Monday, June 13, 2016

Một tòa án chưa từng nghe nói tới sắp làm tăng mức rủi ro ở biển Đông

Một tòa án chưa từng nghe nói tới sắp làm tăng mức rủi ro ở biển Đông

(A Court You’ve Never Heard of Is About to Raise the Stakes in the South China Sea)

DAN DE LUCE, KEITH JOHNSON
FP (2/6/2016)

Một quyết định của tòa án quốc tế sẽ sắp xếp lại ván cờ căng thẳng trên biển Đông- và kiểm nghiệm cam kết của Washington đối với Philippines.


Một tòa án ít được biết đến ở The Hague sẽ sớm đưa ra phán quyết có thể sẽ thổi bùng căng thẳng ở biển Đông và buộc Washington phải làm rõ họ sẵn sàng bảo vệ đồng minh ở Manila tới mức nào.

Tòa án quốc tế này dự kiến sẽ đưa phán quyết trong tháng này về tranh chấp lãnh thổ ở thủy lộ chiến lược đã đưa Trung Quốc chống lại nước láng giềng Philippines nhỏ hơn. Hầu hết các chuyên gia tin rằng tòa sẽ đứng về phía Manila trong các vấn đề chính yếu.

Nhưng Trung Quốc đã bác bỏ thẩm quyền của toà và hứa sẽ quyết bám lấy các yêu sách vươn xa của họ đối với các bãi ngầm, ran san hô và đá tranh chấp mà Philippines cũng khẳng định là của mình. Với một lực lượng hải quân và tuần duyên nhỏ nhoi, Manila sẽ hướng tới Hoa Kì để tìm sự trợ lực về ngoại giao lẫn quân sự. Nhưng, cho đến nay, Washington đã dẹp bỏ hứa hẹn sẽ đến cứu Philippines nếu tàu của họ đụng độ với tàu Trung Quốc ở biển Đông.

Một cựu quan chức chính phủ cấp cao của Mĩ, từng có mặt tại một số các cuộc thảo luận, nói với tạp chí Foreign Policy “Chúng tôi đã có một số dính dáng không thật thoải mái ở cấp cao với người Philippines trong vài năm qua, họ đã ép chúng tôi, nhiều lúc rất mạnh bạo, làm rõ cam kết của chúng tôi”. Nhưng Hoa Kì luôn từ chối làm rõ lập trường của mình, cựu quan chức này nói.

Cuộc đối đầu ở Biển Đông đang nóng lên trong nhiều năm qua, do việc Trung Quốc bồi đấp đất quy mô lớn và sử dụng hung hăng các đội tàu đánh cá và tàu cảnh sát biển để bắc nạt buộc các nước khác phải ra khỏi những chỗ mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình.

Nhưng tia lửa thực đe dọa châm ngòi đống mồi lửa lại nằm cách đó 6.000 dặm, trong phòng ốp gỗ với cửa kính của Tòa Trọng tài Thường trực. Toà gồm năm thành viên đã vật lộn với một loạt các vấn đề pháp lí phức tạp, nghiền ngẫm những bản đồ xưa nhiều thế kỉ, phân tích các thuật ngữ pháp lí và nghiên cứu các ảnh vệ tinh của các mỏm đất đá có tranh chấp kể từ khi Philippines nộp khiếu nại của mình vào năm 2013.

Ngay từ đầu, Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền của tòa trong vụ kiện này, thậm chí cũng không chấp nhận quyền của Philippines tìm kiếm phân xử của trọng tài, và đã không tham gia quá trình tố tụng kết thúc vào cuối năm ngoái.

Philippines đã lập luận rằng các yêu sách được Trung Quốc gọi là “lịch sử” đối với các vùng biển của biển Đông – vạch ra dưới dạng một “đường chín đoạn” bao trùm nhằm thể hiện quyền kiểm soát của Trung Quốc trên gần như toàn bộ thủy lộ ở đây - chỉ mới đưa ra năm 2009 và hoàn toàn thiếu cơ sở về mặt hồ sơ lịch sử và luật pháp quốc tế. Đặc biệt các luật sư lưu ý rằng không có một thể địa lí nào đang tranh chấp - từ đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) cho tới đá Ga Ven (Gaven Reef) – có tên bằng tiếng Trung cho đến gần đây, trái ngược với việc Bắc Kinh khẳng định họ có quan hệ lịch sử lâu dài, có ghi vào sổ sách với những mỏm đất đá này.

Hơn nữa, Philippines lập luận, các rạn đá và san hô mà Trung Quốc chiếm đóng chẳng phải là đảo (island) gì cả và do đó không cho phép Bắc Kinh đòi hỏi vùng biển 200 hải lí bao quanh - và dù có nạo vét và bồi đấp đất lên thêm tới đâu cũng không thể làm cho chúng trở thành đảo được. Ngoài ra, Manila cho rằng, một số thể địa lí thậm chí cũng chẳng phải là đảo đá (rock), vì nằm dưới mặt nước khi triều cao, và do đó không đủ điều kiện để có lãnh hải 12 hải lí. Cuối cùng, Philippines lập luận rằng hành vi hung hăng của Trung Quốc, trong đó có việc buộc các ngư dân  và các tàu tuần duyên Philippines ra khỏi vùng biển của mình, là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc phê chuẩn.

Trong khi Trung Quốc chưa bao giờ chính thức đáp trả tòa ở The Hague, các quan chức Trung Quốc đã lặp đi lặp lại các lập luận chống lại trong các bài diễn văn, tiểu luận, và phát biểu. Họ chỉ đơn giản khẳng định rằng những đảo đá và rạn san hô ở trong vùng biển này đã và luôn là lãnh thổ Trung Quốc và rằng Trung Quốc có “quyền lịch sử” trên mảng biển Đông rộng lớn này, mặc dù Công ước Liên Hiệp Quốc không hề ban cho quyền như thế. Gần đây, Trung Quốc đã phát động một cuộc phản công trong quan hệ công cộng để làm tòa án và phán quyết của toà bị mất tín nhiệm trước khi quyết định được công bố.

Hầu hết các chuyên gia pháp lí dự đoán rằng tòa sẽ phán quyết nghiêng về Philippines trên hầu hết, nếu không phải tất cả các vấn đề, và dự kiến phán quyết được đưa ra trong tháng này.

James Kraska, giáo sư luật quốc tế tại trường Naval War College Hoa Kì, là một trong những người dự kiến Philippines sẽ thắng lớn. Và Trung Quốc, ông nói, họ buộc phải khuất phục trọng tài, “bị ràng buộc về mặt pháp lí phải tuân thủ theo quyết định.”

Nhưng Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ không tôn trọng phán quyết của nhóm trọng tài, bất kể họ quyết định điều gì, và điều đó gần như chắc chắn sẽ làm tăng nhiệt trên khắp châu Á. Các quan chức Trung Quốc nói rằng họ tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng cho rằng nhóm trọng tài như ở The Hague là không có thẩm quyền.

“Tất cả những đảo, nơi mà chúng tôi đang làm việc bồi đắp, là những đảo của Trung Quốc, là lãnh thổ của Trung Quốc”,Vương Tích Ninh (Wang Xining), một phó tổng vụ trưởng tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Vì vậy, trên biển Nam Hải (biển Đông), tôi nghĩ có một hiểu lầm to lớn. Chúng tôi muốn hành động dựa trên luật pháp quốc tế. “

Kraska nói rằng bên trong Trung Quốc một thất bại về pháp lí sẽ là một cái tát vào mặt lãnh đạo ở Bắc Kinh, đi ngược với tất cả bằng chứng và luật lệ họ một mực cho rằng khu vực tranh chấp là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc.

Ông nói “Cái giá Trung Quốc phải trả cho việc thua kiện sẽ rất lớn. Bằng hành vi của mình, Bắc Kinh đã giết chết hình tượng “trỗi dậy hòa bình” của họ, vì vậy hầu hết các thiệt hại đã diễn ra “. Nhưng “phán quyết sẽ gây bối rối và có ảnh hưởng lớn nhất trên khu vực trong những thập kỉ tới, và trong nước, [họ phải] cố giải thích cho người dân biết họ bị thua như thế nào.”

Các nhà phân tích và cựu quan chức chính phủ Hoa Kì nói rằng Trung Quốc có một loạt các lựa chọn về việc phải đáp ứng như thế nào. Họ có thể đưa ra một phản đối ngoại giao, phái thêm tàu tới vùng biển tranh chấp, đẩy mạnh hoạt động nạo vét và bồi đắp đất tại các rạn đá đang tranh chấp, hoặc thậm chí đưa ra thực hiện “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) xung quanh tất cả các đảo nhỏ mà họ yêu sách. Với ADIZ, Bắc Kinh sẽ buộc máy bay nước ngoài phải xin phép Trung Quốc để bay qua khu vực này.

Đô đốc về hưu, cựu giám đốc của hoạt động hải quân của Hải quân Mĩ Jonathan Greenert nói rằng nhưng ít ai dự kiến rằng Trung Quốc sẽ tìm cách đụng độ quân sự với Hoa Kì, và thậm chí một sự leo thang do bất trắc là ít có khả năng hơn so với một vài năm trước đây nhờ vào giao thức truyền thông mới mà ông đã góp phần lắp đặt.

Đối với Philippines, một thắng lợi về pháp lí, trên hết, là một chiến thắng luân lí và cũng có thể truyền cảm hứng cho các nước khác trong khu vực cùng tìm tới giải pháp trọng tài; thật ra, Nhật Bản và Indonesia cũng đã xét tới việc thực hiện điều đó trong các tranh chấp của họ với Trung Quốc.

Jose Cuisia, đại sứ Philippines tại Washington, nói với FP “Philippines luôn cho rằng quyết định của tòa án, một khi đưa ra, sẽ có ràng buộc pháp lí và phải được tuân thủ với sự tôn trọng bởi tất cả các bên, kể cả Trung Quốc”.

Nhưng câu hỏi lớn nhất là Hoa Kì sẽ phản ứng với quyết định của nhóm trọng tài và đặc biệt là đối với bất kỳ sự gia tăng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc như thế nào.

Nếu vùng biển xung quanh các đảo san hô đang tranh chấp được xác định là vùng biển quốc tế - chứ không phải là sân nhà của Trung Quốc - thì Washington có thể sẽ phải chịu áp lực để tiến hành nhiều hoạt động tự do đi lại hơn với các tàu hải quân. Với việc cho tàu chạy trong vòng 12 hải lí của những thể địa lí có tranh chấp, Hoa Kì sẽ cho thấy rõ rằng những vùng biển đó là mở cho tất cả - và không thể bị lực lượng Trung Quốc rào chắn. Đó là một điểm rất quan trọng phải nhấn mạnh trên thuỷ lộ vốn chuyển vận hàng hoá có giá trị hơn $5 nghìn tỉ hàng năm.

Greenert, người vừa từ chức chỉ huy trưởng Hải quân năm ngoái nói “Tôi nghĩ rằng trách nhiệm chúng ta là phải nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ không thừa nhận” những yêu sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, phản ứng chậm chạp của Hoa Kì một vài năm trước đây đã cho phép Bắc Kinh tạo ra sự việc tại hiện trường với việc bồi đắp đất quy mô lớn và việc xây dựng cảng quân sự và sân bay, ông nói, một quan điểm được nhiều cựu quan chức khác và các nhà ngoại giao tán đồng.

“Chúng tôi đã không vượt lên trước điều đó,” Greenert nói. “Đó là một sự việc đã rồi (fait accompli); họ đang ở đó. Thật đáng tiếc.”

Một câu hỏi thậm chí lớn hơn hiện ra lờ mờ là liệu Washington sẽ bảo vệ Philippines nếu họ vướng vào rắc rối với Trung Quốc về những đảo đá và rạn san hô đó hay không. Kể từ năm 1951, Hoa Kì và Philippines đã duy trì một hiệp ước phòng thủ hỗ tương. Trong Chiến tranh Lạnh, các quan chức Mĩ đã nói rõ rằng hiệp ước này cam kết Hoa Kì sẽ bảo vệ Philippines không chỉ trong trường hợp có một cuộc tấn công trên các đảo nhà mà còn trong trường hợp có một thách thức quân sự trong vùng biển thuộc biển Đông. Trong những năm gần đây, chính quyền Hoa Kì đã không nêu cụ thể liệu cách giải thích đó vẫn còn giữ nguyên hay không.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kì Anna Richey-Allen nói “Như Tổng thống Obama đã nói, cam kết của chúng tôi với Philippines là bọc thép”.

Nhưng bản chất của cam kết của Hoa Kì trong trường hợp có một đối đầu trên một trong những bãi ngầm tranh chấp vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Richey-Allen nói với FP rằng Bộ Ngoại giao không “suy đoán về các tình huống giả thiết” đối với hiệp ước phòng thủ này.

Các chuyên gia và cựu quan chức Hoa Kì  nói rằng sự mơ hồ trong lập trường của Washington có khả năng là để kềm Manila lẫn Bắc Kinh không được có hành động khinh suất, vì họ không biết Hoa Kì có thể sẽ phản ứng như thế nào.

“Logic cơ bản trong lập trường của chính phủ Hoa Kì là sự mơ hồ chiến lược đó cho chúng ta nhiều không gian vận động hơn là có thể có trong trường hợp ngược lại”, cựu quan chức cho biết.

Nhưng trong trường hợp có một tranh chấp lãnh thổ dính dáng tới Trung Quốc và một đồng minh của Hoa Kì thì Washington hết sức rõ ràng về cam kết liên minh của mình. Ở biển Hoa Đông, nơi mà Bắc Kinh đang đụng đầu với Tokyo, các quan chức hàng đầu của Mĩ và chính Tổng thống Barack Obama đã hứa rằng Hoa Kì sẽ tôn trọng các nghĩa vụ hiệp ước và sẽ đến bảo vệ Nhật Bản nếu xung đột nổ ra trên quần đảo Senkaku đang tranh chấp màTrung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Các chuyên gia nói rằng cách tiếp cận đối với Nhật Bản và đối với Philippines khác nhau một phần là do lời văn của các hiệp ước quốc phòng này và một phần là do việc tính toán rằng Tokyo có một quân đội có năng lực hơn có thể ngăn chặn các hành động khiêu khích có thể có của Bắc Kinh.

Khi các quan chức quốc phòng châu Á và phương Tây, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kì Ash Carter, tụ tập về Singapore dự hội nghị an ninh hàng năm vào cuối tuần này thì phán quyết sắp đưa ra của toà án ởThe Hague - và phản ứng có thể có của Mĩ - sẽ là chủ đề chính của cuộc thảo luận. Bài phát biểu được lên lịch của Carter sẽ được theo dõi chặt chẽ để nhận ra có gợi ý nào về một sự thay đổi trong chính sách của Washington.

Khi nói đến những căng thẳng trên biển giữa Trung Quốc và Philippines, một trong những điểm nóng tiềm tàng có thể lôi kéo một phản ứng của Hoa Kì là bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Một nhóm khoảng chục Thủy quân lục chiến Philippines đóng tại bãi cạn này trên chiếc tàu rỉ sét thời thế chiến II, BRP Sierra Madre, được cố tình cho mắc cạn để giữ an toàn yêu sách của Manila ở khu vực này.

Nếu các binh sĩ Philippines bị rơi vào rắc rối, chính quyền Obama có thể bị buộc phải thực hiện một quyết định khó khăn. Nhưng các quan chức Hoa Kì trong tư riêng đã khuyên Manila không nên thực hiện bất kỳ hành động nào có thể kích động một cuộc khủng hoảng.

Hoặc, như một cựu quan chức cấp cao đã nói: “Liệu Hoa Kì có thực sự muốn nhảy vào một cuộc chiến tranh vì bãi Cỏ Mây hay không?”

Bethany Allen-Ebrahimian của FP có đóng góp cho bài viết này.

No comments: