Wednesday, September 10, 2014

Mối nguy sợ xung đột của Mĩ

Mối nguy sợ xung đột của Mĩ

(WSJ 5-9-14)

 (Gs Trần Hữu Dũng cho biết: Kagan có thể được xem là diều hâu "tân bảo thủ" nhưng tương đối ôn hòa hơn bọn John Bolton, Doug Feith, Bill Kristol...  Vợ Kagan là Victoria Nuland, phụ tá của [john] Kerry.  Nên đọc bài này, nó sẽ có ảnh hưởng!)

Mĩ ngày càng khao khát thoát khỏi các thực tế chiến tranh khắc nghiệt, nhưng như các sự kiện gần đây làm thấy rõ, quyền lực thô vẫn là một yếu tố quan trọng trong chính trị quốc tế



Trước hết, chính người châu Âu đã tìm cách thoát khỏi những thực tế quyền lực bi thảm nhuộm máu thế kỉ 20 của họ. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, họ bắt đầu tự giải giáp trong niềm tin đầy hi vọng rằng vũ khí và các biện pháp quyền lực truyền thống không còn quan trọng. Một hệ thống pháp luật và các tổ chức quốc tế mới sẽ thay thế hệ thống quyền lực cũ; thế giới sẽ tự đi theo mô hình Liên minh châu Âu - còn nếu không thì Mĩ sẽ vẫn còn đó để cung cấp an ninh theo kiểu cũ.

Nhưng bây giờ, trong bối cảnh cuộc chiến tranh ở Iraq và ở Afghanistan, chính nước Mĩ có vẻ đang khao khát thoát khỏi gánh nặng quyền lực và trút bỏ các thực tế bi thảm về tồn tại của con người.

Ít ra cho đến các sự kiện xảy ra gần đây, đa số dân Mĩ (và các tầng lớp chính trị và trí thức Mĩ) dường như đã đi gần đến kết luận rằng không những cuộc chiến tranh đó là khủng khiếp mà nó còn không có hiệu quả trong thế giới hiện đại toàn cầu hoá của chúng ta. Fareed Zakaria thuộc CNN đã viết "Có một trật tự quốc tế đang phát triển với các chuẩn mực toàn cầu mới làm cho chiến tranh và chinh phục ngày càng hiếm đi", gần như chỉ ngay đêm trước ngày Nga xâm lược Ukraine và Nhà nước Hồi giáo dẩm bước trên khắp Syria và Iraq, vay mượn ý của Steven Pinker thuộc Đại học Harvard. Các sách lịch sử về Thế chiến I bán chạy nhất dạy rằng các nước không sẵn sàng đi đến chiến tranh nhưng chỉ "ngáy ngủ đi" vào chiến tranh do các tính toán sai lầm bi thảm hoặc do sự ngớ ngẩn quá mức.

Một phần tư thế kỉ qua, người Mĩ đã được cho biết rằng tận cùng của lịch sử nằm ở sự nhàm chán hơn là xung đột lớn, rằng các nước với các cửa hàng McDonald sẽ không bao giờ đánh nhau, rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và vũ khí hạt nhân làm chiến tranh giữa các cường quốc lớn ít có khả năng nếu không nói là không thể xảy ra. Gần đây bài thuốc này được kèm thêm với lời thần chú phù phiếm. "Không có giải pháp quân sự" là điệp khúc không dứt của các chính khách phương Tây liên quan đến các cuộc xung đột từ Syria đến Ukraina; quả thực, hành động quân sự chỉ làm cho vấn đề tồi tệ thêm. Nhà báo Moisés Naím trong một cuốn sách được đánh giá cao gần đây lập luận rằng quyền lực tự nó đã không còn như trước.

Tổng thống Mĩ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron cúi đầu trong phút mặc niệm hôm thứ năm tại một hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales. Reuters

Lịch sử có một cách trả lời cho các nhận định như vậy. Mong muốn thoát khỏi quyền lực chắc chắn không phải là mới mà từng là nguyện vọng liên tục của chủ nghĩa tự do thời Khai Sáng trong hơn hai thế kỉ.

Việc không thể xảy ra chiến tranh là điều thường thức trong những năm trước Thế chiến I, và nó đã trở thành điều thường thứcmột lần nữa, ít nhất là ở Anh và ở Mĩ, gần như chỉ một ngày sau khi chiến tranh kết thúc. Sau đó, cũng như bây giờ, người Mĩ và người Anh tự thân tin rằng mọi người đều cùng chia sẻ với họ sự mất ảo tưởng với chiến tranh. Họ tưởng tượng rằng vì chiến tranh thật khủng khiếp và phi lí, như cuộc Đại chiến vừa qua chắc chắn đã cho thấy điều đó, nên không có người lành mạnh nào sẽ chọn nó.

Chuyện gì xảy ra tiếp, khi thập niên 1920 hòa bình tuột dốc vào thập niên 1930 bạo lực và dã man, có thể là chỉ dẫn cho thời đại của chính chúng ta. Lúc đó, mong muốn tránh chiến tranh - kết hợp với việc đoan chắc rằng không một quốc gia nào có lí gì để có thể tìm kiếm nó - một cách logic và tự nhiên đã dẫn tới chính sách nhân nhượng.

Các nước đe dọa xâm lược, xét cho cùng, đều có những bất bình, như hầu hết các nước gân như luôn như thế. Họ là các cường quốc "không quyền lực” trong một thế giới bị chi phối bởi các nước Anglo-Saxon giàu có và hùng mạnh, và họ đòi hỏi một sự phân phối hàng hóa công bằng hơn. Trong trường hợp của Đức, sự bất bình về cách giải quyết trong hiệp ước hòa bình Versailles cháy âm ỉ vì nhiều lãnh thổ và dân số từng dưới sự kiểm soát của Đức đã bị lấy đi để đảm bảo an ninh cho các nước láng giềng của Đức. Trong trường hợp của Nhật Bản, cường quốc đảo với dân số vượt mức cần kiểm soát lục địa châu Á để tồn tại và phát triển thịnh vượng trong cuộc cạnh tranh với các cường quốc khác.

Vì vậy, các cường quốc tự do cố gắng lập luận với họ, để hiểu và thậm chí chấp nhận các bất bình của họ và tìm cách xoa dịu họ, ngay cả khi điều này có nghĩa là hi sinh những nước khác – chẳng hạn như Trung Quốc và Séc – cho họ cai trị. Đó dường như là một cái giá hợp lí, mặc dù có thể là đáng tiếc, để tránh một cuộc chiến tranh thảm khốc. Điều đó là chủ nghĩa hiện thực tế thập niên 1930.

Tuy nhiên, cuối cùng các cường quốc tự do đã khám phá ra rằng những bất bình của các cường quốc "không quyền lực” đi xa hơn những gì mà ngay cả đối thủ hào phóng nhất có thể đáp ứng. Điều bất bình cơ bản nhất, khi lộ ra, lại là bị buộc phải sống trong một thế giới được định hình bởi những nước khác-- là dân Đức hoặc Nhật trong một thế giới bị chi phối bởi dân Anglo-Saxon.

Để thoả mãn bất bình này sẽ đòi hỏi nhiều hơn là những điều chỉnh bên lề về lãnh thổ và kinh tế hoặc thậm chí là hi sinh một quốc gia nhỏ và yếu nơi này hay nơi khác. Nó sẽ đòi hỏi việc cho phép các cường quốc "không quyền lực” định hình lại trật tự chính trị và kinh tế quốc tế cho phù hợp với nhu cầu của họ. Hơn thế nữa, nó sẽ đòi hỏi việc để cho những cường quốc đó trở nên đủ mạnh để định đoạt các điều khoản của trật tự quốc tế - vì-nếu không thì làm thế nào họ có thể thoát khỏi áp bức bất công?

Cuối cùng, trở nên rõ ràng rằng nhiều thứ đã diễn ra vượt quá các đòi hỏi hợp lí cho công lí, ít nhất như đầu óc thời Khai Sáng hiểu thuật ngữ này. Hóa ra chính sách của những kẻ xâm lược là sản phẩm không những của các bất bình vật chất mà còn của những ham muốn vượt quá vật chất và lí lẽ đơn thuần.

Nhà độc tài Đức Adolf Hitler và Thủ tướng Anh Neville Chamberlain tại Munich vào năm 1938  In Collector / Getty Images
Các nhà lãnh đạo của họ, cùng với một số lượng lớn công chúng của họ, bác bỏ các khái niệm tự do về tiến bộ và lí trí. Thay vào đó họ lại xúc động bởi các khao khát lãng mạn về những vinh quang quá khứ hay trật tự quá khứ và từ khước các khái niệm Khai Sáng về hiện đại. Những nhà cai trị tham lam hay hoang tưởng của họ, hoặc chấp nhận một cách dị thường (trong trường hợp của Nhật) hay tích cực hoan nghênh (trong trường hợp của Đức) xung đột vũ trang như là trạng thái tự nhiên của các vấn đề con người.

Tới lúc mà tất cả những điều này đã trở thành rõ ràng không thể nhầm lẫn được đối với các cường quốc tự do, tới lúc mà họ nhận ra rằng họ đang đối phó với những người không nghĩ như họ đã làm, tới lúc mà họ nắm bắt được rằng không có gì khác mấy sự đầu hàng sẽ tránh được xung đột và rằng đưa cho kẻ xâm lược, ngay cả một phần của những gì họ yêu cầu - Mãn Châu, Đông Dương, Tiệp Khắc - chỉ làm họ mạnh lên chứ không làm họ thoả mãn, thì đã quá muộn để tránh chính cuộc chiến tranh thế giới mà Anh, Pháp, Mĩ và những nước khác đã cố gắng một cách tuyệt vọng để ngăn ngừa.

Kinh nghiệm cháy bỏng này - không chỉ Thế chiến II mà nỗ lực thất bại để thoả mãn những kẻ không thể thỏa mãn được – đã định hình chính sách của Mĩ trong thời kì sau chiến tranh. Đối với những thế hệ có chia sẻ kinh nghiệm này, nó áp đặt một cảm giác mới và khác của chủ nghĩa hiện thực về bản chất của con người và hệ thống quốc tế. Nhiều hi vọng cho một kỉ nguyên mới hòa bình được nung đúc.

Các lãnh đạo Mĩ và công chúng Mĩ nói chung liệu có chấp nhận trong hối tiếc thực tế quyền lực bi thảm và không thể tránh được này. Họ đã chấp nhận tư thế chủ nghĩa tự do vũ trang. Họ làm ra hàng ngàn loại vũ khí hủy diệt không thể tưởng tượng nổi. Họ triển khai hàng trăm ngàn binh sĩ ra nước ngoài, ở trung tâm châu Âu và dọc theo vành đai Đông Á, giữ vai trò răn đe trước việc xâm lược. Họ đã chiến đấu ở các vùng đất xa xôi, phần lớn chưa biết đến, đôi khi một cách ngu ngốc và đôi khi không hiệu quả nhưng luôn luôn với ý tưởng - gần như chắc chắn chính xác - rằng nếu không hành động chống lại kẻ xâm lược sẽ chỉ mời gọi xâm lược thêm nữa.

Nói chung, ngoại trừ cuộc đọ sức ngắn định mệnh dưới thời Tổng thống Richard Nixon và cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, họ không thích làm dịu bớt hoặc thậm chí thừa nhận những bất bình của những kẻ chống đối họ. (Tổng thống Harry Truman và Ngoại trưởng Dean Acheson, hai kiến trúc sư của chủ nghĩa tự do vũ trang, chẳng bao giờ quan tâm nhiều tới việc thương lượng với Liên Xô, trong khi Tổng thống Ronald Reagan chủ yếu chỉ quan tâm tới việc thương lượng về các điều khoản đầu hàng của họ.)

Đằng sau những hành động của các kiến trúc sư về ngăn chặn của Mĩ là niềm tin, dựa trên kinh nghiệm khó khăn, rằng không thể luôn luôn trông đợi những dân tộc khác trân quý những gì mà thế giới tự do trân quý -  thịnh vượng, nhân quyền hay thậm chí là hòa bình - và do đó thế giới tự do phải luôn cảnh giác, vũ trang tốt và chuẩn bị tốt chống lại các khuấy động tiếp theo của các thôi thúc phi tự do, vượt trội trở lại vốn là một đặc tính thường trực của nhân loại.

Thật dễ dàng để duy trì sự cảnh giác bi thảm này trong khi hệ tư tưởng cộng sản dựa trên đấu tranh, phi tự do ngự trị trên hơn một nửa lục địa Á-Âu  - và thật khó khăn để duy trì sự cảnh giác đó từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ dường như mở ra một kỉ nguyên mới của chủ nghĩa tự do phổ quát, và cuối cùng cùng với nó là viễn ảnh một nền hòa bình của Kant trong một thế giới chi phối bởi nền dân chủ.

Một khoảng thời gian trong thập niên 1990, khi các thế hệ thuộc Thế chiến II và Chiến tranh lạnh lần đầu còn sống sót, những bài học cũ vẫn còn hướng dẫn chính sách. Tổng thống George H.W. Bush và cố vấn an ninh quốc gia Brent Scowcroft, phái nửa triệu quân Mĩ chiến đấu cách xa hàng ngàn dặm không có lí do nào khác hơn là để ngăn chặn sự xâm lược và khôi phục lại một vương quốc sa mạc đã bị người hàng xóm bạo ngược xâm chiếm . Kuwait không được hưởng đảm bảo an ninh với Mĩ; các giếng dầu trên vùng đất của họ đều sẽ sẵn cho phương Tây khai thác nếu được Iraq vận hành; và tiểu vương quốc 30 tuổi này dưới quyền cai trị của gia đình al-Sabah có đòi hỏi về địa vị quốc gia có chủ quyền ít hơn Ukraine ngày hôm nay. Tuy nhiên, như ông Bush sau này nhớ lại, "Tôi không muốn có nhân nhượng."

Tuy nhiên, hơn một thập kỉ sau đó một ít, Mĩ là một quốc gia đổi khác. Do những kinh nghiệm ở Iraq và Afghanistan, gợi cho thấy việc phái thậm chí chỉ vài ngàn binh sĩ đi đánh nhau ở bất kì nơi nào vì bất kì lí do nào là gần như không thể tưởng tượng được. Các thành viên hiếu chiến nhất của Quốc hội không còn cảm thấy an toàn để biện giải cho một cuộc tấn công trên thực địa Nhà nước Hồi giáo hay cho một sự hiện diện quân NATO tại Ukraine. Không có cuộc thảo luận nghiêm chỉnh nào về đảo ngược việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, mặc dù các yêu cầu chiến lược bảo vệ các đồng minh của Mĩ tại châu Âu, châu Á và Trung Đông hiếm khi biểu hiện nhiều hơn bây giờ trong khi khả năng của Mĩ để làm như vậy hiếm khi bị nghi ngờ nhiều hơn bây giờ.

Nhưng dân Mĩ, tổng thống và các đại biểu do họ bầu đã chấp nhận cái khoảng cách giữa chiến lược và khả năng này mà không bình luận nhiều, ngoại trừ những người muốn từ bỏ chiến lược. Một lần nữa, điều đó như thể người Mĩ tin rằng việc họ mất ảo tưởng với việc sử dụng vũ lực theo một cách nào đó có nghĩa là vũ lực không còn là một yếu tố trong các vấn đề quốc tế.

Trong thập niên 1930, ảo tưởng này đã được Đức và Nhật xua tan, các nhà lãnh đạo và công chúng hai nước này tin tưởng rất nhiều vào lợi ích của sức mạnh quân sự. Ngày nay, khi Mĩ dường như tìm cách thoát khỏi quyền lực thì những nước khác đang bước tới, như thể có sắp xếp trước, để chứng minh quyền lực thô thực sự có thể có hiệu quả như thế nào.

Một lần nữa, họ là những người không bao giờ chấp nhận định nghĩa của thế giới tự do về tiến bộ và hiện đại và họ cũng không chia sẻ hệ thống tầng bậc về giá trị của họ. Họ không phải chủ yếu bị các vấn đề kinh tế lôi kéo. Họ chưa bao giờ đặt niềm tin vào sức mạnh của quyền lực mềm, không bao giờ tin rằng dư luận thế giới (dù bất bình tới mức nào) có thể ngăn chặn cuộc chinh phục thành công của một quân đội được xác định. Họ không nản lòng bởi các cửa hàng McDonald của họ. Họ vẫn tin vào các chân lí quyền lực cứng theo kiểu cũ, ở trong và ngoài nước. Và nếu họ không gặp phải một phản ứng quyền lực cứng đủ mạnh, họ sẽ chứng minh rằng, có chứ, có một cái điều như là một giải pháp quân sự.

Những nước sử dụng sức mạnh ngày càng tăng trong các phần khác của thế giới và những nước, giống như nước Nga độc tài của Vladimir Putin và Nhà nước Hồi giáo cuồng tín của Abu Bakr al-Baghdadi, có những bất bình của riêng mình sẽ nắm chắc bài học này. Trong thập 1930, khi mọi thứ bắt đầu xấu đi thì chúng trở nên tồi tệ rất nhanh. Cuộc xâm lược Mãn Châu của Nhật vào năm 1931 phô lộ cái vỏ rỗng đó là Hội Quốc-Liên - một bài học do Hitler và Mussolini gây ảnh hưởng trong bốn năm sau đó. Sau đó, những thành công quân sự của Đức ở châu Âu khiến Nhật bạo dạn hơn thực hiện bước chuyển ở Đông Á trên giả định không phải không hợp lí rằng Anh và Mĩ đã quá phân tâm và quá căng thẳng để phản ứng. Các cuộc tấn công liên tiếp của những kẻ xâm lược phi tự do, và những thất bại liên tiếp của các cường quốc tự do, do đó đã dẫn đến một loạt các tai ương.

Những ông bà thông thái của thời đại chúng ta khẳng định rằng lịch sử này là không thích đáng. Họ bảo chúng ta, khi họ không báo sự suy sụp không thể đảo ngược của Mĩ, rằng đối thủ của chúng ta quá yếu để đặt ra một mối đe dọa thực sự, ngay cả khi các đối thủ này giành được hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Họ lập luận Nga là một cường quốc đi xuống. Nhưng lúc đó, Nga đã đi xuống trong 400 năm. Có thể nào một cường quốc đang đi xuống mà không gây ra tàn phá? Liệu nó giúp cho chúng ta khi nhìn lại biết rằng Nhật thiếu sự giàu có và sức mạnh để giành chiến thắng trong chiến tranh mà họ khởi sự vào năm 1941?

Chúng ta hãy hi vọng rằng những ai kêu gọi bình tĩnh là đúng, nhưng rất khó để tránh ấn tượng rằng chúng ta đã có năm 1931 của mình rồi. Khi chúng ta tiến sâu hơn vào phiên bản thập niên 1930 của mình, giống như các thế hệ đi trước chúng ta có thể hoàn toàn bị sốc về mức độ nhanh chóng mà các thứ sụp đổ.

Kagan là thành viên cao cấp tại Viện Brookings và là tác giả của nhiều cuốn sách bao gồm "Of Paradise and Power" và gần đây nhất là cuốn "The World America made."

No comments: