Monday, June 10, 2013

Mĩ phớt lờ các tranh chấp biển đảo ở châu Á là liều lĩnh


Donald Gross, Pacific Forum CSIS

Đối với hầu hết người Mĩ, các yêu sách mâu thuẫn của các nước châu Á đối với các đảo nhỏ ở biển Hoa Đông và biển Hoa Nam (biển Đông) là một màn diễn phụ làm phân tán sự chú ý khỏi những vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng hơn ở Syria, Afghanistan, Bắc Triều Tiên và các nơi khác. Nhưng nhiều sự kiện gần đây cho thấy rằng việc Hoa Kì bỏ qua những tranh chấp biển đảo là đánh liều.


Hôm 9 tháng 5, một tàu tuần duyên Philippines đã nã súng một tàu đánh cá Đài Loan bị cho là đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trong vụ việc mà Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu gọi là ‘giết người một cách lãnh đạm’, lính Philippines đã bắn chết một ngư dân 65 tuổi trúng đạn ở lưng.

Hậu quả vụ việc đối với hai nước này là rất đáng kể. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III bác bỏ cáo buộc giết người nhưng đã đưa ra một ‘lời xin lỗi cá nhân’ cho vụ việc mà ông cho là ‘không có chủ ý’. Đài Loan bác bỏ lời xin lỗi và cáo buộc Philippines ‘thiếu chân thành và không đáng tin cậy’ trong việc hợp tác  điều tra. Trong khi đó, Đài Loan phái tàu hải quân đến khu vực để bảo vệ ngư dân của mình.

Phản ứng chính thức của Hoa Kì nhiều lắm là chỉ ở mức tối thiểu, với việc người phát ngôn của Bộ Ngoại giao tuyên bố rằng Hoa Kì 'hi vọng [Philippines] sẽ tiến hành’ điều tra, trong lúc đó đại sứ Mĩ tại Philippines cho biết ‘chúng tôi biết những điều này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán . ... Chúng tôi vui mừng rằng họ sẽ giải quyết những việc này như những nền dân chủ giải quyết với nhau.’

Câu hỏi thực sự là liệu Hoa Kì có thể an nhiên tự tách mình ra khỏi cuộc xung đột giữa hai đồng minh này hoặc thậm chí khỏi cuộc tranh chấp gây tranh cãi hơn giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku / Điếu Ngư hay không.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ngư dân chết đó là một người Trung Quốc bị giết vì ‘rủi ro’ và ‘không có chủ ý’ là do lực lượng hải quân Nhật Bản? Hoặc chuyện gì sẽ xảy ra nếu tàu hải tuần của Trung Quốc ở biển Đông bắn chết một nhân viên Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản? Thậm chí tệ hơn, Mĩ sẽ làm gì nếu một cuộc đụng độ chết người xảy ra giữa máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản và máy bay của Trung Quốc?

Hoa Kì đã trở thành con tin của chính sách cứng rắn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, kẻ đã ma mảnh sử dụng cuộc tranh chấp đảo để kích động tình cảm dân tộc và củng cố vị thế chính trị trong nước của ông ta.

Trong tình huống xảy ra cuộc đối đầu với tàu hoặc máy bay tuần tra của Trung Quốc, Abe đã thể hiện rõ rằng Nhật Bản sẽ phản ứng quyết liệt - có nghĩa là, họ sẽ bắn trước và hỏi sau - để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản. Điều đó có khả năng sẽ lôi kéo lực lượng quân sự Mĩ vào để hậu thuẫn cho Nhật Bản, dựa trên cách giải thích hiện tại của chính quyền Obama về nghĩa vụ của Mĩ theo hiệp ước phòng thủ Mĩ-Nhật - mặc dù Mĩ không công nhận chủ quyền pháp lý của Trung Quốc hay của  Nhật Bản đối với các đảo tranh chấp.

Thật kém may mắn nếu Hoa Kì phải bị bó vào việc bảo vệ yêu sách của Tokyo đối với các đảo mà họ có được bằng chinh phục trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1895.
Một tình huống tương tự xảy ra vào năm 2004 khi Đài Loan thực hiện những hành động có thể kích động một cuộc chiến tranh với Trung Quốc và lôi kéo Hoa Kì vào bởi nghĩa vụ của hiệp ước. May mắn là chính quyền Bush đã cảnh báo Đài Loan kiềm chế hành vi hung hăng của họ và tránh được một cuộc xung đột.

Không thiếu các đề xuất từ các chuyên gia chính sách, ở Hoa Kì và Châu Á, về cách làm thế nào để giảm bớt, tháo ngòi và cuối cùng là giải quyết các tranh chấp về đảo ở biển Hoa Đông và biển Hoa Nam. Chuyên gia Richard Bush của Brookings đã viết một cách sâu sắc về những cách để ngăn chặn các tình huống 'bi thảm' mà ông tin rằng có thể xảy đến giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong tranh chấp đảo. Chuyên gia cao cấp Mark Valencia của Nautilus đã vạch ra các quy định chi tiết cho một Bộ quy tắc ứng xử để giảm nguy cơ xung đột ở biển Đông.

Tôi đã lập luận rằng có thể đạt tới một giải pháp  nếu Mĩ thương lượng để Trung Quốc rút tất cả các lực lượng của họ hiện đang can dự vào việc tuần tra lãnh thổ Nhật Bản ra khỏi một khu vực an ninh xác định xung quanh Nhật Bản. Trong bất kì trường hợp nào, tất cả các nước có dính dáng tới các tranh chấp đảo đều nên nộp yêu sách của mình cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển phân xử. Cho đến nay chỉ có Philippines theo đuổi cách tiếp cận thứ hai này.

Sự thật đáng buồn là các đề xuất của chuyên gia sẽ không ra tích sự gì nếu quốc gia hiện đang chế ngự khu vực châu Á - Thái Bình Dương – là Hoa Kì - vẫn tiếp tục nhìn hướng khác khi mối đe dọa về xung đột vũ trang nghiêm trọng đối với các đảo nhỏ nẩy nở ra. Bày tỏ ‘hi vọng’ và đưa ra ‘khuyến khích’ cho các nước châu Á tự giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp khó khăn này là không xứng đáng với một đất nước có sức mạnh chính trị, ngoại giao và quân sự để thúc đẩy và đạt tới giải pháp cho xung đột. Không cần phải nói, một thái độ chủ yếu là né tránh cũng ít có tác dụng củng cố vị thế của Mĩ trong khu vực.

Donald Gross là thành viên cao cấp tại Diễn đàn Thái Bình Dương, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao, và là tác giả của The China Fallacy: How the US Can Benefit from China’s Rise and Avoid Another Cold War (Kẽ hở về Trung Quốc: Mĩ có thể hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và Tránh Một cuộc chiến tranh lạnh khác như thế nào) (Bloomsbury, 2013).

No comments: