Saturday, February 25, 2023

THỜI KỲ XUNG ĐỘT THẤP (1990-2008)_ Lê Oa Đằng (Ch, V)

 

CHƯƠNG V

THỜI KỲ XUNG ĐỘT THẤP (1990-2008)

Từ cuối những năm 1980 đến năm 2000 là thời kì then chốt trong cục diện phát triển của Nam Hải (biển Đông). Trong giai đoạn này có 4 sự kiện lớn nảy sinh, tác động trực tiếp đến hướng đi của vấn đề biển Đông.

Thứ nhất, “Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển quốc tế” (gọi tắt là “Công ước”) được thông qua năm 1982 và chính thức có hiệu lực năm 1994. “Công ước” quy định phương pháp dùng dụng đất liền để yêu sách lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, từ đó dẫn đến tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế giữa các nước liên quan đến biển Đông, dựa theo Luật biển.

Thứ hai, sau Chiến tranh lạnh, Mĩ rút quân trú đóng tại Philippines khiến khu vực biển Đông rơi vào tình trạng chân không quyền lực. Trung Quốc nhanh chóng thay thế Mĩ, trở thành thế lực lớn nhất tại biển Đông, nhưng vẫn không đủ sức lấn áp các nước ASEAN đang có tiếng nói chung về vấn đề biển Đông.

Thứ ba, Trung Quốc đề ra chính sách mục lân (thân thiện với láng giềng), đồng thời nêu quan điểm gác tranh chấp lãnh thổ, do đó xung đột biển Đông lắng xuống.

Thứ tư, năm 2002, Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”, tạo sự đảm bảo cho tình hình biển Đông tạm thời yên ắng.


V.1. Chiến tranh lạnh kết thúc và việc Mĩ, Liên Xô rút khỏi biển Đông

Sau Chiến tranh lạnh, thế giới chia thành hai phe đối lập. Trong thời kì Chiến tranh Việt Nam (những năm 1960, 1970), biển Đông đột nhiên trở thành tuyến đầu trong đối kháng Mĩ - Xô. Sau khi rút khỏi Chiến tranh Việt Nam, tuy không còn nhòm ngó đến Việt Nam Cộng hòa tại bờ Tây biển Đông, song Mĩ vẫn giữ căn cứ quân sự tại Clark và vịnh Subic thuộc bờ đông Philippines. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, Liên Xô thuê cảng Cam Ranh của Việt Nam, tạo nên thế đối lập giữa Mĩ với khu vực biển Đông. Trong những năm 1980, Liên Xô tăng cường xây dựng Cam Ranh thành căn cứ quân sự bên ngoài lớn nhất của Liên Xô.

Năm 1989, cả thế giới chú ý tới sự kiện mồng 4 tháng 6 (Thiên An Môn - ND) xảy ra tại Trung Quốc. Các nước phương Tây đồng loạt chỉ trích cuộc đàn áp của chính quyền Cộng sản, đồng thời thi hành chính sách phong tỏa ngoại giao và cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Sự kiện đó đã khép lại giai đoạn trăng mật giữa Trung Quốc và Mĩ trong những năm 1980. Tiếp đó, tại Liên Xô và các nước Đông Âu liên tục nổ ra phong trào dân chủ. Các nước Đông Âu lật đổ thành công chính quyền Cộng sản, bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1990, hai nước Đức thống nhất, đánh dấu sự kết thúc của hệ thống Yalta sau Chiến tranh.

Ngày 19/8/1989, phái bảo thủ và quân đội Liên Xô phát động cuộc chính biến, giam giữ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của phái cải cách, đứng đầu là Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Nga Boris Yeltsin, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô đều lên tiếng ủng hộ Gorbachev, tuyên bố Đảng Cộng sản là chính đảng phi pháp tại tại các nước cộng hòa. Cuối cùng, lực lượng chính biến buộc phải thả Gorbachev. Tuy nhiên, danh tiếng Yeltsin khi đó đã vượt qua Gorbachev, Liên Xô giải thể là không tránh khỏi.

Ngày 25/12/1991, tất cả các nước cộng hòa đều tuyên bố độc lập, Liên Xô chính thức giải thể. Cuối cùng, Chiến tranh lạnh kết thúc bằng thắng lợi của thế giới tự do.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Trung Quốc và Việt Nam là hai trong số ít ỏi các nước theo chế độ XHCN. Bắt đầu từ cuối những năm 1970, Trung Quốc và Việt Nam luôn nằm trong tình trạng chiến tranh, Liên Xô là nước giúp đỡ lớn nhất của Việt Nam. Sau khi Liên Xô giải thể, Việt Nam đột ngột mất nguồn viện trợ lớn, còn Trung Quốc rơi vào tình trạng bị thế giới cô lập. Hai nước quyết định chấm dứt Chiến tranh biên giới kéo dài và làm dịu quan hệ. Theo đó, đàm phán vấn đề biên giới và Vịnh Bắc Bộ bắt đầu được khởi động. Tuy nhiên, tình trạng đối đầu trên các đảo thuộc biển Đông vẫn không thể hòa giải.

Tình hình an ninh của Philippines trước những năm 1990 là rất tốt. Mặc dù Trung Quốc tiến quân vào Trường Sa, nhưng hoạt động chủ yếu chỉ diễn ra ở phía Tây Trường Sa, không dám tiến gần phía Đông Trường Sa và đảo Hoàng Nham (Scarborough) thuộc Philippines. Nguyên nhân chủ yếu là vì Mĩ có hai căn cứ lớn tại nhóm đảo của Philippines: căn cứ không quân trên đảo Clark và căn cứ hải quân trên đảo Subic. Đó vừa là những cứ điểm hoạt động quân sự quan trọng của Mĩ ở Châu Á, vừa là điểm bảo đảm an ninh hiệu quả cho Philippines.

Sau khi Liên xô giải thể, Nga mất thực lực đối kháng với Mĩ tại biển Đông. Đầu những năm 1990, Nga rút khỏi Vịnh Cam Ranh với quy mô lớn, chỉ để lại số ít quân nhân kĩ  thuật. Năm 2002, Nga không đủ sức thuê tiếp Vịnh Cam Ranh nên đã rút toàn bộ quân khỏi đây. biển Đông dần trở thành sức mạnh độc quyền của Mĩ. Dù vậy, Mĩ không có lí do, cũng không nhất thiết phải tiếp tục ở lại biển Đông, vì thế Mĩ bắt đầu thu hẹp chiến lược tại khu vực Đông Á, có quan điểm cho rằng Mĩ nên rút quân khỏi Philippines.

Căn cứ Clark lần đầu tiên bị bỏ trống. Bụi nham thạch núi lửa xảy ra năm 1991 xóa sạch thêm dấu vết căn cứ Clark. Tuy nhiên, Mĩ vẫn nuôi ý đồ tiếp tục giữ căn cứ Subic khoảng 10 năm sau sự kiện này. Hiệp ước thuê căn cứ Subic vốn được Mĩ và Philippines được kí vào 16/9/1966, quy định rằng căn cứ sẽ được cho thuê trong 25 năm, và kết thúc vào 16/9/1991. Do đó, nếu quân đội Mĩ muốn tiếp tục ở lại vịnh Subic thì phải kí hiệp ước mới.

Tổng thống Philippines Aquino khi đó đã sớm nhận ra rằng, sự hiện diện của quân đội Mĩ là nhân tố cực kì quan trọng đối với an ninh Philippines. Vì vậy, bà hết sức ủng hộ việc tiếp tục cho Mĩ thuê căn cứ quân sự và năm 1991 đã đạt được thỏa thuận với Mĩ trong việc gia hạn thời hạn thuê thêm 10 năm.

Nhưng vào lúc đó, lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Philippines đã trỗi dậy mạnh mẽ. Hiệp ước căn cứ quân sự Mĩ - Philippines vốn do Tổng thống và Chính phủ chịu trách nhiệm, nhưng sau khi Tổng thống Marcos bị lật đổ vào năm 1987, Philippines đã sửa đổi Hiến pháp, theo đó Điều 18 phần 24 (section 24, article XVIII) quy định: sau khi Hiệp ước thuê căn cứ quân sự Mĩ - Philippines kết thúc vào năm 1991, hiệp ước mới phải do Quốc hội phê chuẩn. Điều đó có nghĩa là dành chỗ để cho Quốc hội tham gia vào Hiệp ước căn cứ quân sự Mĩ - Philippines.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc Philippines có truyền thống chống Mĩ từ lâu. Sau Chiến tranh lạnh, tình hình an ninh Philippines được cải thiện, không còn nguy cơ có tính cấp bách, lực lượng dân tộc chủ nghĩa càng cho rằng không cần thiết phải có sự hiện diện của quân đội Mĩ tại căn cứ quân sự. Phái chống Mĩ lúc đó còn bao gồm bộ phận theo Marcos trước kia : trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1987, nhóm Aquino ủng hộ dân chủ đã từng nhận được sự trợ giúp của Mĩ, lật đổ người có thế lực quân sự mạnh là Marcos. Nhóm người cũ và nhóm trục lợi bất mãn với Mĩ cũng gia nhập đội ngũ chống Mĩ.

Nhưng nhóm dân tộc chủ nghĩa lại xem nhẹ vấn đề an ninh quốc gia mà lẽ ra họ phải quan tâm nhất. Sau Chiến tranh lạnh, an ninh Philippines phụ thuộc Mĩ trong suốt thời gian dài, nền quân sự tự thân rất yếu kém, thậm chí yếu kém nhất trong các nước Đông Nam Á. Hơn nữa, Philippines còn có những tranh chấp lãnh thổ với nước khác chưa giải quyết xong, chẳng hạn như quần đảo Nam Sa, đảo Hoàng Nham (Scarborough) và Sabah (với Malaysia), thậm chí có người trong nhóm dân tộc chủ nghĩa còn đưa yêu sách đối với Guam và quần đảo Bắc Mariana thuộc quyền kiểm soát của Mĩ. Khi còn sự hiện diện của Mĩ thì các nước không dám dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực đối với Philippines, nhưng không thể kì vọng điều đó nếu Mĩ rút đi.

Đối với người Philippines, một bước ngoặt tâm lí đã xảy ra vào năm 1998. Một trăm năm trước, phong trào đòi độc lập đã dấy lên ở Philippines, nhân thời cơ từ cuộc Chiến tranh Mĩ - Tây Ban Nha, Philippines đã thành lập chính quyền và tuyên bố độc lập. Nhưng sau khi cuộc chiến Mĩ - Tây Ban Nha kết thúc, Tây Ban Nha đã nhượng Philippines cho Mĩ và Mĩ nhanh chóng chinh phục Philippines, loại bỏ chính quyền Philippines. Phái dân tộc chủ nghĩa coi đây là nỗi nhục dân tộc và quốc gia. Vì thế, nhân dịp kỉ niệm 100 năm phong trào đòi độc lập, phái dân tộc chủ nghĩa coi việc đuổi sạch “đế quốc” Mĩ khỏi Philippines mang ý nghĩa tượng trưng rất lớn. Nhóm dân tộc chủ nghĩa Philippines khăng khăng đòi Mĩ phải rút quân hoàn toàn khỏi Philippines trước năm 1998 và Hiệp ước thuê chỉ kí kết thêm tối đa 7 năm. Vốn dĩ, 7 năm và 10 năm không khác biệt nhiều. Nhưng vấn đề là, nếu giới hạn là 10 năm, thì có khả năng gia hạn căn cứ ở Philippines, nhưng nếu giới hạn là 7 năm, thì việc Mĩ rút hoàn toàn khỏi Philippines vào năm 1998 trở thành điều được định trước – không có chút cơ hội Philippines kí lại thỏa thuận gia hạn hợp đồng thuê ngay vào năm kỉ niệm 100 năm độc lập.

Bởi vậy mà tranh chấp về 3 năm này đã trở thành tiêu điểm. Một mặt, phái dân tộc chủ nghĩa tiếp tục đòi hỏi Mĩ phải rút toàn bộ quân khỏi Philippines, thể hiện việc Philippines “hoàn toàn độc lập”; mặt khác, họ giải thích hiệp ước thuê 10 năm là một hành động khiêu khích của Mĩ đối với lễ kỉ niệm 100 năm độc lập của Philippines. Chẳng hạn, Roland Simbulan, một nhà cánh tả nổi tiếng và là giáo sư tại Đại học Philippines, tin rằng: người Mĩ quá tham lam, chỉ vì 3 năm ngắn ngủi mà đối đầu với người Philippines, rốt cục mất đi 7 năm thuê đất, quả là tham bát bỏ mâm.

Mọi tuyên bố của phái tả đều cho rằng, việc quân đội Mĩ trú đóng tại Philippines chỉ có lợi cho Mĩ, Philippines cho Mĩ thuê căn cứ chỉ là hành động nhận bố thí. Sớm hay muộn Mĩ cũng phải rút khỏi Philippines, vậy thì rút sớm 3 năm có can hệ gì ?

Philippines không thiếu người có tầm nhìn toàn cục một cách lí tính. Bà Aquino đích thân xuống đường tham gia biểu tình tìm kiếm sự ủng hộ, thậm chí có lần tính tới phương thức trưng cầu ý dân. Bộ trưởng Ngoại giao Raul Manglapus cũng chỉ ra rằng việc thông qua hiệp ước này sẽ tăng cường đáng kể quan hệ Mĩ-Philippines và cuối cùng là đảm bảo sự ổn định chính trị và kinh tế của Philippines. Nghị sỹ Franklin Drilon cũng cho rằng, nếu phản đối việc thông qua hiệp ước, cũng có nghĩa phát đi một tín hiệu mạnh nhưng sai lầm tới Mĩ và điều này cuối cùng sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Philippines.

Nhưng những suy nghĩ lí tính và thực tế đó cũng không thể ngăn cản nổi khẩu hiệu yêu nước của phái dân tộc chủ nghĩa. Phái này đã kích động nhiệt huyết của dân chúng, và làm lung lay lập trường của những thành viên Quốc hội ban đầu ủng hộ hiệp ước. Ngày 10/9/1991 đã có 50 000 người biểu tình đòi bác bỏ đàm phán. Trong ngày Quốc hội bỏ phiếu, 170 000 người đã dầm mưa tập trung trước cửa Quốc hội, tạo áp lực chính trị cực lớn đối với các nghị sĩ tham gia bỏ phiếu. Cuối cùng, với tỉ lệ phiếu 12/11, chỉ với 1 phiếu sai biệt, Quốc hội Philippines đã bác bỏ việc đàm phán gia hạn hiệp ước thuê căn cứ quân sự. Kết quả này khiến Mĩ khá ngỡ ngàng và thất vọng, do trước đó đã nhận định rằng hiệp ước thuê đất có thể được thông qua, và dẫn đến việc không thể không rời khỏi căn cứ hải quân trên Vịnh Subic. Như vậy là một lần nữa trên vùng biển Đông không có lực lượng quân sự Mĩ. Không có căn cứ quân sự của Mĩ ở Philippines, liên minh quân sự Mĩ – Philippines không có đảm bảo vật chất nào, về cơ bản chỉ là lời trên giấy. Phái dân tộc chủ nghĩa lạc quan quá mức về nền an ninh quốc gia, kế hoạch hiện đại hóa hải quân do Bộ trưởng Quốc phòng đề xướng khi đó bị gác lại.

Không lâu sau đó, Philippines phải nếm mùi cay đắng.


V.2. “Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển” được kí kết và có hiệu lực

Ngày 28/9/1945, Tổng thống Mĩ Harry S. Truman ban bố lệnh hành chính, quy định Mĩ có quyền tài phán và kiểm soát đáy biển thuộc thềm lục địa ngoài 3 hải lí tính từ bờ biển, ý tưởng này đã khiến các nước tranh nhau làm theo, trong đó có nước thậm chí còn đưa ra yêu sách lãnh hải 200 hải lí. Để giải quyết vấn đề phân chia quyền lợi trên biển, Liên Hiệp quốc đã triệu tập Hội nghị về Luật biển lần thứ nhất, kí kết “Công ước Luật biển Geneva”. Công ước này được tạo thành từ 4 Hiệp ước: “Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp”, “Công ước về thềm lục địa”, “Công ước về vùng biển quốc tế” và “Công ước về đánh cá và Bảo tồn Tài nguyên Sinh vật trong vùng biển quốc tế”. Khi đó, Đài Loan tham gia Hội nghị này với tư cách là đại diện của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc, và phê chuẩn “Công ước về thềm lục địa” năm 1970. Bắc Kinh chưa giành được ghế hợp pháp tại Liên hiệp quốc nên không tham gia Hội nghị lần này.

Hội nghị Liên hiệp quốc về Luật biển lần thứ hai được tổ chức nhưng không có tiến triển đáng kể. Hội nghị Liên hiệp quốc về Luật biển lần thứ ba được tổ chức vào năm 1973, kéo dài trong 9 năm, đến tháng 12/1982, với 130 phiếu tán thành, 4 phiếu chống và 17 phiếu trắng, Hội nghị đã đạt được “Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển quốc tế” (sau đây gọi tắt là “Công ước”). Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị, đoàn đại biểu Trung Quốc đều tích cực tham gia công việc thẩm định các vấn đề thực chất liên quan đến luật biển và đưa ra 3 văn kiện làm việc.

Lập trường của Trung Quốc trong Hội nghị về Luật Biển chủ yếu là: 1) kiên định bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc; 2) ủng hộ yêu cầu của các nước đang phát triển, phản đối bá quyền biển gây thiệt hại cho lợi ích của nước khác. Trung Quốc giữ thái độ phê phán và phủ nhận “Công ước Luật biển Geneva”, cho rằng Công ước này được “xây dựng trên cơ sở luật biển cũ, theo chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bá quyền”. Ngày 3/3/1972, khi tham gia Hội nghị toàn thể Ủy ban đáy biển, đoàn đại biểu Trung Quốc lần đầu tiên phát biểu, nêu rõ lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề quyền trên biển, tuyên bố kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa do các nước Mĩ La Tinh dẫn đầu, nhằm bảo vệ quyền trên 200 hải lí, bảo vệ nguồn tài nguyên biển của nước mình. Nếu phân chia một cách đơn giản các nước tham gia thảo luận “Công ước” thành hai nhóm lớn (nhóm ven biển và nhóm quyền trên biển) thì thái độ Trung Quốc rõ ràng thuộc nhóm bảo vệ quyền lợi của các nước ven biển.

Ngày 30/4/1982, khi tiến hành biểu quyết “Công ước”, Trung Quốc bỏ phiếu tán thành, đồng thời ngày 10/12 cùng năm, trong buổi họp cuối cùng của Hội nghị, Trung Quốc đã cùng 116 quốc gia và 2 thực thể chính trị khác kí “Công ước” và “Văn kiện Hội nghị Liên hiệp quốc về Luật biển quốc tế lần thứ 3”. Về tổng thể, Trung Quốc hài lòng với “Công ước”, chỉ còn thể hiện thái độ “không hoàn toàn thỏa mãn” về 3 phương diện :

(1) Về chế độ tàu quân sự đi qua vùng lãnh hải, “Công ước” “quy định rất không rõ ràng”. Điều 21 trong “Công ước” quy định tàu quân sự có thể đi qua vô hại lãnh hải của các nước ven biển. Trung Quốc và 27 quốc gia khác đưa ra đề xuất sửa đổi Điều 21, yêu cầu bổ sung quy định các nước ven biển có quyền dựa theo luật pháp và quy định của mình yêu cầu tàu chiến nước ngoài đi qua lãnh hải phải được sự phê chuẩn hoặc phải thông báo cho nước sở tại trước. Tuy nhiên, đề nghị này bị nhiều nước phản đối nên không được ghi vào “Công ước”.

(2) Về định nghĩa thềm lục địa. Trung Quốc chủ trương sau cụm từ “mở rộng đến” trong khoản 1 điều 76 cần thêm 3 chữ “không vượt quá”; trong khoản 3 thêm 3 chữ “tính thông thường”, nhằm tăng thêm mức chuẩn xác và khoa học của “Công ước”.

(3) Về điều khoản bảo lưu và trình tự cưỡng chế mang tính ràng buộc của “Công ước”. Điều 287 “Công ước” quy định: 

Khi kí, phê chuẩn Công ước hoặc tham gia Công ước, hoặc tại bất kì thời điểm nào sau đó, một quốc gia được quyền tự do lựa chọn hình thức tuyên bố bằng văn bản, theo một hay nhiều biện pháp sau đây để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước: (a) Tòa luật biển quốc tế thành lập theo quy định tại Phụ lục VII; (b) Tòa án quốc tế (International Court of Justice); (c) Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo quy định tại Phụ lục VII; (d) Tòa trọng tài đặc biệt thành lập theo quy định tại Phụ lục VIII để giải quyết một hay nhiều tranh chấp được liệt kê trong đó.

“Công ước” cũng quy định:

Khi quốc gia kí kết là một bên trong tranh chấp mà không có đưa ra tuyên bố hợp lệ sẽ được coi là đã chấp nhận thủ tục trọng tài theo quy định tại Phụ lục VII. Nếu các bên tranh chấp cùng chấp nhận một thủ tục giải quyết tranh chấp, thì tranh chấp đó có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục đã thống nhất, trừ phi các bên có thỏa thuận khác.

Trung Quốc cho rằng, “về nguyên tắc, quy định như vậy không được chúng tôi nhất trí”. Bởi vì Trung Quốc kiên định lập trường, tranh chấp liên quan đến luật biển giữa các nước phải do các bên trực tiếp đàm phán giải quyết, nếu tự nguyện, cũng có thể đưa ra cơ quan trọng tài giải quyết, nhưng không thể chấp nhận quyền tài phán bắt buộc của cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế.

Điều 309 “Công ước” còn quy định: “Công ước không chấp nhận bảo lưu, cũng không chấp nhận các ngoại lệ ngoài những điều khoản thể hiện rõ sự cho phép tại Công ước”. Nhưng Trung Quốc “không đồng ý bất cứ tình huống thực tế nào cũng không được bảo lưu, như vậy sẽ dẫn đến việc làm phương hại chủ quyền và quyền lợi hợp lí của các nước cũng như ảnh hưởng đến việc tiếp nhận rộng rãi các điều khoản của Công ước”.

Cho dù có những điểm không hài lòng, nhưng Trung Quốc vẫn kí và sau đó đã phê chuẩn công ước. Điều đáng nói đến là một số khái niệm là nguyên nhân lớn gây tranh cãi ở biển Đông sau này như: chủ quyền lịch sử, chế độ đảo, đường cơ sở quần đảo và đường cơ sở thẳng… Trung Quốc đều không đưa ra phản đối. Đại biểu tham gia đàm phán Lăng Thanh sau này suy ngẫm lại và cho rằng: năm đó Trung Quốc không tính toán kĩ  đến mối liên quan giữa “Công ước” với Trung Quốc, quá nhấn mạnh đến việc chống chủ nghĩa bá quyền, chỉ khi ‘Công ước’ được thông qua và cần được phê chuẩn trong nước, thì mới có người đưa ra kiến nghị bảo lưu điều khoản về quyền và lợi ích 200 hải lí, nhưng khi đó đã ở trong thế cưỡi lưng cọp.

Ngoài Trung Quốc ra, các bên tranh chấp biển Đông đều tham gia Hội nghị và phát huy vai trò quan trọng, đồng thời đều là thành viên kí “Công ước”. Với tư cách là các quốc gia quần đảo, Philippines và Indonesia đều ủng hộ mở rộng quyền lợi biển, đặc biệt là chế độ quần đảo, nên là những nước đầu tiên phê chuẩn công ước ngay sau khi được kí kết. Những bên khác đều lần lượt phê chuẩn Công ước quốc tế này trong những năm 1990. Năm 1994, Guinea phê chuẩn “Công ước”, nâng số nước phê chuẩn “Công ước” đạt mức 2/3 số nước tham gia Hội nghị, “Công ước” chính thức có hiệu lực. “Công ước” đã đưa ra các nguyên tắc rõ ràng đối với cho các tranh chấp biển quốc tế, việc thảo luận và giải quyết các tranh chấp ở biển Đông trong khuôn khổ của Công ước đã trở thành một chuẩn mực quốc tế mới.

Bên cạnh việc đưa ra những hướng dẫn và cách thức giải quyết các tranh chấp biển đảo, “Công ước” đồng thời cũng làm cho những xung đột tiềm ẩn nhanh chóng thể hiện rõ. Ngày 25/2/1992, căn cứ vào “Công ước”, Trung Quốc đã soạn thảo “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, trong đó điều 2 quy định:

Lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ đất liền và nội thủy nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Lãnh thổ đất trên cạn của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bao gồm đại lục Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các đảo ven biển, Đài Loan cùng các đảo phụ thuộc bao gồm cả đảo Điếu Ngư trong đó, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa (Pratas), quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa (Macclesfield); quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và toàn bộ các đảo khác thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Vùng nước ở phía đất liền của đường cơ sở lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nội thủy của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc liệt kê các đảo thuộc Trung Quốc theo luật pháp. Quy định này, đặc biệt là quy định về quần đảo Nam Sa đã gây lo ngại đối với các nước ASEAN, trở thành một trong những nguyên nhân để các nước ASEAN ra “Tuyên bố chung ASEAN” (xem phần V.7).

V.3. Đề xuất chính sách gác tranh chấp

Sau sự kiện 4/6/1989, điều kiện quốc tế hết sức bất lợi cho Trung Quốc, các nước phương Tây, đứng đầu là Mĩ và Liên minh Châu Âu phê phán gay gắt vụ thảm sát dân thường của Chính phủ Trung Quốc, thực hiện cấm vận kĩ  thuật cao và vũ khí đối với Trung Quốc, nhóm nước G7 đóng các khoản vay cho Trung Quốc. Trước đó, hàng năm, Quốc hội Mĩ phê duyệt đều đặn các khoản ưu đãi đặc biệt cho Trung Quốc, tuần trăng mật trong quan hệ Trung – Mĩ từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách đã kết thúc. Hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã cũng khiến Trung Quốc bị cô lập, không nguồn viện trợ.

Để thoát khỏi tình trạng bất lợi về ngoại giao, Trung Quốc đã đề ra một số chiến lược ngoại giao mới.

Trước tiên là thao quang dưỡng hối (韜光養晦: giấu sáng phô tối [giấu mình chờ thời]) , được Đặng Tiểu Bình khái quát bằng 16 chữ:thiện ư thủ chuyết, quyết bất đương đầu, thao quang dưỡng hối, hữu sở tác vi” (善於守拙、決不當頭、韜光養晦、有所作爲: giữ kín điểm yếu, quyết không đối đầu, giấu mình chờ thời, tạo sự khác biệt). Tư tưởng hạt nhân là chuyên chú vào phát triển, không phô lộ chỗ mạnh. Ngoại giao Trung Quốc chuyển sang trạng thái mềm mỏng, lấy phát triển kinh tế và giao lưu kinh tế làm cốt lõi trong quan hệ đối ngoại.

Thứ hai là coi trọng ngoại giao với các nước láng giềng và đề xuất chiến lược “mục lân” (睦隣: láng giềng thân thiện – ND). Đầu những năm 1990, Trung Quốc cải thiện và thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước lân cận. Trung Quốc kết thúc cuộc chiến tranh biên giới kéo dài 10 năm với Việt Nam, đồng ý giải quyết tranh cãi về vấn đề hoạch định biên giới trên đất liền và trên biển bằng phương thức hòa bình. Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước Đông Á, bao gồm Hàn Quốc (1992), Singapore (1990), Indonesia (1990) và Brunei (1991). Trung Quốc còn tích cực phát triển13 quan hệ với Nhật Bản. Năm 1990, Thủ tướng Nhật Bản Toshiki Kaifu tuyên bố nối lại các khoản vay cho Trung Quốc tại cuộc họp G7. Ngày 10/8/1991, Kaifu thăm Trung Quốc, mở đầu cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Chính sách mục lân này đã cải thiện cục diện ngoại giao cô lập của Trung Quốc.

Bằng hai lối tư duy này, Trung Quốc bắt đầu cũng bắt đầu kiềm chế đà bành trướng tại biển Đông kể từ những năm 1980 đến nay và chủ trương “giải quyết hòa bình” vấn đề biển Đông, không sử dụng vũ lực. Trên cơ sở đó, Trung Quốc nêu chính sách “các trí tranh nghị, cộng đồng khai phát” (擱置爭議,共同開發: gác tranh chấp, cùng khai thác). Tháng 8/1990, nhân chuyến thăm Singapore, Thủ tướng Trung Quốc Lí Bằng lần đầu tiên đề cập đến chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong vấn đề Trường Sa. Lí Bằng nêu rõ, “Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước Đông Nam Á tích cực khai thác quần đảo Nam Sa, trước mắt cần gác vấn đề chủ quyền sang một bên”. Tháng 12 cùng năm, Lí Bằng nhắc lại chủ trương này trong chuyến thăm Malaysia. Năm 1991, Chủ tịch Trung Quốc Dương Thượng Côn lại lần nữa nhắc tới chủ trương này khi đến thăm Indonesia. Cuối năm 1992, trong chuyến thăm Việt Nam, trước câu hỏi về “vấn đề bãi Vạn An”, Lí Bằng đã nêu lại chủ trương này một lần nữa.

Trên thực tế, khi hai nước Trung – Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc đã cố ý tránh nói tới vấn đề đảo Điếu Ngư. Sau khi kí hòa ước với Nhật Bản, tháng 10/1978, trong cuộc họp báo nhân dịp trao văn bản kí kết, Đặng Tiểu Bình đã nói tới chính sách gác tranh chấp đối với đảo Điếu Ngư (Sankaku): “Vấn đề này cần gác lại, không nên gấp gáp, đợi 10 năm sau cũng không can hệ gì. Thế hệ chúng ta còn thiếu tri thức, bàn về vấn đề này cũng không thể đạt được nhận thức chung, thế hệ sau thông minh hơn chúng ta, nhất định họ sẽ tìm ra phương cách hai bên cùng chấp nhận được”. Ngoài ra, khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Philippines trong những năm 1970, Trung Quốc giữ thái độ mềm mỏng trước việc Philippines mở rộng Nam Sa, điều này cũng được coi là biểu hiện của việc gác tranh chấp.

Chính sách gác tranh chấp của Trung Quốc bên trong và bên ngoài có sự khác biệt: tuyên truyền trong và ngoài nước là “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng trong nội bộ Chính phủ lại là “chủ quyền tại ngã, các trí tranh nghị, cộng đồng khai khai khai phát (主權在我, 擱置爭議,共同開發: chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”. Trong cách tuyên truyền của Trung Quốc, chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” là một cử chỉ thiện chí rất lớn. Tuy nhiên, xem ra không phải như vậy.

Thứ nhất, mặc dù khi tuyên truyền đối ngoại, Trung Quốc tránh nói “chủ quyền tại ngã”, nhưng các nước xung quanh đều nhận thấy, chấp nhận gác tranh chấp đồng nghĩa với việc ngầm chấp nhận tiền đề “chủ quyền tại ngã”, do đó phản ứng của các nước hết sức thận trọng. Điều cần chỉ ra là, tại Hội nghị biển Đông lần thứ ba năm 1992 (xem phần V.7), Vụ trưởng Vụ Điều ước, Bộ ngoại giao Trung Quốc Đường Thừa Nguyên đã nói rõ phương châm 12 chữ “chủ quyền quy ngã, các trí tranh nghị , liên hợp khai phát” (主權歸我, 擱 置爭議, 聯合開發: chủ quyền thuộc về ta, gác lại tranh chấp, liên kết khai thác), có thêm và nhấn mạnh 4 chữ “chủ quyền quy ngã”, trước khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố “phương châm 8 chữ”. Có thể thấy, Trung Quốc có ý đồ muốn các nước chấp nhận tiền đề “chủ quyền tại ngã” trá hình dưới dạng chấp nhận “gác tranh chấp”.

Thứ hai, phần lớn quần đảo Trường Sa do các quốc gia khác kiểm soát và các quốc gia này đã đầu tư vào việc phát triển các khu vực giàu dầu mỏ trong nhiều năm. Trung Quốc vừa không kiểm soát được những khu đó, vừa không có đối tác đầu tư. Vì vậy, đối với các nước, nói “cùng khai thác” chẳng khác nói “cùng được chia phần”. Hơn nữa, Trung Quốc cũng không hề có ý định cho Việt Nam cùng khai thác những địa điểm tranh chấp đang do họ kiểm soát, chẳng hạn như quần đảo Hoàng Sa.

Thứ ba, lời hứa gác tranh chấp của Trung Quốc thực sự cũng khiến các quốc gia ven biển cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng Trung Quốc có thực tâm gác tranh chấp hay không vẫn là một nghi vấn. Trong Hội nghị lần thứ hai về xử lí xung đột tiềm ẩn tại biển Đông, đại biểu các nước đều lo lắng với cái gọi là gác tranh chấp, vì có thể đây chỉ là một biện pháp thích nghi của Trung Quốc (xem phần V.7). Quả đúng như vậy, một khi tình thế ngoại giao lắng xuống Trung Quốc lại tiếp tục bành trướng với “sự kiện bãi Vạn An (bãi Tư Chính) và bãi Mĩ Tế (đá Vành Khăn)”, nhưng việc bành trướng không còn thông qua vũ lực để đạt tới.

Ngoài ra, Trung Quốc luôn chủ trương rằng vấn đề biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các nước liên quan, đồng thời phản đối “quốc tế hóa vấn đề biển Đông” nhằm chống lại sự can thiệp của “các nước ngoài khu vực” (chủ yếu là Mĩ).


V.4. Bắt đầu cuộc tranh cãi về đường 9 đoạn

Từ năm 1947 khi Trung Quốc đề ra đường đứt đoạn cho đến đầu những năm 1990, họ chưa bao giờ nói rõ hàm nghĩa của nó. Sau khi thoát qua Đài Loan, Chính phủ Quốc dân vẫn tiếp tục sử dụng quy định “phạm vi lãnh hải 3 hải lí” ban hành năm 1931 trong một thời gian dài. Mãi đến năm 1976, Bộ Nội chính Đài Loan mới tập hợp thành viên từ các ngành ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, giao thông, tư pháp, hành chính,... để thành lập nhóm chuyên trách về lãnh hải lâm thời để nghiên cứu việc mở rộng phạm vi lãnh hải và xây dựng vùng đặc quyền kinh tế. Năm 1979, Lệnh số 5046/Đài thống(1)/Tổng thống(68) của Tổng thống Đài Loan tuyên bố “mở rộng lãnh hải nước ta thành 12 hải lí và thành lập vùng kinh tế biển 200 hải lí”. Đây chỉ là nguyên tắc, không có khả năng thi hành trên thực tế khi đường cơ sở trên biển chưa được xác định. Tuy nhiên, khi xác định phạm vi đường cơ sở, Đài Loan không thể tránh khỏi 3 điểm khó: vấn đề đảo Điếu Ngư (Sankaku), vấn đề biển Đông và vấn đề đường ven biển của đại lục. Năm 1980, Đài Loan đã hoàn thành công tác nghiên cứu xác định điểm cơ sở đối với Đài Loan và đảo Đông Sa, nhưng việc công bố đã bị hoãn lại theo lệnh của tổng thống; năm 1989 hoàn thành việc xác định điểm cơ sở vùng bờ biển đại lục, nhưng do quan hệ hai bờ phức tạp nên Viện Hành chính tiếp tục gác lại. Trong những năm 1980, xung đột nghề cá giữa Đài Loan và các nước lân cận (chủ yếu là với Philippines và Nhật Bản) ngày càng căng thẳng, nhưng do chưa có luật về vùng biển nên không có cách nào xác định khu vực kinh tế biển và biện pháp xử lí. Vì vậy, tháng 4/1989, Bộ Nội chính khởi động lại công việc nghiên cứu xác định điểm cơ sở, đường cơ sở lãnh hải, đồng thời soạn thảo “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp của Trung Hoa Dân quốc, và Luật vùng đặc quyền kinh tế và rạn san hô đại lục của Trung Hoa Dân quốc (gọi tắt là 2 Luật). Sau 8 lần triệu tập Hội nghị Nhóm công tác “nghiên cứu xác định điểm cơ sở, đường cơ sở lãnh hải, vùng kinh tế biển và luật biển nước ta”, phương án đường cơ sở lãnh hải đã được giao cho nhóm chuyên trách Bộ Nội chính. Ngày 17/9/1990, nhóm chuyên trách triệu tập Hội nghị lần thứ nhất để “Xem xét việc mô phỏng yêu sách vùng nước lịch sử trong Luật quốc tế cho khu vực biển Đông, và việc chọn dùng ranh giới truyền thống để phân định lãnh hải nước ta”, Phó Côn Thành chủ trương coi đường chữ U này là “vùng nước lịch sử”. Mặc dù nhóm chuyên trách nhận thức rằng, “vùng biển bao quanh đường nhiều đoạn này tương đối rộng, nếu công bố ra bên ngoài có thể dẫn đến tranh cãi với các nước láng giềng, nên phải đợi có lí lẽ mạnh để tranh luận về chứng lí”, nhưng cuối cùng vẫn thông qua quyết nghị “Tiếp tục sử dụng ranh giới quốc gia truyền thống làm phạm vi vùng nước lịch sử của nước ta, và đối với đường cơ sở của 3 quần đảo Trung Sa, Tây Sa và Nam Sa, thì lấy đường cơ sở thông thường tại các đảo/ đá nổi trên mặt nước làm đường cơ sở lãnh hải. Từ ‘lãnh hải’ dùng trong chuyên đề đều được đổi thành ‘vùng nước lịch sử’”. Đây chính là văn bản nội bộ sớm nhất coi đường 9 đoạn là vùng nước lịch sử. Hội nghị Nhóm chuyên trách lần thứ hai xác định 109 điểm cơ sở trên 3 quần đảo Macclesfield, Hoàng Sa và Trường Sa, và đường cơ sở thông thường qua 109 điểm đó. Do số lượng đảo/ đá trong các tư liệu bản đồ không thống nhất nên chỉ lấy số lượng đảo/ đá được phát hiện đến hiện tại làm chuẩn, nếu sau này có biến đổi thì sẽ lấy số lượng biến đổi làm chuẩn.

Qua 23 hội nghị Nhóm công tác, 8 hội nghị của các cơ quan phối hợp và 2 hội nghị của Nhóm chuyên trách, 2 Luật đã được sửa đổi đến 4-5 lần. Điều 4 bản khởi thảo Luật lãnh hải sớm nhất quy định “vùng nước lịch sử Trung Hoa Dân quốc và phạm vi xung quanh nó do Viện Hành chính công bố”. Trong bản sửa đổi lần thứ hai, một ghi chú được thêm vào bên dưới lời văn:

1/ Việc xác định rõ vùng nước lịch sử của nước ta và phạm vi xung quanh nó do Viện hành chính công bố. 

2/ Vùng nước lịch sử như các bằng chứng lịch sử đã chỉ ra, là vùng nước vốn có, được phát hiện và đặt tên sớm nhất, được khai thác và kinh doanh sớm nhất, được quản lí và thực thi chủ quyền sớm nhất, chính là vùng Nam Hải của Trung Quốc.

3/ Xét thấy các đảo thu hồi sau kháng chiến thắng lợi đã được Bộ Nội chính, Bộ Quốc phòng cử người lần lượt tiếp nhận và hoàn tất từ tháng 10 năm Dân quốc thứ 35 (1946) đến tháng 6 năm Dân quốc thứ 36 (1947), bản đồ các đảo đã được đo đạc thực tế, có vẽ ranh giới vùng biển quốc gia, và có công bố bảng đối chiếu tên mới và cũ của các đảo trên biển Đông trong hồ sơ, để đảm bảo quyền chủ quyền và lợi ích của các đảo này và vùng biển xung quanh của nước ta, phải tham chiếu luật lệ của các nước như Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka,... xác định rõ ràng vùng nước lịch sử và phạm vi của nó trong Bộ luật này, đồng thời giao cho Viện Hành chính công bố văn bản.

Tuy nhiên, trong các văn bản sửa đổi và bản dự thảo Luật vùng đặc quyền kinh tế sau này đều không giải thích Đài Loan và các nước có quyền lợi như thế nào tại nơi được gọi là vùng nước lịch sử (chẳng hạn tự do hàng hải và tài nguyên biển), cũng không nói vùng nước này có tương đồng với lãnh hải hay không.

Ngày 1/7/1991, bản dự thảo được chuyển đến Ủy ban pháp quy để thẩm định, và ngày 21/1/1992 báo cáo Viện Hành chính xem xét thảo luận. Trong bản dự thảo này, điều khoản nói về vùng nước lịch sử được điều chỉnh thành Điều 6, nhưng lời lẽ và thuyết giải đều không thay đổi. Trong văn bản chuyển tới Viện Lập pháp sau khi đã được Viện Hành chính phê chuẩn thì phần thuyết giải trong điều 6 được giảm thành 2 điều như sau:

1/ Việc xác định rõ vùng nước lịch sử của nước ta và phạm vi của nó do Viện Hành chính công bố.

2/ Vùng nước lịch sử là vùng nước vốn có, được phát hiện và đặt tên sớm nhất, được khai thác và kinh doanh sớm nhất, được quản lí và thực thi chủ quyền sớm nhất  như được những chứng cứ trong lịch sử cho thấy, chẳng hạn như Nam Hải của nước ta dùng đảm bảo cho quyền chủ quyền của nước ta đối với các đảo ở Nam Hải và các vùng biển xung quanh; vùng nước lịch sử và phạm vi của nó do Viện Hành chính công bố.

Mặc dù Viện Lập pháp thực hiện khẩn trương, nhưng bản dự thảo đã không được đưa vào thẩm định trong nghị trình định kì của Viện Lập pháp trong năm đó, hơn thế còn bị kéo dài thêm vài năm sau. Trong khoảng thời gian đó, ngày 13/4/1993, Chính phủ Đài Loan đã soạn thảo “Cương lĩnh chính sách Nam Hải”, chủ trương như sau: 

Bất luận căn cứ theo lịch sử, địa lí, luật quốc tế hay thực tế thì các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Trung Sa và Đông Sa đều là một phần lãnh thổ vốn có của nước ta, chủ quyền của chúng đều thuộc nước chúng ta. Vùng biển trong đường ranh giới vùng nước lịch sử của biển Đông là vùng biển thuộc quyền quản lí của nước ta, nước ta có quyền lợi toàn bộ”.

Đối với cả hai bên eo biển, đây là lần đầu tiên yêu sách về “vùng nước lịch sử” được đưa ra trong một tài liệu công khai của chính phủ. Trong khoảng thời gian 1993-1995, các bộ ngành Đài Loan đã sử dụng cụm từ “vùng nước lịch sử” trong nhiều trường hợp, điều này đã thu hút sự quan tâm của Mĩ. Ngày 10/5/1995, Quốc hội Mĩ đưa ra tuyên bố về chính sách quần đảo Nam Sa và biển Đông, tựu chung có 5 quan điểm. Điểm thứ 5 nêu rõ:

The United States would however view with concern any maritime claim or restriction on maritime activity in the South China Sea that was not consistent with international law, including 1982 United Nations Convention on Law of the Sea.

(Tuy nhiên, Hoa Kì sẽ xem xét với quan ngại bất kì yêu sách biển hoặc sự hạn định hoạt động trên biển nào ở biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.)

Điều đó đồng nghĩa với việc (Mĩ) phản đối lập trường “vùng nước lịch sử” của Đài Loan. Bộ Ngoại giao Đài Loan lập tức lên tiếng: “Đối với vấn đề quần đảo Nam Sa, lập trường về chủ quyền của nước chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi khi nó liên quan đến chủ quyền vùng biển lịch sử của chúng tôi (cái gọi là đường chữ U), chúng tôi vẫn kiên định lập trường chủ quyền, quyết không thay đổi”. Việt Nam khi đó lập tức phản kháng: Yêu sách chủ quyền của Đài Loan đối với “vùng nước truyền thống hình chữ U” ở biển Đông là vô căn cứ và phi lí, đe dọa tự do hàng hải ở biển Đông và an ninh khu vực. Đây gần như là lời phản đối rõ ràng và sớm nhất đối với vùng nước truyền thống hình chữ U, tuy nhiên các quốc gia khác đã không lên tiếng theo. Trong bối cảnh Đài Loan lúc đó đã mất quan hệ ngoại giao với các quốc gia chủ chốt thì chủ trương do Đài Loan nêu ra không có mấy ảnh hưởng. Học giả Malaysia cho rằng, với thân phận không phải là một quốc gia nên Đài Loan không thể tuyên bố chủ quyền đối với bất kì lãnh thổ nào. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nước không chú ý nhiều đến chủ trương của Đài Loan.

Tuy nhiên, lực cản quốc tế từ phía Mĩ và Việt Nam cũng khiến Đài Loan cảm thấy bị áp lực. Có lẽ vì thế mà Viện lập pháp Đài Loan trì hoãn việc công bố luật. Trên thực tế, tranh cãi về điều 6 liên quan đến chủ quyền lịch sử là rất gay gắt, tuyệt đại đa số các chuyên gia luật Đài Loan đều cho rằng, vùng biển lịch sử không thể thiết lập được theo Luật quốc tế, ngay cả người ban đầu ngả theo khuynh hướng vùng nước lịch sử là Phó Côn Thành cũng cho rằng, đường 9 đoạn là “vùng nước lịch sử mà các chi tiết vẫn chưa được thiết lập đầy đủ”. Từ năm 1995-1996, trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, Trung Quốc tiến hành bắn thử tên lửa đạn đạo tại eo biển Đài Loan, gây xung đột rất lớn với  Đài Loan. Sau đó, lập trường của Chính phủ Đài Loan đối với biển Đông có bước lùi rõ rệt.

Đối diện với vấn đề này, Tổng thống Lí Đăng Huy đã không nhấn mạnh lập trường chủ quyền biển Đông mà đưa ra quan điểm thay đối kháng bằng lợi ích chung, giải quyết tranh chấp bằng đối thoại; bên cạnh đó còn tích cực tìm kiếm cơ hội tham gia các cuộc hội đàm quốc tế về vấn đề này.

Tuy nhiên, việc trì hoãn không ban bố luật đã dẫn đến những bất cập cho Đài Loan, khiến một số nghị viên không hài lòng. Vài năm sau, Lâm Trọc Thủy và nhiều người khác liên tục yêu cầu Viện Lập pháp đưa dự thảo luật vào nghị trình thẩm định. Năm 1996, Phó Côn Thành nêu ý kiến cho rằng, Trung Quốc đã soạn thảo “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp” vào ngày 15/2/1992 và công bố “đường cơ sở lãnh hải lục địa và đường cơ sở lãnh hải quần đảo Tây Sa”, do vậy Đài Loan phải nhanh chóng soạn thảo luật liên quan. Do bị thúc ép nên ngày 27/5/1996, Viện Lập pháp đã triệu tập Hội nghị liên tịch lần thứ nhất để thẩm định dự thảo luật. Trong các phiên thảo luận tại Hội nghị lần thứ tư, điều 6 được tạm bảo lưu, không đưa ra biểu quyết. Ngày 22/10/1997, tại Hội nghị liên tịch lần thứ 5, dưới sự ủng hộ của Ủy ban lập pháp Đảng Dân Tiến, Hội nghị đã ra quyết nghị hủy bỏ điều này, đồng thời giải thích rõ:

Lí do không đưa nội dung liên quan đến vùng nước lịch sử vào Dự luật, theo đề án của Phó Côn Thành và những người khác là vì: Dự luật này là “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp”, nhưng “vùng nước lịch sử” trong Luật quốc tế lại không phải là lãnh hải hay vùng tiếp giáp, vì thế không đưa nội dung này vào Dự luật.

Phó Côn Thành luôn dao động trước vấn đề này: trong dự thảo đầu tiên do ông nêu ra, ông đề nghị xóa bỏ điều luật này, cho rằng xóa bỏ không có nghĩa là buông bỏ điều này, chỉ cần người đứng đầu Chính phủ công khai tuyên bố đó là vùng nước lịch sử cũng đủ. Nhưng trong Hội nghị lần thứ 5, ông ta lại phản đối việc xóa bỏ điều khoản này. Điều đó cho thấy điều khoản đó gây rất nhiều tranh cãi.

Cuối cùng, ngày 30/12/1997 và 2/1/1998, qua 3 lần thẩm định của Hội nghị lần thứ nhất và lần thứ hai, dự luật cuối cùng của hai luật đã được thông qua và được Tổng thống công bố vào ngày 21/1. Từ khi chuẩn bị năm 1979 đến khi công bố năm 1998 phải mất hơn 20 năm. Cả hai dự luật được thông qua đều không có chữ nào nói tới vùng nước lịch sử hay quyền lịch sử. Trong “Đường cơ sở và đường ranh ngoài của vùng tiếp giáp” công bố ngày 11/2/1999, đảo Đông Sa (Pratas) và đảo Hoàng Nham (Bãi cạn Scaborough) đều dùng (khái niệm) đường cơ sở thông thường. Quần đảo Trường Sa được miêu tả như sau:

Toàn bộ các đảo của quần đảo Nam Sa trong đường chữ U truyền thống của nước ta đều thuộc lãnh thổ nước ta, đường cơ sở lãnh hải được vạch hỗn hợp theo đường cơ sở thẳng và đường cơ sở thông thường, tọa độ, tên gọi điểm cơ bản và bản đồ biển sẽ được công bố riêng.

Có thể thấy, Đài Loan khi đó đã buông bỏ quá mạnh chủ trương vùng nước lịch sử, quay sang tuân thủ quy định của Luật biển quốc tế.

Tháng 3/2001, Viện Hành Chính Đài Loan ban hành “Sách trắng về biển”, trong đó cũng không hề nhắc tới vùng nước lịch sử. Ngày 15/2/2005, Viện Nội chính chính thức dừng “Cương lĩnh chính sách Nam Hải”, theo công văn số 09400162932, đánh dấu việc Đài Loan buông bỏ hoàn toàn chủ trương vùng nước lịch sử. Đồng thời, các chuyên gia như Phó Côn Thành chuyển sang nêu cách nói vùng nước bên trong đường 9 đoạn có quyền lịch sử. Từ nhưng năm 1990, giới học thuật Đại lục cũng bắt đầu giải thích vấn đề này (không hẳn không liên quan đến chủ trương của Đài Loan).

Mặc dù rất nhiều chuyên gia tán thành lí luận về đường 9 đoạn là đường quy thuộc các đảo, nhưng cũng có những chuyên gia đề ra thuyết vùng nước lịch sử, thậm chí là thuyết lãnh hải. Trong các trường hợp chính thức, quan chức Trung Quốc cố gắng tránh nói đến tính chất của đường 9 đoạn. Chẳng hạn, tháng 7/1995, trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas và Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kì Tham, khi được hỏi về chủ trương đường 9 đoạn, Tiền Kì Tham đã né tránh trả lời.

Nhưng trong tài liệu thuyết giải đề án (đề nghị phê chuẩn “Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển”), Thứ trưởng Ngoại giao Lí Triệu Tinh nói:

Sau khi phê chuẩn ‘Công ước’, chúng ta vẫn có thể căn cứ vào việc đường đứt đoạn được vẽ từ rất lâu trên bản đồ, và việc ngư dân của chúng ta đã tiến hành hoạt động đánh bắt cá tại vùng biển Nam Sa trong thời gian dài, cùng các quy định về vùng nước lịch sử trong ‘Công ước’ để kiên định bảo vệ quyền lợi biển của chúng ta ở Nam Sa”. Điều 14 “Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” công bố ngày 26/2/1998 quy định: “Bộ Luật này không ảnh hưởng đến quyền lịch sử mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng. Chính phủ Trung Quốc không nói rõ hơn quyền lịch sử ở đây là gì và khác biệt thế nào với vùng nước lịch sử.

Indonesia bỗng nhiên trở thành người hòa giải tranh cãi trong vấn đề biển Đông. Bắt đầu từ năm 1990, “Hội nghị xử lí xung đột tiềm ẩn tại biển Đông” (Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea) được tổ chức định kì mỗi năm một lần. Trong Hội nghị năm 1999, nội dung thảo luận chủ yếu là đường 9 đoạn. Quan chức, chuyên gia, học giả thuộc bộ ngoại giao, bộ quốc phòng, cơ quan nghiên cứu khoa học các nước đều nêu câu hỏi chất vấn về đường 9 đoạn và phản đối chủ trương vùng nước lịch sử, đòi Trung Quốc thể hiện rõ thái độ về đường 9 đoạn. Mặc dù đại biểu tham gia Hội nghị đều với tư cách “cá nhân”, không đại diện cho chính phủ, nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, đó là tiếng nói đại diện cho cộng đồng quốc tế phản đối đường 9 đoạn. Sau đó, ý kiến phản đối và chất vấn đường 9 đoạn không ngừng được đưa ra, đường 9 đoạn nhanh chóng trở thành hạt nhân trong vấn đề biển Đông.


V.5. Từ bãi Vạn An (bãi Tư Chính) đến Vịnh Bắc Bộ - tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những năm 1990

Sự kiện bãi Vạn An

Từ những năm 1980, Trung Quốc bắt đầu hợp tác với nước ngoài tiến hành hoạt động khai thác dầu đáy biển. Ngành dầu khí Trung Quốc lần lượt kí hợp đồng với hơn 40 công ti dầu khí của hơn 10 nước, bao gồm Mĩ, Anh, Pháp, tiến hành thăm dò nguồn dầu khí gần bờ. Nhưng, từ đầu những năm 1980 đến khoảng năm 2000, kết quả khai thác không mấy khả quan. Do không thăm dò được thảm dầu khí lớn nên một loạt công ti nước ngoài tiến hành thăm dò tại khu vực phía bắc biển Đông trước năm 1985 đã lần lượt bỏ đi. 

Năm 1987, công ti khoan thăm dò phương tây đã khoan giếng dầu sâu 500m, gần với kỉ lục thế giới khi đó, nhưng vẫn không thu được kết quả nên đành rời bỏ. Điều Trung Quốc thu hoạch được chỉ là kinh nghiệm và kĩ  thuật, không phải lợi ích thật sự về tài nguyên dầu. Không khai thác được dầu khí gần bờ, Trung Quốc đành để mắt đến khu vực gần quần đảo Trường Sa. Chính trong giai đoạn này, một công ti ít tiếng tăm của Mĩ - Công ti Năng lượng Crestone Energy Co bất chợt tìm đến, khiến Trung Quốc rất vui mừng.

Randall C. Thompson là người bang Colorado Mĩ, gia cảnh nghèo khó, được Sonny Brinkerhoff – chủ Công ti khai thác dầu khí Brinkerhoff Drilling Company giúp cho học bổng theo học tại trường Đại học Colorado. Trong kì thực tập hè, Thompson đã vào làm việc tại một giàn khoan dầu của Sonny Brinkerhoff. Sau khi tốt nghiệp lại vào làm tại Công ti Amoco (Amoco Company), Thompson phụ trách mảng việc liên quan đến luật pháp và đàm phán thủ tục khai thác và thăm dò dầu khí. Sau khi tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm làm việc, Thompson quyết định tự lập nghiệp. Từ số tiền 1 triệu USD đầu tư từ Sonny Brinkerhoff, Randall C. Thompson thành lập Công ti năng lượng Crestone Energy Co và tiếp tục làm công tác đàm phán dầu khí. Năm 1989, Durkee – một nhà đầu tư của Crestone Energy Co khuyên Randall C. Thompson đến Philippines đàm phán thăm dò dầu khí. Thompson đến Manila. Dưới sự trợ giúp của Durkee, sau khi mua lại quyền thăm dò dầu khí của Công ti Lundin Thụy Điển, Thompson lập tức bán lại 40% cho một công ti khác của Philippines, kiếm được món lời kha khá, đồng thời có quyền khống chế khu vực rộng tới 500 000 mẫu Anh, kéo dài từ Palawan đến Malaysia (GSEC 54). Năm 1990, Thompson tiếp tục bán 70% số còn lại cho một công ti của Anh (BP). Tuy nhiên, qua thăm dò, công ti thứ hai chỉ phát hiện được khối lượng rất ít dầu khí, không có giá trị khai thác, do vậy đến năm 1991, Thompson đã rời bỏ giếng dầu, trả lại quyền thăm dò cho Công ti năng lượng Crestone Energy Co. Qua những cuộc mua bán đó, tuy không khai thác được chút dầu khí nào, nhưng Thompson lại phát tài nhờ các giao dịch. Thompson biết rõ, vùng gần bờ của Philippines rất khó tìm được giếng dầu có tiềm năng khai thác nên đã hướng sự chú ý tới khu vực khác trên biển Đông. Trong cuộc đàm phán với giới lãnh đạo của công ti Anh quốc, Randall C. Thompson biết được vùng biển gần của Việt Nam rất có tiềm năng về dầu khí. Ông đã bỏ thời gian vài tuần lễ để nghiên cứu kĩ  các tài liệu liên quan, cuối cùng xác định mục tiêu là khu vực gần bãi Tư Chính.

Bãi Vạn An (Vanguard Bank – Việt Nam gọi là bãi Tư Chính) ở mỏm Tây Nam của đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra, bãi được người Anh ghi nhận từ thế kỉ XIX. Nó là một bãi san hô lớn chìm dưới nước, chiều dài Đông – Tây 63 km, chiều rộng trung bình 11 km, chỗ cạn nhất là 17m. Cũng giống như bãi ngầm Tăng Mẫu (James Shoal: bãi ngầm James -ND), nó là nơi không thể đòi chủ quyền. Về mặt địa lí, do chiều rộng của thềm lục địa bên ngoài bán đảo Đông Dương ở biển Đông hạn chế nên nó không có ý nghĩa về địa chất học.

Nhưng trong “Công ước” thì phạm vi thềm lục địa cũng không bị định nghĩa địa chất học hạn chế, mà là vùng biển có thể vươn tới độ sâu không quá 2000 m. Do vậy, về mặt luật pháp, bãi bãi Tư Chính vẫn nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Năm 1975, Việt Nam Cộng hòa đã từng đấu thầu thăm dò và khai thác dầu khí khu vực biển Đông. Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam đã hai lần ra tuyên bố nhấn mạnh chủ quyền đối với thềm lục địa ven biển vào năm 1977 và 1982. Năm 1988, Việt Nam công bố bản đồ sơ lược về các khu vực dầu khí. Trong những năm 1990, Việt Nam tiến hành đấu thầu thăm dò và khai thác mỏ dầu quy mô lớn, và những mỏ dầu đó cũng đã được vẽ trong sơ đồ đấu thầu. Tuy nhiên, thời kì đó Việt Nam và Mĩ chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, Mĩ cấm vận Việt Nam và Việt Nam cấm các hoạt động thương mại của các công ti Mĩ tại Việt Nam. Thompson đành phải tìm cách khác. Ông ta phát hiện thấy bãi Tư Chính nằm trong khu vực đường 9 đoạn của Trung Quốc nên nẩy ra ý giành quyền khai thác dầu khí từ Trung Quốc. Do đó, tháng 4/1991, Thompson tìm đến Quảng Châu, thăm các cơ quan nghiên cứu khoa học hữu quan và xác định rõ hơn giá trị khai thác dầu tại vùng này. Thông qua các mối quan hệ ở Quảng Châu, ông ta đã nối được quan hệ với giới chức cấp cao tại Bắc Kinh. Cuối cùng, tháng 1/1992, Thompson đã có cuộc đàm phán với Công ti dầu khí Hải Dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC), đề nghị được thực hiện quyền khai thác dầu tại khu vực do ông ta phác thảo.

Khi đó, Crestone Energy Co chỉ là một công ti nhỏ với 4 công nhân, thực chất là “công ti cặp da”, giành quyền thăm dò dầu khí từ các nước, sau đó chuyển nhượng cho các công ti khác. Một công ti cỏn con như vậy, về lí mà nói không thể lọt vào mắt Trung Quốc. Nhưng do nguyên nhân chính trị, Trung Quốc coi đây là cơ hội hiếm hoi vì:

Thứ nhất, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Mĩ và các nước Tây Âu vẫn nằm ở mức thấp do ảnh hưởng của sự kiện 4/6/1989 (Thiên An Môn), nay có công ti Mĩ tìm đến đương nhiên sẽ có tác dụng góp phần khôi phục quan hệ Mĩ - Trung.

Thứ hai, khu vực khai thác lại là bãi bãi Tư Chính, nằm trong tầm kiểm soát của Việt Nam – dù nằm trong đường 9 đoạn nhưng Trung Quốc không có thực quyền kiểm soát. Công việc thăm dò và khai thác sẽ mở rộng quyền kiểm soát biển Đông rất lớn cho Trung Quốc về phía Nam.

Thứ ba, công ti Mĩ tham gia khai thác khu vực Trường Sa sẽ có lợi cho Trung Quốc trong việc mở rộng chủ quyền tại biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn kì vọng Mĩ sẽ bảo hộ lợi ích cho công ti của Mĩ và sẽ đứng về phía Trung Quốc trong các xung đột có thể xảy ra trong tương lai.

Xuất phát từ những tính toán đó, ngày 8/2/1992, Công ti dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc bán quyền thăm dò dầu khí khu vực “bãi Vạn An Bắc 21” (Lô 136-03) cho Thompson chỉ với giá 50 000 USD (Hình 50). Diện tích khu này là 25 155 km2 , phía Đông còn một khu rộng 5 076 km2 có thể xem là khu diện tích mở rộng. Trung Quốc cung cấp thông số địa chính đã có, bảo lưu quyền khai thác 51% sau này.

Nhưng Thompson đã tiến hành thăm dò nhiều hơn và còn ứng trước kinh phí. Trung Quốc hứa sẽ cho hải quân bảo vệ hoạt động thăm dò để Thompson tiến hành thuận lợi. Hợp đồng hợp tác do Quốc vụ viện Trung Quốc kí ngày 16/5, có hiệu lực chính thức vào ngày 1/6.

Hình 50: Bản đồ khu vực “bãi Vạn An Bắc 21” 

Khi đó, Việt Nam vẽ lô số 133, 134 và 135, 136-03 trùng với lô Vạn An Bắc 21. Ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố lô theo Hợp đồng Vạn An Bắc 21 nằm trong bãi Tư Chính thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của Việt Nam, nằm trên thềm lục địa Việt Nam, Việt Nam có chủ quyền tại đây, “đề nghị phía Trung Quốc dừng ngay hoạt động thăm dò khai thác trái phép của Công ti Crestone Energy Corporation, trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”. Ba ngày sau, Trung Quốc ra tuyên bố bác bỏ yêu cầu của Việt Nam. Ngày 28, Philippines cũng lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, cho rằng hành vi chính trị không giúp ích cho việc giải quyết một cách hòa bình và chính đáng yêu sách chủ quyền không thể khoan nhượng giữa các nước.

Đáng chú ý là, bãi Tư Chính không nằm trong yêu sách chủ quyền của Philippines nên Philippines không có mối quan hệ trực tiếp với bãi Vạn An.

Điều Trung Quốc kì vọng là Mĩ sẽ hỗ trợ công ti của Mĩ cũng không thành hiện thực. Ngày 18/6, người phát ngôn Chính phủ Mĩ Tate Whites tuyên bố Crestone Energy Corporation là công ti tư nhân, Chính phủ Mĩ không thể hiện thái độ đối với Hợp đồng này: “Về tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông, chúng tôi đã thông báo với Công ti Crestone Energy Corporation, vùng biển liên quan đến hợp đồng giữa công ti này với Trung Quốc được phía Việt Nam nói tới là trách nhiệm của Công ti Crestone Energy Corporation”. Đồng thời, phía Mĩ nhấn mạnh, sự có mặt của nhân viên Sứ quán Mĩ tại lễ kí kết Hợp đồng không đồng nghĩa với việc Mĩ ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này, hoặc khuyến khích Công ti Crestone Energy Corporation tiến hành hợp tác.

Mĩ trước nay vẫn giữ thái độ trung lập trong vấn đề chủ quyền biển Đông, do đó tuyên bố này cũng không ngoại lệ. Một nguyên nhân nữa là khi đó đã có dấu hiệu Mĩ bỏ cấm vận Việt Nam, một công ti dầu khí lớn của Mĩ đang tích cực đàm phán với Việt Nam, nhằm sau khi Mĩ bỏ cấm vận sẽ lập tức kí hợp tác với Việt Nam. Công ti này dự định đầu tư hàng chục triệu USD, lớn hơn nhiều so với khoản 50 000 USD của Crestone Energy Corporation.

Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề bãi Tư Chính chưa lớn, bởi khi đó hai nước đều muốn bình thường hóa quan hệ. Ngày 2/12/1992, Thủ tướng Trung Quốc Lí Bằng thăm Hà Nội đã nhấn mạnh lại: “Những vấn đề gai góc như vấn đề Nam Sa, chúng tôi đã nêu chủ trương gác tranh chấp, cùng khai thác”, đồng thời mong muốn giải quyết vấn đề bằng phương thức hòa bình.

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn không dừng trong việc khảo sát bãi Tư Chính. Tháng 5/1993, tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc tiến hành thăm dò thực tế lần thứ nhất. Việt Nam ra kháng nghị yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động. Nhưng lúc đó, kế hoạch khai thác bãi Tư Chính của Việt Nam chưa được triển khai, sự việc nhanh chóng lắng xuống.

Sau khi Chính phủ Mĩ chính thức bỏ cấm vận Việt Nam vào ngày 3/2/1994, Công ti dầu khí Mobil Mĩ cùng với công ti đối tác Nhật Bản kí hợp đồng với Tổng Công ti dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) về quyền thăm dò mỏ dầu Rồng Xanh ngày 19/4. Có thể hình dung rằng, so với một gã khổng lồ như Mobil, một công ti cặp da như Crystal đương nhiên khó có thể nhận được sự ủng hộ của chính phủ Mĩ. Thực ra, việc Mĩ bỏ cấm vận Việt Nam cũng liên quan không ít đến việc vận động hành lang của các công ti lớn loại này. Mỏ dầu Rồng Xanh không chồng lấn nhưng khá gần với bãi Vạn An Bắc 21, và cũng nằm trong đường 9 đoạn của Trung Quốc. Việt Nam khi đó vẫn luôn tích cực thu hút các công ti dầu khí quốc tế khai thác các khu vực chồng lấn với Vạn An Bắc 21. Không kiềm chế được bản thân, vào ngày Việt Nam kí hợp đồng với Mobil, Thompson tuyên bố rằng Crestone Energy Corporation đã tiến hành khảo sát số liệu địa chấn tại lô Vạn An Bắc 21 và được phía Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ.

Ngày 13/4/1994, Crestone Energy Corporation thuê tàu thăm dò “Thực Nghiệm số 2” của Trung Quốc, tiến vào Vạn An Bắc 21. Khi đó có 5 tàu quân sự Việt Nam giám sát tàu “Thực Nghiệm số 2”.

Trưa ngày hôm sau, tàu Việt Nam tiếp tục áp sát tàu Trung Quốc, tiến hành uy hiếp và quấy nhiễu. Ngày 15, Việt Nam lặp lại hành động uy hiếp này. Do sức yếu, tàu “Thực Nghiệm số 2” bị đẩy lùi khi chưa thực hiện được hoạt động đo đạc. Các tàu chiến mà Trung Quốc hứa hẹn điều tới đã không xuất hiện.

Năm 1994, Việt Nam kí hợp đồng với công ti dầu khí của Nga với tỉ lệ vốn 50:50 để khoan thăm dò dầu khí tại khu vực chồng lấn Vạn An Bắc 21. Ngày 17/5, công ti của Nga bắt đầu khoan thử khu vực này. Trung Quốc đưa hai tàu giám sát gần bên, tuy không quấy nhiều trực tiếp nhưng ý đồ của Trung Quốc là ngăn chặn tàu Việt Nam vận chuyển thực phẩm đến giàn khoan. Sau vài tuần liên tục, công ti Nga khoan tới độ sâu 2000 m nhưng không phát hiện được dầu, cuối cùng đã rời khỏi khu vực này.

Các nước ASEAN có nên chấp nhận Việt Nam hay không là vấn đề đã được đề cập trong các cuộc tranh luận, nhưng hai lần đối kháng này giữa Trung Quốc và Việt Nam khiến ASEAN cảm thấy bất an. Sau sự kiện bãi Tư Chính, ngày 11/6, ASEAN đã chủ động tuyên bố sẽ mời Việt Nam tham gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á (xem phần V.7). Nhưng lúc đó, Việt Nam thậm chí còn chưa chính thức đưa ra yêu cầu tham gia tổ chức ASEAN. Ngày 19/6, đúng một ngày sau khi sự kiện khoan thăm dò của công ti Nga được công khai, ASEAN tổ chức Hội nghị bộ trưởng các nước và chính thức gửi lời mời tới Việt Nam. 

Ngày 27/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Sau sự kiện bãi Tư Chính không lâu, việc ASEAN chủ động gửi lời mời tới Việt Nam đồng nghĩa với thái độ ủng hộ của các nước ASEAN đối với Việt Nam trong xung đột tại biển Đông.

Trước tình hình đó, Trung Quốc buộc phải tính toán lại mối quan hệ với Việt Nam ở mức độ cao hơn. Ngày 5/9/1994, Trung Quốc tuyên bố rằng Tổng Bí thư Giang Trạch Dân sẽ đi thăm Việt Nam, đồng thời cung ứng vật tư cho Việt Nam, quan hệ Trung – Việt dịu xuống. Mặc dù sau đó Trung Quốc và Việt Nam tiến hành khẩu chiến về sự kiện Tư Chính , nhưng Trung Quốc đã không tiến hành hoạt động khảo sát lại khu vực Vạn An Bắc 21. Tháng 4/1996, Việt Nam kí hợp đồng khoan thăm dò dầu khí tại vùng chồng lấn khác với Công ti Conoco của Mĩ, tăng cường đáng kể quyền kiểm soát đối với bãi Vạn An. Hợp đồng giữa Trung Quốc với Crestone Energy Corporation đến đó bị gác lại.

Tuy nhiên, hợp đồng Vạn An Bắc trở thành tài sản lớn nhất của Crestone Energy Corporation. Ngày 6/12/1996, Thompson bán lại Crestone Energy Corporation cho công ti Benton, kiếm thêm được món lời to. Sau đó, hợp đồng đã đổi chủ nhiều lần nhưng vẫn không bị hủy. Nếu như mỏ dầu cuối cùng khai thác được, Thompson vẫn tiếp tục được hưởng 4,5% hợp đồng.

Sự kiện Vạn An Bắc bùng nổ chủ yếu bắt nguồn từ hành động bốc đồng của Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc và Việt Nam đã kết thúc cuộc chiến tranh dài ngày giữa hai bên, bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1991. Trung Quốc đang thực thi chính sách mục lân và gác tranh chấp, hơn nữa Việt Nam lại là nước XHCN ít ỏi còn sót lại. Vì thế, sự kiện Vạn An Bắc là không hợp thời. Trung Quốc có lẽ không ngờ Việt Nam lại đáp trả mạnh mẽ như vậy, phán đoán sai lầm này là do lợi ích dầu mỏ và việc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa cám dỗ. Sự kiện này dẫn đến ba hậu quả: một là, đẩy nhanh tốc độ tham gia ASEAN của Việt Nam, thúc đẩy việc hoàn chỉnh ASEAN, tăng cường sức mạnh của ASEAN; hai là, Việt Nam ổn định hơn trong việc cai quản phía Tây đảo Nam Uy (đảo Trường Sa Lớn). bãi Tư Chính bị liệt là một trong số 29 hòn đảo mà Trung Quốc thừa nhận là do Việt Nam kiểm soát “bất hợp pháp”; ba là, từ đó Trung Quốc chuyển việc bành trướng tại biển Đông sang phía Đông. Cũng vì điều này mà chiến trường chính của cuộc xung đột ở biển Đông đã chuyển từ  Trung – Việt sang Trung – Philippines.

Bàn về chủ quyền tại bãi Vạn An (bãi Tư Chính) theo luật pháp

Sau sự kiện bãi Tư Chính, Trung Quốc và Việt Nam đều nhìn lại lí lẽ phía mình. Việt Nam thuê công ti luật Covington and Burling Law của Mĩ viết bản báo cáo dài 29 trang, lập luận bãi Tư Chính là của Việt Nam. Luận điểm chủ yếu là: (1) bãi Tư Chính và các bãi quanh đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí của Việt Nam; (2) bãi Tư Chính cũng nằm trên thềm lục địa của Việt Nam; (3) Căn cứ nguyên tắc phân chia đều nhau của “Công ước Luật biển” lẫn phân chia theo tỉ lệ theo thông lệ thì bãi Tư Chính đều thuộc Việt Nam. Crestone Energy Corporation cũng mời chuyên gia luật biển nổi tiếng của Trung Quốc là Phan Thạch Anh (đã mất) viết một cuốn sách phản bác lại báo cáo nói trên.

Cần tách vấn đề chủ quyền bãi Tư Chính ra mấy tầng bậc để bàn luận:

Trước hết, liệu bãi Tư Chính có thể được đưa vào phạm vi chủ quyền lãnh thổ với tư cách là một phần của quần đảo Trường Sa nói chung hay không. Nếu trả lời là có thì bãi Tư Chính cần được xử lí như một bộ phận quy thuộc quần đảo Trường Sa và như vậy, nó sẽ là vấn đề có bình diện liên quan lớn hơn. Phần lớn lập luận của Phan Thạch Anh là để chứng minh rằng Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Do giới hạn của chương, chúng tôi không thể bàn sâu ở đây.

Nếu bãi Tư Chính không phải là một phần của Trường Sa nói chung để quy vào phạm vi chủ quyền lãnh hải thì Trung Quốc sẽ có thể phải dùng đường 9 đoạn để tiến hành luận chứng sâu hơn. Nếu bãi Tư Chính được quy vào đường 9 đoạn thì đường 9 đoạn sẽ được định nghĩa như thế nào, có hiệu lực luật pháp hay không? Điều đó có hàm nghĩa rằng Trung Quốc có thể có được chủ quyền và tài nguyên khoáng sản, sinh vật trên toàn bộ các đảo, rạn đá, bãi cạn thuộc phạm vi đường này hay không? Đây cũng là điểm quan trọng về luật pháp cần luận chứng đầy đủ. Phần lớn điều trình bày của Phan Thạch Anh cũng nhấn mạnh luận điểm này.

Điều cần thảo luận ở đây là, nếu bãi Tư Chính không thể coi là một bộ phận của Trường Sa để tuyên bố lãnh thổ, cũng không thể dùng đường 9 đoạn để đòi chủ quyền, thì chủ quyền của bãi Tư Chính sẽ được quy thuộc ra sao?

Về mặt lịch sử, bãi Tư Chính do người Anh phát hiện ra. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không có chứng cứ về quản lí hữu hiệu bãi Tư Chính. Nhưng về mặt bản đồ chủ quyền, Trung Quốc chiếm ưu thế hơn Việt Nam chút ít. Năm 1935, trong bản đồ cương vực lần thứ nhất, Trung Quốc không đưa bãi Tư Chính vào “Bảng đối chiếu Anh – Trung tên gọi các đảo ở biển Đông” (中國 南海諸島中英地名對照表: Trung quốc Nam hải chư đảo Trung-Anh địa danh đối chiếu biểu), nhưng các bãi Quảng Nhã (Prince of Wales Bank, lúc đó được gọi theo cách phiên âm là bãi Bilin wu Wei – 比鄰無畏; Tỷ Lân Vô Úy, VN gọi là bãi Phúc Tần-ND); bãi Nhân Tuấn (Alexandra Bank, khi đó gọi là bãi Ai lei sheng da – 埃勒生達; Ai Lặc Sinh Đạt, VN gọi là bãi Huyền Trân-ND); bãi Tây Vệ (Prince Consort Bank, khi đó được gọi theo cách phiên âm bãi Bilin Kang – 比鄰康: Tỷ Lân Khang) (VN gọi là bãi Phúc Nguyên-ND); bãi Lí Chuẩn (Grainger Bank, khi đó được gọi theo cách phiên âm là bãi Ge ling ze - 格陵澤: Cách Lăng Trạch, VN gọi là bãi Quế Đường-ND) gần đó lại nằm trong bảng. Trong số 5 bãi đá ở khu vực này, chỉ thiếu bãi Tư Chính. Mãi đến năm 1947, sau Chiến tranh, bãi Vạn An (Tư Chính) mới được đưa vào “Bảng đối chiếu tên cũ và tên mới các đảo ở biển Đông” (南海諸島新舊名稱對照表: Nam hải chư đảo tân cựu danh xưng đối chiếu biểu), hơn thế nó còn nằm trong phạm vi đường 9 đoạn. Không rõ lí do vì sao bãi Tư Chính không được đưa vào năm 1935, tuy nhiên 4 bãi đá khác đã được đưa vào thì không có lí do gì bãi Tư Chính là điểm gần nhất lại không nằm trong ý đồ chủ quyền của Trung Quốc (có vẻ tg nhầm do trong bảng đối chiếu 1935 bãi Tư Chính được gọi là bãi ‘Tiền Vệ [than]’, dịch từ Vanguard Bank - ND). Hơn nữa, khu vực bãi Vạn An Bắc 21 tuy có tên gọi của bãi Vạn An (Tư Chính), nhưng nó lại không chỉ giới hạn trong bãi Tư Chính mà còn bao gồm một phần của 4 bãi đá nêu trên.

Năm 1933, khi tuyên bố chiếm lĩnh Trường Sa, Pháp chỉ liệt kê các đảo chủ yếu mà không nói rõ chủ quyền, càng không kể đến tên bãi Tư Chính. Do vậy, nếu Việt Nam có ý dùng chứng cứ lịch sử để đưa ra yêu sách chủ quyền thì cũng phải đi theo lập luận bãi Tư Chính là một phần thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, chính Việt Nam đã phủ nhận điều này, quay sang lập luận rằng bãi Tư Chính không thuộc quần đảo Trường Sa. Bởi vậy, nếu như bãi Tư Chính đủ tư cách để được đưa vào chủ trương lãnh thổ thì cơ hội thuộc về Trung Quốc trước.

Nhưng nhìn từ góc độ địa lí, cũng giống như 4 bãi đá khác, bãi Tư Chính là bãi san hô lớn chìm hoàn toàn dưới mặt nước biển, chỗ cạn nhất là 17m và đều là bãi ngầm. Bất luận từ góc độ nào, đó không phải là lãnh thổ có thể đòi hỏi chủ quyền. Như vậy, việc nó nằm trong thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia nào đó sẽ trở thành tiêu chí để quốc gia đó có chủ quyền đối với nó.

Về mặt vị trí địa lí, bãi Tư Chính cách đường cơ sở ven biển Việt Nam chỉ có 84 hải lí, cách bờ biển Việt Nam 95 hải lí, toàn bộ bãi đều nằm trong phạm vi 200 hải lí. Phan Thạch Anh cho rằng, “về mặt địa chất, quần đảo Nam Sa là vùng đất lục địa ven lục địa Hoa Nam bị tách ra, từng là một phần ven lục địa Hoa Nam cổ bị tách ra trong lịch sử địa chất. Cấu trúc ngày nay là kết quả chuyển động, tích tụ về phía Nam của vùng đất này trong lịch sử diễn tiến địa chất để lại.” “Đặc điểm hình thành của nó rõ ràng khác với đặc điểm trầm tích bồn địa của Việt Nam trên bán đảo Đông Dương”. Thực ra, cấu tạo địa chất của quần đảo Trường Sa được tạo bởi một số dạng khác nhau, đặc điểm do Phan Thạch Anh nêu ra chỉ thuộc phần phía Bắc quần đảo Trường Sa, không liên quan đến bãi Tư Chính. Hơn thế, dùng khởi nguồn địa chất hàng triệu năm về trước làm luận chứng cho sự quy thuộc thềm lục địa trong Luật quốc tế thời hiện đại là không có ý nghĩa thực tế.

Về mặt địa chất, độ rộng thềm lục địa trên dải biển Đông ngoài phạm vi bán đảo Đông Dương có hạn (phần đông các nhà địa chất đều cho rằng, độ sâu của thềm lục địa khoảng 200m), vùng lục địa Việt Nam và bãi Tư Chính cách nhau một đường rãnh sâu khoảng 1.000m. Bãi Tư Chính không nằm trên thềm lục địa theo nghĩa địa chất học. Tuy nhiên, thềm lục địa theo nghĩa địa chất học và thềm lục địa theo nghĩa luật pháp là hai khái niệm khác nhau. Trong “Công ước”, phạm vi thềm lục địa không bị hạn định bởi định nghĩa địa chất học mà nó có thể vươn dài đến độ sâu nhất là 2000m. Vì thế, về phương diện luật pháp thì bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa của Việt Nam.

Nếu như vậy, Việt Nam vẫn cần phải phân chia thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế với các đảo có thể thuộc về Trung Quốc. Đảo liền kề nhất với bãi Tư Chính là đảo Trường Sa Lớn (TQ gọi là Nam Uy) của Việt Nam. Nếu thừa nhận đảo Trường Sa Lớn là của Việt Nam thì bãi Tư Chính thuộc Việt Nam là điều không có gì nghi ngờ. Nhưng nếu đảo Trường Sa Lớn  thuộc Trung Quốc thì sự quy thuộc của bãi Tư Chính sẽ tùy thuộc hiệu lực phân định ranh giới đảo Trường Sa Lớn lớn đến đâu.

Diện tích đảo Trường Sa Lớn vẻn vẹn chỉ có 0,25 km2. Nó được hưởng vùng lãnh hải là điều rõ ràng, nhưng nó có đủ điều kiện tự nhiên để duy trì sự sống của con người hay không lại trở thành vấn đề, điều đáng nói là trước những năm 1970 không có người sinh sống trên đảo này. Nếu xác định đó là bãi đá không thể duy trì sự sống của con người thì nó không có tư cách hưởng quyền lợi của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, như vậy thì bãi Tư Chính sẽ thuộc về Việt Nam.

Ngay cả khi đảo Trường Sa Lớn được quy vào nhóm đảo có thể duy trì sự sống của con người, thì với diện tích quá nhỏ như vậy cũng không đủ cơ sở để hưởng hiệu lực ngang bằng (với Việt Nam) trong phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Có thể tham khảo một ví dụ tương tự khác là vấn đề Bạch Long Vĩ trong quan hệ Trung – Việt (phần sau). Đảo Bạch Long Vĩ nằm trên Vịnh Bắc Bộ, diện tích chừng 3 km2, có nguồn nước tự nhiên, đáp ứng điều kiện sống của con người nhưng cũng chỉ được phân định quyền lợi vùng đặc quyền kinh tế 3 hải lí. Điều kiện đảo Trường Sa Lớn không bằng Bạch Long Vĩ, vì thế cho dù có được hưởng quyền lợi của vùng đặc quyền kinh tế thì cũng khó vượt qua phạm vi 3 km. Nếu như vậy thì bãi Tư Chính vẫn thuộc về Việt Nam.

Vì thế, nếu không coi Tư Chính là một phần của Trường Sa thì Tư Chính thuộc về Việt Nam là hợp pháp, đây cũng chính là điểm xuất phát trong luận chứng của Việt Nam.

Vậy, bãi Tư Chính có phải là một phần của quần đảo Trường Sa hay không? Phan Thạch Anh đưa ra một số lí lẽ để chứng minh. 

Thứ nhất, năm 1935 và 1947, Vạn An (hoặc các bãi đá lân cận) đều được định danh trong danh sách đảo.

Thứ hai, bản đồ do nước ngoài ấn hành như “Bản đồ quần đảo Châu Á và biển Đông Trung Quốc” của Pháp cũng có vẽ bãi Vạn An. Tuy nhiên, Phan Thạch Anh không giải thích tại sao việc thể hiện bãi Vạn An trên tấm bản đồ này có nghĩa Vạn An thuộc Trường Sa.

Thứ ba, trong cuốn sách trắng công bố năm 1988, Việt Nam đánh dấu bãi Tư Chính trong quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, Phan Thạch Anh còn cho rằng, căn cứ khoản 2 điều 46 “Công ước Luật biển”: “Quần đảo là một tổng thể các đảo, bao gồm các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp giáp và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau, tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lí, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.” Vì vậy, Nam Sa (Trường Sa) phải được coi là một “quần đảo”, bao gồm cả bãi Vạn An (Tư Chính).

Cách lập luận này không xác đáng, là vì:

Thứ nhất, tên gọi của quần đảo Nam Sa hay Spratly Islands xuất hiện rất muộn, hơn nữa phạm vi không được xác định. Trong các sách “Hàng hải thế kỉ XIX” đều không có cái tên Spratly Islands. Dù là Vạn Lí Thạch Đường trong sử sách Trung Quốc hay Trường Sa trong thư tịch cổ Việt Nam đều không xác định phạm vi chính xác. Khi công bố bảng đối chiếu tên gọi Trung – Anh vào năm 1935, tên gọi của quần đảo Nam Sa (Trường Sa) là quần đảo Đoàn Sa vốn chỉ là tên được dịch từ tên nhóm đảo Tizard ở phía bắc của quần đảo Trường Sa. Sau Thế chiến II, dù Bộ Nội chính và Bộ Ngoại giao Trung Quốc có chỉ ra phạm vi của nó thì cũng tồn tại những tranh luận và lộn xộn rất lớn (xem phần III.6). Khi Pháp và Nhật tranh luận về chủ quyền của quần đảo Trường Sa trước Chiến tranh, phạm vi của Trường Sa không bao gồm bãi Tư Chính. Sau Chiến tranh, khi Philippines và Trung Quốc (Đài Loan) tranh cãi về chủ quyền quần đảo Trường Sa thì phạm vi Trường Sa cũng là một trong những tiêu điểm đưa ra tranh cãi.

Philippines không coi đảo Trường Sa Lớn và phía Tây của nó (tức bao gồm bãi Tư Chính) thuộc về quần Trường Sa. Đến nay, Việt Nam, Philippines và Malaysia đều không thừa nhận các bãi ngầm phía Nam  7° vĩ Bắc (bao gồm bãi ngầm Tăng Mẫu [bãi ngầm James-ND]) thuộc quần đảo Trường Sa. Do vậy, nhìn từ góc độ lịch sử thì cái tên quần đảo Nam Sa (Trường Sa) không nhất thiết bao gồm bãi Vạn An (Tư Chính).

Bây giờ, khi bàn về phạm vi của Trường Sa, sở dĩ những địa danh này được bao gồm vào chỉ vì năm 1947 Trung Quốc tuyên bố “phạm vi thu hồi” có chúng trong đó. Cũng có nghĩa là, phạm vi của Trường Sa được nói đến như hiện nay chỉ mới được đề xuất sau Thế chiến II, hơn nữa do có những tranh chấp về chủ quyền của các đảo, nên đã được dùng rộng rãi để thuận tiện cho việc thảo luận. Nói cách khác, phạm vi quần đảo Nam Sa đã được chấp nhận rộng rãi (nhưng không phải thừa nhận) sau khi xuất hiện tranh chấp chứ không phải được hình thành một cách tự nhiên theo chiều dài lịch sử. Sau khi làm rõ điều đó, không khó để rút ra kết luận : dù bãi Tư Chính thường được coi là một phần của quần đảo Trường Sa, nhưng nó không đáp ứng điều kiện “để được coi là một thực thể như vậy trong lịch sử”.

Thứ hai, “quần đảo” nêu trong điều 46 của “Công ước” được định ra là để miêu tả các quy tắc của quốc gia quần đảo. Nó quy định quốc gia quần đảo có thể có quyền phân định biển nhiều hơn các quốc gia không quần đảo, và dụng ý của nó không phải để giải thích bãi ngầm có vị thế lãnh thổ hay không, cũng không có ý đề cập đến vấn đề bãi ngầm có thể trở thành lãnh thổ hay không. Vùng đất có địa mạo thế nào thì được coi là lãnh thổ không nằm trong phạm vi thẩm quyền của “Công ước Luật biển”. (xem phần VI.13).

Hơn nữa, khoản 1 điều 47 Đường cơ sở quần đảo trong “Công ước” đã chỉ rõ: “Quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao quanh các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỉ lệ diện tích nước so với diện tích đất, kể cả vành đai san hô, phải từ 1/1 tới 9/1”. Đường cơ sở quần đảo chỉ có thể thiết lập ở các đảo và bãi đá lúc chìm lúc nổi nằm bên ngoài. Bãi ngầm chìm dưới nước đương nhiên không có tư cách này. Hơn nữa, vị trí địa lí của bãi Tư Chính lại nằm ở phía tây đảo Trường Sa Lớn thuộc khu vực cực Tây quần đảo Trường Sa. Nói cách khác, ngay cả khi chiếu theo quy định này để vạch đường cơ sở quần đảo thì Tư Chính cũng không nằm trong đường cơ sở.


Vấn đề đảo Bạch Long Vĩ và phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam

Quan hệ Trung – Việt được bình thường hóa sau năm 1990. Ngày 27/8/1990, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lí Bằng của Trung Quốc có cuộc gặp bí mật với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười của Việt Nam, đặt mục tiêu bình thường hóa quan hệ song phương. Ngày 5/11 năm sau, Đỗ Mười, đã trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thăm chính thức Bắc Kinh, quan hệ Trung – Việt chính thức bình thường hóa. Hai bên bắt tay vào việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ tồn đọng trong lịch sử. Tranh cãi lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam gồm 3 điểm: một là lãnh thổ trên đất liền; hai là phân định Vịnh Bắc Bộ; ba là vấn đề các đảo tại biển Đông. Sau sự kiện bãi Tư Chính, quan hệ Trung – Việt bước vào giai đoạn hòa hoãn, tạo điều kiện triển khai đàm phán.

Trong thời kì Pháp thuộc, Triều đình nhà Thanh và Pháp kí “Hiệp ước phân định biên giới Pháp – Thanh” năm 1887. Sau khi Trung Quốc và Việt Nam bước sang thời kì mới, cũng giống như mọi điều ước liên quan đến biên giới giữa Trung Quốc với các nước khác, hiệp ước này đòi hỏi phải thương thảo lại. Nhưng cho đến cuối nhưng năm 1980, Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tiến hành cuộc Chiến tranh biên giới nên tiến trình này bị trì hoãn lại. Trên cơ sở “Hiệp ước phân định biên giới Pháp – Thanh” năm 1887, tranh cãi vấn đề biên giới trên bộ thực chất chỉ là vấn đề kĩ  thuật. Cuộc chiến kéo dài giữa hai nước mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn lãnh thổ.

Năm 1999, Trung Quốc và Việt Nam kí “Hiệp ước biên giới trên bộ Trung – Việt”. Năm 2009, hai bên hoàn thành việc khảo sát biên giới và kí kết “Nghị định thư về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Trung – Việt”, đánh dấu việc xác định cuối cùng ranh giới trên đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam. 

So với tranh chấp trên đất liền thì những vấn đề liên quan đến việc phân định Vịnh Bắc Bộ rộng hơn. Vịnh Bắc Bộ nằm ở góc tây bắc biển Đông, là vịnh biển nửa kín do bị đất liền Việt Nam và Trung Quốc bao quanh. Ngày 26/6/1887, Trung Quốc và Pháp kí “Điều ước riêng về biên giới Trung – Pháp” (xem phần II.5 và phụ lục 1), trong đó điều 3 đề cập đến đường màu đỏ theo hướng Nam – Bắc là đường phân định ranh giới trên biển, đường màu đỏ này được vẽ trong bản đồ kèm theo, song chỉ dừng lại ở các đảo nhỏ gần bờ. Như vậy, đường màu đỏ có xuyên qua toàn bộ Vịnh Bắc Bộ hay không? Thậm chí có xuyên qua bán đảo Đông Dương để kéo dài tiếp hay không? Nó chỉ phân định đảo trên biển, hay đã tiến hành phân định cả Vịnh Bắc Bộ? Giữa Trung Quốc và Việt Nam tồn đọng tranh cãi về vấn đề này. Đường đỏ này không chỉ ảnh hưởng đến việc phân định vùng biển tại Vịnh Bắc Bộ, mà còn ảnh hưởng lớn hơn tới vấn đề quy thuộc đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, thậm chí còn liên quan đến sự quy thuộc của các đảo tại biển Đông.

Bạch Long Vĩ là đảo nhỏ với diện tích chỉ khoảng 3 km2, nằm giữa đảo Hải Nam Trung Quốc và vùng ven biển Việt Nam, cách đảo Hải Nam 120 km, cách thành phố Hải Phòng của Việt Nam cũng khoảng 120 km.

Việt Nam luôn cho rằng đảo Bạch Long Vĩ thuộc về Việt Nam là điều không cần bàn cãi, và hòn đảo này hiện đang thuộc quyền quản lí của Việt Nam, nhưng chủ quyền của nó không được Trung Quốc công khai thừa nhận rõ ràng.

Mặc dù các chuyên gia Trung Quốc đều khẳng định Bạch Long Vĩ “xưa nay đều thuộc về Trung Quốc”, nhưng thực ra bắt đầu từ giữa thời kì nhà Thanh, Bạch Long Vĩ đã thuộc về Việt Nam trong phân định ranh giới truyền thống Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam. trong những năm 1920, Pháp đã xác lập quyền cai quản đảo Bạch Long Vĩ, năm 1937 đưa quân trú đóng tại đây. Năm 1932 tranh chấp Trung – Pháp về Hoàng Sa  nổ ra. Trung Quốc tuyên bố đường màu đỏ năm 1887 kéo dài đến đất liền, phạm vi các đảo trên biển thậm chí bao gồm cả Hoàng Sa, vì thế mà Tây Sa thuộc về Trung Quốc. Thái độ biểu hiện chính thức này của Trung Quốc chẳng khác nào thừa nhận đảo Bạch Long Vĩ nằm kề với đường màu đỏ phía Việt Nam là lãnh thổ của Pháp. Năm 1944, Nhật Bản chiếm đảo Bạch Long Vĩ. Năm 1946, Pháp chiếm lại Bạch Long Vĩ, Trung Quốc không phản đối việc này. Năm 1950, sau khi Quốc Dân đảng thua trận ở Đại lục, một số ít quân lính (hơn 40 người) đã rút về đảo Bạch Long Vĩ, nhưng quyền cai quản đảo khi đó vẫn nằm trong tay người Pháp. Năm 1954, Hiệp định Geneva quy định bắc vĩ tuyến 17 thuộc miền Bắc Việt Nam, đảo Bạch Long Vĩ vì thế cũng thuộc về Bắc Việt Nam. Tháng 8 cùng năm, liên quân Pháp cùng tuyệt đại bộ phận cư dân là con cháu người Việt rút khỏi Bạch Long Vĩ, nhưng tàn quân Quốc Dân Đảng và hậu duệ người Hoa vẫn ở lại đảo. Tháng 7/1955, Bắc Kinh “giải phóng” Bạch Long Vĩ và thành lập đơn vị hành chính cấp khu tại đây. Năm 1957, Trung Quốc trao lại Bạch Long Vĩ cho Việt Nam, nhưng ngôn từ thể hiện không rõ ràng. Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam tiếp tục quản lí Bạch Long Vĩ.

Điều đáng chú ý thêm là, năm 1953, ngay cả trước khi chiếm Bạch Long Vĩ, Trung Quốc thậm chí đã xóa bỏ 2 đoạn của đường 11 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ, biến nó thành đường 9 đoạn. Theo suy đoán, việc xóa bỏ hai đoạn đó có liên quan đến thái độ của Bắc Việt Nam đối với Vịnh Bắc Bộ và đảo Bạch Long Vĩ. Chính sự mập mờ của quan chức Trung Quốc về vấn đề này đã khiến cho người dân (và một số quan chức) Trung Quốc đến nay vẫn cho rằng Bạch Long Vĩ là (hoặc nên là) của Trung Quốc. Cách hiểu sai lầm đó làm cho việc phân định Vịnh Bắc Bộ càng trở nên khó khăn.

Sau đó, Trung Quốc tích cực ủng hộ Bắc Việt Nam trong cuộc chiến với Pháp, Mĩ và Nam Việt Nam. Đến đầu những năm 1970, các bên liên quan đi đến việc kí “Hiệp định Paris”, Liên quân do Mĩ đứng đầu đã rút khỏi cuộc Chiến tranh Việt Nam. Trong thời kì tạm đình chiến ngắn, Bắc Việt Nam bắt đầu chuẩn bị công việc mời thầu trong khu vực thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ. Ngày 26/12/1973, Bắc Việt Nam đề nghị Trung Quốc đàm phán phân định biên giới. Bắc Kinh đồng ý đàm phán nhưng yêu cầu hai bên không được tiến hành hoạt động thăm dò tại khu vực hình chữ nhật 107°-108°E, 18°-20°N nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời cũng không cho phép nước thứ ba tiến hành thăm dò tại vùng Vịnh. Bắc Việt Nam đành tạm thời ngưng đàm phán thăm dò với các công ti dầu khí của Ý, Nhật Bản, Pháp,...

Khi mới đàm phán, “Điều ước riêng về biên giới Trung – Pháp” được đặt trước mặt hai bên. Ngày 15/8/1974, hai bên tiến hành cuộc hội đàm lần thứ nhất về vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Phía Trung Quốc không chấp nhận áp dụng đường vạch đỏ trên toàn bộ Vịnh Bắc Bộ, đồng thời cho rằng, vùng nước Vịnh Bắc Bộ trước nay chưa hề được phân định. Nhưng phía Việt Nam kiên định cho rằng đường phân định vùng nước Vịnh Bắc Bộ đã được vẽ trong Điều ước 1887. Nếu đúng như Việt Nam nói thì Việt Nam được hưởng 2/3 vùng nước thuộc Vịnh Bắc Bộ. Trung Quốc không chấp nhận nên đàm phán không thành. Trong vòng hai của cuộc đàm phán từ ngày 7/10/1977 đến tháng 6/1978, Việt Nam (mới) yêu cầu đưa quần đảo Hoàng Sa vào nghị trình đàm phán. Điều đó càng vượt ngưỡng chấp nhận của Trung Quốc, đàm phán rơi vào tình thế đình trệ.

Trung Quốc kiên quyết yêu cầu Việt Nam từ bỏ việc lấy Điều ước 1887 làm cơ sở đàm phán. Phía Việt Nam đề nghị tiến hành phân định và khảo sát biên giới trên đất liền làm điều kiện tiên quyết để đàm phán tiến lên bước cao hơn, gác lại vấn đề Vịnh Bắc Bộ. Năm 1979, Trung Quốc và Việt Nam đánh nhau. Sau khi Trung Quốc rút quân, hai nước tiến hành đàm phán vòng ba vào tháng 4/1979. Nhưng sau đó hai nước tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh biên giới trong thời gian dài. Không còn cơ sở đàm phán,  dù về biên giới, về Vịnh Bắc Bộ hay về vấn đề các đảo biển Đông. Chỉ đến những năm 1990, sau khi bình thường hóa quan hệ, hai nước mới nối lại đàm phán vấn đề biên giới và phân định Vịnh Bắc Bộ.

Vòng đàm phán thứ tư được bắt đầu vào tháng 10/1992, mở đầu bằng thảo luận của các chuyên gia. Tháng 8/1993, hai nước tiến hành đàm phán cấp chính phủ. Ngày 19/10/1993, hai nước kí kết “Hiệp định nguyên tắc về việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ nước CHND Trung Hoa và nước CHXHCN Việt Nam”, đồng ý thành lập Tổ công tác liên hiệp, xử lí vấn đề biên giới trên đất liền và vùng nước Vịnh Bắc Bộ, theo tầng cấp chuyên gia. Ngày 30/12/1999, hai bên kí “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam” (Sino-Vietnam Land Border Treaty). Trong số 227 km2 đất tranh chấp, Trung Quốc được 114 km2, Việt Nam được 113 km2. Biên giới trên đất liền là vấn đề được giải quyết sớm nhất trong 3 vấn đề lớn về lãnh thổ giữa hai nước. Nhưng phải đến năm 2008, hai bên mới hoàn thành việc khảo sát biên giới.

Về vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ, hai bên tranh cãi quyết liệt hơn, chủ yếu tập trung vào 3 điểm: một là, nhìn nhận thế nào về “ranh giới biển truyền thống” và “vùng nước lịch sử”? Hai là, xử lí vấn đề đảo Bạch Long Vĩ thế nào trong 3 vấn đề lớn? Ba là, phân chia công bằng tài nguyên nghề cá tại Vịnh Bắc Bộ ra sao?

Phía Việt Nam cho rằng, đường vạch đỏ dùng để phân định toàn bộ mặt nước Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các đảo nhỏ) – (cách diễn giải thứ ba). Việt Nam dẫn thêm “Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển”, cho rằng đường vạch đỏ đã tạo nên “vùng nước lịch sử” của Việt Nam. “Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam” được công bố ngày 12/11/1982 ghi rõ:

3. Vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh đã được quy định trong Công ước về hoạch định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc (trong sách này tác giả gọi theo TQ là Điều ước riêng về biên giới Trung – Pháp - ND) do Pháp và nhà Thanh kí ngày 26 tháng 6 năm 1887. Phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến cửa vịnh sẽ được công bố sau khi vấn đề đường cửa vịnh được giải quyết.

Trung Quốc cho rằng, đường phân giới đó chỉ liên quan đến chủ quyền các đảo ven biển, không thể lấy đó làm cơ sở phân định toàn bộ vùng biển Vịnh Bắc Bộ, càng không thể dùng cho việc phân định sự quy thuộc của tất cả các đảo trong Vịnh Bắc Bộ (cách diễn giải thứ nhất). Trước tuyên bố trên của Việt Nam, ngày 28/11/1982, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra thông cáo nêu : “Ngày 12 tháng 11 năm 1982, chính phủ Việt Nam ra ‘Tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải của Việt Nam’ nêu một cách vô căn cứ rằng công ước biên giới Trung-Pháp năm 1887 đã ‘quy định’ đường biên giới trên biển của Vịnh Bắc Bộ... Cần phải chỉ ra rằng công ước về biên giới Trung-Việt do Trung Quốc và Pháp kí năm 1887 về cơ bản không phân định vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Do đó, vùng biển Vịnh Bắc Bộ trước nay không tồn tại ranh giới nào trên biển.”

Khi đàm phán với Việt Nam về phân giới Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đã tiến hành phân tích rất đầy đủ và tường tận về chủ trương “vùng nước lịch sử” của Việt Nam, và kết luận rằng chủ trương đó hoàn toàn không có căn cứ. Điểm xuất phát của Trung Quốc khi đó là, nếu dựa trên đường phân chia ranh giới đó để phân định Vịnh Bắc Bộ thì Việt Nam sẽ chiếm phần lớn Vịnh Bắc Bộ. Vì vậy, Trung Quốc đã loại bỏ cách lập luận của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, kiên trì chủ trương đường phân giới chỉ là đường phân định chủ quyền các đảo nhỏ ven biển. Trung Quốc liệt kê một loạt lí do:

Điều ước đó chỉ quy định về việc khảo sát và phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kì, không có chữ nào đề cập đến việc phân định ranh giới vùng biển Bắc Bộ, vì vậy trong quá trình đại thần hai nước tiến hành phân định ranh giới, về cơ bản không có ý định phân giới vùng biển, càng không thể có phương án phân giới vùng biển. Ngay cả “Điều ước riêng về biên giới Trung – Pháp” năm 1887 hoặc “Phụ lục bản đồ ranh giới Trung – Pháp – Việt Việt(Việt Việt: 粤越 tên gọi cũ của Quảng Đông -ND) năm 1894 cũng chỉ nhắc đến “đường màu đỏ” đi qua Trà Cổ, nêu rõ các đảo trên biển ở phía Đông của đường này thuộc về Trung Quốc; núi Cửu Đầu và các đảo nhỏ ở phía Tây của nó thuộc về Việt Nam, về cơ bản không nói tới việc phân giới vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Do vậy có thể nói, đường đỏ trong Điều ước phân ranh giới Trung – Pháp ngày 26/6/1887 chỉ là đường quy thuộc các đảo ven biển gần Móng Cái chứ không phải là đường phân định ranh giới Vịnh Bắc Bộ. Trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ, hai nước Trung Quốc và Việt Nam xưa nay chưa hề vạch ra đường phân giới.

Thoạt nhìn, ý kiến của cả Bắc Kinh lẫn Việt Nam cũng đều có lí phần nào. Điều đó chủ yếu có cơ sở từ Điều ước:

Đối với các đảo trên biển, chiểu theo đường vạch đỏ chạy về hướng Nam do đại thần hai nước vẽ, đường đỏ này đi qua ngọn núi ở biên phía Đông xã Trà Cổ, tức là lấy đường đỏ đó làm giới hạn. Từ đường đỏ về phía Đông, các đảo trên biển thuộc Trung Quốc; từ đường đỏ hướng về phía Tây, núi Cửu Đầu và các đảo nhỏ trên biển thuộc Việt Nam.

Cái gọi là “biển” trong “các đảo trên biển” rốt cục có phạm vi lớn bao nhiêu? Trung Quốc cho rằng biển đó chỉ là mặt biển gần bờ biển. Nhưng nghiên cứu một cách kĩ  càng và nhìn từ các cuộc đàm phán thì thấy, thực tế Trung Quốc và Pháp đã chỉ rõ phạm vi “biển” chính là toàn bộ Vịnh Bắc Bộ. Căn cứ thư trả lời ngày 11/4/1887 của đại biểu Pháp Dillon trả lời đại biểu Trung Quốc Đặng Thừa Tu:

Dưới đây là nội dung cốt lõi của thỏa thuận miệng của Ủy ban vấn đề biên giới hai nước về các đảo này: Ủy ban vấn đề biên giới hai nước nhất trí cho rằng: những đảo trong Vịnh Bắc Bộ nằm về phía Tây kinh tuyến (Trung Quốc gọi là đường Bắc Nam) đi qua mũi phía Đông đảo Trà Cổ tức là kinh tuyến 105°43’ tính từ kinh tuyến qua Paris, đều thuộc về Việt Nam. Ủy ban vấn đề biên giới Trung Quốc yêu cầu các đảo nằm về phía Đông kinh tuyến này (đường Bắc Nam) đều thuộc về Trung Quốc. Ủy ban Vấn đề biên giới Pháp tuyên bố, do công tác khảo sát Giang Bình và những địa điểm khác chưa hoàn thành nên vấn đề này sẽ do Công sứ Pháp và Tổng lí nha môn tại Bắc Kinh thương lượng giải quyết, điểm này cũng là ý kiến  đã được nhất trí sau khi thương lượng với Ủy ban vấn đề biên giới Trung Quốc, được đặc biệt ghi lại ở đây.

Có thể thấy, việc phân định ranh giới như thế này đối với toàn bộ các đảo trong vịnh Bắc Bộ là một thỏa thuận đã đạt được. Do đó, nói đường này là đường quy thuộc các đảo trong Vịnh Bắc Bộ là phù hợp với sự thực nhất.

Về đại thể, có thể tin rằng, trong đàm phán Pháp – Trung, đảo Bạch Long Vĩ không nằm trong tính toán của Trung Quốc, thậm chí cũng không nằm trong suy tính của Pháp. Nhưng, xem xét cả quá trình và căn cứ vào kết quả thực tế trong quy định của Điều ước thì Bạch Long Vĩ thuộc về Việt Nam. Nếu đảo này quả thực không nằm trong tính toán của hai bên khi đó, thì điều này xem như một may mắn ngoài dự tính đối với Việt Nam. Dù thế nào thì vấn đề này cũng đã được giải quyết trong đàm phán Trung – Việt vào những năm 1990.

Cuối cùng, hai bên cũng đã kí “Hiệp định giữa Trung Quốc và Việt Nam về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ” vào cuối năm 2000. Sự thật thì việc đạt được Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ được dựa trên loại ý kiến thứ hai, tương đối thỏa hiệp: vừa thừa nhận đảo Bạch Long Vĩ thuộc về Việt Nam vừa buộc Việt Nam phải từ bỏ lập trường coi đường kinh tuyến này là đường phân giới mặt biển trên toàn bộ Vịnh Bắc Bộ.

Điều có lợi hơn cho Trung Quốc là, Việt Nam đồng ý thu hẹp hiệu lực phân định mặt nước tại đảo Bạch Long Vĩ. Căn cứ “Công ước” thì Bạch Long Vĩ là một hòn đảo có khả năng duy trì sự sống của con người (luôn có người sinh sống trên đảo). Do vậy, ngoài lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, nó còn được hưởng vùng đặc quyền kinh tế lên tới 200 hải lí. Tuy nhiên, trong thỏa thuận cuối cùng đạt được, vùng đặc quyền kinh tế của đảo Bạch Long Vĩ chỉ có 3 hải lí. So với đường phân định ranh giới năm 1887 thì đường phân định vùng đặc quyền kinh tế được hai bên thống nhất mở rộng hơn một chút cho Trung Quốc về phía Bắc và mở rộng hơn nhiều cho Việt Nam về phía Nam, nhưng diện tích mà Trung Quốc được hưởng lại lớn hơn. Có thể nói, Trung Quốc rất thành công trong cuộc đàm phán này.

Ngày 25/2/2000, hai bên kí kết “Hiệp định giữa Trung Quốc và Việt Nam về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam” và “Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam”. Ngày 30/6/2001, đại diện hai bên trao thư và công hàm phê chuẩn cho nhau, Hiệp định chính thức có hiệu lực từ đó. Trong Hiệp định cuối cùng, Trung Quốc hưởng 46,77% diện tích Vịnh, Việt Nam hưởng 53,23% diện tích Vịnh. Đảo Bạch Long Vĩ thuộc về Việt Nam nhưng chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lí và vùng đặc quyền kinh tế 3 hải lí. Một đảo khác thuộc về Việt Nam là đảo Cồn Cỏ cũng chỉ được hưởng 50% thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế sau khi phân định. 

Hình 51: Sơ đồ hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và vùng đánh bắt chung

Một hệ quả khác nảy sinh trong đàm phán Trung – Việt năm 2000 là: do Trung Quốc đã xác nhận nguyên tắc đường phân định năm 1887 chỉ có giá trị đối với các đảo ven biển trong cuộc đàm phán này nên họ không thể theo lập luận của Dân quốc dùng nó để quy Hoàng  Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc, nếu không sẽ vi phạm nguyên tắc “không được nói ngược” (estoppel). Đương nhiên, cần nhấn mạnh lại một lần nữa rằng, dù nhìn theo phương diện nào đi nữa thì cách nhìn nhận của Dân quốc cũng không thể đứng vững.

Ý nghĩa luật quốc tế của việc phân định biển Vịnh Bắc Bộ

“Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam” đã giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ giữa hai bên, trở thành khuôn mẫu cho việc giải quyết phân định ranh giới trên biển của hai bên thông qua đàm phán. cho đến nay Trung Quốc vẫn luôn viện dẫn như một ví dụ  thành công. Cho dù việc phân định Vịnh Bắc Bộ đã xong, nhưng ý nghĩa của nó lại không chỉ dừng lại ở khía cạnh phân định ranh giới. Luật quốc tế là luật tập quán, hiệp định và án lệ quốc tế đi trước có tác dụng tiền lệ làm khuôn mẫu cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế về sau. Phân định Vịnh Bắc Bộ là hiệp định đầu tiên về phân định ranh giới biển của Trung Quốc với nước ngoài, vì thế nó có ý nghĩa về phương diện luật tập quán đối với Trung Quốc trong phân định ranh giới biển Đông và biển Hoa Đông sau này. Cựu kĩ  sư cao cấp của Cục Hải Dương quốc gia Trung Quốc Hứa Sâm An đã từng chỉ rõ: “Điều này đã mở ra một tiền lệ về phân định ranh giới biển giữa Trung Quốc và các nước lân cận, rất có ý nghĩa tham chiếu”.

Ba điểm cốt lõi trong đàm phán Trung – Việt bao gồm: Vịnh Bắc Bộ có tạo thành vùng nước lịch sử hay không; hiệu lực phân chia ranh giới Bạch Long Vĩ lớn đến đâu; và xử lí công bằng vấn đề đánh cá như thế nào, đều có ý nghĩa tham khảo đối với vấn đề phân định ranh giới biển Đông, đặc biệt là điểm thứ nhất và thứ hai. Vùng nước lịch sử được phía Việt Nam nêu ra có thể liên quan đến câu hỏi liệu vùng nước trong đường 9 đoạn của Trung Quốc có được coi là vùng nước lịch sử hay không. Hiệu lực phân định đảo Bạch Long Vĩ có thể áp dụng tương tự cho quần đảo Trường Sa. Vì vậy, một số luận cứ, chủ trương và kết luận cuối cùng trong việc phân định ranh giới giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể được vận dụng tiếp trong phân định ranh giới biển Đông.

Về vùng nước lịch sử 

Phía Việt Nam cho rằng trong Vịnh Bắc Bộ có vùng nước lịch sử, đường phân giới có thể được xác định bằng đường phân giới trong “Điều ước Trung – Pháp”. Như đã trình bày trong phần V.1, Trung Quốc phản đối quan điểm này. Nếu chỉ xét chứng cứ này thôi thì quan điểm của Trung Quốc có thể đứng vững. Kết hợp dữ liệu lịch sử và cách giải thích từ hai phía Trung Quốc và Việt Nam, công bằng mà nói, đường phân định ranh giới thể hiện trong “Điều ước Trung – Pháp” thực chất là đường quy thuộc các đảo trong toàn bộ Vịnh Bắc Bộ. Kết quả đàm phán cuối cùng cũng đã bác bỏ ý tưởng về vùng nước lịch sử của Việt Nam.

Điều đáng nói là, trong quá trình đàm phán, phía Việt Nam cũng đã không nêu ra nhiều chứng cứ chứng minh luận điểm “vùng nước lịch sử”. Tuy nhiên, nếu khảo cứu kĩ  lịch sử thì Vịnh Bắc Bộ quả thực có tồn tại “đường ranh giới biển truyền thống”. Cách đề xuất “vùng nước lịch sử” của Việt Nam thực ra có cơ sở pháp lí. Như phần 2 chương này đã nêu, từ thời Nam Tống, Trung Quốc và Việt Nam đã sớm có đường ranh giới trên biển xuyên ngang Vịnh Bắc Bộ. Trong bộ sách “Lĩnh ngoại đại đáp”, Chu Khứ Phi đã nói, ở cửa sông Khâm Giang có một địa danh tên là “Thiên Phân Dao”, được người đương thời gọi là điểm giao giới trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam (Ngũ Châu Tích và Giao Chỉ xác định ranh giới tại đây), từ đó vạch một đường thẳng về phía Nam, thì phía Tây Nam thuộc Việt Nam, phía Đông Nam thuộc Trung Quốc. Đây là đường ranh giới trên biển sớm nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ có thể tìm được trong sử liệu. Trong cuốn “Thanh thực lục” (Ghi chép việc thật đời Thanh) cũng có ít nhất hai chỗ nhắc đến “Biển Bạch Long Vĩ” thuộc Việt Nam: “Vùng tiếp giáp hai phủ Liêm Châu, Quỳnh Châu thuộc nước ngoài”. Điều này cũng khẳng định việc phân định ranh giới biển giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ đã có từ rất sớm, và vùng biển Bạch Long Vĩ là do Việt Nam quản lí.

Có điều, những ghi chép này lại không nói rõ rốt cục đường phân định ranh giới này chỉ nằm gần bờ biển hay chạy xuyên qua toàn bộ Vịnh Bắc Bộ. Nhưng, vào đầu đời Thanh, Cố Viêm Vũ đã ghi chép trong cuốn “Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư” rằng: “Từ Ô Lôi đi thẳng khoảng hai ngày đường qua Dũng Luân, Châu Đôn đến Châu Vĩnh Yên, Giao Chỉ. Qua ải Ma Đôn, Ân Lặc lớn nhỏ, đi về phía Đông tới chỗ đầu hình cái mâu nhỏ thì chính là biển Long Vĩ. [Biển này] chạy từ ranh giới phủ Đông đến biển phía bên ngoài Nam đại hải cho đến biên giới hai nước Giao Chỉ và Chiêm Thành.

Thời kì Đạo Quang, Nghiêm Như Dục cũng đã nhắc lại lời Cố Viêm Vũ tại Quyển 14 “Quảng Đông phòng hải lược” (Phương lược phòng vệ biển Quảng Đông) trong “Dương phòng tập yếu” (Cương yếu biên soạn phòng vệ biển). Biển Long Vĩ ở đây chính là biển Bạch Long Vĩ, điều đó chứng tỏ ranh giới trên biển giữa Quảng Đông và Việt Nam kéo dài từ Bạch Long Vĩ về phía Nam, đến biên giới Giao Chỉ, Chiêm Thành tại “biển lớn phía Nam” thì dừng lại. Cũng có nghĩa là, đường ranh giới trên biển Bạch Long Vĩ vươn dài tới bán đảo Đông Dương. Vì thế, khởi điểm của đường ranh giới cương vực biển truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam thời đó bắt đầu từ Bạch Long Vĩ chạy xuyên qua Vịnh Bắc Bộ theo hướng Bắc-Nam. Đường ranh giới trên biển truyền thống này về cơ bản giống với đường được vẽ trong “Điều ước Trung – Pháp”.

Vậy đường ranh giới cương vực biển truyền thống gần Việt Nam có thể được công nhận là vùng nước lịch sử hay không? Theo thông lệ Luật quốc tế, lấy yêu sách của Nga đối với vịnh Peter Đại đế làm ví dụ thì vùng nước lịch sử cần có 3 tiêu chí: một là tồn tại lâu dài; hai là không có bất kì tranh chấp nào; ba là thực thi chủ quyền. Vùng biển phía Tây đường ranh giới biển truyền thống ở Vịnh Bắc Bộ thuộc Việt Nam đáp ứng 3 yêu cầu trên. Trước hết, đường này đã bắt đầu được xác lập từ thế kỉ XI và muộn nhất đến thế kỉ XVII được thể hiện hoàn toàn rõ ràng, đến nay đã hơn 300 năm. Thứ hai, vào thời kì nhà Thanh, đường này được quốc gia lân cận duy nhất là Trung Quốc thừa nhận. Thứ ba, Việt Nam thực hiện quyền quản lí thực tế đối với vùng biển này, đồng thời quyền quản lí này cũng đã được nhà Thanh thừa nhận. Quyền quản lí là phương thức hành xử chủ quyền chính yếu nhất.

Quyền quản lí này bị gián đoạn dưới tác động của Luật quốc tế hiện đại, vì sau khi Việt Nam trở thành nước bảo hộ của Pháp, Pháp chỉ thừa nhận lãnh hải 3 hải lí theo luật quốc tế, đồng thời cũng không tuyên bố đây là hải vực của Pháp. Theo suy luận đó, Pháp cho rằng Luật quốc tế hiện đại phủ nhận tính pháp lí của đường ranh giới biển truyền thống, vì thế đã cho rằng phần lớn Vịnh Bắc Bộ là vùng biển chung.

Tuy nhiên, điều đó có đồng nghĩa với việc vùng biển phía Tây đường ranh giới biển không có cách nào trở thành vùng nước lịch sử hay không ? Tác giả cho rằng không thể khẳng định được. Thứ nhất, Việt Nam sở dĩ Việt Nam không thể giữ được đường ranh giới biển truyền thống là do bị thực dân xâm lược chứ không phải do mình chủ động từ bỏ. Đây là điểm cần phải được xem xét. Thứ hai, cũng là điểm quan trọng nhất, đó là trước Thế chiến II, Đông Dương thuộc Pháp tiếp tục quản lí thực tế vùng biển này. Pháp đảm đương nhiệm vụ tuần tra, chống buôn lậu và tiễu phỉ (chẳng hạn người Pháp thường xuyên tuần tra trên đảo Bạch Long Vĩ). Trên thực tế, các cuộc tuần tra của Pháp bao trùm gần như toàn bộ Vịnh Bắc Bộ chứ không chỉ ở phía Tây đường ranh giới biển truyền thống. Vì vậy, dù có thể suy đoán đây là vùng biển chung nhưng việc thực thi chủ quyền tại khu vực này của nước Pháp lại không hề gián đoạn. Có thể thấy, Việt Nam có đầy đủ lí lẽ để luận chứng vùng biển phía Tây đường ranh giới biển truyền thống là vùng nước lịch sử của Việt Nam, nhưng chứng cứ lịch sử có lợi này lại không được nhắc đến trong đàm phán, dẫn đến bất lợi về mặt tính pháp lí.

Nếu so sánh với lí luận về vùng nước mang tính lịch sử của Trung Quốc trong đường 9 đoạn sẽ dễ dàng nhận thấy, tính pháp lí của đường 9 đoạn không thể vững chắc bằng tính pháp lí của đường ranh giới biển truyền thống trong Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Điều đó được thể hiện trên một số điểm sau:

Thứ nhất, về mặt thời gian, đường ranh giới biển truyền thống trên Vịnh Bắc Bộ bắt đầu hình thành từ thế kỉ XI, thể hiện liên tục đến những năm 1880, quyền quản lí thực tế còn kéo dài tới tận Thế chiến II; còn đường 9 đoạn thì mãi đến năm 1947 mới bắt đầu xuất hiện. Mặc dù có người cho rằng, cái gọi là “ranh giới biển truyền thống”của Trung Quốc bao gồm hầu như trên toàn bộ vùng biển Đông đã được kiến lập từ thời nhà Tống. Cách diễn giải này đã bị bác bỏ. Ngay cả khi chủ trương không được ủng hộ này đứng vững thì đường ranh giới biển truyền thống ở biển Đông do quan chức Trung Quốc nhận định đã “lùi dần” đến điểm cực Nam đảo Hải Nam từ thời nhà Thanh.

Thứ hai, trong thời gian mấy trăm năm, đường ranh giới truyền thống trên Vịnh Bắc Bộ liên tục được Trung Quốc thừa nhận, coi đó là ranh giới biển giữa Trung Quốc và Việt Nam. Còn đường 9 đoạn từ ra đời vào năm 1947 chưa bao giờ có ý nghĩa pháp lí rõ ràng, tới nay nội hàm vẫn không rõ, chưa nói đến có được bất kì sự thừa nhận quốc tế nào. Sự thật thì Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scaborough) đã bị nước khác kiểm soát trong thời gian dài (hoặc đến tận ngày nay).

Thứ ba, từ thế kỉ XVII đến trước Thế chiến II, Việt Nam và Pháp liên tục duy trì quyền quản lí vùng ranh giới biển trên Vịnh Bắc Bộ. Hơn nữa, trước năm 1909, vùng cực Nam thuộc ranh giới biển do nhà Thanh quản lí chỉ đến Châu Đại Mạo của đảo Hải Nam. Ví như Hoàng đế Đạo Quang đã từng ban bố lệnh liên quan đến việc tuần thú biển Đông như sau: “Lại căn cứ vào tấu trình của Lí Tăng Giai, những người cùng Phó tướng Lí Hiền đã đi tuần thú Châu Đại Mạo bên ngoài Nham châu Tam Á, tiếp giáp với biển Việt Nam..., tuy liền kề với mặt biển Trung Hoa nhưng cương vực đã phân định, cần phải nắm rõ tình hình mà tính toán vẹn toàn”. Đó là lời cảnh báo của hoàng đế Đạo Quang đối với thủy sư trước tình trạng buôn lậu trên biển, trong đó có nhắc đến phạm vi tuần thú chỉ đến Châu Đại Mạo. Đại Mạo là vùng đất cách Tam Á không xa, mà vùng biển bên ngoài chỉ đến Châu Đại Mạo, bên ngoài chính là “vùng biển của Việt Nam” “tuy liền kề nhưng cương vực đã được phân định”. Có thể thấy, điểm cực Nam của đường ranh giới biển truyền thống và của vùng biển thuộc quyền quản lí thực tế của Trung Quốc cách Châu Đại Mạo không xa và tiếp giáp với vùng biển truyền thống của Việt Nam.

Mãi đến năm 1909, khi Lí Chuẩn đại diện cho Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa thì lãnh thổ mới được mở rộng đến Hoàng Sa. Trước năm 1935, cương vực trên bản đồ của Trung Quốc cũng chỉ đến phía Nam Hoàng Sa, không bao gồm Trường Sa. Đường 9 đoạn mới bắt đầu được vẽ trên bản đồ vào năm 1947, nhưng trong thời gian dài sau đó, Trung Quốc đều không thực hiện quyền quản lí trên vùng biển đường 9 đoạn đó. Dù rằng những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng mở rộng kiểm soát tại Trường Sa, nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ chứng cứ nào chứng minh Trung Quốc thực hiện quyền quản lí trong vùng biển đường 9 đoạn (nhất là quần đảo Trường Sa) mà không có tranh chấp.

Thứ tư, vào cuối đời Thanh, Trung Quốc chủ động tiếp nhận quy định của Luật quốc tế hiện đại về bề rộng lãnh hải. Chẳng hạn, Trung Quốc và Mexico đã kí “Điều ước Hoa Thịnh Đốn” về thương mại, trong đó khoản 11 quy định:

The two contracting parties agree upon considering a distance of three maritime maritime leagues measured from the line of low tide as the limit of their territorial.

Hai bên nhất trí lấy khoảng cách 3 league (1 league bằng 10 dặm Trung Quốc) đo từ ngấn nước triều thấp làm ranh giới lãnh hải của mình.

Điều này có nghĩa là, trước khi xác lập đường 9 đoạn, Trung Quốc đã từ bỏ khái niệm “đường ranh giới biển truyền thống”, chuyển sang sử dụng chế độ lãnh hải theo nghĩa của Luật quốc tế. Trong thời kì Dân quốc, Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng chế độ này. Năm 1947, khi tuyên bố đường 9 đoạn, Trung Quốc cũng chưa từng đề xuất một khái niệm trái với chế độ đó. Năm 1958, Chính phủ Trung Quốc đề xuất lại chế độ 12 hải lí, sau đó cũng không hề nói rõ hàm nghĩa của đường 9 đoạn. Do vậy, cái gọi là đường 9 đoạn mang tính lịch sử là không nhất quán với thực tiễn pháp lí từ cuối thời nhà Thanh.

Điều đáng chú ý là, Việt Nam từ bỏ đường ranh giới biển truyền thống là do sự khống chế của thực dân Pháp nên đó là hành vi không tự nguyện; còn Trung Quốc từ bỏ quan niệm đường ranh giới biển truyền thống (đường ranh giới biển truyền thống ở biển Đông lúc đó của Trung Quốc chỉ đến điểm cực Nam đảo Hải Nam) là hành vi tự nguyện, khi đang có đầy đủ chủ quyền. Có thể thấy, nếu như Việt Nam không được ủng hộ về vùng nước lịch sử tại Vịnh Bắc Bộ thì đường 9 đoạn của Trung Quốc càng không được coi là cơ sở pháp lí của “vùng nước lịch sử”. Điều đáng mỉa mai là, tuyệt đại bộ phận những logic được Trung Quốc sử dụng để phản bác Việt Nam lại đều có thể áp dụng trong vấn đề “vùng 9 đoạn”. Hoàn toàn có thể phủ nhận lí luận trong chủ trương của một số chuyên gia Trung Quốc về “vùng nước lịch sử đường 9 đoạn” bằng cách “lấy gậy ông đập lưng ông”.

Phân định chủ quyền hải đảo

Nhằm tăng cường tính pháp lí của đường 9 đoạn, một số chuyên gia Trung Quốc và Đài Loan (chẳng hạn Phó Côn Thành) cho rằng ngoài cái gọi là “đường vùng nước lịch sử”, đường 9 đoạn còn có ý nghĩa địa lí xác thực, tức “là đường cách đều chia tách các đảo tại biển Đông với các vùng đất và đảo xung quanh”. Điều này không đúng sự thật. Ví như, phần Tây Nam của đường 9 đoạn cách đường bờ biển Việt Nam rất gần, nhưng lại cách Trường Sa rất xa. Tác giả khó có thể xác định cự ly cụ thể (vì đường 9 đoạn không có toạ độ), nhưng nhìn trên bản đồ thì rất dễ phát hiện.

Ngay cả khi những gì mà các chuyên gia Trung Quốc nói là đúng thì lập luận các đảo nhỏ như Bạch Long Vĩ có thể được phân chia vùng biển ngang bằng với lục địa (hoặc đảo lớn) là sai lầm. Như trên đã nói, hiệu lực phân định đảo Bạch Long Vĩ đã trở thành tiền lệ cho các đảo biển Đông.

Sau khi bỏ đi vùng lãnh hải 12 hải lí thì vùng đặc quyền kinh tế của Bạch Long Vĩ chỉ còn 3 hải lí, tương đương khoảng 1/10 đảo Hải Nam. Diện tích Bạch Long Vĩ là 3 km2, lớn hơn bất cứ hòn đảo nào tại biển Đông, hơn thế từ những năm 1920 đã có cư dân sống lâu dài trên đảo, dân số lên tới vài trăm người. Còn các đảo tại biển Đông, đặc biệt là trên quần đảo Trường Sa thì trước khi bồi đắp chỉ có rất ít quân lính trú đóng tại đó, sống chủ yếu bằng nguồn cung ứng được vận chuyển tới, tuyệt đại bộ phận là “không thể duy trì đời sống của con người” trên đảo. Hơn thế, Bạch Long Vĩ được tính là đảo trung tâm (bởi nó nằm chính giữa vùng đất liền hai nước), còn các đảo biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scaborough) lại là những đảo xa (những đảo nằm gần bờ biển nước khác hơn nước mình). Căn cứ thực tiễn Luật quốc tế thì hiệu lực phân định của các đảo đó nhỏ hơn so với đảo trung tâm, thậm chí có thể coi là vùng “đất mượn”. Vì thế, dù đứng từ phương diện nào thì hiệu lực phân định của các đảo tại biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và (bãi cạn Scaborough đều nhỏ hơn so với đảo Bạch Long Vĩ. Việc dùng “ trung tuyến” để hợp lí hóa đường 9 đoạn hiển nhiên không thể đứng vững.

Vấn đề nghề cá

Vấn đề nghề cá là một trong những tiêu điểm trong tranh chấp biển Đông. Nhưng vấn đề nghề cá có thể sắp đặt thông qua các thỏa thuận đặc biệt tách biệt với việc phân định lãnh thổ, lãnh hải, thậm chí vùng đặc quyền kinh tế. Việc xử lí vấn đề nghề cá Vịnh Bắc Bộ trở thành một ví dụ điển hình.

Trong vấn đề nghề cá, ngư trường Vịnh Bắc Bộ chủ yếu nằm về phía Việt Nam, ở phía tây đường trung tuyến. Nếu dựa hoàn toàn vào Luật quốc tế thì tài nguyên trong vùng này đương nhiên thuộc về Việt Nam.

Nhưng, với lí do bảo vệ sự “công bằng” trong thụ hưởng quyền lợi tài nguyên nghề cá trong khu vực này nên Trung Quốc cho rằng, đường trung tuyến nên điều chỉnh về phía Việt Nam. Cuối cùng, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thoả thuận, ngoài việc kí Hiệp định phân giới ra, hai bên còn kí kết “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ngày 25/12/2000, thiết lập vùng đánh cá chung, cách đường phân định phía Việt Nam 30,5 hải lí. Từ năm 2001, Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức nhiều vòng đàm phán về nghị định thư bổ sung cho hiệp định, trong nỗ lực thúc đẩy cho hiệp định cuối cùng có hiệu lực.

Bên trong khu vực đường 9 đoạn là ngư trường truyền thống của các nước, theo nguyên tắc công bằng, không thể để chỉ một nước được  riêng hưởng. Xét theo Hiệp định Vịnh Bắc Bộ (cũng như các hiệp định tương tự của các nước khác), ngay cả nguồn lợi thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia cũng có thể bị chia sẻ với các quốc gia láng giềng. Sự chung hưởng đó trong một khu vực nhất định có thể là vô điều kiện, hoặc có thể là chia sẻ có hạn định. Phương thức cụ thể được quyết định theo thỏa thuận của các quốc gia liên quan. Không nên để vấn đề nghề cá trở thành điểm khó trong việc giải quyết vấn đề biển Đông.

V.6. Từ rạn Mĩ Tế (đá Vành Khăn) đến rạn Nhân Ái (bãi Cỏ Mây) – tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines trong những năm 1990

Sau khi quân đội Mĩ rút khỏi biển Đông, cục diện biển Đông đã thay đổi. Trước đó, đối kháng chỉ diễn ra ở phía tây biển Đông, tức là quần đảo Tây Sa và các đảo đá phía Tây đảo Thái Bình (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa. Sau này, điểm nóng tranh chấp biển Đông chuyển sang phía Đông, giáp Philippines. Có thể có một nguyên nhân khác, đó là cho đến năm 1986, Philippines do Marcos, “bạn thân của nhân dân Trung Quốc” cai trị nên hai bên có quan hệ tốt đẹp. Hơn thế, khi Trung Quốc và Philippines thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc và Marcos đã đạt thỏa thuận ngầm, đó là không quan tâm nhiều đến việc Philippines kiểm soát và khai thác Trường Sa. Nhưng, năm 1986, Marcos bị phe Dân chủ lật đổ, đại diện phe Dân chủ “thân Mĩ” là bà Aquino lên nắm quyền. Bề ngoài, quan hệ Trung Quốc – Philippines vẫn tốt đẹp, nhưng nền tảng sự tin cậy lẫn nhau thời Marcos không còn. Sau khi hành động bành trướng của Trung Quốc về phía Việt Nam gặp trở ngại thì việc chuyển dịch sang phía Đông là điều hợp lí. Do đó, bắt đầu từ giữa những năm 1990, tiêu biểu qua sự kiện rạn Mĩ Tế (đá Vành Khăn), tranh chấp đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) và rạn Nhân Ái (bãi Cỏ Mây), tranh chấp biển Đông chuyển sang thời kì với đối kháng giữa Trung Quốc và Philippines là chủ yếu.

Sơ lược lịch sử rạn Mĩ Tế (đá Vành Khăn) và Nhân Ái (bãi Cỏ Mây)

Đá Vành Khăn nằm về phía Đông quần đảo Trường Sa (Hình 52), cách đảo Palawan khoảng 130 hải lí. Năm 1935, Trung Quốc đặt tên nó là đảo Nam Ác (南恶岛), đến năm 1947 mới đổi lại tên như hiện nay. Dân chài Trung Quốc gọi nó là “Song Môn”. Tên tiếng Anh của đảo này là Mischief Reef, Philippines gọi nó là Panganiban Reef. Đảo này được thuyền trưởng người Anh Henry Spratly phát hiện năm 1791, tên tiếng Anh của nó là từ tên thuyền viên người Đức, Heribert Mischief.

Bãi Cỏ Mây còn được gọi là bãi ngầm Nhân Ái (cách gọi của Trung Hoa Dân quốc) hay đá Thomas thứ hai (Second Thomas Reef hoặc Second Thomas Shoal). Philippines gọi nó là Ayungin, Việt Nam gọi nó là bãi Cỏ May, còn ngư dân Trung Quốc gọi nó là “Đoạn Tiết”. Rạn san hô này nằm ở phía Đông quần đảo Trường Sa, cách đá Vành Khăn chừng 14 hải lí về phía Đông Nam, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 110 hải lí. Trước thế kỉ XIX chưa có ghi chép về sự phát hiện hay việc đi lại tới bãi Cỏ Mây. Cuối thế kỉ XVIII, người Anh phát minh ra dụng cụ đo kinh độ, năm 1795, Anh thành lập Cục đo đạc thủy văn hải quân (Hydrographic Office) nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác đo đạc thủy văn. Đầu thế kỉ XIX, Anh đã tổ chức các cuộc khảo sát và thám hiểm biển Đông trong 4 năm liên tiếp từ 1807 đến 1810: lần thứ nhất dọc bờ biển Trung Quốc, lần thứ hai ở quần đảo Hoàng Sa, lần thứ ba dọc theo vùng bờ biển Nam bộ Việt Nam, lần thứ tư nhằm vào đảo Palawan của Philippines. Bốn lần khảo sát đó về cơ bản đã nắm rõ tình trạng địa lí các đảo ở biển Đông. Bãi Cỏ Mây lần đầu tiên được ghi chép lại trong quá trình khảo sát này, và qua đó nó có tên là “Rạn Thomas thứ hai”.

Trong bản đồ mở mang cương vực lần thứ nhất năm 1935, Trung Quốc đặt tên bãi Cỏ Mây là “bãi Tāngmǔsī (Thomas) thứ hai” (湯姆斯第二灘: Thang Mỗ Tư đệ nhị than), rõ ràng là được phiên âm và dich theo hải đồ và tư liệu của Anh.

Hình 52: Bản đồ phụ cận đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây

Bản thân đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây đều là “bãi triều thấp” (low tide elevation), chỉ nhô lên một phần khỏi mặt nước khi thủy triều xuống. Chúng tự tạo thành hai thể địa lí riêng biệt, không dính dáng gì với nhau. Theo “Công ước”, bãi triều thấp riêng lẻ không đủ tiêu chuẩn để có lãnh hải 12 hải lí, càng không thể có vùng đặc quyền kinh tế. Vì thế, mặc dù Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền ở đây, nhưng các nước này không có nhiều lợi ích kinh tế thực chất nếu căn cứ nghiêm ngặt vào “Công ước”.

Sau Thế chiến II, Pháp và Trung Quốc lần lượt tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa vào năm 1946 và 1947. Nhưng cả hai bên đều chưa đặt chân đến đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây. Năm 1947, Ty Phương vực Bộ Nội chính Trung Quốc xuất bản “Nam Hải chư đảo vị trí đồ” (Bản đồ vị trí các đảo biển Đông), trong đó tên gọi của bãi Cỏ Mây được đổi từ “Tangmusi thứ hai” thành “bãi ngầm Nhân Ái”. Đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây cũng được vẽ trong đường đứt đoạn. Chính quyền Bảo Đại của Việt Nam được thành lập năm 1949, tuyên bố rằng Việt Nam có chủ quyền tại tất cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1946, Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trước khi Lâm Tuân có hành động ở đóđó. Các bên không dàn xếp được tranh chấp, đành dùng phương thức “chưa quyết định” để tạm “gác” tranh chấp. Phạm vi tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và của Philippines đều bao gồm rạn Mĩ Tế và rạn Nhân Ái. Nhưng nhiều khả năng do chúng không quá nổi bật nên không có nước nào đem quân đến chiếm đóng trong những lần phân tranh quần đảo Nam Sa trước đó tính từ năm 1956.

Bắt đầu từ những năm 1980, Chính quyền Bắc Kinh tích cực chuẩn bị tiến vào Trường Sa. Năm 1983, Bắc Kinh đặt tên lại các đảo tại biển Đông. Bãi Cỏ Mây cũng được đặt tên là Nhân Ái trong thời gian này. Năm 1987, Trung Quốc tổ chức tàu khảo sát khoa học tiến vào biển Đông. Khi đó, các đảo chính của quần đảo Nam Sa đều có quân đội của các nước khác, vì thế Trung Quốc nhắm tới các đảo đá không có quân đội nước khác trú đóng. Đợt khảo sát này bao gồm 10 bãi đá trong đó có đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây, và trên các đảo được đặt các mốc đánh dấu.

Sự kiện rạn Mỹ Tế (đá Vành Khăn) lần thứ nhất

Năm 1992, Mĩ rút quân khỏi Philippines, đưa lại cơ hội hiếm có để Trung Quốc bành trướng sang phần phía đông của biển Đông. Năm 1994, Philippines giao cho Công ti Alcorn Petroleum của Philippines tiến hành đánh giá tiềm năng của một khu vực biển ngoài đảo Palawan, dẫn đến phản đối từ phía Trung Quốc. Đây được coi là cái cớ để Trung Quốc quyết tâm ra tay với Philippines.

Lần này, Trung Quốc không huy động tàu quân sự mà thay bằng tàu ngư chính. Dùng thủ đoạn “dân sự” thay “quân sự” để chiếm lĩnh, cũng có thể giảm bớt nguy cơ leo thang trong trường hợp xảy ra xung đột. Tháng 8/1994, Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải  Quảng Đông là Lưu Quốc Quân nhận điện thoại từ Cục trưởng Cục Ngư nghiệp Bộ Nông nghiệp Trác Hữu Chiêm, yêu cầu ông này lập tức đến Bắc Kinh. Sau khi đến Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Diên Hỷ trực tiếp nói với Lưu Quốc Quân rằng, để làm nổi bật sự hiện diện của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa, Trung ương quyết định xây dựng các khu trú ẩn cho tàu đánh cá trên rạn Mĩ Tế, do Lưu phụ trách. Đây là nhiệm vụ chính trị phải chấp hành vô điều kiện.

Ngày 29/12/1994, trong lúc Philippines dừng tuần tra trong mùa gió thì đội tàu ngư chính với tàu chỉ huy 1000 tấn Ngư Chính 31 đã đến đá Vành Khăn bắt đầu xây dựng nhà giàn bằng xi măng cốt thép đúc sẵn, ngoài ra còn có 4 thuyền cá tham gia vào công trình xây dựng này. Tàu khảo sát khoa học Hướng Dương Hồng 14 cũng đến đá Vành Khăn sau đợt nghỉ Tết Nguyên Đán. Tàu ngư chính số 31 phụ trách công tác cảnh giới ngoài rạn đá.

Khoảng 10/1/1995, Trung Quốc chặn tàu đánh cá Analita của Philippines ở vùng biển Vành Khăn, giữ tàu này một tuần, rồi đuổi tàu này khỏi khu vực Vành Khăn. Ngày 17/1, một tàu cá Philippines với 12 ngư dân tiến đến đá Vành Khăn, do chạy tốc độ nhanh nên tàu Trung Quốc không ngăn kịp đã tiến vào đầm phá . Sau khi vào trong đầm phá, tàu cá Philippines bị tàu Ngư chính 31 bắt giữ, kiểm tra và đuổi đi. Sau khi về đến Philippines, tàu cá đã tố cáo hành vi của Trung Quốc trước báo chí, điều này khiến Chính phủ Philippines phải cảnh giác trước hành động của Trung Quốc. Ngày 2/2, Philippines đưa tàu tuần tra và máy bay trinh sát đến đá Vành Khăn để kiểm tra. Khi máy bay trinh sát tiến hành chụp ảnh đá Vành Khăn ở độ cao thấp thì người Trung Quốc ném các thứ như chai bia vào máy bay, trong đó có một chai bia ném trúng đuôi máy bay. Rất may không ai thương vong nhưng máy bay đành quay trở về.

Ngày 8/2, Tổng thống Philippines Ramos có bài phát biểu thông báo rằng Bộ Quốc phòng xác nhận đã phát hiện một tàu Trung Quốc gần rạn Panganiban (tức đá Vành Khăn) trên quần đảo Kalayaan (quần đảo Trường Sa-ND) và ông chỉ thị Bộ Ngoại giao thực hiện các hành động ngoại giao thích hợp, đồng thời nhắc nhở Trung Quốc rằng “những hành động do những người liên quan đến nước CHNDTH thực hiện là không phù hợp với Luật quốc tế cũng như tinh thần và ý định ‘Tuyên ngôn Manila’ của các nước ASEAN về vấn đề biển Đông, thông qua năm 1992. Philippines (và Trung Quốc) đều là nước kí “Tuyên ngôn” này. Ngày hôm sau, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Davila cho các phóng viên xem các bức không ảnh do máy bay Philippines chụp tại Vành Khăn, cho thấy Trung Quốc đã xây dựng 4 công trình kiên cố có cắm quốc kì Trung Quốc tại đó. Ngày 15/2, Ramos đọc một bài diễn văn dài, lên án mạnh mẽ Trung Quốc và tái khẳng định đá Vành Khăn thuộc về Philippines; ông cho rằng đây không phải là sự việc riêng giữa hai nước Trung Quốc và Philippines, mà còn ảnh hưởng đến an ninh và ổn định trong toàn bộ khu vực biển Đông; đồng thời biểu thị thái độ không loại trừ việc đưa vấn đề tranh chấp Nam Sa ra giải quyết tại Liên hiệp quốc. Sự việc này không chỉ làm dấy lên phản đối từ Philippines mà Việt Nam cũng liên tiếp đưa ra hai tuyên bố trong hai ngày 9 và 10, cho rằng hành vi của Trung Quốc mang tính nghiêm trọng, Việt Nam nghiêm khắc phản đối sự việc này.

Trước sự việc này, ngày 9/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời:

Ngành ngư chính địa phương Trung Quốc xây dựng một vài chỗ trú ẩn cho tàu đánh cá trên rạn Mĩ Tế nhằm bảo vệ tính mạng và an toàn sản xuất của ngư dân hoạt động trong vùng biển Nam Sa”. Thậm chí Trung Quốc còn giải thích với Philippines rằng việc chiếm đóng là do “các cán bộ cấp dưới ‘ra lệnh mà không báo cáo với Chính phủ và chưa được Chính phủ cho phép’”.

Ngày 21/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines thăm Bắc Kinh và thảo luận về vấn đề biển Đông với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kì Tham. Tiền Kì Tham nêu rõ: “Lãnh đạo hai nước đã đạt được sự hiểu biết cao về tranh chấp Nam Sa, tức là biện pháp ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’, coi đây là con đường giải quyết vấn đề tốt nhất”. Hai bên cho rằng những khác biệt cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán song phương.

Mặc dù Trung Quốc có thái độ ngoại giao mềm mỏng, nhưng lại có thái độ cứng rắn trong việc xây dựng đá Vành Khăn. Philippines không đủ năng lực và cũng không dám ngăn cản mà chỉ đưa quân đội đến trú đóng trên các bãi Cỏ Rong, Sa Bin (Tiên Tân), Hải Sâm (Ngũ Phương), Suối Ngà (Tín Nghĩa) và Bán Nguyệt (Trăng Khuyết) vào ngày 25/3, phá bỏ các cột mốc do Trung Quốc cắm khi tiến hành khảo sát khoa học tại biển Đông (Philippines gọi đây là các cột mốc do nước ngoài để lại nhưng không rõ quốc tịch) trong những năm 1980, đồng thời cho xây dựng các cột mốc của nước mình.

Ngày 25/3, Philippines bắt giữ 4 tàu cá Trung Quốc (Quỳnh Hải 00406, 00488, 00308, 00373) tại đảo Tiên Nga, cách rạn Mĩ Tế hơn 30 hải lí, với lí do các tàu này đánh bắt cá trái phép, giam giữ tổng cộng 62 thuyền viên, mãi đến ngày 30/9 mới được thả; còn 4 chủ thuyền được thả vào ngày 26/1 năm sau. Ngoài việc phản đối, trao đổi ngoại giao và trợ giúp pháp lí cho ngư dân trước hành động của Philippines, Trung Quốc không có hành động nào hơn, vì trọng tâm của Trung Quốc là đá Vành Khăn. Đây có thể coi như một sự thỏa hiệp và thừa nhận ngầm với Philippines.

Ngày 12/5, Philippines tổ chức một đoàn 38 nhà báo nước ngoài và Philippines đến đá Vành Khăn bằng tàu thuê tư nhân, được tàu đổ bộ Bengate và tàu tuần tra Miguel Marsoy (?) của Philippines hộ tống. Xuất phát từ Palawan tiến vào đá Vành Khăn và đến vùng biển Vành Khăn vào sáng ngày 13. Chiến hạm Philippines cố tiến để đổ bộ lên đá Vành Khăn, nhưng bị tàu Ngư chính 34 của Trung Quốc ngăn cản nên không thể vào gần rđá Vành Khăn được.

Được biết, khi đó Trung Quốc đã ra lệnh, nếu không ngăn cản được thì có thể đâm chìm tàu cá Philippines, bịt lối vào chính của đá Vành Khăn (tàu Ngư chính 34 có trọng tải 500 tấn). Cuối cùng, tàu thuê phải neo đậu ở bên ngoài, một máy bay trực thăng đã chở các nhà báo bay trên đá Vành Khăn để chụp ảnh. Hai bên giằng co nhau suốt 7 tiếng đồng hồ, sau đó Philippines mới rời khỏi đá Vành Khăn. Trung Quốc phản đối gay gắt nhưng không có hành động gì thêm.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không nhượng bộ và Philippines cũng không thể làm gì khác dù có ưu thế về dư luận. Hải quân Philippines rất lạc hậu, chỉ có thể đối phó với buôn lậu. Vì vậy, dù Trung Quốc ở rất xa đá Vành Khăn và hành động cũng chỉ hạn chế bằng tàu ngư chính, nhưng nếu không có sự bảo hộ của Mĩ thì Philippines không thể nào đối đầu bằng vũ lực. Hơn thế, Mĩ cũng không muốn Philippines làm to chuyện. Ngày 22/6, Ủy ban công tác ngoại giao Thượng nghị viện Mĩ thông qua quyết nghị đề nghị Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei tự kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực để mở rộng chủ quyền tại biển Đông, đe dọa an ninh và ổn định của khu vực Đông Á.

Ngày 30/7, trong cuộc đối thoại Trung Quốc – ASEAN tại Brunei, Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kì Tham một lần nữa nhượng bộ: (1) Đồng ý đàm phán đa phương với ASEAN về vấn đề biển Đông, đây là bước lùi so với lập trường kiên quyết đàm phán song phương của Trung Quốc trước đó; (2) Trung Quốc biểu thị ý nguyện đàm phán theo tiêu chuẩn của Luật quốc tế; (3) Đảm bảo không can dự vào tự do hàng hải tại biển Đông. Trừ Philippines, ba lập trường đó về cơ bản thỏa mãn yêu cầu của các nước ASEAN cũng như các nước ngoài khu vực như Mĩ, Nhật Bản. Các quốc gia ASEAN bày tỏ sự hài lòng. Trong bối cảnh Mĩ không ủng hộ việc làm to chuyện và các đồng minh ASEAN cũng tỏ thái độ hòa hoãn, Philippines đành chấp nhận thực tế.

Từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 8, trợ lí Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Anh Phàm đến Manila thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Philippines về vấn đề biển Đông. Hai bên nhất trí không sử dụng vũ lực, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ bình thường giữa hai nước, giải quyết bằng thương lượng hòa bình hữu nghị, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Philippines không nhắc lại yêu cầu đòi Trung Quốc rút khỏi đá Vành Khăn. Sự việc tạm dừng tại đó, Trung Quốc đã tìm thấy chỗ đứng đầu tiên ở phía Đông biển Đông. 

Hình 53: Ba thế hệ nhà giàn ở đá Vành Khăn 

Lịch sử sơ lược đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough)

Tiếp sau sự kiện đá Vành Khăn là sự kiện đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough), tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines đã mở rộng từ quần đảo Trường Sa sang bãi Scarborough ở phía Bắc. Đây cũng là tranh chấp lãnh thổ thứ ba sau tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa, hơn thế nó còn ảnh hưởng rất lớn đến cục diện biển Đông trong tương lai.

Scarborough không phải là một “đảo”. Nó là rạn san hô cách đảo Luzon của Philippines 240 km, cách đảo Hải Nam Trung Quốc gần 900 km, cách Trung Sa khoảng 350 km. Đại bộ phận đảo nằm dưới mặt nước, chỉ có một số mỏm đá nhô lên khỏi mặt nước. Tên gọi quốc tế của nó là Scarborough Shoal, Đài Loan (Trung Hoa dân quốc) gọi nó là “rạn Sikabolei” (斯卡伯勒: Tư tạp bá lặc - phiên âm của Scarborough) (năm 1935) và “rạn Dân Chủ” (năm 1947). Năm 1983 Bắc Kinh mới đổi tên nó thành đảo Hoàng Nham. Đối với Trung Quốc, nó được coi là một phần của quần đảo Trung Sa (Macclesfield). Đây là kiểu cách phân định chỉ có một trên thế giới. Bãi ngầm Macclesfield (tức phần chính của “quần đảo Trung Sa”), đảo Hoàng Nham, bãi ngầm Hiến Pháp (bãi ngầm Truro) và các bãi ngầm khác đều cách nhau rất xa, về cơ bản, giữa chúng đều là biển nước sâu, về mặt địa lí chúng cũng không thuộc cùng một hệ thống. Hơn thế, trong “quần đảo Trung Sa” chỉ có duy nhất bãi cạn Scarborough là có thể nhô khỏi mặt nước biển. Bắc Kinh đặt tên nó là đảo Hoàng Nham, đại loại để nâng cao địa vị pháp lí của nó và thậm chí của quần đảo Trung Sa (từ bãi cạn nâng lên thành đảo).

Khác với đảo Điếu Ngư (Sankaku), Hoàng Sa và Trường Sa … dù Trung Quốc có tiếng phong phú về tư liệu lịch sử, nhưng trước thế kỉ XX, không có ghi chép nào về đảo Hoàng Nham trong kho tàng sử sách đồ sộ của Trung Quốc. Về mặt tài liệu, Trung Quốc chỉ biết đến đảo Hoàng Nham sớm nhất là vào cuối thế kỉ XIX từ các bản đồ biển của phương Tây. Có thể nói, trước thời kì hiện đại, Trung Quốc không có chút liên hệ nào đến đảo Hoàng Nham.

Theo như tác giả được biết, bài báo sớm nhất trong báo chí Trung Quốc liên quan đến đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) là bài viết về tranh cãi Trung – Nhật từ năm 1907-1909, đăng trên “Tạp chí Đông phương” năm 1909. Bài báo miêu tả rằng khi đó Trung Quốc không biết vị trí chính xác của hòn đảo mà người Nhật khai thác(tức đảo Pratas [Đông Sa]) và cho rằng nó nằm trong khoảng 14° vĩ Bắc, nhưng khi tra bản đồ mới phát hiện ra không có đảo nào ở vị trí đó, chỉ có “một địa điểm nhỏ chếch về phía đông bắc, nhô khỏi mặt nước 3 thước (xích)”. Mặc dù bài báo không nhắc đến tên đảo, nhưng dựa vào vị trí kinh vĩ tuyến có thể biết bãi cạn nhỏ đó chính là đảo Scarborough. “Bây giờ muốn chứng minh chỗ đất này thuộc nước nào, chỗ đất đó vẫn nằm phía nam Luzon, cách xa bờ biển Trung Quốc hàng nghìn dặm, nếu lấy đó làm căn cứ cho nó thuộc Trung Quốc thì không nước nào có thể nghe theo.” Theo báo cáo của Tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn thì nơi này (chỗ đất bị hiểu lầm là đảo nhỏ) “cách Quảng Đông rất xa, khó có thể coi đó là đất đai của Quảng Đông”. Có thể thấy, vào lúc đó Scarborough không thuộc Trung Quốc.

Ngược lại, Scarborough rất gần Philippines, nhiều khả năng dân bản địa Philippines là người phát hiện ra đảo này sớm nhất. Trong thế kỉ XVIII, Scarborough đã xuất hiện trên bản đồ do người Tây Ban Nha xuất bản; giữa thế kỉ XVIII, người Tây Ban Nha lại đặt tên cho nó là Masingloc (tức Masinloc). Năm 1792, các nhà khoa học Tây Ban Nha tiến hành khảo sát đảo Scarborough, làm rõ địa hình của nó. Năm 1800, tàu tuần tiễu quân sự Santa Lucia nhận lệnh của nhà đương cục Manila, tiến hành thăm dò lại Scarborough lần nữa. Từ đó về sau, bản đồ Tây Ban Nha và các nước khác luôn thể hiện đảo đó thuộc Philippines. Năm 1866, khi có tàu bị mắc cạn ở Scarborough, chính quyền Philippines thuộc Tây Ban Nha cử người đi cứu hộ. Vì vậy khi đó, Philippines thuộc Tây Ban Nha đã có ý định chủ quyền và kiểm soát hiệu quả đảo Scarborough.

Tuy nhiên, năm 1898, sau Chiến tranh Mĩ - Tây Ban Nha, Scarborough đã “bị biến mất” trong cuộc chuyển giao giữa Mĩ và Tây Ban Nha; trong “Điều ước Paris” (Treati of Paris) thông qua năm 1898, Tây Ban Nha chuyển nhượng Philippines (và Puerto Rico) cho Mĩ, tại điều 3 phạm vi các đảo và vùng biển của Philippines được vẽ dưới dạng các đường kinh tuyến và vĩ tuyến nối với nhau (gọi tắt là đường ranh giới điều ước), đảo Hoàng Nham nằm đúng ngay tại kinh độ 118° E ở về phía Tây, không nằm trong phạm vi chuyển nhượng. Hiện tại chưa tìm được hồ sơ giải thích tại sao khi đó lại xử lí như vậy, nhưng đường ranh giới này cũng không bao gồm một số đảo mà Mĩ cho rằng phải có trong đó. Vì vậy hai bên lại kí kết “Điều ước Washington” 1900 (Treati Washington, 1900), tức Điều ước bổ sung “việc chuyển nhượng các quần đảo xa của Philippines” (Cession of Outlying islands of Philippines). Điều ước quy định, những vùng đất của Philippines thuộc Tây Ban Nha nằm ngoài đường ranh giới thể hiện trong Điều ước cũng đều được chuyển nhượng cho Mĩ. Vì thế, về pháp lí, nếu như trước năm 1898, Tây Ban Nha có chủ quyền đối với Scarborough thì chủ quyền đó cũng đã được nhượng lại cho Mĩ theo Điều ước này. Tuy nhiên, điều quan tâm chính của Mĩ khi đó là các đảo thuộc Sulu và Sibutu, Scarborough không nằm trong mối quan tâm của họ.

Lãnh thổ Philippines được diễn giải trong Hiến pháp Philippines năm 1935 như sau::

ARTICLE The National Territory

Section 1. The Philippines comprises all the territory ceded to theUnited States by the Treati of Paris concluded between the United States and Spain on the tenth day of December, eighteen hundred and ninety-eight, the limits which are set forth in Article III of said treaty, together with all the islands embraced in the treati concluded at Washington between the United States and Spain on the seventh day of November, nineteen hundred, and the treati concluded between the United States and Great Britain on the second day of January, nineteen hundred and thirty, and all territory over which the present Government of the Philippines Islands exercises jurisdiction.

(Điều 1: lãnh thổ quốc gia (phần này được viết bằng tiếng Trung)

Lãnh thổ Philippines bao gồm toàn bộ phạm vi được xác định trong khoản 4 điều 3 “Điều ước Paris” được kí kết giữa Mĩ và Tây Ban Nha ngày 10/12/1898; toàn bộ các đảo được xác định trong “Điều ước Washington” được kí kết giữa Mĩ và Tây Ban Nha ngày 7/11/1900; toàn bộ các đảo được Mĩ và Anh xác định trong Điều ước 2/1/1930 cùng tất cả lãnh thổ hiện do Chính phủ Philippines thực thi quyền tài phán.)

Trung Quốc cho rằng bản Hiến pháp này nhấn mạnh “Điều ước Paris”, và theo dường ranh giới điều ước thì Scarborough đã bị loại ra. Nhưng, theo phân tích phía trên, “Điều ước Washington” cùng “tất cả lãnh thổ hiện do Chính phủ Philippines thực thi quyền tài phán” trong văn bản hiến pháp đều có thể giải thích rằng Scarborough đã bao hàm trong đó, hơn nữa Philippines thời kì thuộc Mĩ đã thực sự thực thi quyền tài phán đối với Scarborough.

Trong thời kì thuộc Mĩ, thái độ của Philippines đối với Scarborough là hết sức mơ hồ. Một mặt, Philippines vẫn có chứng cứ kiểm soát Scarborough. Ghi chép tỉ mỉ nhất chính là sự kiện ngày 8/5/1913, khi một tàu Thụy Điển mang tên Nippon bị mắc cạn tại bãi Scarborough, Cục Hải vụ Manila Philippines (Bureau of Navigation) đã đưa tàu cảnh vệ biển Mindoro ra cứu hộ. Sau đó, một công ti trục vớt và công ti bảo hiểm đã kiện về việc phân chia hàng hóa của tàu Thụy Điển được trục vớt. Vụ kiện lần đầu tiên được xét xử tại Tòa án Quận 1 của Manila, và sau đó được kháng cáo ở tòa án tối cao, tên hồ sơ vụ kiện là Erlanger & Galinggev v. The Swedish East Asiatic Co., GR No.L-10051. Sự việc đó thể hiện đầy đủ quyền quản lí của Philippines đối với khu vực Scarborough: Thứ nhất, Philippines cung cấp dịch vụ trục vớt đối với tàu gặp nạn tại địa điểm này; thứ hai, Philippines thực hiện quyền quản lí tư pháp đối với vụ đắm tàu ​​xảy ra ở khu vực biển này. Hai điểm này đủ cho thấy Philippines có quyền kiểm soát thực tế đối với Scarborough, đồng thời cũng cho thấy có ý định chủ quyền ở mức độ nhất định.

Mặt khác, Mĩ lại chưa công nhận chủ quyền của Philippines đối với Scarborough. Điều này có thể thấy được từ hai khía cạnh. Trước hết, kể từ năm 1900, hầu như tất cả các bản đồ của Philippines do Hoa Kì xuất bản đều không bao gồm, thậm chí có thể nói là đã cố tình loại Scarborough ra. Các bản đồ này thường có bốn dạng: một dạng vẽ ranh giới của Philippines, loại bỏ rõ ràng Scarborough, ví như bản đồ quân sự năm 1944; dạng thường thấy nhất có các biểu bảng ghi chú, kí hiệu và bản đồ phóng to được đặt nằm ở góc phía Tây đảo Luzon và phía Bắc đảo Palawan che khuất Scarborough, ví như bản đồ Philippines năm 1911; dạng thứ ba là không có bảng, biểu gì đặt tại phía Tây đảo Luzon và phía Bắc đảo Palawan cả, người Mĩ thích vẽ khu vực này thành vùng trống chứ không vẽ thêm bãi Scarborough vào, ví như bản đồ Philippines năm 1909; dạng thứ tư mặc dù có vẽ Scarborough nhưng không ghi rõ đó là của Philippines, ví như bản đồ năm 1908, Philippines có tô màu nhưng bãi Scarborough lại không có màu và vùng Sabah cũng không được tô màu. Vì vậy, không có cách nào để từ màu sắc kết luận rằng bãi Scarborough thuộc về Philippines. Theo những gì tác giả thấy được, trong nửa đầu thế kỉ 20 không có bản đồ Philippines nào vẽ hoặc thể hiện rõ Scarborough thuộc Philippines, hoàn toàn khác so với bản đồ Philippines thế kỉ XIX.

Hình 54: Bản đồ Philippines (1944)

Hình 55: Bản đồ Philippines (1911)     Hình 56: Bản đồ Philippines (1909)

Philippines còn tuyên bố, những bản đồ mà Philippines thống kê được vào năm 1918 đều có vẽ đảo Scarborough. Tra cứu 4 tập bản đồ do Philippines thống kê thì thấy, Scarborough chỉ xuất hiện trên hai tập bản đồ toàn quốc (Map of Philippines Islands và Relief map). Nhưng cách vẽ của hai tập bản đồ này không chứng minh được Scarborough thuộc Philippines: thứ nhất, trên bản đồ có vẽ đường ranh giới điều ước, Scarborough nằm bên ngoài đường ranh giới này (giống như Hình 54); thứ hai, không dùng màu hoặc phương thức biểu thị nào cho thấy đảo Hoàng Nham thuộc Philippines; thứ ba, trong bản đồ cũng có vẽ đảo Đông Sa (Pratas) có màu và cách biểu thị giống như đảo Scarborough, nhưng Pratas rõ ràng không thuộc về Philippines. Trên bản đồ tỉnh Zambales lại không vẽ đảo Scarborough. Cũng có người nói rằng bản đồ thống kê dân số Philippines năm 1939 (Census of the Philippines) có thể hiện Scarborough. Tra cứu lại đại bộ phận tư liệu gốc trong 7 quyển 3 tập đều không phát hiện thấy cái gọi là bản đồ toàn thể Philippines, và bản đồ tỉnh Zambales (đảo  Scarborough thuộc tỉnh này về mặt quy hoạch hành chính) cũng không có  Scarborough. Theo tìm hiểu của tác giả về bản đồ Philippines thời đó thì dù có tấm bản đồ như vậy cũng chỉ là loại tương tự như bản đồ năm 1918, không có cách nào chứng minh ý đồ chủ quyền của Philippines đối với  Scarborough.

Thứ hai, trong khoảng thời gian 1937-1938, Philippines thời thuộc Mĩ đã từng tiến hành thảo luận chi tiết về vấn đề chủ quyền đảo  Scarborough. Khi đó, để phòng trước một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nhật Bản ở biển Đông, chính phủ đã thảo luận về việc liệu nước này có nên tuyên bố chủ quyền đối với đảo  Scarborough và triển khai các lực lượng phòng thủ trên đó hay không. Cuối năm 1937, trợ lí hành chính (administrative assistant) Cao ủy Hoa Kì tại Philippines (US High Commissioner to the Philippines) Kha Y (Wayne Coy) đã tham khảo ý kiến ​​của Cục trưởng Cục đo lường lục địa và bờ biển Mã Hách (Captain Thomas Maher): đã có nước nào tuyên bố chủ quyền rạn Hoàng Nham (Scarborough Shoal - 斯卡伯勒礁) hay không? Maher trả lời ông không có thẩm quyền xử lí những việc liên quan đến chủ quyền, nhưng ông biết rằng vào năm 1800 tàu Santa Lucia của Tây Ban Nha đã từng đo đạc rạn Scarborough: “nếu việc đo đạc này có thể giúp Tây Ban Nha có được chủ quyền, hoặc được các nước khác công nhận chủ quyền thì có vẻ rạn đá đó nên coi là thuộc lãnh thổ của Tây Ban Nha, và do đó được chuyển nhượng cho Mĩ theo Điều ước 7/11/1990”.

Vài tháng sau, Jorge B. Vargas, Bộ trưởng điều hành (Executive Secretary) của Tổng thống Philippines đã hỏi Wayne Coy về tình trạng chủ quyền bãi Scarborough, và đưa ra ý kiến: “Nếu phía Mĩ không phản đối thì Chính phủ Liên bang có thể sẽ tuyên bố chủ quyền (đảo này)”. Wayne Coy chuyển ý kiến này đến Bộ Ngoại giao Hoa Kì. Tháng 6, trong thư gửi Bộ trưởng Chiến tranh Ngũ Đức Lâm (Harry Woodring), Ngoại trưởng Mĩ Hi Nhĩ (Cordell Hull) viết: “Ngoài thông tin trong tài liệu đính kèm, Bộ Ngoại giao không có thông tin gì khác về mặt chủ quyền của rạn Scarborough. Dù rạn san hô này dường như nằm ngoài đường ranh vẽ theo Điều 3 của Điều ước Paris ngày 10/12/1898 giữa Mĩ và Tây Ban Nha, nhưng vì không có chính phủ nào khác tuyên bố chủ quyền đối với nó, nó có thể được coi là một trong các đảo được chuyển nhượng theo Điều ước Mĩ - Tây Ban Nha ngày 7/11/1900”. Ông cũng biểu thị thái độ không phản đối kế hoạch của chính phủ liên bang Philippines nghiên cứu giá trị của hòn đảo trước khi xem xét tuyên bố chủ quyền chính thức, đồng thời đề nghị Bộ Chiến tranh và Bộ Thương mại cũng tiến hành nghiên cứu giá trị của hòn đảo này. Trong những tháng tiếp theo, cả Bộ Chiến tranh và Bộ Thương mại đều tiến hành nghiên cứu việc này và biểu thị thái độ không phản đối kế hoạch đó. Tuy nhiên, ngay khi chính phủ liên bang Philippines chuẩn bị hành động thì Nhật Bản tấn công biển Đông và Trường Sa,  Scarborough không còn giá trị chiến lược, và kế hoạch tuyên bố chủ quyền chính thức của Philippines đối với đảo  Scarborough theo đó phải kết thúc ngang. Những bàn thảo trước đó chỉ được lưu hành trong nội bộ chính phủ dưới dạng một bản ghi nhớ.

Mĩ và Philippines đã tốn gần một năm để nghiên cứu vấn đề  Scarborough, hiệu quả có thể nói là không cao. Điều đó liên quan tới việc Mĩ luôn đánh giá thấp giá trị chiến lược của đảo  Scarborough. Trọng tâm thảo luận của Mĩ và Anh thời đó về phòng thủ quân sự ở biển Đông là quần đảo Trường Sa và đã vài lần cùng bí mật tiến hành thăm dò khảo sát.

Xem xét cả quá trình bàn thảo thì thấy, mặc dù năm 1938, Philippines và Mĩ đã khẳng định về mặt pháp lí rằng đảo  Scarborough có thể là lãnh thổ thuộc Philippines, nhưng trước đó Philippines cũng chưa xác định rõ đó là lãnh thổ của mình. Đây là điều nhất quán với việc đảo  Scarborough không được vẽ trong tuyệt đại bộ phận bản đồ Philippines do Mĩ ấn hành.

Hơn nữa, trong quá trình nghiên cứu thảo luận đó, Mĩ và Philippines rõ ràng đều không biết rằng đảo  Scarborough đã được Trung Quốc được đưa vào lãnh thổ của mình trong bản đồ mở mang cương vực năm 1935. Chính vì vậy mà các học giả Philippines tin rằng Philippines đã đưa ra yêu sách chủ quyền đối với  Scarborough và cũng đã được Mĩ tán đồng. Nhưng thực tế thì quá trình thảo luận đó chỉ giới hạn trong nội bộ chính phủ, không thể sánh ngang với các tài liệu công khai tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trong Thế chiến II, Nhật Bản đã từng chiếm đóng Philippines. Trong thời kì Nhật chiếm, trên bản đồ do Nhật xuất bản, đảo Scarborough được xem như thuộc về Philippines. Chẳng hạn trong “Bản đồ phần đại Đông Á chuẩn” (Hình 41) quần đảo Trường Sa (Nhật gọi là quần đảo Xinnan [Tân Nam]) và Philippines được tách bằng một đường đứt đoạn và hướng của đường đứt đoạn chắc chắn chỉ ra đảo Scarborough thuộc về Philippines. Nhưng sau Chiến tranh, dù là bản đồ do Mĩ hay Philippines xuất bản thì kiểu dáng của bản đồ Philippines đều được khôi phục như cũ.

Tóm lại, nửa đầu thế kỉ XX, dù trên bản đồ do Mĩ hoặc Philippines xuất bản hoặc trong nhận thức của chính quyền thực dân Mĩ thì đảo Scarborough đều không thuộc Philippines. Trong quá trình chuyển giao Philippines từ Tây Ban Nha sang Mĩ, đảo Scarborough trên thực tế đã “bị đánh mất”. Mặc dù trong khoảng thời gian này, Philippines có xử lí một số việc thể hiện quyền quản lí đối với đảo Scarborough, nhưng lại chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền đối với nó. Đây chính là nguyên nhân căn bản dẫn đến tranh chấp đảo Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines sau này.

Phần lớn các bản đồ Trung Quốc trước năm 1935 chưa có đảo Scarborough (xem Bản đồ năm 1934 do Thân báo xuất bản – Hình 57). Năm 1935, qua bản đồ mở rộng cương vực lần thứ nhất, đảo Scarborough đã được đưa vào lãnh thổ Trung Quốc với tên gọi “rạn Sīkǎbāluò (斯卡巴洛 [Tư-ca-ba-lạc]- phiên âm của Scarborough” như một phần của quần đảo Nam Sa (sau này là quần đảo Trung Sa) (xem phần II.8). Các bản đồ được xuất bản sau đó mới thêm đảo Scarborough vào (Xem Bản đồ năm 1936 do Thân báo xuất bản – Hình 58). Việc một cơ quan cấp dưới vốn chỉ là nơi chịu trách nhiệm thẩm định các ấn phẩm bản đồ lại khẳng định rằng Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough (và quần đảo Trường Sa) chỉ bằng cách liệt kê tên hòn đảo trong một ấn phẩm liệu có đáp ứng các yêu cầu của luật pháp quốc tế hay không, đó là vấn đề đáng đặt dấu hỏi. Hơn thế, Trung Quốc không hề thực thi hành động nào đối với đảo này sau đó. Như đã trình bày ở trên, ngay cả Mĩ là nước liên quan mật thiết trong thời kì đó cũng không biết (hoặc không cho rằng) Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với đảo Scarborough.

Hình 57: “THDQ tân địa đồ” do Thân báo xuất bản năm 1934

Năm 1947, Trung Quốc thực hiện hành động “thu hồi” các đảo tại biển Đông, nhưng hành động “thu hồi” của Lâm Tuân cũng không đụng tới Scarborough. Năm 1948, Ty phương vực thuộc Bộ Nội chính của Chính phủ Quốc dân xuất bản “Bản đồ vị trí các đảo biển Đông”, tiến hành mở rộng cương vực lần thứ hai, vẽ đường 11 đoạn, đảo Hoàng Nham nằm trong vùng có đường đứt đoạn đó. Đồng thời, Trung Quốc tiến hành đặt tên mới cho các đảo, trong đó, đảo Scarborough được đổi tên thành rạn Dân Chủ. Nhưng về mặt kiểm soát hiệu quả, Chính phủ Dân quốc không những không thực hiện được việc thu hồi đảo Scarborough bằng hành động, mà ngay cả sau Thế chiến II, hải quân Mĩ đã sử dụng đảo Scarborough làm bãi bắn bia, tiến hành luyện tập định kì tại đây, chính phủ Dân quốc cũng không biểu thị thái độ phản đối. Tuy nhiên, quân đội Mĩ không quan tâm tới vấn đề chủ quyền của đảo Scarborough, khiến cho vấn đề chủ quyền của đảo này vẫn mơ hồ như trước.

Hình 58: “Bản đồ Quảng Đông” trong “Tập bản đồ Trung Quốc” do Thân báo xuất bản năm 1936 (tr.427 bản gốc)

Sau khi giành được độc lập, Philippines yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nhưng trong các tuyên bố khác nhau từ năm 1946 đến những năm 1970, phạm vi lãnh thổ mà Philippines đề xuất vẫn không bao gồm đảo Scarborough. Một tư liệu năm 1974 của Cục Tình báo CIA Mĩ cũng xác nhận Philippines chưa có chủ quyền đối với đảo Scarborough. Mãi đến 11/6/1978, Philippines ban hành Lệnh 1599 về “Vùng đặc quyền kinh tế và mục đích của nó” thì đảo Scarborough mới nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (xem Hình 30). Các bản đồ của Philippines xuất bản trước những năm 1990 cũng không vẽ Scarborough trong ranh giới.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Philippines không có hành động thể hiện chủ quyền đối với đảo Scarborough. Ngược lại, có một số ví dụ cho thấy rằng Philippines đã từng thực hiện quyền quản lí đối với đảo Scarborough từ năm 1946 đến đầu những năm 1990: 

(1) Năm 1957, Philippines và Mĩ đã cùng đo đạc đảo Scarborough. Đồng thời, Mĩ cũng đã thông báo trước cho Đài Loan và Việt Nam, nhưng chỉ có Philippines là nước duy nhất tham gia hoạt động này.

(2) Năm 1947, Mĩ và Philippines kí kết “Hiệp ước về căn cứ quân sự” (1947 Military Bases Agreement). Sau đó, Philippines đã nhiều lần tham gia diễn tập ném bom trên đảo Scarborough cùng quân đội Mĩ. Từ những năm 1960-1980, mỗi lần tiến hành diễn tập, Philippines đều thông qua cơ quan sự vụ biển của Liên Hiệp quốc (UN International Maritime Organization) ra thông báo hàng hải (Notices to Mariners), yêu cầu tàu thuyền rời khỏi vùng biển xung quanh đảo Scarborough.

(3) Năm 1961, dưới sự chỉ huy của đại tá Antonio P. Ventura, Cục đo đạc đất đai và bờ biển Philippines (Philippines Coast and Geodetic Survey) tiến hành đo đạc và khảo sát Scarborough trong thời gian 4 ngày, và cũng lắp đặt thiết bị đo lường thủy triều và hải lưu trên một khối đá tại đây.

(4) Tháng 10/1963, hải quân Philippines phát hiện các nhóm buôn lậu từ Ma Cao và Đài Loan đã cấu kết với người Philippines lấy đảo Scarborough làm căn cứ để buôn lậu đến Philippines. Cách làm cụ thể là người buôn lậu Trung Quốc vận chuyển hàng hóa đến đảo Scarborough, sau đó người Philippines tiếp tục chuyển đến đảo Luzon. Do Philippines và Mĩ sơ suất trong phòng chống nên nhóm buôn lậu Trung Quốc và Philippines thậm chí còn xây dựng 2 kho chứa hàng và một số cơ sở cầu cảng. Philippines dùng không quân và hải quân tấn công, ném bom đảo Scarborough, bắt một số trong nhóm buôn lậu, và tiêu hủy những công trình xây dựng trên đảo (Hình 59 – phía trên, bên phải).

(5) Các vụ buôn lậu tương tự đã bị phát hiện vào tháng 3/1964. Philippines quyết định tăng cường tuần tra đảo Scarborough. Năm 1965, Philippines dựng cột cờ cao hơn 8m trên đảo và treo cờ Philippines, đồng thời xây dựng một trạm đèn biển. Từ đó về sau, hoạt động buôn lậu qua đảo Scarborough giảm đi rất nhiều.

(6) Năm 1992, sau khi Mĩ rút quân khỏi Vịnh Subic, Philippines xây dựng lại trạm đèn biển ngay trong năm đó, và báo cáo cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế để đăng kí.. Tàu quân sự và cảnh vệ Philippines liên tục tuần tra tại đảo Scarborough và các vùng biển lân cận.

Hình 59: Ghi chép hoạt động của Philippines tại Hoàng Nham thời kì đầu sau Thế chiến II 

- Bản đồ trong “Philippine Fisheries” năm 1952 (bên trái);

- Những ghi chép về đảo Scarborough (bên phải, phía dưới);

- Báo địa phương đưa tin công trình xây dựng của nhóm buôn lậu bị tiêu hủy (bên phải, phía trên).

Những sự việc đó cho thấy sau Thế Chiến II, Philippines Philippines đã kiểm soát hiệu quả đảo Scarborough và thể hiện chủ quyền của mình đối với nónó. Chính phủ Trung Quốc (cả Đài Loan lẫn Đại lục) đều không phản đối những hành động kể trên của Philippines.

Cần phải chỉ ra rằng mặc dù Philippines đã kiểm soát Scarborough ở mức độ cao, nhưng do đảo nằm xa nội địa nên Philippines quản lí không nghiêm ngặt, Nhìn chung, Philippines không kiểm soát được hoạt động đánh bắt cá của ngư dân các nước khác tại vùng Scarborough (đây là lí do tại sao nó được sử dụng làm căn cứ cho buôn lậu). Tuy nhiên, những hành động mà Philippines thực hiện có thể được coi như một cách quản lí hiệu quả.

Ngoài ra, ngư dân Philippines có mối quan hệ mật thiết với đảo Scarborough hơn ngư dân Trung Quốc. Theo như các tài liệu ghi chép có liên quan, Philippines đã ghi đảo Scarborough là ngư trường của người Philippines trong thống kê nghề cá đầu những năm 1950 (Philippines Fisheries, 1952, 1953) (Hình 59, bên phải, phía dưới), bản đồ nghề cá cũng có vẽ đảo Scarborough trong đó (Hình 59, bên trái). Sau đó cũng có những chứng cứ về hoạt động liên tục của ngư dân ở vùng đó. Trái lại, không có ghi chép nào về việc ngư dân Trung Quốc đến đảo Scarborough trong sách “Canh lộ bạ”. Sau giải phóng, Trung Quốc có lệnh cấm đánh bắt cá dài hạn ở biển Đông cho đến năm 1984 mới kết thúc, ngư dân Trung Quốc mới đến đảo Scarborough để đánh bắt cá sau đó.

Trước khi Cách mạng văn hóa kết thúc, cả Đại lục lẫn Đài Loan đều không có ghi chép gì về đảo Scarborough. Sau Cách mạng văn hóa, Trung Quốc có ý đồ khai thác biển Đông. Tháng 10/1977 và tháng 6/1978, Viện Nghiên cứu Hải dương Nam Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã hai lần tổ chức hoạt động nghiên cứu tại Scarborough. Tháng 4/1985, đoàn khảo sát tổng hợp do chi cục biển Đông thuộc Cục Hải dương quốc gia tổ chức đã đến đảo Scarborough tiến hành hoạt động khảo sát tổng hợp. Năm 1994, đoàn khảo sát khoa học biển Đông đến khảo sát đảo Scarborough. Các hoạt động khảo sát này không xin phép Philippines nhưng cũng không vấp phải trở ngại nào. Thậm chí trong cuộc khảo sát năm 1994, các nhà khoa học Trung Quốc còn dựng bia xi măng kỉ niệm cao 1m trên đảo làm vật biểu tượng của Trung Quốc.

Ngoài ra, năm 1984, Trung Quốc đặt lại tên cho các đảo ở biển Đông, qua văn kiện công khai đổi tên rạn Dân Chủ thành đảo Hoàng Nham. Philippines không có phản ứng trước việc này. Cũng tương tự như vấn đề hai bản đồ mở rộng cương vực: nếu nước ngoài không phản ứng kịp thời những văn kiện đã được phát hành công khai ở Trung Quốc nhưng không được thông báo chính thức về mặt ngoại giao, thì liệu điều đó có tương đương với việc ngầm thừa nhận những nội dung những văn kiện này không? 

Philippines có thái độ khác nhau đối với vấn đề đảo Scarborough và quần đảo Trường Sa, có lẽ xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, trước năm 1992, đảo Scarborough thực tế do Mĩ và Philippines chiếm đóng và sử dụng, không có tranh chấp (rõ ràng). Nói một cách nghiêm ngặt, trước năm 1992, trong những dịp khác nhau, Trung Quốc có nêu rõ chủ quyền đối với “quần đảo Trung Sa”, nhưng định nghĩa về “quần đảo Trung Sa” của quốc tế và Trung Quốc không giống nhau, hơn nữa Trung Quốc cũng không chính thức thương thảo với Mĩ và Philippines về vấn đề chủ quyền, Philippines thậm chí có thể không biết cái gọi là “đảo Hoàng Nham” chính là bãi cạn Scarborough.

Thứ hai, đảo Scarborough quá nhỏ để có đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước quốc tế. Ngay cả hiện nay, không thấy nó có giá trị nào khác ngoài ngư nghiệp.

Thứ ba, Philippines còn có một lập luận cho rằng, đảo Scarborough là một phần của căn cứ hải quân Vịnh Subic cho thuê; năm 1992, khi quân Mĩ rút đi đã trao trả đảo Scarborough cho Philippines. Tuy nhiên, kiểu lập luận này không có căn cứ. 

Chủ quyền đảo Scarborough luôn trong luôn trong tình trạng mơ hồ. Sau năm 1992, Philippines tăng cường kiểm soát Scarborough, bắt đầu tuần tra thường xuyên đảo này. Năm 1994, sau khi “Công ước Luật biển quốc tế” có hiệu lực, Philippines công bố quyền quản lí các vùng biển xung quanh đảo Scarborough. Nhưng tại thời điểm đó, Philippines vẫn chưa tuyên bố chủ quyền đối với đảo Scarborough.

Sự kiện đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough)

Sau sự kiện đá Vành Khăn lần thứ nhất, cục diện biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines trở nên hết sức căng thẳng. Tuy vậy, tình trạng đó gần như không liên quan trực tiếp đến đảo Scarborough vốn nằm cách xa quần đảo Trường Sa. Các sự kiện trực tiếp châm ngòi cho cuộc tranh cãi bắt đầu từ các tổ chức phát thanh nghiệp dư. Trước khi giao lưu mạng thịnh hành thì liên lạc qua sóng vô tuyến là một cách để kết bạn với người ở xa, không quen nhưng có chung sở thích trên khắp thế giới, và luôn được được những người yêu thích ưa chuộng.

Liên lạc đường dài (distant communication hoặc DX) qua đài phát sóng ngắn là một loại hoạt động truyền thống của những người yêu thích sử dụng sóng vô tuyến. DXCC là một tổ chức quốc tế của những người yêu thích sóng vô tuyến nghiệp dư, tổ chức này chia thế giới thành nhiều “quốc gia DXCC” (DXCC country). Những “quốc gia” này không nhất thiết là quốc gia thực mà có thể chỉ là một quốc gia ảo, mô phỏng. Chẳng hạn như Mĩ có 4 “quốc gia” DXCC (Đất liền, Hawaii, Midway và Alaska). Cả thế giới có hơn 300 “quốc gia” DXCC. Nếu như một người ưa thích (hoặc một hiệp hội) nào đó liên lạc được với 100 “quốc gia” DXCC qua vô tuyến thì có thể đăng kí xin chứng nhận và được xếp hạng từ nhà quản lí của Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ. Càng liên lạc được nhiều “quốc gia” thì thứ hạng càng cao. Đến những năm 1990, quy tắc này đã trở nên “bão hòa”, chỉ có phát triển thêm “quốc gia” DXCC mới thì thứ hạng mới được nâng lên.

Do đó, việc thiết lập các đài phát thanh ở những nơi xa hơn rồi yêu cầu công nhận “quốc gia” DXCC mới đã trở thành một xu hướng nóng được những người ưa chuộng vô tuyến theo đuổi lúc bấy giờ. Đảo Scarborough vì thế đã lọt vào tầm ngắm của người say mê vô tuyến. Do Scarborough là vùng đất xa xôi hẻo lánh, lại chưa từng thiết lập trạm phát sóng vô tuyến nên nếu thiết lập trạm vô tuyến tại đó thì sẽ có tư cách để trở thành “quốc gia” DXCC mới. Nhưng muốn thiết lập trạm vô tuyến thì phải tiến hành “viễn chinh” đến đó. Đây chính là bối cảnh của cuộc Dxpedition (viễn chinh DX) tại đảo Scarborough.

Chú ý đến đảo Scarborough sớm nhất không phải người say mê vô tuyến Trung Quốc. Dieter, một người Đức thuộc Tổ chức DX Châu Âu, có lẽ là người có hành động thực tế đầu tiên. Năm 1990, ông đã thăm dò Lãnh sự quán Trung Quốc và Philippines về vấn đề chủ quyền đảo Scarborough và việc thiết lập trạm vô tuyến. Nghe nói, đại sứ Philippines tại Đức, Bỉ an Phất Cát Ni (比安弗吉尼: Bienvenido Tan?), đã viết thư cho Dieter vào ngày 5 tháng 2 năm 1990, nói rằng:

Theo bản đồ quốc gia và Bộ Thông tin Tài nguyên Philippines thì đảo Scarborough không thuộc phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Philippines”. Còn Đại sứ quán Trung Quốc phê chuẩn đơn xin lập trạm vô tuyến của Dieter, nhưng rốt cục Dieter không thực hiện được chuyến đi.

Khi đó, Dieter không phải là người duy nhất nghĩ đến việc thiết lập trạm vô tuyến trên đảo Hoàng Nham. Một người Đức say mê vô tuyến khác là Hans, đã gửi đơn đề nghị đến Hiệp hội vô tuyến điện nghiệp dư Mĩ ngày 6/10/1993, yêu cầu liệt kê đảo Scarborough là một ‘quốc gia’ DXCC mới. Tháng 3/1994, Dieter lại một lần nữa đệ đơn tới Đại sứ quán Trung Quốc và nhận được phê chuẩn. Nhưng, đối thủ cạnh tranh khác là Martti (Martti, OH2BH/VR2BH), người Phần Lan đã đi trước một bước, thuê máy bay tại Manila đến đảo Hoàng Nham quan sát từ trên không vào tháng 4/1994, ảnh chụp cho thấy các tảng đá lộ trên mặt nước quá nhỏ, việc tác nghiệp hết sức khó khăn. Dieter vì thế đã nản lòng. Nhưng Martti không thối chí, ông tìm gặp và hợp tác với Mizoguchi, một người Nhật có quan hệ rất thân thiết với giới vô tuyến Trung Quốc. Nhờ sự móc nối của ông này, tháng 5/1994, hai người đã đến thăm Hiệp hội vô tuyến Trung Quốc.

Khi đó, hoạt động vô tuyến nghiệp dư của Trung Quốc mới trong trạng thái khởi đầu, trong nước hầu như không có người am hiểu về những việc liên quan đến DXCC, đương nhiên cũng không biết gì về việc chạy đua xây dựng trạm vô tuyến trên đảo Hoàng Nham. Mặc dù mối giao tiếp giữa Martti và Mizoguchi đem lại cảm hứng cho phía Trung Quốc, nhưng theo Hiệp hội phong trào vô tuyến Trung Quốc thì “người nước ngoài không thể độc lập thiết lập các trạm vô tuyến nghiệp dư ở Trung Quốc”. Vì vậy hai bên quyết định thành lập đội viễn chinh DX Liên hiệp quốc tế. Sau khi biết việc này, giới lãnh đạo Trung Quốc đã có phản ứng hết sức tích cực. Chủ nhiệm Ủy ban Thể thao Ngũ Thiệu Tổ đã khẩn trương phê duyệt phương án (Hiệp hội hoạt động vô tuyến trực thuộc Ủy ban Thể thao), Ban quản lí vô tuyến phê chuẩn việc thành lập và sử dụng trạm vô tuyến nghiệp dư tại đảo Scarborough, có số hiệu là BS7H. Đồng thời Bộ Ngoại giao cũng phê chuẩn đơn xin đến đảo Scarborough của các thành viên người nước ngoài (xem hình 60). Toàn bộ quá trình phê duyệt chỉ mất hai tuần lễ. Chủ nhiệm Hiệp hội vô tuyến Trung Quốc Trần Bình là người Trung Quốc duy nhất tham gia trong đội Liên hiệp viễn chính, và cũng là đội trưởng. Để có thể xây dựng mặt bằng trên rạn đá phù hợp với tiêu chuẩn trở thành “quốc gia” DXCC, một người Nhật có kinh nghiệm xây dựng trạm vô tuyến trên rạn đá Okinotori được mời tham gia thực hiện. Cuối cùng, đội Liên hiệp viễn chinh bao gồm 8 thành viên của 6 nước: Trung Quốc, Phần Lan, Mĩ, Đức, Nhật Bản, Philippines. Điều thú vị là, họ không xuất phát từ Trung Quốc, cũng không sử dụng tàu Trung Quốc mà thuê tàu quan trắc của Papua New Guinea (M/V Tabibuga, với thuyền trưởng là người Úc), tháng 6/1994 xuất phát từ Subic Philippines, đến đảo Scarborough vào 25/6, xây dựng trạm vô tuyến và liên lạc với điện đài trụ sở Hiệp hội vận động vô tuyến Trung Quốc BY1PK, hoàn thành chuyến viễn chinh.

Nhưng khi xây dựng trạm vô tuyến điện ở Scarborough, bốn cột của sàn trạm không nằm trên đá mà ở dưới nước biển, không được coi là thao tác trên mặt đất, vì thế đảo Scarborough không được liệt vào danh sách “quốc gia” DXCC. Vì vậy đội Liên hiệp viễn chinh lại chuẩn bị chuyến viễn chinh lần thứ hai, được Ủy ban Thể thao quốc gia, Ban quản lí vô tuyến và Bộ Ngoại giao Trung Quốc phê chuẩn như lần trước (xem hình 60). Tháng 4/1995, Đội Liên hiệp viễn chinh lại đến Scarborough, vẫn sử dụng tàu M/V Tabibuga lần trước, xuất phát từ Philippines.

nh 60: Văn kiện của Trung Quốc phê chuẩn việc đổ bộ lên bãi cạn Scaborough

Lần này họ thiết lập sàn trạm rất cẩn thận, đáp ứng yêu cầu của Hiệp hội vô tuyến Mĩ. Tuy nhiên, thiết bị thông tin lại gặp sự cố (điện áp máy phát điện quá thấp), khiến các đài nghiệp dư ở bờ biển phía đông nước Mĩ, nơi đặt trụ sở của Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ, không thể nhận được tín hiệu. Thêm vào đó, Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ lại mới thông qua “nguyên tắc lãnh thổ nhỏ nhất”, tham chiếu với quy định 121 “Công ước Luật biển quốc tế” thì chỉ những đảo nào có thể duy trì sự sống của con người mới đủ tư cách trở thành quốc gia DXCC. Quy định mới này đã loại trừ đảo Scarborough ra ngoài.

Tuy nhiên, do đơn xin của đảo Scarborough gửi trước khi có quy định trên nên quy định này có áp dụng đối với Scarborough hay không vẫn là diều tranh cãi. Thoạt đầu, đơn xin trở thành quốc gia DXCC của Scarborough bị từ chối. Tháng 1/1996, phái đoàn Trần Bình đến Mĩ, ra sức tranh cãi trong Hội nghị DX tại Mĩ. Cuối cùng, sau khi thẩm tra các đơn liên quan và các tài liệu về chủ quyền nêu trên do giới vô tuyến nghiệp dư Trung Quốc gửi tới, ngày 23/1, Hiệp hội vô tuyến điện nghiệp dư Mĩ ra thông báo, chính thức đưa đảo Hoàng Nham – đại diện cho Trung Quốc, là quốc gia DXCC.

Trong miêu tả của phía Trung Quốc (chủ yếu là lời Trần Bình), có không ít điểm mơ hồ về chuyến viễn chinh 1994, chẳng hạn như tại sao lại có sự tham gia của các thành viên Mĩ và Philippines (Tim và KJ4HV)? Tại sao lại xuất phát từ Philippines? Việc giao lưu với Philippines như thế nào?

Việc Ban Quản lí vô tuyến, Ủy ban Thể thao Quốc gia và Bộ Ngoại giao của Trung Quốc đã phê duyệt các đơn liên quan hai lần, cho thấy ý định chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Scarborough, phù hợp với thái độ của Trung Quốc đối với đảo Hoàng Nham, và cũng trở thành chứng cứ cho việc Trung Quốc quản lí đảo Scarborough. Hơn nữa, trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền Scarborough, Trần Bình tuyên bố rằng ông đã thu thập rất nhiều tư liệu có liên quan vào lúc đó. Ba trong số đó có giá trị đặc biệt và có thể được coi là bằng chứng cho thấy Philippines đã phủ nhận chủ quyền của mình đối với đảo Scarborough.

Tư liệu thứ nhất là bức thư do Đại sứ Philippines tại Đức viết gửi cho Dieter ngày 5/2/1990, trong đó nói rõ: “Theo bản đồ và Bộ Thông tin tài nguyên Philippines, đảo Scarborough không nằm trong phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Philippines”.

Tư liệu thứ hai là thư xác nhận của Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Philippines gửi Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ ngày 28/2/1994: “Biên giới lãnh thổ và chủ quyền Philippines được quy định theo khoản 3 Điều ước Paris, kí ngày 10/12/1898, đảo Scarborough nằm ngoài biên giới lãnh thổ của Philippines”.

Tư liệu thứ ba là thư của Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Philippines gửi Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ: “Với tinh thần vô tuyến nghiệp dư, ủng hộ việc coi đảo Scarborough là một thực thể DXCC mới của Trung Quốc”.

Trung Quốc nhấn mạnh hai tư liệu đầu đều có thể chứng minh Philippines không có chủ quyền đối với đảo Scarborough. Việc Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ coi đảo Scarborough là “quốc gia DXCC” của Trung Quốc cũng được một số người coi là một căn cứ về việc quốc tế công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Scarborough. Nhưng trên thực tế, dù Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ hay Philippines thì cũng chỉ là hiệp hội mang tính nghiệp dư, không phải là bộ máy nhà nước, mọi quyết định đều không có hiệu lực chính thức.

Thư do Đại sứ Philippines tại Đức viết gửi Dieter và thư xác nhận của Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Philippines gửi Hiệp hội vô tuyến điện nghiệp dư Mĩ là chứng cứ rất chắc chắn và có hiệu lực pháp lí mạnh mẽ. Nhưng, có điều khó lí giải là cả hai tư liệu đó không quá xa xưa, lại có hiệu lực pháp lí đến mức như vậy, và dù giới ưa chuộng vô tuyến có tuyên bố là đã thu thập được hai lá thư đó vào năm 1994, nhưng lại chưa hề được đưa ra công khai. Không những thư gốc mà ngay cả bản tiếng Anh gốc cũng chưa được công khai. Thông tin liên quan chỉ là từ báo chí Trung Quốc tường thuật lại. Vì thế, hai bức thư đó có tồn tại hay không vẫn còn là điều nghi vấn.

Hai lần viễn chinh đầu không gây tranh cãi, thuyền viên cũng không gặp cản trở nào từ Philippines khi đổ bộ lên đảo Scarborough. Nhưng lần đổ bộ thứ ba đã gây ra tranh chấp đối với đảo Scarborough.

Lí do là, dù đảo Scarborough đã được thừa nhận là “quốc gia” DXCC nhưng thiết bị trạm điện trong lần đổ bộ thứ hai lên đảo lại gặp trục trặc, do vậy mới có chuyến đổ bộ thứ ba. Khi đó, Martti người Phần Lan đã nhụt chí lên đảo, vì thế mà công tác tổ chức viễn chinh lần thứ ba mới chuyển sang tay người Trung Quốc. Thành viên trong đoàn viễn chinh này có 3 người Trung Quốc, 3 người Mĩ và 2 người Nhật Bản. Trần Bình không đích thân tham gia viễn chinh mà chỉ đảm nhận vai trò người tổ chức. Điểm xuất phát lần này đổi sang Quảng Châu và sử dụng tàu hải giám Trung Quốc.

Theo tường thuật của người tổ chức Trần Bình thì lí do của cách sắp xếp như vậy là vì xuất phát từ Trung Quốc sẽ có ý nghĩa hơn nên đã tìm người quen liên lạc với Cục Hải dương quốc gia. Mâu thuẫn ở chỗ, ông ta cảm thấy tàu hải giám sức chứa 45 người là quá lớn, không phù hợp (thành viên đội vô tuyến chỉ có 11 người), nhưng Cục Hải dương đã điều hai chiếc tàu hải giám (số 74 và 72) đến đảo Scarborough trước. Với một thế trận như vậy, thật khó để không cảm thấy rằng chuyến đi này không có sự sắp đặt sẵn.

Tháng 4/1997, đội viễn chinh xuất phát từ Quảng Châu, và cố gắng thiết lập một trạm vô tuyến trên đảo Scarborough lần thứ ba. Chỉ hai ngày trước khi xuất phát (28/4), Philippines thông báo phát hiện thấy 3 chiếc tàu hải quân Trung Quốc trên đá Vành Khăn và nêu kháng nghị với phía Trung Quốc. Tình hình biển Đông lại trở nên căng thẳng. 

Đoàn tàu đến đảo Scarborough vào ngày 30/4. Ngay khi lên đảo lắp đặt thiết bị thì hai chiếc máy bay Philippines bay đến trinh sát ở độ cao rất thấp, “tựa như rà sát trên đầu các thành viên trong đoàn viễn chinh”. Thành viên đội vô tuyến không để tâm và vẫn tiếp tục tiến hành lắp đặt thiết bị. Nhưng, theo lời kể của họ, tất cả đều không hề chuẩn bị tâm lí trước tình huống căng thẳng đó nên cảm thấy vô cùng bất ngờ.

Ngày 1/5, một tàu tuần tra của hải quân Philippines đến đảo. Quân lính Philippines đã lên cả 3 bãi đá xây dựng trạm vô tuyến để kiểm tra thiết bị và hỏi mục đích đến đảo của đội viễn chinh. Theo lời kể của một người có mặt trên đảo thì thái độ của người Philippines hết sức thiện chí, thậm chí còn phát thuốc cho những người không quen sóng gió ngoài đảo. Sau khi trao đổi với đội vô tuyến và đội tàu của Cục Hải dương Trung Quốc, người chỉ huy quân Philippines tuyên bố, nơi đó là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Thuyền viên tàu Hải dương Trung Quốc phản bác, cho đó là lãnh thổ của Trung Quốc, vùng phụ cận 12 hải lí là lãnh hải Trung Quốc. Chỉ huy quân Philippines không đồng tình với lí giải của phía Trung Quốc. Điều đáng nói là, theo lời kể của các thành viên đội viễn chinh lên đảo, sĩ quan chỉ huy Philippines thừa nhận Philippines chưa từng có chủ trương chủ quyền đối với đảo đá này. Đồng thời, sĩ quan chỉ huy này tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến việc liệu những thiết bị được đưa đến đảo có ảnh hưởng tới hoạt động ngư nghiệp hay không. Sau khi hải quân Philippines tiến hành kiểm tra thiết bị và xác nhận không ảnh hưởng đến hoạt động ngư nghiệp, quân lính Philippines đã rời khỏi đảo. Tuy nhiên, trước khi rời đi, họ đã nhắc lại, khu vực đó là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tàu bè Trung Quốc có thể đi qua, nhưng không được phép dừng lại quá lâu tại bất cứ điểm nào. Mặc dù tàu Philippines rời khỏi, nhưng không đi xa mà vẫn tiến hành tuần tra tại vùng biển đó. Ngày thứ hai, tàu Philippines đến nhiều hơn, thậm chí còn có cả thợ lặn xuất hiện. Mặc dù hai bên không xảy ra xô xát trong suốt quá trình tiếp cận nhưng chỉ huy tàu của Cục Hải dương vẫn quyết định quay về, kế hoạch hành động theo dự kiến ​​ban đầu 7 ngày (có thông tin nói là 6 ngày) bị rút xuống chỉ còn 3 ngày là kết thúc. Trước khi quay về, đội tàu đã cắm cờ Trung Quốc trên đảo.

Chuyến viễn chinh lên đảo lần thứ ba vấp phải sự can thiệp của tàu Philippines, dẫn đến tranh chấp về chủ quyền đảo Scarborough. Điều này cho thấy Philippines thực sự kiểm soát vùng biển xung quanh đảo Scarborough, đồng thời nó cũng phản ánh những lí do khiến Philippines có thái độ khác nhau đối với hai lần lên đảo trước so với lần thứ ba, có thể liên quan đến quốc tịch và điểm xuất phát của các tàu.

Vài hôm sau, ngày 9/5/1997, Trường Sa lại “dậy sóng”. Ba nghị viên Philippines đáp máy bay ra thị sát đảo Trung Nghiệp (đảo Thị Tứ), khiến quan hệ Trung Quốc – Philippines trở nên căng thẳng, không khác gì đổ thêm dầu vào lửa trong sự kiện Scarborough.

Ngày 13/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa kháng nghị đến Philippines. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines D. Siazon, Jr. đã phản bác: đó vốn là vùng nước của chúng tôi. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng tuyên bố đảo Scarborough thuộc Philippines vì nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí của Philippines. Trung tuần tháng 5, hai nghị viên Quốc hội Philippines lên đảo Scarborough nhổ cờ Trung Quốc, cắm cờ và cột mốc Philippines trên đảo. Ngày 20/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Thẩm Quốc Phóng tuyên bố: “Đảo Hoàng Nham từ xưa đến nay đều là lãnh thổ của Trung Quốc, điều đó đã được xác định từ rất lâu rồi”. Ngày 21/5, Tổng thống Philippines Ramos đã thể hiện lập trường cứng rắn trong cuộc họp báo rằng: “Philippines có chủ quyền để thăm dò và khai thác tài nguyên trên đảo Scarborough, nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi.” Kể từ đó, cuộc tranh giành đảo Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines chính thức mở màn.

Ngày 20/5, hải quân Philippines bắt giữ tàu đánh cá Đài Sơn “62098” của Trung Quốc tại vùng biển gần đảo Scarborough, bắt giữ 21 ngư dân Trung Quốc, cáo buộc những người này xâm nhập lãnh thổ trái phép. Hai nước sau đó đã lao vào cuộc đấu ngoại giao về vấn đề ngư dân. Khi đó, Philippines nghĩ tới Mĩ, quan chức và chính khách đều hô hào tăng cường Điều ước quân sự Mĩ - Philippines. Tuy nhiên, Mĩ còn rất bực tức trước việc nước này vừa bị trục xuất khỏi căn cứ ở Vịnh Subic, cho rằng đã rất hài lòng với Điều ước, sẽ không thực hiện sửa đổi, đồng thời thể hiện việc khuyến khích các bên giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Cuối cùng, tòa án Philippines không thể đưa ra phán quyết “nhập cảnh trái phép” vì ngư dân (Trung Quốc) bị bắt trong vùng đặc quyền kinh tế chứ không phải trong lãnh hải, do đó không cấu thành tội “nhập cảnh trái phép”. Sự việc kết thúc trong quên lãng.

Trước năm 1997, tình trạng của đảo Scarborough thu hút nhiều sự chú ý. Trung Quốc thản nhiên nhận đảo Hoàng Nham (Scarborough) thuộc lãnh thổ của mình không hề thắc mắc, và Philippines cũng coi khu vực xung quanh đảo Scarborough là vùng biển riêng do mình quản lí. Trong tranh chấp đảo Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines, Trung Quốc thường chỉ ra rằng Bộ trưởng Ngoại giao Philippines thừa nhận “đảo Hoàng Nham là vấn đề mới xuất hiện giữa Trung Quốc và Philippines”, điều này cho thấy yêu sách của Philippines đối với đảo Hoàng Nham là “mới”. Nhưng, ý của Ngoại trưởng Philippines lại là trước kia Philippines chưa bao giờ nhận thấy Trung Quốc có chủ trương về lãnh thổ đối với Scarborough, trong khi Scarborough luôn nằm trong sự kiểm soát của Philippines, vì vậy đây là một tranh chấp chủ quyền “mới”.

Từ đó, Scarborough trở thành chiến trường mới giữa Trung Quốc và Philippines. Philippines tăng cường hoạt động tuần tra và quản lí ngư nghiệp tại vùng đảo này. Ngày 11/1/1998, hải quân Philippines bắt giữ tàu cá Quỳnh Hải “00372” và “00472” cùng 22 thuyền viên trong vùng biển đảo Scarborough. Ngày 11/3, Philippines bắt giữ thêm tàu cá Trung Viễn “311” và “313” cùng 29 thuyền viên tại vùng biển gần đảo Scarborough. Ngày 23/5/1999, tàu Quỳnh Hải “03091” và “03082” bị tàu chiến Philippine “47” xua đuổi, truy đuổi, đâm vào trong 2 giờ đồng hồ. Sau 3 lần va đập, tàu cá Quỳnh Hải “03091” bị đâm chìm, tàu chiến Philippines bắt giữ 3 ngư dân Trung Quốc bị rơi xuống biển. Ngày 19/7/1999, hải quân Philippines lại xua đuổi, truy đuổi và đâm chìm tàu Quỳnh Hải “03061” tại vùng biển gần đảo Scarborough, khiến hơn 10 thuyền viên rơi xuống nước, được tàu cá khác của Trung Quốc vớt được. Ngày 3/11/1999, Philippines điều tàu chiến truy đuổi 3 tàu cá Quỳnh Hải của Hải Nam đang trú bão trên đảo Scarborough. Sau khi đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đàm phán khẩn cấp, tàu hải quân Philippines mới dừng truy đuổi. Ngày 6/1/2000, tàu Hải quân Philippines tiến hành xua đuổi 6 tàu cá Trung Quốc trong vùng biển gần đảo Scarborough. Ngày 15/1, tàu chiến Philippines “11” lại xua đuổi tàu cá Quỳnh Hải “01008” và “02022” gần đảo Scarborough. Ngày 25/1, 4 tàu cá trong đó có Quỳnh Hải “09097" bị nhân viên tàu hải quân Philippines “70” lên tàu kiểm tra và thu giữ tài sản. Ngày 5/2, tàu hải quân Philippines bắn cảnh cáo tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại vùng biển gần Scarborough, buộc tàu cá Trung Quốc phải cho nhân viên tàu lên kiểm tra và thu giữ sản phẩm đánh bắt của ngư dân Trung Quốc. Ngày 14 tháng 3 năm 2000, Philippines đổ bộ lên đảo lục soát 10 tàu đánh cá của Trung Quốc, thu giữ một số lượng lớn trai khổng lồ cùng kíp nổ và thuốc nổ dùng đánh nổ san hô. Ngày 1/9/2002, tàu hải quân Philippines bắt giữ 4 tàu cá và 14 ngư dân Trung Quốc trên đảo Scarborough.

Tàu chiến Philippines còn tiến hành hoạt động quân sự trên vùng biển gần đảo Scarborough. Ngày 3/11/1999, tàu chiến Philippines lấy lí do “mắc cạn” để “neo đậu” tại Scarborough, nói ước chừng 1 tháng sau mới rời đi (xem phần sau). Ngày 28/3/2001, pháo hạm Philippines đóng tại đảo Scarborough. Ngoài ra, nghị sĩ Philippines còn lên đảo với tư cách thành viên quốc hội. Trong những sự kiện kể trên, mặc dù Trung Quốc đều có phản đối bằng lời, nhưng không có hành động thực tế. Trước năm 2012, không hề có một tàu công vụ hay tàu hải quân nào tiến vào vùng biển đảo Scarborough. Chính Trung Quốc cũng thừa nhận, trước năm 2012, Philippines kiểm soát thực tế đảo Scarborough.

Tháng 5/1999, Philippines xuất bản bản đồ mới, vẽ đảo Scarborough trong biên giới của Philippines. Năm 2009, Philippines thông qua luật số 2699 của Thượng viện và luật số 3216 của Hạ viện, chính thức đưa đảo Scarborough vào bản đồ lãnh thổ theo luật pháp.

Sự kiện bãi rạn Mĩ Tế (đá Vành Khăn) lần thứ hai 

Sau tranh chấp về đảo Scarborough, giữa Trung Quốc và Philippines lại xảy ra sự kiện đá Vành Khăn lần thứ hai. Trung Quốc không thỏa mãn với việc xây dựng nhà giàn dân dụng trên đá Vành Khăn. Năm 1995, Trung Quốc xây dựng nhà giàn thế hệ hai, dùng làm chỗ trú đóng đơn giản cho người canh gác nhằm kiểm soát đảo chứ không thể sử dụng được cho mục đích quân sự. Tiếp đó, Trung Quốc có ý muốn xây dựng đá Vành Khăn thành tiền đồn quân sự. Bắt đầu từ năm 1998, Trung Quốc tiến hành xây dựng trên đá Vành Khăn “nhà giàn” thế hệ ba, được coi là “lô cốt bãi cạn” – một kết cấu xi măng cốt thép lớn trên bãi ngầm.

Hành động của Trung Quốc gây sự chú ý của Philippines. Tháng 10/1998, trong một lần trinh sát đá Vành Khăn, Philippines chụp ảnh được công trình đang xây dựng. Ngày 5/11, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Kadai (卡戴: Ca Đái) triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Quan Đăng Minh để phản đối việc tàu vũ trang Trung Quốc xâm chiếm đá Vành Khăn. Cùng ngày, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines phát biểu trong một cuộc họp báo:

Chúng tôi biết Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một số công trình trên đá Vành Khăn, đồng thời phái một số tàu hải quân đến đó, bao gồm 2 tàu hải quân có bãi đỗ cho trực thăng. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Philippines cho rằng việc Trung Quốc tăng cường các công sự trên đá Vành Khăn vượt quá hoạt động mang tính chất kinh tế, thể hiện rõ sự uy hiếp của Trung Quốc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines. Philippines yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các công trình đang xây dựng.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines trả lời: “Do các yếu tố tự nhiên không thể chống lại được 1995 các cơ sở trú ẩn nói trên đã bị hư hại nghiêm trọng, và cơ quan quản lí ngư nghiệp địa phương của Trung Quốc đã phải tiến hành việc sửa chữa và củng cố cần thiết cho các cơ sở ban đầu.”. “Việc Trung Quốc sửa chữa và củng cố các cơ sở trú ẩn cần thiết và thích hợp trên rạn Mĩ Tế nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, và nó hoàn toàn vì mục đích sử dụng hòa bình.” Thái độ của Trung Quốc kể từ đó cũng tương tự như tuyên bố này, khẳng định rằng việc xây dựng mới chỉ là các biện pháp dân sự.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao, trong đó có cuộc gặp của Ngoại trưởng Đường Gia Triền với Ngoại trưởng Philippines Siazon trong Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Kuala Lumpur; cuộc hội kiến của Chủ tịch Giang Trạch Dân với Tổng thống Philippines Estrada tại Kuala Lumpur vào ngày 17/11. Hai bên đạt được thỏa thuận gác tranh chấp cùng khai thác. Ngày 25/11, Tổng thống Philippines Estrada biểu thị rằng đối với các công trình do Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Trường Sa, Philippines nhân nhượng cho phép hoàn thành nhưng không được xây thêm.

Tranh chấp về đá Vành Khăn lắng xuống một thời gian, nhưng ở Philippines Tổng thống không thể khống chế hết mọi thứ, và quốc hội cũng có thể có một tác động nào đó. Dân biểu Julius, người gốc Palawan, nhạy cảm với hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa hơn Tổng thống vốn xuất thân ở đảo Luzon. Trước tình huống Tổng thống tỏ ra ôn hòa, ông đã trực tiếp mời Dana Rohrabacher - thành viên Ủy ban Quan hệ quốc tế thuộc Hạ nghị viện Mĩ đáp máy bay trực thăng không quân bay đến đá Vành Khăn để quan sát từ trên không vào ngày 1/12. Dana Rohrabacher rút ra kết luận: việc xuất hiện chiến hạm của Trung Quốc tại đá Vành Khăn là hành động uy hiếp đối với Philippines vốn đang yếu kém về quân sự, đồng thời kêu gọi Mĩ gây áp lực ngoại giao và quân sự với Trung Quốc, buộc Trung Quốc rút lui chiến hạm và phá bỏ các các công trình xây dựng. Thực ra, chính phủ Mĩ cũng hy vọng các bên giữ hòa khí, trước đó đã nhiều lần tìm cách ngăn cản hành động của Dana Rohrabacher với lí do là không có cách để đảm bảo an toàn. Nhưng Chính phủ Mĩ cũng không thể ngăn cản được hành động của nghị sĩ Quốc hội.

Được Quốc hội Hoa Kì khuyến khích, Quốc hội Philippines lại lên giọng một lần nữa. Ngày 12/1/1999, tại Hội nghị hàng năm Diễn đàn quốc hội Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức ở Lima, Peru, lần đầu tiên Philippines đưa vấn đề Trường Sa đối đáp công khai với Trung Quốc. Đại biểu Philippines, Phó Chủ tịch Thượng viện Hồ Bích Lễ (胡碧禮) đề xuất dự thảo nghị quyết 15, chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Đại biểu Trung Quốc yêu cầu rút lại bản dự thảo, nổ ra cuộc đấu khẩu gay gắt giữa hai bên tại cuộc họp.

Estrada, người có thái độ thân Trung Quốc đành xoa dịu lần nữa. Ngày 21/1, ông triệu tập Hội nghị an ninh quốc gia, bao gồm đại diện của Chính phủ, Bộ ngoại giao và Quốc hội. Công thức đồng thuận cuối cùng đạt được là giải quyết vấn đề qua đàm phán ngoại giao. Estrada còn kiên định rằng người Mĩ không nên can dự vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đồng thời bác bỏ ý kiến phát động dân chúng leo thang sự kiện với chủ nghĩa dân tộc.

Đồng thời với sự kiện đó, Philippines đáp trả với việc tiến hành mở rộng công trình quân sự trên đảo Trung Nghiệp (đảo Thị Tứ), dẫn đến kháng nghị của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 3/3/1999. Điều này đã dẫn tới phản đối từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 3 tháng 3 năm 1999, nhưng đã bị Philippines bác bỏ. Ngày 22/3, trong cuộc họp Nhóm công tác Trường Sa Trung Quốc – Philippines tại Manila, hai bên đã đạt được thỏa thuận, ra “Tuyên bố chung Trung Quốc – Philippines”, biểu thị quan điểm “giữ thái độ kiềm chế, không sử dụng hành động làm phức tạp tình hình” ở Nam Sa. Sự kiện đá Vành Khăn lắng xuống. Trong sự kiện đá Vành Khăn lần thứ hai, Trung Quốc đã thành công trong việc nâng cấp các nhà giàn, từ chỗ ban đầu chỉ là nơi khiêm tốn cho người đến ở thành căn cứ kiên cố có thể chuyển đổi thành pháo đài quân sự bất cứ lúc nào.

Mặc dù đã có tuyên bố chung Trung Quốc- Philippines, nhưng Philippines vẫn không cam chịu. Ngày 30 tháng 3, Estrada ngay lập tức thông qua thư kí báo chí của mình cho biết rằng Philippines sẽ tiếp tục đấu tranh cho chủ quyền của đá Vành Khăn, đồng thời chuẩn bị đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế về Luật biển thuộc Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, điều đó vấp phải sự bài bác của Trung Quốc. Ngày 20/4, Đại sứ mới của Trung Quốc tại Philippine, Phó Oánh nói rằng hai bên có thể ngồi lại để đàm phán song phương, Trung Quốc kiên quyết phản đối đưa vấn đề ra quốc tế. Đây là lần đầu tiên Philippines đề nghị đưa sự việc biển Đông ra cơ quan trọng tài quốc tế. Kể từ đó trở đi, việc giải quyết vấn đề thông qua đàm phán song phương hay đa phương, hoặc thông qua các phán quyết của tòa án quốc tế đã trở thành một trọng tâm ngoại giao mới cho vấn đề biển Đông. 15 năm sau, việc đưa vấn đề ra cơ quan trọng tài quốc tế đã trở thành sự thật (xem phần VI.1, VI.15).

Sự kiện mắc cạn trên bãi Nhân Ái (bãi Cỏ Mây) và Hoàng Nham (bãi Scarborough)

Sau sự kiện đá Vành Khăn lần thứ hai, Malaysia lặng lẽ chiếm đóng Erica Reef (Erica Reef, Terumbu Siput) và bãi Investigator, Malaysia gọi là Terumbu Peninjau nghĩa đen là Đá ngầm quan sát) và xây dựng trạm gác hải quân trên đảo. Cả Trung Quốc và Philippines đều không có năng lực để ngăn chặn các hành động của Malaysia. Theo cách này, Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn, Việt Nam chiếm đá Tiên Nữ (Pigeon Reef/bãi Vô Khiết) và Malaysia chiếm bãi Én Ca (Erica Reef), dọc theo đảo Palawan tính từ Bắc đến Nam. Philippines vừa lo chậm tay trong vòng tranh chấp mới ở Trường Sa, vừa lo an ninh quốc gia nên tìm cách thực hiện các biện pháp đối phó – chiếm bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đối diện với đá Vành Khăn, nối với đá đá Công đo (Commodore Reef) ở phía Nam thành một dải, nhằm ngăn chặn nước khác áp sát đảo Palawan.

Philippines biết tận dụng cơ hội tốt. Ngày 8/5/1999, Mĩ và Nato “ném bom nhầm” vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư. Trung Quốc bận rộn với những khúc mắc trong quan hệ với Mĩ nên không còn thời gian để tâm đến phía Nam. Ngay ngày hôm sau, Philippines ra lệnh cho tàu chở đầu BRP Sierra Madre đang chạy trong khu vực này tiến về bãi Cỏ Mây, rồi lập tức “gặp nạn” mắc cạn tại đó. Tàu chiến đó này do Mĩ chế tạo trong thời kì Thế chiến II, sau đó chuyển cho Philippines, khi đó về cơ bản đã mất khả năng chiến đấu, thích hợp với việc thực thị nhiệm vụ mắc cạn.

Trung Quốc kháng nghị Philippines. Philippines thông báo, đáy tàu bị rò nên không thể chạy được, đành phải để mắc cạn. Ngay lập tức, Trung Quốc và Philippines tiến hành nhiều vòng đàm phán, nhưng Philippines cứ trì hoãn, rốt cục không đi tới đâu. Philippines để lại 7 lính trên tàu, thay phiên theo định kì. BRP Sierra Madre dài 100m, trên tàu đầy đủ phương tiện sinh hoạt, thậm chí có phòng karaoke. Điều kiện sống còn tốt hơn nhà giàn trên các đảo khác. Bằng cách này, Philippines đã kiểm soát thực tế bãi Cỏ Mây. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử có một quốc gia quản lí thực tế bãi Cỏ Mây. Kể từ đó, Philippines thường xuyên bổ sung vật tư và luân chuyển binh lính đóng trên bãi Cỏ Mây, số lượng binh lính đóng ở đó khoảng 10 người.

Sau khi chiếm được bãi Cỏ Mây, Philippines có ý muốn lặp lại thủ đoạn này ở đảo Scarborough. Ngày 23/5, tàu cá Quỳnh Hải 03091 của Trung Quốc đang đánh bắt ở vùng biển gần đảo Scarborough thì bị tàu chiến số 47 của Philippines xua đuổi. Tàu va chạm nhau, 11 ngư dân rơi xuống nước được cứu, trong đó có 3 người bị Philippines bắt giữ đưa về Manila.

Đại sứ Trung Quốc Phó Oánh liên hệ với Philippines, và gặp gỡ các ngư dân bị bắt. Ngư dân Trung Quốc cho biết, tàu chiến Philippines đã truy đuổi trong 2 giờ đồng hồ, đâm vào cá tàu 3 lần, cố ý đâm hỏng tàu cá. Nhưng, Philippine giải thích việc va chạm nhau là sự cố ngoài ý muốn. Ngày 2/6, Philippines thả 3 ngư dân bị bắt giữ. Sóng gió vẫn chưa dừng lại. Ngày 5/6, trong một cuộc tọa đàm, Phó Oánh đưa ra tấm bản đồ Philippines xuất bản năm 1967, thể hiện đảo Scarborough nằm ngoài biên giới Philippines, vì thế Scarborough không thuộc về Philippines. Nhưng, ngày 10, người phát ngôn Philippines Barrigan đã trả lời rằng Philippines liên tục thực thi chủ quyền tại đảo Scarborough theo Luật quốc tế, ngăn chặn buôn lậu từ mấy chục năm trước và cũng đã xây dựng đèn biển tại đây. 

Đồng thời với các tiếp xúc ngoại giao, Philippines tìm cách kiểm soát hơn nữa bãi Scarborough. Ngày 20/10, Philippines phái đội xây dựng và lực lượng đặc biệt đến tiến hành thi công trên đảo Scarborough. Ngày 3/11, tàu chiến 507 của Philippines tiến vào đảo Scarborough từ lối vào phía Đông Nam, neo đậu trên bãi biển phía Bắc, và cho mắc cạn trên đảo để làm trạm quan sát. Đồng thời, hai tàu khu trục nhỏ và pháo hạm tuần tra bên cạnh. Ngày 4/11, máy bay do thám Trung Quốc phát hiện thấy hoạt động của Philippines nên Trung Quốc đã ra kháng nghị ngoại giao. Ngày 5/11, trợ lí Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nêu sự việc tàu chiến của Philippines“mắc cạn” trên đảo Scarborough với Đại sứ Philippines tại Trung Quốc. Ngày 8/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chương Khải Nguyệt nêu rõ : “Đảo Hoàng Nham là lãnh thổ Trung Quốc từ xưa đến nay. Phía Trung Quốc yêu cầu phía Philippines thừa nhận thực tế này, lập tức dừng ngay mọi hành động xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc tại đảo Hoàng Nham.” Philippines viện cớ “ buồng máy bị nước vào” để trì hoãn.

Đúng dịp cuối tháng 11, cuộc họp không chính thức thứ hai giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (10+3) và cuộc họp không chính thức giữa các nước ASEAN với Trung Quốc (10+1) dự kiến tổ chức tại Manila, thủ đô của Philippines. Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ sẽ tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo nói trên và thăm chính thức Philippines. Khi đó, Philippines rất coi trọng việc liệu một loạt hội nghị cấp cao ASEAN và chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Chu Dung Cơ có được tổ chức thành công tại Manila hay không. Các bộ ngành hữu quan của Trung Quốc và Philippines gấp rút chuẩn bị cho chuyến thăm của Chu Dung Cơ. Vì thế ý đồ chiếm Scarborough bằng cách cho tàu chiến “mắc cạn trên bãi” của Philippines trở thành vấn đề rất nhạy cảm ảnh hưởng đến chuyến thăm này. Trung Quốc đã gây sức ép ngoại giao mạnh mẽ với phía Philippines, yêu cầu phía Philippines cam kết lập tức rút tàu chiến “mắc cạn” ra khỏi đảo Scarborough.

Ngày 24/11, trợ lí Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tháp tùng Thủ tướng Chu Dung Cơ sang thăm Philippines và gặp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, yêu cầu Philippines thực hiện cam kết rút tàu chiến càng sớm càng tốt. Ngày 26, trong chuyến tháp tùng Chu Dung Cơ sang Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Chu Bang Tạo đã tổ chức một cuộc họp báo. Khi phóng viên đặt câu hỏi về sự kiện tàu quân sự Philippines mắc cạn tại đảo Scarborough, Chu Bang Tạo trả lời, Trung Quốc đã tiếp xúc với Philippines về vấn đề này, phía Philippines cũng đã nhiều lần hứa sẽ rút tàu chiến mắc cạn đi. “Hy vọng phía Philippines giữ lời hứa, đây là một khảo nghiệm về việc Philippines có giữ lời hay không”. Ngoại trưởng Philippines Siazon buộc phải công khai phủ nhận kế hoạch chiếm Scarborough của hải quân Philippines, đồng thời tuyên bố: “Chúng tôi đã hứa. Chúng tôi sẽ rút tàu chiến khỏi khu vực đó”. Ngày 29/11, trong lúc Chu Dung Cơ bước lên chuyên cơ kết thúc chuyến thăm Philippines, tàu chiến “ mắc cạn” gần một tháng đã rút đi khỏi đảo Scarborough vào 5:15 chiều hôm đó. Sự kiện mắc cạn tại đảo Scarborough kết thúc, kế hoạch dựng nhà giàn trên đảo của Philippines cũng bị gác lại.

Việc hai sự kiện mắc cạn trên bãi Cỏ Mây và đảo Scarborough có kết quả không giống nhau liên quan đến yếu tố then chốt là thời gian và địa điểm.

Về mặt thời gian, sự kiện Cỏ Mây xảy ra vào thời điểm Mĩ ném bom nhầm Sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư nên Trung Quốc không có thời gian quan tâm đến bãi Cỏ Mây  Còn sự kiện đảo Scarborough  xảy ra khi Trung Quốc đã giải quyết xong xung đột với Mĩ, hơn thế Philippines lại là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị 10+3 nên có những lo ngại lớn về mặt ngoại giao. Sự khác biệt về vị trí của hai nơi có thể là nhân tố quan trọng hơn. Đảo Scarborough  cách Trung Quốc gần hơn nhiều so với bãi Cỏ Mây. Dù khi đó Trung Quốc chưa đủ sức duy trì hoạt động tuần tiễu thường xuyên tại Scarborough, nhưng nếu quyết tâm thì vẫn có khả năng truy đuổi Philippines từ Hoàng Sa hoặc từ Hải Nam. Sự thật thì từ năm 1995, Trung Quốc đã đơn phương quy định “cấm đánh bắt cá theo mùa” từ vĩ tuyến 12° N về phía Bắc ở biển Đông, điều này cho thấy Trung Quốc có ý định và năng lực kiểm soát khu vực này. Nhưng bãi Cỏ  Mây cách Trung Quốc xa hơn nhiều, hơn thế căn cứ Vành Khăn cũng chưa được định hình, đối phó với hành động của Philippines, Trung Quốc cũng giống như roi dài chưa đủ tầm.

Trước sức ép đẩy mạnh của Trung Quốc tại biển Đông, Philippines cuối cùng mới vỡ lẽ là không thể ứng phó nổi nếu không có sự trợ giúp quân sự của Mĩ. Vì vậy, năm 1999 Philippines đã lập lại quan hệ với Hoa Kì, đồng ý nối lại quan hệ quân sự giữa hai bên.

V.7. Từ Hội nghị biển Đông đến “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”

Hiện nay, Đông Nam Á đã trở thành cái tên quen tai, nhưng thực ra chỉ bắt đầu từ Thế chiến II thì khu vực này được gọi là Đông Nam Á, mục đích chính khi đó là để phân định các khu vực tác chiến chống Nhật. Trước đó, Đông Nam Á chưa có tên gọi thống nhất. Chính cách phân chia và cách gọi tên này đã khởi động ý thức xây dựng khu vực Đông Nam Á.

Sau chiến tranh, nhiều tổ chức quốc tế khu vực ra đời. Châu Âu thành lập Cộng đồng kinh tế Châu Âu (tiền thân Liên minh Châu Âu - EU ngày nay) vào năm 1958; Châu Phi thành lập Tổ chức thống nhất Châu Phi (tiền thân Liên minh Châu Phi ngày nay) vào năm 1961. Philippines và Thái Lan tham gia “Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á” (SEATO) vào năm 1955, nhưng đó là tổ chức mang tính chất quân sự là chính, trong 8 nước thành viên chỉ có 2 quốc gia Đông Nam Á (6 quốc gia khác là Mĩ, Anh, Pháp, Pakistan, Australia và New Zealand). Tổ chức này không trở thành một phiên bản của NATO ở Đông Nam Á như mong đợi, cũng như không đóng vai trò gì lớn. Trên thực tế, nó đã bị giải thể năm 1977, sau Chiến tranh Việt Nam (trên lí thuyết, hiệp ước này cho đến hiện nay vẫn chưa bị hủy bỏ).

Đồng thời với việc thành lập tổ chức bán quân sự không thành công này, Malaysia, Philippines và Thái Lan đã thành lập Hiệp hội Đông Nam Á (Association of Southeast Asia, ASA) vào năm 1961. Đây là tổ chức mang tính chất kinh tế, là tiền thân của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Ngày 8/8/1967, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Malaysia ra “Tuyên bố Bangkok” tại Bangkok, chính thức tuyên bố thành lập Hiệp hội các nước Đông Nam Á, mục đích chính vẫn là thúc đẩy tự do thương mại ở Đông Nam Á. Năm 1976, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ nhất kí kết “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Đông Nam Á” (Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia), đánh dấu bước khởi đầu của sự phát triển ASEAN theo hướng thành một tổ chức chính trị. Năm 1984, sau khi độc lập, Brunei cũng tham gia vào tổ chức này. Sáu nước này được gọi là ASEAN cũ. Nhưng, trong khung cảnh của Chiến tranh lạnh, ASEAN khi đó chưa có sức ảnh hưởng lớn về chính trị. Năm 1987, ASEAN sửa đổi “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Đông Nam Á”, cho phép các nước ngoài Đông Nam Á tham gia Hiệp ước, điều này càng thể hiện mong muốn của ASEAN phát triển thành một tổ chức chính trị. Nhưng phải sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, ASEAN mới hình thành lực lượng chính trị không thể xem thường. Có rất nhiều nguyên nhân khiến ASEAN chuyển mục đích từ kinh tế sang chính trị, trong đó vấn đề biển Đông là một khâu cực kì quan trọng.

Trước năm 1988, tình thế biển Đông tuy có lúc căng thẳng, nhưng nổ ra xung đột thì chỉ có cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 giữa Trung Quốc và Việt Nam, địa điểm cách xa 6 nước ASEAN cũ. Trung Quốc chỉ phản đối hành động bành trướng của Philippines và Malaysia ở biển Đông bằng lời, không tạo thành bất kì xung đột nào trong quan hệ giữa hai bên. Các bên khác liên quan đến biển Đông cũng chỉ giới hạn trong tiếp xúc ngoại giao, và tất cả đều có thể được giải quyết ổn thỏa. Vì vậy, trước năm 1988, các nước ASEAN cũng chưa coi vấn đề biển Đông là thách thức cần chung tay giải quyết.

Cuộc hải chiến tại đá Gạc Ma (Xích Qua) năm 1988 giữa Trung Quốc và Việt Nam diễn ra tại địa điểm cách quần đảo Hoàng Sa hơn 400 hải lí về phía Nam, Trung Quốc giành được cứ điểm trọng yếu trong khu vực trung tâm của Trường Sa, thậm chí là của biển Đông. Các nước ASEAN đều lo ngại không biết Trung Quốc có bành trướng thêm về phía Nam hay không. Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia Hasjim Djalal đề xuất rằng các quốc gia xung quanh biển Đông cần lập ra chính sách ngăn ngừa và phòng chống xung đột phát sinh trong khu vực, đồng thời biến điều này thành khả năng hợp tác khu vực. Năm 1989, Djalal xin được kinh phí của “Viện Nghiên cứu biển Canada” (The Ocean Institute of Canada) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (The Canadian International Development Agency), đồng thời được sự trợ giúp của các bộ ngành hữu quan của Chính phủ Indonesia đã tổ chức “Hội thảo nghiên cứu xử lí xung đột tiềm ẩn trong khu vực biển Đông” (gọi tắt là Hội nghị biển Đông) lần thứ nhất tại Bali từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 1 năm 1990. Lí do xin tài trợ từ các tổ chức của Canada thay vì các tổ chức của Mĩ không chỉ vì Canada cũng rất quan tâm đến vấn đề này mà còn vì muốn ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài khu vực giảm bớt đi để được nhiều nước trong khu vực dễ dàng chấp nhận hơn. Trong lời chào mừng khai mạc, Ngoại trưởng Indonesia Alatas bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ đi lên cấp độ chính thức sau đó và đạt được những kết quả thực chất, có lợi cho việc hoạch định chính sách liên quan đến biển Đông của chính phủ các nước. Năm 1990, Trung Quốc đề ra chính sách “gác tranh chấp cùng khai thác”. Vì thế, Indonesia mời Trung Quốc tham gia Hội nghị về biển Đông, Trung Quốc đồng ý tham gia nếu không dính líu đến vấn đề chủ quyền, đồng thời cũng đồng ý để Đài Loan cùng tham gia Hội nghị. Vì vậy, bắt đầu từ Hội nghị biển Đông tiếp theo, những bên liên quan đến tranh chấp là Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều được mời tham gia Hội nghị. Kể từ đó, Hội nghị tổ chức định kì hàng năm, tính đến nay đã được tổ chức 24 lần, trở thành hội nghị quốc tế lâu đời nhất về vấn đề biển Đông.

Tại Hội nghị lần thứ hai, các bên đã ra tuyên bố chung, đồng ý kiến nghị với Chính phủ (nước mình) các vấn đề: (1) Dưới tiền đề không cản trở đến chủ quyền và quyền chủ quyền, tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tại biển Đông (bao gồm an ninh giao thông, tìm kiếm và cứu nạn, chống cướp biển, môi trường biển, khảo sát khoa học biển và chống buôn bán ma túy); (2) Các bên có thể suy tính đến khả năng hợp tác tại các khu vực có yêu sách lãnh thổ chồng lấn; (3) Mọi tranh chấp về lãnh thổ và quản lí ở biển Đông cần được tiến hành thông qua đối thoại và đàm phán, giải quyết theo phương thức hòa bình, không sử dụng vũ lực; (4) Các nước liên quan phải tự kiềm chế, tránh làm phức tạp hóa vấn đề biển Đông. Tuyên bố này trở thành hình thức phôi thai của Tuyên bố biển Đông sau này.

Năm 1992 nảy sinh 3 sự kiện: Mĩ rút khỏi biển Đông, các nước Đông Nam Á lần lượt tăng cường quân sự; Trung Quốc công bố “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp”, nhắc lại tuyên bố lãnh thổ đất liền Trung Quốc bao gồm Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và “tất cả các đảo khác thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đã thu hút sự chú ý của các nước; Công ti Dầu khí Hải dương Trung Quốc kí thỏa thuận với Công ti Crestone của Mĩ phát triển khu vực hợp đồng “Vạn An Bắc – 21”. Khu vực này chồng lấn với các vùng biển mà Việt Nam cũng như Malaysia và Indonesia tuyên bố chủ quyền. Tranh cãi lãnh thổ biển đột nhiên nóng trở lại. 

Ngày 28/1/1992, Hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN nhóm họp tại Singapore đã kí “Tuyên bố Singapore”, hoan nghênh các nước Đông Nam Á kí “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác”. Hội nghị biển Đông lần thứ 3 được tổ chức từ ngày 28/6 đến ngày 2/7. Trong bối cảnh nhiệt độ ở biển Đông nóng lên, Phó Vụ trưởng Vụ Hiệp ước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Đường Thừa Nguyên tham dự cuộc họp, đã nêu phương châm 12 chữ “主權歸我, 擱 置爭議, 聯合開發” (chủ quyền quy ngã, các trí tranh nghị, liên hợp khai phát: chủ quyền thuộc về chúng tôi, gác tranh chấp, cùng khai thác) một cách không hợp thời, tức là thêm 4 chữ “chủ quyền quy ngã” vào phương châm 8 chữ “các trí tranh nghị, liên hợp khai phát” trước đây, khiến các bên cảm thấy bất an. Chủ trì Hội nghị là Ngoại trưởng Indonesia đã nhắc lại Tuyên bố chung 1991, các đại biểu tham dự Hội nghị liên tiếp chất vấn và chỉ trích Trung Quốc, lập trường của các nước ASEAN có xu hướng thống nhất. Tiếp đó, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 25 tổ chức tại Manila vào tháng 7 đã thông qua đề nghị của Tổng thống Philippines Ramos, lần đầu tiên đưa vấn đề an ninh vào nghị trình Hội nghị, vấn đề biển Đông trở thành tiêu điểm thảo luận. Đây là lần đầu tiên các nước ASEAN thảo luận ở cấp cao về vấn đề an ninh, cũng trở thành khởi đầu cho việc các nước ASEAN đoàn kết, đồng lòng đối thoại với Trung Quốc bằng tiếng nói chung.

Ngoại trưởng sáu nước ASEAN đã thông qua “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông” (The 1992 Manila Declaration on the South China Sea, 22/7/1992), đưa ra chủ trương 5 điểm : (1) giải quyết tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực; (2) kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế, tạo bầu không khí thuận lợi để giải quyết tranh chấp; (3) với điều kiện không tổn hại đến chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước có lợi ích liên quan trực tiếp, các nước tiến hành thương thảo khả năng hợp tác trên các lĩnh vực hàng hải, hàng không, an ninh giao thông, bảo vệ môi trường biển, chống cướp biển, chống ma túy, buôn lậu,... (4) đề nghị các bên liên quan vận dụng các nguyên tắc trong “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác” làm cơ sở để xây dựng bộ quy tắc ứng xử quốc tế ở biển Đông (a code of international conduct over the South China Sea); (5) mời các bên liên quan kí Tuyên ngôn trên. Về cơ bản, “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông” nhắc lại nội dung Tuyên bố chung tại Hội nghị công tác biển Đông lần thứ hai, điểm đột phá chủ yếu nhất là đề xuất xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, vốn trở thành điểm tranh cãi giữa Trung Quốc và các nước ASEAN suốt hơn 20 năm sau đó.

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN cũng đề xuất mời Việt Nam gia nhập ASEAN. Đây là điều có ảnh hưởng sâu xa tới lịch sử ASEAN. Việt Nam là nước cộng sản có chế độ chính trị khác với 6 nước ASEAN cũ, hơn thế còn là phía thù địch trong thời kì Chiến tranh lạnh. Nhưng Việt Nam là quốc gia mạnh nhất trên bán đảo Đông Dương, nếu Việt Nam không gia nhập ASEAN thì ASEAN không thể đại diện cho toàn bộ Đông Nam Á. Hơn nữa, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tranh chấp chính ở các đảo ở biển Đông. Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, các nước Đông Nam Á mới có thể trở thành một khối thống nhất làm đối trọng với Trung Quốc. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, khi Tổng thống Indonesia Suharto đến thăm Việt Nam với tư cách cá nhân vào năm 1990, Thủ tướng Việt Nam Đỗ Mười đã biểu thị nguyện vọng gia nhập ASEAN, nhưng đến năm 1992 vẫn chưa chính thức nộp đơn cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN. ASEAN chủ động ra lời mời là một cử chỉ hết sức tích cực.

Tại Hội nghị, đại biểu Việt Nam (và Lào) lần đầu tiên được đặc cách mời đã kí “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác”, trở thành nước quan sát viên của ASEAN, tiến thêm một bước trong việc gia nhập ASEAN. Vài năm sau, các nước Việt Nam (1995), Lào (1997), Myanmar (1997) và Campuchia (1999) lần lượt gia nhập ASEAN. ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho lợi ích chính trị và kinh tế của một khối thống nhất các nước ASEAN, với tổng diện tích các nước thành viên là 4,5 triệu km², tổng dân số gần 600 triệu người và trở thành một lực lượng không thể xem thường. Sau này, ASEAN tiếp tục mời Australia, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Mĩ và Hàn Quốc làm đối tác đối thoại.

Trung Quốc cũng lần đầu tiên được đặc cách mời tham gia Hội nghị. Ngoại trưởng (Trung Quốc) Tiền Kì Tham đã nhắc lại chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác”, mong muốn giải quyết vấn đề biển Đông bằng phương thức hòa bình, cho rằng các nguyên tắc cơ bản của “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông” phù hợp với chủ trương của Chính phủ Trung Quốc. Vì vậy, mặc dù Trung Quốc chưa kí “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông”, nhưng được coi là đã chấp nhận Tuyên bố của ASEAN về biển Đông.

Các nước ASEAN cũng thúc đẩy “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông” trong mọi hoạt động quốc tế. Chẳng hạn: tại Hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN không liên kết tổ chức tại Jakarta vào tháng 9 sau đó, Indonesia cùng các nước đã đưa vấn đề biển Đông vào nghị trình Hội nghị. Trong Văn kiện cuối cùng có ghi: “Người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ hoan nghênh ‘Tuyên bố của ASEAN về biển Đông’”.

Điều đáng chú ý là, tuy Indonesia không có tranh chấp trực tiếp tại Trường Sa, nhưng lại tích cực nhất trong việc thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Indonesia là nước sớm nhất tham gia vào vấn đề tranh chấp biển Đông với tư cách người hòa giải. Vì Indonesia cho rằng tranh chấp biển Đông chủ yếu diễn ra tại Hoàng Sa và Trường Sa, không liên quan đến mình nên thúc đẩy quá trình giải quyết tranh chấp với tư cách “trung lập” sẽ có sức mạnh hơn. Chủ yếu hơn, Indonesia là quốc gia có diện tích lớn nhất, dân số đông nhất ở Đông Nam Á, luôn xem địa vị quốc tế của mình là lãnh tụ khu vực và lãnh tụ phong trào không liên kết ở Đông Nam Á: Văn phòng thư kí ASEAN được đặt ở Jakarta, Tổng thống Indonesia Suharto là một trong những người đề xướng phong trào không liên kết. Ông hy vọng sẽ phát huy ảnh hưởng lớn hơn ở Đông Nam Á, và ông cũng biết rằng ảnh hưởng của mình chỉ có thể phát huy tối đa khi ASEAN là một khối thống nhất, vì vậy ông hết sức tích cực trong các vụ việc của Đông Nam Á. Vấn đề biển Đông là vấn đề quan trọng, có thể cho thấy ảnh hưởng chính trị của ông.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Indonesia phát hiện ra rằng họ cũng là một bên có liên quan trong tranh chấp biển Đông. Điều này bắt nguồn từ một tấm bản đồ vẽ sai của Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc do Trung Quốc ấn hành đều vẽ theo tiêu chuẩn của nhà nước, và sau khi được nhà nước phê duyệt mới xuất bản. Dạng của đường 9 đoạn trên hầu hết các bản đồ đều tương đối thống nhất. Nhưng bản đồ xuất bản năm 1993 lại đưa quần đảo Natuna vào phạm vi đường 9 đoạn. Điều không may hơn là, khi tham gia Hội nghị công tác biển Đông năm 1993, chuyên gia Trung Quốc lại phân phát bản đồ vẽ sai này cho các đại biểu. Ngay lập tức, điều đó khiến Indonesia không hài lòng và đề cao cảnh giác. Mặc dù chuyên gia Trung Quốc đã phát hiện và giải thích ngay về sai sót này, nhưng ấn tượng “Trung Quốc muốn chiếm đoạt quần đảo Natuna” đã in đậm trong trí óc của các đại biểu Indonesia. Hơn nữa, bản đồ đường chín đoạn “chính xác” do Trung Quốc xuất bản, tuy không đưa quần đảo Natuna vào trong vùng biển của Trung Quốc, nhưng đường này lại rất gần với Natuna, bao gồm cả các mỏ khí đốt tự nhiên ở phía bắc Natuna. Hơn thế, đường chín đoạn của Trung Quốc không có tọa độ và phần đối diện với Natuna để trống thay vì một đường đứt khúc. Cách Trung Quốc nối các đoạn liền kề của đường đứt khúc sẽ quyết định liệu Natuna có bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hay không: nếu nối lỏng tay vừa phải thì nó có thể chỉ đi ngang qua rìa của quần đảo Natuna; nếu nối nhô thêm ra ngoài thì nó sẽ bao gồm cả Natuna (xem hình 66). Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Indonesia.

Hình 61: Cách nối hai đoạn liền kề của đường 9[10] đoạn trong vùng phụ cận quần đảo Natuna trên bản đồ Trung Quốc

Indonesia lập tức trở thành một bên phản đối quyết liệt chủ trương đường 9 đoạn của Trung Quốc. Theo tìm hiểu, trong chuyến thăm Indonesia năm 1995, Giang Trạch Dân đã đảm bảo bằng miệng với Tổng thống Suharto, rằng Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Natuna, nhưng điều này chưa bao giờ được Trung Quốc công nhận công khai. Cho mãi đến năm 2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới thừa nhận quần đảo Natuna thuộc Indonesia.

Với sự trỗi dậy của ASEAN và tình hình nóng lên của vấn đề biển Đông, tại các hội nghị chính thức (Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á, Hội nghị Bộ trưởng Đông Nam Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN [ASEAN Regional Forum],...), vấn đề biển Đông ngày càng liên tục được xem là chủ đề chính của nghị trình. Mặt khác, bên cạnh các hội nghị về biển Đông, nhiều diễn đàn Đông Nam Á bán chính thức và phi chính phủ đã lần lượt xuất hiện rầm rộ. Chẳng hạn, bán chính thức có Đối thoại Shangri-La (IISS Asia Security Summit: The Shangri-La Dialogue, được tổ chức tại Singapore bắt đầu từ năm 2002). Phi chính phủ có Hội thảo về biển Đông (South China Sea Workshop), đó là một hội thảo không chính thức về biển Đông do Think Tank Mĩ CSIS/Pacific Forum (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế/ Diễn đàn Thái Bình Dương) và Think Tank Philippines ISDS (Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược) phối hợp tổ chức. Ngoài ra còn có các hội nghị của Nhóm Công tác hợp tác quân sự biển CSCAP và của Hội Nghiên cứu giao thông đường biển quốc tế SLOC v.v... Các cuộc gặp này là cơ hội để các bên trao đổi, tranh luận về vấn đề biển Đông, đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hiểu biết giữa các bên, giảm leo thang va chạm và quản lí khác biệt.

“Tuyên bố của ASEAN về biển Đông” đề cập đến mục tiêu xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct), trở thành định hướng cho các nỗ lực ngoại giao của các nước ASEAN. Tại Diễn đàn ASEAN lần thứ hai tổ chức năm 1995 tại Brunei, Ngoại trưởng Philippines đề nghị “trước khi giải quyết xong vấn đề chủ quyền cơ bản ở biển Đông, các nước liên quan cần cố gắng đạt được một thỏa thuận không chính thức, thỏa thuận tạm thời hay quy tắc ứng xử nào đó”. Tháng 7/1996, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các ngoại trưởng đã ủng hộ đề xuất của Philippines về việc đạt được một bộ quy tắc ứng xử trong khu vực biển Đông. Hội nghị biển Đông tháng 10/1996 đã tiến hành thảo luận về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 12, người đứng đầu các nước nhất trí xúc tiến việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (ASEAN SOM) tháng 5/1999 đề nghị Philippines nhận trách nhiệm đề xuất dự thảo quy tắc ứng xử ở Biển Đông tại hội nghị tiếp theo. Dự thảo do Philippines soạn thảo, chuyển cho Việt Nam sửa chữa. Tháng 11/1999, bản dự thảo do hai nước chỉnh sửa được các nước ASEAN thảo luận và nhất trí thông qua (phương án ASEAN) trước ngày tổ chức Diễn đàn khu vực ASEAN. Đồng thời, tháng 10/1999, Bắc Kinh cũng xây dựng phương án của mình (phương án Bắc Kinh). Tuy nhiên, tại Diễn đàn khu vực ASEAN, giữa hai bên đã có nhiều khác biệt.

Thât ra, đạt được một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông là nguyện vọng của các bên liên quan. Qua tuyên bố song phương và các phương thức khác, một số nước đã liên tục đạt được đồng thuận cơ bản. Chẳng hạn, năm 1995, sau sự kiện đá Vành Khăn lần 1, Trung Quốc và Philippines đã đạt được một tuyên bố chung (Joint Statement RP-PRC Consultations on the South China Sea and on Other Areas of Cooperation) vào tháng 8, trong đó có nêu rõ nguyên tắc cơ bản về cách ứng xử ở biển Đông. Tháng 11/1995, Philippines và Việt Nam cũng đạt được bộ quy tắc ứng xử song phương (Joint Statement on the Fourth Annual Bilateral Consultations between Vietnam and the Philippines).

Phương án ASEAN và phương án Bắc Kinh có một số điểm chung, chẳng hạn như giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình không dùng vũ lực, mở rộng hợp tác giữa các bên, xây dựng cơ chế tin cậy,... Tuy nhiên, Trung Quốc và ASEAN lại có những điểm bất đồng lớn trong một số vấn đề chính yếu.

Thứ nhất, Bắc Kinh giới hạn phạm vi tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, còn ASEAN xác định phạm vi tranh chấp trên toàn bộ biển Đông. Trên thực tế, nội bộ các nước ASEAN cũng có những tranh cãi về việc quy định phạm vi như thế nào. Ví dụ như Malaysia đề xuất phạm vi áp dụng chỉ giới hạn ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đề xuất không mở  rộng tranh chấp đến quần đảo Natuna; Việt Nam cho rằng cần phải phân biệt tranh chấp Hoàng Sa, Trường  Sa với vấn đề quốc phòng trên biển Đông và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền quản lí của Việt Nam. Nói chung, quan niệm của ASEAN (đặc biệt là Việt Nam) là phạm vi bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phiên bản sau cùng của ASEAN sử dụng cách diễn đạt mơ hồ, không chỉ ra cụ thể quần đảo Hoàng Sa mà dùng cách nói phạm vi địa lí biển Đông chung chung. Vì vậy, theo lập luận trên, đảo Scarborough cũng nằm trong sự miêu tả của ASEAN, nhưng tranh chấp về đảo Scarborough lại không phải là tiêu điểm thảo luận lúc đó.

Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh rằng vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa nên do các nước có chủ quyền liên quan giải quyết qua tham vấn và đàm phán song phương.Nhưng ASEAN chủ trương giải quyết qua tham vấn song phương và đa phương..

Thứ ba, ASEAN yêu cầu tất cả các nước có yêu sách không chiếm đóng các đảo chưa có người ở trong khu vực tranh chấp, nhưng Trung Quốc thể hiện thái độ nhùng nhằng, chỉ chấp nhận tránh sử dụng hành vi dẫn đến tình trạng mở rộng hoặc làm phức tạp tranh chấp.

Thứ tư, phương án Trung Quốc nêu rõ: không tiến hành “diễn tập quân sự với các nước bên ngoài nhằm chống lại nước thứ ba” tại các khu vực tranh chấp, không thực hiện bất kì hoạt động trinh sát quân sự nguy hiểm và tuần tra quân sự nào trên biển. Điều này ám chỉ các cuộc tập trận quân sự của quân đội Hoa Kì với các đồng minh như Philippines. Phương án của ASEAN không đề cập đến vấn đề này. Đề xuất của Trung Quốc rõ ràng nằm ngoài phạm vi có thể chấp nhận được của ASEAN, bởi vì Hoa Kì và Philippines có liên minh quân sự, còn Malaysia, Singapore với Anh, Australia và New Zealand là đồng minh quân sự, diễn tập chung trên biển Đông là việc không thể tránh khỏi. Hơn nữa, các hoạt động trinh sát quân sự và tuần tra quân sự do Trung Quốc nêu ra đều nhằm vào Mĩ, ASEAN đương nhiên không thể chủ động hạn chế hành động của Mĩ. 

Thứ năm, trong phương án của mình, Trung Quốc yêu cầu các nước không được thực hiện các biện pháp cưỡng chế như bắt và giam giữ tàu cá hoạt động trong vùng tranh chấp. ASEAN không nêu nội dung này trong phương án của mình. Khi đó, ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trên biển Đông ngày càng nhiều, phần lớn đánh bắt trái phép động vật được bảo vệ. Nếu làm theo đề xuất của Trung Quốc, ngành ngư nghiệp ở biển Đông sẽ đi vào tình trạng không người quản lí, ASEAN đương nhiên sẽ không chấp thuận.

Thứ sáu, Trung Quốc không muốn đạt tới một “Bộ quy tắc ứng xử” ràng buộc về mặt pháp lí (mặc dù tên trong phiên bản tiếng Trung cũng là một bộ quy tắc ứng xử, nhưng về sau dường như Trung Quốc đã nhận ra rằng từ này có nghĩa là ràng buộc về mặt pháp lí). Trung Quốc chỉ mong muốn đạt tới một tuyên bố về ý hướng, không có hiệu lực ràng buộc.

Qua nhiều lần thảo luận, tháng 7/2000, Philippines soạn thảo một văn bản mới, xóa đi những chỗ miêu tả phạm vi địa lí đề cập trong bộ quy tắc. Nhưng Trung Quốc vẫn kiên quyết không kí “Bộ Quy tắc ứng xử” mang tính ràng buộc. Tháng 7/2002, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 25, Malaysia đưa ra phương án thỏa hiệp, đề xuất một dạng tuyên bố không ràng buộc pháp lí để đổi lấy sự nhượng bộ của Trung Quốc trong việc đi đến một hiệp nghị mang tính chính trị, được Trung Quốc đồng ý. Trung Quốc đã nhượng bộ các vấn đề 3, 4, 5 nêu phía trên. Cuối cùng, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 4/11/2002, đại biểu Trung Quốc và các nước ASEAN đã kí “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”:

Điều 1: Các bên tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC), năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của Trung Quốc) và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước.

Điều 2: Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau phù hợp với những nguyên tắc nêu trên và trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Điều 3: Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hàng hải và bay trên vùng trời biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

Điều 4: Các bên liên quan tiến hành giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Điều 5: Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, trong đó có việc kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những đảo, rạn đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những cấu trúc tự nhiên khác hiện không có người sinh sống và phải được xử lí những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng.

Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, [bao gồm:

a. tổ chức đối thoại và trao đổi quan điểm khi thích hợp giữa các quan chức quốc phòng và quân đội;

b. bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo với tất cả những người gặp nguy hiểm hoặc gặp nạn;

c. thông báo, trên cơ sở tự nguyện, cho các Bên liên quan khác về bất kì cuộc tập trận chung/kết hợp nào sắp diễn ra; và

d. trao đổi, trên cơ sở tự nguyện, thông tin liên quan.

Điều 6. Trong khi chờ đợi một giải pháp toàn diện và bền vững cho tranh chấp, các bên liên quan có thể thăm dò hoặc thực hiện các hoạt động hợp tác. Chúng có thể bao gồm những điều sau đây:

a. bảo vệ môi trường biển;

b. nghiên cứu khoa học biển;

c. an toàn hàng hải và thông tin liên lạc trên biển;

d. nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn; và

e. chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm nhưng không giới hạn ở buôn bán ma túy bất hợp pháp, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, và buôn bán trái phép vũ khí.]

Điều 7: Các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan, thông qua các thể thức được các bên đồng ý, kể cả các cuộc tham vấn thường xuyên theo quy định của Tuyên bố này, nhằm tăng cường sự minh bạch và quan hệ láng giềng tốt, thiết lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và thúc đẩy quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên theo phương thức hòa bình..

Điều 8: Các bên có trách nhiệm tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và hành động phù hợp với sự tôn trọng đó.

Điều 9: Các bên khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc bao hàm trong Tuyên bố này.

Điều 10: Các bên liên quan tái khẳng định rằng việc chuẩn nhận bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hòa bình và ổn định trong khu vực và nhất trí làm việc trên căn bản đồng thuận để tiến tới hoàn thành mục tiêu này.

Tuy văn kiện này chưa có tính ràng buộc về pháp lí, nhưng đã nhận được sự cam kết chính trị của các nước nên sẽ phát huy tác dụng rất lớn đối với cục diện biển Đông sau này. Cục diện biển Đông bước vào thời kì ổn định. Trong số đó, nội dung điều 5 “không đưa người đến sinh sống trên các đảo, rạn đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những cấu trúc tự nhiên khác hiện đang không có người sinh sống” là thành quả lớn nhất của bản Tuyên bố, vì lời lẽ hết sức rõ ràng, làm cơ sở cho việc ngăn chặn hành vi bành trướng của các bên ở biển Đông. Dù sau này Trung Quốc có bồi đắp đảo với quy mô lớn thì cũng chỉ xây dựng trên những bãi đá, bãi cát ngầm đã chiếm đóng, nhưng không thể chiếm đóng các đảo hay bãi ngầm mới.

V.8. Từ đối kháng quân sự sang đối kháng dân sự

Dân sự hóa việc quản lí ở biển Đông

Sau khi bước sang những năm 1990, biển Đông hầu như không còn xuất hiện những cuộc xung đột vũ trang ác liệt. Cùng với việc tiếp tục tăng cường chiếm đóng quân sự và mở rộng thực lực quân sự, các nước đi theo xu hướng sử dụng các biện pháp dân sự để giải quyết vấn đề biển Đông.

Biểu hiện rõ nhất là lực lượng vũ trang tuần tra và đối đầu hàng ngày ở biển Đông đã dần chuyển từ quân đội sang các đội giám sát nghề cá, chống buôn lậu và cảnh sát biển vốn là các cơ cấu được vũ trang thấp, nặng về quản lí hành chính. Từ giữa những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu thay đổi biện pháp, không còn sử dụng hải quân làm lực lượng đối kháng hàng đầu. Trong Sự kiện đá Vành Khăn lần thứ nhất, Trung Quốc huy động tàu ngư chính bảo vệ các công trình xây dựng trên đá Vành Khăn, thay vì dùng tàu quân sự như năm 1988. Năm 2000, Đài Loan thành lập Cơ quan Cảnh sát biển để thay thế quân đội tiếp tục quản lí đảo Ba Bình. Philippines cũng ngày càng sử dụng nhiều hơn lực lượng bảo vệ ven biển (coastal guarding) thay tàu quân sự để xử lí các vụ đánh bắt cá trái phép.

Mặt khác, các nước cũng ra sức di dân và tiến hành các hoạt động dân sự trên các đảo.

Đài Loan kiểm soát thực tế bằng hoạt động dân sự trên đảo Ba Bình sớm nhất, ngay từ cuối những năm 1950, Đài Loan đã đề ra kế hoạch di dân đến đảo Ba Bình. Nhưng do Đài Loan cách đảo Ba Bình quá xa nên khó tìm được người muốn di cư ra đảo. Vì vậy, cuối những năm 1950, Đài Loan đã đề ra kế hoạch khuyến khích người hết nghĩa vụ quân sự ra đảo khai khẩn. Năm 1963, Hội hưu trí Trung Hoa Dân Quốc thành lập “Nhóm khai thác biển Đông” tại đảo Ba Bình, làm các nghề như thu vớt sắt phế thải và khai thác phốt phát. Năm 1968 mở rộng tổ chức này thành “Sở khai phát tài nguyên biển Đông”. Tuy nhiên, do phốt phát là nguồn tài nguyên quan trọng nhất trên đảo Ba Bình đã bị người Nhật khai thác hết trước khi Thế chiến II kết thúc nên trên đảo không còn tài nguyên gì đáng giá để khai thác. Vì vậy, đợt di dân đó chỉ đạt rất ít người và kết thúc dở dang. Ngày 16/2/1980, Đài Loan giao quyền quản lí đảo Pratas (Đông Sa) và đảo Ba Bình cho quận Kì Tân thuộc thành phố Cao Hùng, thành lập “Trạm công tác ngư nghiệp”, đến năm 1987 đổi tên thành “Trạm dịch vụ ngư nghiệp khu Đài Bành”. Năm 1990, Viện Hành chính phê chuẩn phương thức quản lí ủy thác hành chính đối với đảo Pratas và đảo Ba Bình, gộp lại dưới quyền quản lí của quận Kì Tân, Cao Hùng. Ngày 28/1/2000, Đài Loan thành lập Phòng tuần tra ven biển, công tác tuần tra biển Đông được giao dần cho Phòng tuần tra dân sự. Năm 2007, Đài Loan xây dựng khu bảo tồn, nuôi dưỡng rùa biển trên đảo. Cho đến nay, đảo Ba Bình vẫn được định vị là trạm dịch vụ ngư nghiệp và khu bảo tồn, nuôi dưỡng rùa biển, trên đảo chủ yếu vẫn là binh lính và nhân viên chính quyền, không có dân thường.

Khoảng cách xa xôi và giao thông bất tiện là nguyên nhân chính khiến đảo Ba Bình không thể thực hiện được việc di dân. Mãi đến năm 2005, Đài Loan mới Đài Loan mới bắt đầu xây dựng một đường băng (khoảng 1100 mét) dùng cho mục đích quân sự trên đảo Ba Bình. Ngày 2/2/2008, Trần Thủy Biển đến đảo Ba Bình bằng máy bay dự lễ khánh thành. Nhưng tháng 10 năm đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan lấy lí do không phù hợp với các nguyên tắc kinh tế đã bãi bỏ kế hoạch kéo dài đường băng của sân bay. Năm 2013, các nhà báo đến thăm đảo Ba Bình than rằng trên đảo hầu như không có “bến tàu đúng nghĩa”, “tàu lớn có mớn nước sâu không thể cập bờ, chỉ có thể chuyển hàng hóa xuống các thuyền nhỏ rồi dùng sức người vận chuyển lên bờ”. Đảo Ba Bình vốn là nơi có điều kiện sống tốt nhất ở biển Đông (có nước ngọt), nhưng do ở quá xa đất liền, tiếp tế vô cùng khó khăn, vì thế phát triển thua xa các đảo, bãi đá ngầm khác rất nhiều.

Malaysia là nước thực hiện dân sự hóa trên các đảo, bãi ngầm sớm nhất. Bãi Đạn Hoàn (đá Hoa Lau) vốn là một vành đai san hô hẹp và dài bao quanh một vũng nước nông, có một phần bãi đá nổi trên mặt nước khi triều cao. Năm 1983, khi Malaysia chiếm đá Hoa Lau đã có một số người đã sử dụng nó làm nơi cho các hoạt động lặn. Năm 1991, Malaysia tuyên bố xây dựng đảo nhân tạo và đường băng trên đá Hoa Lau, biến nó thành khu du lịch quốc tế. Ngày 1/9/1993, Thủ tướng Mahathir đến thăm đảo để xem tiến độ xây dựng. Năm 1994, Malaysia chính thức tuyên bố mở cửa đá Hoa Lau. Đến nay, nơi đó đã trở thành điểm du lịch quốc tế nổi tiếng. 

Đảo nhân tạo Hoa Lau có diện tích 1 km2, là đảo nhân tạo lớn nhất, (cũng là đảo lớn nhất) ở Trường Sa trước khi Trung Quốc bồi đắp đảo quy mô lớn vào năm 2014. Qua việc khai thác du lịch, Malaysia đã thiết lập vững chắc hình tượng đá Hoa Lau (Pulau Layang Layang) thuộc về Malaysia trong con mắt cộng đồng quốc tế. Có rất nhiều sách báo và trang mạng quốc tế về du lịch nói tới đá Hoa Lau và liệt kê nó dưới tên Malaysia.

Hình 62: đá Hoa Lau trở thành điểm du lịch quốc tế

Trước năm 2002, Việt Nam chỉ đơn thuần chiếm đóng quân sự trên quần đảo Trường Sa. Tháng 2/2001, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Biên phòng, thông qua nghị quyết thành lập cơ quan chính quyền địa phương trên quần đảo, làm cho quần đảo này có chính quyền riêng như các địa phương khác của Việt Nam, giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống và quản lí hành chính của người dân trên đảo. Đây là điểm mốc khởi đầu quá trình “dân sự hóa” quần đảo Nam Sa của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam không giàu có về kinh tế, nhưng vẫn ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng Nam Sa qua việc phân bổ kinh phí và quyên góp. 

Tuyến du lịch đến Trường Sa được khai thông vào năm 2004. Sân bay đảo Trường Sa Lớn được xây dựng mở rộng vào năm 2005. Ngày 11/4/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố (Nghị định số 65/2007/NĐ-CP), trong đó có điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trường Sa (đơn vị hành chính cấp 2, thuộc Huyện Khánh Hòa); thành lập thị trấn Trường Sa (đơn vị hành chính cấp 3) trên đảo Trường Sa Lớn, được coi như là khu vực thành thị hóa; thành lập “xã” (đơn vị hành chính cấp 3) trên hai đảo Song Tử Tây (TQ gọi là đảo Nam Tử) và đảo Sinh Tồn Tây (TQ gọi là đảo Cảnh Hồng), được coi như là khu vực làng xã hóa. Ba đảo này trở thành công trình “dân sự hóa” mẫu của Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2008, Việt Nam lập kế hoạch di dân tới đảo Trường Sa Lớn, tổ chức cho 7 gia đình đến sinh sống trên đảo này, xây dựng các công trình và cơ sở “thường ngày” trên đảo như trường tiểu học, bệnh viện, nhà văn hóa, trạm phát điện, chùa chiền,... Tổ chức bầu cử “đại biểu quốc hội” trên đảo Trường Sa Lớn. Theo thống kê năm 2009, năm 2009, tổng dân số huyện Trường Sa là 195 người (không kể bộ đội), trong đó dân số thị trấn Trường Sa là 82 người. Theo thống kê, từ năm 2008-2012, tổng vốn đầu tư dân sự của Việt Nam tại huyện Trường Sa là 110 tỉ đồng (khoảng 5 triệu USD), số tiền này không phải nhỏ đối với Việt Nam.

Philippines là quốc gia có quyết tâm dân sự hóa sớm nhất và cũng là nước di dân nhiều nhất đến quần đảo Trường Sa. Cấp độ hành chính của nhóm đảo Kalayaan là Municipaliti (đô thị), là đơn vị hành chính cấp 3 thuộc tỉnh Palawan, dưới Municipality là Barangay, đơn vị hành chính cấp 4, cũng là cấp thấp nhất, trung tâm hành chính nằm ở đảo Thị Tứ (TQ gọi là đảo Trung Nghiệp), người Philippines gọi đó là đảo Pagasa. Ngay từ năm 1980, nhóm Kalayaan đã tiến hành bầu thị trưởng lần thứ nhất. Ngày 18/1/1988, sau khi Marcos bị lật đổ không lâu, Philippines liền tuyên bố “phi quân sự hóa” nhóm đảo Kalayaan. Năm 1992 tiến hành bầu cử chính thức lần thứ nhất, lúc đó toàn bộ Kalayaan chỉ có 50 cư dân. Philippines là nước nằm gần quần đảo Trường Sa nhất, với khoa học kĩ  thuật hiện đại không quá khó để di dân đến đảo Thị Tứ. Trong Trong những năm 1990, dân số đảo Kalayaan tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê năm 1995, dân số của nhóm đảo Kalayaan lên tới 349 người. Nhưng sau đó giảm xuống, đến năm 2000 chỉ còn 223 người, chủ yếu là quân nhân, viên chức nhà nước và ngư dân tạm trú. Bắt đầu từ năm 2001, Philippines quyết tâm xây dựng “khu dân cư thực sự” trên đảo Thị Tứ. Ngày 22/9/2002, Philippines đưa 90 người đến định cư thí điểm 3 tháng trên đảo Thị Tứ, nhưng vẫn không thể ngăn chặn sự suy giảm dân số trên đảo. Năm 2005, số người trên đảo giảm tới mức thấp nhất, chỉ còn 114 người. Để thu hút dân di cư, Philippines hỗ trợ 14.000 USD mỗi năm cho một người di cư, đó là khoản tiền lớn đối với Philippines. Năm 2010, dân số trên đảo cuối cùng đã tăng lên 222 người. Năm 2012, Thị trưởng Kalayaan xây dựng trường tiểu học trên đảo Thị Tứ, tạo cơ sở cho việc “bình thường hóa” thêm một bước.

Philippines tuy giàu hơn Việt Nam, nhưng đầu tư hạ tầng trên nhóm đảo Kalayaan không bằng Việt Nam. Khởi đầu, điều kiện sống trên đảo của Philippines tốt hơn so với Việt Nam, song tình hình hiện nay đã hoàn toàn đảo ngược. Bắt đầu từ năm 2012, quân đội hai nước trú đóng trên hai đảo Song Tử, tức là Việt Nam chiếm giữ đảo Song Tử Tây (TQ gọi là Nam Tử), Philippines chiếm giữ đảo Song Tử Đông (TQ gọi là Bắc Tử), tiến hành thi đấu bóng đá và bóng rổ định kì, nhằm thể hiện thiện ý, đồng thời tăng cường hình ảnh “dân sự hóa”. Mỗi lần đến đảo Song Tử Tây, binh lính Philippines không khỏi thở dài trước sự tương phản về chất lượng cuộc sống giữa hai bên.

Kế hoạch di dân của Trung Quốc chủ yếu diễn ra ở quần đảo Hoàng Sa. Cư dân trên đảo chủ yếu là viên chức chính phủ, hải quân, cảnh sát, công nhân xây dựng và và một số lượng lớn ngư dân trên đường ghé qua. Trung Quốc đã thành lập làng Vĩnh Hưng trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm), hầu hết dân làng là ngư dân không thường trú từ Hải Nam và một số ít ngư dân thường trú (ngư dân sống đủ nửa năm được trợ cấp sinh hoạt). Năm 2014, Trung Quốc xây dựng trường học và các công trình đi kèm trên đảo Phú Lâm, hy vọng hình thành được khu dân cư đích thực ở đây.

Ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chỉ chiếm được các bãi ngầm nên trước khi tiến hành bồi đắp đảo quy mô lớn vào năm 2014, Trung Quốc chưa có điều kiện thực hiện việc di dân. Cũng chính vì vậy mà trong số các nước chiếm giữ thực tế các đảo, bãi ở quần đảo Trường Sa thì Trung Quốc là nước có số lượng di dân ít nhất. Nhưng sau khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp đảo với quy mô lớn, tình hình tất nhiên thay đổi.

Ví dụ về dân sự hóa đảo thành công của Trung Quốc là ở đá Vành Khăn, với việc xây dựng ngư trường do ngư dân Hải Nam tên là Trương Đông Hải đầu tư. Năm 2006, dưới sự trợ giúp của các chuyên gia, Trương Đông Hải đến đá Vành Khăn tiến hành hoạt động thử nghiệm nhân giống cá. Chiều ngày 29/6/2007, ông dẫn đầu đoàn gồm 9 tàu (2 tàu tiếp liệu, 2 tàu câu cá, 3 tàu chiếu sáng và 2 tàu kéo lưới) cùng 85 thuyền viên rầm rộ kéo đến Vành Khăn, thả nuôi 300 000 con cá giống như cá hồng, cá thất tinh, cá đốm Đông Hưng, cá bớp và các loại cá bột quý hiếm khác. Dùng các loại cá tạp khác (mực nang nhỏ, cá pháo nhỏ, v.v.) được đánh bắt tại chỗ ở quần đảo Nam Sa làm thức ăn, các loài cá nuôi dưỡng ở đá Vành Khăn có tốc độ tăng trưởng cao hơn 30% so với các loại cá nuôi ven bờ biển Hải Nam. Ngày 21/11/2007, cơn bão nhiệt đới cực mạnh Hagibis thổi qua bãi Mĩ Tế đã cuốn sạch toàn bộ công trình đầu tư của Trương Đông Hải. Khi đó, 9 thành viên giúp ông trông coi công việc trên đá Vành Khăn bị thiệt mạng, 3 ngư dân khác bị trôi dạt trên biển 7 ngày 8 đêm mới được cứu sống. Tháng 10/2008, Trương Đông Hải đưa 6 thuyền và 43 ngư dân quay lại Vành Khăn, đặt lồng lưới có khả năng chống chọi với gió cấp 9. Lần này ý chí đầu tư và lòng kiên trì của Trương Đông Hải đã được đền bù. Từ năm 2008 đến tháng 7/2012, ông đã liên tục đầu tư hơn 20 triệu NDT cho nuôi cá trên đảo Vành Khăn, thả nuôi gần 10 triệu con cá bột, quy mô đã mở rộng thành 11 nhóm lồng lưới vuông 4m x 4m, với 44 cửa và 10 nhóm lồng lưới hình tròn, bán kính 12m. Việc nuôi thả của ông rất thuận lợi trong 5 năm qua, các loại hải sản nuôi như cá chấm sao (Plectropomus leopardus), cá hổ vằn (Blotchy rock cod) được tiêu thụ tại Hong Kong, Mao Cao, Nhật Bản và các nơi khác với giá cao. Điều này khiến Vành Khăn có hy vọng trở thành trung tâm ngư nghiệp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Ngày 5/12/2012, “Ủy ban xã Mĩ Tế, huyện Nam Sa, Thành phố Tam Sa” trương biển thành lập, toàn xã có 53 ngư dân, nhưng hầu hết đều sống trên tàu. Trong số đó, Ủy ban thôn và 12 ngư dân canh lồng sống trên tàu nuôi cá trọng tải 1000 tấn (tàu cá Quỳnh Phú Hoa 01), số còn lại sống trên hai chiếc tàu chiếu sáng.

Hiệp định song phương giữa các quốc gia ASEAN 

Vấn đề biển Đông là một vấn đề đa phương điển hình. Về lí luận, tất cả các nước liên quan phải cùng nhau giải quyết mới là con đường giải quyết triệt để. Nhưng Trung Quốc không muốn đa phương hóa vấn đề biển Đông mà muốn đối thoại trực tiếp với từng nước liên quan, tức là các nước khác đàm phán 1-1 với Trung Quốc. Các nước ASEAN đương nhiên không muốn làm như vậy vì: thứ nhất, thái độ Trung Quốc hết sức cứng rắn, khẳng định các đảo và vùng biển ở biển Đông đều thuộc về Trung Quốc, không có cơ sở để đàm phán; thứ hai, thực lực các nước ASEAN yếu hơn Trung Quốc rất nhiều, tất nhiên ở thế rất yếu khi đàm phán đơn phương với Trung Quốc; thứ ba, vì vấn đề biển Đông về cơ bản có liên quan đến bên thứ ba nên dù đàm phán song phương thành công cũng không thể giải quyết triệt để vấn đề. Trong trường hợp đàm phán đa phương không kết quả, các nước ASEAN có xu hướng áp dụng phương thức khác, đó là tiến hành đàm phán song phương trong nội bộ ASEAN để xác định lập trường chung, trên cơ sở đó tiến hành đàm phán với Trung Quốc với tư cách một khối ASEAN thống nhất. Về mặt sách lược, đây là cách làm lí tưởng và phù hợp thực tế nhất đối với các nước ASEAN. Tuy nhiên, chỉ cần đàm phán song phương giữa các nước ASEAN đụng chạm đến lợi ích của Trung Quốc là Trung Quốc phản đối và kháng nghị. Điều đó cho thấy phương thức “đối thoại trực tiếp với nước liên quan, giải quyết song phương” do Trung Quốc đề xuất là không thực tế.

Đàm phán song phương giữa các quốc gia ASEAN về các vùng biển đã được tiến hành từ lâu và cũng đạt được nhiều kết quả trên tinh thần hợp tác, hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau. Trước 1990, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Myanmar là các nước chủ yếu đạt được Hiệp định. Ngay từ ngày 27/10/1969, Malaysia và với Indonesia đã kí “Hiệp định phân giới thềm lục địa”; ngày 16/11/1971, Indonesia, Malaysia và Singapore đã kí “Tuyên bố về eo biển Malacca”; ngày 21/12/1971, Indonesia, Malaysia và Thái Lan kí kết “Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa nửa phía Bắc eo biển Malacca”; Ngày 3/12/1981, Indonesia và Malaysia kí “Hiệp định về lãnh hải và không phận”, sau đó kí tiếp “Hiệp ước phân định ranh giới Indonesia-Malaysia năm 1982”. Ngày 24/10/1979, Malaysia và Thái Lan kí “Hiệp ước phân định ranh giới lãnh hải giữa hai nước” và “Bản ghi nhớ về phân định ranh giới thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Thái Lan”. Trong số đó, các hiệp ước song phương giữa Indonesia và Malaysia đều đụng chạm đến đường 9 đoạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không bày tỏ bất kì sự phản đối nào vào thời điểm đó, điều đó cho thấy khi đó Trung Quốc chưa yêu sách vùng biển bên trong đường 9 đoạn, ít nhất thì đó cũng không phải vấn đề nhạy cảm.

Sau khi thống nhất, Việt Nam đã đề xuất thương lượng phân định ranh giới trên biển với các nước Đông Nam Á. Nhưng những năm 1980, Việt Nam và Campuchia chỉ đạt được “Hiệp ước về vùng nước lịch sử” vào ngày 7/7/1982, đồng ý rằng vùng nước nằm giữa tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến đảo Thổ Chu của Việt Nam và bờ biển tỉnh Kampot đến nhóm đảo Poulo Wai của Campuchia là vùng nước lịch sử của hai nước theo chế độ nội thủy”, nhưng lại chưa phân định rõ hơn ranh giới “vùng nước lịch sử” này mà chỉ quy định tạm thời lấy đường Brévié (Brévié Line) năm 1939 làm đường phân định trước khi đạt được hiệp định.

Hình 63: Ranh giới vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia theo hiệp ước 1982

Sau 1990, với việc Việt Nam gia nhập ASEAN, việc phân giới cắm mốc liên quan đến Việt Nam ngày càng đạt được nhiều kết quả. Ngày 9/8/1997, Việt Nam kí với Thái Lan “Hiệp ước phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên vùng vịnh Thái Lan”, vùng đặc quyền kinh tế và và thềm lục địa được chia đồng thời bởi một đường thẳng, từ điểm C (tức là điểm cực bắc của vùng khai thác chung giữa Malaysia và Thái Lan) đến điểm K (tức là đến đường ranh giới mà Việt Nam và Campuchia đạt được qua đàm phán).

Hình 64: Ranh giới biển giữa Việt Nam và Thái Lan theo Hiệp định 1997

Đàm phán về biên giới trên biển giữa Việt Nam và Indonesia lần đầu tiên diễn ra vào năm 1971 dưới chính quyền miền Nam Việt Nam. Cả Việt Nam và Indonesia khi đó đều giữ nguyên tắc trung tuyến, nhưng đã có những tranh cãi về việc có nên sử dụng quần đảo Natuna để xác định điểm bắt đầu của đường trung tuyến hay không. Việt Nam cho rằng nên vẽ đường trung tuyến giữa đất liền Việt Nam và đảo Kalimantan, còn các đảo nhỏ ngoài khơi (như quần đảo Natuna) không tính trong đó; nhưng Indonesia lại cho rằng đảo Natuna được quyền phân định ranh giới,và đề nghị trung tuyến giữa Natuna và Côn Đảo của Việt Nam cũng phải được đưa vào trong phân định, điều này có lợi hơn cho Indonesia. Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đề xuất phương án mới, cho rằng ở bờ biển phía bắc đảo Pulao Sipitung, đảo cực bắc của quần đảo Natuna, có một rãnh sâu tự nhiên, hai nước nên căn cứ theo nguyên tắc “phần mở rộng tự nhiên của thềm lục địa”, lấy đó làm đường phân giới, nhưng Indonesia kiên quyết giữ nguyên tắc trung tuyến. Cho đến cuối những năm 1970, đàm phán giữa hai nước ngưng ngang. Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, quan hệ hai nước được cải thiện và đàm phán được nối lại. Ngày 26/6/2003, Việt Nam và Indonesia kí kết “Hiệp định phân định thềm lục địa”, phân định ranh giới thềm lục địa tại phía Bắc đảo Natuna. Đường ranh giới được xác định bằng 5 đoạn thẳng nối liền 6 điểm cơ sở với nhau. Điểm cơ sở thứ nhất ở cực Đông (point 25) là điểm cực Bắc của đường ranh giới thềm lục địa giữa Indonesia và Malaysia. Điểm này cùng với điểm cơ sở thứ hai (point X1) đều nằm bên trong đường 9 đoạn của Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là việc phân định thềm lục địa giữa hai nước không ảnh hưởng đến việc phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước sau này. Nghĩa là, không giống với đường phân giới giữa Việt Nam và Thái Lan, đường phân giới thềm lục địa và đường phân giới vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia có thể không là một.

Hình 65: Đường phân giới biển giữa Việt Nam và Indonesia theo hiệp định 2003

Việt Nam và Malaysia đều có yêu sách biển chồng lấn ở Vịnh Thái Lan lẫn ở biển Đông. Do tính chất phức tạp của tình hình (các yêu sách chủ quyền chồng lấn với Thái Lan ở Vịnh Thái Lan và thậm chí phức tạp hơn ở biển Đông) nên đến nay, Việt Nam và Malaysia chưa đạt được thỏa thuận về ranh giới biển. Nhưng hai nước đều nhất trí quan điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác”, và không có điều kiện tiên quyết “chủ quyền thuộc về ta”. Ngày 5/6/1992, hai nước kí kết “Bản ghi nhớ (MoU) giữa Việt Nam và Malaysia về thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực xác định ở thềm lục địa hai nước”, xác định khu vực có diện tích 1 350 km2 (PM-3 CAA) để cùng khai thác dầu khí (không nằm trong đường 9 đoạn). Khu vực này đã bắt đầu được khai thác dầu từ năm 1997. Hai nước còn cùng tiến hành khảo sát chung các khu vực đáy biển ở biển Đông để xác định giới hạn thềm lục địa ngoài. Điều này đã dẫn đến một vòng tranh chấp mới về biển Đông năm 2009 (xem phần VI.3).

Hình 66: Phân định biển Việt Nam – Malaysia theo MoU 1992

Ngoài tranh chấp về vùng biển, đến những năm 1980, giữa Malaysia, Indonesia và Singapore còn đột nhiên xảy ra tranh chấp về lãnh thổ. Malaysia và Indonesia tranh chấp về hai đảo nhỏ trên vùng biển Sulawesi gần Sabah thuộc Kalimantan: đảo Sipadan (Pulau Sipadan) và Ligitan (Pulau Ligitan). Trước tranh chấp, vùng này do Sabah quản lí. Năm 1982, Indonesia đột nhiên tranh chấp hai đảo với lí do là Anh và Hà Lan đã kí hiệp định phân định ranh giới Borneo năm 1891. Chiểu theo Hiệp định này, hai đảo nhỏ nằm trong vùng biển Indonesia. Tranh cãi bế tắc nên tháng 5/1997 hai nước chính thức kí kết hiệp ước đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền cho Tòa án quốc tế phân xử. Trong thời gian diễn ra tố tụng, Philippines đã đưa ra phản đối do có tranh chấp về Sabah (Philippines và Malaysia có tranh chấp về chủ quyền đối với Sabah mà hai đảo này lại thuộc quyền quản lí của Sabah trong lịch sử) nhưng đã bị Tòa bác bỏ. Ngày 17/12/ 2002, Tòa trọng tài ra phán quyết trao hai đảo nhỏ đó cho Malaysia. Căn cứ chủ yếu là do Malaysia đã thực quản lí hai đảo hơn 150 năm không có tranh chấp trong một thời gian dài. Hai nước đều tuân thủ phán quyết. 

Singapore và Malaysia tranh chấp về rạn Pedra Branca (Malaysia gọi là Pulau Batu Puteh). Pedra Branca nằm ở cửa Đông eo biển Singapore, cách Singapore 25,5 hải lí về phía Đông, cách Johor của Malaysia 7,7 hải lí, diện tích chưa đến 10 000 m². Khởi đầu, nó được Sultan Johor cai trị, nhưng đến năm 1840, Anh chiếm Pedra Branca, xây đèn biển trên đảo, giao cho Singapore quản lí. Năm 1953, Bí thư thuộc địa Singapore của Anh đã gửi một bức thư tới Quốc vương Johor, hỏi về chủ quyền của Pedra Branca. Quyền Bí thư của Sultan Johor phúc đáp, cho rằng chính quyền bang Sultan không có chủ quyền đối với Pedra Branca. Sau khi giành độc lập, Singapore tiếp tục thực hiện quyền quản lí đối với Pedra Branca. Từ năm 1962-1975, Malaysia xuất bản ít nhất 6 tấm bản đồ có ghi chú đảo này là của Singapore. Nhưng đến năm 1979, Malaysia lại đột nhiên khẳng định Pedra Branca thuộc Malaysia trong bản đồ “Ranh giới thềm lục địa và lãnh hải Malaysia” (bản đồ mà Malaysia dùng để khẳng định chủ quyền một số đảo trong quần đảo Trường Sa), Singapore lập tức phản đối. Tranh cãi không kết quả, năm 1994 hai bên đồng ý đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo cho Tòa án quốc tế phân xử, và chính thức nộp đơn cho Tòa vào năm 2003. Ngày 13/2/2008, Tòa quốc tế phán quyết rằng Pedra Branca thuộc về Singapore. Lí do chủ yếu là do Singapore quản lí trên thực tế đảo và do Malaysia cũng công nhận tình trạng này trong lịch sử. Cả hai nước đều chấp nhận phán quyết.

Tranh chấp lãnh thổ và vùng biển giữa Malaysia và Brunei cũng diễn ra từ lâu. Tranh chấp chủ quyền trên đất liền chủ yếu là vấn đề Lâm Mộng (Limbang). Limbang thuộc Sarawak, phía Đông và phía Tây của Limbang đều là lãnh thổ của Brunei. Brunei khẳng định chủ quyền đối với Limbang. Về vùng biển, Brunei chủ trương vùng đặc quyền kinh tế cách bờ biển 200 hải lí, còn thềm lục địa kéo dài xa hơn. Nhưng Malaysia lại cho rằng, chiểu theo hiệp định đã kí trước kia giữa hai nước thì giới hạn vùng nước cách bờ của Brunei chỉ kết thúc bên ngoài đường đẳng sâu 200 foot (đơn vị đo lường Anh) 3 hải lí. Theo phương án của Brunei thì Brunei có chủ quyền đối với bãi Louisa (TQ gọi là Nam Thông) đã bị Malaysia tuyên bố chủ quyền, đồng thời tuyên bố có chủ quyền đối với bãi chìm Vũng Mây (TQ gọi là Nam Vi) trên thềm lục địa mở rộng. Bãi này nằm bên ngoài thềm lục địa mà Malaysia yêu sách, Malaysia không đòi chủ quyền đối với nó. 

Năm 2003, công ti dầu khí quốc gia của Malaysia Petronas trao quyền khai thác hai lô ngoài khơi trong khu vực chồng lấn cho công ti Murphy Oil, nhưng năm 2000, Brunei đã lần lượt trao quyền khai thác hai lô đó cho 3 công ti dầu khí do công ti Royal Dutch Shell Plc đứng đầu và 3 công ti dầu khí do công ti Total S.A. đứng đầu. Vì thế mâu thuẫn giữa Malaysia và Brunei ngày càng tăng lên. Brunei đưa tàu chiến truy đuổi tàu quan trắc của công ti Murphy. Malaysia đáp trả bằng việc điều tàu chiến ra ngăn cản tàu của Công ti Total S.A. tiến vào khu vực này. Cuối cùng, hai bên đều dừng khai thác ở đó. Ngày 16/3/2009, Malaysia và Brunei kí kết một thỏa thuận trọn gói (Exchange of Letters) giải quyết vấn đề trên bộ và trên biển, đồng thời quy định rằng hai nước sẽ hợp tác khai thác dầu khí và tài nguyên thiên nhiên tại khu vực tranh chấp ngoài ranh giới lãnh hải, vì thế hiệp định này được gọi là “đổi chủ quyền lấy dầu”. Để làm yên lòng dân hai nước, các chi tiết của thỏa thuận không được công bố ngay lập tức mà được hé lộ nhỏ giọt thông qua các quan chức phụ trách thông tin. Về đất liền, dù Limbang không được đề cập trong hiệp định nhưng Brunei đã công nhận 5 hiệp ước liên quan đến Sarawak trong lịch sử, điều đó có nghĩa là Limbang thực sự được công nhận là thuộc Malaysia.

Còn về biển thì tin tức rất ít ỏi khiến còn khó hiểu hơn. Trong cuộc họp báo sau khi Hiệp định được kí kết, hai bên tuyên bố đã đạt được Hiệp định phân giới biển. 

Both Leaders noted the agreement of their respective Governments on the key elements contained in the Exchange of Letters, which included the final delimitation of maritime boundaries between Brunei Darussalam and Malaysia, the establishment of Commercial Arrangement Area (CAA) in oil and gas, the modalities for the final demarcation of the land boundary between Brunei Darussalam and Malaysia and unsuspendable rights of maritime access for nationals and residents of Malaysia across Brunei's maritime zones en route to and from their destination in Sarawak, Malaysia provided that Brunei's laws and regulations are observed.

(Hai nhà lãnh đạo đã ghi nhận thỏa thuận của Chính phủ hai nước về các điểm mấu chốt trong Thư trao đổi, trong đó có việc phân định ranh giới biển cuối cùng giữa Brunei Darussalam và Malaysia, việc thành lập Khu vực Thoả thuận thương mại (CAA) về dầu khí, phương thức phân định ranh giới đất liền cuối cùng giữa Brunei Darussalam và Malaysia, và quyền đi vào biển không bị ngưng lại (un-suspendable rights) đối với công dân và cư dân Malaysia khi đi qua các vùng biển của Brunei để tới Sarawak của Malaysia, với điều kiện phải tuân thủ luật pháp và quy định của Brunei. 

Thỏa thuận cụ thể không được công bố. Năm 2010, Brunei tuyên bố, căn cứ vào thỏa thuận năm 2009, Brunei có chủ quyền đối với hai lô nói trên, nhưng không nhắc đến khu vực khác. Do hai lô này nằm ở giữa khu vực tranh chấp nên có vẻ có thể suy luận ra là thỏa thuận quy định rằng Brunei sở hữu toàn bộ khu vực tranh chấp. Năm 2009, Malaysia và Việt Nam nộp đơn chung cho Liên Hiệp quốc về phương án phân định thềm lục địa mở rộng. Theo phương án này, thềm lục địa phía Đông Malaysia vẫn giữ nguyên cách vẽ năm 1979. Nhưng trong phương án ban đầu do Brunei nộp đã ghi rõ “phân giới biển trong vòng 200 hải lí của Brunei và Malaysia đã được phân chia theo hai hiệp định: thứ nhất, lãnh hải và thềm lục địa bên trong đường đẳng sâu 100 fathom (fathom = 1,8 m -ND), đã được phân định bởi hai pháp lệnh của Hội đồng Anh năm 1958 (British Orders in Council); thứ hai, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vòng 200 hải lí đã được phân định theo Hiệp định 16/3/2009. Brunei còn nhấn mạnh là có quyền yêu sách chủ quyền đối với thềm lục địa ngoài 200 hải lí. Theo ẩn ý của Brunei thì hai bên đã đạt được thỏa thuận thừa nhận vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo yêu sách chủ quyền ban đầu của Brunei. Malaysia tỏ ra đã buông bỏ yêu sách chủ quyền đối với đá Louisa). 

Đồng thời, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được Hiệp định phân giới Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000. Một loạt hiệp định và trọng tài này đều là những ví dụ đáng tham khảo đối với vấn đề chủ quyền và phân giới biển Đông.

Hợp tác thăm dò Trung Quốc-Philippines-Việt Nam chóng tan

Trung Quốc luôn đề xướng “gác tranh chấp, cùng khai thác”, đặc biệt là cùng khai thác tài nguyên dầu mỏ. Nhưng, các nước không nhiệt tâm lắm với việc này, bởi khẩu hiệu mà Trung Quốc đưa ra ngầm chứa ý “chủ quyền thuộc về ta”. Hợp tác với Trung Quốc sẽ bị Trung Quốc tuyên truyền là thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc. Ngoài ra, những khu vực mà Trung Quốc đề xuất cùng khai thác đều là những khu vực thềm lục địa ven biển mà các nước khác đã dày công khai thác trong nhiều năm. Với các nước, đó là cái gọi là “Cái gì của tôi là của tôi, cái gì của bạn là của chúng ta” (我的是我的, 你的是我們的: ngã đích thị ngã đích, nhĩ đích thị ngã môn đích). Vì vậy, phần lớn các nước này hợp tác khai thác dầu khí với phương Tây hoặc các nước ngoài khu vực mà không chọn hợp tác với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, năm 2004 bỗng xuất hiện sự kiện “cùng khai thác” với Trung Quốc. Nhân vật chính của sự kiện này là Philippines, nước xưa nay luôn đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Sở dĩ Philippines đột nhiên chuyển hướng như vậy là vì có một nhóm nhỏ quan chức cao cấp của Philippines luồn lách qua cơ cấu quyết sách đã định, làm trái với sách lược của đất nước và của ASEAN, trong đó có người còn dính dáng đến tham nhũng liên quan tới Trung Quốc. 

Sau khi Tổng thống Arroyo lên nắm quyền, đúng vào lúc Mĩ bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố, giảm quan tâm đến Đông Nam Á. Đồng thời, Trung Quốc cũng bước vào thời kì phát triển tốc độ cao, dồn tâm sức nhiều hơn cho việc thúc đẩy việc “cùng khai thác” ở biển Đông. Khi đó, Chủ tịch Hạ viện Philippines, Jose de Venecia Jr đã đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn này. Ông ta là người thu lợi nhiều nhất trong cao trào dầu mỏ lần thứ nhất của Palawan, có sức ảnh hưởng rất lớn trong giới dầu mỏ Philippines. Ông cũng là nhân sĩ trong phe thân Trung Quốc trên diễn đàn chính trị, khởi xướng thành lập Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á, và đảm nhận chức vụ Hội trưởng Hiệp hội tìm kiếm hòa bình Châu Á, liên hệ rất mật thiết với các diễn đàn chính trị Trung Quốc.

Một nhân vật quan trọng khác của Philippines là Eduardo Manalac, làm việc một thời gian dài trong ngành dầu mỏ, từng là giám đốc thăm dò của Công ti Dầu khí Philips của Hoa Kì tại Trung Quốc trong 7 năm và có mối quan hệ thân thiết với ngành công nghiệp Trung Quốc. Năm 2003, sau khi nghỉ hưu, ông ta ông tham gia chính phủ đảm nhận chức Thứ trưởng Bộ tài nguyên năng lượng.

Trong việc thu hút đầu tư vào các mỏ dầu ở Philippines, do tình hình chính trị khu vực biển Đông phức tạp cùng hiệu suất thăm dò trước nay yếu kém và nhiều nguyên do khác nên các công ti dầu khí quốc tế ít khi quan tâm. Vì thế Eduardo Manalac muốn hợp tác với các công ti Trung Quốc và đã thuyết phục được Arroyo, tìm sự giúp đỡ của Jose de Venecia Jr vốn có quan hệ thân thiện với Trung Quốc.

Tháng 9/2003, Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội – ND) Trung Quốc Ngô Bang Quốc thăm Philippines, vào thời điểm đó ngân hàng trung ương của hai nước vừa đạt được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ. Trong bài phát biểu của mình, Ngô Bang Quốc nhắc đến chủ trương cùng khai thác ở Trường Sa. Chủ tịch Hạ viện Jose de Venecia Jr phụ trách tiếp đón Ngô Bang Quốc tán thành lời phát biểu này ngay. Ngày 10/11, Công ti dầu khí Quốc gia Philippines và Công ti dầu khí Trung Quốc kí thư tỏ ý định, đồng ý thăm dò chung trên một vùng biển nào đó thuộc biển Đông.

Manalac tin rằng nếu Philippines có thể thăm dò dầu mỏ ở đó và thu được một số lợi ích thì tốt hơn là không có gì cả, nhưng ông ta không có đủ hiểu biết về an ninh quốc gia và lợi ích của ASEAN. Arroyo xem xét toàn bộ tình hình và có hơi do dự. Nhưng tháng 7/2004, bà bất đồng với Mĩ đối với việc rút quân khỏi Iraq nên quay sang Trung Quốc. Dưới sự sắp xếp của Jose de Venecia Jr, bà bất ngờ đi thăm Trung Quốc vào tháng 8. Sau đó bà đổi thái độ do dự, điều Eduardo Manlalac về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ti dầu khí Quốc gia Philippines, đồng thời ngày 1/9 kí “Thỏa thuận cùng thực hiện khảo sát địa chấn biển” (Joint Seismic Marine Undertaking, JSMU) với Công ti Dầu khí Trung Quốc.

Việc kí kết Thỏa thuận này được giấu kín đối với các đối tác ASEAN, đã phá hoại nguyên tắc thống nhất hành động của ASEAN, đồng thời đi ngược giải pháp đa phương cho vấn đề biển Đông do chính Philippines đề xướng. Trước khi đi đến quyết định, Arroyo thậm chí cũng không bàn bạc với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines. Sau khi biết sự việc, Bộ Ngoại giao Philippines lập tức lên tiếng phản đối nhưng đã quá muộn. Hành động đơn phương này của Philippines làm kinh động ASEAN. Việt Nam rất không hài lòng và đưa ra kháng nghị, vì trên lí thuyết thì bãi Lễ Nhạc (bãi Cỏ Rong/ Reed Tablemount) nằm trong phạm vi yêu sách của Việt Nam. Tuy nhiên, trong tình huống phản đối không hiệu quả, Việt Nam buộc lòng phải tham gia, hình thành cuộc khảo sát chung 3 bên.

Ngày 14/3/2005, Tổng Công ti dầu khí Hải Dương Trung Quốc, Công ti dầu khí Quốc gia Philippines và Công ti dầu khí Việt Nam kí “Thỏa thuận ba bên về khảo sát địa chấn biển chung trong khu vực thỏa thuận tại biển Đông” có thời hạn 3 năm. Ba bên sẽ nghiên cứu đánh giá tình hình tài nguyên dầu mỏ trong khu vực khảo sát chung có tổng diện tích 140 000 km².

 

Hình 67: Khu khảo sát chung JSMU giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam

Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines có vẻ xuất phát từ mong muốn tốt đẹp, nhưng thực tế sở dĩ nó đạt thành không phải không có dính dáng tới quan hệ lợi ích của tham nhũng. Eduardo Manalac có lẽ là một người tương đối trong sạch thời kì đó, ông đã nghỉ việc vào cuối năm 2006 vì “không chịu đựng được nạn tham nhũng”. Tháng 6/2007, trước thềm cuộc bầu cử quốc hội, vụ gian lận ZTE-NBN, gây chấn động chính trường, đã nổ ra ở Philippines liên quan đến một hợp đồng xây dựng mạng băng thông rộng trị giá 3,3 tỉ USD được kí vào tháng 4 giữa vụ Công ti Trung Hưng Trung Quốc (ZTE) và Công ti mạng băng thông rộng Philippines (BNB). Giới truyền thông tiết lộ rằng hợp đồng đã biến mất một cách bí ẩn vài giờ sau khi được kí kết. Sau một hồi rùm beng trên báo chí, nội dung bản hợp đồng trở thành tiêu điểm bàn luận, chính phủ Philippines viện đủ lí do để không công khai nội dung bản hợp đồng.

Jose de Venecia Jr hứng chịu búa rìu dư luận khi đó, con trai ông là Jose de Venecia III đang cạnh tranh với Công ti Trung Hưng Trung Quốc cuối cùng đã trở thành bên thua cuộc. Một nghị sĩ chỉ ra rằng, vốn liếng Công ti AHI của Jose de Venecia III thấp đến mức chỉ đủ mở một “cửa hàng tạp hóa”. Từ khi thành lập năm 2002 đến đó nó không hoạt động thực sự và chỉ có một vài nhân viên. Vậy làm sao nó có thể tham gia một dự án lớn như vậy?

Sau bầu cử Quốc hội, Jose de Venecia Jr lại tiếp tục đảm nhận chức Chủ tịch Hạ viện. Thượng viện đã yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét lại hợp đồng. Tòa án đã phát lệnh tạm ngưng hiệu lực hợp đồng. Jose de Venecia III phải ra hầu tòa vào tháng 10, báo chí lại một phen dậy sóng: thứ nhất, giá trị hợp đồng bị đẩy lên quá cao, vượt quá 19,7 tỉ USD so với chính dự toán của anh ta (công ti AHI của anh ta đặt thầu 240 triệu USD, Công ti AI của Mĩ đặt 135 triệu USD); thứ hai, khi tham gia đấu thầu, đầu tiên anh ta bị một người trung gian (Chủ tịch Ủy ban bầu cử, Abalos) ra giá 10 triệu USD và yêu cầu anh từ bỏ đấu thầu, nhưng sau đó Abalos bị Mike, chồng của Tổng thống Arroyo, gây áp lực, yêu cầu không được ra tranh thầu. Các cuộc điều tra sau đó chỉ ra rằng chồng của Arroyo đã thu được ít nhất vài triệu USD từ ZTE trong giao dịch này. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng làm chứng rằng Abalos đã hối lộ cho ông 5 triệu USD để phê duyệt thỏa thuận. Tháng 1/2008, Thượng viện đưa ra kiến ​​nghị bất tín nhiệm đối với Jose de Venecia. Tháng 2, Jose de Venecia bị buộc từ chức. Sau đó, ông tiết lộ rằng Arroyo đã cử ba sĩ quan quân đội cấp cao đến nhà ông để đe dọa ông và con trai ông không được lên tiếng về vấn đề này. Cuối cùng, do áp lực của nhiều cấp, Arroyo ra lệnh dừng thỏa thuận với Công ti Trung Hưng.

Sau đó lại có người tố cáo, hành vi tham nhũng của Arroyo không chỉ dừng ở công trình mạng băng thông mà còn có liên quan rất rộng. Trong rất nhiều dự án xây dựng hạ tầng mà Philippines tham gia cùng các công ti và tổ chức viện trợ nước ngoài của Trung Quốc, chẳng hạn dự án đường sắt trên đảo Luzon, họ đã hợp tác với Arroyo và gia tộc thông qua các phương pháp giảm giá tương tự để có được hợp đồng. Jose de Venecia cũng là một quan chức cao cấp nằm trong nhóm tham nhũng này, có điều lần này là cắn xé lẫn nhau mà thôi. Ngoài ra còn có tạp chí công kích rằng trong JSMU tồn tại một “điều khoản bán nước” bí mật. Nói cách khác, những vụ hối lộ này cũng do chính Trung Quốc thực hiện để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của họ, việc khảo sát chung giữa Trung Quốc và Philippines cũng liên quan đến điều đó. Sở dĩ Trung Quốc và Philippines đạt được thỏa thuận khảo sát chung cũng là do nó liên quan đến những hợp đồng thương vụ theo phương thức giảm giá mà Trung Quốc cung cấp cho gia tộc Arroyo.

Bằng cách này, vụ bê bối tham nhũng do Trung Hưng hối lộ ngày càng lớn hơn. Mặc dù Arroyo kiên quyết phủ nhận nhưng ngày càng có nhiều người Philippines công kích hành vi “bán nước” của bà. Người tiền nhiệm Estrada của Arroyo bị hạ bệ vì tai tiếng tham nhũng, đến lượt Arroyo bây giờ cũng lún sâu vào tai tiếng. Trong bối cảnh đó, tháng 7/2008, sau khi giai đoạn khảo sát đầu tiên hoàn thành vào tháng 7 năm 2008, thỏa thuận khảo sát đánh giá dầu mỏ chung giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam đã không được gia hạn. Hoạt động khảo sát qua mấy năm không thu được kết quả gì đáng kể.

Do thỏa thuận JSMU trước sau không được công khai hóa, không thể biết rõ các điều khoản cụ thể nên không thể đoán định đây có phải hiệp định “bán nước” hay không, chẳng hạn “cùng khai thác” có phải hàm chứa hay ngầm thừa nhận tiền đề về quy thuộc chủ quyền hay không. Nhưng xét đến việc Việt Nam cũng tham gia hiệp định này thì khả năng xảy ra tình huống này không lớn, vì đối với vấn đề này Việt Nam nhạy cảm hơn Philippines nhiều. Tác giả cho rằng, ngay cả khi có những nghi ngờ về hối lộ ở Trung Quốc trong thỏa thuận này thì cũng không thể phủ nhận rằng bản thân điều này là một nỗ lực có lợi. Tuy nhiên, do quy trình không theo chuẩn mực, có bóng dáng của hối lộ và phớt lờ lập trường chung của ASEAN nên thử nghiệm này không thành công. Hậu quả lớn hơn của vụ việc này là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Philippines đã chính thức chống lại Trung Quốc kể từ năm 2009. Còn Trung Quốc thì từ bỏ ý niệm cùng khai thác, tìm biện pháp mạnh hơn để mở mang thế lực tại biển Đông. 

V.9. Kết luận: Sự hình thành tình trạng hiện nay 

Sau Chiến tranh lạnh, hòa bình và phát triển trở thành tiếng nói chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc và các nước ở biển Đông vừa có nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế, chính trị, vừa có mâu thuẫn về vấn đề biển Đông, nhưng vế sau không đóng vai trò chủ đạo. Bước tiến của Trung Quốc ở biển Đông ban đầu chỉ giới hạn ở phía Tây quần đảo Trường Sa. Nhưng sau khi Mĩ rút quân khỏi Philippines và quan hệ Trung Quốc – Việt Nam được cải thiện, Trung Quốc lại đổi hướng bành trướng sang đá Vành Khăn ở phía Đông biển Đông, lực lượng ngư chính trở thành công cụ lợi hại để Trung Quốc tiến xuống biển Đông. Mặc dù lực lượng các nước quanh biển Đông đều yếu hơn Trung Quốc, nhưng hợp nhau lại ASEAN có đủ sức mạnh chống lại Trung Quốc. Năm 1992, tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN, các nước thành viên đã ra “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông”, đề xuất thương thảo với Trung Quốc xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với ASEAN và cục diện phát triển ở biển Đông. Từ đó, các nước có lập trường gần nhau tại khu vực biển Đông bắt đầu hình thành ASEAN như một khối giữ thế đối đầu với Trung Quốc. Bị khống chế bởi nhiều yếu tố khác nhau, sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông bị hạn chế và Philippines cũng có thể chống chọi với áp lực của Trung Quốc tại bãi Cỏ Rong và bãi cạn Scarborough. Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN kí “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”, đánh dấu việc hình thành “hiện trạng” biển Đông được các bên thừa nhận. 

“Công ước Luật biển Liên hiệp quốc” có hiệu lực vào năm 1994 có ảnh hưởng rất sâu rộng. Sự cạnh tranh ở biển Đông đã mở rộng từ việc tranh giành các đảo sang tranh giành các vùng biển. Đường 9 đoạn trước đây bị bỏ quên bắt đầu trở thành một công cụ mới cho sự bành trướng của Trung Quốc. Đài Loan đi đầu trong việc cố gắng xác định đường 9 đoạn là vùng nước lịch sử, nhưng đã xếp lại trước sự phản đối; Trung Quốc sau đó đã cố gắng đưa ra khái niệm về quyền lịch sử để hợp lí hóa yêu sách của mình đối với vùng nước bên trong đường 9 đoạn. Cần chỉ ra rằng yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng nước bên trong đường 9 đoạn vẫn chưa rõ ràng và giới học thuật vẫn còn đang thảo luận. Nhưng điều khiến các nước quanh biển Đông lo ngại là Mĩ nhấn mạnh trở lại tầm quan trọng của tự do hàng hải. Đường 9 đoạn dẫn đến tranh cãi, nhưng “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” đã làm dịu tranh cãi. 

Trong giai đoạn này, các bên ở biển Đông đã đạt được không ít thỏa thuận phân định vùng biển và lãnh thổ ở biển Đông và xung quanh. Sau khi “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” được kí kết, các bên đã tích cực chuyển từ “quân sự hóa” sang “dân sự hóa” biển Đông trong khuôn khổ “Tuyên bố”, củng cố chủ quyền thông qua việc di dân hoặc thành lập đơn vị hành chính tại các đảo, bãi. Điều này khiến Trung Quốc không vừa ý, mặc dù chính Trung Quốc cũng làm như vậy. Trung Quốc, Philippines và Việt Nam thử nghiệm hợp tác thăm dò dầu khí chung ở biển Đông, nhưng đã kết thúc ngang do các vụ bê bối tham nhũng. Điều này đánh dấu sự kết thúc của chính sách biển Đông của Trung Quốc trong giai đoạn này. Ngay sau đó, Trung Quốc đã triển khai cuộc tấn công mới vào biển Đông.

____________

Xem bản dịch có chú thích ở đây.

Chương I:Tranh chấp Đông Sa giữa Trung Quốc và Nhật Bản là màn dạo đầu của tranh chấp biển Đông 

Chương II: Mở đầu cuộc tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa (1909-1936)

Chương III: Biển Đông trước và sau thế chiến thứ hai (1937-1952)

Chương IV: Cuộc chiến tranh giành các đảo ở biển Đông (1953-1989)

Chương V: Thời kì xung đột thấp (1990-2008)

Chương VI: Tranh chấp về quyền lực trên biển (2009-2015)

Phụ lục I: Tình trạng pháp lí của đường 9 đoạn

Phụ lục 2: Vấn đề đảo Bạch Long Vĩ


No comments: