Monday, June 15, 2015

Bill Hayton - BIỂN ĐÔNG (Chương 6: Chủ nghĩa dân tộc)

Chương 6
Kèn trống và Biểu tượng
Chủ nghĩa Dân tộc

Drums and Symbols
Nationalism



Đám đông tụ tập ở gần Nhà hát lớn Hà Nội không lớn nhưng phẫn nộ. Đáng chú ý là việc họ đã tụ tập được. Trong mấy ngày trước đó, Facebook đã ong ve với những tiếng giận dữ nhưng nhà chức trách VN cũng bận rộn. Đã hơn một tuần kể từ khi tàu TQ lại cắt cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02 lần thứ hai và một tháng kể từ khi Bắc Kinh công bố hộ chiếu mới có in chìm bản đồ yêu sách ‘đường chữ U’ ở Biển Đông. Nhưng có rất nhiều trói buộc trong việc bày tỏ sự căm phẫn của công chúng ở VN. Dân phòng để mắt trên các ngõ ngách phố, các tổng biên tập soi rọi các trang báo của mình và ‘các cơ quan giám sát’ dõi mắt theo tất cả các tổ chức dân sự. Mọi người trò chuyện, mọi người càu nhàu, nhưng nói chung không ai xuống đường thách thức quyền cai trị của Đảng Cộng sản.[1]

Mạng là một thế giới khác. Đặc biệt là Facebook cho phép bất bình nhân lên. Đảng cũng quan sát thế giới này, nhưng họ vạch ra một lằn ranh rõ ràng phân biệt giữa nói và làm. Ngày 9 tháng 12 năm 2012, lằn ranh này bị vượt qua. Các blogger và chatter đồng ý rằng cần phải làm một cái gì đó công khai. Gần như đúng 5 năm sau cuộc biểu tình công khai đầu tiên của VN về Biển Đông, họ quyết định xuống đường một lần nữa. Họ định tổ chức cuộc biểu tình tại các bậc thềm của nhà hát cũ xây dựng thời Pháp nhưng Đoàn TNCS cũng đã nhanh nhẩu thông báo tổ chức văn nghệ tại cùng địa điểm. Với một sân khấu được xây dựng ở quảng trường, họ buộc phải xúm lại quanh một góc dọc theo đại lộ thuộc địa cũ bây giờ được gọi là Phố Tràng Tiền. Trong thời tiết lạnh của tháng 12, họ đi diễu qua các cửa hàng nhỏ và quán cà phê, bờ hồ Hoàn Kiếm và các biệt thự cũ lớn trên đường Điện Biên Phủ - rồi đi thẳng tới Toà Đại Sứ TQ.

Thành một đoàn, không thuần nhất nhưng tổ chức tốt. Hai trăm người là con số tham dự cao cho bất kì loại biểu tình nào ở VN. Họ mang biểu ngữ lớn kẻ khẩu hiệu chuyên nghiệp bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh, nhiều người mặc áo thun in bản đồ ‘đường chữ U’ lớn, họ đều tốt tiếng. Một số là ủng hộ viên của Câu Lạc Bộ ‘No U’ (No U FC), một nhóm những người hoạt động chống TQ, khó chịu về sự quấy rối của các cơ quan chức năng, đã thành lập một câu lạc bộ bóng đá để có thể gặp nhau một cách hợp pháp. Tên câu lạc bộ là một cách tấn công vào ‘đường chữ U’ với FC là viết tắt cho cả ‘Football Club’ (câu lạc bộ bóng đá) lẫn ‘Fuck China’ (ĐM TQ). Trong khi một số khua trống, nghệ sĩ violin Tạ Trí Hải 74 tuổi, một ủng hộ viên đã chơi những bài hát phản kháng yêu nước cho các người đi cùng thưởng thức. Tuy nhiên, một số gương mặt nổi tiếng không tham gia được. Nhà hoạt động chống tham nhũng Lê Hiền Đức, chẳng hạn, đã bị các cán bộ Công An đến viếng từ sáng sớm và bị buộc phải ở nhà tiếp họ.

Công an có mặt nhiều hơn dọc khắp Phố Tràng Tiền để ngăn ngừa sự bùng phát của hoạt động chống đối xã hội. Nhiều công an mặc đồng phục màu xanh lá cây, nhưng nhiều công an khác mặc thường phục. Một xe công an cố vượt qua đám đông nhưng những người biểu tình kiên quyết. Họ hô vang khẩu hiệu chống TQ xâm lược, tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về VN và yêu cầu chính phủ hành động đúng mức hơn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Một nhóm nhỏ nhà báo nước ngoài cũng có mặt tại chỗ phóng to tiếng nói của họ ra thế giới nhưng trở nên rõ ràng rằng những người biểu tình sẽ không được cho phép để đi hết cuộc dạo Chủ Nhật đó.

Công an yêu cầu người biểu tình giải tán. Những người biểu tình yêu cầu công an giải tán nhưng công an mạnh hơn. Trong khi những công an đồng phục đứng yên bên ngoài, những kẻ mặc thường phục lại cưỡng ép khoảng 20 người biểu tình lên xe buýt do thành phố trưng dụng và chở họ đi tới trại giam Lộc Hà cách trung tâm thủ đô 15 km. Những người biểu tình còn lại nắm được thông điệp. Toà Đại Sứ TQ vẫn chẳng bị quấy rầy bởi các tiếng ồn yêu nước. Tin tức và hình ảnh của cuộc biểu tình này, và một cuộc biểu tình tương tự tại thành phố Hồ Chí Minh ở miền Nam, đã được chuyển tải trên toàn thế giới. Như một biên tập viên nói, đó là một ‘câu chuyện hay bằng hình ảnh’.

Sáng ngày hôm sau, Thứ Ba, tại cuộc họp hàng tuần của Bộ Thông Tin và Truyền Thông, tổng biên tập của tờ VN đã bị trách mắng vì đăng tin về mối quan hệ của VN với TQ. Họ bị phê phán là đã tiêm cấy ‘tình cảm chống TQ’ trong các bài báo về sự kiện Bình Minh – phớt lờ chỉ thị trước đó là ‘bám sát vào các sự kiện’. Đất nước bị khuấy động hoàn toàn do lỗi của họ. Vấn đề đối với nhà chức trách VN là bất kể có bao nhiêu báo mà họ bịt miệng hoặc bất đồng chính kiến mà họ bắt giữ, tình cảm chống TQ dường như vẫn ngày càng tăng. Không thể đo lường công khai hay chính xác những điều như vậy ở VN nhưng Biển Đông đã mang các đám đông nhỏ xuống đường ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ít nhất một chục lần tính từ năm 2007. Nếu có một ít người chẳng e ngại việc bị bắt giữ và trừng phạt thì nhất định sẽ có nhiều người cũng chia sẻ tình cảm đó nhưng chưa đủ can đảm để tham gia biểu tình có tổ chức. Số phận của Biển Đông và những cáo buộc về âm mưu của TQ phá hoại đất nước này thường kích động sự bột phát lòng căm thù dân tộc chủ nghĩa.

Hơn 30 năm trước đây, nhà sử học về Đông Nam Á, Benedict Anderson, đưa ra cách giải thích cho sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc ở thế kỉ XIX và XX. Ông nói về việc tạo ra các cộng đồng tưởng tượng trong đó các công dân với ý thức quốc gia mới bắt đầu cảm thấy một mối quan hệ với đồng bào mà họ chưa bao giờ gặp, một mối quan hệ mạnh mẽ đến nỗi họ sẵn sàng bắn giết và xả thân để bảo vệ nó. Ông gán sự trỗi dậy của các cộng đồng tưởng tượng này cho sự phát triển kinh tế và cho các khả năng của việc tự xác định cá nhân mà sự phát triển kinh tế tạo ra, cho việc phát minh ra phương tiện truyền thông quốc gia và cho sự kiên cố hoá cảm giác về khác biệt đối với những người nói tiếng nói khác và theo tục lệ khác.

Trong những năm đầu thế kỉ XXI xung quanh bờ Biển Đông làn sóng mới chủ nghĩa dân tộc đang tạo ra các cộng đồng tưởng tượng mới. Phát triển kinh tế, công nghệ truyền thông mới, các ham muốn mới trong thể hiện bản thân – giống như những động lực đằng sau chủ nghĩa dân tộc chống thực dân của thế kỉ trước - đang thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc hồi sinh. Tuy nhiên, lần này những kẻ khác mà các cộng đồng này đối chiếu để xác định mình không phải là những tên đế quốc từ xa đến mà các láng giềng trong khu vực từng có quan hệ từ thời xa xưa. Cư dân mạng tuyên bố họ sẵn sàng chết vì vinh quang của đất nước và vì vận mệnh của một số mỏm đá gần như không có người ở. Trên toàn khu vực hàng triệu người đã đi đến việc tin rằng bản sắc của họ với tư cách một con người chỉ có thể trọn vẹn nếu cộng đồng tưởng tượng mà họ cảm thấy thuộc về có vẻ mạnh hơn cộng đồng của các đối thủ. Chủ nghĩa dân tộc chắc chắn mạnh mẽ - nhưng nó đang thực sự lôi kéo các tranh chấp đến mức nào? Việc xem xét các biểu hiện của xúc cảm dân túy sẽ cho thấy bức tranh phức tạp hơn.

**********
Chủ nghĩa dân tộc VN hiện đại ít nhiều tự xác định mình là đối kháng với TQ. Hầu hết đường phố chính của các thành phố lớn nhỏVN đều được đặt theo tên những nhân vật (có thật hay huyền thoại) từng chiến đấu chống lại những kẻ xuất phát từ nơi mà bây giờ được gọi là TQ: Hai Bà Trưng, lãnh đạo cuộc nổi dậy năm 40; Ngô Quyền, được người VN coi là vị vua đầu tiên tách đất nước ra khỏi TQ vào năm 938; Lí Thường Kiệt, đánh Tống năm 1076; Trần Hưng Đạo, đánh bại quân Mông Cổ vào năm 1284; Lê Lợi (còn gọi là Lê Thái Tổ), thắng quân Minh năm 1428; và Nguyễn Huệ (còn gọi là Quang Trung), đánh thắng quân Thanh năm 1789. Hầu hết trong số này là huyền thoại lỗi thời. Hai nước với biên giới hiện tại đi đến đánh nhau lần đầu tiên là vào năm 1979. Những cuộc xung đột xưa kia là giữa các thủ lĩnh địa phương, phiến quân, lãnh chúa, người bảo trợ và những kẻ hãnh tiến. Ngôn ngữ mà họ nói lúc đó không giống như ngôn ngữ tương ứng hiện đại mà cũng không nhất thiết khác với ngôn ngữ của kẻ thù của họ. Tuy nhiên, tất cả những trận đánh lớn này hiện nay đang được VN coi như là bằng chứng về lịch sử vẻ vang lâu dài kháng chiến thành công chống các ý đồ đế quốc của ‘Trung Quốc’ – ‘vương quốc trung tâm’ phía Bắc.

Từ kiến trúc đến việc nấu nướng, mối liên hệ văn hóa giữa hai nước là rõ ràng; nhưng ở cơ sở, nỗi nghi ngờ về những người được cho là ‘Tàu’ (một từ có ý coi thường có thể dịch sang tiếng Anh là ‘Chink’) vẫn còn mạnh mẽ. Định kiến xuất phát từ nỗi sợ hãi. Người Việt xem mình là sáng tạo và có văn hóa hơn người Hoa, nhưng không thể cạnh tranh với mạng lưới kinh doanh bất khả thâm nhập của họ. Cộng đồng dường như khép kín này được cho là có các vòi vươn khắp Đông Nam Á dường như có sứ mệnh tóm lấy nước này và cả khu vực.

Một cái nhìn ít định kiến về lịch sử VN có thể nhận ra tầm quan trọng các mối liên hệ với ‘TQ’ từ thời những người Nusantao đầu tiên, thông qua sự xuất hiện của các thương nhân biển từ Phúc Kiến cho đến các khoản đầu tư đầu tiên của nhóm thiểu số người Hoa từ khắp khu vực Đông Nam Á trong thập niên 1980 khi VN bắt đầu dỡ bỏ chủ nghĩa Stalin. Chế độ cộng sản VN tồn tại được nhờ vào việc TQ cho chỗ né tránh và viện trợ hầu như suốt thế kỉ XX. Ý thức hệ, tên lửa và gạo từ các nguồn cung cấp TQ ở Bắc Kinh đổ về phía Nam làm nền móng cho việc Hà Nội chiến thắng Sài Gòn vào năm 1975.

Món nợ chính trị đó đối với Bắc Kinh là một phần hiệu triệu quan trọng trong thông điệp ‘chống TQ’ đối với nhiều người VN: nó hàm ý ‘chống đảng’. Biểu hiện công khai chống lại Đảng Cộng sản ở trung tâm Hà Nội dễ dẫn tới một án tù dài. Tuy nhiên, qua việc chỉ trích các hành động của TQ, những người biểu tình sẽ mang vẻ yêu nước trong khi gián tiếp chất vấn về tính hợp pháp của Đảng Cộng sản vốn lên nắm quyền nhờ hậu thuẫn của TQ và vẫn còn cùng chung ý thức hệ và có các liên hệ thực tế mạnh mẽ với ông anh lớn ở Bắc Kinh. Nhưng ngay cả những đảng viên trung thành khác cũng rất nhức nhối về ảnh hưởng của TQ. Đối với một số người, đó là vấn đề về yêu nước, nhưng chơi ‘con bài TQ’ cũng có thể là một cách để hạ đối thủ. Qua việc chỉ trích TQ, họ cũng chỉ trích một bộ phận của Đảng vốn vẫn còn các liên hệ ý thức hệ mạnh mẽ với Bắc Kinh, vẫn còn ủng hộ việc kiểm soát xã hội chặt chẽ hơn, ủng hộ sự thống trị tiếp tục của kinh tế quốc doanh và có thái độ thù địch với phương Tây.

Năm 1968, lãnh đạo Đảng Cộng Sản VN có một trận đấu đá nội bộ dữ dội mà bây giờ được tô vẽ lại như một tranh luận về việc nước này nên theo TQ hay theo Liên Xô. Hàng chục nhân vật cao cấp bị thanh trừng hoặc bị bỏ tù. Nhưng đấu đá về chính trị là vỏ bọc cho các tranh luận khác: về chiến lược chiến tranh, tốc độ đi lên CNXH và một loạt các vấn đề trong nước. Kể từ đó, ‘TQ’ là một vấn đề có mặt trong tất cả các cuộc tranh luận lớn về tương lai của VN - một mật hiệu mà các trận đấu đá khác đều đấu theo đó. Ngay cả trước khi xe tăng Hà Nội đậu trên bãi cỏ trong dinh tổng thống ở Sài Gòn, lãnh đạo Đảng Cộng Sản ở Bắc Kinh và Hà Nội đã bắt đầu có sứt mẻ. Trong mắt người TQ, VN là bọn trẻ hư vô ơn không có lòng trung phải có với bậc cha mẹ rộng lượng của mình. Đối với các lãnh đạo VN, họ vừa giải phóng đất nước khỏi xâm lược nước ngoài thì thái độ của TQ mang vẻ cao ngạo của vương triều. Họ không muốn trở thành một nước chư hầu. Quan hệ xấu đến nỗi tháng 2 năm 1979, TQ (với sự hậu thuẫn chính trị và tình báo của Mĩ) quyết định ‘dạy cho VN một bài học’ và tiến hành xâm lược. Quân đội của họ bị đánh trả tả tơi nhưng nhiều thị trấn biên giới Việt Nam cũng bị tang hoang. Mãi cho đến năm 1991, hai phía lãnh đạo vẫn chưa làm hòa với nhau.

Những đấu đá nằm trong đấu đá này vẫn còn đang diễn ra hiện nay - một cái gì đó trở nên hiển nhiên đến tàn nhẫn là chỉ một vài ngày sau cuộc diễu hành trên Phố Tràng Tiền thì một băng ghi âm lan man dài một giờ về một bài nói chuyện bí mật đã tìm đường lên YouTube. Ngôi sao thiếu may mắn trong băng ghi âm này là Đại Tá Trần Đăng Thanh, một giảng viên về vấn đề Biển Đông tại Học Viện Chính Trị Bộ Quốc Phòng VN. Bài phát biểu này được đưa ra trong cuộc họp các đảng viên cộng sản đang lãnh đạo các trường đại học tại Hà Nội (ở VN khó giữ một vị trí cao nếu không là đảng viên). Đại Tá Thanh đưa ra một thông điệp thẳng thừng: có quá nhiều cuộc biểu tình và phải dừng các cuộc biểu tình này lại. ‘Đảng trông đợi các đồng chí quản lí sinh viên của mình. Nếu chúng tôi thấy học sinh trường các đồng chí tham gia vào các cuộc biểu tình, các đồng chí có thể chắc chắn đó sẽ là một vết đen trong hồ sơ của mình’, ông khuyên nhủ các trưởng khoa, các giáo sư.[2]

Bản rã băng ghi âm cung cấp một cái nhìn độc đáo đi sâu vào những suy nghĩ thầm kín của những bộ phận này trong cơ quan an ninh VN vốn thường giữ kín đối với truyền thông. Ông bắt đầu với một cảnh báo: nếu chế độ cộng sản đi xuống, ông nói với các giáo sư, mức sống của đồng chí sẽ xuống theo. ‘bảo vệ tổ quốc Việt Nam và ý thức hệ XHCN có rất nhiều nội dung, trong đó có một nội dung rất cụ thể, rất thiết thực với chúng ta đó là bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu’. Sau khi gợi đến lợi ích cá nhân cơ bản ông vạch ra một điều thẳng thừng là không được làm mếch lòng TQ – ông lưu ý rằng ‘họ’ có 1,3 tỉ người, còn ‘chúng ta’ chỉ có 90 triệu. Dù không bao giờ quên việc họ xâm chiếm chúng ta hết lần này đến lần khác, ông tiếp tục, ‘chúng ta không được tỏ ra vô ơn’ đối với sự hi sinh to lớn của TQ cho VN trong thời gian trước đây. Ông đổ lỗi các hành động gần đây của TQ là do thừa kế ‘ước muốn cháy bỏng’ của Đặng Tiểu Bình muốn làm chủ Biển Đông, do nhu cầu bảo vệ biển của TQ cũng như do sự quyến rũ của dầu khí. Nhiệm vụ của VN bây giờ, ông nói, không những là bảo vệ độc lập cho đất nước mà còn duy trì hòa bình và ổn định. Cách duy nhất để làm điều đó, ông lập luận, là tránh đối đầu và giữ gìn tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước VN và TQ.

Đối với một ban lãnh đạo phải ngai ngái về việc tạo ra cả triệu việc làm mới mỗi năm để đáp ứng nguyện vọng ngày càng cao của dân số đang tăng, các tranh chấp chủ quyền là điều gây phân tâm đến điên người. Đảng cố hết sức tránh kích động sự đối kháng với Bắc Kinh. Một vài tuần sau bài giảng của Đại Tá Thanh, ngày 6 tháng 1 năm 2013, một người được phong anh hùng đã được cải táng về quê ở Tỉnh Thanh Hoá, phía Nam Hà Nội. Báo chí nhà nước đăng tải chi tiết việc này nhưng lạ lùng là không một bài nào nói ra được người anh hùng này chết cách nào, còn những kẻ giết anh chỉ được mô tả đơn giản là ‘bọn côn đồ’ - không nêu quốc tịch. Lê Đình Chinh thật ra đã bị lính biên phòng TQ giết chết vào ngày 25 tháng 8 năm 1978 khi những căng thẳng sau chiến tranh giữa hai nước bắt đầu leo thang. VN đang trong quá trình trục xuất hàng chục ngàn Hoa kiều, dẫn đến cuộc đối đầu ở một cửa khầu biên giới có cái tên kém phù hợp là ‘Cửa Khẩu Hữu Nghị’. Các trận đánh nổ ra giữa lực lượng dân quân vũ trang với gậy và dao. Bốn người TQ và hai người VN thiệt mạng, trong đó có Lê Đình Chinh 18 tuổi.

Hơn một thập kỉ sau, mối quan hệ giữa hai nước chuyển từ xấu thành tệ hại hơn, Lê Đình Chinh đã được nâng thành anh hùng. Bốn tháng sau cuộc đụng độ, nhà xuất bản nhà nước đã phát hành một cuốn sách ca tụng cuộc sống hào hùng và cái chết yêu nước của anh. Tên anh được đặt cho trường học, đường phố và trẻ em được khuyến khích thi đua noi theo gương anh. Nhưng sau năm 1990 khi mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh được cải thiện, câu chuyện về Lê Đình Chinh đã trở nên kém hữu ích trong việc động viên dân chúng và dần dần làm chính quyền Hà Nội thêm khó xử. Quốc tịch của những kẻ giết anh đã bị xóa khỏi bộ nhớ chính thức.

Việc người chết được cải táng là chuyện bình thường ở VN. Một vài năm sau khi chôn cất, xương được đào lên, làm sạch và cải táng với những nghi lễ phù hợp. Tuy nhiên, việc cải táng diễn ra sau 35 năm là hiếm có. Với báo chí rõ ràng được chỉ đạo không được dùng từ ‘Trung Quốc’ trong các bài nói về của cái chết của anh, những tin đồn và những lí thuyết âm mưu bắt đầu lan truyền trên mạng về lí do vì sao Lê Đình Chinh được cải táng. Chúng được khuếch đại qua một câu chuyện đã bắt đầu lan truyền 18 tháng trước đó về việc đục phá một bia tưởng niệm chiến tranh gần Khánh Khê ở tỉnh biên giới Lạng Sơn. Bia tưởng niệm là một khối đá lớn, có khắc tên những người lính của Sư đoàn 337 đã ‘kiên cường ngăn chặn cuộc xâm lăng của TQ’ năm 1979.

Tháng 8 năm 2011, các blogger chuyển cho nhau một bức ảnh bia tưởng niệm trong đó các từ ‘Trung Quốc xâm lược’ dường như đã bị đục mất. Tuy nhiên bức ảnh đó bị cắt xén rất nhiều. Ảnh đầy đủ cho thấy bia đá đó nằm giữa một dự án công trình dân dụng - một con đường mới và cầu đang được xây xung quanh nó. Có khả năng bia tưởng niệm bị hư hỏng trong quá trình xây dựng. Nhưng vì nhà chức trách không đưa ra ý kiến chính thức, nên trên mạng khẳng định rất tự tin rằng chính phủ VN hèn yếu, do hàm ơn Bắc Kinh, đã ra lệnh làm việc phá hoại đó.

Việc cải táng Lê Đình Chinh, ở nơi cách chỗ táng ban đầu gần biên giới mấy trăm cây số về phía Nam, khiến Nguyễn Hữu Vinh, một blogger nổi tiếng có bút danh ‘Anh Ba Sàm’ trước kia là công an, cáo buộc rằng Nhà nước đã dời đi dần tất cả các biểu tượng có vẻ là phản kháng yêu nước ra cách xa khu vực biên giới. Thật ra, điều này có thể đúng mà cũng có thể không. Vấn đề đối với nhà chức trách VN là khi nói đến quan hệ với TQ, rất ít người tin họ nữa. Chỉ thị của họ cho báo chí và các giáo sư ngăn chặn cuộc thảo luận về vấn đề này chỉ làm tăng sự lây lan của thuyết âm mưu. Mọi thứ họ nói và làm bất kể với ý định gì đều bị quy là do động cơ bất chính.

Dù khôn khéo và thông minh về nhiều mặt, Đảng có vẻ không đáp ứng được với những thách thức này ngoại trừ theo kiểu cách đã quen dùng. Họ đã thông qua luật mới để kiểm soát việc viết blog (dù cũng không hiệu quả như luật cũ) và truy bức các nhà hoạt động có chung mục đích với các tổ chức chống cộng ở nước ngoài. Đã có hàng chục vụ ‘xử công khai’ trong vài năm qua. Các cơ quan an ninh có vẻ vui mừng vượt qua những lời chỉ trích không thể tránh khỏi của quốc tế – qua việc dùng các vụ xử về xúi giục kẻ khác (pour encourager les autre). Một số người cho rằng các lực lượng thân TQ trong Đảng thực tế khá hài lòng với những lời chỉ trích này vì nó ngăn không cho chính phủ các nước phương Tây trở nên quá gần gũi với VN và cũng giúp họ tiếp tục nắm quyền cai trị đất nước.

Như thế giới đã thấy rõ vào tháng 5 năm 2014, khi các cuộc biểu tình chống lại việc TQ đưa giàn khoan dầu gần Quần đảo Hoàng Sa trở thành bạo loạn, chắc chắn có những tình cảm dân tộc, chống TQ ở VN gây ra các khó khăn cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, những điều này không buộc Đảng phải theo hướng đối đầu với TQ mà buộc họ vào cuộc đối đầu với một bộ phận nhân dân. Đảng sợ các cuộc biểu tình do có thông điệp chống Đảng tiềm ẩn trong đó và khả năng chúng có thể leo thang thành một cái gì đó có thể đe dọa sự cai trị của họ. Ưu tiên của họ là sự ổn định của các vấn đề trong nước lẫn quốc tế chứ không phải là tự do bày tỏ. Nhưng những người ủng hộ tự do bày tỏ và tự do cá nhân trong nước cũng là những người ủng hộ lớn tiếng nhất việc đối đầu với nước ngoài. Một bên ủng hộ hòa bình, bên kia ủng hộ tự do. Không bên nào ủng hộ cả hai.

**********

Ở một thành phố khác, nhưng lần này hai đám đông ồn ào với hai chương trình hành động đối nghịch. Sáng sớm Thứ Hai 16 tháng 4 năm 2012, một cuộc biểu tình chớp nhoáng trên con đường đi dạo cạnh bờ biển ở Manila, Roxas Boulevard, đặt theo tên của tổng thống đầu tiên của nước Philippines độc lập. Khoảng 70 ủng hộ viên thuộc Liên Đoàn Sinh Viên Philippines đổ xô tới bức tường Toà Đại Sứ Hoa Kì. Toà nhà phức hợp này được xây dựng chắc chắn trên đất bồi đắp từ Vịnh Manila, vùng nước mà vào năm 1898 Hoa Kì đánh bại Hải Quân Tây Ban Nha để trở thành cường quốc thế giới. Các nhà hoạt động này thấy viên cảnh sát phụ trách trông coi bên ngoài nằm ngủ trong xe tuần tra, và thích thú với vận may của mình, họ bắt tay tiến hành công việc trên những biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc. Họ ném bom sơn xanh đỏ vào tường, xịt sơn vẽ khẩu hiệu trên đó và thực hiện nghi thức truyền thống đốt cờ Mĩ. Một vài chiến binh nhảy qua rào và làm việc với bảng tên bằng đồng của Toà Đại Sứ. Lúc cảnh sát chống bạo động tới nơi, tòa nhà đã bị đổi tên thành ‘.m.as.. of the .ni.ed S.ates of .merica’ [thay vì Embassy of the United States - ND]. Những người biểu tình lẫn vào các đường phố bên không có các lực lượng thực thi pháp luật và trật tự cản trở - có lẽ là để tranh cãi về điểm Scrabble [trò chơi xếp chữ] tối đa mà họ có thể đạt được với tám con chữ họ vừa lấy cắp. Mãi đến khi mọi việc xong xuôi, viên cảnh sát đang ngủ mới thức dậy và lái xe đi, dường như chẳng biết chút gì về việc xảy ra.[3] Anh ta và cấp trên trực tiếp sau này đều bị buộc tội không làm đúng chức trách.

Sau đó 6 giờ và cách đó 7 cây số, trong cảnh trí sáng sủa, sang trọng của khu thương mại Makati, một đám đông ồn ào không kém nhưng hành xử đàng hoàng hơn tụ tập bên ngoài toà lãnh sự TQ. Ở đây, viên cảnh sát tỉnh táo và được cảnh báo trước và cuộc biểu tình được bố trí một cách an toàn cách xa các bức tường, các bảng hiệu và cửa sổ kiếng. Có tổ chức hơn một chút ở đây - hoặc ít nhất là có nhiều tiền hơn. Thay vì biểu ngữ tự chế và xà beng, vài chục người biểu tình cầm những tấm biển được vẽ đàng hoàng dưới dạng dấu hiệu DỪNG (STOP)- đòi ‘TQ – xéo đi’ và ngưng ‘trộm cá ở biển Phillippines’. Sự tương phản tiếp tục. Thay vì các nhà cách mạng với cặp mắt lườm lườm, những người chụp ảnh chọn các cô gái với khuôn mặt dễ mến đưa lên các trang báo ngày hôm sau, cho các biên tập viên của họ lựa chọn các hình ảnh tương phản về cuộc biểu tình và hai thế giới quan khác nhau về cơ bản.

Buổi sáng hôm đó tại Manila hai chủ nghĩa dân tộc của Philippines tự khẳng định mình. Số người tham dự hết sức nhỏ nhoi: chỉ đầy một vài xe buýt trong một đô thị có 12 triệu dân. Nhưng đối với những người khua trống và vẫy biểu ngữ, các hành động này là sự khẳng định quan trọng về tình tự dân tộc khi đối mặt với những biểu lộ đe dọa rõ ràng của quyền lực nhà nước. Các sinh viên tại Toà Đại Sứ đã vạch lịch tấn công trùng với thời gian bắt đầu của cuộc tập trận hằng năm Mĩ - Philippines có tên là Balikatan – tiếngTagalog là ‘vai sánh vai’. Trong một màn phô diễn dễ thấy về sự đoàn kết, hơn 6 000 lính thuỷ đánh bộ, bộ binh, phi công và lính thủy hai nước thực hành nghệ thuật chiến tranh và can thiệp nhân đạo trên các bãi biển và các căn cứ quân sự trên khắp đất nước. Trái lại, các cô gái dễ mến với những dấu hiệu STOP đã tức giận về việc nhà chức trách TQ cố sáp nhập bãi cạn Scarborough, ngoài khơi cách bờ biển Luzon 230 km. Việc Philippine bắt giữ 8 tàu TQ bị nghi đánh cá bất hợp pháp, 8 ngày trước đó, đã trở thành một thất bại thảm hại. Tàu hải giám TQ đã ló mặt, ngăn không cho Hải Quân và Tuần Duyên Philippines thực hiện bất cứ hành động nào đối với những ngư dân đã thu lượm được hàng trăm con trai khổng lồ và một lượng lớn san hô, bất chấp các quy định bảo tồn. Sự bất lực của chính quyền Manila khi đối mặt với sức mạnh của Bắc Kinh đã bị phô ra một cách tàn tệ.

Nhưng đối với những kẻ quậy phá Tòa Đại Sứ Mĩ, sự bất lực đó của Manila là kết quả của một thế kỉ bị Mĩ thống trị. Trong mắt nhóm Bayan - liên minh phe tả cực đoan trong đó có Liên Đoàn Sinh Viên Philippines – thì sự thống trị của Mĩ đặt ra một mối đe dọa đối với tương lai của đất nước lớn hơn nhiều so với các tàu TQ ở ngoài khơi. Từ bayan có nghĩa là ‘dân tộc/quốc gia’ trong tiếng Tagalog và, khi được yêu cầu mô tả phong trào này tranh đấu cho điều gì, Tổng Thư Kí của nó là Renato Reyes nêu rõ: tả (left), dân tộc, chống đế quốc. Tôi gặp Reyes tại một gian của Americana, quán Pizza Yellow Cab trên bờ biển Manila. Ông chọn vị trí thuận tiện: gần địa điểm của một cuộc biểu tình khác nữa bên ngoài Toà Đại Sứ và không xa bệnh viện nơi ông sắp đi tới để ủng hộ các nhân viên y tế đình công.

Qua trò chuyện, đối với Reyes cách mà chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc hòa quyện vào nhau như thế nào đã trở nên rõ ràng. Có một cảm giác lòng tự hào bị xúc phạm, cảm nhận rằng đất nước không thể đứng cao lên được chừng nào mà nó còn sống dưới bóng của Hoa Kì, và rằng tình trạng hạng hai này được - hoặc phải được - cảm nhận như một sự nỗi nhục cá nhân đối với mỗi một người dân Philippines. ‘Một thượng nghị sĩ từ lâu đặc tả đó là một “chính sách ngoại giao ăn xin”. Anh phải luôn ăn mày đồ phế thải, luôn luôn van xin sự giúp đỡ từ ông anh lớn Hoa Kì, và trong nửa thế kỉ qua, chúng tôi chưa thực sự phát triển hay hiện đại hóa vì lí do đó’. Khi ông nhét thêm vào một lát bánh Ý-Mĩ-Philippines, Reyes phát triển quan điểm của mình: sự phụ thuộc này là sự tiếp nối của chiến lược thuộc địa để giữ Philippines như là một thị trường bị giam hãm cho hàng hóa của Mĩ trong đó tầng lớp cao Philippines gặt hái những phần thưởng của việc duy trì nguyên trạng (status quo) kinh tế và chính trị như đang có.[4] ‘Chúng tôi phản đối việc TQ xâm lấn nhưng chúng tôi cảm thấy rằng trong ngắn hạn và dài hạn mối đe dọa lớn hơn vẫn là Hoa Kì. Nếu bạn xếp hạng những kẻ bắt nạt trong khu vực này thì kẻ bắt nạt lớn hơn sẽ là Hoa Kì.’

Đối lại, người tổ chức cuộc biểu tình chống TQ là một người có tinh thần dân tộc bất đắc dĩ. Trong nhiều thập kỉ Walden Bello được biết đến như là một đối thủ lớn tiếng chống chủ nghĩa tân đế quốc phương Tây. Nhưng bây giờ đảng Akbayan của ông thường xuống đường lên án nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và lãnh đạo cộng sản nước này. (Akbayan dùng lối chơi chữ dựa trên từ bayan, nhưng akbay có nghĩa đen là choàng tay qua vai ai đó, thể hiện tình cảm hay đoàn kết). ‘Tôi không chắc liệu có thể gọi đảng của chúng tôi có lập trường dân tộc hay không’, ông cân nhắc, ‘vì thực tế rằng lập trường dân tộc thường gắn liền với chủ nghĩa dân tộc phi lí’. Bello phủ nhận rằng ông đã thay đổi phía. ‘Không, tôi nghĩ rằng đó chỉ là một tình huống hơi phức tạp một chút. Tôi nghĩ rằng điều gây mất ổn định lớn nhất trong khu vực vào thời điểm này thực sự là việc Mĩ chuyển trục sang châu Á. Nhưng đồng thời Mĩ cũng đang lợi dụng các động thái hung hăng của TQ ở Biển Tây Philippines để làm cho họ có vẻ như một đối trọng’.

Hai nhà lãnh đạo này là hai đối thủ chính trị cay cú nhau. Đảng của Reyes mô tả Bello như là ‘nhân viên đặc biệt của chế độ Aquino’ và Bello mô tả Reyes như bị dính cứng trong nền chính trị của thập niên 1960. Dù vậy cả hai lại có cùng quan điểm về vai trò của Hoa Kì trong chính trị thế giới. Như Reyes giải thích, ‘chúng tôi không thực sự xem TQ vào thời điểm này là có ý đồ đế quốc như Hoa Kì. Tất nhiên TQ có thể tiến tới đó, có thể họ muốn mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự và ảnh hưởng của mình nhưng TQ chưa đạt tới mức độ của Hoa Kì, mức độ theo đó Mĩ sẵn sàng tiến hành chiến tranh, thuộc địa hoá và chiếm các nước khác cốt chỉ để họ có thể thúc đẩy lợi ích kinh tế của họ tiến lên’.[5] Nhưng trong khi ủng hộ lập trường chống TQ, Bello cũng cố tách Hoa Kì khỏi các vấn đề của Philippines: ‘nếu bạn đem một siêu cường vào để chống lại một siêu cường khác thì động lực siêu cường bắt đầu đẩy vấn đề này và xua giải pháp hòa bình ra ngoài lề. Tôi nghĩ rằng cân bằng quyền lực chính trị thực sự nguy hiểm vì nó thường kết thúc với việc người ta cạn kiện biện pháp kiểm soát, với những cuộc chạy đua vũ trang giống như thế chiến thứ nhất ở châu Âu’. Điều có vẻ rõ ràng rằng lập trường ‘chống Mĩ’ và ‘chống TQ’ ở Philippines không phải là hai thái độ tương phản đối với các nước lớn nhưng là một cái gì khác, bắt nguồn từ lịch sử tạp chủng của đất nước này.

Vào cuối thế kỉ XIX, hai chủ nghĩa dân tộc khác nhau đã thách thức quyền cai trị của Tây Ban Nha ở Philippines: một từ các tầng lớp bên trên và một từ tầng lớp trung lưu. Trong nhiều thế kỉ các nhà cai trị Tây Ban Nha đã phân biệt đối xử với di dân TQ và con cháu của họ. Chi tiết khá dài dòng và không vẻ vang nhưng đại khái thì những người nhập cư có được một sự lựa chọn. Những người cải đạo sang Công giáo được phép chuyển thành thường trú, kết hôn và đi lại khắp Philippines - nhưng không được quay về TQ. Những người không cải đạo có thể đi qua lại TQ nhưng nơi duy nhất họ có thể sống ở Philippines là khu ổ chuột Parian ở Manila. Họ bị cấm không được kết hôn hoặc định cư vĩnh viễn tại Philippines. Cho đến cuối thập niên 1880 người Tây Ban Nha chính thức phân loại con cái của những người cải đạo và kết hôn là mestizo- ‘lai’. Người mestizo đặt tên theo tiếng Tây Ban Nha, nói tiếng Tây Ban Nha (không giống như 95 % dân cư[6]) và theo cách sống Tây Ban Nha, nhưng dù trở nên giàu có hay có học thức đến mấy họ cũng không bao giờ có thể tiến lên tầng lớp bên trên của xã hội. Từ hàng ngũ của họ mọc ra người ‘Ilustrado’- ‘người được giải thoát’. José Rizal, tác giả của cuốn tiểu thuyết mang tính dân tộc Noli Me Tángere, là ví dụ quan trọng nhất. Họ bắt đầu tự gọi mình là Filippino (người Philippines) - một từ trước đây dành cho những người Tây Ban Nha ‘toàn huyết’ - và đòi bình đẳng.

Một phong trào khác nổi lên từ tầng lớp trung lưu thành thị, một phần để đáp ứng với phản ứng tàn bạo của Tây Ban Nha đối với người Ilustrado - chẳng hạn như họ xử tử Rizal vào năm 1896. Ban lãnh đạo ‘Hội cao cả nhất và đáng kính nhất của con cái nhân dân’ (The Highest and Most Respectable Society of the Sons of the People), được biết với tên Katipunan, bắt nguồn từ hàng ngũ các nhân viên văn phòng, các chủ tiệm và chủ yếu là người indio - bản địa - chứ không phải là người mestino. Trong khi người Ilustrado muốn được chấp nhận là bình đẳng với người Tây Ban Nha, Katipunan quyết liệt từ chối quyền cai trị của Tây Ban Nha và bắt tay xây dựng có ý thức một bản sắc dân tộc khác. Nhưng dự án quốc gia này cũng dựa trên chủ nghĩa sô vanh. Chủ yếu có gốc gác ở Manila, Katipunan đề cao văn hóa Luzon, đặc biệt là tiếng Tagalog, lên địa vị văn hóa dân tộc và tìm cách áp đặt nó lên phần còn lại của đất nước. Ở nhiều nơi, nó đã - và vẫn đang – bị phản kháng như sự xâm nhập ngoại lai vào cuộc sống địa phương.

Khi Katipunan nổi dậy chống người Tây Ban Nha vào năm 1896 nhiều người Ilustrado đã cùng với họ chiến đấu chống lại kẻ thù chung. Họ đã tìm kiếm trợ giúp từ nước khác vốn cũng đã thoát khỏi xiềng xích của chế độ thực dân. Nhưng sau khi Hoa Kì thắng trận chiến Vịnh Manila, chỉ huy của Mĩ tiếp tục bóp nghẹt nước Cộng Hoà Philippines còn non trẻ với một chiến dịch chống nổi dậy tàn khốc. Nhiều người Ilustrado, báo động bởi sự nổi lên của người Katipunan và các nhóm quân phiệt khác, từ bỏ lợi ích ‘quốc gia’ vì lợi ích của riêng mình: họ bước vào một mối quan hệ cộng sinh với bọn thực dân mới của đất nước.[7] Có học thức cao, người Ilustrado (chủ yếu là con cháu người mestizo, dù không hoàn toàn) đã được ở vị trí tốt trong việc trợ giúp người Mĩ và cũng ở vị trí tốt để nhận được những phần thưởng khi ‘các bất động sản rộng lớn của các nhà dòng’ Công giáo bị tịch thu và phân phối lại. Luật bầu cử được soạn có lợi cho những người có tài sản và có học.[8] Trong nửa thế kỉ, quan chức Mĩ cai trị quần đảo này, đè bẹp đối lập và nâng cao quyền lực của tầng lớp bên trên. Một phần nhỏ dân Philippines - không nhiều hơn 5 % - tiếp tục khống chế toàn xã hội. Hiện nay vẫn còn như vậy. Ví dụ,  tổng thống Roxas, Laurel, Quirino, Magsaysay, Marcos, Cory Aquino và Benigno Aquino đều là con cháu người mestizo, cũng như nhiều gia đình giàu có của đất nước như Ayalas, Aboitiz và Razons đều như vậy.

Nhưng việc nắm quyền của họ lại bị phản đối mãnh liệt bởi nhiều nhóm người tự xưng là hậu duệ chính trị của người Katipunan. Họ có mặt khắp các xu hướng chính trị: từ những nhà cách mạng cộng sản cho đến sĩ quan quân đội vỡ mộng. Điều mà họ có chung là việc tin rằng các thành viên của tầng lớp bên trên đã bán nước cho Mĩ để đổi lấy lợi ích cá nhân thì không có quyền tự gọi mình là nhà lãnh đạo của đất nước. Ở các vùng quê từ lâu đã có truyền thống vũ trang chống lại địa chủ và tình trạng mà họ kiểm soát, kể từ cuộc chiến tranh giành độc lập và thông qua các phong trào du kích Hukbalahap trong hai thập niên 1940 và 1950. Việc mở rộng nhanh chóng giáo dục ở Philippines trong thập niên 1960 đã góp phần lan truyền sự tức giận này đến các khu vực đô thị. Khi dân chúng đổ về các thành phố, con cái của họ lớn lên bị chính trị hoá bởi những bất công mà họ đã nhìn thấy xung quanh: bất bình đẳng xã hội quá độ, tham nhũng tràn lan và tàn bạo chính trị tệ hại.

Theo dấu của các nhà tư tưởng cánh tả, như nhà sử học Teodoro Agoncillo, thế hệ cấp tiến này lập luận rằng chỉ có những người Philippines thực sự mới là quần chúng - những người ở dưới đáy xã hội.[9] Những kẻ là thành viên trên cùng của tầng lớp bên trên kiếm được địa vị qua liên minh với thực dân Mĩ - không thật sự ‘thuộc dân tộc’. Họ lập luận rằng ở một đất nước vốn chỉ được độc lập vào năm 1946, gồm một nhóm đảo nhiều vẻ bị ràng buộc vào một nhà nước đơn nhất nhưng ràng buộc rất ít theo cách của một nền văn hóa ‘dân tộc’ thì khó mà đoàn kết người dân Philippines lại với nhau. Phe tả cực đoan, tiền thân của cả Bayan lẫn Akbayan với hiệu triệu của họ với công chúng dựa trên lập luận rằng người dân nói chung đã đau khổ vì sự lạm dụng phạm phải bởi một tầng lớp người trong chừng mức nào đó là ngoại lại, được hậu thuẫn của nước ngoài. Từ cốt lõi, đó là một thông điệp dân tộc. Họ đã cố gắng để tạo ra một bản sắc dân tộc cho người dân – người ‘Filipino’- từ một bản sắc kinh tế - sự nghèo nàn. Đối với họ, là người Philippines thì phải chống Mĩ. Đó là một lập luận phổ biến lan sâu vào các khu ổ chuột đô thị và các đồn điền nông thôn. Nhưng trong khi các tiền bối chính trị của Akbayan tìm cách giành quyền kiểm soát nhà nước thông qua chính trị, tiền bối của Bayan quyết định có thể sẽ không có thỏa hiệp với một nhà nước kiểm soát bởi tầng lớp bên trên và cầm vũ khí chống lại nó - cuối cùng hình thành Quân đội Nhân dân Mới Maoist.

Do đó, việc họ có lập trường khác nhau về Biển Đông chỉ là cái mới nhất trong một chuỗi dài các tranh chấp giữa các đối thủ trong tầng lớp bên trên ở Philippines. Lúc này lúc khác, các nhóm này có thể tạo ra một câu chuyện để họ đoàn kết với nhau và cũng để giành được sự ủng hộ của dân số lớn hơn. Nhưng sức mạnh của lí lẽ chống Mĩ hoặc chống TQ không nhất quán. Tại một vài thời điểm nó có thể lôi kéo một số rất lớn xuống đường nhưng quần chúng đông đúc của Philippines thường chú ý đến các lễ hội tôn giáo và các loại kịch nhẹ giải trí nhiều hơn. Câu chuyện về việc Chúa Jesus chịu khổ nạn có nhiều âm hưởng với hầu hết người Philippines hơn các lập luận rằng đất nước họ đang bị một Pontius Pilate (quan toà La Mã xử đóng đinh Chúa Jesus trên giá chữ thập - ND) hiện đại đóng đinh. Ba tháng trước sự kiện tháng 4 năm 2012, đám rước Black Nazarene tại Vương Cung Thánh Đường Quiapo ở ngoại ô Manila đã thu hút một đám đông ước tính vào khoảng 6 tới 8 triệu – con số mà phe tả chỉ có thể mơ ước.

Những câu chuyện chịu khổ nạn và cứu rổi của cá nhân quan trọng đối với hầu hết người Philippines nhiều hơn là câu chuyện về áp bức và giải phóng đất nước. Điều đó được tăng cường bởi một chương trình học dạy trẻ con rằng lịch sử của họ chỉ bắt đầu vào năm 1521 khi Magellan đến Philippines và thường dạy bằng cách sử dụng Hoa Kì như là một lí tưởng mà Philippines phải cố gắng để noi theo. Khi nhìn theo ánh sáng này không ngạc nhiên là mặc dù phải sống dưới chủ nghĩa thực dân và quan hệ bất bình đẳng cả thế kỉ, nhiều khảo sát lặp đi lặp lại chỉ ra rằng người Philippines là dân thân-Mĩ nhất trên hành tinh. Thăm dò ý kiến của Pew Global Attitudes Survey và BBC / GlobeScan 2002-2013 đều cho thấy 85-90 % dân số Philippin có thái độ tích cực đối với Mĩ. Khảo sát của Pew 2013 cũng cho thấy 85 % người Philippines tin rằng Hoa Kì có xem xét tới lợi ích Philippines khi xây dựng chính sách.[10] Có một suy nghĩ chung rằng Hoa Kì sẽ có mặt để giúp họ trong bất cứ giờ phút cần thiết nào trong tương lai.

Điều này nằm đằng sau cái có thể có vẻ là một sự thụ động chung trong dân chúng về Biển Đông - hay biển Tây Philippines như chính thức được biết đến ở nước này từ ngày 5 tháng 9 năm 2012.[11] Dù khảo sát Pew 2013 cho thấy rằng 90 % dân số coi tranh chấp với TQ là một ‘vấn đề lớn’ nhưng đòi hỏi phải có hành động thì không nhiều. ‘Không phải người Philippines không quan tâm tới Biển Tây Philippines, chỉ là vì họ biết rằng biển này thuộc về chúng tôi - qua sự gần gũi tuyệt đối’,[12] Jose Santos Ardivilla, một nhà quan sát chán ngán về các xu hướng này (vốn vừa là nhà vẽ tranh biếm họa của tờ Manila Star dưới bút danh ‘Sic N Tyred’ vừa là giảng viên nhân văn tại Đại Học Philippines) lập luận. ‘Họ không bị nó ảnh hưởng ngay lập tức và họ có những vấn đề khác cấp bách hơn. Nhưng họ thật sự quan tâm đến chủ quyền và quyền sở hữu vì chúng tôi nghe nói rằng các đảo này là có khá nhiều khoáng sản’. Trong những ngày sau khi sự cố Bãi Scarborough xảy ra, tin tặc từ cả Philippines lẫn TQ tiến hành một cuộc chiến tranh mạng thay đổi nội dung các trang web của nhau. Có những dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa dân tộc phổ biến đang được khuấy động vào cuộc sống về các mỏm đá đó, nhưng nó lại tan biến chỉ trong vòng vài ngày. Tóm lại, có rất ít sức ép từ bên dưới thúc đẩy tầng lớp bên trên đi vào hành động đối với các tranh chấp lãnh thổ. Áp lực như vậy đúng là có tồn tại từ một lớp mỏng các nhà hoạt động chính trị và các nhà bình luận, nhưng nó ít có tác dụng: tầng lớp bên trên gần như không có khả năng đồng thuận nên khó có việc phối hợp hành động.

Một trong những nét nổi bật nhất của nền chính trị Philippines là có thật ít sự nhất trí về lợi ích quốc gia. Có rất nhiều lời hô hào về quốc gia, đặc biệt là vào thời điểm bầu cử, nhưng bản sắc vùng miền thường mạnh hơn. Vốn là một tập hợp gồm nhiều đảo có các rặng núi dốc ngăn cách bên trong nên không ngạc nhiên khi mọi người chỉ nhìn vào bên trong, hướng về các nhà cai trị địa phương chứ không nhìn hướng tới thủ đô quốc gia ở xa xôi. Cả thực dân Tây Ban Nha lẫn Mĩ đều thấy thuận tiện khi cai trị thông qua các thủ lĩnh địa phương,qua việc cố kết quyền lực của các gia đình đang nắm quyền lẫn quyền lực của chính họ. Đối với Philippines nói chung, kết quả là địa phương mạnh và quốc gia yếu. Manila yếu, các nhà cầm quyền địa phương thường xuyên hành động mà không bị trừng phạt, và thậm chí cả ở cấp quốc gia, các gia đình có thế lực có thể thực thi các chính sách tư riêng hoàn toàn vì lợi ích riêng của họ. Do họ kiểm soát các ngành kinh tế chủ chốt và chính trị, ảnh hưởng cá nhân có thể sâu sắc và gây mất ổn định. Các vụ bê bối trong các dự án NorthRail và Khảo sát Địa chấn biển chung (xem Chương 5) phơi bày cách mà các nhân vật quốc gia, lúc này lúc khác, bẩy xeo các lợi ích quốc gia và mặc cả với chính phủ nước ngoài vì lợi ích của riêng mình.

Rất hiếm khi tinh thần dân tộc trong tầng lớp bên trên có một vai trò trong chính trị quốc tế. Năm 1991, Thượng Viện gây sửng sốt Washington với việc bỏ phiếu chống việc gia hạn Hiệp định về Căn cứ Quân sự năm 1947, buộc căn cứ hải quân Mĩ rộng lớn tại Vịnh Subic phải đóng cửa. Nhưng đó là trường hợp đặc biệt. Một vài trong số 12 thượng nghị sĩ bất đồng chính kiến theo chủ nghĩa dân tộc trường phái cũ cảm thấy sự phát triển của đất nước bị kiềm hãm vì sự phụ thuộc vào chú Sam. Nhưng số lượng của họ đã phồng lên bởi việc công chúng giận dữ về vai trò của Washington trước đây trong hậu thuẫn chế độ độc tài Ferdinand Marcos (ít nhất là trong những năm đầu, cố làm giảm quyền thế của các gia đình tầng lớp bên trên cũ). Những người khác không muốn Philippines trữ vũ khí hạt nhân của Mĩ và một số tức giận về việc binh lính Mĩ càn quấy phụ nữ địa phương.

Tuy nhiên, năm 1991 là một ngoại lệ. Các quan hệ ràng buộc tầng lớp bên trên của Philippines với Hoa Kì - ngôn ngữ, lịch sử và triển vọng chia sẻ - đang thắt chặt. Nhưng họ ru ngủ các thành viên của mình vào tình trạng thoải mái tuỳ tiện dựa trên giả định rằng đó là cảm giác của cả hai bên với nhau. Bộ phận này của xã hội, từng cúc cung tận tuỵ Washington qua nhiều thế hệ, đã tự thuyết phục mình, như Tướng MacArthur đã làm trong năm 1944, rằng Hoa Kì sẽ trở lại trong những giờ phút cần đến và đương nhiên đứng về phía Philippines trong bất kì tranh chấp nào. Cảm giác quá mức này về tầm quan trọng của mình làm những người làm chính sách mờ mắt không thấy thực tế trong khu vực đang thay đổi: quan hệ của Washington với Bắc Kinh hiện nay là quan trọng hơn nhiều so với các nghĩa vụ của họ đối với Manila. Kết quả là nguy hiểm cho nước này nói chung và họ đã phạm sai lầm ngớ ngẩn rơi vào khủng hoảng chính sách đối ngoại, như bế tắc ở Bãi Scarborough vào năm 2012, lớn tiếng nhưng không có sức mạnh cơ bắp để hậu thuẫn. Việc mất niềm tin vào Hoa Kì có thể có những hậu quả rộng lớn hơn trong tương lai. Tầng lớp bên trên có thể quyết định rằng lợi ích của họ sẽ được phục vụ tốt hơn bởi các mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, hoặc họ có thể vẫn gắn bó với Washington và mất đi tính hợp pháp trong mắt của dân số lớn hơn nếu như Washington không luôn giúp họ trong các cuộc khủng hoảng.

Nhưng có một luồng khác của chủ nghĩa dân tộc Philippines theo hướng ác cảm – đối với cộng đồng thiểu số gốc người Hoa rõ rệt. Ngược với tầng lớp mestizo bên trên vốn tìm cách che giấu nguồn gốc TQ của mình, những người nhập cư thế kỉ XX không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải công khai xác định như vậy. Trong nhiều thế kỉ người Phúc Kiến bị giữ ngoài lề xã hội Philippines. Người Tây Ban Nha phân loại họ là ‘Sangley’ rồi ‘Chino’, nhà chức trách Mĩ đã thông qua ‘Luật Loại trừ người Hoa’ để kiểm soát di trú của họ và hiệp ước 1947 đặt họ dưới quyền tài phán của Trung Hoa Dân Quốc - tình huống này chỉ kết thúc vào năm 1975 khi Manila chuyển công nhận ngoại giao sang Trung Hoa cộng sản và cấp quyền công dân đầy đủ cho người ‘Chino’. Họ làm ăn phát đạt với tư cách một cộng đồng. Mười chín trong số 40 người Philippines giàu nhất trong danh sách Tạp chí Forbes 2013 có họ TQ: Henry Sy (Thi Chí Thành) sở hữu trung tâm mua sắm, Lucio Tan (Trần Vĩnh Tài) sở hữu các doanh nghiệp bia và thuốc lá , John Gokongwei (Ngô Dịch Huy) sở hữu một hãng hàng không và bất động sản, George Ty (Trịnh Thiếu Kiên) sở hữu nhiều công ti dịch vụ tài chính - và vân vân....[13] Một số tài sản này đã được tăng lên qua hợp tác với các gia đình người mestino lâu đời - Thi với Ayalas và Ngô với Lopezes, chẳng hạn.[14] Nhưng thành kiến với những người có ‘họ ngắn’ vẫn kéo dài. Việc người gốc Hoa bị người Philippines khác gọi là ‘intsik’ (côn trùng) là chuyện bình thường, mặc dù hiện nay từ này đã được một số người gốc Hoa chấp nhận để gọi chính mình một cách châm biếm. Đôi khi họ gọi những người mới từ TQ đến là người ‘intsik chính cống’. Ngày nay, từ được chấp nhận cho người Philippines gốc Hoa là ‘Tsinoy’- một từ nhạy theo từ ‘Pinoy’, từ Tagalog chỉ người Philippines.

Cộng đồng Tsinoy rõ nhất là ở khu Binondo thuộc Manila , chỗ mà ban đầu là một mảnh đất cho những người gốc Hoa đã cải sang đạo Công giáo và cho con cái họ - người mestizo gốc.[15] Binondo trở thành quê hương cho dân số người Hoa rộng lớn hơn trong những năm cuối thế kỉ XVIII sau khi khu ổ chuột Parian bị phá bỏ, nơi mà ban đầu những người Hoa không cải đạo bị buộc phải sống ở đó (nằm gọn trong tầm bắn của súng Tây Ban Nha trên tường thành phố). Binondo cũng chỉ cách thành phố cũ một tầm pháo nhưng ngày nay các hiểm nguy đối với cuộc sống và cơ thể không phải từ súng đạn mà từ các đường nước hôi hám đổ vào sông Pasig và các luồng khí thải độc hại choáng đầy các đường phố hẹp. Thoạt nhìn nó có vẻ đi xuống nhưng đằng sau sự rệu rã, khu này vẫn còn là một trung tâm quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Những cửa hàng nhỏ ở đó thường là mặt tiền cho các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối lớn hơn nhiều. Các khối nhà tháp lớn vượt lên trên khoảng không ở giữa.

Một phần thông qua thừa kế và một phần thông qua mệnh lệnh hành chính, Binondo vẫn giữ sắc thái tạp chủng riêng biệt. Binondo được làm lại vào đầu thập kỉ 1970 sau khi thị trưởng Manila khẳng định rằng nó chưa đủ ‘Hoa’. Trong một nỗ lực để thu hút khách du lịch, các cổng chùa trang trí công phu đã được dựng lên tại các lối vào khu vực này và cộng đồng đã được yêu cầu trưng bày cáu biển hiệu Tiếng Trung trên các doanh nghiệp của họ.[16] Nhang được đốt trước bàn thờ Công giáo, DVD Hong Kong và Hollywood xen lẫn trên kệ và tiếng Anh pha trộn với tiếng Phúc Kiến. Mỗi khi căng thẳng giữa Philippines và TQ tăng cao thì lòng trung thành của người Tsinoy lại được chú ý. Những người này có thân hoặc chống Mĩ hay TQ nhiều hơn phần còn lại của dân số chút nào không?

Trong các cửa hàng ở Binondo cảm xúc bao trùm là muốn tránh bất kì loại rắc rối nào. Một vài người sẽ được công khai nêu ra nhưng một chủ cửa hàng in vạch ra nét tiêu biểu của khu này: ‘làm ăn là làm ăn , chính trị là chính trị’. Tuy nhiên cũng có sự cảnh giác. Ông cảnh báo ‘những người thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội không có vấn đề gì với người Hoa, nhưng những người ít học và những người có quyền lợi cố kết có thể than phiền báo chí, truyền thông vì đã khuấy động lòng ác cảm’. Trên một con đường khác, Ka Wilson Ng, thợ làm bánh mì thành công và cựu chủ tịch của Hội Lions địa phương, điển hình hoá tính tạp chủng của người Tsinoy. ‘Nếu họ tấn công chúng tôi, tôi sẽ bảo vệ đất nước này. Nhưng nếu chúng tôi tấn công họ, tôi sẽ đứng về phía TQ’. Rõ ràng ông tự nhận mình là ‘chúng tôi’- người Philippines - nhưng các quan hệ vẫn ràng buộc ông vào đất nước khác. Gia đình Wilson gốc Phúc Kiến đến đây ba thế hệ trước. Ông kết hôn với một phụ nữ Philippines và họ nói tiếng Phúc Kiến ở nhà nhưng ông không chắc cháu của ông có thể bặp bẹ được hơn một vài từ thứ tiếng này không. Đó là một câu chuyện về hội nhập không cưỡng lại được.

Trên toàn dân số nói chung, thái độ đối với TQ nhìn chung là tích cực trong nhiều năm, mặc dù ít hơn so với Mĩ. Năm 2005, 54 % người Philippines đã có một cái nhìn tích cực về TQ và 30 % có một cái nhìn tiêu cực. Đến năm 2011, khi thương mại giữa hai nước tăng nhanh, tỉ lệ tích cực đã tăng đến 62% với tiêu cực vẫn còn trên 31 %. Tuy nhiên, vào năm 2013, trong bối cảnh bế tắc Bãi Scarborough, theo Pew Global Attitudes Survey , tỉ lệ tích cực đã giảm xuống còn 48% với 39 % hiện nay xem TQ như kẻ thù nhiều hơn là một đối tác. Tuy nhiên, có vẻ không chắc rằng điều này sẽ chuyển thành lời kêu gọi hành động của toàn dân. Mặc dù mức độ lo ngại về ý đồ của TQ tăng lên, ‘ngọn lửa chiến tranh’ định kì giữa các blogger trên mạng và sự hoạt bát lẫn hiệu triệu qua hình ảnh các cuộc biểu tình trên đường phố Manila, chưa ai trong số những tay chơi chính trong nền chính trị Philippines tìm cách liên kết cuộc đấu tranh về chủ quyền và nguồn năng lượng ngoài khơi với cuộc mưu sinh hàng ngày của quần chúng. Dù từ cánh tả hay cánh hữu, lập luận vẫn diễn đạt bằng ngôn ngữ cầu kì về chủ quyền quốc gia, và ở Philippines, các trận đấu mồm đứng ở vị trí thứ hai tụt xa phía sau cuộc đấu tranh hàng ngày để kiếm miếng ăn.

**********

Quanh bờ Biển Đông nhiều cộng đồng ‘người Hoa’ khác, - chủ yếu là con cháu của những người Phúc Kiến tạm cư khác, bị làm khó dễ, luôn tới mức thật khó chịu, với câu hỏi về lòng trung thành của họ cứ lặp đi lặp lại. Mức được thua cao nhất có lẽ là ở Indonesia, nơi mà vào tháng 5 năm 1998 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á đã xảy ra cuộc bạo loạn, người Indonesia gốc Hoa bị đặc biệt nhắm vào - một phần là do thành phần khiêu khích trong quân đội đang tìm cớ để đảo chính - mà còn do những đám đông hỗn tạp trên đường phố. Hàng trăm người gốc Hoa đã bị giết chết trong bạo loạn và hàng ngàn người khác phải bỏ đất nước ra đi – mang theo vốn đầu tư trị giá khoảng $ 20 tỉ. Nhưng trong những năm sau đó, vị trí của những người ở lại và sống sót đã được cải thiện đáng kể. Văn hóa Trung Hoa được tán tụng, phân biệt đối xử đã giảm và thịnh vượng đã trở lại. Các tranh chấp ở Biển Đông hầu như không liên quan đến họ dù TQ yêu sách một phần vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia gần Quần đảo Natuna. Kể từ khi quân đội Indonesia phô diễn sức mạnh ngoài khơi mùa hè năm 1996 (xem Chương 3) Bắc Kinh đã thận trọng trong việc công khai theo đuổi tham vọng. Kết quả là vấn đề không tạo ra xúc cảm lớn lao nào trong cả nước. Khảo sát của Pew năm 2013 cho thấy 70 % người Indonesia có cái nhìn thuận lợi với TQ, so với 61 % với một cái nhìn tích cực với Mĩ. Chỉ có 3% xem TQ như một kẻ thù.

Trên bản đồ, và đôi khi trên biển, người Malaysia có thể có nhiều lí do để lo ngại về tranh chấp. Nước này yêu sách 12 thể địa lí thuộc quần đảo Trường Sa và đã chiếm đóng 5 trong số đó - tất cả đều bên trong ‘đường chữ U’.[17] Nằm ngay bên trong EEZ của họ là Bãi James – người Malaysia gọi là Beting Serupai, TQ gọi là Zengmu Ansha (Tăng Mẫu Ám Sa) - nơi mà Bắc Kinh chính thức tuyên bố là điểm cực Nam lãnh thổ của họ, mặc dù nó dưới mặt biển 22 mét và cách TQ ‘thuần tuý’ (proper) hơn 1 500 km. Tàu TQ gây gián đoạn công việc khảo sát dầu ngoài khơi Sarawak, ngay bên trong EEZ của Malaysia, hai lần vào tháng 8 năm 2012 và một lần nữa vào ngày 19 tháng 1 năm 2013. Tuy nhiên, ngay cả khi tàu hải quân TQ dừng lại tại bãi ngầm này hồi tháng 3 năm 2013 để cố củng cố yêu sách của họ, sự cố đó cũng không khuấy động nhiều cảm xúc. Nếu lưu ý rằng việc này chỉ xảy ra một tháng trước cuộc tổng tuyển cử cạnh tranh nóng bỏng thì đây có thể là một thời điểm để vấn đề đó có thể được khai thác cho mục đích chính trị - nhưng không có điều đó.

Cheng Chwee Kuik, giảng viên Nghiên cứu Chiến lược tại Đại Học Quốc Gia Malaysia và là một chuyên gia về quan hệ với TQ nói ‘người Malaysia bận tâm nhiều hơn về những vấn đề thiết thân hàng ngày như công bằng xã hội, tham nhũng, quản trị, trách nhiệm, chính trị theo nhóm dân cư (identity politics) và an toàn công cộng’. Trong những năm gần đây một xã hội dân sự ngày càng quả quyết đã xuống đường đòi hỏi có được tiếng nói lớn hơn trong chính trị đất nước, nhưng câu hỏi về Biển Đông lại không nằm trên khẩu hiệu hoặc biểu ngữ của họ. Trên thực tế người Malaysia đã lên tiếng mạnh bạo đối với một thỏa thuận chính phủ hồi tháng 6 năm 2012 về việc thuê cặp gấu trúc Feng Yi (Phong Ấp)và Fu Wa (Phúc Oa) - của TQ với chi phí có vẻ quá đắt tới 20 triệu Ringgit ($ 6 triệu) để kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Nhưng việc lạm dụng đó chỉ đổ lên đầu của thủ tướng Malaysia chứ không phải Bắc Kinh.

Vấn đề về quan hệ với TQ khó có khả năng sẽ nổi lên trong chiến dịch tranh cử vì một lí do đơn giản: tiền mặt. Từ năm 2009, TQ đã là đối tác thương mại thương mại lớn nhất của Malaysia.[18] Giao thương hai chiều trị giá $ 90 tỉ trong năm 2011 với mức thặng dư $ 30 tỉ nghiêng về phía Malaysia.[19] Cả chính phủ lẫn phe đối lập Malaysia đều không có lợi ích nào trong việc làm xáo trộn điều đó. Kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, tầng lớp cai trị lớp trên của Malaysia đã ve vản TQ cả về kinh tế lẫn ngoại giao - và đi vào một mối quan hệ đôi bên cùng thỏa mãn. TQ đã mở cửa cho các công ti của Malaysia và các công ti Malaysia đã đáp trả sự ủng hộ bằng đầu tư và tạo việc làm. TQ thậm chí đã cung cấp viện trợ phát triển cho dù tính theo cơ sở GDP đầu người thì Malaysia giàu hơn họ nhiều. Tại Putrajaya, trung tâm hành chính liên bang, kết quả thuần là mong muốn xử lí các quan hệ với Bắc Kinh lặng lẽ và không có sức ép dân chúng. Bên ngoài chính phủ cũng không có chút mong muốn thúc đẩy tình cảm chống TQ: chỉ kiếm được vài phiếu khi tấn công vào nguồn lợi tức xuất khẩu chính của đất nước. Không có gì thôi thúc để khua trống trên đường phố phản đối các vi phạm vô hình tới chủ quyền quốc gia, không có lãnh thổ bị mất cũng không có đổ máu. Trong cuộc khảo sát Pew năm 2013, Malaysia (với Pakistan) là nước thân TQ nhất thế giới, với 81 % dân số có cái nhìn tích cực (so với 55 % đối với Mĩ).

Kết quả này là một tin tốt đối với phần tư dân số Malaysia có tổ tiên là người TQ. Trong nhiều thập kỉ sau độc lập, tầng lớp bên trên gốc Malaysia coi cộng đồng người Hoa hoặc là quá chi phối về kinh tế hoặc là cộng sản phá hoại. Thành viên của cộng đồng người Hoa thiểu số phẩn nộ các quy định và các thông lệ vẫn gò bó họ vào lớp công dân hạng hai. Quan hệ giữa các cộng đồng này đã được thử thách lần nữa sau cuộc bầu cử năm 2013 khi một số nhân vật trong đảng cầm quyền gọi kết quả sát sao như là cơn ‘sóng thần Trung Hoa’ sau khi phe đối lập thắng ở những đơn vị người Hoa chiếm đa số. Tuy nhiên, một cái nhìn cặn kẽ hơn cho thấy liên minh đối lập Pakata đã thật sự thu được sự ủng hộ của khắp các cộng đồng thiểu số. Dù sự thù ghét vẫn còn dai dẳng ở một số khu vực, người Hoa thiểu số nói chung đang được bênh vực vừa như là một bộ phận không thể thiếu của xã hội Malaysia vừa như là một cầu nối văn hóa đến thị trường siêu khổng lồ phía bên kia biển.

Singapore là độc đáo trong khu vực Đông Nam Á vì có người Hoa là sắc dân đa số, chiếm ba phần tư dân số. Đó là lí do chính đằng sau việc nước này tách ra khỏi liên bang Malaysia vào năm 1965. Kể từ đó, đảng cầm quyền của Singapore đã nỗ lực để tạo ra một ‘cộng đồng tưởng tượng’ riêng – một cộng đồng mà công dân của một đất nước thành phố, con cháu của một kết hợp giữa tự do mua bán Anh và kinh doanh TQ, có thể đi vào trái tim của họ. Họ tìm ra một cộng đồng hợp với kích cỡ nhỏ bé của mình. Cựu Tổng thống B. Habibie của Indonesia từng nói tới nước này như ‘dấu chấm đỏ nhỏ đó’ và những người khác đã gọi nó là ‘hạt đậu nằm giữa cái kẹp’ giữa hai nước láng giềng lớn hơn nhiều với dân Hồi giáo đa số. Điều đó tạo cho toàn bộ đất nước một cảm giác là một thiểu số và khiến cho việc gìn giữ sự sống còn là một mệnh lệnh quốc gia. Sự tương tự với hình ảnh tự thân của Israel là rõ ràng, và ngay từ khi độc lập, hai nước có chung sự tinh thông về quân sự và một học thuyết quốc phòng dựa trên chế độ tòng quân bắt buộc và quân dự bị.

Singapore ‘Hoa’ mức nào? Tại một trong nhiều hội nghị về Biển Đông vốn tăng lên nhanh chóng trong vài năm qua, một cựu quan chức ngoại giao Singapore rất cao cấp tâm sự với tôi rằng ‘đây là nước [không Trung Hoa] duy nhất do người Hoa điều hành’, lên án việc Singapore và các nước Đông Nam Á khác tham gia nỗ lực do Mĩ đứng đầu định sắp đặt một giải pháp pháp lí cho các tranh chấp. ‘TQ không quan tâm đến những trò chơi này’, ông nhấn mạnh. Các nhà ngoại giao trẻ tại hội nghị đã khẳng định rằng đây là quan điểm của thế hệ cũ, bài bác suy nghĩ của ông là lỗi thời. Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani, bây giờ là một học giả và nhà bút chiến ủng hộ ‘Thế Kỉ Châu Á’ hiện nay của chúng ta, cho rằng điều đó quả nắm bắt sự thật cốt lõi về Singapore. Là người gốc Ấn Độ, Mahbubani vốn từ một sắc dân nhỏ trong một nước nhỏ và ông hiểu thế lưỡng nan mà điều đó mang lại. Mặc dù đã bắt rễ sâu ở Singapore, ông công nhận cộng đồng tưởng tượng đó vẫn còn tồn tại trong xã hội tạp chủng của họ. ‘Nếu như có một cuộc chiến tranh rõ rệt giữa Mĩ và TQ thì không có cách nào mà Singapore có thể tham gia một cuộc chiến chống lại TQ - người dân sẽ không ủng hộ nó. Nhưng đồng thời, về mặt thái độ ngoại giao, Singapore chắc chắn rất cẩn thận và ứng xử theo nhiều cung bậc. Chúng tôi không thiên Mĩ cũng không thiên TQ. Chúng tôi thiên Singapore’. Tại một hội nghị ở một khách sạn sang trọng khác, Chủ Tịch Viện Các Vấn Đề Quốc Tế Singapore, Simon Tay, chia sẻ một từ mới mà ông mới nghĩ ra để mô tả vị trí chính trị mà ông cho rằng Singapore nên theo: ‘equiproximate’ (đẳng cận: thân cận như nhau) với cả TQ lẫn Mĩ.

**********

Ba tuần sau khi Bayan và Akbayan tập hợp những người ủng hộ họ xuống đường ở Manila, một lực lượng đối kháng đã huy động bên ngoài toà đại sứ Philippines tại Bắc Kinh. Thanh niên cuồng nộ TQ tụ tập để bảo vệ quyền lợi của đất nước họ ở Bãi Scarborough (hay Huangyan [Hoàng Nham] theo cách gọi của họ). Cuộc biểu tình, vào Thứ Bảy 12 tháng 5 năm 2012, rất nồng nhiệt - và nhanh chóng bị nhà chức trách đè bẹp. Nó không kéo dài bởi vì chỉ có 5 người có mặt (trong số 20 triệu dân Bắc Kinh).[20] Mặc dù số người tham dự ít thảm hại, Tân Hoa Xã nghĩ rằng sự kiện này xứng đáng để đưa tin không những trên báo mà cả trên kênh truyền hình CNC của họ. Nhưng tại sao người biểu tình chỉ ló mặt trên đường phố đầy lá bên ngoài toà đại sứ sau khi vụ việc bắt đầu rất nhiều ngày? Đó có phải hoàn toàn là một sự bùng nổ tự phát của chủ nghĩa dân tộc quyết đoán không?

Hôm Thứ Ba trước ngày biểu tình, Bộ Ngoại Giao TQ công bố toàn văn bản trách cứ đại sứ Philippines, trong đó họ đổ lỗi cho chính phủ của ông ‘ phạm những sai lầm nghiêm trọng và ... tăng cường nỗ lực leo thang căng thẳng.’[21] Chiều tối hôm đó Bộ Ngoại Giao cảnh báo các công dân TQ ở Philippines nên ở trong nhà và tránh xa những cuộc ‘biểu tình chống TQ’, và Truyền Hình Trung Ương TQ đưa tin một cảnh báo từ Toà Đại Sứ TQ ở Manila về các cuộc tuần hành quy mô lớn chống TQ dự kiến sẽ xảy ra ở thành phố này vào cuối tuần. Ngày đó kết thúc với tờ báo lá cải yêu thích của những người dân tộc chủ nghĩa TQ, Huanqiu Shibao (Thời Báo Hoàn Cầu), đăng một bài xã luận nói rằng sẽ là một phép lạ nếu không có sự xung đột giữa hai nước. Hôm Thứ Tư, cảnh báo về Manila là chuyện hàng đầu trên bốn trong số năm trang tin tức chính trên mạng và trang microblog weibo (vi bác -tương tự trang Twitter).[22] Nhớ rằng các cơ quan chức năng có xu hướng ngăn chặn những nội dung mà họ không thích trên weibo nên điều trên chỉ có thể xảy ra với sự chấp thuận chính thức. Và điều tệ hại cuối cùng là trong cuộc họp báo thường kì người phát ngôn Bộ Ngoại Giao cảnh báo rằng vấn đề này đã dẫn đến một phản ứng mạnh mẽ và sự chú ý trong công chúng TQ ở trong và ngoài nước.

Có thể giải thích chiến dịch cố ý kích động sự phẫn nộ dân tộc chủ nghĩa này thế nào? Hai câu trả lời nổi lên từ những bằng chứng. Thứ nhất, chiến dịch này trùng đúng với thời gian nhà hoạt động nhân quyền mù, Chen Guangcheng (Trần Quang Thành), xin tị nạn ở Toà Đại Sứ Mĩ tại Bắc Kinh. Thứ hai, việc khó xử này xảy ra một tháng sau khi  Bạc Hi Lai, cựu Bí Thư Trùng Khánh đầy tai tiếng, đã bị khai trừ khỏi Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị vì hành động sai trái. Trái ngược với vụ bế tắc Bãi Cạn Scarborough, việc đưa tin về hai màn kịch này đã bị đè nén mạnh mẽ, cả trên báo chí lẫn trên các trang mạng xã hội TQ. Chiến dịch truyền thông chống lại Manila có thể một phần là một cách tốt để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi một vấn đề nội bộ nhưng không giải thích tất cả mọi thứ.

Có lẽ điều đáng chú ý nhất về màn kịch này, trong điều kiện có các quan ngại về ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc dân tuý ở TQ, là sự nhỏ bé về phản ứng công chúng. Dù có hai ngày đưa tin ở mức ưu tiên cao - bao gồm một phóng viên truyền hình được phép đến cắm cờ ở bãi cạn hôm Thứ Năm nhờ việc TQ phong toả ở đó và việc Tân Hoa Xã đăng lại các tường thuật của báo chí nước ngoài rằng quân khu phía Nam đã chuyển sang thời chiến hôm Thứ Sáu – nhưng chỉ có 5 người có mặt trước Toà Đại Sứ Philippines vào ngày Thứ Bảy. Sự phẫn nộ đầy rẫy trên mạng nhưng không có điều gì làm xáo trộn sự yên bình xã hội. Trong nhiều giai đoạn căng thẳng quốc tế trước đây nhà chức trách TQ đã cho phép, và đôi khi khuyến khích biểu tình trên đường phố. Có những cuộc biểu tình phản đối khi có cuộc tấn công vào những cư dân gốc Hoa ở Indonesia vào năm 1998, sau khi Mĩ ném bom Toà Đại Sứ TQ tại Belgrade năm 1999, sau khi Nhật Bản sửa đổi sách giáo khoa lịch sử năm 2005, sau các cuộc biểu tình ủng hộ người Tây Tạng phản đối đợt rước đuốc Olympic ở Châu Âu năm 2008, và trong cuộc bế tắc với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku / Điếu Ngư năm 2010 và 2012. Trong mỗi trường hợp, các quan chức đều được phép biểu tình. Nhưng tháng 4 năm 2012 chẳng có ai.

Việc thiếu vắng các cuộc biểu tình đường phố không phản ánh mức độ quan tâm thấp về vấn đề này. Cuối năm 2013 Andrew Chubb, một nhà nghiên cứu Australia về hoạch định chính sách đối ngoại của TQ, tiến hành cuộc điều tra thương mại về thái độ công chúng đối với Biển Đông. Kết quả cho thấy 53 % người dân TQ chú ý hay rất chú ý tới những diễn biến, chỉ hơi thấp hơn so với 60 % người nói điều tương tự về tranh chấp ở Biển Hoa Đông vốn đã gây bạo loạn nghiêm trọng năm trước. Về mặt tiềm năng, đây là một dân số có thể xuống đường vì các vấn đề ở Biển Đông. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Chubb tin rằng việc cố ý làm tăng sự phẫn nộ đối với Bãi Cạn Scarborough ngay lập tức được theo sau bởi sự đè nén mạnh bạo biểu tình đường phố cho thấy tình cảm dân tộc đã bị thao túng có chủ đích.

Giai đoạn này được đánh dấu bởi những lời bình luận diều hâu và đôi khi dọa nạt thường xuyên trên truyền thông TQ bởi một nhóm nhỏ sĩ quan quân đội đương chức hoặc về hưu. Trong một bài viết ngày 26 tháng 4 năm 2012 về bế tắc Bãi Scarborough, Thiếu tướng Luo Yuan (La Viên) tuyên bố rằng ‘Philippines “đã bắn phát súng đầu tiên” về mặt chiến lược. Philippines phải trả giá cho điều này và chúng ta không thể để cho ví dụ này được thiết lập như thể sau khi họ kích động chúng ta xong họ có thể quay trở lại bình ổn qua thương lượng’.[23] Chỉ tính riêng bài viết này, có hàng trăm ngàn người sử dụng weibo và và các trang web tin tức đã tham gia bình luận. Một bình luận viên truyền hình nổi tiếng khác là Đại Tá Không Quân Dai Xu (Đái Húc). Ngày 28 tháng 8 năm 2012, Thời Báo Hoàn Cầu đăng một bài viết của Đái Húc gọi VN, Philippines và Nhật Bản là ‘ba con chó chạy rong của Mĩ ở châu Á’. Ông tuyên bố ‘Chúng ta chỉ cần giết một con, thì ngay lập tức hai con khác phải vào khuôn khổ’.[24] Đái Húc đã viết thậm chí nhiều bài sắt máu hơn dưới bút danh Long Tao (Long Thao). Trong một bài, ông cảnh báo các nước Đông Nam Á (không nêu rõ tên) không được khai thác hydrocarbon (dầu khí) bên trong ‘đường chữ U’, khi mà những giàn khoan dầu với tháp cao đó biến thành đuốc lửa thì xem ai sẽ bị tổn hại nhiều nhất?[25]

Các sĩ quan này đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của họ trong các học viện quân sự đảm bảo cho quân đội theo đúng đường lối của Đảng. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Phương Nam Cuối Tuần (Southern Weekend) tháng 4 năm 2012, Thiếu tướng La Viên giải bày: ‘Quân đội này được Đảng ta tạo ra, và từ khi chúng ta sinh ra mỗi người trong chúng ta phải biết chúng ta sống để làm gì, chúng ta tồn tại vì đâu’.[26] La Viên thuộc tầng lớp quý tộc cộng sản: cha ông, Luo Qingchang (La Thanh Trường), là cựu giám đốc tình báo nước ngoài của Đảng. Đại tá Đái Húc cũng có các quan hệ thú vị. Khi viết dưới tên Long Tao, Đái Húc thường mô tả chính mình như là một nhà phân tích chiến lược cho một nhóm chuyên gia mù mờ gọi là Quỹ Ủy Ban Năng Lượng TQ (CEFC). CEFC do Ye Jianming (Diệp Kiến Minh) đứng đầu. Từ năm 2003 tới 2005, Ye là phó giám đốc chi nhánh Thượng Hải của Hội Liên Lạc Hữu Hảo Quốc Tế TQ (CAIFC). CAIFC được các nhà quan sát TQ, chẳng hạn như nhóm chuyên gia Đề Án 2049 có trụ sở tại Washington, coi là một tổ chức bình phong của bộ phận tình báo quân sự chủ chốt: Ban Liên Lạc của Tổng cục Chính trị Quân Giải Phóng Nhân Dân.[27] Andrew Chubb tin rằng Ye có thể là cháu trai của Ye Fei (Diệp Phi,) cựu lãnh đạo Hải Quân, hoặc cũng có thể là con của Ye Xuanming (Diệp Huyền Minh), cựu giám đốc Ban Liên Lạc .[28]

Nói cách khác, ít nhất là hai diều hâu quân sự nổi tiếng nhất của TQ có những quan hệ cá nhân trực tiếp với trung tâm tình báo quân sự và tuyên truyền TQ. Qua việc thừa nhận của chính họ,[29] những ‘diều hâu’ này đang hoạt động trong vòng kỉ luật của Đảng Cộng sản và quân đội, và với việc họ tiếp cận dễ dàng với các phương tiện truyền thông, vai trò của họ dường như là để đồ đậm hình ảnh của một TQ dọa nạt. Tại sao lãnh đạo Bắc Kinh muốn phóng to những tiếng nói như vậy? Câu trả lời rất có nhiều khả năng đúng nhất là chúng phục vụ hai mục đích hữu ích: trong nước và quốc tế. Chúng thúc đẩy tình cảm yêu nước trong dân chúng và cũng khuyến khích ‘tuổi trẻ nổi giận’ xả bớt tức bực trên mạng. Điều đó cho phép lãnh đạo viện cớ rằng họ theo đường lối cứng rắn là do áp lực trong nước - một cái gì đó giúp họ mạnh tay trong xử sự với các nước khác. Chúng cũng tạo ra ấn tượng rằng các ‘diều hâu’ đại diện cho một nhóm thực sự trong quân đội, họ có thể giành lấy quyền kiểm soát việc hoạch định chính sách. Nếu như các chính phủ khác, đặc biệt là Manila và Washington, trở nên ngại kích động hành động phi lí của đám ‘diều hâu’ này thì quyết tâm chính trị của họ có thể sẽ bị suy yếu. Nói cách khác, một trong những vai trò của ‘diều hâu truyền thông’ là hù dọa các đối thủ trong khu vực và thổi phồng những cái mà TQ thiếu thốn trong sức mạnh quân sự thực tế. Họ cũng làm cho chiến lược tổng thể của TQ mờ ảo hơn và do đó khó chống lại hơn. Theo đó, chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến, trên truyền thông, không nhất thiết là một dấu hiệu cho thấy các lãnh đạo Bắc Kinh đang vật vã để kềm chế làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà cho thấy họ sử dụng cẩn thận tình cảm dân tộc chủ nghĩa như một công cụ ngoại giao. Nếu cho phép biểu tình trên đường phố, lãnh đạo của Đảng sẽ phải đối mặt với cùng vấn đề như đối tác VN: nguy cơ biểu tình vượt khỏi tầm kiểm soát. Việc phê phán hung hăng trên mạng dễ dàng dập tắt đi một khi tính hữu dụng của nó đã khai thác hết. Bắc Kinh thích vẻ bề ngoài bị công chúng gây sức ép mà không có sự đe dọa nào cho trật tự công cộng hơn.

Cũng như ở VN, rõ ràng là có một bộ phận đáng kể trong dân chúng cảm nhận sâu sắc về Biển Đông, nhưng đó không phải là cái dẫn dắt chính sách của TQ. Ở cả hai nước, không phải quần chúng đẩy chính phủ vào đối đầu mà là chính phủ sử dụng chủ nghĩa dân tộc để thúc đẩy xa hơn chương trình hành động của riêng họ. Hai đảng cộng sản TQ và VN tìm kiếm hai loại tính hợp pháp: vật chất và tâm lí. Cả hai ban lãnh đạo phải đem lại cho dân chúng mức sống tăng lên và cũng phải chứng tỏ họ có đủ phẩm chất đạo đức để cai trị. Cả hai đảng phải đối mặt với cùng mối đe dọa sống còn - suy giảm sự ủng hộ của nhân dân nếu họ không đem lại sự thịnh vượng và sự có mặt của đối thủ giành ngôi của họ. Họ hi vọng một vị thế mạnh mẽ ở Biển Đông sẽ đem tới quyền khai thác các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cũng chứng tỏ ưu thế của mình so với những kẻ phê phán họ. Để củng cố quyền cai trị, cả hai đảng đều đề cao các phiên bản lịch sử chính thức tô vẽ họ như là cứu tinh của dân tộc.

Năm 1991, hai năm sau khi nghiền nát cuộc biểu tình dân chủ Thiên An Môn, lãnh đạo Đảng TQ tiến hành một chiến dịch ‘giáo dục lòng yêu nước’ để ‘thúc đẩy tinh thần dân tộc, tăng cường sự gắn kết, bồi dưỡng lòng tự trọng và tự hào dân tộc, củng cố và phát triển mặt trận yêu nước thống nhất trong phạm vi rộng nhất có thể, cùng chỉ đạo và tập hợp niềm đam mê yêu nước của quần chúng vào sự nghiệp vĩ đại xây dựng CNXH với đặc sắc TQ’.[30] Hai mươi năm sau, vào ngày 1 tháng 3 năm 2011, bảo tàng quốc gia của TQ tại Quảng Trường Thiên An Môn ra mắt triển lãm lớn thường xuyên mới, ‘Con đường đi tới Hồi Sinh”. Dàn trải trên hai tầng cuối đầu Bắc của bảo tàng, các hình ảnh trưng bày có độ nét cao và các màn chiếu toàn cảnh kể lại câu chuyện về thế kỉ bị sỉ nhục từ Chiến tranh Nha Phiến lần đầu năm 1840 đến thắng lợi của cách mạng dân tộc năm 1949 và xa hơn nữa. Giám đốc triển lãm Cao Xinxin (Tào Hân Hân) nói với các nhà báo rằng mục đích của nó là ‘để cho khách viếng thấy những cảnh thực sự đã xảy ra trong lịch sử’.[31] Mười tám tháng sau đó, Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản mới lên nắm quyền, đã chọn triển lãm là địa điểm để phát động ý tưởng lớn của ông – ‘Giấc mộng TQ’.

Từ phòng học ở các địa phương đến bảo tàng quốc gia, lãnh đạo đã ra sức tuyên truyền cho quan điểm rằng lịch sử hiện đại của TQ trước khi Đảng nắm quyền là đáng tủi hổ. Dù phần lớn thông điệp là về việc tự hào với những thành tựu hiện đại của đất nước, nó được củng cố bởi một cảm giác về xâm phạm cá nhân trước việc chia cắt lãnh thổ đất nước và việc xâm phạm tập thể nhân dân TQ dưới bàn tay của người nước ngoài. Câu chuyện này, đến lượt nó, bây giờ là nền tảng cho cuộc thảo luận chính về vấn đề lãnh thổ. Bất kì chất vấn nào về nó đều gây ra một phản ứng nghiêm khắc. Năm 2006, Tạp chí hàng tuần Băng Điểm của Đoàn Thanh niên Cộng sản đã đóng cửa hai tháng sau khi đăng một bài viết của giáo sư triết học nghỉ hưu, Yuan Weishi (Viên Vĩ Thì), trong đó ông nói rằng phiên bản lịch sử dạy trong các trường học của nước này giống như ‘uống sữa sói’. Ông lập luận ‘Nếu những đứa trẻ thơ ngây uống phải các viên thuốc giả thì chúng sẽ sống với những định kiến trong cuộc sống riêng và đi theo con đường sai lầm’. Đảng không đồng ý và chỉ cho phép tạp chí mở lại nếu nó đăng một bài viết dài đặt giáo sư này trở lại vị trí của mình.

Kết quả là các cuộc thảo luận về Biển Đông, dù ưu tú hoặc dân giả, dân tộc hay tự do, bây giờ đều diễn ra trong một diễn trình bắt đầu bằng việc giả định rằng các đảo đó đương nhiên là của ‘chúng ta’- một phần không tách rời của Tổ quốc từ xa xưa - và người nước ngoài đã vô cớ lấy chúng từ tay ‘chúng ta’. Tuổi trẻ nổi giận trên mạng lẫn việc hoạch định chính sách của tầng lớp bên trên đều đứng trên nền tảng đó. Quan trọng hơn, trên thực tế nó tạo ra một chuyện kể quốc gia đong đếm tính hợp pháp của tầng lớp cầm quyền theo thành quả việc làm của họ đối với các đảo nhỏ này. Khi nhà nghiên cứu Leni Stenseth người Norway hoàn thành luận văn về đề tài này năm 1998, cô có thể lập luận rằng ‘xung đột Trường Sa chỉ tới một mức độ bị giới hạn trong một diễn trình chủ nghĩa dân tộc chính thức’, vì sự thiếu vắng tương đối các bài viết về chủ đề này trên báo chí chính thức.[32] Mười sáu năm sau, tình hình đã thay đổi đáng kể: nhiều bài viết tuôn ra hàng ngày trên báo giấy, trang mạng và các phương tiện phát sóng. Trong cuộc đua tranh bằng lời giành ngôi vị với các bên tranh chấp đối thủ ở Đài Bắc không có cách nào mà Bắc Kinh có thể thực hiện việc rút lui có trật tự khỏi vị thế đối với Biển Đông mà không bị một dạng khủng hoảng nào đó về tính hợp pháp.

Giáo sư Kinh Tế Chính Trị Quốc Tế Zha Daojiong (Tra Đạo Quýnh), hoà nhã nhưng đanh thép của Đại Học Bắc Kinh, củng cố thêm rằng lập trường của TQ ở Biển Đông không phải do bị chủ nghĩa dân tộc đại chúng lôi kéo mà do nhu cầu tín nhiệm của lãnh đạo - ở nước ngoài và trong nước. Ông nói với tôi ‘Đó là việc đứng vững, chứ không phải dậm chân và vung tay lên trời mà chẳng làm gì cả’. Đối với ông, bước chuyển quan trọng xảy ra vào tháng 9 năm 2008, một tháng sau thắng lợi của Thế Vận Hội Bắc Kinh, khi 40 000 nhà đầu tư Hồng Kông tính chung mất $ 2,5 tỉ khi ngân hàng Mĩ Lehman Brothers sụp đổ. Mặc dù ba năm sau đó hầu hết tiền của họ được trả lại, cú sốc này đã gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với lòng tin của tầng lớp bên trên TQ về cách người Mĩ điều hành công việc thế giới. Trước đó, theo giáo sư Zha, các nhà hoạch định chính sách TQ vui vẻ sử dụng từ ngữ và cách nghĩ của phương Tây. Sau đó, đã có một sự đánh giá lại.

Chính trong thời gian này mà khái niệm về ‘Mô hình TQ’ thay thế bắt đầu cất cánh. David Bandurski thuộc Đề Án Truyền Thông TQ đặt tại Đại Học Hong Kong tính rằng cụm từ này được sử dụng trong khoảng 500 tiêu đề trên mạng năm 2007, khoảng 800 năm 2008, nhưng sau khi có sự thúc đẩy của Tân Hoa Xã, con số này tăng gấp bốn lần lên đến 3 000 vào năm 2009.[33] Kể từ đó cụm từ này đã bớt thông dụng – bị thay bằng ‘Giấc mơ TQ’ của Chủ Tịch Tập Cận Bình - nhưng ý thức về tính đặc biệt vẫn kéo dài. Bandurski gọi đó là một ‘diễn trình về sự vĩ đại’, hoặc shengshi huayu (thịnh thế hoa vũ). Giáo sư Yuan truy nguồn gốc của nó từ sự bùng nổ chủ nghĩa dân tộc ban đầu vào thế kỉ XIX, cho rằng cảm giác về sự công chính đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một thừa kế tinh thần.[34]

Về cốt lõi, việc phát triển lí lẽ của TQ phản chiếu lí lẽ của Hoa Kì: cả hai bây giờ chia sẻ một diễn trình bán chính thức, một hệ tư tưởng quốc gia, về [việc họ là] ‘ngoại lệ’. Niềm tin quốc gia của Mĩ – được công chúng lẫn tầng lớp bên trên cùng chia sẻ - về ‘vận mệnh hiển nhiên’ của đất nước mình là truyền bá tự do khắp thế giới đang ngày càng ăn khớp với lí lẽ chính thức của TQ về sự công chính (righteousness) trong quan hệ quốc tế. Ý thức về sự công chính này - kết hợp việc bị hiếp đáp (victimhood) với việc tự tôn (superiority) - ngày càng có vẻ giống như hống hách đối với các nước nhỏ hơn ở đầu nhận. Và cuối cùng, cách tự nhìn nhận không phê phán này có thể làm vô hiệu toàn bộ dự án. Nó có thể kích động các nước trong khu vực chống lại các bước tiến của Bắc Kinh.

Bây giờ, ‘tuổi trẻ nổi giận’ của các nước quanh Biển Đông đang đánh nhau trên phần bình luận của các trang mạng tin tức bằng tiếng Anh. Khi căng thẳng gia tăng ngoài biển thì sự nồng nhiệt sôi sụt trên mạng. Cộng đồng tưởng tượng mới đang được hun đúc trong việc đăng bài và cháy rực, và các hố phân chia mới được đào sâu thêm. Việc khua trống và vẩy biểu tượng là nguồn trời cho dành cho các biên tập viên muốn chuyển các tranh chấp thú vị đến khán giả kém hiểu biết, nhưng chúng lại là một hướng dẫn tệ hại về thực tế. Chính phủ TQ và VN ít khi bị ảnh hưởng bởi dư luận trong các vấn đề về chính sách đối ngoại, còn các cơ hội của một phong trào dân tộc gắn bó trở nên có ảnh hưởng hơn ở Philippines là xa vời, và ở các nơi khác trong khu vực thì có rất ít sự quan tâm của công chúng về các tranh chấp này. Chính vì lợi ích của tất cả các chính phủ này khiến họ làm như thể đang bị những người dân tộc chủ nghĩa nóng nảy tấn công đến mức thậm chí có thể buộc phải thực hiện điều có vẻ như là hành động dại dột nếu họ làm tăng sức nặng trước các đối thủ. Những phô diễn về sức mạnh này chắc chắn mang theo nguy cơ kích động xung đột do nhầm lẫn. Tuy nhiên cho đến nay nguy cơ lớn nhất đối với hòa bình và an ninh ở Biển Đông không phải là chủ nghĩa dân tộc nổi giận trên đường phố mà là sự tác động qua lại của các tranh chấp khu vực với sự đối đầu ngày càng tăng giữa hai cường quốc lớn trong khu vực.


________________________________

Xem thêm: (bản song ngữ chương này)






[1] Tôi có viết một bản đầy đủ hơn về đời sống xã hội và chính trị ở VN trong quyển sách Vietnam: Rising Dragon [Việt Nam: con rồng đang trỗi dậy] (New Haven, Connecticut, and London, 2010).
[2] David Brown, State Secrets Revealed in Vietnam, Asia Times, 22 December 2012.
[3] Police Caught Napping while Vandals Attack US Embassy, Philippine Daily Inquirer, 17 April 2012.
[4] Muốn biết thêm chính sách kinh tế của Mĩ đối với Philippines, xem David Joel Steinbergs The Philippines: A Singular and a Plural Place, 4th edition (Boulder, Colorado, 2000).
[5] Phỏng vấn cá nhân. Manila 23 February 2012.
[6] Benedict Anderson, Cacique Democracy in the Philippines: Origins and Dreams, New Left Review, 169 (May-June 1988), 3-31.
[7] Michael Cullinane, Ilustrado Politics: Filipino Elite Responses to American Rule, 18981908 (Manila, 2003), 53.
[8] Caroline Sy Hau, Patria intereses: Reflections on the Origins and Changing Meanings of Ilustrado, Philippine Studies, vol. 59 (2011), 3-54.
[9] Lisandro E. Claudio, Post-colonial Fissures and the Contingent Nation: An Anti-nationalist Critique of Philippine Historiography, Philippine Studies, vol. 61 (2013), 4575.
[10] America’s Global Image Remains More Positive than China’s, Pew Research Global Attitudes Project, 18 July 2013.
[11] West PH Sea Now Official: So What, 12 September 2012, http://www.rappler.com/nation/12277-west-ph-sea-now-official-so-what.
[12] Phỏng vấn cá nhân. Manila 24 February 2012.
[14] Caroline S. Hau, Conditions of Visibility: Resignifying the Chinese-Filipino in Mano Po and Crying Ladies, Philippine Studies, vol. 53 (2005), 491531.
[15] Caroline S. Hau, Blood, Land, and Conversion: ChineseMestizoness and the Politics of Belonging in Jose Angliongtos The Sultanate, Philippine Studies, vol. 57 (2009), 48.
[16] Ibid.
[17] Malaysia chiếm đóng Đá Hoa Lau (Swallow Reef) năm 1983; Đá Kì Vân (Mariveles Bank) and Đá Kiêu Ngựa (Ardasier Reef) năm 1986; Đá Thám Hiểm (Investigator Shoal) và Đá Én Ca (Erica Reef) năm 1999. Họ yêu sách nhưng không chiếm đóng Đá Louisa (Louisa Reef), đào đá này Brunei cũng yêu sách.
[18] China-Malaysia Trade to Touch US100b, The Star, 16 March 2012.
[19] ChengChwee Kuik, Making Sense of Malaysias China Policy: Asymmetry, Proximity, and Elites Domestic Authority, Chinese Journal of International Politics, vol. 6 (2013), 429.
[22] Bill Bishop, Today’s China Readings May 10, 2012, The Sinocism China Newsletter (website, xem tại http://sinocism.com/4684).
[24] 24 David Lague, Special Report: Chinas Military Hawks Take the Offensive, 17 January 2013, http://www.reuters.com/article2013/01/17/us-china-hawks-idUSBRE00G00C20130117.
[25] Long Tao, The Present is a Golden Opportunity to Use Force in the South Sea [Bây giờ là cơ hội vàng để sử dụng vũ lực ở Biển Đông], Global Times (phiên bản Tiếng Trung, 27/9/2011). Lưu ý rằng khi bài báo đăng lại trên phiên bản Tiếng Anh ngày 29/9/2011 với tiêu đề Time to teach those around South China Sea a lesson [Đã tới lúc dạy cho những kẻ quanh Biển Đông một bài học], http://www.globaltimes.cncontent677.717.shtml, cụm từ nói trên đã được đổi thành, ‘Mọi thứ sẽ bị thiêu rụi một khi tranh chấp quân sự nổ ra. Ai sẽ thiệt hại nhiều nhất khi các công ti khủng của phương Tây rút đi?’
[26] Zhang Jianfeng, Luo Yuan the Hawk, Southern Weekend, 9 April 2012. Bản dịch Tiếng Anh tại http://southseaconversations.wordpress.com/2012/05/03/luovuanaprofile.
[27] Mark Stokes and Russell Hsiao, The People’s Liberation Army General Political Department: Political Warfare with Chinese Characteristics, Project 2049 Institute Occasional Paper, 14 October 2013. Có thể xem ta5I http://project2040.netpublications.html.
[29] Andrew Chubb, Propaganda, Not Policy: Explaining the PLAs Hawkish Faction (Part One, China Brief (Jamestown Foundation, vol. 13, issue 15, 26 July 2013.
[30] http://www.news.xinhuanet.com/ziliao/2005-03/16/content_270.5546.htm. Bản dịch trong Zheng Wang, National Humiliation, History Education, and the Politics of Historical Memory: Patriotic Education Campaign in China, International Studies Quarterly, vol. 52 (2008), 783806.
[32] Leni Stenseth, Nationalism and Foreign Policy: The Case of China’s Nansha Rhetoric, thesis, Department of Political Science, University of Oslo (1998), 92.
[33] David Bandurski, How Should We Read China’s Discourse of Greatness, 23 February 2010. Có thể xem tại http://cmp.hku.hk/2010/02/23/4565/.
[34] Yuan Weishi, Nationalism in a Transforming China, Global Asia, vol. 2, no. 1 (2007), 21-7.



No comments: