Thursday, July 5, 2012

Một góc nhìn về hiệu lực của công hàm 1958


Một góc nhìn về hiệu lực của công hàm 1958





Mấy tuần nay, sau khi có sự “đồng thuận” giữa Trung Quốc và Việt Nam sau chuyên đi Bắc Kinh của thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn, các phương tiên truyền thông chính thức của Trung Quốc đã nhắc đến công hàm của thủ tướng  Phạm Văn Đồng gởi thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 như một cơ sở cho việc đòi hỏi chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (HS-TS), dư luận người Việt trong và ngoài nước muốn Nhà nước giải thích rõ hơn về nội dung của sự “đồng thuận” này cũng như quan điểm của Nhà nước đối với công hàm này.  Trong kiến nghị về phát triển và bảo vệ đất nước mới đây của một số nhân sĩ  gởi Quốc Hội và TƯ đảng Cộng sản Việt Nam cũng có đề nghị Nhà nước giải thích trước toàn dân và dư luận thế giới bối cảnh ra đời, nội dung thực chất và giá trị pháp lý của công hàm này.  Chúng tôi không rõ quan điểm của Nhà nước thế nào cũng như chưa rõ  những gì trong “đồng thuận” đó, tuy nhiên dựa trên lí lẽ thông thường (common sense) xin có một vài ý kiến về hiệu lực pháp lí của công hàm này như sau.

Công hàm nói trên do thủ tướng Phạm Văn Đồng của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) kí vào ngày 14/9/1958 để bày tỏ sự tán thành và tôn trọng tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc về hải phận của CHNDTH (có nêu phạm vi áp dụng bao gồm cả Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) trong đó[i]).  Lưu ý rằng nước VNDCCH vào tháng 9/1956 không phải là nước VNDCCH năm 1945.  Nước VNDCCH năm 1945, theo tuyên bố, có lãnh thổ là toàn bộ lãnh thổ của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN) hiện nay, còn nước VNDCCH lúc đó về phía Nam chỉ đến vĩ tuyến 17 mà thôi.  Các đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hầu hết hoặc hoàn toàn có vị trí địa lí[ii] phía dưới vĩ tuyến này và đang do Nhà nước VNCH quản lí và kiểm soát (lập thành đơn vị hành chánh, có đóng quân thường trực hoặc không thường trực và khai thác kinh tế...).

Mặc dù theo hiệp định Genève 1954 thì vĩ tuyến 17 chỉ là ranh giới tạm thời để tập kết quân của hai bên nhưng thực tế đó là biên giới chính thức của hai nước VNCH và VNDCCH trễ nhất là vào tháng 7/1957.  Lịch sử cho thấy, ngày 26/10/1955 miền Nam Việt Nam đã tổ chức trung cầu dân ý và thành lập nước VNCH được nhiều nước công nhận.  Còn chính phủ VNDCCH ở miền Bắc Việt Nam, sau khi thương lượng tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo hiệp định Genève không thành nên kể từ 7/1956 chỉ lo củng cố và ổn định phần lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở ra và thế giới chỉ biết VNDCCH có lãnh thổ chừng đó mà thôi.

Như vậy, tới thời điểm đó, VNDCCH và VNCH trên thực tế là hai nước có lãnh thổ riêng biệt chỉ có đường biên giới chung trên đất liền là sông Bến Hải (vĩ tuyến 17). Hơn nữa, khác với Trung Quốc  chủ trương chỉ có một nước Trung Hoa và chính thức công bố chủ trương đó với toàn thế giới, từ 1956 cho đến thời điểm đó chính phủ của cả hai nước VNDCCH lẫn VNCH chưa từng chính thức công bố với thế giới chủ trương một nước Việt nam (mặc dù lúc này, lúc khác có thể có những phát biểu nội bộ thể hiện ý chí, ước muốn về một nước Việt Nam thống nhất).  Điều này cũng thể hiện nhất quán thậm chí cho đến sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975, phản ánh trong việc thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam năm 1960, việc thành lập chính phủ lâm thời nước Cộng Hoà miền Nam Việt Nam (CHMNVN) vào năm 1969, trong việc tham gia và kí hiệp định bốn bên ở Paris 1972, trong hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước giữa VNDCCH và CHMNVN sau 1975 và trong các tuyên bố đối ngoại khác nhau của hai chính phủ này[iii].  Với thực tế đó, trong quan hệ quốc tế những gì mà chính phủ VNDCCH hay VNCH tuyên bố/hành động đơn lẻ không thể xem là đó là tuyên bố/hành động của cả hai nước này hay của cả nước Việt Nam cũ.  Đặc biệt, xét về mặt chủ quyền đối với HS-TS, VNDCCH chỉ là nước thứ ba không có tư cách chính thức để thừa nhận hay bác bỏ tuyên bố chủ quyền của hai nước liên quan (CHNDTH và VNCH).  Giống như trường hợp CHDCND Triều Tiên, nếu có những tuyên bố liên quan đến lãnh thổ thì các tuyên bố này không thể có hiệu lực dưới vĩ tuyến 38 (vì thuộc sự kiểm soát của Cộng Hoà Hàn Quốc).

CHXHCNVN hiện nay không phải chỉ là tiếp nối của VNDCCH mà còn tiếp nối của cả VNCH.  Như thế, khi xét về mặt chủ quyền HS-TS, CHXHCNVN chỉ kế thừa công hàm đang nêu của VNDCCH với tư cách nước thứ ba như phân tích ở trên, trong khi đó lại kế thừa VNCH (và cả CHMNVN) với tư cách là nước trực tiếp liên quan đã từng tuyên bố chủ quyền nhiều lần, thực tế thực hiện quyền chủ quyền và  cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối những vi phạm chủ quyền đối với hai quần đảo này cho tới lúc có công hàm trên và sau này.  Cũng lưu ý thêm là chính phủ lâm thời CHMNVN (chính phủ đối lập của chính phủ VNCH) cũng không tuyên bố điều gì có hại đối với chủ quyền hai quần đảo này cả.  Do đó, nếu vận dụng thuyết estoppel[iv] cho CHXHCNVN trong tranh chấp chủ quyền ở HS-TS có vẻ là một điều khiên cưỡng.  Cũng để ý thêm rằng các điều kiện để áp dụng thuyết estoppel cũng không được thoả mãn đầy đủ[v] đối với những tuyên bố trong công hàm này. Vì thế cá nhân chúng tôi cho rằng tiến sĩ công pháp Monique Chemillier-Gendreau hoàn toàn có lí khi viết:

“Dans ce contexte, les declarations ou prise de position éventuelles des autorités du Nord Vietnam sont sans consequences sur le titre de souveraineté. Il ne s’agit pas du gouvernement territorialement competent à l’égard des archipels. On ne peut renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité…” (“Trong bối cảnh đó, những lời tuyên bố hoặc lập trường nhất thời của chính quyền miền Bắc Việt Nam không có hệ quả gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên các quần đảo này.  Người ta không thể từ bỏ về những gì người ta không có quyền…”)

Tóm lại, công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xét trên bối cảnh lịch sử như phân tích bên trên chỉ có giá trị như một tiếng nói ủng hộ của một nước đối với chủ trương của một nước anh em đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với những gì có liên quan tới mình trong chủ trương đó.   Mọi diễn giải nội dụng công hàm để cho rằng nước VNDCCH lúc đó thừa nhận chủ quyền của CHNDTH đối với HS-TS là không có cơ sở vì VNDCCH lúc đó chỉ đóng vai trò là một nước thứ ba không có tư cách chính thức để làm điều đó.[vi]

Nhân đây, cũng xin nói thêm chuyện bên lề liên quan công hàm gây rắc rối này.  Do phức tạp về mặt lịch sử của công hàm như đã nêu trên nên không phải ai cũng thấy được rằng nó không có hiệu lực trên vấn đề chủ quyền HS-TS.  Lợi dụng điều này, phiá Trung Quốc luôn dùng nó để củng cố lập luận của họ trong tranh cãi về chủ quyền  HS-TS với Việt Nam.  Từ đó tạo ra ấn tượng trong nhiều người rằng vì công hàm này mà chủ quyền đất nước ta bị tổn thương. Do đó, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước đã khiến một  số người bức xúc phản đối/kết án rằng đây là công hàn bán nước, công hàm cắt đất...  Cá nhân chúng tôi hết sức thông cảm nổi bức xúc trong các phản đối/ kết án đó nhưng xét kĩ ra điều này có vẻ không có lợi cho việc đấu tranh giành lại chủ quyền của chúng ta đối với HS-TS.  Bởi vì, người ngoài nhất là phía Trung Quốc có thể lợi dụng tuyên truyền với thế giới rằng chính chúng ta cũng đồng ý với họ rằng công hàm này có hiệu lực pháp lí (theo nghĩa VNDCCH là nước trực tiếp liên quan không phải là nước thứ ba trong vấn đề chủ quyền HS-TS nên có thể “bán”, “cắt”...đất).  Như vây, vô hình trung chỉ làm lợi cho Trung Quốc.  Cũng trong ý nghĩa đó cá nhân chúng tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến của nhiều người khác và kiến nghị mới đây của các nhân sĩ trí thức yệu cầu chính phủ CHXHCNVN sớm có giải thích trước nhân dân và thuyết phục thế giới lập trường của mình về công hàm này trước sự xuyên tạc của phía Trung Quốc

Một điều khác có liên quan ở đây là cũng cần nên kiểm tra xem chính phủ CHNDTH có gởi tuyên bố về hải phận 4/9/1958 của họ cho VNCH (nước trực tiếp liên quan đang kiểm soát phần lớn các đảo của HS và TS) hay không.  Nếu không có, thì đây có thể là một sơ sót pháp lí có lợi cho ta. Còn nếu có, thì cần tìm hiểu phản ứng nếu có của chính phủ VNCH về tuyên bố này.  Dù theo hướng nào, việc này đều có tác dụng góp phần làm vô hiệu hoá sự xuyên tạc của phía Trung Quốc về công hàm nói trên.  Chúng tôi không có điều kiện để làm các việc này.






[i] Có một số nguồn cho rằng tuyên bố 1958 của TQ có đính kèm bản đồ vẽ biên giới lãnh hải có chứa HS-TS trong đó, chúng tôi vẫn còn nghi vấn điều này vì theo scan bản gốc số Beijing Review, được cho là bản tiếng Anh gốc nhất, không có bản đồ và chúng tôi cũng chưa thể kiểm chứng được là bản gửi cho Hà nôi có kẻm bản đồ hay không.
[ii] Hoàng Sa : 15°45’ tới 17°15’ B, Trường Sa:7°52’ tới 11°05’B (có thể chưa thật chính xác),cũng lưu ý rằng vĩ tuyến 17 chỉ là một  cách nói tiện lợi do sông Bến Hải gần như trùng khớp với vĩ tuyến này, còn biên giới thực tế thì còn tuỳ thuộc địa hình và tình hình cụ thể không nhất thiết phải thật thẳng theo đúng vĩ tuyến này.

[iii] Chẳng hạn, theo Todd C. Kelly trong Vietnamese Claims to the Truong Sa Archipelago, Fall 1999, Center for Southeast Asian Studies, University of Hawaii: “During this period [1956], Saigon no longer spoke for all of Vietnam”. (Trong thời kì đó, Sài Gòn không còn phát biểu cho toàn thể Việt Nam)

[iv] Estoppel là một nguyên tắc theo đó một quốc gia không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt động trước kia.
[v] Chẳng hạn, quốc gia đòi áp dụng “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó...
[vi] Tuy nhiên về mặt tình cảm dân tộc, lúc đó miền Bắc không có một tiếng nói phản đối không chính thức nào là một điều gây đau lòng cho toàn dân tộc VN vì HS-TS tuy không thộc lãnh thổ của VNDCCH nhưng là một phần lãnh thổ do cha ông chúng ta để lại với máu và nước mắt trong đó.

No comments: