Wednesday, April 30, 2014

Trung Quốc từng chẳng biết quần đảo Trường Sa ở đâu

Trung Quốc từng chẳng biết quần đảo Trường Sa ở đâu

John Nery


Năm 1933, người Pháp phô trương sức mạnh thuộc địa của họ và sáp nhập 9 đảo thuộc quần đảo Trường Sa[1]. Khi tin tức lan đi, nước Trung Hoa Dân Quốc còn non trẻ và bất ổn phải đối mặt với một vấn đề cơ bản: Họ chẳng biết quần đảo Trường Sa ở đâu.

Một năm trước đó, người Pháp đã đưa ra yêu sách đối với quần đảo Hoàng Sa như là một phần của thuộc địa của họ ở Việt Nam. Yêu sách thứ hai của Pháp đối với một phần của quần đảo Trường Sa làm Trung Quốc rối bời. Như học giả Francois-Xavier Bonnet của IRASEC, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, lưu ý:

"Hai yêu sách chủ quyền của chính phủ Pháp... không những làm công chúng và các phương tiện truyền thông Trung Quốc mà cả các cơ quan chính thức như quân đội và các chính trị gia ở tỉnh Quảng Đông và Bắc Kinh đều rối trí. Thật ra, người Trung Quốc tin rằng quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa hoặc Tây Sa là cùng đúng một nhóm, nhưng người Pháp chỉ vừa đổi tên như một thủ thuật để làm chính phủ Trung Quốc nhầm lẫn. Để xác định vị trí của quần đảo Trường Sa, ông Kwong, Lãnh sự Trung Quốc tại Manila, đã tới Cơ quan Khảo sát biển và trắc địa Mĩ ngày 26/07/1933 và ngạc nhiên phát hiện ra rằng quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là khác nhau và cách xa nhau."

Tôi được Bill Hayton, phóng viên của BBC, chỉ cho bài viết được nhiều người đọc của Bonnet, "Địa chính trị của bãi cạn Scarborough" (một bài viết ở thứ bậc có 100 000 lượt tải về với phiên bản PDF kể từ khi nó được đăng lần đầu hồi tháng 11 năm 2012). Tôi thấy rằng bài giảng dựa trên bản đồ của ông về nguồn gốc của các yêu sách đối với biển Đông của Trung Quốc hôm thứ Sáu tuần trước tại Đại học Philippines là rất kích thích suy nghĩ. Khi tôi hỏi Hayton khai triển thêm quan điểm của ông rằng vào năm 1933 chính phủ Trung Quốc thậm chí còn không biết quần đảo Trường Sa ở đâu, ông giới thiệu tôi tới Bonnet cũng ngồi trong số người tham dự (ngay bên cạnh Chuyên viên cao cấp Tư pháp Antonio Carpio).

Bonnet và Hayton đã cho tôi một số bản sách và các đường dẫn (link) đến tài liệu chủ chốt (quyển "Biển Đông : khu vực nguy hiểm" của Hayton mà Đại học Yale sẽ xuất bản vào cuối năm nay; tên sách là một cách chơi chữ bằng tên khác của quần đảo Trường Sa.) Chắc chắc, họ làm cho việc đọc hấp dẫn, phần lớn thông tin đều có sẵn trực tuyến. Thậm chí điều trớ trêu thú vị về việc một lãnh sự Trung Quốc tham khảo ý kiến văn phòng của chính quyền thuộc địa Hoa Kì ở Manila để xác định vị trí của quần đảo Trường Sa đã được đàm tiếu trong giới học thuật và trên mạng Internet ít nhất một thập kỉ.

Năm 2004, Bonnet viết bài "The Spratlys: A Past Revisited (Trường Sa: Một quá khứ xem xét lại)" cho World Bulletin, một ấn phẩm của Viện nghiên cứu pháp lí quốc tế của UP. Bài này có một phần về " sự nhầm lẫn Trung Quốc" về vị trí của 9 hòn đảo bị sáp nhập trong quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, giai đoạn cụ thể này trong lịch sử vẫn còn ít được biết đến. Một số đoạn từ bài viết năm 2012 của Bonnet có lẽ đáng được nêu lại ở đây.

Thứ nhất, chú thích sau đây. "Ngày 01/08/1933 Lãnh sự gửi báo cáo cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết:" Các đảo [trong quần đảo Trường Sa mà người Pháp sáp nhập] được gọi chung là Tizard Bank[2] và nằm cách Hải Nam 530 dặm, cách Hoàng Sa 350 dặm và cách Palawan 200 dậm... Các báo cáo cho rằng 9 hòn đảo này là một phần của quần đảo Tây Sa [ Hoàng Sa ] là không chính xác."[3]

Thứ hai, trích dẫn sau đây từ một lá thư của Wang Gong Da, Giám đốc Peiping News (Tin tức Bắc Bình), gửi Bộ trường ngoại giao (foreign affairs secretary): "Đừng gây ra một sai lầm ngoại giao; các đảo này không thuộc quần đảo Tây Sa. Đảo Tri Tôn [thuộc Tây Sa] là phần cực nam của lãnh thổ của chúng ta [điều này được viết trước khi Trung Quốc có nỗi ám ảnh vô lí với bãi ngầm James[4]]. Phía nam đảo Tri Tôn, không có dính dáng tới lãnh thổ Trung Quốc. Những kẻ được gọi là chuyên gia, nhà địa lí, đại diện Hải quân, vv … của chúng ta làm điều hổ thẹn cho đất nước."

Vị trí các đảo thuộc Trường Sa Pháp tuyên bố chủ quyền năm 1933 so với đảo Tri Tôn (đa giác chứa đảo Tri Tôn là đường cơ sở Hoàng Sa theo TQ, đa giác lớn là khu vực Trường Sa mà Philippines yêu sách) 

Và thứ ba, đoạn sau trích từ một báo cáo bí mật của Hội đồng quân sự, ghi ngày 01/09/1933 : "Tóm lại, chúng ta chỉ có một mẫu chứng cứ, các ngư dân của chúng ta từ đảo Hải Nam [có mặt trong một số chỗ thuộc quần đảo Trường Sa], và chúng ta chưa bao giờ làm bất cứ điều gì trên các đảo này. Chúng ta cần phải hạ nhiệt trận đấu với người Pháp, nhưng cứ để cho ngư dân của chúng ta tiếp tục hoạt động để bảo vệ quyền đánh cá của chúng ta. Hải quân của chúng ta yếu và 9 đảo này không có ích cho chúng ta bây giờ... "

Tôi đã cố gắng tìm kiếm thêm thông tin về vụ sáp nhập năm 1933 và phản ứng của Trung Quốc. Có một bài báo (trong tất cả mọi chỗ) trên tờ Salt Lake Tribune, làm nổi bật những gì chắc chắn là thực tế địa chính trị của những năm 1930. Được ghi là từ Manila, báo cáo bắt đầu : "Cuộc chiếm đóng bằng tàu thuyền do Pháp phái tới 9 đảo cách Philippines 200 dặm về phía tây [báo cáo nêu đúng về sự kiện này] trong biển Đông là tín hiệu của một cuộc chạy đua giữa hai toà lãnh sự Nhật Bản và Trung Quốc ở đây để có được thông tin xác thực về nhóm đảo này."

Có một bản ghi nhớ nội bộ của Bộ Ngoại giao Mĩ, trong đó lưu ý rằng "Một báo cáo chính thức đề ngày 28/07/1933 từ Manila nêu rằng lãnh sự Trung Quốc Kwong được chính phủ ông chỉ thị điều tra việc người Pháp chiếm đóng quần đảo này và báo cáo lại vì chính phủ Trung Quốc có ý định phản đối sự chiếm đóng của Pháp. Lãnh sự Trung Quốc đã gửi một báo cáo sơ bộ."

Và K. L. Kwong là ai? Chúng tôi biết, theo sách Who’s Who in China 1934 (Ai là ai ở Trung Quốc) thì ông ta là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng đại diện Trung Quốc tại Hội Quốc Liên[5] ở Geneva, và đã giữ chức Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Philippines từ tháng 11 năm 1930 đến ngày 19 /06/1934; nhiệm sở tiếp theo của ông là San Francisco.

(Một phiên bản không có chú thích của người dịch đã đăng trên Dân Luận ngày 30/04/2014)


Chú thích của người dịch:


[1] Bộ NG Pháp tuyên bố chiếm đóng các đảo Trường Sa, An Bang, Song Tử, Loại Ta, Ba Bình, Thị Tứ cũng như các đảo nhỏ, rạn đá, bãi ngầm, bãi cạn phụ thuộc ngày 26/07/1933, còn việc chiếm đóng xảy ra trong tháng 4/1933 do các tàu Malicieuse, Alerte, Astrobale và de Lanessan thực hiện (Pháp chỉ nêu ra cụ thể 6 tên, trong đó có tên là cho cụm đảo nên có thể vì vậy mà TQ tính thành 9 đảo). 
[2] TQ gọi là bãi Trịnh Hoà, bãi này chứa cả đảo Ba Bình, Nam Yết…
[3] Theo Thân báo (申報) số ra ngày19/8/1933, sau khi được TQ yêu cầu cung cấp tên và toạ độ các đảo thuộc TS mà Pháp chiếm đóng, Pháp đã gửi công hàm nêu rõ toạ độ các đảo chiếm đóng có kèm theo bản đồ vào ngày 4/8/1933. TQ không có hành động chính thức gì khác sau khi nhận được công hàm này.
[5]Hội Quốc Liên (The league of Nations) là tổ chức quốc tế thành lập sau Chiến tranh thế giới II, có thê coi như là tiền thân của LHQ hiện nay

Wednesday, April 16, 2014

TRUNG QUỐC THEO SÁCH BẢN ĐỒ MĨ NĂM 1820

TRUNG QUỐC THEO SÁCH BẢN ĐỒ MĨ NĂM 1820


LỜI NGƯỜI DỊCH: Hôm 28/3 thủ tướng Đức Angela Merkel có tặng chủ tịch TQ Tập Cận Bình bản đồ Trung Hoa ‘thuần tuý’ (China Proper) của nhà bản đồ Pháp Jean Baptiste d’Anville in năm 1735. Bản đồ này cho thấy phần lãnh thổ thuần tuý của Trung Quốc (với dân cư chủ yếu là người tộc Hán) không bao gồm Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ lẫn Mãn Châu, còn đảo Đài Loan và đảo Hải Nam được vẽ với đường biên khác màu. Nhân dịp này xin giới thiệu bản đồ có tên ‘Trung Quốc và vương quốc triều cống Triều Tiên’ (China and the Tributary Kingdom of Corea) in sau hơn 80 năm cũng cho thấy lãnh thổ Trung quốc ‘thuần tuý’ không khác mấy bản đồ của Anville. Bản đồ này nằm trong tập bản đồ “A Complete Genealogical, Historical, Chronological, And Geographical Atlas”, do M. Carey & Son. J. Yeager, Sc. xuất bản năm, 1820, dựa theo bản in ở London năm 1817 và có sửa chữa và bổ sung. Kèm theo bản đồ này có những ghi chú về địa lí, lịch sử, niên đại… được soạn dựa trên thông tin chính thức của TQ và những hiểu biết của phương Tây lúc đó. Các ghi chú này cho thấy hết sức rõ ràng Trung Quốc ‘thuần tuý’ không bao gồm Mông Cổ, phần lớn Mãn Châu (trong bản đồ ghi là Hoa phiên [Chinese Tartary]),Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan, Hải Nam). TQ thuần tuý cũng phân biệt rạch ròi với Triều Tiên, Việt Nam (miền Bắc Việt Nam trong bản đồ ghi là vương quốc Đông Kinh [kingdom of Tonkin]) và do đó không thể có Hoàng Sa, Trường Sa. Cũng như bản đồ Anville, bản đồ này chỉ là của bên thứ ba (không phải là bản đồ kèm theo hiệp ước của các bên có liên quan) nên không thể dùng làm bằng chứng chính về chủ quyền lãnh thổ trước toà án quốc tế. Tuy nhiên, do tính khách quan của chúng các toà án có thể xem xét như là chứng cứ phụ giúp củng cố cho các chứng cứ chính, nếu có. Trong tinh thần đó, chúng tôi xin lược dịch phần ghi chú kèm theo bản đồ này giới thiệu thêm cho các bạn đọc.

(Một phiên bản của bài dịch này đã đăng trên Tia Sáng ngày 15/4/2014 và DĐXHDS ngày 16/4/2014))

VỊ TRÍ, RANH GIỚI, VÀ KÍCH THƯỚC
Trung Hoa ‘thuần tuý’ (China Proper)[1], nằm giữa vĩ tuyến 20° và 42° Bắc, và giữa kinh tuyến 98° và 123°  Đông[2]  được bao bọc ở phía Bắc bởi các nước Hoa Phiên (Chinese Tartary)[3] - phân cách bằng một bức tường thành to lớn (Vạn lí Trường Thành- ND) dài 500 league (1league ~ 5,556km); ở phía Đông bởi Thái Bình Dương - ngăn cách với Bắc Mĩ; phía Nam bởi (vương quốc) Bắc Kì [4]  và biển [Nam] Trung Hoa (biển Đông); và ở phía Tây bởi vương quốc Tây Tạng và sa mạc Gobi. Trung Hoa có chiều dài là 1 450 dậm, và chiều rộng là 1 240 dậm, toàn bộ chiếm một diện tích 1 298 000 dặm vuông.
 PHÂN BỐ DÂN CƯ, DIỆN TÍCH 

Tỉnh
Thủ phủ
Dân số
Diện tích
(dậm vuông)
1
Bắc Trực Lệ (Hà Bắc)
Bắc Kinh
38 000 000
58 950
2
Thiểm Tây
Tây An
30 000 000
154 008
3
Sơn Tây
Thái Nguyên
27 000 000
55 268
4
Sơn Đông
Tế Nam
24 000 000
65 104
5
Hà Nam
Khai Phong
25 000 000
65 104
6
Giang Nam (Giang Tô)
Nam Kinh
32 000 000
92 961
7
Tứ Xuyên
Thành Đô
27 000 000
166 800
8
Hồ Quảng (Hồ Bắc)
Vũ Hán
27 000 000
144 770
9
Triết Giang
Hàng Châu
21 000 000
39 150
10
Giang Tây
Nam Xương
19 000 000
72 176
11
Vân Nam
Vân Nam
8 000 000
107 969
12
Quý Châu
Quý Dương
9 000 000
64 554
13
Quảng Tây
Nam Ninh
10 000 000
78 250
14
Quảng Đông
Quảng Châu
21 000 000
79 456
15
Phúc Kiến
Phúc Châu
15 000 000
53 480

Tổng cộng

333 000 000
1 298 000
(Tên tỉnh trong ngoặc là tên tinh hiện nay tương ứng với tên thủ phủ)

Bảng kê trên được lấy từ báo cáo của phái bộ ngoại giao dưới quyền Bá tước Macartney[5], do Sir George Staunton biên soạn vào năm 1793, theo yêu cầu của ông, số liệu này được Chow-to-Zhin, một quan Trung Hoa cung cấp, và được lập dưa trên các tài liệu xác thực, lấy từ các công sở ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo số liệu chính thức thu được năm 1761 thì dân số TQ chỉ là 98.214.553 người, nên rất khó tin trong khoảng thời gian 32 năm dân số đã tăng lên gần 135 triệu. Toàn bộ dân số người Hoa thuần tuý và Hoa phiên có lẽ vào khoảng 300 triệu người.


Bản đồ Trung Hoa và vương quốc chư hầu Cao Li (Triều Tiên) của Carey Mathew và Lavoisne M. in tại Mĩ năm 1820 cho thấy lãnh thổ TQ khôn chứa các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Senkaku/Điếu Ngư…


================================

Phần sau đây (không có trong phiên bản đăng trên TS và DĐXHDS) cho chúng ta những hiểu biết hết sức cơ bản và khá thú vị về TQ:

LỊCH SỬ TỰ NHIÊN

Núi – Dáng vẻ nói chung đất nước ở Trung Quốc là ở bằng phẳng, nhưng các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, và Phúc Kiến có nhiều núi, và Triết Giang có núi cao và dốc về phía Tây. Tỉnh Giang Nam có một khu vực toàn các núi cao, và núi cao cũng có  rất nhiều ở các tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây, nhưng hình như không tỉnh nào trong số đó được người châu Âu biết đến.
Sông - hai con sông chính của Trung Quốc là Hoàng HàDương Tử. Sông Hoàng Hà được gọi là như vậy vì nước sông có nguồn ở những ngọn núi vùng Tây Tạng bị bùn cuốn theo đổi thành màu vàng và sau khi chảy về phía Bắc chuyển dòng về hướng Nam, giữa các tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây, sau đó vòng về hướng Tây, ngăn cách tỉnh Sơn Tây với tỉnh Hà Nam, rồi đổ vào biển Hoàng Hải, sau một chặng đường dài 2150 dặm. Dương Tử còn được gọi là Lam Hà, phát xuất gần nguồn của Hoàng Hà, và sau khi chảy về phía Nam, vòng sang Tây Bắc qua thành phố Nam Kinh, rồi đổ vào biển Hoàng Hải cách cửa sông Hoàng Hà 100 dặm miền Nam, chảy suốt 2200 dặm. Hai con sông này được coi là dài nhất thế giới.
Hồ -Trung Quốc có một số hồ nước rộng lớn như hồ Động Đình ở tỉnh Hồ Quảng (Hồ Bắc và Hồ Nam), với chu vi hơn 80 league, và hồ Bà Dương, ở tỉnh Giang Tây, với chu vi 30 league, hoặc, theo một số tác giả, có chiều dài gần 100 league, và cũng giống như biển, có vùng nước  thường xuyên nổi sóng to: một số nơi trong hồ này được cho là làm cá bị tê liệt.
Kênh .-Trung Quốc bị chia xẻ bởi một số lượng lớn các kênh rạch, chiều rộng và chiều dài của chúng là đáng kinh ngạc. Kênh chính được lót bằng đá đẽo, và rất sâu tàu bè lớn có thể đi được, và đôi khi dài trên một ngàn dặm. Các kênh được trang bị với cầu cảng đá, và đôi khi với cầu có cấu trúc tuyệt vời. Những kênh này, và sự đa dạng trên các bờ kênh, làm cho cảnh quan của Trung Quốc rất thú vị, và làm màu mỡ đất ở những nơi bị cằn cỗi tự nhiên. Nổi tiếng nhất là kênh Đại Vận hà (Imperial Canal), kéo dài từ Bắc Kinh tới Quảng Châu, một khoảng cách khoảng 600 dặm, với gián đoạn duy nhất phải đi trên bộ một ngày, tại một ngọn núi giữa hai tỉnh Quảng Đông và Giang Tây.

KHÍ HẬU, ĐẤT VÀ SẢN XUẤT

Khí hậu của Trung Quốc thay đổi tùy theo vùng. Về phía bắc không khí lạnh, miền chính giữa ôn hoà, và miền Nam nóng.
Đất hoặc vốn là hoặc do chăm sóc rất hiệu quả trong bất cứ điều có thể điều tiết những nhu cầu cần thiết, tiện nghi hay xa hoa của cuộc sống. Nông nghiệp, theo lời của tất cả các du khách, đạt được mức độ tối đa của sự hoàn hảo. Nông nghiệp được nhà vua bảo hộ rất mực, trong mọi lễ hội long trọng ông đều đi ra ruộng cùng với hoàng gia, triều thần, và khoảng một trăm nông dân, và sau khi đã tự cày ruộng, gieo lúa, lúa mì, đậu, và hai loại kê. Cây trầm hương của Trung Quốc rất khác với trầm hương thông thường, nó có hình dáng và chiều cao như cây ô liu, bên trong lớp vỏ của nó có 3 loại gỗ khác nhau, loại thứ nhất được gọi là gỗ gụ (englewood), chắc và nặng; loại thứ hai, được gọi là calembouc, nhẹ như gỗ mục; và loại thứ ba, về phía trung tâm, gọi là trầm hương (calemba) có một hương thơm tinh tế, và tạo thành loại mùi tuyệt vời chữa choáng và bại liệt, trên nhánh cây có gai nhọn dùng để làm cho móng tay, phi tiêu, và cái xỏ dây.
Cây trà là cây làm nên một trong các ngành thương mại lớn của Trung Quốc, nó rậm rạp, giống như cây hoa hồng, và những cánh hoa mở rộng giống như cánh hoa hồng. Lá lớn và già ít được ưa chuộng, và được dành cho các tầng lớp thấp, lá non được hái một năm ba lần, lần đầu tiên vào mùa xuân, và hai lần trong mùa hè, lá được đặt trên đĩa bằng đất, hoặc sắt, mảnh hơn rất nhiều hơn so với các nghệ nhân ngoài TQ có thể làm được, đĩa được đặt trên than củi, sấy cho độ ẩm còn lại trong lá rút ra dần, để lá trở nên khô và dòn. Màu sắc và vị chát của trà xanh được cho là bắt nguồn từ giai đoạn đầu mà lá được hái, như trái cây chưa chín, chúng nói chung có màu xanh và có mùi hăng. Cây bông là một trong những điều giàu có lớn lao của Trung Quốc, vì phần lớn người dân được mặc quần áo từ nó tạo ra. Cây tallow (cây mỡ bò) có chiều cao của một cây anh đào phổ biến, lá của nó màu đỏ, hình trái tim, trái của nó có tất cả các đặc tính của mỡ động vật.
Trung Quốc cũng sản xuất tất cả các kim loại và khoáng chất được biết đến trên thế giới. Đồng trắng[6], được gọi là bạch đồng (baitong) là kim loại độc đáo của TQ. Than có rất nhiều ở vùng núi Thiểm Tây, Sơn Tây, và Bắc Trực Lệ. Mỏ đá cũng có rất nhiều ở hầu hết các tỉnh.

 CHÍNH QUYỀN

Nguyên thuỷ chính phủ Trung Quốc là chế độ gia trưởng, gần như theo ý nghĩa chặt chẽ nhất của từ này. Việc kính trọng và phục tùng cha được khuyên phải tuân theo một cách nghiêm ngặt nhất trong từng gia đình, và hoàng đế được xem như là cha chung của toàn thể dân chúng. Từ khi bị người Phiên xâm lược, TQ đã trở thành một chế độ quân chủ tuyệt đối, tuy nhiên không có sự thay đổi về chính trị và phe thắng trận luôn tìm mọi cách để gìn giữ các nguyên tắc cơ bản của chế độ cũ. TQ có 15 tỉnh, mỗi tỉnh tương đương với một vương quốc rộng lớn, được chia thành một số quận huyện, dưới sự quản lí của các quan, dưới quyền của một quan đầu tỉnh gọi là Tổng đốc.
Tại thủ phủ của mỗi tỉnh có hai công đường, một lo việc hộ, một lo việc hình, tất cả phụ thuộc vào sáu bộ thẩm quyền ở Bắc Kinh. Bộ thứ nhất là Bộ Lại, trông coi tất cả các quan lại của đế quốc, và tâu cho Hoàng đế biết mỗi khi có chỗ trống, chỗ trống này có thể được lấp đầy ngay lập tức, bộ thứ hai là Bộ Hộ, coi sóc việc dân sự, bộ thứ ba là Bộ Lễ chăm lo các nghi lễ liên quan đến việc cúng bái, tiếp nhận sứ thần, lễ hội công cộng, bộ thứ tư là Bộ Binh lo việc chiến tranh, bộ thứ năm là Bộ Hình, đó là bộ lo về việc hình của đế chế, nhưng án tử hình phải được Hoàng đế phê chuẩn, bộ thứ sáu là Bộ Công, chủ trì các công trình công cộng, sửa chữa cung điện của Hoàng đế, đền thờ, cổng khải hoàn, đê điều, cầu đường, và trông coi cả hải quân. Các bộ này được phân nhỏ thành nhiều ngành, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào Hội đồng tối cao của Hoàng đế, trong đó bao gồm các quan nhất phẩm, họp dưới sự hiện diện của nhà vua.
Quý tộc ở Trung Quốc không cha truyền con nối, ngoại trừ đối với hoàng gia, do đó tất cả tước hiệu là phước lộc riêng cho tài đức cá nhân.
Các quan lại của nhà nước được phân thành hai loại, quan văn và quan võ. Quan võ được chia thành 9 phẩm (cửu phẩm - 9 bậc), có số lượng được cho là khoảng 150 000. Thượng thư, Thị Lang, các quan lại cao cấp các bộ, tổng đốc, phó tổng đốc các tỉnh, các thành phố lớn… được chọn từ ba bậc đầu tiên. Để tránh tình trạng thiên vị, các quan không được giữ bất kì chức vụ nào ở tình thành quê mình. Tất cả các quan lại được bổ nhiệm trong ba năm, sau đó họ trải qua một kì thi, và bị giáng chức hoặc được thăng chức tuỳ theo mức độ xứng đáng/tài đức (merit) của họ.

TÔN GIÁO

Người TQ xưa tôn thờ một Đấng Tối Cao gọi là Thượng đế, hoặc Trời (Thiên) họ cũng thờ cúng thần thánh, mà họ nghĩ là đang ngự trị trên các vương quốc, tỉnh, thành, sông, núi. Kể từ thế kỉ thứ XV, nhiều người trong giới nho sĩ TQ đã chấp nhận một hệ thống mới, vì vậy có hai phái khác nhau: nho sĩ với tín lí được các hoàng đế noi theo, thừa nhận một nguyên tắc phổ quát, mà họ gọi Taiki, và hi sinh theo tinh thần của triết gia và nhà lập pháp vĩ đại Khổng Tử (sinh năm 3453AM , và mất năm 3523AM); họ cũng phải thực hiện một loại thờ cúng đối với người đã khuất, qua việc đốt hương, và cúng trái cây trước di ảnh người đã khuất. Giáo phái khác được phần lớn những người dân bình thường tin theo là đạo Phật, hoặc Xanca, được du nhập từ Ấn Độ khoảng một ngàn năm sau cải cách của Khổng Tử. Đó là một loại tín ngưỡng theo thần tượng (idolatry) còn thô trộn lẫn với chủ nghĩa vô thần. Các tu sĩ của giáo phái này, gọi là các nhà sư, là các thầy cúng và thầy tướng số, tin vào sự luân hồi của linh hồn. Cũng có một số người Hồi và người Do Thái ở Trung Quốc.

TÍNH CÁCH, PHONG TỤC, TẬP QUÁN QUỐC GIA

Người Trung Quốc trưởng thành có khổ người trung bình, khuôn mặt rộng, mắt đen nhỏ, mũi thẳng và hếch, họ có xương gò má cao và môi lớn. Họ nhổ râu tận gốc phần dưới khuôn mặt bằng nhíp, để lại một vài cọng không có thứ tự thay cho râu hàm. Họ cạo hết tóc trên đầu, trừ một lọn duy nhất mà họ để lại trên đỉnh đầu. Da của họ, trắng ở vùng phía Bắc, nhưng ngăm đen ở vùng phía Nam; sự béo tốt được đánh giá cao như là một vẻ đẹp của đàn ông, nhưng là nhược điểm hiển hiện đối với phái đẹp, họ nhắm tới việc giữ gìn một nét thon thà và thanh tú về vóc dáng. Đàn ông nho sinh để móng tay ra rất dài cho thấy rằng họ không làm công việc tay chân. Phụ nữ có đôi mắt nhỏ, môi đầy đặn hồng hào, tóc đen, đường nét đều đặn, và tinh tế, mặc dù làn da rất tươi mát. Bàn chân nhỏ được coi như một phần chủ yếu của vẻ đẹp của phụ nữ, nên việc quấn chân là điều phải chuyên tâm thực hiện  khi họ còn trẻ nhằm tạo được kết quả đó, hậu quả của điều này làm họ bi tê liệt đến nỗi khi lớn lên họ chỉ bước đi chập chửng chứ không thể bước bình thường.
Cử chỉ bề ngoài của Trung Quốc rất câu nệ, bao gồm nhiều động tác uốn mình khác nhau, cùng với cúi đầu, quỳ gối hay thẳng gối, và chấp tay lại hoặc tách tay ra, nhưng khi hết những nghi thức đó, họ trở lại trạng thái thoả mái và quen thuộc. Trong tiếp xúc với người lạ, họ không rụt rè, nhưng thể hiện mình với một vẻ tự tin dễ dàng, như thể họ coi mình là cấp trên, và không có bất kì điều gì trong cách cư xử hay dáng vẻ của họ có thể là thiếu sót hoặc không chính xác.
Việc ăn mặc của TQ là hoàn toàn theo quy định khuôn phép, thậm chí đã định rõ những màu sắc phân biệt các tầng bậc khác nhau. Hoàng đế và các hoàng tử độc quyền mặc màu vàng, một vài quan lại được mặc satin nền đỏ, nhưng chỉ vào những ngày lễ, còn nói chung họ đều mặc quần áo màu đen, xanh, hoặc tím. Màu trắng chỉ được mặc khi dự đám tang, và không thể dính bụi đất quá nhiều cho dịp này vì cho thấy một sự khinh suất và coi thường chăm sóc cá nhân và trang phục. Những người dân thường chỉ được mặc quần áo màu xanh hoặc màu đen luôn được dệt bằng bông sợi. Đàn ông đội mũ hình chuông, những người thuộc tầng lớp quý tộc có đính thêm đồ trang sức. Phần còn lại của trang phục của họ là thoải mái và lỏng lẻo, bao gồm một chiếc áo khoác và thắt lưng, với một chiếc áo choàng trồng lên người, giày ủng bằng lụa, đệm với bông, và một quần đùi. Phụ nữ thường mặc bên trong một lưới lụa, thay thế cho vải lanh, một áo gilê và một váy lụa, cắt nhỏ hoặc viền với lông thú trong thời tiết lạnh, bên ngoài là một chiếc áo choàng satin dài, duyên dáng xếp nếp xung quanh vòng eo và được thắt bằng một dây thắt lưng . Các phần khác nhau của trang phục của họ thường là mỗi một thứ có màu sắc riêng, theo sự lựa chọn và tương phản của chúng mà những người mặc chủ yếu biểu lộ thị hiếu của họ.
Trong hôn nhân, hai bên trai gái không bao giờ nhìn thấy nhau trước ngày cưới do cha mẹ quyết định, thường diễn ra khi họ chỉ là những trẻ nít, khi đám cưới được tổ chức, cô dâu, dù chưa được chú rể nhìn thấy, được kiệu đến nhà của chú rể trên một chiếc kiệu mạ vàng xa hoa, treo vòng kết hoa nhân tạo, đi theo là gia tộc, khách dự và các người hầu của cô bưng của hồi môn, đó là phần quà duy nhất do cha mẹ của cô cho trong hôn nhân .
Sau việc hiếm muộn con, điều tệ hại lớn nhất là đẻ con gái, và nếu một người phụ nữ thuộc gia đình nghèo có ba hoặc bốn cô gái liên tiếp, không phải không thường xảy ra, bà ta sẽ bỏ chúng ngoài đường đi, hoặc ném chúng xuống sông, điều mà các cha mẹ không thể nuôi nổi nhiều con gái được phép làm, nhưng họ cột trái bầu vào đứa trẻ trước để cho nó có thể nổi trên mặt nước, và trong tình huống này đôi khi nó sẽ gặp người có của cải, do xúc động bởi tiếng khóc của đứa trẻ, sẽ cứu nó khỏi cái chết sắp xảy đến
Người TQ, ngoài các mê tín dị đoan khác, đặc biệt thận trọng về thời gian và nơi chôn cất người chết. Sự chậm trễ xảy ra trong việc quyết định hai điều này thường khiến quan tài phải lưu lại nhiều ngày trước khi đem chôn, nhưng đối với người nghèo thì sự khốn khó buộc họ phải vượt qua các đắn đo thận trọng đó, và đem đi chôn ngay di hài của người thân họ vào nơi an nghĩ cuối cùng với lễ tang nhỏ. Nghĩa trang công rất rộng, do sự tôn trọng dành cho người đã chết nên người TQ không cho phép họ đặt một ngôi mộ mới tại nơi mà dấu vết của một ngôi mộ cũ vẫn còn thấy trên mặt đất.
Mỗi người Hoa lưu trong nhà của mình một bài vị, trên đó có viết tên của cha, ông nội, ông cố … và họ thường đứng trước đó đốt hương, và quỳ lại, và khi người cha trong gia đình mất, tên ông cố được lấy ra để thêm tên người vừa khuất vào.

NGHỆ THUẬT VÀ KHOA HỌC

Thiên tài của Trung Quốc là đặc biệt với chính họ, vì họ không có quan niệm về cái gì là đẹp trong viết văn, cân đối trong kiến trúc, hoặc tự nhiên trong vẽ tranh, tuy thế, trong làm vườn và hoạch định đất đai, họ thể hiện sự tuyệt vời và đẹp đẽ  thật sự. Họ thực hiện tất cả các phép tính số học nhanh chóng phi thường, nhưng khác với người châu Âu. Cho đến khi người châu Âu tới, họ chưa hiểu biết về toán học, không có máy móc thích hợp cho quan sát thiên văn, và việc nghiên cứu siêu hình chỉ dành cho các nhà triết học. Người ta thường cho rằng họ biết in ấn trước người châu Âu, dù điều đó chỉ có thể nói cho phương pháp in ấn khối, bằng cách đục chữ trên các khối gỗ, họ có niên giám, đóng dấu từ các tấm hoặc các khối, nhiều thế kỉ trước khi nghề in được phát hiện ở châu Âu. Việc phát minh ra thuốc súng có vẻ đúng là của họ, và đã được sử dụng để chống lại Thành Cát Tư Hãn và Thiết Mộc Chân, nhưng ứng dụng việc sử dụng hợp chất huỷ diệt này chỉ giới hạn vào súng thần công (pháo binh),  họ hoàn toàn không quen với việc sử dụng vũ khí nhỏ. Họ cũng nổi trội về pháo bông. Ngành công nghiệp của họ là tuyệt vời trong trồng trọt trên đồng ruộng, đào kênh rạch, san lấp núi, nâng cao vườn, và điều khiển tàu thuyền.

SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI

Trung Quốc nằm ở vị trí tốt, và sản xuất một loạt các nguyên vật liệu cho chế biến mà có thể nói đó là quê hương của công nghiệp, nhưng là ngành công nghiệp không hương vị hay thanh tú, mặc dù được thực hiện với nghệ thuật tuyệt vời và sự khéo léo. Họ chế tạo giấy từ thân cây tre và các cây khác, cũng như từ sợi bông (cotton), nhưng không sánh được với châu Âu cho mục đích viết hay in ấn. Mực của họ nổi tiếng ở châu Âu, và được cho là một hỗn hợp của keo động vật và muội đèn. Việc sản xuất các loại đồ đất nung thường được biết đến với tên “china” (đồ sứ), hay đúng hơn là “porcelain”, đã từ lâu là một bí mật với người châu Âu, và mang lại những khoản tiền to lớn cho TQ, nhưng bây giờ các nghệ nhân châu Âu xuất sắc hơn nhiều. Lụa TQ thường gồm lụa trơn và lụa hoa, được cho là có nguồn gốc chế tạo ở đây, nơi mà nghệ thuật nuôi tầm được phát hiện trước tiên. Họ cũng sản xuất lụa loại bền hơn; cùng vải bông và các loại vải khác làm rap quần áo nhẹ và ấm.






CHÚ THÍCH của người dịch:


[1] China Proper là phần lãnh thổ Trung Quốc không tính các nước phiên thuộc (chư hầu phải triều cống) xung quanh mà theo quan niệm “Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ” (Nơi nào trên thế giới đều là đất của vua) của họ đều thuộc TQ, tạm dịch là Trung Hoa ‘thuần tuý’ (có tác giả dịch là Trung Quốc ‘đích thực’ hay Trung Quốc ‘chuẩn’ – có vẻ hai từ ‘đích thực’/’chuẩn’ chưa phản ánh đúng ý nghĩa của từ tiếng Anh ‘Proper’ như vừa trình bày).
[2] Vị trí địa lí cho thấy rõ TQ ‘thuần tuý’ không thể bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa (ở phía Nam vĩ tuyến 17° Bắc) của VN và cũng không chứa quần đảo Senkaku (ở phía Đông kinh tuyến 123°28’ Đông) mà Nhật đang kiểm soát.
[3] Theo bản đồ và văn cảnh toàn bài thì Chinese Tartary có lẽ gồm Tân Cương, Mông Cổ và Mãn Châu, tạm dịch là Hoa Phiên.
[4]Nguyên bản tiếng Anh là kingdom of Tonquin chỉ Bắc bộ Việt Nam (gọi theo một tên cũ của Hà Nội là Đông Kinh)
[5] Phái bộ này đến TQ trong thời gian 1792-1794 nhằm thuyết phục vua Càn Long nhà Thanh nới rộng giao thương giữa Anh và TQ.
[6] Hợp kim đồng và nickel

Wednesday, April 9, 2014

Khi nào [đảo] đá lại không là đảo [đá]*?

Khi nào [đảo] đá lại không là đảo [đá]*?

When is a Rock Not a Rock?

Một tòa án nhỏ ở Hague vật lộn với một câu hỏi đang có có thể đặt một dấu chấm hết đối với việc thu tóm biển bằng sức mạnh của Trung Quốc.

KEITH JOHNSON
FP 04/04/2014

Bế tắc ngoại giao giữa Trung Quốc và Philippines bùng lên cách đây hai năm trong một tranh chấp về quyền đánh bắt cá tại một bãi ngầm nhỏ (Scarborough Shoal - ND) ở biển Đông đang biến thành cuộc đối đầu sau khi Manila quyết định không đếm xỉa các đe dọa của Trung Quốc và kiện Bắc Kinh ở một tòa án quốc tế.

Vụ kiện này đánh dấu lần đầu tiên một ban trọng tài sẽ xem xét các yêu sách đầy tranh cãi và thường tranh chấp của Trung Quốc đối với hầu hết biển Đông, một trong những tuyến đuờng vận chuyển bận rộn nhất của thế giới và một nguồn giàu tiềm năng về dầu và khí tự nhiên.

Hồ sơ kiện, một ‘bản ghi nhớ’ khổng lồ 4.000 trang nộp trước khi Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, thực chất không khác gì với câu hỏi hiện có về đảo đá (rock). Hay nói đúng hơn, đó là về mong muốn của Philippines là vài chục đốm đá ở biển Đông sẽ được các chuyên gia quốc tế chính thức phân loại là đảo đá (rock) thay vì là đảo (island)*. Số phận của các quốc gia - hay trong trường hợp này là, việc mở rộng các quyền về kinh tế của các quốc gia tới vùng biển và đáy biển ngoài bờ biển của họ có thể được quyết định trên các định nghĩa phức tạp như vậy.

Nói một cách đơn giản, đảo (island) là đất, nó cho phép chủ sở hữu được hưởng đặc quyền kinh tế 200 hải lý về mọi hướng, bao gồm quyền đánh bắt cá và khai thác năng lượng. Còn đảo đá (rock) không phải là đất, và không sinh ra quyền kinh tế.

Nếu phán quyết của toà ngược với tuyên bố của Philippines, thì vốn liếng đầu tư cho cuộc chiến dành các đốm đất đá này sẽ cao hơn nhiều: bên nào cuối cùng có yêu sách đối với các đốm đá được luật pháp quốc tế công nhận sẽ có thể đòi thêm các khu vực rộng lớn có tiềm năng giàu tài nguyên. Nếu Bắc Kinh thua kiện, họ sẽ phải lựa chọn xem có nên tuân theo tòa án quốc tế hoặc phớt lờ phán quyết của toà và vẫn cứ yêu sách các vùng biển đó.

"TQ sẽ là cường quốc lớn loại nào? Họ có sẵn sàng chơi tuân theo luật lệ của trò chơi hoặc phá đổ hệ thống này?" Ely Ratner, Phó Giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (một think tank), nói. "Hơn bao giờ hết, đây là một thử nghiệm rạch ròi xem TQ có sẵn sàng ràng buộc mình vào những quy tắc rốt cuộc có thể không có lợi cho họ hay không."

Vụ việc mở đầu không suôn sẻ. Trung Quốc đã từ chối tham gia trọng tài quốc tế, và cũng đã nhiều lần cảnh cáo Manila về cái mà họ gọi là "chủ nghĩa đơn phương" và "khiêu khích." Bắc Kinh triệu tập đại sứ Philippines đến để trách cứ hôm thứ hai, hai ngày sau khi tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đã cố ngăn chặn không thành công việc tiếp tế của Philippines đối với một bãi ngầm khác (bãi Cỏ Mây- Second Thomas Shoal– ND).

Thế giới đang theo dõi. Hoa Kỳ đã bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Philippines tìm kiếm phân xử của trọng tài theo luật pháp quốc tế điều tiết việc sử dụng biển; Nhật Bản đang bị lôi kéo vào tranh chấp lãnh thổ đầy biến động của chính họ với Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, cũng đã công khai ủng hộ Manila. Nhưng các quốc gia khác ở Đông Nam Á tự họ cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc thì vẫn còn lặng tiếng cho đến nay. Trong khi đó, các công ty dầu lớn đang theo dõi cuộc thách thức pháp lý này để xem liệu nó có thiết lập nên tính rõ ràng có thể làm cho việc thăm dò dầu khí dễ dàng hơn tại một khu vực có thể có rất nhiều cả dầu và khí đốt.

Vụ kiện này có ý nghĩa như là một thách thức trực diện với "đường chín đoạn" đầy tai tiếng của Trung Quốc, nổ lực mơ hồ nhưng đe dọa của Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông gây thiệt hại cho các nước láng giềng trong đó có Philippines, Việt Nam và Malaysia. Bắc Kinh thừa kế bản đồ, và yêu sách đầy tham vọng đó từ chính phủ Quốc dân đảng mà họ đánh bại trong cuộc nội chiến Trung Quốc hồi thập niên 1940. Bản đồ quá đáng đó thậm chí đã trở thành một chi tiết cố định trong hộ chiếu mới của Trung Quốc.

Dù vậy, nhiều học giả cho rằng tuyên bố của Trung Quốc là vô nghĩa trên cốt lõi. Công ước về Luật biển mà Trung Quốc đã ký kết và phê chuẩn, loại bỏ ý tưởng về yêu sách lịch sử như là một cách để xác định quyền trên biển. Không ngạc nhiên, Paul Reichler, một luật sư ở Washington đã giúp thảo hồ sơ vụ kiện của Manila, đồng ý. Ông nói thẳng thừng rằngTrung Quốc "đang vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước [về Luật Biển]."

Vụ kiện không tìm cách xác định xem nước nào thực sự sở hữu các đốm đất đá tranh chấp đó, trong đó bao gồm cả đá Vành Khăn (Mischief Reef, mà là vấn đề nước nào sở hữu vùng biển bao quanh chúng. Manila cho rằng vùng biển giữa bờ biển của họ và các đốm đất đá đó thuộc về Philippines, bởi vì chúng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà mỗi quốc gia có được. Trung Quốc lại nói rằng những vùng biển đó thuộc về mình.

Vụ kiện đã làm Bắc Kinh nổi giận, với Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuần này nguyện rằng Philippines sẽ "phải đối mặt với hậu quả" vì làm ra vụ kiện cáo này. Trong khi Trung Quốc từ chối tham gia vào trọng tài – điều đó sẽ không ngăn được việc tố tụng tiến hành – họ đã tung ra một loạt lập luận trong những ngày gần đây, lập luận chi tiết nhất trong số đó là từ toà đại sứ Trung Quốc ở Manila. Nói vắn tắt, Trung Quốc cho rằng họ có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình, và các tranh chấp cần phải được giải quyết theo cách song phương hơn là thông qua trọng tài quốc tế.

Zhang Hua (Trương Hoa), phát ngôn viên toà Đại sứ, cho biết trong một bài đăng trên trang web của toà Đại sứ "Dù ghi nhớ của Philippines được goí ghém như thế nào, nguyên nhân trực tiếp của vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là việc Philippines chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo và rạn san hô của Trung Quốc trong biển Đông. Phía Trung Quốc kiên định trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích và các quyền trên biển của mình. Âm mưu của Philippines sẽ bị thất bại."

Cuộc bế tắc này làm dấy lên những lo ngại mới về xung đột vũ trang trong khu vực. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã dương oai tác quái khắp Đông Nam Á bằng cách thúc đẩy điều mà nhiều người coi là yêu sách lãnh thổ quá đáng, và tăng cường lên các lực lượng dân sự và quân sự của họ để hậu thuẫn cho nền ngoại giao hung hăng.

Holly Morrow, một chuyên gia Châu Á thuộc  Trung tâm Belfer của Đại học Harvard nói "Trung Quốc đã khuyến dụ tất cả các nước láng giềng với việc TQ trỗi dậy hòa bình, và họ đã hoàn toàn tỏ rõ điều đó trong khu vực. Bây giờ, có rất ít các quốc gia trong khu vực mà không có một mức độ cảnh giác nào đó từ nghi ngờ tới hoàn toàn sợ hãi phần nào của việc trỗi dậy này."

Đặc biệt nghiêm trọng là những căng thẳng trên biển giữa các tàu tuần tra dân sự hùng hậu của Trung Quốc với các tàu tuần duyên thiếu tương xứng của các nước láng giềng. Các tàu hải quân Mỹ, kể cả một tàu khu trục trang bị tên lửa có hướng dẫn, gần đây cũng xém có các va chạm với tàu Trung Quốc ở biển Đông. Các chuyên gia lo ngại rằng vụ kiện sẽ thúc đẩy Bắc Kinh thực hành một lập trường thậm chí hung hăng hơn trong nỗ lực để hù doạ Manila.

"Lời lẽ đang trở nên chói tai hơn, và được tính toán để tăng sức ép lên Philippines. Theo tôi, họ phải dọa sử dụng vũ lực để thay đổi động lực trong các cuộc đàm phán" giữa hai bên, Peter Dutton, Giám đốc của Viện Nghiên cứu biển Trung Quốc thuộc trường Naval War College của Mỹ nói.

Việc Manila tìm kiếm công lý ở Hague là một cuộc đấu tranh khó khăn. Ban trọng tài không thể áp đặt một cách giải quyết, mà phải dựa vào sự đồng ý của cả hai bên để đưa ra bất kỳ phán quyết nào; Trung Quốc đã nói rõ rằng họ sẽ không hợp tác. Nhưng trước tòa án công luận, chiến thắng của Philippines vào một lúc nào đó năm tới sẽ làm cho Manila và các nước Đông Nam Á dễ dàng hơn nhiều trong việc đẩy lùi những gì họ thấy như là sự xâm lấn như Trung Quốc.

Caitlyn Antrim, một chuyên gia về Luật Biển tại Trung tâm Stimson nói "Philippines và các quốc gia khác trong khu vực sẽ giành được mối quan hệ công chúng mạnh mẽ," làm cho các nước đang bị bao vây trong khu vực dễ dàng đẩy lùi Bắc Kinh hơn. Bà nói rằng thực tế TQ cũng quan tâm tới việc bảo đảm tự do đi lại ở các vùng biển xa hơn như Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương, thì vụ kiện có thể buộc họ phải suy nghĩ lại chiến lược của mình.

"Tới một thời điểm nào đóTrung Quốc sẽ phải lựa chọn hoặc là cố giành lấy quyền kiểm soát khu vực, hoặc quyền tự do toàn cầu cho các biển".


* Công ước LHQ về Luật biển không đưa ra định nghĩa rõ ràng cho đảo đá (rock). Những gì liên quan chỉ gói gọn trong điều 121 như sau:
1.        Đảo (island) là một vùng đất hình thành tự nhiên có nước bao bọc xung quanh, nổi trên mặt nước khi triều cao.
2.        Ngoại trừ trường hợp như quy định trong điểm 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo được xác định theo đúng các quy định trong Công ước cho lãnh thổ đất liền khác.
3.         Đảo đá (rock) không thích hợp cho việc cư trú của con người và không có đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trong các vụ phân xử từ trước tới nay, các toà án quốc tế đã né tránh không trả lời trực tiếp câu hỏi dễ gây tranh cãi này.

Wednesday, April 2, 2014

Vụ xôn xao về bản đồ Trung Quốc cổ của Thủ tướng Đức Angela Merkel

Vụ xôn xao về bản đồ Trung Quốc cổ của Thủ tướng Đức Angela Merkel

Posted by Admin on April 3rd, 2014
Tác giả: Rachel Lu
Người dịch: Huỳnh Phan
02-4-2014
H2
Thủ tướng Đức Angela Merkel trao tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một bản đồ Trung Quốc thế kỷ 18 tại Berlin, Đức.
Hồng Kông: Tuần rồi Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ăn tối và hai người đã trao tặng quà cho nhau trong buổi ăn này. Merkel tặng Tập Cận Bình một bản đồ TQ năm 1735 do nhà vẽ bản đồ Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’ Anville vẽ và được in bởi nhà xuất bản Đức.
Theo một trang web về bản đồ cổ, bản đồ d’Anville’s được vẽ dựa trên các khảo sát địa lý trước đây do các nhà truyền giáo Dòng Tên ở Trung Quốc thực hiện và thể hiện “tổng kết kiến thức của châu Âu về Trung Quốc trong thế kỷ 18″.
Theo chú thích gốc bằng tiếng Latin, bản đồ cho thấy cái gọi là “Trung Quốc thuần tuý” (China Proper) – tức là, phần lỏi của Trung Quốc với dân cư chủ yếu là người tộc Hán, không có Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ lẫn Mãn Châu. Hai đảo Đài Loan và Hải Nam được vẽ với đường biên khác màu -  Hải Nam thì rõ ràng là một phần của Trung Quốc hiện đại, còn Đài Loan thì còn rất nhiều tranh cãi.
File:CEM-44-La-Chine-la-Tartarie-Chinoise-et-le-Thibet-1734-West-2569.jpgFile:CEM-44-La-Chine-la-Tartarie-Chinoise-et-le-Thibet-1734-East-2570.jpg
Hai mảnh của bản đồ d’Anville 1735 cho thấy “TQ thuần tuý” (bài đăng trên SMH chỉ đăng một phần bản đồ này)
Bản đồ lịch sử là việc nhạy cảm ở Trung Quốc. Mỗi học sinh ở Trung Quốc đều được dạy rằng Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư (tiếng Nhật là Senkaku) là những “phần không thể tách rời của Trung Quốc từ thưở xa xưa”.
 Bản đồ d’Anville, là một sự bác bỏ ít nhất về mặt hình ảnh điều kể lể đó. Không ngạc nhiên là truyền thông chính thức của Trung Quốc dường như không đánh giá cao món quà của bà Merkel. Tờ Nhân dân Nhật báo, đã đưa ra nhiều tường thuật tỉ mỉ về chuyến đi châu Âu của Tập Cận Bình, lại không đá động chút gì tới bản đồ khó chịu này.
Kỳ lạ hơn là khi tin tức về việc trao tặng bản đồ đến đất TQ, nó đã biến thành một bản đồ khác hoàn toàn theo một cách nào đó. Bản đồ công bố trong nhiều bài báo bằng tiếng Trung về quà tặng của bà Merkel trên truyền thông cho thấy đế quốc Trung Hoa lúc cực thịnh về lãnh thổ, bao gồm cả Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ và nhiều mảng lớn của Siberia. Bản đồ lớn hơn này là tác phẩm của nhà làm bản đồ người Anh John Dower, do Henry Teesdale & Co xuất bản năm 1844 ở London, và chắc chắn không phải là quà do Merkel tặng cho Tập Cận Bình. Nhưng điều sai trái này đã không được ghi nhận hoặc giải thích trong các bài báo Trung Quốc.
Cả hai phiên bản của bản đồ Merkel đã xuất hiện trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, gợi ra các cách giải thích rất khác nhau. Những người thấy được bản đồ d’Anville dường như bị sốc bởi lãnh thổ có hạn của nó.
Hao Qian (Hác Thiến), một phóng viên tài chính, nhận xét rằng bản đồ đó là “một món quà khá khó xử”. Nhà báo Xiao Zheng (Tiểu Trịnh) công kích bà Merkel là đã cố “hợp pháp hóa các phong trào đòi độc lập Tây Tạng và Tân Cương”. Kiến trúc sư Liu Kun (Lưu Côn) đã viết, “Bọn Đức chắc hẳn có động cơ thầm kín”. Một người sử dụng Internet hỏi: “Làm sao chuyện này lại xảy ra? Tây Tạng, Tân Cương, vùng Đông Bắc ở đâu? Tập Cận Bình đã phản ứng thế nào?”
Trái lại, bản đồ Dower dường như lại gợi nên nỗi luyến tiếc về lãnh thổ rộng lớn và sức mạnh đế quốc. Một giám đốc quảng cáo bày tỏ, “Tổ tiên của chúng tôi thật [tuyệt vời]”. Một người sử dụng Internet khác hy vọng Tập Cận Bình sẽ cảm thấy “mạnh dạn” nhờ bản đồ này để “nhận ra một sự [tái xuất hiện] thật sự của Trung Quốc có nghĩa là gì”.
Một số lại nghi ngờ rằng bà Merkel đã cố gửi một lời nhắc nhở tinh tế tới Tập Cận Bình rằng Nga đã giúp Mông Cổ tuyên bố độc lập với Trung Quốc vào giữa thế kỷ 20, phần nào giống như điều mà Nga đã làm ở Krym (Crimea) tháng 3 năm 2014.
Chắc chắn rằng bản đồ d’Anville không tạo nên một sự trái ngược hoàn toàn với phiên bản về lịch sử của chính phủ TQ. Vào năm 1735, năm mà Hoàng đế Càn Long bắt đầu thập kỷ trị vì thứ sáu, sức mạnh quân sự của đế chế nhà Thanh đang trên đà đi lên. Càn Long dập tắt một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở khu vực phía tây Tân Cương, đưa các bộ lạc Mông Cổ dưới sự cai trị chặt chẽ hơn, và bổ nhiệm các quan chức trông nom các việc ở Tây Tạng như việc lựa chọn Đạt Lai Lạt Ma.
Nói cách khác, Càn Long đã thiết lập những giềng mối của sự kiểm soát đế quốc trên những vùng lãnh thổ ngoại vi, cho phép các chính phủ sau này – Trung Hoa Dân quốc, rồi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – tuyên bố chủ quyền. Các bản đồ do các nước phương Tây phát hành trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 khác nhau trong cách trình bày về Tây Tạng và Tân Cương, nhưng chắc chắn không phải chỉ một mình bản đồ Dower thể hiện Tân Cương và Tây Tạng như bộ phận của đế quốc Trung Hoa.
Tất cả ồn ào về bản đồ có thể bị thổi phồng. Một người sử dụng Internet không chấp nhận “diễn giải quá mức” bản đồ d’Anville như một thông điệp về Tây Tạng hay Tân Cương. Xét cho cùng “ta không thể sử dụng một bản đồ 13 thuộc địa của Hoa Kỳ vẽ năm 1776 để nói với người Mỹ rằng Texas hay California không phải là lãnh thổ của Hoa Kỳ”.
Tác giả: Rachel Lu là người đồng sáng lập Tea Leaf Nation, blog của Foreign Policy về tin tức và các xu hướng lớn tại Trung Quốc.