phán quyết khách quan như thế về tình trạng của các thể địa lí này cuối cùng có thể có tác động đến nền địa chính trị hiện nay trong khu vực, và có thể tác động như một chất xúc tác cho các cách giải quyết tranh chấp kể cả việc đạt tới các thoả thuận về ranh giới trên biển.

Donald R. Rothwell là giáo sư luật quốc tế tại trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Úc. (ANU)

No comments: