Sunday, June 26, 2016

Yêu sách lịch sử yếu ớt của Trung Quốc đối với biển Đông

Yêu sách lịch sử yếu ớt của Trung Quốc đối với biển Đông [và biển Hoa Đông]

Tháng 6 năm 2014
AEI Research
(chỉ trích dịch phần về biển Đông)

Những điểm chính

• Trung Quốc gần đây đã cố sử dụng lực lượng quân sự hậu thuẫn các yêu sách được cho là có tính lịch sử đối với biển Đông và biển Hoa Đông; Tuy nhiên, khi xem xét kĩ càng thì những yêu sách này không đứng vững.
• Các nỗ lực hiếu chiến của Trung Quốc để thực thi yêu sách của mình ở biển Đông và biển Hoa Đông đe dọa hòa bình ở châu Á. Trung Quốc dường như không chấp nhận bất kì đề nghị hợp lí tôn trọng lịch sử và địa lí.
• Các quốc gia Đông Nam Á và các nước quan tâm khác, như Hoa Kì và Australia, phải duy trì một sự hiện diện quân sự để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc trong khi cố gắng thương lượng một giải pháp hòa bình với Trung Quốc.
 _________________________________________________


Gần đây, Trung Quốc đã sử dụng máy bay quân sự và tàu đe dọa Nhật Bản ở biển Hoa Đông gần quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư và chính phủ ở Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài). Tương tự như vậy, ở biển Đông, tàu Trung Quốc đã yêu sách những khu vực cách rất xa Trung Quốc nhưng rất gần với những nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia và Việt Nam. Trung Quốc lập luận rằng những nơi này thuộc về Trung Quốc do những điều kiện lịch sử lâu dài. Nhưng việc xem xét các bằng chứng cho thấy rằng Trung Quốc chẳng hề có yêu sách nào đối với biển Đông lẫn biển Hoa Đông trong lịch sử.

Trung Quốc đưa ra yêu sách lịch sử của mình đối với biển Đông và biển Hoa Đông trong hai tài liệu chủ chốt. “Bằng chứng lịch sử để hậu thuẫn chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa,” do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 17 tháng 11 năm 2000, cho các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông.[1] Sách trắng của Trung Quốc mang tên “Đảo Điếu Ngư, một lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc “, phát hành vào tháng 9 năm 2012, cho các yêu sách lịch sử cho biển Hoa Đông.[2]

Người Trung Quốc yêu sách những nơi ở biển Đông và biển Hoa Đông vào vì sử sách Trung Quốc đề cập đến chúng. Ví dụ, trong thời Tam Quốc (năm 221-277), Dương Phu (Yang Fu / 楊阜) đã viết về biển Đông: “Có những đảo nhỏ, cồn cát, đá ngầm và các bãi cát trong vùng biển Nam Trung Quốc, nước ở đó cạn và đầy đá hay đá nam châm* ( . 水淺 磁石: Trướng hải khí đầu, thuỷ thiển nhi đa từ thạch).”[3] Mặc dù có các khẳng định trong phần A của” Bằng chứng lịch sử “, đoạn này chỉ đơn thuần mô tả một biển chứ không đưa ra bất kì yêu sách chủ quyền nào cho Trung Quốc.

Các dẫn chứng này trong sử sách Trung Quốc có thêm bốn điều khó:

- Thứ nhất, tên trong sử sách không nhất thiết giống với tên của nơi được yêu sách hiện nay.

- Thứ hai, nhiều nơi được mô tả như là khu vực của người “phiên di” (di và phiên ) mà theo định nghĩa không phải là người Trung Quốc.

- Thứ ba, một số trong các dẫn chứng mô tả quan hệ “triều cống” (附庸: phụ dung) với Trung Quốc, mà trong các quan hệ triều cống này Trung Quốc và nước chư hầu phái sứ thần (使臣) tới lẫn nhau. Hơn nữa, các nước phiên thuộc và chư hầu này hầu như rõ ràng là không nằm dưới quyền cai trị của hoàng đế Trung Hoa, và cũng không phải là là một phần của đất nước hay đế quốc Trung Hoa.

- Cuối cùng, các yêu sách lịch sử của Trung Quốc viện dẫn tới hai đế chế Mông Cổ (1279-1367) và Mãn Châu (1644-1911) khi Trung Quốc bị đánh bại và đặt dưới quyền cai trị của nước ngoài. Việc Trung Quốc bị thua có thể thấy rõ khi đọc nỗi tuyệt vọng của các học giả Trung Quốc vào thời đó, tuy nhiên những nhà cai trị Trung Quốc hiện nay lại bóp méo lịch sử Trung Quốc với việc giả vờ rằng việc cai tri này chỉ đơn giản là của các “sắc dân thiểu số” của Trung Quốc. Trung Quốc ngày nay đưa ra yêu sách dựa trên đế chế Mông Cổ hay Mãn Châu cũng giống như Ấn Độ yêu sách Singapore vì cả hai đều là đồng thời là thuộc địa của đế quốc Anh hay Việt Nam yêu sách Algeria vì cả hai đều đồng thời là thuộc địa của đế quốc Pháp.

Bây giờ chúng ta xét các yêu sách cụ thể hơn đối với biển Đông và biển Hoa Đông.


Biển Đông

Hình 1 cho thấy các yêu sách mâu thuẫn nhau trên biển Đông. Cho đến nay Trung Quốc là nước đưa ra là yêu sách lớn nhất đới với biển Đông, một yêu sách chạy dọc theo bờ biển Việt Nam và tiến gần sát bờ biển của Indonesia, Malaysia, Brunei, và Philippines. Yêu sách của Trung Quốc, kéo dài ra xa khoảng 1 600 km (1.000 dặm) về phía nam của đảo Hải Nam của Trung Quốc, khó có thể biện hộ về mặt địa lí.

File:Schina sea 88.png
Hình 1. Các yêu sách mâu thuẫn nhau trên biển Đông
Nguồn: Cơ quan Tình báo Trung ương Mĩ (có ở http://en.wikipedia.org/wiki/File:Schina_sea_88.png).

Hình 2, bản đồ chính thức của Trung Quốc của tỉnh Hải Nam, cho thấy rằng hình 1 thật sự thể hiện chính xác các yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông.



Hình 2. Bản đồ chính thức của tỉnh Hải Nam của Trung Quốc
Nguồn: chính quyền tỉnh Hải Nam (www.hainan.gov.cn/code/V3/en/images/map-of-hainan-large.jpg).

Tài liệu “Bằng chứng lịch sử” của Trung Quốc bắt đầu cung cấp thêm bằng chứng về biển Đông tính từ thời nhà Minh (1368-1644) .[4] Tuy nhiên trong nhiều thế kỉ trước triều đại nhà Minh, tàu thuyền của các thương nhân Ả Rập và Đông Nam Á đã dầy đặc trên biển Đông và Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng có tham gia vào việc giao thương này, mặc dù người Ả Rập và người Đông Nam Á giữ vai trò chi phối. Nói theo cách của Edward Dreyer, một nhà sử học hàng đầu về nhà Minh, “tiếng Ả rập. . . là ngôn ngữ chung (lingua franca) của người đi biển từ Nam Trung Quốc đến bờ biển châu Phi.”[5]

Tầm quan trọng của thương nhân Ả Rập là rõ ràng theo nhiều cách khác nhau. Trong suốt triều đại nhà Đường (618-906), một cộng đồng thương nhân người nước ngoài “chủ yếu là người Hồi giáo [sống] ở Canton (Quảng Châu). Canton đã bị các phiến quân Hoàng Sào [Huang Chao/黄巢] người Trung Quốc cướp phá năm 879, và tường thuật sinh động nhất về vụ thảm sát theo sau đó viết bằng tiếng Ả Rập chứ không phải tiếng Trung.”[6]

Trước thời nhà Tống, chi phối thương mại ở biển Đông và Ấn Độ Dương không phải là người Trung Quốc. Theo lời của Dreyer, “Mặc dù Trung Quốc có tầm quan trọng cao trong nền giao thương này, trước thời nhà Tống (960-1276) các tàu Trung Quốc, các thương nhân và thủy thủ Trung Quốc không là những kẻ tham gia quan trọng. Trước đó rất lâu, việc đi lại giữa Trung Quốc và Ấn Độ được thực hiện bằng các tàu lớn với các tàu tiếp liệu chạy kèm. Sư Pháp HIển [Faxian / ] người Trung Quốc đi hành hương trên một con tàu buôn lớn năm 413. . . . Những con tàu lớn nhất vào thời sư Pháp Hiển là. . . rất lớn . . . [n]hưng chúng là của người Indonesia, không phải của người Trung Quốc. “[7]

Đế quốc Mông Cổ có phái Chu Đạt Quan ( ) người Trung Quốc làm sứ giả đến Angkor (nay là Campuchia) vào năm 1296-1297. Các ghi chép của Chu Đạt Quan cho ta một nguồn thông tin quan trọng về cuộc sống hàng ngày ở Angkor vào thời điểm đó, và hiện nay có hai bản dịch tiếng Anh khác nhau đã được công bố.[8] Tất nhiên, Angkor là một nước ngoại quốc bên ngoài đế quốc Mông Cổ, và Chu Đạt Quan chẳng giả vờ để nói khác đi.

Đầu triều đại nhà Minh, trong thời gian trị vì của Hoàng đế Vĩnh Lạc (Yongle/永樂) (r. 1403-1424) và các vua kế vị, triều đình nhà Minh phái đô đốc nổi tiếng Trịnh Hòa ( ) thực hiện 7 chuyến đi tới các khu vực Đông Nam Á, Nam Á , và bờ biển đông châu Phi từ năm 1405 đến năm 1433. Trịnh Hoà có đội tàu lớn với nhiều “báu thuyền” (baochuan/寶船), có lẽ là những tàu gỗ lớn nhất từng được đóng. Nhưng các chuyến đi của Trịnh Hòa không phải là các chuyến khai phá. Trên thực tế, Dreyer viết, “Điểm đến của Trịnh Hòa là các cảng thương mại thịnh vượng nằm trên các tuyến đường thương mại qua lại thường xuyên và. . . các chuyến đi của ông đã sử dụng các kĩ thuật đi tàu và các chi tiết của chế độ gió mùa đã được những người đi biển Trung Quốc biết đến từ thời nhà Tống (960-1276) và các  thủy thủ Ả Rập và Indonesia biết đến nhiều thế kỉ trước đó.”[9] Các chuyến đi của Trịnh Hoà, cũng giống như những chuyến đi của người Bồ Đào Nha vài thập kỉ sau đó, “bị thu hút bởi một hệ thống thương mại đã đi vào hoạt động.”[10] Cũng giống như người Bồ Đào Nha sau này, có nhiều khả năng Trịnh Hoà sử dụng các hoa tiêu Ả Rập ở nửa phía tây của Ấn Độ Dương.

Các chuyến đi của Trịnh Hòa nhằm mục đích đưa các nước khác nhau vào hệ thống triều cống của Trung Quốc. Chừng nào mà các chuyến đi còn tiếp tục thì điều đó còn thành công, nhưng lực lượng quân sự to lớn của đội tàu Trịnh Hoà, với hơn 27 000 người (chủ yếu là binh lính), có nghĩa là sức mạnh tiềm năng luôn luôn là một yếu tố chính trong các chuyến đi này và bạo lực đã được sử dụng trong 3 trường hợp.[11]

Tiểu sử của Trịnh Hòa trong Minh sử (Mingshi ) cho thấy tầm quan trọng của ‘bàn tay sắt trong chiếc găng nhung’: “Rồi họ đi tiếp tới nhiều nước khác nhau. . . . Những ai không chịu thần phục sẽ bị bình định bằng vũ lực.”[12] Các chuyến đi của Trịnh Hoà quả có một ảnh hưởng nào đó. Sự trỗi dậy của Malacca (Melaka) thành một cảng giao thương trong chừng mức nào đó là nhờ sự hậu thuẫn của Trịnh Hoà.[13] Nhưng, “Sau khi vua thứ ba của Malacca cải sang đạo Hồi năm 1436, Malacca đã thu hút một số lượng ngày càng tăng hàng hoá giao thương của Ấn Độ Dương và biển Đông tới cảng của mình, phần lớn trong số đó được vận chuyển trên các tàu do các thương nhân Hồi giáo phái đi, với nhân viên trên tàu là người Hồi giáo . . . . [Sau thời Trịnh Hòa] mô hình giao thương này, bấy giờ phần lớn trong tay người Hồi giáo, kéo dài cho tới khi người Bồ Đào Nha xuất hiện.”[14]

Do các chuyến đi của Trịnh Hoà rất tốn kém, cũng như do mối quan ngại triều Minh với Mông Cổ trên biên giới phía Bắc, Trung Quốc quay hướng vào phía trong và về phía Bắc: “Lệnh [của nhà Minh] cấm đóng các tàu đi biển và cấm giao thương với nước ngoài vẫn có hiệu lực, và những tư nhân Trung Quốc vi phạm lệnh cấm này đi ra khỏi biên giới của đế quốc Minh và không còn là đối tượng quan tâm của chính quyền.”[15] Với một chính sách đối ngoại hướng về phía bắc cùng với việc cấm đóng các tàu đi biển và cấm giao thương với nước ngoài, Trung Quốc thời nhà Minh đã rút lui khỏi biển. Như tôi sẽ cho thấy, chính sách này cũng ảnh hưởng đến biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, trước khi chuyển sang biển Hoa Đông chúng ta hãy xem xét một lập luận khác được sử dụng để chứng minh rằng Trung Quốc sở hữu các khu vực xung quanh biển Đông. Lập luận này nhấn mạnh việc phát hiện các đồ sành sứ và các mảnh vở gốm Trung Quốc. Như đã lưu ý phía trên, biển Đông là một trung tâm giao dịch đầy các tàu chở nhiều loại hàng có giá trị, trong đó có đồ sành sứ của Trung Quốc và hương liệu của Đông Nam Á. Nhưng hầu hết các tàu chở hàng này là của Đông Nam Á hay Ả Rập. Việc không phân biệt [nguồn gốc của] hàng hoá trên tàu với [nguồn gốc của] tàu chở hàng đã ảnh hưởng đến phân tích của ít nhất một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia vào ngày 24 tháng 10 năm 2003, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói, “Hồi thập niên 1420, các đội tàu do nhà Minh Trung Quốc phái đi đã đến bờ biển Australia.”[16] Chủ tịch Hồ Cẩm Đào muốn nói tới Trịnh Hoà, nhưng chúng ta biết rõ lộ trình các chuyến đi của Trịnh Hoà, và lộ trình đó không có Australia.[17] Thật ra, người bản địa Australia từ lâu đã giao thương với người Macassar sống ở Sulawesi thuộc Indonesia hiện nay, và những đồ sành sứ Trung Quốc như thế rất có thể từ việc giao thương này, chúng bao gồm cả hải sâm và gỗ.[18] Việc giao thương giữa người bản địa bắc Australia và người Macassar đã dẫn đến việc nhiều từ Macassar trở thành một phần không thể thiếu trong các ngôn ngữ người bản địa ở phía bắc Australia,[19] nhưng không cung cấp bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc từng đến bờ biển Austrlia trước thế kỉ 19.

“Bắng chứng lịch sử” không đá động tới một yêu sách lịch sử quan trọng hơn: cái gọi là “đường 9 vạch” ở biển Đông. Nguồn gốc của đường này tính từ năm 1933, khi đó Ủy ban thẩm tra bản đồ đẩt và biển (Thuỷ lục địa đồ thẩm tra uỷ viên hội) của Trung Hoa Dân Quốc được hình thành. Còn theo quy ước thì sự xuất hiện công khai của cái gọi là bản đồ đường 9 vạch (hình 3) là vào năm 1947, mặc dù một số nguồn cho ngày công bố của nó sớm hơn vào tháng 12/1946[20] hoặc muộn hơn vào tháng 2/1948.[21] Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949, Thủ tướng Chu Ân Lai (周恩來) chấp nhận đường 9 vạch cũng hiệu lực cho nước Cộng hòa nhân dân, mặc dù ngày xảy ra việc này theo các nguồn khác nhau là không thống nhất. Kể từ đó, đường 9 vạch đã thay đổi, với các phiên bản chính thức khác nhau có 9, 10, và 11 vạch. Tuy nhiên, yêu sách bản đồ này chẳng thêm chút gì vào bằng chứng lịch sử về bất kì “chủ quyền” nào đối với biển Đông.

Hình 3. Bản gốc bản đồ đường 9 vạch do Trung Hoa Dân Quốc phát hành trong cuối thập niên 1940 (Nam hải chư đảo vị trí đồ)


Biển Hoa Đông 
.......................................................................
........................................................................
........................................................................

Kết luận

Nỗ lực hiếu chiến của Trung Quốc để thực thi yêu sách của mình ở biển Đông và biển Hoa Đông đe dọa hòa bình ở châu Á. Trong thương lượng với Trung Quốc về những vấn đề này, Hoa Kỳ và các nước có yêu sách đối với hai vùng biển này nên làm cho thật rõ ràng rằng họ không chấp nhận cái gọi là yêu sách lịch sử của Trung Quốc. Chúng ta phải lưu ý rằng những yêu sách này không có cơ sở lịch sử và người Trung Quốc sử dụng các yêu sách dối trá này trong các nỗ lực bành trướng lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Thật không may, cho đến nay Trung Quốc đã không thể hiện bất kỳ sự sẵn sàng để thực hiện các bước có thể dẫn đến hòa bình đích thực trong tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông. Ví dụ, để đáp ứng với sáng kiến của Philippines gần đây cùng ra một tòa án quốc tế, Tòa Trọng tài Thường trực, một bài bình luận trên tờ Nhân dân đáp trả: "Hành động của phía Philippines là chống lại luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử cũng như trái với đạo đức và các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế [chữ nghiêng thêm vào]."[22] Một lời tấn công của Trung Quốc diện rộng như thế đối với đề nghị của Philippines, trong đó có việc cho rằng Philippines đang hành động vô đạo đức, cho thấy rằng Trung Quốc không sẵn sàng để thực hiện bất kỳ sự nhượng bộ nào và cũng không tìm kiếm giải pháp đích thực nào cho các tranh chấp.

Tương tự như vậy, đoạn cuối cùng trong sách trắng "Đảo Điếu Ngư" của Trung Quốc cũng thể hiện sự không sẵn lòng để thực hiện ngay cả một nhượng bộ nhỏ.

Trung Quốc mạnh mẽ thúc giục Nhật Bản tôn trọng lịch sử và luật pháp quốc tế và ngưng ngay tất cả các hành động phá hoại chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có sự cương quyếtvà ý chí không gì lay chuyển để duy trì chủ quyền lãnh thổ của quốc gia. Họ có sự tự tin và khả năng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và lsự toàn vẹn ãnh thổ của Trung Quốc.[23]

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, các yêu sách của Trung Quốc về mặt "lịch sử và luật pháp quốc tế" không cho thấy rằng Trung Quốc có chủ quyền tại quần đảo Senkaku.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục nỗ lực để đạt được một nền hòa bình công chính ở biển Đông và biển Hoa Đông, triển vọng của việc Trung Quốc chấp nhận bất kỳ đề nghị hợp lí tôn trọng lịch sử và địa lí dường như còn  xa với. Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và các nước quan tâm khác như Hoa Kì và Úc cũng phải duy trì một khả năng quân sự mạnh mẽ để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược đồng thời với nỗ lực để thương lượng một giải pháp hòa bình với Trung Quốc.


J. Bruce Jacobs là giáo sư danh dự về Ngôn ngữ và Nghiên cứu châu Á tại Đại học Monash ở Melbourne, Australia.

======================
Chú thích (của ND):

* Câu này theo tôi nghĩ, BNG TQ đã cố tình lươn lẹo khi dịch sang tiếng Anh, theo logic và cấu trúc ngữ pháp của câu đáng lẽ phải hiểu như thế này: [Ở] chỗ đầu các rạn đá ngầm trong Trướng hải (Trướng hải khí đầu), nước thì cạn (thuỷ thiển) nhưng [lại] có nhiều đá nam châm (nhi đa từ thạch), Còn Trướng hải có phải là biển Đông hay không lại còn là một chuyện khác rắc rối hơn như tác giả có nêu về điều khó thứ nhấti. Dù Trướng hải có là biển Đông hay không thì câu này chỉ là một mô tả về biển chứ không có ý gì, dù là ngầm nói biển Đông thuộc TQ. Chưa kể, câu đầy đủ có phần đuôi rất hoang đường: ‘Người đi tuần bằng tàu lớn có vỏ bằng các lá sắt khi tới gần khu vực này thì bị hút không vượt qua được’ (外繳人乘大船, 皆以鐵探探之. 至此關, 以磁,不得過: ngoại chước nhân thừa đại thuyền, giai dĩ thiết tham tham chi. Chí thử quan, dĩ từ, bất đắc quá). Và phần đuôi này cùng toàn câu cho thấy đó là một sự việc kì lạ đúng như phản ánh của tên sách là ‘Dị vật chí’ (sách ghi chép những điều kì lạ). Chưa kể tên đầy đủ cùa sách là Giao Châu Dụ vật chí (những chuyện kì lạ ở xứ Giao Châu - TQ chỉ coi là phiên thuộc chứ không phải chuyện trong nước TQ, như tác giả nêu ở điều khó thứ hai). 




[1] . Xem bản văn “Bắng chứng lịch sử” ở www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/topics_665678/3754_666060/t19231.shtml.
[2] Phòng Thông tin Quốc vụ viện Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, “Đảo Điếu ngư, lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc,” tháng 9/ 2012; xem bản tiếng Anh ởwww.gov.cn/english/official/2012-09/25/content_2232763.htm, và bản tiếng Trung ở http://news.xinhuanet.com/2012-09/25/c_113202698.htm.
[3] “Bằng chứng lịch sử.” Xem thêm thông tin về Dương Phu ở http://en.wikipedia.org/wiki/Yang_Fu_%28Han_Dynasty%29http://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%A5%8A%E9%98%9C. Thật ra, đóng góp chính của Dương Phu là vào thời Tam Quốc chứ không phải vào thời Đông Hán.
[4] "Bằng chứng lịch sử", đặc biệt là phần B và C.
[5] Edward L. Dreyer, Zheng He: China and the Oceans in the Early Ming Dynasty, 1405–1433 [Trịnh Hoà: TQ và đại dương vào đầu triều đại nhà Minh, 1405-1433] (New York: Pearson Longman, 2007), 7.
[6] Như trên, 37.
[7] Như trên, 37–38.
[8] Chou Ta-Kuan (Chu Đạt Quan), The Customs of Cambodia [Phong tuc của Campuchia] (Bangkok: Siam Society, 1987, 1992, 1993); và Chu Đạt Quan, A Record of Cambodia: The Land and Its People, trans. [Ghi chép về Campuchia: Đất nước và con người, bản dịch]. Peter Harris (Bangkok: Silkworm Books, 2007). Tên tiếng Trung cuốn sách của Chu Đạt Quan là Chân Lạp phong thuỷ kí [Zhenla fengtuji /真 臘 風土 記].
[9] Dreyer, Zheng He, 182
[10] Như trên, 175.
[11] Như trên, 28–29 và các sách khác.
[12] Minh sử 304.2b-4b, như dịch trong Dreyer, Zheng He, 187-88. Lời văn bằng tiếng Trung chữ giản thể là: "以次 遍历 诸番 国 ... 不服 则以 武 慑 之" [dĩ thứ biến lịch chư phiên quốc ... bất phục tắc dĩ vũ nhiếp chi: khi đi ngang qua các nước phiên… không chịu thần phục thì dùng vũ lực để uy phục]. Xem tiểu sử của Trịnh Hoà trong bản gốc Minh sử ở www.guoxue.com/shibu/24shi/mingshi/ms_304.htm.
[13] Dreyer, Zheng He, 46.
[14] Như trên, 175.
[15] Như trên
[16] Văn bản của bài phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào trước quốc hội Austrlia, xem Australian Parliament House of Representatives, "Address by the President of the People’s Republic of China” [Phát biểu của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], ngày 23 tháng 10 năm 2003, 166-71, www.aph.gov.au/binaries /library/pubs/monographs/kendall/appendone.pdf. Trích dẫn từ 166.
[17] Dreyer, Zheng He.
[18] Về giao thương giữa người bản địa Bắc Australia và người Macassar, xem "Macassan Traders," Australia: The Land Where Time Began [Vùng đất mà từ đó thời gian bắt đầu], ngày 30 tháng 9 năm 2011, http://austhrutime.com/macassan_traders.htm ; Rupert Gerritsen, "When Did the Macassans Start Coming to Northern Australia?” [người Macassar bắt đầu đến Bắc Australia khi nào?" http://rupertgerritsen.tripod.com/pdf/published/Djulirri_Rock_Art.pdf ; và Marshall Clark và Sally K. May (eds.), Macassan History and Heritage: Journeys, Encounters and Influences [Lịch sử và Di sản Macassar: hành trình, gặp gỡ và những ảnh hưởng] (Canberra: ANU E Press, 2013), dẫn nhập, http://epress.anu.edu.au/apps/bookworm/view/Macassan+History+and+Heritage/10541/ch01.xhtml#toc_marker-4.
[19] Kate Humphris, “Macassan History in Arnhem Land,” 105.7 ABC Darwin, July 29, 2009, www.abc.net.au/local/stories/2009/07/21/2632428.htm.
[20] Erik Franckx and Marco Benatar, “Dots and Lines in the South China Sea: Insights from the Law of Map Evidence,” Asian Journal of International Law 2 (2012): 90–91.
[21] Zhiguo Gao and Bing Bing Jia, “The Nine-Dash Line in the South China Sea: History, Status, and Implications,” American Journal Of International Law 107 (2013): 102–03.
[22] "Bình luận đưa ra những lí do của Trung Quốccho việc từ khước Trọng tài trong vấn đề biển Đông", Tân Hoa xã, ngày 01 tháng 4 năm 2014, http://english.people.com.cn/90883/8584641.html hoặc http://news.xinhuanet.com/english/china/2014-04/01/c_133228152.htm.

[23] “Diaoyu Dao.”

No comments: