Saturday, June 4, 2016

Đường 9 đoạn thật sự có nghĩa là gì?

Đường 9 đoạn thật sự có nghĩa là gì?

(What Does the Nine-Dash Line Actually Mean?)

Trung Quốc có thể làm rõ đường 9 đoạn có nghĩa là gì - và làm giảm căng thẳng - mà không từ bỏ yêu sách lãnh thổ nào của mình.

Marina Tsirbas
The Diplomat (02/06/2016)

(bản dịch đã đăng trên anhbasam ngày 05/06/2016)

What Does the Nine-Dash Line Actually Mean?
Đường lưỡi bò. Ảnh: Wikimedia Commons/ CIA

Trung Quốc chưa nêu ra một cách chính xác - theo thuật ngữ quen thuộc với các luật sư luật biển hay các nhà ngoại giao -.  đường 9 đoạn của họ ở biển Đông có nghĩa là gì . Sự mơ hồ đó để lại nhiều chỗ trống cho cách giải thích quá mức có thể có, đặc biệt là khi kết hợp với một số các hành động mà Trung Quốc đã thực hiện để phản ứng lại các xâm nhập theo họ cảm nhận trong khu vực mà đườmg đó bao quanh.

Ở một cực của các cách giải thích, đường này có thể được hiểu như một yêu sách tối đa về chủ quyền và quyền kiểm soát đối với tất cả các thể địa lí, đất, nước và đáy biển trong khu vực giới hạn bởi đường 9 đoạn. Đây quả thực là điều mà nhiều quốc gia lo ngại. Theo luật biển , cách hiểu này không có ý nghĩa nhiều bởi vì có vẻ nó hợp nhất khái niệm chủ quyền với khái niệm quyền tài phán - và không có đưa ra tọa độ cho các đảo hay các đường cơ sở, như luật pháp đòi hỏi.

Mô tả một cách lỏng lẻo, chủ quyền giống như quyền sở hữu tài sản trong nhà trong khi quyền tài phán gần như tương đương với khả năng được hưởng lợi hoặc được cấp giấy phép sử dụng các sản phẩm cụ thể trong một khu vực (như cá và dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế [EEZ] hoặc một hợp đồng nhượng quyền khai thác đối với một số khoáng sản). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là có quyền áp đặt điều kiện cho việc lưu thông hoặc kiểm soát mọi hoạt động trong khu vực đó như thể là chủ sở hữu của nó. Trung Quốc dường như không nêu ra rõ ràng rằng đây là ý nghĩa đường 9 đoạn mà họ muốn nói, nhưng một số việc làm và lời nói của họ lại gợi ý như vậy. Đặc biệt, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ đối với các hoạt động đi lại trên biển và trên không trong biển Đông - kể cả trong những khu vực vốn ít ra là vùng đặc quyền kinh tế của một nước nào đó. Hãy nhìn số lượng khá nhiều các vụ máy bay Trung Quốc cản phá các chuyến bay của Mĩ trên biển Đông năm ngoái, dù có bay gần các thể địa lí mà Trung Quốc yêu sách hay không, cùng các cáo buộc vi phạm chủ quyền.

Việc đánh đồng các khái niệm hay sự mơ hồ chiến lược có lẽ là một công cụ hữu ích để kéo dài thời gian khi người ta chưa hình dung ra được mình muốn làm điều gì và muốn đưa ra yêu sách đối với các thể địa lí (và thực thi yêu sách đó) như thế nào. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể gây bất ổn. Làm tăng thêm sự phức tạp này là ý tưởng về “quyền lịch sử”. Trung Quốc đã sử dụng cụm từ này không những gắn kết với các yêu sách chủ quyền đối với đất đai (mà lịch sử là thích đáng) mà còn đối với quyền và quyền tài phán trên biển bên ngoài lãnh hải – những nơi này lịch sử là không thích đáng. Ngoại lệ duy nhất là quyền đánh cá truyền thống, được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển công nhận. Nhưng cái mà Trung Quốc theo đuổi là một cái gì đó hoàn toàn khác. Có vẻ họ đang đưa ra lập luận phản lại rằng luật pháp ở biển Đông phải khác theo một cách nào đó.

Đối mặt với những bàn cãi hiện nay tại toà trọng tài ở The Hague và sự chỉ trích quốc tế, các học giả Trung Quốc và những người khác khẳng định rằng họ tuân thủ UNCLOS, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện - một bộ nguyên tắc luật pháp khác áp dụng trong khu vực này. Diễn đạt cách khác, Trung Quốc nói: dĩ nhiên chúng tôi tuân thủ UNCLOS - nhưng đó không phải là bộ luật đúng để áp dụng ở đây.

Các luật sư tham gia tố tụng trên toàn thế giới sẽ nhận ra đây là một chiến thuật pháp lí nổi tiếng, và điều đó có thể được giải quyết như thế. Chúng ta có thể nhìn thấy giá trị (merit) và bản chất của nó. Nhưng bằng cách xoay nó vòng quanh, chúng ta lại cho quyền lịch sử được hưởng đặc quyền như một loại lập luận cho trường hợp đặc biệt chỉ áp dụng riêng cho biển Đông và có nguy cơ thần thoại hoá nó.

Ở cực kia của các cách giải thích về cái mà Trung Quốc muốn hiểu với đường 9 đoạn là đường này biểu thị một “cái hộp”, bên trong đó Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với bất kì vùng đất nổi lúc triều cao và quyền tài phán đối với các vùng biển tương ứng (ví dụ như  lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa) được tạo ra bởi thể địa lí đó.

Cách hiểu này sẽ ăn khớp với những gì mà Trung Quốc nói về các yêu sách chủ quyền của họ trong phần bảo lưu khi họ phê chuẩn UNCLOS năm 1996 và một số khía cạnh của công hàm phản đối ngoại giao của họ (2009 và 2011) khi phản ứng với yêu sách của Malaysia / Việt Nam về thềm lục địa mở rộng trong biển Đông năm 2009. Cách hiểu này sẽ không làm cho các bên tranh chấp khác hài lòng vì Trung Quốc vẫn sẽ yêu sách chủ quyền đối với lãnh thổ mà Việt Nam, Malaysia, Philippines, và những bên khác cũng có yêu sách. Theo cách giải thích này, đường 9 đoạn sẽ không hoàn chỉnh và không đầy đủ với tư cách là một yêu sách, nhưng không nhất thiết là không phù hợp với UNCLOS, miễn là Trung Quốc cũng công nhận quyền tự do đi lại trên biển và trên không ở khu vực ngoài 12 hải lí từ bất kì vùng đất hình thành tự nhiên (không phải nhân tạo) nổi lúc triều cao

Điều này đi sâu vào ngóc ngách pháp lí (highly technical), nhưng đó là sự khác biệt giữa việc yêu sách rằng biển Đông là cái ao nhà của Trung Quốc với việc nói rằng Trung Quốc có một số đảo nằm xa ngoài khơi bờ biển có thể tạo ra các vùng biển [xung quanh theo UNCLOS]. Trong trường hợp sau các vùng biển giữa Trung Hoa đại lục và các đảo là vùng biển quốc tế cho các mục đích giao thông quân sự và dân sự trên biển.

Tháng 12 năm 2011, Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân (Liu Zhemin), người phát ngôn cấp cao thuộc vụ Biên giới và Đại dương, nói rằng Trung Quốc tôn trọng quyền tự do và an toàn đi lại ở biển Đông và rằng chính phủ Trung Quốc luôn luôn duy trì quyền tự do đi lại trên biển và trên không ở biển Đông như là một quyền mà tất cả các nước được hưởng theo luật pháp quốc tế.

Phát biểu đó sẽ bênh vực cách giải thích thứ hai. Những tuyên bố trên các ấn phẩm chính thức của Trung Quốc gần đây và trong văn kiện chính thức của Trung Quốc chuyển tới toà trọng tài ở The Hague cũng đưa ra luận điểm tương tự. Thú vị là các bình luận của Trung Quốc về tự do lưu thông chỉ làm nổi bật tầm quan trọng của việc này cho việc lưu thông thương mại.

Luật pháp quốc tế không phân biệt các quyền tự do đi lại mà tàu quân sự và dân sự được hưởng trong EEZ và vùng biển quốc tế. Nhưng có vẻ như Trung Quốc có thể đang chuẩn bị để làm như vậy.

Trong một bài viết gần đây trên National Interest, Phó Oánh (Fu Ying) và Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) đưa ra cùng luận điểm về an toàn cho việc đi lại và các đường vận chuyển thương mại và tiếp tục mô tả biển Đông như là một “lối đi quan trọng tiến ra biển lớn đối với hải quân Trung Quốc” - một cụm từ lạ lùng và có lẽ rất ấn tượng. Hai tác giả này cũng cho rằng việc làm rõ đường 9 đoạn có nghĩa là gì sẽ làm leo thang căng thẳng Thật khó để thấy tại sao lại như thế.

Cách giải thích thứ hai về đường 9 đoạn cũng được cách tiếp cận mà Đài Loan theo đuổi trong những năm gần đây hậu thuẫn. Bản đồ đường 9 đoạn được dựa trên một bản đồ ban đầu do một bộ của nước Trung Hoa Dân Quốc phát hành, bản đồ đó cho thấy 11 vạch tạo thành một hình chữ U ở biển Đông. Năm 1948, chính phủ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán đối với các tài nguyên biển trên các đảo và đá ngầm bên trong đường này. Khi CHNDTH thành lập, họ đã thừa nhận đường đó. Từ năm 2005 Đài Loan đã điều chỉnh chút ít yêu sách tập trung vào các đảo, vùng nước xung quanh chúng, và thềm lục địa chứ không phải là toàn bộ mảng biển trong đường chữ U. Đặc biệt là Trung Hoa Dân Quốc”ngưng yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển” bên  trong đường này vào tháng 12 năm 2005. Họ đang tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với các thể địa lí bên trong đường này.

Có thể là toà trọng tài The Hague có thể “hiểu thấp xuống” đường 9 đoạn theo cách nói trên để làm cho nó không còn không phù hợp với UNCLOS.

Thời điểm ngay trước ngày dự kiến có phán quyết của trọng tài và có các hội nghị thượng đỉnh cấp cao của khu vực bày ra cơ hội cho Trung Quốc làm rõ ý nghĩa của đường 9 đoạn. Nếu Trung Quốc nói ra một cách rõ ràng rằng cách giải thích thứ hai về đường 9 đoạn chính là những gì họ dự kiến thì xét về mặt yêu sách đối với chủ quyền lãnh thổ (và quyền tài phán đối với các vùng biển tương ứng) lâu nay của họ ở biển Đông, Trung Quốc sẽ chẳng mất gì cả. Tuy nhiên, điều đó sẽ tạo ra một mức độ chắc chắn cao hơn cho các nước không  có yêu sách hoạt động trong khu vực này. Điều đó cũng sẽ đem lại sự chắc chắn hơn cho các bên có tranh chấp.

Marina Tsirbas là Cố vấn cao cấp,Can dự về Chính sách tại trường Đai học An ninh Quốc gia, Viện Đại học Quốc gia Australia.

------------------------------------

Xem thêmĐường chữ U của Trung Quốc ở biển Đông: phân tích bốn cách diễn giải (Dương Danh Huy)

No comments: