ĐƯỜNG CHÍN VẠCH
Geoff A. Dyer
(trích
từ cuốn “The Contest of the Century: The
New Era of Competition with China--and How America Can Win”, Knopf
Doubleday Publishing Group, 2014)
(bản dịch đã được đăng dưới dạng lược bớt trên Tia Sáng ngày 31/3/2014)
Nếu như chính
vụ chìm tàu Cheonan (Thiên An) đã thúc đẩy rất nhiều việc tìm kiếm thần hồn (động
cơ, mục đích – ND) thái độ của Trung Quốc (TQ) ở Đông Bắc Á[i]
thì thời khắc tình hình ở Đông Nam Á tỏ rõ đến từ một nguồn thế tục hơn: Ủy ban
Liên hiệp quốc về Ranh giới Thềm lục địa.
Vào năm
2009, cơ quan Liên Hiệp Quốc còn mù mờ này đề ra hạn chót cho các nước trong
khu vực nộp yêu sách ở biển Đông và vô số các đảo đá, đảo nhỏ, và rạn san hô có
tranh chấp ở đó. Biển Đông có một danh sách dài và phức tạp các bên tranh chấp.
TQ, Đài Loan và Việt Nam yêu sách chủ quyền hầu hết các khu vực và các đảo, còn
Philippines, Brunei, và Malaysia đòi hỏi một phần. Công ước Liên hiệp quốc về Luật
biển cung cấp một khuôn khổ luật pháp quốc tế để phân xử các tranh chấp như vậy,
một thủ tục xử theo án lệ cùng với ngôn ngữ pháp lí chính xác vốn được vạch ra nhằm
hạ nhiệt những lập luận đầy cảm tính. Tuy nhiên, trong trường hợp biển Đông, kết
quả lại hoàn toàn trái ngược. Sau khi Việt Nam và Malaysia nộp hồ sơ chung cho
ban xét duyệt, TQ đã tức giận. Bắc Kinh công bố công hàm trong đó nêu rõ: “TQ
có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo của biển Nam Trung Hoa (biển
Đông) và các vùng biển lân cận”. Kèm với công hàm này, Bắc Kinh đính theo một bản
đồ khu vực trong đó yêu sách của TQ được phân định bởi một đường tạo thành với 9
vạch.
Bản đồ “đường
9 vạch” không mới mẻ: lần đầu tiên được các nhà vẽ bản đồ TQ vẽ ra trong những
năm 1920[ii]
và đã được thông qua như là một bản đồ bán chính thức vào năm 1947 dưới thời Tưởng
Giới Thạch - lãnh đạo của Quốc Dân Đảng, trước khi những người Cộng sản giành
được chính quyền. Nhưng đây là lần đầu tiên nó đã được sử dụng như một phần của
một yêu sách chính thức của TQ tại một diễn đàn quốc tế. Và đối với nhiều người
ở Đông Nam Á, đó là một biểu tượng của một kiểu cao ngạo mới của TQ. Có hình dạng
như một U lớn, "đường 9 vạch" bắt đầu từ bờ biển phía tây nam của TQ,
vòng vèo xuống cạnh bờ biển Việt Nam, uốn éo dọc theo vùng ven biển của
Malaysia và Brunei, rồi vòng trở về TQ đại lục sau khi viền theo bờ biển
Philippines. Trên thực tế, nó đánh dấu gần như toàn bộ diện tích biển Đông, trừ
một dải hẹp cạnh bờ biển các quốc gia khác trong khu vực. TQ nói rằng bản đồ này
phản ánh “quyền lịch sử” của họ có được từ việc họ đã kiểm soát nhiều hòn đảo
khác nhau trong nhiều thế kỉ. TQ đôi khi nói hình chữ U của bản đồ giống như một
"lưỡi bò", một người quen [của tôi] mô tả nó, hơi ít văn hoa hơn, giống
như "hòn dái thòng."
ĐLB 2009 (9 vạch đỏ) và ĐLB 1947 (11 vạch trắng) thể
hiện trên Google Earth (vẽ bằng cách chồng bản đồ) cho thấy sự chênh lệch đáng
kể giữa 2 ĐLB này nhất là ở phía Việt Nam (ảnh và chú thích của ND)
Sách trắng
quốc phòng mới nhất của TQ tuyên bố “Chúng tôi sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền
bá chủ” - một cụm từ theo công thức vốn là một trong những phương châm của chính
sách chính thức của TQ. Nhưng ở nhiều thủ đô châu Á khác, yêu sách về “quyền lịch
sử” như vậy không khỏi nhắc nhở họ về vị trí tùng phục mà họ bị đặt để trong những
thời đại trước đây trước sức mạnh TQ, cho nên bề rộng đáng kinh ngạc của [yêu
sách trong] bản đồ TQ bị những nơi này cảm nhận như một nổ lực giành quyền bá
chủ. “Chúng tôi có lẽ không phải bị quá bất ngờ,” một nhà ngoại giao Thái tâm sự
về việc TQ đưa ra của bản đồ “đường 9 vạch.” “Nhưng thấy tận mắt rằng họ thực sự
yêu sách hầu như tất cả - thì thật là khá choáng váng.”
Di sản của
500 năm khống chế của hải quân phương Tây ở châu Á là những cái tên dùng phổ biến
cho nhiều thể địa lí ở biển Đông – nào là đá Mischief (đá Vành Khăn), bãi ngầm
Macclesfield, đảo Woody (đảo Phú Lâm), và bãi cạn Scarborough. Khoảng trên dưới
60 đảo/ đá ở biển Đông được chia thành hai nhóm: quần đảo Hoàng Sa ở phần phía
bắc và các quần đảo Trường Sa xa hơn về phía nam. Trong nhiều thập niên, các
tranh chấp xem nước nào sở hữu các thể địa lí là chỉ như vở diễn bên lề ít được
biết đến, ngay cả khi TQ và Nam Việt Nam đã có đánh nhau giành một số hòn đảo
vào năm 1974, khi TQ nắm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, và đánh nhau lần nữa
vào năm 1988. Nhưng trong 5 năm vừa qua, các tranh chấp đó đã nhanh chóng trở
thành một cơn bão thật sự của địa chính trị hiện đại. Biển Đông đã trở thành
nơi mà mối quan ngại của Mĩ và của Đông Nam Á về việc gia tăng quân sự của TQ
đã bắt đầu có điểm chung. Đối với Hoa Kì, các yêu sách của TQ đã dấy lên hồi
chuông báo động về mối đe dọa lâu dài cho trật tự trên biển của Mĩ. Còn đối với
các bên tranh chấp châu Á, tranh chấp đó cũng gom cả dầu, cá, và chủ nghĩa dân
tộc mạnh mẽ lại cùng với nhau.
Đối với những
thứ có như vẻ là một vài đốm đất đá không đáng kể, nhưng lợi ích kinh tế đối với
các đảo ở biển Đông đang tranh chấp là rất lớn. Ở TQ, biển Đông đôi khi được gọi
là "Đại Khánh trên biển" – Đại Khánh là mỏ dầu ở phía đông bắc TQ được
phát hiện vào những năm 1950, một phao cứu hộ cho nền kinh tế Maoist trong thời
kì cô lập về kinh tế, đồng thời cũng là chủ đề chính của công tác tuyên truyền
cộng sản về phấn đấu tự cường. Ước tính TQ nêu rằng có thể có không ít hơn 213
tỉ thùng dầu trong biển Đông, không quá ít so với dự trữ của Saudi Arabia. Một
ước tính khác của TQ cho thấy có đủ khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu cho 400
năm theo mức tiêu thụ hiện tại. (Một số ước tính tư nhân ít lạc quan hơn, một
phần do phần lớn dầu là vô cùng khó thu hồi, cho thấy dự trữ gần 2,5 tỉ thùng.)
Nếu tiềm năng cho một sự bùng phát về dầu là chưa đủ thì vùng biển này cũng rất
giàu tôm cá, làm cho chúng ngày càng hấp dẫn đối với các đội tàu cá TQ và Việt
Nam vốn đã thấy nguồn cá trong các khu vực đánh bắt truyền thống của họ gần các
bờ biển sụt giảm do đánh bắt quá mức, đẩy họ càng lúc càng đi xa hơn, vào vùng
biển tranh chấp. TQ là nước tiêu thụ (và xuất khẩu) lớn nhất về hải sản trên thế
giới, và hải sản cung cấp một nửa lượng protein trong chế độ ăn trung bình của
Việt Nam. Đối với cả hai nước, đánh cá là một ngành công nghiệp mà tầm quan trọng
bị đánh giá thấp quá mức.
Khi căng
thẳng leo thang trong những năm gần đây, TQ đã khăng khăng cho rằng lỗi chủ yếu
là do các nước khác, còn họ thì có rất nhiều bằng chứng hậu thuẫn cho yêu sách
này. Bắc Kinh đã nổi giận việc Malaysia và Việt Nam nộp báo cáo chung cho ban
xét duyệt của Liên Hợp Quốc, mà TQ xem như là bằng chứng về việc các nước khác kết
bè chống lại họ. Các quan chức TQ phàn nàn lớn tiếng rằng TQ là nước duy nhất chưa
khai thác nguồn tài nguyên dầu ở biển Đông. Một quan chức TQ nói với tôi "Đã
có 700 giếng dầu [đang khai thác] trong khu vực mà chúng tôi tin là của chúng tôi.
Thế mà họ lại cáo buộc chúng tôi là quyết đoán.” Họ trỏ vào sự tăng cường cơ sở
hạ tầng trên các thể địa lí do các nước khác kiểm soát, đặc biệt là Việt Nam ở
quần đảo Trường Sa, VN đã kiểm soát 29 thể địa lí ở đó. Bắc Kinh cũng quả quyết
rằng nỗ lực của chính Washington can dự vào tranh chấp đã khiến Việt Nam và
Philippines dựa thế có một lập trường đối đầu hơn đối với TQ. Nhiều người ở TQ
tin rằng Mĩ đang âm mưu chống lại họ ở biển Đông. Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai),
thứ trưởng ngoại giao trở thành đại sứ Mĩ năm 2013 nói “TQ không phải nước gây
ra những lộn xộn này và còn lâu mới là kẻ gây hại. Đúng hơn TQ là nạn nhân chịu
nhiều tổn hại."
Các bên
tranh chấp khác lại đưa ra một câu chuyện khác. Họ mô tả sự gia tăng dần dần nhưng
kiên quyết về sự hiện diện của hải quân TQ trong khu vực trong thập niên qua,
cũng như sự tăng lên cố ý các căn cứ quân sự trên một số hòn đảo mà TQ kiểm
soát như là một phần của một quá trình gặm nhấm trong khẳng định chủ quyền. Các
ảnh vệ tinh về đảo Phú Lâm (tiếng Trung làYongxing - Vĩnh Hưng) trong quần đảo
Hoàng Sa cho thấy điều này. Đảo nhỏ này cách căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam khoảng
200 hải lí về phía nam. Đảo này không có dân bản địa hoặc nguồn cung cấp nước tự
nhiên, nhưng trong vài năm gần đây nó đã trở thành một thành trì quân sự kiên cố.
Một cảng lớn đã được xây dựng trên một khu vực được nạo vét. Đồng thời, đất đai
đã được mở rộng để xây dựng một đường băng cho máy bay quân sự: các ảnh vệ tinh
cho thấy một dải đất hẹp gần gấp đôi chiều dài của đảo. Một dải đất hẹp khác chính
là một con đường dài cả dặm nối đảo này với một đảo nhỏ, mà bây giờ được sử dụng
như một trung tâm giám sát đối với hoạt động hải quân trong khu vực. Năm 2012,
Bắc Kinh tuyên bố thị trấn chính của hòn đảo, họ gọi là Tam Sa, là một đô thị chính
thức. Có một tòa nhà chính quyền địa phương, với những bức tường sơn trắng, những
cây cột cao kiểu tân cổ điển, và một mái vòm lớn, trông giống như một phiên bản
nhỏ của Tòa nhà quốc hội Mĩ. Vào ngày được tuyên bố thành đô thị, một quan chức
nông nghiệp địa phương tên Tiêu Tiệp (Xiao Jie/肖捷) được phái đến trên một chuyến tàu
chạy 20 giờ để giữ nhiệm vụ thị trưởng. Ông ta nói về công việc mới của mình"Ở
đây không có đất trồng trọt. Mục tiêu chính là để bảo vệ chủ quyền trên biển của
đất nước chúng tôi."
Ảnh vệ tinh đảo Phú Lâm cho thấy đường băng và
đường nối liền đảo Phú Lâm với đảo Đá (mà TQ xây dựng trái phép - ảnh và chú thích của ND))
Các chính
phủ Đông Nam Á tố cáo Bắc Kinh áp dụng một chiến lược “vừa đàm vừa lấy.” Nếu cho
cơ hội, Việt Nam và Philippines có thể kê ra hàng danh sách dài các hành vi của
TQ mà họ cho là bắt nạt. Việt Nam chỉ ra rằng hai trong số 9 vạch trên bản đồ tai
tiếng này củaTQ là nằm trong khu vực mà theo luật pháp quốc tế được coi là vùng
đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khu vực hai trăm hải lí ngoài bờ biển của một
quốc gia được công nhận bởi luật pháp quốc tế. Năm 2007, Bắc Kinh áp lực Exxon
Mobil và một số công ti dầu khí nước ngoài khác phải từ bỏ các hoạt động khoan thăm
dò ngoài khơi bờ biển Việt Nam- một sự kiện mà một số người tính như là điểm bắt
đầu của giai đoạn hiện nay căng thẳng. Năm 2011, tàu chính phủ TQ cắt cáp của
hai tàu đang tiến hành khảo sát về dầu khí cho PetroVietnam. Hai tháng trước
đó, một tàu Philippines đang làm nghiên cứu địa chấn trong khu vực tranh chấp
đã bị hai tàu chính phủ TQ buộc phải rời đi. Hàng năm, chính quyền TQ thực thi
lệnh cấm đánh bắt cá ở nhiều vùng của biển Đông, mà họ nói là để bảo vệ nguồn
cá, nhưng quyết định này không có các chính phủ khác tham dự vào. Thế là mỗi
năm, họ bắt giữ hàng chục ngư dân vi phạm lệnh cấm.
Khó có thể
không nghĩ rằng hoạt động này như là một kế hoạch dài hạn có tính toán để từng
bước khẳng định quyền kiểm soát khu vực. Tuy nhiên, giống như nhiều sự cố trong
đó sức mạnh to lớn bên trong của TQ đã bắt đầu được tung ra, cũng có một khía cạnh
khác đối với sự quyết đoán mới của TQ ở biển Đông, một áp lực ngấm ngầm từ bên
dưới đòi phải làm mạnh tay hơn nữa. Cách TQ tiếp cận biển Đông là một trong những
ví dụ rõ ràng nhất cho thấy các nhóm lợi ích cạnh tranh nhau đang ảnh hưởng nhiều
phần trong chính sách ngoại giao thế nào– sự rạn nứt quyền lực mà các cơ quan TQ
đã và đang chứng kiến. Một loạt các bộ máy quan liêu khác nhau của chính phủ có
trách nhiệm chồng chéo đối với các thành phần hiện diện của chính phủ ở biển Đông,
và đôi khi họ tranh nhau để làm cho sự hiện diện của họ được cảm nhận. Người TQ
nhận thức rõ điều này qua việcgán tên các nhóm khác nhau này là “9 con rồng” , dựa
trên truyền thuyết cổ xưa của một vị vua rồng mà 9 người con có thể được nhìn
thấy trong vô số bức tranh tường “đang khuấy động biển cả.”
Một trong
số các áp lực đó đến từ chính quyền địa phương. Chính quyền đảo Hải Nam, chỗ có
căn cứ hải quân mới, có trách nhiệm quản lí hành chính đối với quần đảo Trường
Sa và Hoàng Sa, và trong hai thập niên qua đã cố gắng tổ chức du lịch loại cao
cấp trên các hòn đảo này như một phần của kế hoạch phát triển riêng. Trong những
năm gần đây, họ đã bào mòn sự phản đối của chính quyền trung ương về sáng kiến
này. Cơ quan du lịch trên đảo Hải Nam chào mời khách hàng với các chuyến đi bơi
lặn xa hoa ở quần đảo Hoàng Sa, và bây giờ có một cuộc đua thuyền giữa Hải Nam
và quần đảo Hoàng Sa. Các công ti dầu lớn, vốn nằm trong số những bộ phận có thế
lực và liên kết chặt chẽ nhất của ngành công nghiệp nhà nước, cũng đã vận động cật
lực chính phủ đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền trong khu vực quyết đoán hơn.
Trong năm 2012, CNOOC, một trong ba công ti dầu khí lớn, mời các nhóm dầu khí
nước ngoài cùng khai thác 9 lô trong khu vực tranh chấp – nhiều lô trong số đó nằm
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngay
trong số các cơ quan chính phủ TQ thực thi pháp luật trong khu vực cũng có những
lợi ích cạnh tranh nhau. Cục Ngư chính có trách nhiệm lập chính sách đánh bắt
cá trong vùng biển của TQ, nhưng Hải giám TQ cũng tiến hành các hoạt động thực
thi pháp luật trong khu vực. Giống như bất kì bộ máy quan liêu giỏi giang nào,
cả hai đều muốn chứng tỏ mình xứng đáng để được cấp thêm ngân sách vốn đã tăng nhanh
trong những năm gần đây. Họ thậm chí có một cụm từ để biện minh cho vai trò đôi
khi mơ hồ và chồng chéo của họ: “Cứ chợp lấy thứ gì có thể chợp trên biển, còn chuyện
phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan tính sau.” Bộ Nông nghiệp, phụ trách Cục
Ngư chính, áp dụng một hệ thống khen thưởng cho các cá nhân đã “cứng rắn và
dũng cảm trong việc bảo vệ chủ quyền của TQ” Các quan chức được thưởng vì đã đuổi
được nhiều tàu thuyền nước ngoài khỏi vùng biển mà TQ tuyên bố là của mình. Với
hàng chục tàu vũ trang và máy bay trong tay, các cơ quan này cũng đã giữ vai
trò đẩy ranh giới của tuyên bố chủ quyền của TQ ra xa thêm. Trong khi việc phái
hải quân có thể được xem như một động thái khiêu khích cao độ, các tàu thực thi
pháp luật có thể góp phần vào việc khẳng định yêu sách của TQ theo một cách ít
đối đầu hơn.
Có hai yếu
tố khác đằng sau cảm giác lo ngại sâu sắc ở Đông Nam Á. Không phải chỉ mức độ
yêu sách [quá đáng] của TQ đã làm lo lắng khu vực mà còn là sự không rõ ràng của
nó. Không ai biết mình đang đối phó với điều gì. Mặc dù bản đồ “đường 9 vạch”
đã được lưu hành trong vài thập niên nhưng TQ chưa bao giờ thực sự xác định [rõ]
lãnh thổ của họ trên bản đồ này. Có khi, các quan chức Bộ Ngoại giao đã cố gắng
trấn an bằng cách chỉ ra rằng TQ chỉ yêu sách các đảo và các thể địa lí bên
trong đường đó thôi. Một yêu sách như vậy vẫn sẽ dính dáng hàng loạt tranh chấp
khó giải quyết nhưng ít quá quắt hơn nhiều so với yêu sách toàn bộ khu vực trên
bản đồ. Tuy nhiên, vào những lúc khác, các quan chức và các nhà phân tích TQ lại
chỉ ra rằng “danh nghĩa/quyền sở hữu” lịch sử của họ đối với biển Đông đem lại
cho họ độc quyền tất cả mọi thứ bên trong đường này. Những người khác lại còn cho
rằng khu vực này là một phần của "vùng biển chủ quyền" của TQ. Bành
Quang Khiêm (Peng Guangqian), một thiếu tướng diều hâu của PLA, đã mô tả vùng
biển bên trong “đường 9 vạch” như là “ ‘đất xanh’…của TQ” và là một khu vực do TQ
“sở hữu.” Nỗ lực của CNOOC rao bán các hợp đồng chuyển nhượng dầu trong vùng biển
tranh chấp và việc áp đặt lệnh cấm đánh cá của TQ cho thấy một lập trường chính
thức rất khác với lập trường do Bộ Ngoại giao vạch ra. Sự mập mờ như vậy có thể
nói lên nhiều điều. Nó có thể cho thấy có sự linh hoạt trong lập trường của TQ,
có thể đã được khai thác trong các cuộc đàm phán. Nhưng nó cũng có thể có nghĩa
là TQ đang cố thử theo cả hai cách, các nhà ngoại giao của họ bám chặt vào một yêu
sách hẹp hơn trong khi hành vi thực tế của họ lại theo một phiên bản phình to hơn
nhiều.
Ngoài ra
còn có vấn đề về kích cỡ. Trong đối phó với TQ, các nước khác có ít cảm giác được
bình đẳng chủ quyền nhưng lại có nhiều cảm giác như đang bị nằm kẹt bên cạnh một
con voi lớn có thể bị nó đè bẹp. Sự khác biệt quá mức về kích cỡ đó làm cho các
động thái của TQ có vẻ đe dọa hơn nhiều đối với các nước láng giềng hơn là Bắc
Kinh nhận thấy. Các bên tranh chấp Đông Nam Á muốn có một cuộc thảo luận đa
phương về các yêu sách khác nhau, tin rằng chỉ điều này mới cho phép họ nói
chuyện bình đẳng được. Sợ các nước khác sẽ kết bè chống họ, TQ đòi hỏi rằng mỗi
nước phải thương thảo với họ trên cơ sở một-đối-một. Đối với các nước nhỏ, việc
Bắc Kinh kiên quyết đòi đàm phán song phương thấy giống như một hình thức bắt nạt.
Một chính trị gia cấp cao của một quốc gia Đông Nam Á nói "Thái độ của TQ là,
‘yêu sách cuối cùng của chúng tôi đích xác là gì chẳng quan trọng, nếu chúng
tôi nói đó là của chúng tôi thì điều có có nghĩa rằng đó là của chúng tôi thế
thôi’.”
Để công
bằng với người TQ, phản ứng dữ dội trong khu vực chống lại hành vi của họ ở biển
Đông dường như đã được nhận một cú hích nhẹ từ một sự thêu dệt khéo léo nào đó
của Mĩ. Nếu có một lãnh vực mà Washington vẫn giữ một lợi thế quyết định đối với
Bắc Kinh thì đó là trong nghệ thuật ma quỷ về kiểu họp báo hậu trường
(background media briefing). Hồi tháng 3 năm 2009, Jeff Bader, giám đốc khu vực
châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia, và James Steinberg, thứ trưởng ngoại giao,
đến Bắc Kinh dự một loạt các cuộc họp với các đối tác TQ. Biển Đông là một
trong những chủ đề đậm nét trong các cuộc họp này. Một vài tuần sau đó, tờ New
York Times đăng một bài viết nói rằng TQ bây giờ gọi biển Đông là “lợi ích cốt
lõi.”
Trong
ngoại giao, cụm từ nhỏ có thể mang sức mạnh to lớn. Trong ngôn ngữ ngoại giao TQ,
hai từ này là vô cùng quan trọng. Hai "lợi ích cốt lõi" khác là Đài
Loan và Tây Tạng, những vấn đề mà đảng CSTQ sẽ dời cả núi để giành lấy. Mô tả biển
Đông bằng từ ngữ này quả thực sẽ thể hiện cho một sự leo thang đáng kể, một dấu
hiệu cho thấy TQ đã hoàn toàn không dành chỗ cho thỏa hiệp hoặc đàm phán. Các
quan chức TQ trên thực tế đã thể hiện một tâm thế không khoan nhượng trong các
cuộc họp, đưa ra nhiều thuyết lí về quyền của họ ở biển Đông. Tuy nhiên, Bader
và Steinberg vẫn quả quyết rằng công thức “lợi ích cốt lõi” dễ gây nổ đó thực sự
chưa từng được sử dụng trong các cuộc họp, mặc dù điều này cũng đang bị tranh cãi
bởi cả các phụ tá của Đới Bỉnh Quốc lẫn một số người trong phái đoàn Mĩ. (“Có lẽ
bà Hillary đã làm tươi trẻ lại bộ nhớ,” như một trong những quan chức Mĩ gay gắt
nói). Tuy nhiên, dù nguồn gốc của cụm từ này thế nào, TQ đã bị gặp khó. chính
phủ TQ không thể xác nhận tuyên bố đó mà không gây phẫn nộ ở Đông Nam Á. Nhưng họ
cũng không thể chính thức phủ nhận chuyện này, vì sợ rằng sẽ bị phe dân tộc chủ
nghĩa trong nước buộc tội là yếu kém. Thay vào đó, Bắc Kinh phải chịu đựng
trong im lặng.
Nếu câu
chuyện “lợi ích cốt lõi” là do thêu dệt, đó là loại cường điệu mà quanh khắp khu
vực đều tin ngay tức thì, bởi vì nó có vẻ phù hợp với các thực tế xử sự của TQ.
Biện thuyết của Washington từ năm 2010 đã đôi khi dựa vào khẩu hiệu vụng về
theo dòng chữ “Mĩ trở lại”châu Á, nhưng câu chuyện thực sự lại là cánh cửa mở sẵn
chờ Washington bước vào trong một khu vực mà lo lắng về TQ đang tăng cao. Ở
Philippines, chẳng hạn, đã có sự phấn khởi rộng khắp khi Hải quân Hoa Kì bị buộc
phải rời khỏi căn cứ tại Subic Bay vào năm 1992, và các nhà lãnh đạo như Gloria
Arroyo hoan nghênh TQ như là một “người anh cả”. Nhưng bây giờ tàu chiến Mĩ
đang trở lại với tần số cao chưa từng có, và tổng thống mới của nước này,
Benito Aquino, đã tuyên bố vào năm 2012: "Chúng ta cần phải có một lập trường
thống nhất chống lại các hành động hung hăng mới đây của TQ."
Về cốt
lõi, TQ đã bắt đầu gánh chịu hậu quả từ mâu thuẫn cơ bản của chiến lược của họ.
Trong giai đoạn tốt nhất của hai thập niên qua, Bắc Kinh đã theo đuổi hai mục
tiêu riêng biệt. Họ có một chiến lược quân sự cố từng bước đẩy lùi Mĩ về phía
Thái Bình Dương và thực hiện việc kiểm soát tốt hơn các vùng biển gần. Đồng thời,
họ có một nhiệm vụ ngoại giao bức bách là ngăn chặn các nước láng giềng hình
thành một liên minh cản trở họ. Tuy nhiên, vở lẽ ra là hai mục tiêu này lại chỏi
nhau. Càng cố đẩy lùi Mĩ và củng cố yêu sách lãnh thổ mạnh mẽ bao nhiêu thì họ càng
khiến khu vực dang tay đón lấy Washington nhiều thêm bấy nhiêu. TQ đã phải chịu
hết thất bại chiến lược này tới thất bại chiến lược khác. Rốt cuộc họ đã làm vững
thêm các liên minh nền tảng của Mĩ ở Đông Bắc Á. Đồng thời, hành vi của TQ
trong biển Đông đã cho phép Mĩ trở nên dính líu nhiều hơn nữa với các nước Đông
Nam Á. Như Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong), một học giả TQ và là người hâm mộ
Bismarck, buồn bã nói: "Chúng tôi thu đạt được những điều trái ngược với
những gì chúng tôi đã trông đợi."
Kinh
nghiệm riêng của nước Mĩ trong thế kỉ XIX cho thấy mức độ mà chiến lược của TQ
đã lầm lẫn. Suốt gần hai thế kỉ, Mĩ đã công bố một hình thức sở hữu khu vực và
đã làm mọi cách để các cường quốc khác không tạo được ảnh hưởng quyết định ở
Tây Bán Cầu. “Tại sao chúng tôi không nên có học thuyết Monroe của chính mình?”
Một nhà ngoại giao TQ có lần lặng lẽ nêu ra. Ông ta nhanh chóng tự rà soát, bởi
vì TQ phủ nhận họ có bất kì ý định nào như vậy, nhưng không khó khăn để hiểu được
cảm giác thất vọng đằng sau câu hỏi đó. Theo một số người TQ, Hoa Kì áp dụng một
tiêu chuẩn kép qua việc tìm mọi cách để ngăn chặn TQ có được cùng loại ảnh hưởng
mà họ đang hưởng ở sân sau của mình. So sánh thái độ của TQ hướng về các vùng
biển gần với Học thuyết Monroe thường được coi có là phần thuyết phục. Nhưng khi
yêu sách của TQ trở nên cứng rắn lên thì sự so sánh đã bắt đầu có vẻ hợp lí hơn.
“Đường 9 vạch” và yêu sách “quyền lịch sử” là gì nếu không phải là một sự khẳng
định theo một nghĩa nào đó về quyền sở hữu và quyền được thống trị khu vực? Tuy
nhiên, một lịch sử rất khác nằm sau Học thuyết Monroe đã làm rõ sự xa cách cốt
lõi giữa cách TQ tự nhìn thấy mình và cách phần lớn châu Á nghiệm thấy TQ. Sức
mạnh hải quân Mĩ từ những năm 1890 chắc chắn là một yếu tố cho phép Washington
mở rộng quyền lực của mình, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất. Cũng có
cùng tầm quan trọng là sự tiếp nhận rộng rãi mà Hoa Kì đã nhận được từ phần lớn
châu Mĩ La tinh vào thời điểm đó. Học thuyết Monroe không áp đặt trên một bán cầu
không sẵn lòng đón nhận: tại phần lớn nước trong khu vực, nó đã được hoan
nghênh.
Khi
Brazil chủ trì Hội nghị Pan-American thứ ba vào năm 1906, nhân vật nổi bật là
Elihu Root, Ngoại trưởng thời Tổng thống Teddy Roosevelt, đã đi khắp khu vực để giải thích ý nghĩa của
học thuyết Monroe. Root đã được tiếp đón nồng nhiệt, bởi vì nhiều chính phủ Nam
Mĩ thấy học thuyết Monroe không phải là sự áp đặt của quyền lực Mĩ mà là một bảo
đảm cho nền độc lập của họ khỏi ách thống trị của thực dân châu Âu. Sự tin cậy vào
Washington lên cao đến nỗi người Brazil đổi tên toà nhà làm nơi tổ chức hội nghị
thành Palacio Monroe (điện Monroe)- một cái tên họ giữ lại khi nó đã trở thành trụ
sở Thượng viện. Joaquim Nabuco, một trong những người Brazil có ảnh hưởng nhất thời
đại do vai trò của ông trong việc xoá bỏ chế độ nô lệ, rất vui khi công khai
tuyên bố mình là "Monroista” (người theo thuyết Monroe). “Đối với tôi, học
thuyết Monroe có nghĩa là chúng ta tách mình ra khỏi châu Âu hoàn toàn và dứt
khoát như trái đất với mặt trăng vậy” ông nói. Tất nhiên, trong những thập niên
sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi đó Mĩ đã góp tay lật đổ chính phủ dân bầu
ở Guatemala trong thập niên 1950, ở Brazil trong thập niên 1960, và ở Chile
trong thập niên 1970, cái nhìn của khu vực về tính ưu việt của Mĩ thay đổi đột
biến. Chủ nghĩa chống Mĩ nhanh chóng trở thành một phần trong DNA chính trị Mĩ
Latin. Kể từ đó, nhiều chính phủ đã cố gắng đẩy lùi Washington theo đúng cùng một
cách mà người châu Á đang làm với TQ hiện nay. Tuy nhiên sự kiện tòa nhà Thượng
viện Brazil được đặt theo tên Monroe làm nổi bật cách mà khu vực này hiểu học
thuyết của ông vào thời điểm đó.
[i] Theo một uỷ ban
điều tra gồm 7 nước Hàn, Anh, Mĩ, Anh, Canada, Australia và Thuỵ Điển thì tàu
Cheon của Hàn Quốc bị chìm ở Hoàng Hải làm thiệt mạng 46 lính thuỷ ngày
16/3/2010 là do bị trúng ngư lôi (có khả năng phóng từ tàu ngầm Bắc Triều
Tiên), tuy nhiên TQ [và Nga] không đồng ý, thậm chí còn cho rằng tàu bị trúng
mìn do Mĩ thả xuống khi tập trận trước đó…
[ii] Theo Peter
Kien-Hong Yu trong The Chinese U-shaped line in the South China
Sea: points, lines, and zones, Institute of Southeast Asian
Studies (ISEAS), 2003,
ĐLB được một nhà bản đồ vẽ lần đầu vào năm 1914 sau khi Nhật chiếm và trà lại đảo
Pratas (TQ gọi là Đông Sa), và đó là một đường liền nét với điểm tận cùng phía
Nam khoảng 15°, 16° (tức là chỉ tới khoảng Hoàng Sa) và cũng không bọc đảo Đài
Loan (lúc đó Đài Loan còn thuộc Nhật), sau năm 1933 khi Pháp tuyên bố chiếm
đóng một số đảo ở Trường Sa thì mới có một vài bản đồ tư nhân nới ĐLB xuống khoảng vĩ tuyền 9° hoặc 7° để bao luôn các đảo này (xem Zou Keyuan trong South China Sea Studies in China: Achievements, Constraints and
Prospects, Singapore Year Book of
International Law and Contributors, 2006)
No comments:
Post a Comment